You are on page 1of 5

Phân tích tác phẩm “Thuật hứng XXIV”

“Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu


Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”
(Tố Hữu- Bài ca xuân 1961)
Trong bài thơ “Vân chữ” , Lê Đạt viết: Mỗi công dân đều có một dạng vân tay/ Mỗi người nghệ
sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ/ Không trộn lẫn. Với Hồ Xuân Hương, đó là dạng vân táo
bạo, sôi nổi, đầy nữ tính, khát khao về hạnh phúc lứa đôi. Đó là Nguyễn Khuyến, cũng đau đáu
nỗi đời nhưng thường ẩn dưới những cảnh đẹp thiên nhiên. Đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn thấu
sự đời, dạng vân mang vẻ triết lý, sâu xa... Đối với Nguyễn Trãi, đó là một người có dạng vân đặc
biệt, dùng ngòi bút tựa tiếng gươm khua làm vũ khí đánh giặc trên mặt trận ngoại giao, đó là
dạng vân nghiêng ngòi bút hướng tới nhân dân, luôn nghĩ về nhân dân dù lúc ông còn làm quan
hay đã ở ẩn, đó là dạng vân “ như có máu chảy ở đầu ngọn bút” ( Mộng Liên Đường). Điều này
được thể hiện rõ qua bài Thuật hứng XXIV:
“Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành dữ âu chi thế nghị khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.”
( Bản phiên âm của Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập. Khoa học xã hội, 1976)
Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, nằm trong “Quốc âm thi tập” nhìn chung không có tên bải riêng
cho mỗi bài thơ. Nguyễn Trãi nhóm thành nhiều chùm thơ: Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình, Thuật
hứng, Tự thán, Tức sự, Bảo kính cảnh giới,... và Thuật hứng là bài thơ thứ 24 trong chùm thơ
“Thuật hứng” 25 bài- được xem là “cái gạch nối táo bạo của tư tưởng và thơ ca” (chữ dùng trong
sách Tác giả tác phẩm cổ điển Nguyễn Trãi)

Đầu tiên là hai câu đề:


“Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành dữ âu chi thế nghị khen.”
Hợp là từ cổ, có nghĩa là “ đáng”, “nên”. Câu thơ mới nghe qua nhẹ như cỏ, như mây, không có
gì băn khoăn, chợn lại ở nơi người quân tử. Như chúng ta đã biết thì Nguyễn Trãi là mưu sĩ của
Lê Lợi trong mười năm kháng chiến chống giặc Minh “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi
thời”, từng làm chánh chủ khảo khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê. Như vậy, nói về công danh
thì “công danh đã được” , “hợp về nhàn”, đã đến lúc về nhàn, về nghỉ ngơi là hợp lý thôi nhưng
dường như ông không chấp nhận điều đó, trong câu thơ vẫn toát lên sự bướng bỉnh của một kẻ đi
ngược thời thế. Bởi vì sao? Bởi vì Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi chiến thắng quân Minh, cùng vào
sinh ra tử, thế mà khi lên ngôi, Lê Lợi chỉ nghe theo bọn nịnh thần nên Nguyễn Trãi quyết:
“Lưng khôn uốn, lộc nên từ” (Mạn thuật bài 14). Nhưng dù có về ở ẩn đi chăng nữa thì ông vẫn
khắc khoải. Việc ở ẩn của ông không giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn thấy rõ thời cuộc, bốn
mươi bốn tuổi mới ra làm quan, chọn lối sống nhàn tâm khi chí nguyện không thành, không
giống như Nguyễn Khuyến, không biết nên ở lại với triều đình nhưng bán nước hay về phía nhân
dân nhưng mang tội không trung. Nguyễn Trãi về ở ẩn là bất đắc chí, nhàn nhã về thân thể chứ
không hoàn toàn nhàn nhã về tâm hồn, chủ yếu là lánh đục tìm trong cho qua thời thế. Giá như
tâm tư của ông được thấu hiểu thì Nguyễn Trãi đã không bao giờ dễ dàng từ bỏ cả cơ nghiệp mà
phải đánh đổi bằng máu, bằng thời gian của rất nhiều người như thế.
Chính vì tư tưởng dứt khoát đó nên thái độ của ông “lành dữ âu chi thế nghị khen”. “Nghị” ở đây
nên hiểu là dị nghị, là khen chê bởi nếu như hiểu ở góc độ “nghị” là ngợi khen thì đâu phải bận
tâm âu lo làm gì. Ở điểm này, Nguyễn Trãi khá giống Nguyễn Bỉnh Khiêm, đứng trước công
danh lợi lộc, trạng Trình chọn lối sống “Thơ thẩn dù ai vui thú nào” (Nhàn), giống Nguyễn Công
Trứ “Được mất dương dương người tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong” (Bài ca
ngất ngưởng). Không lo âu không phải vì bàng quan, thờ ơ mà là vì danh lợi đã không ràng buộc
được ông, nên ông chọn cách đứng trên những điều đó:
“Sự thế dữ lành ai hỏi đến
Bảo rằng ông đã điếc hai tai”
(Vô đề V- Nguyễn Trãi)
“Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần”
(Cuối xuân tức sự- Nguyễn Trãi)
Có thể thấy là, chỉ qua hai câu đầu nhưng chân dung về người quân tử, chân dung Nguyễn Trãi
đã hiện lên phần nào. Chân dung này không chỉ xuất hiện ở hai câu trong bài thơ này mà xuất
hiện hầu khắp trong các bài thơ của Ức Trai, dù là thơ nói về cảnh sắc thiên nhiên, nói về muông
thú,... thì cái khí chất đó, thái độ không lay chuyển vẫn là sợi chỉ xuyên suốt:
“Thu đến cây nao chẳng lạ lùng
Một mình lạt thuở ba đông”
(Tùng- Nguyễn Trãi)
Tiếp theo là hai câu thực:
“Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.”
Đến đây thì không có gì phải bàn cãi nữa! Nguyễn Trãi hoàn toàn không lánh xa cõi tục, ông vẫn
đang ở giữa cuộc đời lắm hư danh, lợi lộc làm vui đấy thôi nhưng không phiền lụy đến ai. Câu
thơ thể hiện tính cao quý và thanh nhã qua hình ảnh “ao cạn”, “đìa thanh”, “ bèo”, “muống”,
“sen”. Những hình ảnh tạo nét lạ lùng giữa những bài thơ đầy rẫy hình ảnh ước lệ, khuôn
rập,...Một điều đáng nói nữa là bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn lại có chen vào hai câu
sáu chữ. Hữu ý hay chỉ là vô tình? Đọc hai câu thơ như rất gần với văn xuôi nhưng vẫn nghiêm
chỉnh trong nguyên tắc đối “ao cạn” với “đìa thanh”, đối động từ “vớt” và “phát”, “bèo” với “cỏ”,
“muống” với “sen”, người đọc sẽ có cảm giác thoải mái, co duỗi nhịp nhàng, tránh nhàm chán
trong những câu thơ bảy chữ. Nhưng Nguyễn Trãi có vui với cảnh sống này không? Rất hài lòng
là khác. Bởi ông sẽ được tận hưởng niềm vui nhàn tản với cuộc sống không có vị tanh hôi đồng
tiền, không có mật đắng công danh, không phải nhìn cảnh khom lưng uốn gối nữa. Nói đến cùng,
Nguyễn Trãi không giống như những người dân bình thường, cuộc sống này là do ông chọn, ông
không phải bận tâm đến “cơm ăn áo mặc” cho đàn con, không phải lo thuê má chồng chất,... cuộc
sống đó là thanh sạch, an tịnh “lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”. Vậy có thể tạm trả lời rằng, đó
là hữu ý của Nguyễn Trãi đấy thôi. Biêlinski từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ
thuật”. Thật là đúng cho hai câu thơ này của Nguyễn Trãi.

You might also like