You are on page 1of 167

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

TRẦN THỊ BẢO ÁNH

PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP


Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành : Luật Kinh tế


Mã số : 62 38 01 07

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN VIẾT TÝ


2. TS. PHAN CHÍ HIẾU

HÀ NỘI - 2014
LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các kết quả số liệu nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng, chính xác của các cơ quan chức năng đã
công bố. Những kết luận khoa học của luận án là mới và chưa
có tác giả công bố trong bất cứ công trình khoa học nào.

Tác giả luận án

Trần Thị Bảo Ánh


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
PHẦN TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 7
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP
VÀ PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP 31
1.1. Khái quát về mua bán doanh nghiệp 31
1.1.1. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp 31
1.1.2. Đặc điểm của mua bán doanh nghiệp 39
1.1.3. Tác động của mua bán doanh nghiệp đối với bên bán, bên mua
doanh nghiệp và nền kinh tế- xã hội 45
1.2. Pháp luật về mua bán doanh nghiệp 49
1.2.1. Khái niệm pháp luật về mua bán doanh nghiệp 49
1.2.2. Nội dung pháp luật về mua bán doanh nghiệp 53
Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP
Ở VIỆT NAM 66
2.1. Quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp 66
2.1.1. Mua bán toàn bộ doanh nghiệp 66
2.1.2. Mua bán một phần doanh nghiệp 70
2.1.3. Mua bán tài sản của doanh nghiệp 75
2.2. Quy định về chủ thể mua bán doanh nghiệp 76
2.2.1. Bên bán doanh nghiệp 76
2.2.2. Bên mua doanh nghiệp 78
2.3. Quy định về hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua bán
doanh nghiệp 85
2.3.1. Các loại hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua
bán doanh nghiệp 85
2.3.2. Nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp 87
2.3.3. Hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp 95
2.4. Quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp 96
2.4.1. Kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của
pháp luật cạnh tranh 96
2.4.2. Thủ tục mua bán doanh nghiệp đối với các thương vụ mua bán
doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật
cạnh tranh 103
Chương 3: YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ
MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM 117
3.1. Yêu cầu đối với việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở
Việt Nam 117
3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải trên cơ sở
đổi mới tư duy quản lý nhà nước và đảm bảo sự công bằng, tiến
bộ xã hội 117
3.1.2. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam phải
phản ánh thực tiễn mua bán doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu hoàn
thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính khả
thi, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn 121
3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo
tính minh bạch, thống nhất 127
3.1.4. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
phải đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế 131
3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam 133
3.2.1. Nhóm giải pháp chung 134
3.2.2. Nhóm giải pháp cụ thể 138

KẾT LUẬN 155


DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ 158
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 159
1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong tiếng Anh, cụm từ Merge and Acquisition (viết tắt là M&A) có nghĩa là
sáp nhập và mua lại (hoặc mua bán) doanh nghiệp. Đó là hoạt động giành quyền
kiểm soát một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua
việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
M&A là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh của toàn cầu và
là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế các quốc gia. Sự phát triển của M&A tập
trung chủ yếu trong sáu đợt sáp nhập lớn tính từ đầu thế kỷ XX và phần lớn trong
đó có nguồn gốc từ Mỹ. Những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực M&A đều được áp
dụng đầu tiên tại Mỹ sau đó mới được du nhập sang các quốc gia hoặc các khu vực
khác. Trên thế giới, M&A diễn ra như một trào lưu để mở rộng hoạt động kinh
doanh và tạo ra nhiều tên tuổi trên trường kinh doanh quốc tế như ông vua phần
mềm Bill Gates đã mua lại DOS và phát triển để tạo nên đế chế Microsoft hoặc nhà
tỷ phú lừng danh người Nga Roman Abramovich đã mua lại Sibneft ngay sau khi
Liên Xô tan rã để đưa nó thành công ty dầu khí hàng thứ tư trên thế giới [7, tr.1].
M&A diễn ra ở hầu hết các ngành quan trọng như ngành dầu lửa với các vụ Exxon
và Mobil (năm 1999), ngành công nghệ thông tin với vụ Compaq và HP (2002),
ngành dịch vụ tài chính với Chase Manhattan và JP Morgan (2000) [6, tr.7]…
Trước năm 1999, tại Việt Nam, gần như không có dữ liệu về sự xuất hiện các
thương vụ M&A. Luật Doanh nghiệp (1999) ra đời, làm cơ sở pháp lý quan trọng
cho các hoạt động M&A sau đó. Năm 2006, cùng với sự kiện Việt Nam chính thức
gia nhập WTO, thị trường chứng khoán phát triển mạnh sau sáu năm kể từ khi xuất
hiện, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (2005) và Luật Đầu tư (2005), chủ trương và
các quy định pháp lý về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã góp phần tạo môi
trường đầu tư rộng mở cho tất cả các thành phần kinh tế. Trong môi trường đó, các
nhà đầu tư đã từng bước sử dụng M&A như một công cụ chiến lược đầu tư để phát
triển hoạt động kinh doanh, các vụ M&A tăng dần theo từng năm: năm 2003, có 41
thương vụ với giá trị 118 triệu USD, đến năm 2008 có 146 vụ với giá trị là 1009
triệu USD, năm 2010 con số này tăng vụt lên 345 vụ với giá trị 1,75 tỷ USD, đặc
biệt là năm 2011 có 267 vụ tương ứng với giá trị là 6,3 tỷ USD [12], [25].
2

M&A đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các nhà khoa học trong lĩnh
vực kinh tế và pháp lý bởi tính phổ biến và các tác động khác nhau tới toàn cảnh nền
kinh tế thế giới. M&A được xem xét dưới hai góc độ chủ yếu là góc độ kinh tế như một
vấn đề của quản trị chiến lược công ty, tài chính doanh nghiệp và góc độ pháp lý như
đối tượng của khung khổ pháp lý để thực hiện giao dịch M&A. Tác giả luận án lựa
chọn một trong hai hoạt động của M&A là hoạt động mua lại hoặc mua bán doanh
nghiệp làm đề tài nghiên cứu luận án Luật học xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Một là, các nhà khoa học chủ yếu nghiên cứu M&A dưới góc độ kinh tế, rất ít
có các công trình khoa học pháp lý về M&A nói chung và mua bán doanh nghiệp
nói riêng. Ở Việt Nam, các quy định pháp lý về sáp nhập doanh nghiệp tương đối rõ
ràng, trong khi đó các quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp chưa thống
nhất, thiếu tính toàn diện. Hầu hết các công trình nghiên cứu về mua bán doanh
nghiệp dưới góc độ hẹp như mua bán công ty (không nghiên cứu mua bán doanh
nghiệp tư nhân, hợp tác xã) hoặc nghiên cứu về hợp đồng mua bán doanh nghiệp
trong các bài viết hội thảo chưa đánh giá được tổng thể pháp luật về mua bán doanh
nghiệp. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có các công trình khoa học pháp lý chuyên
sâu hơn nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu pháp luật về mua
bán doanh nghiệp là một đề tài gợi mở ý tưởng cho nghiên cứu sinh lựa chọn để
triển khai thành công trình luận án tiến sĩ luật học.
Hai là, ở góc độ cạnh tranh, mua bán doanh nghiệp được hiểu là hành vi tập
trung kinh tế gắn với quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh
trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh
nghiệp, liên doanh và các hành vi tập trung kinh tế khác. Các Mác đã phát hiện ra
quy luật đầy tính nghịch lý: Cạnh tranh làm phát sinh tập trung kinh tế nhưng tập
trung kinh tế đến một mức độ nhất định lại tiêu diệt cạnh tranh và bắt buộc Nhà
nước phải điều chỉnh pháp luật đối với tập trung kinh tế. Đó cũng là một lý do cần
phải có công trình nghiên cứu luật học đánh giá pháp luật và tình hình thực thi pháp
luật cạnh tranh để kiểm soát các thương vụ mua bán doanh nghiệp nhằm bảo vệ
cạnh tranh trên thị trường và phúc lợi chung của xã hội.
Từ thực trạng thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam như đã phân tích
đặt ra yêu cầu điều chỉnh pháp luật và có công trình nghiên cứu đối với hoạt động
3

mua bán doanh nghiệp. Các công trình khoa học pháp lý sẽ là chiếc cầu nối giữa
những đòi hỏi khách quan của thực tế hoạt động mua bán doanh nghiệp với các nhà
lập pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả
thực thi của pháp luật về mua bán doanh nghiệp trên thực tiễn.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Mục đích của luận án là nghiên cứu hoạt động mua bán doanh nghiệp dưới
góc độ pháp lý và xây dựng một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán
doanh nghiệp ở Việt Nam.
Để thực hiện mục đích trên, luận án đề ra nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:
Thứ nhất, luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về mua bán doanh
nghiệp: quan niệm, đặc trưng pháp lý của mua bán doanh nghiệp; ảnh hưởng của
mua bán doanh nghiệp đến nền kinh tế- xã hội và nghiên cứu nội dung pháp luật về
mua bán doanh nghiệp.
Thứ hai, luận án phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về mua bán doanh
nghiệp trong quan hệ so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới. Luận án
chỉ ra những tồn tại, những khoảng trống pháp lý về chủ thể mua bán doanh nghiệp,
hợp đồng mua bán doanh nghiệp, thủ tục mua bán doanh nghiệp và cách thức kiểm
soát mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Thứ ba, luận án đề xuất các định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán
doanh nghiệp bao gồm nhóm giải pháp cụ thể và nhóm giải pháp chung nhằm xây
dựng và phát triển thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động hiệu
quả, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
3. Phạm vi nghiên cứu
Với tính chất là luận án tiến sĩ Luật học, luận án đặt trọng tâm nghiên cứu mua
bán doanh nghiệp dưới góc độ khoa học pháp lý.
Trên thế giới, hoạt động mua bán doanh nghiệp thường được nghiên cứu đồng
thời với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Xuất phát từ những yêu cầu cần thiết
phải nghiên cứu về hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam và đáp ứng yêu
cầu về hình thức luận án, luận án tập trung phân tích nghiên cứu về mua bán doanh
nghiệp mà không nghiên cứu các hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
4

Dưới góc độ pháp lý, mua bán doanh nghiệp là một hoạt động đầu tư phức tạp,
liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như pháp luật về hợp đồng, pháp luật về
chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, pháp luật lao động,
pháp luật đất đai, pháp luật về môi trường, pháp luật về tài chính, pháp luật về sở
hữu trí tuệ… Luận án không phân tích tất cả các nội dung pháp luật liên quan đến
mua bán doanh nghiệp; không nghiên cứu chuyên sâu về các thủ tục sau thương vụ
mua bán doanh nghiệp như: thủ tục về thuế, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp;
không phân tích quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp (dưới
khía cạnh của pháp luật cạnh tranh, pháp luật chứng khoán) và các quy định pháp
luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Luận án tập trung nghiên cứu mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam với tính chất
là những hoạt động đầu tư nhằm giành quyền sở hữu và quyền kiểm soát doanh
nghiệp với các nội dung cụ thể, gồm: chủ thể thực hiện mua bán doanh nghiệp, đối
tượng mua bán là một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp, các hình thức mua bán
doanh nghiệp; thủ tục mua bán doanh nghiệp; kiểm soát mua bán doanh nghiệp
dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh. Mặc dù trong thực tiễn, mua bán doanh
nghiệp được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng khác nhau nhưng trong giới hạn
luận án tiến sĩ Luật học, mua bán doanh nghiệp được nghiên cứu dưới hình thức chủ
sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp chi phối cho
bên mua. Vì vậy, các hình thức doanh nghiệp tăng vốn điều lệ và bên góp thêm vốn
điều lệ chi phối, kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng vốn điều lệ
không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án.
Các quy định pháp luật có liên quan đến mua bán doanh nghiệp sẽ được tác
giả dẫn chiếu trong nội dung luận án để có cái nhìn tổng thể, chính xác hơn về hoạt
động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết những vấn đề do đề tài đặt ra, nghiên cứu sinh sử dụng kết hợp
các phương pháp nghiên cứu khác nhau như phương pháp phân tích, tổng hợp,
phương pháp so sánh luật học.
Phương pháp tổng hợp, phân tích được sử dụng chủ yếu tại chương một luận
án. Qua việc thu thập các tài liệu thứ cấp, so sánh, tổng hợp các quan điểm, ý kiến
5

khác nhau về mua bán doanh nghiệp, nghiên cứu sinh bước đầu đưa ra quan niệm
về mua bán doanh nghiệp và nội dung pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Phương pháp phân tích sẽ được sử dụng chủ yếu trong chương hai luận án kết
hợp với việc sử dụng một số tài liệu thực tiễn chủ yếu được lấy từ nguồn của Cục
quản lý cạnh tranh, cơ quan đăng ký kinh doanh để phân tích, đánh giá thực trạng
pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chương ba, luận án sẽ sử dụng phương pháp diễn giải, quy nạp để đưa ra các
định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế.
5. Những đóng góp mới của luận án
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả của các công trình nghiên cứu trước
đây về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời với quá trình nghiên cứu độc
lập và nghiêm túc, luận án đã có những đóng góp mới về mặt khoa học như sau:
Thứ nhất, luận án xây dựng được hệ thống lý luận khoa học của pháp luật về
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam: nêu ra quan niệm về mua bán doanh nghiệp và
làm rõ đặc điểm pháp lý của mua bán doanh nghiệp. Từ đó, luận án chỉ ra những
đặc trưng pháp lý cơ bản của mua bán doanh nghiệp trong tương quan so sánh với
sáp nhập doanh nghiệp, mua bán tài sản, tặng cho doanh nghiệp, chuyển nhượng cổ
phần, phần vốn góp của thành viên doanh nghiệp. Luận án đã xác định nội dung của
pháp luật về mua bán doanh nghiệp bao gồm: quy phạm về hình thức mua bán
doanh nghiệp, chủ thể mua bán doanh nghiệp, hợp đồng mua bán doanh nghiệp, thủ
tục mua bán doanh nghiệp và kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều
chỉnh của pháp luật cạnh tranh.
Thứ hai, luận án đánh giá một cách tương đối toàn diện và có hệ thống thực
trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập của
pháp luật hiện hành về mua bán doanh nghiệp. Đồng thời, luận án đã phân tích,
đánh giá những kinh nghiệm quốc tế trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt
động mua bán doanh nghiệp để Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện
pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Thứ ba, luận án đề xuất được các yêu cầu khoa học và giải pháp cụ thể cho
việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt
6

động mua bán doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập quốc tế ở
Việt Nam.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài Lời nói đầu, Phần tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài luận án, Kết luận,
Danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về mua bán doanh nghiệp và pháp luật về
mua bán doanh nghiệp.
Chương 2: Thực trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chương 3: Yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam.
7

PHẦN TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến mua bán doanh nghiệp
Cụm từ Mergers and Acquisitions (viết tắt là M&A) luôn được viết và đọc
kèm với nhau. Mergers có thể dịch là sáp nhập nhưng căn cứ vào hệ quả sau vụ sáp
nhập thì Mergers còn bao gồm cả hình thức hợp nhất doanh nghiệp. Acquisitions
được dịch là mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp.
Rất ít có các công trình nghiên cứu tách rời từng hoạt động mua bán hoặc sáp
nhập doanh nghiệp mà chủ yếu các công trình khoa học đều nghiên cứu chung về
hai hoạt động sáp nhập và mua bán doanh nghiệp. Tên gọi mua bán hay mua lại
doanh nghiệp có sự khác nhau vì cách dịch ra tiếng Việt có sự khác nhau. Bản chất
mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp đều giống nhau, đều phản ánh việc một bên
(bên bán) chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho một bên
(bên mua) và bên mua có quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mà họ mua
lại. Vì vậy, luận án sẽ đánh giá tình hình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp từ
nội dung các công trình khoa học về sáp nhập và mua bán/mua lại doanh nghiệp.
Trong hoạt động kinh doanh, không có giao dịch nào phức tạp hơn mua bán
và sáp nhập doanh nghiệp, vô số vấn đề phát sinh trên phạm vi rộng, từ định giá đến
cấu trúc giao dịch, từ tác động của luật thuế đến luật chứng khoán, luật môi trường,
luật lao động...ảnh hưởng đến việc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng và cả những rủi ro tiềm ẩn trong
thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, trên thế giới và ở Việt Nam đã xuất
hiện nhiều công trình khoa học kinh tế, pháp lý nghiên cứu về mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp. Có thể kể đến một số công trình khoa học sau:
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến mua bán doanh nghiệp của
các tác giả nước ngoài
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp dưới góc độ
kinh tế- tài chính
* Các nghiên cứu: M&A- Mua lại và sáp nhập căn bản, các bước quan trọng
trong quá trình mua bán doanh nghiệp và đầu tư của tác giả Michael E.S. Frankel,
Nxb Tri thức, Hà Nội (2009) và Mua lại và sáp nhập từ A đến Z của Andrew
8

J.Sherman, Milledge A. Hart, Nxb Tri thức, Hà Nội (2009) cung cấp cho bạn đọc
cái nhìn tổng quát về các bước quan trọng khi tiến hành các thương vụ mua lại và
sáp nhập doanh nghiệp, những bài học và hướng dẫn cơ bản trong lần đầu tiên thực
hiện thương vụ mua lại và sáp nhập, bao gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, M&A là một thuật ngữ để mô tả các thương vụ liên quan đến sự thay
đổi, chuyển giao quyền kiểm soát một doanh nghiệp. Các hình thức M&A bao gồm:
mua tài sản của doanh nghiệp, mua cổ phiếu, mua lại doanh nghiệp dựa trên vốn vay
nợ (Leveraged Buy Outs, viết tắt là LBO); mua lại doanh nghiệp để giữ quyền quản lý
(Management Buy Outs, viết tắt là MBO).
Thứ hai, hai cuốn sách trên đã giới thiệu chủ thể tham gia thương vụ mua lại
và sáp nhập doanh nghiệp, mục tiêu, động cơ của họ. Đó là bên bán, bên mua doanh
nghiệp, hai nhân vật chính của thương vụ mua bán doanh nghiệp. Ngoài sự có mặt
bắt buộc của hai bên mua bán doanh nghiệp, các chủ thể khác như các nhà đầu tư tài
chính, kiểm toán viên, đội ngũ tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống báo chí,
khách hàng… đều có vai trò trong thương vụ mua lại và sáp nhập.
Thứ ba, các bên mua bán doanh nghiệp phải chuẩn bị những công việc cần
thiết để mua bán doanh nghiệp và ký kết hợp đồng có tính chất như hợp đồng ghi
nhớ và bảo mật một số nội dung thông tin trong thương vụ mua lại và sáp nhập.
Một trong những bước quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị là lựa chọn một
nhóm nhà tư vấn, vai trò của các nhà tư vấn đối với thương vụ mua lại và sáp nhập
rất quan trọng. Chính các nhà tư vấn sẽ trợ giúp các bên chuẩn bị những công việc
cần thiết để thực hiện thành công thương vụ mua lại và sáp nhập. Nhóm tư vấn tối
thiểu phải có các thành viên sau: người môi giới đầu tư, cố vấn tài chính, nhân
viên kế toán, cố vấn pháp lý, chuyên viên thẩm định giá, chuyên viên bảo hiểm.
Bên mua cần chú ý tới vai trò của người môi giới đầu tư bởi vì người môi giới
đầu tư có những nguồn thông tin mà công ty mua khó có thể tiếp cận được.
Người môi giới đầu tư có thể đưa ra những tư vấn quý giá về đàm phán và định
giá, giúp bên mua doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng triệu đô cho thương
vụ mua lại và sáp nhập.
Nhóm các nhà tư vấn hướng dẫn các bên mua bán thảo luận về quyết định mua
và bán doanh nghiệp. Từ nội dung thảo luận, các bên sẽ ký kết hợp đồng được gọi
9

là hợp đồng tạm thời hoặc ý định thư để cụ thể hóa các nội dung mà các bên đã thảo
luận, điều chỉnh và hướng dẫn cách xử sự của các bên cho đến khi thực hiện giao
dịch. Ý định thư có ý nghĩa là một chất xúc tác quan trọng, là một bước đi cần thiết
trong các thương vụ mua lại và sáp nhập. Ý định thư thường được coi là một hợp
đồng về nguyên tắc, có các điều khoản đề nghị, điều khoản ràng buộc theo mẫu
tham khảo mà các tác giả cuốn sách đã đưa ra.
Thứ tư, giới thiệu về phần cốt lõi của thương vụ mua lại và sáp nhập, đó là
công việc thẩm định chi tiết doanh nghiệp mục tiêu của bên mua. Thẩm định chi tiết
là việc bên mua có nghĩa vụ xem xét chi tiết và cẩn trọng về thương vụ mua lại và
sáp nhập. Quá trình này sẽ xem xét toàn diện về pháp lý, tài chính và chiến lược tất
cả những tài liệu, những quan hệ hợp đồng, lịch sử hoạt động và cấu trúc tổ chức
của bên bán. Thẩm định đầu tư thường được chia làm hai nhóm làm việc: tài chính
chiến lược, thường do kế toán và đội ngũ quản lý của người mua đảm nhiệm; thẩm
định pháp lý do cố vấn của người mua thực hiện.
Thẩm định pháp lý sẽ phân tích những vấn đề về tổ chức; những vấn đề tài
chính; những vấn đề quản lý và nhân sự; những hợp đồng và giao kết chính của bên
bán; kiện tụng và khiếu nại. Nhóm làm việc của người mua sẽ phải thu thập các dữ
liệu để xem xét điều kiện để giao dịch mua lại và sáp nhập có hiệu lực pháp luật;
giao dịch này có chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh không; những rủi ro
mà người mua có thể phải gánh chịu sau khi thực hiện giao dịch…
Thứ năm, vấn đề định giá doanh nghiệp, giá trị và giá cả của doanh nghiệp
mục tiêu và các phương pháp định giá tiêu chuẩn. Giá là vấn đề tối cao trong một
thương vụ mua lại và sáp nhập. Nó quyết định lượng giá trị được chuyển cho người
bán để đổi lấy quyền sở hữu doanh nghiệp bán. Trong thương vụ mua lại và sáp
nhập, các bên đều rất chú trọng thỏa thuận về giá mua bán doanh nghiệp vì nó chính
là một yếu tố quan trọng để quyết định liệu thương vụ mua lại và sáp nhập có hoàn
tất được không? Do đó, các bên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp phải sử dụng các
phương pháp định giá theo nguyên tắc nhất định và phù hợp với giá thị trường, đặc
biệt là khi định giá đối với tài sản không thể hiện trên bảng cân đối kế toán của
doanh nghiệp nhưng lại có giá trị rất lớn, đó là tài sản vô hình như thương hiệu, hệ
thống khách hàng...
10

Thứ sáu, giới thiệu về các vấn đề tài chính để thực hiện thương vụ mua lại và
sáp nhập như chi phí vốn qua việc dùng vốn tiền mặt hoặc huy động nguồn vốn
khác. Cuốn sách cũng hé mở những thông tin hữu ích về nguồn tài chính đằng sau
các thương vụ mua lại và sáp nhập ngày càng được đầu tư lớn và được bảo mật hơn
so với những giai đoạn đầu xuất hiện hoạt động mua lại và sáp nhập. Các tác giả
cũng lưu ý về cách thức bên mua thanh toán bằng cổ phần hay thanh toán bằng tiền
mặt để mang lại hiệu quả nhất cho bên mua.
Thứ bảy, quy định của Nhà nước điều tiết chung đối với tất cả các thương vụ
mua lại và sáp nhập. Các yếu tố điều tiết chung bao gồm những vấn đề chống độc
quyền, môi trường, chứng khoán, các vấn đề phúc lợi nhân viên. Các quy định điều
tiết trong từng ngành chỉ ảnh hưởng một vài loại giao dịch trong những ngành nhất
định và vấn đề điều tiết từng ngành sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của những
người quản lý của liên bang.
Các tác giả đã phân tích các đạo luật về chống độc quyền, đạo luật môi trường,
luật chứng khoán, luật lao động và việc làm…có ảnh hưởng như thế nào đối với
các thương vụ mua lại và sáp nhập. Đặc biệt, so với các cuốn sách khác viết về hoạt
động mua lại và sáp nhập, hai tác giả cuốn sách trên đã đề cập thêm các thông tin
mà thông thường bên bán không có hoặc có rất ít nghĩa vụ pháp lý phải tiết lộ cho
bên mua về việc có sử dụng những chất có khả năng nguy hiểm trong cơ sở kinh
doanh của mình hay báo cáo về việc thải những chất như vậy ra môi trường. Từ đó,
các bên sẽ thỏa thuận về việc phân bổ trách nhiệm theo luật bảo vệ môi trường như
thế nào và cần phải tiến hành các thủ tục pháp lý gì để được cơ quan có thẩm quyền
chấp thuận các giấy phép môi trường.
Thứ tám, vấn đề hậu mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
Nội dung hậu mua lại và sáp nhập trong cuốn sách Mua lại và sáp nhập từ A
đến Z được truyền tải đầy đủ, logic và dễ hiểu với văn phong người Việt. Với tư
cách là một luật sư chuyên nghiệp tư vấn trong lĩnh vực mua lại và sáp nhập, tác giả
cuốn sách Mua lại và sáp nhập từ A đến Z đã thể hiện vai trò vừa tư vấn pháp lý,
vừa tư vấn tài chính, vừa là cố vấn đầu tư, thậm chí là thể hiện cả vai trò nhà tâm lý
học để hướng dẫn độc giả cách thức thực hiện thương vụ mua lại và sáp nhập một
cách hiệu quả nhất. Vì vậy, cuốn sách đã được các nhà đầu tư, các chuyên gia
11

trong lĩnh vực mua lại và sáp nhập, độc giả đánh giá rất cao. Các tác giả đã thu
thập, tổng hợp những vấn đề căn bản nhưng vô cùng quan trọng cần quan tâm
trước, trong và sau thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp; mô tả về những
thách thức mà bên mua doanh nghiệp phải đối mặt thời kỳ hậu mua lại và sáp nhập
như: sự kết hợp nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp, hệ thống hoạt động và quản
lý thông tin, phương thức kế toán và thực hành tài chính. Cuốn sách này được coi là
một trong những tài liệu cần thiết, dễ hiểu đối với các bên mua bán, sáp nhập, cơ
quan nhà nước, các cố vấn về thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
Dù có thành công to lớn như vậy nhưng hai nghiên cứu trên đây chỉ nghiên
cứu mua bán và sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế, đề cập rất ít đến khía
cạnh pháp lý của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận diện
được mua bán và sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế sẽ là cơ sở khoa học
để tìm ra các giải pháp pháp lý phù hợp để điều chỉnh đối với hoạt động mua bán và
sáp nhập doanh nghiệp.
* Một số công trình khác nghiên cứu chi tiết về các số liệu thực tiễn, tổng kết
đánh giá thực tiễn làm minh chứng để tính toán hiệu quả mua bán doanh nghiệp
như: Mua bán doanh nghiệp- Những bước đường thành công:Từng bước để có
những hợp đồng khôn ngoan hơn của tác giả Dezil Rakinne Peter Howson, Nxb
Công an nhân dân (2007) và cuốn sách Cẩm nang hướng dẫn M&A- Mua lại và
sáp nhập, các công cụ hỗ trợ quá trình hợp nhất ở mọi cấp độ của tác giả Timothy J
Galpin Mark Herdon, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (2009)
Hai cuốn sách trên chủ yếu giới thiệu về kỹ năng khi thực hiện các thương vụ
mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thực tiễn. Các khía cạnh kinh tế, các bảng biểu
thể hiện đánh giá về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp được các tác giả đầu tư trình
bày công phu. Qua hai công trình khoa học mang nhiều tính thực tiễn của các tác
giả Dezil Rakinne Peter Howson và Timothy J Galpin Mark Herdon, có thể thấy
mua lại và sáp nhập doanh nghiệp được nhận diện là hoạt Động đầu tư với mục đích
cao nhất và cuối cùng là “giá trị cộng hưởng” (sự lớn mạnh tài chính, nhân sự..) so
với trước khi thực hiện mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Nhiều “giá trị cộng
hưởng” của các doanh nghiệp tham gia mua lại và sáp nhập có thể đem tới lợi ích
kinh tế cho xã hội, vì vậy, các Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ, chính sách để hỗ
12

trợ cho sự phát triển của hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Hai cuốn
sách trên một mặt là những gợi ý cho Chính phủ trong việc điều tiết hoạt động mua
lại và sáp nhập doanh nghiệp, một mặt là “cẩm nang” hướng dẫn các kỹ năng mua
lại và sáp nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư.
* Cuốn sách M&A- Mua lại và sáp nhập thông minh, kim chỉ nam trên trận đồ
sáp nhập và mua lại của tác giả Scott Moeller & Chris Brady, Nxb Tri thức, Hà Nội
(2009) giúp bạn đọc nhìn nhận xuyên suốt một thương vụ mua lại và sáp nhập để từ
đó tìm ra giai đoạn nào trong quá trình mua bán doanh nghiệp cần có sự tham gia
của tình báo doanh nghiệp nhằm đạt được hiệu quả như các bên mua bán doanh
nghiệp mong muốn. Bên cạnh đó, cuốn sách còn điểm lại hiện trạng và dự báo xu
thế mua bán doanh nghiệp trong tương lai và giới thiệu một số thương vụ mua bán
doanh nghiệp trong thực tiễn. Theo đó, thông tin tình báo doanh nghiệp được đánh
giá theo triết lý của người Trung Hoa: “Chưa hiểu rõ tình địch mà vội vàng hành
động ắt sẽ chẳng mang lại kết quả gì, để biết được nội tình của địch, không thể
không dụng gián” (Binh pháp Tôn Tử) kết hợp với thực tiễn thực hiện các thương
vụ mua lại và sáp nhập hiện nay: “Tình báo doanh nghiệp là trái tim của thẩm định
chi tiết”. Tình báo doanh nghiệp sẽ giúp các bên sử dụng thông tin một cách hiệu
quả nhất trong quá trình thẩm định chi tiết theo triết lý số lượng thông tin không
quan trọng bằng chất lượng và cách thức sử dụng những thông tin đó.
Tóm lại: Các công trình khoa học nêu trên chủ yếu nghiên cứu mua lại và sáp nhập
dưới góc độ kinh tế, với tính chất là sổ tay hướng dẫn các bước cần thực hiện để chuẩn bị
cho thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp thành công. Lý luận về M&A, đặc
biệt là đánh giá các quy định pháp luật mua lại và sáp nhập khá mờ nhạt. Mặt khác, các
cuốn sách về mua lại và sáp nhập do tác giả nước ngoài viết và được dịch ra tiếng Việt
đồng thời nặng về tính chất tài chính nên độc giả gặp những khó khăn nhất định để hiểu
về các thuật ngữ hay những nội dung mà nhóm tác giả trình bày.
1.1.2. Công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp dưới góc độ pháp lý
* Bài viết: Các vấn đề cần lưu ý khi tham gia giao dịch M&A tại Việt Nam của
Luật sư nước ngoài Gregoty Crovo (Công ty Kelvin ChiaPartnership) đăng trên đặc
san của Báo Đầu tư với chủ đề M&A- Toàn cảnh thị trường Mua bán- Sáp nhập
doanh nghiệp Việt Nam 2012.
13

Trong bài viết này, tác giả phân tích các vấn đề pháp lý, thủ tục và thực tế
thực hiện giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam như các quy định
về tài khoản góp vốn, thẩm định pháp lý, quy định của pháp luật cạnh tranh kiểm
soát mua lại và sáp nhập, thủ tục cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư ở
Việt Nam, quá trình thanh toán và những khó khăn cho việc thực thi các hợp đồng
mua lại và sáp nhập tại Việt Nam. Tác giả bài viết phân tích những điểm bất cập
trong các quy định pháp luật của Việt Nam về mua lại và sáp nhập doanh nghiệp, từ
đó khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia giao dịch mua lại và sáp
nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến mua bán doanh nghiệp của
tác giả Việt Nam
1.2.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp với tính chất
là một hành vi tập trung kinh tế
* Chuyên đề về Hành vi tập trung kinh tế (2005) của tác giả Lê Viết Thái, đề
tài nghiên cứu về thể chế cạnh tranh trong điều kiện phát triển thị trường tại Việt
Nam được đánh giá là một nghiên cứu rất sớm về mua bán và sáp nhập doanh
nghiệp trên góc độ tập trung kinh tế và chống độc quyền. Tuy nhiên, nghiên cứu
này được thực hiện vào năm 2005, trước khi hoạt động này thực sự nở rộ ở Việt
Nam nên các thông tin về mua lại và sáp nhập chưa thực sự phản ánh chính xác và
đầy đủ thực tiễn mua lại và sáp nhập tại Việt Nam. Mặt khác, chuyên đề này chưa
thể hiện hết bản chất mua lại và sáp nhập vì tác giả chuyên đề chủ yếu phân tích
mua lại và sáp nhập theo góc nhìn của pháp luật cạnh tranh mà chưa đánh giá mua
lại và sáp nhập dưới lăng kính của pháp luật doanh nghiệp, thương mại.
* Báo cáo tập trung kinh tế tại Việt Nam- Hiện trạng và dự báo (2012), Cục
quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, Hà Nội gồm 99 trang là một nghiên cứu tương
đối đầy đủ về tập trung kinh tế. Nội dung của báo cáo bao gồm: Thực trạng hoạt
động tập trung kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 2009- 2011; Kinh nghiệm quốc tế về
kiểm soát tập trung kinh tế; Một số vấn đề trong thực thi quy định về kiểm soát tập
trung kinh tế ở Việt Nam; Khuyến nghị.
Báo cáo này chủ yếu nghiên cứu mua bán, sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ
nhìn nhận của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh để đưa ra các khuyến nghị
14

phục vụ cho việc quản lý nhà nước về cạnh tranh đối với hoạt động tập trung kinh tế
nói chung và mua lại doanh nghiệp nói riêng. Nội dung báo cáo tập trung kinh tế tại
Việt Nam chỉ phân tích các quy định kiểm soát tập trung kinh tế nói chung và mua
bán doanh nghiệp nói riêng trong một số trường hợp. Vì vậy, báo cáo tập trungn kinh tế
không nghiên cứu về các trường hợp mua bán doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều
chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Như vậy, báo cáo tập trung kinh tế 2012 chưa thể mô tả
đầy đủ tổng thể về hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
1.2.2. Công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp dưới góc độ quản trị
công ty
* Bài viết Thâu tóm và hợp nhất: nhìn từ khía cạnh quản trị công ty đăng trên
tạp chí Quản lý Kinh tế số năm 2007 của hai tác giả Nguyễn Đình Cung và Lưu
Minh Đức. Đúng như tên gọi, công trình này chủ yếu giới thiệu một số khái niệm cơ
bản liên quan đến sáp nhập và mua bán doanh nghiệp dưới góc độ lý thuyết về quản
trị công ty. Do vậy, phạm vi và độ sâu của nghiên cứu này còn nhiều hạn chế, mới
phần nào đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người đọc tìm hiểu những khái niệm
ban đầu về mua lại và sáp nhập.
1.2.3. Nhóm công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp tổng hợp dưới
các giác độ kinh tế, pháp lý
* Nghiên cứu khoa học: Cẩm nang Mua bán và sáp nhập tại Việt Nam của
Mạng Mua bán và sáp nhập Việt Nam, (2009) là cuốn sách đầu tiên của khu vực tư
nhân được soạn thảo một cách công phu và mang tính thực tiễn khá cao. Cuốn sách
bao gồm 216 trang, được kết cấu thành mười chương, trong đó có chín chương (từ
chương một đến chương chín) liên quan đến các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Nội dung chín chương đầu là: Tổng quan về hoạt động mua lại và sáp nhập; Khung
khổ pháp lý cho hoạt động mua lại và sáp nhập tại Việt Nam; Chuẩn bị cho một
thương vụ mua lại và sáp nhập; Rà soát và thẩm định doanh nghiệp; Định giá doanh
nghiệp; Một số kinh nghiệm trong đàm phán mua lại và sáp nhập; Thách thức hậu
mua lại và sáp nhập; Kinh nghiệm quốc tế về những rủi ro trong mua lại và sáp
nhập; Điển cứu mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng.
Mục đích của cuốn sách là hướng đến các công ty có nhu cầu mua và bán
doanh nghiệp, do vậy, các nội dung về chính sách quản lý nhà nước đối với thị
15

trường sáp nhập và mua bán doanh nghiệp được đề cập rất ít. Ý tưởng của tập thể
tác giả cuốn sách cũng nhìn nhận mua lại và sáp nhập là một chủ đề của ngành tài
chính như các tác giả nước ngoài. Chính vì vậy, cuốn sách Cẩm nang mua bán và
sáp nhập tại Việt Nam được thiết kế khá nhiều nội dung chi tiết, cụ thể về các
nghiệp vụ tài chính trong thương vụ mua lại và sáp nhập hơn là đầu tư cho việc tổng
hợp, phân tích, so sánh các quy định pháp lý về mua lại và sáp nhập ở Việt Nam và
trên thế giới. Mặc dù là một công trình khoa học được kết cấu giống với các công
trình khoa học nước ngoài nghiên cứu về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhưng
các đánh giá về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong cuốn sách này gắn liền với
đặc điểm thị trường mua bán doanh nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, độc giả nhìn
nhận mua bán doanh nghiệp rõ ràng và dễ hiểu hơn so với các công trình khoa học
về mua bán doanh nghiệp của các tác giả nước ngoài.
* Đề tài khoa học cấp Bộ: Hoạt động sáp nhập và mua lại- Cơ sở lý luận, kinh
nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam (2009) của Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương. Đề tài này gồm ba chương với các nội dung :
Chương một: Cơ sở lý luận về hoạt động sáp nhập và mua lại. Nội dung
chương này giúp người đọc tìm hiểu:
(i) Các khái niệm và nội hàm của hoạt động sáp nhập và mua lại doanh
nghiệp; làm rõ một số cách hiểu về mua lại sáp nhập doanh nghiệp;
(ii) Phân tích các đặc điểm của hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp
như phương thức thực hiện (chào thầu, lôi kéo cổ đông bất mãn, thương lượng tự
nguyện, thu gom cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mua lại tài sản công ty); (iii)
Một số vấn đề về quản trị công ty cần lưu ý trước và sau mua lại và sáp nhập.
(iv) Quy trình thực hiện một vụ sáp nhập và mua lại; Rà soát, định giá doanh
nghiệp theo một số chỉ tiêu tài chính cơ bản; đánh giá khả năng thanh toán nợ, tỷ suất lợi
nhuận và các phương pháp định giá doanh nghiệp. Một số vấn đề hậu sáp nhập như bên
mua hay bên bán sẽ phải gánh vác các khoản thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản
trong quan hệ mua bán doanh nghiệp, trả nợ của doanh nghiệp mục tiêu; Cơ cấu tổ chức;
Văn hóa công ty; Thị trường và thương hiệu của doanh nghiệp mục tiêu.
(v) Thể chế quản lý và điều tiết thị trường sáp nhập và mua lại doanh nghiệp
nhằm chống độc quyền; Bảo vệ cổ đông thiểu số và minh bạch hóa quản trị công ty;
16

Xem xét các định chế nhà nước và tư nhân trong việc giám sát và thúc đẩy thị
trường sáp nhập và mua lại
Chương hai: Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động sáp nhập và mua lại và thể
chế điều tiết gồm: Quá trình phát triển thị trường sáp nhập và mua lại trên thế giới.
Hiệu quả thực hiện sáp nhập và mua lại từ góc độ quản trị công ty.
Khác với các công trình khác, trong đề tài này, nhóm tập thể tác giả đã đánh
giá hiệu quả mua lại và sáp nhập từ góc nhìn của các nhân viên các công ty đã từng
tham gia mua lại và sáp nhập. Ngoài ra, các tác giả đã trình bày và phân tích kinh
nghiệm quốc tế về thể chế điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động sáp nhập và
mua lại của một số nước như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Chương ba: Thực trạng hoạt động M&A ở nước ta và một số kiến nghị nhằm
hoàn thiện thể chế điều tiết thị trường M&A.
Đề tài trên đã có những thành công nhất định giúp độc giả có cái nhìn tổng
quát về lý thuyết, thực tiễn của mua lại và sáp nhập liên quan đến nhiều vấn đề như
tài sản, thị trường kinh doanh, thương hiệu, nhân sự, tổ chức, quản lý, văn hóa của
doanh nghiệp. Đề tài trên đã phần nào đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tư vấn chính
sách cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua lại và sáp nhập. Tuy
nhiên, tập thể tác giả nghiên cứu đề tài này nghiêng về quan điểm mua bán doanh
nghiệp thuộc phạm trù quản trị doanh nghiệp nên các nội dung nghiên cứu tập trung
phân tích mua bán, doanh nghiệp dưới góc độ quản trị doanh nghiệp. Nhóm tác giả tiếp
cận đặc điểm hoạt động mua lại và sáp nhập ở phạm vi rộng (như phương thức thực
hiện, phân loại hoạt động mua lại và sáp nhập, lợi ích và động cơ thúc đẩy hoạt động
mua lại và sáp nhập) nhưng các đặc điểm trên chưa phù hợp với các tiêu chí để phân
tích, đánh giá đặc điểm pháp lý của hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
* Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Pháp luật điều chỉnh sáp nhập, mua lại
ở Việt Nam- kỷ yếu hội thảo khoa học Pháp luật về sáp nhập, mua lại: Những vấn
đề lý luận và thực tiễn do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2010) tổ
chức và chủ trì
Các tác giả tham gia đề tài trên tập trung nghiên cứu các nội dung như: (i) Vì
sao pháp luật cần phải điều chỉnh sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; (ii) Một số nội
dung về bản chất pháp lý của mua bán doanh nghiệp; (iii) Những vấn đề pháp lý
trong thương vụ sáp nhập, mua lại doanh nghiệp (các bước của giao dịch sáp nhập,
mua lại doanh nghiệp, thẩm định pháp lý…) dưới con mắt của các luật sư các công
17

ty luật; (iv) Một số vấn đề về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài và cam kết
của Việt Nam khi gia nhập WTO trong các giao dịch mua lại và sáp nhập; (v) Các
quy định pháp luật về định giá doanh nghiệp khi thực hiện thương vụ mua lại và sáp
nhập; (vi) Kinh nghiệm của Trung Quốc trong điều chỉnh sáp nhập, mua lại doanh
nghiệp; (vii) Mua lại và sáp nhập dưới sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.
Như vậy, nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Pháp luật điều
chỉnh sáp nhập, mua lại ở Việt Nam” đã phân tích hoạt động mua lại và sáp nhập
tương đối tổng thể ở các khía cạnh kinh tế, khía cạnh pháp lý và có sự so sánh với
kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về mua lại và sáp nhập của Trung Quốc. Tuy
nhiên, do có nhiều tác giả tham gia trong cùng một đề tài nên các bài viết đã bị
trùng lặp về một số nội dung, ý tưởng như: Tìm hiểu về khái niệm mua lại và sáp
nhập, thẩm định pháp lý về mua lại và sáp nhập. Các bài viết chưa thống nhất về
việc sử dụng các thuật ngữ như thẩm định chi tiết, mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp…nên chất lượng khoa học của công trình còn bị hạn chế. Mặt khác, do sự
trùng lặp về ý tưởng, nội dung bài viết nên đã dẫn đến tình trạng một số nội dung
được đề cập quá nhiều (như thẩm định pháp lý- thẩm định chi tiết) nhưng có những
nội dung cần quan tâm (các quy định luật lao động, sở hữu trí tuệ) khi thực hiện
thương vụ mua lại và sáp nhập lại không được đưa vào hoặc nghiên cứu sơ sài trong
đề tài hội thảo khoa học cấp Bộ này.
* Nghiên cứu: M&A- Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam- Hướng
dẫn cơ bản dành cho bên bán của hai tác giả Phạm Trí Hùng và Đặng Thế Đức,
Nxb Lao động xã hội, 2011 là một cuốn sách phân tích các thương vụ sáp nhập và
mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam theo các nội dung: sự cần thiết sáp nhập và mua
lại doanh nghiệp; thẩm định doanh nghiệp; khung khổ pháp lý để thực hiện hoạt
động mua bán doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tác giả cũng giới thiệu tới độc giả
các mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, biên
bản ghi nhớ trong giao dịch sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Cuốn sách trên được
ghi nhận là nguồn tư liệu cung cấp thông tin cho bên bán doanh nghiệp, vì vậy,
những yêu cầu tư vấn pháp lý cho bên mua doanh nghiệp vẫn là một nội dung bỏ
ngõ mà nghiên cứu: M&A- Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam- Hướng
dẫn cơ bản dành cho bên bán chưa có lời giải đáp.
18

1.2.4. Công trình nghiên cứu về hợp đồng mua bán doanh nghiệp
* Luận văn thạc sĩ Luật học, trường Đại học Luật Hà Nội năm 2009 của tác giả
Mai Vân Anh với đề tài: Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam.
Đúng như tên gọi của luận văn, tác giả luận văn chỉ nghiên cứu một nội dung
pháp lý của hoạt động mua bán doanh nghiệp, cụ thể tác giả đã tìm hiểu các quy
định pháp luật Việt Nam về hợp đồng nói chung. Trên cơ sở lý luận chung về hợp
đồng, tác giả đã xây dựng những nội dung pháp lý về hợp đồng mua bán doanh
nghiệp phù hợp với đặc điểm của hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hợp đồng mua bán doanh nghiệp chỉ là một nội dung trong nghiên cứu
tổng thể về mua bán doanh nghiệp nên cần phải có công trình khoa học phân tích,
đánh giá mua bán doanh nghiệp ở mức độ toàn diện hơn.
* Sách chuyên khảo: Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư-
Những vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội do TS Nguyễn Thị
Dung chủ biên năm 2009. Chương tám cuốn sách đã thông tin tới bạn đọc cách thức
để xây dựng các điều khoản cấu thành hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp
luật hiện hành Việt Nam. Tập thể tác giả cuốn sách đã giới hạn việc tiếp cận các
quy định pháp luật về hợp đồng mua bán toàn bộ doanh nghiệp hoặc mua bán một
bộ phận doanh nghiệp theo hướng mua bán toàn bộ tài sản/một bộ phận tài sản của
doanh nghiệp mà không phân tích quy định về hợp đồng chuyển nhượng phần vốn
góp, cổ phần. Đồng thời, các tác giả cũng bình luận những bất cập, thiếu sót của
pháp luật hợp đồng của Việt Nam điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp và
đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1.2.5. Công trình nghiên cứu về mua bán một loại hình doanh nghiệp phổ biến
trong nền kinh tế- mua bán công ty
* Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội năm 2010: Pháp luật về mua
bán công ty ở Việt Nam- thực trạng và giải pháp của Thạc sĩ Vũ Phương Đông.
Tác giả đã phân tích các nội dung về quan niệm mua bán công ty, bản chất
pháp lý của mua bán công ty, các quy định về tài sản và định giá tài sản của công ty,
hợp đồng mua bán công ty, phương thức mua bán công ty. Tác giả cũng đã đưa ra
một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán công ty như cần phải xây dựng
quan niệm về mua bán doanh nghiệp hoặc phải ban hành nghị định riêng điều chỉnh
về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
19

Tác giả đã giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận văn là không nghiên cứu quy
định về mua bán doanh nghiệp tư nhân, mua bán hợp tác xã. Luận văn Pháp luật về
mua bán công ty ở Việt Nam- thực trạng và giải pháp cũng giới hạn phạm vi tiếp
cận mặt trái của mua bán doanh nghiệp khi luận văn không phân tích, đánh giá
chuyên sâu mua bán công ty dưới giác độ điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.
1.2.6. Công trình nghiên cứu về điều chỉnh pháp luật của nước ngoài đối với
hoạt động mua bán doanh nghiệp
* Bài viết: Khái quát pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức về hoạt động sáp
nhập và mua lại doanh nghiệp- bài học kinh nghiệm cho Việt Nam của Thạc sĩ Trần
Quỳnh Anh đăng trên tạp chí Luật học trường Đại học Luật Hà Nội số 9/2012 là
một công trình khoa học pháp lý phân tích sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
Bài viết của tác giả Trần Quỳnh Anh giới thiệu một cách đầy đủ các nội dung
sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức, bao gồm: nguồn luật
điều chỉnh hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp; các hình thức cụ thể của
giao dịch sáp nhập và mua lại doanh nghiệp và kiểm soát hoạt động sáp nhập và
mua lại doanh nghiệp. Không chỉ phân tích các quy định mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức mà tác giả bài viết đã nêu ra một số bài học
kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật về mua lại và sáp nhập
doanh nghiệp ở Việt Nam.
Do bị giới hạn số trang trong khuôn khổ bài tạp chí luật học nên các phân tích
và đánh giá của bài viết chưa phân tích làm rõ cơ sở lý luận và quy định pháp luật
về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết Khái quát pháp luật
Cộng hòa Liên bang Đức về hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp- bài học
kinh nghiệm cho Việt Nam là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho độc giả
quan tâm và nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp.
2. Đánh giá các công trình khoa học liên quan đến mua bán doanh nghiệp
và hướng nghiên cứu của luận án về mua bán doanh nghiệp
2.1. Đánh giá các công trình khoa học liên quan đến mua bán doanh nghiệp
Mua bán doanh nghiệp có những tác động khác nhau tới nền kinh tế- xã hội.
Mua bán doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng, cần thiết trong đời sống kinh
tế trên toàn cầu và nhiều tác giả đã dành thời gian, công sức, tâm huyết để giải mã
20

sự thành công của các thương vụ mua bán doanh nghiệp. Vì vậy, các công trình
khoa học về mua bán doanh nghiệp đã ghi nhận nghệ thuật đàm phán hợp đồng mua
bán doanh nghiệp, là sự tổng kết các tri thức được rút ra từ thực tiễn mua bán doanh
nghiệp xen lẫn việc thu thập thông tin về mua bán doanh nghiệp để giúp nhà đầu tư
dự liệu, đánh giá đưa ra quyết định mua hoặc không mua mà xây dựng mới doanh
nghiệp. Các tác giả đã đặt mình vào vị trí của người mua, người bán doanh nghiệp
trên cả về phương diện kinh tế, pháp lý kết hợp với yếu tố cảm xúc, tâm lý để cho ra
đời các cuốn sách, báo cáo, đề tài định hướng việc đầu tư có hiệu quả cho cộng
đồng doanh nghiệp và kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt
động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp nói chung và mua bán doanh nghiệp nói
riêng. Dấu ấn, sắc thái riêng của các công trình khoa học về mua bán doanh nghiệp
được thể hiện như sau:
Thứ nhất: Các công trình khoa học nghiên cứu mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp của các tác giả nước ngoài và các tác giả Việt Nam chủ yếu được nghiên
cứu tập trung vào các khía cạnh kinh tế- tài chính hoặc cập nhật các thông tin
thực tiễn về tình hình phát triển của thị trường mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp. Đa số các công trình khoa học nghiên cứu về mua bán, sáp nhập doanh
nghiệp nói chung và mua bán doanh nghiệp nói riêng dưới góc độ kinh tế, theo
đó mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là những hoạt động đầu tư tài chính nhằm
mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Mục đích của các nhà đầu tư khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là phải tạo
ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp được mua lại theo nguyên tắc 1+1 > 2. Đa
số các công trình khoa học trong và ngoài nước liên quan đến mua bán doanh
nghiệp đều đánh giá tổng thể các công đoạn của quá trình mua bán doanh nghiệp,
đặc biệt chú trọng đến các yếu tố thẩm định doanh nghiệp, việc sử dụng nguồn vốn
hợp lý để mua lại doanh nghiệp và hình thức thanh toán để thương vụ mua bán đó
đạt hiệu quả nhất. Các tác giả đồng quan điểm khi cho rằng: Mua bán doanh nghiệp
là một hoạt động phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề không chỉ là tài sản mà còn
là vấn đề nhân sự, người lao động của doanh nghiệp, mối quan hệ đối với khách
hàng, chủ nợ của doanh nghiệp mục tiêu. Vì vậy, các công trình khoa học đã đánh
giá toàn diện các vấn đề liên quan đến mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và đưa ra
21

những kinh nghiệm hoặc khuyến cáo các bên phải chú trọng trong quá trình mua
bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên.
Các công trình khoa học đã được đúc rút từ thực tiễn mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp ở Mỹ, quốc gia có hoạt động mua lại và sáp nhập phát triển, đó sẽ là
những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở vật chất, nhân sự, các
chính sách, khung khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp. Các công trình khoa học về mua bán doanh nghiệp dưới khía cạnh kinh tế
của các tác giả trong và ngoài nước đã cung cấp tư liệu để tác giả luận án xây dựng
những căn cứ lý luận về mua bán doanh nghiệp vì theo nguyên lý chung thì việc xây
dựng lý luận phải ghi nhận, phán ánh và phù hợp với trình độ phát triển của các
quan hệ xã hội trên thực tiễn.
Thứ hai: Các công trình khoa học nghiên cứu về mua lại và sáp nhập doanh
nghiệp xây dựng quan niệm về mua bán doanh nghiệp khác nhau, nội hàm các khái
niệm này được sử dụng thay thế lẫn nhau. Vì vậy, việc phân biệt các thuật ngữ về
mua lại, sáp nhập là một điều quan trọng khi nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp.
Qua việc phân biệt các thuật ngữ đó, luận án sẽ có nhiệm vụ bước đầu đưa ra quan
niệm về mua bán doanh nghiệp phù hợp với thị trường mua bán doanh nghiệp Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong các công trình khoa học, các tác giả chưa đưa ra định nghĩa về mua bán
doanh nghiệp mà thường sử dụng cụm từ Mergers and Acquisitions được dịch là
sáp nhập và mua lại doanh nghiệp hoặc sáp nhập và mua bán doanh nghiệp. Ngoài
thuật ngữ Mergers and Acquisitions, các tác giả còn sử dụng các từ Buyouts được
hiểu là việc mua lại cổ phần để bên mua nắm được quyền kiểm soát doanh nghiệp
mục tiêu [36] và Takeovers được hiểu là thâu tóm một tỷ lệ sở hữu đủ để chi phối
doanh nghiệp mục tiêu.
Acquisitions và Takeovers cơ bản là giống nhau nhưng có một điểm khác
nhau khi sử dụng các từ này để diễn đạt một thương vụ mua bán doanh nghiệp cụ
thể. Acquisitions thường được hiểu là mua lại doanh nghiệp mà các chủ sở hữu
doanh nghiệp mục tiêu đồng ý bán doanh nghiệp của mình cho bên mua, thương vụ
mua bán doanh nghiệp kiểu này mang tính thân thiện [37]. Ngược lại, Takeovers
thường diễn đạt các thương vụ mua bán doanh nghiệp mà một số chủ sở hữu doanh
22

nghiệp không đồng thuận với việc bán doanh nghiệp, vì vậy, bên mua phải tiến
hành nhiều biện pháp mang tính chất thâu tóm doanh nghiệp mục tiêu. Thâu tóm
doanh nghiệp được hiểu là “thâu tóm để loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc thâu tóm để
nắm quyền điều hành doanh nghiệp khi ban lãnh đạo của công ty bị thâu tóm không
đồng ý” [16]. Lưu ý là các nhà khoa học không sử dụng từ Takeovers mà chỉ sử
dụng từ Acquisitions kết hợp với từ Mergers để tạo thành cụm từ Mergers and
Acquisitions nhằm diễn đạt về các giao dịch sáp nhập và mua bán doanh nghiệp.
Một số tác giả khác cho rằng một thương vụ được coi là sáp nhập hay mua lại
hoàn toàn phụ thuộc vào việc thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện
(friendly takeovers) giữa hai bên hay diễn ra một cách thù địch (hostile takeovers).
“Nếu các bên hữu hảo và hợp tác với nhau trong quá trình sáp nhập và mua lại thì
giao dịch đó được gọi là sáp nhập và ngược lại là mua lại” [22]. Tuy nhiên, cách
phân biệt này chưa có tính khoa học, không hoàn toàn chính xác và phổ biến. Tác
giả Clifford W. Smith diễn đạt khái niệm thâu tóm là một khái niệm dùng để chỉ
việc chuyển giao quyền kiểm soát một công ty từ một nhóm cổ đông này sang một
nhóm cổ đông khác. Việc thâu tóm doanh nghiệp được thực hiện qua hình thức:
mua lại doanh nghiệp, cạnh tranh giành quyền kiểm soát hoặc thông qua các giao
dịch riêng lẻ [30].
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đang có những ý kiến khác nhau khi giải thích
về thuật ngữ mua lại, mua bán, thâu tóm doanh nghiệp. Có tác giả cho rằng: Pháp
luật Việt Nam có lẽ nên thay đổi thuật ngữ mua lại/mua bán doanh nghiệp bằng
thuật ngữ thâu tóm doanh nghiệp thì khái niệm sẽ được mở rộng hơn. Thâu tóm
doanh nghiệp rộng hơn mua bán/mua lại doanh nghiệp vì thâu tóm doanh nghiệp có
thể không sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay mua nợ mà còn thông
qua hình thức lôi kéo cổ đông bất mãn hoặc hoán đổi cổ phiếu (trang 22 đề tài
khoa học cấp Bộ: Hoạt động sáp nhập và mua lại- Cơ sở lý luận, kinh nghiệm
quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam). Do cách dịch Acquisitions sang
tiếng Việt khác nhau, có tác giả dịch là mua bán, có tác giả dịch là mua lại nhưng
về nội hàm mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp dưới góc độ pháp lý đều là việc
bên bán doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp hoặc tài sản của doanh
nghiệp cho bên mua thông qua các hình thức mua bán cổ phần, phần vốn góp của
23

chủ sở hữu doanh nghiệp; mua bán tài sản của doanh nghiệp để kiểm soát được
doanh nghiệp mục tiêu.
Giữa hai khái niệm mua lại và mua bán doanh nghiệp cũng được bàn luận
khác nhau. Hai tác giả Phạm Trí Hùng và Đặng Thế Đức cho rằng mua lại doanh
nghiệp chủ yếu liên quan đến mua cổ phần, phần vốn góp trong vốn điều lệ của
doanh nghiệp; Mua bán doanh nghiệp lại là thuật ngữ kinh tế, quản trị và tài chính
dùng để chỉ chung các giao dịch mua bán toàn bộ tài sản và toàn bộ doanh nghiệp
(trang 28 cuốn sách M&A- Sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam- Hướng
dẫn cơ bản dành cho bên bán). Khái niệm mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản
3 Điều 17 Luật Cạnh tranh (2004). Trong tương quan so sánh với khái niệm mua lại
doanh nghiệp của các tác giả trên thế giới, có thể thấy khái niệm mua lại doanh
nghiệp của pháp luật cạnh tranh Việt Nam chưa diễn đạt được bản chất mua lại
doanh nghiệp. Các phân tích về khái niệm mua lại doanh nghiệp theo pháp luật thực
định của Việt Nam sẽ được so sánh với các quy định mua lại doanh nghiệp trên thế
giới tại chương một luận án.
Qua việc phân tích các công trình khoa học nghiên cứu về sáp nhập và mua lại
doanh nghiệp, có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là: Đặc điểm kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia có thể khác nhau, vì vậy nội
dung quy định pháp luật và kỹ thuật lập pháp của mỗi quốc gia sẽ có những sự khác
biệt nhau. Đặt tên gọi pháp lý cho một quan hệ xã hội sẽ phụ thuộc vào sự phát triển
của quan hệ đó trong thực tiễn và phù hợp với ngôn ngữ văn hóa của mỗi quốc gia.
Trên thực tế, tên gọi pháp lý cho một quan hệ xã hội cụ thể khi truyền tải từ một
quốc gia A sang ngôn ngữ của quốc gia B, có thể không truyền tải hết nội hàm quan
hệ xã hội được điều chỉnh dưới một tên gọi pháp lý cụ thể ở quốc gia A.
Hai là: Mua bán/mua lại và sáp nhập doanh nghiệp đều thể hiện “sự quan
tâm” của các nhà đầu tư tới doanh nghiệp (quan tâm về yếu tố tài sản doanh nghiệp,
yếu tố quản trị doanh nghiệp) nhưng mua bán/mua lại và sáp nhập doanh nghiệp
cũng có điểm khác nhau.
Trên thế giới, sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là hình thức chuyển toàn bộ
tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp này sang một doanh nghiệp khác. Sau
sáp nhập có thể hình thành một doanh nghiệp mới độc lập với các doanh nghiệp
24

tham gia sáp nhập hoặc doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại và doanh
nghiệp nhận sáp nhập tiếp nhận trách nhiệm, tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Mua bán/mua lại doanh nghiệp lại nhấn mạnh vào việc nhà đầu tư giành quyền
kiểm soát hoạt động quản trị và kinh doanh của một doanh nghiệp khác thông qua
việc sở hữu vốn của doanh nghiệp bị kiểm soát (trang 17-18 đề tài khoa học cấp Bộ:
Hoạt động sáp nhập và mua lại- Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị
chính sách cho Việt Nam). Ở Việt Nam, các quy định về sáp nhập doanh nghiệp ở
Việt Nam khá rõ ràng và được thể hiện trong quy định của Luật Cạnh tranh (2004),
Luật Doanh nghiệp (2005). Theo các quy định đó thì sáp nhập doanh nghiệp được
hiểu theo nghĩa hẹp hơn so với khái niệm sáp nhập ở trên thế giới, là việc một hoặc
một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp
của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh
nghiệp bị sáp nhập.
Tuy nhiên, sẽ trở nên khó khăn hơn khi phân biệt mua bán doanh nghiệp
(thông qua mua bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp) và sáp nhập doanh nghiệp.
Đó là lý do vì sao các nước trên thế giới thường quy định chung cụm từ mua bán và
sáp nhập để điều chỉnh các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp mà không
tách riêng thành hai từ độc lập.
Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật thuộc dòng
họ civil law coi trọng lý luận và quy định của pháp luật trong việc thiết lập các quan
hệ xã hội và giải quyết tranh chấp. Quy định pháp luật thực định được các chủ thể có
liên quan áp dụng trong các giao dịch trên thị trường, được các cơ quan công quyền
“ưu tiên” vận dụng trong khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nhiệm vụ tìm
kiếm và xây dựng cơ sở khoa học để điều chỉnh pháp luật cho quan hệ xã hội nào đó
chủ yếu được giao cho các nhà nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực. Do vậy, ở Việt
Nam, trong quá trình thực thi quy định của pháp luật về mua bán/mua lại và sáp nhập
doanh nghiệp cần phải thống nhất cách hiểu về các thuật ngữ mua lại, mua bán, sáp
nhập, thâu tóm doanh nghiệp và phải phân biệt các thuật ngữ đó nếu chúng có sự khác
biệt cơ bản để áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh một cách phù hợp.
Thứ ba: Đặc điểm của mua bán doanh nghiệp chưa được các nghiên cứu,
phân tích làm rõ dưới khía cạnh pháp lý
25

Đề tài khoa học cấp Bộ: Hoạt động sáp nhập và mua lại- Cơ sở lý luận, kinh
nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam trang 27-30 với tiêu đề “Các
đặc điểm của hoạt động sáp nhập và mua lại” đã nêu và phân tích theo các nội dung:
Các phương thức thực hiện sáp nhập và mua lại doanh nghiệp như chào thầu, lôi
kéo cổ đông bất mãn, thương lượng tự nguyện, thu gom cổ phiếu, mua lại tài sản
của công ty; phân loại hoạt động sáp nhập và mua lại; lợi ích thúc đẩy hoạt động sáp
nhập và mua lại. Như vậy, nội dung được coi là đặc điểm của hoạt động mua lại và
sáp nhập trong công trình khoa học Hoạt động sáp nhập và mua lại- Cơ sở lý luận,
kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam thực chất không phải là
đặc điểm của mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
Cuốn sách Cẩm nang mua bán và sáp nhập tại Việt Nam đã cụ thể hóa đặc
điểm của hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp là có sự thay đổi cơ bản về
sở hữu và quản trị doanh nghiệp mục tiêu nhưng chưa phân tích rõ cách thức nào để
thay đổi sở hữu và quản trị doanh nghiệp mục tiêu. Mặt khác, một số nội dung trong
cuốn sách nghiên cứu mua bán doanh nghiệp về khía cạnh kinh tế với đánh giá các
bảng biểu, các công thức, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Những nội
dung pháp lý về mua bán doanh nghiệp chưa được phân tích cụ thể, chuyên sâu
trong công trình nghiên cứu khoa học này.
Thứ tư: Một số công trình khoa học nghiên cứu về hợp đồng mua bán doanh
nghiệp như chương tám cuốn sách Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu
tư- Những vấn đề pháp lý cơ bản và Luận văn thạc sĩ Luật học của tác giả Mai Vân
Anh về Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam đã phân tích
tương đối đầy đủ các quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Mỗi một doanh nghiệp là chuỗi dài nghĩa vụ hợp đồng, bao gồm tham gia hợp
đồng, thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán
doanh nghiệp có tính chất khác biệt so với các loại hợp đồng khác. Các quy định về
chủ thể, đối tượng, hình thức hợp đồng mua bán doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ
của các bên mua bán doanh nghiệp đã được các tác giả phân tích, bình luận trong
nội dung hai công trình trên.
Những nghiên cứu khoa học về hợp đồng mua bán doanh nghiệp trong chương
tám cuốn sách Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư- Những vấn đề
26

pháp lý cơ bản và Luận văn thạc sĩ Luật học của tác giả Mai Vân Anh về Hợp đồng
mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam là những tư liệu để tác giả tham
khảo. Bên cạnh việc tham khảo hai công trình khoa học trên, tác giả luận án đã phát
triển phân tích thêm về kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số nước trên thế
giới về hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tác giả đã xây dựng một số
giải pháp định hướng hoàn thiện về hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên mua bán doanh nghiệp và bên thứ
ba có liên quan với các bên mua bán doanh nghiệp.
Thứ năm: Một số công trình khoa học tiếp cận mua bán, sáp nhập doanh
nghiệp từ giác độ ảnh hưởng tiêu cực của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đến cạnh
tranh trên thị trường, vì vậy cần phải có sự điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động
mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Vấn đề bảo vệ quyền lợi của thành viên góp ít vốn
trong doanh nghiệp trước tác động của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng được
các tác giả ghi nhận nhưng mới chỉ là những thông tin chứ chưa phân tích đánh giá
quy trình các thành viên thông qua quyết định mua bán doanh nghiệp.
Dưới giác độ của pháp luật cạnh tranh, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp là
một hành vi tập trung kinh tế. Hầu như các công trình khoa học trên khi đánh giá
sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đều giới thiệu hoặc phân tích chuyên sâu về sự
tác động của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động sáp nhập và mua lại doanh
nghiệp. Báo cáo tập trung kinh tế Việt Nam năm 2012 của Cục quản lý cạnh tranh là
một công trình chuyên sâu nghiên cứu về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.Tuy
nhiên, không phải bất kỳ một thương vụ mua bán doanh nghiệp nào cũng chịu sự
kiểm soát của cơ quan công quyền theo thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế, vì vậy
công trình khoa học trên chưa nghiên cứu đầy đủ về hoạt động mua bán doanh
nghiệp dưới khía cạnh là quyền tự do đầu tư của các nhà đầu tư.
2.2. Cơ sở lý thuyết và câu hỏi nghiên cứu
2.2.1. Cơ sở lý thuyết
- Quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
trong điều kiện hội nhập quốc tế.
- Lý thuyết liên quan đến kinh tế thị trường, về cạnh tranh trong nền kinh tế
thị trường.
27

- Lý thuyết về sự công bằng, minh bạch trong hoạt động thương mại.
2.2.2. Một số câu hỏi nghiên cứu và giả thiết nghiên cứu đặt ra khi nghiên
cứu luận án
Ngoài các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu khoa học
trong nước và nước ngoài về mua bán doanh nghiệp, tác giả luận án đã thu thập các
nguồn thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý cạnh tranh, một số
công ty luật, Ủy ban chứng khoán Nhà nước… để tham khảo và dẫn chiếu trong
việc xây dựng nội dung luận án. Luận án được triển khai với hàng loạt câu hỏi và
giả thuyết nghiên cứu như sau:
1. Về khía cạnh lý luận:
- Câu hỏi nghiên cứu: Mua bán doanh nghiệp là gì? Ảnh hưởng của mua bán
doanh nghiệp đến nền kinh tế- xã hội như thế nào? Tại sao phải xây dựng các quy định
của pháp luật về mua bán doanh nghiệp? Yêu cầu của pháp luật điều chỉnh hoạt động
mua bán doanh nghiệp? Nội dung của pháp luật về mua bán doanh nghiệp?
- Giả thuyết nghiên cứu là: Những nền tảng về kinh tế, pháp lý, đặc trưng của
mua bán doanh nghiệp, tính tất yếu khánh quan phải có sự điều chỉnh của pháp luật
trong lĩnh vực này chưa được làm rõ và tổng thể trong các đề tài nghiên cứu. Hiện
nay các vấn đề lý luận về mua bán doanh nghiệp chưa được nghiên cứu một cách
đầy đủ, tổng thể, chưa đánh giá được những yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về mua
bán doanh nghiệp. Do đó, kết quả nghiên cứu (dự định) là xây dựng nền tảng lý
luận, cơ sở kinh tế, xã hội trong việc thiết lập các quy định pháp luật về mua bán
doanh nghiệp.
2. Về khía cạnh pháp luật thực định
- Câu hỏi nghiên cứu: Những quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam
về mua bán doanh nghiệp được quy định ở đâu? Thực trạng áp dụng các quy định
đó ra sao?
- Giả thuyết nghiên cứu: Các quy định của pháp luật Việt Nam về mua bán
doanh nghiệp đã có và tồn tại ở một số văn bản, đã đề cập đến những chủ thể mua
bán doanh nghiệp, hình thức mua bán doanh nghiệp, thủ tục mua bán doanh nghiệp
và kiểm soát mua bán doanh nghiệp với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quy định chưa tương thích với các quy định của pháp luật
28

các quốc gia điều chỉnh về mua bán doanh nghiệp, chưa phù hợp với điều kiện kinh
tế, xã hội trong nước cũng như thông lệ quốc tế, các quy định này tồn tại dưới dạng
văn bản dưới luật - hiệu quả tác động không cao. Pháp luật hiện hành ở Việt Nam quy
cụ thể về mua bán doanh nghiệp 100% vốn sở hữu Nhà nước, khung pháp lý về mua
bán doanh nghiệp không thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước còn thiếu những quy định
cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
- Kết quả nghiên cứu: Tìm ra được những hạn chế, bất cập trong chính những
quy định của pháp luật về mua bán doanh nghiệp dựa trên những phân tích về tiền
đề kinh tế, xã hội, một số thực tiễn mua bán doanh nghiệp và kinh nghiệm điều
chỉnh pháp luật của một số quốc gia khác.
3. Đề xuất, kiến nghị
- Câu hỏi nghiên cứu: Với những tồn tại, bất cập nêu trên thì cần phải có
phương hướng và giải pháp gì để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế?
- Giả thuyết nghiên cứu: Hiện nay, chưa có phương hướng và giải pháp một
cách đầy đủ, hợp lý để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp
luật hiện hành.
- Kết quả nghiên cứu: Đưa ra được phương hướng, giải pháp đúng và đầy đủ
cho việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay sao
cho phù hợp với điều kiện, kinh tế, xã hội và thông lệ quốc tế khi chúng ta đang tiến
hành hội nhập kinh tế.
2.3. Hướng nghiên cứu của luận án đối với mua bán doanh nghiệp
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những tư tưởng khoa học và một số vấn đề lý
thuyết từ các công trình khoa học, luận án tiếp tục giải quyết những vấn đề về mua
bán doanh nghiệp chưa được các học giả tiếp cận hoặc đã được tiếp cận nhưng ở
mức độ chưa sâu trong các công trình nghiên cứu, bao gồm:
Thứ nhất, luận án sẽ là công trình nghiên cứu chuyên sâu về mua bán doanh
nghiệp dưới góc độ pháp lý.
Tất cả các công trình khoa học của các tác giả trong và ngoài nước đã cung
cấp cái nhìn tổng quát về những bước quan trọng của thương vụ M&A. Các công
trình đó không chỉ giúp độc giả nhìn toàn cảnh về sự vận hành của quy trình mà còn
có những bài học quan trọng để tiếp cận và quản lý các giao dịch M&A hữu hiệu và
29

hiệu quả. Ví dụ: để thực hiện một thương vụ mua bán doanh nghiệp, các bên mua
bán doanh nghiệp phải có một giai đoạn thỏa thuận sơ bộ (thỏa thuận trước hợp
đồng) gồm thỏa thuận bảo mật và thỏa thuận nguyên tắc. Bên mua doanh nghiệp
phải tiến hành thẩm định pháp lý chủ yếu nhằm giải quyết ba vấn đề: tính khả thi về
mặt pháp lý của thương vụ mua bán doanh nghiệp; các hạn chế, rủi ro hoặc các
nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp- đối tượng mua bán trong thương vụ mua bán
doanh nghiệp; khuyến nghị về thủ tục pháp lý để thực hiện thành công thương vụ
mua bán doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nội dung các công trình đó chủ yếu tập trung phân tích M&A
dưới góc độ kinh tế- tài chính, vì vậy, cần thiết phải xây dựng công trình khoa học
pháp lý riêng nghiên cứu một trong hai hoạt động M&A là hoạt động mua bán
doanh nghiệp. Những thành tựu khoa học trong các công trình nghiên cứu về mua
bán doanh nghiệp sẽ được tác giả luận án kế thừa đồng thời phát triển nghiên cứu
sâu hơn mua bán doanh nghiệp dưới góc độ pháp lý nhằm đáp ứng các nhiệm vụ
nghiên cứu của đề tài của luận án Luật học.
Để phù hợp với tên đề tài luận án, tác giả luận án chủ yếu sử dụng thuật ngữ
mua bán doanh nghiệp để phân tích các hoạt động chuyển quyền sở hữu doanh
nghiệp và quyền quản trị doanh nghiệp mục tiêu từ chủ sở hữu doanh nghiệp cho
bên mua doanh nghiệp. Một số phân tích khác của luận án sử dụng thuật ngữ mua
lại doanh nghiệp để phù hợp với việc dẫn chiếu quy định mua lại doanh nghiệp theo
pháp luật cạnh tranh.
Tên gọi doanh nghiệp mục tiêu không phản ánh việc bên mua mua doanh
nghiệp vì lý do thù địch, tên gọi doanh nghiệp mục tiêu chỉ là một quy ước gọi tên
doanh nghiệp là đối tượng của thương vụ mua bán, đó là doanh nghiệp mà bên mua
có nhu cầu mua và bên bán có nhu cầu bán.
Thứ hai, luận án sẽ làm rõ hơn đặc điểm của mua bán doanh nghiệp dưới góc
độ pháp lý. Luận án sẽ phân tích để nhận diện quan hệ mua bán doanh nghiệp trên
cơ sở đánh giá các nội dung nghiên cứu về M&A kết hợp với việc phân tích quy
định pháp luật về mua bán doanh nghiệp, quy định về M&A của một số nước. Đồng
thời, áp dụng thực trạng pháp luật và thực tiễn mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
để có cái nhìn toàn diện về bản chất pháp lý của mua bán doanh nghiệp. Đây là nội
30

dung tiếp cận mua bán doanh nghiệp của luận án chuyên sâu hơn so với nghiên cứu
về đặc điểm mua bán doanh nghiệp của một số công trình khoa học khác.
Tác giả luận án có hướng tiếp cận khác khi phân tích đặc điểm về chủ thể và
đối tượng mua bán doanh nghiệp so với hai tác giả cuốn sách: M&A- Sáp nhập và
mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam- Hướng dẫn cơ bản dành cho bên bán. Tại trang
51 cuốn sách trên, các tác giả đã bình luận: “Nội dung Luật Cạnh tranh (2004) đã
thể hiện khá rõ việc sáp nhập, mua lại là một hoạt động đầu tư, kinh doanh đặc thù
vì đối tượng ở đây không phải là sản phẩm, dịch vụ mà là các công ty. Như vậy,
giữa chủ thể và đối tượng không có gì khác nhau về loại hình, đặc điểm và cấu trúc
quản lý”. Tác giả luận án phân tích đặc điểm pháp lý về mua bán doanh nghiệp,
theo đó doanh nghiệp là đối tượng của thương vụ mua bán doanh nghiệp và chủ sở
hữu doanh nghiệp là chủ thể có quyền bán doanh nghiệp.
Thứ ba, chủ yếu các công trình nghiên cứu khoa học đánh giá mua bán doanh
nghiệp dưới góc độ pháp luật cạnh tranh hoặc đánh giá quy định về chuyển nhượng
phần vốn góp, cổ phần một cách độc lập. Luận án sẽ đánh giá pháp luật về mua bán
doanh nghiệp tổng hợp theo hai góc nhìn: (i) mua bán doanh nghiệp là quyền tự do
kinh doanh, theo đó luận án chỉ rõ khung khổ pháp lý để thực hiện thủ tục mua bán
doanh nghiệp; (ii) mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của pháp luật cạnh
tranh, theo đó, xác định tiêu chí và cách thức kiểm soát mua bán doanh nghiệp.
Thứ tư, luận án tiếp tục kế thừa hướng nghiên cứu về hợp đồng mua bán doanh
nghiệp ở một số công trình khoa học nhưng luận án sẽ nghiên cứu sâu hơn về những
vướng mắc, những khoảng trống pháp lý về hợp đồng mua bán doanh nghiệp để phác
thảo những nội dung cần lưu ý cho các bên mua bán doanh nghiệp trong việc thỏa thuận
quyền, nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt, luận án sẽ bổ sung thêm hướng nghiên cứu mới
khi phân tích về thời điểm hoàn thành thương vụ mua bán doanh nghiệp.
Thứ năm, trong một số công trình nghiên cứu, các tác giả chủ yếu giới thiệu
thông tin mà chưa tìm ra các giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Trên nguồn tài liệu thực tế từ các cơ quan, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về
mua bán doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp mang tính hoạch định lâu dài, luận
án đã đưa ra các giải pháp mang tính cụ thể, kịp thời nhằm thực thi hiệu quả hơn
quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
31

Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP VÀ
PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP

1.1. KHÁI QUÁT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP


1.1.1. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp
1.1.1.1. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp ở một số quốc gia
Mua bán doanh nghiệp là một hiện tượng phổ biến và tất yếu trong nền kinh tế
thị trường vì các doanh nghiệp luôn luôn mong muốn tăng cường năng lực cạnh
tranh để chiếm lĩnh thị phần và củng cố quyền lực cạnh tranh trên thị trường. Các
doanh nghiệp nhỏ đứng trước năng lực cạnh tranh như vũ bão của các doanh nghiệp
lớn, họ luôn có xu hướng bắt tay với nhau nhằm nâng cao vị thế thị trường trong
tương quan so sánh với các doanh nghiệp lớn hoặc nương tựa vào các doanh nghiệp
lớn để giảm bớt sức ép của đối thủ cạnh tranh. Một trong những cách đơn giản và
hữu hiệu nhất đó chính là thỏa thuận nhằm đạt đến khả năng kiểm soát và chi phối
hoạt động kinh doanh của nhau, bằng cách này, quy mô và năng lực thị trường của
các doanh nghiệp ngay lập tức được củng cố và mở rộng. Đối với các doanh nghiệp
lớn, khi đã đạt được quyền lực cạnh tranh trên thị trường và đứng trước hiện tượng
“quy hợp” lại với nhau của các doanh nghiệp nhỏ, bản thân các doanh nghiệp lớn
luôn phải tìm cách giữ vững và tăng cường năng lực cạnh tranh. Như một tất yếu, để
các doanh nghiệp giảm bớt mối lo mất thị phần là mở rộng quy mô kinh doanh hoặc
tăng cường khả năng chi phối trong việc quản trị điều hành hoạt động kinh doanh của
các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn là đối thủ cạnh tranh.
Hiện tượng mở rộng quy mô kinh doanh hoặc tăng cường khả năng chi phối
trong việc quản trị điều hành hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác có
thể được khái quát dưới tên gọi là mua bán doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, việc
mua bán doanh nghiệp hướng đến mục đích là “kiểm soát và chi phối” được hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại.
Tuy nhiên, nếu để việc mua bán doanh nghiệp được diễn ra tràn lan, thiếu
kiểm soát sẽ dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp “đồng hóa” vào nhau và sẽ triệt
tiêu cạnh tranh. Bởi lẽ, từ chỗ các doanh nghiệp là các đối thủ cạnh tranh với nhau,
32

họ lại trở thành một khối gắn kết chặt chẽ, bởi lẽ, từ chỗ thị trường tồn tại nhiều đối
thủ cạnh tranh, thông qua hoạt động mua bán doanh nghiệp, số lượng đối thủ cạnh
tranh bị suy giảm hoặc không còn đối thủ cạnh tranh. Từ đó, cạnh tranh có thể bị
triệt tiêu đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Dưới khía cạnh
của cạnh tranh, mua bán doanh nghiệp là một trong những hình thức tập trung kinh
tế và pháp luật cạnh tranh của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kiểm soát chặt
chẽ hành vi này. Vì vậy, cách tiếp cận về mua bán doanh nghiệp của các quốc gia
không đơn thuần là mua bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp thông qua
hợp đồng mà mua bán doanh nghiệp thường được hiểu như một hiện tượng nhằm đạt
đến khả năng chi phối các quyết định trong quản trị điều hành hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp và cần thiết phải bị kiểm soát nhằm đảm bảo việc mua bán doanh
nghiệp không làm ảnh hưởng sai lệch hay giảm bớt cạnh tranh trên thị trường.
Với cách tiếp cận như vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chủ yếu quan
tâm đến hệ quả của việc mua bán doanh nghiệp là khả năng chi phối và kiểm soát
doanh nghiệp bị mua bán. Khi đề cập đến mua bán doanh nghiệp, một số nước
thường sử dụng cụm từ Mergers and Acquisitions (viết tắt là M&A), Takeovers,
Buyouts để chỉ về các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Cách dịch các từ
trên sang tiếng Việt khác nhau: Mergers được dịch là sáp nhập hoặc hợp nhất;
Acquisitions được dịch là mua bán hoặc mua lại. Takeovers, Buyouts dịch ra tiếng
Việt có nghĩa là thâu tóm, mua lại. Cụ thể, khái niệm về mua bán doanh nghiệp của
Mỹ, Nga và Đức được tiếp cận như sau:
* Mỹ: mua bán doanh nghiệp có thể được thực hiện theo các hình thức cơ bản
như mua tài sản của doanh nghiệp mục tiêu; mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu
doanh nghiệp mục tiêu (trong các tài liệu thường được dịch là mua cổ phần của cổ
đông doanh nghiệp mục tiêu); thay đổi cấu trúc vốn của doanh nghiệp và tái cơ cấu
doanh nghiệp.
Mua bán doanh nghiệp theo hình thức thứ nhất là mua bán tài sản của doanh
nghiệp mục tiêu, theo đó bên mua có thể mua lại tài sản như máy móc, một bộ phận
hay thậm chí toàn bộ công ty [18, tr.28]. Qua hình thức mua tài sản của doanh
nghiệp mục tiêu, bên mua có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh
nghiệp mục tiêu. Dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh và
33

doanh nghiệp được cấu thành từ nhiều yếu tố như vốn, tài sản (tài sản vô hình, tài
sản hữu hình), bộ máy quản lý điều hành, người lao động... Doanh nghiệp được coi
như cái áo khoác để thực hiện ý tưởng kinh doanh. Vì vậy, “mối quan tâm của kinh
tế học không phải là tư cách pháp lý của doanh nghiệp, mà là chi phí để huy động
vốn, tổ chức lao động, tiến hành kinh doanh và các chi phí để phối hợp các yếu tố
đó với nhau” [5]. Mua bán doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế là mua bán được một
trong những yếu tố cấu thành doanh nghiệp, tức là bên mua sẽ mua lại tài sản và các
quyền tài sản của doanh nghiệp mục tiêu nhằm kiểm soát hoạt động của doanh
nghiệp mục tiêu.
Mua bán doanh nghiệp theo hình thức thứ hai là mua cổ phần của cổ đông
doanh nghiệp mục tiêu đến một tỷ lệ cổ phần đủ để kiểm soát được hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Tỷ lệ cổ phần cụ thể để kiểm soát doanh nghiệp
mục tiêu do pháp luật hoặc Điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu quy định, tỷ lệ cụ thể đó
được gọi là tỷ lệ cổ phần chi phối. Mục tiêu của bên mua khi mua bán doanh nghiệp
theo hình thức thứ hai là nhằm kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu. Hình thức mua bán
doanh nghiệp thứ hai dẫn đến hệ quả là thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu:
bên mua sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu với việc
sở hữu tỷ lệ cổ phần chi phối. Khác với hình thức mua bán doanh nghiệp thứ nhất, ở
hình thức mua bán doanh nghiệp thứ hai thì doanh nghiệp mục tiêu vẫn là chủ sở hữu
các tài sản của doanh nghiệp; bên mua thường phải tiếp nhận tất cả các khoản nợ của
doanh nghiệp mục tiêu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hình thức mua bán doanh nghiệp thứ ba là thay đổi cấu trúc vốn của doanh
nghiệp mục tiêu. Theo hình thức này thì doanh nghiệp mục tiêu phải thay đổi cấu
trúc vốn của doanh nghiệp để vốn nợ giảm xuống và hấp dẫn các nhà đầu tư mua lại
doanh nghiệp mục tiêu. Các biện pháp thay đổi cấu trúc vốn của doanh nghiệp mục
tiêu có thể là phát hành thêm cổ phiếu, hoán đổi cổ phiếu.
Hình thức mua bán doanh nghiệp thứ tư là tái cơ cấu doanh nghiệp là việc
doanh nghiệp sẽ bán bớt những lĩnh vực kinh doanh không thu nhiều lợi nhuận để
tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh có thế mạnh của doanh nghiệp.
Hình thức này thường các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề lựa chọn thực
hiện khi muốn bán bớt lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó.
34

Qua việc nghiên cứu các hình thức mua bán doanh nghiệp ở Mỹ, có thể rút ra
nhận xét: Để đạt được mục đích là mua được doanh nghiệp, bên mua có thể lựa
chọn các hình thức mua bán cụ thể với những lợi thế về tiếp cận nguồn vốn mua
doanh nghiệp hoặc tránh những rủi ro vì phải tiếp nhận khoản nợ không mong
muốn… Tất cả các hình thức mua bán doanh nghiệp đều xác định và theo đuổi đối
tượng trong các vụ mua bán doanh nghiệp, đó chính là “doanh nghiệp”, theo đuổi
mục đích của mua bán doanh nghiệp là kiểm soát toàn bộ hoặc chi phối hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại.
* Cộng hòa Liên bang Nga: doanh nghiệp được coi là một loại sản nghiệp và
được mua bán trên thị trường mua bán doanh nghiệp quy định tại Điều 132 mục 3-
Đối tượng quyền dân sự- Chương 6- Những quy định chung Bộ luật Dân sự Liên
bang Nga (phần 1 có hiệu lực từ ngày 30/09/1994 số 51- Liên bang Nga; phần 2 có
hiệu lực từ ngày 26/01/1996 số 14- Liên bang Nga; phần 3 có hiệu lực từ ngày
26/10/2001 số 146 Liên bang Nga; phần 4 có hiệu lực từ ngày 18/12/2006 số 230-
Liên bang Nga) sửa đổi, bổ sung ngày 07/05/2013.
Quy định của pháp luật Cộng hòa liên bang Nga đã xác định rõ doanh nghiệp
là một khối tài sản thống nhất để thực hiện mục tiêu kinh doanh của chủ sở hữu
doanh nghiệp, khối tài sản đó bao gồm các loại tài sản hữu hình, tài sản vô hình và
các quyền về tài sản. Khối tài sản “doanh nghiệp” đó có thể là đối tượng của hợp
đồng mua bán doanh nghiệp. Đây là quy định cụ thể, rõ ràng để nhận diện quan hệ
mua bán doanh nghiệp tại Nga, cụ thể: Mua bán doanh nghiệp là việc chủ sở hữu
doanh nghiệp có quyền bán tất cả tài sản tạo thành doanh nghiệp cho bên có nhu cầu
mua khối tài sản đó, đây là hình thức mua bán toàn bộ doanh nghiệp.
* Cộng hòa Liên bang Đức: các nhà lập pháp không định nghĩa về mua bán
doanh nghiệp. Thay vào đó, pháp luật Đức quy định về các hình thức mua bán, sáp
nhập công ty. Theo tinh thần các quy định mua bán và sáp nhập công ty ở Đức, có
thể nhận thấy mua bán công ty bao gồm hình thức mua bán tài sản của công ty, mua
cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối của công ty, mua nợ của công ty. Các biện
pháp tổ chức lại công ty như hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi công ty
không phải là mua bán công ty mà hoạt động tổ chức lại công ty thường được tiến
hành ở giai đoạn sau của hoạt động mua bán công ty.
35

Đối tượng mua bán trong các thương vụ mua bán công ty (thông qua mua
bán tài sản của công ty) là toàn bộ hoặc bộ phận tài sản của công ty và được thực
hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán tài sản theo sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự
năm 1896 của Cộng hòa liên bang Đức.
Mua bán công ty thông qua mua cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối của
công ty được hiểu là “việc chủ thể chi phối hoạt động của công ty thông qua việc
mua một số lượng lớn cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty đó”. Việc mua cổ
phần hoặc phần vốn góp của công ty được coi là mua cổ phần hoặc phần vốn góp
chi phối nếu người mua “nắm giữ ít nhất 75% vốn điều lệ của công ty (tỷ lệ vốn có
quyền quyết định những vấn đề quan trọng của công ty…)” [1, tr.64].
Mua bán công ty thông qua hình thức mua nợ của công ty là việc chủ thể chi
phối hoạt động của công ty thông qua mua bán khoản nợ của công ty và chuyển đổi
chủ sở hữu công ty thông qua việc chuyển dần nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp
chi phối tại công ty đó. Hình thức mua nợ của doanh nghiệp thực chất chính là mua
lại phần vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu.
Tóm lại, dù được định nghĩa và tiếp cận khác nhau với các quy định về hình
thức mua bán doanh nghiệp nhưng điểm chung trong quan niệm về mua bán doanh
nghiệp của các quốc gia trên được thể hiện ở hai điểm sau đây:
Một là, đối tượng mà các bên hướng tới trong việc mua bán doanh nghiệp
chính là “doanh nghiệp”.
Hai là, hệ quả của việc mua bán doanh nghiệp phải đạt đến khả năng kiểm
soát hoặc chi phối được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu thông qua
việc mua tài sản hoặc cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đó. Theo đó, tỷ lệ
phần vốn góp/cổ phẩn được mua trong mua bán doanh nghiệp phải đạt đến khả
năng đủ để kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu (gọi là
phần vốn góp/cổ phần chi phối).
1.1.1.2. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
Ở Việt Nam, thuật ngữ “mua bán doanh nghiệp” được đề cập chủ yếu trong
các văn bản: Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Nghị định số
109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
(Nghị định 109/2008 NĐ- CP) và Nghị định số 116/2005/NĐ- CP ngày 15/9/2005
36

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định
116/2005/NĐ-CP).
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp (2005) đã đề cập đến khái niệm “bán doanh
nghiệp” khi quy định về quyền được bán doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp tư
nhân (Khoản 1, Điều 145, Luật Doanh nghiệp). Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp
(2005) chỉ dừng lại ở việc gọi tên hiện tượng mà chưa có bất cứ định nghĩa cụ thể
nào về bán doanh nghiệp.
Bên cạnh Luật Doanh nghiệp (2005), Nghị định 109/2008/NĐ-CP cũng đã đề
cập đến khái niệm bán doanh nghiệp với bản chất là “việc chuyển sở hữu có thu tiền
toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc bộ phận doanh nghiệp 100% vốn
nhà nước sang sở hữu tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác”. Khái niệm trên đã xác
định được bản chất của quan hệ mua bán doanh nghiệp là chuyển quyền sở hữu doanh
nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có thu tiền. Tuy nhiên, về cơ bản, khái niệm “bán
doanh nghiệp” theo quy định tại Nghị định này được tiếp cận tương đối hẹp khi chỉ
điều chỉnh việc mua bán các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Chính vì vậy, việc
mua bán các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không được đặt ra ở các
văn bản này. Bên cạnh đó, khái niệm trên giải thích một cách chung chung về bản chất
của mua bán doanh nghiệp là chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp có thu tiền nhưng
không miêu tả được nội hàm của hành vi chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp là các bên
mua bán chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp bằng cách nào?
Luật Doanh nghiệp (2005) và Nghị định 109/2008/NĐ-CP mới chỉ dừng lại ở
việc thừa nhận mua bán doanh nghiệp chỉ xảy ra ở một loại hình doanh nghiệp nhất
định là doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp (2005) hoặc doanh nghiệp
100% vốn nhà nước theo Nghị định 109/2008/NĐ-CP mà không thừa nhận hiện
tượng mua bán doanh nghiệp ở các loại hình doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó,
dường như Luật Doanh nghiệp (2005) và Nghị định 109/2008/NĐ-CP cũng không
quan tâm đến hệ quả của mua bán doanh nghiệp như pháp luật ở một số quốc gia
khác trên thế giới như đã phân tích ở trên.
Một cách tiếp cận khác về mua bán doanh nghiệp cũng đã được đề cập trong
Luật Cạnh tranh (2004). Cụ thể, Khoản 3, Điều 17, Luật Cạnh tranh (2004) đã ghi
nhận hiện tượng mua bán doanh nghiệp dưới khái niệm “mua lại doanh nghiệp”.
37

Theo đó, mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một
phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một
ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
Với khái niệm này, Luật Cạnh tranh (2004) đã chỉ rõ, việc mua lại doanh
nghiệp có một số đặc điểm: Một là, chủ thể mua và bán doanh nghiệp là doanh
nghiệp; Hai là, hình thức mua lại là toàn bộ tài sản doanh nghiệp hoặc một phần tài
sản doanh nghiệp; Ba là, hệ quả của việc mua lại phải đạt đến mức đủ để kiểm soát,
chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
Có thể nói, nếu như cách tiếp cận về khái niệm mua bán doanh nghiệp ở Luật
Doanh nghiệp (2005) và Nghị định 109/2008/NĐ-CP mang tính chất là luật “mở
đường”, dừng lại ở việc trao quyền cho các chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân và
doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thực hiện quyền tự do trong kinh doanh nói
chung hay giao kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp nói riêng, thì Luật Cạnh tranh
(2004) lại quan tâm đến khả năng kiểm soát, chi phối của doanh nghiệp sau thương
vụ mua bán doanh nghiệp. Sở dĩ có sự khác biệt nêu trên là vì, bản chất của Luật
Cạnh tranh (2004) là luật mang tính chất kiểm soát các hành vi có khả năng xâm hại
trật tự cạnh tranh. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động mua bán doanh nghiệp được tiếp
cận trong Luật Cạnh tranh (2004) dưới khía cạnh khả năng kiểm soát chi phối
doanh nghiệp sau mua bán doanh nghiệp có ảnh hưởng gì đến cạnh tranh hay
không? Nếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh, hành vi đó sẽ bị kiểm soát.
Tóm lại: Xem xét từ khía cạnh bản chất mua bán doanh nghiệp thì tất cả các hình
thức, cách thức mua tài sản, mua nợ, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ
phần…dẫn đến hệ quả là một bên kiểm soát hay chi phối được hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp khác thì hiện tượng đó được coi là mua bán doanh nghiệp. Tuy
nhiên, như đã đề cập trong phạm vi nghiên cứu của luận án thì tác giả luận án chỉ tập
trung nghiên cứu một trong những hoạt động mua bán doanh nghiệp trong mối liên hệ
và phù hợp với khái niệm “doanh nghiệp” tại Việt Nam. Vì vậy, quan niệm về mua bán
doanh nghiệp được trình bày trong luận án phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Một là, tiêu chí đầu tiên cần phải làm rõ khi xây dựng quan niệm hoặc khái
niệm về mua bán doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ chuyển quyền
sở hữu doanh nghiệp cho bên mua theo những cách thức nào? Tiêu chí này nhằm
38

phân biệt giữa mua bán doanh nghiệp và mua bán tài sản của doanh nghiệp, phân
biệt giữa mua bán doanh nghiệp với các hình thức đầu tư góp vốn vào vốn điều lệ
của doanh nghiệp với tính chất là đầu tư tài chính.
Theo nguyên lý chung thì cách thức hình thành tư cách chủ sở hữu doanh
nghiệp được thực hiện bằng hành vi góp vốn của tổ chức, cá nhân thành lập doanh
nghiệp. Từ đó, một chủ thể muốn trở thành chủ sở hữu mới của doanh nghiệp thì
chủ thể đó phải mua lại phần vốn góp vào doanh nghiệp của chủ sở hữu doanh
nghiệp mục tiêu. Như vậy, tiêu chí thứ nhất có bốn nội dung cần làm rõ: (i) đối
tượng của mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp; (ii) để mua được doanh nghiệp
thì phải có hành vi góp vốn vào vốn điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu; (iii) hành vi
góp vốn đó thể hiện qua hình thức mua lại (nhận chuyển nhượng) phần vốn góp, cổ
phần của chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu; (iv) chủ thể bán doanh nghiệp là chủ
sở hữu doanh nghiệp. Qua các nội dung (i), (ii), (iii) và (iv) sẽ phân biệt hình thức
đầu tư thông qua hành vi nhà đầu tư góp vốn vào vốn điều lệ khi doanh nghiệp tăng
vốn điều lệ không phải là quan hệ mua bán doanh nghiệp vì không đáp ứng nội
dung (iii) và (iv) của tiêu chí thứ nhất; nội dung; nội dung (i) và (iv) sẽ phân biệt
mua bán doanh nghiệp với mua bán tài sản của doanh nghiệp.
Hai là, cần phải làm rõ khi xây dựng quan niệm về mua bán doanh nghiệp: xác
định hệ quả mua bán doanh nghiệp là bên mua phải đạt được khả năng kiểm soát
hoặc chi phối được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu thông qua việc
bên mua nhận chuyển nhượng phần vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu. Tỷ
lệ phần vốn nhận chuyển nhượng phải đạt đến khả năng đủ để kiểm soát được hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu (gọi là phần vốn góp/cổ phần chi phối).
Pháp luật hoặc Điều lệ doanh nghiệp sẽ quy định về tỷ lệ vốn chi phối có quyền
biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Tiêu chí thứ hai để
phân biệt giữa các trường hợp mua bán doanh nghiệp với hình thức đầu tư tài chính
mua bán phần vốn góp, cổ phần mà bên mua lại phần vốn góp, cổ phần không tham
gia quản lý, điều hành, kiểm soát doanh nghiệp.
Từ các tiêu chí nhận diện mua bán doanh nghiệp đã phân tích, tác giả luận án
xây dựng quan niệm về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam như sau:
Mua bán doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn
bộ vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối cho bên nhận chuyển
39

nhượng. Bên nhận chuyển nhượng có quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần doanh
nghiệp và kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại.
1.1.2. Đặc điểm của mua bán doanh nghiệp
Một là, đối tượng của quan hệ mua bán là doanh nghiệp với tính chất là “hàng
hóa” đặc biệt trong quan hệ mua bán doanh nghiệp.
Trước hết, mua bán doanh nghiệp có bản chất của quan hệ mua bán tài sản
theo quy định của pháp luật dân sự “là hành vi trao đổi giữa người mua hàng nhận
được quyền sở hữu hàng hóa từ người bán bằng cách trả một số tiền theo sự thỏa
thuận về giá của hai bên” [14]. Với thương vụ mua bán doanh nghiệp, bên bán
doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu “hàng hóa” chính là một phần hoặc toàn bộ
doanh nghiệp cho bên mua. Bên mua có thể là chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu
của doanh nghiệp mục tiêu tùy thuộc vào việc bên mua mua một phần hay mua toàn
bộ doanh nghiệp mục tiêu. Sau khi bán doanh nghiệp, bên bán sẽ không còn quyền
sở hữu đối với một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã bán và đổi lại bên bán sẽ
được bên mua thanh toán một số tiền hoặc tài sản khác. Hình thức thanh toán trong
thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể là tiền mặt, chứng khoán của công ty mua
hoặc những tài sản khác có giá trị đối với công ty bán [18, tr.30].
Tuy nhiên, khác với các hàng hóa khác, doanh nghiệp với tính chất là một loại
hàng hóa “đặc biệt” được thể hiện với các yếu tố cấu thành doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch
ổn định, có tư cách pháp lý độc lập.
(ii) Doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh phù
hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư và các loại
giấy phép kinh doanh khác.
(iii) Doanh nghiệp có hệ thống bộ máy quản trị doanh nghiệp và hệ thống
nhân sự, lực lượng lao động.
Như vậy, mua bán doanh nghiệp là việc bên mua sẽ sở hữu một phần hoặc
toàn bộ doanh nghiệp và thâu tóm được tài sản cùng các quyền năng của doanh
nghiệp. Nói cách khác, chỉ được coi là mua doanh nghiệp khi bên mua mua được
các yếu tố cấu thành một chỉnh thể là doanh nghiệp, mua được các tập hợp quyền
gắn liền với doanh nghiệp mục tiêu.
40

Dựa trên tiêu chí về thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp
khác với mua bán tài sản, mua bán nợ của doanh nghiệp và cho thuê doanh nghiệp.
Trong quan hệ cho thuê doanh nghiệp, bên cho thuê doanh nghiệp không
chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên thuê. Bên thuê doanh nghiệp chỉ có
quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê doanh
nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan. Trước pháp luật, bên cho thuê
doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Trách nhiệm cụ thể của các bên đối với
nhau và trách nhiệm của các bên phát sinh trong quan hệ với bên thứ ba được ghi
nhận trong hợp đồng cho thuê doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với quy định của
pháp luật có liên quan.
Mua bán tài sản của doanh nghiệp chỉ làm thay đổi quyền sở hữu phần tài sản
nào đó của từ bên bán sang bên mua tài sản. Bên mua tài sản của doanh nghiệp
không có quyền sở hữu doanh nghiệp mục tiêu mà chỉ có quyền sở hữu với khối tài
sản đã mua. Do vậy, bên mua tài sản không có quyền quản lý doanh nghiệp đã bán
tài sản và tất nhiên không thể thay đổi hoạt động quản trị hay chi phối ngành nghề
kinh doanh của doanh nghiệp đã bán tài sản. Mua bán doanh nghiệp không chỉ là
mua bán tài sản của doanh nghiệp và thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp mà mua bán
doanh nghiệp còn dẫn đến việc bên mua có quyền quyết định phương hướng hoạt
động kinh doanh, quyết định quản trị của doanh nghiệp mục tiêu. Nói cách khác,
doanh nghiệp mục tiêu đã thuộc sở hữu của bên mua, bên mua có quyền quyết định
đoạt số phận pháp lý của doanh nghiệp mục tiêu.
Mua bán doanh nghiệp khác với mua nợ của doanh nghiệp vì mua bán doanh
nghiệp là việc chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua nhưng quan hệ mua
nợ chỉ làm thay đổi chủ nợ mà không làm thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Ngoại lệ từ mua nợ trở thành mua doanh nghiệp là trường hợp chủ nợ và chủ sở hữu
doanh nghiệp thực hiện việc chuyển khoản nợ thành vốn chủ sở hữu.
Dựa trên tiêu chí về tính đền bù trong hợp đồng thì mua bán doanh nghiệp
khác với tặng cho doanh nghiệp. Quan hệ mua bán doanh nghiệp là việc bên bán
chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ thanh toán
cho bên bán (có đền bù). Đối với quan hệ tặng cho doanh nghiệp, bên tặng cho
41

doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên được tặng cho mà không yêu
cầu đền bù; bên được tặng cho đồng ý nhận doanh nghiệp mà không phải thanh toán.
Hai là, hệ quả của mua bán doanh nghiệp là bên mua phải kiểm soát được
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu.
Đây là đặc điểm quan trọng của mua bán doanh nghiệp để phân biệt với các
hình thức đầu tư tài chính. Mua bán doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí là bên mua
phải giành quyền sở hữu toàn bộ hoặc phần vốn chi phối của chủ sở hữu doanh
nghiệp mục tiêu đủ để tham gia vào bộ máy quản trị doanh nghiệp và kiểm soát
được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Quyền kiểm soát doanh
nghiệp mục tiêu thể hiện qua việc bên nhận chuyển nhượng phải nắm giữ đủ tỷ lệ
vốn chi phối để có quyền biểu quyết tại các cuộc họp của các cơ quan quản trị
doanh nghiệp mục tiêu và thông qua các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp (quyết
định phương hướng kinh doanh, tổ chức lại doanh nghiệp, thay đổi cơ cấu nhân sự,
sửa đổi Điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu…).Tỷ lệ vốn chi phối để thực hiện
quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu do pháp luật hoặc Điều lệ doanh nghiệp
mục tiêu quy định. Tỷ lệ phần vốn chi phối ở mỗi một doanh nghiệp có thể khác
nhau phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô kinh doanh và số lượng chủ sở
hữu doanh nghiệp.
Đặc điểm này phân biệt mua bán và sáp nhập doanh nghiệp; phân biệt trường
hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tạo thành thương vụ mua bán doanh
nghiệp và những trường hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp khác chỉ là
hình thức đầu tư tài chính:
Mua bán doanh nghiệp là việc chuyển quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần
doanh nghiệp mục tiêu cho bên mua. Sáp nhập doanh nghiệp là việc chuyển toàn bộ
tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị sáp nhập sang
doanh nghiệp nhận sáp nhập. Hệ quả pháp lý sau khi sáp nhập và mua bán doanh
nghiệp khác nhau: Doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại sau khi thực hiện
sáp nhập. Khác với sáp nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp là đối tượng trong thương
vụ mua bán vẫn tồn tại trước và trong và sau quá trình mua bán. Nói một cách khác,
sau khi đã mua được doanh nghiệp, bên mua có quyền định đoạt về tư cách pháp lý
của doanh nghiệp mục tiêu theo hướng nhập thành doanh nghiệp con của bên mua
42

hoặc vẫn để doanh nghiệp đó tồn tại độc lập (không bị chấm dứt sự tồn tại như
doanh nghiệp bị sáp nhập).
Từ đặc điểm mua bán doanh nghiệp là thay đổi quyền sở hữu và quản trị
doanh nghiệp mục tiêu nên các hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp
của cổ đông, thành viên công ty mà bên nhận chuyển nhượng không tham gia hoạt
động quản trị, điều hành, chỉ thuần túy nhận cổ tức hoặc kỳ vọng nhận thặng dư khi
bán lại cổ phần cho nhà đầu tư khác thì đó chỉ là quan hệ đầu tư tài chính. Tương tự
như vậy, các tình huống quỹ đầu tư chứng khoán mua cổ phiếu (niêm yết hoặc
OTC) của một doanh nghiệp đại chúng trên thị trường chứng khoán và cũng không
tham gia quản trị điều hành tại doanh nghiệp đó; Một quỹ đầu tư mạo hiểm (venture
capital) khi đầu tư vốn với tư cách cổ đông vào các doanh nghiệp và cử đại diện
phần vốn góp tại Hội đồng quản trị nhưng vai trò của các thành viên này chỉ mang
tính tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này với kỳ vọng khi doanh nghiệp phát
triển sẽ có thể thoái vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) [7,
tr.5] không được coi là mua bán doanh nghiệp vì bên nhận chuyển nhượng cổ phần
không tham gia quản trị điều hành và không kiểm soát hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp mục tiêu.
Ba là, chủ thể có quyền bán doanh nghiệp phải là chủ sở hữu doanh nghiệp,
chủ thể mua doanh nghiệp là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp và
có quyền mua doanh nghiệp.
* Chủ thể bán doanh nghiệp: Chủ thể có quyền bán doanh nghiệp có thể khác
nhau tùy thuộc vào cách hiểu về mua bán doanh nghiệp. Nếu chỉ nhận biết mua
bán doanh nghiệp từ dấu hiệu hệ quả của mua bán doanh nghiệp là việc bên mua
phải kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu thì chủ thể
bán doanh nghiệp có thể là chủ sở hữu doanh nghiệp (chuyển nhượng cổ
phần/phần vốn góp), có thể là doanh nghiệp (bán tài sản của doanh nghiệp; phát
hành tăng vốn điều lệ). Tuy nhiên, theo nguyên lý chung về quyền của chủ sở
hữu với tài sản thì chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt số phận pháp lý của tài
sản đó bằng cách bán, tặng cho… tài sản. Như đã phân tích, doanh nghiệp là đối
tượng của thương vụ mua bán doanh nghiệp, vì vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ
là chủ thể có quyền bán doanh nghiệp.
43

Dựa trên tiêu chí về chủ thể bán doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp khác
với mua bán tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ là đối tượng của quan hệ
mua bán doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể tự bán mình được. Vì vậy, chủ thể
có quyền bán doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp đó. Khác với mua bán
doanh nghiệp, theo lý thuyết chung về quyền của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản
thì chủ thể có quyền bán tài sản của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp.
* Chủ thể có quyền mua doanh nghiệp: Bên mua doanh nghiệp là các tổ chức,
cá nhân có nhu cầu mua bán doanh nghiệp, là đối tượng được mua doanh nghiệp
theo quy định của pháp luật. Bên mua doanh nghiệp có thể mua doanh nghiệp bằng
việc mua lại hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của chủ sở hữu
doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu mới của doanh nghiệp.
Bên mua doanh nghiệp có thể chính là các chủ sở hữu doanh nghiệp khi nhận
chuyển nhượng phần vốn góp của các chủ sở hữu doanh nghiệp khác. Bên mua có
thể là các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu và có quyền mua doanh nghiệp. Bên
mua doanh nghiệp có thể là bên mua chiến lược, bên mua thực hiện nhiều lần, bên
mua thực hiện một lần, bên mua lần đầu, bên mua tài chính. Đặc biệt, bên mua
doanh nghiệp có thể là Chính phủ, các cơ quan tài chính, cơ quan bảo hiểm trong
những trường hợp mua lại doanh nghiệp để đảm bảo an ninh kinh tế. Ví dụ: năm
2008, Chính phủ Mỹ đã phải mua lại hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho
vay cầm cố để giảm bớt hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ [7, tr.16]. Bên
cạnh đó, quy định pháp luật về chủ thể mua bán doanh nghiệp có sự tách bạch giữa
trường hợp bên mua mua doanh nghiệp với mục đích thực hiện các nhiệm vụ đảm
bảo an ninh kinh tế với các bên mua mua doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh
và không chịu sự kiểm soát của pháp luật cạnh tranh. Ở Việt Nam, pháp luật cạnh
tranh quy định: Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh
nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn ít nhất một năm không bị coi là
tập trung kinh tế hoặc nếu doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát
hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại hoặc thực hiện quyền này chỉ trong khuôn
khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó. Luận án tiếp cận mua bán doanh
nghiệp với tính chất là hình thức đầu tư kinh doanh nên nội dung của luận án sẽ
không phân tích về các thương vụ mua lại doanh nghiệp do Chính phủ hoặc một số
tổ chức mua lại doanh nghiệp vì lý do an ninh kinh tế.
44

Ba là, hình thức pháp lý ghi nhận các quan hệ mua bán doanh nghiệp là hợp
đồng, có thể là hợp đồng mua bán doanh nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng cổ phần,
phần vốn góp chi phối (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh nghiệp).
Hợp đồng mua bán doanh nghiệp được các bên ký kết đối với trường hợp mua
bán doanh nghiệp tư nhân, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Hợp đồng chuyển nhượng vốn được ký kết giữa chủ sở hữu công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên và bên nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ hoặc phần vốn
chi phối của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông công
ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh có thể chuyển nhượng phần vốn
góp, cổ phần của mình. Hình thức pháp lý ghi nhận quan hệ chuyển nhượng này là
hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần.
Căn cứ vào tiêu chí mua bán doanh nghiệp là chuyển quyền sở hữu và kiểm
soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu, có thể chia hợp đồng
chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp thành hai loại với tính chất khác biệt nhau:
(i) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chi phối ghi nhận những
nội dung của quan hệ mua bán doanh nghiệp. Nội dung các hợp đồng này thường cụ
thể, chi tiết và các bên chủ thể hợp đồng thỏa thuận về việc chuyển giao quyền kiểm
soát doanh nghiệp mục tiêu cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.
(ii) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là hình thức pháp lý của
quan hệ đầu tư tài chính. Nội dung các hợp đồng loại này không ghi nhận việc
chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu cho bên nhận chuyển nhượng cổ
phần, phần vốn và thông thường nội dung hợp đồng đơn giản hơn so với nội dung
của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn chi phối.
Bốn là, mua bán doanh nghiệp phải được sự cho phép hoặc thừa nhận, kiểm
soát của các cơ quan nhà nước theo những thủ tục pháp lý nhất định.
Thủ tục mua bán doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của
điều kiện khung pháp lý về mua bán doanh nghiệp. Đa số các quốc gia trên thế giới
đều quy định đối với một số thương vụ mua bán doanh nghiệp khi đạt tới một mức
doanh thu hoặc thị phần kết hợp đến “ngưỡng” phải kiểm soát hành vi mua bán
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật cạnh tranh thì các bên phải thông báo
45

tới cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi thực hiện thương vụ đó. Điều đó có
nghĩa là các bên chỉ được thực hiện thương vụ mua bán doanh nghiệp sau khi
được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cạnh tranh. Quy định này xuất phát từ
yêu cầu bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, ngăn ngừa những vụ tập trung kinh tế
(trong đó có hành vi mua bán doanh nghiệp) để hình thành những doanh nghiệp
thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc
quyền để thủ tiêu cạnh tranh.
Đối với các thương vụ mua bán doanh nghiệp chưa đạt tới “ngưỡng” pháp luật
cạnh tranh cấm thì các bên mua bán doanh nghiệp được tự do mua bán doanh
nghiệp mà không phải xin phép cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, do có sự
chuyển giao các quyền, nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp được mua cho bên mua
nên các bên cần phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc thông báo
bằng văn về việc bán doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thừa nhận
các thương vụ mua bán doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện
hành về mua bán doanh nghiệp.
1.1.3. Tác động của mua bán doanh nghiệp đối với bên bán, bên mua
doanh nghiệp và nền kinh tế- xã hội
Một là, đối với các bên mua và bên bán doanh nghiệp, xét ở khía cạnh kinh tế,
mua bán doanh nghiệp tác động tích cực đến việc gia tăng lợi ích kinh tế thu được
từ việc thực hiện các thương vụ mua bán doanh nghiệp.
Đặc điểm này cũng phù hợp với nguyên tắc cơ bản của mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp nói chung và mua bán doanh nghiệp nói riêng “là phải tạo ra những
giá trị mới cho các cổ đông mà việc duy trì tình trạng cũ không đạt được” [7, tr.5] vì
ở góc độ kinh tế, động cơ của việc mua lại doanh nghiệp là để nâng cao hiệu quả
hoạt động của doanh nghiệp. Đó là hiệu quả về kinh tế: quy mô sản xuất của doanh
nghiệp tăng lên nhưng chi phí cố định giữ nguyên hoặc làm gia tăng hiệu quả sản
xuất. Nói cách khác động cơ của mua bán doanh nghiệp là để tăng giá trị của doanh
nghiệp lớn hơn so với giá trị các doanh nghiệp trước khi tham gia thương vụ mua
bán doanh nghiệp. Đây cũng là sự cộng hưởng lực của các doanh nghiệp, các thành
viên của các doanh nghiệp tham gia thương vụ mua bán doanh nghiệp. Cụ thể, các
lợi ích kinh tế mà các bên mua bán doanh nghiệp hướng đến là:
46

(i) Mua bán doanh nghiệp giúp bên mua doanh nghiệp giảm chi phí, tiết kiệm
thời gian gia nhập thị trường, tận dụng cơ hội chiếm hữu tri thức và tài sản của
doanh nghiệp mục tiêu.
Mua bán doanh nghiệp sẽ giúp cho bên mua tiết kiệm thời gian, tránh được
các rào cản về thủ tục hành chính để gia nhập thị trường. Thay vì việc gây dựng
doanh nghiệp từ đầu với chi phí thành lập, mất thời gian xây dựng nhân sự, triển
khai mạng phân phối… bên mua có thể mua lại doanh nghiệp để tận dụng những lợi
thế của doanh nghiệp mục tiêu, giảm được các rủi ro trong quá trình xây dựng cơ sở
vật chất và cơ sở khách hàng ban đầu. Việc tận dụng các “nhân tài công nghệ” đặc
biệt ứng dụng đối với các ngành công nghệ cao là “tài sản trí tuệ” đóng vai trò then
chốt trong việc nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới. Trường hợp Lenovo mua lại bộ
phận PC của IBM, hãng Navigos đã mua lại mảng tuyển dụng nhân sự của Earsnt &
Young là những ví dụ minh chứng cho nhận định trên:
Thị trường thế giới đã biết đến IBM nên nếu mua lại, Lenovo sẽ rút ngắn được
rất nhiều thời gian để thị trường quốc tế biết tới mình. Tại Việt Nam, hãng
Navigos đã mua lại mảng tuyển dụng nhân sự của Earsnt & Young nhằm giảm
bớt một đối thủ nặng ký trong lĩnh vực săn đầu người [7, tr.12- 13].
Đặc biệt, đối với những thị trường có sự điều tiết mạnh của Chính phủ như các
ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, việc gia nhập thị trường của các nhà đầu tư
nước ngoài gặp một số rào cản lớn thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng thực hiện
các thương vụ mua lại doanh nghiệp đã được thành lập để gia nhập thị trường thay vì
việc thành lập mới doanh nghiệp. Mua bán doanh nghiệp vừa là đầu tư tài chính, vừa
đầu tư công nghệ, nhân sự. Tuy nhiên, mua bán doanh nghiệp khác với việc huy động
vốn, đầu tư tài chính thông thường vì mua bán doanh nghiệp không chỉ đơn thuần gọi
vốn mà còn thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược; bên mua không chỉ góp thêm vốn
mà còn tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp được mua bằng năng lực quản lý, các bí
quyết công nghệ kết hợp với hệ thống phân phối sẵn có của bên bán.
(ii) Thông qua mua bán doanh nghiệp, bên mua doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu
quả kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và chiến lược thương hiệu trên thị trường
Khi bên mua muốn nâng cao hiệu quả kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và
chiến lược thương hiệu thì việc mua lại các doanh nghiệp đã có thị trường, uy tín
47

trên thị trường và mạng lưới phân phối rộng lớn là một giải pháp thông minh.
Unilever là ví dụ điển hình về sở dụng chiến lược M&A để đa dạng hóa và phát
triển thương hiệu:
Unilever sở hữu rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong một số lĩnh vực
như Flora, Doriana, Rama, Wall, Amora, Knorr, Lipton và Slim Fast
(thực phẩm và đồ uống); Axe, Dove, Lifebuoy, Lux, Pond`s, Rexona,
Close-up, Sunsilk và Vaseline (sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cơ thể);
Comfort, Omo, Radiant, Sunlight, Surf (quần áo và đồ vật dụng)… Tập
đoàn này đã phải trải qua nhiều năm để ở hữu nhiều thương hiệu như thế.
Năm 1972, tập đoàn mua lại chuỗi nhà hàng A&W ở Canada…Năm
1987, Unilever tăng cường sức mạnh trong thị trường chăm sóc da bằng
việc mua lại Chesebrough- Ponds…Năm 1996, Unilever mua công ty
Helene Curtis Industries để tăng cường sự hiện diện trong thị trường dầu
gội đầu và sản phẩm khử mùi cơ thể ở Mỹ… Năm 2000, Unilever thâu
tóm công ty Best Foods của Mỹ để bắt đầu nhảy vào lĩnh vực thực phẩm
và đồng thời đẩy mạnh hoạt động trong khu vực Bắc Mỹ….[7, tr13-14].
(iii) Đối với doanh nghiệp đang thua lỗ, gặp khó khăn trong kinh doanh muốn
thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh trước áp lực cạnh tranh của thị trường để
chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác thì việc bán doanh nghiệp là một giải pháp
có thể giúp doanh nghiệp tránh được nguy cơ bị phá sản hoặc giải thể.
Do sức ép của cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc do thiếu kinh
nghiệm quản lý doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng, các doanh
nghiệp được rao bán thường đang gặp khó khăn trong kinh doanh, không có thị
trường hoặc không cạnh tranh nổi với những đối thủ khác, nếu tiếp tục hoạt động
kinh doanh, phá sản là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, trong thực tế có những
doanh nghiệp bị coi là "doanh nghiệp chết" nhưng vẫn được doanh nghiệp khác
mua lại vì bên bán muốn bán doanh nghiệp để tránh được những quy định không có
lợi mà Luật phá sản dành cho họ, mặt khác lại được bên mua trả hộ các khoản nợ.
Có thể kể đến vụ công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai (DONACORP) đã
gây sốc cho thị trường mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam khi mua lại Công ty
nước ngoài Cheerfield Rama, được xem là công ty phá sản với giá 1 USD. Đây
48

được xem là giá trị hình thức để mua lại công ty phá sản, bởi lẽ việc mua bán có
thực hiện hay không thì công ty này cũng sẽ chết do những khoản nợ lớn (nợ 34 tỷ
đồng và mất khả năng thanh toán) [28]. Như vậy, thông qua việc bán doanh nghiệp,
bên bán sẽ thu về một khoản tiền để tái cơ cấu tổ chức, tập trung đầu tư cho các lĩnh
vực, ngành nghề chủ đạo, có khả năng thu lợi nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp
hoặc sau khi bán doanh nghiệp, bên bán sẽ thành lập, thực hiện những dự án đầu tư
mới có hiệu quả hơn. Một số trường hợp mua bán doanh nghiệp mà bên mua nhận
trách nhiệm trả toàn bộ khoản nợ cho doanh nghiệp mục tiêu thì bán doanh nghiệp
chính là “giải pháp cứu cánh, hữu hiệu” cho chủ sở hữu doanh nghiệp trước sức ép đòi
nợ của chủ nợ và khả năng phải đối diện với việc có thể bị cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền áp dụng các chế tài trừng phạt nghiêm khắc theo quy đinh của pháp luật.
Bên mua doanh nghiệp cũng có lợi vì họ luôn có kế hoạch tái cấu trúc lại
"doanh nghiệp chết" bằng những chiến lược và kế hoạch thích hợp và doanh nghiệp
sau khi tái cấu trúc sẽ tăng giá trị lên rất nhiều. Thậm chí trên thế giới nhiều nhà đầu
tư đã có những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc mua bán các "doanh nghiệp chết"
như nhà tỉ phú Mirko Kovats người Áo chẳng hạn. Chỉ trong thời gian ngắn ông đã
tạo ra một đế chế tài chính đáng kinh ngạc chỉ bằng cách mua lại các doanh nghiệp,
thậm chí là các doanh nghiệp phá sản [39]. Vì vậy, mua lại doanh nghiệp bị phá sản
cũng sẽ là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hai là, đối với nền kinh tế- xã hội, xét ở khía cạnh cạnh tranh thì mua bán
doanh nghiệp là một hành vi tập trung kinh tế, là “cửa ngõ” dẫn đến việc hình thành
các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh
tranh trên thị trường.
Cuối những năm 1980, quy luật thị trường đã được áp dụng ở khắp mọi nơi.
Tự do kinh doanh và tự do khế ước cùng với sự giục giã của quy luật giá trị và bản
tính của con người nên các hoạt động hạn chế cạnh tranh đã xuất hiện, trong đó có
mua bán doanh nghiệp diễn ra vô cùng nhanh chóng dẫn đến hình thành các doanh
nghiệp độc quyền, gây ra sự phân chia không đồng đều giữa lợi ích tăng trưởng
kinh tế và thực tế cạnh tranh đã bị bóp méo từ các tổ chức độc quyền này.
Các Mác đã phát hiện ra nghịch lý: Cạnh tranh làm phát sinh tập trung kinh tế,
còn tập trung kinh tế lại tiêu diệt cạnh tranh. Tập trung kinh tế thông qua sáp nhập,
49

hợp nhất, mua lại doanh nghiệp là con đường nhanh nhất để tạo khả năng độc quyền
của doanh nghiệp trên thương trường. Có thể khẳng định: Cạnh tranh là động lực
thúc đẩy mua bán doanh nghiệp và mua bán doanh nghiệp khiến những cuộc cạnh
tranh trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, cạnh tranh càng gay
gắt thì nhu cầu mua bán doanh nghiệp cùng với các hành vi sáp nhập, hợp nhất
doanh nghiệp là một nhu cầu tất yếu. Nói như tiến sĩ Jacalyn Sherrinton, nhà tư vấn
hàng đầu về quản lý công ty thì: “Dưới sức ép cạnh tranh của môi trường kinh doanh
toàn cầu hôm nay, các công ty buộc phải phát triển để tồn tại, và một trong những cách
tốt nhất để tồn tại là hợp nhất hoặc thâu tóm các công ty khác” [31, tr. 32].

1.2. PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP


1.2.1. Khái niệm pháp luật về mua bán doanh nghiệp
Mua bán doanh nghiệp có tính phức tạp, bao trùm tất cả những vấn đề về tài
sản, nguồn vốn, thị trường, thương hiệu, cấu trúc quản lý, nhân sự, văn hóa… Mua bán
doanh nghiệp được nghiên cứu ở góc độ kinh tế, tài chính, pháp lý và nội dung nghiên
cứu về mua bán doanh nghiệp khác nhau do tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Pháp luật
mua bán doanh nghiệp có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
* Theo nghĩa rộng: Pháp luật mua bán doanh nghiệp là tổng hợp các quy phạm
pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát
sinh trong quá trình các bên tiến hành hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Tại Nhật Bản, các Bộ luật và luật chủ yếu điều chỉnh lĩnh vực hợp nhất, sáp
nhập và mua lại công ty của Nhật Bản bao gồm: Bộ luật thương mại, Luật chứng
khoán và thị trường chứng khoán, Luật chống độc quyền tư nhân và duy trì cạnh
tranh lành mạnh. Trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì có thể được
điều chỉnh bởi Luật về ngoại hối và ngoại thương.
Hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức được điều chỉnh
bởi các văn bản pháp luật như Bộ luật thương mại, Luật công ty cổ phần, Luật công
ty trách nhiệm hữu hạn, Luật công ty hợp danh chuyên nghiệp, Luật sáp nhập và
mua bán cổ phần chi phối trên thị trường chứng khoán, Luật chống hạn chế cạnh
tranh. Đồng thời là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, pháp luật của
Đức phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định của Liên minh châu Âu về mua bán
doanh nghiệp [1, tr.61].
50

Mua bán doanh nghiệp ở Mỹ chịu sự điều tiết chung ảnh hưởng đến tất cả các
thương vụ mua bán doanh nghiệp và những vấn đề điều tiết trong từng ngành, chỉ
ảnh hưởng đến một vài loại giao dịch trong những ngành nhất định. Các yếu tố điều
tiết chung bao gồm những vấn đề chống độc quyền, môi trường, chứng khoán, các
vấn đề phúc lợi nhân viên. Những vấn đề điều tiết của từng ngành sẽ do những
người quản lý liên bang có thể chấp thuận đối với những giao dịch liên quan đến
việc thay đổi sở hữu hay kiểm soát, hay những giao dịch có thể ảnh hưởng phi cạnh
tranh đến ngành. Tất cả các giao dịch trong ngành truyền thông, chăm sóc sức khỏe,
bảo hiểm, dịch vụ công, vận tải, viễn thông, dịch vụ tài chính và thậm chí cả quốc
phòng nên được các cố vấn phân tích cẩn thận để quyết định cần có sự chấp thuận
của chính phủ ở mức độ nào để có thể tiến hành giao dịch. Các công ty nhỏ chịu sự
điều chỉnh của luật pháp địa phương. Các quy định kiểm soát các công ty tư nhân
được đánh giá là tương đối minh bạch. Phần lớn các ngành hoặc các lĩnh vực kinh
doanh ở Mỹ và ở đa phần các quốc gia khác đều chịu sự chi phối của một số quy
định và cơ quan điều chỉnh cụ thể của ngành.
Tương tự như các quốc gia trên, mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được
quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Doanh
nghiệp (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Chứng khoán (2006) và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2010), Luật Đầu tư (2005) và phù hợp
với các cam kết quốc tế liên quan đến mua bán doanh nghiệp mà Việt Nam là thành
viên. Do tính chất phức tạp của mua bán doanh nghiệp mà pháp luật về mua bán
doanh nghiệp không chỉ điều chỉnh các vấn đề về sở hữu hay quản trị doanh nghiệp
mục tiêu mà còn đề cập đến nhiều nội dung liên quan khác như: đăng ký thay đổi
chủ sở hữu doanh nghiệp; đăng ký về thủ tục mua bán doanh nghiệp; các nghĩa vụ
về thuế; các quy định về chuyển quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị doanh nghiệp
mục tiêu; ký kết các hợp đồng mua bán doanh nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng cổ
phần, phần vốn góp; xử lý lao động của doanh nghiệp mục tiêu, pháp luật cạnh
tranh được ban hành để kiểm soát mua bán doanh nghiệp (với tính chất là một hành
vi tập trung kinh tế).
Có thể nhận xét: Những nền kinh tế chính trị khác nhau đưa ra những mục tiêu
khác nhau và những mục tiêu khác nhau sẽ tạo ra những hệ thống pháp luật khác
51

nhau. Vai trò của Chính phủ và vai trò của thị trường sẽ ảnh hưởng đến pháp luật về
mua bán doanh nghiệp.
Ở Mỹ, tổ chức doanh nghiệp chủ yếu dựa vào chức năng chuẩn mực của thị
trường, nên mục tiêu chính là phải đảm bảo những chức năng chuẩn đó. Từ đó tạo
nên một hệ thống pháp luật đề cao sự tự do của thị trường và hạn chế sự can thiệp
của Chính phủ vào hoạt động tự do của thị trường. Vì vậy, vai trò của Chính phủ chỉ
liên quan đến “môi trường, sức khỏe và an toàn, bảo vệ người tiêu dùng” hoặc là
những vấn đề mà thị trường không thể tự giải quyết được. Quan điểm này dẫn đến
một đặc điểm quan trọng của luật pháp Mỹ, đó là luật pháp phụ thuộc vào thị
trường, với “niềm tin cháy bỏng về khả năng của thị trường tự do có thể kiểm soát
được chính nó” [45]. Vì vậy, việc kiểm soát mua bán doanh nghiệp ở Mỹ được nhìn
nhận theo tinh thần hầu hết các thương vụ mua bán đó không đe dọa đến cạnh tranh,
mua bán doanh nghiệp được coi như là việc thay thế những doanh nghiệp yếu kém.
Một cuộc mua bán doanh nghiệp sẽ bị hủy bỏ nếu có những bằng chứng chứng minh
vụ mua bán đó sẽ tạo ra những doanh nghiệp độc quyền, tạo ra những hiệu ứng không
hiệu quả (sự hiệu quả là tiêu chí đánh giá thị trường có hoạt động tốt hay không).
Những nhà làm chính sách ở Đức không chỉ quan tâm đến yếu tố thị trường mà
còn là những nhu cầu của việc hỗ trợ tổ chức phi thị trường. Theo quan điểm này, nền
kinh tế chính trị ở Đức tạo nhiều cơ hội hơn cho Chính phủ, khác với Mỹ. Chính sách
kiểm soát mua bán doanh nghiệp của Đức coi trọng việc bảo vệ lợi ích cộng đồng và
Chính phủ can thiệp vào hoạt động mua bán doanh nghiệp nhiều hơn so với Mỹ.
Nhật Bản, việc tổ chức doanh nghiệp dựa vào tổ chức mang tính chất nhóm
(các zaibatsu và keiretsu), điều này hầu như trái ngược với Mỹ là nơi mà tự do cá
nhân là yếu tố tiên quyết trong hệ thống pháp luật. Vai trò của các nhóm thúc đẩy
nguyên tắc hòa hợp và đồng lòng xóa nhòa đi vai trò của cạnh tranh và thị trường.
Xu hướng này được Chính phủ coi trọng và ủng hộ vai trò của Chính phủ trong sự
phát triển kinh tế quốc gia, coi nhẹ cạnh tranh thị trường. Dựa vào mối quan hệ thân
thiết giữa Chính phủ và cộng đồng kinh doanh để tạo thành các chính sách nói
chung và pháp luật về mua bán doanh nghiệp nói riêng. Chính sách về mua bán
doanh nghiệp ở Nhật Bản là không kiểm soát việc mua bán doanh nghiệp đối với
các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp lớn được Chính phủ hỗ trợ và hướng dẫn,
52

ngăn chặn giao dịch mua bán không mong muốn (nhất là mua bán mang tính thù
địch do các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành).
Việt Nam với vai trò của Chính phủ được cộng hưởng với tính chất gia đình
như các nền kinh tế châu Á và xu hướng Chính phủ can thiệp mạnh mẽ vào thị
trường. “Sự kết hợp này tạo ra một nền kinh tế chính trị với vị thế vững chắc của
Chính phủ trên thị trường, do vậy cách thức kiểm soát về mua bán doanh nghiệp sẽ
khác với pháp luật của một số quốc gia khác” [45].
* Theo nghĩa hẹp: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp là hệ thống các quy
phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội phát sinh giữa bên mua,
bên bán doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp và quan
hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp trong việc đăng
ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc thực hiện kiểm soát Nhà nước về tập
trung kinh tế.
Pháp luật về mua bán doanh nghiệp theo nghĩa hẹp bao gồm các quy định cụ
thể điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa các bên tham gia thương vụ mua bán
doanh nghiệp. Cụ thể, pháp luật về mua bán doanh nghiệp theo nghĩa hẹp với nội
hàm: quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp; quy định về chủ thể với vai
trò là bên bán, bên mua doanh nghiệp; quy định về hợp đồng mua bán doanh
nghiệp; quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp; quy định về kiểm soát doanh
nghiệp dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh. Cấu trúc pháp luật về mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam được thể hiện như sau:
(i) Bộ luật Dân dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong về ký kết hợp
đồng nói chung;
(ii) Luật Doanh nghiệp (2005) và các nghị định hướng dẫn thi hành quy định
về chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần, mua bán doanh nghiệp tư nhân; quy định
về cách thức quản trị doanh nghiệp, thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh
nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh doanh nghiệp theo cách thức: ghi nhận
và tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để các chủ thể thực hiện quyền tự do mua bán
doanh nghiệp trên thị trường mua bán doanh nghiệp.
(iii) Luật Cạnh tranh (2004) chỉ kiểm soát mua bán doanh nghiệp khi các
doanh nghiệp sau khi tham gia mua bán có tỷ lệ thị phần đạt tới ‘ngưỡng’ theo quy
53

định của pháp luật cạnh tranh. Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh doanh nghiệp ở khía
cạnh kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp.
(iv) Pháp luật chứng khoán điều chỉnh mua bán doanh nghiệp thông qua hoạt
động mua bán cổ phiếu ra công chúng.
(v) Quy định về bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các quy định cụ thể
của các ngành về mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp đang
hoạt động tại Việt Nam được áp dụng điều chỉnh đối với khu vực doanh nghiệp
100% vốn nhà nước và trường hợp bên mua doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù, sự phân chia để tiếp cận khái niệm pháp luật về mua bán doanh
nghiệp theo các nghĩa rộng và nghĩa hẹp chỉ có tính chất tương đối nhưng sự phân
chia này cũng giúp định ra giới hạn của việc tìm hiểu, xem xét và đánh giá pháp luật
về mua bán doanh nghiệp trong một tổng quan pháp luật nói chung. Điều đó có ý
nghĩa trong việc xây dựng luận cứ khoa học và lựa chọn những giải pháp thích hợp
nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong
phạm vi của luận án này, pháp luật về mua bán doanh nghiệp được tiếp cận theo
nghĩa hẹp và đặt trong mối quan hệ với các lĩnh vực pháp luật có liên quan.
1.2.2. Nội dung pháp luật về mua bán doanh nghiệp
Pháp luật về mua bán doanh nghiệp (theo nghĩa hẹp) phải đáp ứng vai trò là
điều kiện khung pháp lý để thương vụ mua bán doanh nghiệp được diễn ra trên thực
tế. Theo đó, pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung:
Thứ nhất, quy định đối tượng có quyền mua doanh nghiệp, tỷ lệ giới hạn sở
hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các thương vụ
mua bán doanh nghiệp, những điều kiện gắn với nhân thân bên mua doanh nghiệp
phù hợp với đặc thù trong một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh…
Thứ hai, quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp; nội dung mua bán
doanh nghiệp với tính chất mua bán doanh nghiệp là mua bán tập hợp quyền của
doanh nghiệp, xác định thời điểm thương vụ mua bán doanh nghiệp được hoàn tất
và trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên mua bán doanh nghiệp với những chủ nợ,
người lao động của doanh nghiệp.
Thứ ba, quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp. Đặc biệt, pháp luật phải
kiểm soát các thương vụ mua bán doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây hạn chế, cản
54

trở cạnh tranh trên thị trường. Để thực hiện được sứ mệnh này, cần phải xác định
thị trường liên quan, tiêu chí và “ngưỡng” cụ thể để kiểm soát mua bán doanh
nghiệp với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế quy định tại văn bản pháp
luật cạnh tranh. Từ đó, các thủ tục mua bán doanh nghiệp được thiết kế theo
hướng: trước hết, xác định doanh nghiệp tham gia mua bán có thuộc trường hợp
pháp luật cạnh tranh kiểm soát không? Các thương vụ mua bán doanh nghiệp nếu
không thuộc ngưỡng pháp luật phải kiểm soát thì được thực hiện theo các thủ tục
thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp quy định tại Điều lệ doanh nghiệp và pháp luật
doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán, pháp luật đầu tư, các văn bản pháp luật
chuyên ngành.
1.2.2.1. Quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp
Trên thực tế, mua bán doanh nghiệp xuất hiện với các hình thức khác nhau
nhưng đều phản ánh bản chất mua bán doanh nghiệp, được định dạng bởi một số
đặc điểm pháp lý về mua bán doanh nghiệp. Vì vậy, pháp luật mua bán doanh
nghiệp phải quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp.
Các quy định này đặt ra những giới hạn và chỉ ra các biến thể của mua bán doanh
nghiệp. Pháp luật về mua bán doanh nghiệp chỉ ra các căn cứ, tiêu chí phân loại mua
bán doanh nghiệp thành các hình thức mua bán doanh nghiệp khác nhau và từ đó có
các cách thức điều chỉnh pháp luật khác nhau. Hình thức mua bán doanh nghiệp có thể
được tiếp cận từ góc độ pháp luật cạnh tranh và pháp luật doanh nghiệp.
* Theo cách tiếp cận của pháp luật cạnh tranh nhằm kiểm soát các thương vụ
mua lại doanh nghiệp với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế để bảo vệ cạnh
tranh trên thị trường thì mua bán/mua lại doanh nghiệp được thể hiện theo các hình
thức mua lại doanh nghiệp theo chiều ngang, mua lại doanh nghiệp theo chiều dọc
và mua lại doanh nghiệp hỗn hợp.
Mua lại doanh nghiệp theo chiều ngang thường diễn ra giữa hai doanh nghiệp
cùng nằm trong một cấp độ trong chuỗi sản xuất. Mua lại theo chiều ngang nhằm
mục tiêu: thực hiện hiệu quả theo quy mô, thực hiện mục tiêu chiến lược thị trường
như khống chế thị trường hoặc tạo ra rào cản thị trường. Mua lại doanh nghiệp theo
chiều ngang thường sẽ làm giảm đối thủ cạnh tranh độc lập trên thị trường và có thể
làm tăng lên một cách đáng kể các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh.
55

Mua lại doanh nghiệp theo chiều dọc diễn ra giữa những doanh nghiệp nằm ở
những cấp độ khác nhau của chuỗi sản xuất. Mục tiêu của mua bán doanh nghiệp
theo chiều dọc thường nhằm chi phối giao dịch hoặc thực hiện những mục tiêu
chiến lược thị trường đảm bảo nguồn cung ứng hoặc tiêu thị, ngăn cản đối thủ cạnh
tranh mở rộng thị trường hoặc dựng rào cản gia nhập thị trường.
Mua lại doanh nghiệp hỗn hợp là việc mua lại những doanh nghiệp không sản
xuất những sản phẩm cạnh tranh với nhau và cũng không có những mối quan hệ
mua bán thực sự hoặc tiềm năng. Lợi thế quy mô của mua lại hỗn hợp thường xuất
hiện ở lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, tổ chức và quản lý. Mục tiêu của mua lại
hỗn hợp thường là phân bổ rủi ro vào những thị trường khác nhau hoặc từ những lý
do chiến lược thị trường của những doanh nghiệp này.
* Theo cách tiếp cận của pháp luật doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp thể
hiện quyền tự do trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Do tiêu chí nhận dạng mua bán
doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau nên các hình thức mua bán doanh nghiệp
cũng được nhìn nhận khác nhau.
Chẳng hạn, Cộng hòa Liên bang Nga quy định mua bán doanh nghiệp là mua
bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp [47]; Cộng hòa Liên bang Đức thừa nhận mua
bán doanh nghiệp thông qua các hình thức mua bán tài sản của doanh nghiệp; mua cổ
phần hoặc phần vốn góp chi phối của doanh nghiệp; mua nợ của doanh nghiệp và
chuyển nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp tại doanh nghiệp đó [1, tr.64-66] hoặc
Singapore quy định mua lại doanh nghiệp là khi một công ty hoặc một cá nhân giành
quyền chi phối phiếu bầu trong một công ty khác [19]. Tựu chung lại, trong thực tế,
mua bán doanh nghiệp bao gồm mua bán toàn bộ doanh nghiệp hoặc mua một phần
doanh nghiệp thể hiện theo các hình thức mua bán doanh nghiệp cụ thể như sau:
(i) Nhà đầu tư mua toàn bộ doanh nghiệp bao gồm mua toàn bộ tài sản của
doanh nghiệp và từ đó, nhà đầu tư có quyền quyết định điều hành hoạt động kinh
doanh, quản trị doanh nghiệp do họ đã mua.
(ii) Nhà đầu tư mua lại một phần doanh nghiệp. Ví dụ: hãng máy tính Lenovo
của Trung Quốc đã mua lại mảng kinh doanh máy tính cá nhân của Tập đoàn IBM
hoặc thương vụ công ty xi măng Holcim đã mua lại nhà máy xi măng Cotec của
Tập đoàn Cotec [7, tr.9].
56

(iii) Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ, phát
hành cổ phiếu ra công chúng. Đây là hình thức thâu tóm một phần doanh nghiệp và
đủ để tham gia quyền sở hữu và quản trị doanh nghiệp bị mua (gọi là doanh nghiệp
hoặc công ty mục tiêu). Rất nhiều tỷ phú Nga đã thành công từ việc mua bán doanh
nghiệp qua hình thức này khi Nga tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước vào đầu thập
niên 90 [7, tr.7].
(iv) Nhà đầu tư mua cổ phiếu, phần vốn góp để giành quyền sở hữu và chi
phối doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể mua một lần hoặc mua gom cổ phiếu, phần
vốn góp chi phối để thực hiện được quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu. Vụ
Malcolm Glazer mua đội bóng Manschester Untied (MU), một trong những đội
bóng thành công nhất của châu Âu và là một công ty nhượng quyền thể thao nổi
tiếng thế giới là một ví dụ của thương vụ mua doanh nghiệp thông qua hình thức
mua gom cổ phiếu:
Tháng 3/2003, Malcolm Glazer bắt tay vào mua cổ phiếu của MU. Cuối
năm 2003, ông sở hữu 14% cổ phần của đội bóng, dần dần Glazer tìm
cách sở hữu trên 75% cổ phần của MU, điều này cho phép ông tiến hành
thủ tục chuyển MU thành một công ty tư nhân. Sau đó, ông tiếp tục nắm
giữ 98% cổ phần của công ty và cuối tháng 6/2005, ông nắm toàn quyền
kiểm soát đội bóng [6, tr.234].
(v) Các nhà đầu tư mua nợ của doanh nghiệp mục tiêu. Khi một doanh nghiệp
mục tiêu gặp khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không thể trả được nợ
thì doanh nghiệp mắc nợ, các chủ nợ có thể thỏa thuận với một số nhà đầu tư để
những người này mua nợ của doanh nghiệp mục tiêu. Sau đó, bên mua nợ sẽ chuyển
khoản nợ thành vốn chủ sở hữu.
Dựa vào những căn cứ phân loại này, pháp luật về mua bán doanh nghiệp có
những quy định cụ thể điều chỉnh về mua bán doanh nghiệp. Ngay cả trường hợp
pháp luật không ghi nhận chính thức nhưng căn cứ vào các tiêu chí mua bán doanh
nghiệp, các quốc gia vẫn thừa nhận quan hệ đó là mua bán doanh nghiệp. Ví dụ,
một số nước châu Âu lục địa chỉ xác lập những nguyên tắc pháp lý cơ bản về mua
bán doanh nghiệp, ở một mức độ nào đó cơ quan có thẩm quyền xác định thương vụ
mua bán doanh nghiệp qua hệ thống án lệ.
57

Cùng với quan niệm về mua bán doanh nghiệp, quy định pháp luật về hình
thức mua bán doanh nghiệp giúp định dạng rõ hơn về hoạt động mua bán doanh
nghiệp với các biến thể của hoạt động này trong thực tiễn. Từ tiền đề nhận biết rõ về
các hình thức mua bán doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cơ quan chức năng sẽ thực
thi pháp luật về mua bán doanh nghiệp hiệu quả hơn.
1.2.2.2. Quy định về chủ thể mua bán doanh nghiệp
Chủ thể mua bán doanh nghiệp gồm bên bán doanh nghiệp là chủ sở hữu
doanh nghiệp và bên mua là tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp. Quy
định pháp luật về chủ thể mua doanh nghiệp là cơ sở pháp lý giúp các bên có nhu
cầu mua doanh nghiệp xem xét họ có được quyền mua doanh nghiệp không để hạn
chế việc đầu tư không khả thi. Mặt khác, quy định pháp luật về chủ thể mua bán
doanh nghiệp chính là một trong căn cứ để xem xét điều kiện có hiệu lực của hợp
đồng mua bán doanh nghiệp.
Quy định về chủ thể bán doanh nghiệp: Về nguyên tắc, chủ sở hữu doanh
nghiệp có quyền bán doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước, do
đặc thù chủ sở hữu là Nhà nước, một chủ thể đặc biệt nên xác định cơ quan, tổ
chức nào đại diện cho bên bán doanh nghiệp Nhà nước phải được quy định rõ ràng
trong các văn bản pháp luật. Ví dụ, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định về chủ
thể hợp đồng mua bán doanh nghiệp nhà nước cụ thể:
Trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp nhà nước, bên mua là chủ thể
chung trong các hợp đồng dân sự: cá nhân, tổ chức (Điều 17, điều 48) và
một số doanh nghiệp nhà nước khác. Bên bán đại diện cho Nhà nước (là
Chính phủ, cơ quan Liên bang về quản lí tài sản quốc gia, các cơ quan
liên bang hành pháp khác, cơ quan thuộc chủ thể liên bang và cơ quan
vùng tự trị) [50].
Quy định về chủ thể có quyền mua doanh nghiệp: Chủ thể mua lại doanh
nghiệp tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện về
tư cách chủ thể mua doanh nghiệp. Pháp luật một số nước có thể quy định một số
điều kiện về chủ thể mua doanh nghiệp, ví dụ pháp luật Việt Nam quy định các chủ
thể không có quyền thành lập quản lý doanh nghiệp và một số đối tượng khác
không được mua doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
58

Với những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh tài chính, ngân hàng, pháp luật sẽ
giới hạn tỷ lệ cổ phần, phần vốn nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu. Do vậy, quy
định pháp luật về chủ thể mua bán doanh nghiệp phải đưa ra các tiêu chí để nhận
diện nhà đầu tư nước ngoài và quy định những giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà
đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp. Pháp luật của Việt Nam đã đưa ra định
nghĩa về nhà đầu tư nước ngoài nhưng các khái niệm này không thống nhất với
nhau, khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật
Đầu tư (2005) không chỉ rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, một số quốc gia như Trung Quốc
đã quy định rõ ràng về “doanh nghiệp nội địa được xác định là doanh nghiệp không
có vốn đầu tư nước ngoài (dưới 25%)” [31, tr.85].
1.2.2.3. Quy định về hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua
bán doanh nghiệp
Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết để
hình thành thương vụ mua bán doanh nghiệp. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp
ở các nước có thể khác nhau vì vậy hợp đồng mua bán doanh nghiệp có thể tồn tại
dưới những tên gọi khác nhau như hợp đồng mua bán tài sản; hợp đồng chuyển
nhượng cổ phần, phần vốn góp (tỷ lệ chi phối); hợp đồng mua bán doanh nghiệp
doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Tùy thuộc vào trường phái common law coi trọng án lệ hơn luật thành văn hay
dòng họ civil law coi trọng lý luận pháp luật hơn thực tiễn mà điều chỉnh pháp luật
về hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau. Mặt khác, trình độ
phát triển kinh tế- xã hội và kiến thức kinh tế, pháp luật của các bên mua bán doanh
nghiệp ở mỗi quốc gia có sự khác nhau, điều đó tác động đến thái độ của Nhà nước
đối với việc có cần thiết phải ban hành pháp luật riêng quy định về hợp đồng mua
bán doanh nghiệp hay chỉ cần thiết kế những quy định chung về hợp đồng.
Đề cao nguyên tắc tự do kinh doanh, trong đó có tự do giao kết hợp đồng, nhìn
chung các quốc gia không can thiệp quy định nội dung các bên phải thỏa thuận
trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Đối với các nước thuộc dòng họ luật civil
law, nguồn luật thành văn là nguồn luật phổ biến và quan trọng nhất, trong quá trình
thực thi pháp luật, các chủ thể thường phải tìm các căn cứ pháp lý để xem xét mình
59

có thực hiện hoạt động đó không? Nếu được thực hiện thì họ có quyền và nghĩa vụ
cụ thể quy định tại văn bản pháp luật nào?
Quy định pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp, bao gồm các nội dung
chủ yếu sau:
(i) Khái niệm hợp đồng mua bán doanh nghiệp: Có nước định nghĩa trực tiếp
về hợp đồng mua bán doanh nghiệp như Cộng hòa Liên bang Nga hoặc có quốc gia
mô tả các dấu hiệu của hợp đồng mua bán doanh nghiệp như Cộng hòa Liên bang
Đức. Việt Nam không định nghĩa về hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
(ii) Quy định về nội dung của hợp đồng mua bán doanh nghiệp, cụ thể là quy
định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Quy định về nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp đã xác định những
đặc điểm cơ bản của loại hợp đồng này. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp thể hiện
bản chất chung của hợp đồng, là sự tự nguyện thỏa thuận thống nhất ý chí giữa bên
mua và bên bán doanh nghiệp. Một số nguyên tắc chung của hợp đồng dân sự là
khuôn mẫu áp dụng đối với tất cả các hợp đồng trong các lĩnh vực, trong đó có hợp
đồng mua bán doanh nghiệp. Với đặc thù mua bán doanh nghiệp, nghiên cứu, xây
dựng một số nội dung pháp lý về hợp đồng mua bán doanh nghiệp là cần thiết. Đây
chính là cơ sở để phân biệt hợp đồng mua bán doanh nghiệp với các hợp đồng khác
trong lĩnh vực thương mại gần với lĩnh vực mua bán doanh nghiệp: hợp đồng sáp nhập,
hợp nhất doanh nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần (chưa đến tỷ
lệ chi phối). Các quy định pháp luật định hướng về nội dung của hợp đồng mua bán
doanh nghiệp cũng là căn cứ để xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán doanh
nghiệp. Ngoài những ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên đối với nhau được
quy định trong pháp luật dân sự và pháp luật thương mại nói chung, các bên mua
bán doanh nghiệp còn có những ràng buộc khác thể hiện bản chất pháp lý của mua
bán doanh nghiệp. Xuất phát từ đối tượng của mua bán doanh nghiệp là doanh
nghiệp, một loại hàng hóa đặc biệt nên trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp, các
bên phải thỏa thuận về việc tiếp nhận và chuyển giao trách nhiệm đối với người lao
động. Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận những điều khoản không gây hạn
chế cạnh tranh cho bên mua doanh nghiệp; ngay cả thời điểm chuyển quyền sở hữu
60

doanh nghiệp và rủi ro cũng có điểm khác biệt so với quan hệ mua bán hàng hóa
thông thường khác. Nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác của bên bán doanh
nghiệp và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về việc cung cấp không chính xác thông
tin cho bên mua doanh nghiệp là những thỏa thuận khác biệt với các hợp đồng
thương mại khác.
Căn cứ vào nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp, các mối quan hệ cơ
bản giữa các chủ thể trong quan hệ mua bán doanh nghiệp được nhận diện, các bên
thứ ba trong quan hệ với các bên mua bán doanh nghiệp kiểm soát được các bước
tiến hành mua bán doanh nghiệp và tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm
quyền giải quyết tranh chấp về mua bán doanh nghiệp (nếu có).
1.2.2.4. Quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp
Mua bán doanh nghiệp là một dạng của mua bán tài sản được thực hiện thông
qua hợp đồng, do vậy, về nguyên tắc các bên được tự do thỏa thuận, tự do mua bán.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận mua bán doanh nghiệp đó dẫn đến hoặc có khả năng dẫn
đến giảm bớt, sai lệch hoặc triệt tiêu cạnh tranh thì sẽ bị kiểm soát.
Thứ nhất, các quốc gia đều quan tâm tới tác động của mua bán doanh nghiệp
tới trật tự cạnh tranh trên thương trường, vì vậy, kiểm soát mua bán doanh nghiệp là
một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật cạnh tranh. Từ góc độ cạnh tranh, mua bán
doanh nghiệp được hiểu như hành vi tập trung kinh tế gắn với quá trình mà số lượng
các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi. Bản chất của mua
bán doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác là tăng thêm tư bản do
hợp nhất nhiều tư bản lại. Việc hợp nhất các tư bản có thể dẫn đến phá vỡ cấu trúc
cạnh tranh trên thị trường và cần phải được Nhà nước kiểm soát thông qua chính
sách, pháp luật cạnh tranh.
Pháp luật cạnh tranh kiểm soát mua bán doanh nghiệp và các hành vi tập trung
kinh tế khác (gọi chung là tập trung kinh tế) theo chế độ tiền kiểm hoặc chế độ hậu
kiểm. Tiền kiểm là việc các bên tham gia tập trung kinh tế phải thông báo dự án tập
trung kinh tế hoặc hoạt động tập trung kinh tế trước khi thực hiện, có nghĩa là việc
kiểm soát của các cơ quan quản lý cạnh tranh được thực hiện trước khi các doanh
nghiệp tiến hành tập trung kinh tế. Ngược lại, hậu kiểm là việc cơ quan quản lý
cạnh tranh xem xét vụ tập trung kinh tế sau khi các bên đã thực hiện tập trung kinh
61

tế. Hậu kiểm khác với việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế bị cơ quan
có thẩm quyền xem xét, xử lý trên cơ sở có đơn khiếu nại hoặc do cơ quan quản lý
nhà nước phát hiện.
Pháp luật cạnh tranh phải quy định “ngưỡng” để kiểm soát tập trung kinh tế
nhằm đảm bảo không xâm phạm quyền tự do tập trung kinh tế của các nhà đầu tư đồng
thời vẫn bảo vệ cạnh tranh trên thị trường. Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế ở các
quốc gia có sự khác nhau. Pháp và Đức căn cứ vào ngưỡng doanh thu để kiểm soát
hành vi tập trung kinh tế; Hoa kỳ căn cứ ngưỡng theo tiêu chí doanh thu và tài sản [9,
tr.82]; ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam căn cứ vào tiêu chí thị phần.
Căn cứ vào ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế, pháp luật cạnh tranh quy định
các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm thực hiện; các trường hợp tập trung kinh tế
bị cấm thực hiện nhưng được hưởng miễn trừ và kiểm soát những trường hợp tập
trung kinh tế đạt gần tới ngưỡng bị cấm thực hiện. Cụ thể:
(i) Các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm: Nhà nước không cấm các doanh
nghiệp thực hiện các hoạt động mua bán doanh nghiệp nhưng Nhà nước sẽ kiểm
soát việc mua lại doanh nghiệp, xem xét việc mua lại doanh nghiệp đó có dẫn đến
việc hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan không? Vì vậy, các quốc gia trên
thế giới đều quy định một số trường hợp cấm các doanh nghiệp tham gia thương vụ
mua bán doanh nghiệp trên cơ sở tính toán các điều kiện kinh tế- xã hội của mỗi
quốc gia trong từng thời kỳ nhất định. Mục đích của việc cấm các thương vụ mua
lại doanh nghiệp đó là nhằm ngăn cản việc hình thành một doanh nghiệp có vị trí
thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường và sẽ lạm dụng các vị trí đó thủ tiêu cạnh
tranh, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế- xã hội.
(ii) Các trường hợp tập trung kinh tế được miễn trừ: Miễn trừ đối với tập trung
kinh tế được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp nằm
trong ngưỡng thị phần hoặc doanh thu phải chịu sự kiểm soát về tập trung kinh tế
được thực hiện các dự án trên cơ sở đáp ứng một số tiêu chí hiệu quả kinh tế- xã hội
nhất định. Cơ quan lập pháp phải xác định mục tiêu của Luật Cạnh tranh để từ đó
xây dựng các nguyên tắc và tiêu chí miễn trừ cụ thể. Tùy vào điều kiện kinh tế- xã
hội của từng quốc gia trong những giai đoạn nhất định mà Luật Cạnh tranh các
nước xác định những mục tiêu cụ thể. Lưu ý là việc xác định quá nhiều mục tiêu
62

trong Luật Cạnh tranh sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và gây khó khăn cho cơ quan
quản lý cạnh tranh khi xác định các trường hợp tập trung kinh tế được miễn trừ.
(iii) Pháp luật cạnh tranh quy định về cơ quan có chức năng kiểm soát các vụ
việc tập trung kinh tế và có thẩm quyền xử lý các vụ việc tập trung kinh tế vi phạm
pháp luật cạnh tranh. Mỗi một quốc gia đặt tên cho cơ quan này với những tên gọi
khác nhau như Cục Các-ten ở Đức, Ủy ban thương mại lành mạnh ở Nhật Bản, Cục
quản lý cạnh tranh ở Việt Nam... Các cơ quan này đều có nhiệm vụ kiểm soát các
hành vi tập trung kinh tế khi các bên tham gia vụ tập trung kinh tế đó đạt đến
ngưỡng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thương trường.
Thứ hai, từ góc độ điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp thì mua bán doanh
nghiệp là một quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư. Theo đó, quy định pháp
luật về thủ tục mua bán doanh nghiệp bao gồm những nội dung: quy định về thẩm
quyền thông qua quyết định bán tài sản doanh nghiệp; quy định về các điều kiện
chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; quy định về các điều kiện chào mua công
khai cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; quy định về thủ tục đăng ký chuyển
quyền sở hữu tài sản, thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp.
Ở Mỹ, quy trình phê duyệt bán công ty đều bị chi phối bởi các yêu cầu mang
tính pháp lý mà mọi hoạt động của công ty đều phải tuân theo. Tùy giá trị, quy mô
của thương vụ, cổ đông hoặc ban giám đốc hoặc giám đốc điều hành thông qua việc
bán tài sản của doanh nghiệp. Hầu hết các giao dịch mua bán doanh nghiệp đều
được nhà nước và Tòa án điều chỉnh theo cách thức cụ thể. Mục đích điều chỉnh
những thương vụ mua bán doanh nghiệp là để bảo vệ các nhà đầu tư. Các công ty tư
nhân chỉ cần tuân thủ các quy định pháp luật về việc đưa ra các quyết định mua bán
doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp [16, tr.73]. Ủy ban Giao dịch và
chứng khoán (Securities and Exchange Commission- SEC) được thành lập sau cuộc
đại khủng hoảng năm 1929, chủ yếu quan tâm tới bảo vệ quyền lợi của những nhà
đầu tư cá nhân, theo đó SEC quan tâm tới trách nhiệm công khai và trách nhiệm ủy
thác. Có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân phải được thông tin đầy đủ, chính xác về
thương vụ mua bán doanh nghiệp. SEC cũng quan tâm tới những trách nhiệm ủy
thác của ban giám đốc và ban điều hành công ty đảm bảo họ đã hành động vì lợi ích
cao nhất của cổ đông. Sự điều chỉnh của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các công
ty đại chúng.
63

Cộng hòa Liên bang Đức điều chỉnh các thương vụ mua bán doanh nghiệp
trong các văn bản pháp luật như quy định về chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn
góp của công ty trong Bộ luật thương mại ban hành năm 1897, sửa đổi năm 1998 và
các luật công ty. Các hợp đồng mua bán tài sản chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân
sự năm 1896. Theo đó, trong trường hợp mua bán tài sản của công ty, các chủ thể
phải tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu, mua bán tài sản là bất động sản thì hợp
đồng chỉ có hiệu lực sau khi công chứng. Hoạt động mua bán cổ phần hoặc phần
vốn góp chi phối ở công ty không niêm yết phải thông báo thay đổi về thành viên
đến phòng đăng ký kinh doanh thương mại nơi công ty có trụ sở chính [1, tr.65].
Cộng hòa Liên bang Nga quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp trong các
văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự Liên bang Nga (phần 1 có hiệu lực từ ngày
30/09/1994 số 51- LBN; phần 2 có hiệu lực từ ngày 26/01/1996 số 14- LBN; phần 3
có hiệu lực từ ngày 26/10/2001 số 146 LBN; phần 4 có hiệu lực từ ngày 18/12/2006
số 230- LBN) sửa đổi, bổ sung từ ngày 07/05/2013, Luật liên bang về đăng ký đối
với tài sản bất động sản và các giao dịch với loại tài sản đó, số 112, có hiệu lực kể
từ ngày 21/7/1997, sửa đổi, bổ sung ngày 7/5/2013 quy định mua bán doanh nghiệp
trải qua ba giai đoạn là: Ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng; Chuyển giao doanh
nghiệp; Đăng ký quyền sở hữu của người mua đối với doanh nghiệp. Việc đăng ký
mua bán doanh nghiệp ở Nga thực hiện tại cơ quan nhà nước thống nhất nơi có bất
động sản theo pháp luật của Liên bang [49].
Các thương vụ mua bán doanh nghiệp được thực hiện theo thủ tục hành chính
hoặc tư pháp tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia. Ví dụ: theo Bộ luật
Company Act, Part 26 (ss.895- 901) quy định mua lại doanh nghiệp bằng phương
án dàn xếp phải được số cổ đông sở hữu 75% vốn chấp thuận. Sau khi được cổ đông
chấp thuận, phương án đó phải được Tòa án phê chuẩn và bản sao lệnh của Tòa án
sẽ được chuyển đến cơ quan đăng ký công ty Registrar of Companies for England
and Wales [42].
Mua bán doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chịu sự điều chỉnh của
pháp luật chứng khoán hoặc Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tùy theo cách đặt tên
luật của mỗi quốc gia. Nhìn chung quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp trên
thị trường chứng khoán đều quy định cho nhà thành viên công ty biết “danh tính”
64

các nhà đầu tư có ý định mua lại công ty qua việc chào mua công khai hoặc quy
định trao thẩm quyền cho tổ chức nào đó kiểm soát việc chào mua công khai.
Ở Đức, hoạt động mua bán cổ phần chi phối của công ty đã niêm yết phải
được thông báo và được sự chấp thuận của cơ quan giám sát tài chính Liên bang và
chịu dự điều chỉnh riêng của Luật sáp nhập và mua bán cổ phần chi phối trên thị
trường chứng khoán [1, tr.65].
Thủ tục mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được quy định tại các văn bản
pháp luật về doanh nghiệp; văn bản pháp luật đầu tư. Theo đó, mua bán doanh
nghiệp phải thực hiện các thủ tục: thông qua chủ trương bán doanh nghiệp; ký kết
hợp đồng mua bán doanh nghiệp; đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tại cơ
quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Việc giám sát
chào mua công khai cổ phần thuộc thẩm quyền của Ủy ban chứng khoán nhà nước
theo quy định của Luật Chứng khoán.
Tóm lại: Mua bán doanh nghiệp là quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư,
được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và dựa vào sự thỏa thuận hợp đồng. Nhà
nước một mặt phải tôn trọng cho các nhà đầu tư thực hiện quyền tự do mua bán
doanh nghiệp, mặt khác, đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thực hiện chức
năng của mình phải bảo vệ quyền tự do mua bán doanh nghiệp của các nhà đầu tư.
Vì vậy, pháp luật thừa nhận thương vụ mua bán doanh nghiệp thông qua các thủ tục
công nhận sự thay đổi chủ sở hữu tài sản, thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp cho bên
mua doanh nghiệp. Đồng thời, quy định pháp luật về thủ tục mua bán doanh nghiệp
sẽ là công cụ pháp lý để các các thành viên, cổ đông nhỏ- sở hữu ít vốn có thể
phòng ngừa những vụ mua bán doanh nghiệp mà họ không mong muốn.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

1. Mua bán doanh nghiệp là hiện tượng kinh tế, pháp lý khá mới ở nước ta.
Mua bán doanh nghiệp không chỉ làm thay đổi tình trạng sở hữu doanh nghiệp mà
mua bán doanh nghiệp phải dẫn đến hệ quả bên mua doanh nghiệp sẽ kiểm soát
được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại. Để kiểm soát được hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp thì bên mua doanh nghiệp tối thiểu phải sở hữu
tỷ lệ vốn nhất định (gọi là tỷ lệ vốn chi phối) của chủ sở hữu doanh nghiệp mục
65

tiêu. Tỷ lệ vốn chi phối để kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp được quy
định tại các văn bản pháp luật hoặc quy định tại Điều lệ doanh nghiệp được mua lại.
Vì vậy, mua bán doanh nghiệp có những đặc điểm khác với mua bán tài sản, mua
bán nợ của doanh nghiệp và các hình thức đầu tư tài chính chưa hình thành quyền
kiểm soát, chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Mua bán doanh nghiệp có bản chất của mua bán tài sản nhưng “doanh
nghiệp”- đối tượng của thương vụ mua bán doanh nghiệp là một tài sản “đặc biệt”
và mua bán doanh nghiệp có những đặc thù riêng trong mối tương quan so sánh với
một số quan hệ pháp luật có nhiều điểm gần với mua bán doanh nghiệp. Mua bán
doanh nghiệp có ảnh hưởng khác nhau tới các bên mua bán doanh nghiệp và nền
kinh tế- xã hội. Do vậy, yêu cầu của việc xây dựng khung pháp lý về mua bán
doanh nghiệp vừa phải dựa trên nền tảng về tự do giao kết hợp đồng mua bán tài
sản theo những nguyên tắc của dân luật đồng thời phải được thiết kế để phù hợp với
những đặc điểm riêng của mua bán doanh nghiệp. Khung pháp lý về mua bán doanh
nghiệp phải ghi nhận các hình thức mua bán doanh nghiệp; điều kiện chủ thể mua
bán doanh nghiệp; điều kiện khác để thương vụ mua bán doanh nghiệp có giá trị
pháp lý; thủ tục mua bán doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xác định thị trường liên quan
và các tiêu chí kiểm soát mua bán doanh nghiệp (với tính chất là một trong những
hành vi tập trung kinh tế) để hạn chế những tác hại đến cạnh tranh trên thị trường từ
các thương vụ mua bán doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng khung pháp
lý điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia.
3. Luận án đặt ra giới hạn khi nghiên cứu các quy định của pháp luật về mua
bán doanh nghiệp. Theo đó thì pháp luật về mua bán doanh nghiệp là hệ thống các
quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh trực tiếp các quan
hệ xã hội phát sinh giữa bên mua, bên bán doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng
mua bán doanh nghiệp và quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
với doanh nghiệp trong việc đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc thực
hiện kiểm soát Nhà nước về tập trung kinh tế. Nội dung cụ thể của pháp luật về mua
bán doanh nghiệp bao gồm: quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp; quy
định về chủ thể với vai trò là bên bán, bên mua doanh nghiệp; quy định về hợp đồng
mua bán doanh nghiệp; quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp; quy định về
kiểm soát doanh nghiệp dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh.
66

Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT
VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Pháp luật về mua bán doanh nghiệp là một chế định pháp luật được cấu thành
bởi nhiều quy phạm pháp luật nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau trong
các lĩnh vực thương mại, tài chính, lao động, đất đai, cạnh tranh, dân sự. Vì vậy,
nghiên cứu pháp luật về mua bán doanh nghiệp được thực hiện theo nhiều cách tiếp
cận khác nhau sẽ đem tới những kết quả nghiên cứu khoa học khác nhau.
Luận án tập trung nghiên cứu pháp luật về mua bán doanh nghiệp theo các nội
dung cơ bản sau: quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp; quy định về chủ
thể mua bán doanh nghiệp; quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp; quy định
về thủ tục mua bán doanh nghiệp và kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ
của pháp luật cạnh tranh.

2.1. QUY ĐỊNH VỀ CÁC HÌNH THỨC MUA BÁN DOANH NGHIỆP
Mua bán doanh nghiệp có thể được phân loại theo các hình thức khác nhau tùy
thuộc vào tiêu chí, căn cứ phân loại mua bán doanh nghiệp. Nội dung mục 2.1 của
luận án nghiên cứu các hình thức mua bán doanh nghiệp dựa trên những phân tích
lý luận thực định của Việt Nam về việc hình thành tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp
và cách thức chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Theo hướng nghiên cứu đó, mua bán doanh nghiệp bao gồm hai hình thức: Hình
thức thứ nhất là mua bán toàn bộ doanh nghiệp. Hình thức thứ hai là mua một phần
doanh nghiệp và kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Ngoài ra,
theo quy định của pháp luật cạnh tranh, luận án sẽ phân tích mua lại doanh nghiệp
thông qua hình thức mua tài sản của doanh nghiệp.
2.1.1. Mua bán toàn bộ doanh nghiệp
Mua bán toàn bộ doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển
quyền sở hữu toàn bộ doanh nghiệp của mình cho bên mua. Hình thức mua bán toàn
bộ doanh nghiệp gồm: mua bán doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng toàn bộ phần
vốn góp, cổ phần cho bên nhận chuyển nhượng. Bên mua doanh nghiệp tư nhân,
bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần thực hiện đăng ký thay đổi chủ sở
67

hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để nhận diện hình thức mua bán
toàn bộ doanh nghiệp cần căn cứ trên những tiêu chí cơ bản sau:
Một là, bên bán doanh nghiệp phải là chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ sở hữu
doanh nghiệp là các thành viên, cổ đông công ty, chủ sở hữu công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân. Bên mua doanh nghiệp là tổ
chức, cá nhân nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của các thành viên, nhận
chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên, nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông công ty, mua
toàn bộ vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hai là, quan hệ chuyển nhượng vốn giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và bên
nhận chuyển nhượng được ghi nhận bằng hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp,
hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quan hệ mua bán doanh nghiệp tư nhân được thể
hiện qua hình thức hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân.
Ba là, đối tượng mua bán trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp là doanh
nghiệp. Các quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam xác định doanh nghiệp là
chủ thể pháp lý độc lập và mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số thuế gọi là mã số
doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh
nghiệp. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt
hiệu lực và không được sử dụng lại.
Qua quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành ở Việt Nam có thể nhận
xét: doanh nghiệp là đối tượng của thương vụ mua bán (gọi chung là doanh nghiệp
mục tiêu) vẫn tồn tại liên tục trước, trong và sau quá trình mua bán. Doanh nghiệp
mục tiêu vẫn được giữ nguyên tư cách pháp lý và mã số doanh nghiệp sau khi bên
bán chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua.
Bốn là, bên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, toàn bộ vốn điều lệ
hoặc mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi thành viên, đăng ký thay đổi
chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần, bán
doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật thì bên chuyển nhượng phần vốn
góp, cổ phần, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không còn là chủ sở hữu của công ty,
chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần,
68

bên mua doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành những chủ sở hữu mới của doanh nghiệp
mục tiêu và có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu.
Trong một số lĩnh vực liên quan đến an ninh kinh tế, những quy định mua bán
doanh nghiệp đó có thể có những điểm khác với bản chất mua bán doanh nghiệp
trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn Nhà nước sẽ giới hạn hình thức mua bán
doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ về thủ tục mua bán doanh nghiệp… Chẳng hạn,
tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 Quy định việc
sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thì:
Mua lại tổ chức tín dụng là hình thức một tổ chức tín dụng (sau đây
gọi là tổ chức tín dụng mua lại) mua toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ
và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng khác (tổ chức tín dụng bị
mua lại). Sau khi mua lại, tổ chức tín dụng trở thành công ty trực
thuộc của tổ chức tín dụng mua lại.
Qua quy định trên, có thể thấy: (i) chủ thể mua và bán là các tổ chức tín dụng;
(ii) hình thức mua bán là mua bán toàn bộ tổ chức tín dụng; (iii) hệ quả pháp lý của
mua lại tổ chức tín dụng là tổ chức tín dụng bị mua lại trở thành công ty trực thuộc
của tổ chức tín dụng mua lại. Như vậy, các chủ thể mua và bán tổ chức tín dụng
không được quyền lựa chọn hình thức mua bán một phần tổ chức tín dụng và phải
đáp ứng các điều kiện về chủ thể mua và bán phải là các tổ chức tín dụng. Tuy
nhiên, quy định về mua bán tổ chức tín dụng chỉ là những ngoại lệ mà không phải
phản ánh đầy đủ bản chất của mua bán doanh nghiệp, thể hiện quyền tự do mua bán
doanh nghiệp của các nhà đầu tư (khi thương vụ mua bán doanh nghiệp đó chưa
vượt “ngưỡng” kiểm soát của pháp luật cạnh tranh). Lý do để Nhà nước xây dựng
các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động mua lại doanh nghiệp trong một số lĩnh
vực đặc thù như mua bán tổ chức tín dụng nhằm bình ổn nền kinh tế quốc gia trong
những thời kỳ suy thoái hoặc hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường
tới nền kinh tế- xã hội.
Trên thực tế ở Việt Nam, xuất hiện các hiện tượng chuyển nhượng dự án, đặc
biệt là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản. Bên chuyển nhượng dự án
(bên bán) có nhu cầu bán dự án vì nhiều lý do: bán để hưởng lãi, bán để chuyển lỗ
sang người khác khi thị trường bất động sản không thuận lợi hoặc vì mục đích
69

chuyên mua đi bán lại các dự án… Bên nhận chuyển nhượng dự án (bên mua) cũng
xuất phát từ nhiều lý do để mua dự án như mua dự án sẽ tiết kiệm được chi phí so
với họ phải thực hiện làm mới dự án hoặc bên mua dự án khó có khả năng tiếp cận
với các cơ quan công quyền để “xin” được dự án… Từ nhu cầu của hai bên mua và
bán dự án đã hình thành thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án nói chung và dự
án kinh doanh bất động sản nói riêng.
Các nhà đầu tư có thể mua dự án theo hình thức mua dự án “sạch” hoặc mua
dự án “chết”, dự án “treo” nhưng mục đích của việc mua các loại dự án trên đều
nhằm đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, thủ tục chuyển nhượng dự án tương
đối phức tạp, do vậy, một hướng giải quyết hiệu quả hơn để mua lại được dự án
chính là thông qua con đường mua bán doanh nghiệp. Theo đó, bên mua dự án sẽ
mua lại phần vốn góp chi phối của chủ sở hữu doanh nghiệp, từ đó bên mua dự án
sẽ quản lý, khai thác dự án mà không phải làm thủ tục chuyển nhượng dự án phức
tạp. Như vậy, bên mua dự án đã mua được một phần doanh nghiệp. Với hình thức
mua một phần doanh nghiệp để tiếp cận dự án, bên mua doanh nghiệp có thể gặp
khó khăn khi thực chất ý chí của họ chỉ muốn sở hữu được dự án mà không có nhu
cầu quản lý, kiểm soát doanh nghiệp bán dự án. Vì vậy, cách thức khác để thôn tính
dự án là bên bán dự án sẽ thực hiện thủ tục tách doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới
hình thành sau khi tách sẽ quản lý một dự án cụ thể mà bên mua dự án đang quan
tâm, bước tiếp theo là việc bên mua dự án thực hiên việc mua lại doanh nghiệp
được tách. Thực chất, bên mua dự án chỉ nhằm đạt được mục đích mua dự án nhưng
khi bên bán quyết định cơ cấu, tổ chức lại doanh nghiệp bằng hình thức tách doanh
nghiệp thì thực tế bên mua dự án đã thực hiện thương vụ mua bán toàn bộ doanh
nghiệp được tách.
Một thực tế khác đang tồn tại trên thị trường mua bán doanh nghiệp, đó là việc
nhà đầu tư nước ngoài thực hiện từng bước để mua lại toàn bộ các doanh nghiệp
Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chọn phương án
liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam vì các doanh nghiệp Nhà
nước thường có cơ sở vật chất, trụ sở, nhà xưởng quy mô lớn và ở vị trí địa lý thuận
lợi, đắc địa hơn hẳn so với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Mặt
khác, theo quy định của Luật Đất Đai (2003) thì nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư
70

vào Việt Nam, họ không được quyền giao đất mà chỉ được Nhà nước Việt Nam cho
thuê đất. Để thuê đất, các nhà đầu tư nước ngoài phải trải qua thủ tục thuê đất rất
phức tạp, gặp gỡ 17 cơ quan công quyền và phải “xin” 33 con dấu. Chính vì vậy,
chọn giải pháp liên doanh với doanh nghiệp Nhà nước là sự lựa chọn khôn ngoan
khi lần đầu nhà đầu tư nước ngoài lần đầu dầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, kinh
nghiệm kinh doanh, văn hóa quản trị doanh nghiệp… giữa các nhà đầu tư Việt Nam
và nhà đầu tư nước ngoài không tương thích, từ thực trạng như vậy, các nhà đầu tư
nước ngoài sẽ tìm cách “thôn tính” phần vốn góp của đồng chủ sở hữu Việt Nam
trong liên doanh đó. Thông thường, doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng giá trị
quyền sử dụng đất. Sau một thời gian hoạt động, khi doanh nghiệp liên doanh gặp
khó khăn về tài chính và đòi hỏi các chủ sở hữu doanh nghiệp liên doanh phải góp
thêm vốn thì doanh nghiệp Việt Nam thường phải chuyển nhượng bớt hoặc toàn bộ
phần vốn góp của mình trong liên doanh cho bên nước ngoài vì không có vốn, tài
sản để góp thêm. Đó cũng chính là cách thức nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ
doanh nghiệp. Cho dù đã thôn tính được toàn bộ doanh nghiệp liên doanh nhưng
nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết chính sách đất đai
vì Luật Đất Đai (2003) bỏ trống quy định giải quyết chính sách đất đai trong trường
hợp chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn đầu tư
nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất Đai (2013) thì các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu
tiền hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc cho thuê đất và trả một lần cho cả thời
hạn thuê. Chính sách đất đai đã được sửa đổi thông thoáng hơn, vì vậy, các nhà đầu
tư nước ngoài sẽ có thể thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam hoặc mua lại toàn
bộ phần vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp của Việt Nam mà không phải tham gia
liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam rồi từng bước thôn tính toàn bộ phần vốn
góp của đối tác Việt Nam như trước đây.
2.1.2. Mua bán một phần doanh nghiệp
Mua bán một phần doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển
quyền sở hữu một phần doanh nghiệp cho bên mua để bên mua có quyền kiểm soát
doanh nghiệp mục tiêu. Hình thức mua bán một phần doanh nghiệp bao gồm: các
thành viên, cổ đông công ty chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối (gọi
71

chung là phần vốn góp chi phối) cho bên nhận chuyển nhượng để bên nhận chuyển
nhượng phần vốn góp có thể kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Tỷ lệ
phần vốn góp chi phối do pháp luật hoặc Điều lệ doanh nghiệp quy định. Bên mua
một phần doanh nghiệp trở thành các đồng chủ sở hữu và phải thực hiện thủ thủ tục
đăng ký thay đổi chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý để thực
hiện hình thức mua bán toàn bộ doanh nghiệp là quy định của pháp luật về doanh
nghiệp, pháp luật chứng khoán và pháp luật đầu tư.
Các tiêu chí để nhận diện mua bán một phần doanh nghiệp tương tự như tiêu
chí nhận diện mua bán toàn bộ doanh nghiệp về chủ thể mua bán doanh nghiệp, về
thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mua bán một phần
doanh nghiệp có một số đặc điểm khác biệt với mua bán toàn bộ doanh nghiệp, cụ
thể như sau:
Một là: Đối tượng mua bán một phần doanh nghiệp không phải là toàn bộ
doanh nghiệp mà chỉ là một phần doanh nghiệp. Bên mua mua một phần doanh
nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chi phối của chủ
sở hữu doanh nghiệp mục tiêu. Khác với mua bán toàn bộ doanh nghiệp là chủ sở
hữu doanh nghiệp hoàn toàn từ bỏ tư cách chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mục
tiêu thì mua bán một phần doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp vẫn là đồng chủ
sở hữu doanh nghiệp cùng với các chủ sở hữu mới là bên nhận chuyển nhượng cổ
phần, phần vốn góp.
Hai là: Chỉ được coi là mua một phần doanh nghiệp nếu bên nhận chuyển
nhượng nhận chuyển nhượng phần vốn góp đến một tỷ lệ gọi là tỷ lệ phần vốn góp
chi phối. Tỷ lệ phần vốn góp chi phối này ở mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau.
Ba là: Bên nhận chuyển nhượng tỷ lệ phần vốn góp chi phối có quyền kiểm
soát hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp
mục tiêu được hiểu là chủ sở hữu phần vốn chi phối tham gia vào bộ máy quản trị
của doanh nghiệp và có số phiếu biểu quyết đủ để quyết định những vấn đề quan
trọng nhất về tài chính, kinh doanh, nhân sự… của doanh nghiệp mục tiêu. Đặc
điểm này phân biệt mua bán doanh nghiệp với những trường hợp bên nhận chuyển
nhượng phần vốn góp không tham gia quản trị và kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu,
đó chỉ là hình thức đầu tư tài chính mà không phải là mua bán doanh nghiệp.
72

Hình thức mua bán một phần doanh nghiệp bao gồm những trường hợp sau:
(i) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển nhượng
phần vốn chi phối cho tổ chức, cá nhân khác.
(ii) Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chuyển nhượng
phần vốn chi phối cho các thành viên còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.
(iii) Cổ đông công ty cổ phần chuyển nhượng cổ phần chi phối cho các cổ
đông còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.
(iv) Thành viên hợp danh chuyển nhượng phần vốn góp cho các thành viên
hợp danh hoặc cá nhân khác.
Công ty hợp danh là công ty đối nhân, ít nhất phải có hai thành viên hợp danh
là cá nhân, có quyền quản lý công ty. Công ty hợp danh có thể có thành viên góp
vốn, không có quyền quản lý công ty. Mỗi một thành viên hợp danh có một phiếu
biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty. Những
vấn đề quan trọng nhất của công ty phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên
hợp danh chấp thuận nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác. Qua
những quy định về công ty hợp danh, có thể thấy: về mặt lý thuyết, thành viên hợp
danh có quyền bán một phần công ty bằng việc chuyển nhượng phần vốn góp đến
một tỷ lệ theo quy định của Điều lệ mà cá nhân nhận chuyển nhượng phần vốn có
thể quyết định những công việc kinh doanh quan trọng của công ty. Tuy nhiên, trên
thực tế, việc mua bán một phần công ty hợp danh không phổ biến vì: thành viên hợp
danh thường quen biết nhau và bị hạn chế quyền chuyển nhượng phần vốn góp, các
thành viên hợp danh cùng nhau quản lý công ty và biểu quyết về công việc kinh doanh
của công ty không phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn góp mà tính theo số lượng thành viên
hợp danh (nếu Điều lệ công ty không quy định khác). Với bản chất của công ty đối
nhân, các thành viên có sự chia sẻ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của công ty
thì mua bán một phần công ty hợp danh sẽ khó khả thi trong thực tiễn.
Tương tự như công ty hợp danh, hợp tác xã là chủ thể kinh doanh hoạt động
trên nguyên tắc các thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết không phụ
thuộc vào phần vốn góp của thành viên hợp tác xã. Như vậy, quyền kiểm soát doanh
nghiệp không thuộc về một hoặc một số thành viên như trong các công ty đối vốn vì
nguyên tắc tổ chức hoạt động của công ty đối vốn phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn góp
73

của chủ sở hữu doanh nghiệp. Vì vậy, các thành viên công ty hợp danh hoặc thành
viên hợp tác xã chuyển nhượng phần vốn góp thì bên nhận chuyển nhượng phần
vốn góp trở thành chủ sở hữu công ty, hợp tác xã nhưng không kiểm soát được
hoạt động của doanh nghiệp. Có thể có một số ngoại lệ để xuất hiện các thương vụ
mua bán công ty hợp danh khi Điều lệ công ty quy định tỷ lệ phiếu biểu quyết
quyết định các vấn đề quan trọng của công ty căn cứ trên tỷ lệ phần vốn góp của
thành viên hợp danh. Tuy nhiên, như đã phân tích, công ty hợp danh hoạt động
theo nguyên tắc của công ty đối nhân nên mua bán công ty hợp danh không diễn
ra phổ biến trên thực tế.
Hiện nay, ở Việt Nam các thương vụ mua bán chi nhánh, mua bán bộ phận
doanh nghiệp đã, đang diễn ra trên thực tế. Đó có phải là các hình thức mua bán một
phần doanh nghiệp không? Nếu xác định thương vụ đó là mua bán doanh nghiệp thì
cơ sở pháp lý nào điều chỉnh thương vụ mua bán doanh nghiệp đó?
Thứ nhất, việc mua bán chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và Nghị định
109/2008/NĐ-CP, có thể khẳng định: Mua bán chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc
của doanh nghiệp không phải là mua bán doanh nghiệp bởi vì chi nhánh hoặc những đơn
vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp sẽ không có tư cách pháp
nhân, không phải là một chủ thể pháp lý độc lập, không phải là doanh nghiệp.
Thứ hai, tùy từng trường hợp mua bán bộ phận doanh nghiệp có thể được coi
là mua bán doanh nghiệp phụ thuộc vào hình thức pháp lý của bộ phận doanh
nghiệp. Nghị định 109/2008/NĐ-CP đã đề cập đến thuật ngữ “bán bộ phận doanh
nghiệp” nhưng Nghị định trên không giải thích bộ phận doanh nghiệp đó được tồn
tại theo hình thức pháp lý nào.
Vì không có sự giải thích về bộ phận doanh nghiệp được tổ chức theo những
hình thức pháp lý nào nên trong nghiên cứu pháp lý có quan điểm cho rằng bộ phận
doanh nghiệp được tồn tại theo các hình thức phân xưởng [13, tr.283]. Ngoài tên gọi
phân xưởng, bộ phận doanh nghiệp còn có thể được gọi với các tên gọi khác như xí
nghiệp, nhà máy… Bộ phận doanh nghiệp được chuyển giao cho bên mua phải
được tổ chức tương đối độc lập về nhân sự, kỹ thuật, ngành nghề kinh doanh… và
sau khi kết thúc thương vụ mua bán, bộ phận doanh nghiệp đó thuộc quyền sở hữu
74

của bên mua. Những bộ phận doanh nghiệp không chuyển giao cho bên mua vẫn
thuộc quyền sở hữu của bên bán. Ví dụ: Kinh Đô mua lại nhà máy kem Wall’s của
Unilever, Kinh Đô không sở hữu cổ phần của Unilever mà chỉ làm thay đổi sở hữu
và quản trị đối với nhà máy kem [7, tr.6 -10]. Dựa trên đặc điểm đối tượng mua
bán doanh nghiệp là doanh nghiệp để kết luận mua bán bộ phận là mua bán doanh
nghiệp không sẽ tùy thuộc vào hình thức pháp lý của bộ phận đó, cụ thể:
* Bộ phận doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp thì
đây chính là các thương vụ mua bán doanh nghiệp (tạm gọi là doanh nghiệp con).
Tác giả luận án cho rằng mua bán doanh nghiệp con là mua bán doanh nghiệp độc
lập và không nên quan niệm mua bán doanh nghiệp con là mua bán bộ phận của
doanh nghiệp vì hai lý do sau:
Một là, khi thành lập ra các doanh nghiệp con và thực hiện thủ tục đăng ký
doanh nghiệp, các doanh nghiệp con đó có tư cách pháp lý độc lập với doanh
nghiệp mẹ đã thành lập ra doanh nghiệp con. Doanh nghiệp con có mã số doanh
nghiệp, tự chủ, tự hạch toán kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của
doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp con có thể bị giải thể, bị phá sản mà không ảnh
hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp mẹ.
Hai là, doanh nghiệp mẹ là chủ sở hữu đối với doanh nghiệp con, thực hiện
các quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp, trong đó có quyền quyết định bán doanh
nghiệp con. Đối tượng của thương vụ mua bán này chính là doanh nghiệp con- một
doanh nghiệp độc lập- một chủ thể pháp lý độc lập với doanh nghiệp mẹ. Xác định
doanh nghiệp con là chủ thể pháp lý độc lập với doanh nghiệp mẹ thì khi bán doanh
nghiệp con phải được hiểu là bán doanh nghiệp. Vì vậy, nếu quan niệm bán doanh
nghiệp con là bán “bộ phận” của doanh nghiệp là chưa thật chuẩn xác.
* Trường hợp bộ phận doanh nghiệp không tồn tại theo hình thức pháp lý là
doanh nghiệp thì các thương vụ mua bán bộ phận đó không phải là mua bán doanh
nghiệp. Thực chất các thương vụ mua bán bộ phận doanh nghiệp đó chỉ là mua tài
sản của doanh nghiệp, nếu bên mua muốn kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp
thì bên mua phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với bộ phận doanh
nghiệp mà họ đã mua tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ vốn chi phối để
kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại các văn bản pháp
luật hoặc quy định tại Điều lệ doanh nghiệp được mua lại.
75

2.1.3. Mua bán tài sản của doanh nghiệp


Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh (2004) quy định: Mua lại doanh nghiệp là
việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác
đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua
lại. Theo quy định của pháp luật cạnh tranh việc mua lại doanh nghiệp phải đáp ứng
hai tiêu chí sau:
Thứ nhất, về hình thức mua lại doanh nghiệp có hai hình thức là mua lại toàn
bộ tài sản và mua lại một phần tài sản của doanh nghiệp.
Mua bán toàn bộ doanh nghiệp được hiểu là việc bên bán chuyển giao toàn bộ
tài sản của doanh nghiệp cho bên mua.
Mua bán một phần doanh nghiệp là việc bên bán chuyển giao một phần tài sản
doanh nghiệp; chuyển giao một phần quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, chuyển
giao một phần ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của
bên bán cho bên mua.
Cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh (2004) về mua lại doanh nghiệp không phù
hợp với lý luận về doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo nguyên lý chung để hình thành
tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải góp vốn vào vốn điều lệ của
doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tồn tại theo hình thức pháp lý là công ty thì
công ty phải xác định phần vốn góp của các chủ sở hữu công ty và ghi rõ trong
Điều lệ của công ty. Trong quan hệ mua bán doanh nghiệp, để hình thành tư cách
chủ sở hữu doanh nghiệp, bên mua phải “mua lại” tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp
thông qua hành vi mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp. Mua lại
phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp hoàn toàn khác với mua tài sản của
doanh nghiệp vì mua lại tài sản dẫn đến hệ quả là bên mua tài sản chỉ trở hành chủ
sở hữu tài sản đã mua mà không trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp bán tài sản.
Như vậy, một doanh nghiệp mua lại tài sản của một doanh nghiệp khác không làm
thay đổi về cơ cấu quản trị của doanh nghiệp bán tài sản, bởi vì quản trị doanh
nghiệp phải căn cứ vào việc tỷ lệ phần vốn góp vào vốn điều lệ của doanh nghiệp
mà không phụ thuộc vào việc sở hữu tài sản của doanh nghiệp.
Thứ hai, bên mua tài sản của doanh nghiệp phải kiểm soát hoặc chi phối toàn
bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Kiểm soát hoặc chi phối toàn
76

bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp được giải thích theo Điều 34 Nghị định
116/2005/NĐ-CP như sau:
Kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp
khác quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh là trường hợp một doanh
nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp kiểm soát) giành được quyền sở hữu tài
sản của doanh nghiệp khác (sau đây gọi là doanh nghiệp bị kiểm soát) đủ
chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng
quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh
nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài
chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích
kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát.
Theo hướng dẫn quy định tại Nghị định 116/2005/NĐ-CP đã thể hiện sự
“nhẫm lẫn” về khái niệm mua lại doanh nghiệp quy định tại Luật Cạnh tranh
(2004). Qua đó, khái niệm mua lại doanh nghiệp quy định tại Luật Cạnh tranh
(2004) không phải phản ánh quan hệ mua bán tài sản của doanh nghiệp mà thực
chất là mua bán phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp. Nội hàm khái niệm
mua lại doanh nghiệp của pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cần phải được sửa đổi
nhằm phản ánh chính xác bản chất pháp lý của mua bán doanh nghiệp.

2.2. QUY ĐỊNH VỀ CHỦ THỂ MUA BÁN DOANH NGHIỆP


2.2.1. Bên bán doanh nghiệp
Theo nguyên lý chung, ai là chủ sở hữu doanh nghiệp thì người đó có quyền
quyết định bán doanh nghiệp. Tùy từng loại doanh nghiệp mà chủ sở hữu có thể là
một cá nhân hoặc một pháp nhân hoặc nhiều cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân.
Đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ thì chính chủ sở hữu đó có
quyền quyết định bán doanh nghiệp, ví dụ: Nhà nước có quyền bán doanh nghiệp
100% vốn nhà nước; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (là
một tổ chức hoặc một cá nhân) có quyền quyết định bán công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên; chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định bán
doanh nghiệp tư nhân.
Với công ty thuộc sở hữu của nhiều chủ như công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, thẩm quyền quyết định bán
77

doanh nghiệp thuộc về các thành viên, cổ đông công ty (gọi chung là các chủ sở hữu
công ty). Chủ sở hữu công ty bán công ty qua hình thức chuyển nhượng cổ phần,
phần vốn góp. Bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng cổ phần, phần vốn
góp sẽ ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.
Chủ sở hữu công ty có thể chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp
ngay cùng một thời điểm. Đây chính là mua bán toàn bộ doanh nghiệp.
Chủ sở hữu công ty có thể chuyển nhượng một phần cổ phần, phần vốn góp
nhiều lần khác nhau. Sau nhiều lần chuyển nhượng, đến một thời điểm nào đó, bên
nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần nắm giữ tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần
đủ để kiểm soát, chi phối được công ty mục tiêu có nghĩa là thời điểm đó thương vụ
mua bán doanh nghiệp đã được hoàn thành. Như vậy, mua bán doanh nghiệp có thể
là một quá trình và diễn ra ở trạng thái “động” nhưng tựu chung lại để xác định bên
bán doanh nghiệp trong cả quá trình như vậy cần căn cứ trên nền tảng lý luận chung
về mua bán doanh nghiệp. Theo đó, thực chất để mua bán doanh nghiệp phải tồn tại
hành vi chuyển dần dần quyền sở hữu công ty từ phía chủ sở hữu công ty cho bên
nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.
Khi xem xét thẩm quyền quyết định bán công ty hợp danh, công ty cổ phần,
các nhà đầu tư cần lưu ý tới quy định pháp luật hiện hành để xác định chủ thể có
quyền quyết định bán một phần công ty hợp danh, một phần công ty cổ phần chính
là thành viên hợp danh của công ty hợp danh, cổ đông có quyền biểu quyết của
công ty cổ phần bởi vì:
Công ty hợp danh theo quy định của pháp luật Việt Nam bắt buộc phải có
thành viên hợp danh, thành viên hợp danh là cá nhân, có thể có thành viên góp vốn.
Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty, thành viên góp vốn không có quyền
quản lý công ty. Vì vậy, các cá nhân có dự định mua lại một phần công ty hợp danh
phải mua lại phần vốn góp của thành viên hợp danh để trở thành thành viên hợp
danh mới và lúc đó, họ mới có quyền quản lý công ty hợp danh.
Đối với công ty cổ phần có thể có các cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu
đãi cổ tức nhưng các cổ đông này không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng
cổ đông, đề cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Cổ đông phổ thông và cổ
đông ưu đãi biểu quyết mới được tham dự Đại hội đồng cổ đông để biểu quyết
78

thông qua những vấn đề quan trọng của công ty. Cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ
đông ưu đãi cổ tức có quyền chuyển nhượng cổ phần thuộc quyền sở hữu của mình
cho người khác. Tuy nhiên, với tính chất của cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu
đãi cổ tức thì bên nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi
hoàn lại không thể tham gia bộ máy quản trị và kiểm soát được hoạt động kinh
doanh của công ty. Vì vậy, bên nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ
thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết đến một tỷ lệ chi phối đủ để kiểm soát được
công ty được coi là mua lại một phần công ty cổ phần.
2.2.2. Bên mua doanh nghiệp
Bên mua doanh nghiệp có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu mua doanh
nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Quy định về chủ thể có
quyền mua doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật đã bộc lộ một số tồn tại sau:
Một là, trường hợp mua doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, theo quy định tại
Nghị định 109/2008/NĐ- CP thì bên mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp
là tập thể người lao động trong doanh nghiệp, pháp nhân, nhóm người hoặc cá nhân
mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 4 Nghị định
109/2008/NĐ- CP quy định về đối tượng có quyền mua doanh nghiệp, bao gồm:
1. Đối tượng có quyền mua doanh nghiệp, bao gồm:
a) Tập thể người lao động trong doanh nghiệp;
b) Cá nhân người lao động trong doanh nghiệp;
c) Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam, trừ tổ chức tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu
giá bán doanh nghiệp;
d) Công dân Việt Nam có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ những người
không được thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại các điểm b,
c, d, đ, e, g khoản 2 và điểm b khoản 4 điều 13 Luật Doanh nghiệp, thành
viên Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các cá nhân thuộc tổ chức tài
chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp;
đ) Tổ chức kinh tế tài chính được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoạt
động kinh doanh tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài trừ
79

tổ chức kinh tế tài chính trung gian và cá nhân thuộc tổ chức kinh tế tài
chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp.
2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm c và các
đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này theo quy định pháp luật
được xác định là nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cùng với các
doanh nghiệp, công dân Việt Nam khác mua một phần của doanh nghiệp
theo tỷ lệ không vượt quá mức cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền
kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề, lĩnh vực mà
Việt Nam có cam kết; đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề,
lĩnh vực khác, nhà đầu tư nước ngoài được mua toàn bộ doanh nghiệp.
Với quy định tại Nghị định 109/2008/NĐ- CP thì đối tượng có quyền mua
doanh nghiệp đã được xác định rõ ràng. Theo đó, một số đối tượng không có quyền
mua doanh nghiệp hoặc chỉ được mua một phần doanh nghiệp theo các cam kết
quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhằm để đảm bảo sự bình
đẳng, cạnh tranh lành mạnh trên thương trường và phù hợp với sự phát triển của nền
kinh tế Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.
Hai là, đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà
nước, pháp luật không có quy định cụ thể về đối tượng nào được quyền mua doanh
nghiệp. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là: những đối tượng không được quyền
thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13
Luật Doanh nghiệp (2005) có quyền mua doanh nghiệp không? Một số đối tượng bị
cấm đồng thời là chủ sở hữu của hai doanh nghiệp như quy định: một cá nhân chỉ
quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh không được làm
chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ
trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại có được mua lại
công ty đối vốn không?
Về lý thuyết, các đối tượng trên chỉ bị cấm thành lập doanh nghiệp mà không
bị cấm mua bán doanh nghiệp nên họ vẫn có quyền mua doanh nghiệp với lập luận
mua doanh nghiệp nhưng không tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên:
Sự lựa chọn này rất không hiệu quả và rất lãng phí, bởi vì người mua đã
phải trả chi phí để mua cả những giá trị tiềm năng của doanh nghiệp mà
80

không sử dụng đến nó như thương hiệu, hệ thống khách hàng… Việc
mua lại doanh nghiệp để cho người khác đứng tên đăng ký kinh doanh
cũng không phải là giải pháp khôn ngoan vì ngoài việc rủi ro do “đầu tư
chui”, việc đăng ký kinh doanh lại cũng sẽ gặp khó khăn do cơ quan
đăng ký kinh doanh phải xác định cơ sở pháp lý hợp pháp của việc tiếp
tục sử dụng các giá trị tài sản như tên thương mại, trụ sở, nhãn hiệu hàng
hóa, vv… [13, tr.284].
Từ sự phân tích trên, bên mua doanh nghiệp nên tham khảo các quy định của
pháp luật để xác định, cân nhắc về hiệu quả và tính khả thi của dự định mua doanh
nghiệp của mình. Riêng với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đối
tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp có thể mua được công ty. Trước hết,
họ nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty và đăng ký thay đổi
thành viên tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi trở thành chủ sở hữu mới, họ
là thành viên của Hội đồng thành viên- cơ quan có quyền quyết định cao nhất của
công ty. Khi sở hữu đến một tỷ lệ vốn chi phối của công ty và có quyền quyết định
những vấn đề quan trọng nhất vể tổ chức, quản lý, tài chính, kinh doanh của công ty
có nghĩa là họ đã mua được công ty. Đối với công ty cổ phần, công ty hợp danh,
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đối tượng bị cấm thành lập, quản lý
công ty khó có thể thực hiện dự án mua lại công ty vì họ bị hạn chế quyền tham gia
vào cơ quan quản trị của công ty, từ đó không thể quyết định được những hoạt động
quan trọng của công ty.
Ba là, một hoặc nhiều tổ chức hoặc nhiều cá nhân, tổ chức có quyền mua
doanh nghiệp tư nhân không?
Theo quy định cùa Nghị định số 43/2010/NĐ- CP ngày 15/4/2010 về đăng ký
doanh nghiệp (Nghị định 43/2010 NĐ- CP) thì doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển
đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Thực chất quy định đó đã ghi nhận việc mua
bán doanh nghiệp tư nhân cho nhiều chủ sở hữu và đã có sự thay đổi về loại hình
doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp (2005) không quy định về việc
chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì vậy, để
hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu Luật Doanh nghiệp
phải có lời giải đáp về chủ thể có quyền mua doanh nghiệp tư nhân.
81

Bốn là, dưới khía cạnh điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh thì chủ thể có
quyền mua doanh nghiệp phải là doanh nghiệp
Theo quy định mua lại doanh nghiệp tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh
(2004) là “việc một doanh nghiệp mua lại toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh
nghiệp khác…”, do vậy bên mua doanh nghiệp phải là doanh nghiệp. Tuy nhiên,
khái niệm doanh nghiệp theo quy định tại Luật Cạnh tranh (2004) được hiểu rộng
hơn, không thống nhất với khái niệm doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (2005).
Doanh nghiệp được hiểu theo khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004) là: các
tổ chức, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất cung ứng sản
phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc
độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Khái
niệm doanh nghiệp tại Luật Cạnh tranh (2004) sẽ dẫn đến cách hiểu doanh nghiệp
bao gồm: công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, các cá nhân
hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên nhưng không phải đăng ký kinh doanh
vì đó là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên
tục, độc lập trên thị trường vì đó là các chủ thể kinh doanh.
Trong khi đó, khoản 1 điều 4 Luật Doanh nghiệp (2005) quy định: Doanh
nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký
kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động
kinh doanh. Luật Doanh nghiệp năm 2005 điều chỉnh về việc thành lập, tổ chức
quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty
hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi
chung là doanh nghiệp); quy định về nhóm công ty. Rõ ràng với định nghĩa doanh
nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (2005) thì doanh nghiệp không bao gồm hộ kinh
doanh, hợp tác xã, các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên cho dù
các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên tục, độc lập
trên thị trường nhưng họ không phải thực hiện đăng ký kinh doanh, không được
pháp luật doanh nghiệp thừa nhận là doanh nghiệp.
Quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh (2004) đã giới hạn phạm vi chủ
thể được quyền mua lại doanh nghiệp chỉ bao gồm các doanh nghiệp (hiểu theo tinh
thần của pháp luật cạnh tranh thì doanh nghiệp là các chủ thể kinh doanh). Quy định
82

đó dẫn đến cách hiểu: các tổ chức, cá nhân không phải chủ thể kinh doanh không có
quyền mua lại doanh nghiệp, đây là điểm khác biệt so với quy định chủ thể có
quyền mua doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (2005), quy định về mua bán doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước.
Sở dĩ Luật Cạnh tranh (2004) tiếp cận chủ thể mua doanh nghiệp phải là doanh
nghiệp vì sứ mệnh của Luật Cạnh tranh là kiểm soát mua lại doanh nghiệp dưới góc
độ kiểm soát hành vi tập trung kinh tế và các hành vi đó do doanh nghiệp thực hiện.
Trường hợp chủ thể mua lại doanh nghiệp là một cá nhân thì sau thương vụ mua lại
doanh nghiệp, doanh nghiệp được mua lại vẫn giữ nguyên tỷ lệ thị phần trên thị
trường liên quan và chỉ thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Ngược lại, nếu một
doanh nghiệp mua lại doanh nghiệp khác thì thị phần kết hợp của doanh nghiệp sau
thương vụ mua lại đó là tổng thị phần của các doanh nghiệp mua và doanh nghiệp
bán; từ đó đã xuất hiện một doanh nghiệp mới trên thị trường có thể đạt tới vị trí
thống lĩnh thị trường. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có thể gây hạn
chế cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh có nhiệm vụ kiểm soát,
phòng ngừa tập trung kinh tế trong đó có hành vi doanh nghiệp mua lại doanh
nghiệp có thể dẫn đến việc gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
Năm là, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong các văn bản pháp luật của Việt
Nam chưa thống nhất, nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn sở hữu cổ phần trong một
số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bao
gồm: Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Đầu tư (2005), Nghị định số 109/2008/NĐ-
CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Quyết định số 121/2008/QĐ-
BTC ngày 24/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy chế hoạt động của nhà
đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (QĐ 121/2008/QĐ-BTC);
Quyết định 88/2009/QĐ- TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (QĐ
88/2009/TTg) trong các doanh nghiệp Việt Nam; Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg
ngày 15/4/2009 đã quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị
trường chứng khoán Việt Nam. Bên mua doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài có
thể được mua lại toàn bộ doanh nghiệp bằng hình thức mua lại 100% cổ phần, phần
83

vốn góp của chủ sở hữu công ty. Trong các lĩnh vực ngân hàng, mua lại cổ phần
trên thị trường chứng khoán, các lĩnh vực chuyên ngành khác, nhà đầu tư nước
ngoài chỉ được mua một tỷ lệ cổ phần nhất định theo quy định của pháp luật Việt
Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Một số lĩnh vực nhà đầu tư
nước ngoài không thể góp quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp và như vậy nhà
đầu tư sẽ không thể mua lại doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Những quy định
đó nhằm bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên khi hội nhập kinh tế
quốc tế, việc hạn chế tỷ lệ mua lại cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có thể
không phù hợp với xu thế phát triển chung.
Thứ nhất, cách hiểu về nhà đầu tư nước ngoài trong các văn bản pháp luật hiện
hành chưa thống nhất.
Hai trong số bốn đối tượng nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại QĐ
88/2009/TTg bao gồm: tổ chức thành lập tại Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn
của bên nước ngoài trên 49% và cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch
Việt Nam, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam. Quy định này có sự khác biệt
với QĐ 121/2008/QĐ-BTC, theo đó ba trong số các nhà đầu tư nước ngoài là tổ
chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn nước ngoài; cá
nhân là người có quốc tịch nước ngoài, cư trú tại nước ngoài hoặc Việt Nam, bao
gồm cả người gốc Việt Nam có quốc tịch nước ngoài; các trường hợp khác theo quy
định của Thủ tướng Chính phủ. Hai quy định trên càng khác biệt so với khái niệm
nhà đầu tư nước ngoài tại khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư (2005), theo đó thì nhà đầu
tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư
tại Việt Nam, như vậy quy định này không xác định nhà đầu tư nước ngoài dựa trên
tỷ lệ phần vốn mà họ đầu tư tại Việt Nam như hai QĐ 88/2009/TTg và QĐ
121/2008/QĐ-BTC.
Thứ hai, một điểm bất cập khác của pháp luật hiện hành Việt Nam điều chỉnh
hoạt động mua bán có yếu tố nước ngoài đó là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam đã áp dụng pháp luật khác với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Ví
dụ: Việt Nam đã cam kết xóa bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong
thị trường bán lẻ ở Việt Nam nhưng trên thực tế nhà đầu tư nước ngoài không được
tham gia thị trường phân phối bán lẻ dược phẩm, thể hiện qua vụ việc công ty cổ
84

phần hóa dược phẩm Mekophar hủy niêm yết trên HOSE, đồng thời khóa room nhà
đầu tư nước ngoài với cổ phiếu của công ty cách đây ba năm:
Tháng 6/2010, công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar niêm yết trên
HOSE và đến tháng 8/2010 (mã MKP), công ty có văn bản xin mở rộng
bốn cơ sở kinh doanh phân phối dược phẩm nhưng Sở Kế hoạch và Đầu
tư thành phố Hồ Chí Minh từ chối. Lý do, tại thời điểm 19/4/2011, doanh
nghiệp có tổng số cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là 4,7%
vốn điều lệ, bị xếp vào diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo quy định tại điểm a khoản 4.1, Điều 4. Thông tư số 09/2007- TT-
BTM của Bộ Thương mại và theo quy định tại khoản A mục II, phụ lục
IV của Quyết định 10/2007/QĐ- BTM của Bộ Thương mại về công bố lộ
trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan
trực tiếp đến mua bán hàng hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
không được phân phối dược phẩm.
Vì vậy, hồ sơ xin đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh là “bán buôn,
bán lẻ dược phẩm” của Mekophar bị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố
Hồ Chí Minh từ chối. Để tránh bị tác động tiêu cực đến hoạt động sản
xuất kinh doanh, Mekophar đành đi đến quyết định mà bản thân doanh
nghiệp không hề mong muốn là hủy niêm yết trên HOSE, đồng thời khóa
room nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu MKP.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban
chứng khoán Nhà nước: Thực tế, một số công ty có vốn nước ngoài vẫn hoạt động
phân phối dược. Liên quan đến Mekophar, do doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và
có 4,7% sở hữu là của nhà đầu tư nước ngoài nên Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố
Hồ Chí Minh đã không mở thêm cơ sở kinh doanh để phân phối sản phẩm. Thực tế,
trên sàn niêm yết đã có tới 21 doanh nghiệp ngành dược, trong đó có 4-6 công ty có
vốn của nhà đầu tư nước ngoài tới 49% nhưng họ vẫn hoạt động phân phối dược
phẩm bình thường. Như vậy, cách thực thi văn bản luật của các địa phương khác
nhau đang khác nhau. Doanh nghiệp kêu lên Ủy ban chứng khoán, Ủy ban chứng
khoán có công văn hỏi các Bộ, ngành nhưng câu trả lời cho vấn đề Mekophar vẫn
bỏ ngỏ [34].
85

Thứ ba, mặc dù đã có cam kết gia nhập WTO nhưng vẫn tồn tại một số quy
định pháp luật hiện hành chưa xác định rõ ràng về việc nhà đầu tư nước ngoài có
thể gia nhập thị trường thông qua hoạt động mua bán doanh nghiệp không? Ví dụ:
Trong lĩnh vực phân phối, kể từ ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư
nước ngoài sẽ được quyền phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, giới hạn cho các
doanh nghiệp này chỉ được phép mở một cơ sở phân phối, việc xin phép thành lập
nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải thuân thủ quy trình đã có và được công bố công
khai và việc cấp phép phải dựa trên các tiêu chí khách quan. Như vậy nếu nhà đầu
tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp phân phối của doanh nghiệp Việt Nam có hơn
một cơ sở phân phối thì sẽ vận dụng pháp luật điều chỉnh như thế nào?

2.3. QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG- PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN CÁC GIAO
DỊCH MUA BÁN DOANH NGHIỆP
2.3.1. Các loại hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua bán
doanh nghiệp
Tùy thuộc vào quan niệm về mua bán doanh nghiệp mà quy định về các loại
hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở các quốc gia có thể khác nhau.
Cộng hòa Liên bang Nga quy định khá chi tiết về hợp đồng mua bán doanh
nghiệp tại mục 8 chương 29 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga (phần 1 có hiệu lực từ
ngày 30/09/1994 số 51- LBN; phần 2 có hiệu lực từ ngày 26/01/1996 số 14- LBN;
phần 3 có hiệu lực từ ngày 26/10/2001 số 146 LBN; phần 4 có hiệu lực từ ngày
18/12/2006 số 230- LBN) sửa đổi, bổ sung từ ngày 07/05/2013:
Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là hợp đồng, trong đó người bán có
trách nhiệm chuyển giao quyền sở hữu cho người mua toàn bộ tài sản
doanh nghiệp trong khối thống nhất ngoài những quyền và nghĩa vụ khác
mà bên bán không có quyền chuyển giao.
Các quyền riêng biệt đối với các phương tiện (tư liệu) cá nhân hóa của
doanh nghiệp như sản phẩm, công việc, dịch vụ (thương hiệu thương
mại, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu phục vụ) cũng như quyền sử
dụng các tư liệu trên, trên cơ sơ thỏa thuận cấp phép được chuyển giao
cho bên mua nếu như hợp đồng mua bán doanh nghiệp này không có quy
định khác.
86

Quyền của người bán, người này nhận được trên cơ sở giấy phép cho các
hoạt động có liên quan, có thể không chuyển giao cho bên mua trong quá
trình chuyển giao doanh nghiệp nếu như luật và các văn bản pháp luật
không có quy định khác. Trong quá trình chuyển giao doanh nghiệp có
kèm các nghĩa vụ (nợ) đối với các chủ nợ khác, việc thực hiện các nghĩa
vụ này không thể hoàn thành nếu như thiếu giấy phép hoạt động trên thì
người bán phải chịu trách nhiệm trước chủ nợ. Việc không thực hiện các
nghĩa vụ này, người bán và người mua chịu trách nhiệm liên đới [47].
Như vậy, theo quy định của Nga thì mua bán doanh nghiệp được xác định rõ
ràng là mua lại tài sản và chuyển giao các quyền, nghĩa vụ gắn với tài sản đó trừ
một số giấy phép, chứng chỉ không được phép chuyển giao. Nghĩa vụ của các bên
mua bán doanh nghiệp đối với bên thứ ba được đề cập cụ thể tại hợp đồng mua bán
doanh nghiệp, hợp đồng mua bán tài sản.
Khác với Cộng hòa Liên Bang Nga, Việt Nam không định nghĩa về hợp đồng
mua bán doanh nghiệp, dựa trên những phân tích về mua bán doanh nghiệp ở Việt
Nam và khái niệm về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, tác giả luận án
đưa ra quan niệm về hợp đồng mua bán doanh nghiệp như sau:
Hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ
vốn điều lệ, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, hợp đồng
mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh
nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển
nhượng toàn bộ vốn hoặc phần vốn chi phối cho bên mua doanh nghiệp. Bên mua
doanh nghiệp có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và có nghĩa vụ
thanh toán cho chủ sở hữu doanh nghiệp.
Lưu ý là mua bán doanh nghiệp có thể là một quá trình theo lộ trình “thu gom
dần phần vốn góp, cổ phần”, theo đó các bên chuyển nhượng và nhận chuyển
nhượng phần vốn góp, cổ phần ký kết các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp,
cổ phần. Theo nội dung của mỗi một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn
góp (chưa đủ tỷ lệ vốn chi phối) thì bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ
phần chưa kiểm soát được doanh nghiệp nên các hợp đồng này chưa được xếp vào
hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
87

2.3.2. Nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp


Hiện nay, ở Việt Nam, nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
100% vốn nhà nước và hợp đồng mua lại doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài
mua lại doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều
15 Nghị định 109/2008/NĐ-CP và điểm c khoản 4 Điều 56 Nghị định
108/2006/NĐ-CP.
Tôn trọng quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền tự do giao kết hợp đồng,
Nhà nước không quy định về nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân,
hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn
góp, cổ phần chi phối (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh nghiệp). Vì vậy, các
bên được quyền tự do thỏa thuận xây dựng các điều khoản trong hợp đồng ghi nhận
quyền và nghĩa vụ của các bên dựa trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự về hợp
đồng, phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành, Điều lệ doanh nghiệp và
mục tiêu mà bên bán, bên mua hướng tới trong từng thương vụ mua bán doanh
nghiệp cụ thể. Vì vậy, sẽ không có một mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp cụ thể
áp dụng chung cho tất cả các thương vụ mua bán doanh nghiệp.
Mua bán doanh nghiệp có tính phức tạp và pháp luật cần có một số định
hướng lý luận về hợp đồng mua bán doanh nghiệp để hạn chế rủi ro, giảm thiểu
tranh chấp cho các bên mua, bên bán và những chủ thể khác có liên quan trong quan
hệ mua bán doanh nghiệp. Về tổng thể, các bên mua bán doanh nghiệp nên thỏa
thuận một số nội dung cơ bản sau trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp:
Một là: Đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Điều 132 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định đối tượng của hợp đồng
mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp, một loại tài sản được lưu thông trên thị
trường. Đó là là mặt bằng, nhà cửa, công trình phụ, trang thiết bị máy móc, công cụ,
nguyên liệu, sản phẩm, quyền sử dụng, nghĩa vụ (nợ) cũng như quyền xác định,
quyền cá thể hóa doanh nghiệp, sản phẩm, công việc, dịch vụ của doanh nghiệp (tên
doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu phục vụ) và các quyền riêng biệt
khác nếu như luật và hợp đồng không có quy định khác. Đặc biệt, đối tượng của
hợp đồng mua bán doanh nghiệp ngoài tài sản, vật quyền còn có nghĩa vụ nợ của
bên bán. Cụ thể:
88

Doanh nghiệp là đối tượng của quyền sở hữu được công nhận là toàn bộ
khối tài sản sử dụng cho mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp được coi
như một loại tài sản bất động sản. Doanh nghiệp có thể là đối tượng của
hợp đồng mua bán, bảo đảm, cho thuê và các thỏa thuận khác liên quan
đến việc hình thành, thay đổi và chấm dứt vật quyền. Trong thành phần
của khối tài sản của doanh nghiệp là toàn bộ các loại tài sản dùng để kinh
doanh: mặt bằng, nhà cửa, công trình phụ, trang thiết bị máy móc, công
cụ, nguyên liệu, sản phẩm, quyền sử dụng, nghĩa vụ cũng như quyền xác
định, quyền cá thể hóa doanh nghiệp, sản phẩm, công việc, dịch vụ của
doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu
phục vụ) và các quyền riêng biệt khác nếu như luật và hợp đồng không
có quy định khác [47].
Ở Mỹ, bên mua có thể quan tâm giấy phép sở hữu một công nghệ hay một
nhãn hiệu mạnh; mua lại khách hàng vì ‘khách hàng là động lực tăng doanh thu và
doanh thu là mục tiêu đầu tiên của kinh doanh” [16, tr.87]. Khó có thương vụ mua
lại doanh nghiệp nào mà khách hàng không phải là tài sản quan trọng. Điểm cần lưu
ý là không dễ gì có thể được chuyển giao mối quan hệ khách hàng. Đặc biệt với
những khách hàng có giá trị, bên mua có thể xem xét để yêu cầu bên bán kéo cả
khách hàng vào các cuộc đàm phán. Bên mua cần xem xét mối quan hệ then chốt
của bên bán với các đối tác khác như nhà cung cấp, nhà phân phối. Quyền ở hữu trí
tuệ trong một số trường hợp có thể là tài sản rất có giá trị với bên mua và cần có
những luật sư chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để đánh giá những hồ sơ
pháp lý và việc sử dụng tài sản này trên thực tế.
Đối tượng của một hợp đồng mua bán doanh nghiệp (theo hình thức mua bán
tài sản) ở Mỹ được liệt kê cụ thể, đó là tài sản. Ở Việt Nam, thực tại còn nhiều
khoảng trống pháp lý về mua bán doanh nghiệp, trong đó có sự thiếu vắng quy định
về đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên cơ sở lý thuyết
chung về mua bán doanh nghiệp, các nghiên cứu khoa học đã xác định đối tượng
trong thương vụ mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp và “doanh nghiệp được
mua bán có ý nghĩa là một bộ máy đang vận hành mà người mua nó có thể tiếp tục
sử dụng, khai thác để mang lại lợi nhuận nhanh nhất” [13, tr.286]. Thực chất, mua
89

bán doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển giao những quyền và
nghĩa vụ gắn liền với chủ sở hữu doanh nghiệp và chuyển giao cả tư cách pháp lý
của doanh nghiệp cho bên mua. Vì vậy, đối tượng mua bán cần được xác định rõ
trong hợp đồng: Tên; địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp được mua lại; ngành nghề
đăng ký kinh doanh; vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ của doanh nghiệp; phần vốn góp,
cổ phần được chuyển nhượng của chủ sở hữu doanh nghiệp; các loại tài sản hữu
hình, tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Hai là: Giá mua bán doanh nghiệp
Giá trị của doanh nghiệp bao gồm các tài sản hữu hình và những giá trị tài sản
vô hình. Tài sản hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất. Tài sản vô hình
không có cấu tạo vật chất mà nó tạo ra những quyền, ưu thế đối với người sở hữu
tài sản vô hình đó. Các tài sản vô hình có giá trị được các bên mua bán doanh
nghiệp quan tâm là: tên doanh nghiệp, vị trí địa lý của doanh nghiệp, uy tín của
doanh nghiệp, hệ thống khách hàng, đội ngũ người lao động của doanh nghiệp…Vì
không có hình thái vật chất nên việc đưa ra phương pháp và cách thức tính toán
chính xác giá trị của tài sản vô hình có thể gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thỏa
thuận chuyển giao các quyền và nghĩa vụ tài sản khác (các khoản nợ cần trả, các
khoản nợ chưa được thanh toán) cũng có thể ảnh hưởng đến điều khoản về giá cả
của hợp đồng. Giá mua bán doanh nghiệp do các bên thỏa thuận. Đối với trường
hợp mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì nguyên tắc xử lý các khoản nợ,
xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá bán doanh nghiệp được thực hiện theo
quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định 109/2008/NĐ- CP.
Bộ luật Dân sự Liên bang Nga và pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức chú
trọng về điều khoản giá mua bán doanh nghiệp hơn so với quy định tương ứng của
pháp luật Việt Nam. Bộ luật dân sự Liên bang Nga không có quy định về giá đối
với hợp đồng mua bán doanh nghiệp, giá mua bán doanh nghiệp do các bên thỏa
thuận nhưng nếu như trong hợp đồng không đưa ra giá bán, hợp đồng coi như chưa
được ký kết. Trong trường hợp tư nhân hóa tài sản nhà nước, giá tính trên cơ sở bán
đấu giá theo quy định của Luật Liên bang về tư nhân hóa tài sản nhà nước.
Thep pháp luật của Đức, ngoài việc thỏa thuận về giá mua bán doanh nghiệp,
các bên còn thỏa thuận thời điểm xác định giá mua bán doanh nghiệp: “Giá thành
90

được xác định vào thời điểm lập bảng cân đối giá trị tài sản còn lại của công ty; giá
trị đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… cần được xác định vào một thời điểm
nhất định do các bên thỏa thuận” [24, tr.128].
Ở Việt Nam, ngoại trừ quy định về cách thức xác định giá mua bán doanh
nghiệp 100% vốn Nhà nước, các trường hợp mua bán doanh nghiệp không do Nhà
nước đầu tư 100% vốn điều lệ, các bên mua bán doanh nghiệp phải tự xác định giá.
Giá mua bán doanh nghiệp do các bên tự xác định hoặc thuê tổ chức định giá
chuyên nghiệp đánh giá và xác định giá. Ngoài ra, các bên phải lưu ý về quá trình
thực hiện hợp đồng có thể có những biến động về giá mua bán, do vậy các bên phải
có các thỏa thuận rõ ràng để giải quyết các hậu quả phát sinh khi trượt giá.
Ba là: Thỏa thuận về kế thừa, chuyển giao quyền và nghĩa vụ của doanh
nghiệp được mua bán
Bên bán doanh nghiệp có thể chuyển giao cho bên mua những quyền và nghĩa
vụ liên quan đến quyền tiếp tục sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, quyền
tiếp tục kinh doanh những ngành nghề của doanh nghiệp được bán những quyền,
nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp mục tiêu đối với người thứ ba. Đó có thể là
quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động; quyền, nghĩa vụ của
doanh nghiệp đối với các chủ nợ; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các cơ
quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền… Đặc biệt, bên mua doanh nghiệp thường
quan tâm đến các khoản nợ của doanh nghiệp mục tiêu và xác định trách nhiệm trả
nợ sẽ thuộc về bên mua hay bên bán. Vì vậy, trong hợp đồng, các bên phải thỏa
thuận rõ: những quyền và nghĩa vụ được chuyển giao; những quyền và nghĩa vụ
không được chuyển giao sẽ do bên nào tiếp tục thực hiện; bên nào có trách nhiệm
thanh toán nợ của doanh nghiệp mục tiêu.
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc chuyển giao quyền và
nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và vấn đề thanh toán nợ của doanh nghiệp mục
tiêu thể hiện trong các văn bản pháp luật khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh
nghiệp được mua là loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp 100% vốn
nhà nước hoặc các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể:
* Quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và
vấn đề thanh toán nợ của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó thì sau khi bán doanh
91

nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các
nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua,
người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.
* Quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và
vấn đề thanh toán nợ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại khoản 2 Điều 11
Nghị định số 109/2008/NĐ- CP ngày 10/10/2008 về bán, giao doanh nghiệp 100%
vốn nhà nước
“Đối với các khoản nợ phải thu còn lại và nợ phải trả thì tùy theo điều
kiện mua bán có kế thừa nợ hoặc không kế thừa nợ hoặc không thể kế
thừa nợ để xử lý theo các nguyên tắc sau:
a) Trường hợp người mua cam kết kế thừa nợ, người mua có trách nhiệm
thanh toán các khoản nợ phải trả và thu hồi các khoản nợ phải thu theo
cam kết; việc cam kết kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả được ghi
trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho
chủ nợ, khách nợ và các bên liên quan biết;
b) Trường hợp người mua không cam kết kế thừa nợ, doanh nghiệp được
bán có trách nhiệm xử lý các khoản nợ này theo quy định hiện hành của
Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng…”
* Quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và
vấn đề thanh toán nợ khi mua bán các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp tư
nhân, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đối với trường hợp mua bán các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp tư
nhân, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nguyên tắc chủ yếu của việc chuyển giao
quyền và nghĩa vụ tài sản; những quyền, nghĩa vụ khác được phép chuyển giao
trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ dựa trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện
của bên mua và bên bán, đồng thời phải tuân thủ các quy định tại mục 4 phần thứ ba
(Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự) tại Bộ luật Dân sự (2005). Theo quy định tại
Bộ luật Dân sự, bên có quyền có thể chuyển giao một số quyền yêu cầu cho người
thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Người chuyển giao
quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao
quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có
92

nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Bên
có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có
quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc
pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ
thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ. Thực tế, có những trường hợp bên bán
doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với rất nhiều chủ thể. Vì vậy, khi chuyển giao
nghĩa vụ, bên bán doanh nghiệp có thể gửi thông báo về việc chuyển giao nghĩa vụ và
yêu cầu bên có quyền xác nhận có đồng ý cho bên mua thế nghĩa vụ cho bên bán không?
Thậm chí, nếu không thể hiện sự xác nhận trong một thời hạn cụ thể cũng được coi là
đồng ý cho bên mua doanh nghiệp chuyển thành người thế quyền.
Mua bán doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam, thị trường mua bán doanh
nghiệp sơ khai so với thị trường mua bán doanh nghiệp ở Mỹ và các nước châu Âu.
Trong bối cảnh kinh nghiệm về mua bán doanh nghiệp của các nhà đầu tư Việt Nam
quá khiêm tốn so với nhà đầu tư nước ngoài, pháp luật không định hướng về việc
chuyển giao quyền, nghĩa vụ giữa các bên mua bán doanh nghiệp, với bên thứ ba thì
những rủi ro và tranh chấp sẽ xảy ra và bên bị thiệt hại về lợi ích kinh tế chủ yếu là
các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học ở Mỹ, một
quốc gia có thị trường mua bán doanh nghiệp phát triển nhưng họ vẫn định hướng,
chỉ dẫn cụ thể về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán doanh
nghiệp cho các bên mua bán doanh nghiệp là một ý tưởng để Việt Nam có thể học
tập. Ví dụ, họ định hướng để bên mua sẽ nhận được “tất cả những bằng chứng
chứng minh đã có tất cả sự cho phép, từ bỏ, khai báo hoặc thông báo cho các cơ
quan chính quyền và bên thứ ba để hoàn tất các giao dịch dự định. Bên bán phải
chuyển giao cho bên mua các hợp đồng bảo hiểm tài sản, các giấy phép chứng nhận
tài sản đó đảm bảo các quy định về môi trường” [16, tr.297].
Tại Cộng hòa Liên bang Nga, Điều 562 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy
định quyền của chủ nợ trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thủ tục mà người
mua, người bán doanh nghiệp phải thông báo cho chủ nợ về việc mua bán doanh
nghiệp và việc chuyển nghĩa vụ trả nợ cho bên mua:
Chủ nợ có quyền đưa ra trả lời chấp nhận chuyển nghĩa vụ trả nợ trong
vòng ba tháng kể từ ngày nhận được thông báo. Trong trường hợp chủ
93

nợ không đồng ý, chủ nợ có quyền xóa nợ hoặc đòi nợ trước thời hạn
hoặc yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Trong vòng một năm, kể từ
ngày chủ nợ biết việc mua bán doanh nghiệp nhưng bên bán, bên mua
doanh nghiệp không thông báo thì chủ nợ có quyền đưa đơn kiện lên
Tòa án yêu cầu các bên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Sau khi chuyển giao
doanh nghiệp, bên bán và bên mua chịu trách nhiệm liên đới trước các
chủ nợ.
Tương tự như quy định của Nga, Bộ luật Dân sự Cộng hòa Liên bang Đức
cũng quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa các bên mua bán doanh
nghiệp. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự của Đức còn quy định về nghĩa vụ của bên mua
bán doanh nghiệp với người lao động của doanh nghiệp:
Bên bán hoặc bên mua phải thông báo cho người lao động về việc doanh
nghiệp bị mua lại trước khi thực hiện việc chuyển giao. Người lao động
sau đó có quyền phản đối, trong trường hợp này, họ sẽ ở lại với bên bán.
Mặc dù quan hệ lao động hiện tại không thể bị chấm dứt chỉ đơn thuần
dựa trên việc chuyển nhượng doanh nghiệp, việc chấm dứt hợp đồng vì
lý do khác, như vì các biện pháp tổ chức lại sau khi chuyển nhượng
doanh nghiệp, vẫn có thể được coi là hợp pháp, do đó người lao động
không có khả năng thực hiện quyền phản đối như vậy [43].
Quy định của Liên bang Nga, Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức về chuyển giao
quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của các bên mua, bên bán doanh nghiệp với bên thứ
ba; trách nhiệm của các bên mua bán với nhau và quyền yêu cầu cơ quan có thẩm
quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên mua doanh nghiệp rất rõ ràng, cụ thể so
với quy định pháp luật Việt Nam về cùng nội dung này. Các quy định về chuyển
giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp tại Bộ luật Dân sự
của cộng hòa Liên bang Nga, hợp đồng mua bán tài sản của Mỹ , Cộng hòa Liên
bang Đức là những kinh nghiệm để chúng ta tham khảo và vận dụng nhằm xây
dựng pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm của thị
trường mua bán doanh nghiệp của Việt Nam.
Bốn là: Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua
doanh nghiệp và thời điểm thương vụ mua bán doanh nghiệp hoàn tất.
94

Trừ những quy định tương đối chi tiết về thời hạn chuyển giao doanh nghiệp
và quyền sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho bên mua, pháp luật Việt
Nam chưa có quy định định hướng về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu doanh
nghiệp cho bên mua doanh nghiệp.
Đối với hợp đồng mua bán doanh nghiệp thì thời điểm ký kết hợp đồng, thời
điểm chuyển giao tài sản và thời điểm chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp thường là
khác nhau. Về nguyên tắc, sẽ có sự thống nhất ý chí của các bên trong việc chuyển
giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản. Tuy vậy, quá trình chuyển giao các
quyền trên thường có khoảng cách nhất định, nhất là đối với những hợp đồng mua
bán doanh nghiệp có giá trị lớn, việc chuyển giao các tài sản, các quyền nghĩa vụ
khác phải diễn ra trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, các bên phải đàm phán
để đi đến thống nhất thỏa thuận về thời điểm chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp,
thời điểm chuyển rủi ro đối với doanh nghiệp đã bán. Bên cạnh đó, thời gian kể từ
khi các bên ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thời điểm các bên đã hoàn
tất các thủ tục pháp lý cho một thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể mất một
khoảng thời gian nhất định. Vậy trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sẽ do bên
mua hay bên bán quản lý, điều hành? Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận trong hợp
đồng về quyền và trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi các bên đã
ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ thuộc về bên bán hay bên mua.
Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định về nội dung của hợp đồng, về quyền
và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong trường hợp thiếu sót khi đưa những thông tin
về tài sản chuyển giao và thời điểm chuyển giao. Khoản 1 Điều 564 Bộ luật Dân sự
Liên bang Nga quy định: công ty được chuyển giao cho người mua kể từ ngày các
bên ký chứng thư chuyển nhượng và quyền sở hữu của công ty được chuyển sang
người mua kể từ ngày đăng ký tài sản nhà nước. Quy định của Bộ luật Dân sự Liên
bang Nga là một gợi ý để cơ quan lập pháp Việt Nam tham khảo ý tưởng trong việc
thiết kế các định hướng pháp luật về cách thức chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp
nhằm phòng tránh rủi ro cho các bên mua bán doanh nghiệp. Tôn trọng quyền tự do
giao kết hợp đồng thì việc xác định thời điểm thương vụ mua bán doanh nghiệp
được coi là hoàn tất trước hết sẽ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua
bán doanh nghiệp. Nếu các bên không có thỏa thuận, căn cứ vào việc thực hiện
95

quyền và nghĩa vụ của các bên để xác định thương vụ mua bán doanh nghiệp cụ thể đã
hoàn tất chưa? Pháp luật có thể quy định thời điểm hoàn tất thương vụ mua bán doanh
nghiệp đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đặc thù.
2.3.3. Hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Một số quốc gia trên thế giới quy định về hình thức hợp đồng mua bán doanh
nghiệp phải bằng văn bản. Ví dụ: Điều 560 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga về đăng
ký quyền đối với tài sản bất động sản và các loại tài sản số 112, có hiệu lực từ ngày
21/7/1997, sửa đổi, bổ sung ngày 7/5/2013 và theo quy định tại khoản 2 điều 434;
khoản 2 điều 560 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga thì hợp đồng mua bán doanh
nghiệp thể hiện dưới dạng văn bản có chữ ký của các bên. Hợp đồng không theo
hình thức trên bị coi là vô hiệu.
Hợp đồng mua bán và chuyển giao tài sản ở Cộng hòa Liên bang Đức cần có
một hình thức nhất định. Nếu loại tài sản bán yêu cầu bắt buộc một hình thức cụ thể,
ví dụ mua bán tài sản bất động sản luôn cần hợp đồng có công chứng. Đối với việc
mua bán các loại tài sản khác, hợp đồng bằng văn bản vẫn là hình thức tốt nhất để
chứng minh [43]
Ở Việt Nam, pháp luật gián tiếp quy định hợp đồng mua bán doanh nghiệp
phải được thiết lập theo hình thức “văn bản”. Cụ thể:
(i) Tại khoản 3 điều 18 Nghị định của Chính phủ số 108/2006/NĐ-CP quy
định về hồ sơ mua lại doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu trong hồ
sơ mua lại doanh nghiệp phải có hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
(ii) Nghị định 109/2008/NĐ- CP tại khoản 3 Điều 15 quy định: Trong thời hạn
mười ngày làm việc, kể từ khi có quyết định kết quả bán doanh nghiệp, đại diện
người bán và người mua phải ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp;
(iii) Điều 43 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định trường hợp chủ sở hữu công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một
cá nhân hoặc một tổ chức thì trong hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty phải
có hợp đồng chuyển nhượng vốn;
(iv) Điều 44 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP cũng quy định trong hồ sơ đăng ký
thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi chủ doanh nghiệp tư nhân bán doanh nghiệp
của mình cho người khác phải có hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
96

Một nội dung cần được xem xét là nếu các bên giao kết hợp đồng mua bán
doanh nghiệp theo các hình thức có giá trị tương đương văn bản như điện báo, telex,
fax, thông điệp dữ liệu thì xét về hình thức, hợp đồng đó có hợp pháp không? Để có
những cơ sở pháp lý xem xét về hiệu lực của hợp đồng mua bán doanh nghiệp, cơ
quan có thẩm quyền của Việt Nam cần phải ban hành quy định cụ thể về hình thức
hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

2.4. QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC MUA BÁN DOANH NGHIỆP


2.4.1. Kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của pháp
luật cạnh tranh
Một mặt, mua bán doanh nghiệp thể hiện quyền tự do kinh doanh của các nhà
đầu tư nhằm mở rộng quy mô kinh doanh, gia tăng thị phần trên thị trường. Ở một
khía cạnh khác, mua bán doanh nghiệp chính là một trong những hình thức tập
trung kinh tế sẽ dẫn đến sự thay đổi đột ngột số lượng các doanh nghiệp và phá vỡ
cạnh tranh lành mạnh trên thương trường. Chính vì vậy, hầu hết hệ thống pháp luật
của các quốc gia điều chỉnh về mua bán doanh nghiệp bao gồm: (i) pháp luật dân
sự; (ii) pháp luật thương mại (theo nghĩa rộng bao gồm cả pháp luật doanh nghiệp,
pháp luật tài chính…); (iii) pháp luật cạnh tranh. Pháp luật dân sự và pháp luật
thương mại chủ yếu ghi nhận về các hình thức mua bán doanh nghiệp; định hướng
về hợp đồng mua bán doanh nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn
góp; thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh có
nhiệm vụ kiểm soát các thương vụ mua bán doanh nghiệp trước khi diễn ra việc
mua bán doanh nghiệp nhằm mục đích bảo vệ cạnh tranh trên thị trường. Mua bán
doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh được coi là một hành
vi tập trung kinh tế dưới tên gọi cụ thể là mua lại doanh nghiệp. Để thống nhất với
quy định của pháp luật cạnh tranh, tác giả luận án sẽ sử dụng thuật ngữ tập trung
kinh tế để phân tích các thương vụ mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh
của pháp luật cạnh tranh. Nội dung quy định về kiểm soát tập trung kinh tế của pháp
luật cạnh tranh thể hiện
Thứ nhất, cách thức kiểm soát tập trung kinh tế
Ở Việt Nam, kiểm soát tập trung kinh tế được quy định theo cách thức: tự do
tập trung kinh tế; Thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế; Các doanh nghiệp
97

tham gia tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm nhưng được hưởng miễn trừ và
cấm tập trung kinh tế. Các quy định cụ thể về kiểm soát tập trung kinh tế được thể
hiện như sau:
(i) Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được tự do tập trung kinh tế,
không phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế tới cơ quan quản lý cạnh
tranh trong trường hợp thị phần của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế
thấp hơn 30% trên thị trường liên quan hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực
hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của
pháp luật.
(ii) Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thực hiện thủ tục thông
báo tập trung kinh tế tại Cục quản lý cạnh tranh: Các doanh nghiệp tập trung kinh
tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp
pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước
khi tiến hành tập trung kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia chỉ được làm thủ tục tập
trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về
doanh nghiệp sau khi được cơ quan quản lý cạnh tranh trả lời bằng văn bản về việc
tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm.
(iii) Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được hưởng miễn trừ: Các
doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm
nhưng được hưởng miễn trừ thì các bên tham gia tập trung kinh tế có thể cử một
đại diện làm thủ tục, nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ thay cho thông báo việc tập
trung kinh tế. Các bên doanh nghiệp chỉ được tham gia tập trung kinh tế sau khi có
quyết định cho hưởng miễn trừ của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ
Thương mại (nay là Bộ Công thương).
(iv) Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế không được thực hiện việc
tập trung kinh tế: Nếu các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thuộc trường hợp
tập trung kinh tế bị cấm và không được hưởng miễn trừ thì các doanh nghiệp đó
không được tập trung kinh tế.
Nhà nước không cấm các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tập trung kinh
tế nhưng Nhà nước sẽ kiểm soát việc thực hiện các hành vi tập trung kinh tế, xem
xét vụ việc tập trung kinh tế đó có dẫn đến việc hạn chế cạnh tranh trên thị trường
98

liên quan không? Các quốc gia trên thế giới đều quy định một số trường hợp cấm
các doanh nghiệp tham gia thương vụ mua bán doanh nghiệp trên cơ sở tính toán
các điều kiện kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ nhất định. Mục
đích của việc cấm tập trung kinh tế là nhằm ngăn cản việc hình thành một doanh
nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường và sẽ lạm dụng các vị trí
đó thủ tiêu cạnh tranh, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế- xã hội.
Ở Việt Nam, nền kinh tế chưa phát triển và mới mở cửa thị trường, để đảm
bảo an ninh kinh tế, cần phải đặt ra một ngưỡng giới hạn cấm tập trung kinh tế.
Ngưỡng giới hạn đó được dựa trên tiêu chí thị phần: Nếu thị phần kết hợp của các
doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan,
trừ trường hợp quy định tại Điều 19 Luật Cạnh tranh hoặc trường hợp doanh
nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa
theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ này theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc
hội là phù hợp với điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi, cần thiết tập trung kinh tế
ở mức độ thích hợp ở nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy,
không phải mọi hành vi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp của các doanh nghiệp
tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan đều bị cấm mà
trong một số trường hợp, các bên vẫn được tập trung kinh tế sau khi được cơ quan có
thẩm quyền cho phép được hưởng miễn trừ. Miễn trừ đối với tập trung kinh tế được
hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp nằm trong ngưỡng thị
phần hoặc doanh thu phải chịu sự kiểm soát về tập trung kinh tế được thực hiện các
dự án trên cơ sở đáp ứng một số tiêu chí hiệu quả kinh tế- xã hội nhất định.
Các quốc gia phải xây dụng căn cứ (gọi chung là ngưỡng) để kiểm soát tập
trung kinh tế. Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế ở mỗi quốc gia lại có sự khác
nhau, ví dụ: Nhật Bản xây dựng ngưỡng kiểm soát thông qua ngưỡng tài sản tính
bằng tiền và doanh thu [9, tr.89]; Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế tại Pháp được
xây dựng trên ngưỡng doanh thu.
Khác với Pháp và Nhật Bản, ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam
là căn cứ vào tỷ lệ thị phần kết hợp: các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có
thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo và bị
áp dụng thủ tục kiểm soát bởi vì một doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên
99

quan từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh và cần phải được kiểm soát.
Theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sở dĩ chúng ta lựa chọn tiêu chí thị
phần kết hợp vì tiêu chí thị phần không bị lạc hậu theo thời gian còn tiêu chí doanh
thu dễ bị thay đổi theo thời gian nên phải điều chỉnh liên tục, gây khó khăn cho cơ
quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đã tồn tại một số điểm bất cập của pháp luật cạnh tranh Việt Nam
khi căn cứ vào tiêu chí thị phần kết hợp để kiểm soát tập trung kinh tế; quy định về
chủ thể tập trung kinh tế và các chủ thể thực hiện thông báo hoặc đề nghị hưởng
miễn trừ. Những bất cập đó là:
Một là, việc sử dụng tiêu chí thị phần kết hợp đến một tỷ lệ nhất định trên thị
trường liên quan làm căn cứ để kiểm soát tập trung kinh tế cho thấy Luật Cạnh tranh
chỉ kiểm soát các trường hợp tập trung kinh tế theo chiều ngang. Thị trường liên
quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Vì vậy,
hành vi tập trung kinh tế (trong đó có mua lại doanh nghiệp) theo chiều dọc, tập
trung kinh tế hỗn hợp không cùng thị trường liên quan sẽ không chịu sự kiểm soát
của pháp luật cạnh tranh.
Ví dụ: vụ việc tập trung kinh tế theo chiều dọc của hai doanh nghiệp ở các cấp
độ khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm thì hai doanh
nghiệp đó không được xếp vào cùng hoạt động trên thị trường sản phẩm liên quan
bởi vì hàng hóa, dịch vụ mà hai doanh nghiệp đó kinh doanh không thể thay thế cho
nhau về đặc tính, mục đích sử dụng giá cả.
Hai là, pháp luật cạnh tranh căn cứ vào tiêu chí thị phần kết hợp để yêu cầu
các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế tại Cục quản lý
cạnh tranh là một quy định khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình doanh
nghiệp thực thi pháp luật cạnh tranh. Lý do là vì mỗi một doanh nghiệp chỉ có thể
biết về doanh số của mình mà không có nghĩa vụ phải biết về doanh số của các đối
thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan để làm căn cứ tính tỷ lệ thị phần của từng
doanh nghiệp từ đó tính tới tỷ lệ thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập
trung kinh tế. Mặt khác, từ góc độ của doanh nghiệp, việc xác định các đối thủ cạnh
tranh trên thị trường liên quan cũng có thể khác biệt với kỹ thuật xác định thị trường
liên quan theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Từ đó, doanh nghiệp và cơ quan
quản lý cạnh tranh sẽ có những cách thức tính thị phần khác nhau.
100

Ba là, cách thức kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định tại Điều 18 Luật
Cạnh tranh (2004) chưa thực sự hiệu quả.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp bị cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp
chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Khi thị phần kết hợp của các doanh
nghiệp từ mức 50% trở xuống đến mức 30% trên thị trường liên quan, các doanh
nghiệp gửi hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tới cơ quan quản lý cạnh tranh thì cơ
quan quản lý cạnh tranh sẽ trả lời trường hợp đó không bị cấm tập trung kinh tế.
Như vậy, thủ tục thông báo tập trung kinh tế đơn giản chỉ là quá trình xác định lại
một cách chính xác về thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung
kinh tế trên thị trường liên quan mà chưa là quá trình đánh giá tác động của tập
trung kinh tế đến thì trường ở nhiều phương diện [9, tr.50]. Điều đó dẫn đến hệ quả
là pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế chưa hiệu quả bởi vì:
Kiểm soát tập trung kinh tế là hướng đến mục tiêu hạn chế những tác động
tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường trong tương lai. Khi tiến hành thủ tục thông
báo trước khi tập trung kinh tế, hậu quả hạn chế cạnh tranh chưa xảy ra trên thị
trường. Tiêu chí thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung kinh tế chỉ phản
ánh năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế ở thời
điểm trong quá khứ và hiện tại mà chưa tính đến tác động của tập trung kinh tế ở
tương lai. Trong nhiều trường hợp, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp gần đạt
đến mức bị cấm, vì vậy các doanh nghiệp đó vẫn được tiến hành tập trung kinh tế.
Trong lý thuyết cạnh tranh, “khả năng hạn chế cạnh tranh của tạp trung kinh tế
không chỉ là việc làm thay đổi cơ cấu cạnh tranh của thị trường mà còn là khả năng
tăng cường quyền lực thị trường để thực hiện hành vi phản cạnh tranh trong tương
lai” [9, tr.51]. Do vậy, sau khi được tập trung kinh tế, trong sự vận động không
ngừng của thị trường, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp đã biến động tăng lên
một cách nhanh chóng, phát triển đến hoặc vượt quá ngưỡng bị cấm (trên 50%) và
hình thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường gây hạn chế cạnh tranh nếu
như doanh nghiệp này lạm dụng vị trí thống lĩnh. Trước thực tế đó, cơ quan quản lý
cạnh tranh chỉ có quyền xem xét mức thị phần kết hợp ở hiện tại mà không được
đánh giá tác động của tập trung kinh tế trên nhiều phương diện trên thị trường là
chưa đủ để chứng minh và kiểm soát được về tác hại chắc chắn xảy ra trong tương
lai gần của việc tập trung kinh tế.
101

Mặt khác, ngưỡng thị phần kết hợp chiếm trên 50% trên thị trường liên quan
sẽ bị cấm tập trung kinh tế chưa phản ánh được thực tế thị trường, bỏ sót những
trường hợp có khả năng gây hạn chế cạnh tranh bởi vì trên thực tế, đối với một số
thị trường, chỉ cần mức thị phần 10% đến 20% đã đủ mang lại cho doanh nghiệp
sức mạnh tuyệt đối trên thị trường, “đặc biệt đối với các thị trường phân tán và có
sự chênh lệch đáng kể trong thị phần giữa doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp đứng
đầu trên thị trường với các doanh nghiệp đứng sau” [9, tr.61].
Bốn là, quy định về chủ thể tập trung kinh tế tại khoản 1 Điều 2 Luật cạnh
tranh (2004) không tương thích với quy định chủ thể tập trung kinh tế tại điểm b
khoản 1 Điều 21 và điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh (2004)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004) doanh nghiệp được
hiểu là các chủ thể kinh doanh, đó là những chủ thể thường xuyên tiến hành hoạt
động kinh doanh độc lập trên thị trường. Những chủ thể này có thể đăng ký kinh
doanh hoặc không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định của Chính
phủ số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách
độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 21 và điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh (2004) thì
trong hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế và hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ phải
có bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham
gia tập trung kinh tế. Với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 và điểm b khoản 1
Điều 29 Luật Cạnh tranh (2004) đã loại trừ sự điều chỉnh tập trung kinh tế đối với
các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng
ký kinh doanh. Trên thực tiễn, các chủ thể kinh doanh không phải đăng ký kinh
doanh có quy mô vốn nhỏ, thu nhập thấp, họ không có khả năng và điều kiện để
thực hiện hành vi tập trung kinh tế gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường, Nhà nước
không cần kiểm soát sự liên kết của các chủ thể này. Vì vậy, quy định doanh nghiệp
tại khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004) cần phải sửa đổi lại để đảm bảo sự thống
nhất về khái niệm doanh nghiệp trong tất cả các văn bản pháp luật.
Năm là, quy định về kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam nằm rải rác
trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nếu không có cơ chế phối hợp giữa các cơ
quan công quyền sẽ gây trở ngại trong quá trình thực thi pháp luật
102

Cụ thể: ngoài quy định tại Luật Cạnh tranh (2004), các quy định về ngưỡng thị
phần kết hợp phải thực hiện thủ tục tập trung kinh tế được quy định tại Luật Doanh
nghiệp (2005), Luật Viễn thông (2009), Luật Đầu tư (2005) dẫn chiếu quy định tại
Luật Cạnh tranh (2004)…, chẳng hạn khoản 5 Điều 19 Luật Viễn thông (2009) quy
định: Các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30%
đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý
chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Theo các quy
định này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định được các trường hợp
tập trung kinh tế bị cấm, các trường hợp phải thông báo trước khi tập trung kinh tế.
Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế thì cơ
quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông không thể cấp
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hiện hành
chưa dự liệu cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin về kiểm soát tập trung kinh tế giữa
cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý
chuyên ngành và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước hiệu quả hơn.
Thứ hai, quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tập trung kinh tế
Không thể đặt ra việc cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ có mối liên hệ như thế
nào với bộ máy hành pháp và tư pháp của một nước cụ thể. Đây là vấn đề của mỗi
nước. Luật Mẫu về cạnh tranh chỉ ra rằng: Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh là
cơ quan hành chính hiệu quả nhất nếu cơ quan này có thẩm quyền độc lập với
Chính phủ, với thẩm quyền lớn về mặt hành chính và tư pháp để tiến hành điều tra,
xử lý, áp dụng chế tài…[29, tr.93]. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, tên
gọi và mô hình tổ chức thiết chế thực thi pháp luật cạnh tranh khá khác nhau nhưng
về cơ bản, những thiết chế thực thi pháp luật cạnh tranh đều cần có các yếu tố cơ
bản sau: “Phải được trao đầy đủ quyền hạn. Hoạt động phải đảm bảo tính tin cậy
cao. Phải đảm bảo việc hoạt động và ra quyết định một cách độc lập. Phải đảm bảo
tính minh bạch trong thực thi nhiệm vụ” [8, tr.12].
Ở Việt Nam, có hai thiết chế thực thi pháp luật cạnh tranh, bao gồm: Cơ quan
quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam
là Cục quản lý cạnh tranh được thành lập theo Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày
103

9/1/2006 là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, có nhiệm vụ kiểm soát tập trung
kinh tế trong đó có hoạt động mua bán doanh nghiệp. Vị trí của Cục quản lý cạnh
tranh trực thuộc Bộ Công thương có thể chưa hợp lý vì Cục quản lý cạnh tranh là
một đơn vị hành chính của một Bộ nên khó đảm bảo tính độc lập trong hoạt động
kiểm soát tập trung kinh tế, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Xét về chức năng, cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam vừa là cơ quan
điều tra, vừa là cơ quan xử lý, vừa là cơ quan hành chính.
Tính chất cơ quan điều tra thể hiện qua các nhiệm vụ: điều tra các vụ việc
cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh (tập trung kinh tế là một trong
những hành vi hạn chế cạnh tranh) và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tính chất cơ quan xử lý thể hiện qua quyền hạn được xử lý, xử phạt hành vi
cạnh tranh không lành mạnh.
Tính chất cơ quan hành chính thể hiện qua nhiệm vụ, quyền hạn kiểm soát quá
trình tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật cạnh tranh và thụ lý hồ sơ đề
nghị hưởng miễn trừ; đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định hoặc
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mục 5 chương hai của luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu về thẩm quyền,
nhiệm vụ của cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo tên gọi của mục 5 chương hai là
kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh,
luận án tập trung phân tích về tính chất hành chính của cơ quan quản lý cạnh tranh.
Luận án không nghiên cứu về tính chất cơ quan điều tra và cơ quan xử lý của Cục
quản lý cạnh tranh.
2.4.2. Thủ tục mua bán doanh nghiệp đối với các thương vụ mua bán
doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh
Thủ tục mua bán doanh nghiệp không thuộc sở hữu 100% vốn của Nhà nước
Bước thứ nhất: Chủ sở hữu doanh nghiệp phải thông qua chủ trương bán
doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp của một chủ sở hữu như doanh nghiệp tư nhân,
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở
hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên toàn quyền quyết định bán doanh
nghiệp. Đối với doanh nghiệp của nhiều chủ sở hữu, pháp luật không quy định về
cách thức thông qua chủ trương bán doanh nghiệp.
104

Duy nhất, khi nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp đang hoạt động tại
Việt Nam, tại điểm b khoản 4 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP yêu cầu trong
hồ sơ mua lại doanh nghiệp phải có “Quyết định của Hội đồng thành viên hoặc của
chủ sở hữu hoặc của Đại hội đồng cổ đông về việc bán doanh nghiệp”. Tuy nhiên,
Luật Doanh nghiệp (2005) không quy định về cơ chế thông qua quyết định bán
công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Vì vậy, cơ chế
biểu quyết thông qua quyết định bán doanh nghiệp nên được dự liệu quy định trong
Điều lệ của doanh nghiệp.
Bước thứ hai: Ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng
chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Các bên mua bán doanh nghiệp phải tuân
thủ quy định của pháp luật doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp về điều kiện và
thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần
Bước thứ ba: Đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp
Các bên mua bán doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu
doanh nghiệp theo thủ tục đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp
(2005), Luật Đầu tư (2005), Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Nghị định 102/2010/NĐ-
CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp
(Nghị định 102/2010/NĐ-CP).
Cổ đông công ty cổ phần có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho tổ
chức, cá nhân khác (gọi chung là bên nhận chuyển nhượng cổ phần), hai bên sẽ ký
kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Tùy thuộc vào công ty cổ phần được thành
lập theo pháp luật về đầu tư hoặc pháp luật về doanh nghiệp, khi chuyển nhượng cổ
phần của cổ đông sáng lập, công ty phải thông báo thay đổi đến Phòng đăng ký kinh
doanh nơi công ty đã đăng ký doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quản lý đầu tư về việc thay đổi cổ đông sáng lập kèm theo hợp đồng chuyển nhượng
cổ phần. Các cổ đông khác không phải là cổ đông sáng lập thực hiện việc chuyển
nhượng cổ phần tự do, bên nhận chuyển nhượng cổ phần phải đăng ký thay đổi cổ
đông vào sổ đăng ký cổ đông của công ty. Nếu chuyển nhượng cổ phần dẫn đến
thay đổi hình thức pháp lý của công ty thì công ty phải thực hiện thủ tục chuyển đổi
công ty thành công ty trách nhiệm hữu hạn tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
105

Tương tự như công ty cổ phần, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình. Chủ sở hữu công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn
bộ vốn điều lệ cho các tổ chức, cá nhân. Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển
nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân hoặc một tổ chức thì người nhận
chuyển nhượng phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty, đây chính là mua bán
doanh nghiệp. Mọi sự thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn đều phải
thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp
hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư. Việc chuyển nhượng phần
vốn góp làm thay đổi hình thức của công ty thì công ty phải thực hiện thủ tục
chuyển đổi hình thức pháp lý tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà
nước về đầu tư.
Mua bán doanh nghiệp thông qua thu gom dần chứng khoán của các công ty
đại chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán (2006) và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2010), Nghị định số 58/2012/NĐ-CP
ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Mua bán doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có thể bắt đầu hình thành từ
việc bên mua chào mua cổ phần của cổ đông công ty cổ phần. Đặc biệt, đối với việc chào
mua công khai cổ phần ở Việt Nam, bên mua phải tuân thủ các quy định của pháp luật
chứng khoán như Điều 29, Luật Chứng khoán (2006); khoản 11 Điều Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Chứng khoán; Điều 43, Điều 51 Nghị định số 58/2012/NĐ-
CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng
khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Các quy định pháp luật chứng khoán đã giúp các cổ đông công ty sớm nhận
diện được các nhà đầu tư có dự định mua lại công ty của họ theo hình thức mua dần
dần cổ phần: Tổ chức, cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng (sở hữu
trực tiếp 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng) phải
báo cáo công ty đại chúng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và sở giao dịch chứng
khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó
được niêm yết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày trở thành cổ đông lớn.
106

Với các trường hợp chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng thì tổ
chức, cá nhân chào mua công khai phải gửi tài liệu đăng ký chào mua đến Ủy ban
chứng khoán nhà nước. Một trong các trường hợp phải chào mua công khai là chào
mua cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu của
một công ty đại chúng, các tổ chức, cá nhân này mua tiếp từ 15% trở lên cổ phiếu có
quyền biểu quyết của công ty đại chúng dưới một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào
mua công khai trước đó phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Tuy nhiên, trường
hợp mua cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến sở hữu
từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng đã được Đại
hội đồng cổ đông công ty đại chúng thông qua không phải chào mua công khai.
Đồng thời các quy định này cũng bảo vệ quyền lợi của cổ đông sở hữu ít cổ
phần của công ty được yêu cầu bên chào mua công khai khi đã mua được 80% trở
lên số cổ phiếu đang lưu hành của công ty phải mua toàn bộ số cổ phần còn lại:
Ngoại trừ trường hợp việc chào mua đã được thực hiện đối với toàn bộ số cổ phiếu
có quyền biểu quyết đang lưu hành, sau khi thực hiện chào mua công khai, đối
tượng chào mua nắm giữ từ 80% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty
đại chúng phải mua tiếp số cổ phiếu còn lại trong thời hạn ba mươi ngày…. Tổ
chức, cá nhân thực hiện chào mua công khai phải thông báo cho Ủy ban chứng
khoán Nhà nước về việc tiếp tục chào mua công khai trong thời hạn năm ngày làm
việc kể từ ngày kết thúc đợt chào mua công khai, đồng thời công bố thông tin về
việc tiếp tục chào mua theo quy định của Luật Chứng khoán.
Quy định về mua bán doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán ở VIệt Nam
phù hợp với quy định tương ứng ở Mỹ và Anh. Luật của Anh và Mỹ quy định kiểm
soát mua bán doanh nghiệp theo từng mức sở hữu cổ phần: Bước đệm (Toehold) là
việc mua cổ phần của công ty mục tiêu, thường là dưới ngưỡng phải công bố theo
luật định, ví dụ ở Mỹ là 5%, ở Anh là 3%. Khi lượng cổ phiếu mua vượt quá bước
đệm, cổ đông mua phải thông báo công khai trên thị trường và cổ đông của bên bán
về tình trạng sở hữu của mình; và đến khi đó, có thể các biện pháp hạn chế khác
cũng được áp dụng.
Ví dụ, tại Anh, khi một cổ đông nắm giữ hơn 3% lượng cổ phiếu hiện có của
một công ty, cổ đông này sẽ phải công bố thông tin đó trong vòng hai ngày sau khi
107

thực hiện giao dịch; không những thế, tất cả các cuộc mua bán cổ phiếu tiếp theo
của cổ đông này tại công ty cũng phải được công bố. Tác dụng của quy định này là
thông báo cho thị trường biết rằng một công ty mua tiềm năng đang xuất hiện. Khi
lượng cổ phiếu mua vào lớn hơn 10% trong vòng 7 ngày thì có thể được coi là một
lời đề nghị mua lại. Khi con số này lớn hơn 30%, công ty mua phải đề nghị mua lại
toàn bộ số cổ phiếu còn lại của công ty này [6, tr.242].
Thủ tục mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Thủ tục mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Thủ tục mua bán doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước quy định tại Nghị định số 109/2008/NĐ-CP. Các quy
định pháp luật về trình tự, thủ tục mua bán doanh nghiệp tại Nghị định số
109/2008/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc mua bán doanh nghiệp 100%
vốn nhà nước. Trình tự bán doanh nghiệp gồm: Chuẩn bị bán doanh nghiệp; Xây
dựng, phê duyệt phương án bán doanh nghiệp; Xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao
động; Tổ chức bán doanh nghiệp; Phê duyệt kết quả bán; Đăng ký kinh doanh đối
với doanh nghiệp sau khi bán. Quy định trình tự, thủ tục mua bán doanh nghiệp
100% vốn nhà nước rõ ràng, đầy đủ hơn so với quy định về thủ tục mua bán các
doanh nghiệp khác nhằm đảm bảo việc bảo toàn và phát triển vốn tài sản mà Nhà
nước chỉ là người đại diện cho người chủ thực sự là nhân dân.
Các quy định của pháp luật bước đầu tạo lập hành lang pháp lý an toàn, thuận
lợi cho hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được tồn tại và phát triển. Bên
cạnh đó, quy định pháp luật về thủ tục mua bán doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều bất
cập cần phải sửa đổi, đó là những bất cập:
Một là: Quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp tư nhân không nhất
quán, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật
(i) Quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm
hữu hạn tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Điều 36 Nghị định
102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp là
một sự sáng tạo so với Luật Doanh nghiệp (2005). Quy định thừa nhận việc chủ
doanh nghiệp tư nhân chuyển nhượng một phần doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân
khác dẫn đến hệ quả bên nhận chuyển nhượng có thể kiểm soát được công ty trách
nhiệm hữu hạn được chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thực chất là quan hệ mua
bán doanh nghiệp.
108

Luật Doanh nghiệp (2005) chỉ quy định về bán doanh nghiệp tư nhân và
không quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp không có tư
cách pháp nhân) thành các loại công ty (có tư cách pháp nhân). Thể hiện sự sáng
tạo linh hoạt với thực tiễn, hai Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Nghị định
102/2010/NĐ-CP đã ghi nhận việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty
trách nhiệm hữu hạn. Xét về tổng thể trật tự ban hành và hiệu lực thực thi các văn
bản pháp luật tại Việt Nam thì cùng một vấn đề mà luật và văn bản dưới luật điều
chỉnh hoàn toàn khác nhau là không phù hợp, không đảm bảo nguyên tắc pháp chế
xã hội chủ nghĩa.
(ii) Mã số doanh nghiệp tư nhân có được chuyển đổi cho công ty trách nhiệm
hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển đổi khi bán doanh nghiệp tư nhân không
đang là nội dung gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật.
Căn cứ vào bản chất của mua bán doanh nghiệp, khi bán doanh nghiệp của
mình cho một cá nhân khác thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải chuyển quyền sở
hữu doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp tư nhân mới.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật thực định chưa thừa nhận việc chủ doanh
nghiệp tư nhân được quyền chuyển mã số doanh nghiệp tư nhân cho bên mua
doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định
43/2010/NĐ-CP thì mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh
và mã số thuế của doanh nghiệp. Tại điểm 3.3 Mục 3 Phần I Thông tư số
85/2007/TT-BTC ngày 17/8/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Luật
Quản lý thuế về việc đăng ký thuế quy định:
Người nộp thuế chỉ được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong
suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi không còn tồn
tại. Mã số thuế được dùng để kê khai nộp thuế cho tất cả các loại thuế mà
người nộp thuế phải nộp, kể cả trường hợp người nộp thuế kinh doanh
nhiều ngành nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các
địa bàn khác nhau… Riêng mã số thuế đã cấp cho người nộp thuế là chủ
doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh hoặc một cá nhân không thay
đổi trong suốt cuộc đời của cá nhân đó, kể cả trường hợp đã ngừng hoạt
động kinh doanh sau đó kinh doanh trở lại.
109

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với người nộp thuế là doanh nghiệp tư nhân,
cơ quan thuế đang thực hiện cấp một mã số thuế duy nhất để chủ doanh nghiệp tư
nhân kê khai, nộp thuế cho doanh nghiệp tư nhân; đồng thời kê khai, nộp thuế thu
nhập cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với những thu nhập khác không
liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân). Việc này dẫn đến không tách biệt
được nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân của bản thân chủ doanh nghiệp tư nhân với
nghĩa vụ kê khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động thuộc doanh nghiệp
khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Do được cấp một mã số thuế duy nhất nên việc chuyển đổi từ doanh
nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn hay chuyển đổi chủ sở
hữu từ chủ doanh nghiệp tư nhân này sang chủ doanh nghiệp tư nhân
khác (trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân) sẽ không được giữ
nguyên mã số thuế cũ. Điều này gây khó khăn cho quá trình giao dịch
của doanh nghiệp cũng như việc hợp nhất mã số đăng ký kinh doanh với
mã số thuế của doanh nghiệp [38].
Để tháo gỡ các vướng mắc về mã số doanh nghiệp tư nhân khi mua bán doanh
nghiệp tư nhân, Bộ Tài chính đã có Thông tư 18140/BTC-TCT ngày 24/12/2009
hướng dẫn tách riêng mã số thuế cho doanh nghiệp tư nhân và mã số thuế thu nhập
của chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, mã số thuế làm mã số doanh nghiệp tồn tại
trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, kể cả trường hợp mua bán doanh nghiệp
tư nhân và chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn mã số thuế doanh nghiệp tư nhân có nội
dung khác nhau và không ổn định. Vì vậy, quy định nào là hợp lý với thực tiễn mua
bán doanh nghiệp tư nhân cần được quy định trong các văn bản pháp luật có giá trị
pháp lý cao, ít bị thay đổi.
Hai là: Quy định về thủ tục đầu tư trong các văn bản pháp luật đầu tư chưa
khoa học, hợp lý và chồng chéo với quy định đăng ký kinh doanh của Luật Doanh
nghiệp (2005).
Có thể xem xét vụ việc nhà đầu tư nước ngoài đề nghị mua lại toàn bộ phần
vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn Chi Nam và chuyển thành công ty trách
nhiệm hữu hạn Greenstend Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) để làm rõ nhận
định trên:
110

Ngày 28/12/2009, Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã có


công văn số 8375/ SKHĐT-ĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc
chuyển nhượng vốn từ công ty Việt Nam thành công ty 100% vốn
nước ngoài. Theo nội dung công văn số 8375/ SKHĐT- ĐT thì nhà
đầu tư nước ngoài đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố
Hồ Chí Minh về việc mua lại toàn bộ phần vốn góp của công ty Việt
Nam hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng
đăng ký kinh doanh thành phố Hồ Chí Minh cấp. Sở đã có văn bản số
5936/SKHĐT-ĐT ngày 28/9/2009 xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư
về trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ đối với trường hợp công ty trách
nhiệm hữu hạn Greenstead Việt Nam để có cơ sở giải quyết cho
doanh nghiệp và các hồ sơ tương tự.
Tại văn bản số 8287/BKH- ĐTNN ngày 29/10/2009, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư trả lời như sau: Nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp
đang hoạt động tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp
Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Nghị định
108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Đầu tư. Căn cứ vào văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Kế hoạch Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất giải quyết vụ
việc trên như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần vốn góp của công ty Việt Nam
thì phải cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư. Do đó, cơ quan quản lý Nhà
nước về đầu tư sẽ thực hiện thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư.
- Giấy chứng nhận đầu tư sẽ quy định rõ công ty được thành lập trên cơ sở
nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn góp sẽ kế
thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của công ty được mua lại và Giấy chứng
nhận đầu tư sẽ thay thế Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho
công ty được thành lập trên cơ sở nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn
bộ 100% vốn góp, đơn vị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ
thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông báo đến các đơn
111

vị liên quan, cập nhật thông tin, tình trạng và thực hiện các thủ tục
liên quan đến công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh đã được nhà đầu tư nước ngoài mua lại.
Tiếp theo đó, vào ngày 28/1/2010, tại công văn số 577/ BKH- ĐTNN,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến: Căn cứ vào quy định của pháp luật
hiện hành và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số
8287/BKH- ĐTNN ngày 29/10/2009 gửi Quý Sở, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư nhất trí với đề xuất của Quý Sở trong việc giải quyết vấn đề chuyển
nhượng vốn từ công ty Việt Nam thành công ty 100% vốn nước ngoài,
trong đó có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ phần vốn
góp của công ty trách nhiệm hữu hạn Chi Nam và chuyển thành công ty
trách nhiệm hữu hạn Greenstead Việt Nam tại công văn nêu trên.
Đánh giá các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc trên đã phát sinh
một số vướng mắc sau:
(i) Theo quy định của pháp luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh
nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy
chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tuy nhiên,
theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì trường hợp nhà đầu tư nước ngoài
mua lại doanh nghiệp theo hình thức mua lại cổ phần, phần vốn góp của chủ sở hữu
doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu
doanh nghiệp. Cụ thể, khoản 3 Điều 13 Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì quy định: “việc
đăng ký thay đổi thành viên đối với công ty được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực
hiện tạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước về đầu tư. Việc đăng ký
thay đổi thành viên trong trường hợp khác thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP “vênh” với quy định tại khoản 4 Điều 56
Nghị định 108/2006/NĐ-CP, vậy áp dụng cách giải quyết vụ việc trên của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư có được coi là áp dụng đúng quy định của pháp luật chưa?
(ii) Giấy chứng nhận đầu tư có nội dung xác nhận nhà đầu tư sẽ thực hiện dự
án đầu tư cụ thể tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư gắn với thành
lập tổ chức kinh tế thì Giấy chứng nhận đầu tư có thêm nội dung đăng ký kinh
112

doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trên thực tế hiện nay, hầu hết các doanh
nghiệp Việt Nam hoạt động theo thủ tục đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có thể có nhiều Giấy chứng nhận đầu tư
tương ứng với từng dự án. Nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp không nhất thiết phải
mua lại dự án đầu tư, do vậy nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký
kinh doanh chứ không phải thực hiện thủ tục đầu tư.
(iii) Theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào
Việt Nam gắn với thành lập tổ chức kinh tế phải có dự án đầu tư, với những trường
hợp đầu tư không gắn với thành lập tổ chức kinh tế, pháp luật không quy định nhà
đầu tư phải có dự án đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp
theo hình thức mua lại cổ phần, phần vốn góp không cần có dự án đầu tư tại Việt
Nam. Tuy nhiên, theo quy định trên thì nhà đầu tư vẫn phải thực hiện thủ tục đầu tư
để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (không có nội dung đăng ký kinh doanh)
nhưng nếu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì giấy này sẽ xác nhận nội dung gì khi nhà
đầu tư không có dự án đầu tư trên thực tế.
Sở dĩ quy định của pháp luật đầu tư lấn sân quy định pháp luật doanh nghiệp
để thực hiện mục đích quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định trên sẽ không phát huy hiệu quả điều
chỉnh vì quy định đó thiếu tính khoa học và không đảm bảo tính đồng bộ với các quy
định pháp luật khác. Ví dụ: Với các ngành, lĩnh vực Nhà nước mở cửa thị trường cho
nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước không thể quản lý được dòng vốn đầu tư nước ngoài
khi các nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông kể cả cổ
đông sáng lập sau ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua lại công ty cổ phần bằng cách mua lại
cổ phần từ các cổ đông công ty và theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, thủ tục
thay đổi cổ đông chỉ ghi vào sổ đăng ký cổ đông của công ty mà không phải thực hiện
thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, quy định trong “hồ sơ mua lại doanh nghiệp gồm có hợp đồng mua
lại doanh nghiệp”; Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-
113

CP quy định về hồ sơ mua lại doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài, theo đó, hồ
sơ phải có:“Quyết định của Hội đồng thành viên hoặc của chủ sở hữu doanh nghiệp
hoặc của Đại hội cổ đông về việc bán doanh nghiệp” là chưa hợp lý.
Về lý thuyết, chủ sở hữu doanh nghiệp là người có quyền bán doanh nghiệp, vì
vậy, quy định đó sẽ phù hợp đối với trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên quyết định bán công ty.
Đối với trường hợp bán công ty có nhiều chủ sở hữu, cơ quan lập pháp cần
phải xem xét lại về tính hợp lý của quy định tại điểm b khoản 4 Điều 56 Nghị định
của Chính phủ số 108/2006/NĐ-CP. Ngoại trừ một số hạn chế về việc chuyển
nhượng phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyển nhượng
phần vốn góp của thành viên hợp danh, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông công
ty tại các Điều 44, khoản 3 Điều 81, khoản 5 Điều 84, khoản 3 Điều 133 Luật
Doanh nghiệp (2005) thì các cổ đông, thành viên công ty được tự do chuyển
nhượng cổ phần, phần vốn góp mà không cần phải đợi chờ sự chấp thuận của các cơ
quan quản trị công ty như quy định trên. Như vậy, nếu Hội đồng thành viên hoặc
Đại hội đồng cổ đông không họp để quyết định bán doanh nghiệp thì chủ sở hữu
công ty có quyền chuyển nhượng phần vốn góp và bên nhận chuyển nhượng phần
vốn góp có thể trở thành chủ sở hữu mới của doanh nghiệp.
Bất cập khác của điểm b khoản 4 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP thể
hiện: Điều luật trên không quy định rõ hoặc dẫn chiếu quy định pháp luật về tỷ lệ số
phiếu biểu quyết tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ
đông để thông qua việc bán công ty. Tính hợp lý của quy định đó có thể được ghi
nhận trong trường hợp 100% các thành viên, cổ đông công ty đồng thuận quyết định
bán toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của mình. Các thành viên, cổ đông công ty thể
hiện ý chí đồng thuận bán doanh nghiệp bằng việc nhất trí biểu quyết bán công ty và
được ghi vào nội dung các quyết định bán công ty của Hội đồng thành viên, Đại hội
đồng cổ đông công ty. Bước tiếp theo, sau khi các cổ đông, thành viên nhất trí bán
công ty, mỗi một cổ đông, thành viên công ty sẽ ký kết hợp đồng chuyển nhượng
phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần mà họ sở hữu với bên nhận chuyển nhượng.
Nói cách khác, ai là chủ sở hữu cổ phần, phần vốn góp, người đó có quyền bán cổ
phần, phần vốn góp. Trong trường hợp công ty có nhiều cổ đông, các cổ đông có
114

thể ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ
phần mà họ sở hữu. Qua đó có thể thấy quyết định bán doanh nghiệp của Hội đồng
thành viên, Đại hội đồng cổ đông độc lập, không thay thế được hợp đồng chuyển
nhượng phần vốn góp, cổ phần do cổ đông, thành viên trực tiếp ký kết hoặc ủy
quyền cho người đại diện ký kết với bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ
phần. Vì vậy, giả thiết là nếu không có quy định tại điểm b khoản 4 Điều 56 Nghị
định 108/2006/NĐ thì các cổ đông, thành viên vẫn bán được công ty bằng việc các
thành viên, cổ đông hoàn toàn độc lập chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần vốn góp
chi phối cho bên mua lại một phần hoặc toàn bộ công ty.
Vụ việc thực tế sau đây sẽ chứng minh về tên gọi “hợp đồng mua lại doanh
nghiệp” tại khoản 4 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP chưa chính xác trong
trường hợp mua bán công ty thuộc sở hữu của nhiều chủ:
Năm 2007, công ty JINLIH INVESTMENT CROP (Đài Loan) lần đầu
đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua lại cổ phần của các ba nhóm
cổ đông công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng tại xã ninh Vân, huyện Hoa
Lư, tỉnh Ninh Bình. Theo đó, công ty JINLIH INVESTMENT CROP phải
ký kết các hợp đồng chuyển nhượng sau đây:
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký kết ngày 24/8/2007 giữa công ty
JINLIH INVESTMENT CROP và tập thể người lao động công ty cổ
phần xi măng Hệ Dưỡng. Các nhóm người lao động ủy quyền bằng văn
bản cho giám đốc công ty ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với
công ty JINLIH INVESTMENT CROP.
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký kết ngày 7/9/2007 giữa công ty
JINLIH INVESTMENT CROP và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (là
cơ quan được giao quản lý cổ phần của Nhà nước tại công ty cổ phần xi
măng Hệ Dưỡng) do giám đốc công ty là đại diện ký kết hợp đồng.
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần công ty JINLIH INVESTMENT
CROP với cổ đông còn lại của công ty .
Như vậy, để mua lại công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng, nhà đầu tư nước
ngoài đã phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông hoặc đại
diện theo ủy quyền của cổ đông công ty. Thương vụ mua bán công ty cổ phần xi
115

măng Hệ Dưỡng được hoàn tất và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp
luật mà không phải đáp ứng điều kiện trong hồ sơ mua lại doanh nghiệp phải có
“hợp đồng mua lại doanh nghiệp”.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

1. Các hình thức mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm mua bán toàn
bộ doanh nghiệp và mua bán một phần doanh nghiệp thông qua các hình thức cụ thể
như mua bán doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần vốn góp, cổ
phần chi phối. Đặt trong mối liên hệ với lý luận chung về mua bán tài sản và cách
thức hình thành tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp thì khái niệm mua lại doanh
nghiệp tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh (2004) không phù hợp với bản chất
mua bán doanh nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
2. Chủ thể của thương vụ mua bán doanh nghiệp gồm có bên bán và bên mua
doanh nghiệp. Bên bán doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp. Bên mua là các
tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp. Đối tượng được quyền mua doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về
giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong một số ngành nghề, lĩnh vực,
nhà đầu tư nước ngoài không có quyền mua doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt
Nam. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý về chủ thể mua doanh
nghiệp, chưa xác định được đối tượng có quyền mua doanh nghiệp tư nhân, công ty
trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
3. Quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam đơn giản, sơ
sài so với quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở các quốc gia khác.
Mua bán doanh nghiệp là hoạt động có tính chất phức tạp và có những đặc thù
riêng so với các giao dịch mua bán tài sản nên cần phải có những quy định định
hướng về nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Những nội dung hợp đồng
mang tính định hướng sẽ giúp các chủ sở hữu doanh nghiệp của Việt Nam hạn
chế được rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh khi thực hiện các thương vụ mua bán
doanh nghiệp.
4. Các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, pháp luật vể
chứng khoán đã tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện
các thương vụ mua bán doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
116

thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các thương vụ mua bán doanh
nghiệp. Các quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mua
bán chứng khoán của các công ty đại chúng bước đầu đã có những hướng dẫn về
trình tự, thủ tục mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các văn bản pháp
luật trên đã bộc lộ một số tồn tại chưa hợp lý và phù hợp với thị trường mua bán
doanh nghiệp cần phải được sửa đổi hoàn thiện.
117

Chương 3
YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

3.1. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN
DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM
3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải trên cơ sở đổi
mới tư duy quản lý nhà nước và đảm bảo sự công bằng, tiến bộ xã hội
Những đặc điểm của nền kinh tế thị trường Việt Nam đã được nghiên cứu ở
nhiều công trình khoa học [4], tác giả luận án tập trung phân tích những đặc thù của
nền kinh tế thị trường ở Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến mua bán doanh nghiệp,
trên cơ sở đó đề ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Ở mức độ khái quát nhất, có thể nhận thấy nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến
việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp và yêu cầu của việc hoàn thiện
pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam như sau:
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh: cơ chế quản lý trong nền kinh tế thị
trường có bản chất khác với cơ chế quản lý trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập
trung. Nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ là nền kinh tế chỉ huy, quy luật giá trị
hầu như chưa được tính đầy đủ, Nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua hệ thống
các chỉ tiêu kế hoạch. Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo các quy
luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu; do vậy Nhà nước can thiệp bằng
cách thức tạo hành lang pháp lý an toàn cho các nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư,
kinh doanh. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế thị trường tất yếu phải xóa bỏ những tồn
tại của cơ chế kế hoạch hóa tập trung để thị trường hoạt động theo đúng quy luật.
Tuy nhiên, những dấu ấn của cơ chế kế hoạch tập trung vẫn tồn tại ngay trong lòng
nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động mua bán doanh nghiệp. Chẳng
hạn, thái độ của cơ quan công quyền khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về
hoạt động mua bán doanh nghiệp vẫn mang nặng tư duy nhà đầu tư “xin” và cơ
quan công quyền có quyền “cho” hoặc “không cho” nhà đầu tư thực hiện thủ tục
mua bán doanh nghiệp; các cơ quan công quyền “khó” từ bỏ lợi ích được hưởng
trong việc quản lý hoạt động mua bán doanh nghiệp và dẫn đến sự chồng chéo về
118

quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp; các quy định của pháp luật
hiện hành chưa dự liệu, phản ánh được các quy luật cạnh tranh và các quy luật thị
trường khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua bán doanh nghiệp trên thực tiễn;

Đặc điểm này đặt ra yêu cầu khi đề ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp phải được xây dựng trên quan điểm là hình thành một tư duy
pháp lý mới làm cơ sở lý luận cho quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp. Phải nhận thức mua bán doanh nghiệp có những tác động
khác nhau đến nền kinh tế- xã hội. Một mặt, mua bán doanh nghiệp là công cụ tài
chính chiến lược để các doanh nghiệp tăng trưởng, tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị
cộng hưởng đồng thời đạt được lợi thế cạnh tranh quan trọng, bền vững trên thị
trường. Mặt khác, mua bán doanh nghiệp là “cửa ngõ” dẫn đến hạn chế hoặc thủ
tiêu cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, những giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua
bán doanh nghiệp phải được xây dựng trên tư duy pháp lý:
Một là, pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải bảo đảm để thị trường hoạt
động theo các nguyên tắc, các quy luật của kinh tế thị trường như quy luật giá trị,
cạnh tranh, cung cầu. Sự hoàn thiện của cơ chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên
quyết để hình thành thị trường mua bán doanh nghiệp hay nói cách khác mua bán
doanh nghiệp là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, phản ánh quy luật cung cầu và
quy luật cạnh tranh. Quy luật cạnh tranh trong kinh doanh buộc các doanh nghiệp
phải lựa chọn một trong hai con đường “phát triển hay là chết”. Quy luật đó đã thúc
ép các doanh nghiệp phải cạnh tranh để giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh và
mua bán doanh nghiệp là một trong những con đường ngắn nhất đưa doanh nghiệp
nhanh chóng phát triển lợi thế cạnh tranh, mở rộng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, tập
trung vốn để tăng cường sức cạnh tranh trên thương trường. Quy luật cung cầu tác
động khách quan và rất quan trọng đến thị trường. Nếu nhận thức được quy luật
này, chúng ta sẽ tác động có hiệu quả đến hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt
động mua bán doanh nghiệp nói riêng. Từ đó, Nhà nước có thể vận dụng quy luật
cung cầu thông qua các chính sách, các biện pháp kinh tế như giá cả, tín dụng, lợi
nhuận, thuế, thay đổi cơ cấu tiêu dùng… để thúc đẩy hoạt động mua bán doanh
nghiệp phát triển.
119

Đổi mới tư duy khi ghi nhận mua bán doanh nghiệp là QUYỀN tự do kinh
doanh của các nhà đầu tư, tư duy pháp lý mới này phải thay thế căn bản và triệt để
tư duy pháp lý điều chỉnh mang nặng tính mệnh lệnh hành chính theo cách “nhà đầu
tư xin, Nhà nước cho” khi nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến
mua bán doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo Nhà nước không can thiệp vào việc giao
kết các hợp đồng mua bán doanh nghiệp của các nhà đầu tư. Đặc biệt, từ sự đổi mới
tư duy tôn trọng quy luật vận động của kinh tế thị trường sẽ dẫn đến hệ quả hoàn
thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải hướng đến mục đích là giải quyết,
phân định được nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện sứ mệnh
quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Hai là, Nhà nước chỉ kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp khi hoạt
động đó có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường bằng nhiều công cụ
khác nhau. Một trong những công cụ để Nhà nước kiểm soát mua bán doanh nghiệp
có hiệu quả là ban hành pháp luật cạnh tranh và pháp luật chứng khoán. Các quy
phạm pháp luật cạnh tranh và pháp luật chứng khoán được thiết kế phải phản ánh
đúng thực tiễn mua bán doanh nghiệp, Nhà nước hạn chế sự bảo hộ và độc quyền
đối với các doanh nghiệp Nhà nước (ngoại trừ một số lĩnh vực, ngành nghề kinh
doanh liên quan đến an ninh kinh tế và phúc lợi xã hội).
Tuy nhiên, thay đổi tư duy trong cách thức quản lý kinh tế và điều chỉnh pháp
luật là một thách thức lớn đối với các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư nói riêng và cả
xã hội Việt Nam nói chung. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, “cần phải có một quá
trình với những bước đi thích hợp, một mặt phải đổi mới cả hệ tư duy và phong
cách quản lý theo phương pháp mệnh lệnh hành chính trước đây; mặt khác phải tạo
lập những định chế, thiết chế cần thiết có sự vận hành đồng bộ của nền kinh tế thị
trường” [32, tr.151]. Khi chúng ta thay đổi được tư duy quản lý kinh tế và điều
chỉnh pháp luật, chúng ta sẽ thu được kết quả là nền kinh tế thị trường Việt Nam đã
vận hành theo đúng quy luật, tạo sự cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo sự công bằng
trên thị trường nói chung và thị trường mua bán doanh nghiệp nói riêng cho các nhà
đầu tư kinh doanh.
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải hướng tới
bảo vệ giá trị công bằng, tiến bộ xã hội.
120

Các văn kiện Đại hội Đảng và Hiến pháp của Việt Nam đều khẳng định Nhà
nước nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Đây là một nét đặc thù của nền kinh tế thị trường Việt Nam so với các nước
hoạt động theo nền kinh tế thị trường. Cụ thể, Hiến pháp (1992) và Nghị quyết số
51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định:
“Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa” (Điều 15 Hiến pháp 1992, điểm 6 Điều 1 Nghị quyết số
51/2001/QH10). Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định:
Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế
hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý
của Nhà nước. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo
những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn
dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Phát
triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách [35].
Với đặc điểm này, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phải gắn liền, thống nhất
giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội. Vì vậy, khi đề ra những
giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải bảo đảm giải quyết
được nhiệm vụ: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp (theo nghĩa rộng) phải thể hiện
những giá trị tiến bộ, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Mặt trái của mua bán doanh nghiệp là có thể gây biến đổi bất lợi đối với cấu
trúc cạnh tranh của thị trường khi các doanh nghiệp kết hợp với nhau thông qua mua bán
doanh nghiệp để hình thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường và có thể lạm
dụng vị trí đó để hạn chế cạnh tranh. Mua bán doanh nghiệp còn có thể dẫn đến việc
người lao động bị sa thải, thất nghiệp; mua bán doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi
của các thành viên sở hữu ít vốn trong doanh nghiệp… Bản chất của doanh nghiệp là
luôn luôn hướng tới lợi nhuận bằng mọi cách, doanh nghiệp được khuyến khích tăng
trưởng thông qua mua bán doanh nghiệp nhưng khi mua bán doanh nghiệp đe dọa
121

nguyên tắc cạnh tranh của thị trường hoặc ảnh hưởng đến nền kinh tế thì Nhà nước cần
phải điều tiết và cân bằng nền kinh tế thông qua các chính sách kinh tế, các thể chế, các
chính sách pháp luật khác nhau. Ví dụ như Mỹ, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính
toàn cầu, rất nhiều vụ mua lại doanh nghiệp có sự tham gia của một bên là cơ quan
Chính phủ. Với sự nỗ lực của mình, Chính phủ đã đưa ra các gói cứu trợ để tránh sự sụp
đổ của nền kinh tế. Nhiều trường hợp Chính phủ trực tiếp nhận phần lớn sở hữu tại các
công ty này, hay nói đúng hơn đó là một hình thức quốc hữu hóa tạm thời nhằm bảo lãnh
nợ và cơ cấu lại tổ chức của các công ty này [31, tr.66].
Với đặc điểm nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không chỉ thực hiện mục tiêu
phát triển kinh tế thị trường đúng quy luật mà còn phải thực hiện mục tiêu đảm bảo
các vấn đề xã hội, do đó, các quy định pháp luật mua bán doanh nghiệp (theo nghĩa
rộng) phải cụ thể hóa mục tiêu trên. Ví dụ: các quy định của pháp luật lao động phải
ghi nhận mục đích bảo vệ người lao động như hạn chế tối đa việc sa thải người lao
động trong trường hợp mua bán doanh nghiệp, giải quyết các chế độ chính sách
thỏa đáng cho người lao động trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp; quy định
của pháp luật phải phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn trong hoạt động mua bán
doanh nghiệp không có lợi cho xã hội….
Tóm lại: Yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam là phải hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của Nhà nước, đảm
bảo cho sự phát triển của thị trường mua bán doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy
luật của nền kinh tế thị trường đồng thời Nhà nước phải bảo vệ cạnh tranh trên thị
trường và những lợi ích chung khác của cộng đồng xã hội.
3.1.2. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam phải phản
ánh thực tiễn mua bán doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính khả thi, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn
Mua bán doanh nghiệp không hình thành tự phát và ngẫu nhiên mà bắt nguồn
từ những đòi hỏi khách quan của các quan hệ kinh tế trên thị trường và được ghi
nhận trong các quy định pháp luật. Do vậy, việc đề ra các giải pháp hoàn thiện pháp
luật về mua bán doanh nghiệp cần dựa trên những đặc điểm hình thành và phát triển
của nền kinh tế ở Việt Nam. Như vậy mới đảm bảo cho việc điều chỉnh pháp luật về
mua bán doanh nghiệp “không đứng ngoài” các quan hệ mà nó điều chỉnh.
122

Mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 2000, so với
hàng trăm năm tồn tại và phát triển của hoạt động mua bán doanh nghiệp trên thế
giới thì hơn mười năm tuổi của thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam là non
trẻ. Thị trường mua bán doanh nghiệp Việt Nam có một phong cách riêng với
những đặc điểm sau:
Một là, đa số các vụ mua bán doanh nghiệp đều có yếu tố nước ngoài, trong
đó có những trường hợp doanh nghiệp nước ngoài mua lại toàn bộ hoặc cổ phần
chiến lược của doanh nghiệp trong nước như vụ Daiichi Nhật Bản mua lại toàn bộ
công ty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG, Etika International Holdings Limited
(Singapore) đã đồng ý mua lại công ty cổ phần Tân Việt Xuân, công ty sản xuất sữa
tươi và sữa đặc có đường với giá trị tiền mặt là 8,5 triệu USD; Securitas AB (Thụy
Điển) mua 49% cổ phần của công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Long Hải với giá 4,9
triệu USD…[15, tr.18]. Ngược lại, cũng có trường hợp doanh nghiệp trong nước
mua lại doanh nghiệp nước ngoài như Kinh Đô mua kem Wall’s, công ty cổ phần
doanh nghiệp trẻ Đồng Nai (Dona Crop) mua lại công ty Cheerfiled Vina (Thái
Lan)…Sở dĩ yếu tố nước ngoài được hiện diện trong đa phần các thương vụ mua
bán doanh nghiệp vì các lý do sau:
(i) Doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế về kinh nghiệm về mua bán doanh
nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam còn bỡ ngỡ, chưa chủ động trong
hoạt động này;
(ii) Doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính, họ có khả năng thực hiện
các thương mua bán doanh nghiệp có giá trị lớn mà các nhà đầu tư trong nước khó
thực hiện;
(iii) Các thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn gây khó khăn cho nhà đầu tư
nước ngoài thực hiện thành lập mới doanh nghiệp, do vậy, nhà đầu tư nước ngoài
mua lại doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là con đường ngắn nhất để thâm
nhập thị trường, đặc biệt là đối với những ngành nghề đòi hỏi nhà đầu tư phải “xin”
các giấy phép mới được tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tế.
Hai là, thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam manh nha, về quy mô,
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia khác, hình
thức mua bán doanh nghiệp chủ yếu mang tính thân thiện.
123

Theo số liệu báo cáo các thương vụ mua bán doanh nghiệp Việt Nam năm
2011, so với nước láng giềng Trung Quốc thì thị trường M&A (trong đó bao gồm cả
mua bán doanh nghiệp) quá nhỏ bé. Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Trung
Quốc đạt 70 tỷ USD, gấp 20 lần thị trường của Việt Nam trong khi GDP của Trung
Quốc gấp 60 lần của Việt Nam [27].
Về hình thức, mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam mang tính thân thiện nhiều
hơn, đặc điểm này phần nào cho thấy thị trường sáp nhập và mua lại ở nước ta còn
ở giai đoạn manh nha, chưa phát triển. Khung khổ pháp lý chưa phát triển; các điều
kiện về kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm quản lý và độ phức tạp của các doanh nghiệp
Việt Nam ở mức độ thấp nên các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiến hành các
hình thức mua bán doanh nghiệp Việt Nam. Kỹ năng, kinh nghiệm mua bán doanh
nghiệp của các nhà đầu tư Việt Nam khó có thể ở vị trí “đối trọng” với các nhà đầu
tư đến từ các quốc gia có hoạt động mua bán doanh nghiệp phát triển như Mỹ, Anh,
Úc… Vì vậy, giai đoạn đầu, thị trường mua bán doanh nghiệp chủ yếu thể hiện qua
các hình thức nhà đầu tư nước ngoài thỏa thuận mua lại hoặc nhận chuyển nhượng
cổ phần, phần vốn góp của các chủ sở hữu doanh nghiệp Việt Nam hoặc nhận
chuyển nhượng (toàn bộ hoặc phần vốn góp chi phối) của bên Việt Nam trong liên
doanh giữa Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.
Ba là, thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp,
thiếu sự tham gia của ngân hàng, thiết chế tài chính, nghiệp vụ tín dụng, hỗ trợ vốn
trong; mua bán doanh nghiệp chưa được coi là mảng hoạt động nghiệp vụ chính của
ngân hàng.
Một số trang web được thiết lập như www.muabancongty.com của công ty
TigerInvest, www.muabandoanhnghiep.com của IDJ và được coi là “sàn giao dịch”
của thị trường mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, những web này chỉ phù hợp với
việc mua bán các cơ sở sản xuất nhỏ hoặc chuyển nhượng công nghệ và dây
chuyền sản xuất, bán nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất… Trên thực tế, mua
bán doanh nghiệp không diễn ra trên những trang web như vậy. Ngược lại, mua bán
doanh nghiệp được thực hiện qua những tác nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao,
trong những phòng họp kín. Ở các quốc gia khác, các ngân hàng đầu tư hàng đầu là
các tổ chức tư vấn cho các thương vụ mua bán doanh nghiệp như Citi Group, JP
Morgan, Morgan Stanley, Goldman Sachs…
124

Thường hoạt động tư vấn mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam do một công ty
luật, đơn vị kiểm toán và một đơn vị tài chính thực hiện. Các dịch vụ này được cung
cấp bởi các công ty khác nhau nên chi phí tư vấn bị đẩy lên cao. Qua đó có thể
nhận thấy sự thiếu vắng các công ty tư vấn, môi giới chuyên nghiệp về mua bán
doanh nghiệp ở Việt Nam trong vai trò trung gian thiết lập một thị trường giữa bên
bán và bên mua doanh nghiệp. Sự thiếu vắng các công ty tư vấn chuyên nghiệp về
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn
cho các nhà đầu tư Việt Nam, nhất là khi tham gia thương vụ mua bán doanh nghiệp
với các nhà đầu tư nước ngoài dạn dày kinh nghiệm về mua bán doanh nghiệp.
Bốn là, trong thời gian tới, thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được
nhận định sẽ phát triển cả về số lượng và quy mô, tính chất phức tạp.
Tình hình mua bán doanh nghiệp trong thời gian sắp tới ở Việt Nam được các
chuyên gia đánh giá là sẽ sôi động và phức tạp hơn. Số liệu về các thương vụ M&A
nói chung và mua bán doanh nghiệp nói riêng cho thấy các thương vụ mua bán
doanh nghiệp theo chiều ngang chủ yếu do các tập đoàn nước ngoài tham gia thị
trường Việt Nam theo các mảng kinh doanh cốt lõi của họ. Đây là một chiến lược
mới thâm nhập thị trường Việt Nam thay cho hình thức đầu tư thành lập doanh
nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài hoặc thành
lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài như giai đoạn trước đây. Tuy nhiên,
trên thị trường đã xuất hiện các thương vụ mua bán doanh nghiệp theo chiều dọc,
chủ yếu là giữa các doanh nghiệp trong nước với các mục đích chính là kiểm soát
nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của
doanh nghiệp mục tiêu hoặc mua lại doanh nghiệp dạng hỗn hợp để mở rộng, đa
dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ: Thiên Minh Travel (công ty chuyên về quản
lý lữ hành và cung cấp các dịch vụ tại Việt Nam) đã mua lại toàn bộ chuỗi khách
sạn Victoria Hotels and Resorts với giá 45 triệu USD. Thiên Minh sẽ cung cấp gói
dịch vụ tổng thể cho khách hàng từ dịch vụ lữ hành, ăn ở, đi lại và cách dịch vụ cao
cấp của Victoria hiện đang cung cấp [25], [26].
Có nhiều lý do để đưa ra đánh giá về tình hình phát triển của thị trường mua
bán doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có những lý do từ chính sách của Nhà
nước Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp
125

100% vốn nhà nước, chủ trương cắt giảm đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp
100% vốn nhà nước sẽ tăng số lượng “hàng hóa” được mua bán trên thị trường mua
bán doanh nghiệp. Bắt nguồn từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về sắp
xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các tổng công
ty nhà nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam đã coi mua bán doanh
nghiệp là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ chủ
trương cắt giảm đầu tư ngoài ngành của các Tổng công ty và tập đoàn Nhà nước. Vì
vậy, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua lại doanh nghiệp của các tập đoàn, Tổng công ty
khi các tập đoàn, Tổng công ty cắt giảm đầu tư ngoài ngành bằng cách bán lại các
doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, Tổng công ty.
Lý do thứ hai là, song song với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh
nghiệp nhà nước, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020 của Đảng ta cũng
chỉ rõ: “hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân theo quy
hoạch và quy định của pháp luật, thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân,
thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và tăng
cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước”. Định hướng phát triển kinh tế
tư nhân của Đảng đã phản ánh sự phát triển khách quan của khu vực kinh tế tư
nhân. Hơn 10 năm kể từ khi có Luật Doanh nghiệp (1999), số lượng doanh nghiệp
thuộc thành phần kinh tế tư nhân gia tăng một cách nhanh chóng. Nhiều doanh
nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đã có sự phát triển vượt bậc và hình thành
các tập đoàn kinh tế tư nhân. Những năm gần đây, nhiều tập đoàn tư nhân trong
nước đã mua lại các doanh nghiệp. Trong tương lai, việc mua lại doanh nghiệp từ
các tập đoàn này được dự báo sẽ phát triển và đây là một xu hướng mới, tích cực
cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường mua bán doanh nghiệp
nói riêng. Ví dụ: Ông Lê Quốc Hùng, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Lê
Quốc mua lại nhà máy chế biến cà chua cô đặc xuất khẩu Hải Phòng với giá 40 tỷ
đồng [40] hoặc vụ công ty cổ phần tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản
Việt Nam mua công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ thương mại
và đầu tư Tương Lai của Vingroup: Vingroup chuyển nhượng toàn bộ phần vốn
góp của mình tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ thương mại
và đầu tư Tương Lai cho công ty cổ phần tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động
126

sản Việt Nam (VIPD) với tổng giá trị trên 9.823 tỷ đồng, tương đương khoảng 470
triệu USD [23].
Một số lý do khác để thị trường mua bán doanh nghiệp sẽ phát triển là từ
chính nhu cầu của các nhà đầu tư đã định hướng rõ việc mua bán doanh nghiệp tại
Việt Nam trong những năm tới, ví dụ: Các tập đoàn của Thái Lan, Philippines,
Singapore và Malaysia đã thực hiện mua lại doanh nghiệp của Việt Nam với tổng
giá trị là 89,4 tỷ USD, chiếm 4% tổng giá trị M&A toàn cầu và 20% của Châu Á và
các tập đoàn của khối nước ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mua lại các doanh
nghiệp Việt Nam trong những năm tới [26, tr.19].
Bên cạnh xu hướng phát triển mua bán doanh nghiệp trong những năm tới thì
tính chất các thương vụ mua bán doanh nghiệp trên thực tế ngày càng trở nên phức
tạp. Các thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi
hợp pháp của nhóm thành viên, cổ đông ít vốn trong công ty khi ban lãnh đạo, điều
hành của công ty lợi dụng việc thực hiện các thương vụ mua bán doanh nghiệp để
trục lợi cho các thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nguy cơ trục lợi trong doanh
nghiệp càng dễ xảy ra và diễn ra phổ biến ở các nước mà quy định pháp lý thiếu
tính minh bạch, công khai như ở Việt Nam. Một vấn đề khác đã xuất hiện trên thị
trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, đó là những câu chuyện kỳ lạ về các
thương vụ mua bán doanh nghiệp với giá 1 USD và ẩn chứa âm mưu lừa đảo các cổ
đông, người lao động đằng sau thương vụ đó. Có thể kể đến thương vụ công ty cổ
phần tư vấn và đầu tư Trường Sa mua lại 14 công ty ở Hải Phòng với giá 1 USD
nhưng bên mua không xây dựng phương án kinh doanh mới, không quan tâm đến
người lao động và không đề cập đến nghĩa vụ trả nợ [2]. Những vụ việc tương tự
như vậy có thể tiếp tục xảy ra làm thiệt hại, thậm chí dẫn đến hệ quả là các nhà đầu
tư sẽ bị mất khối tài sản được tạo lập từ sự khó khăn, gian khó, thấm đẫm công sức,
tâm huyết của họ. Đồng thời những vụ việc mua bán doanh nghiệp như vụ việc trên
sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, quyền lợi của người lao động.
Từ thực tế đó, đòi hỏi các chính sách, giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua
bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính tính khả thi. Tính khả thi của hệ thống pháp
luật nói chung và pháp luật về mua bán doanh nghiệp nói riêng phải phản ánh, phù
hợp với tình hình phát triển mua bán doanh nghiệp trên thực tế. Như vậy, pháp luật
127

về mua bán doanh nghiệp mới có tính khả thi và đi vào cuộc sống. Tính khả thi
trong việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp thể hiện qua yêu cầu:
Pháp luật mua bán doanh nghiệp phải bảo đảm khung khổ pháp lý cho các chủ thể
tiến hành các hoạt động mua bán doanh nghiệp vừa phù hợp với thực tiễn, vừa định
liệu trước các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động mua bán
doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể:
(i) Mua bán doanh nghiệp chủ yếu diễn ra thông qua việc chuyển nhượng cổ phần,
vì vậy Nhà nước phải kiến thiết quy phạm pháp luật chứng khoán để tạo ra các kênh huy
động vốn hữu hiện từ các nhà đầu tư vào thị trường mua bán doanh nghiệp.
(ii) Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp
Nhà nước để tạo thêm hàng hóa “doanh nghiệp” trên thị trường mua bán doanh
nghiệp; hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến tài chính, ngân hàng, các
định chế tài chính hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trên thị trường mua bán
doanh nghiệp trong tương quan so sánh với quốc gia trong khu vực châu Á và khu
vực ASEAN.
(iii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh để hạn chế những tác động tiêu
cực của mua bán doanh nghiệp đến cấu trúc cạnh tranh trên thị trường. Hoàn thiện
pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, pháp luật chứng khoán, pháp luật lao
động… nhằm phòng ngừa hạn chế những rủi ro trong hoạt động mua bán doanh
nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông ít vốn, người lao động và
các bên có liên quan với bên mua, bên bán doanh nghiệp.
(iv) Cần có các chính sách, quy định định hướng cho các nhà đầu tư Việt Nam
nhận thức rõ, đầy đủ, chính xác về mua bán doanh nghiệp nhằm tạo thế cân bằng về
trình độ, kinh nghiệm giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trên “sân
chơi” mua bán doanh nghiệp.
3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính
minh bạch, thống nhất
Thực trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp như đã phân tích tại chương
hai luận án sẽ tác động đến việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Theo đó, những quy phạm pháp luật điều chỉnh phù hợp với hiện tượng mua bán
doanh nghiệp vẫn được kế thừa, những quy phạm pháp luật đang bộc lộ những tồn
128

tại cần phải sửa đổi. Đồng thời, dự liệu và bổ sung các quy phạm pháp luật mới để
điều chỉnh hoạt động mua bán theo kịp với thực tiễn mua bán doanh nghiệp là một
nhiệm vụ quan trọng đối với cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp trong mỗi một giai đoạn, trong từng thời điểm đều phải quán
triệt và đáp ứng yêu cầu đảm bảo tính minh bạch, thống nhất.
Thứ nhất, tính minh bạch của pháp luật về mua bán doanh nghiệp đòi hỏi việc
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải theo một trình tự rõ ràng, tạo cơ hội
cho tất cả các thương nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được tham
gia đóng góp ý kiến. Các văn bản pháp luật chỉ được công bố công khai, rộng rãi
trước khi văn bản đó có hiệu lực thi hành. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về mua
bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính minh bạch cũng chính là yêu cầu thực thi các
cam kết quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Theo các quy
định này, tính minh bạch được xem xét bao gồm minh bạch về chính sách và minh
bạch về tiếp cận thị trường. Minh bạch về chính sách yêu cầu mọi quy định có liên
quan đến thương mại của một thành viên phải được công bố công khai, dễ tiếp cận,
phù hợp với luật lệ của WTO và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ thực thi đầy đủ Điều X của Hiệp
định GATT 1994, Điều III của Hiệp định GATS và các yêu cầu minh bạch hóa của
WTO, kể cả các yêu cầu về thông báo, bình luận trước và công khai. Trên thực tế,
Việt Nam đã cam kết việc ban hành các văn bản pháp luật thương mại (trong đó có
pháp luật về mua bán doanh nghiệp) theo quy định tại Luật ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật. Nội dung các văn bản pháp luật được đăng công khai trên xuất
bản phẩm hay trang thông tin điện tử (website) chính thức, dùng để công bố trước
khi văn bản có hiệu lực. Các trang điện tử (website) hoặc xuất bản phẩm này sẽ
được cập nhật thường xuyên, được thông báo cho WTO và cho phép các thành viên
WTO, các cá nhân, hiệp hội và doanh nghiệp có thể tiếp cận. Theo đánh giá của
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tính minh bạch của văn bản quy
phạm pháp luật năm 2012 đã giảm điểm so với điều tra tương tự năm 2011. Việc
tiếp cận và áp dụng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam như phân tích
tại chương hai luận án ít nhiều vẫn đang vi phạm yêu cầu về minh bạch hóa thông
tin, đó là một trở ngại rất lớn khi Việt Nam tham gia hội nhập mua bán doanh
129

nghiệp trên thị trường mua bán doanh nghiệp ở phạm vi toàn cầu. Đây là điều đáng
lo ngại vì “minh bạch nói riêng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật về kinh
doanh nói chung có ý nghĩa quan trọng trong hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như
tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và triển vọng phát triển kinh tế” [21, tr.55].
Tóm lại: Tính minh bạch đối với việc hoàn thiện pháp luật thể hiện trong quy
trình, trình tự ban hành pháp luật phải bảo vệ tính minh bạch, giảm thiểu hiện tượng
bất cân xứng về mặt thông tin giữa các nhà đầu tư khi tiếp cận chính sách, pháp luật
liên quan đến mua bán doanh nghiệp. Nếu minh bạch khi công bố thông tin liên
quan đến mua bán doanh nghiệp là một điều kiện cần thì minh bạch trong thực thi
pháp luật về mua bán doanh nghiệp là một điều kiện đủ để thúc đẩy sự phát triển
của thị trường mua bán doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi cần phải ban hành những quy
phạm pháp luật xử lý đối với những tổ chức, cá nhân khi vi phạm nghĩa vụ cung
cấp thông tin, không tuân thủ nguyên tắc minh bạch trong quá trình ban hành và
thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về mua bán doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, tính thống nhất trong việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp theo nghĩa hẹp thể hiện giữa các quy phạm pháp luật và trong mỗi chế định
pháp luật về mua bán doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,
Luật Cạnh tranh không mâu thuẫn, không trùng lặp, không chồng chéo. Mặt khác,
mua bán doanh nghiệp hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các quy định pháp luật có liên
quan đến mua bán doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật dân sự,
đất đai, lao động, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ. Các quy phạm pháp luật trong
các văn bản pháp luật nêu trên do nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành
phải có nội dung tương thích không mâu thuẫn, không chồng chéo về những nguyên
tắc chung điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh khi mua bán doanh nghiệp.
Thực trạng pháp luật Việt Nam về mua bán doanh nghiệp đang tồn tại các quy
định chồng chéo, ví dụ như quy định về nội dung Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời
là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã đưa đến hệ quả cơ quan quản lý nhà đầu
tư đã “lấn sân” cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc có quyền thừa nhận sự ra đời
của một doanh nghiệp trên thực tế. Hiện tại ở Việt nam chưa có khung pháp lý
thống nhất về mua bán doanh nghiệp. Một trở ngại khác về cách áp dụng pháp luật
của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đối với quy định: Theo cam kết
130

mở cửa thị trường của Việt Nam tại các điều ước quốc tế đa phương (cam kết gia
nhập WTO) và điều ước quốc tế song phương (ví dụ như Hiệp định Thương mại
Việt Nam- Hoa Kỳ) thì nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế mua cổ phần của các
doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực ngành nghề nhưng nhiều cơ quan nhà
nước hiểu và vận dụng quy dịnh đó khác nhau. Chẳng hạn, một số cơ quan đăng ký
kinh doanh cho rằng, những ngành nghề không được quy định trong Biểu dịch vụ
của cam kết WTO thì không được phép chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước
ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài không thể mua lại
doanh nghiệp trong những ngành nghề đó thông qua việc mua hoặc nhận chuyển
nhượng cổ phần của doanh nghiệp/ chủ sở hữu doanh nghiệp.
Các quy định về mua bán doanh nghiệp nằm rải rác trong các văn bản pháp
luật khác nhau và tồn tại nhiều bất cập như đã phân tích ở chương hai luận án. Một
số điểm bất cập cơ bản nhất trên thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nói
chung (M&A) và mua bán doanh nghiệp nói riêng ở Việt Nam được các chuyên gia
nước ngoài của công ty Pricewaterhouse Coopers đánh giá như sau:
Các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kỹ năng về mua bán doanh nghiệp. Các
doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với quy trình thẩm định, thông tin tài
chính chưa minh bạch. Việc định giá lúng túng. Khung pháp lý về mua
bán doanh nghiệp nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Hệ thống pháp luật, hoạt động tư vấn, thiết kế tài chính vẫn chưa theo kịp
đòi hỏi của mua bán doanh nghiệp…thiếu tính rõ ràng trong luật sở hữu,
bao gồm việc đưa ra các mức độ về quyền sở hữu cho nhà đầu tư nước
ngoài theo cam kết của WTO; có những văn kiện mới chính thức về
nguồn vốn/cơ cấu doanh nghiệp được pháp luật cho phép nhưng cơ quan
có thẩm quyền có thể chưa quen với việc áp dụng; thiếu các thông tin có
sẵn trên phương tiện thông tin đại chúng; các vấn đề xung quanh việc
sửa đổi giấy phép, các yêu cầu hành chính khác làm chậm tiến trình hoàn
tất các giao dịch [11].
Tóm lại: Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật về mua bán doanh nghiệp
cần phải áp dụng nguyên lý giữa mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành
trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật, hạn chế xung đột luật. Hoàn thiện pháp
131

luật về mua bán doanh nghiệp dựa trên định hướng đảm bảo sự thống nhất của pháp
luật có ý nghĩa pháp lý quan trọng nhằm tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư về
chính sách, pháp luật của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi
pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
3.1.4. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam phải
đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (1991) đã
khẳn định chủ trương hội nhập hội quốc tế của đất nước ta là “đa phương hóa, đa
dạng hóa quan hệ quốc tế”. Nghị quyết Đại hội Đảng VIII (1996) đã quyết định
“đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, củng cố môi trường hòa
bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã
hội, công nghiệp hóa đất nước”. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “phát
triển kinh tế thị trường, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế khu vực như gia nhập Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, là thành viên của Diễn đàn kinh tế
Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, ký kết Hiệp định Thương mại Việt
Nam- Hoa Kỳ năm 1999, trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) năm 2006. Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới và khu vực là một xu
thế tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế. Nền tảng pháp lý để Việt Nam hội
nhập kinh tế- quốc tế là việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng
đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ tham
gia các quan hệ thương mại nói chung và mua bán doanh nghiệp nói riêng với các
nhà đầu tư các nước trên nền tảng pháp luật. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật mua bán
doanh nghiệp phải đảm bảo sự hài hòa với thông lệ, quy định pháp luật của các
quốc gia về mua bán doanh nghiệp; hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam
tham gia.
Nội dung quan trọng trong các thỏa thuận gia nhập WTO của Việt Nam là cam
kết tuân thủ các nguyên tắc của GATS và các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ
cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài theo bốn phương thức:
- Phương thức 1: cung cấp qua biên giới,là phương thức theo đó dịch vụ được
132

cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của thành viên khác;
- Phương thức 2: tiêu dùng ngoài lãnh thổ, là phương thức theo đó người tiêu
dùng của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để tiêu
dùng dịch vụ;
- Phương thức 3: hiện diện thương mại, là phương thức theo đó nhà cung cấp
dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như doanh nghiệp
100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, chi nhánh… trên lãnh thổ của một
thành viên khác để cung cấp dịch vụ;
- Phương thức 4: hiện diện thể nhân, là phương thức thể nhân cung cấp dịch
vụ của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp
dịch vụ.
Trong các phương thức đó, khi chúng ta cam kết mở cửa thị trường dịch vụ
theo phương thức 3 đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mở cửa thị trường mua bán
doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể: Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã
ghi nhận các cam kết mở cửa thị trường, cam kết đối xử quốc gia, cam kết đối xử tối
huệ quốc. Chính phủ Việt Nam cam kết mở cửa thị trường nhưng trong mỗi ngành,
phân ngành dịch vụ, Việt Nam đều giữa quyền áp đặt một số điều kiện mở cửa thị
trường nhất định cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong cam kết nền (Báo cáo của ban
công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam và phần cam kết chung tại Biểu cam
kết cụ thể về dịch vụ), Việt Nam đã cam kết về việc nhà đầu tư nước ngoài được
tham gia góp vốn dưới hình thức mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam. Qua
hình thức mua cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam. Ví dụ: Từ ngày 1/1/2009, Việt Nam phải cho phép nhà đầu tư
nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để
cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường. Như vậy, từ thời điểm này, các nhà đầu tư
nước ngoài được quyền mua 100% cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam cung
cấp dịch vụ này
Pháp luật về mua bán doanh nghiệp của Việt Nam phần nào đã đáp ứng yêu
cầu của quá trình hội nhập kinh tế thế giới trong việc cam kết mở cửa dịch vụ khi
gia nhập WTO: mở rộng thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các
hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đồng thời tạo cơ hội để nhà đầu tư Việt
133

Nam thâm nhập vào thị trường các quốc gia khác. Tuy nhiên, một số quy định pháp
luật của Việt Nam vẫn chưa tương đồng với pháp luật các nước khi điều chỉnh về
hoạt động mua bán doanh nghiệp, ví dụ như quy định về tiêu chí kiểm soát mua bán
doanh nghiệp (với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế); phê duyệt các thương
vụ mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam khá phức tạp, ở các nước, phê duyệt của cơ
quan chức năng chủ yếu về vấn đề chống độc quyền hoặc nhằm bảo vệ một số
ngành. Trong khi đó, ở Việt Nam, để thực hiện các thương vụ đó, các bên mua và
bán doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý do nhiều cơ quan Nhà nước
khác nhau chấp thuận tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh
nghiệp được mua lại. Một số tồn tại trong các quy định pháp luật thực định cần
được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng:
(i) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có các hoạt động nghiên cứu pháp
luật các quốc gia khác về mua bán doanh nghiệp để học tập những kinh nghiệm
trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp phù hợp
với thực tiễn mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Mặt khác, thường xuyên hệ thống
hóa pháp luật để tránh tình trạng luật đã có hiệu lực trên thực tế nhưng chưa có quy
định hướng dẫn cụ thể, bổ sung, hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt
động mua bán doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tương
thích với quy định tương ứng của các quốc gia khác.
(ii) Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cần nội
luật hóa các cam kết về mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài mua bán
doanh nghiệp ở Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận gia nhập WTO. Hoàn thiện
pháp luật mua bán doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp với pháp luật quốc
tế sẽ thu hút và thúc đẩy hoạt động mua bán doanh nghiệp ngày một phát triển hơn,
thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.

3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN
DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM
Trong tương quan với các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường mua bán
doanh nghiệp thì các nhà đầu tư Việt Nam thiếu kinh nghiệm, trình độ để thực hiện
thành công thương vụ mua bán doanh nghiệp so với các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ
thống pháp luật về mua bán doanh nghiệp của Việt Nam đang trong quá trình xây
134

dựng và hoàn thiện. Các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quản lý về mua bán
doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Các định chế tư nhân tham gia vào thị trường mua bán doanh nghiệp chưa chuyên
nghiệp. Do vậy, các giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải
giải quyết được cơ bản các tồn tại trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện hoạt
động mua bán doanh nghiệp. Một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp là những giải pháp trước mắt để định hướng cho các nhà đầu
tư, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan hạn chế đến mức
thấp nhất các rủi ro, thiệt hại cho nhà đầu tư và nền kinh tế xã hội. Một số giải pháp
chung nhằm hoàn thiện pháp luật mua bán doanh nghiệp là những giải pháp mang
tính chất lâu dài để điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp khi đã phát triển
tương thích với hoạt động mua bán doanh nghiệp tại các quốc gia khác, xây dựng và
phát triển thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động hiệu quả phù hợp
với quy luật của nền kinh tế thị trường. Từ thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi
pháp luật mua bán doanh nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, căn cứ vào các định
hướng hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp, các giải pháp cơ bản hoàn
thiện pháp luật mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam bao gồm:
3.2.1. Nhóm giải pháp chung
Hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động mua
bán doanh nghiệp: phân công trách nhiệm và sự phối hợp trong hoạt động quản
lý mua bán doanh nghiệp của các cơ quan hữu quan.
Thị trường mua bán doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi khung
khổ pháp lý được xây dựng đồng bộ; có sự giám sát, điều tiết hoạt động mua bán
doanh nghiệp và phối hợp của cơ quan có thẩm quyền về quản lý nhà nước đối với
hoạt động mua bán doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước trên các khía cạnh
liên quan đến mua bán doanh nghiệp gồm có: Hệ thống cơ quan đăng ký kinh
doanh; Cục đăng ký sở hữu trí tuệ, Cục đăng ký sở hữu công nghiệp đối với các
doanh nghiệp có liên quan; Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương; Ủy ban
chứng khoán nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Tổng cục thuế; Các cơ quan quản lý nhà
nước về lao động, môi trường, đất đai; Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan như ngân hàng,
135

bảo hiểm, kiểm toán, viễn thông… Các cơ quan này phải có sự phối hợp với cơ
quan quản lý cạnh tranh về kiểm soát tập trung kinh tế nói chung và kiểm soát mua
bán doanh nghiệp nói riêng. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan đăng ký
kinh doanh hoặc một số cơ quan quản lý chuyên ngành vì:
Các cơ quan đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan quản
lý ngành chưa đủ thông tin để xác định thị trường liên quan, xác định thị
phần của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế bởi vì việc xác
định những nội dung trên đòi hỏi năng lực thu thập, xử lý thông tin mang
tính chuyên ngành sâu về cạnh tranh. Cách xác định thị trường và thị
phần liên quan theo quy định của Luật cạnh tranh có thể sẽ khác biệt với
cách xác định thị phần như cách hiện nay các cơ quan điều tiết ngành
đang thực hiện [9, tr.52].
Do vậy, hiện nay, chưa có cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan
có thẩm quyền quản lý Nhà nước về mua bán doanh nghiệp dẫn đến việc nắm bắt các
thông tin về tập trung kinh tế khó khăn và số liệu thu thập được chưa đầy đủ. Nhiều
thương vụ mua bán với đối tượng là các công ty niêm yết được thực hiện thông qua Sở
Giao dịch chứng khoán tập trung hoặc giao dịch thỏa thuận và những giao dịch này
không được thống kê tại các cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong tương lai gần, Nhà
nước phải có cơ chế phối hợp hoạt động của các cơ quan này để các cơ quan đó thực
hiện hoạt động giám sát, điều tiết quản lý nhà nước về mua bán doanh nghiệp một
cách chuyên nghiệp, thủ tục nhanh, thuận lợi cho các bên mua bán doanh nghiệp đồng
thời bảo vệ cạnh tranh trên thị trường và lợi ích chung của nền kinh tế - xã hội.
Nhà nước phải tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các định
chế tài chính, tư vấn, các cơ quan truyền thông, tổ chức tư vấn chuyên nghiệp
thực hiện vai trò tư vấn, trung gian kết nối và giúp đõ các bên mua bán doanh
nghiệp thực hiện thành công các thương vụ mua bán doanh nghiệp
Để có thể thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp, Nhà nước cần có các
quy hoạch về chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý có cho các định chế tài
chính (ngân hàng đầu tư, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo
hiểm, tái bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản
lý quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư quốc gia, công ty quản lý và đầu tư
vốn nhà nước); các định chế tư vấn (công ty định giá, công ty tư vấn kiểm toán, tư
136

vấn quản lý, tư vấn luật, công ty nghiên cứu và điều tra thị trường) và các tổ chức
cung cấp thông tin về hoạt động mua bán doanh nghiệp (các tạp chí, chuyên san
thông tin về mua bán doanh nghiệp, các hiệp hội, câu lạc bộ) đóng vai trò trung gian
trong quá trình mua bán doanh nghiệp.
Mua bán doanh nghiệp thiên về tài chính do đó đòi hỏi tính chuyên nghiệp về
nghiệp vụ tài chính rất cao. Ở các nước phát triển, các ngân hàng đầu tư hàng đầu
thường là các tổ chức trung gian đi đầu trong việc dàn xếp các vụ sáp nhập và mua
lại [31, tr.61]. Họ thường tư vấn về các khía cạnh kinh tế, pháp lý để giúp các bên
mua bán doanh nghiệp thực hiện các thương vụ mua bán doanh nghiệp có hiệu quả
và đúng luật. Ở Việt Nam vai trò của các tổ chức tư vấn về mua bán doanh nghiệp
chưa được chú trọng nên các thương vụ mua doanh nghiệp. Một số công ty chứng
khoán, kiểm toán tham gia làm trung gian, môi giới cho các bên mua bán doanh
nghiệp nhưng do những hạn chế về nhân sự, tính chuyên nghiệp, cơ sở dữ liệu
thông tin… nên các tổ chức này chưa trở thành chủ thể trung gian giúp các bên mua
bán doanh nghiệp gặp nhau.
Để các thương vụ mua bán doanh nghiệp thành công, cần phải thành lập,
khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn về mua bán doanh nghiệp chuyên
nghiệp, có trình độ chuyên môn về kinh tế, pháp lý, tài chính. Giai đoạn tới, cơ quan
quản lý cạnh tranh nên thành lập các bộ phận tư vấn cho doanh nghiệp tham gia tập
trung kinh tế vì những lý do sau:
(i) Giúp các bên nhận định họ có thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục
thông báo tập trung kinh tế hoặc thuộc trường hợp bị cấm không; phân tích các tác
động gây hạn chế cạnh tranh có thể xảy ra trên thị trường nếu vụ tập trung kinh tế
đó được thực hiện trên thực tế.
(ii) Giúp các bên hạn chế được phải áp dụng các chế tài xử lý khi không thực hiện
nghĩa vụ thông báo (đối với trường hợp phải thông báo tập trung kinh tế) hoặc thực
hiện tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm tập trung kinh tế (vụ đó cũng không
được hưởng miễn trừ). Mức phạt với các vi phạm về tập trung kinh tế rất cao có thể lên
đến 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện tập trung kinh tế.
Trong tương lai, hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ càng ngày càng phức
tạp hơn, bản thân ban lãnh đạo của doanh nghiệp tham gia mua bán cũng chưa nắm
được hệ quả pháp lý xảy ra trong và sau quá trình mua bán doanh nghiệp. Vì vậy, để
137

tránh được những tổn thất về tài chính nếu các bên “vô tình” vi phạm pháp luật cạnh
tranh hoặc giải quyết hậu quả pháp lý do hợp đồng mua bán doanh nghiệp vô hiệu thì
các bên nên tư vấn cơ quan quản lý cạnh tranh, các cơ quan tư vấn pháp lý…
Xây dựng khung pháp lý cho cơ chế cung cấp và kiểm soát thông tin về mua
bán doanh nghiệp thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc
gia về mua bán doanh nghiệp
Ở Việt Nam, hiện nay nhiều cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với
hoạt động mua bán doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có một số liệu chính thức, thống
nhất về các thương vụ mua bán doanh nghiệp trên thực tế. Một số công ty có hoạt
động thu tập dữ liệu về mua bán doanh nghiệp nhưng các dữ liệu này chỉ mang tính
tham khảo, chưa đươc thừa nhận chính thống của Nhà nước. Vì vậy, song song với
việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, việc xây
dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mua bán doanh nghiệp nhằm phục vụ
hoạt động tư vấn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả thực thi pháp luật
về mua bán doanh nghiệp. Ví dụ: khi cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ
thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp do thực hiện tập trung kinh tế thì cơ
quan đăng ký kinh doanh có thể tra cứu các dữ liệu về thị phần của doanh nghiệp đó
trên thị trường.
Tóm lại: Kiến thiết khung pháp lý nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về
mua bán doanh nghiệp sẽ tạo cơ sở pháp lý để cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan
quản lý chuyên ngành có thể quản lý, kiểm soát được các chủ thể mua bán doanh
nghiệp đã thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh chưa trước khi quyết định
cho phép thay đổi đăng ký kinh doanh, thực hiện mua bán doanh nghiệp trong các
lĩnh vực chuyên ngành.
Hoàn thiện pháp luật về kế toán, kiểm toán doanh nghiệp nhằm minh bạch,
công khai về doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường liên quan
Trên thực tế, ở Việt Nam, khi lấy số liệu doanh thu để tính thị phần của doanh
nghiệp, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp thường lấy số liệu về
doanh thu của doanh nghiệp tại Tổng cục thống kê. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục
Thống kê có thể chưa phản ánh chính xác về doanh thu của doanh nghiệp trên thị
trường vì doanh nghiệp thường có hai hệ thống sổ sách kế toán; việc kiểm toán đối
với các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước không được chú trọng; mặt
138

khác, cách xác định thị trường liên quan của cơ quan thống kê và cơ quan quản lý
cạnh tranh có thể dựa trên những tiêu chí khác nhau. Vì vậy, những số liệu mà
doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền có thể khác biệt so với thực
trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực trạng đó, các doanh nghiệp tham gia mua bán gặp khó khăn
khi xác định thị phần của doanh nghiệp mình. Mặt khác, chế tài phạt đối với hành vi
không thông báo của doanh nghiệp với cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi mua
bán rất cao. Vì hai lý do đó, doanh nghiệp sẽ phải mua số liệu về doanh thu, thị
phần của mình tại Tổng cục Thống kê. Trường hợp không tiếp cận được thông tin
về doanh thu của mình tại cơ quan thống kê thì doanh nghiệp chọn cách thông báo
về việc mua bán doanh nghiệp tại cơ quan quản lý cạnh tranh để cơ quan quản lý
cạnh tranh phải xác định thị phần, doanh thu cho doanh nghiệp. Sau đó, cơ quan
quản lý cạnh tranh trả lời: doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thông báo về
việc mua bán doanh nghiệp hoặc thuộc trường hợp được mua bán hoặc thuộc trường
hợp bị cấm mua bán. Thực tế đó khiến cơ quan quản lý cạnh tranh phải xác định thị
phần của cả các doanh nghiệp tham gia mua bán chưa đến ngưỡng phải kiểm soát
và có thể dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý cạnh tranh quá tải trong việc kiểm soát
mua bán doanh nghiệp. Do vậy, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán
doanh nghiệp, minh bạch về tài chính của doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động
kiểm toán doanh nghiệp sẽ là điều kiện, tiền đề không thể thiếu trong việc xác định
rõ ràng, cụ thể, chính xác về doanh thu của từng doanh nghiệp. Đây là giải pháp để
kiểm soát hiệu quả hoạt động mua bán doanh nghiệp có thể gây hậu quả gây hạn
chế cạnh tranh trên thị trường và giảm thiểu tình trạng quá tải cho cơ quan quản lý
cạnh tranh trong hoạt động kiểm soát mua bán doanh nghiệp nói riêng và tập trung
kinh tế nói chung.
3.2.2. Nhóm giải pháp cụ thể
3.2.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh xác định tiêu chí
kiểm soát mua bán doanh nghiệp (được coi là một hành vi tập trung kinh tế)
nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát tập trung kinh tế
Kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số quốc gia đối với mua bán doanh
nghiệp đã chỉ rõ họ luôn chú trọng điều chỉnh pháp luật đối với tác động tiêu cực
của mua bán doanh nghiệp đến nền kinh tế- xã hội. Vì vậy, các quốc gia chủ yếu
139

điều chỉnh mua bán doanh nghiệp từ góc độ pháp luật cạnh tranh. Diễn giải cụ thể
hơn, có thể khẳng định: Để có thể thực hiện được một thương vụ mua bán doanh
nghiệp, cửa ngõ đầu tiên mà các nhà đầu tư phải trải qua là việc “soi chiếu” các quy
định của pháp luật cạnh tranh vào từng thương vụ mua bán doanh nghiệp. Nếu
thương vụ mua bán doanh nghiệp đó chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh thì
các nhà đầu tư có thể không thể thực hiện được thương vụ mua bán doanh nghiệp và
ngược lại. Vì vậy, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật cạnh tranh là một
yêu cầu tiên quyết trong tổng thể công cuộc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam điều chỉnh đối
với mua bán doanh nghiệp- với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế, bao gồm:
Một là, thay đổi quy định về tiêu chí kiểm soát tập trung kinh tế từ tiêu chí thị
phần sang tiêu chí doanh thu kết hợp với tiêu chí thị phần.
Kiểm soát tập trung kinh tế qua tiêu chí thị phần không bị thay đổi về thời
gian. Việc sử dụng tiêu chí thị phần để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế
sẽ giúp cơ quan cạnh tranh có được đánh giá ban đầu chính xác hơn về khả năng
gây hạn chế của vụ việc. Tuy nhiên, thực sự là khó khăn cho doanh nghiệp khi phải
tiến hành công việc xác định được thị phần kết hợp để thực hiện thủ tục thông báo
tập trung kinh tế. Bởi vì muốn xác định được thị phần thì công việc đầu tiên doanh
nghiệp phải xác định là xác định được thị trường liên quan. Xác định thị trường liên
quan đòi hỏi thời gian và chi phí cũng như nghiệp vụ chuyên môn mà ngay cả cơ
quan quản lý cạnh tranh cũng gặp khó khăn trong việc xác định thị trường liên
quan. Theo đánh giá tại báo cáo tập trung kinh tế Việt Nam do Cục quản lý cạnh
tranh (Bộ Công thương) thực hiện thì “Kinh nghiệm của các quốc gia đã tiến hành
sửa đổi quy định kiểm soát tập trung kinh tế cho thấy, lợi ích từ việc sử dụng tiêu
chí thị phần để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế không thể bù đắp cho
những khó khăn và chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu” [9, tr.58]. Trên thực tế,
các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, việc bóc tách để xác định thị
trường liên quan rất phức tạp. Ví dụ: doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề:
khách sạn, văn phòng cho thuê, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, như
vậy từng lĩnh vực kinh doanh trên được xác định là một thị trường riêng hay thị
trường bao gồm năm lĩnh vực kinh doanh nói trên. Khi chưa xác định được thị
140

trường liên quan thì không thể tính được thị phần cùa doanh nghiệp trên thị trường
liên quan. Do đó, các tài liệu tổng hợp kinh nghiệm thực thi quy định về tập trung
kinh tế của các tổ chức như ICN và OECD đều không khuyến khích việc áp dụng hệ
thống thông báo tập trung kinh tế sử dụng tiêu chí thị phần.
Hiện nay, ngoài tiêu chí thị phần, còn có hai tiêu chí tổng tài sản và doanh thu
để chúng ta lựa chọn làm ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Một số nước lựa chọn
tiêu chí tổng tài sản để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Tuy nhiên, tiêu
chí này chưa phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì: đối với các công ty nước ngoài
có tổng doanh thu rất lớn trên thị trường nhưng tổng tài sản tại Việt Nam lại chưa
đến ngưỡng phải kiểm soát. Mặt khác, tổng doanh thu và tổng tài sản đối với tổ
chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán…hoàn toàn khác với tổng tài
sản của doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Lựa chọn tiêu chí
tổng tài sản làm ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền kiểm
soát tập trung kinh tế sẽ gặp khó khăn khi phải phân định rõ ràng giữa tổng tài sản
của doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính và tổng tài sản của các
tổ chức tài chính.
Những điểm thuận lợi khi Việt Nam lựa chọn tiêu chí doanh thu để xác định
ngưỡng thông báo tập trung kinh tế là doanh nghiệp có thể dễ dàng cung cấp số liệu
về doanh thu của các bên tham gia tập trung kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế
vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng tiêu chí doanh thu để xác định
ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Ngưỡng doanh thu để thông báo tập trung kinh
tế phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế. Một nền kinh tế quy mô nhỏ thì các doanh
nghiệp thường có doanh thu thấp và ngược lại.
Bên cạnh những ưu điểm thì ngưỡng thông báo tập trung kinh tế sử dụng các
tiêu chí khách quan như doanh thu hoặc giá trị tài sản của các bên tham gia tập
trung kinh tế có những điểm hạn chế vì không tính đến đặc thù của từng lĩnh vực
giao dịch. Vì vậy, các quốc gia cần phải cân nhắc để đưa ra ngưỡng thông báo tập
trung kinh tế phù hợp với nền kinh tế. Một số quốc gia thiết lập các ngưỡng thông
báo tập trung kinh tế cho từng giao dịch hoặc từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Bên cạnh đó, các quốc gia phải thường xuyên rà soát và điều chỉnh ngưỡng thông
báo tập trung kinh tế để giúp việc kiểm soát tập trung kinh tế trở nên có hiệu quả
141

hơn bởi vì ngưỡng thông báo ban đầu chưa hợp lý hoặc do lạm phát cao khiến cho
ngưỡng thông báo quy định lần đầu không còn phù hợp. Ngưỡng để kiểm soát tập
trung kinh tế ở các quốc gia có thể khác nhau, phù hợp với đặc điểm của từng nền
kinh tế ở mỗi quốc gia nhưng mục đích đặt ra ngưỡng thông báo tập trung kinh tế
đều nhằm:
(i) Ngăn chặn các vụ tập trung kinh tế có nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh trên
thị trường, hạn chế thiệt hại cho xã hội khi tránh bỏ sót những vụ tập trung kinh tế
có tác động hạn chế cạnh tranh;
(ii) Loại bỏ các vụ tập trung kinh tế không thực sự gây tác động hạn chế cạnh
tranh để giúp cơ quan cạnh tranh và các doanh nghiệp tiết kiệm các nguồn lực trong
quá trình xác định vụ việc có nằm trong ngưỡng phải thực hiện thủ tục thông báo
tập trung kinh tế.
Như đã phân tích, cơ quan công quyền của Việt Nam chưa có kinh nghiệm
trong việc xác định thị trường liên quan, hệ thống sổ sách kế toán chưa minh bạch,
hoạt động kiểm toán doanh nghiệp chưa được chú trọng, nếu chỉ lựa chọn một tiêu
chí duy nhất để kiểm soát mua bán doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả điều
chỉnh pháp luật. Vì vậy, kiểm soát mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ thực hiện
theo hướng: (i) áp dụng cả hai tiêu chí doanh thu và thị phần, theo đó, nếu các
doanh nghiệp tham gia mua bán doanh nghiệp chỉ cần nằm trong ngưỡng doanh thu
hoặc đạt tới tỷ lệ thị phần kết hợp bị cấm đều không được thực hiện các thương vụ
mua bán doanh nghiệp, trừ những trường hợp được miễn trừ; (ii) Tính toán ngưỡng
doanh thu cụ thể, hợp lý để các doanh nghiệp phải thông báo trước khi mua bán
doanh nghiệp. Ngưỡng doanh thu đó không quá cao để bỏ sót các thương vụ mua
bán doanh nghiệp chưa đạt tới mức doanh thu đó nhưng vẫn ảnh hưởng đến cạnh
tranh trên thị trường hoặc ngưỡng doanh thu đó không quá thấp để cơ quan quản lý
cạnh tranh phải quá tải trong việc kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp. Do
vậy, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước khi đưa ra ngưỡng doanh thu cụ
thể để kiểm soát tập trung kinh tế (trong đó có hoạt động mua bán doanh nghiệp)
phải tính đến đặc thù của từng lĩnh vực giao dịch hoặc từng lĩnh vực kinh doanh
khác nhau. Bên cạnh đó, các quốc gia quy định những tiêu chí cần phải điều chỉnh
ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thay đổi
142

ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Một số quốc gia áp dụng hệ thống tự động điều
chỉnh tăng giá trị của ngưỡng thông báo tập trung kinh tế theo biến động chỉ số giá.
Một số khác không áp dụng biện pháp tự động có thể quy định điều chỉnh ngưỡng
thông báo khi có sự biến động nhất định trong chỉ số lạm phát hoặc quy định rõ việc
điều chỉnh ngưỡng thông báo vào mỗi kỳ rà soát pháp luật về kiểm soát tập trung
kinh tế. Một số quốc gia cho phép tiến hành điều chỉnh ngưỡng thông báo tập trung
kinh tế thông qua nghị định của Chính phủ hoặc đơn giản chỉ thông qua quyết định
của cơ quan cạnh tranh mà không cần phải thông qua cơ quan lập pháp [9, tr.72].
Hai là, xây dựng tiêu chí kiểm soát tập trung kinh tế phải tính tới mối liên hệ
và phù hợp với hoạt động mua bán doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghề
liên quan đến an ninh kinh tế như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm để tránh sự xung
đột pháp luật và đảm bảo giữ vững an ninh kinh tế, duy trì trật tự cạnh tranh trên thị
trường. Một giải pháp cần lưu ý khi xây dựng các tiêu chí kiểm soát tập trung kinh
tế dưới giác độ pháp lý. Cụ thể, trong tương lai, các tiêu chí pháp lý kiểm soát tập
trung kinh tế nói chung và kiểm soát mua bán doanh nghiệp nói riêng phải “kiểm
soát” được các biến tướng của mua bán doanh nghiệp trong thực tiễn, ví dụ như
mua bán doanh nghiệp thông qua các việc sở hữu chéo, kiêm nhiệm chức vụ…
Ba là, trao thêm thẩm quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác
động cạnh tranh của các vụ tập trung kinh tế. Mục tiêu chung của pháp luật cạnh
tranh là nhằm bảo vệ cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh nhằm ngăn ngừa việc thay đổi
cấu trúc thị trường dẫn đến hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, những vụ việc
tập trung kinh tế có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường đều bị cấm thực
hiện. Tiêu chí thị phần không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá ảnh hưởng của tập
trung kinh tế trên thị trường, cơ quan quản lý cạnh tranh cần được trao thêm thẩm
quyền dựa vào các đánh giá cụ thể khác về điều kiện thị trường để ra quyết định cấm
hoặc không cấm tập trung kinh tế đối với các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thông báo tập
trung kinh tế đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Một số nước trao quyền rất lớn cho cơ
quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động của cạnh tranh căn cứ theo các tiêu chí thị
phần, tác động đơn phương, tác động kết hợp của vụ việc tập trung kinh tế trên thị
trường đã mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát tập trung kinh tế [9, tr.62].
3.2.2.2. Sửa đổi khái niệm doanh nghiệp, sửa đổi khái niệm mua lại doanh
143

nghiệp quy định tại Luật Cạnh tranh (2004)


Sửa đổi khái niệm doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004)
Khái niệm doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004) bao gồm
hộ kinh doanh và các chủ thể kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập,
thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (hoạt động theo Nghị định số
39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc
lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh). Tuy nhiên, một trong các giấy
tờ của hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (điểm b khoản 1 Điều 21), hồ sơ đề nghị
hưởng miễn trừ tập trung kinh tế ( điểm b khoản 1 Điều 29) Luật Cạnh tranh (2004)
yêu cầu có “bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh
nghiệp tham gia tập trung kinh tế”. Quy định đó đã xác định “doanh nghiệp” bị
kiểm soát tập trung kinh tế phải là các chủ thể kinh doanh có đăng ký kinh doanh và
không bao hàm cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên
không phải đăng ký kinh doanh. Sở dĩ quy định một trong các giấy tờ của hồ sơ
thông báo tập trung kinh tế, hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tập trung kinh tế phải có
“bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham
gia tập trung kinh tế” vì: Mục đích của quy định kiểm soát tập trung kinh tế nói
chung và kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp nói riêng nhằm để giảm nguy
cơ gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường mà vẫn đảm bảo hành lang pháp lý thuận
lợi cho các hoạt động mua bán doanh nghiệp không có tác hại đến cạnh tranh được
thực hiện tự do trên thị trường. Pháp luật cạnh tranh đã phân định các trường hợp
tập trung kinh tế không phải thực hiện thủ tục thông báo, trường hợp phải thực hiện
thủ tục thông báo tập trung kinh tế, trường hợp bị cấm tập trung kinh tế và trường
hợp bị cấm tập trung kinh tế nhưng được hưởng miễn trừ. Những chủ thể kinh
doanh như hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường
xuyên không phải đăng ký kinh doanh có quy mô vốn nhỏ, mọi tiêu chí hoạt động
đều khác so với doanh nghiệp, các chủ thể đó liên kết với nhau cũng không gây hạn
chế cạnh tranh trên thị trường.
Như vậy, xuất phát từ mục đích của kiểm soát tập trung kinh tế nói chung và
kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp nói riêng thì khái niệm doanh nghiệp tại
khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh (2004) phải sửa đổi lại, nội hàm khái niệm doanh
144

nghiệp sẽ không bao gồm các chủ thể kinh doanh hoạt động thương mại một cách
độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Sửa đổi khái niệm mua lại doanh nghiệp tại Luật Cạnh tranh (2004) theo
hướng mua lại doanh nghiệp là việc chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp thông qua
hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp
Quy định của Luật Cạnh tranh (2004) và Nghị định của Chính phủ số
116/2005/NĐ-CP giải thích mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp (doanh
nghiệp kiểm soát) giành được quyền sở hữu tài sản của một doanh nghiệp (doanh
nghiệp bị kiểm soát) đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ
đông, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp bị kiểm soát hoặc ở mức mà theo quy
định của pháp luật hoặc Điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp
kiểm soát chi phối chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát
không khả thi và phản ánh được bản chất của mua bán doanh nghiệp.
Theo lý thuyết chung của Luật Doanh nghiệp thì góp vốn để tạo thành vốn
điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình
doanh nghiệp hoạt động là cách để chủ thể góp vốn trở thành chủ sở hữu doanh
nghiệp. Chủ thể nào muốn mua lại doanh nghiệp thì chủ thể đó phải “mua lại” toàn
bộ hoặc phần vốn góp chi phối của chủ sở hữu doanh nghiệp đủ để tham gia vào bộ
máy quản trị doanh nghiệp và kiểm soát được doanh nghiệp đó. Áp dụng nguyên lý
góp vốn để trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp thì mua lại tài sản không phải là cách
thức hình thành tư cách chủ sở hữu mới của doanh nghiệp bán tài sản; bên mua tài
sản không thể tham gia quản trị và kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp đã bán tài sản. Vì vậy, quy định về mua lại tài sản của Luật Cạnh tranh phải
sửa đổi theo hướng mua lại doanh nghiệp là phải mua lại phần vốn góp của chủ sở
hữu doanh nghiệp đến tỷ lệ chi phối đủ để kiểm soát được hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp mục tiêu.
3.2.2.3. Bổ sung quy định chủ thể có quyền mua doanh nghiệp không thuộc
sở hữu 100% vốn Nhà nước
Hiện nay, đã có các quy định về chủ thể mua doanh nghiệp được quy định tại
Nghị định của Nhà nước về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Nghị
định về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Luật Cạnh tranh (2004) xác
145

định chủ thể có quyền mua doanh nghiệp là doanh nghiệp (các tổ chức, cá nhân
kinh doanh). Quy định về chủ thể có quyền mua doanh nghiệp tại các Nghị định về
về bán, giao và cổ phần doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Nghị định về cổ phần
hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Luật Cạnh tranh (2004) có sự khác nhau vì
mục đích, đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật nhau đó có tính chất khác
nhau. Bên cạnh đó, các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO và các văn bản pháp
luật trong một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ quy định tỷ lệ vốn góp của nhà
đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Căn cứ vào quy định trên và
quy định về tỷ lệ vốn có quyền biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng để kiểm
soát doanh nghiệp quy định tại Điều lệ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ xác
định được họ có quyền mua hoặc không có quyền mua doanh nghiệp trong một lĩnh
vực kinh doanh cụ thể.
Ngoài các quy định tại các văn bản pháp luật và điều ước quốc tế trên, hiện
nay chưa có quy định về tổ chức, cá nhân nào có quyền mua doanh nghiệp không
thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước. Vì vậy, sẽ dẫn đến những tranh luận và vận
dụng lý luận khác nhau về chủ thể không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp
có được mua doanh nghiệp không? Ví dụ: đối tượng đang là công chức là chủ thể
không có quyền thành lập, quản lý công ty nhưng họ có quyền góp vốn vào công ty.
Giả sử một công chức A góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn bằng cách nhận
chuyển nhượng 75% phần vốn góp của thành viên công ty, công chức đó kiểm soát
hoạt động kinh doanh của công ty. Điều đó có nghĩa là công chức A đã mua được
công ty mặc dù họ thuộc trường hợp pháp luật cấm thành lập, quản lý công ty.
Quy định tại nghị định về đăng ký doanh nghiệp đã ghi nhận doanh nghiệp tư
nhân được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm cả công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở
lên. Như vậy, bên mua doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc chỉ là một cá nhân.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp (2005) chưa thừa nhận về việc chuyển đổi donh
nghiệp tư nhân thành công ty. Để đảm bảo tính pháp chế, nhằm giải quyết những
vướng mắc về khoa học và quá trình thực thi pháp luật các văn bản pháp luật phải
thống nhất và quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng có quyền mua doanh nghiệp tư
nhân nói riêng và đối tượng có quyền mua các doanh nghiệp không thuộc sở hữu
146

100% vốn của Nhà nước.


3.2.2.4. Hoàn thiện các quy định mua bán doanh nghiệp và thủ tục mua bán
doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài và mua bán doanh nghiệp trong
một số lĩnh vực đặc biệt
Vì chưa quy định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài nên việc xác định điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh khi các
chủ thể này tiến hành đầu tư ở Việt Nam không nhất quán, ảnh hưởng đến lợi ích
của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Để giải quyết một tình
huống, vụ việc cụ thể nhưng có nhiều văn bản quy định khác nhau về hướng giải
quyết vụ việc đó, tình trạng đó dẫn đến cơ quan cấp dưới hỏi ý kiến cơ quan cấp
trên, nhà đầu tư phải đợi chờ dẫn đến “nản lòng”. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Công thương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thủ tục đầu tư khác với quy định
của Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp. Quy định về thủ tục
đầu tư lẫn lộn, lấn sân cơ quan đăng ký kinh doanh được phân tích tại chương hai
luận án đã dẫn đến hệ quả nhà đầu tư nước ngoài gặp vướng mắc về thủ tục hành
chính có thể không thực hiện được dự định mua doanh nghiệp.
Vì vậy, xây dựng khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhà đầu tư nước
ngoài thực hiện hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam là yêu cầu cần thiết
và bao gồm những nội dung sau:
(i) Ban hành các quy định pháp luật thống nhất cách hiểu về nhà đầu tư nước
ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quy định rõ tỷ lệ sở hữu vốn của nhà
đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các văn bản
này phải đảm bảo tính ổn định lâu dài, có giá trị pháp lý cao, có hiệu lực trên phạm
vi rộng để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư đồng thời là cơ sở pháp lý chắc
chắn, rõ ràng để cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về mua bán
doanh nghiệp áp dụng pháp luật.
(ii) Thống nhất quy định pháp luật về các thủ tục mua bán doanh nghiệp khi
bên mua là nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, phải phân tách giữa thủ tục đăng ký
kinh doanh và thủ tục đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhằm khai
sinh tư cách pháp lý cho doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp. Giấy
chứng nhận đầu tư là một loại giấy phép của Nhà nước cấp cho nhà đầu tư để thực
147

hiện dự án đầu tư cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư cấp. Qua việc sửa
đổi như vậy sẽ giúp việc quản lý doanh nghiệp được thành lập, thay đổi chủ sở hữu
doanh nghiệp được tập trung về một đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc
cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, tránh sự chồng chéo về thẩm quyền
quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh như quy định hiện nay. Hiện nay, có ý kiến đề
xuất bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đầu tư là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
và trao thẩm quyền duy nhất cho cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục xác
nhận thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp cho các bên mua, bên bán doanh nghiệp [7].
Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ quan đầu mối để quản lý nhà nước đối với hoạt động mua
bán doanh cần phải nghiên cứu, tính toán để giải được bài toán quản lý nguồn vốn đầu
tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua kênh mua bán doanh nghiệp đồng thời không
có sự phân biệt, rườm rà về thủ tục hành chính khi đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh
nghiệp từ các thương vụ mua bán doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
(iii) Bổ sung, minh bạch hóa các vấn đề pháp lý liên quan về mua bán doanh
nghiệp có yếu tố nước ngoài mà pháp luật hiện hành Việt Nam đang tồn tại những bất
cập nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam gia nhập WTO về mở cửa thị trường cho nhà
đầu tư nước ngoài. Ví dụ: trong lĩnh vực phân phối, nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua
lại doanh nghiệp phân phối của doanh nghiệp Việt Nam có hơn một cơ sở phân phối.
(iv) Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 04 năm 2010 Quy
định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với tính chất là
một Thông tư, văn bản này có thể dễ dàng bị thay đổi, gây khó khăn trong quá trình
thực thi pháp luật. Vì vậy, cần thiết phải ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật
có giá trị pháp lý cao, ổn định điều chỉnh về mua bán doanh nghiệp trong một số
lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng… Qua đó, đáp ứng yêu cầu vừa
đảm bảo an ninh kinh tế, vừa phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực kinh doanh
đồng thời phải phải tuân thủ luật chơi của thị trường mua bán doanh nghiệp.
3.2.2.5. Hoàn thiện các quy định chuyển đổi doanh nghiệp và thủ tục mua
bán doanh nghiệp tư nhân
Hiệu quả pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường
phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau trong đó có điều kiện hệ thống pháp luật
thực định phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển của
148

nền kinh tế-xã hội. Quy định của Luật Doanh nghiệp (2005) và các nghị định hướng
dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (2005) tồn tại những mâu thuẫn. Một số quy định
về thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp được
đánh giá là “mở đường” và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán
doanh nghiệp. Các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (2005) điều chỉnh các
quan hệ mua bán doanh nghiệp tuy hợp lý hơn so với quy định của Luật Doanh
nghiệp (2005) nhưng những quy định của nghị định chỉ là giải pháp tạm thời. Xét
về lâu dài và để tuân thủ nguyên tắc pháp chế, đảm bảo thực hiện đúng “trật tự theo
hiệu lực” của Luật và nghị định thì cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp (2005)
về mua bán doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, cần bổ sung
quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần; chuyển đổi
công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên và sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp (2005) về việc bên mua
doanh nghiệp tư nhân phải “đăng ký kinh doanh lại” bằng cụm từ bên mua thực
hiện “đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân”.
Theo các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (2005) thì chủ doanh
nghiệp tư nhân có quyền bán một phần doanh nghiệp tư nhân cho người khác
thông qua chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tuy nhiên, pháp luật không quy định về trường hợp doanh nghiệp tư nhân bán
doanh nghiệp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới là công ty cổ phần.
Do vậy, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần
phải chuyển đổi qua hai giai đoạn: giai đoạn một là chuyển đổi doanh nghiệp tư
nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn; giai đoạn hai là chuyển đổi công ty
trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần. Mỗi một lần chuyển đổi như vậy kéo
theo nhiều hệ quả pháp lý như thay đổi đăng ký doanh nghiệp, thay đổi con dấu,
xử lý các vấn đề về thuế, thay đổi các chủ sở hữu doanh nghiệp…mất nhiều thời
gian, chi phí của nhà đầu tư. Vì vậy, quy định chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân
thành công ty cổ phần nhằm giảm thời gian, chi phí tăng cơ hội, tiếp tục cải thiện
môi trường đầu tư, góp phần giải phóng được nội lực của loại hình doanh nghiệp
tư nhân, cụ thể:
(i) Cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, các chủ sở hữu đều
149

chịu trách nhiệm hữu hạn. Nếu để doanh nghiệp tư nhân phải chuyển qua hai bước:
từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó từ công ty trách
nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần thì thực chất việc chuyển đổi thành công ty
trách nhiệm hữu hạn là một cái bước buộc phải đi qua thôi chứ không làm thay đổi
bản chất sở hữu của các thành viên: trước là thành viên, sau là cổ đông của công ty
được chuyển đổi này
(ii) So sánh doanh nghiệp tư nhân qua hai lần làm các thủ tục hành chính để
chuyển đổi thành công ty cổ phần: Nếu tính tổng thời gian cho một lần công việc,
để hoàn tất được một quy trình chuyển đổi, trung bình một doanh nghiệp tư nhân
cũng phải mất ba tháng với hàng chục thủ tục tại tất cả các cơ quan nhà nước mà
doanh nghiệp có liên quan. Chi phí cho nhân công, đi lại, phí, lệ phí…cho toàn bộ
quy trình cũng có thể lên tới cả chục triệu đồng. Tính trong một tỉnh nhỏ như Hải
Dương (5500 doanh nghiệp/550.000 doanh nghiệp, chiếm 1% doanh nghiệp tổng số
doanh nghiệp của cả nước) thì một năm cũng có hàng chục doanh nghiệp muốn
chuyển đổi và như vậy tổng số thời gian làm thủ tục lên cả nhiều năm và số tiền chi
phí lên hàng trăm triệu đồng. Dùng phép tính tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy
cả nước sẽ mất bao nhiêu thời gian và chi phí? [38].
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền
chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, trường hợp chỉ có một
thành viên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của các thành viên thì đã xuất
hiện thương vụ mua bán doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới phải thay đổi về hình
thức pháp lý và chủ sở hữu. Cơ quan có thẩm quyền phải đăng ký thay đổi chủ sở
hữu và thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định của Luật Doanh
nghiệp (2005) chưa dự liệu được quy định về thủ tục chuyển đổi công ty trách
nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là
hệ quả của mua bán doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cần bổ sung quy định về
chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên.
Luật Doanh nghiệp năm (2005) đã có quy định về chuyển đổi công ty trách
nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại và không có cơ sở khoa học để
giải thích lý do tại sao công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên không được
150

chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vì vậy, bổ sung quy
định quy định về chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ tạo ra sự nhất quán và đảm bảo sự bình
đẳng giữa các nhà đầu tư khi cùng lựa chọn mô hình công ty đối vốn để kinh doanh
ở Việt Nam và tiết kiệm chi phí chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi nhà đầu tư
phải đi đường vòng để đến cùng một đích.
Cụm từ “đăng ký kinh doanh lại” tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp (2005) dẫn
đến cách hiểu Luật Doanh nghiệp chưa thừa nhận mua bán doanh nghiệp tư nhân
gắn với việc chuyển giao tư cách pháp lý của doanh nghiệp cho bên mua. Vì
vậy,bên mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký kinh doanh lại khi bên mua có nhu
cầu tiếp tục kinh doanh. Điều 44 Nghị định 43/2010/NĐ- CP về đăng ký doanh
nghiệp thể hiện tính hợp lý hơn Luật Doanh nghiệp (2005) khi quy định bên mua
doanh nghiệp tư nhân không phải đăng ký kinh doanh lại mà chỉ cần thực hiện thủ
tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
Sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp theo hướng giống như quy định thay
đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân tại Điều 44 Nghị định 43/2010/NĐ- CP là hợp
lý vì: (i) quy định sửa đổi theo kiến nghị sẽ phản ánh đúng bản chất của quan hệ
mua bán doanh nghiệp là việc chủ doanh nghiệp tư nhân bán tài sản thuộc sở hữu
của mình và chuyển tư cách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân cho bên mua doanh
nghiệp; (ii) đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động mua bán doanh nghiệp giữa chủ
doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
một cá nhân làm chủ bán toàn bộ doanh nghiệp thì bên mua doanh nghiệp đều phải
thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp; (iii) đơn giản hóa các thủ tục
gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư kinh doanh thông qua việc thực hiện mua
bán doanh nghiệp tư nhân.
3.2.2.6. Định hướng về nội dung hợp đồng mua lại/mua bán doanh nghiệp
Khi nhà đầu tư mua lại toàn bộ vốn hoặc phần vốn chi phối của chủ sở hữu
doanh nghiệp trong một lần mua thì các bên phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng
phần vốn và hợp đồng này có tính chất là hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Hợp
đồng mua bán doanh nghiệp thể hiện sự ghi nhận và cam kết của các bên đối với
thương vụ mua bán doanh nghiệp. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp không chỉ liên
151

quan đến khía cạnh pháp lý mà là sự phối hợp hài hòa các yếu tố khác liên quan đến
mua bán doanh nghiệp như tài chính, đầu tư, kinh doanh, thỏa thuận nội dung sau
thương vụ mua bán như giải quyết chế độ chính sách cho người lao động của doanh
nghiệp. Chỉ khi kết hợp một cách hoàn chỉnh các yếu tố có liên quan thì hợp đồng
mua bán doanh nghiệp mới thật sự là công cụ bảo đảm cho các bên tham gia thương
vụ mua bán doanh nghiệp. Những tài liệu cung cấp, định hướng cho các bên mua
bán doanh nghiệp về nội dung của hợp đồng mua bán doanh nghiệp được các nhà
đầu tư ở các nước phát triển thị trường mua bán doanh nghiệp như Mỹ rất quan tâm.
Một số quốc gia như Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức đã quy
định một số nội dung về hợp đồng mua bán doanh nghiệp làm cơ sở pháp lý để các
chủ thể ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Điều chỉnh pháp luật của Việt Nam đối với hợp đồng theo tư duy mới là Nhà
nước tôn trọng sự thỏa thuận của các chủ thể hợp đồng để xác lập, thay đổi quyền,
nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trên cơ sở phù hợp với những nguyên tắc
chung của pháp luật. Mua bán doanh nghiệp là một hoạt động mới xuất hiện ở nước
ta nhưng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các nhà đầu tư chưa có kinh
nghiệm về mua bán doanh nghiệp, khung khổ pháp lý mua bán doanh nghiệp chưa
đầy đủ và đồng bộ thì việc pháp luật có những “định hướng” về nội dung của hợp
đồng mua bán doanh nghiệp là cần thiết. Trong thực tế mua bán doanh nghiệp ở
Việt Nam, bên mua doanh nghiệp đã phải chịu các thiệt hại lớn về kinh tế khi không
xác định được chủ thể có quyền bán doanh nghiệp. Đó là vụ Công ty cổ phần Doanh
nghiệp trẻ Đồng Nai (Dona Crop) ký hợp đồng mua doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài Cheerfield Vina. Dona Crop đã gặp rắc rối khi đại diện ký kết hợp đồng
không phải đại diện hợp pháp. Dona Crop đã không thể điều hành doanh nghiệp mà
mình đã mua lại, không trả được tiền nợ thuê đất [7, tr.76]. Vì vậy, định hướng về
nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa giúp các bên thiết lập các
hợp đồng mua bán doanh nghiệp có hiệu lực, hạn chế những tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Ngoài những nội dung các bên bắt buộc phải thỏa
thuận như: đối tượng mua bán, chủ thể hợp đồng mua bán, đại diện ký kết hợp
đồng, giá mua bán doanh nghiệp, phương thức thanh toán thì những vấn đề được
trình bày dưới đây sẽ mang tính định hướng để các bên tham khảo khi ký kết hợp
152

đồng mua bán doanh nghiệp:


(i) Khi bên bán doanh nghiệp chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho bên mua thì
các bên phải thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm của bên mua hoặc bên bán phải thông
báo việc chuyển giao và chủ thể thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba.
(ii) Thỏa thuận về nghĩa vụ cung cấp các thông tin về doanh nghiệp mục tiêu
của bên bán doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp. Đây là thỏa thuận quan trọng
vì mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có tính chuyên nghiệp như một số quốc
gia khác, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại khi phải cung cấp thông
tin của doanh nghiệp cho các đối tác. Trong quá trình đàm phán để ký kết hợp đồng
thì bên bán cũng phải cung cấp những thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp mục tiêu cho bên mua để xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong
giai đoạn đàm phán này, bên bán thường chỉ cung cấp những thông tin cơ bản nhất
nhằm bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mình nếu các bên không ký kết
được hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Do vậy, nếu các bên ký kết được hợp đồng
với nhau thì trong hợp đồng, các bên phải thỏa thuận cụ thể về nghĩa vụ của bên bán
trong việc cung cấp chi tiết, đầy đủ và trung thực, chính xác các tài liệu, sổ sách thể
hiện các thông tin về tài chính, việc sử dụng lao động, các hợp đồng, các dự án đang
thực hiện… Những thông tin này có thể đưa vào phần phụ lục của hợp đồng mua
bán doanh nghiệp
(iii) Thỏa thuận về trách nhiệm của bên bán, bên mua doanh nghiệp trong
trường hợp các bên vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp
và các quy định khác của pháp luật. Các bên phải thỏa thuận cụ thể nếu vi phạm
hợp đồng, không bảo đảm đúng điều kiện thực hiện hợp đồng làm phát sinh thiệt hại
thì bên vi phạm phải chịu những hình thức chế tài nào? Bên mua cũng phải dự
phòng trường hợp bên bán lừa đảo bên mua doanh nghiệp thì bên bán phải chịu
trách nhiệm như thế nào? Luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức có quy định cách
giải quyết trong các trường hợp này như sau: “…Về nguyên tắc, không ai muốn
chịu thiệt hại cả. Do đó phải hành động theo nguyên tắc dung hòa (căn cứ vào thị
trường và thực tế vấn đề). Trong hợp đồng cần ghi rõ người có lỗi phải bồi thường
thiệt hại toàn bộ do vi phạm hợp đồng và người mua có quyền tuyên bố từ bỏ hợp
đồng khi người bán có hành vi kinh doanh không hảo tâm (thương mại không lành
153

mạnh) [24, tr.130].


(iv) Ngoài các thỏa thuận trên, kinh nghiệm các nước khác thường khuyến
nghị các bên mua bán doanh nghiệp thỏa thuận về các điều khoản cấm cạnh tranh.
Điều khoản này đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Bởi
vì sau khi bán doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp (bên bán) có thể thành lập
một doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh trong cùng ngành nghề với doanh
nghiệp đã bán hoặc công bố các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của
doanh nghiệp đã bán. Tất cả những hành động đó của bên bán doanh nghiệp đều
ảnh hưởng đến cạnh tranh và sự tồn tại của bên mua doanh nghiệp trên thương
trường. Do vậy, trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp phải xác định rõ trách nhiệm
của bên bán doanh nghiệp trong việc bảo đảm các bí mật kinh doanh của doanh
nghiệp đã bán; về việc bên bán không được thành lập các doanh nghiệp tương tự
như doanh nghiệp đã bán và làm bên mua mất khả năng cạnh tranh trên thương
trường nhằm bảo đảm lợi ích của bên mua doanh nghiệp.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

1. Việc đề ra các yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp là đòi hỏi khách quan và cần thiết khi khung khổ pháp lý điều chỉnh về mua
bán doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, các quy định về mua bán doanh
nghiệp nằm rải rác trong các văn bản pháp luật và tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu
hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải phù hợp với đặc thù của nền
kinh tế thị trường Việt Nam; phải đảm tính thống nhất, minh bạch và khả thi của
pháp luật mua bán doanh nghiệp đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
2. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp bao gồm
các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể. Nhóm các giải pháp cụ thể bao gồm
những giải pháp quan trọng như: bổ sung tiêu chí về kiểm soát mua bán doanh
nghiệp (với tính chất là một hành vi tập trung kinh tế); trao thẩm quyền cho cơ quan
quản lý cạnh tranh trong hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế; bổ sung các quy
định về chủ thể có quyền mua doanh nghiệp; hoàn thiện các quy định về thủ tục
mua bán doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp; quy định rõ về khái niệm nhà đầu
tư nước ngoài và sửa đổi thủ tục đầu tư nhằm tránh chồng chéo với quy định về
154

đăng ký doanh nghiệp; định hướng về hợp đồng mua bán doanh nghiệp và hoàn
thiện pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực mua bán doanh nghiệp. Trong
đó, việc xác định thị trường liên quan và xác định các tiêu chí, ngưỡng cụ thể để
kiểm soát mua bán doanh nghiệp được coi như giải pháp trọng tâm, cơ bản để nâng
cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật về mua bán doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát
triển bền vững của hoạt động mua bán doanh nghiệp trên thị trường mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam.
155

KẾT LUẬN

1. Mua bán doanh nghiệp là một hoạt động đầu tư xuất hiện ở Mỹ từ đầu thế
kỷ XX và đến nay đã phát triển trên phạm vi toàn cầu. Mua bán doanh nghiệp có tác
động khác nhau tới nền kinh tế- xã hội. Một mặt, mua bán doanh nghiệp điều tiết
nguồn vốn kinh doanh diễn ra hợp lý, hiệu quả hơn. Mặt khác, mua bán doanh
nghiệp ngày càng diễn ra dưới các hình thức đa dạng phức tạp, có thể gây hạn chế
cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, pháp luật điều chỉnh mua bán doanh nghiệp ở các
quốc gia chủ yếu nhằm kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới giác độ điều chỉnh
của pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về doanh nghiệp, dân
sự, thương mại là khung khổ pháp lý ghi nhận quyền tự do mua bán doanh nghiệp
của các nhà đầu tư được diễn ra trên thị trường một cách lành mạnh, hiệu quả, minh
bạch, khả thi.
2. Trên thế giới, mua bán doanh nghiệp thường được nghiên cứu cùng với hoạt
động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Mua bán doanh nghiệp được hiểu là việc
một nhà đầu tư thực hiện quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp khác. Hình
thức mua bán doanh nghiệp rất đa dạng, bao gồm: hình thức mua lại tài sản để kiểm
soát hoạt động của doanh nghiệp đã bán tài sản; mua nợ của doanh nghiệp để
chuyển thành vốn của chủ sở hữu; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chi phối
của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, dưới giác độ pháp lý, mua bán doanh nghiệp được hiểu theo
nghĩa hẹp hơn. Mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được hiểu là một hoạt động
nhằm thay đổi quyền sở hữu doanh nghiệp để tham gia quản trị và có thể kiểm soát
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Hình thức mua bán doanh nghiệp
bao gồm: mua bán toàn bộ vốn đầu tư, toàn bộ vốn điều lệ, toàn bộ phần vốn góp,
cổ phần hoặc mua phần vốn góp, cổ phần chi phối để có thể kiểm soát hoạt động
của doanh nghiệp mục tiêu.
3. Pháp luật về mua bán doanh nghiệp có thể hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa
hẹp, tuy nhiên sự phân định này chỉ có tính chất tương đối. Nhìn chung, các quốc
gia trên thế giới đều xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mua bán
doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực có liên quan như: quy định về hợp đồng, quy
156

định về kiểm soát mua bán doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, kiểm soát
các thương vụ mua bán doanh nghiệp là “cửa ngõ” dẫn đến tập trung kinh tế, quy
định về sở hữu trí tuệ, quy định về thuế, quy định của pháp luật lao động….
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả phân tích các nội dung chủ yếu
của hoạt động mua bán doanh nghiệp được pháp luật điều chỉnh bao gồm: quy định
về chủ thể mua bán doanh nghiệp; quy định về đối tượng mua bán doanh nghiệp;
quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp; quy định về thủ tục mua bán doanh
nghiệp; kiểm soát mua bán doanh nghiệp theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
4. Thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về mua bán doanh
nghiệp đang bộc lộ nhiều bất cập như chưa có quy định cụ thể về chủ thể có quyền
mua doanh nghiệp không thuộc sở hữu 100% vốn của nhà nước; nội hàm khái niệm
nhà đầu tư nước ngoài và vận dụng quy định pháp luật về thủ tục mua bán doanh
nghiệp có yếu tố nước ngoài được hiểu và thực thi khác nhau; tiêu chí về kiểm soát
mua bán doanh nghiệp chưa khả thi…Thực trạng đó đã ảnh hưởng đến việc thu hút
hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện
pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
5. Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, tác
giả luận án đã đưa ra những giải pháp cơ bản. Các giải pháp đó bao gồm: Hoàn
thiện quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán doanh
nghiệp, phân công trách nhiệm và sự phối hợp trong hoạt động quản lý mua bán
doanh nghiệp của các cơ quan hữu quan; Nhà nước phải tạo điều kiện pháp lý thuận
lợi cho hoạt động của các định chế tài chính, tư vấn, các cơ quan truyền thông, tổ
chức tư vấn chuyên nghiệp thực hiện vai trò tư vấn, trung gian kết nối và giúp đõ
các bên mua bán doanh nghiệp thực hiện thành công các thương vụ mua bán doanh
nghiệp; Xây dựng khung pháp lý cho cơ chế cung cấp và kiểm soát thông tin về
mua bán doanh nghiệp thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc
gia về mua bán doanh nghiệp; Hoàn thiện pháp luật về kế toán, kiểm toán doanh
nghiệp nhằm minh bạch, công khai về doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường
liên quan
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp có thể là
những giải pháp cụ thể như xây dựng thị trường liên quan và xác định các tiêu chí
157

kiểm soát mua bán doanh nghiệp nhằm hạn chế tác hại hạn chế cạnh tranh của hoạt
động mua bán doanh nghiệp trên thị trường; thống nhất, đồng bộ quy định về thủ
tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp giữa pháp luật đầu tư và pháp luật
doanh nghiệp, định hướng về nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp…. Các giải
pháp chung và các giải pháp cụ thể đều hướng đến mục đích điều chỉnh hoạt động
mua bán doanh nghiệp trong tương lai, xây dựng và phát triển thị trường mua bán
doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động hiệu quả phù hợp với quy luật của nền kinh tế
thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
158

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ

1. Trần Thị Bảo Ánh (2008), "Thực trạng pháp luật Việt Nam về mua bán doanh
nghiệp", Tạp chí Luật học, (5).
2. Trần Thị Bảo Ánh (2008), “Some notes on M&A law”, Tạp chí VietNam Law
& Legal Forum.
3. Trần Thị Bảo Ánh (2010), Những vướng mắc cơ bản trong quá trình hoàn
thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu
hội thảo: Đổi mới pháp luật thương mại đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế
thị trường và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học
Vân Nam Trung Quốc.
4. Trần Thị Bảo Ánh (2011), “Thực trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở
Việt Nam và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Law Edition Journal of Yunnan
University.
5. Trần Thị Bảo Ánh (2011), Một số vấn đề về bản chất pháp lý của mua bán
doanh nghiệp, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Pháp luật về sáp nhập, mua
lại- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp
Bộ: Pháp luật điều chỉnh sáp nhập mua lại ở Việt Nam của khoa Luật
Thương mại, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.14- 22.
6. Trần Thị Bảo Ánh (2011), “Bất cập của pháp luật hiện hành về mua bán doanh
nghiệp tại Việt Nam và giải pháp hoàn thiện”, Tạp chí Luật học, (6).
7. Trần Thị Bảo Ánh (2012), Hợp đồng mua bán doanh nghiệp, Sách chuyên
khảo: Kiến thức pháp lý và kỹ năng cơ bản trong đàm phán, soạn thảo và
ký kết hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, TS. Nguyễn Thị Dung (chủ
biên), Nxb Chính trị - Hành chính, tr. 229- 252.
8. Trần Thị Bảo Ánh (2012), Hợp đồng mua bán doanh nghiệp, Giáo trình: Một
số hợp đồng đăc thù trong hoạt động thương mại và kỹ năng đàm phán,
soạn thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,
tr.127- 150.
9. Trần Thị Bảo Ánh (2013), “Quan hệ mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam -
Nhận diện dưới góc độ pháp lý”, Tạp chí Luật học, (1).
159

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt
1. Ths Trần Quỳnh Anh (2012), "Khái quát pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức
về hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp- bài học kinh nghiệm
cho Việt Nam", Tạp chí Luật học, (số 9), Đại học Luật Hà Nội.
2. H.Anh (2012), "Hải Phòng cổ phần 14 công ty bán với giá 1 USD",
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/hai-phong-co-phan-14-cong-ty-duoc-
ban-voi-gia-1-usd-672189.htm.
3. Mai Vân Anh (2009), Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt
Nam, Luận văn thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
4. Andrew J.Sherman, Milledge A. Hart (2009), Mua lại và sáp nhập từ A đến Z,
Nxb Tri thức, Hà Nội.
5. Đinh Văn Ân (chủ biên) (2003), Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
6. Đồng Ngọc Ba (2005), Cơ sở lý luận và thực tiễn việc hoàn thiện pháp luật về
doanh nghiệp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật
Hà Nội.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Hội nghị công tác đăng ký kinh doanh năm
2013 các tỉnh phía Bắc, ngày 5.4.2013.
8. Cẩm nang mua bán và sáp nhập tại Việt Nam (2009), Mạng Mua bán và sáp nhập.
9. Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hòa Pháp (2005), tập
1, Thiết lập các điều kiện cần thiết cho cạnh tranh, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
10. Cục Quản lý cạnh tranh (2007), Các vấn đề pháp lý và thực tiễn về tập trung
kinh tế, Hội thảo chuyên đề.
11. Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương (2012), Báo cáo tập trung kinh tế
Việt Nam 2012.
12. TS.Nguyễn Thị Dung (Chủ biên) (2009), Pháp luật về hợp đồng trong thương mại
và đầu tư - Những vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Đặc san của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch Đầu tư (2012), M&A: Toàn cảnh thị
trường Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2012.
14. Vũ Phương Đông (2010), Pháp luật về mua bán công ty ở Việt Nam - thực trạng và
giải pháp, Luận văn thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
160

15. Phạm Trí Hùng - Đặng Thế Đức (2011), M&A Sáp nhập và mua lại doanh
nghiệp ở Việt Nam - Hướng dẫn cơ bản dành cho bên bán, Nxb Lao
động - xã hội, Hà Nội.
16. GS.TS. F. Kubler và J.Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hoà
Liên bang Đức, Nxb Pháp lý, Hà Nội.
17. Phạm Hải Ly (2010), Mua lại doanh nghiệp theo pháp luật cạnh tranh, Khoá
luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
18. Michael E.S. Frankel (2009), M&A- Mua lại và sáp nhập căn bản các bước
quan trọng trong quá trình mua bán doanh nghiệp và đầu tư, Nxb Tri
thức, Hà Nội.
19. Bùi Nhơn (2007), Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01
năm 2007.
20. Hàn Phi (2013), "Bán Vincom Center A, Vingroup lãi 4.300 tỷ đồng",
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/ban-vincom-center-
a-vingroup-lai-4-300-ty-dong-2817836.html
21. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (2012), Báo cáo nghiên cứu
MEI 2012- Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về
kinh doanh của các Bộ năm 2012, Hà Nội.
22. Lưu Quý Phương (2007), "Sáp nhập và mua lại: đi tìm một định nghĩa", Báo
Đầu tư Chứng khoán, ngày 05 tháng 06 năm 2007.
23. Pricewaterhouse Coopers (2009), Nhìn lại hoạt động M&A tại Việt Nam - sáu
tháng đầu năm 2009.
24. Nguyễn Hưng Quang và Trần Thanh Huyền, Văn phòng luật sư NHQuang &
Cộng sự (2012), "Bất nhất khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và hệ lụy",
http://www.tinmoi.vn/bat-nhat-ve-khai-niem-dau-tu-nuoc-ngoai-va-he-
luy-011031267.html
25. Scott Moeller & Chris Brady (2009), M&A Mua lại và sáp nhập thông minh,
kim chỉ nam trên trận đồ sáp nhập và mua lại, Nxb Tri thức, Hà Nội.
26. Stoxplus, Vietnam (2011), Báo cáo các thương vụ mua bán doanh nghiệp Việt
Nam năm 2011, tầm ngắm của nhiều tập đoàn Nhật Bản.
27. Stoxplus, Báo cáo triển vọng M&A Việt Nam 2013.
28. Trần Thủy (2012), "Âm mưu bí ẩn vụ mua doanh nghiệp 1 USD",
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/98843/am-muu-bi-an-vu-mua-doanh-
nghiep-1-usd.html
161

29. Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2010), Pháp luật điều chỉnh
sáp nhập, mua lại ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Pháp luật về
sáp nhập, mua lại: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài nghiên cứu
khoa học cấp Bộ, TP Hồ Chí Minh.
30. Tổ chức thương mại và phát triển Liên hợp quốc (2003), Luật mẫu về cạnh
tranh, Loạt công trình nghiên cứu của UNCTAD về các vấn đề được đề
cập trong Luật và chính sách cạnh tranh.
31. Uỷ ban chứng khoán nhà nước (2003), Quản lý nhà nước đối với hoạt động
thâu tóm, sáp nhập công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
32. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2009), Hoạt động sáp nhập và
mua lại: Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho
Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
33. Nguyễn Thị Yến (2011), Pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa
qua Sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học,
Trường Đại học Luật Hà Nội.

Các trang Web:


34. Baodautu.vn/news/vn/ngan-hang/vamc-sap-mua-khoan-no-xau-dau-tien-html
35. Kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/cai-chet-oan-mekophar-
2730716.html
36. http://www.vietnamplus.vn/Home/cong-bo-toan-van-cac-van-kien-dai-hoi-XI-
cua-Dang/20113/82074.vnplus
37. http://www.investopedia.com/terms/b/buyout.asp
38. http://www.investopedia.com/ask/answers/difference-between-acquisition-
and-takeover.asp
39. http://skhdt.haiduong.gov.vn/DangKyDoangNghiep/TinBaiDKDN/Pages/B%
C3%A0ivi%E1%BA%BFtthamgiacu%E1%BB%99cthi%E2%80%9CCh
ungtayc%E1%BA%A3ic%C3%A1chth%E1%BB%A7t%E1%BB%A5ch
%C3%A0nhch%C3%ADnh%E2%80%9DChuy%E1%BB%83n%C4%9
1%E1%BB%95iDoanhnghi%E1%BB%87pt%C6%B0nh%C3%A2nth%
C3%A0nhC%C3%B4ngtyc%E1%BB%95ph%E1%BA%A7n.aspx
40. http://www.vietnamnet.vn.kinhte/thuongnhan/2006/06/586500
162

41. http://www.laodong.com.vn/Home/Mot-tu-nhan-mua-lai-doanh-nghiep-nha-
nuoc/200093/129706.laodong
42. http://base.garant.ru/11901341/1/#block_100
Tiếng Anh
43. Companies Act 2006, Parts 26 (ss.895-901) and Part 27 (special rules for
public companies), on arrangements, reconstructions, mergers (or
amalgamations) or divisions (demerger or "scission"). The rules here
implement the Third and Sixth EC Company law directives.
44. Germany- Negotiated M&A Guide, Corporate and M&A Law Committee, tác
giả Hans- Michael Giesen, Điều 613a Bộ Luật Dân sự của Đức BGB’,
Bản dịch của Phạm Phương Thảo, Đại học Luật Hà Nội.
45. Varieties of Capitalism, Regulatory system and Merger Regulation –
Impilications for VietNam, Hong Tran, Business Law and Taxation
Dept.Monash University.
Tiếng Nga (bản dịch của Ma Thị Thúy ( Исследовательский Иркутский
Государственный Технический Университет)
46. Федеральный закон от 21 июля 1997 г. N 122-ФЗ "О государственной
регистрации прав на недвижимое имущество и сделок с ним" С
изменениями и дополнениями от 7 мая 2013 г. -
47. Федеральный закон от 8 августа 2001 г. N 129-ФЗ "О государственной
регистрации юридических лиц и индивидуальных предпринимателей" -
29 декабря 2012 г. - http://base.garant.ru/12123875/1/#block_100
48. Подраздел 3. Объекты гражданских прав - Глава 6. Общие положения -
Гражданский кодекс Российской Федерации часть первая от 30 ноября
1994 г. N 51-ФЗ, часть вторая от 26 января 1996 г. N 14-ФЗ, часть
третья от 26 ноября 2001 г. N 146-ФЗ и часть четвертая от 18 декабря
2006 г. N 230-ФЗ с именениями и доплнениями от 7 мая 2013 г)
49. Продажа предприятия (8- Глава 29 Гражданского кодекса Российской
Федерации) - Гражданский кодекс Российской Федерации часть
первая от 30 ноября 1994 г. N 51-ФЗ, часть вторая от 26 января 1996
г. N 14-ФЗ, часть третья от 26 ноября 2001 г. N 146-ФЗ и часть
четвертая от 18 декабря 2006 г. N 230-ФЗ с именениями и
доплнениями от 7 мая 2013 г)
163

50. Федеральный закон от 21 июля 1997 г. N 122-ФЗ "О государственной


регистрации прав на недвижимое имущество и сделок с ним" с
изменениями и дополнениями от 7 мая 2013 г
51. Федеральный закон от 21 декабря 2001 г. N 178-ФЗ "О приватизации
государственного и муниципального имущества" - С изменениями и
дополнениями от 7 декабря 2011

You might also like