You are on page 1of 14

MÔI TRƯỜNG ĐẤT, Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẤT

ThS. BS. Huỳnh Thị Ngọc Hai


Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
‒ Đối tượng giảng dạy: Sinh viên Y 2016
‒ Thời gian giảng dạy: 02 tiết
‒ Phương pháp giảng dạy: thuyết trình

Mục tiêu bài giảng:


Sau khi học xong bài này, Sinh viên có khả năng trình bày được:
1. Đại cương: Định nghĩa, vai trò, thành phần, tính chất, quá trình tự làm sạch của đất.
2. Định nghĩa, nguồn gốc, tác nhân gây ô nhiễm đất và đường xâm nhập vào cơ thể.
3. Các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm môi trường đất. Tiêu chuẩn áp dụng cho môi trường đất
theo quy định của Việt Nam.
4. Tác động của ô nhiễm đất tới sức khỏe cộng đồng.
5. Những biện pháp phòng chống ô nhiễm đất.

A. ĐẠI CƯƠNG
Đất là một phần của vỏ Trái đất, nó là lớp phủ của lục địa mà bên dưới nó là đá và khoáng
sinh ra nó, bên trên là thảm thực vật và khí quyển.
Đất là một tài nguyên vô giá nhưng có giới hạn mà tự nhiên đã ban tặng cho con người để
sinh tồn và phát triển, tổng diện tích đất trên Trái đất là 14.777 triệu hecta (ha), với 1.527 triệu
ha đất đóng băng và 13.251 triệu ha đất không phủ băng; trong đó, 12% tổng diện tích là đất
canh tác, 24% là đồng cỏ, 32% là đất rừng và 32% là đất cư trú, đầm lầy. Diện tích đất có khả
năng canh tác là 3.200 triệu ha, hiện mới khai thác hơn 1.500 triệu ha.

I. ĐỊNH NGHĨA ĐẤT


Theo nguồn gốc phát sinh, tác giả Dokuchaev định nghĩa: “Đất là một vật thể tự nhiên
được hình thành do sự tác động tổng hợp của 5 yếu tố là: đá mẹ (mẫu thạch), sinh vật (thực
vật, động vật), khí hậu, địa hình, thời gian”. Các yếu tố trên tương tác phức tạp với nhau tạo
nên sự đa dạng của các loại đất trên bề mặt thạch quyển.
Các loại đá cấu tạo nên đất dưới tác động của khí hậu, sinh vật và địa hình, trải qua thời gian
nhất định dần dần bị phá hủy, vụn nát rồi sinh ra đất. Sau này, nhiều nhà khoa học cho rằng
cần bổ sung thêm một yếu tố cho định nghĩa đất, đặc biệt quan trọng là con người. Chính con
người khi tác động vào đất đã làm thay đổi khá nhiều tính chất của đất đôi khi còn tạo hẳn
một loại đất mới chưa từng có trong tự nhiên, ví dụ đất trồng lúa nước.

II. VAI TRÒ CỦA ĐẤT


1. Là môi trường để con người và sinh vật ở trên cạn sinh trưởng và phát triển.
1
2. Là nơi cư trú cho các động vật và thực vật đất.
3. Là nơi cho các quá trình biến đổi và phân hủy các phế thải khoáng và hữu cơ.
4. Cung cấp sản phẩm nông nghiệp, vật liệu cho xây dựng và nguồn dược liệu quý.
5. Làm nền móng cho tất cả các công trình xây dựng.
6. Nơi giữ nước và cung cấp nước.
7. Nơi lưu giữ những giá trị địa chất, sinh học và lịch sử loài người.

III. THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA ĐẤT


Các loại đất, dù là loại đất nào cũng đều có các thành phần cơ bản đó là:
‒ Chất vô cơ do đá phá hủy tạo thành.
‒ Chất hữu cơ do xác sinh vật phân hủy.
‒ Sinh vật sống trong đất như côn trùng, giun, các loài tảo và vi sinh vật đất. Đây là thành
phần rất quan trọng, đặc biệt là vi sinh vật, bởi vì hầu hết các chu trình chuyển hóa vật
chất xảy ra trong đất đều có sự tham gia của vi sinh vật, chúng phân hủy các chất hữu
cơ, chuyển hóa các chất độc hại làm sạch môi trường đất.
‒ Không khí (O2, N2, CO2) một phần từ khí quyển xâm nhập vào hoặc do đất sinh ra.
‒ Nước chủ yếu từ ngoài xâm nhập vào, vì có hòa tan nhiều chất nên nước trong đất thực
chất là dung dịch đất.
Tỷ lệ các thành phần trên có thể khác nhau tùy theo loại đất, ví dụ như trong đất cát hoặc
đất xói mòn trơ sỏi đá không có thực bì che phủ thì hàm lượng chất hữu cơ rất thấp, ngược lại
đất than bùn thì có hàm lượng chất hữu cơ rất cao. Không khí và nước trong đất cũng thay
đổi nhiều vì hai thành phần này cùng tồn tại trong các lỗ hổng của đất; khi trong một lỗ hổng
có thành phần nước đầy thì thành phần khí sẽ bị đuổi ra ngoài lỗ hổng.

III. TÍNH CHẤT CƠ BẢN CỦA ĐẤT


1. Độ hút ẩm và hấp thụ khí
Khả năng hút ẩm và hút khí rất quan trọng đối với cây trồng vì cây trồng cần phải hút
nước và hô hấp từ đất để sống và phát triển. Đất xốp sẽ có khả năng hút ẩm và hút khí tốt.
2. Độ axit (độ chua) của đất
pH của đất thay đổi tùy thuộc vào sự hiện diện của H+, trung bình từ 5,5 – 7,5.
Độ axit là một trong các chỉ tiêu hóa lý quan trọng của đất và có ảnh hưởng quan trọng
đối với cây trồng. Đất có độ axit (độ chua) cao sẽ không thích hợp cho cây trồng lương thực
(lúa, ngô,…) hay các cây rau quả. Độ chua của đất là do sự có mặt của ion H+ và ion Al3+
trong đất tạo ra.
Những kim loại nặng, một tác nhân chính làm ô nhiễm đất, được cây hấp thụ cũng như dễ
hòa tan vào dòng nước trong lòng đất ở những khu vực đất bị nhiễm axit, việc kiềm hóa đất,
bằng cách bón vôi, là một cách làm giảm những hoạt tính sinh học của kim loại nặng.

2
IV. QUÁ TRÌNH TỰ LÀM SẠCH CỦA ĐẤT
Dưới tác động của không khí, nước, nhiệt độ, độ ẩm và vi sinh vật. Các chất hữu cơ từ xác
động vật và thực vật được biến đổi theo hai quá trình: quá trình khoáng hóa và quá trình mùn
hóa.
1. Quá trình khoáng hóa chất hữu cơ trong đất
‒ Quá trình khoáng hóa chất hữu cơ là quá trình phân giải hoàn toàn chất hữu cơ Gluxit,
Lipit, Protit,… trong đất dưới tác dụng của vi sinh vật để tạo ra các chất vô cơ đơn giản
thực vật hấp thu dễ dàng như các muối khoáng gốc NO3-, CO32-, SO42-, PO43-, các khí
CO2, CH4, H2S, NH3, H2O,… Nó có thể xảy ra trong điều kiện hiếu khí hoặc kỵ khí do
đất ngập nước hoặc các vi sinh vật hiếu khí phát triển nhanh sử dụng hết Oxy trong
đất, sự phân giải các chất hữu cơ do các vi khuẩn kỵ khí thực hiện.
‒ Điều kiện thuận lợi cho quá trình phân giải hiếu khí các chất hữu cơ là: đất tơi xốp và
thoáng khí, nhiệt độ 25 – 300C, độ ẩm thích hợp 70%, pH 6,5 – 7,5.
‒ Ngoài các vi sinh vật, các sinh vật khác sống ở trong đất cũng tham gia vào quá trình
phân giải chất hữu cơ, xúc tiến quá trình tự làm sạch của đất. Đó là các loại giun, dế,
mối, côn trùng, nấm mốc.v.v…
‒ Trong quá trình phân giải các chất hữu cơ, các mầm bệnh như vi khuẩn, trứng ký sinh
trùng sẽ bị tiêu diệt dần dần vì điều kiện sống của chúng không thuận lợi (do nhiệt độ,
bức xạ mặt trời, thiếu oxy, thiếu chất dinh dưỡng, do sự cạnh tranh sinh tồn của các vi
khuẩn không gây bệnh khác .v.v…).

2. Quá trình mùn hóa chất hữu cơ trong đất


Cùng với quá trình phân giải các chất hữu cơ và tiêu diệt các mầm bệnh, ở trong đất còn
có quá trình tạo thành mùn.
‒ Quá trình mùn hóa là quá trình kết hợp các phản ứng phân giải và các phản ứng tổng
hợp chất hữu cơ do vi sinh vật đảm nhiệm để tạo ra một hợp chất hữu cơ phức tạp,
cao phân tử, có chứa các hợp chất cấu tạo mạch vòng (Hydrocarbon thơm) gọi là mùn.
‒ Nguyên liệu để tạo thành mùn là các hợp chất hữu cơ như: protit, lipit, lignin, tanin,….
của xác sinh vật và các sản phẩm phân giải của vi sinh vật. Nhiệt độ thích hợp cho các
vi sinh vật tham gia vào quá trình mùn hóa chất hữu cơ là 25 – 300C, độ ẩm > 70%,
pH 7.
‒ Thành phần mùn rất phức tạp, gồm 3 hợp phần: phần hòa tan được trong kiềm và axít
gọi là axit fulvic, chỉ tan trong kiềm là axit humic và phần không tan trong kiềm lẫn
axit gọi là humin.
‒ Mùn là thành phần hữu cơ quan trọng nhất của đất, mùn thường có màu đen. Tỷ lệ
mùn trong đất càng cao, đất càng phì nhiêu và càng sạch.
‒ Mùn làm cho đất có tính tơi xốp, giữ ẩm, mùn là kho dự trữ thức ăn cung cấp từ,
thường xuyên cho cây và vi sinh vật đất.

3
Trong điều kiện tự nhiên, quá trình mùn hóa các chất hữu cơ diễn ra phức tạp, lâu dài, đã
có những cố gắng theo hướng sản xuất hoạt chất dạng mùn bằng con đường tổng hợp nhân
tạo từ các chất hóa học để làm chất bón cho đất thêm phì nhiêu.

B. Ô NHIỄM ĐẤT
I. ĐỊNH NGHĨA, NGUỒN GỐC, TÁC NHÂN Ô NHIỄM ĐẤT VÀ ĐƯỜNG XÂM
NHẬP VÀO CƠ THỂ
1. Định nghĩa ô nhiễm đất
Ô nhiễm đất là những biến đổi tính chất, thành phần của đất gây nên tác động có hại
tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai lâu dài.

2. Nguồn gốc gây ô nhiễm đất


2.1. Nguồn gốc tự nhiên
Đó là nguyên nhân nằm ngoài sự can thiệp của con người như phun trào núi lửa, động
đất, lũ lụt gây ngập úng đất đai, đất bị hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn,…
‒ Đất bị nhiễm phèn: chủ yếu là nhiễm Fe 2+, Al3+, SO42- làm pH của đất giảm nhiều.
‒ Đất bị nhiễm mặn: do muối trong nước biển, nước triều hay từ các mỏ muối,… gây ra
áp suất thẩm thấu cao gây hạn sinh lý cho thực vật.

2.2. Nguồn gốc con người


Việc đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa và mạng lưới giao thông gây cho đất bị ô
nhiễm do chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải của hoạt động giao thông.
Áp lực tăng dân số đòi hỏi nhu cầu tăng lương thực, thực phẩm ngày càng nhiều và phải
tăng cường khai thác độ phì nhiêu của đất bằng nhiều biện pháp gây ô nhiễm đất do hoạt động
nông nghiệp:
• Tăng cường sử dụng hóa chất như bón phân vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt
cỏ, thuốc trừ sâu), chất kích thích tăng trưởng.
• Mở rộng hệ thống tưới tiêu bằng cách sử dụng nguồn nước thải (nước cống) thành phố,
nước khu công nghiệp chưa qua xử lý cho hoạt động tưới tiêu trong nông nghiệp.
Các nguồn gốc khác do con người:
• Chất thải y tế từ các bệnh viện chưa qua xử lý.
• Ô nhiễm đất do dầu khí đổ trên mặt đất sẽ làm cho đất bị ô nhiễm.
• Chất thải của súc vật từ những chuồng trại chăn nuôi gia súc.

3. Tác nhân gây ô nhiễm đất


Được chia ra 3 nhóm tác nhân sau:
- Các tác nhân vật lý: sự lắng đọng bụi, các chất phóng xạ, nhiệt độ,…
- Các tác nhân hóa học: chất vô cơ hoặc hữu cơ độc hại,…
- Các tác nhân sinh học: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, bào tử nấm,…

4
4. Các đường xâm nhập vào cơ thể con người
Các tác nhân gây ô nhiễm đất có thể xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua 4 đường:
4.1. Đường ăn uống trực tiếp
Trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi khi chơi ngoài trời có thể cho đất vào miệng.
Ở người lớn có thể ăn đất một cách không chủ ý như ăn rau không rửa kỹ. Khi vào trong cơ
thể người, có một số chất độc có thể ngấm vào máu trực tiếp qua niêm mạc vùng hầu họng,
một số khác sẽ xuống ruột, hấp thu qua thành ruột đến gan. Tại gan, các chất độc sẽ quay trở
lại đường ruột qua mật, một số bị phân tích tại gan, tuy nhiên chúng cũng có thể sẽ vào hệ
tuần hoàn gây nên các triệu chứng tại các cơ quan đích. Với những chất độc không thể hấp
thu qua thành ruột, đa phần sẽ vô hại và bị thải ra ngoài theo đường phân, trừ phi chúng có
độc tính với hệ tiêu hóa.

4.2. Đường hô hấp


Với những người làm việc trực tiếp với đất (ví dụ: nông dân) có nguy cơ hít các phân
tử nhỏ trong không khí được giải phóng khi cày xới. Những phần tử nhỏ (≤ 5 µm) có thể vào
tận phế nang, các chất độc từ đó sẽ vào máu. So với đường ăn uống, phơi nhiễm các chất độc
bằng đường hô hấp sẽ nguy hiểm nếu bị phơi nhiễm dài ngày.

4.3. Qua da
Các chất độc trạng thái hơi, các vi sinh vật có thể vào cơ thể người qua đường này.
Các kim loại nặng hầu như không vào được cơ thể người qua đường này, ngoại trừ Chromium
và Thủy ngân vô cơ.

4.4. Các con đường không trực tiếp khác


Các chất gây ô nhiễm đất có thể hòa tan vào trong nguồn nước bề mặt hoặc mạch nước
ngầm, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, các chất ô nhiễm có thể được thực vật hấp
thu từ trong đất, con người tiêu thụ các thực vật này rồi trở nên bị nhiễm. Dioxins, Cadmium,
Arsenic, chì là những chất thường xâm nhập vào nước và các sản phẩm nông nghiệp.

III. TÁC ĐỘNG Ô NHIỄM ĐẤT ĐẾN SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
1. Tác động của tác nhân vật lý đến sức khỏe cộng đồng
1.1. Tác động của bụi, khí thải công nghiệp
Dưới hình thái bụi, hơi khí độc, chất thải rơi xuống đất ở những khoảng cách xa gần
khác nhau so với nơi sản xuất và chính những cây trồng, cây cỏ dùng làm thức ăn cho người
và súc vật mọc trên những mảnh đất bị nhiễm bẩn đó cũng hấp thụ những chất độc kể trên.
Ngoài ra, đất bị ô nhiễm còn là nguồn nhiễm bẩn cho mạch nước ngầm và nước bề mặt.
Nhiều thực nghiệm của các nhà khoa học đã chứng minh rằng:
- Vùng quanh nhà máy Super photphat có hàm lượng Fluor tăng lên trong đất, trong rau, cả
trong sữa bò được nuôi trong vùng xung quanh nhà máy này;
- Đất xung quanh nhà máy luyện kim màu có hàm lượng chì cao;
5
- Đất xung quanh nhà máy sản xuất acid sulfuric có hàm lượng Asen rất cao và rau quả trồng
cách nhà máy 2.000 m vẫn còn có hàm lượng Asen quá tiêu chuẩn cho phép.
1.2. Tác động của nhiệt độ
Nguồn gây ô nhiễm nhiệt trong đất do đốt nương, cháy rừng, núi lửa, sự thải bỏ nước
làm mát của các thiết bị nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện nguyên tử và các nhà máy cơ khí.
Nước làm mát khi thải vào đất có thể làm cho nhiệt độ của đất tăng lên từ 5 – 15oC. Nhiệt độ
trong đất tăng dẫn đến giảm hàm lượng Oxy và quá trình phân hủy các chất hữu cơ sẽ tiến
triển theo kiểu kỵ khí, tạo ra nhiều sản phẩm trung gian có mùi khó chịu như: NH3, H2S, CH4
và Aldehyt,… độc cho cây trồng, hủy hoại nhiều sinh vật có ích trong đất gây rối loạn, phá
hủy quá trình phân giải chất hữu cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
1.3. Tác động của chất phóng xạ đến sức khỏe cộng đồng
Nguồn gây ô nhiễm đất bởi các chất phóng xạ do các phế thải từ các trung tâm nghiên
cứu phóng xạ, nhà máy điện hạt nhân, các bệnh viện có dùng các chất phóng xạ trong xét
nghiệm và điều trị và những vụ thử vũ khí hạt nhân. Người ta thấy rằng, sau mỗi vụ thử vũ
khí hạt nhân thì chất phóng xạ trong đất tăng lên gấp 10 lần. Các chất phómg xạ sau khi xâm
nhập vào đất đã đi theo chu trình dinh dưỡng tới cây trồng, động vật và con người làm thay
đổi cấu trúc tế bào, gây ra những bệnh di truyền, bệnh về máu, bệnh ung thư.

2. Tác động của tác nhân hóa học đến sức khỏe cộng đồng
2.1. Tác động của phân bón
2.1.1. Tác động của phân vô cơ:
Việc sử dụng phân hóa học vào nông nghiệp trên thế giới ngày càng tăng, ước tính chỉ có
50% Nitơ bón vào đất được cây trồng sử dụng, phần còn lại; một phần được giữ lại trong đất
do bị hấp phụ, một phần bị rửa trôi vào các nguồn nước mặt hay ngấm vào các nguồn nước
ngầm và một phần bay hơi vào không khí dưới dạng khí và hơi gây ô nhiễm môi trường đất,
nước, không khí và nông sản gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài việc ô nhiễm nước do dư lượng Nitrat và Phosphat, các kim loại nặng: Cd, As, Pb
trong phân bón hóa học cũng chứa nhiều, các phân bón hóa học còn làm ô nhiễm thức ăn;
những liều cao của phân bón dùng trong đất trồng làm gia tăng lượng Nitrat trong mô thực
vật; xà lách trồng trên đất bình thường, chứa 0,1% đạm Nitrit so với trọng lượng khô. Con số
này lên đến 0,6% đất bón 600 kg Nitrat/ha. Mồng tơi có thể chứa một lượng đạm Nitrit rất
cao. Người ta cho thấy là Mồng tơi ở Mỹ chứa 1,37 g/kg và ở Ðức là 3,5 g/kg Nitrat trong mô
thực vật. Lượng đạm cao này có tác hại cho sức khỏe con người vì chúng gây chứng
Methemoglobin sẽ đưa đến tình trạng thiếu O2 ở mô. Ngoài ra, khi vào đến ruột, dưới tác
dụng của một số vi khuẩn phân giải Nitrat, Nitrat biến thành Nitrit, Nitrit tác động với acid
amin để tạo thành Nitrosamine là một chất gây ung thư mạnh.
2.1.2. Tác động của phân hữu cơ
Thông thường phân hữu cơ gồm: phân chuồng, phân xanh, phân ủ. Thành phần của phân
tuỳ thuộc vào nguồn chế biến. Nguồn phân hữu cơ gây ô nhiễm đất có thể do cách sử dụng,
nguồn sử dụng để chế biến.
6
Phân chuồng nếu không được ủ đúng kỹ thuật, như nông dân sử dụng phân tươi (phân
chuồng, phân bắc) ngâm ủ chưa đạt thời gian, nông dân đã sử dụng tưới trên cây trồng chứa
rất nhiều các vi sinh (Coliform, E.coli, Clostridium perfingens, Streptococcus, Salmonella,
Vibrio cholera), trứng ký sinh trùng giun trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên rau làm
cho rau không an toàn, gây nhiễm bệnh cho người sử dụng.
Các loại phân hữu cơ hiện nay, như phân chuồng (heo, gà,…) được nuôi từ thức ăn tổng
hợp không còn an toàn cho nông sản như trước, vì trong thành phần của nó có nhiều khoáng
vi lượng (Cu, Zn, Fe, Mn, Co,…). Hàm lượng kim loại nặng chứa trong phân có thể là nguồn
xâm nhập vào đất trồng và tồn lưu trong các loại nông sản phẩm, đặc biệt là các loại rau ăn
lá.
2.2. Tác động của hóa chất bảo vệ thực vật
Để tăng sản lượng lương thực, giảm bớt tác động phá hoại của sâu bệnh, lượng hóa
chất bảo vệ thực vật được sử dụng trong nông nghiệp ngày càng tăng. Hiện nay tình hình ngộ
độc thực phẩm do các hóa chất độc, trong đó có hóa chất bảo vệ thực vật vẫn diễn ra phức tạp
và có chiều hướng gia tăng.
Hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm: thuốc trừ sâu, bệnh (nấm, tuyến trùng…), thuốc
diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng đều là các chất hoá học hữu cơ hay vô cơ.
Các hoá chất này gây ô nhiễm môi trường đất, hoạt tính của chúng là chất độc cho các
động vật và con người. Nó có thể tồn tại lâu trong đất, xâm nhập vào thành phần cây, nhất là
tích luỹ ở các bộ phận của cây, con người sử dụng các sản phẩm này sẽ gây ngộ độc.
Các hóa chất bảo vệ thực vật thường chứa nhiều kim loại nặng như: As, Pb, Hg, Zn,
Cu, Mn… sử dụng nhiều và lâu dài sẽ tồn lưu các kim loại trong đất.
Tác hại khác của thuốc trừ sâu bệnh là sự xâm nhập của nó vào môi trường đất làm
cho cơ lý hoá tính đất giảm sút, mức độ gây hại tương tự như phân bón hoá học. Nhưng khả
năng diệt khuẩn cao nên thuốc trừ sâu bệnh cũng đồng thời tiêu diệt nhiều vi sinh vật có ích
làm các hoạt tính sinh học của đất bị giảm.
Ở Việt Nam, trong chiến tranh chống Mỹ những năm 1961 - 1971, một lượng lớn thuốc
trừ cỏ đã được sử dụng gây nhiều thảm họa cho môi trường, đó là chất độc màu da cam
DIOXIN.
- Dioxin thuộc nhóm hợp chất hữu cơ bền vững, có độc tính cao. Dioxin kết tụ trong
chuỗi thức ăn, con người bị nhiễm dioxins qua thức ăn, chủ yếu là các nhóm thức ăn
thịt, sản phẩm sữa, cá và các loại sò.
- Dioxin có tác động có hại đối với chức năng sinh sản cũng như sự phát triển tâm thần,
gây rối loạn hệ miễn dịch, rối loạn tác dụng của hormones, có thể sinh ung thư. Dioxin
tồn tại ở khắp mọi nơi, con người vốn bị phơi nhiễm với chất này trong môi trường
sống nhưng với nồng độ thấp không gây tác hại đến sức khỏe, tuy nhiên do cấu trúc
hóa học rất bền và có khả năng hấp thu vào mô mỡ nên Dioxin tồn tại rất lâu trong cơ
thể người.
- Nhiễm Dioxin ở nồng độ cao trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây những tổn
thương da (Ban Chlor hay chloracne), tăng men gan. Nhiễm mãn tính Dioxin có liên

7
quan đến tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm sự phát triển hệ thần kinh trung
ương, hệ nội tiết và hệ sinh sản.
- Nhóm tuổi chu sinh nhạy cảm nhất với tình trạng nhiễm Dioxin. Những người thường
xuyên ăn cá, những công nhân làm trong ngành công nghiệp giấy, gỗ đốt hay các chất
thải độc hại thuộc nhóm phơi nhiễm với Dioxin.
- Đất nông nghiệp là một nguồn chứa Dioxin lớn do sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ.
Ngoài ra đất còn bị ô nhiễm Dioxin từ các nguồn như chất thải của việc đốt nhiên liệu gỗ,
các lò đốt rác trong rác có loại plastic, nếu chúng ở nhiệt độ 1200C chúng sẽ bị biến đổi thành
chất Dioxin, chất thải công nghiệp, sự lắng đọng vào đất của bụi phóng xạ trong không khí,
bùn từ chất thải cống rãnh.
Trong đất, Dioxin nằm ở 1mm lớp đất bề mặt, và thời gian bán hủy là 9-15 năm. Ở lớp đất
sâu hơn, chất này có thể tồn tại suốt 25-100 năm. Rất ít Dioxins được tìm thấy trong nước và
không khí.
Ngày nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định cấm sử dụng một số hóa chất trừ sâu độc
hại cao, bền vững trong nông nghiệp và ở Việt Nam cũng đã thực hiện công ước này. Tuy
nhiên, tình trạng ô nhiễm hóa chất trừ sâu ở môi trường Việt Nam vẫn đang là vấn đề thời sự
nóng bỏng do các nguyên nhân sau: tình trạng thiếu kiểm soát hóa chất trừ sâu ở thị trường
trong nước và nhập từ nước ngoài, người nông dân sử dụng nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết nên hiện
tượng lạm dụng sử dụng thừa hóa chất trừ sâu vẫn là phổ biến. Những tác động lâu dài của
hóa chất bảo vệ thực vật trong môi trường, trong thực phẩm, nước uống sinh hoạt vẫn chưa
được nghiên cứu đầy đủ và giám sát một cách có hệ thống.
2.3. Tác động của dầu
Các hiện tượng tràn dầu, rò rỉ dầu gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cho môi
trường đất như làm hủy hoại hệ sinh thái động-thực vật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc
sống con người vì:
• Chỉ cần một lớp dầu bao phủ mặt đất cũng đủ làm cho quá trình trao đổi khí bị cắt
đứt.
• Dầu là chất kỵ nước, khi thấm vào đất, dầu đẩy nước và Oxy ra ngoài.
• Khi xâm nhập vào đất, dầu làm thay đổi kết cấu và đặc tính lý hóa của đất.
• Dầu thấm qua đất xuống mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
• Dầu là hợp chất hữu cơ cao phân tử có đặc tính diệt sinh vật.
2.4. Tác động của kim loại nặng
Một số loại đất vốn chứa rất nhiều kim loại nặng (phụ thuộc các loại đá mẹ khác mà
các đất được hình thành có chứa hàm lượng khác nhau các kim loại nặng). Các hoạt động của
con người như khai thác khoáng sản, luyện kim, trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp,
giao thông vận tải, đốt chất thải sinh hoạt đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm
đất do các kim loại nặng: Hg, As, Cr, Cu, Cd, Co, Sn, Ni, Pb, Zn,… Các kim loại nặng độc
hại này được thải trực tiếp vào đất không qua xử lý hoặc xử lý không triệt để, hoặc được chôn
lấp trong đất, hoặc sự lắng đọng từ không khí khói bụi, rửa trôi của nước bề mặt. Sự tích tụ
kim loại nặng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật thủy sinh gây ảnh hưởng đến sức
khỏe của con người thông qua chuỗi thức ăn. Hoặc từ trong đất theo bộ rễ thực vật các chất
8
độc hại đi vào chuỗi thức ăn gây độc hại cho con người. Hoặc từ đất các chất độc hại làm ô
nhiễm nguồn nước ngầm và ảnh hưởng trực tiếp tới con người.
Trong quá trình xử lý các chất thải, con người chôn nhiều chất có chứa kim loại nặng (rác
thải sinh hoạt, các loại sơn, sản phẩm điện tử, các loại nước thải) vào trong đất, để ngăn chúng
làm ô nhiễm môi trường nước và không khí, tuy nhiên vùng đất này sẽ trở nên nguy hiểm với
con người nếu tiêu thụ cũng như canh tác những vụ mùa trên vùng đất này.
Một số nguyên tố kim loại có tính hòa tan cũng như khả năng di chuyển trong môi trường
nước. Những kim loại này có khả năng phát tán trên một khu vực rộng. Những chất
Carbonates có tính kiềm có khả năng cố định các kim loại trong đất, hạn chế các thể hòa tan
của kim loại.
 Arsenic (As)
Khi một người phơi nhiễm Arsenic trong một thời gian dài, thì màu da sẽ bị biến đổi
đầu tiên, biểu hiện bệnh gây ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh “Bàn chân đen”, ngoài ra
còn gây bệnh thần kinh ngoại biên, các triệu chứng tiêu hóa, viêm kết mạc, đái tháo
đường, suy thận, suy gan, suy tủy xương, phá hủy hồng cầu, cao huyết áp, và các bệnh
tim mạch khác. Phơi nhiễm Arsenic từ 10 năm trở lên có nguy cơ ung thư ở các cơ
quan như da, phổi, gan, thận, bàng quang và tiền liệt tuyến. Arsenic có thể đi qua nhau
thai, nhiễm Arsenic ở thai phụ có thể gây ra thai lưu, sẩy thai, sanh non và tăng nguy
cơ ung thư phổi cũng như các bệnh phổi khác cho trẻ sơ sinh.
 Cadmium (Cd)
Cd gây độc đặc biệt cho thận, thời gian phơi nhiễm càng lâu và nồng độ Cadmium
càng cao thì thận càng suy nặng. Đạm niệu cao là dấu chỉ đầu tiên của ngộ độc thận do
Cadmium. Ngoài ra, Cadmium còn độc hại cho hệ xương, gây loãng xương, xương dễ
gãy.
 Chì (Pb)
Phơi nhiễm chì lâu dài có thể bị giảm trí nhớ, giảm khả năng hiểu, giảm chỉ số IQ, Rối
loạn khả năng tổng hợp hemoglobin dẫn đến bệnh thiếu máu, chì cũng được biết đến
là tác nhân gây ung thư phổi, dạ dày, u thần kinh đệm.
 Thủy ngân (Hg)
Phơi nhiễm với thủy ngân hợp chất có độc tính cao nhất đối với cơ thể người, gây ảnh
hưởng đến sự phát triển của não bộ; mất trí nhớ làm giảm khả năng tư duy, giảm tầm
nhìn và giảm khả năng lao động của con người với triệu chứng cổ điển là run; tứ chi
run rẩy, không điều khiển được hoạt động.
Gần đây, ở Việt Nam có những cảnh báo về các làng ung thư quanh các khu công nghiệp,
nhưng vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.
Các chất thải công nghiệp, phân bón và các hoá chất bảo vệ thực vật ở trong đất gây những
hậu quả và ảnh hưởng không tốt đối với con người trên hai mặt: một là chúng gây tác hại đối
với sức khoẻ con người trực tiếp hoặc gián tiếp qua thực vật, động vật (rau quả, thịt, sữa,
trứng v.v.); hai là chúng kiềm hãm hoặc tiêu diệt các quần thể vi sinh vật của đất, làm rối loạn
một đặc tính quan trọng nhất của đất là tự sạch hoá chất hữu gây ô nhiễm đất mà quá trình
này do vi sinh vật đảm trách. Chính vì vậy việc xử lý các chất thải độc công nghiệp và hạn

9
chế đến mức tối thiểu việc lạm dụng phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật có ý nghĩa quan trọng
đối với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

3. Tác động của tác nhân sinh học đến sức khỏe cộng đồng
Những tác nhân sinh học gây ô nhiễm đất truyền bệnh cho người được chia làm 3 nhóm
theo phương thức lây truyền:
3.1. Phương thức lây truyền Người – đất – người
a/ Đặc điểm chung
Các bệnh lây truyền theo phương thức này đa số là các bệnh lây qua đường tiêu hóa như:
Lỵ trực khuẩn, Lỵ amip, Thương hàn, một số loại giun sán (giun đũa), bênh Tả, một số virus
đường ruột (Poliovirus gây bệnh Bại liệt, ECHO và Coxsackie gây viêm màng não, tiêu chảy,
sốt phát ban, viêm não trẻ sơ sinh).
Các tác nhân gây bệnh này khá bền vững ở môi trường đất tùy thuộc vào tính chất của đất
(độ ẩm, pH, độ mùn) và điều kiện thời tiết khí hậu. Ví dụ: phẩy khuẩn tả tồn tại trong đất 5 –
7 tháng, trực khuẩn thương hàn 4 – 5 tuần.
b/ Cơ chế lây truyền
Các tác nhân gây bệnh đường ruột được đào thải từ người bệnh, người lành mang tác nhân
(phân, nước tiểu, chất nôn) trực tiếp vào đất mà không được xử lý hoặc xử lý không triệt để.
Trong đất các tác nhân tồn tại giữ nguyên bản chất gây bệnh (đa số các vi khuẩn, virus) hoặc
phát triển (trứng giun phát triển trong đất thành ấu trùng hoặc tiền ấu trùng). Con người lây
nhiễm các tác nhân gây bệnh này xảy ra khi sinh hoạt hàng ngày như không rửa tay trước khi
ăn uống, khi chế biến thực phẩm, trong lao động nông nghiệp bị mắc các bệnh giun móc, hoặc
qua các trung gian truyền bệnh mang vào thức ăn (ruồi, gián, chuột).
c/ Đặc điểm dịch tể học
Gặp ở mọi lứa tuổi, có thể gây thành dịch, tỉ lệ mắc cao ở cộng đồng có điều kiện vệ sinh
kém: thiếu nước sạch, thiếu nhà vệ sinh, nghèo, trình độ học vấn thấp, nhận thức vệ sinh thấp
kém trong sinh hoạt hàng ngày, hay sử dụng phân tươi, cầu tiêu ao cá, ăn gỏi thịt cá sống…
d/ Biện pháp dự phòng
Để hạn chế và giảm tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền từ người qua đất sang người, biện
pháp dự phòng quan trọng nhất có tính quyết định là quản lý và xử lý triệt để chất thải của
người trên cơ sở khoa học vệ sinh. Ngoài ra các biện pháp phối hợp là tuyên truyền giáo dục
sức khỏe môi trường, cải thiện cung cấp nước sạch, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi
cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống.

3.2. Phương thức lây truyền Động vật– đất – người


a/ Đặc điểm chung
Cho tới nay, quy luật dịch tễ học, các bệnh dịch động vật vẫn tuân theo quy luật đặc trưng
của nó. Tức là bệnh dịch của động vật chỉ lây truyền trong động vật cùng loài hoặc gần loài
với nhau. Con người có thể bị lây nhiễm khi và chỉ khi ngẫu nhiên rơi vào chu trình dịch của
động vật, đến con người là ngõ cụt; người bệnh không có khả năng lây cho người khác. Ví dụ
điển hình là dịch cúm gà _ cúm A H5N1 đã bùng phát ở Việt Nam năm 2003.

10
Trong một số bệnh của động vật truyền sang người thì đất có thể giữ một vai trò chủ yếu
truyền tác nhân nhiễm khuẩn từ vật nuôi sang người, đó là các bệnh: xoắn khuẩn vàng da do
Leptopirase, bệnh than, dịch hạch, bệnh sốt Q do Rickettsia, một số virus gây bệnh như: lở
mồm long móng ở trâu bò, bệnh dại, cúm A H5N1, viêm não Nhật Bản B,… Các tác nhân
gây bệnh trên có thể tồn tại ở trong đất, bụi từ vài tuần (Leptopirase) đến vài tháng, vài năm
(trực khuẩn than, Rickettsia) tùy thuộc vào tính chất, thành phần của đất.
b/ Cơ chế lây truyền
Nguồn bệnh là động vật bị bệnh, chết. Tác nhân gây bệnh tồn tại ở động vật tùy thuộc vị
trí cảm nhiễm, vị trí đào thải tác nhân mà lây truyền trực tiếp qua người. Ví dụ, người chăn
nuôi, giết mổ súc vật bệnh, ăn thức ăn từ súc vật bệnh.
Con đường thứ hai xảy ra khi tác nhân gây bệnh được đào thải ra môi trường không được
xử lý, chôn lấp không đúng quy tắc vệ sinh, các tác nhân sẽ tồn tại trong đất, bụi. Con người
tiếp xúc với đất trong sinh hoạt, trong sản xuất hoặc qua các vật trung gian, con người có thể
mắc bệnh này. Đồng thời khi vật nuôi, chăn thả ở điều kiện chuồng trại không vệ sinh, vật
nuôi cũng tiếp xúc với đất bẩn và bị lây nhiễm bệnh.
c/ Đặc điểm dịch tể học
Mọi người đều có thể cảm nhiễm với các tác nhân gây bệnh này, do vaccine thường chỉ
tiêm cho động vật, vật nuôi và chỉ tiêm cho người hoặc điều trị dự phòng khi có nghi ngờ lây
nhiễm. Bệnh thường gặp ở người nông dân, công nhân nông trường, lò giết mổ có tiếp xúc
với vật nuôi, cũng có thể gặp ở những người thăm dò địa chất, các nhóm du lịch sinh thái nơi
có các ổ dịch bệnh hoang dã.
Các bệnh dịch này thường lẻ tẻ, tản phát quanh năm không có tính chất mùa, tuy nhiên có
thể bùng phát dịch hoặc đại dịch lớn. Người ta cho rằng, đại dịch cúm A H5N1 lan truyền từ
châu lục, quốc gia này sang châu lục, quốc gia khác là do các đàn chim di cư.
d/ Biện pháp dự phòng
Áp dụng biện pháp đặc hiệu là kiểm dịch và phòng dịch thú y. Đối với công tác y tế
cần chú ý tới vệ sinh môi trường nói chung, vệ sinh chuồng trại, các biện pháp bảo hộ lao
động khi tiếp xúc với động vật. Dự phòng chủ động bằng vaccine chỉ áp dụng khi có chỉ định
dịch tễ học.

3.3. Phương thức lây truyền Đất – người


a/ Đặc điểm chung
Các tác nhân gây bệnh thuộc nhóm này có khả năng tồn tại rất bền vững trong đất do khả
năng tạo bào tử, có vỏ hoặc nha bào. Trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) có khả năng
tồn tại hàng năm trong đất bẩn, Trực khuẩn kỵ khí Clostridium Botulinum có bào tử trong đất
gây bệnh ngộ độc thịt, bào tử nấm tồn tại trong bụi theo gió lan truyền trong không khí đi rất
xa. Ở điều kiện bất lợi chúng tồn tại lâu dài trong đất và không phát triển.
b/ Cơ chế lây truyền
Nguồn lây nhiễm các bệnh này là người, súc vật bị bệnh, đất không phải là nguồn bệnh
mà chỉ là nguồn lưu giữ tác nhân gây bệnh. Con người trong sinh hoạt, lao động, chế biến
thức ăn tiếp xúc với đất bụi bẩn có chứa tác nhân gây bệnh có thể mắc các bệnh này. Ví dụ:
các bệnh nấm da, tóc, móng do các bào tử nấm xâm nhập qua vùng da bị tổn thương, kẻ chân
11
ẩm ướt. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập qua các vết thương bẩn được che, đắp kín tạo môi
trường kỵ khí, sinh độc tố tác động lên hệ thần kinh gây bệnh cảnh uốn ván cho người. Bệnh
ngộ độc thịt do Clostridium botulinum xâm nhập đường tiêu hóa qua thức ăn sinh độc tố gây
ngộ độc nặng từ đường tiêu hóa đến hệ thần kinh.
c/ Đặc điểm dịch tễ học
Mọi người đều có thể cảm nhiễm tác nhân gây bệnh trên. Tuy nhiên, thường gặp ở người
lao động, làm việc ngoài trời có tiếp xúc đất bụi bẩn, thức ăn bị các nha bào Cl. botulinum rải
rác trên mặt đất nhiễm vào, phần lớn đất bị nhiễm là loại đất sét, Cl.Botulinum sinh sản mạnh
và lan truyền tốt trong loại đất này. Nhiễm nấm khi công nhân khai thác hầm lò dưới sâu, ẩm
ướt.
Các bệnh này thường lẻ tẻ tản phát quanh năm.
d/ Biện pháp dự phòng
Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo hộ lao động, tuyên truyền nâng cao nhận thức
phòng bệnh cho người dân.
Đối với bệnh uốn ván, tiêm vaccine phòng uốn ván chỉ áp dụng cho phụ nữ, bà mẹ mang
thai để dự phòng uốn ván sơ sinh. Trong trường hợp bị các vết thương bẩn cần sát trùng, lấy
dị vật, để hở không che đậy kín vết thương và kịp thời đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh
kháng uốn ván SAT.

IV. CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM ĐẤT. QCVN ÁP DỤNG CHO ĐẤT
1. Xét nghiệm hóa học
[Nitơ albumin] của đất
Chỉ số vệ sinh = ----------------------------
[Nitơ hữu cơ]
Chỉ số vệ sinh Tình trạng đất
< 0,7 Nhiễm bẩn nặng
0,7 – 0,85 Nhiễm bẩn vừa
0,85 – 0,98 Nhiễm bẩn yếu
> 0,98 Đất sạch

Bảng: Đánh giá nhiễm bẩn đất theo chỉ số vệ sinh


Dùng chỉ số vệ sinh đánh giá được ô nhiễm của đất là vì khi đất bị nhiễm bẩn thì vi sinh
vật trong đất hoạt động yếu, lượng Nitơ hữu cơ tăng lên và do vậy chỉ số vệ sinh giảm.

2. Xét nghiệm vi sinh vật


2.1. Những vi khuẩn đánh giá đất bị nhiễm phân
Các chỉ tiêu đánh giá sự nhiễm phân của đất là vi khuẩn Coliform Faecal và trực khuẩn
kỵ khí có nha bào Clostridium perfringens ở đất.
12
‒ Các trực khuẩn đường ruột Coliform Faecal thường gặp trong phân tươi của người và
động vật, chúng có khả năng gây ngộ độc thức ăn, gây viêm ruột trong những điều
kiện nhất định. Ở trong đất, sau một năm gần như chết hết, do đó sự có mặt của chúng
trong đất cho thấy đất này mới bị nhiễm phân.
‒ Các vi khuẩn có nha bào Clostridium perfringens cư trú thường xuyên trong ruột người
và động vật, tồn tại được trong đất lâu hơn. Khi có sự hiện diện của nó tức là đất bị
nhiễm phân tươi lâu ngày. Ngược lại, khi có mặt trực khuẩn Coliform Faecal chứng tỏ
rằng đất mới nhiễm phân tươi, vì vi khuẩn này không sinh nha bào nên chết khá nhanh
trong đất.
‒ Trong trường hợp có Fecal.coli và Clostridium perfringens ở trong đất đồng thời, đất
bị nhiễm phân liên tục.

2.2. Đếm số lượng trứng giun có trong đất

Số trứng giun trong 1kg đất Tiêu chuẩn đất

Không có trứng giun Đất sạch

< 10 trứng Đất bẩn ít

11 – 100 trứng Đất bẩn vừa

>100 trứng Đất rất bẩn

3. Tiêu chuẩn áp dụng cho môi trường đất theo quy định của Việt Nam
STT Số hiệu tiêu chuẩn Tên tiêu chuẩn
1 QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho
phép của một số kim loại nặng trong đất
2 QCVN 15:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa
chất bảo vệ thực vật trong đất

V. PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẤT


1. Biện pháp khắc phục ô nhiễm đất
‒ Nếu đất bị ô nhiễm nặng nên thay cây lương thực, cây ăn quả bằng cây cảnh hoặc cây
lấy gỗ.
‒ Nếu đất trồng cỏ chăn nuôi thì nên thu hoạch vào thời gian hàm lượng chất độc thấp
nhất.
‒ Ngoài ra, có thể trồng những cây không dùng để ăn mà có khả năng hút bớt các kim
loại nặng như trồng cúc vạn thọ để cải tạo đất bị nhiễm Cd, hoa hướng dương hấp thụ
Uranium, một số loại dương xỉ hấp thụ Asen,…

13
2. Các nguyên tắc dự phòng ô nhiễm đất
Để bảo vệ môi trường đất, cần tập trung vào các nguyên tắc cơ bản sau:
2.1. Quản lý, xử lý chất thải trên cơ sở khoa học vệ sinh
- Các hình thức, các công trình xử lý chất thải có rất nhiều loại nhưng vẫn tuân thủ
nguyên tắc trong các khâu: phân loại_ thu gom _ vận chuyển _ xử lý.
- Xử lý dựa trên nguyên tắc là xử lý triệt để là từ chất thải độc hại trở thành vô hại, các
chất hữu cơ được vô cơ hóa hoàn toàn, chất thải có tác nhân gây bệnh phải bị tiêu diệt
hết, mất khả năng gây bệnh.
- Xử lý chất thải phải đảm bảo vệ sinh, tức là không biến hình thái ô nhiễm này thành
hình thái ô nhiễm khác.
2.2. Kiểm tra giám sát môi trường đất
- Việc kiểm tra giám sát môi trường đất cần được thực hiện dựa trên Luật bảo vệ môi
trường đã được ban hành từ tháng 12-1993 và văn bản quy định dưới luật về bảo vệ
môi trường của Bộ Y tế, Bộ tài nguyên môi trường.
- Giám sát định kỳ, quy hoạch vùng ô nhiễm và xử phạt các cơ sở, khu công nghiệp gây
ô nhiễm môi trường theo các Quy chuẩn quốc gia.
2.3. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục sức khỏe môi trường
Đây là biện pháp tổng hợp huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi
trường. Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe môi trường được đặt ra từ các trường
học, các cấp học tới các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp, tạo sự chuyển biến tới mọi người
dân để họ có thể thay đổi hành vi ứng xử với môi trường, tham gia bảo vệ môi trường.
2.4. Các biện pháp phối hợp khác
- Bảo vệ môi trường đất không tách rời bảo vệ môi trường nước với việc khai thác, sử
dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý, cung cấp nước sạch cho người dân.
- Bảo vệ môi trường đất là bảo vệ tài nguyên đất trong các hoạt động quy hoạch xây
dựng các khu công nghiệp, đô thị và khu dân cư.
- Bảo vệ môi trường đất gắn chặt với việc quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên
trên bề mặt đất và tài nguyên dưới lòng đất theo nguyên lý phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Mạnh Liên (2010), Y Học Môi Trường và Lao Động, Nhà xuất bản Y học.
2. Phan Tấn Triều (2014), Tính độc hại của kim loại nặng trong hệ thống đất, Thư viện
học liệu mở Việt Nam.
3. Ibrahim A. Mirsal. (2008), Soil Pollution Origin, Monitoring and Remediation,
Springer.
4. Science Communication Unit, University of the West of England, Bristol (2013),
Science for Environment Policy In-depth Report: Soil Contamination: Impacts on
Human Health, Report produced for the European DG Environment, Sept. 2013.

14

You might also like