You are on page 1of 284

DẪN NHẬP

1. Mục tiêu
Mục tiêu của giáo trình này là cung cấp cho người đọc những khái niệm,
quan điểm và nội dung chung nhất, cơ bản nhất cần có phục vụ cho việc học tập
nghiên cứu về du lịch. Giáo trình nhằm vào đối tượng là sinh viên năm đầu vào
ngành Du lịch, tạo tiền đề để người học đi sâu học tập, nghiên cứu các nội dung
tiếp theo.
2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của môn học này là những khái niệm cơ bản của du
lịch, quá trình hình thành, phát triển du lịch, đặc điểm của hoạt động du lịch, các
bên liên quan đến hoạt động du lịch và mối tương tác của các bên với du lịch.
3. Vị trí môn học
Nhập môn du lịch là học phần cơ sở ngành đầu tiên ở bậc Đại học đối với
sinh viên các chuyên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Quản trị Du lịch,
Quản trị Khách sạn, nhà hàng, Văn hoá Du lịch, Địa lý Du lịch, Hướng dẫn Du lịch
v.v...

4. Kết cấu và nội dung


Toàn bộ nội dung giáo trình có cấu trúc 5 chương, gồm những vấn đề chung,
các hợp phần của du lịch, tác động của du lịch, loại hình và sản phẩm du lịch,
tương lai triển vọng của du lịch.
Chương 1. Những vấn đề chung trước hết đề cập đến một số khái niệm như
tham quan, điểm tham quan, du lịch, điểm du lịch, tài nguyên du lịch; sau đó trình
bày quá trình hình thành và phát triển du lịch, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động
du lịch, tính thời vụ du lịch.
Khách du lịch, các nhà cung ứng du lịch, cộng đồng địa phương, cơ quan
quản lý và các tổ chức du lịch được trình bày trong chương 2. Các hợp phần du
lịch. Trong chuyến du lịch, khách du lịch nhận được sự phục vụ của nhà cung ứng
dịch vụ vận chuyển, nhà cung ứng dịch vụ lưu trú và ăn uống, nhà cung ứng dịch
vụ lữ hành và hướng dẫn, các nhà tổ chức sự kiện. Bên cạnh yêu cầu chung về lao
động trong ngành Du lịch, mỗi ngành nghề trên đều có yêu cầu riêng. Tất cả các
nội dung này sẽ được trình bày trong phần 2 của chương này.
Chương 3. Tác động của du lịch sẽ phân tích những tác động đến văn hoá,
kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên cũng như đến hoạt động đào tạo và nghiên cứu
khoa học. Nhìn chung du lịch có rất nhiều tác động tích cực đến các mặt của đời
sống con người, song không phải là nó không có các tác động tiêu cực. Mục đích
của chương này là làm rõ các tác động đó để có những biện pháp phù hợp nhằm
phát triển du lịch một cách bền vững.
0
Chương 4. Loại hình và sản phẩm du lịch giúp người đọc phân biệt một cách
rõ ràng sự khác nhau giữa loại hình và sản phẩm du lịch, sau đó là trình bày một số
loại hình du lịch phổ biến đồng thời cũng giới thiệu một số loại hình và sản phẩm
du lịch mới xuất hiện trong thời gian gần đây.
Chương 5. Tương lai và triển vọng của du lịch cung cấp cho người học một
số xu hướng phát triển du lịch trong tương lai.
5. Phương pháp nghiên cứu môn học
Sinh viên cần bám sát đề cương, dựa vào chuẩn đầu ra của môn học để tập
trung nghiên cứu nhằm đáp ứng những yêu cầu của từng chương. Bên cạnh giáo
trình này, sinh viên nên tham khảo thêm các giáo trình tương tự để nắm vững vấn
đề. Trong quá trình học tập, sinh viên cần liên hệ với tình hình thực tế, bổ sung,
cập nhật thông tin liên quan. Sinh viên cần tiếp cận nội dung bài học theo tư duy
phản biện, khai phóng, tích cực tham gia vào các hoạt động tranh biện, luyện tập
trình bày ý tưởng theo cách diễn đạt của mình trên nguyên tắc ngắn gon, súc tích,
đủ ý.

1
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Sau khi học xong chương này, sinh viên có khả năng:
-Phân tích, đánh giá một số khái niệm cơ bản như tham quan, du lịch, tài nguyên du
lịch được các học giả đưa ra.
- Lý giải được các bước thăng trầm của du lịch qua các thời kỳ.
- Giải thích được vai trò của các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
-Nhận diện, phân tích được các yếu tố tạo nên tính thời vụ của hoạt động du lịch.
Tài liệu đọc thêm
Goeldner, C. & Ritchie B., 2012 (các trang 4-7; 29-47; 71-92)
Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Anh và cs, 2015 (các trang 19-27; 63-84; 108-128)
Lickorish Leonard J., Jenkins Carson L.,2007 (các trang 1-2; 10-31)
Luật du lịch 2017
Ngô Thị Diệu An, Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014 (các trang 1-4; 16-23; 112-124)
Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa và cs, 2017 (các trang 39-43)
Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, 2008 (các trang 5-17; 31-38; 74-117)
Trần Đức Thanh và Trần Thị Mai Hoa, 2017 (chương 3)
Trần Thị Mai và cs, 2008 (các trang 6-8; 13-14; 28-100)
Birjakov, 2000. (Các chương 1, 2 và 7)

1.1. Một số khái niệm


1.1.1. Tham quan
Tò mò là một trong những đặc tính của các loài động vật, đặc biệt là con
người, loài động vật cao cấp bậc nhất. Tuy nhiên khi trình độ dân trí của con người
được nâng cao, nội hàm tiêu cực của khái niệm tò mò sẽ không còn nữa và đặc tính
đó được phát triển trở thành tính ham hiểu biết1. Sự tò mò, ham hiểu biết là một
trong những yếu tố kích thích và phát triển não bộ. Con người ham hiểu biết về
mọi thứ, họ luôn tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Điều này đem lại nền tảng
cho sự phát triển của nhân loại. Không thể phủ nhận một điều rằng sự tò mò, ham
hiểu biết chính là yếu tố giúp con người có được cuộc sống như ngày hôm nay. Có
thể nói, hoạt động tham quan xuất hiện cũng thể hiện đặc tính này của con người.

1
Trong tiếng Anh từ inquisitive có hai nghĩa là tò mò (giống curious) và ham hiểu biết, ham học hỏi. (xem Hornby
A.S. 2000). Trong tiếng Pháp từ curieux cũng có cả hai nghĩa là ham hiểu biết và tò mò thóc mách (xem Lê Khả Kế,
và cs 1981). Trong tiếng Hán từ tò mò và ham hiểu biết đều dịch là 好奇. Trong khi đó trong tiếng Nga có hai từ
riêng biệt để chỉ tò mò (любопытный) và ham hiểu biết (любознательный). (Xem К. М. Аликанов, và cs 1979)

2
Từ “tham quan” trong tiếng Việt được các từ điển dịch sang tiếng Anh là
“excursion”. Từ điển Merriam-Webster giải thích thuật ngữ này với hai nghĩa là “a
usually brief pleasure trip” (một chuyến đi chơi ngắn” và “a trip at special reduced
rates” (một chuyến đi có độ dài ngắn). Trong từ điển tiếng Anh hiện tại dành cho
người học ở trình độ cao, Hornby A.S (2000) cũng đưa ra nội hàm chuyến đi ngắn
trong khái niệm tham quan, song còn đưa thêm nội hàm được tổ chức cho một
nhóm người: “a short journey made for pleasure, especially one that has been
organized for a group of people”. UNWTO không nêu khái niệm tham quan,
nhưng đưa ra khái niệm khách trong ngày (a same-day visitor) hay là khách tham
quan, và đơcjgiải thích là khách không nghỉ lại qua đêm (tại điểm du lịch),
(UNWTO, 2008, mục 2.13). Có lẽ trong tiếng Anh thuật ngữ excursion không hẳn
đồng nghĩa với từ tham quan trong tiếng Việt, nên các định nghĩa nêu trên không
làm người đọc tài liệu tiếng Việt cảm thấy thỏa mãn. Trong cuốn Từ điển tiếng
Việt do Hoàng Phê chủ biên năm 1994, khái niệm tham quan được hiểu là đi “xem
thấy tận mắt để hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm”. Trang mạng Soha đưa ra khái
niệm “tham quan” cũng khá giống với định nghĩa của Hoàng Phê “đi xem tận nơi,
tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm”2.
Như vậy tham quan được hiểu là hoạt động của con người đến một nơi nào
đó để nâng cao tại chỗ nhận thức về thế giới xung quanh. Rõ ràng rằng, nội hàm
cơ bản của khái niệm tham quan phải là di chuyển, thứ hai là nâng cao nhận thức
về thế giới xung quanh và phải diễn ra tại chỗ, nơi có thế giới khách quan mà con
người muốn hay cần tìm hiểu. Tại đó, con người nghe, nhìn, cảm nhận bằng các
giác quan về những điều mới lạ nhằm đáp ứng tính tò mò, ham hiểu biết của mình.
Để hỗ trợ trí nhớ, người ta có thể ghi chép, phác họa, ghi âm, chụp ảnh, quay phim
… để lưu lại những thông tin mà họ quan tâm.
1.1.2. Du lịch
Một trong những hoạt động hầu như diễn ra hàng ngày của con người là tạm
thời rời khỏi nơi ở của mình để đi kiếm ăn hay tìm nơi ở mới. Sự ham hiểu biết
cuốn hút con người đi xa dần nơi sinh sống thường nhật của mình. Không ít người
vì mải mê khám phá, tìm hiểu xung quanh nên không đủ thời gian quay về chỗ ở
của mình. Có thể nói hiện tượng du lịch theo nghĩa đơn giản nhất của nó đã xuất
hiện từ xa xưa như vậy. Khái niệm du lịch lúc đó có thể chưa hình thành, song về
bản chất, “du lịch” đã hình thành như một hiện tượng xã hội.
Trong một công trình nghiên cứu của mình, David Bruce (2010) cho rằng từ
“du lịch” (tourism) lần đầu tiên được Wordsworth W. đưa ra vào năm 1800 ở bài
“Người anh em”, đăng trong Những bài thơ của Wordsworth W, một cuốn sách
hướng dẫn dành cho các nhà mạo hiểm khám phá huyện Hồ (Lake District).
2
http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Tham_quan

3
Theo Goeldner, Charles R. và J.R. Brent Ritchie (2012), việc sáng tạo ra tiền
của người Sumer3 và sự phát triển thương mại bắt đầu vào khoảng năm 4.000 TCN
đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên du lịch mà các ông gọi là “hiện đại”. Người
Sumer không chỉ là người đầu tiên sáng tạo ra tiền và sử dụng nó trong giao dịch
kinh doanh, họ cũng là người đầu tiên tạo ra chữ viết và bánh xe. Người ta đã trả
tiền hay trao đổi hàng hóa cho dịch vụ vận chuyển và lưu trú, ăn uống trong chuyến
đi xa (trang 29). Dưới góc độ này, có thể cho rằng, du lịch từ một hiện tượng xã hội
đơn thuần đã bắt đầu mang tính kinh tế. Những giao dịch này đã góp phần bổ sung
nội hàm kinh tế cho thuật ngữ du lịch. Song có thể nói, nghĩa thứ hai của thuật ngữ
du lịch chính thức được xuất hiện sau khi Thomas Cook lập ra hãng Lữ hành đầu
tiên trên thế giới vào năm 1842, một năm sau khi tổ chức thành công chuyến đi đầu
tiên cho 570 người (xem mục 1.2.1.3). Năm 2018, theo WTTC4, du lịch đóng góp
trên 50% vào GDP các quốc gia và vùng lãnh thổ như Macau, Seychelles, Maldives,
St Kitts & Nevis, Grenada. Cũng theo số liệu của WTTC, vào năm này, du lịch Việt
Nam đóng góp 9,2% vào GDP.
Theo các học giả Ấn Độ (Jyoti Bhoj và các cộng sự, 2016), Guyer Feuler là
người đầu tiên đưa ra định nghĩa về du lịch vào năm 1905. Cho đến nay trên thế
giới có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch và hầu như chưa có sự thống nhất
về định nghĩa này. Tuỳ theo tiếp cận nghiên cứu, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có
những định nghĩa du lịch của riêng mình.
Charles R. Goeldner và J. R. Brent Ritchie (2012) cho biết tại Hội nghị
Quốc tế về Thống kê Du lịch và Lữ hành 1991, UNWTO đã cập nhật, bổ sung định
nghĩa do một số nhà khoa học quốc tế đề xuất. Trên cơ sở đó, định nghĩa này sau
đó đã được UNWTO chính thức công nhận và khuyến cáo sử dụng. Theo đó ‘‘du
lịch bao gồm các hoạt động của những người đi đến và ở lại những nơi bên ngoài
môi trường thông thường của họ không quá một năm liên tục để giải trí, kinh
doanh và các mục đích khác” (trang 5).
Năm 2014, UNWTO đã một lần nữa cập nhật định nghĩa về du lịch như là
“một hiện tượng xã hội, văn hóa và kinh tế kéo theo sự di chuyển của con người

3
Sumer là nền văn minh được biết đến sớm nhất ở vùng lịch sử miền nam Mesopotamia (miền nam Iraq ngày nay),
trong thời kỳ đồ đồng sớm và là một trong những nền văn minh đầu tiên trên thế giới cùng với Ai Cập cổ đại. Sống
dọc theo các thung lũng của Tigris và Euphrates, nông dân Sumer đã trồng rất nhiều ngũ cốc và các loại cây trồng
khác, thặng dư cho phép họ định cư ở một nơi.
4
https://knoema.com/WTTC2019/world-travel-and-tourism-council-data?
country=1001250&measure=1000080&variable=1000100&utm_source=datafinder&utm_medium=excel
&utm_campaign=sourcelink&frequency=A&lastUpdated=1560437535880

4
đến các quốc gia hoặc địa điểm bên ngoài môi trường thông thường của họ vì mục
đích cá nhân, kinh doanh hoặc nghề nghiệp”.
Một cách khái quát hơn, thuật ngữ du lịch đã được Việt Nam luật định như
sau “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi
cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu
cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết
hợp với mục đích hợp pháp khác” (Khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017).
Ngoài hiện tượng xã hội và hoạt động kinh tế như phân tích ở trên, hoạt
động nghiên cứu và đào tạo cũng là “hoạt động liên quan đến chuyến đi”. Trong
những năm gần đây, việc đào tạo và nghiên cứu du lịch đã trở thành một xu hướng
được nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu quan tâm. Như vậy, bên cạnh cách hiểu du
lịch như một hiện tượng xã hội (đi du lịch) và một ngành kinh tế (làm du lịch),
thuật ngữ “du lịch” đã có thêm một nghĩa mới, đó là một ngành đào tạo, một lĩnh
vực nghiên cứu (học du lịch, nghiên cứu du lịch). Nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới
và trong nước đã mở các chương trình đào tạo liên quan đến du lịch từ trung cấp,
dạy nghề đến đại học và sau đại học. Tương tự như vậy, những đề tài nghiên cứu
về du lịch ngày càng phong phú. Trên thế giới có hàng trăm tạp chí có uy tín, có
chỉ số trích dẫn cao là tạp chí về du lịch. Để phân biệt thuật ngữ du lịch như một
lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu với thuật ngữ du lịch như một hiện tượng xã hội và
kinh tế, một số nhà khoa học Pháp, đứng đầu là GS Jean Michel Hoerner (2002) đã
đề xuất một thuật ngữ mới trong tiếng Pháp là tourismologie với nghĩa là du lịch
học5. Mặc dù vậy, theo thói quen, người ta vẫn sử dụng thuật ngữ “du lịch:
tourism” với nghĩa như du lịch học (tourismology). Thuật ngữ tourism xuất hiện
trong nhiều giáo trình tiếng nước ngoài với nghĩa là du lịch học, tiêu biểu là các
giáo trình nhập môn du lịch (An introduction to tourism)6.
Như vậy có thể coi du lịch là hoạt động (xã hội, kinh tế, đào tạo và nghiên
cứu) liên quan đến sự di chuyển và lưu trú tạm thời của con người vào thời gian
rảnh rỗi ở ngoài nơi ở thường xuyên của họ nhằm mục đích nâng cao sức khỏe thể
chất và tinh thần, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh.
1.1.3. Tài nguyên du lịch
Để hiểu rõ về tài nguyên du lịch, trước hết cần hiểu về khái niệm tài nguyên
nói chung. Tài nguyên là tất cả những nguồn năng lượng, vật chất, thông tin và tri

5
Về vấn đề này Phan Huy Xu và Võ Văn Thành (2018) còn phân biệt thuật ngữ tourismology với touristology.
6
Đây cũng chính là lý do tên giáo trình này là “Nhập môn du lịch” và được hiểu là Nhập môn khoa học du lịch,
giống một xuất bản phẩm đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành năm 1999. Tuy nhiên, giáo
trình Nhập môn du lịch này được xây dựng theo hướng tiếp cận hoàn toàn mới.

5
thức cũng như các mối quan hệ, được khai thác phục vụ cuộc sống và sự phát triển
của xã hội loài người. Đó là những thành tạo hay tính chất của thiên nhiên, những
công trình, những sản phẩm do bàn tay khối óc của con người làm nên, những khả
năng của loài người... được sử dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của
cộng đồng.
Xét về khả năng tái tạo, phục hồi, tài nguyên được chia thành hai loại. Đó là
tài nguyên hữu hạn và tài nguyên vô hạn. Căn cứ vào sự biến đổi của tài nguyên
sau khi sử dụng có thể chia tài nguyên hữu hạn thành tài nguyên có thể tái tạo được
và tài nguyên không thể tái tạo được. Loại thứ nhất là loại sau khi sử dụng chúng
mất đi giá trị ban đầu của mình, không có cách nào, hoặc nếu có thì phải chi phí
gấp nhiều lần giá trị thu được từ việc sử dụng chúng, hoặc phải mất thời gian rất
dài (hàng triệu năm), mới có khả năng tạo lại giá trị ban đầu. Loại thứ hai là loại tài
nguyên sau khi sử dụng, chúng hầu như không mất đi giá trị ban đầu. Tuy nhiên
tính bền vững của loại thứ hai này phụ thuộc rất nhiều vào cách mà con người khai
thác nó. Một số tài nguyên thuộc loại có thể tái tạo được, nhưng nếu khai thác bất
hợp lý có thể làm chúng cạn kiệt dần, trở thành không thể tái tạo, không thể phục
hồi được. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc xây dựng các
máy điện sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió được gọi là hướng khai thác
năng lượng tái tạo, thực chất chúng thuộc loại tài nguyên vô hạn theo cách tiếp cận
ở trên.
Về mặt hiện hữu, có thể phân biệt tài nguyên hữu hình và vô hình. Một tài
nguyên hữu hình là loại tài nguyên thể hiện ở dạng vật thể, có hình khối, ngược lại
là tài nguyên vô hình.
Cũng như đối với khái niệm du lịch, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa
thống nhất về thuật ngữ tài nguyên du lịch. Theo một số nhà khoa học, tiêu biểu là
Pirojnik I.I., nhà địa lý du lịch nổi tiếng người Belarus, Liên Xô “tài nguyên du
lịch là những tổng thể tự nhiên và văn hoá-lịch sử và những thành phần của chúng,
tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển thể lực và tinh thần của con người,
khả năng lao động và sức khoẻ của họ” (trang 57). Theo khoản 4, điều 3 của Luật
Du lịch hiện hành (2017), “tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự
nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch,
điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài
nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa”. Các định nghĩa này chưa
chỉ ra nội hàm cơ bản của khái niệm “tài nguyên du lịch”. Nội hàm như “tổng thể
tự nhiên” có tính khái quát hơn “cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên”, vì hai nội

6
hàm này không đồng đẳng7. Nội hàm “tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển
thể lực và tinh thần của con người, khả năng lao động và sức khoẻ của họ” không
hẳn chỉ liên quan đến hoạt động du lịch. Nội hàm “làm cơ sở để hình thành sản
phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch” chưa thực
sự thuyết phục vì cơ sở quan trọng nhất “để hình thành sản phẩm du lịch, khu du
lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch” chính là thể chế, chính sách và
hơn nữa nội dung này là vai trò chứ không thể coi là nội hàm của khái niệm tài
nguyên du lịch.
Về vấn đề này, có thể thấy khái niệm của Đổng Ngọc Minh và Vương Lôi
Đình (2000) đưa ra là khá phù hợp. Theo hai tác giả này, “tất cả các nhân tố có thể
kích thích động cơ du lịch của khách du lịch được ngành Du lịch tận dụng và từ đó
sinh ra lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội thì đều gọi là tài nguyên du lịch” (trang
127). Năm 1992, Viện Nghiên cứu Khoa học Địa lý Quốc gia Trung Quốc định
nghĩa tài nguyên du lịch là “tất cả giới tự nhiên và xã hội loài người có sức hấp dẫn
khách du lịch, có thể sử dụng cho ngành Du lịch, có thể sản sinh ra hiệu quả kinh
tế xã hội và môi trường” (dẫn theo Ngô Tất Hổ, 2000:41). Hall C.M. (2007) cho
rằng “tài nguyên du lịch là thành tố của môi trường (tự nhiên và xã hội) hoặc nó
hấp dẫn khách du lịch hoặc nó cung cấp nền tảng cần thiết cho trải nghiệm du lịch”
(trang 34). Cùng chung quan điểm này có Trần Đức Thanh và cộng sự (2014 :51),
Trần Đức Thanh (2017:49), Trần Đức Thanh và Trần Thị Mai Hoa (2017:72).
Theo đó “tài nguyên du lịch là những thành tạo tự nhiên, những tính chất của thiên
nhiên, các công trình, sản phẩm do bàn tay hay trí tuệ của con người làm nên, cùng
các giá trị (thẩm mỹ, lịch sử, văn hoá, tâm linh, giải trí, kinh tế...) của chúng, có
sức hấp dẫn với khách du lịch và/hoặc được khai thác đáp ứng cầu du lịch”. Gần
đây, Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hoà và cs (2017) cũng cho rằng “Tài nguyên du
lịch là tổng thể tự nhiên, lịch sử-văn hoá cùng các thành phần của chúng có sức
hấp dẫn khách du lịch” (trang 70).
Trên thực tế, không phải bất cứ dạng, kiểu địa hình, không phải bất cứ kiểu
khí hậu nào... cũng đều có khả năng thu hút khách du lịch, hay nói cách khác
không phải tất cả chúng đều là tài nguyên du lịch. Có những yếu tố địa hình, thuỷ
văn, khí hậu là những điều kiện bất lợi, cản trở việc thu hút khách. Ví dụ nếu Đà
Lạt có khí hậu tương tự như ở Vũng Tàu hay ngược lại thì liệu Đà Lạt và Vũng
Tàu có tên trên bản đồ du lịch nước ta như hiện nay hay không? Theo cách hiểu
này khó có thể nói được di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, lễ hội Kate, chợ nổi Cái
Răng, cảnh quan biển (seascape) Vịnh Hạ Long trở thành tài nguyên du lịch của
7
Cảnh quan thiên nhiên là khái niệm con của khái niệm yếu tố tự nhiên, nói cách khác “cảnh quan thiên nhiên” là
một trong các “yếu tố tự nhiên”.

7
Hà Nội, Ninh Thuận, Cần Thơ, Quảng Ninh từ bao giờ. Điều gì làm cho nước
khoáng Mỹ An, nước khoáng U Va, bùn khoáng Tháp Bà trở thành tài nguyên du
lịch? Nếu nước khoáng này chỉ được đóng chai để bán rộng rãi trên thị trường
trong và ngoài nước thì nó có thể được coi là tài nguyên du lịch không?
Từ những vấn đề trên có thể thấy được rằng khái niệm tài nguyên trong du
lịch có nét khác biệt so với khái niệm tài nguyên trong các lĩnh vực khác. Rừng
được coi là tài nguyên vì con người có thể khai thác được các nguồn lợi từ rừng
như chất đốt, vật liệu xây dựng, nguồn dược liệu, thực phẩm... Song rừng được coi
là tài nguyên du lịch vì một lý do hoàn toàn khác. Những dãy núi đá vôi ở Ninh
Bình được coi là tài nguyên du lịch không phải vì những núi này có thể cung cấp
một nguồn đá vôi có chất lượng để làm clinker. Người ta đến với rừng vì sự trong
lành của môi trường, vì muốn hiểu biết thêm về thế giới tự nhiên, vì muốn thử sức
mình... Những ruộng bậc thang vào mùa gặt ở Mù Căng Chải, Y Tý, Sapa, những
hòn đảo đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ tạo thành hình
ảnh rất thơ mộng về một vùng sơn thủy hữu tình, làm say lòng biết bao khách du
lịch. Khách du lịch ngỡ ngàng và bị cuốn hút bởi bức tranh toàn cảnh 360 độ về
chiến dịch  56 ngày đêm trên bức tường rộng hơn 3000 mét vuông trong Bảo tàng
Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Tại sao khách du lịch đắm mình trước các bức
tranh nổi tiếng ở Viện Bảo tàng Ermitage, Louvre hay ở Bảo tàng Mĩ thuật? Điều
gì làm cho khách du lịch ngẩn ngơ khi đứng trước các công trình kiến trúc lớn hoặc
hiện đại như tháp Eiffel, nhà hát Opera Sydney, khách sạn Burj Al Arab, tòa nhà
Bitexco? Khách du lịch đến tham quan nhà thờ Phát Diệm vì muốn thấy một kiểu
kiến trúc nhà thờ đặc biệt là chính hay chỉ thoả mãn nhu cầu tôn giáo hay tâm
linh?.
Như vậy tài nguyên du lịch là yếu tố tự nhiên, sản phẩm do con người tạo ra
cùng các giá trị của chúng, có sức hấp dẫn khách du lịch.
Các yếu tố tự nhiên, các sản phẩm do con người tạo ra là thế giới khách
quan, chúng có các giá trị khác nhau. Có thể là giá trị thẩm mĩ, giá trị lịch sử, giá
trị văn hoá, giá trị tâm linh, giá trị giải trí, giá trị kinh tế, giá trị khoa học, giá trị
sức khỏe.... Không phải mọi yếu tố tự nhiên, không phải mọi sản phẩm do con
người tạo đều có thể coi là tài nguyên du lịch. Sự tồn tại dưới dạng vật thể hay phi
vật thể của thành tạo thiên nhiên hoặc của các sản phẩm do con người tạo ra chỉ có
một ý nghĩa nhất định để chúng được coi là tài nguyên du lịch. Nói cách khác,
không phải yếu tố tự nhiên, sản phẩm do con người tạo ra là tài nguyên du lịch mà
chính các giá trị giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hoá, tâm linh, giải trí, kinh tế... của
chúng, có sức hấp dẫn với khách du lịch đã làm cho chúng trở thành tài nguyên du

8
lịch. Nội hàm căn bản của tài nguyên du lịch chính là có sức hấp dẫn khách du
lịch. Một ngôi nhà, một cây cầu, một kiểu địa hình, một kiểu khí hậu chỉ trở thành
tài nguyên du lịch khi nó có một đặc điểm, một tính chất nào đó hấp dẫn khách du
lịch. Theo cách tiếp cận này, khi trình bày về tài nguyên du lịch chỉ nên nhấn mạnh
đến những giá trị du lịch (tức là có sức hấp dẫn khách du lịch, có thể khai thác đáp
ứng cầu du lịch) mà không cần quan tâm nhiều đến các giá trị khác của nó, ngay cả
khi những giá trị đó rất quan trọng8.
Xét theo nguồn gốc có thể phân chia thành tài nguyên du lịch tự nhiên và tài
nguyên du lịch văn hóa. Nguồn gốc tài nguyên du lịch tự nhiên là thiên nhiên,
được hình thành trong quá trình tiến hóa của Trái Đất. Tài nguyên du lịch tự nhiên
có thể gồm địa hình (cảnh quan) ngoạn mục, khí hậu phù hợp, nước và động thực
vật.
Tài nguyên du lịch tự nhiên là yếu tố tự nhiên cùng các giá trị của chúng, có
sức hấp dẫn với khách du lịch.
Yếu tố tự nhiên có thể là thành tạo tự nhiên, tính chất của tự nhiên hay tổng
thể tự nhiên. Các thành tạo của tự nhiên như địa hình (núi, đồi, đồng bằng), thủy,
hải văn (sông suối, hồ, ao, biển), sinh giới (động, thực vật). Các tính chất tự nhiên
là những yếu tố tự nhiên phi vật thể như thời tiết, khí hậu, các hiện tượng tự nhiên
khác. Những yếu tố tự nhiên này có thể tồn tại đơn chiếc (một nhũ đá kỳ ảo, một
cây cổ thụ, một loài động thực vật nào đó 9) hay cũng có thể kết hợp với nhau để
tạo nên cảnh đẹp mà chúng ta thường gọi là thắng cảnh, cảnh quan… “Cảnh quan”
là một thuật ngữ có nội hàm khá phức tạp của địa lý học 10. Trong thực tế, đặc biệt
trong thuyết minh giới thiệu du lịch, kể cả trong tiếng Anh, từ cảnh quan 11 thường
được dùng không phải với nội hàm khoa học của thuật ngữ này mà ám chỉ phong
cảnh12 (Trần Đức Thanh và Trần Thị Mai Hoa 2017:85)

8
Trong các báo cáo khoa học của sinh viên, học viên cao học, thậm chí của một vài nghiên cứu sinh, trong mục “tài
nguyên du lịch” của khu vực nghiên cứu thỉnh thoảng có thể thấy sự mô tả không khác gì tài liệu nói về điều kiện tự
nhiên và kinh tế văn hóa xã hội của khu vực. VÍ DỤ có thể thấy mô tả cả các loại đất (thổ nhưỡng), các mùa (khí
hậu), chế độ thủy văn …
9
Ví dụ Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) ở Hà Tĩnh
10
Theo Nguyễn Cao Huần (2005), “trong khoa học địa lý tồn tại ba quan niệm về cảnh quan tùy theo ý và nội dung
người ta muốn diễn đạt gồm: 1-cảnh quan là một khái niệm chung (F.N. Minkov, D.L. Armand), đồng nghĩa với
tổng thể địa lý thuộc các đơn vị khác nhau;2- là khái niệm loại hình (B.B. Polunov; N.A. Gvozdetxki,…); 3-là khái
niệm cá thể (N.A. Xoltsev; A.G. Ixatrenco, Vũ Tự Lập). Theo Kalexnik X.V., (1973), nhà địa lý lỗi lạc Liên Xô thì
“các bộ phận của bề mặt đất, khác nhau về mặt chất lượng với các bộ phận khác, có ranh giới tự nhiên và là những
tổng thể hoàn chỉnh, và có quy luật của các đối tượng và hiện tượng, được gọi là tổng thể tự nhiên khu vực
(Karasnov, 1895; Muraveiki, 1948) hoặc được gọi một cách ngắn gọn là địa cảnh hay cảnh quan địa lý” (trang 16).
11
Landscape
12
Scenery

9
Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm địa hình ngoạn mục, khí hậu phù hợp,
tài nguyên nước, giới động thực vật, cảnh quan và các hiện tượng tự nhiên kỳ thú
khác.
Tài nguyên du lịch tự nhiên có khả năng tự phục hồi nếu được khai thác hợp
lý. Tuy nhiên tài nguyên du lịch tự nhiên thường nằm xa khu dân cư nên còn giữ
được nhiều nét hoang sơ, hấp dẫn khách du lịch. Việc khai thác tài nguyên du lịch
tự nhiên phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên nên không phải lúc nào cũng
thuận lợi.
Văn hoá là cơ sở hình thành một trong những nguồn lực quan trọng của du
lịch, đó là tài nguyên du lịch văn hoá. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa
về văn hóa như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri
thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa
đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ
thống giá trị, truyền thống và đức tin. Người ta phân biệt sản phẩm văn hoá vật thể
(tangible) và sản phẩm văn hoá phi vật thể (intangible). Sản phẩm văn hoá vật thể
là những sản phẩm hữu hình do con người tạo ra như những công trình xây dựng,
những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, những món ăn, những vườn cây trái… Những
sản phẩm văn hoá vô hình như ngôn ngữ, phong tục tập quán, những làn điệu dân
ca, những câu chuyện, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật (truyền thuyết, câu
chuyện, điệu nhạc…). Có những sản phẩm văn hoá vừa có tính hữu hình, vừa có
tình vô hình như nghệ thuật ẩm thực, các làn điệu dân vũ, các sản phẩm bí
truyền…
Mỗi cộng đồng đều có phong tục, tập quán, có những di sản văn hoá nhất
định như di tích lịch sử văn hoá, kiểu kiến trúc, kho tàng văn hoá truyền thống...
Tài nguyên du lịch văn hóa là các sản phẩm do con người tạo ra cùng các
giá trị của chúng, có sức hấp dẫn với khách du lịch.
Tài nguyên du lịch văn hóa thường gồm các di tích lịch sử văn hóa, các công
trình đương đại có giá trị, các sản phẩm thủ công truyền thống, phong tục, tập
quán, lễ hội, các loại hình diễn xướng, văn hóa ứng xử, địa danh, danh nhân… Văn
hoá cộng đồng góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng. Các sản phẩm
văn hoá được coi là tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người tạo ra rất nhiều sản phẩm
văn hóa khác nhau. Những sản phẩm hữu hình và những sản phẩm vô hình (hay
còn gọi là sản phẩm vật thể và sản phẩm phi vật thể), nếu chúng có sức hấp dẫn
khách du lịch, chúng sẽ được coi là tài nguyên du lịch văn hoá. Những sản phẩm

10
hữu hình do con người tạo ra như các di tích, các công trình đương đại, các sản
phẩm thủ công, mỹ nghệ, các món ăn... là tài nguyên du lịch văn hóa vật thể.
Những sản phẩm vô hình như ngôn ngữ, phong tục tập quán, làn điệu dân ca, diệu
nhảy, những câu chuyện, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật (truyền thuyết, các
giai điệu âm nhạc…) có sức hấp dẫn khách du lịch được coi là tài nguyên du lịch
văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trong thực tế không có ranh giới rõ rệt giữa hai loại
tài nguyên du lịch văn hóa này vì sự hấp dẫn của các sản phẩm do con người tạo ra
chủ yếu phụ thuộc vào giá trị vô hình của chúng. Bên cạnh đó, những sản phẩm
như ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán, làng nghề… thể hiện ở cả dạng vật thể và
phi vật thể, không tách rời nhau. Do vậy tài nguyên du lịch văn hóa thường được
liệt kê gồm di tích, công trình đương đại, bảo tàng, làng nghề, ẩm thực, lễ hội,
phong tục tập quán, dân ca, dân vũ, địa danh, danh nhân (xem Trần Đức Thanh và
Trần Thị Mai Hoa 2017).
Khác với tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa không có
khả năng tự phục hồi. Do vậy vai trò gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của du
lịch rất có ý nghĩa. Tài nguyên du lịch văn hóa do con người tạo ra nên thường gắn
liền với địa bàn sinh sống của con người, hay nói cách khác, nơi đâu có tài nguyên
du lịch văn hóa, nơi đó đã từng có hoặc hiện có con người sinh sống. Chính vì vậy,
Đinh Nhật Lê, Lư Thị Thanh Lê (2019) cho rằng “tài nguyên du lịch văn hóa thể
hiện tri thức, sự sáng tạo của con người, mang dấu ấn của văn hóa và lịch sử qua
nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển” (trang 19). Việc khai thác tài
nguyên du lịch văn hóa ít phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên hầu như có thể
khai thác quanh năm.
1.1.4. Điểm tài nguyên/điểm tham quan và điểm đến du lịch/điểm du lịch
“Tài nguyên du lịch” là một khái niệm học thuật, có tính trừu tượng cao nên
ít được sử dụng khi nói về một địa phương nào đó. Có thể nói cảnh quan ngoạn
mục, di tích, lễ hội… là tài nguyên du lịch, song không thể nói Công viên Địa chất
Toàn cầu, Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lễ hội Vía
Bà Tây Ninh là tài nguyên du lịch. Đây là các điểm tài nguyên hay điểm tham
quan.
Điểm tham quan hay điểm tài nguyên (tourist attraction) là nơi mà khách
nói chung, khách du lịch nói riêng có thể đến để tìm hiểu về những gì mà nơi đó
có. Ví dụ Đền Trần, Thành nhà Hồ, Kinh thành Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo
tàng Dân tộc học, nhà máy Thủy điện Hòa Bình… Điểm tham quan là nơi có tài
nguyên du lịch, hay nói cách khác là nơi có yếu tố hấp dẫn khách du lịch.

11
Khái niệm điểm đến du lịch (tourism destination) được Pearce (1992), M.
Djurica & N. Djurica (2010) định nghĩa như là “một nơi có các thành phần cơ bản
để thu hút và đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch”.
UNWTO (2019b) định nghĩa điểm đến du lịch là “một không gian tự nhiên
có hoặc không có ranh giới hành chính hoặc/và ranh giới khác, trong đó khách du
lịch có thể nghỉ qua đêm. Nó là một cụm (cùng địa điểm) các sản phẩm và dịch vụ,
các hoạt động và trải nghiệm dọc theo chuỗi giá trị du lịch và là một đơn vị cơ bản
để phân tích du lịch. Một điểm đến bao gồm các bên liên quan khác nhau và có thể
kết nối với nhau để tạo thành các điểm đến lớn hơn. Nó cũng là phi vật thể với
hình ảnh và bản sắc của nó để tạo ra khả năng cạnh tranh trên thị trường” (trang
14)
Luật Du lịch 2017 không quy định về điểm đến du lịch, nhưng có quy định
về điểm du lịch tại mục 7 điều 3 : “điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được
đầu tư khai thác phục vụ khách du lịch”. Điểm du lịch không chỉ là nơi có tài
nguyên du lịch (tức là trong đó có các điểm tài nguyên cụ thể), mà còn có các cơ
sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú để khách có thể lưu lại qua
đêm. Về mặt không gian, điểm du lịch thường có diện tích lớn hơn điểm tham
quan. Điểm du lịch có thể có một hay nhiều điểm tham quan khác nhau.
Theo cách hiểu như thế, Nhà thờ Mằng Lăng, Vườn hoa Đà Lạt, Nhà Công
tử Bạc Liêu, Núi Hàm Rồng là điểm tham quan, trong khi đó Sầm Sơn, Hà Tiên,
Vinpearland Nha Trang, Phú Quốc là điểm du lịch.
Theo tính chất có thể có các điểm du lịch tham quan (Paris, Hội An,
Sapa…), điểm du lịch nghỉ dưỡng (Maldives, Vinperland Phú Quốc,
InterContinental Sun Peninsula Đà Nẵng), điểm du lịch vui chơi giải trí (Hawaii,
Genting, Sentosa, Cocobay Đà Nẵng, Vinperland Nha Trang…)
1.2. Quá trình hình thành và phát triển du lịch
1.2.1. Trên thế giới
Cũng như đối với bất kỳ một lĩnh vực khoa học nào, sẽ là không đầy đủ nếu
nghiên cứu du lịch mà không biết đến lịch sử phát triển của nó. Mục đích của việc
nghiên cứu lịch sử của du lịch là để phát hiện ra quy luật phát triển, trên cơ sở đó
đề xuất các định hướng khoa học nhằm phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi,
giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất các điều kiện bất lợi góp phần thúc đẩy du
lịch phát triển một cách bền vững.
Lịch sử du lịch cho thấy sự thăng trầm của du lịch có mối quan hệ rất mật
thiết với các điều kiện chung như tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội, điều

12
kiện kinh tế, chính sách phát triển. Tuy du lịch không phải là một nhu cầu thiết
yếu, song lại là một nhu cầu ngày càng phổ biến trên thế giới. Những bằng chứng
trong lịch sử cho thấy, nhu cầu du lịch của con người phụ thuộc rất nhiều vào khả
năng tài chính, vào thời gian rỗi và trình độ dân trí. Lịch sử hình thành phát triển
du lịch cũng chỉ ra rằng những nơi có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, có
các điều kiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, có nguồn nhân lực chất
lượng cao là những điểm đến du lịch nổi tiếng.
Du lịch trước hết là một hiện tượng xã hội, lịch sử phát triển du lịch gắn liền
với lịch sử phát triển xã hội loài người, do vậy lịch sử phát triển du lịch có thể tóm
tắt trong ba giai đoạn là cổ đại, trung đại và cận hiện đại.
1.2.1.1. Thời kỳ cổ đại
Các tài liệu nghiên cứu về lịch sử loài người cho thấy, ngay từ khi hình
thành, con người đã đi “du lịch” theo nghĩa đơn giản nhất, đó là đi từ vùng này đến
vùng khác. Với nghĩa sơ khai ấy, có thể coi những chuyến di cư trong quá khứ
cũng là “du lịch”.
Theo White Tim D. và cộng sự (2003), người hiện đại (Homo sapiens) được
cho là đã xuất hiện tại Đông Phi cách đây vào khoảng từ 200 đến 100 nghìn năm.
Người Homo sapiens idaltu, được tìm thấy tại Trung Awash, Ethiopia, sống vào
khoảng 160 nghìn năm trước được cho là chủng người hiện đại cổ xưa nhất được
biết đến. Từ đó họ mở rộng ra khắp thế giới. Bae, Christopher J và cộng sự (2017)
cũng như Kuo, Lily (2017) đều cho rằng, người Homo sapiens hầu như đã chiếm
toàn bộ châu Phi vào khoảng 200.000-300.000 năm trước đây. Cách đây khoảng
120.000-70.000 năm, một số nhóm người này đã rời châu Phi sang châu Á và đến
khoảng năm 40.000 TCN họ đã di cư đến khắp Australia, Châu Á và Châu Âu.
Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ mô tả những chuyến di cư (“du lịch”) đầu tiên của
loài người trong “Tập bản đồ hành trình của con người” cho thấy một cuộc di cư
khỏi châu Phi (Out Of Africa) qua Bán đảo Ả Rập khoảng 60 nghìn năm trước đưa
người hiện đại tới lục địa Á-Âu, một số đã định cư tại vùng duyên hải quanh Ấn
Độ Dương, một số khác di cư về phía bắc tới các dãy núi vùng Trung Á (National
Geographic Society, 2011)
Tim Lambert (2020) phỏng đoán rằng, lừa và ngựa đã được thuần hóa từ
năm 4.000 đến năm 3.000 TCN, sau đó khoảng giữa năm 3.000 và năm 2.000 TCN
lạc đà mới được thuần hóa. Việc thuần hóa được lừa, ngựa, lạc đà có tầm quan
trọng đối với việc di chuyển của con người. Họ đã đi được xa hơn, dài ngày hơn,
đỡ mỏi mệt hơn vì các vật nuôi này đã giúp con người không phải đi bộ, mang vác

13
các vật dụng, đồ ăn thức uống. Cũng theo Tim Lambert (2020), người Sumer 13 đã
sáng tạo ra bánh xe đầu tiên của loài người. Bánh xe trở thành bộ phận vô cùng
quan trọng đối với những sáng chế tiếp theo của con người trong lĩnh vực vận
chuyển: xe kéo. Loài người đã có thêm một hình thức di chuyển nhẹ nhàng và
thoải mái hơn, đó là di chuyển trên những chiếc xe kéo.
Các nhà thần học, hiền triết, nhà thơ, nhà văn cũng góp phần thúc đẩy sự
phát triển của du lịch. Du ký, một hình thức ghi chép để chia sẻ những hiểu biết,
trải nghiệm, suy nghĩ về các chuyến đi, cũng có ý nghĩa to lớn trong phát triển du
lịch. Nhờ những tài liệu này mà người đời sau có thêm động lực và tự tin cho các
hành trình của mình. Theo nghiên cứu của Thompson (2011) nhà sử học Lionel
Casson cho rằng Wenamon, một mục sư người Ai Cập là người “có bản tường
thuật chi tiết sớm nhất về một chuyến đi đã từng tồn tại” (Dẫn theo Nguyễn Hữu
Lễ, 2018:41). Đó là chuyến đi từ Thebes đến Labanon để mua lại ngôi đền bằng gỗ
tuyết tùng vào năm 1130TCN. Chuyến hồi hương đầy gian nan của Ulysses 14 trong
tác phẩm Odyssey được Homer mô tả vào khoảng năm 700 TCN có thể được coi là
một tác phẩm thuộc thể loại du kí thành công bậc nhất của mọi thời đại.
Việc “du lịch” (theo nghĩa sơ khai ban đầu của từ này) về những vùng miền
xa xôi gặp trở ngại lớn là “lữ khách” phải mang theo một lượng lớn hàng hóa, thức
ăn để sử dụng trong chuyến đi. Những vật dụng được mang theo để đổi lấy thức
ăn, đồ uống trong các chuyến đi xa, tuy thuận tiện hơn song vẫn khá cồng kềnh,
nặng nề và nhiều khi không phù hợp với nhu cầu của người hoán đổi. Ý tưởng tìm
một vật có khả năng trao đổi đa năng hơn đã thôi thúc con người sáng tạo ra một
vật hoán đổi trung gian, đó là tiền. Không biết chắc chắn ai là người đầu tiên nghĩ
ra công cụ để trao đổi này, nhưng các nhà sử học tin rằng các vật thể kim loại lần
đầu tiên được sử dụng như tiền vào khoảng 5000 năm TCN. David Graeber cho
rằng, khoảng năm 700 TCN, người Lydia là người đầu tiên ở phương Tây sáng tạo
ra tiền15. Theo các tác giả của đề tài “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình
thành và phát triển”, đồng tiền đầu tiên của nhà nước Việt Nam là đồng tiền Thái
Bình Hưng Bảo do vua Đinh Tiên Hoàng cho đúc và lưu hành 16. Với đồng tiền xu,

13
Xem lại chú thích ở trên.
14
Ulysses là tên mà người La Mã gọi Odysseus, một anh hùng Hy Lạp.
15
David.Graeber:.Debt:.The.First.5000.Years,.Melville.2011.Cf..http://www.socialtextjournal.org/reviews/2011/10/
review-of-david-graebers-debt.php
16
https://thoibaonganhang.vn/lich-su-dong-tien-viet-nam-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-114031.html

14
sau này là tiền giấy17, con người đã được đảm bảo cho các chuyến hành trình xa
nhà lâu ngày hơn.
Đường thủy là một trong những tuyến giao thông được sử dụng lâu đời nhất.
Có lẽ chính vì vậy mà trong tiếng Hán, chữ du (游) có nghĩa là đi có bộ chấm thủy
( 氵 ). Trên mặt nước, loài người sáng chế ra nhiều phương tiện vận chuyển khác
nhau. Một trong những phương tiện “hiện đại” nhất thời cổ đại là thuyền buồm.
Thuyền buồm là một loại thuyền chạy bằng sức gió nhờ vào một bộ phận gọi là
buồm. Tim Limbert cho rằng, khoảng năm 3.100 TCN, người Ai Cập đã sáng tạo
ra thuyền buồm. Chúng được làm bằng những bó sậy và bằng giấy cói gắn liền với
nhau. Vật liệu chính của những cánh buồm vuông đơn giản là giấy cói và sau đó là
vải lanh. Tuy nhiên, khi chưa có bánh lái, buồm chỉ có thể đưa thuyền đi theo chiều
gió.
Để đảm bảo cho tàu thuyền ngoài khơi ven biển không va phải các dải đá
ngầm ven bờ, người xưa đã đốt đuốc chạy dọc bờ biển để cảnh báo. Việc này là cội
nguồn của sáng kiến xây dựng các hải đăng ven bờ và trên các đảo. Theo Elinor
Dewire and Dolores Reyes-Pergioudakis (2010), nhà thần học Palamedes ở
Nafplio là người đầu tiên sáng tạo ra hải đăng, mặc dù ngọn hải đăng đầu tiên của
loài người ở Alexandria là do kiến trúc sư Sostratus ở Cnidus thiết kế và thi công
dưới thời vua Ptolemy I, khánh thành khoảng năm 283 TCN dưới thời vua Ptolemy
II. (vẫn theo Tim Lambert, 2020).
Bên cạnh hải đăng, một công cụ không thể thiếu được trong hàng hải là
chiếc la bàn. Lowrie, William (2007) nhận định rằng, chiếc la bàn đầu tiên do
người Trung Quốc sáng chế vào thời nhà Hán, khoảng từ năm 200 đến năm 300.
Trên đất liền, tuyến “đường ray” đầu tiên là con đường Diolkos được xây
dựng vào thế kỷ thứ VI TCN, dài 6,4 km dùng để chuyển các thuyền qua eo
đất Corinth ở Hy Lạp. Những con tàu nằm trên các xe chở do nô lệ hoặc súc vật
kéo. Nền con đường là đá vôi, có hai rãnh song song để bánh xe lăn trong đó một
cách dễ dàng. Con đường Diolkos này được sử dụng trong hơn 1.300 năm cho đến
giữa Thiên niên kỷ thứ nhất. Những xe goòng kéo bằng ngựa trên các nền đá đầu
17
Ở Mesopotamia cổ đại người ta đã sử dụng draft (một loại giấy tờ bảo đảm cho thóc lúa dự trữ trong kho) trong
thanh toán như tiền. Ở Hy Lạp, đơn vị tiền giấy cổ xưa được sử dụng là drachma (xuất phát từ drama = 1 kg thóc).
Ở Nhật Bản thời phong kiến cổ, đồng tiền giấy lấy cơ sở là lúa gạo của 1 năm bằng 1 koku. Người Ai Cập cũng đã
sử dụng tiền giấy vào thế kỷ 1 TCN. Ở Trung Quốc, tiền giấy được sử dụng từ thế kỷ VII dưới triều đại nhà Đường.
Khi ấy hệ thống tiền tệ chính của Trung Quốc vẫn là tiền xu tròn lỗ vuông và tiền vàng, bạc. Xuất phát từ hoạt động
của các hiệu cầm đồ, kim hoàn nhận giữ tiền hộ khách hàng, người ta nghĩ ra cách thanh toán bằng những tờ giấy
chứng nhận gửi tiền để dễ vận chuyển và an toàn trong sử dụng. Tiền ngày ấy được gọi là "phi tệ" vì nó nhẹ. Đến thế
kỷ X, tiền giấy Trung Quốc đã được sử dụng rất rộng rãi và đã có một hệ thống thanh toán ngân hàng khá hoàn
chỉnh. Tiền giấy đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào thời nhà Hồ (năm 1396). Mặc dù đây là một bước tiến trong lĩnh
vực tài chính ngân hàng thời đó, song quyết sách này chỉ được triển khai trong một thời gian ngắn. (Tác giả sưu tầm)

15
tiên xuất hiện ở Hy Lạp, Malta và các vùng thuộc Đế quốc La Mã ít nhất là 2.000
năm trước18.
Vào thời kỳ cổ đại, các loại hình du lịch phổ biến là du lịch buôn bán, du
lịch tôn giáo, du lịch thể thao, du lịch giải trí và du lịch chữa bệnh.
Ngay trong thời kỳ này, mặc dù hoạt động du lịch chủ yếu được nhìn nhận
như một hiện tượng xã hội, song trong các chuyến đi đó đã xuất hiện các hoạt động
trao đổi, mua bán, nhất là khi các loại tiền tệ ra đời. Lúc đầu, việc trao đổi dựa trên
nhu cầu của chuyến đi, nhưng về sau, thấy được sự chênh lệch giá cả giữa các
vùng miền, một số “khách du lịch” đã trở thành thương gia hoạt động trên hành
trình của mình.
Vào buổi bình minh của loài người, nhiều tôn giáo đã xuất hiện. Tôn giáo
nào cũng tin rằng tôn giáo của mình là chính đạo, tôn giáo khác là tà đạo. Các tu sĩ
thực hiện nhiều chuyến đi về các vùng miền khác nhau đề truyền đạo theo sứ mạng
của họ. Bên cạnh đó, hiện tượng hành hương bột phát của các tín đồ về các miền
đất thánh dần dần trở thành những trào lưu phổ biến trong mọi tôn giáo.
Năm 776 TCN, một hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức ở vùng đất
thánh Olympia, Hy Lạp. Kể từ đó đến năm 393TCN, hoạt động thi đấu thể thao
này đã thu hút mọi người từ các miền đất khác đến tham dự và cổ vũ. Có thể coi
đây là loại hình du lịch thể thao đầu tiên của loài người.
Trong giai đoạn này, loại hình du lịch nghỉ dưỡng thường là đặc quyền của
những người thuộc tầng lớp trên của xã hội như vua chúa, quan lại, chủ nô, các nhà
buôn ... Điểm đến của họ là những nơi có các điểm nước khoáng hay các miền có
khí hậu ôn hòa, mát mẻ.
Do nền y học thời kỳ này còn khá hạn chế, khi bị đau ốm, người ta đưa
người bệnh đến các thày phù thủy để chữa chạy. Một trong những điểm “du lịch
chữa bệnh” linh thiêng thu hút rất nhiều “khách du lịch chữa bệnh” thời kỳ cổ đại
là đền Asclepius19 tại Epidaurus. Người ta tin tưởng rằng, các thầy tu ở thánh địa
này, bằng pháp thuật của mình, có khả năng chữa được rất nhiều bệnh tật, kể cả
các bệnh nam y (Sharpley, 1999).
1.2.1.2. Thời kỳ trung đại
Sự suy sụp của đế quốc La Mã cổ đại vào khoảng thế kỷ thứ V sau công
nguyên đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của du lịch. Trong gần 1000 năm

18
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%ADn_t%E1%BA%A3i_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_s%E1%BA%AFt
19
Con của thần Apollo, tức cháu của thần Zeus theo thần thoại Hy Lạp. Asclepius đã học được ở cha mình các pháp
thuật chữa bệnh.

16
sau đó, thế giới bước vào thời kỳ đen tối, hệ thống hạ tầng xuống cấp, việc đi lại
trở nên khó khăn hơn. Mặc dầu vậy, thời kỳ này cũng ghi nhận một số chuyến di
chuyển đường dài của cư dân vùng biển Thái Bình Dương. Đáng ngạc nhiên hơn
cả là chuyến đi của người Polynesia từ quần đảo Marquesa, hay còn có tên là quần
đảo Society20 vượt trên 2.000 hải lý đến Hawai21 vào năm 500 (Charles R.
Goeldner, J.R. Brent Ritchie, 2012:35).
Nối tiếp các giai đoạn trước, du lịch hành hương thời kỳ này vẫn duy trì
được sự phát triển do tính chất đặc biệt của loại hình này. Các quán trọ, quán ăn,
quầy bán đồ tế lễ… dọc theo các con đường hành hương được hình thành không
phải vì mục đích kinh tế mà chủ yếu vì mục đích tôn giáo, thông qua sự hỗ trợ của
họ cho khách hành hương. Xuất hiện những “hướng dẫn viên” chuyên giúp đỡ, chỉ
đường cho lữ khách, đặc biệt là ở những thánh địa.
Nếu như trong đêm trường trung cổ, hoạt động du lịch bị hạn chế rất nhiều thì
bước sang kỷ nguyên ánh sáng, du lịch dường như bắt đầu được cởi trói. Các chuyến
du lịch có lộ trình ngày càng xa hơn, thời gian của các chuyến đi ngày càng lâu hơn
trước. Nhiều miền đất mới được con người biết đến hơn. Nhu cầu khám phá và
chinh phục của con người được khuyến khích, tài trợ bởi các vương quyền. Muộn
hơn một chút trong thời kỳ này là các chuyến “du học” có tên là “chuyến đi lớn”
(Grand tour). Đây là một phong trào đi về các trung tâm văn hóa lớn của thế giới
như Roma, Bologna22, Firenze23, Millano24… Nguồn gốc của các chuyến đi lớn này
là kết quả của một cuộc cải cách giáo dục trong thời kỳ nữ hoàng Elizabeth 25
(Brendon 1991:10). “Chuyến đi lớn” đã trở thành một phần không thể thiếu trong
chương trình học tập của con cái các gia đình thượng lưu. Có thể coi những chuyến
đi lớn này như là “tiền thân” của loại hình du lịch học tập hay gọi là du học (study
tour) ngày nay. Sau này, các địa điểm “du học” mở rộng dần đến các trung tâm văn
hóa lớn khác trên thế giới như Paris, London, Amsterdam …Thời gian của một
chuyến đi như vậy thường kéo dài khoảng 3 năm. Một trong những nhiệm vụ quan
trọng của chuyến đi là ghi chép những gì thấy được trên đường đi, những kiến thức
học được tại nơi đến. Phong trào “chuyến đi lớn” kéo dài đến thế kỷ XVIII và mục
đích của nó không còn chỉ bó hẹp ở một chuyến “du học” ban đầu mà đã mở rộng
thành các chuyến trải nghiệm thực tế, nghỉ ngơi, thư giãn và “du lịch” như nghĩa của
20
có tọa độ khoảng 16040’VN-151022’KT (tác giả định vị trên google map)
21
có tọa độ khoảng 19039’VN -155030’KT (tác giả định vị trên google map)
22
đã từng là một trong những thành phố đại học lớn trên thế giới với nhiều ngành đào tạo khác nhau như lịch sử, văn
hóa, công nghệ và thực phẩm
23
Florence-thành phố Phục hưng nổi tiếng với kiến trúc nghệ thuật ảnh hưởng khắp thể giới.
24
Milan-một trong những thành phố thời trang chính của thế giới, một trung tâm thương mại lớn của Italia.
25
Nữ vương của Vương quốc Anh và Ireland từ 1559 đến 1603

17
từ này ngày hôm nay. Thời gian của chuyến đi cũng rút ngắn hơn, từ vài ba năm
xuống còn vài ba tháng, thậm chí vài ba tuần và hầu hết là dưới một năm (Charles
R. Goeldner, J.R. Brent Ritchie (2012)
Bên cạnh các “chuyến đi lớn” vì mục đích học tập, trải nghiệm, các chuyến
viễn du khám phá các vùng đất mới cũng là một đặc trưng của du lịch thời kỳ trung
đại. Dưới đây là một số chuyến viễn du nổi tiếng nhất, có ý nghĩa lớn đến sự phát
triển du lịch trong giai đoạn này. Đó là chuyến đi của Marco Polo, Cristóbal Colón,
Vasco da Gamma, Fernão de Magalhães.
Chuyến đi của Marco Polo đến Đế quốc Mông Cổ với triệu điều kỳ lạ.
Marco Polo là con của một nhà buôn lớn ở Venezia 26. Vào năm 1271, ông
theo cha là Niccolò và chú là Maffeo sang Trung Quốc trong một chuyến đi buôn
(Edward Peters, Fosco Maraini, 2018). Theo Charles R. Goeldner, J.R. Brent
Ritchie (2012) hành trình sang Trung Quốc của ông đi qua rất nhiều miền đất khác
nhau như Ba Tư, Tây Tạng, Sa mạc Gobi, Miến Điện, Xiêm, Java, Sumatra, Ấn
Độ, Tích Lan27, Bắc Siberia và những nơi khác. Khi đến sông Volga, địa phận phía
tây của Đế quốc Mông Cổ, ba người dòng họ Polo đã được gặp lại Đại Khả Hãn 28
Hốt Tất Liệt29. Gia đình Polo đã trở thành sứ giả kết nối Hốt Tất Liệt với Đức Giáo
hoàng, người từng là bạn thân của gia đình họ. Sau này, khi sang đến Trung Hoa,
Marco Polo được Đại Khả Hãn tin dùng. Ông được giao đi kiểm tra các miền đất
của đế chế. Những chuyến đi này đã để lại cho Marco Polo nhiều hiểu biết và trải
nghiệm. Ông đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong suốt 25 năm chu du
cho người bạn tù là Rustichello da Pisa, một nhà văn nổi tiếng cùng thời. Dựa trên
cứ liệu đó, Rustichello da Pisa đã cho ra đời tác phẩm có tên là “Il milione” (Triệu
điều kỳ lạ) hay còn gọi là “Marco Polo phiêu lưu kí”. Có thể nói rằng bộ du kí
“Triệu điều kỳ lạ” có tầm quan trọng lớn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch thời
kỳ Trung đại. Đúng với tên gọi của nó, Marco Polo kể về rất nhiều điều kỳ lạ mà
ông đã mắt thấy tai nghe ở xứ sở phương Đông xa xôi. Theo nhà văn Anh Wellce,
bộ sách này đã làm bùng cháy óc tưởng tượng của tri thức châu Âu, thúc đẩy các
chuyến khám phá tiếp theo như tìm đường sang Ấn Độ, tìm ra châu Mỹ, giúp giao
lưu Tây Đông có một sự chuyển biến mới. Thép Mới (1989) 30 cho rằng, khi trở về
bằng đường thủy, Marco Polo đã ghé qua Côn Đảo, song trên thực tế, điểm ông đã
cập bờ chính là Hội An, một cảng ghé qua (port of call) được chọn làm điểm dừng
trên hành trình của nhiều tàu buôn kết nối giữa các nước ở Đông Bắc Á với các
nước Ả Rập và châu Âu.
26
Venice, Italy
27
Ceylon tức Sri Lanka
28
Hãn là người cầm đầu, tương đương ngai vị vua. Đại Hãn hay Đại Khả Hãn có nghĩa là vua của các vị vua.
29
Đại Khả Hãn thứ 5 của đế quốc Mông Cổ (1260-1294)
30
Một nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam, chuyên viết về đề tài chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam, tên
thật là Hà Văn Lộc (1925-1991)

18
Những hành trình đi sang phía Tây để đến Phương Đông của Cristoforo
Colombo31
Dựa vào nhận định của Pythagoras32, vào thế kỷ thứ II, Ptolemaeus33, đã vẽ
atlas thế giới, trên đó mô tả Trái Đất có dạng hình cầu. Trên cơ sở đó, Cristoforo
Colombo, nhà hàng hải xứ Genoa, đã đề xuất một phương án táo bạo là đi về phía
tây để sang Phương Đông. Tuy nhiên, đề xuất của ông không được vua Bồ Đào
Nha chấp thuận vì cho rằng nó quá viển vông. Sau này, được sự ủng hộ và giới
thiệu nhiệt tình của giới tu sĩ và quan lại, ông đã được vua Tây Ban Nha bảo trợ để
thực hiện ý tưởng của mình (Pao-lo E-mi-li-o Ta-vi-a-ni, 1992)
Tháng 10 năm 1492, Colombo cùng thủy thủ đoàn đã đặt chân đến đảo
Guanahani (Edward Everett Hale.; Roxbury, Mass., 1891), mảnh đất đầu tiên thuộc
châu Mỹ mà cả đoàn tưởng là đất nước Ấn Độ. Đây là lý do tại sao người thổ dân
da đỏ châu Mỹ được gọi là người Indian, giống như “người Ấn Độ”. Vùng đất này
được ông đặt tên là San Sanvador. Đó chính là một hòn đảo thuộc vùng Bahamas
nổi tiếng ngày nay. Ở đây Colombo còn khám phá thêm các đảo Cuba và đảo
Haiti. Sau này, Colombo còn thực hiện ba chuyến thám hiểm nữa vào các
năm 1493, 1498 và 1502. Ông cùng thủy thủ đoàn đã khám phá ra hầu hết các đảo
trên quần đảo Angtigua và cả bờ biển Trung Mỹ. Đến tận cuối đời Colombo vẫn
cho rằng các chuyến đi của ông đã khám phá phía đông của châu Á. Ông qua đời
năm 1506 tại Valladolid, Tây Ban Nha.
Khám phá đường sang Ấn Độ theo ven biển châu Phi của Vasco da Gama
Khác với ý tưởng của Colombo, Vasco da Gama thực hiện việc đi biển sang
Ấn Độ bằng cách đi xuống phía nam quanh lục địa Phi. Trước đó, đã từng có một
số tàu của người Bồ Đào Nha đi qua Mũi Hảo Vọng, được coi là mỏm cực nam
của châu Phi34. Tháng 7 năm 1497, Vasco da Gama trực tiếp chỉ huy một trong bốn
tàu của đoàn thám hiểm, xuất phát từ Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, tìm đường sang
Ấn Độ. Khi đi dọc theo bờ phía tây châu Phi, đoàn thuyền bị bão thổi xa về tây tới
lục địa Nam Mỹ. Trong tác phẩm “Vasco da Gama và con đường biển đến Ấn Độ”,
Koestler-Grack, Rachel A. (2006) đã mô tả sự phiêu lưu, vất vả gian nan của thủy

31
Tiếng Italia, tiếng Anh là Christopher Columbus, tiếng Bồ Đào Nha là Cristóbal Colón
32
Pythagoras (khoảng năm 580-490 TCN) nhà triết học, nhà toán học vĩ đại người Hy Lạp.
33
Claudius Ptolemaeus (khoảng năm 100-178) nhà bác học Hy Lạp xuất xứ từ Tebaida, học và làm việc
tại Alexandria. Ông viết nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực toán học, thiên văn học, địa lý và nhạc.
34
Thực chất mỏm cực nam của châu Phi là Mũi Point, có tọa độ 34 021’24” và 48029’51”, cách Mũi Hảo Vọng
khoảng 1km (tác giả định vị trên google earth)

19
thủ đoàn trong chuyến đi. Koestler-Grack, Rachel A., cũng cho thấy, đoàn thám
hiểm của Vasco da Gama được thổ dân nhiệt tình đón tiếp tại nhiều điểm dừng
chân ven biển như Mossel, Quelimane River, Malindi (Kenya), Calicut … Tuy
nhiên, đoàn cũng gặp không ít rắc rối với cư dân bản địa, như đã bị thổ dân đánh
đuổi ra khơi.khi ông cho dựng cột đá trên bờ biển để đánh dấu sự có mặt của mình
tại đây. Cuối cùng, sau 9 tháng lênh đênh vất vả tìm đường, Vasco da Gama cùng
thủy thủ đoàn đã đặt chân đến Kappadu gần Kozhikode (Calicut) của Ấn Độ. Đối
với Bồ Đào Nha lúc đó, giá trị kinh tế của chuyến đi đó rất lớn, theo wikipedia 35
cuộc thám hiểm của Da Gama đã thành công ngoài mong đợi, mang lại hàng hóa
có giá trị gấp sáu mươi lần chi phí của cuộc thám hiểm. Quan trọng hơn cả, chuyến
đi đã tạo lập cho Bồ Đào Nha một vị thế lớn ở khu vực ven biển châu Phi, đặc biệt
là ven biển phía đông, nơi hầu như chưa có người châu Âu đặt chân đến.
Chuyến đi vòng quanh thế giới của Fernão de Magalhães 36 và Juan
Sebastián Elcano
Vào thế kỷ XV-XVI, các loại gia vị, những thứ chưa hề có ở các nước châu
Âu như nhục đậu khấu37, đinh hương, hạt tiêu là những hàng hóa có giá trị bậc nhất
trong nền kinh tế của các quốc gia, có thể nói chúng có giá trị tương đương với dầu
mỏ của thế kỷ XX. Người phương Tây phát hiện ra rằng, ở phương Đông xa xôi có
những vùng đất rất tiềm tàng về các mặt hàng quý giá này. Một trong những địa
danh nổi tiếng lúc đó là Quần đảo Malucu mà người phương Tây gọi là Quần đảo
Gia vị (Spice Islands)38, một tên gọi hấp dẫn đối với người châu Âu. Magalhães,
nguyên là một công dân Bồ Đào Nha, sau nhiều lần đề xuất ý tưởng “đi về đằng
tây để sang Phương Đông” không thành công, ông đã từ bỏ quốc tịch của mình để
xin nhập quốc tịch Tây Ban Nha. Vào đầu năm1518, Magalhães đã được gặp vị
vua trẻ 17 tuổi của Tây Ban Nha là Charles. Magalhães đã thuyết phục được vị vua
này cho thực hiện ý tưởng của mình với sự đảm bảo chắc chắn về lợi ích có được
sau chuyến đi. Tháng 8 năm 1519, 270 người trên 5 chiếc tàu đã bắt đầu rời cửa
sông Guadalquivir tiến ra biển rộng, đánh dấu sự khởi đầu của một chuyến viễn du
vòng quanh thế giới được coi là đầu tiên của loài người. Tháng 2 năm 1521, sau 80
ngày đêm đi từ Nam Mỹ, Magalhães và thủy thủ đoàn đã nhìn thấy hai hòn đảo, đó
là đảo Guam và đảo Rota, nằm ở phía đông của Philippines, hai hòn đảo có vị trí

35
https://en.wikipedia.org/wiki/Vasco_da_Gama truy cập ngày 28/11/2020
36
Tiếng Anh là Ferdinand Magellan
37
Tiếng Anh là Nutmeg, một loại gia vị có mùi thơm cay nồng đặc trưng và vị hơi ngọt ấm; ngày nay nó được sử
dụng để tạo hương vị cho nhiều loại bánh nướng, bánh kẹo, khoai tây, thịt, xúc xích, nước sốt, rau, và các loại đồ
uống.
38
Quần đảo Maluka, ngày nay là một đơn vị hành chính của Indonesia, nằm phía đông của nước này và trên cùng
kinh tuyến với Philippines

20
chiến lược ở Thái Bình Dương. Sau đó, đoàn thuyền của ông đã tiến về các hòn
đảo thuộc Philippines. Magalhães đã thuyết phục được nhiều chúa đảo gia nhập
đạo Kito, nhưng không may, trong trận chiến đấu cư dân với đảo Mactan năm
1521, Magalhães đã bị giết chết. Theo Samuel Willard Crompton (2006), những
giây phút chiến đấu cuối cùng của đời ông đã được một người đồng hành người
Italia là Antonio Pigafetta ghi lại thể hiện sự kiên cường, dũng cảm của Magalhães
(trang 111). Sau ba năm kể từ lúc khởi hành, Juan Sebastián Elcano cùng gần 40
thủy thủ đã đưa con tàu Victoria, một trong 5 chiếc tàu về đến Tây Ban Nha với 26
tấn gia vị. Lúc đó Elcano đã được ca ngợi và nhận được rất nhiều tiền thưởng,
trong khi đó Magalhães hầu như đã bị lãng quên! Nhiều năm sau, Antonio
Pigafetta một người biết và rất yêu quý Magellan đã chứng minh cho cả thế giới về
công lao to lớn của của Magalhães đối với sự thành công của chuyến đi vòng
quanh Trái đất đầu tiên này (Samuel Willard Crompton, 2006:125)
Ý nghĩa cơ bản của các chuyến đi đối với sự phát triển du lịch thể hiện ở hai
khía cạnh chủ yếu là giới thiệu về những vùng đất mới, kích thích nhu cầu du lịch
và để lại trải nghiệm, kinh nghiệm về các chuyến đi cho những lữ khách sau này.
Những thành tựu lớn về giao thông vận tải trong thời kỳ trung đại
Về phương tiện giao thông vận tải, trong thời kỳ này cũng có một số thành
tựu đáng kể. Sau sự sụp đổ của Rome, hệ thống giao thông đã bị hủy hoại nghiêm
trọng. Những người giàu có đôi khi đi du lịch trong những thùng xe ngựa kéo, tuy
đỡ vất vả hơn đi bộ hay cưỡi ngựa, song cũng khá mệt mỏi vì “xe” rất xóc.
Ngay trong thời kì cổ đại cũng đã có một số sáng chế hữu ích góp phần phát
triển giao thông vận tải như la bàn, bánh lái tàu, tàu hai ba cột buồm. Vào thế kỷ
XXII, người châu Âu đã biết sử dụng la bàn cho việc định hướng đường đi của
mình, tuy nhiên, Tim Lambert (2020) cho rằng, người Trung Quốc đã chế tạo ra la
bàn và bánh lái trước người châu Âu hàng thế kỷ. Bánh lái làm cho tàu dễ xoay hơn
nhiều. Hơn nữa, việc đóng tàu thời trung cổ đã trở nên tiên tiến hơn rất nhiều và đến
thế kỷ XIII, các con tàu đã được chế tạo với ba cột buồm.
Vào giai đoạn cuối của thời kỳ này, những cải tiến trong giao thông đường
bộ đã bắt đầu phát triển mạnh. Từ chỗ xe một ngựa kéo, nhiều xe đã có hai đến bốn
ngựa kéo, nhíp xe xuất hiện góp phần rất lớn trong việc giảm độ sóc của xe. Nhiều
nơi chính quyền địa phương đã bắt người dân phải thường xuyên xây dựng, sửa
sang đường sá, cho phép thu tiền khi khách qua đường để lấy kinh phi tu bổ, cải
tạo nâng cao chất lượng đường. Xe ngựa chở khách ra đời đã hình thành các tuyến
“xe khách” chuyên chở hành khách giữa các đô thị lớn, việc này đã làm cho hoạt
động du lịch gia tăng đáng kể.

21
1.2.1.3. Thời kỳ cận đại
Có thể nói, thời kỳ cận đại là thời kỳ của nhiều sáng chế có giá trị góp phần đưa
giao thông vận tải của loài người bước sang một kỷ nguyên phát triển mới. Một sự
kiện có giá trị to lớn, làm tiền đề cho cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sáng chế
thành công ra động cơ hơi nước liên tục đầu tiên trên thế giới của James Watt 39 năm
1776 trên cơ sở động cơ do Thomas Newcomen sáng chế từ năm 1712. Thiết bị này
đã được áp dụng nhanh chóng, trở thành động cơ để vận hành các phương tiện giao
thông thời kỳ đó, trước hết là tàu thủy. Nhờ có động cơ hơi nước mà các tàu thuyền có
thể đi xa hơn, chở được nhiều hành khách và hàng hóa hơn, đi được về bất cứ phương
hướng nào, không còn lệ thuộc vào chiều gió, mùa gió như trước. Do vậy các chuyến
đi trở nên an toàn hơn, tiện nghi hơn, thu hút nhiều hành khách tham gia hơn. Vào
thời kỳ Trung đại, các chuyến viễn du bằng thuyền với mục đích khám phá các vùng
đất mới vẫn được diễn ra, tuy không nhiều do thế giới hầu như đã được khám phá hết
từ các giai đoạn trước. Chuyến khảo sát khoa học và khám phá các miền đất nam Thái
Bình Dương và bắc Mỹ của James Cook là điển hình hơn cả.
Ba chuyến hải trình khám phá nam Thái Bình Dương của James Cook
Thuyền trưởng James Cook (1728 – 1779) là một nhà thám hiểm, nhà hàng
hải và người chuyên vẽ bản đồ người Anh. Sau khi được thăng lên chức thuyền
trưởng trong Hải quân Hoàng gia Anh, James Cook đã thực hiện ba chuyến hải
trình đến Thái Bình Dương, trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân đến bờ biển
phía đông của Australia. Ông cũng là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra quần
đảo Hawaii, đồng thời được ghi nhận là người đầu tiên đã đi vòng quanh New
Zealand.
Năm 1768, James Cook nhận nhiệm vụ chỉ huy một chuyến khảo sát khoa
học ở Thái Bình Dương. Mục đích của chuyến đi này là quan sát và ghi lại quá
trình vận động của Sao Kim. Năm 1772-1775, James Cook lại được giao nhiệm vụ
khám phá miền đất mới ở đông nam Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, ông
và thủy thủ đoàn gần như đã chạm tới châu Nam Cực vào đầu năm 1774. Năm
1778 James Cook thực hiện chuyến hải trình lần thứ ba và trong chuyến này ông là
người châu Âu đầu tiên bắt liên lạc chính thức với thổ dân Quần đảo Hawaii 40. Ông
cũng đã vẽ một cách đầy đủ các đường bờ biển thuộc Alaska. Năm 1779, trong khi
va chạm với Vua Hawaii, ông đã bị thổ dân ở đây giết chết. (Williams, Glyn,
2012).

39
https://vi.wikipedia.org/wiki/James_Watt
40
https://en.wikipedia.org/wiki/James_Cook

22
Sự phát triển của phương tiện giao thông vận tải
Năm 1811, nhà sáng chế người Anh John Blenkinsop đã thiết kế thành công
đầu tàu hơi nước đầu tiên trên thế giới 41. Đến năm 1814, một kỹ sư người Anh
khác là George Stephenson đã chế tạo thành công xe lửa chạy bằng hơi nước.
Stephenson đã được suy tôn là "Cha đẻ của đầu máy xe lửa" . Tuyến đường sắt nối
Middleton Colliery và Leeds ở Anh là tuyến đầu tiên trên thế giới sử dụng đầu máy
hơi nước cho mục đích thương mại. Thành công đó đã mang đến khả năng chuyên
chở một khối lượng hàng hóa lớn với chi phí thấp, giúp cho ngành đường sắt phát
triển rất nhanh chóng trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Năm
1830, tuyến đường sắt nối giữa Liverpool và Manchester hoàn thành đã trở thành
tuyến đường sắt kết nối giữa hai thành phố đầu tiên trên thế giới. Mẫu đầu tàu sử
dụng trên tuyến đường sắt này được thiết kế bởi George Stephenson mang tên
Rocket đã trở thành mẫu đầu máy nổi tiếng trên thế giới. Thành công của tuyến
đường này đã chứng minh tính hiện thực của phương thức vận tải mới. Đường sắt
nhanh chóng được xây dựng trên khắp nước Anh và nhiều nước trên thế giới, đặc
biệt là các nước thuộc địa của Anh. Đây là phương tiện vận chuyển đường bộ
thống trị gần một thế kỷ cho đến khi máy bay và ô tô ra đời.
Năm 1885, một kỹ sư người Đức đã chế tạo ra thiết bị tự biết đi 42 đầu tiên
của loài người. Từ này đã được Việt hoá thành ô tô. Do tính tiện ích của nó, chỉ
năm năm sau, ngành công nghiệp ô tô đã ra đời và nhanh chóng trở thành ngành
công nghiệp hàng đầu thế giới.
Thomas Cook, ông tổ của ngành lữ hành
Tuy hoạt động du lịch như một hiện tượng xã hội đã có từ rất xa xưa, việc
phục vụ khách du lịch cũng đã xuất hiện rất sớm, song du lịch chính thức được coi
là một ngành kinh doanh phục vụ sự đi lại của hành khách chỉ được tính từ khi
Thomas Cook lập ra hãng lữ hành đầu tiên trên thế giới. Do vậy ông được suy tôn
là ông tổ của ngành lữ hành. Sau khi tổ chức thành công chuyến đi cho 570 hội
viên hội chống nghiện rượu bằng xe lửa năm 1841, Thomas Cook đã nảy ra sáng
kiến thành lập một tổ chức chuyên phục vụ các chuyến đi của hành khách vào năm
1842 mà ông gọi là “hãng lữ hành” (travel agency). Theo thời gian, các dịch vụ
phục vụ cho khách du lịch không chỉ dừng lại ở các dịch vụ tổ chức vận chuyển, tổ
chức lưu trú, ăn uống mà còn có nhiều dịch vụ khác như dịch vụ thuyết minh,
hướng dẫn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ bảo hiểm ... Để tạo điều kiện thuận
lợi và an toàn cho du khách, Thomas Cook đã cho phát hành một loại giấy đảm bảo
thay tiền, gọi là séc du lịch. Với nhiều cách thức tổ chức linh hoạt, hãng lữ hành
Thomas Cook và các con đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong du lịch. Du lịch

41
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%ADn_t%E1%BA%A3i_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_s%E1%BA%AFt
42
Auto-mobile

23
không còn là đặc quyền của các tầng lớp trên của xã hội mà đã dần dần trở thành
cơ hội cho mọi người dân.
Rất tiếc là sau 177 năm tồn tại và phát triển, Tập đoàn Thomas Cook và các
con, một tượng đài về kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng và vận chuyển, có hàng
ngàn cơ sở lưu trú trên khắp thế giới, có hãng hàng không mang tên Thomas Cook,
có 21.000 nhân viên, phục vụ khoảng 19 triệu người mỗi năm, đạt doanh thu 12 tỷ
USD năm 2018, đã phải tuyến bố phá sản vào ngày 23/9/201943.
1.2.2. Lịch sử phát triển du lịch ở Việt Nam
1.2.2.1. Tiền đề cho phát triển du lịch
Tài nguyên du lịch của Việt Nam khá phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Về
mặt địa hình, Việt Nam có diện tích trên đất liền khá lớn (331.231 km 2)44 cùng với
khoảng 1 triệu km2 vùng biển nên có nhiều kiểu địa hình khác nhau, từ địa hình núi
cao đến địa hình đồng bằng ven sông, ven biển, địa hình biển đảo. Ba phần tư diện
tích đất nước là đồi núi với nhiều cảnh quan ngoạn mục. Theo Lê Bá Thảo (2001)
và Vũ Tự Lập (2014), từ vĩ tuyến 16 trở ra phía Bắc có nhiều khu vực có núi đá vôi
với nhiều hang động karst kỳ ảo. Phía đông là các địa hình đồng bằng ven biển,
phần tiếp giáp biển thường thấy các hệ sinh thái đất ngập nước, các cảnh quan biển
được tạo nên bởi nhiều hòn đảo rất hấp dẫn khách du lịch. Do hình thể đất nước
nằm trải dài theo hướng kinh tuyến nên khí hậu ở Việt Nam có sự phân dị theo quy
luật địa đới giữa các vùng khá rõ rệt. Theo Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc (1993),
phía Bắc có kiểu khí hậu cận nhiệt đới ẩm với sự phân hóa bốn mùa Xuân, Hạ, Thu
Đông. Vùng Bắc Trung Bộ có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Nam Trung Bộ
và Nam Bộ có kiểu khí hậu nhiệt đới savan với hai mùa là mùa khô và mùa mưa.
Sự phức tạp của khí hậu là nguyên nhân tạo nên sự đa dạng và phong phú của các
loài động thực vật ở đây. Ở Việt Nam có khá nhiều hệ sinh thái như hệ sinh thái
trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh đầm
lầy than bùn, hệ sinh đầm phá, hệ sinh rạn san hô, hệ sinh thái biển… Hệ thống địa
hình, thủy văn đa dạng tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, hấp dẫn
khách du lịch trong và ngoài nước. Trên lãnh thổ nước ta có gần 100 triệu người
thuộc 54 tộc người anh em sinh sống. Không chỉ mỗi tộc người có một phong tục
tập quán riêng mà ở mỗi địa phương, những phong tục tập quán đó cũng có sự
khác nhau. Sự khác lạ về phong tục tập quán không phải là rào cản mà đã trở thành
nét đặc sắc hấp dẫn khách du lịch từ nơi khác đến để tìm hiểu, khám phá. Cùng với

43
https://vnexpress.net/cong-ty-lu-hanh-lau-doi-nhat-the-gioi-pha-san-3986101.html
44
Số liệu của Tổng cục Thống kê, được luật hoá theo Quyết định số 2311/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 9 năm 2017
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

24
đó, điều kiện thời tiết của Việt Nam không quá khắc nghiệt, khá thuận lợi cho các
hoạt động ngoài trời, cho nên có thể nói hoạt động du lịch ở nước ta có từ lâu đời.
1.2.2.2. Du lịch Việt Nam trước những năm 1960
Dưới thời phong kiến, những tao nhân mặc khách45, các sứ thần, các vị sư
sãi và các vị vua được coi là những người đi du lịch thường xuyên nhất. Các tao
nhân mặc khách đi du ngoạn là để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Cảnh đẹp đó
là nguồn cảm hứng để họ sáng tác các áng văn thơ xuất chúng về các địa danh, về
phong cảnh đất nước, về nhân tình, thế thái mà họ bắt gặp hay suy ngẫm trên con
đường du ngoạn của mình. Các sứ thần chủ yếu thực hiện các chuyến “du lịch công
vụ”. Chuyến đi của họ thường kéo dài 1 đến 2 năm. Nhưng cũng có chuyến đi dài
kỷ lục như chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí, kéo dài 18 năm, từ năm 1548 đến
năm 156646! Sứ thần thường là những người thông thái, hiểu biết rộng. Những tác
phẩm của họ để lại thường là mô tả cảnh sắc phương trời xa, tâm sự nhớ nhà, nhớ
cố hương. Với sứ mệnh của mình, các vị sư sãi chủ yếu thực hiện các tour du lịch
tôn giáo. Họ để lại dấu ấn ở các chùa chiền nơi họ từng vãn cảnh. Các vị vua
thường đi kinh lý, vi hành47. Nhiều vị vua có tài văn thơ nên cũng đã để lại cho đời
sau nhiều áng văn thơ hay về các danh lam thắng cảnh trên đường kinh lý. Nhiều
áng văn thơ đã được khắc trên đá ở ngay những danh lam thắng cảnh mà họ đã
từng đến viếng thăm.
Hoạt động du lịch trở nên rõ nét hơn vào đầu thế kỷ XX. Sau khi chiếm
được Việt Nam, chính quyền thuộc địa đã cử nhiều đoàn thám hiểm đi khảo sát và
tìm kiếm khắp Việt Nam những nơi có địa hình đẹp, có khí hậu phù hợp với việc
nghỉ dưỡng và du lịch. Qua các cuộc khảo sát đó, các nhà thám hiểm đã khám phá
ra nhiều địa danh du lịch lý tưởng như Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu
Sơn, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bạch Mã, Vũng Tầu, Ba Vì, và Hạ Long. Những địa danh
này nhanh chóng được người Pháp xây dựng thành những trung tâm du lịch (Trần
Viết Nghĩa, 2010). Nguyễn Thị Thanh Nga và Cao Nguyễn Khánh Huyền (2020)
đánh giá, du lịch ở nước ta đầu thế kỷ 20 “chỉ xuất hiện mờ nhạt trên bản đồ du
lịch trong khu vực” (trang 236). Theo Tổ chức và Phát triển Du lịch ở Đông
Dương48 (tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia) cả năm 1916, toàn Đông
Dương chỉ đón được 150 khách du lịch!
45
Đây là một từ cổ, chỉ giới trí thức xưa. “Tao nhân” là người thanh tao, người lịch sự, “mặc khách” là người dùng
bút mực, tức là người hay thơ văn
46
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Quang_B%C3%AD
47
Vi hành là từ cổ chỉ việc vua cải trang thành dân thường đi quan sát cuộc sống của người dân, hay đi trực tiếp tìm
hiểu sự thật về một vấn đề nào đó mà không cho ai biết về thân phận thật của mình. Ngày nay “vi hành” cũng chỉ
việc một nhân vật quan trọng giấu thận phận thật của mình đi trực tiếp tìm hiểu, điều tra để “mắt thấy, tai nghe” mọi
việc mà không qua các báo cáo do cấp dưới cung cấp.
48
TTLTQGI, RST, HSS 72710, Organisation et développement du tourisme en Indochine, 1914-1929.

25
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước tạm thời bị chia cắt. Hoạt động du
lịch có hai xu hướng khác nhau ở hai miền. Ở miền Nam, kinh doanh khách sạn và
lữ hành đã bắt đầu phát triển. Ở miền Bắc chủ yếu chỉ là các chuyến đi tham quan
tập thể của học sinh, sinh viên, các chuyến tham quan, nghỉ dưỡng của cán bộ,
công nhân, viên chức.
1.2.2.3. Giai đoạn 1960 đến 1990
Ngày 9/7/1960, Thủ tướng Chính   phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
đã kí Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc
Bộ Ngoại thương49. Nghị định chỉ rõ, Công ty Du lịch Việt Nam là một tổ chức
kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có nhiệm vụ:
- Đặt quan hệ và kí kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài để cho
khách nước ngoài vào du lịch ở nước Việt Nam hay khách nước Việt Nam ra du
lịch ở nước ngoài.
- Căn cứ các hợp đồng đã kí kết với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối
hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước để tổ chức cho khách nước ngoài
vào du lịch ở nước Việt Nam và tổ chức cho khách nước Việt Nam ra du lịch ở
nước ngoài.
- Tổ chức và quản lý những cơ sở và những phương tiện cần thiết để phục
khách du lịch.
Có thể nói, việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam năm1960 được coi là
dấu mốc son đánh dấu sự ra đời chính thức của ngành Du lịch Việt Nam. Năm
1963, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương đã ra quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam. Khi mới ra đời, Công ty Du lịch đầu tiên
của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn: chỉ có 9
khách sạn 152 buồng nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và
Quảng Ninh. Đội ngũ lao động ít ỏi về số lượng, chưa có kinh nghiệm về quản lý
và kinh doanh du lịch, hầu hết chưa được đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Nhưng với
trách nhiệm và lòng nhiệt tình và với truyền thống cần cù, ham học hỏi vốn có, 112
cán bộ nhân viên đầu tiên của Công ty đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ phục vụ
yêu cầu hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Về mặt ý nghĩa, tổ chức này
đặt nền móng cho sự ra đời của một ngành kinh tế mới mẻ của đất nước, ngành Du
lịch. Do vậy ngày 9/7 được coi là ngành truyền thống của ngành Du lịch Việt
Nam50
49
Nghị định số 26 CP ngày 09 tháng 7 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ quy định về việc thành lập Công ty Du
lịch Việt Nam.
50
https://vietnamtourism.gov.vn/index.php?cat=01108&itemid=556

26
Trước yêu cầu thực tế về sự phát triển của một ngành, ngày 18/8/1969, Hội
đồng Chính phủ đã ra Nghị định 145/CP chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam từ
Bộ Ngoại thương sang trực tiếp trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trong thời kỳ này, một
số khách sạn như Thống Nhất, Hòa Bình (Hà Nội) từ ngành Giao tế, Chuyên gia,
Nội thương được chuyển sang ngành Du lịch51. Bắt đầu hình thành mạng lưới các
công ty Du lịch ở một số địa phương như Công ty Du lịch thành phố Hồ Chí Minh,
Công ty Du lịch Huế, Công ty Du lịch Nha Trang... Ngoài ngành Du lịch thuộc các
nước Xã hội Chủ nghĩa, Du lịch Việt Nam đã bắt đầu có mối quan hệ với ngành
Du lịch của một số quốc gia khác như Pháp, Nhật Bản.
Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ném bom bắn phá ra phía
bắc sông Bến Hải. Miền Bắc nước ta bước vào gia đoạn “vừa có hòa bình, vừa có
chiến tranh”. Để đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn cho khách du lịch,
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 94TTg ngày 12/9/1969 giao cho Bộ
Công an quản lý ngành Du lịch. Để đáp ứng nhiệm vụ của ngành trong tình hình
mới, ngành Du lịch đã đầu tư, xây dựng một số tuyến điểm du lịch quan trọng,
thành lập Đội xe, Công ty Vật tư Du lịch và một số đơn vị chuyên môn khác
chuyên phục vụ các chuyên gia và khách nước ngoài. Để đáp ứng nguồn nhân lực
cho một ngành mới mẻ của đất nước, ngày 24/7/1972 trường Công nhân Khách sạn
Du lịch, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch đầu tiên của Việt Nam, nay là trường
Cao đẳng Du lịch Hà Nội, được thành lập.52
Trước năm 1980, đặc biệt là trước năm 1975, hầu hết khách quốc tế đến Việt
Nam là khách của Đảng, Chính phủ và chủ yếu đến từ các nước xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động phục vụ khách du lịch thời kỳ này được coi là nhiệm vụ của các doanh
nghiệp du lịch, hầu hết các nguồn lực đầu vào đều được bao cấp, khách được phục
vụ theo định suất, vấn đề về hiệu quả kinh doanh không được đặt ra. Tốc độ tăng
trưởng khách du lịch quốc tế trung bình hàng năm của giai đoạn 1960-1975 đạt
12,71%. Sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất 1976, Việt Nam gặp rất nhiều
khó khăn trong xây dựng phát triển đất nước. Khủng hoảng dầu mỏ 1973, nguồn
viện trợ từ các nước giảm mạnh, chính sách cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt
Nam, năng lực lãnh đạo kinh tế của nhiều cán bộ các cấp hạn chế, tư tưởng công
thần địa vị, cơ chế quan liêu bao cấp tồn tại trong công tác quản lý là những rào
cản chính làm trì trệ nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành Du lịch nói riêng. Tốc

51
Nghị định của Hội đồng Chính phủ về việc chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam sang cho Phủ Thủ tướng quản
lý, số 145 CP, ngày 18 tháng 8 năm 1969, Hà Nội
52
https://edu2review.com/danh-gia/truong-cao-dang-du-lich-ha-noi

27
độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế giai đoạn này đã giảm khá mạnh, chỉ
còn 2,18%.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ngành Du lịch đã
bắt đầu được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Ngày 27/6/1978, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 262/NQ-QHK6 phê chuẩn việc
thành lập Tổng cục Du lịch. Sau đó, ngày 23/01/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra
Nghị định số 32CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục
Du lịch. Sự ra đời của Tổng cục Du lịch đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong
phát triển ngành kinh tế đầy triển vọng này. Tuy nhiên, với rất nhiều lý do, du lịch
trong giai đoạn này vẫn chưa có những bước tiến đáng kể.
Bảng 1.1. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 1960-1990
Tốc độ tăng trưởng
Khách du lịch
Năm trung bình năm (đv:
(Đv: lượt người)
%)
1960 6.130  
1965 11.850 14,09
1970 18.160 8,91
1975 36.910 15,24
1980 41.110 2,18
1985 50.830 4,34
1990 250.000 37,52
Giai đoạn 1969-1990 13,16
Thành lập theo số liệu của Bộ Nội vụ 1979, Bộ Thương mại và Du lịch 1990 và Viện Nghiên
cứu và Phát triển Du lịch 1999 (theo Trần Đức Thanh 1999, trang 50, 52 và 56)

Sau những năm 80 của thế kỷ trước, tuy Đảng và Chính phủ đã có nhiều nỗ
lực để vực dậy nền kinh tế, song theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa V trình tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng,
chúng ta đã “phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây
dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”…
“chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ trì trệ”.. “Những sai lầm và khuyết
điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt
động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng”. Đường lối đổi mới do Đại
hội Đảng lần thứ VI đề ra và được tiếp tục phát triển tại Đại hội VII, VIII đã đánh
dấu một bước ngoặt quan trọng cho phát triển du lịch Việt Nam. Với chính sách
“Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì
hoà bình, độc lập và phát triển", cơ cấu khách du lịch quốc tế vào nước ta thay đổi
đáng kể. Ngày 17/9/1981, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ
chức Du lịch Thế giới, sau này là UNWTO thuộc Liên Hợp quốc. Bên cạnh thị
trường truyền thống là khách du lịch đến từ các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ba
Lan, Tiệp Khắc…đã xuất hiện ngày càng nhiều khách du lịch đến từ các nước

28
phương Tây như Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Mỹ. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm
khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 1985-1990 là 37,52%, một con số
rất ấn tượng. Du lịch nội địa cũng được quan tâm nhiều hơn. Theo thống kê của
Tổng cục Du lịch, năm 1990, đã có 1 triệu người Việt Nam đi du lịch (dẫn theo
Trần Đức Thanh 1999). Khách du lịch nội địa không chỉ là là cán bộ, công nhân
viên đi nghỉ mát theo chế độ của Nhà nước, mà đã có không ít gia đình đi du lịch
bằng nguồn lực tài chính của mình. Trong cả giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng
trung bình hàng năm của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 13,16%.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng đã có những bước phát triển. Nhiều
trường đào tạo du lịch đã ra đời. Tiêu biểu là trường Trường Sơ cấp Nghiệp vụ Du
lịch và Khách sạn (thành lập ngày 15 tháng 9 năm 1989), sau Trường được nâng
cấp thành trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn thuộc Tổng Công ty
Du lịch Sài Gòn53. Theo thống kê của Nhà trường, hiện nay toàn trường có 190
giảng viên, mỗi năm đào tạo 5.000 học viên và đã cung cấp 70.000 nhân lực đã qua
đào tạo cho thị trường lao động của ngành.54
1.2.2.4. Từ 1990 đến nay
Trong quá trình tinh giản biên chế, rút gọn bộ máy tổ chức, ngày 31/3/1990,
Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định 224 về việc sáp nhập Tổng cục Du
lịch với một số cơ quan khác để thành lập Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du
lịch. Cùng thời gian này lần đầu tiên Việt Nam tổ chức “Năm du lịch Việt Nam
1990”. Kinh doanh du lịch đã bắt đầu trở thành một trào lưu mới. Chính vì vậy,
ngày 9/4/1990, Tổng Công ty Du lịch Việt Nam đã ra đời theo Nghị định số
119HĐBT. Tổng Công ty này có tên đối ngoại bằng tiếng Anh là Vietnamtourism.
Tổng Công ty có các Công ty thành viên ở các địa phương như thành phố Hồ Chí
Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng. Tuy nhiên, đến năm 1992, bộ máy của Tổng
Công ty giải thể, các công ty thành viên ở các địa phương đã hoạt động độc lập
song vẫn giữ nguyên tên đối ngoại cũ là Vietnamtourism Hanoi, Vietnamtourism
Hochiminh City, Vietnamtourism Danang….
Một năm sau, khối Du lịch được chuyển sang Bộ Thương mại-Du lịch. Đến
26/10/1992, Tổng cục Du lịch Việt Nam với vai trò là một cơ quan trực thuộc
Chính phủ đã được thành lập lại với tên giao dịch quốc tế là Vietnam National
Administration of Tourism. 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động
du lịch sôi động nhất đã thành lập Sở Du lịch là Hà Nội, Hải Phỏng, Quảng Ninh,
Hà Tây, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng,
thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ. Việc có một cơ quan quản lý
nhà nước chuyên trách về du lịch đã tạo cho ngành Du lịch một bước phát triển
mới.

https://tuoitre.vn/truong-trung-cap-du-lich-va-khach-san-saigontourist-30-nam-xay-dung-va-phat-trien-
53

20190924174553188.htm
54
 www.sthc.edu.vn

29
Thấy được tầm quan trọng của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân,
năm 1993, Chính phủ đã ra Nghị quyết 45-CP về đổi mới công tác quản lý và phát
triển du lịch. Nghị quyết này chỉ ra chiến lược cho phát triển du lịch Việt Nam, làm
tiền đề để ngành Du lịch Việt Nam có những bước phát triển sau này.
Bảng 1.2. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của Việt Nam giai đoạn 1990-2010
Khách nội địa Khách quốc tế Tổng thu du lịch
Tốc độ Tốc độ Tổng số Tốc độ
Năm Số lượng tăng Số lượng tăng (nghìn tỷ tăng
(nghìn trưởng (nghìn trưởng đồng) trưởng
người) trung bình người) trung bình trung bình
năm (%) năm (%) năm (%)
1990 1.000 - 250 - 0,65 -
1995 5.500 40,63 1.351 40,13 7,00 60,86
2000 11.200 15,28 2.140 9,64 17,40 19,97
2005 16.100 7,53 3.468 10,14 30,00 11,51
2010 28.000 11,70 5.050 7,81 96,00 26,19
Bảng được lập trên cơ sở số liệu của Tổng cục Thông kê và Tổng cục Du
lịch tại http://thongke.tourism.vn/index.php/statistic/cat/15

Trong giai đoạn này, nền kinh tế của đất nước đã đang dần dần vận động,
chuyển mình theo cơ chế thị trường. Nhiều rào cản đối với hoạt động kinh doanh
buôn bán đã được dỡ bỏ. Theo xu thế đó, ngày 29 tháng 6 năm 1993 Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 317-TTg về việc chuyển nhà khách, nhà nghỉ của các
bộ, ngành, đoàn thể và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
sang kinh doanh khách sạn du lịch. Nhận thức được vai trò của công tác quy hoạch,
được sự giúp đỡ của các chuyên gia thuộc UNWTO, mà Việt Nam đã là thành viên từ
năm 1981, lần đầu tiên ở Việt Nam đã có một bản quy hoạch phát triển du lịch có tính
chiến lược là “Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-
2010”. Đây là văn bản có tính pháp lý định hướng chiến lược phát triển du lịch của
Việt Nam đến năm 2010.
Từ năm 1990 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng khách du lịch luôn đạt ở
mức 2 con số, khách du lịch quốc tế tăng hơn 20 lần, từ 250.000 lượt (năm 1990)
lên đến trên 5,05 triệu năm 2010. Khách du lịch nội địa tăng 28 lần, từ 1 triệu lượt
(năm 1990) lên 28 triệu lượt. Thu nhập xã hội từ du lịch tăng từ 650 tỷ đồng năm
1990 lên 96 nghìn tỷ đồng, tăng gần 150 lần. Du lịch đã chứng tỏ được vị trí của
mình trong nền kinh tế với vai trò là một ngành kinh tế thực sự và có khả năng
đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Không chỉ
mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước, du lịch còn tạo việc làm cho
hàng chục vạn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong xã hội.
30
Ngoài ra, du lịch phát triển còn thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế khác như vận
chuyển, bưu chính viễn thông, ngân hàng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ
khách du lịch…Du lịch đã thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế và
các thành phần dân cư trong xã hội, tạo ra diện mạo mới của du lịch Việt Nam, sôi
động và rộng khắp trong phạm vi cả nước.
Bối cảnh trong nước có nhiều mối quan hệ xã hội mới phát sinh cần có
những quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch phát
triển, ngày 8 tháng 2 năm 1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp
lệnh du lịch. Đây là văn bản luật đầu tiên về lĩnh vực du lịch. Đồng thời với việc
ban hành Pháp lệnh Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định
số 23/1999/QĐ-TTg ngày 13/2/1999 thành lập một tổ chức đặc biệt giúp Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối các hoạt động về du lịch, đó là Ban Chỉ đạo
Nhà nước về Du lịch. Việc thành lập Ban này là một minh chứng về sự quan tâm
của Nhà nước đối với sự phát triển du lịch (Trần Đức Thanh, 2014).
Công tác nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng nhận được sự
quan tâm của xã hội. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trực thuộc Tổng cục Du
lịch đã kiện toàn và trở thành đơn vị nghiên cứu, tư vấn lớn nhất cả nước về du
lịch. Nhiều trường đại học cũng đã định hướng chương trình đào tạo sang lĩnh vực
du lịch như trường Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội (1988), trường Đại học Kinh
tế thành phố Hồ Chí Minh (1988), trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 55 (1992),
trường Đại học Thương mại (1992), trường Đại học Văn hóa (1993)…
Năm 2005, chỉ sau 6 năm thực hiện Pháp lệnh Du lịch, Việt Nam đã hoàn
thành một bộ luật chính chức cho ngành Du lịch nước nhà - Luật Du lịch. Luật Du
lịch 2005 gồm 11 chương, 88 điều, quy định khá đầy đủ các lĩnh vực liên quan đến
du lịch như quy hoạch phát triển du lịch, khách du lịch, khu du lịch, tuyến điểm du
lịch, đô thị du lịch, kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch, xúc tiến du lịch, thanh
tra du lịch, hợp tác quốc tế trong du lịch.
Năm 2007, Quốc hội đã ra soát và điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, trong đó bộ
máy quản lý nhà nước về du lịch cấp trung ương được chuyển về Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch. Tổng cục Du lịch lúc này trở thành một đơn vị trực thuộc Bộ56.
Năm 2017, Chủ tịch Quốc hội kí văn bản 09/2017/QH14 ban hành Luật Du
lịch. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/01/2018. Do vậy Luật này thường được gọi
là Luật Du lịch 2017. Luật Du lịch 2017 tạo ra một hành lang pháp lý rộng mở hơn
cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Luật Du
lịch 2017 không chỉ tạo động lực và môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát
55
Tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội
56
Chính vì vậy tên gọi chính thức của đơn vị này Tổng cục Du lịch, không phải là Tổng cục Du lịch Tổng cục Du
lịch Việt Nam như trước nữa.

31
triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như
chất lượng mà còn hướng tới một sự phát triển du lịch có tính lâu dài, bền vững.
Một dấu mốc hết sức quan trọng có ý nghĩa to lớn trong phát triển du lịch Việt
Nam là dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (2005-2010). Dự án đã
được tập trung chủ yếu vào mục tiêu nâng cao chất lượng lao động nghề thông qua
việc hình thành và vận hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch
Việt Nam (VTOS). Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
thông qua bộ tiêu chuẩn kỹ năng 13 nghề cụ thể trong kinh doanh khách sạn và lữ
hành. Bộ tiêu chuẩn nghề này được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và được các
nước trong khu vực ASEAN công nhận.
Bảng 1.3. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của Việt Nam giai đoạn 2010-
2019
Khách nội địa Khách quốc tế Tổng thu từ du lịch
Tốc độ Tốc độ Tốc độ
tăng tăng tăng
Số lượng trưởng Số lượng trưởng Tổng số trưởng
Năm
(nghìn trung bình (nghìn trung bình (nghìn tỷ trung bình
người) năm (%) người) năm (%) đồng) năm (%)
2010 28.000 11,70 5.050 7,81 96,00 26,19
2015 57.000 15,28 7.944 9,48 355,00 29,89
2016 62.000 8,77 10.013 26,04 417,00 17,46
2017 73.200 18,06 12.926 29,09 541,00 29,74
2018 80.000 9,29 15.498 19,90 637,00 17,74
2019 85.000 6,25 18.008 16,20 755,00 18,52
Bảng được lập trên cơ sở số liệu của Tổng cục Thông kê và Tổng cục Du
lịch tại http://thongke.tourism.vn/index.php/statistic/cat/15
Tiếp theo sự thành công của dự án này, EU đã tài trợ dự án “Chương trình
Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (2011-
2016). Mục tiêu của dự án là đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào
ngành Du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là thúc đẩy dịch vụ du lịch có trách nhiệm
với môi trường và xã hội như một phần của Chiến lược Phát triển ngành Du lịch
Việt Nam. Dự án đã hỗ cho cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du
lịch và các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương có đủ năng lực để triển khai nội
dung du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội vào công tác xây dựng chính
sách, quản lý và quy hoạch. Bên cạnh đó, dự án đã hướng dẫn phát triển hình thức
đối tác công tư PPP (Public - Private Partner) trong phát triển sản phẩm du lịch và
trong đào tạo nghề, hướng du lịch Việt Nam phát triển một cách thực sự bền vững.

32
Giai đoạn 2010-2019, lượng khách quốc tế tăng 3,6 lần, từ hơn 5 triệu lên
hơn 18 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa tăng 3,04 lần, từ 28 triệu lên 85 triệu
lượt, số lượng khách sạn tăng 1,86 lần, từ 13.500 lên 25.600 với số buồng tăng từ
256.700 lên 508.000 (tăng gấp 1,86 và 1,98 lần), tổng thu từ khách du lịch tăng
7,86 lần, từ 96.000 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình
năm giai đoạn này lần lượt là 13,13%; 15,17%, 10,91%, 12,05% và đặc biệt là
doanh thu tăng 25,75%!
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du
lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết là một minh chứng rõ ràng,
khẳng định ngành Du lịch được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải bổ sung
khoảng 150.000-200.000 lao động trực tiếp, 490.000 lao động gián tiếp. Quy mô
và chất lượng nhân lực đang là vấn đề lớn đối với ngành Du lịch. Tính đến cuối
năm 2019, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao
động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ
các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% mới chỉ được huấn luyện tại chỗ,
chưa qua đào tạo chính quy. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao
vừa thiếu, vừa yếu, nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.
Ngày 20/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số
4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du
lịch. Theo đó, những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù gồm Du lịch, Quản trị
Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Khách sạn, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ
Ăn uống và các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong
Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du
lịch. Theo tinh thần công văn này, chương trình đào tạo của các ngành trên phải
điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần
cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ
năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về
các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch... Rút ngắn
thời gian đào tạo phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ cũng
yêu cầu các cơ sở đào tạo về du lịch tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại
doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách
nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào
tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh
viên thực hành, thực tập.
1.3. Các yếu tố ảnh hướng đến hoạt động du lịch

33
E ' hҍ E
ѷh h >҉
, >Ҟ Ҙ
/҅ D ҃ E

Figure 1. Các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch

Theo Leiper N. (1979) hệ thống du lịch bao gồm 3 thành phần chính là điểm
gửi khách, điểm đến và vùng quá cảnh. Cả ba thành phần này đều nằm trong một
lãnh thổ mà Pirojnik (1985) gọi là hệ thống lãnh thổ du lịch. Điều đó có nghĩa là
hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài và điều kiện bên
trong của điểm du lịch. Trong các điều kiện bên ngoài, cầu du lịch là một điều kiện
đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Trong phần này sẽ xem xét các yếu tố
bên ngoài, yếu tố cầu du lịch và các yếu tố bên trong, được gọi là các nguồn lực
của điểm du lịch.
1.3.1. Các yếu tố bên ngoài
Môi trường là điều kiện hình thành và phát triển du lịch. Biến đổi của môi
trường (cả tự nhiên và xã hội) đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch. Có
những biến đổi kích thích sự ra đời và phát triển du lịch, song có những biến đổi
kìm hãm hay hạn chế sự phát triển du lịch. Có nhiều bằng chứng cho nhận định
này. Sự mở cửa trong đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam sau Đại hội VI
của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển du
lịch nước nhà. Vụ tấn công ngày 11/9/2001 của al-Qaeda vào Hoa Kỳ, thảm hoạ
động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 ở Tokyo và đặc biệt mới đây, dịch COVID-
19 là những tác nhân lớn cản trở sự phát triển của ngành Du lịch.
Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều điều kiện ngoại cảnh để làm nảy sinh
du lịch. Có thể thấy các điều kiện ngoại cảnh chủ yếu bao gồm điều kiện chính trị-
xã hội, điều kiện phát triển kinh tế, nhận thức của xã hội, xu thế du lịch và nhu cầu
du lịch
Hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố bên ngoài, tuy nhiên
có thể thấy nổi bật nhất là 6 nhóm yếu tố chính là các yếu tố chính trị xã hội, ảnh
hưởng kinh tế, xu thế xã hội, đổi mới khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh và
an ninh xã hội.

34
1.3.1.1. Yếu tố chính trị xã hội
Cần lưu ý rằng, xét trên bình diện quốc tế thì tình hình chính trị xã hội là
những vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình, đến nhân quyền, bình đẳng
sắc tộc, bình đẳng giới v.v… Với tư cách là các yếu tố bên ngoài, các yếu tố chính
trị xã hội là những yếu tố có tính toàn cầu và điểm đến sẽ là các quốc gia hay các
khu vực khác nhau trên thế giới như Đông Nam Á, Trung Cận Đông, Đông Bắc Á,
Caribean v.v…. Trong trường hợp điểm đến là các đơn vị hành chính trong một
quốc gia thì yếu tố chính trị xã hội của quốc gia đó cũng được coi là yếu tố bên
ngoài. Trong phần này các yếu tố chính trị xã hội được xem xét là các yếu tố bên
ngoài có tác động đến du lịch của quốc gia, cụ thể là Việt Nam.

3.71% 7.95%
17.80%

24.57%
14.83%

Người gốc Caucasian (da trắng) Người gốc châu Phi (da đen) Người gốc châu Á (da vàng)
31.14%
Người gốc Trung Đông (Ấn Độ) Người gốc châu Mỹ (da đỏ) Khác

Hình 1.2. Cơ cấu dân số theo chủng tộc trên thế giới
Nguồn: https://infogram.com/race-of-the-world-population-1go502yg18k62jd
Trong thực tiễn quốc tế, luôn tiềm ẩn mâu thuẫn xung đột và tranh chấp giữa
các quốc gia, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, nhiều
quốc gia có những quan điểm trái ngược hoặc mâu thuẫn nhau, không thống nhất
về quyền và lợi ích.Với mục đích hạn chế tranh chấp, ngay từ những năm cuối của
TK19 và đầu TK20, trong hệ thống các Công ước The Hague có Công ước về hòa
bình giải quyết xung đột quốc tế. Đây là công ước đa phương đầu tiên đề cập đến
vấn đề quan trọng này. Tuy nhiên, công ước này mới chỉ đưa ra lời kêu gọi các
quốc gia tự nguyện thực hiện các biện pháp trung gian, hòa giải trước khi dùng vũ
lực. Sau khi thành lập năm 1945, Liên Hợp Quốc đã nâng vấn đề giải quyết hòa
bình các tranh chấp quốc tế lên thành nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia.
Theo khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc  “tất cả các thành viên sẽ giải
quyết các tranh chấp quốc tế của mình bằng các biện pháp hòa bình sao cho hòa

35
bình và an ninh quốc tế và công lý không bị đe dọa” 57. Các quy định quốc tế đó
góp phần quan trọng vào phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh một cách khá hiệu
quả. Rõ ràng rằng, chiến tranh yếu tố tác động tiêu cực đến phát triển du lịch đang
được hạn chế ở mức thấp nhất.
“Tuyên ngôn về loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc” được Liên
Hợp Quốc thông qua năm 1963 là một văn bản có tính chất bước ngoặt trong lịch
sử nhân loại liên quan đến quyền con người. Thành phần khách du lịch đã gia tăng
đáng kể. Thực thi quyền con người cũng là vấn đề được Liên Hợp Quốc đặt lên
hàng đầu. Năm 1948, Liên Hợp Quốc đã công bố “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền”58. Theo Tuyên ngôn này, mọi người có quyền đi lại tự do trong quốc gia
của mình và có quyền ra khỏi và trở về quốc gia của mình (điều 13). Điều 24 còn
khẳng định “ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý
số giờ làm việc và những ngày nghỉ định kỳ có trả lương” 59. Chủ đề ngày Du lịch
Thế giới năm 1983 là “Đi du lịch và các ngày nghỉ là quyền lợi nhưng cũng là
nghĩa vụ đối với mọi người” minh chứng cho chủ trương hiện thực hóa của ngành
du lịch về một số quyền nêu trên.
Bình quyền giới60 cũng là một chính sách quan trọng của Liên Hợp Quốc có
tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ
tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ 61 viết tắt tiếng Anh là
CEDAW là công cụ quan trọng góp phần gia tăng tỷ lệ nữ trong hoạt động du lịch.
Bình đẳng giới cũng góp phần đa dạng hóa thành phần khách du lịch. Những tour
du lịch chuyên biệt dành riêng cho phụ nữ, cho giới tính thứ ba cho thấy nhận thức
về bình quyền đã ngày càng được biến thành hành động thực tế. Chủ đề của năm
du lịch 2007 mà Tổ chức Du lịch Thế giới đưa ra là “Du lịch mở cửa cho các phụ
nữ” là một minh chứng cụ thể cho xu hướng này. Trong ngành du lịch, tỷ lệ lao
động nữ ở nhiều bộ phận chiếm tỷ trọng áp đảo. Không những vậy, phụ nữ cũng
giữ nhiều vị trí quản lý chủ chốt trong ngành. Theo David Simpson (2017)i, trong
số các nghiên cứu xem xét vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động du lịch là
báo cáo của WTTC, Bình đẳng giới và việc làm cho thanh niên: Lữ hành & Du lịch
với tư cách là nhà tuyển dụng chính của phụ nữ và thanh niên. Tại các quốc gia:
Úc, Pháp, Đức, Nam Phi phụ nữ chiếm chưa đến một nửa tổng số lao động nhưng
chiếm hơn 60% việc làm trong lĩnh vực Du lịch & Khách sạn. Úc có tỷ lệ phụ nữ
làm việc trong lĩnh vực Lữ hành & Du lịch cao nhất (66%). Cũng theo David
Simpson (2017), ở các nước EU, trong khi chỉ có 36% phụ nữ làm trong lĩnh vực
57
United Nations Charter https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text
..https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx?
58

v=d
59
https://luatminhkhue.vn/tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948.aspx
60
Chúng ta thường sử dụng thuật ngữ bình đẳng giới (gender equality) để chỉ bình quyền. Thực chất cấu
tạo sinh học của nam và nữ không như nhau (không bình đẳng) nhưng họ có quyền được đối xử như
nhau.(bình quyền)
61
Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women
36
kinh doanh phi tài chính, có đến 58% lao động là nữ trong lĩnh vực du lịch, khách
sạn. (60% trong lĩnh vực lưu trú, 64% trong lĩnh vực lữ hành).
Xã hội ổn định trước tiên là tình hình ổn định về chính trị quốc tế, khu vực
và trong nước (kể cả nước gửi khách và nước đón khách du lịch). Rất nhiều ví dụ
gần đây chứng minh cho sự nhạy cảm của hoạt động du lịch trước các sự cố như
khủng bố, xung đột vũ trang.
Ở tầm vi mô của các địa phương, đặc biệt là các điểm đến du lịch, tình trạng
trộm cắp, bắt cóc, tống tiền, giết người, cướp của, tình trạng tai nạn giao thông
cũng là một rào cản lớn đối với sự phát triển du lịch, hình thành hình ảnh xấu về
điểm đến, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đến tham quan du lịch của khách du
lịch tiềm năng.
Du lịch là một hiện tượng và ngành kinh tế rất nhạy cảm với tình hình chính
trị xã hội. Xã hội ổn định được coi là một trong những điều kiện quan trọng nhất để
du lịch phát triển. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, mặc dù ở từng khu vực vẫn có
chiến tranh, xung đột, song nhìn chung thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới,
kỷ nguyên hòa bình, khá ổn định. Chính vì vậy, du lịch thời kỳ này có những bước
nhảy vọt. Lượt khách du lịch quốc tế giai đoạn 1950-2018 có tốc độ tăng trưởng
trung bình là 6,10%. Khi xã hội ổn định, các ngành kinh tế có điều kiện thuận lợi
để phát triển, mức sống của người dân tăng cao, cuộc sống thanh bình, thân thiện,
an toàn là những yếu quan trọng thúc đẩy người dân quyết định đi du lịch thường
xuyên hơn. Những điểm đến có xã hội ổn định có điều kiện đáp ứng được nhiều
nhu cầu của khách du lịch hơn. Susanne Jensen và Gert Tinggaard Svendsen
(2016) đã đưa ra mô hình về mối quan hệ mật thiết giữa niềm tin xã hội, sự an toàn
và khả năng chọn điểm đến du lịch.
Những quốc gia, những thành phố có tình hình chính trị ổn định, có cuộc
sống thanh bình, an toàn thường là những điểm đến được lựa chọn hàng đầu của
khách du lịch.
Ngày nay, các quốc gia đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi
và đến quốc gia mình. Việc xét cấp visa truyền thống ngày càng giảm, thay vào đó
là cấp visa điện tử, cấp tại cửa khẩu và miễn visa cho khách du lịch ngày càng gia
tăng.
Tại thời điểm tháng 1 năm 2019, công dân mang hộ chiếu thường của 24
quốc gia đến Việt Nam được miễn visa và lưu trú tại Việt Nam tối đa 90 ngày 62.
Trong khi đó người có hộ chiếu Việt Nam cũng có thể vào 17 quốc gia và vũng
lãnh thổ mà không cần xin visa, 32 quốc gia cấp visa tại cửa khẩu cho người Việt
Nam. 63

62
https://www.vietnam-visa.com/vi/mien-visa-viet-nam/
63
https://vietair.com.vn/tin-tuc/danh-sach-cac-nuoc-mien-visa-cho-nguoi-viet-nam

37
80%

70%

60%

50% Visa truyền thống 53%

40%

30%

20% Miễn visa 21%


Cấp visa tại cửa khẩu 16%
10%
Visa điện tử 10%

1980 2018

Hình 1.3. Tỷ lệ các hình thức cấp visa cho khách du lịch trên thế giới giai đoạn 1980-2018
Nguồn: International Tourism Highlights, 2019 Edition (e-unwto.org)
Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu EU sử dụng một loại visa chung, gọi
là visa Schengen. Khách du lịch có thị thực vào một trong các nước như Áo, Ba
Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungary,
Hy Lạp, Phần Lan, Pháp, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Lithuania,
Luxembourg, Malta, Na Uy, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy
Sỹ sẽ được quyền đi lại trong tất cả các nước còn lại.
Công dân một số quốc gia có thể vào hàng trăm nước khác nhau mà không
cần phải xin visa. Hộ chiếu của những nước này gọi là những hộ chiếu quyền lực
nhất thế giới Theo Song Minh (2021)64, năm 2021, những hộ chiếu quyền lực nhất
thế giới là hộ chiếu của Nhật Bản với quyền đi đến 193 quốc gia và vùng lãnh thổ,
tiếp theo là hộ chiếu của Singapore (192); Đức, Hàn Quốc (191); Phần Lan, Italia,
Luxembourg, Tây Ban Nha (190); Áo, Đan Mạch (189); Pháp, Ireland, Hà Lan,
Bồ Đào Nha, Thụy Điển (188); Bỉ, New Zealand, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ
(187); Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta, Na Uy (186); Úc, Canada (185) và của
Hungary (184). Các chính sách visa thuận tiện như vậy như vậy là một trong
những yếu tố kích thích nhu cầu du lịch của khách du lịch tiềm năng.

64
https://laodong.vn/the-gioi/nhung-ho-chieu-quyen-luc-nhat-the-gioi-nam-2021-927895.ldo

38
1.3.1.2. Các yếu tố kinh tế
Kinh tế là một trong những biến số quan trọng của du lịch. Nền kinh tế phát
triển không chỉ là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của du lịch, mà còn là cơ sở
quan trọng để hướng tới một sự phát triển du lịch bền vững.
Từ những công cụ thô sơ, bằng trí tuệ của mình, ngày nay loài người đã sáng
tạo ra rất nhiều thiết bị máy móc thay thế lao động chân tay để tạo ra sản phẩm
phục vụ con người. Năng suất lao động vẫn không ngừng gia tăng, Hàng hóa ngày
càng phong phú và dồi dào. Giá cả các mặt hàng ngày càng cạnh tranh. Nếu như
vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, việc có một máy điện thoại trong nhà là
một mơ ước của nhiều gia đình sinh sống tại Hà Nội thì nay có thể thấy hầu như
mọi người dân trưởng thành ở Việt Nam đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại
thông mình. Theo Statista, năm 2020, khoảng 1,38 tỷ smartphone đã được bán trên
toàn thế giới và dự báo năm 2021 sẽ có 1,53 tỷ chiếc được tiêu thụ. Doanh số
smartphone hàng năm tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần từ năm 2009 đến năm 2015.
Sau đó, thị trường bắt đầu ổn định với mức tăng khoảng 1,5 triệu chiếc mỗi năm.
Con số 61,37 triệu người sử dụng điện thoại thông minh năm 2020 đã đưa Viêt
Nam vào danh sách tốp 10 thế giới (nguồn Báo điện tử của VOV)65. Cùng với năng
suất lao động, thu nhập của người dân ngày càng cao. Không những tổng thu nhập
mà thu nhập khả dụng, đặc biệt là thu nhập khả dụng thực tế của mọi người ngày
càng lớn. Điều này là yếu tố quan trọng để biến nhu cầu du lịch của con người
thành cầu du lịch66. Nếu như năm 1950, trung bình mỗi khách du lịch quốc tế chi
hết 84 đô la Mỹ thì năm 2019, khách du lịch ra nước ngoài chi tiêu trung bình
khoảng 1.015 đô la Mỹ, bằng hơn 12 lần năm 1950.
Du lịch có thể coi là một hiện tượng thứ nguyên sau khi con người đã được
đảm bảo những nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sinh học. Điều quan trọng trước nhất
của một xã hội là phát triển các hoạt động để đáp ứng các nhu cầu đó. Khi xã hội
phát triển, con người không còn phải quá bận tâm đến nhu cầu hàng ngày, nhiều
người mong muốn rời khỏi nơi cư trú để khám phá các miền đất mới. Họ đi tìm
những nơi có cảnh quan ngoạn mục, văn hóa khác lạ để thỏa mãn tính ham hiểu
biết của mình hoặc chỉ đến một nơi nào đó để nghỉ ngơi, thư giãn, xả stress.
Du lịch là một ngành đòi hỏi đầu tư rất lớn. Những hạng mục đầu tư như
khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, tổ hợp khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp
tiêu tốn tỷ đô la Mỹ. Theo Đình Sơn, tính đến tháng 9.2020, Phú Quốc đã thu hút
276 dự án du lịch, trên diện tích gần 10.000 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 347.000 tỉ

65
https://vov.vn/cong-nghe/sanh-dieu/luong-nguoi-dung-smartphone-o-viet-nam-dung-trong-top-10-toan-cau-
863220.vov. CTV Kiến An/VOV.VN (biên dịch)
66
Xem mục 2.1.4.3. Cầu du lịch.

39
đồng (17-20 tỉ USD)67. Những khoản vốn đầu tư lớn như vậy chỉ có thể xuất hiện
khi điều kiện kinh tế phát triển. Bên cạnh nguồn vốn lớn phục vụ nhu cầu đầu tư cơ
sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nền kinh tế phát triển còn tác động
gián tiếp đến sự phát triển ngành du lịch thông qua phát triển các ngành kinh tế
khác như nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, kiến trúc và
xây dựng, dệt may, công nghệ thông tin và đặc biệt là giao thông vận tải.
Khi nền kinh tế phát triển, những điều kiện đảm bảo cho chuyến đi ngày
càng tốt hơn. Trước hết là giao thông vận tải. Khái niệm du lịch68 liên quan chặt
chẽ với nội hàm di chuyển. Điều đó giải thích mối quan hệ chặt chẽ của du lịch với
giao thông vận tải. Các nhà khảo cổ học tin rằng vào khoảng năm 4000- 3500
TCN, con người đã thực hiện những nỗ lực đầu tiên nhằm sáng chế ra phương tiện
giao thông. Thay vì đi bộ, khoảng 2000 năm TCN, con người, cụ thể là người Ai
Cập đã biết cưỡi ngựa69. Thay vì bơi, người ta đã biết đi trên biển bằng thuyền.
Theo Tuan C Nguyen (2019), thổ dân Úc có thể coi là người đầu tiên vượt biển
bằng thuyền. Sau khi sáng chế ra tàu thuyền, người ta lại tìm cách nâng cao tốc độ
của nó. Người ta sáng chế ra mái chèo, rồi dùng buồm để làm cho thuyền di
chuyển. Động cơ hơi nước liên tục đầu tiên của loài người do James Watt sáng chế
vào những năm 1870 đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong ngành giao thông vận tải
đường thuỷ. Tàu thuyền được trang bị động cơ nên đi nhanh hơn, xa hơn và an
toàn hơn. Việc sáng chế ra bánh xe vào năm 3500 TCN có ý nghĩa to lớn trong
phát triển giao thông vận tải. Những chiếc xe kéo có bánh xe đầu tiên ra đời đã làm
cho con người có thể đi được những khoảng cách xa hơn. Để giảm bớt sức nặng,
ngay từ thế kỷ 6TCN, người Hy Lạp đã sáng chế ra “đường ray” bằng cách tạo ra
hai rãnh song song dọc con đường Diolkos dài trên 6km để bánh xe lăn trong đó.
Những “đường ray” bằng gỗ xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 16. Đường ray bằng
sắt hình thành vào đầu thế kỷ 19. Sau đó không lâu, đầu máy động cơ hơi nước đã
ra đời thay thế cho sức ngựa70. Nếu như vào thời kỳ đầu người ta kinh ngạc vì có
những kẻ bạo gan dám trèo lên chiếc một công cụ của quỷ Satan chạy với tốc độ
chóng mặt 18 dặm 1 giờ (xem Trần Đức Thanh 1999) thì ngày nay, có những đoàn
tàu chạy với tốc độ vượt qua ngưỡng 300 km/h, thậm chí còn lên đến gần 500 km/h
như tàu ETR500 ở Italia, tàu Eurostar nối London với Paris, tàu AVE Talgo-350 ở
Tây Ban Nha, tàu THSR 700T ở Đài Loan, tàu KTX 2 ở Hàn Quốc, tàu TGV của

67
https://thanhnien.vn/gan-20-ti-usd-do-vao-phu-quoc-post1027655.html
68
Xem lại mục 1.1.2 về khái niệm du lịch
69
Tham.khảo.https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%B1_thu%E1%BA%A7n_h%C3%B3a_%C4%91%E1%BB
%99ng_v%E1%BA%ADt
70
Xem.https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%ADn_t%E1%BA%A3i_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_s
%E1%BA%AFt

40
Pháp, tàu chạy trên đệm từ trường ở Thượng Hải, tàu Shinkansen ở Nhật Bản, tàu
Transrapid TR-09 ở Đức, tàu CRH380A ở Trung Quốc71.
Sáng chế ra chiếc xe tự hành (ô tô) chạy bằng xăng năm 1885 của  Karl
Benz là tiền đề ra đời một ngành công nghiệp ô tô vào năm 1890, tạo ra một loại
phương tiện giao thông vận tải chiếm ưu thế hiện nay nhờ tính tiện ích của nó.
Theo Jean-Paul Rodrigue (2017), hiện nay, 77% khách đi du lịch sử dụng phương
tiên ô tô. Những con đường cao tốc cũng đã giúp “rút ngắn khoảng cách” đi lại
bằng ô tô. Tháng 9/2018, việc khánh thành đường cao tốc Hải Phòng Hạ Long đã
rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Hạ Long từ 5-6 tiếng xuống chỉ còn hơn 1
tiếng 30 phút72!
Tuy nhiên, con người vẫn chưa thỏa mãn với việc đi lại trên mặt đất hay trên
mặt nước, mà đã từng mơ ước bay lên bầu trời để đi lại cho tiện và nhanh hơn.
Năm 1783 hai anh em người Pháp Joseph Montgolfier và Étienne Montgolfier đã
sáng chế ra quả khinh khí cầu đầu tiên với ước vọng đưa con người vào không
gian. Năm 1903 hai anh em nhà Wright được ghi nhận là người đầu tiên đã tạo ra
cỗ máy bay có thể dùng để chở người. Ngày nay, các hãng máy bay Airbus và
Boing đã sản xuất được những chiếc máy bay có khả năng chuyên chở trên 500
khách như A380-900, A380-800, Boing 787-8, Boing 787-400. Boing 787-300,
A380-700… Hầu hết các máy bay thương mại hiện nay có tốc độ trung bình
khoảng 900km/giờ. Gần đây, hãng Boom Supersonic ở Colorado, Mỹ, công bố sẽ
sản xuất mẫu máy bay chở khách siêu thanh 55 chỗ có thể bay nhanh gấp đôi vận
tốc âm thanh. Tốc độ tối đa của mẫu máy bay này là 2.335 km/h.73 
Bên cạnh các phương tiên giao thông, sự phát triển của du lịch còn phụ
thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây
dựng, thông tin liên lạc…
Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm có
vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của du lịch. Các sản phẩm nông
nghiệp cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho các bữa ăn hàng ngày của khách du lịch.
Tuy nhiên, những sản phẩm nông nghiệp muốn được “xuất khẩu” cho khách du
lịch tiêu dùng cần phải đảm bảo được những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn
thực phẩm, phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Những sản phẩm của ngành chế
biến lương thực, thực phẩm cũng phải được sản xuất theo các quy trình nghiêm
ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng là khách du lịch. Ngày nay trên thế giới xu
71
xem https://autopro.com.vn/van-hoa-xe/10-doan-tau-nhanh-nhat-the-gioi-hien-nay-2013102211412010.chn
72
Theo Minh Cương https://vnexpress.net/thoi-su/khanh-thanh-cao-toc-ha-long-hai-phong-rut-ngan-50-km-duong-
3801865.html
73
.Xem.https://vnexpress.net/khoa-hoc/may-bay-cho-khach-van-toc-nhanh-gap-doi-am-thanh-sap-bay-thu-
3866175.html

41
hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đang trở nên phổ biến và điều này làm cho
các sản phẩm nông nghiệp ngày càng có cơ hội tiếp cận dễ dàng đến với khách du
lịch.
Song song việc cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch, nhiều cơ sở sản
xuất nông nghiệp như trang trại, vườn cây, ruộng lúa … còn là điểm tham quan thu
hút khách du lịch. Không chỉ tham quan, nhiều nhà vườn, trang trại… còn tổ chức
các tour du lịch “một ngày làm nông dân”, “một ngày làm ngư dân” đã làm tăng
giá trị của các hoạt động nông nghiệp, nhất là nông nghiệp truyền thống.
Những ngành kinh tế khác như ngành năng lượng, ngành kiến trúc, xây
dựng, các ngành công nghiệp nhẹ, thông tin liên lạc cung cấp nhiều dịch vụ thiết
yếu trực tiếp hay gián tiếp cho khách du lịch. Internet đã làm thay đổi nhiều hoạt
động xã hội trong đó có du lịch. Các thông tin về điểm du lịch, về nhu cầu thị hiếu
của khách du lịch được dễ dàng tìm thấy trên không gian mạng đã góp phần gia
tăng hoạt động du lịch.
1.3.1.3. Xu thế xã hội
Nhận thức của cộng đồng trong xã hội có vai trò quan trọng đối với phát
triển du lịch. Nhận thức không tích cực về du lịch sẽ cản trở sự phát triển của nó,
ngược lại cộng đồng sẽ góp phần thu hút khách du lịch nếu thấy được những cơ hội
tốt mà du lịch mang lại. Quan niệm sai lệch về nghề khách sạn, khái quát hoá đặc
điểm khách du lịch qua một số hình ảnh phản cảm do một vài khách du lịch cá biệt
gây ra ...sẽ tạo ra rào cản cho sự phát triển du lịch. Kripendorf đã mô tả cái nhìn
thiếu thiện cảm của cộng đồng bản địa về khách du lịch như họ là những kẻ nực
cười, ngốc nghếch, ít học nhưng giàu có, quen thói bóc lột và vô cảm với môi
trường (Kripendorf Jost, 1986:132).
Trong khi ở một số nơi, ngành Du lịch không được quan tâm phát triển vì
những cách nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng thì ở nhiều nước trên thế
giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, số lần đi du lịch được coi là một trong
những tiêu chí phấn đấu của người dân. Theo Boniface B và Cooper (1975), tổng
xu thế du lịch, tức là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số lượt chuyến đi mà cư dân đã thực
hiện trên tổng số dân, của một số nước phương Tây đạt đến 200% (trang 10). Ở
Việt Nam, ngay từ xa xưa, cha ông ta thấy được ý nghĩa to lớn của các chuyến đi,
đã rút ra được một chân lý “đi một ngày đàng học một sàng khôn”! Điều đó khẳng
định người Việt Nam nhìn nhận du lịch một cách rất tích cực. Những áng văn thơ
hay về các địa danh, những di tích ở những vùng xa xôi, hiểm trở, những thành
ngữ, tục ngữ về các địa danh, những tác phẩm du kí mà một số trong đó được
Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu năm 2007... là những minh chứng cho nhận

42
định trên. Trong thời kỳ hiện đại, số lượng người Việt Nam đi du lịch trong và
ngoài nước lên đến 85 triệu lượt (nguồn: Tổng cục Du lịch 74). Số liệu này càng
củng cố cho nhận định trên. Sự phát triển du lịch còn phụ thuộc vào trình độ nhận
thức của người dân. Tại các nước phát triển, du lịch đã trở thành một nhu cầu có
tính phổ biến trong xã hội. Theo Danh sách 25 (List25), Phần Lan là quốc gia có
người dân đi du lịch nhiều nhất thế giới với tần suất trung bình 7,5 chuyến/ người/
năm, Hoa Kỳ là 6,7 75. Ngay ở Việt Nam trong giai đoạn này, du lịch cũng đã ngày
càng phổ biến. Nhiều gia đình đã dành hẳn một khoản chi tiêu cho hoạt động tham
quan du lịch hàng năm. Họ tin tưởng rằng các chuyến du lịch sẽ góp phần cho các
thành viên phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, mở rộng kiến thức, tăng thêm
sự gắn kết giữa các thành viên. Hoạt động du lịch ngày nay càng chứng minh một
cách xác đáng câu tục ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đây là một
trong những lý do lượng người Việt Nam đi du lịch hàng năm tăng lên nhanh
chóng. Nếu năm 1990, cả nước có khoảng 1 triệu người đi du lịch (theo Trần Đức
Thanh 1999) thì năm 2019, theo Tổng cục Du lịch, cả nước có khoảng 85 triệu lượt
khách du lịch nội địa76.
Có hai cách nhìn nhận về du lịch đối lập nhau. Nhận thức đúng đắn, tích cực
sẽ góp phần phát triển du lịch. Nhận thức tiêu cực về du lịch sẽ tạo ra rào cản cho
phát triển du lịch đối với cả cung và cầu du lịch. Suy nghĩ cho rằng đi du lịch vừa
hao tiền tốn sức đã không còn nữa song quan điểm không muốn cho con làm nghề
du lịch, đặc biệt là làm trong các khách sạn, làm hướng dẫn viên du lịch vẫn không
hẳn đã hết. Không phải không có người ngần ngại yêu một hướng dẫn viên du lịch,
một nhân viên khách sạn.
Xu thế của xã hội được lan tỏa nhanh chóng bởi xu thế toàn cầu hóa với
công cụ hỗ trợ rất hiệu quả là mạng internet.
Xu thế xã hội phát triển dựa trên nhóm lứa tuổi. Nhóm lứa tuổi chi phối xu
thế xã hội mạnh mẽ nhất hiện nay là nhóm thế hệ X, Y (còn gọi là nhóm thiên niên
kỷ) và nhóm thế hệ Z.

74
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13460
75
https://vnexpress.net/du-lich/nguoi-dan-nuoc-nao-thich-di-du-lich-nhat-the-gioi-3544597.html
76
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13460

43
THẾ HỆ ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI 0.76% 1.51%

THẾ HỆ BÙNG NỔ DÂN SỐ 7.30% 7.00%

THẾ HỆ X 9.50% 9.70%

THẾ HỆ Y 10.90% 11.40%

THẾ HỆ Z 11.50% 12.20%

THẾ HỆ ALPHA 8.30% 8.80%

15.00% 10.00% 5.00% 0.00% 5.00% 10.00% 15.00%

NỮ NAM

Hình 1.4. Cơ cấu dân số thế giới 2020 phân theo các thế hệ
Xây dựng dựa trên số liệu của Worldometer77
Nhóm thế hệ Đại chiến Thế giới hầu như đã hoàn thành sứ mạng của mình,
nhóm thế hệ Bùng nổ dân số hiện còn chiếm đến hơn 14% dân số, song đa số đã và
đang rời khỏi thị trường lao động nên vai trò của nhóm này trong việc tạo ra xu thế
xã hội đang mờ nhật dần. Các nhóm thế hệ sau là những người đã tiếp cận và khá
thành thạo với công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin nên một trào lưu mới
xuất hiện sẽ nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới. Những chủ nhân của nửa cuối thế
kỷ XXI sẽ là những người góp phần phát triển du lịch thông minh một cách mạnh
mẽ nhất.
1.3.1.4. Các yếu tố công nghệ
Trước đây, ngành du lịch, mà cụ thể là các doanh nghiệp lữ hành đóng vai
trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức các chuyến đi cho khách du lịch. Trong
hơn 170 năm ra đời và phát triển, các doanh nghiệp lữ hành truyền thống đã thực
sự là cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch như vận chuyển, lưu trú, ăn
uống, tham quan với khách du lịch. Sự xuất hiện của internet đã cho thấy vai trò vô
cùng quan trọng của công nghệ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong
đó có du lịch. Cốt lõi của ứng dụng công nghệ chính là chuyển đổi số sẽ là yêu cầu
sống còn để phát triển du lịch. Đại dịch COVID-19 càng cho thấy vai trò của công
nghệ trong cuộc sống. Công nghệ tạo ra một sự đổi mới trong nhận thức và nắm
bắt thông tin và dịch vụ mà các đại lý du lịch truyền thống cung cấp. Cụ thể, sự tồn
tại và phổ biến của việc sử dụng Internet, cũng như sự phát triển phần mềm du
lịch, đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng
tương tác với nhau chỉ qua một màn hình. Khách du lịch có thể dễ dàng so sách và
có được đánh giá khách quan về các sản phẩm du lịch do các nhà cung ứng khác
nhau cung cấp. Theo Đinh Nhật Lê và Ngô Tuấn Anh (2020), khách du lịch trong

77
https://www.worldometers.info/demographics/world-demographics/

44
thời gian qua đã quen thuộc với việc sử dụng các công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho
các chuyến đi của mình. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các điểm đến cũng phải phát
triển hạ tầng công nghệ theo hướng đáp ứng tối đa những mong muốn của du
khách. Đồng thời, đây cũng chính là phương thức quảng bá hiệu quả và tăng tính
hấp dẫn của các điểm đến du lịch. Những công cụ công nghệ như thực tế ảo, thực
tế tăng cường, thực tế hỗn hợp và trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép khách du lịch kiểm
tra thông tin, thử trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại điểm đến. Những dịch vụ
không tiếp xúc ra đời là bằng chứng của sự thích ứng của ngành du lịch trong tình
trạng bình thường mới liên quan đến COVID-19. Việc sử dụng, khai thác công
nghệ hoàn toàn phù hợp với các thế hệ X,Y,Z, những thế hệ chính của ngành du
lịch trong giai đoạn hiện nay.
1.3.1.5. Dịch bệnh, thiên tai, thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu
Hiện diện của dịch bệnh, thiên tai, thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu
là những yếu tố ngoài có tính bất khả kháng, có tác động rất mạnh mẽ đến hoạt
động du lịch. Nhìn chung những yếu tố này có tác động tiêu cực đến du lịch.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính dịch SARS năm 2002 làm
cho khoảng 3 triệu người trong ngành Du lịch ở Trung Quốc, Hồng Kông, Việt
Nam và Singapore bị mất việc, dẫn đến thiệt hại hơn 20 tỷ đô la Mỹ. Tính chung
trên toàn thế giới SARS làm giảm lượng khách du lịch quốc tế gần 9,4 triệu lượt và
thiệt hại từ 30 tỷ đến 50 tỷ USD. (World Economic Forum 2020). Sau khi dịch
cúm gia cầm bùng phát năm 2005, Wilder-Smith (2006) ước tính khách du lịch đến
các nước châu Á và Thái Bình Dương đã giảm khoảng 12 triệu lượt. Du lịch là một
trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 mang đến. Từ
sau Tết Canh Tý (2020), khi dịch cúm COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, nhiều
khách du lịch đã bắt đầu huỷ tour. Số lượng khách huỷ tour tăng theo từng ngày
theo cấp số nhân. Nhiều doanh nghiệp lữ hành bị đối tác nước ngoài huỷ hợp đồng.
Nhiều khách sạn hạ giá đến 50-65% giá phòng nhưng vẫn không có khách. Một số
khách sạn và nhà hàng ăn phải đóng cửa. Tình hình thực sự bi đát khi nhiều quốc
gia trên thế giới không tiếp nhận máy bay đến sân bay của mình để ngăn chặn dịch
lây lan.
Trong hơn 150 năm phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 1950, năm
thế giới có số liệu thống kê chính thức về hoạt động du lịch, lượng khách quốc tế
và đặc biệt là thu nhập từ du lịch luôn luôn tăng nhanh. Nếu như năm 1950 chỉ có
25 triệu khách du lịch quốc tế thì năm 2019 có đến 1,460 tỷ người đi du lịch ra
nước ngoài. Thu nhập từ khách du lịch đạt 2,1 tỷ đô la Mỹ năm 1950 thì năm 2019
lên đến 1.481 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 700 lần so với năm 1950. Các chuyên gia dự
báo rằng, lượng khách du lịch quốc tế trong những năm tới sẽ tăng trung bình 8-
10%/năm, thu nhập từ khách du lịch tăng trung bình 12-14%/năm. Tuy nhiên đại
dịch COVID-19 đã hủy hoại mọi dự báo trong du lịch. Theo UNWTO, năm 2020,

45
ngành Du lịch thế giới bị mất đi 1.300 tỷ đô la Mỹ do lượng khách du lịch quốc tế
giảm hơn 1 tỷ người, trung bình mỗi tháng giảm trên 80% so với tháng trước.
(UNWTO 2020).

0%
20 020 020 020 020 020 020 020 020 020 020 021 021 021 021 021
i 20
-15% 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2 2
a
Ha g B g T
ư ă m S áu ảy á m hín ời ột H ai êng H ai B a T ư ă m
B C ư M
g n án
N g g T i ời Gi ng hán
g ng N
-20%
Th
án Thá
Th hán
T
g
Th
án hán
T T h
g
án hán áng
T
g
Th ng
M
M
ườ Mư áng Thá
g Th
T T há
Th á ng

á hán
Th T

-40%

-60%
-65%

-80% -79%
-76% -77%
-82% -82%
-86% -85% -86% -88% -86% -86%
-91%
-100% -97% -95%

-120%

Hình 1.5. Tăng trưởng của ngành Du lịch thế giới năm 2020-2021
Nguồn: https://www.unwto.org/unwto-tourism-dashboard
Thiên tai như động đất, song thần, lũ lụt cũng là những yếu tố cản trở hoạt
động du lịch. Những trận động đất lớn giết hại hàng trăm nghìn người, trong đó có
rất nhiều khách du lịch như trận động đất 9,5 đô Richter ở Chile năm 1960 làm
chết 5.700 người, 8,2 đô Richter ở Mexico năm 1985 làm chết 10.000 người, có
những trận động đất làm chết trên 200.000 người như trận động đất ở Trung Quốc
năm 1976, Haiti năm 2010. Sóng thần thường là thảm họa kép cùng với động đất
gây thiệt hại rất to lớn. Điển hình là trận động đất kéo theo sóng thần trải dài trên
1.300km đường bờ ở Indonesia năm 2004 đã làm chết khoảng 230.000 người. Trận
động đất kéo theo sóng thần làm cả thế giới kinh hoàng ở Nhật Bản năm 2011 đã
làm chết 18.500 người. Sau những sự cố thiên tai đó, các quốc gia phải mất hàng
năm trời mới có thể phục hồi một phần các điều kiện để đón khách du lịch.
Núi lửa, cháy rừng, lũ lụt cũng là những thiên tai ảnh hưởng tiêu cực đến
hoạt động du lịch. Cháy rừng cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã tàn phá một số khu
vực du lịch trọng điểm của Australia, bao gồm Đông Gippsland, bang Victoria và

46
bờ biển phía Nam bang New South Wales và gây nên tổn hại lên đến hàng trăm
triệu đô la Mỹ cho ngành này.(Theo Nguyễn Minh Vietnam+)78
1.3.2. Cầu du lịch, yếu tố bên ngoài đặc biệt
Cầu được hình thành trên cơ sở nhu cầu vả khả năng chi trả. Khác với cầu
các mặt hàng khác, để thực hiện một chuyến du lịch, ngoài khả năng tài chính,
khách du lịch, người tiêu dùng du lịch, phải có nhận thức đúng đắn về du lịch, có
thời gian rỗi và sức khỏe để tham gia hành trình.
Đối với con người, du lịch không phải là nhu cầu thiết yếu. Nhu cầu du lịch
xuất hiện khi con người thấy được giá trị của hoạt động này, nói một cách khác,
nhu cầu thường gắn liền với trình độ dân trí.
1.3.2.1. Nhận thức về du lịch
Du lịch không phải là một nhu cầu cơ bản của con người. Có nhiều trường
hợp, mặc dù có thời gian rỗi, có điều kiện tài chính, song người vẫn không đi du
lịch vì những lý do như họ cho rằng, thông qua các phương tiện truyền thông cũng
có thể biết được vẻ đẹp của Paris, Moskva, Amsterdams… mà không tốn tiền và
“hao phí sức khỏe”! Rào cản chính ở đây là nhận thức chưa đúng đắn về những lợi
ích mà du lịch mang lại. Theo truyền thống của người Việt Nam, một người đàn
ông có 3 việc lớn phải làm là “tậu trâu”, “lấy vợ” và “làm nhà”. Với tư tưởng đó,
người ta phải luôn luôn lao động chăm chỉ để tích cóp tiền của. Tư tưởng đó vẫn
còn có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống người Việt hôm nay, nhất là những cộng
đồng sống tại cái nôi của nền văn minh lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng!
Trong khi đó ở các nước tư bản phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Pháp… nhiều người
chọn phương án thuê nhà nhưng vẫn dành tiền để đi du lịch hàng năm. Từ một trào
lưu, du lịch đã trở thành một nhu cầu phổ biến trong cộng đồng. Số tiền chi cho du
lịch, độ dài chuyến đi, những điểm đến mới là những tiêu chí của cuộc sống. Lý do
cơ bản của xu thế này là nhận thức về giá trị của các chuyến du lịch. Du lịch làm
cho người ta mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí như định nghĩa về du lịch của
Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện “du lịch là sự mở rộng không gian văn hóa của con
người” (dẫn theo Trần Đức Thanh, 1999:8). Rõ ràng rằng, khi trình độ dân trí cao,
nhận thức về giá trị to lớn mọi mặt của du lịch sẽ góp phần hình thành nhu cầu du
lịch. Dưới tác động của toàn cầu hóa, ngày nay đã có nhiều người Việt Nam, đặc
biệt là giới trẻ, thay đổi tư duy về giá trị cuộc sống. Họ cũng đã đi du lịch nhiều
hơn. Nếu như năm 1986 ở Việt Nam mới chỉ có 286 nghìn người đi du lịch (dẫn
theo Trần Đức Thanh 1999:52) thì đến năm 2019, theo Tổng cục Du lịch, con số
này đã là 85 triệu79, tăng trưởng trung bình năm là 19,32%. Bên cạnh việc hình
78
https://www.vietnamplus.vn/nganh-du-lich-australia-thiet-hai-hang-tram-trieu-usd-do-chay-rung/616555.vnp
79
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13460

47
thành nhu cầu du lịch, trình độ dân trí cao còn góp phần phát triển du lịch bền
vững. Khách du lịch có trình độ dân trí cao thường là những khách du lịch có trách
nhiệm. Họ tôn trọng văn hóa bản địa, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Nhiều khi hành vi của họ lại chính là những tấm gương sáng cho mọi người trong
việc ứng xử với cộng đồng, với thiên nhiên.
1.3.2.2. Thời gian rỗi
Trong một số định nghĩa về du lịch (Pirojnik I.I.. 1985, Trần Đức Thanh
2017), một trong những nội hàm của khái niệm du lịch là “thời gian rỗi”. Chuyến đi
của khách du lịch thuần túy được thực hiện trong thời gian rỗi của họ. Những chuyến
đi vì mục đích khác như học tập, hội họp, thể thao, công tác… không nhất thiết là
chuyến du lịch. Tuy nhiên nếu trong thời gian chuyến đi đó, họ có những khoảng thời
gian rỗi để nâng cao tại chỗ về thế giới xung quanh thì đó là chuyến đi đó được coi là
chuyến du lịch kết hợp. Thời gian rỗi là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa nhu
cầu du lịch. Cho dù muốn đi du lịch, cho dù có điều kiện chi trả cho chuyến đi, song
một số người không thực hiện được chuyến đi do họ không có thời gian rỗi. Khái
niệm thời gian rỗi ở đây được hiểu là có nhiều ngày nghỉ liền nhau để khách du lịch
có thể lưu lại qua đêm tại điểm du lịch.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã góp phần giải phóng sức lao
động của con người. Số ngày nghỉ trong năm tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây,
người lao động phải làm việc 10-12 tiếng một ngày, không có ngày nghỉ, thì nay,
theo luật lao động nhiều nước trên thế giới, người lao động chỉ phải làm việc 35-40
tiếng/tuần. Khái niệm ngày nghỉ cuối tuần (weekend) ra đời để chỉ 2 ngày nghỉ
cuối tuần đã trở nên phổ biến. Ở nhiều nước, bên cạnh hai ngày nghỉ cuối tuần, còn
có nhiều dịp lễ tết mà người lao động được nghỉ vẫn hưởng lương. Để tạo điều
kiện cho công dân có những dịp nghỉ dài ngày, chính quyền nhiều nước linh hoạt
để cho công dân nghỉ nhiều ngày liền, từ 1 tuần đến 10 ngày. Có một số nước gọi
những dịp như vậy là tuần lễ vàng. Tiêu biểu là tuần lễ vàng ở Trung Quốc, Nhật
Bản.
Trung Quốc có hai "Tuần lễ Vàng" tết Âm lịch (tháng 1 hoặc 2) và Quốc
khánh (1/10). Trước đây, từng có thêm tuần lễ Vàng thứ ba vào dịp Quốc tế Lao
động (1/5). Tuần lễ Vàng đầu tiên ở Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/1999, với ý
tưởng mở rộng du lịch nội địa, cho phép các thành viên trong gia đình được đoàn tụ
và kích cầu toàn quốc gia. Theo Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc, vào năm 1999
có khoảng 28 triệu người đã ra đường trong kỳ Tuần lễ Vàng đầu tiên. Đến tháng

48
10/2017, con số đó nhảy vọt lên 705 triệu. Trong một tuần (1/10 - 8/10/2017), người
Trung Quốc đã chi tới 85 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động du lịch, mua sắm80.
Ở Nhật Bản một năm cũng có 2 dịp nghỉ dài 81. Kỳ nghỉ dài đầu tiên trong
năm bắt đầu từ ngày Chiêu Hoàng 29 tháng 4 đến 6 tháng 5. Kỳ nghỉ thứ hai ngắn
hơn là nghỉ lễ Obon từ 13 đến 16/8. Đây là hai thời kỳ mà người dân Nhật Bản
thường hay dành để đi du lịch nhiều nhất.
Theo điều 72 và 74 luật Lao động Việt Nam, mỗi tuần người lao động được
nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao
động không thể nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người
lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất là bốn ngày. Ngoài thứ bảy, chủ
nhật, hàng năm người lao động còn được nghỉ 1 ngày vào dịp tết duơng lịch, 1 ngày
vào dịp quốc khánh, 2 ngày vào dịp ngày chiến thắng và quốc tế lao động, 4 ngày
vào dịp tết nguyên đán. Luật cũng quy định, nếu những ngày nghỉ này trùng vào thứ
bảy, chủ nhật, thời gian nghỉ sẽ được kéo dài thêm 2, 3 ngày. Như vậy chính sách
nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân có nhiều thời gian rỗi để nghỉ ngơi, trong
đó có đi du lịch. VÍ DỤ dịp 30/4 và 1/5/2019, người dân được nghỉ 5 ngày liên tục,
từ thứ Bảy ngày 27/4 đến hết thứ Tư ngày 1/5.
1.3.2.3. Khả năng chi trả
Năng suất lao động ngày càng cao đã tạo ra nguồn của cải vật chất lớn cho
xã hội. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), tổng sản phẩm thế giới (GWP) năm
2002 là 49.000 tỷ đô la Mỹ, năm 2018 đã tăng lên 84.835 tỷ 82, tăng trung bình
năm là 73,13%. Năm 2018, tính trung bình trên toàn thế giới GWP bình quân
đầu người đạt 1.100 đô la Mỹ, trong khi đó GDP bình quân đầu người của
Luxembourg lên đến 114.234 đô la Mỹ. Việt Nam đứng thứ 135 thế giới với GDP
bình quân đầu người là 2,342 đô la Mỹ. Nếu tính theo phương pháp đồng giá sức
mua, GDP (ppp) bình quân đầu người của Việt Nam là 6.900 đô la Mỹ, xếp thứ
129 trên thế giới83. Khả năng chi trả cho chuyến đi phụ thuộc vào thu nhập khả
dụng thực tế84 Xã hội phát triển, tổng thu nhập, thu nhập khả dụng và đặc biệt là
thu nhập khả dụng thực tế của mọi người gia tăng, tạo điều kiện để người dân chi
tiêu cho du lịch. Khi đi du lịch, khách du lịch phải chi cho ăn ở, ngủ nghỉ với mức
chi cao hơn mức chi hàng ngày khi ở nhà. Ngoài ra họ còn phải chi cho đi lại.
Bên cạnh đó, khi đi du lịch, khách thường sẽ chi cho các nhu cầu xuất hiện trong
chuyến đi như quà lưu niệm, mua sắm, các dịch vụ vui chơi giải trí… Theo báo
80
http://genk.vn/tuan-le-vang-o-trung-quoc-nhung-con-so-dang-kinh-ngac-dang-sau-cuoc-di-cu-lon-nhat-trong-lich-
su-loai-nguoi-20181001162644437.chn
81
https://jw-webmagazine.com/what-is-golden-week-in-japan/
82
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi
83
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_qu%E1%BB%91c_gia_theo_GDP_(danh_ngh
%C4%A9a)_b%C3%ACnh_qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BA%A7u_ng%C6%B0%E1%BB%9Di
84
Phân biệt ba khái niệm Tổng thu nhập, thu nhập khả dụng và thu nhập khả dụng thực tế
49
cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng được công bố bởi Nielsen, một công ty
thông tin và đo lường toàn cầu được đăng tải trên trang web Nghiên cứu của
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt năm 2017, cùng với xu hướng tiết kiệm, người
tiêu dùng tại Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn. Sau
khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng một trong ba người tiêu dùng
Việt sẵn sàng để chi cho du lịch (38%) 85. Báo Giao thông Vận tải trực tuyến cho
biết, theo khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu được thực hiện trên hơn 15.000
người tại 27 quốc gia trên toàn thế giới, năm 2018, trung bình mỗi người Việt chi
880 đô la Mỹ (khoảng 20 triệu đồng) cho chuyến du lịch nước ngoài gần nhất. Dự
báo, trong vòng hai năm tới, người Việt có xu hướng đi du lịch nhiều hơn và chi
tiêu mạnh tay hơn. Mỗi khách du lịch dự kiến sẽ chi khoảng 1.100 đô la Mỹ trong
chuyến đi tiếp theo. Cùng với đó, trung bình mỗi khách du lịch Việt Nam sẽ đi
nước ngoài 5 lần trong 2 năm tới. Con số này đã tăng lên so với 2 năm trở lại đây
(3,5 chuyến)86.
1.3.2.4. Sức khỏe
Theo WHO 2006, “sức khỏe là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tinh thần
và xã hội, không yếu đuối và ốm đau”. Định nghĩa này nhấn mạnh trạng thái khỏe
mạnh về cả thể chất và tinh thần.
Trước hết là sức khỏe thể chất. Sức khỏe thể chất có ý nghĩa quyết định đến
dự định đi du lịch của con người. Để tham gia vào hoạt động du lịch, con người
phải khỏe mạnh. Rõ ràng rằng, du lịch yêu cầu người ta phải vận động, đi và đứng
nhiều hơn thường ngày. Để đến điểm du lịch, khách phải di chuyển bằng một trong
những phương tiện vận tải như ô tô, tàu thủy, tàu hỏa hay máy bay, thậm chí nhiều
khi khách phải thay đổi nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau. Ngay tại điểm
tham quan hay điểm du lịch, khách phải đi từ điểm đối tượng tham quan này đến
đối tượng tham quan khác, đi từ điểm tham quan này đến điểm tham quan khác.
Nếu không đi bộ thì họ cũng phải di chuyển bằng một phương tiên giao thông nào
đó như xe đạp, xe máy, xe điện, ô tô, cáp treo… kể cả trong một điểm du lịch,
điểm tham quan... Nếu có sức khỏe không tốt, đi bộ trong một thời gian dài, nhiều
khi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, dễ làm cho khách du lịch mệt mỏi,
thậm chí kiệt sức, không muốn đi tiếp, do vậy làm giảm hiệu quả việc thẩm nhận
tại chỗ về thế giới xung quanh, ý nghĩa cơ bản của hoạt động tham quan du lịch.
Cho dù các nhà sản xuất đã có những bước tiến vượt bậc để cải thiện, song nhiều
phương tiện vận tải vẫn có những tác động tiêu cực đến sức khỏe hành khách.
Tiếng ồn, rung động, mùi (xăng, mùi máy móc), tốc độ, sự thay đổi tác động đến

85
http://research.lienvietpostbank.com.vn/nguoi-tieu-dung-viet-nam-dang-chi-tieu-ra-sao
http://www.tapchigiaothong.vn/trung-binh-nguoi-viet-chi-bao-nhieu-tien-cho-mot-lan-du-lich-nuoc-ngoai-
86

d57370.html

50
hành khách sẽ làm cho một số người có sức khỏe không tốt bị say phương tiện (say
xe, thuyền, máy bay…). Ngồi trên phương tiện vận chuyển, bị tác động của các
yếu tố trên trong một thời gian dài, lịch sinh hoạt bị đảo lộn, thức ăn không phù
hợp… là những nguyên nhân làm cho những khách có sức khỏe yếu không thể ăn
uống được. Việc này càng làm cho sức khỏe của hành khách giảm sút trầm trọng
hơn.
Sức khỏe tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động du lịch của du
khách. Tinh thần, ý chí của con người có ý nghĩa người quyết định để họ vượt qua
mọi khó khăn, thử thách, sự cố có thể xảy ra trong chuyến đi. Sức khỏe tinh thần
tốt là điều kiện quan trọng để khách du lịch tiếp nhận những tri thức, cảm nhận
được giá trị của những trải nghiệm có được trong chuyến đi.
1.3.3. Các nguồn lực phát triển du lịch
Trong tiếng Việt, những yếu tố của bản thân sự kiện, sự vật, hiện tượng hay
của không gian nào đó được gọi là nguồn lực. Nếu các điều kiện là yếu tố khách
quan thì các nguồn lực là yếu tố chủ quan của điểm đến, nó có tính chất quyết định
cho sự phát triển của quốc gia hay điểm đến đó.
Nguồn lực du lịch của một điểm đến, một khu vực, rộng hơn là của một
quốc gia bao gồm nguồn lực tài nguyên du lịch, nguồn lực con người, nguồn lực tổ
chức, nguồn lực tài chính và nguồn lực chính sách, cơ chế cho phát triển du lịch.
1.3.3.1. Nguồn lực tài nguyên du lịch
Trong nhiều tài liệu, thuật ngữ tài nguyên du lịch thường được dùng với
nghĩa điều kiện địa lý phát triển du lịch. Thậm chí, có một vài tài liệu, dưới mục tài
nguyên du lịch có các tiểu mục như thổ nhưỡng, dân số, phân bố dân cư… Những
nội dung này không có ý nghĩa nhiều trong du lịch. Ở phần đầu đã phân tích, tài
nguyên du lịch chỉ là những sản phẩm hữu hình hay vô hình của tự nhiên hay do
con người tạo ra có sức hấp dẫn khách du lịch mà thôi. (xem mục 1.1.3 về định
nghĩa tài nguyên du lịch.
Pirojnik I.I (1985) , một chuyên gia hàng đầu về địa lý du lịch của Liên Xô
đánh giá rất cao vai trò của tài nguyên trong ngành Du lịch. Tác giả thường xuyên
nhấn mạnh: “Du lịch là ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt”. Theo tác giả, tài
nguyên du lịch có vai trò quan trọng trong tổ chức lãnh thổ du lịch, trong việc hình
thành các vùng, tiểu vùng du lịch, điểm du lịch cũng như trong tính hiệu quả của
hoạt động du lịch (Trang 55).

51
Nh Tổ
ân qu ch
lự
c ản ức

Chính sách

u
nd

ín h

ch
gu

i

h
in

lịc

Hình 1.6. Sơ đồ xương cá các nguồn lực phát triển du lịch

Luật Du lịch 2017 cũng khẳng định tại khoản 4 điều 4 về vai trò của tài
nguyên du lịch. Đó là “yếu tố cơ bản hình thành các khu du lịch, điểm du lịch,
tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Đổng Ngọc Minh và Vương Lôi Đình cho rằng, tài nguyên du lịch là “cơ sở
để phát triển du lịch” (trang 127)
Rõ ràng rằng, tài nguyên du lịch là tiền đề để phát triển du lịch. Trên thực tế,
những địa bàn có hoạt động du lịch sôi động thường là nơi có tài nguyên du lịch
phong phú, đa dạng. Do có nhiều tài nguyên du lịch nên Hong Kong, London,
Singapore, Bangkok, Paris, Macao; New York, Istambul, Kuala Lumpur được
trang web elitereaders đánh giá là những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới87.
Ở Việt Nam có thể kể rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước
mà cả trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Đó là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha
Trang, Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Đà Lạt và nhiều địa phương khác. Nếu điểm đến
Quảng Ninh có tài nguyên du lịch biển đảo đặc sắc thì ở điểm du lịch Hà Nội tài
nguyên du lịch văn hóa rất đa dạng. Ninh Bình nổi tiếng vì có sự kết hợp hài hòa
giữa tài nguyên du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch tự nhiên. Đà Lạt cuốn hút
khách du lịch bốn phương bởi có khí hậu mát mẻ, phong cảnh đầy chất thơ. Tà áo
thướt tha và màu tím đặc trưng, hệ thống lăng tẩm, kiến trúc kinh thành, là cấu
phần quan trọng của tài nguyên du lịch văn hóa xứ Huế góp phần làm cho nơi đây
trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Đà Nẵng là điểm đến
rất thu hút khách vì ở đây tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa
rất phong phú (cảnh quan ven bờ biễn, cảnh quan núi, hệ thống di tích, bảo tàng,
khu vui chơi giải trí…)

87
https://www.elitereaders.com/worlds-top-25-tourist-destinations/3/
52
Những công trình xây dựng có sức hấp dẫn khách du lịch thường là các di
tích lịch sử văn hoá, chúng có giá trị văn hoá, giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ
thuật, ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa tâm linh...
Các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Tháp đồng hồ Big Ben,
Khách sạn Burj Al Arab, Tòa nhà lập thể Casa Milà, Tòa nhà Chrysler, Tháp Burj
Khalifa, Tháp Eiffel, Tháp Jin Mao, Tòa tháp Shard, Nhà hát Opera Sydney, Nhà
biểu diễn nhạc Walt Disney, Đền Taj Mahal (tham khảo trang Diễn đàn Kiến trúc
và Công nghệ88), hay những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam như Bưu
điện Sài Gòn, Toà nhà Bitexco, Cầu Nhật Tân, Cầu Bãi Cháy, nhà hát lớn Hà Nội,
các nhà máy, xí nghiệp… là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc phát
triển du lịch.
Toà thánh Vatican, nhà thờ Đức Bà Paris, phiến đá đen al-Ḥajar al-Aswad
trên tường Kaaba ở Mekka, Thánh đường Santiago de Compostela, Angcor Watt,
Mahabodhi, Boudhanath, Shwedagon, Borobudur, Pha That Luang cũng như nhà
thờ Phát Diệm, nhà thờ Đức Bà, chùa Trấn Quốc, chùa Dâu, chùa Thiên Mụ, chùa
Linh Phước, Miếu Bà Chúa Xứ ở Việt Nam không chỉ thu hút người “có đạo” hay
tăng ni phật tử mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch.
Các sản phẩm văn hoá có giá trị toàn cầu được UNESCO xem xét đưa vào
danh sách Di sản Thế giới89, những Di sản Văn hoá Phi vật thể Đại diện của Nhân
loại, những Di sản Tư liệu Thế giới là những tài nguyên du lịch văn hoá có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng để góp phần phát triển du lịch ở mọi địa bàn. Du lịch ở các địa
phương có các tài nguyên này thường rất sôi động. Ở nước ta, Quảng Ninh, Ninh
Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam… là những minh chứng rõ ràng nhất cho
nhận định này.
1.3.3.2. Nguồn lực tài chính
Du lịch là một ngành dịch vụ đòi hỏi nhiều điều kiện có yêu cầu cao và khá
khắt khe, tốn kém. Do vậy vốn đầu tư cho du lịch rất nhiều. Một đất nước muốn
phát triển du lịch một cách vững chắc rất cần có một tiềm lực kinh tế nhất định để
tự cung ứng được hầu hết các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Khi phải nhập nhiều
trang thiết bị, máy móc, hàng hóa, công nghệ, nhân lực… thì hầu hết lợi nhuận do
du lịch mang lại sẽ rơi vào tay tư bản nước ngoài.
Trong cơ cấu đầu tư cho du lịch, nguồn vốn cho xây dựng khách sạn, khu nghỉ
dưỡng, khu vui chơi giải trí chiếm tỷ trọng rất lớn. Theo Fletcher và cộng sự (2018),
phát triển cơ sở lưu trú du lịch cũng là một dạng phát triển kinh doanh bất động sản.
88
https://architech.vn/20-cong-trinh-kien-truc-tieu-bieu-cua-the-gioi/
89
Trong các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa tin là “được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới”

53
Ngành Du lịch Việt Nam đang dần dần chuyển từ điểm tham quan thành
điểm nghỉ dưỡng để góp phần gia tăng tỷ lệ quay lại của khách du lịch. Trong vài
chục năm trở lại đây, đầu tư vào bất động sản du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ
dưỡng đã tạo thành “cơn sốt” lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn như
tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, CEO Group, BIM Group, Bitexco, BRG
Novaland, Hoa Sen, ThaiGroup, Hòa Bình và nhiều công ty lớn khác. Quy mô vốn
đầu tư mỗi dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ
đồng.
Bên cạnh đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải
trí hiện đại, một hướng đầu tư cho bất động sản du lịch đang phát triển rầm rộ và thu
hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ở nước ta hiện nay là đầu tư vào
căn hộ khách sạn cho thuê condotel và căn hộ văn phòng cho thuê officetell. Những
quảng cáo thu hút vốn đầu tư vào các condotel Cát Bà, Nha Trang, Phú Quốc… tràn
ngập trên các mặt báo, internet, TV.
Thấy được “mỏ vàng du lịch Việt Nam”, đầu tư nước ngoài cũng gia tăng
đáng kể. Theo báo Đầu tư Chứng khoán điện tử số ra ngày 10/12/2018, từ năm
2000 đến 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào du
lịch, trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài90.
Rõ ràng rằng, nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch,
là một nhân tố quan trọng để đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Khi nguồn lực
tài chính của địa phương có hạn, các nhà đầu tư sẽ là người được hưởng lợi chính từ
kết quả hoạt động kinh doanh mang lại. Trong trường hợp này, chính quyền địa
phương cần có chính sách thu hút vốn đầu tư hấp dẫn song vẫn phải tối ưu hóa lợi ích
mà du lịch mang lại cho cộng đồng như tạo việc làm, cải thiện môi trường sống, phát
triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
1.3.3.3. Nguồn nhân lực
Bản chất du lịch là một ngành dịch vụ. Giá trị vật chất đóng góp trong sản
phẩm du lịch chỉ chiếm một phần nhỏ. Một cơ sở khách sạn sang trọng nhưng đội
ngũ nhân viên yếu về nghiệp vụ, kém về giao tiếp không thể là một khách sạn đẳng
cấp được. Khách du lịch chấp nhận trả cho bữa ăn trong nhà hàng, khách sạn cao
hơn nhiều so với ở nhà vì họ nhận được những dịch vụ chu đáo từ nhân viên.
Khách du lịch không hề thấy tiếc tiền khi được đi du lịch với một hướng dẫn viên
không những có nhiều kiến thức mà còn hài hước, tận tâm và tình cảm. Ngày nay,
với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều công việc có thể được tự động hóa. Robot có
thể thay con người làm được nhiều việc với năng suất, chất lượng nhiều khi cao
hơn hẳn con người. Internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh có thể tạo ra một
90
xem https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/du-lich-hut-manh-dau-tu-nhung-chua-het-rao-can-251268.html

54
“nhân viên” robot thành thục, song cho dù nó “hoàn hảo” đến mấy thì vẫn chỉ là
một cỗ máy, không thể hoàn toàn thay thế nhân viên phục được.
William R. Tracey, trong "Thuật ngữ nguồn nhân lực", đã định nghĩa nguồn
nhân lực là "những người là nhân viên và vận hành một tổ chức” (William R.
Tracey, 2003). Có thể hiểu nguồn nhân lực là năng lực thể chất và trí tuệ của con
người. Đối với một tổ chức, nguồn nhân lực là toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ
của các thành viên góp phần hoàn thành mục tiêu của tổ chức. Các thành viên này
có trạng thái sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau, có nhu cầu, sở thích… khác
nhau, song họ có một điểm chung là cùng góp sức hướng tới mục tiêu của tổ chức.
Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động. Do vậy nguồn
nhân lực luôn là yếu tố được các doanh nghiệp chú trọng quan tâm đầu tư cả về chất
và về lượng. Trong lĩnh vực du lịch khách sạn, một ngành kinh tế dịch vụ, vai trò của
nguồn nhân lực lại càng quan trọng. Một khách sạn to đẹp, lộng lẫy, có đầy đủ trang
thiết bị hạng sang cũng chưa thể trở thành một khách sạn cao cấp nếu đội ngũ lao động
chưa chuyên nghiệp, tay nghề non yếu, khả năng giao tiếp kém.
Chất lượng sản phẩm du lịch, tức là chất lượng dịch vụ của nhà cung ứng du lịch
thường được khách du lịch đánh giá thông qua nhân viên, đặc biệt là những nhân viên
phục vụ khách du lịch trực diện như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lái phương tiện
phục vụ khách du lịch, nhân viên phục vụ bàn, bar, nhân viên lễ tân. Đối với với khách
sạn, nhân viên lễ tân là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tiếp xúc với khách
đến lưu trú, do vậy chất lượng của đội ngũ lễ tân luôn là điều mọi khách sạn quan tâm.
1.3.3.4. Nguồn lực tổ chức
Tài nguyên du lịch dù rất có giá trị, song nó chỉ ở dạng tiềm năng nếu không
được khai thác phục vụ khách du lịch. Người làm du lịch, cụ thể là các doanh
nghiệp du lịch là tổ chức đứng ra giới thiệu về các giá trị của tài nguyên, kết nối và
đưa những người có nhu cầu thưởng ngoạn các giá trị đó đến với địa điểm có tài
nguyên du lịch. Trước hết đó là các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Những doanh
nghiệp này trực tiếp kết nối các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, hướng dẫn … để
đáp ứng các nhu cầu tham quan giải trí của khách tại điểm du lịch. Các doanh
nghiệp cung ứng dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chủ yếu đáp ứng các dịch vụ chính
như ăn nghỉ cho khách du lịch là những doanh nghiệp không thể thiếu được tại các
điểm du lịch. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ vui chơi
giải trí, góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu lại điểm du lịch của khách.
Để quản lý tốt công tác kinh doanh du lịch, các địa bàn có cơ quan quản lý
nhà nước các cấp. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp trung ương ở nước ta
là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đơn vị trực tiếp tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về du
lịch trong phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của

55
pháp luật là Tổng cục Du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh có
UBND tỉnh/thành với sự tham mưu, giúp việc của Sở Du lịch (hay Sở Văn hóa Thể
thao Du lịch). Cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch trên địa bàn quận/huyện là
UBND cấp huyện với sự tham mưu, giúp việc của phòng Du lịch hay phòng Văn
hóa Thể thao Du lịch. Tương tự UBND xã, phường thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về du lịch trên địa bàn phường/xã với sự tham mưu, giúp việc của phòng
Văn Xã.
Một số tổ chức xã hội nghề nghiệp phi chính phủ, phi lợi nhuận của những
người, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch được ra đời nhằm
mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế-kỹ thuật trong trong kinh
doanh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh
tranh trong và ngoài nước của hội viên; đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của hội viên. Ở nước ta, trong phạm vi toàn quốc có Hiệp hội Du lịch Việt
Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Hội Đầu bếp
Việt Nam, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt
Nam…
Có thể thấy rằng, muốn phát triển du lịch cần phải có các tổ chức cụ thể là
doanh nghiệp du lịch tiến hành các hoạt động marketing, tổ chức, triển khai các
hoạt động cung ứng dịch vụ cho khách du lịch. Để đảm bảo sự phát triển du lịch
một cách hiệu quả và bền vững, cần có bộ máy nhà nước để hỗ trợ, thúc đẩy và
điều chỉnh các hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động du
lịch thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư..), tổ
chức thanh tra, giám sát các hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt
động du lịch. Hiệp hội liên quan đến du lịch có vai trò quan trọng trong liên kết,
nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh và bảo vệ quyền lơi hợp pháp của
các bên tham gia vào hoạt động du lịch. Du lịch chỉ có thể phát triển bền vững trên
cơ sở hiện hữu của một mô hình tổ chức có sự gắn kết hữu cơ giữa các thành phần
trên.
1.3.3.5. Nguồn lực chính sách
Chính sách là một tập hợp các ý tưởng hoặc kế hoạch được sử dụng làm cơ
sở để đưa ra quyết định, đặc biệt là trong chính trị, kinh tế hoặc kinh doanh. Đó là
một hệ thống nguyên tắc có chủ ý định hướng các quyết định của nhà quản lý.
Thuật ngữ này có thể áp dụng cho chính phủ, các tổ chức và nhóm tư nhân, cũng
như các cá nhân. Chính sách khác với luật pháp hay nội quy, quy tắc. Chính sách là
những định hướng lớn và được được cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng các nội quy,
quy định. Chính sách phát triển du lịch của một quốc gia, một địa bàn được cụ thể

56
hóa thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển du lịch,
thông qua việc xây dựng và công bố chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch du
lịch. Sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, du
lịch đã bắt đầu được quan tâm phát triển. Tại Đại hội VII của Đảng (6/1991)
phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế
giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đã tạo nên tiền đề tốt để phát
triển du lịch (Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản
Việt Nam, 1991). Trên tinh thần đó, ngày 22-6-1993 Thủ tướng Chính phủ đã ra
Nghị quyết số 45-CP về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch. Đây cũng là
một động lực để Việt Nam thu hút được 1 triệu khách du lịch quốc tế vào năm
1994, trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội 1996 – 2000” trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã
xác định cần triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tương xứng
với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước theo hướng du lịch văn hoá, sinh thái môi
trường. Huy động các nguồn lực tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng kết
cấu hạ tầng ở những khu vực du lịch tập trung, ở các trung tâm lớn. Trong Nghị
quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX và lần thứ XII, Đảng ta đã định
hướng “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” (Đảng
Cộng sản Việt Nam, 2001)… “có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế
mũi nhọn” (Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản
Việt Nam, 2016).
Chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta đã được cụ thể hóa
trong các chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, thể hiện thông
qua các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch phát
triển. Những chính sách đó đã mang lại những kết quả rất ấn tượng. Theo Tổng cục
Du lịch, năm 2000 có 11,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, đến năm 2019 đã có 85
triệu lượt khách91, khách quốc tế tương ứng là 2.140.100 lượt và 18.008.591 lượt.92.
Đặc biệt, năm 2000 doanh thu từ khách du lịch chỉ có 17,4 nghìn tỷ, đến năm 2019
đã lên đến 755 nghìn tỷ93, tức tăng gấp 43,3 lần sau 19 năm với tốc độ tăng trưởng
trung bình 21,95%/năm, một tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng.
Bên cạnh chiến lược chung, chính sách phát triển du lịch thể ở các đề án
phát triển không gian du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường du
lịch và đặc biệt là chính sách xúc tiến du lịch từ xúc tiến kêu gọi đầu tư, xúc tiến
quảng bá sản phẩm du lịch, xúc tiến liên kết phát triển du lịch đến các hoạt động
xây dựng thương hiệu, marketing du lịch hỗn hợp.
91
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13460
92
https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international?txtkey=&year=2019&period=t12
93
https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/receipts

57
Nhiều ví dụ trên thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh cho vai trò tiên
quyết của chính sách trong phát triển du lịch. Một đất nước, địa phương có tài
nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn song chính quyền không có chủ trương phát
triển du lịch thì du lịch sẽ không có cơ hội phát triển. Một quốc gia có chính sách
phát triển du lịch sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp để vượt qua các trở ngại như
thiếu hụt nguồn lực tài chính, thiếu và yếu trong nguồn nhân lực du lịch, môi
trường không an toàn (như dịch bệnh, thiên tai)…
Như vậy hoạt động du lịch của một địa phương (quốc gia, tỉnh, huyện…)
phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài cũng như năng lực nội tại của địa phương. Điều
kiện bên ngoài gồm điều kiện chung và điều kiện đặc thù, đó là điều kiện cầu du
lịch. Do vậy, khi phân tích điều kiện phát triển du lịch của một vùng, một địa
phương, người đọc thường thấy các tác giả sử dụng phương pháp phân tích SWOT.
Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này cần chú ý phân tích theo thứ tự ngược lại,
thứ tự TOWS. Lý do của quy trình này là cần làm rõ cơ hội và thách thức của môi
trường bên ngoài trước (điều kiện chung và điều kiện cầu du lịch), trên cơ sở đó
nhận diện được những điểm mạnh và điểm yếu của chủ thể phát triển du lịch.
1.4. Tính thời vụ trong du lịch
1.4.1. Khái niệm
Du lịch hiện tượng xã hội, do vậy hoạt động du lịch bị chi phối bởi con
người. Hoạt động này chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện thiên nhiên và điều
kiện kinh tế, văn hóa của cư dân. Đa số các điều kiện này có tính nhịp điệu, do vậy
có thể nói rằng, hoạt động du lịch cũng có tính nhịp điệu, hay nói cách khác, có
tính mùa vụ.
Theo Butler (1994), tính thời vụ là “một sự mất cân bằng về thời gian trong
hiện tượng du lịch”. Nó có thể được thể hiện trong số lượng khách, trong chi tiêu
của du khách, trong giao thông trên đường cao tốc (Butler, 2001) và các hình thức
giao thông khác, trong việc làm hoặc số lượng khách vào các điểm tham quan
(Butler, 2014).
Trên thực tế ở nước ta cũng có thể thấy rằng, cứ vào dịp hè, tết Nguyên
đán, các kì nghỉ lễ dài ngày lượng người đi du lịch rất đông, nhiều điểm du lịch
không có đủ chỗ ở cho khách. Ngược lại, có không ít giai đoạn, do nhiều
nguyên nhân khác nhau, nhiều điểm du lịch rất vắng khách. Những điểm du lịch
biển ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ là những ví dụ điển hình cho hiện
tượng này.

58
Có một số học giả ở nước ta cho rằng “tính thời vụ là sự giao động lặp đi,
lặp lại đối với cung và cầu các dịch vụ và hàng hóa du lịch, xảy ra dưới tác động
của các nhân tố nhất định”. Thông thường thời vụ là hiện tượng lặp lại hàng năm
của hoạt động du lịch. Trong trường hợp chưa có hoạt động kinh doanh du lịch (ví
dụ từ thời cổ đại hay ở những nơi hoàn toàn mới, khách tự đến) vẫn có sự lặp lại
này hàng năm. Cung du lịch chỉ là hoạt động thứ nguyên của cầu du lịch. Khi có sự
bùng nổ của nhu cầu du lịch trong một giai đoạn nào đó, các nhà cung ứng tập
trung các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đó, biến hoạt động du lịch như một hiện
tượng xã hội thành một hoạt động kinh tế. Do vậy dưới góc độ kinh tế, thời vụ du
lịch là sự bùng nổ của cầu và cung du lịch có tính chu kì tại một điểm du lịch nào
đó.
Căn cứ vào xu thế biến đổi lượng khách có thể chia mùa du lịch thành ba
giai đoạn: đầu vụ, chính vụ và cuối vụ. Giai đoạn mà số lượng khách ngày hôm sau
thường tăng hơn ngày hôm trước gọi là đầu vụ. Giai đoạn chính vụ là số lượng
khách nhìn chung ổn định ở mức cao nhất. Cuối vụ là thời kì mà số lượng khách
ngày hôm sau nhìn chung giảm so với ngày hôm trước. Ngoài thời gian này, thời
gian không có khách du lịch đến điểm du lịch được gọi là mùa chết.
1.4.2. Đặc điểm
Tính thời vụ của hoạt động du lịch có một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất là tính phổ biến. Tính thời vụ có thể được coi là một trong những
đặc điểm của hoạt động du lịch. Cho dù ở bất cứ điểm du lịch nào cũng có thể quan
sát thấy tính thời vụ của nó. Ở những vùng du lịch chưa phát triển mạnh tính thời
vụ thể rất rõ nét. Ở những vùng du lịch phát triển, với những cố gắng của các nhà
cung ứng, lượng khách đến tương đối đều đặn trong năm, song điều đó không có
nghĩa là ở đó không có tính thời vụ.
Đặc điểm thứ hai của tính thời vụ du lịch là một khu vực, một điểm du lịch
có thể có một hay nhiều thời vụ du lịch. Thông thường ở những quốc gia có du lịch
phát triển, có nhiều loại hình du lịch khác nhau được khai thác nên tạo ra nhiều đợt
sóng du lịch. Những điểm du lịch mới mở thường chỉ có một mùa du lịch.
Đặc điểm thứ ba là các loại hình du lịch khác nhau thì cường độ và độ dài
của mùa du lịch cũng không giống nhau.
Đặc điểm thứ tư là cường độ du lịch và độ dài của mùa du lịch thường tỉ lệ
nghịch với nhau. Ở những điểm du lịch có độ dài mùa du lịch ngắn thì lưu lượng
khách du lịch càng lớn và ngược lại.

59
Điểm du lịch càng nhỏ tính mùa vụ thể hiện càng rõ nét và ngược lại, điểm
du lịch càng lớn, tính thời vụ thể hiện càng yếu. Điều này được lý giải ở sự đa dạng
phong phú của các loại hình du lịch. Những điểm du lịch lớn, tài nguyên du lịch
phong phú và đa dạng hơn các điểm du lịch nhỏ. Do vậy ở những điểm du lịch lớn,
có nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ khách du lịch. Nhiều thời vụ du lịch khác
nhau thu hút khách du lịch đến vào các thời điểm khác nhau nên dưới góc độ tổng
thể, tính thời vụ du lịch diễn ra ở đây khá mờ nhạt.

180 triệu lượt

160

140

120

100

80

60

40

20

0
T1 T2 T3 T4 T5 T6 T7 T8 T9 T10 T11 T12

N2015 N2016 N2017 N2018 N2019

Hình 1.7. Lượng khách quốc tế trên thế giới theo tháng giai đoạn 2015 - 2019
Xây dựng theo các số liệu của UNWTO (2021) World Tourism Barometer
Độ dài của mùa du lịch còn phụ thuộc vào loại hình du lịch hay loại hình sản
phẩm du lịch được khai thác ở khu vực. Mùa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thiền, du lịch
chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe… thường có độ dài lớn hơn mùa du lịch lễ hội
hay du lịch tham quan.
1.4.3. Nguyên nhân gây nên tính thời vụ
Có rất nhiều nhân tố gây nên tính thời vụ, một số học giả cho rằng các nhân
tố này bao gồm nhân tố thời vụ tự nhiên, thời vụ thể chế và thói quen.
Sự lặp lại của các điều kiện thời tiết là nguyên nhân chính của tính thời vụ
du lịch (Page, 2009; Yu, Schwartz và Walsh, 2010; Sainaghi Canali, 2011…). Đó

60
là tính xuất hiện theo chu kỳ của các yếu tố tự nhiên, đặc biệt là sự thay đổi thời
tiết (nhiệt độ, lượng mưa, gió và ánh sáng…).
Tính thời vụ thể chế hóa bởi các quyết định của chính quyền trong luật pháp
căn cứ vào phong tục tập quán dựa trên các khía cạnh tôn giáo, văn hóa, dân tộc và
kinh tế xã hội. Các ngày lễ là một trong những hình thức phổ biến nhất của tính
thời vụ được thể chế hóa (Butler, 2001; Koenig & Bischoff, 2005; Lee và cộng sự
2008…)
Nhiều tác giả cho rằng, nhiều người đi du lịch trong những khoảng thời gian
nhất định vì họ luôn muốn làm như vậy. Thói quen có khi không thể lý giải được
song nó vẫn tồn tại và tạo nên tính thời vụ du lịch (Goulding, Baum & Morrison,
2004; Higham, 2005; Page & Connell, 2006; Page, 2009)
Tóm lại, tính thời vụ của hoạt động du lịch liên quan chặt chẽ đến sự nhịp
điệu của nhóm các yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội, yếu tố tâm lý xã hội và yếu tố
kinh tế.
Yếu tố tự nhiên hình thành nên tính thời vụ là khí hậu. Khí hậu là đặc điểm
trạng thái khí quyển ở một địa bàn nào đó. Một trong những quyển bao bọc Trái đất
là khí quyển. Trạng thái khí quyển, hay nói một cách chính xác hơn, trạng thái của
khí quyển ở tầng đối lưu sát mặt đất gọi là thời tiết. Trạng thái đó phụ thuộc vị trí
tương đối của Trái Đất với Mặt Trời và tính chất lớp phủ bề mặt. Trong khi đó vị trí
này lại phụ thuộc chu kì quay xung quanh Mặt Trời của Trái Đất. Nếu như ở các
vùng xích đạo giao động vị trí tương đối của Trái Đất với Mặt Trời không lớn lắm
thì ngược lại, càng xa xích đạo về các vùng cực, giá trị giao động này càng lớn. Do
vậy ở gần xích đạo, trạng thái khí quyển tương đối đồng nhất, trong khi đó trạng thái
đó khí quyển ở các vùng vùng xa xích đạo có sự biến đổi đáng kể. Riêng ở vùng
cực, do ở quá xa Mặt Trời nên trạng thái khí quyển cũng ít giao động. Như vậy khí
hậu là thời tiết đặc trưng của một vùng. Ở một vùng nào đó trong một năm có thể
quan sát thấy nhiều trạng thái khí quyển khác nhau, song về cơ bản những trạng thái
đó lặp lại theo chu kì hàng năm. Sự lặp lại có chu kì của thời tiết được gọi là mùa.
Nằm trọn trong vùng nhiệt đới nhưng do chịu ảnh hưởng của gió mùa nên theo sơ
đồ phân loại của Köppen94, khí hậu Việt Nam có 3 vùng cơ bản. Miền Bắc và Bắc
Trung Bộ là khí hậu cận nhiệt đới ẩm, với miền Bắc có 4 mùa: xuân, hạ thu và đông.
Miền Trung và Nam Trung bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền cực Nam Trung
Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm nhiệt đới xavan. Đồng thời, do nằm ở rìa phía Đông
Nam của phần châu Á lục địa, giáp với Biển Đông (một phần của Thái Bình
Dương), nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường

94
 Wladimir Köppen, một nhà khí hậu học người Đức phát triển vào khoảng năm 1900

61
thổi ở các vùng vĩ độ thấp. Miền Nam thường có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Hoạt
động du lịch chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố thời tiết nên nó cũng có tính nhịp
điệu như thời tiết. VÍ DỤ, ở miền Bắc nước ta, hoạt động du lịch biển chỉ sôi động
vào mùa hè do các tháng khác trong năm nhiệt độ thấp, không thích hợp cho du lịch
tắm biển, trong khi đó, bãi biển Vũng Tàu có khả năng đón khách quanh năm do
Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Theo Nguyễn Thám, Đinh Thị
Thu Thủy (2014), nhiệt độ trung bình hàng năm ở Vũng Tàu là 27 °C, tháng thấp
nhất khoảng 25,8 °C, tháng cao nhất khoảng 28,3 °C. Số giờ nắng rất cao, trung bình
hàng năm khoảng 1.800 đến 2.700 giờ, tức là trung bình có từ 5 đến 6 giờ nắng mỗi
ngày!
Yếu tố thứ hai gây nên tính thời vụ là yếu tố xã hội. Đó là tính nhịp điệu của
thời gian rỗi trong năm. Theo luật định của từng quốc gia, công dân có một số
ngày nghỉ như quốc khánh, tết (dương lịch hay âm lịch) và một số dịp lễ tết khác.
Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được Chủ tịch nước kí lệnh ban hành năm
2019, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 5 ngày tết âm
lịch. Các ngày tết dương lịch, giỗ tổ Hùng Vương, ngày chiến thắng 30/4, ngày
quốc tế lao động 1/5, quốc khánh 2/9 đều được nghỉ 1 ngày. Thông thường, những
ngày nghỉ dịp này kết hợp với 2 ngày nghỉ cuối tuần tạo nên dịp nghỉ 3-4 ngày, có
khi cả 1 tuần. Hàng năm, cứ vào những dịp nghỉ dài ngày số người đi du lịch lại
gia tăng đột ngột. Ngoài ra, hàng năm vào dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên và
của giáo viên là thời kì có số lượng khách đi du lịch vượt trội. Nhiều gia đình cũng
cố thu xếp thời gian để đi du lịch cùng con, em của họ vào dịp mùa hè.
Một yếu tố mang tính xã hội khác là đặc điểm của dòng khách. VÍ DỤ người
Việt Nam thường đi du lịch vào mùa hè, song khách du lịch châu Âu thường chọn
đến Hạ Long vào mùa đông. Những người kinh doanh thường bố trí thời gian để đi
lễ, kết hợp du lịch vào dịp đầu năm, đi “trả lễ” vào dịp cuối năm âm lịch. Sinh viên
thường chỉ đi du lịch vào mùa hè vì các thời gian khác trong năm việc học tập, thi
cử đã chiếm gần hết thời gian của họ.
Yếu tố thứ tư mang tính tâm lý xã hội, đó là tâm lý đám đông. Khi có một
“làn sóng” du lịch thì nhiều người, cho dù trước đó chưa có ý tưởng gì, chưa có
một kế hoạch gì về đi du lịch cũng đã vô thức nhập cuộc đi du lịch. Hiện tượng này
đặc biệt bùng phát khi có những nhân vật nổi tiếng đã từng đến một điểm du lịch
vào thời một thời điểm nào đó trong năm. Đại đa số những khách du lịch tiềm năng
gia nhập “đội quân du lịch” là những người ít kinh nghiệm đi du lịch. Họ chọn đi
vào thời kì có nhiều khách du lịch cùng đi, cũng có nhiều trường hợp họ bị lôi
cuốn bởi những khách du lịch nhiều kinh nghiệm hơn.

62
Yếu tố thứ năm là phong tục tập quán. Tính thời vụ chịu ảnh hưởng sâu sắc
của tài nguyên du lịch. Trong các tài nguyên du lịch văn hóa, phong tục tập quán
có vai trò quan trọng trong hình thành thời vụ du lịch. VÍ DỤ, theo phong tục tập
quán của người Việt Nam, đầu năm thường là dịp đi lễ chùa cầu may, là thời gian
có nhiều lễ hội nhất trong năm.
Kinh tế cũng là một yếu tố gây nên tình thời vụ du lịch. Yếu tố này có
nguồn gốc từ hoạt động tuyên truyền quảng cáo của các doanh nghiệp du lịch.
Nắm bắt được xu thế du lịch của cư dân, vào những thời điểm sẽ bùng phát nhu
cầu du lịch hàng năm như giao mùa, lễ tết…, nhiều doanh nghiệp du lịch triển khai
những chính sách marketing rất sôi động để thu hút khách. Họ giới thiệu những sản
phẩm du lịch đặc biệt với giá cả hấp dẫn cho nhiều đối tượng khác nhau và
khuyếch trương trên nhiều kênh thông tin đại chúng. Những chương trình quảng
cáo, đặc biệt là các chương trình khuyến mãi được phát trên các phương tiện thông
tin đại chúng như TV, đài phát thanh, báo giấy, trang mạng… vào các dịp nghỉ lễ
tết, các dịp đầu xuân, đầu hè, đầu thu, đầu đông hàng năm cũng góp phần gia tăng
một lượng khách đáng kể tạo nên một làn sóng du lịch vào các dịp đó.
1.4.4. Ảnh hưởng của tính thời vụ
Như mọi hiện tượng, tính thời vụ có hai mặt là tích cực và tiêu cực đối với
hoạt động du lịch, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh du lịch.
Trước hết là ảnh hưởng tích cực của tính thời vụ du lịch. Mùa du lịch tạo ra
một “không khí du lịch” rộng khắp mọi nơi. Điều này kích thích nhu cầu du lịch,
biến nhu cầu thành cầu du lịch. Những người chưa có hay ít kinh nghiệm du lịch sẽ
mạnh dạn tham gia vào hoạt động du lịch nhiều hơn. Những trải nghiệm mà họ có
được sau chuyến đi góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao dân trí.
Đối với doanh nghiệp du lịch, mùa du lịch là một cơ hội lớn trong hoạt động
kinh doanh, từ triển khai chính sách marketing, bố trí nhân lực, tính toán hiệu quả
kinh doanh đến thực thi trách nhiệm xã hội. Mùa du lịch là thời kì mà hiệu suất sử
dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch cao nhất, kết quả hoạt động
kinh doanh đạt chỉ tiêu cao nhất.
Về mặt xã hội, mùa du lịch cũng là thời kì thu hút tối đa nguồn lao động
nhàn rỗi và đặc biệt là nguồn lao động du lịch tiềm năng, đó là những học sinh,
sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là sinh viên theo học ngành
Du lịch. Người lao động có trải nghiệm thực tế để phát triển nghề nghiệp, nhà
tuyển dụng có được lao động thời vụ và cơ hội đánh giá, lựa chọn nhân viên sau
một quá trình thử việc.

63
Do nắm được qui luật của thời vụ du lịch, các bên liên quan như khách du
lịch, chính quyền và doanh nghiệp sẽ chuẩn bị trước những phương án cho mùa du
lịch. Người dân chuẩn bị kế hoạch đi nghỉ, đặt trước các dịch vụ, lập kế hoạch chi
tiêu để chuẩn bị kinh phí cho chuyến đi. Doanh nghiệp chuẩn bị trước chính sách
marketing, có kế hoạch chuẩn bị sẵn các nguồn lực phục vụ mùa cao điểm. Chính
quyền các cấp lên kế hoạch sẵn để ngăn ngừa ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an
toàn xã hội và phối kết hợp với hoạt động kinh doanh để tuyên truyền các chính
sách, chủ trương có tính chiến lược như bảo vệ môi trường, ngăn ngừa phòng
chống tệ nạn xã hội, bảo vệ tổ quốc, gìn giữ hòa bình…
Thời kì “mùa chết” của điểm du lịch chính là lúc mọi tài nguyên du lịch có
thời gian được phục hồi sau một giai đoạn bị khai thác “hết công suất”. Tài nguyên
du lịch tự nhiên như các thảm thực vật, một số loài sinh vật có thời gian được
“nghỉ ngơi”, phục hồi, lấy lại sức sống. Những di tích, công trình đương đại, viện
bảo tàng có thời gian để được tu bổ, sửa sang những phần bị hư hại, được làm mới
hơn.
Bên cạnh các ảnh hưởng tích cực, tính thời vụ gây nên không ít ảnh hưởng
tiêu cực đến hoạt động du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng.
Trước hết là sự gia tăng đột biến của hoạt động du lịch gây nên nạn ùn tắc
giao thông, đặc biệt là vào đầu và cuối thời vụ ở các đô thị lớn và ở các điểm du
lịch. Bên cạnh nạn ùn tắc giao thông là các hệ lụy giao thông khác như nạn nhồi
nhét hành khách trên các phương tiện giao thông, tai nạn giao thông, vi phạm luật
lệ giao thông…
Thứ hai là sức ép lên tài nguyên môi trường du lịch. Nhiều điểm tham quan
du lịch bị quá tải, khách du lịch phải chen lấn nhau gây nên nhiều hình ảnh phản
cảm. Một số phong cảnh, di tích bị xuống cấp do những tác động vô tình hay hữu
ý của khách du lịch. Môi trường trong lành, tĩnh mịch đặc trưng của các điểm
tham quan du lịch tôn giáo bị thay thế bằng sự ồn ào, ngột ngạt, làm mất đi giá trị
vốn có của các điểm tham quan này.
Thứ ba là gây nên cơn sốt khó kiểm soát về giá cả các dịch vụ và hàng hóa.
Do cầu tăng đột biến nên tại nhiều điểm du lịch, giá cả các mặt hàng không được
kiểm soát, nạn chèn ép giá xuất hiện tràn lan ở một số điểm tham quan du lịch,
gây bức xúc trong khách du lịch, làm xấu hình ảnh điểm đến du lịch trong mắt
khách du lịch.

64
Sự đông đúc là cơ hội tốt để gia tăng các tệ nạn xã hội như lừa đảo, trộm
cắp, cướp giật, mại dâm, lạm dụng tình dục. Hiện tượng này bắt gặp ở rất nhiều
điểm du lịch, đôi khi nó thể hiện một cách trắng trợn.
Trong mùa cao điểm, cơ sở hạ tầng du lịch không đủ để đáp ứng lượng
khách quá lớn. Hiện tượng điểm du lịch không đủ cơ sở lưu trú, nhà hàng để phục
vụ khách du lịch vào mùa cao điểm là hình ảnh thường thấy. Các trang thiết bị
chạy hết công suất dẫn đến quá tải, hư hỏng. Nhu cầu điện nước gia tăng dẫn đến
sự quá tải của đường truyền tải điện, đôi khi phát sinh sự cố mất điện, mất nước.
Chất lượng dịch vụ du lịch không đảm bảo: thời gian một đơn vị vui chơi
giải trí bị cắt xén, thời gian khách chờ đợi lâu, gây nên cảm giác mệt mỏi, bực
bội. Buồng phòng khách sạn thiếu sạch sẽ do không đủ thời gian cần thiết để làm
vệ sinh. Nhân viên mệt mỏi do làm việc tăng ca nên không thể đáp ứng tốt các
yêu cầu của khách.
1.4.5. Các giải pháp khắc phục tính thời vụ
Việc khắc phục ảnh hưởng bất lợi của tính thời vụ trong du lịch là mối
quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và đặc biệt là của các doanh
nghiệp du lịch.
Có thể tổng hợp các hướng giải pháp cơ bản sau:
1.4.5.1. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Những vùng càng ít sản phẩm du lịch càng thể hiện tính mùa vụ rõ rệt,
những vùng có nhiều sản phẩm du lịch mùa du lịch sẽ dài hơn. Đặc điểm này gợi
ý việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để
kéo dài thời vụ du lịch. Có nhiều hướng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của
điểm đến.
Trước hết là xây dựng những sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác
toàn diện các loại tài nguyên du lịch của khu vực. Định nghĩa ở phần đầu cho
thấy, tài nguyên du lịch có thể là tất cả những gì có ở địa phương khi người ta tìm
thấy những giá trị có khả năng hấp dẫn khách du lịch. Có thể là những phong tục
tập quán rất bình thường trong đời sống hàng ngày của cộng đồng, có thể là
những sản phẩm, những món ăn thường nhật của cộng đồng, là cỏ, cây, hoa trái,
là những cảnh quan, những hồ nước, thác nước, những loài cây, con, những lối đi
cheo leo trên sườn đồi, sườn núi…
Hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch thứ hai là sử dụng các cơ sở vật chất
kĩ thuật sẵn có để phục vụ một mục đích ban đầu cho một hay một vài mục đích

65
khác của khách du lịch trên cơ sở triết lý “làm điều cũ theo cách mới”. Phòng hội
thảo, phòng ăn trong khách sạn có thể trở thành phòng triển lãm nghệ thuật,
phòng trưng bày sản phẩm mới vào thời kì ít khách du lịch truyền thống.
1.4.2.2. Liên kết
Có rất nhiều phương thức liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch vì
bản chất của du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành. Việc liên kết
không chỉ góp phần làm giảm tác động của tính thời vụ mà còn huy động được tối
đa các nguồn lực phục vụ khách du lịch vào mua cao điểm. Có nhiều hình thức
liên kết như liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp lưu trú, liên kết
giữa doanh nghiệp lữ hành với chính quyền và cộng đồng địa phương, liên kết
giữa doanh nghiệp lưu trú với doanh nghiệp lưu trú khác hoặc với cộng đồng địa
phương, liên kết giữa các địa phương với nhau, liên kết giữa ngành Du lịch và
các kinh tế khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp….
Việc liên kết trong giữa các cơ sở kinh doanh du lịch có các thế mạnh khác
nhau sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm góp phần giảm nhẹ áp lực vào một sản phẩm và
góp phần kéo dài thời vụ du lịch. Khách du lịch đến vì sản phẩm du lịch chính
được giới thiệu sử dụng thêm các phẩm liên kết. Nhiều sản phẩm liên kết nằm
ngoài điểm đến ban đầu nên khi khách sử dụng sản phẩm liên kết, mật độ tại
điểm đến ban đầu sẽ giảm xuống.
Liên kết với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, thủ công nghiệp,
công nghiệp ... sẽ tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn. Khách du lịch được tận hưởng sản
phẩm mới, doanh nghiệp du lịch giữ chân được khách lâu hơn, các ngành kinh tế
khác có thêm giá trị thặng dư từ sản phẩm truyền thống của mình.
1.4.2.3. Triển khai marketing
Để xây dựng chiến lược marketing góp phần giảm thiểu sức ép của tính
thời vụ và kéo dài mùa du lịch cần thực hiện nghiên cứu và phân tích thị trường.
Trên cơ sở bức tranh về nhu cầu, sở thích và đặc biệt là điều kiện thời gian rỗi,
nhà cung ứng du lịch lập chiến lược định hướng phát triển sản phẩm phù hợp cho
từng thị trường vào thời gian thích hợp nhất. Thị trường ưu tiên bố trí vào mùa
cao điểm là thị trường có khả năng chi trả cao. Thị trường thu hút vào mùa thấp
điểm là thị trường có thể tiêu thụ các sản phẩm du lịch ngoài thời vụ. Bên cạnh đó
cần xây dựng chiến lược khuyến mãi linh hoạt, đặc biệt là cho các thị trường đi vào
ngoài mùa cao điểm.

CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN


1. Nội hàm quan trọng nhất của khái niệm tài nguyên du lịch là gì?
66
2. Khái niệm du lịch có mấy nội dung
3. Đưa ra định nghĩa của bản thân về khái niệm tham quan, du lịch, tài
nguyên du lịch và lý giải về định nghĩa đó
4. Hãy phân tích sự phát triển du lịch gắn với mỗi giai đoạn lịch sử
5. Hãy thuyết trình về vai trò của Nhà nước trong việc phát triển du lịch
Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
6. Hãy tranh biện về vai trò của các điều kiện hình thành và phát triển du
lịch tại một địa phương cụ thể ở nước ta
7. Đề xuất các giải pháp khắc phục tính thời vụ tại một điểm du lịch cụ
thể ở Việt Nam. Lý giải về căn cứ đưa ra giải pháp đó.

67
Chương 2. CÁC HỢP PHẦN CỦA DU LỊCH

Sau khi học xong chương này, người học sẽ:


Hiểu được các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch
Biết được các nhà cung ứng dịch vụ cho khách du lịch
Nắm được vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch
Thấy được vai trò của các cơ quan tổ chức đối với hoạt động du lịch
Tài liệu đọc thêm
Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Anh và cs, 2015 (các trang 85-107; 130-195; 226-249)
Ngô Thị Diệu An, Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014 (các trang 4-10; 48-72; 135-148)
Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, 2008 (các trang 17-27, 69-72, 119-169, 275-310)
Trần Thị Mai và cs, 2008 (các trang 8-36, 102-131, 165-230)
Phạm Xuân Hậu và cs 2019 (các trang 1-7, 9-46)
Lưu Văn Nghiêm (chủ biên), Dương Hoài Bắc, 2009 (các trang 51-72, 99-129,179-199)

Nhiều tác giả định nghĩa du lịch như mối quan hệ tương hỗ giữa bốn nhóm
là khách du lịch, nhà cung ứng du lịch, chính quyền và dân cư sở tại tạo nên
(Colman Michael M.1991:3), hay là những hoạt động, quá trình và hệ quả của mối
quan hệ giữa bốn nhóm trên (Charles R. Goeldner J. R. Brent Ritchie 2012:4). Như
vậy khi nghiên cứu hoạt động du lịch, cần phải xét đến cả 4 bên liên quan hay nói
cách khác là 4 hợp phần của du lịch là khách du lịch, nhà cung ứng du lịch, cộng
đồng cư dân nơi diễn ra hoạt động du lịch và bộ máy nhà nước cũng như các tổ
chức liên quan.
2.1. Khách du lịch
2.1.1. Các định nghĩa
Tương tự khái niệm du lịch, cũng có khá nhiều định nghĩa về khách du lịch.
Để đi đến một định nghĩa khách du lịch nên bắt đầu từ một số khái niệm liên quan
như khách, lữ khách, hành khách, khách tham quan.
Khách (visitor) là người từ ngoài đến trong mối tương quan với chủ thể 95.
Chủ thể ở đây có thể người của gia đình, người của cơ quan (doanh nghiệp du lịch)
người của địa phương (điểm tham quan, du lịch) nơi người khách đó đến.

95
host

68
Lữ khách (traveler) là người di chuyển (đi bộ hay bằng bất cứ phương tiện
gì) từ vùng này đến vùng khách vì bất cứ lý do gì.
Hành khách (passenger) là người sử dụng dịch vụ giao thông vận tải để đi
đến bất cứ một nơi nào đó mà họ muốn. Họ có thể là hành khách của ngành đường
không, đường thủy, đường bộ.
Khách tham quan (excursionist) là khách đến để tìm hiểu tại chỗ về thế giới
xung quanh tại nơi đến nhưng không lưu lại qua đêm tại đây. Những thứ họ tìm
hiểu có thể là bất kì một vấn đề tự nhiên, văn hóa, xã hội hay kinh tế, chính trị…
nào đó.
Khách du lịch (tourist) khác khách tham quan chủ yếu ở hành động qua đêm
tại điểm du lịch.
Ở Việt Nam, theo khoản 2 điều 3 Luật Du lịch hiện hành, “khách du lịch là
người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận
thu nhập ở nơi đến”. Luật này cũng quy định, “khách du lịch bao gồm khách du
lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài”.
“Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam
đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam”. “Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người
nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch”. “Khách
du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt
Nam đi du lịch nước ngoài” (Luật Du lịch 2017, các khoản 1,2,3 và 4 điều 10).
Để phục vụ cho công tác thống kê khách du lịch, UNWTO đã khuyến cáo
dùng định nghĩa khách du lịch đưa ra trong “Chỉ dẫn Quốc tế về Thống kê Du lịch
2008” xác định người được coi là “khách du lịch (trong nước, ra nước ngoài, từ
nước ngoài đến) nếu trong chuyến đi của họ có ngủ qua đêm, nếu không sẽ được
coi là khách tham quan (UNWTO 2008; mục 2.13). Đây là định nghĩa thao tác 96,
không phải là định nghĩa mang tính học thuật. Năm 2019, UNWTO cụ thể địa
nghĩa này như sau. “Sản phẩm du lịch là sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô
hình, như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nhân tạo, các điểm tham quan, cơ sở
vật chất, dịch vụ và hoạt động xung quanh một trung tâm yêu thích cụ thể, đại diện
cho cốt lõi của hỗn hợp tiếp thị điểm đến và tạo ra một du khách tổng thể trải
nghiệm bao gồm cả khía cạnh cảm xúc đối với khách hàng tiềm năng. Một sản
phẩm du lịch được định giá và bán thông qua các kênh phân phối và nó có chu kỳ
sống” (UNWTO 2019b).
Dưới góc độ học thuật, có thể định nghĩa khách du lịch là “người từ bên
ngoài đến với (hoặc kèm theo) mục đích thẩm nhận tại chỗ những giá trị vật chất
hay tinh thần của tự nhiên và (hoặc) của cộng đồng”.
Trước hết phải khẳng định khách du lịch cần được nhìn từ phía điểm du lịch.
Do vậy họ phải là khách (người từ nơi khác đến). Mục đích của họ là thẩm nhận
tại chỗ những giá trị vật chất hay tinh thần. Có những khách chỉ quan tâm đến giá
96
Operational definition là định nghĩa cụ thể, dùng để đo lường hiện tượng

69
trị của thiên nhiên, cũng có những người chỉ quan tâm đến giá trị văn hóa là chính,
tuy nhiên cũng có người vừa quan tâm đến giá trị tự nhiên, vừa quan tâm đến
những trải nghiệm văn hóa trong chuyến đi. Đối với những người mà mục đích
chính của chuyến đi của họ là kinh doanh, học tập… thì mục đích “có tính du lịch”
là mục đích kết hợp, họ chỉ được coi là khách du lịch khi và chỉ khi họ đến kèm
theo mục đích như một khách du lịch thuần túy.
2.1.3. Các chỉ số liên quan đến thống kê khách du lịch
Một trong những chỉ số phản ánh kết quả hoạt động du lịch là số lượt khách
đến (đối với một điểm tham quan hay một điểm du lịch) hay số lượt khách đã phục
vụ (đối với doanh nghiệp du lịch).
2.1.3.1. Số lượng khách
Số lượng khách
là số người tham gia
vào hoạt động du lịch
trong một kỳ báo cáo.
Trong thực tế, con số
này ngày càng khó
xác định vì có rất
nhiều khách đến một
điểm du lịch nhiều lần
trong kỳ báo cáo và Hình 2.2. Số lượng khách, số lượt khách và ngày khách
do vậy họ sẽ được
kiểm đếm nhiều lần, dẫn đến số liệu kiểm đếm thường lớn hơn “số lượng khách”.
Mặt khác, doanh nghiệp du lịch quan tâm đến số lượt phục vụ hơn là số lượng
khách theo cách hiểu như trên. Khái niệm số lượng khách trong các báo cáo hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch cũng như trong các báo cáo nghiên cứu
được thay thế bằng “số lượt khách”.
2.1.3.2. Số lượt khách
Cần phân biệt số lượt khách quốc tế đến một quốc gia và số lượt khách đã
phục vụ của một doanh nghiệp du lịch, một điểm tham quan.
Số lượt khách (arrivals) quốc tế đến một quốc gia là số lượng khách đã đi
vào qua cửa khẩu của một quốc gia trong một giai đoạn xem xét. Khi người nước
ngoài đi qua cửa khẩu vào một quốc gia, họ bắt buộc phải có hộ chiếu. Trên cơ sở
hộ chiếu, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ ghi nhận được số lượt khách đã đến và
đi khỏi quốc gia đó và biết được khách đến từ quốc gia nào.
Đối với một doanh nghiệp du lịch, số lượt khách là tổng số lượt khách đã
được doanh nghiệp du lịch phục vụ trong một giai đoạn xem xét.
Về cơ bản số lượng khách và số lượt khách không như nhau, nhưng trong
thực tế, nhiều tài liệu vẫn dùng thuật ngữ số lượng khách để chỉ khái niệm số lượt
khách.
70
2.1.3.3. Số ngày khách
Một chỉ số quan trọng liên quan đến khách du lịch là tổng số ngày (hay đêm)
mà khách tham gia vào hoạt động du lịch. Doanh nghiệp lưu trú sẽ tính tổng số
đêm khách lưu lại tại cơ sở của mình. Doanh nghiệp lữ hành có thể tính trên tổng
số ngày khách tham gia chuyến du lịch. Tuy nhiên trong thực tế, thuật ngữ số ngày
khách thường để chỉ cả hai trường hợp trên. Xét dưới góc độ kinh doanh du lịch,
chỉ số này rất quan trọng. Từ những số liệu này có thể tính ra các chỉ số kết quả
kinh doanh du lịch như doanh thu, tổng chi phí cũng như các chỉ số hiệu quả kinh
doanh như tỷ suất lợi nhuận, lãi ròng, năng suất lao động…
Thuật ngữ số ngày khách trung bình thường thấy trong các báo cáo về tình
hình hoạt động du lịch nói chung hay tình hình du lịch của một điểm du lịch. Số
ngày khách trung bình là số ngày trung bình mà một khách có mặt tại điểm du lịch
trong một kỳ báo cáo.
2.1.4. Nhu cầu và động cơ du lịch

Nhu cầu Mong muốn Động cơ

Hình 2.3. Mối quan hệ giữa nhu cầu, mong muốn và động cơ
Một số trong những câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu về du lịch, cho
các nhà marketing du lịch là “cái gì thúc đẩy con người đi du lịch?”, “cái gì dẫn
đến việc ra quyết định đi du lịch của con người?”; “tại sao một số này lại quyết
định tham gia vào loại hình du lịch tình nguyện, trong khi một số khác lại muốn
tham gia vào loại hình du lịch sinh thái?” và v.v…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố thúc đẩy con người đi du lịch là động
cơ. Về phần mình, động cơ đó được nảy sinh trên cơ sở mong muốn. Trong khi
đó, mong muốn phần nhiều có nguồn gốc từ nhu cầu.
2.1.4.1. Nhu cầu và mong muốn của khách du lịch
Nhu cầu là một khái niệm trong lĩnh vực tâm lý học. Nó có thể được nhìn
nhận khác nhau dưới các góc nhìn của tâm sinh lý học, tâm lý học hành vi, tâm lý
học hiện sinh, phân tâm học và tâm lý học nhân văn. Dưới góc độ sinh học, nhu
cầu là sự thiếu hụt một thứ gì đó. Đối với động vật nói chung, con người nói riêng,
71
sự thiếu hụt thể hiện qua cảm giác. Ví dụ khi cơ thể thiếu nước, con người cảm
thấy khát, khi cơ thể bị thiếu không khí (cụ thể là O 2), người ta thấy ngạt, khi cơ
thể cần năng lượng, người ta thấy đói…Maslow, A.H. (1943) đã nghiên cứu và cho
rằng hành vi của con người bắt nguồn từ nhu cầu của họ.

TỰ ĐỔI MỚI
(phát triển và hoàn thiện bản thân)
UY TÍN
(được tôn trọng)
TÌNH CẢM
(yêu và được yêu)
AN TOÀN
(không phải lo lắng, sợ hãi điều gì)
SINH HỌC
(ăn,uống,nghỉ ngơi, sinh lý)

Hình 2.4. Bậc thang nhu cầu Maslow


Xây dựng theo lý thuyết của Maslow, A.H.  (1943). 
Các nhu cầu này được sắp xếp theo một thứ tự ưu tiên từ thấp tới cao căn
cứ vào tầm quan trọng và chia thành 5 bậc là nhu cầu sinh học 97, nhu cầu an toàn;
nhu cầu tình cảm, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự hoàn thiện mình. Ông cho
rằng, khi con người được thỏa mãn nhu cầu bậc thấp thì sẽ xuất hiện nhu cầu bậc
cao hơn. Do vậy người ta gọi là bậc thang nhu cầu Maslow. Hai bậc dưới là những
nhu cầu cơ bản mà động vật đều có. Có thể kể đến các nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ
ngơi, sinh lý… Ba bậc tiếp theo gọi là nhóm nhu cầu bậc cao, được coi là nhu cầu
thường thấy ở mỗi con người. Đó là nhu cầu muốn được quan tâm, yêu thương,
muốn được mọi người chú ý và tôn trọng và đặc biệt là nhu cầu hoàn thiện bản
ngã. Về mặt lý thuyết, theo Maslow nhu cầu bậc sau chỉ xuất hiện sau khi nhu cầu
bậc trước nó (bậc dưới) đã được thỏa mãn. Trong thực tế, khi nhu cầu các bậc dưới
nhìn chung đã được đáp ứng, tại một thời điểm nhất định, nhu cầu bậc cao hơn vẫn
sẽ lấn át nhu cầu bậc dưới cho dù nhu cầu bậc thấp chưa được đáp ứng.
Xét về tính chất, có thể thấy nhu cầu của con người bao gồm 2 loại cơ bản là
nhu cầu sinh học và nhu cầu văn hóa. Tuy nhiên hai nhu cầu này có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau.
Nắm được quy luật nhu cầu của con người, ngành Du lịch chia các loại dịch
vụ như dịch vụ đáp ứng các nhu cầu chính, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu đặc trưng,
dịch vụ đáp ứng các nhu cầu bổ sung.

97
Tác giả dùng từ “physiological need” (nhu cầu sinh lý)

72
Sự thiếu hụt thứ gì đó của cơ thể thể hiện thông qua các cảm giác. Cảm giác
đó dẫn đến ước ao được thỏa mãn nhu cầu. Ước ao đó chính là mong muốn. Khi
cảm thấy khát người ta muốn uống nước, khi cảm thấy đói, người ta muốn được
ăn, khi buồn người ta muốn có bạn bè để tâm sự, chia sẻ.
Khi có nhu cầu, con người xuất hiện mong muốn thoả mãn nhu cầu đó. Như
vậy, khi xuất hiện nhu cầu đi du lịch, khách du lịch tiềm năng này sẽ thể hiện
mong muốn thoả mãn nhu cầu đó bằng cách tìm hiểu về các chương trình du lịch,
tìm hiểu về điểm du lịch. Đây cũng chính là thời gian hợp lý để các nhà cung ứng
du lịch tư vấn cho khách hàng các sản phẩm của mình.
2.1.4.2. Động cơ du lịch
Khi mong muốn một thứ gì đó, con người sẽ xác định cần phải hành động
như thể nào để thỏa mãn mong ước đó. Nội lực điều khiển hành vi của con người
nhằm thỏa mãn ước muốn được coi là động cơ. Trong xã hội hiện đại, nhu cầu ăn
uống vẫn là nhu cầu thiết yếu, song hành vi thỏa mãn nhu cầu ăn, uống của con
người được điều khiển cân đối với nhu cầu thể hiện mình, nhu cầu văn hóa.
Dựa vào bậc thang nhu cầu của Maslow, có thể hiểu khi đi du lịch, khách du
lịch có các động cơ sau:
Động cơ đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người như ăn uống, nghỉ ngơi,
các nhu cầu liên quan đến sức khỏe của con người. Về cơ bản, đây là nhu cầu sinh
học, song trong thực tế khách du lịch không chỉ mong muốn được đáp ứng nhu cầu
sinh học mà còn được đáp ứng nhu cầu văn hoá, tức là khách không hoàn toàn chỉ
muốn được ăn uống mà họ muốn được thưởng thức các bữa ăn khi đi du lịch.
Động cơ thứ hai là động cơ giao tiếp. Khi đi du lịch khách muốn được giao
lưu, tiếp xúc, gặp gỡ người thân, làm quen với những người bạn mới, có thêm mối
quan hệ trong cuộc sống. Tuỳ đặc điểm văn hoá dân tộc hay của cộng đồng, tuỳ độ
tuổi, giới tính, tôn giáo… mà triển khai đáp ứng động cơ này cho phù hợp.
Động cơ thể hiện vị thế, muốn được mọi người quan tâm, tôn vinh cũng thể
hiện mong muốn của khách du lịch, song thể hiện động cơ này phụ thuộc vào từng
cá nhân. Để đáp ứng động cơ này, nhà cung ứng du lịch cần nắm được những
thông tin cá nhân của khách như ngày sinh, chức vụ, chuyên môn. Việc khéo léo
khai thác các kiến thức chuyên môn của khách du lịch trong quá trình phục vụ họ
có thể mang đến những hiệu quả rất ngờ.
Động cơ văn hóa được thể hiện qua nhu cầu muốn được tìm hiểu, học hỏi,
nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh, cả về tự nhiên và văn hóa… Để đáp ứng
động cơ này, bên cạnh nhiệt tình, người cung ứng các dịch vụ cho khách du lịch,
đặc biệt là người cung ứng các dịch vụ trực diện cần có kiến thức rộng, đặc biệt là
kiến thức văn hoá.

73
2.1.4.3. Cầu du lịch
Trong marketing, cầu là nhu cầu có khả năng thanh toán.
Để quyết định bỏ ra một số tiền nhất định đáp ứng nhu cầu tham gia vào một
loại hình du lịch hay một chuyến du lịch nào đó, người khách tiềm năng chịu ảnh
hưởng rất lớn của hoạt động marketing.
Theo Vũ Mạnh Hà (2014) “cầu du lịch là cầu về sản phẩm du lịch”
(trang 37). Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Đình Hòa (2008) cho rằng: “cầu trong
du lịch là mong muốn về dịch vụ và hàng hóa du lịch có khả năng thanh toán, có
thời gian rỗi cho việc tiêu dùng du lịch và săn sàng mua dịch vụ của khách du lịch”
(trang 116). Như vậy cầu du lịch là nhu cầu có khả năng thanh toán cho các dịch
vụ du lịch (dịch vụ thông tin, tư vấn, vận chuyển, lưu trú, ăn uổng, dịch vụ đặc
trưng và các dịch vụ khác). Nếu các dịch vụ vận chuyển, lưu trú và ăn uống được
gọi là dịch vụ chính thì các dịch vụ đáp ứng nhu cầu dẫn đến quyết định đi du lịch
là dịch vụ đặc trưng. Bên cạnh hai dịch vụ trên còn có dịch vụ bổ sung, đó là
những dịch vụ nảy sinh trong quá trình thực hiện chuyến đi.
Trong du lịch, định nghĩa hoạt động về cầu du lịch được biểu thị qua chỉ số
lượt khách. Cầu du lịch được thể hiện bằng số lượng người đã hoặc sẽ tham gia du
lịch. Theo Boniface Brian và Cooper (1975), trong du lịch có ba khái niệm liên
quan đến cầu du lịch. Đó là cầu thực tế, cầu kìm nén và không cầu. Cầu thực tế là
số lưọng người đang đi du lịch, cầu kìm nén gồm cầu tiềm năng và cầu trì hoãn.
Cầu tiềm năng chỉ những người sẽ đi du lịch trong tương lai nếu hoàn cảnh của họ
được đối thay, cầu trì hoãn chỉ những người trì hoãn, lùi chuyến đi của họ vì họ
thấy nhà cung cấp chưa thoả mãn các yêu cầu mong đợi của họ.
Xu thế du lịch là chỉ tiêu để xác định cầu thực tế. Xu thế du lịch là tỷ lệ của
dân cư đang thực hiện chuyến đi. Nó được tính bằng tỉ lệ giữa tổng số người đi du
lịch trên tống số dân của vùng nghiên cứu. Cần phân biệt xu thế du lịch thực và
tổng xu thế du lịch. Xu thế du lịch thực là tỷ lệ cư dân đi du lịch trong giai đoạn
nghiên cứu so với tổng số dân. Tống xu thế là tỷ lệ giữa tổng lượt người đi du lịch
so với tổng số dân. Trong giai đoạn hiện nay, theo số liệu của UNWTO xu thế du
lịch ở Thuỵ Sĩ là 76%, Thuỵ Điển là 75%, tức là 67%, Pháp và Anh là 59%, Nhật
Bản là 58%. Tổng xu thế du lịch là tỷ lệ (phần trăm) giữa tổng số chuyên đi, tính
theo lượt người, đã được thực hiện trong kỳ nghiên cứu trên tông số dân. Tần suất
du lịch là tỷ số giữa tống xu thế du lịch và xu thế du lịch thực. Rõ ràng xu thế du
lịch thực luôn nhỏ hơn 100%. Tại các vùng có kinh tế phát triến, tỷ lệ này chỉ
khoảng 70-80%. Trong khi đó ở một số nước phương Tây, tổng xu thế du lịch có
khi đạt đến 200% (Boniface Brian và Cooper, 1975:10).
74
Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến xu thế du lịch là điều
kiện kinh tế chung. Yếu tố này thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, nền kinh tế
chung phát triền là tiền đề cho khả năng chi trả của khách, biến nhu cầu thành cầu
du lịch. Điều này được giải thích bởi sự lệ thuộc của du lịch vào thành quả các
ngành kinh tế khác. Một đất nước có thể phát triển du lịch một cách bền vững chỉ
khi nước đó tự sản xuất được phần lớn của cải vật chất cần thiết cho du lịch. Khi
phải nhập đại đa số trang thiết bị, hàng hoá đề xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và
để đảm bảo phục vụ khách du lịch thi hầu hết lợi nhuận (ngoại tệ) do du lịch mang
lại sẽ rơi vào tay tư bản nước ngoài.
Những nước có nền kinh tế phát triển, có điều kiện sản xuất ra nhiều của
cải vật chất có chất lưọrng đạt các tiêu chuấn quốc tế sẽ có điều kiện thuận lợi để
phát triến du lịch. Trong các ngành kinh tế, sự phát triển của nông nghiệp và công
nghiệp thực phấm có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch. Ngành Du lịch tiêu thụ
một khối lượng rất lớn lương thực và thực phẩm (cả thực phẩm tươi sống và thực
phẩm đã chế biến). Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp thực
phấm như công nghiệp chế biến đường, thịt, sữa, đồ hộp, công nghiệp chế biến
rượu, bia, thuốc lá ... Đây là các cơ sở cung ứng nhiều hàng hoá nhất cho du lịch.
Một số ngành công nghiệp nhẹ đóng vai trò không kém phần quan trọng trong
cung ứng vật tư cho du lịch như; công nghiệp dệt, công nghiệp thuỷ tinh, công
nghiệp sành sứ và đồ gốm ... Ngành công nghiệp dệt cung cấp cho các xí nghiệp
du lịch các loại vải để trang bị cho các buồng khách, các loại khăn trải bàn, ga
giường, thảm... Ngành công nghiệp chế biến gỗ trang bị đồ gỗ cho các văn phòng,
cơ sở lưu trú. Tính cao cấp của tiêu dùng du lịch đòi hỏi hàng hóa và dịch vụ du
lịch phải có chất lượng cao. Do vậy, muốn phát triến du lịch, các ngành sản xuất
có quan hệ mật thiết đến du lịch không phải chỉ đáp ứng yêu cầu tối đa về khối
lượng hàng hoá, mà phải bảo đảm cung cấp vật tư hàng hoá có chất lượng cao,
đảm bảo có thẩm mỹ và chủng loại phong phú, đa dạng. Điều đó có nghĩa là
những địa phương có nền kinh tế phát triến, các ngành kinh tế có khả năng tạo
đưọc các sản phẩm cao cấp sẽ là nơi có điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Cũng chính tại những địa phưong như thế, du lịch thực sự mang lại lợi ích cho
cộng đồng. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada,
Pháp, Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Tây Ban Nha... đã đạt được những thành
tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Đây cũng chính là những quốc gia
có hoạt, động du lịch đứng đầu thế giới.

75
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều hàng hoá có chất lượng cao
để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, giúp .họ có chuyến đi thoả mãn hơn, thú vị
hơn
Khi nói đến nền kinh tế của đất nước, không thể không nói đến giao thông
vận tải. Từ xa xưa, giao thông vận tải đã trở thành một trong những nhân tố chính
cho sự phát triền của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Trong những năm gần
đây, giao thông vận tải có những bước chuyển biến quan trọng, điều này đã ảnh
hưởng trực tiếp đến sự phát triển của du lịch. Nói đến sự phát triển của giao thông
vận tải có ảnh hưởng đến du lịch chúng ta quan tâm đến cả hai phương diện. Đó
là sự phát triển về mặt số lượng và về mặt chất lưọng. Sự phát triển về số lượng
cúa các phương tiện vận chuyển đã làm cho mạng lưới giao thông vươn tới được
mọi nơi trên Trái Đất. Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,4 tỷ lượt khách du lịch
đi qua biên giới bằng các phương tiện vận chuyển hành khách quốc tế. Mạng lưới
giao thông vận tải phát triển đã làm cho việc tiếp cận tới điểm du lịch trở nên dễ
dàng hon. Số lượng phương tiện giao thông vận tải chứng tỏ khả năng vận chuyển
khách du lịch. Số lượng loại hình phương tiện vận chuyển gia tăng sẽ làm cho
hoạt động du lịch trở nên tiện lợi và mềm dẻo, có khả năng đáp ứng tốt mọi nhu
cầu của khách du lịch. Về mặt chất lượng vận chuyển cần xét đến bốn khía cạnh
là vận tốc, an toàn, tiện nghi và giá cả. Việc tăng tốc độ vận chuyển cho phép tiết
kiệm thời gian đi lại và cho phép kéo dài thời gian ở lại nơi du lịch. Với các
phương tiện có tốc độ vận chuyến cao, khách du lịch có thể đến được những nơi
xa xôi. Đảm bảo di chuyển an toàn là mối quan tâm hàng đầu của hành khách
cũng như của ngành vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển ngày nay được
thiết kế đảm bảo độ an toàn tối đa cho hành khách. Việc di chuyển, nhất là di
chuyển trên một chặng đường dài, tốn nhiều thời gian sẽ dễ gây mệt mỏi cho
hành khách. Phương tiện vận chuyển ngày nay được thiết kế thuận tiện hơn, thoải
mái hơn, tiện nghi hơn, giúp hành khách ít bị mệt mỏi. Ghế ngồi, giường nằm
trên máy bay, ô tô, tàu thuỷ được nâng cấp; tiếng ồn động cơ được giảm thiểu;
đường ô tô bằng phẳng hơn; hầu hết trên các phương tiện vận chuyển đều có
trang bị máy điều hoà nhiệt độ… Về giá cả của các phương tiện giao thông vận
tải cũng đa dạng và nhìn chung khá phù hợp với khả năng chi trả của hành khách.
Giá vé phụ thuộc vào loại chỗ ngồi (giường nằm, ghế cứng, ghế mềm), vào vị trí
chỗ ngồi, vào khung giờ xuất phát, vào loại hình phương tiện vận chuyển…Về cơ
bản, giá càng cao thì càng tiện nghi và nhiều dịch vụ chăm sóc hơn.
Như vậy, sự đa dạng của các phương tiện giao thông vận tải ngày này đáp
ứng khá tốt các nhu cầu của khách du lịch. Khách ít tiền có thể mua các loại vé

76
khuyến mãi, vé giá rẻ. Khách có nhu cầu cao về tiện nghi sẽ tìm được các phương
tiện cao cấp.
2.1.5. Phân loại khách du lịch
Tùy theo mục đích nghiên cứu có thể có phân loại khách du lịch theo các
tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên phổ biến nhất là phân loại khách du lịch theo quốc
tịch, phân loại theo mô hình Cohen (1972), phân loại theo mô hình của Plog (1973)
và phân loại theo loại hình du lịch.
2.1.5.1. Phân loại theo quốc tịch
Theo mục 13, khoản 2 của Hướng dẫn Quốc tế về Thống kê Du lịch được
UNWTO công bố năm 2008 (IRTS 2008, 2.13), một người khách-a visitor (nội
địa, từ nước ngoài vào hay ra nước ngoài) được phân thành khách du lịch-a tourist
(hoặc khách qua đêm-overnight visitor), nếu chuyến đi của người đó có lưu lại qua
đêm, hoặc khách trong ngày (khách tham quan-excursionist). Trong hướng dẫn này
không có định nghĩa trực tiếp về khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế.
Điều 10 Luật Du lịch 2017 phân biệt rất rõ ràng khách du lịch theo nguồn
gốc quốc tịch. Theo đó khách du lịch được chia thành ba loại là khách du lịch nội
địa, khách du lịch ra nước ngoài và khách du lịch quốc tế (đến).

Khách du lịch nội địa98 là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở
Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam (mục 2). Như vậy khách du lịch nội
địa không chỉ là công dân Việt Nam mà còn có cả người nước ngoài đang sinh
sống tiên tục tại Việt Nam trên 1 năm. Nội hàm quan trong nhất của khái niệm nay
là họ chỉ đi du lịch trong phạm vi 63 tỉnh thành của nước ta. Thuật ngữ này tương
đương với domestic tourist trong tiếng Anh.
Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư
trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài (mục 4). Những người nước ngoài này phải là
người đã và đang sinh sống liên tục ở Việt Nam trên một năm, tính từ khi họ nhập
cảnh vào Việt Nam. Khái niệm này trong tiếng Việt tương đương thuật ngữ
outbound tourist trong tiếng Anh.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam
định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch (mục 3). Những công dân Việt Nam đã
ra nước ngoài sinh sống trên 1 năm liên tục, những người nước ngoài gốc Việt
cũng những người nước ngoài khác khi vào Việt Nam du lịch đều được thống kê là
khách du lịch quốc tế của Du lịch Việt Nam. Có thể gọi tắt là khách du lịch quốc tế
và thuật ngữ này tương đương thuật ngữ inbound tourist trong tiếng Anh
2.1.5.2. Phân loại theo mô hình của Cohen (1972)
Dưới góc độ xã hội học, vào năm 1972, Cohen (1972) đã chia khách du lịch
thành hai nhóm cơ bản là khách du lịch thể chế (tức là khách du lịch đi theo đoàn)

98
Domestic tourists

77
và lữ khách không thể chế (lữ khách không đi theo đoàn). Sau đó việc phân loại
này đã được Boniface và Cooper (1975:15) phát triển và cụ thể hoá.
Khách du lịch theo đoàn (institutional tourist)
Khách du lịch theo đoàn là khách thực hiện chuyến du lịch theo sự tổ chức
của một công ty du lịch. Trong loại hình này, các tác giả phân biệt khách du lịch cơ
quan đi theo đoàn và khách lẻ đi theo đoàn.
Khách du lịch cơ quan theo đoàn (organizational institutional tourist)
Khách du lịch cơ quan theo đoàn là những người, thường là thành viên của
cùng một cơ quan, một tổ chức, thực hiện chuyến du lịch theo sự tổ chức của một
công ty du lịch.
Đặc điểm của khách du lịch cơ quan là luôn bị ràng buộc (thậm chí là vô
thức) trong môi trường cơ quan của mình. Họ ngồi trong xe ô tô máy lạnh, “chạy
theo” chương trình định sẵn, được đưa đến các điếm tham quan có trong chương
trình được hướng dẫn viên chỉ dẫn và giới thiệu, chăm sóc chu đáo. Họ có rất ít cơ
hội giao tiếp với dân địa phương và thẩm nhận văn hoá địa phương. Họ đánh giá
cao vai trò của hướng dẫn viên, hài lòng với sự chu đáo, nhiệt tình của hướng dẫn
viên. Cohen (1972) coi chuyến du lịch của họ là chuyến đi “trong bong bóng” với
nghĩa như trên.
Khách du lịch cá nhân theo đoàn (individual institutional tourist)
Khách du lịch cá nhân theo đoàn là khách lẻ đi du lịch theo sự tổ chức của
một công ty du lịch. Khách đi lẻ theo đoàn là những khách không từ một cơ quan
hay tổ chức nào, họ được nhà cung ứng ghép thành đoàn trong chuyến đi. Đối
tượng này tuy tính tự do cao hơn, song cũng có rất ít cơ hội giao lưu và tiếp xúc
với dân địa phương. Họ cũng khó có được những cảm nhận đích thực về giá trị của
tài nguyên, của điểm đến. Ở nước ta, loại khách này chiếm một tỷ trọng lớn và
ngày càng gia tăng.
Lữ khách tự do (FIT: frequent independent traveler)
Nhóm này cũng gồm 2 loại cơ bản là người tham hiểm và người lang
thang.
Người thám hiểm (explorer)
Khách thám hiểm tự tổ chức chuyến đi và thường tránh những cung đường
quen thuộc. Tuy nhiên họ cũng có nhu cầu về cơ sở lưu trú và phương tiện giao
thông vận chuyển phù hợp hoặc tiện nghi. Khái niệm này tương đối phù hợp với
khái niệm “dân phượt” hay “phượt thủ”. Những người này có thể đi một mình hay
đi cùng đoàn. Phương tiện di chuyển khá đa dạng, xe đạp, xe máy hay ô tô.
78
Người lang thang (drifter)
Khách lang thang chối bỏ mọi liên hệ với nhà cung ứng du lịch, họ đi đến
những nơi xa lạ với cuộc sống thường nhật của họ. Chuyến đi của họ khá linh hoạt, họ
có thể lưu lại nhà dân, tham gia vào hoạt động văn hoá của địa phương. Loại khách
này thường đi một mình hay theo một nhóm nhỏ 2-3 người.
Boniface và Cooper (1994) coi loại khách du lịch đi theo đoàn là khách đi
tìm sự quen thuộc, còn lữ khách tự do là người đi tìm sự mới lạ.
2.1.5.3. Phân loại theo mô hình của Stanley Plog (1973)
Nhà tâm lý học nổi tiếng Hoa Kỳ là Stanley Plog (1973) cho rằng động cơ
du lịch có mối tương quan chặt chẽ với đặc điểm tâm lý của họ. Tác giả chia khách
du lịch thành các nhóm dựa trên hai thái cực là khách du lịch hướng ngoại và
khách du lịch hướng nội.
Khách du lịch hướng ngoại (allocentric tourist)
Khách du lịch hướng ngoại là những người hiếu kì, thích sự mới lạ, họ ưa
thích phiêu lưu. Điểm đến của đối tượng này thường là những vùng đất xa xôi, có
phong cảnh, văn hóa khác biệt với môi trường quen thuộc thường ngày của họ.
Thay vì e ngại, khách du lịch hướng ngoại cảm thấy thích thú và sẵn sàng trải
nghiệm những phong tục tập quán khác lạ. Những người trẻ, sống ở các nước
phương Tây thường là khách du lịch hướng ngoại. Đối với đối tượng này, nội dung
quảng cáo phải nhấn mạnh đến sự mới lạ, khác biệt của sản phẩm du lịch.
Khách du lịch hướng nội (psychocentric tourist)
Khách du lịch hướng nội là những người thích sự quen thuộc, tìm kiếm sự an
toàn. Họ bị ảnh hưởng của tâm đám đông nhiều hơn. Điểm đến của đối tượng này
thường là những đô thị, những điểm du lịch nổi tiếng. Họ đi du lịch nước ngoài nhưng
vẫn muốn được sống trong bầu không khí của đất nước họ: hướng dẫn viên nói tiếng
mẹ đẻ, được ăn uống những món ăn quê nhà… Những người cao tuổi ở châu Á
thường được xếp vào loại khách hướng nội này.
Đối với đối tượng này, nội dung quảng cáo phải nhấn mạnh đến sự thân
thiện, chuyên nghiệp của dịch vụ, đến sự nổi tiếng của điểm đến. Họ dễ trở thành
khách hàng trung thành của doanh nghiệp nếu họ đã nhận được dịch vụ hài lòng,
nhận được tư vấn, đánh giá tốt của bạn bè, người thân về dịch vụ của công ty.
Trong công bố của mình Plog S. (1973) chia khách du lịch thành các dạng
như sơ đồ sau: khách hướng nội, cận hướng nội, trung gian, cận hướng ngoại và
hướng ngoại.

79
Hình 2.5. Sơ đồ các dạng tâm lý khách du lịch theo mô hình của Plog S. (1973)
Mô hình của Stanley Plog đã được trích dẫn rộng rãi trong các tài liệu du
lịch và được đưa vào hầu như mọi giáo trình về khách sạn và du lịch. Tuy nhiên
cũng có không ít tác giả đã phê phán mô hình này mặc dù mô hình đã được chỉnh
sửa và bổ sung liên tục trong 20 năm sau đó. Một số trong những ý kiến được
nhiều nhà phê bình đưa ra là mô hình chưa có tính phổ quát và chưa tiếp cận đa
mục tiêu (Smith 1990, Madrigal 1995, Jackson, White và Schmierer 2000). Richie
B. và Goeldner C. (2012) cho rằng mô hình lý thuyết phải có tính phổ quát (không
cụ thể theo quốc gia) phải được xem xét trên quan điểm khách du lịch muốn thỏa
mãn một số nhu cầu cùng một lúc, phải nghiên cứu mô hình động vì cá nhân và xã
hội đều thay đổi theo thời gian (trg 312).
Tuy nhiên các tác giả cũng đều thống nhất rằng rằng mặc dù mô hình không
thực sự giúp dự đoán cụ thể nơi khách du lịch có thể ghé thăm, nhưng nó gợi ý
những điểm đến lý tưởng mà khách du lịch muốn đến.
2.1.5.4. Phân loại khách theo loại hình du lịch
Bên cạnh các cách phân loại trên, tuỳ theo mục đích nghiên cứu có thể phân
loại khách du lịch theo loại hình du lịch như khách du lịch sinh thái, khách du lịch
thanh niên, khách du lịch tâm linh…. Trong các công trình nghiên cứu du lịch sinh
thái có khái niệm khách du lịch sinh thái. Căn cứ theo loại hình du lịch, có thể thấy
đây là một loại khách có trách nhiệm với môi trường tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu
của hoạt động du lịch sinh thái như là khách đi về các vùng thiên nhiên, mục đích
để tìm hiểu hay nghiên cứu về thiên nhiên, môi trường và ứng xử thân thiện với
môi trường (đi nhóm nhỏ, có tác động ít nhất đến môi trường). Khách du lịch thanh
niên là những người trong độ tuổi thanh niên tham gia vào hoạt động du lịch.

80
Khách du lịch tâm linh là những khách du lịch đến các điểm được coi là linh thiêng
để thoả mãn nhu cầu tâm linh của mình (thổ lộ mong ước, cầu xin một điều gì
đó…)
2.1.6. Khách du lịch có trách nhiệm
Trong thời đại ngày nay, du lịch có trách nhiệm đã và đang trở thành trào
lưu của mọi thành phần tham gia vào hoạt động du lịch theo hướng phát triển du
lịch bền vững. Khách du lịch trong trào lưu này gọi là khách du lịch có trách
nhiệm. Khách du lịch có trách nhiệm là người đi du lịch luôn tôn trọng các nguyên
tắc cơ bản là tôn trọng văn hóa, chấp hành pháp luật, có trách nhiệm trong việc bảo
vệ môi trường.
Nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng văn hóa bản địa. Cho dù người mình tiếp
xúc là ai, khách du lịch phải luôn thể hiện sự tôn trọng họ, tôn trọng phong tục và
truyền thống địa phương. Trên thế giới có rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Có
những hành vi được hoan nghênh ở nước này nhưng lại bị coi là phản cảm ở nơi
khác. Ví dụ, hỏi về tuổi để xưng hô cho dễ, hỏi về nghề nghiệp, hỏi về con cháu là
thể hiện sự quan tâm ở người Việt Nam song lại là điều khó chịu đối với nhiều dân
tộc khác. Đối với người Việt, xoa đầu đứa trẻ được coi là một cử chỉ thân thiện,
song đó lại là điều tối kỵ ở một số quốc gia khác. Gật đầu là thể hiện sự đồng ý ở
nhiều dân tộc nhưng lại là không đồng ý ở một số quốc gia trên thế giới. Do vậy,
trước khi đi, một khách du lịch có trách nhiệm cần tìm hiểu kĩ về đặc điểm tự
nhiên, văn hóa của điểm đến. Trước và trong chuyến đi khách du lịch nên đọc sách,
hoặc xem các clip giới thiệu về đất nước sẽ đến, sau đó học nói một số từ cơ bản
của ngôn ngữ địa phương như xin chào, xin vui lòng, cảm ơn, tạm biệt, rất hay, rất
ngon, rất đẹp, tôi rất thích...
Khách du lịch có trách nhiệm không tham gia vào các hoạt động lạm dụng
tình dục, nhất là lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Họ luôn có ý thức tôn trọng
phong tục tập quán và tôn giáo của địa phương. Khi đến tham quan các cơ sở thờ
tự, họ luôn có trang phục phù hợp. Những hành động như nói cười, vui đùa ầm ĩ
được coi là không phù hợp. Họ biết rằng chỉ quay phim, chụp ảnh sau khi được sự
đồng ý của ban quản lý, của cá nhân người họ định chụp. Các bức tượng, đồ thờ tại
các điểm thờ tự thường có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa tôn giáo nên khách du lịch có
trách nhiệm không tự tiện chạm đến. Là khách du lịch có trách nhiệm nên họ luôn
khéo léo nhưng dứt khoát từ chối lời mời mua hàng, trải nghiệm dịch vụ của những
người bán hàng rong đeo bám.
Song song với nguyên tắc trên là nguyên tắc nghiêm chỉnh chấp hành pháp
luật của quốc gia sở tại. Luật lệ ở các nước có một số điều không giống nhau, thậm

81
chí trái ngược nhau. Ví dụ, ở nhiều nước đi bên phải là đúng luật, do vậy người
dân ở những nước này đi du lịch đến những nước quy định giao thông bên trái
(như Australia, Ấn Độ, Bangladesh, Barbados, Bhutan, Đông Timor, Guernsey,
Guyana, Hồng Kông, Indonesia, Ireland, Jersey, Malaysia, Malta, Cộng hòa Síp,
Nam Phi, Nepal, New Zealand, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Sri Lanka,
Suriname, Thái Lan, Trinidad & Tobago, Vương quốc Anh) có rất dễ bị phạm luật.
Không tham gia lưu thông, mua bán, tiêu thụ các hàng hóa bị cấm như các chất gây
nghiện, vũ khí, đạn dược và các hàng hóa bị cấm khác. Khách du lịch cần tìm hiểu
kĩ những hàng hóa cấm hay hạn chế mang vào và mang ra khỏi quốc gia đến du
lịch như cấm mang thức ăn, hoa quả, thực động vật, hạn chế mang ngoại tệ, vàng
bạc, thuốc chữa bệnh…
Không cho tiền người ăn xin, đặc biệt là trẻ em. Ở không ít điểm du lịch tại
Việt Nam và một số nước, ăn xin đã trở thành một nghề kiếm sống và thậm chí trở
thành một tệ nạn. Nhiều gia đình đã không cho con họ đi học vì thấy “nghề” này
mang lại lợi ích kinh tế lớn và nhanh chóng mà không phải đầu tư. Nhiều người
kém may mắn đã trở thành “nhân viên ăn xin”, nạn nhân của những đường dây,
băng đảng tội phạm. Nếu khách du lịch muốn hỗ trợ người dân địa phương, hãy
làm từ thiện. Tuy nhiên, trước khi đóng góp tiền cho một quỹ từ thiện nào, hãy tìm
hiểu kỹ về tổ chức từ thiện đó để tin tưởng rằng đây là tổ chức từ thiện chính
thống, được quản lý minh bạch.
Nguyên tắc tiếp theo là không vứt rác thải bừa bãi, cho dù ở bất cứ nơi nào
và thậm chí cho dù thấy nhiều người, kể cả dân địa phương không có ý thức, vứt
rác một cách bừa bãi. Nếu chưa thấy thùng rác, cần phải cầm theo nó cho đến khi
tìm thấy chỗ thùng đựng rác. Khi đi du lịch khách thường di chuyển bằng các
phương tiện vận chuyển như ô tô, tàu, thuyền. Khách du lịch được khuyến khích
không ăn trên tàu, xe, đặc biệt là những thức ăn nặng mùi như sầu riêng, mít, cá
rán… Một số khách du lịch có sức khỏe không tốt cần phải uống thuốc chống nôn
trước khi lên xe 20-30 phút. Tất cả rác (vỏ kẹo, chai nước, hộp sữa đã uống hết)
phải thu gom bỏ vào thùng rác, không nhét vào túi trước ghế. Tuyệt đối không ném
rác xuống đường qua cửa sổ, đặc biệt khi xe đang chạy.
Không lãng phí tài nguyên, cụ thể là điện, nước ở khách sạn. Chỉ bật các
thiết bị điện khi thật sự cần thiết. Sau khi dùng xong nhớ tắt ngay. Dùng lại khăn
trong phòng tắm nếu thực sự chưa bẩn là một hành động cụ thể góp phần bảo vệ
môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước. Trong các bữa buffet, không lấy quá nhiều
thức ăn vào đĩa vì có thể sẽ không ăn hết, gây lãng phí.

82
Không tiêu thụ và ủng hộ việc tiêu thụ các chế phẩm từ các loài động thực
vật quý hiếm như tìm mua mật gấu, ngà voi, ăn uống các đồ ăn, thức uống làm từ
thịt động vật hoang dã.
2.2. Các nhà cung ứng du lịch
Để đi du lịch, khách phải di chuyển đến điểm tham quan du lịch, qua đêm
(ngủ lại) tại điểm du lịch và cần ăn uống trong chuyến đi. Khách du lịch cần kết
nối các dịch vụ vận chuyển, ngủ nghỉ, ăn uống trong suốt chuyến đi sao cho hợp lý
nhất. Ngoài ra, tại các điểm tham quan, để hiểu sâu sắc hơn về thiên nhiên và văn
hóa khách du lịch cần có người thuyết minh, hướng dẫn. Những cơ sở cung cấp
cho khách các dịch vụ vận chuyển, ngủ nghỉ, ăn uống, hướng dẫn và kết nối các
dịch vụ trên gọi là các nhà cung ứng du lịch. Xét theo tính chất công việc có thể
chia các nhà cung ứng thành 3 nhóm chính là các nhà cung ứng dịch vụ vận
chuyển khách du lịch, các nhà cung ứng dịch vụ ăn uống và lưu trú, các nhà cung
ứng dịch vụ lữ hành và hướng dẫn. Các dịch vụ mà các nhà cung ứng cho khách du
lịch được gọi là sản phẩm du lịch. Các nhà cung ứng kết hợp với nhau để cung cấp
cho khách những trải nghiệm tốt nhất để khách
2.2.1. Nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển
2.2.1.1. Khái niệm
Một trong những nội hàm quan trọng của khái niệm du lịch là di chuyển.
Việc di chuyển của khách được nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển đảm bảo. Theo
điều 45 Luật Du lịch 2017, kinh doanh vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch
vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường
bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm
du lịch. Từ khái niệm này cần phân biệt nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển cho
khách du lịch khác với các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách thông
thường. Nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển khách du lịch chỉ phục vụ khách du lịch
theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.
2.2.1.2. Vai trò, chức năng
Nhà cung ứng vận chuyển đóng vai trò rất quan trọng trong ngành Du lịch.
Nhà cung ứng vận chuyển thực hiện việc chuyên chở khách du lịch đến các điểm
du lịch và đồng hành với khách trong suốt chuyến đi của họ. Do đó, sự phát triển
của ngành giao thông vận tải ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của du lịch. Nếu
như trước đây, người ta chỉ có thể đi du lịch đến những khu vực gần nơi ở thường
xuyên của họ bằng đi bộ, cưỡi súc vật, xe súc vật kéo thì ngày nay, nhờ máy bay,
điểm đến của khách du lịch có thể cách nơi ở thường xuyên của họ nửa vòng trái.
Tại các điểm du lịch, nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển không chỉ làm nhiệm vụ
chuyên chở khách du lịch mà còn là công cụ thu hút khách du lịch, làm tăng sự hấp
83
dẫn của điểm đến. Ngắm cảnh trên cao bằng khinh khí cầu, máy bay, thủy phi cơ,
cáp treo hay ngồi trên những chiếc xích lô ngắm khu phổ cổ, ngắm phong cảnh hai
bên đường từ những toa tàu hỏa cổ, ngồi trên tầng 2 của chiếc xe hop on hop off
ngắm nhìn cuộc sống đô thị sôi động… là những trải nghiệm lý thú để lại nhiều ấn
tượng cho khách du lịch.
2.2.1.3. Các dịch vụ vận chuyển
Có nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau tạo nên sự khác biệt trong dịch
vụ phục vụ khách du lịch. Những dịch vụ vận chuyển khách du lịch phổ biến nhất
là dịch vụ vận chuyển bằng ô tô, dịch vụ vận chuyển bằng máy bay, dịch vụ vận
chuyển bằng tàu hỏa, dịch vụ vận chuyển bằng tàu thủy và các dịch vụ vận chuyển
khách du lịch bằng các phương tiện khác
Dịch vụ vận chuyển bằng ô tô được coi là dịch vụ vận chuyển du lịch sôi
động nhất. Theo McIntosh, R.W; Goeldner, C.R. Brent Ritchie, J.R (2000), ở Hoa
Kỳ 75% khách du lịch bằng ô tô vào năm 1993 (trang 106). Cooper và cộng sự
(1998) thì khẳng định rằng có đến 90% chuyến du lịch nghỉ ngơi hoặc du lịch công
vụ của người Canada và người Mỹ bằng phương tiện ô tô, 83% tổng số km hành
khách vận chuyển ở châu Âu hàng năm là bằng phương tiện ô tô (trang 278). Ô tô
thuận tiện để chuyên chở khách du lịch trên các chặng vừa và ngắn.
Ưu điểm của vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện này là ô tô có thể
không cần đến đường riêng, có thể tiếp cận đến nhiều điểm du lịch mà các phương
tiện khác không thể đến được. Đón đưa tại nhà 99 là một ưu thế nổi trội của vận
chuyển khách du lịch bằng ô tô. Khách du lịch có thể được đón tại nhà và được
đưa tới tận cửa khách sạn. Ô tô có tính tự do cao, không bị gò ép trong một lịch
trình và lộ trình cứng nhắc. Trên đường đi, khách có thể dừng lại một điểm hấp dẫn
dọc đường, có thể giảm tốc độ để chiêm ngưỡng cảnh quan hay đối tượng tham
quan hai bên đường. Tuy nhiên, ô tô cũng có một số điểm yếu như tốc độ thấp, tiêu
hao năng lượng nhiều, hành khách dễ bị mệt mỏi do say xe, nhất là khi chất lượng
đường không tốt như ở nước ta hiện nay. Mặt khác đây là phương tiện có tỷ lệ tai
nạn giao thông cao nhất trong 4 loại phương tiện vận chuyển phổ biến hiện nay. Về
mặt môi trường, ô tô là một nguồn xả khí thải lớn, làm gia tăng chất thải mịn trong
không khí.
Theo UNWTO, năm 2018, 58% khách du lịch quốc tế của thế giới đi du lịch
bằng máy bay (UNWTO 2019). Ưu điểm của vận chuyển hàng không là tốc độ
nhanh, do vậy chi phí thời gian cho đường đi giảm đáng kể. Hiện nay máy bay
hạng lớn, hạng vừa có tốc độ trung bình 700- 800km/giờ. Với tốc độ như vậy, vận
chuyển hàng không phù hợp cho các chuyến du lịch tầm trung và tầm xa. Ưu điểm

99
door-to-door

84
thứ hai của hàng không là mức độ an toàn cao. Thực tế chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong
của tai nạn máy bay thấp hơn so với hai phương tiện ô tô và tàu hoả. Ưu điểm thứ
ba là tiện nghi trên máy bay, ở sân bay được quan tâm nhiều nhất nên làm cho
khách thoải mái và hứng thú khi sử dụng các dịch vụ bay.
Điểm hạn chế của vận chuyển hàng không là tiêu tốn nhiên liệu. Chí phí cho
vận chuyển hàng không cao hơn các phương tiện khác. Một máy bay A320 sức
chứa 154 người tiêu tốn 3,46 lít nhiên liệu/ km/người. Thông thường chi phí cho
nhiên liệu chiếm 10-15% tổng chi phí cho chuyến bay. Điều này dẫn đến tác động
môi trường của ngành hàng không. Theo các phát biểu không chính thức tại các
hội thảo liên quan, hoạt động của ngành hàng không thế giới thải ra 2,5% tổng
lượng CO2, 1% tổng lượng CH4 toàn cầu. Điểm hạn chế tiếp theo của ngành hàng
không là chi phí việc xây dựng sân ga và đường băng lớn. Hầu hết các sân bay đều
ở xa thành phố, nên nhiều khi thời gian để đi đến sân bay, thời gian chờ đợi làm
thủ tục lên máy bay dài hơn thời gian bay thực tế, dễ làm cho khách mỏi mệt vì
chờ đợi. Cũng như vận chuyển đường sắt, vận chuyển hàng không thường có lịch
bay cố định, có khi không phù hợp với chương trình du lịch nên nếu không kết
hợp, bố trí khéo léo sẽ làm lãng phí thời gian của hành trình. So với vận chuyển
đường sắt, lịch bay rất dễ bị thay đổi do các nguyên nhân khác nhau như sự cố kỹ
thuật, sự cố an ninh...
Lợi thế của việc vận chuyển khách du lịch bằng đường sắt là có thể chuyên
chở một khối lượng hành khách lớn, lên đến hàng nghìn người. Theo Đổng Ngọc
Minh và Vương Đình Lôi (2000), ở Trung Quốc có khoảng 6,4% khách du lịch quốc
tế sử dụng loại hình giao thông này (trang 221).. Vận chuyển khách du lịch bằng
đường sắt ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, tính an toàn tương đối cao. Hiện nay,
phương tiện vận chuyển “đường sắt” đã được cải tiến và hiện đại nhiều. Tốc độ tàu
chạy đã tăng dần cũng với sự cải tiến của đầu kéo. Đã có “tàu hoả” điện, “tàu hoả”
chạy bằng nguyên lý đệm từ hay đệm không khí, “tàu hoả” một ray, tàu hỏa chạy
bằng lốp hơi... Tốc độ của hầu hết các loại tàu hoả thường trên 100km/giờ, có loại
lên trên 200km/giờ, thậm chí 350km/h như Shinkansen ở Nhật Bản, TGV của
Pháp... Thông thường đi “tàu hoả” khách cảm thấy dễ chịu hơn đi ô tô, họ vẫn được
ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường.
Tuy nhiên việc vận chuyển khách du lịch bằng đường sắt có một số hạn chế
là không linh hoạt trong di chuyển (cả về thời gian và không gian), ít tuyến và
không tiện lợi như vận chuyển bằng ô tô (đón đưa tại nhà).
Bằng đường thủy, khách du lịch có thể được chuyên chở trên các phương
tiện như tàu thủy, tàu cánh ngầm, thuyền, xuồng, ca nô, phà, bè, ghe, mảng…

85
Có hai hình thức dịch vụ cơ bản vận chuyển đường thuỷ trong du lịch, đó là
du lịch đường dài và du lịch tham quan.
Du lịch đường dài thường thực hiện trên biển, trên hồ lớn hoặc theo các hệ
thống sông lớn hay kết hợp biển, sông, hồ. Loại hình du lịch này chủ yếu đáp ứng
các kỳ nghỉ phép dài ngày, cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Khách du
lịch bị cuốn hút bởi sự sang trọng, tiện nghi của trang thiết bị và các điều kiện phục
vụ trên tàu. Hành trình thường ghé lại các điểm du lịch hay thắng cảnh gần bờ để
khách du lịch thay đổi không khí, lên bờ tham quan, mua sắm, chụp ảnh... Sản
phẩm vận chuyển khách du lịch bằng tàu thủy mang lại cho khách du lịch nhiều
dịch vụ đẳng cấp. Các tàu du lịch này thực sự là những khách sạn 5 sao nổi di
chuyển trên mặt nước. Hiện nay loại hình du lịch này đang là mốt thời thượng của
khách du lịch giàu có. Khách du lịch có thể sống thoải mái dài ngày trên tàu, luôn
được hưởng một bầu không khí trong lành và được thăm nhiều địa điểm trong một
chuyến đi. Tất nhiên chi phí cho chuyến du lịch này rất cao. Vận chuyển thủy có
ưu điểm là chi phí cố định cho mạng lưới không cao do hầu hết là sử dụng tuyến tự
nhiên, không phải xây dựng. Ưu điểm thứ hai là sức chứa của phương tiện thuỷ
khá linh hoạt, có thể từ một vài người đến hàng ngàn người. Nhược điểm của vận
chuyển đường thuỷ là tốc độ chậm. Những người có thần kinh yếu thường không
chịu được khi đi trên các phương tiện đường thuỷ do dễ bị say sóng, nhất là khi đi
qua những vùng sóng lớn, biển động.
Du lịch tham quan đường thuỷ là chuyến đi ngắn (từ dưới 1 giờ đến một vài
ngày). Thông thường đây có thể là những tour riêng biệt hay là một bộ phận của
một tour trọn gói. Tuyến tham quan thường là dọc theo các con sông, trong lòng hồ
hay trong vịnh, nơi có các cảnh đẹp như nhiều đảo, địa hình đáy hấp dẫn (san hô,
tảo, rong và các loài thuỷ sinh đẹp và phong phú). Điều mà khách quan tâm nhất là
cảnh vật trên tuyến du lịch chứ không phải là tiện nghi đắt tiền. Tốc độ của tàu
không cần quá cao, song cần cố gắng sử dụng động cơ ít gây tiếng ồn. Một điểm
trừ của du lịch bằng tàu thuỷ là tác động của loại hình này đến môi trường nước.
Nhiều tàu thuyền thải trực tiếp nước la canh ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề.
Một số tàu cho dù nước la canh đã được xử lý song khi thải ra môi trường thường
có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của thuỷ vực.
Ngoài các hình thức giao thông kể trên, nhiều điểm du lịch có các loại
phương tiện giao thông khác cũng góp phần mang lại cho khách du lịch sự thoải
mái, hứng thú. Có thể kể một số phương tiện vận chuyển như khinh khí cầu, cáp
treo, xe mô tô, xe đạp, xích lô, xe súc vật kéo, bè mảng, thuỷ phi cơ... Các phương
tiện này không nhằm mục đích chính là chuyên chở khách du lịch mà hầu hết là tạo

86
ra một thú vui cho khách thông qua việc di chuyển. Do vậy thông thường nó chỉ
dùng trong một không gian hạn chế và trong một khoảng thời gian ngắn.
2.2.2. Nhà cung ứng dịch vụ ăn uống và lưu trú
2.2.2.1. Khái niệm
Nhà cung ứng dịch vụ ăn uống và lưu trú du lịch là tổ chức, cá nhân cung
cấp dịch vụ ăn, nghỉ cho khách du lịch trong thời gian họ thực hiện chuyến du lịch
của mình. Mặc dù bản chất dịch vụ ăn uống và lưu trú có tính chất khác nhau, song
hai dịch vụ này thường đồng hành nhau.
Theo bảng phân loại các hoạt động kinh tế trong Cộng đồng châu Âu (EU,
2015) cơ sở lưu trú du lịch là một loại cơ sở bán dịch vụ lưu trú ngắn hạn (từ 1 vài
đêm đến dưới 1 năm). Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cho thuê buồng, giường và
cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu
trú du lịch chủ yếu. Để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch khác
nhau, có nhiều loại cơ sở lưu trú.
Ăn và ngủ nghỉ là hai nhu cầu thiết yếu của con người và được xếp vào nhu
cầu sinh học trong bậc thang nhu cầu của Maslow. Dịch vụ ăn uống và lưu trú là
dịch vụ phục vụ khách du lịch có trong mọi tour du lịch, do vậy nó được coi là dịch
vụ chính, dịch vụ cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sinh học, hai
dịch vụ này, đặc biệt là dịch vụ ăn uống còn được khách nhìn nhận dưới góc độ sản
phẩm du lịch văn hóa. Khách du lịch đến một đất nước khác, vùng miền khác
muốn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực ở những nơi họ đặt chân đến. Du lịch ẩm thực
không chỉ thể hiện ở sự đặc sắc của các món ăn mà còn ở phương pháp chế biến
cũng như những nghi thức trong ăn uống. Điều này góp phần làm tăng tính hấp dẫn
của điểm đến du lịch. Dịch vụ ăn uống vừa là dịch vụ đáp ứng nhu cầu chính, vừa
đáp ứng nhu cầu đặc trưng của khách du lịch.
Ngoài Hội đồng quản trị, thông thường, bộ máy tổ chức của một cơ sở lưu
trú bao gồm Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng (nhân sự, kế toán, …),
các bộ phận chuyên ngành như bộ phận sảnh (front office-FO), bộ phận buồng
(housekeeping), bộ phận ẩm thực (food and berevage-F&B), tổ kỹ thuật…
Về mặt cơ cấu xây dựng, không gian chủ yếu của cơ sở lưu trú là các buồng
ngủ, nơi khách du lịch được thuê để lưu trú qua đêm. Buồng khách sạn được chia
theo số lượng người có thể được sử dụng và chất lượng buồng.
Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp hiện hành, theo hình thức pháp lý của doanh
nghiệp, các khách sạn thường có các loại hình là doanh nghiệp tư nhân, doanh
nghiệp cổ phần, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp hợp danh.

87
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu
trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn (từ 2 đến 50 thành viên). Các thành
viên của công ty trách nhiệm hữu hạn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa
vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà vốn điều lệ của công ty được chia
thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần
của doanh nghiệp được gọi là cổ đông và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các
nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Số lượng cổ
đông được bao gồm ít nhất ba cổ đông và không hạn chế số cổ đông. Các cổ đông
có thể bán các cổ phần hoặc chuyển nhượng cổ phần của mình cho các thành viên
hay cá nhân khác.
Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên là
chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là
thành viên hợp danh). Những thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về
các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh có
thể có thành viên góp vốn. Các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các
khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
2.2.2.2. Vai trò chức năng
Nhà cung ứng dịch vụ lưu trú và ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong
ngành Du lịch. Trước hết cơ sở lưu trú góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực
của địa phương, đó là nguồn lực tài nguyên du lịch, nguồn lực cơ sở hạ tầng và cơ
sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động và cả nguồn
lực chính sách. Việc xây dựng một cơ sở lưu trú thu hút và tạo việc làm trực tiếp
cho khá nhiều ngành nghề khác nhau như ngành kiến trúc, ngành xây dựng, ngành
vật liệu xây dựng.ngành điện, nước, Các nhà kiến trúc có điều kiện sáng tạo ra
những kiểu dáng đáp ứng tiêu chuẩn cấp hạng của khách sạn nhưng lại hợp với
phong cảnh hay văn hóa địa phương. Ngành vạt liệu xây dựng cung cấp các vật
liệu xây dựng có chất lượng, ngành điện nước có thêm khách hàng. Quá trình xây
dựng, mở rộng và vận hành cơ sở lưu trú có thể thu hút được những nguồn vốn
nhàn rỗi để đầu tư. Những dạng cơ sở lưu trú như codotel, timeshare resort là một
ví dụ. Khi khách sạn đi vào hoạt động các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào
như dệt may, lương thực thực phẩm, điện nước tăng được doanh thu. Người địa
phương được tuyển dụng làm việc cho khách sạn. Khách du lịch có điều kiện lưu

88
trú lâu hơn nên hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa tăng lên.
Nhiều sản vật bình thường của địa phương đã trở thành đặc sản, có giá trị cao như
các món ăn dân gian, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Nhà hàng là bộ phận cấu thành của khách sạn, không có nhà hàng khách sạn
khó có thể hoạt động trơn tru, hoàn thiện và hiệu quả. Nếu buông phong có chức
năng đáp ứng nhu cầu ngủ nghỉ của khách du lịch thì nhà hàng đáp ứng một trong
những nhu cầu cơ bản của khách du lịch, đó là nhu cầu ăn uống. Các dịch vụ ăn
uống góp phần quan trọng trong tổng doanh thu của cơ sở lưu trú. Chức năng chính
của nhà hàng trong khách sạn là kinh doanh thức ăn, đồ uống và phục vụ nhu cầu
ăn uống của khách hàng tại khách sạn. Đây là hoạt động quan trọng không thể
thiếu trong kinh doanh khách sạn, đảm bảo thỏa mãn tối ưu nhu cầu thiết yếu của
khách du lịch trong chuyến đi của họ. Bên cạnh đó nhà hàng còn cung cấp các dịch
vụ bổ sung như: tổ chức tiệc, buffet cho hội thảo, tổ chức tiệc theo yêu cầu của
khách,…
Dước góc độ ngành du lịch, doanh thu kinh doanh khách sạn nhà hàng
chiếm tỷ trọng rất cao, có khi lên đến 70% tổng doanh thu ngành, đặc biệt ở những
điểm du lịch mới hình thành. Xét dưới góc độ quốc gia, kinh doanh du lịch nói
chung, kinh doanh lưu trú nói riêng chiếm vai trò quan trọng trong viêc xuất khẩu.
2.2.2.3. Các sản phẩm lưu trú và ăn uống phục vụ khách du lịch
Sản phẩm lưu trú
Sản phẩm chính của các cơ sở lưu trú là buồng ngủ. Những khách sạn từ 3
sao trở lên thường có nhà hàng cung cấp các dịch vụ ăn uống cho khách du lịch.
Ngoài ra còn có một số dịch vụ khác như trông xe, giặt là, bơi lội, tập gym, trông
trẻ, mua vé, tổ chức tham quan… Những hoạt động này gọi là dịch vụ bổ sung.
Các sản phẩm lưu trú chính phục vụ khách du lịch phụ thuộc vào các loại
buồng. Theo số lượng khách du lịch có thể đồng thời lưu trú, buồng khách sạn chia
thành: buồng đơn (Single room, viết tắt là SGL), buồng đôi (Double room, viết tắt
là DBL), buồng hai (Twin room, viết tắt là TWN), buồng ba (Triple room, viết tắt
là TRPL). Buồng đơn thông thường có 1 giường đơn cho 1 người. Buồng đôi có 1
giường đôi cho 2 người ngủ chung. Buồng hai có 2 giường riêng cho 2 người.
Buồng ba thường là 3 giường hay 1 giường đôi và 1 giường đơn dành cho 3 người.
Đôi khi buồng đôi cũng có 1 giường và 1 giường nhỏ. Giường đơn thường có kích
thước 2m×1m hay 2m×1,2m. Tùy loại khách sạn, giường đôi có kích thước không
như nhau. Thường các khách sạn nhỏ thì giường đôi tiêu chuẩn có kích thước
2m×1,6m. Các khách sạn 4-5 sao thường bố trí giường đôi Nữ hoàng (Queen size)
có kích thước 2m×1,8m hay giường đôi Hoàng đế (King size) có kích thước
2m×2m.

89
Theo chất lượng, buồng khách sạn được phân thành 4 loại là buồng tiêu
chuẩn, buồng hạng trên, buồng hạng sang và buồng đặc biệt. Buồng tiêu chuẩn
(Standard Room, viết tắt là STD) là loại buồng nhỏ, chỉ có các trang thiết bị cơ
bản, thường ở tầng thấp, không có cửa sổ hay cửa sổ sát nhà đối diện hoặc mở ra
đường nên ồn ào, bụi, tầm nhìn hạn chế. Tuy tiện nghi tương tự như buồng tiêu
chuẩn, song diện tích rộng hơn, ở tầng cao hơn, cửa sổ hướng ra không gian thoáng
đãng hơn, tầm nhìn rộng hơn là chỉ tiêu chất lượng của buồng hạng trên (Superior
Room, viết tắt là SUP). Đây là hai loại buồng thường có số lượng nhiều nhất trong
một khách sạn. Tiếp theo là buồng hạng sang (Deluxe Room, viết tắt là DLX ).
Loại buồng hạng sang có diện tích khá lớn, có nhiều trang thiết bị cao cấp, thường
ở các tầng cao nên cửa sổ có tầm nhìn rộng. Loại cao cấp nhất là buồng đặc biệt
(Suite Room, viết tắt là SUT). Loại này có diện tích rộng, buồng có 1 phòng ngủ, 1
phòng khách và 2 phòng vệ sinh. Buồng đặc biệt nằm ở trên tầng cao, balcon lớn,
có tầm nhìn toàn cảnh ra xung quanh. Buồng có trang trí cầu kỳ, lịch sự và hết sức
tinh tế. Trang thiết bị của loại buồng này rất đầy đủ và đều là hàng cao cấp. Buồng
đặc biệt luôn sẵn sàng cung cấp mọi dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách du lịch. Một
số khách sạn cao cấp còn có buồng Tổng thống Đặc biệt (President Suite Room).
Theo chất lượng của buồng, giá các loại buồng khác nhau có thể chênh nhau gấp
nhiều lần.
Sản phẩm ăn uống
Việc phục vụ ăn uống cho khách du lịch trong chuyến đi là một trong những
dịch vụ đáp ứng nhu cầu chính, bên cạnh dịch vụ vận chuyển và dịch vụ lưu trú.
Tuy nhiên, ngành Du lịch ngày nay đã và đang cố gắng tạo nên giá trị gia tăng của
sản phẩm ăn uống phục vụ khách du lịch thông qua việc khai thác giá trị ẩm thực.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách du lịch có thể là các nhà
hàng ăn độc lập phục vụ cho khách đoàn hay các nhà hàng ăn, các quầy café, quầy
rượu bia, nước giải khát trong khách sạn. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở lưu trú đều
có nhà hàng ăn để, quầy bar để phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch.
Hầu hết người dân tất cả các nước, đặc biệt là người dân các nước châu Á,
châu Phi dùng 3 bữa/1 ngày đó là bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Ngoài ba bữa
chính giống người châu Á, người châu Âu truyền thống còn có nơi có thêm một vài
bữa phụ. Trong kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch, người ta còn phân biệt
bữa sáng kiểu Mỹ (American breakfast) và bữa sáng kiểu lục địa (Continental
breakfast).
Về cơ bản có 3 phương thức phục vụ khách du lịch ăn uống trong ba bữa
chính là phục vụ tự chọn (Buffet), gọi món(À la carte), thực đơn theo bữa/thực đơn
đặt sẵn (Set menu).

90
Theo Võ Thị Hòa Linh và Phan Nguyễn (2019), tiệc có tên là “buffet” (tự
chọn) xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ XIX tại Thụy Điển và trở thành một thuật ngữ
trong tiếng Anh vào 1939 (trang 13). Tự chọn là hình thức hình thức thực khách tự
phục vụ, tự lấy đồ ăn cho mình theo sở thích tại các quầy thức ăn đã được chuẩn bị
sẵn sàng. Thực khách có kinh nghiệm khi đi “ăn buffet” thường đi dạo một vòng
trước để xem tất cả các món ăn. Sau đó lấy đĩa (thường ở kệ dưới) và đi theo vòng
lần lượt qua các món được bày trên kệ. Họ thường chỉ lấy rất ít đồ ăn cho vào đĩa
của mình, cho dù đó có thể là món ưa thích. Họ dùng nẹp gắp thức ăn và không
bao giờ quên trả lại nẹp đúng chỗ, không cầm nẹp theo để gắp thức ăn khác.
Các nhà hàng thường áp dụng giá trọn gói cho một suất ăn tự chọn với danh
mục số món ăn từ vài chục lên đến hàng trăm món. Có nhiều cách để xác định giá
bán. Một số nhà hàng chọn cách xây dựng thực đơn trước, tính toán các chi phí rồi
mới đưa ra giá phù hợp. Một số nhà hàng khác lại đưa ra mức giá bán trước rồi
mới xây dựng thực đơn phù hợp dựa trên các mức chi phí sử dụng trong khoảng
cho phép. Hình thức này khá hợp với việc phục vụ một số lượng lớn thực khách
vào trong một thời điểm cố định.
Hình thức gọi món ít sử dụng cho khách đoàn. Thực khách xem thực đơn,
chọn món từ danh sách trong thực đơn và báo cho nhân viên. Nhân viên có thể tư
vấn cho khách về món ăn, nhất là các món đặc trưng của nhà hàng. Nhân viên ghi
lệnh (Order) và đưa cho nhà bếp. Sau khi nhà bếp chuẩn bị xong, thức ăn sẽ được
mang đến cho khách. Hình thức phục vụ này yêu cầu thực khách phải có thời gian.
Thực đơn theo bữa hay thực đơn đặt sẵn là hình thức phục vụ của nhà hàng
theo một thực đơn liệt kê các món trong một bữa với một mức giá cố định. Thông
thường khách đoàn được ghép thành “mâm” từ 6 đến 10 người. Hình thức này thường
áp dụng cho khách đoàn đi theo chương trình du lịch, họ cùng đến ăn vào một khung
giờ cố định.
Về phương thức thanh toán, ăn tự chọn và ăn theo bữa được tính theo đầu
thực khách, ăn gọi món tính theo tổng giá trị các món ăn khách đã gọi.
Nhiều khách sạn có dịch vụ mang thức ăn lên tận phòng cho khách theo yêu
cầu.
Ngoài các bữa ăn chính, khách sạn còn phục vụ các bữa ăn nhẹ khác như
bữa trà/hay cà phê (Coffee/Tea Break), bữa ăn nhẹ (Finger food). Những bữa ăn
phụ này thường là bữa giữa buổi làm việc của một cuộc họp, hội nghị, hội thảo hay
tiệc nhẹ chiêu đãi. Bữa trà/hay cà phê thường có bánh ngọt, hoa quả, các loại trà,

91
cà phê. Bữa ăn nhẹ có những đồ ăn (thịt, cá) song đã được tạo thành những miếng
nhỏ để người ăn không cần dùng thìa, dĩa.
Về phong cách phục vụ ăn uống cũng có thể thấy có nhiều phong cách phục
vụ khách khác nhau. Phổ biến nhất là phong cách Pháp, phong cách Mỹ, phong
cách Anh, phong cách Nga và phong cách Trung Quốc. Phục vụ theo phong cách
Pháp là một phong cách phục vụ sang trọng, chu đáo. Đồ ăn được đưa đến trên một
chiếc xe đẩy. Nhân viên đặt từng món ăn lên để khách thưởng thức. Khi khách
dùng bữa, nhân viên luôn túc trực bên cạnh để sẵn sàng phục vụ. Sau khi khách
dùng xong một món, nhân viên xin phép được thay bộ dụng cụ ăn uống (cover)
cho khách100. Phong cách Mỹ có đặc điểm là việc phục vụ khá nhanh chóng. Khách
được nhân viên phục vụ từng món. Khi ăn xong một món, nhân viên thu dọn và
thay bộ đồ ăn và phục vụ món tiếp theo. Phong cách phục vụ kiểu Anh còn có thể
gọi là phong cách gia đình vì món ăn được nhân viên mang ra trên một đĩa lớn.
Khách tự lấy thức ăn cho mình và chuyển đĩa đó cho người bên cạnh. Trong phong
cách Nga, mỗi nhân viên bê một khay thức ăn riêng, họ đi quanh bàn và gắp thức
ăn cho từng thực khách. Phong cách Trung Quốc thường là thực đơn đặt sẵn. Hầu
hết các món ăn đã được bày sẵn trên bàn tròn xoay. Những đồ mang ra sau thường là
nồi lẩu hay nồi canh nóng, cuối cùng thường là hoa quả tráng miệng.
Các dịch vụ khác
Trong hầu hết các khách sạn 4 và 5 sao đều có dịch vụ bổ sung. Về cơ bản
dịch vụ bổ sung trong khách sạn là những dịch vụ ngoài dịch vụ chính (dịch vụ lưu
trú và dịch vụ ăn uống), do vậy nó thường được gọi là các dịch vụ khác. Thông
thường đó là những dịch vụ đáp ứng những nhu cầu mới nảy sinh trong quá trình
khách du lịch lưu trú tại khách sạn. Tất cả các dịch vụ này chưa được khách thanh
toán hay chưa có trong hợp đồng giữa khách và nhà cung ứng. Có thể nhóm các
dịch vụ bổ sung thành 4 loại cơ bản là nhóm các dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán
ăn, bar, cafe…), nhóm các dịch vụ giải trí/ thể thao (sân golf mini, sân tennis…),
nhóm các dịch vụ thư giãn (spa, massage, gym, yoga…) và nhóm các dịch vụ
khác: như giặt ủi, dọn phòng, đưa đón ra sân bay, thuê xe tự lái, giữ trẻ…
Nếu như ở các khách sạn 4-5 sao hầu hết bữa sáng đã được tính vào giá
buồng thì các bữa khác khách thường phải trả cho từng bữa ăn. Bên cạnh các bữa
chính trong nhà hàng, khách sạn còn có các quầy đồ uống (Quầy F&B). Tại đây
khách không chỉ được thưởng thức những đồ uống ưa thích mà còn được chiêm

100
Bộ dụng cụ ăn uống cho một thực khách gồm dao, nĩa, thìa, đĩa, ly uống (nước, rượu, bia)

92
ngưỡng nghệ thuật pha chế các đồ uống như cocktail, moctail, cafe Espresso do
các nhân viên pha chế chuyên nghiệp 101 thực hiện một cách điệu nghệ.
Ngày nay, xu hướng mở rộng, đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung đã và đang
góp phần vào làm gia tăng nguồn thu của khách sạn, do vậy được các khách sạn
đặc biệt chú ý phát triển các dịch vụ bổ sung.
2.2.2.4. Xếp hạng các cơ sở lưu trú
Đẳng cấp của khách sạn phụ thuộc quy mô và chất lượng phục vụ. Một trong
những yếu tố giúp nhận diện đẳng cấp khách sạn là xếp hạng khách sạn. Xếp hạng
khách sạn đã trở thành một yếu tố quan trọng, nhằm quảng bá, khẳng định tên tuổi
của một khách sạn khi được đạt "chuẩn". Theo mức độ tiện nghi phục vụ, khách
sạn được phân thành các hạng khác nhau. Trên thế giới có rất nhiều cách phân loại
và cách đặt tên thứ hạng theo tiêu chuẩn chất lượng khách sạn. Có nước phân hạng
khách sạn bằng các con số, vương miện... Có hệ thống sử dụng các ngôi sao ( )
như một biểu tượng cho cấp độ phân loại của khách sạn, càng nhiều ngôi sao cho
thấy khách sạn đó càng tiện nghi hơn, sang trọng hơn, cao cấp hơn. Hiệp hội Xe
hơi Hoa Kỳ (AAA) sử dụng kim cương để thể hiện cấp độ sang trọng của khách
sạn và nhà hàng. Một số nước sử dụng các chữ cái từ A, B, C, D, E đến F để phân
hạng khách sạn. Trong hầu hết các hệ thống phân loại, 5 là số bậc đánh giá chất
lượng của cơ sở lưu trú, song có nơi phân ra thành 6 hay thậm chí 7 cấp. Ở Việt
Nam, khách sạn được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú
du lịch (TCVN, 2009). Theo đó, các cơ sở này phân thành 5 hạng từ 1 sao (hạng
thấp nhất) đến 5 sao (hạng sang trọng nhất).
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 cả nước có 970 khách sạn 3 sao trở lên
với 127.076 buồng, trong đó số khách sạn 5 sao và tương đương chỉ chiếm
16,19%, song số buồng của khách sạn 5 sao và tương đương chiếm 41% (bảng 2.1)

Bảng 2.1. Số lượng khách sạn ở Việt Nam giai đoạn 2014-2018

Biệt thự và căn


Tổng số 5 sao 4 sao 3 sao
hộ DL cao cấp
Năm
Cơ Cơ Cơ Cơ Cơ sở Buồng
Buồng Buồng Buồng Buồng
sở sở sở sở
2018 970 127.076 152 51.810 276 36.754 537 38.170 5 342

101
Bartender, Baristia, Mixologist, Flair Bartending

93
2017 882 104.315 122 35.326 264 34.258 491 34.394 5 337
2016 784 91.250 107 30.624 230 29.387 442 30.902 5 337
2015 763 84.095 92 24.290 217 27.776 445 31.032 9 997
2014 668 72.505 74 18.197 193 24.373 390 28.507 11 1428

Nguồn: Tổng cục Du lịch102


Đẳng cấp của khách sạn cũng có thể nhận diện thông qua thương hiệu của
nó. Mỗi tập đoàn khách sạn có một hệ thống tên thương hiệu khác nhau. Theo Lee
Hoverd (2018) và Nancy Levin (2019), tính đến đầu năm 2018 và đầu năm 2019,
các tập đoàn khách sạn Wyndham Worldwide, Choice Hotels, Marriott
International, Jin Jiang International, InterContinental Hotels Group (viết tắt là
IHG), Hilton Worldwide, Accor Hotels, Best Western Hotels, Hoeinns Co. Ltd. ,
Radisson Hotel Group là 10 tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới.
Trong mỗi tập đoàn có các hệ thống khách sạn với tên thương hiệu cụ thể để
nhận diện đẳng cấp (cấp chất lượng) và nhận diện thương hiệu của tập đoàn. Ví dụ
trong tập đoàn Wyndham Worldwide, các khách sạn như Wyndham Grand,
Wyndham Garden, Wingate, Microtel là những khách sạn cao cấp, các khách sạn
Ramada, Baymont, Travelodge… là những khách sạn hạng thấp hơn; các khách
sạn có tên Sofitel, Novotel, Ibis là những khách sạn thuộc tập đoàn Accor tương
đương hạng 5 sao, 4 sao và 3 sao.
2.2.2.5. Các loại cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch
Có nhiều cách phân loại cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.
Trong sơ đồ của Goeldner, Charles R. Ritchie J.R. Brent (2012), có 4 kiểu
cơ sở lưu trú du lịch là các cơ sở sở hữu kỳ nghỉ (time share), khách sạn ô tô
(motel), giường ngủ (B&B) và khách sạn (hotel).
Theo điều 48 Luật Du lịch 2017, các cơ sở lưu trú được chia thành 8 loại là
khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du
lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch, và các cơ sở lưu
trú du lịch khác.
Khách sạn là cơ sở kinh doanh lưu trú phổ biến trên thế giới, đảm bảo chất
lượng và tiện nghi cần thiết phục vụ kinh doanh lưu trú, đáp ứng một số yêu cầu
về nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác trong suốt thời gian
khách lưu trú tại khách sạn, phù hợp với động cơ, mục đích chuyến đi.

102
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/touristAccommodation truy cập ngày 5/10/2021

94
Lĩnh vực kinh doanh lưu trú phổ biến này đã hình thành những tập đoàn
khách sạn. Tập đoàn khách sạn, nhiều khi cũng gọi là chuỗi khách sạn là một tổ
hợp các doanh nghiệp quản lý các cơ sở lưu trú có tư cách pháp nhân, có quan hệ
về vốn, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác
xuất phát từ lợi ích của các bên tham gia. Có thể có những tập đoàn kinh doanh đa
lĩnh vực, trong đó kinh doanh khách sạn chỉ là một trong những lĩnh vực đó. Mỗi
tập đoàn xác định một sứ mạng, giá trị cốt lõi và triết lý kinh doanh riêng cho mình
nên các khách sạn trong tập đoàn đều có những tiêu chuẩn có liên quan mất thiết
đến triết lý đó.
Khách sạn ven lộ (Motel) là cơ sở lưu trú được xây dựng ven các đường giao
thông (đường ô tô). Những cơ sở lưu trú thấp tầng này thường có từ 1 đến 3 tầng,
có bãi đỗ xe. Đây nhà cung ứng dịch vụ lưu trú này chủ yếu nhằm vào thị trường
khách du lịch tự di chuyển bằng xe riêng của mình. Các khách sạn ven lộ thường
xa các khu vực đô thị và các nhà cung ứng này cung cấp ít dịch vụ hơn so với
khách sạn. Buồng của khách sạn ven lộ thường chỉ đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu,
song buồng này khác các buồng khách sạn là thường có bếp, máy giặt… để khách
có thể tự nấu nướng, giặt giũ. Về nguyên tắc, ở các cơ sở này ngoài đội ngũ nhân
viên phục vụ lưu trú, còn có đội ngũ kĩ thuật viên có khả năng chăm sóc, bảo trì xe
của khách. Khách có thời gian lưu trú ở đây rất ngắn, thường chỉ là 1 đêm.
Biệt thự du lịch còn được gọi là khách sạn nghỉ dưỡng (Resort). Trong
thực tế thuật ngữ này có thể được hiểu là một khách sạn nghỉ dưỡng hay một khu
khách sạn nghỉ dưỡng. Theo Từ điển từ nguyên trực tuyến, resort được dùng để chỉ
nơi mọi người đến để nghỉ dưỡng từ năm1754103. Ngày nay, resort chỉ cơ sở lưu trú
cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp cho khách du lịch. Đó là loại hình cơ sở lưu
trú được xây dựng độc lập thành khối hay quần thể bao gồm các khu căn hộ, biệt
thự… ở những khu vực có cảnh quan, không gian rộng rãi, đẹp, yên bình, xa khu
đô thị, dân cư để phục cụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan du lịch của con người.
Đặc điểm của khách sạn nghỉ dưỡng là thấp tầng, thường có sân vườn, trong nhà
có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiện nghi và dịch vụ cần thiết cho khách du
lịch. Khách sạn nghỉ dưỡng được xây dựng hài hòa với thiên nhiên. Nhìn chung
hầu hết các khách sạn nghỉ dưỡng đề được xây dựng ở xa đô thị, tại các khu nghỉ
mát như ven hồ, ven biển, sườn núi, nơi có nhiều cảnh quan đẹp và không khí
trong lành, môi trường tĩnh mịch. Ở Việt Nam, các khu resort cao cấp thường nằm
ở các khu vực ven biển hay trên núi, nơi có khí hậu mát mẻ như Côn Đảo, Phú
Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt…Việc phát triển các resort đang
biến Việt Nam từ một điểm du lịch tham quan trở thành một điểm du lịch nghỉ
103
https://www.etymonline.com/word/resort

95
dưỡng rất có ý nghĩa trong việc gia tăng lượng khách trung thành Không giống như
khách sạn truyền thống, khách sạn nghỉ dưỡng được trải rộng trên diện tích lớn, để
cung cấp sự riêng tư thoải mái cho khách du lịch. Mỗi khách sạn nghỉ dưỡng có
một khu vực sảnh riêng, phòng khách, không gian ăn uống và nhà bếp đầy đủ tiện
nghi cùng phòng ngủ rộng rãi. Một số khu khách sạn nghỉ dưỡng cố gắng cung cấp
tất cả các tiện nghi như giải trí, thể thao và mua sắm tại một nơi. Một số các khác
cung cấp không gian rộng rãi với công viên, bể bơi, vườn và khu vui chơi cho trẻ
em và người lớn. Tùy theo chuyên đề dịch vụ có các loại khách sạn nghỉ dưỡng
khác nhau như khách sạn nghỉ dưỡng đa năng, khách sạn nghỉ dưỡng chơi golf,
khách sạn dưỡng spa…
Khách sạn nghỉ dưỡng đa năng (All Inclusive Resort) cung cấp mọi dịch vụ
khi khách du lịch đặt phòng, gồm bữa ăn, đồ uống (có cồn và không cồn) và các
môn thể thao dưới nước không có động cơ (nếu resort gần bãi biển). Tuy nhiên
dịch vụ này có thể thay đổi tùy theo chính sách mỗi khu resort. Mặc dù cụm từ “all
inclusive” nghĩa là “bao gồm tất cả”, nhưng có khi vẫn có vài dịch vụ không được
bao gồm như golf và spa. Khách sạn nghỉ dưỡng trọn gói cung cấp một kỳ nghỉ
sang trọng, nơi khách có thể trải nghiệm bao nhiêu tùy thích, mà không bao giờ
phải lo lắng về chi phí vào cuối chuyến đi.
Khách sạn nghỉ dưỡng chơi golf (Golf Resort) là khu nghỉ dưỡng đầy đủ
dịch vụ, phục vụ đặc biệt cho môn thể thao golf và có một sân golf đủ lớn để cho
khách du lịch trải nghiệm. Khách sạn nghỉ dưỡng chơi golf cung cấp các gói dịch
vụ chơi golf bao gồm chung với giá phòng. Là mô hình khép kín, khách sạn nghỉ
dưỡng chơi golf vẫn cung cấp cho khách du lịch hầu hết các nhu cầu như chỗ ở,
thức ăn, đồ uống, thể thao, giải trí, mua sắm, ...
Khách sạn nghỉ dưỡng spa (Spa Resort) là một hay khu khách sạn trong đó cơ
sở dịch vụ spa là nét đặc trưng và có tính chuyên nghiệp cao. Khách sạn nghỉ dưỡng
spa cung cấp vô số dịch vụ trị liệu và thư giãn như mát xa, chăm sóc da mặt, làm
móng tay và móng chân, tẩy tế bào chết, cùng với trải nghiệm ăn uống thanh tịnh
cũng như trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên trong lành. Mục đích khách sạn nghỉ
dưỡng này là giúp khách du lịch tạo lập một dáng người cân đối thông qua các hoạt
động thể thao, chăm sóc sức khỏe, ăn uống khoa học.
Theo phong cách có các loại khách sạn nghỉ dưỡng thô mộc, khách sạn nghỉ
dưỡng quầy hàng.
Khách sạn nghỉ dưỡng có quầy hàng (Boutique Resort)  là một khách sạn
nghỉ dưỡng hay khu biệt thư nghỉ dưỡng mang đậm nét cổ điển. Khách sạn nghỉ
dưỡng quầy hàng thường có quy mô nhỏ, từ 10 đến 100 phòng, thường mỗi khách
96
sạn có một phong cách riêng. Khách sạn nghỉ dưỡng quầy hàng có kiến trúc và thiết
kế nội thất độc đáo, thường tôn vinh văn hóa địa phương bằng cách kết hợp các vật
liệu có nguồn gốc địa phương với mùa sắc, kiểu cách theo một chủ đề cụ thể như
nghệ thuật, thời trang hoặc thể thao nhưng vẫn thể hiện sự sang trọng, thanh lịch.
Mỗi buồng ở, mỗi khu vực của khách sạn đều được trang bị đầy đủ các tiện nghi với
thiết kế theo các chủ đề riêng biệt và thường có sự kết hợp giữa cổ điển, hiện đại làm
toát lên sự sang trọng, thanh lịch và đẳng cấp. Khách sạn quầy hàng thường nằm
trong khu vực đô thị và đông đúc, những nơi hợp thời trang, sống động, hoặc trong
các khu dân cư cao cấp. Các dịch vụ ở đây có những nét «độc» và lạ, nhưng thú vị
và chuyên biệt, cá nhân hóa. Khách sạn nghỉ dưỡng quầy hàng thường thu hút những
khách du lịch ưa thích sự sáng tạo, kỳ quặc và có nhu cầu về một dịch vụ sang trọng.
Ở Việt Nam có thể kể đến một số khách sạn kiểu này là La Residencia Luxury
Boutique Hotel (Hội An), Di Lusso Boutique Hotel (Đà Nẵng), Hotel de l’Opera
Hanoi hay Hotel des Arts Saigon Mgallery by Collection…
Khách sạn nghỉ dưỡng phong cách thô mộc (Rustic Resort). Bắt nguồn từ
cách bài trí nhà của Marilyn Monroe, một nữ diễn viên kiêm người mẫu nỗi tiếng
người Mỹ, phong cách thô mộc đã trở thành một trào lưu trên thế giới, đặc biệt là ở
các nước phương Tây từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Theo phong cách này, không
gian của ngôi nhà khá mộc mạc, đơn giản nhưng lại rất độc đáo. Khách sạn nghỉ
dưỡng phong cách thô mộc được thiết kế theo phong cách kiến trúc mang đậm tính
tươi mới và giản dị, chủ yếu tập trung đầu tư và tạo điểm nhấn vào những nét đẹp
mộc mạc và tự nhiên nhất. Đến nay thô mộc có thể là những kiến trúc với không
gian của hiện đại kết hợp với những vật liệu rẻ tiền, cũ, hướng đến thiên nhiên.
Những nguyên vật liệu thiết kế và bài trí có tính thô sơ, mộc mạc và tự nhiên, song
tạo cho người sử dụng cảm giác thanh lịch và tao nhã. Những khách du lịch của
loại hình này thường là những người mang tâm hồn nghệ sĩ. Rustic Mekong là một
trong những doanh nghiệp du lịch có uy tín ở Việt Nam chuyên cung cấp cho
khách du lịch loại hình sản phẩm này104.
Trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, có khái niệm khách sạn nghỉ dưỡng
“chia thời gian” (Timeshare Resort) hay “sở hữu kỳ nghỉ”. Cơ sở lưu trú chia thời
gian có thể là khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, hoặc một/một số buồng, một số
căn hộ, được chủ đầu tư bán quyền sử dụng cho nhiều khách hàng, mỗi khách hàng
được quyền sử dụng vào một giai đoạn nhất định trong năm.
Căn hộ du lịch (Condotel) là một kiểu cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Đó là
những căn hộ độc lập. Khách du lịch sẽ thuê trọn gói toàn bộ căn hộ trong thời

104
https://www.facebook.com/rusticmekong

97
gian lưu trú tại khách sạn. Căn hộ có thể có 2-3 phòng ngủ, phòng vệ sinh. Bếp có
đẩy đủ các đồ đạc cần thiết như nồi, xoong chảo, bát đũa cũng như một số gia vị
hàng ngày. Về hình thức có thể thấy khách sạn căn hộ giống một chung cư cao cấp,
song nó được quản lý, điều hành như một khách sạn. Tại đây có đầy đủ các dịch vụ
của một khách sạn như dịch vụ đặt chỗ, dọn buồng, ăn uống, thư giãn, chăm sóc
sức khỏe, dịch vụ bổ sung …Loại sản phẩm khách sạn căn hộ này phát triển ở các
điểm du lịch phát triển năng động, đặc biệt là các điểm du lịch biển, nghỉ dưỡng.
Khác với khách sạn, chủ sở hữu căn hộ du lịch có thể gồm rất nhiều nhà đầu tư.
Song về bản chất đây cũng không phải là một dạng cổ phần. Nhà đầu tư góp vồn
xây dựng khách sạn sẽ sở hữu một (hay một số) căn hộ cụ thể. Trong quá trình khai
thác, đơn vị quản lý khách sạn căn hộ sẽ thay mặt các chủ sở hữu chịu trách nhiệm
quản lý và cho khách du lịch thuê. Hướng đầu tư vào căn hộ khách sạn này thường
mang lại tỷ lệ lãi suất cao gấp rưỡi, thậm chí cao gấp đôi, gấp ba lần đầu tư vào bất
động sản thông thường nên loại sản phẩm lưu trú này khá phát triển. Hàng loạt các
dự án như Vipearl Condotel Hội An; Condotel Premier Residence Phú Quốc;
Cocobay Đà Nẵng… ra đời trong những năm đầu thế kỷ 21 là minh chứng cho
nhận định trên.
Khách sạn văn phòng (Officetel) là mô hình cơ sở lưu trú vừa dùng để lưu
trú vừa có tính năng như một văn phòng. Khách sạn văn phòng kế thừa những đặc
điểm của một nhà ở, khách sạn và văn phòng. Chính vì thế mà Officetel không có
thiết kế cứng nhắc như các loại văn phòng thuần túy và có thể được dùng như một
nơi ở với đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh các điều kiện như một căn hộ, một văn phòng
khách sạn của khách sạn văn phòng có nơi làm việc rộng rãi, có bố trí các bàn làm
việc như một văn phòng. Nếu khách sạn căn hộ thường phát triển ở các điểm du
lịch, có thể gần các bãi biển, các điểm tham quan thì khách sạn văn phòng thường
ở trung tâm thành phố. Cũng giống như khách sạn căn hộ, chủ đầu tư của khách
sạn văn phòng không phải là cổ đông mà là những nhà đầu tư trọn gói vào một hay
một số căn hộ cụ thể. Đối với họ, đây cũng là một kênh đầu tư sinh lời tốt ở những
đô thị, nhât là những trung tâm thương mại, kinh tế.
Theo “Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372: 2012 “Tàu thuỷ lưu trú du lịch –
xếp hạng” thì “tàu thuỷ lưu trú du lịch là phương tiện thuỷ chở khách du lịch có
buồng ngủ, trên hành trình có neo đậu cho khách ngủ qua đêm”. Tuy nhiên, tàu
thủy du lịch trên thế giới được hiểu là tàu có hành trình trên 24 tiếng nên khách bắt
buộc phải qua đêm ngay trên tàu. Đó là những tàu thủy tổ chức các tour đường
thủy ghé thăm các điểm dân cư ven bờ. Hầu hết thời gian khách vui chơi, ăn nghỉ ở
trên tàu.

98
Nhìn lại lịch sử, tàu thủy là phương tiện phổ biến nhất để người ta đi du lịch
ra nước ngoài. Tuy nhiên, chuyến hành trình của vua Charles IV của Thụy Điển
vào năm 1821 có thể coi là mốc khởi đầu của du lịch tàu thủy. Năm 1824, Ireland
là quốc gia đầu tiên trên thế giới khai trương tàu thủy du lịch thương mại. Năm
1938, con tàu hơi nước Penisuala and Orient mở tuyến du lịch tàu thủy đường dài
đầu tiên từ Ấn Độ đến Viễn Đông. Công ty này vẫn đang hoạt động và nắm bắt tốt
thị trường. Công ty tàu Cunard mở các tour đến lục địa Mỹ vào năm 1840. Năm
1866, Thomas Cook (ông tổ của ngành kinh doanh lữ hành) đã tổ chức thành công
các tour du lịch tàu biển đi Bắc Mỹ. Với tham vọng thống trị tuyến đường biển
xuyên Đại Tây Dương, năm 1909, hãng vận tải The White Star Line đã đầu tư
đóng một con tàu to nhất, hiện đại nhất, lộng lẫy nhất, sang trọng nhất lúc bấy giờ.
Nhưng rất tiếc con tàu có sức chứa trên 3.000 người đó chưa thực hiện được nửa
hành trình thì đã bị chìm, làm chết khoảng gần 1.500 người. Đó là con tàu Titanic
lịch sử. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, sự xuất hiện của ngành hàng
không dân dụng đã chấm dứt sự thống trị của tàu thủy đường dài 105. Bước sang
thập kỷ 80 của thế kỷ 20, một số tàu thủy có quy mô lớn, sang trọng ra đời đã thu
hút được những khách có nhiều tiền và thời gian. Dần dần, du lịch tàu thủy trở
thành một phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường du lịch thế giới. Các
chuyến du ngoạn bằng tàu thủy trở nên nổi tiếng và kết quả là sự ra đời của các tàu
thủy du lịch thời hiện đại. Theo trang web Du lịch bền vững, du lịch tàu thủy hiện
nay có tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 10%/năm, mỗi năm có trên 13 triệu
khách du lịch tàu biển106. Một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng cao
như vậy là vì chi phí đi thuyền du lịch thấp hơn so với nhiều khách sạn hoặc khu
nghỉ mát trên bờ. Nhà cung cấp hành trình lớn nhất trong ngành là Tập đoàn
Carnival có doanh thu hàng năm trên 3 tỷ đô la Mỹ với lợi nhuận khoảng 1 tỷ đô la
Mỹ.
Bên cạnh các khách sạn, biệt thự, căn hộ du lịch, tàu thuỷ lưu trú du lịch còn
có nhiều loại cơ sở lưu trú khác như B&B, bungalow, homestay và các hình thức
phục vụ lưu trú khác dành cho khách du lịch.
B&B (Gường và bữa sáng) là từ có nguyên gốc tiếng Anh được viết tắt của
cụm từ Bed and Breakfast, có nghĩa là “giường ngủ và bữa sáng”. B&B là nơi cung
cấp cho khách một chỗ ngủ (một giường) và một bữa điểm tâm vào sáng hôm sau.
Phần lớn, chủ kinh doanh của B&B thường sử dụng nhà riêng để sử dụng phục vụ
lưu trú. Ở các thành phố của Mỹ, Australia hay các nước châu Âu, dịch vụ B&B

105
https://vi.wikipedia.org/wiki/RMS_Titanic
https://sustainabletourism.net/case-studies/companies-and-organizations/cruise-ships/ truy cập
106

ngày 4/12/2019
99
rất phổ biến và phát triển. Một trong những ưu điểm của B&B là có giá thành rẻ,
thích hợp với thanh niên muốn tiết kiệm chi phí nghỉ ngơi. Nếu như, đối với các
khách sạn có mức giá niêm yết thì với B&B, khách du lịch có thể thương lượng để
mặc cả giá thông qua điện thoại, email, trao đổi trực tiếp. Ngày nay có một số
khách sạn có tên là B&B song cung cấp buồng chứ không phải 1 giường và 1 bữa
điểm tâm như ý nghĩa ban đầu của nó.
Để thu hút một lượng lớn “không gian có giường ngủ” chưa dùng đến của
nhiều gia đình, một ứng dụng tên là Airbnb đã xuất hiện. Mặc dù mới ra đời từ
năm 2008 và doanh thu năm 2009 mới chỉ là 10.000 đô la Mỹ 107 nhưng 10 năm
sau, năm 2019, doanh thu của airbnb đã lên đến 4.3 tỷ đô la Mỹ108.
Theo từ điển Từ điển Từ nguyên học109 bungalow tiếng Hindu (Ấn Độ) có
nghĩa là nhà tranh thấp tầng. Đây là kiểu nhà được xây dựng phổ biến ở vùng
Bengal bắt đầu từ những năm 1670. Sau này từ bungalow được dùng chỉ những
ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Bengal: nhỏ, làm bằng vật liệu nhẹ,
thường là tre gỗ. Hầu hết các ngôi nhà kiểu này được xây dựng trong các khu nghỉ
mát (ven biển, ven hồ, vùng núi mát mẻ…) để phục vụ cho khách du lịch. Do có
diện tích nhỏ (từ 20-30 đến 150m 2), những ngôi nhà này thường thu hút đối tượng
khách là các cặp đôi hay một gia đình hạt nhân đi nghỉ dưỡng.
Khá giống với B&B, Ở nhà dân (homestay) cung cấp cho khách du lịch một
chỗ ngủ qua đêm tại điểm du lịch. Theo đúng nghĩa của từ này, homestay không
chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú mà qua đó còn cung cấp cho khách những trải nghiệm
thực tế về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của chủ nhà. Khách đến nghỉ tại
homestay sẽ trở thành một thành viên mới của gia đình, cùng ăn ở, sinh hoạt, cùng
lao động với các thành viên khác. Những nơi, những gia đình có dịch vụ homestay
là nơi vẫn còn đậm nét văn hoá “nguyên bản” của cộng đồng. Dịch vụ homestay
tạo điều kiện cho khách du lịch cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu văn hóa địa
phương. Cộng đồng dân cư, cụ thể là các thành viên của gia đình là người cung cấp
các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống,
hướng dẫn khách du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh
lam thắng cảnh của địa phương. Khi sử dụng dịch vụ homestay, khách du lịch có
cơ hội gặp gỡ làm quen, giao lưu với các khách đến từ các vùng miền khác. Do
việc đầu tư các điều kiện phục vụ khách lưu trú không nhiều, hơn nữa đại đa số các
homestay đều có ở các điểm du lịch mới hình thành, nơi mức sống của người dân
không cao nên nhìn chung giá lưu trú không cao. Trong khi đó, tuy “nhân viên”
chưa thực sự chuyên nghiệp trong việc phục vụ khách, sự hiếu khách của họ sẽ làm
cho khách thấy rất hài lòng khi ở homestay. Ngày nay, ở một số nơi, homestay chỉ
đơn giản là nơi lưu trú cho khách du lịch và hầu như khách du lịch không còn tham

107
https://vator.tv/news/2016-02-26-when-airbnb-was-young-the-early-years
108
https://www.statista.com/statistics/1193134/airbnb-revenue-worldwide/
109
https://www.etymonline.com/search?q=bungalow

100
gia vào sinh hoạt thường nhật của chủ nhà như một thành viên. Trong trường hợp
đông khách, công việc chính của nhiều thành viên trong gia đình là phục vụ khách
du lịch như dọn dẹp, nấu ăn, bán hàng cho khách du lịch. Những sinh hoạt thường
nhật của người dân địa phương, một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách
du lịch thường chỉ còn lại ở những gia đình không làm homestay! Nhiều nơi, các
“chủ homestay” làm nhà riêng để chuyên phục vụ chỗ ngủ cho khách. Những
“homestay” này được cách điệu, hiện đại hoá, dần mất đi tính nguyên bản của kiểu
kiến trúc nhà ở truyền thống. Một số xu thế kiến trúc homestay đang thịnh hành
như phong cách hoài cổ vintage, phong cách retro, phong cách Bắc Âu, phong cách
thô mộc, phong cách Bohemian, phong cách tối giản, phong cách công nghiệp,
phong cách thiên nhiên.
Phong cách hoài cổ (Vintage Homestay) là phong cách kiến trúc cổ, song
những kiểu kiến trúc đó có giá trị thẩm mỹ và chất lượng cao.
Phong cách kim cổ (Retro Homestay) về bản chất khá giống phong cách
hoài cổ, song những kiểu kiến trúc cổ đó được khoác lên mình vẻ đẹp hiện đại
thông qua các gam màu tươi trẻ và sự chau truốt của các đường nét. Đó là sự kết
hợp độc đáo giữa những yếu tố cổ điển và hiện đại, vừa hoài niệm nhưng không
nhàm chán.
Phong cách Bắc Âu (Scandinavian Homestay) là phong cách cân bằng giữa
vẻ đẹp và sự tiện dụng, hướng tới các yếu tố đơn giản, sự tối giản với các tính năng
tinh tế chủ yếu trên sắc chủ đạo là màu trắng.
Phong cách thô mộc (Rustic Homestay) làm cho khách liên tưởng đến những
thiết kế xa xưa, khi con người không có nhiều vật dụng để làm nhà. Những cột và
xà nhà được buộc với nhau bằng giây thừng hay cuốn mây. Đồ đạc trong nhà là
những vật liệu khá “nguyên bản” như ghế là các thân cây cột lại với nhau, hay là
những tảng đá, những gốc gỗ gỗ ít chau truốt.
 Phong cách Bohemian (Bohemian Homestay) chủ yếu dựa trên vật liệu vải
các loại có họa tiết trang trí cầu kỳ như hoa văn thổ cẩm hay tua-rua để làm điểm
nhấn. Hình ảnh này được thể hiện đậm nét trên vỏ gối, chăn, đến tường, sàn nhà,
cầu thang hay thậm chí cả những chiếc võng quen thuộc. Phong cách này tạo cảm
giác mọi thứ trở nên lộn xộn, bừa bãi làm cho khách lưu trú cảm thấy tự do trong
không gian homestay này.
Có vẻ ngược với phong cách Boheimian là phong cách tối giản (Minimalist
Homestay). Các nhà dân theo phong cách này có mầu trắng là chủ đạo. Các trang
thiết bị nhỏ gọn, đáp ứng tối ưu nhu cầu lưu trú của khách nên không gian trở nên
thoáng đạt, phóng khoáng.
Phong cách công nghiệp (Industrial Homestay) cũng là một xu hướng phát
triển được ưa chuộng hiện nay. Các homestay này giống như một phân xưởng sản
xuất với các màu trắng, xám, đen, nâu... Những thiết bị những trang thiết bị như
đường ống nước, đường dây điện được bố trí lộ thiên, những mảng tường loang lổ,
nham nhở như công trình chưa hoàn thành… là đặc điểm của phong cách này.
Có vẻ như ngược với phong cách công nghiệp là phong cách thiên nhiên
(Natural Homestay) hay còn gọi là phong cách thiết kế gần gũi với thiên nhiên.
101
Các homestay này hoà mình trong không gian xanh, núp dưới các gốc cây, hốc đá,
hay lơ lửng trên cành cây, cheo leo trên vách núi. Vật liệu xây dựng thường là vật
liệu thiên nhiên hay giả thiên nhiên như lan can tuy làm bằng bê tông song được
tạo hình trông giống một cành cây.
Cắm trại (Camping) là hình thức du lịch dã ngoại ngủ ở ngoài thiên nhiên.
Hình thức du lịch thường là một trong những ưu tiên của khách du lịch thanh niên.
Đây là dịp bạn bè được quây quần bên nhau, cùng nhau sinh hoạt, gần gũi nhau
trong một không gian thiên nhiên lãng mạn. Những hoạt động như nấu ăn ngoài
trời, cùng nhau đi bộ, leo núi, chèo thuyền, câu cá, tắm biển, thể thao…và thậm chí
ngủ cùng nhau là những khoảng thời gian mà tất cả mọi người trong nhóm được
gần gũi nhau, bộc tình cảm chân thành với nhau.
Lều trại có thể do khách du lịch tự mang theo, nhưng ở nhiều khu cắm trại,
khách du lịch có thể thuê tại chỗ. Nơi để dựng trại thường có đường điện, đường
nước, chậu rửa, bàn nướng thịt, nhà vệ sinh để khách du lịch sử dụng. Sản phẩm
lưu trú này thu hút thanh niên còn vì chi phí lưu trú khá thấp.
Gần đây xuất hiện loại hình lều trại hiện đại, đó là lều trại với các tiện nghi
trang thiết bị của khách sạn cao cấp. Loại hình này được gọi là Lều trại sang
chảnh (Glamping). Thuật ngữ lều trại sang chảnh trong tiếng Anh là glamping ra
đời từ việc ghép 2 từ là glomorous và camping. Về với thiên nhiên vẫn là một xu
thế du lịch của khách, song nhu cầu chỗ ngủ phải tiện nghi cũng đã dần dần thay
thế nhu cầu có một chỗ ngủ giản tiện, nhiều khi không đảm bảo sức khỏe. Để đáp
ứng nhu cầu vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa có một chỗ ngủ tiện nghi, lều trại
sang chảnh ra đời. Khu cắm trại có cảnh quan ngoạn mục, ẩn mình dưới bóng cây,
sát những cụm hoa cỏ nhìn từ bên ngoài được thay đổi đến ngạc nhiên khi khách
bước vào trong một lều trại sang chảnh với sự bài trí hiện đại, khá đầy đủ các điều
kiện như trong một buồng khách sạn. Khách du lịch cắm trại sang chảnh được tận
hưởng thiên nhiên trong lành, lãng mạn tại điểm du lịch, xa với môi trường đô thị
ồn ào, ô nhiễm trong điều kiện sinh hoạt đẳng cấp ở bên trong lều trại. Lều trại
sang chảnh đã trở nên đặc biệt phổ biến với khách du lịch thế kỷ 21 tìm kiếm sự
sang trọng của khách sạn bên cạnh việc thoát ly đời sống thường nhật kết hợp tính
phiêu lưu giải trí của cắm trại.
2.2.4. Nhà cung ứng dịch vụ lữ hành và hướng dẫn du lịch
2.2.4.1. Khái niệm
Nhà cung ứng dịch vụ lữ hành là một đơn vị tư vấn, xây dựng và tổ chức
thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch. Nhà cung ứng dịch vụ lữ
hành thường là các công ty lữ hành hay còn gọi là công ty du lịch.

102
2.2.4.2. Vai trò, chức năng
Bản chất của kinh doanh lữ hành là kinh doanh việc tổ chức các chuyến đi
cho khách du lịch đã được Thomas Cook phát hiện và triển khai từ năm1841. Có
thể nói tuy không trực tiếp cung cấp cho khách du lịch các dịch vụ chính như vận
chuyển, lưu trú, ăn uống, song nhà cung ứng dịch vụ lữ hành là tâm điểm tạo nên
sản phẩm du lịch. Dựa vào nhu cầu, sở thích và khả năng chi trả cũng như quỹ thời
gian rỗi của khách du lịch, nhà cung ứng dịch vụ lữ hành tư vấn cho khách những
chương trình du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp nhất. Cũng dựa vào đó, chính nhà
cung ứng dịch vụ lữ hành xây dựng chương trình du lịch theo yêu cầu của khách.
Họ kết nối các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống để tạo ra một
sản phẩm du lịch cho khách. Nhà cung ứng dịch vụ lữ hành tổ chức triển khai
chương trình du lịch cho khách, tạo cho họ một trải nghiệm tối ưu trong chuyến đi.
2.2.4.3. Các kênh phân phối sản phẩm du lịch của doanh nghiệp lữ hành
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp vận chuyển là dịch vụ vận chuyển, sản
phẩm của doanh nghiệp lưu trú và ăn uống là các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ
của khách du lịch thì sản phẩm của doanh nghiệp lữ hành là các dịch vụ kết nối của
các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống và hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Một thành phần quan trọng trong sản phẩm của doanh nghiệp lữ hành là chương
trình du lịch. Theo khoản 8, điều 3 Luật Du lịch 2017, “Chương trình du lịch là văn
bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách
du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi”. Doanh nghiệp lữ hành giới
thiệu chương trình du lịch cho khách hàng (người tiêu dùng) thông qua các hình
thức khác nhau. Thông thường chương trình du lịch được phân phối theo 3 kênh
phân phối truyền thống chủ yếu là phân phối trực tiếp, phân phối thông qua đối tác
và phân phối thông qua đại lý (Mark Anthony Camilleri, 2018). Trong nhiều
trường hợp, các kênh phân phối chương trình du lịch như thế cũng được gọi là
kênh phân phối sản phẩm du lịch hay kênh phân phối du lịch (tourism distribution
channels). Chương trình du lịch là văn bản đính kèm hợp đồng và có giá trị pháp lý
để xác định quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch.
Sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là internet và mạng xã hội đã cho
phép các doanh nghiệp lữ hành và các nhà cung ứng du lịch khác quản lý các kênh
phân phối của họ một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn. Các nhà cung ứng dịch vụ du
lịch có khả thể giám sát hoạt động của họ trên các kênh phân phối có ứng dụng
công nghệ thông tin. Họ có thể nhanh chóng điều chỉnh chương trình theo các yêu
cầu của khách du lịch, thỏa thuận giá cả và thậm chí ký kết hợp đồng trực tuyến
với khách. Dựa trên cơ sở dữ liệu lớn110 doanh nghiệp lữ hành có thể phân tích và
nắm bắt được nhu cầu, sở thích, thói quen, khả năng chi trả của khách để đưa ra
các dịch vụ phù hợp, giá cả hợp lý và tối ưu.
110
big data

103
Hình 2.6. Kênh phân phối chủ yếu các chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành
Paraskevi và cộng sự (2015) đã đưa ra mô hình các kênh phân phối sản
phẩm du lịch trong bối cảnh hiện đại. Có thể thấy doanh nghiệp lữ hành có thể
phân phối sản phẩm trực tiếp cho khách tại văn phòng của mình, trên trang chủ,
thông qua các đại lý, thông qua các đối tác hay trên các nền tảng thông tin đại
chúng.
Ngày nay, trước khi quyết định đi du lịch đâu đó, hầu hết khách du lịch sẽ
bắt đầu bằng sự tìm kiếm trên mạng. Một website chuyên nghiệp có thể dễ dàng
biến khách du lịch tiềm năng thành khách hàng của công ty. Một trang chủ chuyên
nghiệp không chỉ là trang có nội dung phong phú, hình thức đẹp, dễ tìm kiếm,
ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu mà còn là trang luôn có thông tin được cập nhật, và
trực tuyến. Khách hàng được tương tác nhanh chóng và đối xử thân thiện, ngay cả
khi họ có những nhận xét nặng lời, đánh giá thiếu tích cực với công ty.

104
Hình 2.7. Các kênh phân phối sản phẩm của công ty lữ hành ngày nay theo Paraskevi và cs
(2015)
Hiện nay mạng xã hội chính là một kênh quảng bá sản phẩm và dịch vụ vô
cùng hiệu quả, thu hút được sự chú ý của nhiều người dùng Facebook, Twitter,
Instagram, Zalo… Theo báo Dân trí điện tử, hơn ¼ dân số thế giới sử dụng
Facebook111. Năm 2018, trên thế giới có 5 tỷ người sử dụng điện thoại di động, 4 tỷ
người dùng internet, 3,3 tỷ người dùng mạng xã hội, 2,3 tỷ người dùng facebook.
Việt Nam có số lượng người sử dụng facebook nhiều thứ 7 thế giới 112. Do vậy
nhiều công ty du lịch đã dùng Facebook, Youtube, WhatsApp, WeChat, Instagram
như là một kênh phân phối sản phẩm của mình.
Bản chất của đại lý là phân phối sản phẩm để nhận thù lao từ công việc của
mình. Theo khoản 1 điều 40 của Luật Du lịch 2017, kinh doanh đại lý lữ hành là
việc tổ chức, cá nhân nhận bán chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh
dịch vụ lữ hành cho khách du lịch để hưởng hoa hồng. Có thể coi đây là một “chân
rết” quan trọng trong việc phân phối sản phẩm của công ty lữ hành có quy mô lớn.
Những công ty lữ hành lớn có thể có một kênh phân phối sản phẩm du lịch
inbound hiệu quả là các văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tuy nhiên do chi phí tốn
kém nên chỉ có những công ty lớn mới có khả năng mở một văn phòng của mình ở
nước ngoài, nơi là thị trường mục tiêu của công ty. Một cách giải pháp linh hoạt là

111
112https://dantri.com.vn/suc-manh-so/so-nguoi-dung-facebook-vuot-hon-1-4-dan-so-the-gioi-20170628111608212.htm.
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-co-so-luong-nguoi-dung-facebook-lon-thu-7-tren-the-gioi-
20180418145327613.htm

105
một số công ty lữ hành liên kết cùng mở một văn phòng đại diện để tạo ra một
kênh phân phối sản phẩm của mình.
Du lịch là một ngành có tính liên ngành cao độ. Để tổ chức chuyến đi cho
khách du lịch, nhà cung ứng dịch vụ lữ hành phải kết nối sản phẩm của các đối tác.
Như vậy, các đối tác của họ sẵn sàng trở thành một kênh phân phối sản phẩm. Đó
là các doanh nghiệp lưu trú, ăn uống và các điểm tham quan, giải trí. Các đối tác có
thể tham gia phân phối sản phẩm như một đại lý một cách trực tiếp, qua trang
mạng xã hội, qua trang chủ của mình. Một trong các biện pháp quản cáo sản phẩm
du lịch mới mà nhà cung ứng lữ hành thường hay sử dụng là tổ chức các tour làm
quen, giới thiệu sản phẩm, được gọi là fam-trip. Đây là các tour dành cho các đối
tác của doanh nghiệp và thường là tổ chức miễn phí. Các thành viên của đoàn sẽ
chính là các chân rết để giới thiệu bán (đại lý) những tour mới này cho khách. Fam
trip cũng có thể là những tour mà các hãng lữ hành, hướng dẫn viên cùng nhau trải
nghiệm thậm chí đề xuất những sản phẩm mới. Cần chú ý phân biệt fam tour với
farm tour, du lịch trang trại hay family tour, du lịch gia đình.
Hiện nay, bán sản phẩm tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế là một
kênh phân phối được nhiều hãng lữ hành thực hiện. Tại các hôi chợ này, nhiều
doanh nghiệp còn đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng,
đặc biệt là các khách hàng tiềm năng.
2.2.4.4. Các sản phẩm lữ hành
Theo khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017, kinh doanh lữ hành là việc xây
dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho
khách du lịch. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chương
trình du lịch cho khách, một trong những dịch vụ vô cùng quan trọng của doanh
nghiệp lữ hành là dịch vụ tư vấn. Tư vấn cho khách hàng là dịch vụ đầu tiên mà
khách du lịch tương lai nhận được từ nhà cung ứng dịch vụ lữ hành. Tư vấn có thể
diễn ra trực diện tại văn phòng du lịch, văn phòng đại lý du lịch, hội chợ du lịch,
trực tiếp bằng các phương tiện truyền tin như điện thoại, messenger… Nội dung tư
vấn khá phong phú và đa dạng, tùy theo nhu cầu, sở thích, thời gian rỗi của khách
hàng. Mục đích của tư vấn là thuyết phục khách hàng chọn mua sản phẩm của
doanh nghiệp. Như vậy người tư vấn phải có hiểu biết kỹ về sản phẩm của công ty
như nội dung chương trình du lịch, các điều kiện thực hiện, thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó là khả năng thấu hiểu và thuyết phục khách hàng.
Xây dựng chương trình du lịch là một dịch vụ quan trọng của nhà cung ứng
dịch vụ lữ hành. Theo khoản 8, điều 3 Luật Du lịch năm 2017, “chương trình du
lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến

106
đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi”. Ngày nay,
bên cạnh các sản phẩm du lịch trọn gói được thiết kế sẵn, căn cứ theo nhu cầu của
khách hàng cụ thể, công ty lữ hành sẽ xây dựng một chương trình du lịch riêng
biệt. Việc xây dựng chương trình du lịch sẽ có hai cách tiếp cận, một là căn cứ
giá để xác định lộ trình và lịch trình, hai là xác định lộ trình và lịch trình rồi tính
giá. Lịch trình và lộ trình phụ thuộc vào nhu cầu của khách cũng như khả năng
cung ứng của các đối tác tại điểm đến. Giá một chương trình du lịch bao gồm chi
phí và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Có 2 loại chi phí cơ bản là chi phí cố
định (Fix Cost-FC) và chi phí biến đổi (Variable Cost-VC). Trong kinh tế nói
chung, chi phí cố định FC là các khoản chi phí không thay đổi tùy thuộc vào quy
mô sản xuất hoặc mức doanh số như tiền thuê nhà, tiền lương cho cán bộ quản lý,
chi phí khấu hao máy móc thiết bị. Trong tính giá chương trình du lịch, c hi phí cố
định là chi phí chung cho cả đoàn như chi trả cho văn phòng, chi trả cho hướng
dẫn viên, chi cho các hoạt động chung, chi cho thuê ô tô, tàu du lịch… Chi phí
biến đổi là những khoản chi phí thay đổi theo quy mô sản xuất hoặc doanh số như
lao động, nguyên liệu hoặc chi phí hành chính, tiền lương cho công nhân trực tiếp
sản xuất. Cụ thể trong tính toán giá chương trình du lịch, chi phí biến đổi là chi
phí cho từng cá nhân nếu họ có mặt như chi phí ăn uống, chi phí lưu trú, chi phí
vé tham quan, bảo hiểm… Tỷ suất lợi nhuận được doanh nghiệp qui định phụ
thuộc vào nhiều yếu tố như định vị trong thị trường, quan hệ đối tác…
Kết quả xây dựng các chương trình đó sẽ được biến thành sản phẩm của
các công ty lữ hành khi nó được bán cho khách du lịch. Những chương trình được
bán đó gọi là các tour du lịch. Có nhiều loại tour du lịch khác nhau nhưng về cơ
bản nó gồm các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống và hướng dẫn du lịch.
Các sản phẩm khác của nhà cung ứng dịch vụ lữ hành là xin cấp hay gia hạn
thị thực113, đặt vé máy bay, tàu hỏa, ô tô, đặt chỗ ăn, chỗ ngủ… Trong sản phẩm du
lịch trọn gói có thể có tất cả các dịch vụ này, song nhà cung ứng dịch vụ lữ hành
cũng có thể cung ứng một số sản phẩm riêng lẻ như đã kể ở trên.
2.2.4.5. Dịch vụ hướng dẫn du lịch
Theo khoản 10, điều 3 Luật Du lịch, 2017, “hướng dẫn du lịch là hoạt động
cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch sử
dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch”. Hướng dẫn du lịch là một dịch vụ
đặc trưng của ngành Du lịch. Hướng dẫn du lịch bao gồm việc chỉ dẫn, giới thiệu
cho khách du lịch về các tài nguyên du lịch mà họ tiếp cận trong chuyến đi, hỗ trợ,
giúp đỡ họ để thụ hưởng chuyến đi một cách xứng đáng nhất so với chi phí mà họ
bỏ ra, tức hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ
113
visa

107
khách du lịch sử dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch” (khoản 10, Điều 10
Luật Du lịch 2017)
Người trực tiếp thực hiện dịch vụ hướng dẫn du lịch cho khách là hướng dẫn
viên du lịch. Theo Liên đoàn Thế giới các Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch
(World Federation of Tourist Guide Association) 114 hướng dẫn viên du lịch là
người hướng dẫn khách du lịch bằng ngôn ngữ nhất định, giải thích di sản văn hóa,
di sản tự nhiên của một khu vực. Hướng dẫn viên du lịch là người được cơ quan
liên quan công nhận là có trình độ hiểu biết về khu vực theo quy định.
Ở nước ta, “hướng dẫn viên du lịch bao gồm hướng dẫn viên du lịch quốc
tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch tại điểm” (khoản 1
Điều 58, Luật Du lịch 2017), theo đó, hướng dẫn viên du lịch quốc tế (International
Guide) được phép hướng dẫn cho khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến
Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài; hướng dẫn
viên du lịch nội địa (Domestic Guide) được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là
công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc, hướng dẫn viên du lịch tại điểm được
hướng dẫn cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch là người triển khai việc tổ chức chuyến đi cho khách
du lịch, hướng dẫn cho khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, khoa học…của tài
nguyên du lịch mà họ đi qua hay đến thăm. Những công việc chính mà một hướng
dẫn viên du lịch tác nghiệp trong chuyến đi là đón khách, chăm sóc khách trong
hành trình (ăn uống, ngủ , nghỉ, vui chơi giải trí, sức khỏe), thuyết minh, hướng
dẫn để giúp cho khách thẩm nhận được tại chỗ giá trị tự nhiên, văn hóa của các đối
tượng tham quan, du lịch, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh cũng như giúp
đỡ, hỗ trợ khách du lịch để họ có trải nghiệm tốt nhất sau chuyến đi và cuối cùng là
tiễn khách. Có thể coi việc nộp báo cáo sau chuyến đi là kết thúc nhiệm vụ của
người hướng dẫn du lịch đối với chuyến đi đó.
Trong quá trình thực hiện công việc của mình, hướng dẫn viên cùng một
lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Trước hết hướng dẫn viên phải quan
tâm đến tất cả khách du lịch trong đoàn như là một người thân trong gia đình, lắng
nghe, thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của khách như một nhà tâm lý, giải thích rõ
ràng, dễ hiểu những thắc mắc của khách như một nhà sư phạm. Bên cạnh đó,
hướng dẫn viên du lịch phải là một người yêu quê hướng đất nước. Một hướng dẫn
viên có kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn tốt song không có tình yêu với quê
hương đất nước không thể truyền tải được cho khách du lịch thấy hết được giá trị
của tài nguyên du lịch tại nơi đến tham quan du lịch.

114
https://wftga.org/home-publications-news-en-15565-2008-standard-for-the-training-and-qualification-
of-tourist-guides/
108
2.2.5. Nhà tổ chức sự kiện
2.2.5.1. Khái niệm

Trong quá trình phục vụ khách du lịch, nhà cung ứng dịch vụ du lịch thấy
xuất hiện nhu cầu tổ chức các sự kiện khác nhau. Trước nhu cầu ngày càng gia
tăng, nhiều doanh nghiệp du lịch đã hình thành một bộ phận chuyên tổ chức phục
vụ các “sự kiện” cho khách du lịch. Tổ chức sự kiện vốn là một lĩnh vực độc lập,
đáp ứng nhu cầu cộng đồng, từ cá nhân cho đến tập thể: doanh nghiệp, tổ chức, và
mở rộng đến từng địa phương hay quốc gia. Sự kiện có thể được coi là một hoạt
động quan hệ công chúng (Public Relations thường viết tắt là PR, được đọc theo
cách phát âm tiếng Anh) hay hoạt động kích hoạt thương hiệu (Brand Activation).
Quan hệ công chúng là công tác cải thiện cái nhìn về một người, một công ty, phát
thông tin tới giới truyền thông và lôi kéo sự chú ý của họ. Kích hoạt thương hiệu là
hoạt động giúp thương hiệu được mọi người biết tới, tăng sự nhận diện và tương
tác với thương hiệu bằng các hoạt động trải nghiệm thương hiệu trực tiếp. Trong
nhiều chuyến đi, khách du lịch có nhu cầu tổ chức các sự kiện đơn giản dành cho
hội, nhóm như Gala Dinner (tiệc tối) hay lửa trại bãi biển kèm tiệc nướng
(Babecue Beach Party) cho đến các hoạt động MICE hay những lễ hội đa dạng và
tích hợp nhiều nguồn lực với tài nguyên địa phương. Là một ngành dịch vụ, du
lịch ngày nay không thể không quan tâm đến tổ chức sự kiện cả về lý luận và thực
tiễn. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhà tổ chức sự kiện là cá nhân, tổ chức (event
planner) cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tổ chức một sự kiện nào đó theo yêu
cầu của khách hàng từ gợi ý, tư vấn đến tính toán chi phí, triển khai tổ chức hoạt
động sự kiện. Tiểu mục này sẽ gợi ý một số khái niệm ban đầu liên quan đến hoạt
động tổ chức sự kiện này.
Từ sự kiện trong tiếng Anh là event có nguồn gốc Latin “eventum” có nghĩa
là xảy ra, “eventus” là thành công. Theo Từ điển Oxford, event (sự kiện) là “một
cái gì đó diễn ra, đặc biệt khi nó có ý nghĩa quan trọng hay có tính bất thường” 115.
Như vậy, sự kiện là một hoạt động của con người hay tự nhiên có nghĩa nhất định
đối với chủ thể và môi trường xung quanh. Nhìn nhận dưới góc độ tổ chức hoạt
động, sự kiện là “một hoạt động diễn ra tại một thời điểm, địa điểm nhất định"
(Getz D., 2011) hay “bất kỳ tập hợp người nào cho một mục đích cụ thể” (Carter
L., 2007:3). Dưới góc độ xã hội, sự kiện được hiểu là một hoạt động do con người
tổ chức nhằm đánh dấu một mốc thời gian đáng ghi nhớ. Các hoạt động này có thể
có tính văn hóa, chính trị, thương mại, kinh doanh, giải trí, thể thao hoặc thiên
nhiên nhằm mục đích truyền đi một thông điệp nào đó cho công chúng, đặc biệt là
những người tham dự. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức hội thảo, hội nghị,
triển lãm, gặp mặt, lễ hội, liên hoan…

115
https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/event

109
Tổ chức sự kiện (event planning) là các công việc triển khai để người tham
gia có được những trải nghiệm mà người chỉ đạo mong muốn. Lưu Văn Nghiêm
(2009) cho rằng đây “là một quá trình bao gồm sự kết hợp các lao động với các tư
liệu lao động cùng với việc sử dụng máy móc thiết bị, công cụ lao động thực hiện
các dịch vụ đảm bảo toàn bộ các công việc chuẩn bị và các hoạt động sự kiện cụ
thể nào đó trong một không gian và thời gian cụ thể nhằm chuyển tới đối tượng
tham sự kiện những thông điệp truyền thông theo yêu cầu của chủ sở hữu sự kiện
và thỏa mãn nhu cầu của khách tham dự sự kiên (trang 9).
2.2.5.2. Phân loại sự kiện
Có rất nhiểu sự kiện khác nhau, từ sự kiện nhỏ của cá nhân đến những sự
kiện rất lớn mang tính quốc gia, quốc tế. Theo quy mô, nhiều học giả trên thế giới
như Lynn Van Der Wagen (2007); Getz, D. (2005); Glenn A.J. Bowdin và cộng sự
(2011) chia thành siêu sự kiện (mega-events), sự kiện trọng đại (hallmark event),
sự kiện lớn (major event) và sự kiện nhỏ (minor event).
Siêu sự kiện là sự kiện rất lớn, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và
được loan tin trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, thường được tổ chức sau
đấu thầu rất cạnh tranh. Quốc gia đứng ra tổ chức phải là đất nước có uy tín cao về
nhiều mặt, đặc biệt là về lĩnh vực đứng ra đăng cai. Theo Bowdin và cộng sự.
(2001), các siêu sự kiện lớn có thể là Thế vận hội Olympic, Thế vận hội
Paralympic, World Cup.
Sự kiện trọng đại được Ritchie (1984) định nghĩa là các sự kiện lớn diễn ra
một lần hoặc định kỳ trong thời gian giới hạn, được tổ chức chủ yếu để nâng cao
nhận thức, thu hút khách đến một điểm đến du lịch. Sự thành công của những sự
kiện này dựa trên tính độc đáo, vị thế hoặc ý nghĩa thời sự của nội dung sự kiện.
Các loại sự kiện này có thể kể đến như lễ hội Carnival, triển lãm hoa, cuộc thi công
thức 1 ...
Sự kiện lớn là sự kiện có quy mô nhỏ hơn hai loại sự kiện trên song vẫn đủ
lớn và uy tín để thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc gia, thu
hút số lượng lớn người tham gia. Các giải quần vợt lớn như giải Wimbledon, các
kỳ SEA games, các cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế hay khu vực,
Sự kiện nhỏ hay gọi là sự kiện địa phương là những sự kiện thu hút khách
chủ yếu từ một vùng địa lý nhất định như giải đấu thể thao quốc gia, hội chợ,
chương trình biểu diễn.
Bên cạnh phân chia theo quy mô, Lynn Van Der Wagen (2007) còn phân
biệt các sự kiện thể thao (Sporting Event), sự kiện giải trí, lễ hội văn hóa và nghệ
thuật (Entertainment, Art and Cultural Festival), sự kiện thương mại, marketing và
xúc tiến (Commercial, Marketing and Promotional Events), gặp mặt, hội thảo,
triển lãm (Meeting, Conventions and Exhibitions), các sự kiện gia đình (Family
Events), sự kiện gây quỹ (Fundraising Event) và các sự kiện khác.

110
Theo không gian tổ chức có sự kiện trong nhà (Indoor Event) và sự kiện
ngoài trời (Outdoor Event). Các doanh nghiệp lưu trú thường hay cung cấp dịch vụ
tổ chức sự kiện trong nhà và các doanh nghiệp lữ hành thường chuyên về tổ chức
các sự kiện ngoài trời.
Theo tính chất sự kiện có thể chia thành đại hội của tập đoàn, hội thảo, tập
huấn, tiệc trưa, tiệc cưới, tiệc đón tiếp, tiệc chia tay, lễ trao giải, buổi giới thiệu sản
phẩm, hội chợ triển lãm, sự kiện thể thao và giải trí. Mỗi loại hình sự kiện sẽ có
mục đích khác nhau. Tiệc cưới cần có tính lãng mạn, vui vẻ với những lời chúc
phúc, tiệc trưa, tiệc đón tiếp, tiệc chia tay cần tạo sự thân thiện giữa chủ và khách,
lễ trao giải cần làm nổi bật mục đích của cuộc thi, hội chợ thiên về giới thiệu,
quảng bá sản phẩm.
2.2.5.3. Quản trị chiến lược sự kiện
Công tác quản trị sự kiện được chia thành hai góc độ khác nhau là quản trị
chiến lược và quản trị hoạt động. Quản trị chiến lược bắt đầu từ xác định ý tưởng
cho sự kiện, xác tính tính hợp pháp của sự kiện, nơi tổ chức sự kiện, tuân thủ pháp
luật của sự kiện,
Ý tưởng được đưa ra dựa trên mục đích, chủ đề, địa điểm, khán giả, ngân
quỹ, thời gian. Tiếp theo là phân tích ý tưởng, tính độc đáo, hợp pháp, các giải
pháp marketing, ước tính chi phí và doanh số, phân tích tác động tới cộng đồng và
dự báo nguy cơ rủi ro có thế xảy ra. Sau khi phân tích và dự báo sẽ tiến hành thiết
kế từ chủ đề, chương trình, trang trí, côn việc cũng như thoả thuận với các nhà
cung ứng. Phần chuẩn bị hậu cần logistics rất quan trọng để đảm bảo cho sự thành
công của sự kiện.
Ở bất cứ nơi nào, tính hợp pháp của sự kiện cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Có thể ở một địa phương này, một quốc gia này sự kiện đó được chấp nhận, song ở
một địa phương khác, quốc gia khác thì sự kiện đó lại không được cho phép.
Nơi tổ chức cần được xác định và kiểm tra cẩn thận để đảm bảo tính phù
hợp với sự kiện được tổ chức. Sự phù hợp thể hiện ở vị trí của địa điểm, kích thước
của địa điểm, điều kiện của địa điểm và tính chất của địa điểm.
2.2.5.4. Quản trị hoạt động sự kiện
Theo Lynn Van Der Wagen (2007). quản trị hoạt động sự kiện bao gồm
quản trị dự án, quản trị xúc tiến và quan hệ công chúng, quản trị các bước thực
hiện, quản trị nguồn nhân lực, quản trị diễn xuất, quản trị các dịch vụ tại chỗ, quản
trị an ninh, an toàn, quản trị đám đông, quản trị nghi thức, quản trị dịch vụ ăn
uống, bảo vệ môi trường.
Quản trị dự án bao gồm việc triển khai thông điệp, xác định mục đích sự
kiện. Trong lĩnh vực tổ chức sự kiện thường có các vị trí như chuyên viên thiết kế,
tổ chức cuộc họp (Meeting Planner), chuyên viên thiết kế, tổ chức các hoạt động
và sự kiện (Activities and Events Planner), chuyên viên thiết kế, tổ chứccuộc họp

111
và sự kiện (Meeting and Event Planner), chuyên viên thiết kế, tổ chức hội nghị
(Conference Planner), chuyên viên thiết kế, tổ chức sự kiện các hiệp hội
(Association Event Planner), chuyên viên phân tích sự kiện (Event Analyst),
chuyên viên thiết kế, tổ chức sự kiện chuyên biệt (Special Events Planner), chuyên
viên thiết kế, tổ chức hội nghị (Convention Planner), chuyên viên cao cấp thiết kế,
tổ chức sự kiện (Senior Event Planner), điều phối viên sự kiện (Event
Coordinator), điều phối viên triển lãm (Exhibition Coordinator), điều phối viên
marketing (Marketing Coordinator), đại diện bán lẻ sự kiện (Retail Events
Representative), quản lý sự kiện ngoài hiện trường (Field Events Manager), giám
đốc điều hành sự kiện (Event Operations Manager)

112
Ra quyết định Lập kế hoạch và chuẩn bị Sự kiện

Đề xuất ý 2. Lập phương án 3. Lập kế hoạch 4. Cơ cấu nhóm, 5. Chuẩn bị 6. Triển khai sự
tưởng khả thi chiến lược phân vai chi tiết kiện

Ra quyết định Chương trình


Lịch trình
Nhân sự
Đánh giá Ra quyết định Danh sách
dự án thành lập ban kiểm tra
Hành chính
tổ chức

SỰ KIỆN
Các cuộc họp
Tài chính
Đánh giá
Tập huấn
dự án Thông báo Cử điều phối Marketing
viên Diễn tập
quyết định
Phục vụ kỹ thuật Kiểm tra lần
Xác định mục
cuối
tiêu, mục đích Dịch vụ
và lịch trình

Phản hồi,
Đánh giá
7. Đánh Điều chỉnh
giáĐánh giá
Đánh giá

Hình 2.8. Bảy bước kế hoạch tổ chức sự kiện

Một quy trình tổ chức sự kiện được tính kể từ khi nhận chủ đề, lên ý tưởng
đến khi tiếp nhận phản hồi và đánh giá, rút kinh nghiệm sau sự kiện. Việc thực
hiện đúng theo các quy trình cơ bản trong tổ chức sự kiện sẽ giúp quá trình tổ chức
trơn tru và ít gặp lỗi hơn. Có nhiều quy trình tổ chức sự kiện khác nhau, song phổ
biến nhất là quy trình 7 bước. Bảy bước đó là 1. Đề xuất ý tưởng (Idea), 2. Lập
phương án khả thi (Feasibility), 3. Lập kế hoạch chiến lược (Planning strategy), 4.
Cơ cấu nhóm và phân vai (Structure Teams, roles), 5. Chuẩn bị chi tiết (Detailed
Preparation), 6. Triển khai sự kiện (Event) và 7 Đánh giá (Evaluation).
2.2.6. Lao động trong ngành du lịch
2.2.6.1. Khái niệm
Lao động là một hoạt động có ý thức của con người nhằm thay đổi vật thể
tự nhiên đáp ứng nhu cầu của con người. Con người tác động vào thiên nhiên để
lấy về đồ ăn, thức uống, quần áo … nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại của họ. Cao
hơn nữa, họ tạo ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về văn hóa, tinh
thần đa dạng. Họ biến những phiến đá trở thành bộ đàn đá, những ống nứa trở
thành chiếc sáo, biến sức nước, sức gió trở thành điện năng…. Sau mỗi quá trình

113
tác động, giá trị của sản phẩm mới được gia tăng. Khái niệm lao động còn thường
được chỉ người tạo ra hoạt động lao động, tức là người lao động. Tại khoản 1,
điều 3, Bộ luật Lao động nước CHXHCN Việt Nam 2019, “người lao động là
người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao
động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.
Nguồn lao động là bộ phận dân cư gồm những người trong độ tuổi lao động
(không kể những nguời mất khả năng lao động) và những ngưòi ngoài tuổi lao
động nhưng thực tế có tham gia lao động. Từ nửa cuối thế kỷ XX, xuất hiện thêm
khái niệm “tài nguyên con người” mà nhiều tài liệu tiếng Việt gọi là “nguồn nhân
lực”. Tài nguyên con người được hiểu là tổng hợp thể lực và trí lực của con người
trong quá trình tạo ra của cải xã hội, nó phản ánh khả năng lao động của con
người, là điều kiện đầu tiên cần thiết trong quá trình lao động xã hội. Trong nền
kinh tế hàng hoá tài nguyên con người là một loại hàng hóa đặc biệt và trở thành
lợi thế cạnh tranh của các tổ chức.
2.2.6.2. Đặc điểm lao động trong ngành Du lịch
Du lịch là một ngành dịch vụ, do vậy sản phẩm chủ yếu của ngành Du lịch là
các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch, trong đó chất lượng dịch vụ thường được
khách du lịch đánh giá thông qua cảm nhận của họ có được từ thái độ phục vụ của
người làm du lịch. Nói cách khác, giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch phụ thuộc
rất nhiều vào tinh thần, thái độ phục vụ khách du lịch của nhà cung ứng, tức là
người làm du lịch.
Lao động trong ngành Du lịch bao gồm lao động vật chất và lao động phi vật
chất, trong đó lao động phi vật chất là chủ yếu. Giá trị của một bữa ăn phục vụ
khách du lịch lớn hơn nhiều giá trị thực sự của món ăn mà khách thụ hưởng. Mức
độ gia tăng có được chính là tinh thần, thái độ phục vụ, tức là giá trị phi vật chất.
Lao động trong từng bộ phận đều có tính chuyên môn cao, mỗi lao động
thực hiện một công đoạn của việc tạo ra sản phẩm chung của ngành. Kết quả lao
động ở mỗi công đoạn đều có ảnh hưởng đến hoạt động của bộ phận khác. Do vậy
lao động trong toàn bộ dây chuyền sản xuất có quan hệ mật thiết với nhau, phụ
thuộc vào nhau.
Thời gian làm việc của lao động trong ngành Du lịch phụ thuộc vào sản
phẩm cung cấp cho khách du lịch nên có tính mùa vụ rất rõ rệt. Thông thường
khách sử dụng những dịp lễ tết, ngày nghỉ dài để đi du lịch. Do vậy, trái với lao
động trong nhiều ngành nghề khác, người làm du lịch phải làm việc với cường độ
cao vào dịp lễ tết. Nếu như lao động tại các cơ sở lưu trú, ăn uống có thể có địa
điểm và thời gian làm việc cố định thì hướng dẫn viên lại phải làm việc xa nhà

114
trong nhiều ngày và hầu như phải thường trực giải quyết mọi vấn đề phát sinh vào
bất cứ thời điểm nào trong ngày. Do vậy việc tổ chức sinh hoạt cuộc sống hàng
ngày rất dễ bị đảo lộn. Việc quản lý nhân viên của tổ chức cũng gặp nhiều khó
khăn, trở ngại.
So với nhiều ngành nghề khác, lao động nữ, lao động trẻ và lao động thời vụ
trong ngành Du lịch thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Lợi thế của lao động nữ và lao
động trẻ là dễ dàng làm cho khách hàng trở nên thiện cảm bởi sự tươi trẻ, nhanh
nhẹn, duyên dáng, dịu dàng mà họ thể hiện trong phục vụ khách. Để đáp sự tăng
cao của nhu cầu của khách du lịch vào mùa cao điểm, các tổ chức kinh doanh du
lịch bắt buộc phải sử dụng thêm nhiều lao động tạm thời, lao động thời vụ. Nếu tổ
chức và quản lý không tốt, chất lượng làm việc của nhóm lao động này có thể ảnh
hưởng xấu đến danh tiếng của tổ chức.
Có thể nói, lao động trong lĩnh vực du lịch có cường độ lao động không cao
so với nhiều ngành nghề khác, hay nói cách khác, làm việc trong lĩnh vực du lịch
không tốn nhiều sức lực cơ bắp. Tuy nhiên người làm việc trong lĩnh vực du lịch,
nhất là trong người làm việc ở những khâu tiếp xúc trực tiếp với khách như lễ tân,
chạy bàn và đặc biệt là hướng dẫn viên, họ phải luôn đương đầu với một sức ép lớn
về tâm lý.
2.2.6.3. Phân loại lao động trong ngành Du lịch
Du lịch là một ngành dịch vụ có tính liên ngành. Người ta ví du lịch như một
ngành công nghiệp không chỉ vì du lịch có tốc độ tăng trưởng cao như nhiều ngành
công nghiệp mà còn vì sản phẩm du lịch, tức là tất cả những gì khách du lịch được
thụ hưởng trong chuyến đi, được tạo ra trên một dây chuyền gồm nhiều lao động
có chuyên môn khác nhau như hướng dẫn viên du lịch, lái xe du lịch, lễ tân khách
sạn, nhân viên buồng, nhân viên bàn, nhân viên bếp….
Xét trên góc độ vĩ mô, lao động trong lĩnh vực du lịch có thể được chia
thành lao động gián tiếp và lao động trực tiếp.
Lao động gián tiếp của ngành du lịch là lao động không thuộc ngành du lịch,
tức là không làm việc tại các cơ quan tổ chức du lịch như doanh nghiệp du lịch, cơ
quan đào tạo và nghiên cứu về du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Những lao động này là người cung cấp các sản phẩm đầu vào của ngành du lịch
như cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, hoặc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ trực
tiếp cho khách du lịch không thông qua ngành du lịch.
Trong số lao động thuộc ngành du lịch có thể nhóm thành 3 loại là lao động
trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, lao động trong lĩnh vực đào tạo nghiên

115
cứu về du lịch và lao động làm việc trong các tổ chức trực tiếp phục vụ khách du
lịch.
Khối nhân lực quản lý nhà nước về du lịch có vai trò quan trọng trong việc
xây dựng chiến lược phát triển du lịch của quốc gia và từng địa phương, tham mưu
hoạch định chính sách phát triển du lịch; đại diện cho Nhà nước để hướng dẫn để
các doanh nghiệp du lịch kinh doanh có hiệu quả, kiểm tra, giám sát các hoạt động
kinh doanh.
Đây là những công chức làm việc tại các cơ quan hành chính từ cấp trung
ương đến địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước đối
với hoạt động du lịch. Theo điều 73 Luật Du lịch 2017, công tác quản lý nhà nước
về du lịch ở Trung ương gồm:
a) Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về du lịch; chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch; danh mục các địa điểm
tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia;
b) Điều phối, liên kết các hoạt động du lịch liên quốc gia, liên vùng, liên
tỉnh;
c) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về du lịch;
xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về du lịch;
d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du
lịch phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch;
đ) Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;
nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn về
giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch;
e) Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch; hoạt động xúc tiến du lịch ở trong
nước và nước ngoài;
h) Quản lý, tổ chức thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép, thẻ hướng dẫn
viên du lịch và các văn bản chứng nhận khác về hoạt động du lịch;
i) Xã hội hóa hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch,
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;
k) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp
luật về du lịch.

116
Ở cấp tỉnh và các cấp huyện, xã và tương đương, quản lý nhà nước về du
lịch là hiện thực hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch
phù hợp với thực tế tại địa phương. Theo điều 75 Luật Du lịch 2017, công tác đó
bao gồm:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính
sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa
phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng;
b) Quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh
doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn;
c) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm
tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch;
d) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường
du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh;
đ) Tổ chức bố trí nơi dừng, đỗ cho các phương tiện giao thông đã được cấp
biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch để tiếp cận điểm tham quan du lịch, cơ
sở lưu trú du lịch; tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn vào khu du lịch,
điểm du lịch;
e) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch;
Như vậy, bên cạnh kiến thức về du lịch, người làm công tác quản lý nhà
nước về du lịch phải là người có kiến thức pháp luật vững vàng để hỗ trợ các thành
phần tham gia vào hoạt động du lịch điều chỉnh hành vi của các thành phần này sao
cho phù hợp với luật pháp. Người làm vị trí này không chỉ cần nắm vững luật và
các văn bản dưới luật liên quan đến du lịch mà còn cần hiểu biết các luật và các
văn bản dưới luật liên quan đến Xuất Nhập cảnh, Hải Quan, Di sản Văn hóa, Bảo
vệ Môi trường, Giao thông đường bộ ... Ngày nay, với quá trình hội nhập, bên cạnh
việc nắm vững luật pháp Việt Nam, người làm công tác quản lý nhà nước về du
lịch còn phải am hiểu luật pháp quốc tế được thể hiện trong các công ước, hiệp
định quốc tế liên quan.
Khối nhân lực làm tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và thông tin du lịch
thường được gọi là khối sự nghiệp. Lao động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu là
những người có trình độ học vấn cao, có kiến thức chuyên sâu về ngành Du lịch,
thường làm việc ở các cơ quan có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học về du
lịch. Những người này có vai trò to lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành
Du lịch, tác động lớn đến chất lượng, số lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực ngành
Du lịch hiện tại và tương lai.
117
Lao động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch là những giảng viên giảng dạy tại
các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cụ thể là tham gia giảng dạy các chương
trình đào tạo du lịch tại các trung tâm đào tạo, trường trung cấp, trường cao đẳng
và trường đại học. Do tính đặc thù của ngành nên bên cạnh giảng viên cơ hữu, các
cơ sở đào tạo thường xuyên mời nhiều chuyên gia làm việc tại các cơ quan quản lý
nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, truyền thông về du lịch và đặc biệt là các nhà
quản lý doanh nghiệp du lịch, những nhân viên có trình độ tay nghề cao, có kiến
thức và kinh nghiệm trong ngành đến nói chuyện, tham gia giảng dạy, hướng dẫn
hoặc chấm khóa luận, luận văn hay luận án.
Theo “Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10 tháng 4 năm
2019 về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay”, hiện cả nước có
khoảng trên 3.500 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo
các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ
đào tạo chiếm khoảng 27%). Giảng viên, giáo viên cơ hữu là 2.450 người, chiếm
khoảng 70% và giảng viên thỉnh giảng là 1.050 lượt người, chiếm 30%. Giáo viên,
giảng viên ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 29% và ở độ tuổi từ 31-50 tuổi
chiếm 60%. Hầu hết các giảng viên, giáo viên đều biết ngoại ngữ (có khoảng 100
người biết 2 ngoại ngữ trở lên) và tin học.
Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về du lịch, những người làm trong lĩnh vực
đào tạo du lịch phải có khả năng truyền tải những kiến thức lý luận và thực tiễn
cho người học một cách dễ hiểu nhất. Họ phải là những người có nghiệp vụ sư
phạm tốt, luôn cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu
để truyền lửa cho người học, kích thích và phát huy óc tư duy sáng tạo của người
học để mỗi giờ học thực sự mang lại một trải nghiệm bổ ích, lý thú và hạnh phúc.
Do du lịch là một ngành có tính nghề cao nên bên cạnh bằng cấp chuyên
môn, nhiều sơ sở đào tạo còn yêu cầu giáo viên, giảng viên phải có kỹ năng nghề,
đặc biệt là các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Ngoài các giảng viên giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, ngành Du lịch Việt
Nam còn có 2.579 đào tạo viên du lịch có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp
Chứng chỉ Du lịch Việt Nam (VTCB). Đây là những người làm việc trong lĩnh vực
kinh doanh du lịch và một số giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo về du lịch đã
tham gia tập huấn trong khuôn khổ Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch do EU
tài trợ (2004-2010) và Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi
trường và xã hội (2011-2015116). Những đào tạo viên này được kỳ vọng là hạt nhân
trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
116
The Environmentally and Socially Responsible Tourism, viết tắt là ESRT

118
Cũng như các giáo viên, giảng viên, các nghiên cứu viên về du lịch (tập
trung chủ yếu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu biểu là Viện Nghiên
cứu Phát triển Du lịch117) là những người có kiến thức khá sâu về du lịch, có nhiệm
vụ đi tiên phong trong công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về du
lịch, có chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách
quản lý, phát triển du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch. Những
nhà nghiên cứu này cũng tham gia vào công tác đào tạo và tổ chức đào tạo nguồn
nhân lực du lịch Việt Nam. Cụ thể, các nhà nghiên cứu ở đây:
-Xây dựng hoặc tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể
phát triển du lịch,
-Tham gia thẩm định các dự án quy hoạch về phát triển du lịch tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, khu du lịch, tuyến du lịch, các dự án về du lịch,
-Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển du lịch, nghiên cứu thị
trường, xu hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch để phục vụ quản lý và
phát triển du lịch,
- Xây dựng hoặc tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế -
kỹ thuật ngành Du lịch, các giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và
hiệu quả kinh doanh du lịch,
-Xây dựng các quy chế quản lý khu du lịch,
-Tổ chức công tác thông tin về khoa học chuyên ngành Du lịch; biên tập, xuất
bản các ấn phẩm, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch
để phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về du lịch,
-Tổ chức khai thác, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động của ngành
Du lịch; thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn phát triển du lịch; kí kết
các hợp đồng nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án quy hoạch phát triển du lịch đối
với các tổ chức, cá nhân, cơ quan nghiên cứu,
-Hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ở
nước ngoài về lĩnh vực du lịch,
-Tham gia đào tạo đại học và tổ chức đào tạo sau đại học thuộc các chuyên
ngành về du lịch; tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức, viên chức
trong ngành.
Một nhóm lao động sự nghiệp có vai trò rất quan trọng trong ngành Du lịch
là các chuyên viên làm việc tại các cơ sở thông tin và truyền thông du lịch như

Xem.https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87n_Nghi%C3%AAn_c%E1%BB%A9u_Ph%C3%A1t_tri
117

%E1%BB%83n_Du_l%E1%BB%8Bch và http://itdr.org.vn/

119
Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch 118, tại các Trung tâm Xúc tiến
và Thông tin Du lịch các tỉnh, cacsbaos, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình.
Nhiệm vụ chính của họ là:
-Tuyên truyền, xúc tiến nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch.
thông tin tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, về các
danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, về tiềm năng thế mạnh của du lịch Việt Nam
và các địa phương.
-Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự hoạt động nhằm nâng cao nhận thức xã
hội và cộng đồng về du lịch, tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, an toàn,
phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam.
-Huy động các nguồn lực để đầu tư và phát triển các khu du lịch, điểm du
lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
-Nghiên cứu tìm hiểu thị trường du lịch trong nước và nước ngoài; xây dựng
cơ sở dữ liệu du lịch
-Xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch như: sự
kiện, hội chợ, hội thảo, triểm lãm, hoạt động thông tin du lịch (ở trong nước và
nước ngoài) và các hình thức xúc tiến khác
Những lao động làm việc trong lĩnh vực truyền thông như Báo Du lịch, Tạp
chí Du lịch, dài phát thanh, truyền hình, ngoài kiến thức về du lịch còn có kỹ năng
làm báo (báo in, báo hình, báo ảnh, báo điện tử…) như biên tập, lấy thông tin,
dựng clip... Đây là bộ phận rất góp phần rất quan trọng vào tuyên truyền quảng bá
du lịch Việt Nam.
Lao động trong lĩnh vực kinh doanh có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt
động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Nhóm lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm
du lịch cho khách này chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn nhân lực của
ngành Du lịch. Trong lĩnh vực kinh doanh du lịch có thể chia thành hai nhóm nhỏ
là nhóm người quản lý và nhóm nhân viên thừa hành. Người quản lý chịu trách
nhiệm điều hành hoạt động của tổ chức (công ty, phòng chức năng). Người quản lý
cấp cao là những thành viên Ban Tổng Giám đốc hay Ban Giám đốc là người lãnh
đạo và quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu mà Hội đồng quản trị đặt ra, trong
trường hợp cụ thể là doanh nghiệp du lịch như tập đoàn khách sạn, khách sạn, khu
nghĩ dưỡng, tổng công ty hay công ty du lịch ... Họ là người quản lý tốt các nguồn
lực của doanh nghiệp và có khả năng phát huy các nguồn lực đó một cách hiệu quả
nhất và phải là người nắm bắt được xu thế phát triển du lịch, có tầm nhìn để định
hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp do mình điều hành như phát triển sản
phẩm, liên danh, liên doanh, liên kết, định hướng thị trường, định vị và chiếm lĩnh
thị trường. Như vậy nhân lực quản lý cấp cao làm công tác lãnh đạo nhiều hơn là
118
http://titc.vn/index.php#20

120
quản lý. Nhân lực quản lý cấp trung và cấp thấp là người điều hành công việc trong
một bộ phận của tổ chức, họ có thể là trưởng phòng, trưởng bộ phận, giám sát bộ
phận. Nhiệm vụ chính của nhóm nhân lực này quản lý các nguồn lực (nhân lực, vật
lực, tài lực) nhằm đạt được mục tiêu tổ chức giao cho. Nhân lực quản lý cấp trung
và cấp thấp có thể là Giám đốc bộ phận (Nhà hàng trong khách sạn, Giám đốc Lễ
tân trong khách sạn 4-5 sao…), Trưởng phòng hay Giám sát viên. Cụ thể trong
khách sạn đó là Trưởng Bộ phận Lễ tân (Front Office Manager-FOM), Quản
Phòng Khách sạn (Rooms Division Manager), Trợ lý Trưởng Bộ phận Lễ tân
(Assistant Front Office Manager), Giám sát Bộ phận Lễ tân (Front Office
Supervisor), Trưởng Bộ phận Buồng (Executive Housekeeper), Trưởng Bộ phận
Ẩm thực (F&B Manager), Tổ trưởng Bộ phận Ẩm thực (Captain), Bếp trưởng Điều
hành (Executive Chef), Bếp phó (Sous Chef), Trưởng Bộ phận An ninh (Chief
Security). Trong doanh nghiệp lữ hành, vị trí nhân lực quản lý cấp trung và cấp cơ
sở là các trưởng bộ phận. Ở vị trí này, các nhà quản lý phải có kiến thức chuyên
môn và kỹ năng nghiệp vụ nghề thành thạo để có thể hướng dẫn, chỉ dạy cho nhân
viên, giúp họ nâng cao tay nghề. Những người điều hành công việc trực tiếp này là
những người thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp.
Theo tính chất công việc, nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh du lịch có thể
được chia thành nhóm cung cấp các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận
chuyển khách du lịch, dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch và dịch vụ vui chơi giải
trí. Sản phẩm du lịch không chỉ được cung cấp bởi các lao động có nghề du lịch mà
còn bởi lao động có nhiều ngành nghề khác nhau như bảo vệ (an ninh), vệ sinh môi
trường, bảo dưỡng, sửa chữa điện nước, cung ứng hàng hoá, tạp vụ, tài chính, kế
toán, hành chính, quản trị nhân sự, truyền thông, tin học…
Đối với lao động trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm du lịch phục vụ khách
du lịch, thành thạo kỹ năng chuyên môn là yêu cầu quan trọng nhất. Bên cạnh đó,
kỹ năng giao tiếp cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với những lao động trong lĩnh
vực kinh doanh, đặc biệt là các vị trí trực tiếp làm việc với khách du lịch.
Trong hoạt động của khách sạn có nhiều vị trí nhân viên thừa hành khác
nhau như Lễ tân (Receptionist), nhân viên đặt phòng (Reservation), nhân viên hỗ
trợ khách hàng (Concierge), nhân viên hành lý (Bellman), nhân viên đứng cửa
(Doorman), nhân viên kinh doanh tiệc/nhà hàng (Sales Banquet F&B), nhân viên
dọn buồng (Room Attendant), nhân viên giặt là (Laundry Attendant), nhân viên
trông trẻ (Baby Sitter), nhân viên tiếp thực (Food Runner), nhân viên tiệc
(Banquet), nhân viên pha chế rượu (Bartender, Mixologist), nhân viên pha cà phê
(Barista), nhân viên bếp (Cook), phụ bếp (Commis/Commis Chef), nhân viên rửa
bát (Steward)…
Trong lĩnh vực lữ hành có các vị trí chuyên môn là nhân viên thiết kế sản
phẩm tour, marketing, tư vấn và bán tour, visa, vé máy bay và các dịch vụ lẻ. Nhân
viên thiết kế sản phẩm xây dựng các sản phẩm mới hoặc làm mới các sản phẩm cũ,
xây dựng các chương trình du lịch trọn gói hoặc thay đổi, thiết kế lại chương trình

121
phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả, thời gian của từng loại khách như bổ sung
hay giảm bớt dịch vụ, bổ sung hay bỏ một số điểm tham quan du lịch, tăng thêm hay
giảm thời gian chuyến đi, thay đổi lịch trình…Nhân viên marketing có nhân viên
marketing trực tiếp và nhân viên marketing trực tuyến. Nhân viên marketing trực
tiếp có nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, phát triển nguồn khách, nhân viên marketing
trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ quảng bá và tiếp nhận khách qua các kênh mạng
xã hội như website, facebook, zalo, messenger… Nhân viên tư vấn và bán tour du
lịch là người hướng dẫn, giải thích, gợi ý các sản phẩm phù hợp với điều kiện của
khách hàng, thuyết phục khách hàng và thực hiện các thủ tục ký hợp đồng với
khách hàng. Điều hành tour có trách nhiệm đặt dịch vụ và giám sát, đàm phán với
các nhà cung cấp. Nhân viên bộ phận thị thực (visa) làm các thủ tục xuất nhập
cảnh, làm hộ chiếu, gia hạn hộ chiếu, gia hạn thị thực. Nhân viên bộ phận vé máy
bay đặt vé máy bay cho khách theo các hợp đồng đã ký với khách hàng, xử lý các
tình huống trả vé, hoàn vé, bổ sung vé và các vấn đề liên quan. Nhân viên bộ phận
các dịch vụ lẻ thường tập trung chủ yếu phục vụ khách du lịch không mua tour trọn
gói như khách open tour, free and easy tour. Hầu hết loại khách này chỉ đặt vé máy
bay, phòng khách sạn, dịch vụ vận chuyển trong chuyến đi.
Về mặt tổ chức có thể chia bộ phận kinh doanh thành kinh doanh khách lẻ
(khách ghép tour) và kinh doanh khách đoàn (khách tập thể từ các cơ quan tổ chức
lớn).
Hai vị trí quan trọng trong lĩnh vực lữ hành là điều hành tour và hướng dẫn
viên du lịch.
Điều hành tour (tour operator) là người tham gia lập kế hoạch chi tiết chương
trình du lịch (lộ trình, lịch trình, giá tour), người kết nối các dịch vụ phục vụ chuyến
đi (đi lại, lưu trú, ăn uống và hướng dẫn) và là người theo dõi chuyến đi, giải quyết
hay hỗ trợ giải quyết những sự cố xảy ra trong chuyến đi. Trong chuyến đi, người
điều hành tour luôn theo dõi hỗ trợ chuyến đi, tham gia giải quyết những sự cố trong
chuyến đi thông qua việc thông tin liên lạc thường xuyên với hướng dẫn viên suốt
tuyến, với các đối tác cung cấp dịch vụ cho chuyến đi.
Hướng dẫn viên du lịch là người trực tiếp cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu
cầu dịch vụ đặc trưng của khách du lịch cụ thể là cung cấp các thông tin liên quan
đến các điểm tham quan, điểm vui chơi, giải trí, điểm du lịch. Về mặt luật pháp,
hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (khoản 11
Điều 3 Luật Du lịch 2017). Để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, ứng viên phải
có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy
đủ, không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy. Năng lực hành vi
của cá nhân được xác định dựa theo độ tuổi và khả năng nhận thức của cá nhân
đó. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của
mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo điều 20, Bộ luật Dân sự
122
2015 thì người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên
không bị mất hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có năng lực hành vi dân sự
đầy đủ, được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm. Đây
là ba điều kiện bắt buộc cần có để có thể được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Bên cạnh ba điều kiện trên, người muốn được cấp thẻ hướng dẫn viên nội
địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên. Nếu ngành tốt nghiệp không phải là chuyên
ngành hướng dẫn du lịch thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội
địa. Đối với người tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch
hoặc chuyên ngành khác nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế
và sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng kí hành nghề sẽ đủ điều kiện được cấp thẻ
hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Điều kiện trở thành hướng dẫn viên tại điểm là đạt
qua kỳ thì chuyên môn do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức.
Theo đối tượng khách phục vụ, có hai loại hướng dẫn viên là hướng dẫn
viên du lịch quốc tế (International Guide) và hướng dẫn viên du lịch nội địa
(Domestic Guide). Luật Du lịch 2017 quy định “hướng dẫn viên quốc tế được phép
hướng dẫn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và dẫn khách Việt Nam ra nước
ngoài du lịch” (điểm a, khoản 2 điều 58 Luật Du lịch). Theo trang web của Vụ Lữ
hành Tổng cục Du lịch119, tính đến 31/12/2020, cả nước có khoảng hơn 17 nghìn
hướng dẫn viên quốc tế. Hướng dẫn viên quốc tế cũng có thể chia theo ngôn ngữ
sử dụng như hướng dẫn viên tiếng Anh, hướng dẫn viên tiếng Pháp, hướng dẫn
viên tiếng Nga, hướng dẫn viên tiếng Trung ... “Hướng dẫn viên du lịch nội địa
được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi
toàn quốc” (điểm b, khoản 2 điều 58 Luật Du lịch).
Theo phạm vi hoạt động, hướng dẫn viên được phân biệt thành hướng dẫn
viên suốt tuyến (tour leader-TL) và hướng dẫn viên du lịch tại điểm (on site guide).
Hướng dẫn viên suốt tuyến chịu trách nhiệm thuyết minh hướng dẫn, tổ chức, quản
lý, kết nối các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong suốt chuyến đi. “Hướng dẫn
viên du lịch tại điểm chỉ thuyết minh, hướng dẫn cho khách du lịch tham quan
trong phạm vi điểm tham quan hay điểm du lịch” (điểm c, khoản 2 điều 58 Luật
Du lịch).
Về hình thức quản lý, có hướng dẫn viên cơ hữu và hướng dẫn viên hướng
dẫn viên cộng tác viên (step-on guide). Hướng dẫn viên cơ hữu là người có thẻ
hướng dẫn du lịch (nội địa hay quốc tế) làm việc tại một doanh nghiệp, tổ chức du
lịch như một thành viên chính thức. Hướng dẫn viên cộng tác viên thường là
những hướng dẫn viên tự do (Freelance Tour Guide, gọi tắt là Freelancer). Những
hướng dẫn viên này không có tên trong biên chế chính thức của một doanh nghiệp
du lịch nào. uốn.
Để đảm bảo quyền lợi của hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, Luật Du lịch
2017 quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch. Đó là:
-có thẻ hướng dẫn viên du lịch,
119
http://www.huongdanvien.vn/index.php/guide/cat/05

123
-có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn hay
là hội viên của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch,
-có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc
văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Việc quy định hướng dẫn viên phải là thành viên của một doanh nghiệp lữ
hành hay một tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp (như Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ
hành hay Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch) có mục đích góp phần đảm bảo chất
lượng dịch vụ hướng dẫn, một mặt góp phần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của
khách du lịch và mặt khác là để đảm bảo quyền lợi cho trên 17 nghìn hướng dẫn
viên du lịch tự do.
Ở Việt Nam, một trong những điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du
lịch là người được cấp thẻ phải “có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam”
(điểm a, khoản 1, điều 59, Luật Du lịch 2017). Điều này có nghĩa rằng, người
không có quốc tịch Việt Nam không được hành nghề hướng dẫn du lịch ở Việt
Nam hay dẫn khách từ Việt Nam ra nước ngoài tham quan du lịch. Như vậy để
hướng dẫn tham quan du lịch tại Việt Nam, doanh nghiệp du lịch nước ngoài phải
liên kết với một doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam để có hướng dẫn viên là người
Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp du lịch nước ngoài đưa khách nước
ngoài đến nước ta trốn tránh luật pháp Việt Nam bằng cách thuê một người có thẻ
hướng dẫn viên du lịch quốc tế Việt Nam đi cùng. Người có thẻ hướng dẫn viên
Việt Nam chỉ hiện diện trong đoàn và xuất trình giấy tờ khi có thanh tra du lịch đến
kiểm tra. Thuật ngữ hướng dẫn viên ngồi (sitting guide) ra đời để chỉ những người
tiếp tay cho các doanh nghiệp du lịch nước ngoài hoạt động không hợp pháp ở
nước ta.
Một tố chất đặc biệt cần có của điều hành tour và đặc biệt là hướng dẫn viên
du lịch là nghệ thuật xử lý tình huống. Tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện
tour rất đa dạng và bất ngờ và khó lường trước. Đối với mỗi trường hợp cụ thể,
điều hành tour hoặc hướng dẫn viên phải bình tĩnh, nhanh chóng và linh hoạt xử lý.
Một số trường hợp có thể gặp đối với hướng dẫn viên là khách đến muộn, bị lạc,
khách phản ứng gay gắt đối với lịch trình, khách so bì phòng ở, so bì chỗ ngồi trên
xe, mất hoặc quên hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân, khách bị ốm, chết dọc
đường… Điều hành tour nhận được cuộc gọi của hướng dẫn viên báo xe bị hỏng
dọc đường, nhà hàng ăn từ chối phục vụ… Không có một mẫu hình chung trong
việc xử lý tình huống. Khi gặp sự cố, hướng dẫn viên hoặc điều hành tour phải rà
soát lại kỹ lưỡng thông tin, tìm nguyên nhân để có hướng giải quyết sau khi đã làm

124
yên lòng khách. Có thể cùng bàn bạc với khách hướng khắc phục để nhân được sự
đồng tình của khách khi giải quyết.
2.2.6.4. Ba nhiệm vụ cơ bản của người làm du lịch
Bất cứ làm việc ở vị trí nào, ở loại hình công tác nào, người làm trong ngành
Du lịch đều quán triệt ba nhiệm vụ cơ bản của mình.
Nhiệm vụ thứ nhất của người làm du lịch là là đáp ứng tối đa nhu cầu chính
đáng của khách du lịch. Khách du lịch là khách hàng, là “ân nhân” của nhà cung
ứng du lịch. Ngoài những dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản (dịch vụ chính như ăn ở,
đi lại) và và nhu cầu đặc trưng của chuyến đi, có nhiều nhu cầu khác xuất hiện
trong chuyến đi, những nhu cầu này được gọi là nhu cầu dịch vụ bổ sung. Dưới
góc độ kinh doanh du lịch, nhu cầu dịch vụ bổ sung là những nhu cầu chưa được
thanh toán trong hợp đồng giữa khách và nhà cung ứng du lịch. Trong quá trình đi
du lịch, một số nhu cầu của khách xuất hiện như mua sắm, tham quan, trải nghiệm
mà những hoạt động này không có trong chương trình ban đầu. Việc đáp ứng các
nhu cầu này một cách nhanh chóng, nhiệt tình không chỉ làm gia tăng giá trị của
chuyến đi mà còn góp phần gia tăng sự hài lòng của khách du lịch. Tuy nhiên, nhu
cầu của khách du lịch rất phong phú, đa dạng, có những yêu cầu đúng đắn, song
cũng có thể có những nhu cầu không hợp lý, việc đáp ứng nhưng nhu cầu đó có thể
không phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa và pháp luật ở địa phương. Trong
trường hợp đó, cần giải thích để khách du lịch hiểu và rút những đề nghị của mình.
Trong những trường hợp ngược lại, người làm du lịch cần đáp ứng tối đa những
nhu cầu chính đáng của khách.
Du lịch ngày nay được coi là một ngành kinh tế dịch vụ hàng đầu của nhiều
quốc gia. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, năm 2019, du lịch đóng
góp 10,4% tổng sản phẩm quốc dân các quốc gia (WTTC, 2019). Ở Việt Nam,
trong “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng” năm 2001 Đảng ta đã chỉ ra định hướng “phải
phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” (Đảng Cộng sản Việt Nam
2001b). Do vậy, người làm du lịch phải coi trọng mục tiêu kinh tế. Cho đến nay,
trong mọi chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, số lượng khách, đặc biệt là số
lượng khách quốc tế vẫn là chỉ tiêu đầu tiên. Chỉ tiêu này được coi là chỉ tiêu gốc
để tính ra số lượng cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực và kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, đã đến lúc cần lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ sở để tính
ra các chỉ tiêu khác. Dựa vào lợi nhuận và doanh thu kỳ vọng, tính ra mức độ chi
tiêu trung bình của khách cần đạt và qua đó đưa ra dự báo số lượng khách. Lý do
của việc thay đổi này là người làm du lịch phải xác định nhiệm vụ cơ bản thứ hai

125
của mình phải mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho cá nhân, cho tập thể và cho đất
nước. Hiệu quả kinh tế có thể lượng hóa bằng lợi nhuận mang lại. Tuy nhiên không
phải là lợi nhuận tối đa, bằng bất cứ giá nào, “không đánh đổi môi trường, văn hóa
và văn minh xã hội lấy kinh tế” như tư tưởng chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ đã
phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 31/12/2019 120. Hiệu quả
kinh tế của cá nhân người lao động không làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế
của tập thể, tức là của doanh nghiệp liên quan. Hiệu quả của cá nhân và tập thể
phải được tính toán không làm phương hại đến sự gia tăng ngân sách nhà nước, tức
là phải góp phần làm giàu cho đất nước.
Nhiệm vụ thứ ba của người làm du lịch là bảo vệ môi trường tự nhiên cũng
như xã hội. Trước hết, là một công dân toàn cầu có trách nhiệm, người làm du lịch
phải luôn coi việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội luôn là nhiệm vụ hàng đầu
của mình. Sự phát triển của xã hội loài người kéo theo việc gia tăng hoạt động khai
thác tài nguyên, gia tăng xả thải vào môi trường, làm môi trường ngày càng ô
nhiễm trầm trọng. Những hiệu ứng của môi trường như hiện tượng El Niño và
La Niña và các biểu hiện biến đổi khí hậu khác được các nhà khoa học chỉ ra rằng
hầu hết chúng đều có nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra121. Ý thức
được điều này, ngày nay con người ngày càng coi hoạt động bảo vệ môi trường
sống là một nhiệm vụ sống còn của loài người. Mặt khác, đối với người làm du
lịch, môi trường tự nhiên và xã hội chính là tài nguyên du lịch, một tài sản, một
nguồn lực quan trọng để kinh doanh du lịch. Do vậy, bảo vệ môi trường tự nhiên
và xã hội không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của người làm
du lịch.
2.3. Cộng đồng địa phương
2.3.1. Khái niệm
Cộng đồng hay cộng đồng địa phương là một khái niệm về tổ chức xã hội đã
được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới. Hầu hết các khái niệm cộng đồng đều
bao gồm nội hàm là người và địa bàn sinh sống. Tuy nhiên, nghĩa rộng của cộng
đồng có thể được hiểu là tập họp những cá thể có cùng đặc điểm. (Trần Đức Thanh
và cộng sự, 2014:41). “Cá thể” ở đây không chỉ là người mà còn có thể là một tổ
chức, quốc gia, hoặc một nhóm, loài sinh vật nào đó… Ví dụ “Cộng đồng các
Quốc gia Độc lập, Cộng đồng Pháp ngữ, Cộng đồng Trí thức, Cộng đồng chung
Âu châu, Cộng đồng Mạng xã hội, Cộng đồng Giới tính thứba, Cộng đồng Kinh tế
ASEAN, …Thuật ngữ "cộng đồng" trong du lịch được hiểu là người dân địa

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Thu-tuong-Khong-danh-doi-moi-truong-van-hoa-
120

van-minh-xa-hoi-de-lay-kinh-te/383913.vgp
121
https://vi.wikipedia.org/wiki/El_Ni%C3%B1o
126
phương, có liên quan chặt chẽ đến phát triển du lịch. Cộng đồng có thể là ngư dân
làng chài (làng chài Nhơn Lý tỉnh Bình Định; làng chài Cam Bình tỉnh Bình
Thuận; làng chài Vạn Giã, Đầm Môn, Bích Đầm, Ninh Thủy, Khải Lương tỉnh
Khánh Hoà….), làng nghề thủ công mỹ nghệ (làng dệt thổ cẩm B’nơ C, làng dệt
thổ cẩm K’long tỉnh Lâm Đồng; làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tỉnh Ninh Thuận;
làng dệt thổ cẩm Lùng Tám tỉnh Hà Giang; làng dệt thổ cẩm Châu Giang; làng dệt
thổ cẩm Văn Giáo tỉnh An Giang; làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội, làng gốm Bàu
Trúc tỉnh Ninh Thuận; làng mây tre đan Phúc Vinh Hà Nội; làng mây tre đan Tăng
Tiến tỉnh Bắc Giang; làng mây tre đan Thạch Cầu tỉnh Nam Định….). có thể cũng
là người dân tộc thiểu số ở miền núi Sapa, nông dân ở làng rau Trà Quế, thành phố
Hội An, nông dân ở Đường Lâm, một ngôi làng cổ Việt, cư dân ở Tràng An, Bái
Đính... Họ có thể phục vụ khách du lịch như một người chèo thuyền, một hướng
dẫn viên du lịch, nhân viên trong các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, nhà nghỉ,
khách sạn…
Ở các nước phát triển, trình độ dân trí của "cộng đồng địa phương" khá cao.
Họ có kiến thức, hiểu biết về luật pháp và do vậy họ biết luật pháp quy định quyền
và nghĩa vụ của công dân như thế nào. Họ nắm khá chắc như thế nào là tuân thủ
pháp luật như thế nào là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên ở nhiều nước đang phát triển
như Việt Nam, đặc biệt tại các vùng xa xôi như nông thôn, miền núi, hải đảo,
người dân có trình độ học vấn thấp, lại thiếu thông tin, nên kiến thức, đặc biệt kiến
thức về luật pháp hạn chế. Họ hầu như không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
Đối với nhiều người, pháp luật là những gì mà cán bộ chính quyền địa phương nói.
Điều này có nghĩa là vai trò của các cán bộ địa phương có tầm quan trọng và đôi
khi có tính quyết định trong việc triển khai, thực thi bất kỳ dự án nào. Khái niệm
"cộng đồng" nên được hiểu là không chỉ là những người nông dân, ngư dân…,
những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động cộng đồng mà còn bao gồm các
cán bộ xã, thôn, già làng trưởng bản, nhân tố quan trọng tạo nên động lực của cộng
đồng. Nội hàm này của khái niệm cộng đồng là nét đặc trưng ở các nước đang phát
triển, nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
Trong du lịch, cộng đồng (đẩy đủ hơn là cộng đồng địa phương) được hiểu
là những nhóm người định cư trên cùng một lãnh thổ nhất định có những điều kiện
khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội như làng, bản, sóc, xã, huyện... Các thành
viên của cộng đồng có quan hệ gắn kết về tình cảm, có quyền lợi và trách nhiệm,
có đặc điểm chung về sở hữu, cũng như sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên môi
trường. Tính cộng đồng bền vững được khẳng định qua thời gian qua đó tạo ra các
giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Những đặc điểm chung về sinh hoạt văn hóa
truyền thống là những giá trị được cộng đồng coi là khuôn mẫu cho hoạt động văn
hóa, đời sống của họ. Qua đây để thấy được rằng, khi triển khai các hoạt động du
lịch tại các cộng đồng địa phương thì có hai vấn đề phải được đặt lên hàng đầu là

127
bảo tồn không gian văn hóa, bản sắc văn hóa cộng đồng và đảm bảo quyền lợi của
các thành viên trong cộng đồng.
Bên cạnh khách du lịch và các nhà cung ứng du lịch, cộng đồng địa phương
có mối quan hệ mật thiết với hoạt động du lịch. Cộng đồng, mà cụ thể là sản phẩm
của cộng đồng như các sản phẩm của các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo,
khoa học, giáo dục, thể chế chính trị, môi trường có thể trở thành tài nguyên du
lịch, tạo nên sức hấp dẫn khách du lịch. Về phần mình, hoạt động du lịch tại địa
bàn cũng có tác động nhất định đến các mặt của cộng đồng.
2.3.2. Thái độ của cộng đồng đối với khách du lịch-chỉ số bực mình Doxey
Cho rằng khi khách du lịch đến địa bàn, theo thời gian người dân sẽ thay đổi
thái độ từ phấn khích đến hững hờ, bức xúc rồi đến đối kháng nên năm 1975,
Doxey đã đưa ra mô hình về thái độ của cộng đồng đối với khách du lịch. Mô hình
này được gọi là mô hình chỉ số bực mình Doxey122.
Tuy nhiên có một số ý kiến phê phán mô hình của Doxey vì cho rằng đây
chỉ là suy đoán chứ không phải là kết quả khảo sát khách quan và không phải mọi
người dân đều có phản ứng như nhau.
Từ những phê phán đó, có thể diễn đạt lại 4 giai đoạn của mô hình chỉ số
bực mình mà Doxey đã đề xuất năm 1975 là thân thiện, hờ hững, khó chịu, phản
kháng.
Tính hiếu khách là bản chất của con người, thể hiện rõ nhất khi họ sinh sống
ở nông thôn, miền núi, các vùng xa xôi, hẻo lánh. Những người khách đầu tiên đến
địa phương mang theo nhiều điều mới lạ: giọng nói, ngôn ngữ, trang phục, dáng vẻ
bề ngoài… Điều này kích thích trí tò mò của cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ. Lúc đầu,
theo bản năng, họ nhìn, theo dõi khách lạ một cách thân thiện. Họ tươi cười đáp lại
những cái vẫy tay, lời chào của khách. Dần dần, mạnh dạn hơn họ tiếp cận và giao
tiếp với khách. Khi quen hơn, họ mời khách về nhà và vui vẻ thết đãi họ bất cứ thứ
gì mà họ có.

Lượng
khách Phản
kháng

Khó chịu

Hờ hững

Vui vẻ, thân thiện

Thời gian

Hình 2.9. Thái độ của cộng đồng đối với khách du lịch phỏng theo chỉ số bực
mình của Doxey 1975
Nguồn: Doxey (1975)
122
Doxey’s Irridex Model
128
Bước sang giai đoạn khi lượng khách đến nhiều hơn, người dân vẫn vồn vã,
song từ chỗ “cho không, biếu không”, một số người dân đã biết bán những mặt
hàng của mình mà khách thích với một giá không quá cao hơn so với mức giá bình
thường trước đây. Khách du lịch đến nhiều hơn, nhiều khi biết giá không cao (nhất
là so với nơi họ sinh sống), song họ vẫn mặc cả, cò kè, chê đắt, chê hàng không tốt.
Người dân đã không còn thể hiện tính hiếu khách, họ không còn vồ vập, hồ hởi đối
với khách như trước kia nữa. Họ tỏ ra hững hờ với khách. Những người bán hàng
nâng giá cao hơn do thấy khách hay trả giá. Họ khéo léo hơn để bán được nhiều
hàng cho khách du lịch. Vào mùa du lịch, lượng khách đến quá đông, cơ hội kiếm
tiền từ khách mở ra rộng hơn. Một số người dân xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, cửa
hàng để phục vụ khách.
Xuất hiện những người có tiền từ địa phương khách đến đầu tư kinh doanh
du lịch. Một số mâu thuẫn nảy sinh trong xã hội như tranh chấp đất đai, nhà cừa,
tranh giành khách, tranh giành nguồn hàng. Điều này gây bức bối cho nhiều người.
Khi bức bối gia tăng, thay vì kìm chế, một số người dân đã tỏ thái độ khó chịu, đối
kháng với khách du lịch. Một số người bán hàng thấy khách trả giá, kỳ kèo đã lớn
tiếng đáp lại. Trong khi đó, những người dân không tham gia phục vụ khách du
lịch tỏ ra không thích khách du lịch đến vì cuộc sống của họ bị đảo lộn, giá cả leo
thang, môi trường ô nhiễm. Tư tưởng đối lập với sự có mặt của khách du lịch xuất
hiện và gia tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, thái độ đối lập này có
thể dẫn đến những xung đột không đáng có.
2.3.3. Mức độ tham gia của cộng đồng
Du lịch là một hiện tượng xã hội. Khi khách du lịch xuất hiện, một số người
dân địa phương chỉ đơn thuần cảm thấy tò mò, thích thú, phấn khởi vì thấy cuộc
sống trở nên vui vẻ hơn, lý thú hơn. Tuy nhiên, du lịch không chỉ là một hoạt động
xã hội mà còn là một ngành kinh tế. Một số người dân đã thấy cơ hội kinh doanh
khi khách du lịch có mặt thường xuyên. Thông thường, lúc ban đầu, họ tham gia
phục vụ khách du lịch một cách tự phát hoặc bị động. Trong quá trình phát triển du
lịch, cách thức tham gia vào hoạt động du lịch của một số người dân cũng thay đổi.
Họ dần dần tích cực hơn, chủ động hơn tham gia vào kinh doanh du lịch. Có nhiều
học giả đã đưa ra các mô hình, hay nói đúng hơn là chỉ ra quy luật thay đổi cách
thức tham gia của người dân vào hoạt động kinh tế xã hội nói chung, hoạt động
kinh doanh du lịch nói riêng. Trong các nghiên cứu về du lịch cộng đồng thường
hay nhắc đến mô hình của Pretty (1995), mô hình của White (1996), mô hình của
Cevat Torsun (1999). Về bản chất hai mô hình đầu không phải mô hình về sự tham
gia của cộng đồng vào du lịch, tuy nhiên, có không ít công trình đã áp dụng các mô
hình này vào nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương khác nhau.
Dưới đây là tóm tắt về ba mô hình vừa nêu.
2.3.3.1. Mô hình của Pretty (1995)
Trong một công bố năm 1995 trên tạp chí Phát triển thế giới có tiêu đề “Học
tập tham dự vì sự phát triển một nền nông nghiệp bền vững”, Pretty (1995) đã đưa

129
ra mô hình giải thích sự tham gia của người dân vào triển khai một chương trình
hay một dự án. Mô hình của tác giả có 7 cấp độ từ thấp đến cao gồm tham gia làm
vì, tham gia thụ động, tham gia sau khi được tư vấn, tham gia vì quyền lợi vật chất,
tham gia chức năng, tham gia tương tác và cuối cùng là tự vận động
(Pretty,1995:1252). Nội dung này được tóm tắt như sau:
Tham gia làm vì có thể hiểu là sự tham gia có tính hình thức. Đây là giai
đoạn mà đại diện của cộng đồng có mặt trong ban lãnh đạo dự án, song họ không
phải là được người dân bầu lên và những người này hầu như không có quyền hành
gì.
Tham gia thụ động khi người dân được cho biết về những quy định hay được
thông báo về những gì đã xảy ra. Chủ dự án chỉ đơn phương thông báo cho người
dân tham gia mà không quan tâm đến phản ứng của họ.
Tham gia sau khi được tư vấn hay sau khi đã được trả lời một số câu hỏi đặt
ra. Chủ dự án xác định các vấn đề liên quan và tự xử lý, phân tích thông tin, Người
dân không được chia sẻ các quyết định triển khai và các ý kiến của họ không được
ai quan tâm.
Tham gia để đổi lấy các lợi ích vật chất là giai đoạn mà người dân đóng góp
nguồn lực của mình để đổi lấy các quyền lợi vật chất như tiền, thức ăn hay các
quyền lợi vật chất khác.

Hình 2.10. Mô hình Pretty


Tham(1995)
gia về sự tham gia của cộng đồngTham gia
Tham gia Tham gia nhận
Tham gia khuyến Tham gia Tham gia chủ động
thụ động cung cấp
Tham gia chức
thông tin
năng
tư vấnlà giaikhích
đoạnvật
mà người dân
chức năngtham gia bằng
tương tác (tự cách
vận hình
thành các nhóm chuyên môn để đáp động)
chấtứng mục tiêu liên quan đến đề án. Trong một
số trường hợp, người dân có thể cùng ra quyết định, song các quyết định này đều
phải hướng tới mục đích chung của đề án.
Tham gia tương tác xuất hiện khi cộng đồng cùng tham gia phân tích, triển
khai kế hoạch hành động. Họ thành lập hay tăng cương năng lực của các tổ chức
chuyên môn địa phương. Sự tham gia được xác định như một quyền của người dân
địa phương chứ không chỉ là một cách thức để đạt được mục đích. Các nhóm cộng
đồng kiểm soát mọi quyết định liên quan đến địa phương, xác định phương thức sử
dụng các nguồn lực mà họ cho rằng hợp lý.
Tự vận động là hình thức tham gia cao nhất của cộng đồng. Cộng đồng tự
đưa ra các sáng kiến không phụ thuộc vào các tổ chức ở bên ngoài. Họ phát triển
quan hệ với các đối tác để huy động tối đa các nguồn lực cho triển khai dự án. Quá
trình này sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền hay các tổ
chức phi chính phủ.

130
2.3.3.2. Mô hình của White (1996)
White (1996) chia thành 4 giai đoạn tham gia của người dân vào hoạt động
kinh tế xã hội. Đó là tham gia danh nghĩa, tham gia như một công cụ, tham gia đại
diện và tham gia chuyển đổi.
Trong nhiều dự án kinh tế xã hội, thường có một yêu cầu bắt buộc là hoạt
động của dự án phải có người dân, hoặc phải có những người dễ bị tổn thương như
trẻ em, phụ nữ, người tàn tật tham gia. Tuy nhiên nhiều khi những người này
không tham gia mà chỉ được ghi tên vào là có tham gia. Đó là tham gia danh nghĩa.
Mức độ tham gia trực tiếp hơn được White gọi là dự tham gia công cụ.
Người dân trực tiếp tham gia vào dự án bằng cách bỏ thời gian và công sức để thực
hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Họ được trả công cho việc tham gia hoặc được huy
động tham gia như một trách nhiệm của mình trong cộng đồng. Một tổ chức (cơ
quan nhà nước, doanh nghiệp hay một tổ chức phi chính phủ) cung cấp vật liệu xây
dựng, người dân đóng góp công sức để làm đường đi, lắp đặt pano, khẩu hiệu hay
xây dựng một công trình nào đó.
Đại diện tham gia là hình thức tham gia tích cực hơn của cộng đồng. Những
người đại diện cho cộng đồng tham gia vào nhiều quá trình, có thể từ lúc phác thảo
đề án (ví dụ kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng) đến các hoạt động của dự án.
Với tư cách là đại diện của cộng đồng, những người này có thể yêu cầu đối tác
thay đổi, bổ sung một số hoạt động cho phù hợp với văn hoá địa phương, mang lại
nhiều lợi ích cho địa phương hơn.
Tham gia thay đổi là sự tham gia tích cực nhất của cộng đồng. Các tổ hợp
được thành lập để quản lý, làm chủ dự án. Trong du lịch có thể là những tổ hợp du
lịch địa phương, tổ chức này chủ động kinh doanh du lịch, sẵn sàng hợp tác với các
đối tác là các doanh nghiệp du lịch ở ngoài để mở rộng kinh doanh, thu hút khách
du lịch.
2.3.3.3. Mô hình Cevat Tosun (1996)
Sau khi phân tích các mô hình tham gia của cộng đồng vào các dự án phát
triển kinh tế văn hoá xã hội, Cevat Tosun đã đưa ra mô hình “sự tham gia của cộng
đồng vào quá trình phát triển du lịch (Tosun C. 1996). Căn cứ vào thực tế triển
khai các dự án phát triển du lịch, tác giả đưa ra một mô hình 3 bước gồm: tham gia
hình thức, tham gia thụ động và tham gia tự nguyện.

131
Tham gia hoàn toàn

Tham gia tích cực


Tham gia trực tiếp

THAM GIA TỰ NGUYỆN


THAM GIA
THỤ ĐỘNG
THAM GIA
HÌNH THỨC

Hình 2.11. Mô hình Tosun (1999) về sự tham gia của cộng đồng trong quá
trình phát triển du lịch
Tosun C. (1999) cho rằng, sự tham gia hình thức 123 của cộng đồng vào phát
triển du lịch có thể được coi là mức độ “tham gia” không thật nhất của cộng đồng
vào quá trình phát triển du lịch. Mục tiêu thực sự của hình thức này không phải là
tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia, mà là để tránh những mối xung đột tiềm
tàng trong phát triển du lịch. Trong hình thức này người thực sự được hỏi ý kiến là
các cán bộ chính quyền địa phương. Những người này, với danh nghĩa là địa diện
cho người dân cùng tham gia trao đổi về định hướng phát triển du lịch trên địa bàn.
Đối với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, bản thân họ cũng chỉ là người
thừa hành. Họ hầu như không được tham khảo ý kiến khi các chuyên gia xây dựng
chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch. Đối với các dự án đầu tư, giới tinh hoa
này chính là những người được mời tham gia các khoá tập huấn, được hỏi ý kiến.
Trong các dự án phát triển du lịch, những người này được coi là “cộng đồng” và sự
tham gia của họ được coi như là “sự tham gia của cộng đồng”. Một số quyết định
có thể được đưa ra bằng cách tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo địa phương
để giảm thiểu rủi ro xã hội cho doanh nghiệp và khách du lịch mà không quan tâm
đến lợi ích của cộng đồng.
Tosun cho rằng các cụm từ như “phát triển du lịch theo định hướng cộng
đồng”, “phát triển du lịch dựa vào cộng đồng” là những thuật ngữ để chỉ mức độ
tham gia một cách hình thức nhất của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch
(Tosun C. 1999:127). Theo tác giả, mặc dù có vẻ như phát triển du lịch được dựa
trên các ưu tiên của cộng đồng chủ nhà, nhưng nó lại nghiêng nhiều về việc thúc
đẩy và phát triển du lịch và chủ yếu chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu và
mong muốn của những người ra quyết định, người điều hành du lịch và khách du
lịch.

123
Tác giả dung thuật ngữ Pseudo (giả)
132
Tham gia thụ động được coi là giai đoạn tiếp theo khi cộng đồng chỉ tham
gia vào việc thực hiện các quyết định mà họ không có tiếng nói. Sự đóng góp của
các cộng đồng chủ nhà cho sự phát triển du lịch bị giới hạn trong việc thực hiện
các nhiệm vụ được giao. Qua việc tham gia này, các cơ quan bên ngoài (các nhà
hoạch định chính sách hay các nhà đầu tư du lịch thu thập thông tin về các đặc
điểm văn hóa xã hội của cộng đồng chủ nhà và cũng cung cấp một số thông tin cho
cộng đồng. Điều này phần nào giúp cho người đưa ra những quyết định phù hợp
hơn với thực tế địa phương, góp phần mang lại hiệu quả hơn cho cộng đồng. Trong
trường hợp này, vẫn chưa có sự tương tác giữa cộng đồng và người ra quyết định.
Các buổi tập huấn cộng đồng chỉ nhằm truyền đạt kỹ năng để cộng đồng có thể làm
tốt nhiệm vụ được giao.
Tham gia tự nguyện là hình thức tham gia khi người dân đã thấy được những
lợi ích mà du lịch mang lại cho họ. Từ tham gia thụ động, người dân đã trực tiếp
tham gia vào hoạt động du lịch. Họ tham gia vào các buổi đối thoại giữa cộng đồng
và người ra quyết định hay nhà đầu tư. Người dân đưa ra những ý kiến của mình về
sự phát triển du lịch. Mặc dù họ không có quyền ra quyết định song người ra quyết
định lúc này đã phải lưu tâm và tính toán đến những vấn đề cộng đồng đưa ra.
Người dân đã tích cực tham gia hơn vào hoạt động du lịch. Khi này, nhiều thành
viên trong cộng đồng tham gia vào những công việc cụ thể trong quá trình phát
triển du lịch, thường là hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch. Ở giai đoạn
này người dân chủ động tham gia vào các quá trình phát triển du lịch ở địa phương.
Học hỏi kinh nghiệm từ các nơi khác mà họ đã từng tham quan, cộng đồng đã tự tổ
chức kinh doanh phục vụ khách du lịch mà không chịu sự quản lý của người ngoài.
Khi nhận thức của cộng đồng đã được nâng cao, họ sẽ chủ động hoạch định chiến
lược phát triển du lịch mà không chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Đây là thời kỳ
người dân hoàn toàn tham gia vào hoạt động du lịch. Tosun C (1999) gọi sự tham
gia của cộng đồng trong thời kỳ này là “sự tham gia thực sự của cộng đồng chủ
nhà” (authentic host community participation). Để đảm bảo mang lại hiệu quả lâu
dài, cộng đồng phải có nguồn tài chính và nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng
cần thiết. Bên cạnh huy động nguồn tài chính tự thân, họ đã chủ động tìm các
nguồn vốn vay hay nguồn vốn đầu tư của các đối tác từ bên ngoài. Việc mở các
khoá tập huấn không phải mang tính hình thức mà xuất phát từ nhu cầu thực tế ở
địa phương. Nhiều người tìm đến các cơ sở đào tạo về du lịch trong và ngoài nước
để bồi dưỡng kiến thức. Đây là giai đoạn mà người dân tham gia vào toàn bộ quá
trình phát triển du lịch bao gồm ra quyết định, thực hiện, chia sẻ lợi ích, giám sát
và đánh giá các chương trình phát triển du lịchở địa phương.
2.3.4. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch
Theo Điều 6. Luật Du lịch, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng
lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch,
bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi
trường. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi
phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công
133
truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Cộng đồng dân cư có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, vừa là
nền tảng, vừa là động lực và mục tiêu cho phát triển du lịch bền vững, nhất là đối
với những vùng văn hóa đặc thù. 
Sản phẩm của cộng đồng là một phần của tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài
nguyên du lịch văn hoá. Những kiến trúc độc đáo, sản phẩm thủ công truyền thống,
sản phẩm của nền kinh tế địa phương, dân ca, dân vũ, lễ hội, tôn giáo phong tục tập
quán… là những tài nguyên du lịch văn hoá của địa phương, là yếu tố quan trọng
hấp dẫn khách du lịch, là một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch.
Cộng đồng tạo ra không chỉ tài nguyên du lịch văn hoá mà còn góp phần tôn tạo và
làm giàu thêm tài nguyên du lịch tự nhiên. Đây là lý do một số cho rằng những
vườn cây ăn trái, những ruộng bậc thang, những cánh rừng trồng, những hồ nhân
tạo (hồ thuỷ nông, thuỷ điện) là tài nguyên văn hoá vì nó là sản phẩm do con người
tạo ra. Thực chất, khi những yếu tố tự nhiên này hấp dẫn khách du lịch thì nó được
coi là tài nguyên du lịch tự nhiên.
Chính vì cộng đồng là đa số những người sinh ra, sống và thậm chí làm việc
trong môi trường tài nguyên du lịch ở địa phương nên không ai khác ngoài họ hiểu
cặn kẽ về giá trị của tài nguyên đó. Vì vậy, cộng đồng có vai trò phát huy được tối
ưu giá trị của tài nguyên phục vụ khách du lịch. Họ rất tự hào về các tài nguyên tự
nhiên và tài nguyên văn hoá của họ. Rõ ràng rằng, khi nghe một người dân bản địa
thuyết minh về một truyền thuyết, một lễ hội hay một phong tục ở địa phương thì
khách du lịch thấy “thật” hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều so với việc nghe một
hướng dẫn viên du lịch trình bày về những nội dung đó.
Cộng đồng góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch vì họ là người
hiểu biết về tài nguyên một cách chính xác nhất. Qua kinh nghiệm phục vụ khách,
họ nắm bắt được nhu cầu sở thích của khách du lịch. Họ biết phát huy được tối đa
giá trị của tài nguyên sẵn có của mình để tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp
dẫn, phù hợp với khách du lịch.
Do có hiểu biết về giá trị của tài nguyên mang lại cho họ nên cộng đồng địa
phương rất trân trọng những giá trị của tài nguyên, luôn có ý thức trong việc bảo
vệ và phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch trên địa phương của mình.
Cộng đồng là người cung ứng các dịch vụ cho khách du lịch. Ngày nay khi
đi du lịch về các vùng quê xa xăm, khách du lịch hay lựa chọn mô hình homestay
để lưu trú, ăn các món ăn của địa phương. Hầu hết dịch vụ này là do cộng đồng địa
phương cung cấp. Bên cạnh các dịch vụ du lịch chính, người dân địa phương còn
có thể làm hướng dẫn viên du lịch tại điểm để dẫn đường, cung cấp cho khách du
lịch các thông tin hữu ích liên quan, cung cấp dịch vụ đi lại, nhất là đi lại trong địa
bàn du lịch.

134
Cộng đồng là người quảng bá cho văn hoá bản địa một cách tự nhiên nhất.
Thái độ chân thành của cộng đồng trong giao tiếp đối với khách du lịch là hình
thức quảng cáo trung thực nhất về văn hoá bản địa. Kiến trúc truyền thống và hình
ảnh người dân trong không gian đó với các bộ trang phục truyền thống sẽ để lại
hình ảnh đậm nét về địa phương cho khách đến tham quan, du lịch. Giọng nói đặc
trưng có tính vùng miền, những giai điệu dân ca sẽ là những âm thanh gợi nhớ về
miền đất và con người của điểm đến.
Có thể nói rằng, cộng đồng có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Du
lịch chỉ có thể bền vững nếu được cộng đồng ủng hộ và trực tiếp và tích cực tham
gia. Khi người dân không được hưởng lợi từ du lịch, họ sẽ có những phản ứng tiêu
cực với các nhà cung ứng du lịch và khách du lịch. Lúc đó tiêu chí về xã hội của du
lịch bền vững không được đảm bảo. Khi người dân tham gia chủ động vào hoạt
động, họ sẽ có cuộc sống ổn định hơn. Do vậy họ cũng chính là người làm tăng độ
hấp dẫn của điểm du lịch và có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và bảo vệ
môi trường du lịch.
2.4. Các cơ quan tổ chức du lịch
Du lịch là một trong những hoạt động có tính lan toả rất nhanh. Nếu như
năm 1950, toàn thế giới mới chỉ có 25 triệu người đi du lịch nước ngoài thì năm
2019 có gần 1,5 tỷ lượt khách du lịch quốc tế. Hoạt động du lịch ảnh hưởng đến
nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của con người. Để yểm trợ cho hoạt
động du lịch phát triển một cách lành mạnh, nhiều tổ chức đã ra đời. Bên cạnh các
tổ chức liên chính phủ còn có nhiều tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội quốc tế và
khu vực về du lịch. Trong hầu hết các quốc gia có du lịch phát triển đều có cơ quan
quản lý nhà nước về du lịch và các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh
vực kinh tế xã hội và đào tạo du lịch. Tất cả các tổ chức này cũng là một bên liên
quan và có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch.
2.4.1. Một số tổ chức quốc tế và khu vực
2.4.1.1. Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp quốc
Tiền thân là một tổ chức có tên là Đại hội quốc tế Hiệp hội các Cơ quan Vận
chuyển Du lịch124 được hình thành từ năm 1925 tại The Hague. Qua nhiều lần bàn
thảo, năm 1934 tổ chức này lấy tên là Liên minh Quốc tế các Tổ chức Tuyên
truyền Du lịch Chính thức125. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lượng khách du lịch
quốc tế ngày càng tăng, tổ chức này đã tự tái cấu trúc thành Liên minh Quốc tế Các
tổ chức Du lịch Chính thức126. Sau một thời gian dài, tổ chức này đã phát huy được
trò của mình trong thúc đẩy phát triển du lịch ở các nước thành viên. Tuy nhiên,
sang thập niên 60-70 của thế kỷ XX, tổ chức này nhận thấy cần phải chuyển đổi
nhiều hơn nữa để nâng cao vai trò của mình trên bình diện quốc tế. Một Ban soạn
thảo điều lệ cho một tổ chức liên chính phủ về du lịch đã được thành lập và ngày
124
ICOTT- International Congress of Official Tourist Traffic Associations
125
IUOTPO- International Union of Official Tourist Propaganda Organizations
126
IUOTO IUOTO-International Union of Official Travel Organizations

135
27/9/1970, điều lệ của một tổ chức mới về du lịch, Tổ chức Du lịch Thế giới 127, đã
được thông qua tại đại hội của Đại hội đồng. Tháng 1 năm 1975, sau khi chính phủ
của quốc gia thứ 51 phê chuẩn tham gia, tổ chức này chính thức đi vào hoạt động.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2003, tại phiên họp thứ 58 (từ tháng 9 đến
tháng 12 năm 2003), Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết
A/RES/58/23128 tán thành thỏa thuận giữa UN và WTO để tổ chức này là cơ quan
chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc với tên chính thức là Tổ chức Du lịch Thế giới
thuộc Liên Hợp Quốc129 được viết tắt bằng tiếng Anh là UNWTO.
Ngày nay, UNWTO là cơ quan chịu trách nhiệm định hướng phát triển du
lịch một cách bền vững. Đây là tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực du
lịch trên thế giới.
Mục tiêu của tổ chức này là thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững nhằm
đóng góp vào phát triển kinh tế, tăng cường hiểu biết quốc tế, góp phần củng cố
hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người,
Để đạt được mục tiêu trên, UNWTO đặt ra cho mình các nhiệm vụ sau:
-Hỗ trợ các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên nâng cao kiến thức và xây
dựng, triển khai chính sách, quy hoạch phát triển du lịch phù hợp. Sau khi gia nhập
tổ chức này, Việt Nam đã được các chuyên gia du lịch đến để hỗ trợ xây dựng quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 1995-2010 (xem Quy hoạch Tổng thể
Phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010).
- Hỗ trợ các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên triển khai các dự án nâng
cao năng lực ngành Du lịch. Ở nước ta thông qua tổ chức này, Liên minh Châu Âu
đã hỗ trợ gần 22 triệu Euro để triển khai hai dự án lớn là “Phát triển nguồn nhân
lực du lịch Việt Nam” (giai đoạn 2006-2010) và “Chương trình phát triển năng lực
du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và xã hội” (giai đoạn 2011-2016).
Bên cạnh đó, cũng thông qua tổ chức này một số quốc gia khác như Bỉ, Tây Ban
Nha, Luxemburg…cũng hỗ trợ Việt Nam một số dự án liên quan đến phát triển du
lịch.
-Thường xuyên phát hành nhiều ấn phẩm giấy và ấn phẩm số cung cấp
những thông tin liên quan đến du lịch như Thông tin nổi bật về du lịch, Số liệu
thống kê về du lịch, Quy tắc đạo đức toàn cầu trong du lịch, Tiêu chí và danh sách
di sản thế giới, những sự kiện thời sự liên quan đến du lịch trên thế giới …
-Thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế về du lịch để các chuyên gia
chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, xu thế phát triển du lịch, những nguy cơ mà
du lịch đang phải đối mặt và kinh nghiệm ứng phó với các nguy cơ đó (biến đổi
khí hậu, dịch bệnh…).

127
WTO-World Tourism Organization.
128
https://research.un.org/en/docs/ga/quick/regular/58
129
Unated Nations World Tourism Organization.

136
Bộ máy tổ chức của UNWTO bao gồm Đại hội đồng, Hội đồng điều hành,
các ủy ban chuyên môn, Ban Thư ký.
Các ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại UNWTO là tiếng Anh, tiếng Ả
Rập, tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.
Thành viên của UNWTO bao gồm 159 thành viên quốc gia, 6 thành viên
liên kết và hơn 500 thành viên đại diện cho khu vực tư nhân, các tổ chức giáo dục,
du lịch. Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này từ năm 1981.
2.4.1.2. Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC)
Vào cuối những năm 1980, một số giám đốc điều hành và lãnh đạo doanh
nghiệp du lịch hàng đầu thế giới đã nhận ra rằng, mặc dù du lịch là một trong
những ngành phổ biến nhất trên thế giới và là ngành tạo ra nhiều việc làm bậc
nhất thế giới, song hầu như xã hội, đặc biệt là các chính phủ chưa nhận thức được
điều này. Không có dữ liệu tổng hợp, không có tiếng nói chung để truyền tải
thông điệp này đến các quan chức nhà nước và các nhà hoạch định chính sách. Ở
nhiều nơi trên thế giới, du lịch bị coi là một hiện tượng xã hội phù phiếm, vô ích
hoặc là một hoạt động không cần thiết. Một số lãnh đạo doanh nghiệp du lịch đã
có sáng kiến thành lập một tổ chức phi chính phủ toàn cầu để chứng minh vai trò
quan trọng của du lịch trong nền kinh tế các quốc gia, hỗ trợ việc phát triển kinh
doanh du lịch trên toàn cầu. Trên cơ sở đó năm 1990, WTTC được thành lập.
Theo Anupam Dubey130 năm 1993 Hội đồng đã có 68 thành viên và đến năm 1997
tổ chức này đã có 100 thành viên. Theo trang web giới thiệu về WTTC 131, tổ chức
này có các thành viên là những nhà điều hành các doanh nghiệp du lịch trên toàn
thế giới. Đó là chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của các công ty Du lịch & Lữ
hành từ tất cả các khu vực địa lý và ngành nghề liên quan đến du lịch, bao gồm
khách sạn, hãng hàng không, sân bay, công ty lữ hành, du lịch, cho thuê xe hơi,
đại lý du lịch, đường sắt. Hiện nay có hơn 200 công ty có đại diện trong Hội đồng,
chiếm 30% của doanh thu toàn ngành. Người ta phân biệt thành viên toàn cầu,
thành viên khu vực, thành viên từ các ngành nghề (lữ hành, khách sạn, nghỉ
dưỡng, giải trí..), thành viên từ các điểm đến, thành viên từ các hiệp hội. Thành
viên toàn cầu là lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, chủ tịch hoặc giám đốc điều hành
của các tập đoàn lớn có quy mô, tầm cỡ thế giới như Alibaba, Airbnb, Giải cứu
Toàn cầu132. Để duy trì hoạt động, Hội đồng có Ban Lãnh đạo gồm chủ tịch và
các phó chủ tịch, Ban Điều hành.
Mục tiêu chính của tổ chức này là thuyết phục các giới chức về những đóng
góp to lớn của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội.
Những vấn đề được WTTC quan tâm là Tài khoản Vệ tinh Du lịch (TSA),
đối phó với khủng hoảng, phát triển du lịch bền vững thông qua các hành động vì

130
https://www.academia.edu/6101988/
131
https://wttc.org/Membership/Our-Members#Ayhan-Bektas
132
Tập đoàn toàn cầu cung cấp dịch vụ y tế, cứu nạn, giải quyết khủng hoảng, rủi ro trong lĩnh vực du lịch
137
môi trường, trách nhiệm xã hội, tạo công ăn việc làm…
Tài khoản vệ tinh du lịch là phương pháp tính toán mức độ tăng trưởng của
các ngành kinh tế khác do có sự hiện diện của khách du lịch. Phương pháp này tuy
mới được phát triển nhưng đã được công nhận rộng rãi như một nguồn minh
chứng đáng tin cậy cho đóng góp to lớn của du lịch cho kinh tế toàn cầu. Năm
1999, TSA đã được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc công nhận tại Hội nghị Thế
giới về Đo lường Tác động Kinh tế của Du lịch.
WTTC cũng quan tâm nhiẻu đến vấn đề môi trường, năm 1992, tổ chức này
đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường trong Hoạt động Lữ hành và Du
lịch Quốc tế tại Anh. Trung tâm này đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về các hoạt
động của ngành, chính sách của các Chính phủ và các phương thức tiếp cận thực tế
hữu hiệu nhất để giải quyết những vấn đề về môi trường. Một trong những dự án
về môi trường là dự án nâng cao nhận thức về môi trường có tên là chương trình
“Quả địa cầu xanh” 133() với mục tiêu là cung cấp một phương tiện hữu hiệu cho
việc bảo vệ môi trường trong du lịch.
Trước những sự kiện bất lợi như 11/9, SARS, chiến tranh vùng Vịnh và gần
đây COVID-19 ..., WTTC đã có các đánh giá những thiệt hại đối với ngành để từ
đó giúp ngành Du lịch toàn cầu có những giải pháp phù hợp.
Bên cạnh việc tiếp tục tập trung vào các vấn đề toàn cầu, WTTC bắt đầu
chuyển sự chú ý sang các khu vực cụ thể trên thế giới được coi là cần sự quan tâm
và hỗ trợ đặc biệt để nâng cao nhận thức của các quan chức chính quyền về vai trò
to lớn của du lịch. Các dự án đã được triển khai ở một số nước Mỹ Latin, Liên
minh châu Âu, Trung Quốc và một số nước châu Á khác. “Sáng kiến Ấn Độ” nổi
lên như một ví dụ mẫu mực về dự án khu vực
2.4.1.3. Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA)
Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) là một tổ chức phi lợi
nhuận được hoạt động trên phạm vi toàn cầu về lĩnh vực du lịch. Theo giới thiệu
tại trang web của hiệp hội này 134 thì PATA được thành lập vào năm 1951. Tổ chức
này được quốc tế công nhận vì đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, đặc
biệt là trong phát triển có trách nhiệm của du lịch và dịch vụ lữ hành khu vực Châu
Á Thái Bình Dương. 
Tính đến cuối năm 2019, Hiệp hội có sự tham gia của 95 cơ quan chính phủ,
25 hãng hàng không và sân bay quốc tế, 108 tổ chức lưu trú, 72 tổ chức giáo dục
và hàng trăm công ty du lịch ở châu Á Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực...
Ngoài ra, còn có sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia về du lịch thuộc các tổ
chức khác nhau trên toàn thế giới.

133
Green globe
134
https://www.pata.org/about-pata

138
PATA có mạng lưới 82 Chi hội ở Anh, Ấn Độ, Campuchia, Canada, Đức,
Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Phần Lan, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Trung
Quốc, Việt Nam.
Trong quan hệ đối tác với các thành viên khu vực tư nhân và khu vực công,
PATA tăng cường sự tăng trưởng bền vững, giá trị và chất lượng của du lịch "đến",
"từ" và "trong" khu vực. 
Tôn chỉ hoạt động của PATA là kết nối, phát triển sản phẩm và hỗ trợ quảng
bá xúc tiến du lịch hướng tới mục tiêu phát triển du lịch hiệu quả và bền vững
trong phạm vi châu Á Thái Bình Dương nói chung, của từng quốc gia thành viên
nói riêng.
Việt Nam gia nhập Hiệp hội PATA vào năm 1994 và đến nay đã có Chi hội
PATA Việt Nam.
2.4.1.4. Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA)
Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEAN Tourism Association) được thành lập
vào ngày 27 tháng 3 năm 1971. ASEANTA là một hiệp hội du lịch phi lợi nhuận
bao gồm các tổ chức khu vực du lịch tư nhân và công cộng từ ASEAN.
Với sự khởi đầu khiêm tốn của mình, ASEANTA đã phát triển trở thành một
hiệp hội du lịch có tầm ảnh hưởng trong bối cảnh du lịch ASEAN, đóng vai trò
không thể thiếu trong việc định hình các chính sách và tăng trưởng du lịch trong
khu vực ASEAN.
Theo giới thiệu trên trang web của ASEANTA 135, vì mục đích góp phần phát
triển du lịch của các nước trong ASEAN, ASEANTA mong muốn:
- Đoàn kết các thành viên vì mục đích chung, làm việc trong mối quan hệ
hợp tác chặt chẽ, thông công và hỗ trợ để thúc đẩy hơn nữa và bảo vệ lợi ích của
các thành viên.
- Phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn dịch vụ và tiện ích cao nhất cho khách du
lịchvà khách du lịch.
- Đề cao phẩm giá và đạo đức của doanh nghiệp du lịch và phấn đấu hướng
tới tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy và duy trì tốt nhất các mối quan hệ giữa các nước ASEAN và
nhân dân các nước ASEAN.
- Khuyến khích, hỗ trợ và giúp đỡ phát triển du lịch trong và ngoài khu vực
ASEAN.
- Đóng vai trò là cơ quan đàm phán cho các thành viên của Hiệp hội và đưa
ra các khuyến nghị với các cơ quan ban ngành của chính phủ hoặc các cơ quan
khác trong quan hệ về bất kỳ biện pháp nào có thể được thực hiện liên quan đến
các thành viên và / hoặc ngành Du lịch ở các nước ASEAN.
135
https://www.aseanta.org/en/pages/26433

139
- Phục vụ hoặc cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ chính phủ, cơ quan pháp luật hoặc
cơ quan Quốc tế nào liên quan đến các vấn đề du lịch
2.4.1.5. Một số tổ chức quốc tế khác liên quan đến du lịch
Là một chuyến đi để thẩm nhận các giá trị tự nhiên và văn hóa, du lịch có
liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực
vận tải hàng không và lĩnh vực y tế. Dưới đây là giới thiệu tóm tắt về ba tổ chức
liên quan mật thiết nhất đến hoạt động du lịch là Tổ chức Văn hóa, Khoa học và
Giáo dục thuộc Liên hợp quốc, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Tổ chức
Y tế Thế giới.
Theo giới thiệu trên wikipedia136 và trên trang web chính thức137 của Tổ chức
Văn hóa, Khoa học và Giáo dục thuộc Liên hợp quốc 138, đâu là một trong những tổ
chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp Quốc. UNESCO hoạt động với mục đích "thắt
chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự
tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người
không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo".
UNESCO có 3 chức năng hoạt động chính phục vụ cho mục đích của tổ
chức, bao gồm:
1. Khuyến khích sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các dân
tộc thông qua những phương tiện thông tin rộng rãi; khuyến nghị những hiệp
định quốc tế cần thiết để khuyến khích tự do giao lưu tư tưởng bằng ngôn
ngữ và hình ảnh;
2. Thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục quần chúng và truyền bá văn hóa bằng
cách:
- hợp tác với các nước thành viên trong việc phát triển các hoạt động
giáo dục theo yêu cầu của từng nước;
- hợp tác giữa các quốc gia nhằm thực hiện từng bước lý tưởng bình
đẳng về giáo dục cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ hoặc bất cứ
sự khác biệt nào khác về kinh tế hay xã hội;
- đề xuất những phương pháp giáo dục thích hợp để luyện tập thiếu
nhi toàn thế giới về trách nhiệm của con người tự do;
3. Duy trì, tăng cường và truyền bá kiến thức bằng cách:
- bảo tồn và bảo vệ di sản thế giới về sách báo, tác phẩm nghệ thuật và
các công trình lịch sử hay khoa học, khuyến nghị với các nước hữu quan về
các Công ước quốc tế cần thiết;

136
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95_ch%E1%BB%A9c_Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c,_Khoa_h%E1%BB
%8Dc_v%C3%A0_V%C4%83n_h%C3%B3a_Li%C3%AAn_Hi%E1%BB%87p_Qu%E1%BB%91c
137
https://en.unesco.org/about-us/introducing-unesco
138
UNESCO - United Nations Educational Scientific and Cultural Organization
140
- khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia về tất cả các ngành hoạt động
trí óc, trao đổi quốc tế những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, khoa
học và văn hóa kể cả trao đổi sách báo, tác phẩm nghệ thuật, dụng cụ thí
nghiệm và mọi tư liệu có ích;
- tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc tiếp xúc với các xuất bản phẩm
của mỗi nước thông qua các phương pháp hợp tác quốc tế thích hợp.
Cơ cấu tổ chức của UNESCO bao gồm Đại hội đồng, Hội đồng Chấp
hành và Ban Thư ký. Đại hội đồng gồm các đại diện của các nước thành viên
UNESCO (mỗi nước thành viên được chọn cử 5 đại biểu). Hội đồng chấp hành
gồm các ủy viên được Đại hội đồng bầu ra trong số các đại biểu được các nước
thành viên ứng cử; mỗi ủy viên của Hội đồng Chấp hành đại diện cho Chính
phủ nước mình. Ban Thư ký UNESCO gồm có Tổng Giám đốc và số nhân viên
cần thiết. Tổng Giám đốc do Hội đồng Chấp hành đề nghị và Đại hội đồng bầu cử
nhiệm kỳ 6 năm với những điều kiện được Đại hội đồng chấp nhận. Tổng Giám
đốc là quan chức cao nhất của UNESCO.
Hiện UNESCO có 195 quốc gia là thành viên. Các quốc gia thành viên
của Liên Hiệp Quốc có quyền gia nhập UNESCO. Các quốc gia thành viên thường
thành lập một tổ chức đại diện cho UNESCO ở nước mình, tùy điều kiện cụ thể.
Phổ biến hiện nay là Ủy ban quốc gia UNESCO, trong đó có đại diện của Chính
phủ và của các ngành Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Thông tin.
UNESCO có đóng góp rất lớn trong việc phát triển du lịch bền vững. Trong
UNESCO có một cơ quan có tên là Uỷ ban Di sản Thế giới. Theo Uỷ ban
này139 đây cơ quan đảm nhiệm việc thi hành Công ước Di sản thế giới, bao gồm
việc xem xét và đưa vào danh sách di sản thế giới do các quốc gia thành viên đề
xuất cũng như việc hỗ trợ, theo dõi và loại khỏi danh sách này những khu vực
không còn đáp ứng tiêu chí di sản thế giới.
Những khu vực trên thế giới được ghi vào danh sách di sản thế giới, di sản
phi vật thể đại diện của nhân loại, ký ức của nhân loại, khu dự trữ sinh quyển thế
giới, công viên địa chất toàn cầu… đều trở thành điểm du lịch tiềm năng hoặc đều
có sự phát triển du lịch vượt trội so với trước kia.
Theo Wikipedia tiếng Việt140, và trang web chính thức141 của Tổ chức Hàng
không Dân dụng Quốc tế 142, đây là một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc,
do các quốc gia thành lập năm 1944 để quản lý việc điều hành và thực thi Công
ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế (còn gọi là Công ước Chicago143).

139
http://whc.unesco.org/en/committee/
140
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95_ch%E1%BB%A9c_H%C3%A0ng_kh%C3%B4ng_D%C3%A2n_d
%E1%BB%A5ng_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
141
https://www.icao.org/
142
ICAO- International Civil Aviation Organization
143
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_v%E1%BB%81_H%C3%A0ng_kh
%C3%B4ng_D%C3%A2n_d%E1%BB%A5ng_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
141
ICAO có 193 quốc gia thành viên. Nhiệm vụ của ICAO là soạn thảo, thông
qua và hỗ trợ, duy trì việc thực hiện các quy định về an toàn cho bay cho hơn
100.000 chuyến bay trong ngày trên thế giới. Bên cạnh đó ICAO tham gia điều
phối hỗ trợ và nâng cao năng lực cho ngành hàng không của các quốc gia.
Theo số liệu của UNWTO năm 2019 có 58% khách du lịch quốc tế, tức là
hơn 812 triệu trong số gần 1,5 tỷ người đi du lịch bằng phương tiện máy bay
(UNWTO, 2019b). Đối với du lịch, những đóng góp của ICAO trong việc đảm bảo
chuyên chở khách du lịch an toàn, hiệu quả, nhanh chóng có vai trò rất quan trọng.
Được Liên Hợp Quốc thành lập năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới 144 điều
phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên trên toàn thế giới thông qua việc
hỗ trợ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, giải quyết
những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.  WHO
đóng một vai trò hàng đầu trong việc loại trừ các dịch bệnh. Các ưu tiên hiện tại
của tổ chức bao gồm việc ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt
là HIV/AIDS, Ebola, sốt rét và lao; giảm thiểu những tác động của bệnh không
truyền nhiễm; theo dõi sức khoẻ sinh sản và tình dục, sự phát triển và tuổi già; dinh
dưỡng, an ninh lương thực và ăn uống lành mạnh; sức khỏe nghề nghiệp; lạm dụng
thuốc kháng sinh.
Một trong những đặc trưng của du lịch là sự di chuyển. Tuy nhiên việc di
chuyển sẽ là nguy cơ lây lan bệnh tật, nhất là những bệnh truyền nhiễm. WHO đưa
ra các cảnh báo, chỉ dẫn, để ngăn ngừa lây lan, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Ví dụ mới đây cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa ngành Du lịch và tổ chức này.
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, WHO đã kết hợp với UNWTO đưa ra
một bản tuyến bố chung về du lịch và COVID-19, trong đó nhấn mạnh rằng
“WHO đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, chính phủ và đối tác toàn cầu để
nhanh chóng mở rộng kiến thức khoa học về loại virus mới này, theo dõi sự lây lan
và độc lực của virus, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các quốc gia và cộng đồng
toàn cầu về các biện pháp bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng
phát này”.
2.4.2. Các tổ chức du lịch ở Việt Nam
2.4.2.1. Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch
Khi nhà nước ra đời, để duy trì, cần có các hoạt động để quản lý nhà
nước đó. Hiện nay, theo nghĩa rộng, quản lý nhà nước là hoạt động tổ chức, điều
hành của cả bộ máy nhà nước tác động trên các phương diện lập pháp, hành pháp
và tư pháp. Theo cách hiểu này, quản lý nhà nước là hoạt động của cả ba hệ thống
cơ quan nhà nước: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Chủ thể
quản lý nhà nước là các cơ quan, công chức trong bộ máy nhà nước được trao
quyền lực công gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đối
tượng của quản lý nhà nước là tất cả các cá nhân, tổ chức sinh sống và hoạt động
trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Quản lý nhà nước có tính toàn diện trên tất cả các
144
World Health Organization-WHO
142
lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc
phòng, ngoại giao…Quản lý nhà nước về du lịch là sự tác động có tổ chức và điều
chỉnh bằng quyền lực pháp luật nhà nước đối với các quá trình, các hoạt động du
lịch của con người để duy trì và phát triển các hoạt động du lịch nhằm đạt được các
mục tiêu kinh tế xã hội đề ra.
Công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về du lịch nói riêng
được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật và thực thi bởi bộ máy tổ chức nhà
nước. Ở nước ta, hoạt động du lịch, cụ thể là các cá nhân, tổ chức trước hết phải
chịu sự điều chỉnh của hiến pháp và các luật liên quan như luật bảo vệ môi trường,
luật lao động, luật lâm nghiệp, luật giao thông đường bộ và các luật khác. Những
hoạt động đặc thù của du lịch được điều chỉnh bằng luật du lịch. Những điều luật
sẽ được giải thích, hướng cụ thể hoá trong các văn bản của Chính phủ (nghị định)
và văn bản của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hoặc các bộ ban ngành liên quan
dưới dạng thông tư.
Pháp luật du lịch là một hệ thống tổng hợp các các quy phạm pháp luật để
điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động du lịch và hoạt động
quản lý nhà nước về du lịch. Các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của
pháp luật du lịch bao gồm quan hệ giữa ngành chủ quản với các doanh nghiệp du
lịch; quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch với khách du lịch, giữa các doanh nghiệp
du lịch với nhau; quan hệ nội bộ của doanh nghiệp du lịch; quan hệ giữa nước tiếp
đón du lịch với khách du lịch nước ngoài; quan hệ giữa nước phát sinh nguồn
khách (nước gửi khách) và nước đón tiếp khách; quan hệ giữa cơ quan nhà nước
với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động du lịch; quan hệ quản lý nhà nước đối
với các tài nguyên du lịch. Ngay từ năm 1999, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban
hành Pháp lệnh Du lịch, văn bản pháp lý đầu tiên để điều chỉnh các hoạt động du
lịch. Sau 6 năm triển khai, năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam ban hành luật Du lịch,
tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ cho hoạt động du lịch ở nước ta. Sau 12 năm thực
thi, Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội ban hành để điều chỉnh hoạt động du lịch
nước ta trong tình hình mới. Ngay sau đó, ngày 31 tháng 12 năm 2017, Thủ tướng
Chính phủ đã ký Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của
Luật Du lịch 2017. Để triển khai thi hành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đã ban hành Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành Luật Du
lịch 2017. Qua nhiều lần thay đổi, hiện nay ngành Du lịch Việt Nam chịu sự quản
lý của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Theo Quyết định 17/2018 của Thủ tướng
Chính phủ, Tổng cục Du lịch là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả
nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật. Tên giao
dịch tiếng Anh là Vietnam National Administration of Tourism (viết tắt là VNAT).
Theo đó, Tổng cục Du lịch có nhiệm vụ xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị
quyết của Quốc hội; dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các dự
thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ

143
tướng Chính phủ về du lịch để Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình các cấp
có thẩm quyền. Xây dựng các văn bản pháp lý về quan lý nhà nước về du lịch để
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Thực hiện các công việc liên quan đến
quản lý nhà nước về du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Để thực hiện nhiệm vụ trên, bộ máy tổ chức Tổng cục Du lịch gồm có các
đơn vị chức năng. Đó là; Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Lữ
hành, Vụ Khách sạn, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng. Bên
cạnh đó, Tổng cục còn có 3 đơn vị sự nghiệp là Viện Nghiên cứu Phát triển Du
lịch, Tạp chí Du lịch, Trung tâm Thông tin Du lịch.
2.42.2. Một số tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch ở Viêt Nam
Sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong đầu thế kỷ XXI đã trở nên
mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sau 19 năm, lượng khách tăng trên 3 lần, thu nhập từ du
lịch tăng gần 8 lần. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của du lịch, nhiều tổ chức xã
hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch ở Viêt Nam đã ra đời, nhất là sau khi có
Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm
Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ cho phép thành lập hội. Hiện
nay ở nước ta có rất nhiều hiệp hội liên quan đến du lịch tiêu biểu như Hiệp hội Du
lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Hiệp
hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ Quản lý Buồng Việt Nam, Hội Hướng
dẫn viên Du lịch Việt Nam…
Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một tổ chức tự nguyện phi chính phủ của các
doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong
lĩnh vực du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam
Tourism Association (VITA) được thành lập ngày 25/12/2002. Sự ra đời của Hiệp
hội Du lịch Việt Nam đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành Du lịch
Việt Nam. Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế – kỹ
thuật về kinh doanh dịch vụ, tạo bình ổn thị trường, nâng cao giá trị chất lượng, sản
phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; đại diện và
bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Theo Điều lệ, các hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam gồm:
– Tham gia xây dựng, phổ biến, giáo dục, giám sát việc thực hiện các qui
định của pháp luật, chính sách về du lịch
– Tham gia xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch; đánh
giá, tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng dịch vụ cho
doanh nghiệp và lao động trong ngành Du lịch; Xây dựng môi trường kinh doanh
lành mạnh cho các hội viên, huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động
du lịch theo qui định của pháp luật.

144
– Tổ chức triển khai việc thực hiện qui tắc đạo đức nghề nghiệp, vận động
hội viên kinh doanh du lịch đảm bảo chất lượng dịch vụ.
– Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm
về pháp luật về du lịch, bảo vệ môi trường.
– Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp,
khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động
du lịch.
– Tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ, tư vấn và các hoạt động khác theo
quy định của pháp luật và Điều lệ này.
– Nghiên cứu, tham gia góp ý, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ
quan nhà nước những chính sách, luật pháp đưa ngành Du lịch phát triển.
– Xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá
nhân trong nước và ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị
thế của Hiệp hội.
– Xuất bản tập san, các ấn phẩm và các tài liệu tuyên truyền, quảng bá du
lịch, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của ngành
Du lịch về xây dựng, phát triển du lịch, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý,
kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Tuyên truyền giáo dục để hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước và của Tổng cục Du lịch về xây dựng, phát triển ngành
Du lịch Việt Nam.
– Tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước,
danh lam thắng cảnh, con người, truyền thống văn hoá và lịch sử của dân tộc Việt
Nam với bạn bè quốc tế, xúc tiến du lịch. Tham gia xây dựng chiến lược phát triển
ngành Du lịch Việt Nam khi được yêu cầu.
– Đại diện cho hội viên kiến nghị với Nhà nước về những chủ trương, chính
sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch và bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây
thiệt hại đến quyền lợi của Ngành và của hội viên theo thẩm quyền của Hiệp hội;
thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của hội viên; hợp tác, hỗ trợ,
giúp đỡ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong hoạt động, kinh doanh du lịch trên cơ sở
trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ
tiên tiến; đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn.
– Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức và hội viên của Hiệp hội trong quá trình sắp
xếp lại tổ chức; cung cấp thông tin về kinh tế, thị trường liên quan đến du lịch để
hội viên tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và phát triển bền vững.

145
– Phối hợp với các tổ chức liên quan trong nước nhằm thực hiện tôn chỉ,
mục đích của Hiệp hội.
Thành viên của Hiệp hội bao gồm các pháp nhân (doanh nghiệp lữ hành, vận
chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch), tập thể (đại lý, trung tâm lữ hành, câu lạc bộ,
diễn đàn) và các cá nhân (hướng dẫn viên, giảng viên, nghiên cứu viên và những
người khác) liên quan đến lĩnh vực du lịch. Cụ thể cho đến nay, Hiệp hội Du lịch
Việt Nam có 5 Hiệp hội, Hội trực thuộc (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội
Khách sạn Việt Nam, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, Hội Hướng dẫn viên
Việt Nam, Hội Đầu bếp Việt Nam), Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Du lịch Việt
Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam (VTF), Câu lạc bộ Du lịch
Cộng đồng (CTC), Tạp chí Vietnam Traveller và 46 Hiệp hội Du lịch thành viên ở
hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước (Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng,
Quảng Ninh,Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên
– Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa- Nha Trang, Bình Thuận, Lâm Đồng-
Đà Lạt, Đắc Lắc, Kontum, Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu
Long…) và trên 4.000 doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của ngành Du lịch
như lữ hành, khách sạn,lưu trú, vận chuyển khách, hội chợ – quảng cáo, công nghệ
thông tin du lịch, hàng lưu niệm (kể cả sản phẩm làng nghề và thủ công mỹ nghệ),
vui chơi giải trí, các trường, khoa đào tạo du lịch ...
Hiệp hội Du lich Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Du lịch Đông Nam
Á (ASEANTA) có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Hiệp hội Lữ hành Việt Nam 
Hiệp hội Lữ hành Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các
doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển khách du lịch, của các hướng dẫn viên du lịch
ở Việt Nam. Hiệp hội Lữ hành Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt
Nam. Đại diện cho quyền lợi của hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển và
hàng vạn hướng dẫn viên du lịch, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam có trách nhiệm bảo
vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên của mình, phản ánh tâm tư nguyện vọng
của họ đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền các cấp, đồng thời
tham gia đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
du lịch kinh doanh và phát triển, tạo điều kiện cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực
lữ hành, vận chuyển và hướng dẫn du lịch không ngừng nâng cao trình độ nghiệp
vụ, chuyên môn, phát triển nhanh trở thành nòng cốt cho nền kinh tế du lịch.
Thành viên của Hiệp hội bao gồm các pháp nhân (doanh nghiệp lữ hành, vận
chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch), tập thể (đại lý, trung tâm lữ hành) và các cá
nhân (hướng dẫn viên, giảng viên, nghiên cứu viên và những người yêu du lịch).
Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tập hợp các thành viên để tăng cường công tác xây
dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xúc tiến du lịch, thúc đẩy các
loại hình du lịch phát triển, nhằm tăng nhanh lượng khách du lịch đến Việt Nam,
đẩy mạnh du lịch nội địa và đưa người ra nước ngoài du lịch, góp phần đưa du lịch

146
Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tích cực xây dựng và
nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực và
thế giới.
Hiệp hội Khách sạn Việt Nam
Hiệp hội Khách sạn Việt Nam được thành lập ngày 10/01/2010. Hội có tên
tiếng Anh là Vietnam Hotel Association, viết tắt là VHA. Đây là một Hội chuyên
ngành của Hiệp hội Du lịch Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
và công dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú
du lịch và các dịch vụ liên quan khác. Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác,
hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật, về kinh doanh dịch vụ, tạo bình ổn thị trường,
nâng cao giá trị chất lượng, sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài
nước của hội viên; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên.
Theo điều lệ, Hiệp hội có các nhiệm vụ sau:
-Tuyên truyền giáo dục để hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm,
dịch vụ du lịch
-Tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước,
danh lam thắng cảnh, con người, truyền thống văn hoá và lịch sử của dân tộc Việt
nam với bạn bè quốc tế, xúc tiến du lịch. Tham gia xây dựng chiến lược phát triển
ngành Khách sạn Việt Nam khi được yêu cầu
-Đại diện cho hội viên kiến nghị với nhà nước về những chủ trương, chính
sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ quyền và lợi ích
chính đáng của hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền
lợi của Ngành và của hội viên theo thẩm quyền của Hiệp hội; thực hiện nghĩa vụ
đối với nhà nước theo quy định của pháp luật.
-Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của hội viên; hợp tác, hỗ trợ,
giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động, kinh doanh Khách sạn trên cơ
sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công
nghệ tiên tiến; đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn.
-Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức và hội viên của Hiệp hội trong quá trình sắp
xếp lại tổ chức; cung cấp thông tin về kinh tế, thị trường liên quan đến du lịch để
hội viên tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và phát triển bền vững.
-Phối hợp với các tổ chức liên quan trong Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm
thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Hiệp hội có các hoạt động sau:
-Tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp,
khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động
kinh doanh khách sạn và các dịch vụ liên quan.

147
-Tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ, tư vấn và các hoạt động khác theo
quy định của pháp luật và Điều lệ này.
-Nghiên cứu, tham gia góp ý, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ
quan nhà nước những chính sách, luật pháp đưa ngành kinh doanh khách sạn phát
triển.
-Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển các mối
quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài theo
quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của
Hiệp hội.
-Xuất bản tập san, các ấn phẩm và các tài liệu tuyên truyền, quảng bá khách
sạn, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của ngành
Du lịch về xây dựng, phát triển du lịch, phổ biến kỹ thuật, công nghệ và kinh
nghiệm quản lý, kinh doanh khách sạn theo quy định của pháp luật.
-Thực hiện các quyền hạn khác của tổ chức Hiệp hội theo quy định của pháp
luật.
Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam
Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam
Tourism Education Association (VITEA) được thành lập tháng 8 năm 2018. Với
tôn chỉ hướng đến các cơ sở giáo dục đại học - cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề
nghiệp, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt
động hợp pháp trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo du lịch và kinh doanh du lịch,
mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác và hỗ trợ các hội viên phát triển trong
hoạt động đào tạo du lịch, nâng cao trình độ quản trị cơ sở đào tạo, khoa học công
nghệ và khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; gắn nhà trường với
doanh nghiệp; thu hút sự tham gia chủ động của doanh nghiệp vào công tác đào
tạo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kiểm tra, đánh giá và công nhận kỹ năng
nghề; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực du lịch sau đào tạo; góp phần nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
hội viên. VIETA cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường đẩy mạnh việc giao lưu hợp tác
quốc tế về đào tạo du lịch; tham gia phát triển và hoàn thiện tiêu chuẩn chuyên
môn cho nhân lực ngành Du lịch; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực chuyên
môn nghiệp vụ của giảng viên du lịch, nghiệp vụ quản trị cơ sở đào tạo và nhân lựa
ngành Du lịch; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và sinh viên du lịch; tư vấn
hướng nghiệp và giới thiệu việc làm ngành Du lịch; hướng tới xây dựng quỹ
chuyên ngành Du lịch.
Câu lạc bộ Quản lý Buồng Việt Nam
Câu lạc bộ Quản lý Buồng Việt Nam là một diễn đàn chuyên nghiệp cho
những người quản lý bộ phận quản lý buồng khách sạn chia sẻ kinh nghiệm, chủ
động học tập, cập nhật sản phẩm mới, công nghệ mới để đáp ứng những những đòi
hỏi ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là của khách hàng. Câu lạc bộ Quản lý

148
Buồng Việt Nam có tên tiếng Anh được viết tắt là VEHA (Vietnam Executive
Housekeeper Association), được thành lập ngày 15-04-2014 và là tổ chức trực
thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam.
VEHA là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thành viên là các công ty,
đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phục vụ buồng tại các cơ sở khách sạn,
trường đào tạo nghiệp vụ khách sạn ở Việt Nam. Mục đích của tổ chức này là góp
phần giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ,
góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra
thế giới. VEHA có các hoạt động sau:
- Tổ chức hội thảo, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức về nghề
cũng như các kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
 - Tổ chức tham quan, trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyên
môn nghiệp vụ, xây dựng, áp dụng và cải tiến các giải pháp về nghiệp vụ Buồng tại
Việt Nam.
 - Tạo cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các nhà cung cấp, cập nhật thông tin về sản
phẩm mới, công nghệ mới.
 - Tổ chức giao lưu với các đồng nghiệp quản lý Buồng trong nước và Quốc tế
nhằm nâng cao trình độ các hội viên, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại các
doanh nghiệp, ngành Khách sạn và Du lịch Việt Nam
Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam
Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam được thành lập theo quyết định số
66/QĐ-HHDL ngày 10/10/2017 của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Hội
Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những công
dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch. Hội đại diện cho quyền
và lợi ích hợp pháp của hội viên là hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Tầm nhìn
của Hội là thu hút và đào tạo nhân tài, phát triển khung năng lực thành viên, đưa
hướng dẫn viên du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế. Thành viên của Hội là các
hướng dẫn viên tự nguyện tham gia trên tinh thần tự giác tuân thủ các quy định của
Hội.
Theo điều lệ, Hội có sứ mệnh
- Tập hợp các hướng dẫn viên giỏi trên toàn quốc
- Xây dựng hệ thống hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động
và sự phát triển của hướng dẫn viên
- Xậy dựng hệ thống thông tin, hệ thống đào tạo toàn diện, hiện đại
- Tạo sân chơi lành mạnh, thân thiện cho cộng đồng hướng dẫn viên du lịch
Việt Nam
- Xây dựng hệ thống Review, phản hồi của khách hàng của các công ty lữ
hành.

149
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Tiêu chí nào để xác định khách du lịch? Vai trò của khách du lịch trong phát
triển du lịch
2. Có những loại nhà cung ứng du lịch nào? Phân tích sự giống và khác nhau
trong chức năng của các nhà cung ứng du lịch đó.
3. Tranh biện về vị trí, vai trò của các nhà cung ứng du lịch trong phát triển du
lịch
4. Sự liên kết trong việc cung ứng dịch vụ cho khách du lịch được thể hiện như
thế nào?
5. Hãy lý giải sự cần thiết phải thu hút cộng đồng địa phương vào hoạt động du
lịch
6. Hãy giải thích ý nghĩa của việc thành lập các hội xã hội nghề nghiệp trong
ngành du lịch như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam,
Hiệp hội Khách sạn Việt Nam…
7. Hãy phân biệt vai trò, chức năng của tổ chức liên chính phủ, tổ chức chính
phủ, hiệp hội liên quan đến du lịch đối với sự phát triển du lịch.

150
Chương 3. TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH

Sau khi học xong chương này người học sẽ có khả năng
-Phân tích được tác động của du lịch đến các mặt của đời sống kinh tế văn hóa xã hội và
môi trường
-Đánh giá được khả năng bền vững của hoạt động du lịch tại một địa bàn cụ thể
-Hướng dẫn triển khai các hoạt động du lịch tại một địa bàn, một doanh nghiệp theo quan
điểm du lịch bền vững
Tài liệu đọc thêm
Trần Thị Mai và cs, 2008 (các trang 232-247)
Goeldner, C. & Ritchie B., 2012 (các trang 300-322)
Lê Anh Tuấn và cs, 2015 (các trang 48-62)
Lickorish Leonard J., Jenkins Carson L.,2007 (các trang 64-75)
Ngô Thị Diệu An, Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014 (các trang 32-41)
Trần Thị Mai và cs, 2008 (các trang 137-146, 232-246)
Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa và cs, 2017 (các trang 29-39)
Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, 2008 (các trang 46-55)

Du lịch là một hoạt động xã hội, kinh tế và giáo dục, nghiên cứu. Hoạt động
du lịch diễn ra trong môi trường tự nhiên và xã hội (môi trường theo nghĩa rộng).
Giữa du lịch và môi trường đó có mối tương tác mật thiết. Mối tương tác là quan
hệ tác động và bị tác động hai chiều. Môi trường có tác động đến du lịch và ngược
lại, hoạt động du lịch cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Nếu tác động đem lại
hiệu quả tốt cho đối tượng sẽ được gọi là tác động tích cực, những tác động tiêu
cực mang lại kết quả xấu. Tương tác giữa du lịch và các lĩnh vực khác trong
chương này sẽ được nhìn nhận từ hai khía cạnh là tác động tích cực và tác động
tiêu cực như trên.
Chương này tập trung nghiên cứu những tác động của du lịch đến môi
trường (theo nghĩa rộng). Mục đích của việc nghiên cứu những tác động của du
lịch là xác định được những giải pháp phù hợp để phát huy các tác động tích cực
và hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch.
Azizan Merzuki (2012) gọi tác động tích cực và tiêu cực của du lịch là lợi
ích và chi phí của du lịch. Theo tác giả này, lợi ích của du lịch gồm: chất lượng
cuộc sống được nâng cao, gia tăng cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh, phát triển
cơ sở hạ tầng tốt hơn cả về số lượng và chất lượng và nhận thức về môi trường của

151
người dân được nâng cao. Tác giả đã chỉ ra các nội hàm của khái niệm chi phí du
lịch gồm thay đổi văn hoá địa phương, tác động xã hội, chi phí cuộc sống đắt đỏ
hơn, bất động sản tăng giá và môi trường bị ô nhiễm hơn (trang 453). Richardson,
J. I. và Fluker, M. (2004) lại quan tâm đến chủ thể bị tác động. Các tác giả phân
thành 4 chủ thể chịu tác động của du lịch là chính quyền, các doanh nghiệp du lịch,
lãnh đạo cộng đồng và các nhóm tổ chức liên quan như các tổ chức phi chính phủ
(trg 383). Một số học giả như Glenn Kreag (2001) phân thành 7 yếu tố tác động là
tác động kinh tế, tác động môi trường (tự nhiên), tác động xã hội và văn hoá, gây
nên sự đông đúc và tắc nghẽn, tác động dịch vụ, tác động lên thuế và tác động đến
thái độ của cộng đồng.
Tuy nhiên nhiều học giả khác mà tiêu biểu là Peter Mason (2003), Micheal
Hall và Alan A. Lew (2009) đều phân tích các tác động của du lịch theo ba nhóm
chính là tác động kinh tế, tác động văn hoá xã hội và tác động môi trường (tự
nhiên). Căn cứ theo định nghĩa của thuật ngữ du lịch được đưa ra ở mục 1.1.2. và
tiếp thu quan điểm của nhiều học giả trình bày trong các công trình liên quan, giáo
trình này sẽ xem xét tác động của du lịch đến văn hoá, xã hội, kinh tế, đào tạo &
nghiên cứu và môi trường thiên nhiên.
3.1. Tác động của du lịch đến văn hoá
Văn hoá là một lĩnh vực rất rộng lớn và do vậy cũng có rất nhiều định nghĩa
khác nhau. Trong “Hội nghị Thế giới về chính sách văn hóa ở Madrid năm 1982,
UNESCO coi văn hóa là "tập hợp các đặc tính tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình
cảm của xã hội hoặc một nhóm xã hội, không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn học,
mà còn cả lối sống, cách chung sống, giá trị hệ thống, truyền thống và niềm tin”
(UNESCO 2007). Như vậy có thể hiểu “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị
vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động
thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội
(Trần Ngọc Thêm 1999:10). Một cách ngắn gọn hơn, có thể hiểu văn hóa theo
quan điểm của Từ Chi “tất cả những gì không phải tự nhiên đều là văn hóa (dẫn
theo Nguyễn Phạm Hùng 2017:20). Tuy nhiên, trong chương này sẽ hiểu văn hóa
theo rất nghĩa hẹp, có nghĩa là không bao trùm những vấn đề kinh tế, chính trị, xã
hội có trong các định nghĩa trên. Việc quy ước này chỉ có ý nghĩa tương đối phục
vụ cho mục đích phân tích mối tương tác giữa du lịch (thực chất nó cũng là một
phần của văn hóa) và các lĩnh vực khác.
3.1.1. Tác động tích cực của du lịch đến văn hoá
Theo Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình (2000) “hoạt động du lịch là một
bộ phận của hoạt động văn hóa của con người, cũng là một hoạt động học tập đặc
biệt. Nó lấy xã hội và giới tự nhiên rộng lớn làm trường học, lấy tài nguyên du lịch
trong tự nhiên, nhân văn và xã hội làm sách giáo khoa” (trang 18). Nhận định trên

152
cho thấy vai trò to lớn của du lịch đối với văn hóa, xã hội. Dưới đây là một số tác
động chính của nó.
Tác động tích cực thứ nhất của du lịch là du lịch đến văn hóa là du lịch góp
phần bảo tồn các di sản văn hóa và phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống.
Những giá trị văn hoá truyền thống như phong tục tập quán, lễ hội, làn điệu dân ca,
dân vũ rất thu hút khách du lịch. Do vậy, nhiều phong tục tập quán, lễ hội đã được
nghiên cứu, phục dựng và phát triển để thu hút khách. Những thuần phong mỹ tục
của cộng đồng nhiều khi bị lối sống hiện đại làm lu mờ. Khi mọi người ý thức
được rằng, chính những nét đẹp truyền thống đó là tiềm năng du lịch thì động cơ
tìm hiểu, phục dựng các giá trị văn hoá truyền thống sẽ được đẩy mạnh hơn. Du
lịch là công cụ hữu hiệu để biến di sản thành tài sản. Sản phẩm du lịch di sản mang
lại một nguồn kinh phí hiện hữu để trang trải cho các nghiên cứu phục dựng chúng.
Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như đình chùa, nhà cổ, sản phẩm thủ
công mỹ nghệ, làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống, phương thuốc bí truyền, món
ăn gia truyền được phục dựng trong thời gian qua đã chứng minh cho nhận định
trên.
Việc tìm tòi, phục dựng các di sản văn hoá, thông qua các phương tiện
truyền thông đại chúng, không chỉ những người trực tiếp nghiên cứu mà chính
cộng đồng cũng hiểu biết hơn về các di sản văn hoá truyền thống của họ. Quá trình
tham gia trình diễn những giá trị của di sản văn hoá cũng làm giàu thêm các giá trị
đó. Điều này có nghĩa là các giá trị văn hoá của cộng đồng không chỉ được phục
hồi mà còn lan truyền, phát triển dưới tác động của du lịch. Không phải ngẫu nhiên
mà nội dung di sản văn hóa được UNWTO chọn làm chủ đề ngày Du lịch Thế giới
các năm 1980, 1985, 1999 như Du lịch - bảo tồn di sản thế giới trong thiên niên kỷ
mới; Du lịch - giới trẻ di sản văn hóa và lịch sử cho hòa bình và hữu nghị; Đóng
góp của du lịch vào bảo tồn di sản văn hóa, hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau.
Henry Valentine Miller (1891-1980), một nhà văn Mỹ đã từng viết “đích đến
của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới.” 145. Khi đi đến
một vùng đất mới, một đất nước khác, khách du lịch học hỏi được nhiều kiến thức
văn hóa mới, nhìn nhận, đánh giá vấn đề theo những tiếp cận khác nhau. Du lịch
cũng là môi trường tốt cho quá trình giao lưu văn hoá, làm giàu văn hoá. Những
đoàn khách từ mọi miền đất nước hào hứng tham gia vào các điệu nhảy sạp trong
các bản người Thái ở Tây Bắc, tham gia hát quan họ giao duyên tại vùng Kinh
Bắc, nghe đàn ca tài tử trong các miệt vườn sông nước Cửu Long… đã làm cho

xem.“50.câu.trích.dẫn.về.du.lịch.truyền.cảm.hứng.nhất.mọi.thời.dại”.tại.https://www.ef.com.vn/blog/language/
145

50-cau-trich-dan-ve-du-lich-truyen-cam-hung-nhat-moi-thoi/

153
chủ và khách cùng nhau đắm say trong men rượu nồng của các giá trị văn hoá
truyền thống. Trong không khí giao lưu vui vẻ đó, nhiều khách du lịch trình diễn
những bài hát, vũ điệu truyền thống của quê hương mình. Du lịch góp phần giới
thiệu văn hóa, hình ảnh của mỗi quốc gia ra toàn thế giới.
Du lịch cũng là một trong những yếu tố góp phần loại bỏ những hủ tục lạc
hậu, những tập tục, thói quen không còn phù hợp với thời đại. Lễ hội cầu trâu ở
Phú Thọ, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ mọi
người, trong đó có khách du lịch do tính phản cảm của một số tình tiết trong lễ hội.
Ngày 22 tháng 12 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban
hành Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL qui định về tổ chức lễ hội. Thông tư yêu
cầu “không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi
tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống
yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể như mô tả cảnh đâm chém,
đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị” (mục a, khoản 3 điều 4
Thông tư đã dẫn)
3.1.2. Tác động tiêu cực của du lịch đến văn hoá
Mặc dù có những tác động tích cực nêu trên, du lịch cũng có những tác động
tiêu cực đến văn hoá.
Như đã trình bày, du lịch chính là công cụ biến di sản văn hoá thành tài sản,
hay nói cách khác, du lịch đã kinh tế hoá các giá trị văn hoá. Tuy nhiên, nhiều nơi
đã lạm dụng quan điểm này theo hướng gia tăng thu nhập bằng bất cứ giá nào. Để
đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian, nhiều lễ hội tâm linh
đã được sân khấu hoá, diễn lại vào bất cứ lúc nào khách có nhu cầu. Sẽ là rất phản
cảm nếu tổ chức cho khách du lịch thưởng thức những món ăn cung đình tại chính
cung vua, thậm chí còn được ngồi trên ngai vàng và trong trang phục hoàng bào.
Phản cảm vì cho dù hiện nay ở các quốc gia đó không còn chế độ quân chủ, song
những vị vua trong quá khứ vẫn là đại diện cho một quốc gia, là một phần của lịch
sử dân tộc. Sự có mặt của số lượng lớn du khách tại một điểm di tích tạo nên các
tác động cơ học, hóa học (do khí thở, tiếng ồn…) cùng với yếu tố khí hậu, thời tiết
gây nên sự xuống cấp, hủy hoại các di sản văn hóa.
Một tác động tiêu cực khác của du lịch đến văn hoá là một số gía trị văn hoá
truyền thống bị lai tạp. Một số nhà cung ứng du lịch cho rằng cần phải thay đổi,
“đổi mới” để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch. Một lý do khác là sau
các chuyến du lịch, một số người dân địa phương đã “học hỏi” những giá trị văn
hoá của những nơi mình đã đến tham quan du lịch và “áp dụng” vào để chỉnh sửa,
tu bổ những di sản của địa phương mình. Điều này đã làm cho di sản mất đi tính

154
nguyên bản (authentic) riêng có của nó, một giá trị quan trọng của di sản, cho dù
đó là di sản vật thể hay phi vật thể. Bên cạnh đó, một số ứng xử chưa phù hợp của
khách du lịch có thể làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của cộng đồng địa
phương.
Trong số khách du lịch, có một số người đi với mục đích săn tìm đồ cổ, đồ
vật có giá trị. Du lịch là dịp tốt cho những khách du lịch này thực hiện mục đích
của mình. Có không ít người dân địa phương do chưa thấy được giá trị của các di
sản văn hoá cộng đồng của mình, đã trở thành người tiếp tay cho những khách du
lịch đó, làm “chảy máu di sản” văn hoá địa phương.
3.2. Tác động của du lịch đến xã hội
3.2.1. Tác động tích cực của du lịch đến xã hội
Trước hết du lịch góp phần nâng cao dân trí. Theo Viện sĩ Nguyễn Khắc
Viện, “du lịch là sự mở rộng không gian văn hoá của con người” (dẫn theo Trần
Đức Thanh 1999:8). Điều này có nghĩa là du lịch giúp mở mang kiến thức của con
người. Những trải nghiệm mà khách du lịch có được sau chuyến đi làm cho họ trở
nên hiểu biết hơn. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “đi một ngày đàng, học một sàng
khôn” cũng nói lên tác động của du lịch đối với việc nâng cao hiểu biết văn hoá
của họ. Ngày nay, trước mỗi chuyến du lịch, khách du lịch thường có thói quen tra
cứu trên internet để tìm hiểu về điểm du lịch mà mình sẽ đến, cho dù họ đi theo
tour hay tự tổ chức. Họ không còn quá thụ động như những khách du lịch trước
đây. Những khách du lịch tự tổ chức chuyến đi cho mình sẽ tìm hiểu về điểm đến
kĩ lưỡng hơn. Mặc dù chưa hề đặt chân đến, nhưng họ đã nắm khá rõ về các điểm
tham quan, về phong tục tập quán của cư dân nơi họ đến. Sau chuyến đi, kiến thức
của khách du lịch đã được cập nhật và thực tiễn hơn. Họ còn học được nhiều điều
mới mẻ tại điểm du lịch. Đến một vùng không cùng ngôn ngữ, khách du lịch
thường cố gắng học những câu giao tiếp thông dụng của ngôn ngữ bản địa để làm
quen, sử dụng khi cần. Không chỉ khách du lịch, người dân địa phương cũng có dịp
mở rộng kiến thức của mình khi tiếp xúc với khách du lịch. Hình ảnh những em bé,
những phụ nữ người dân tộc ít người ở Sa Pa khá tự tin, tươi cười trao đổi với
khách quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật hay tiếng Hàn, cho thấy du
lịch đã là một động cơ rất mạnh mẽ để cộng đồng địa phương trau dồi ngoại ngữ.
Tác động xã hội tích cực tiếp theo của du lịch là góp phần nâng cao chất
lượng cuộc sống, một thuật ngữ được sử dụng để đánh giá chung nhất về các mức
độ tốt đẹp của cuộc sống đối với cộng đồng tức là mức độ sảng khoái, hài lòng
hoàn toàn của người dân về thể chất, tinh thần và xã hội. Chất lượng cuộc sống là
thước đo về phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần. Một phần nguồn lợi kinh tế do du

155
lịch mang lại được đầu tư vào các điều kiện sống cho cộng đồng, từ cơ sở hạ tầng,
cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch đến môi trường thiên nhiên, tạo ra giá trị phúc lợi vật
chất cho xã hội. Điều này góp phần cải thiện đời sống vật chất của xã hội. Bên
cạnh việc góp phần tạo ra các điều kiện vật chất, du lịch còn tạo ra giá trị phúc lợi
tinh thần cho xã hội. Du lịch làm cho người dân giải toả được phần nào sức ép
công việc, làm cho mọi người sống chan hoà hơn, cởi mở hơn.
Thông qua các hoạt động thể chất cũng như hoạt động tinh thần tích cực, du
lịch góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng sống 146, tức là nâng cao các chỉ số
sức khỏe của con người, bao gồm tất cả các khía cạnh về mặt tình cảm, xã
hội và thể chất trong đời sống cá nhân. Tác động rõ ràng nhất của du lịch đến sức
khoẻ cộng đồng là các loại hình du lịch thể thao và du lịch sức khoẻ. Các loại hình
du lịch thể thao (sport tourism) là những loại hình dành cho khách du lịch ưa thích
một hay một số loại hình thể thao cụ thể. Họ tham gia các loại hình này (du lịch
golf, du lịch trượt tuyết…) như một vận động viên không chuyên với niềm đam mê
môn thể thao mà họ ưa thích. Những loại hình du lịch này góp phần gắn kết họ lại
với nhau do có chung tình yêu môn thể thao mà họ tham gia.
Góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng là một trong những ý nghĩa tích cực
của du lịch đến chất lượng sống. Một trong những nội hàm quan trọng của khái
niệm du lịch là di chuyển. Thông thường khi đi du lịch, khách phải di chuyển bằng
các phương tiện vận chuyển trong thời gian từ một vài giờ lên đến nhiều ngày.
Khách du lịch phải thích ứng với sự rung lắc, sóc của phương tiện vận chuyển.
Những người đi lần đầu sẽ có cảm giác say tàu xe, song hiện tượng này sẽ giảm
dần theo thời gian. Cơ thể sẽ dần thích ứng và trở nên khỏe mạnh hơn, ít bị say xe
hơn. Bên cạnh việc di chuyển bằng các phương tiện giao thông vận tải như máy
bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô…, khách du lịch phải thường xuyên đi bộ. Đi bộ ở điểm
tham quan, đi bộ đến điểm tập kết (bãi đỗ xe) … Việc đi bộ trong hành trình du
lịch tương đương một hình thức tập thể dục, có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh sức
khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần cũng được nâng cao. Sau chuyến đi, khách du
lịch có thể mệt mỏi (về thể chất), song hầu hết mọi người đều cảm thấy được thư
giãn, vui vẻ. Họ chia sẻ những kỉ niệm đẹp về chuyến đi, những bức ảnh đẹp,
những trải nghiệm thú vị.
Du lịch là cơ hội để cho mọi người gặp gỡ, tìm hiểu lẫn nhau. Khi đi du lịch,
mọi người có thời gian gần gũi nhau hơn, có điều kiện bộc lộ tính cách cũng như
chính kiến của mình. Họ cũng có thời gian để trao đổi, chia sẻ suy nghĩ của mình
cũng như thấu hiểu được người khác. Khách du lịch có thể là những người cùng tổ

146
Cần phân biệt với khái niệm chất lượng cuộc sống
156
chức, nhưng cũng có thể là những người xa lạ, không quen biết. Ngồi cùng nhau
trên một phương tiện vận chuyển, ngồi cùng bàn ăn, chụp các bức hình chung…
giúp họ xích lại gần nhau hơn, trở nên thân thiết hơn, giúp họ dễ dàng xóa đi
những mặc cảm, định kiến ban đầu, xóa đi khoảng cách với người khác khi mới
gặp nhau lúc đầu chuyến đi. Chính vì vậy mà Tim Cahill, một nhà văn Hoa Kỳ đã
viết: “Một cuộc hành trình không phải được đo bằng dặm mà được đo bằng tình
bạn.”147
Chuyến đi cũng làm lu mờ sự khác biệt xã hội, không còn là rào cản giữa
mọi người. Tại điểm du lịch, khi được trực tiếp chứng kiến hoặc tiếp xúc, khách du
lịch sẽ có cái nhìn thông cảm hơn trước sự khác biệt văn hoá mà họ gặp phải.
Chuyến đi giúp mọi người trở nên khoan dung hơn như cách nói của cựu thủ tướng
Anh Benjamin Disraeli148: “Du lịch dạy sự khoan dung”. Du lịch giúp mọi người
gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, xóa đi những định kiến ban đầu. “Du lịch là để
khám phá ra rằng mọi người đều hiểu sai về những đất nước khác.” (Aldous
Huxley149) hay “du lịch sẽ giết chết thành kiến, cố chấp, và bảo thủ.” (Mark
Twain150)
Trong thời đại ngày nay, ở tất cả các quốc gia, xoá đói giảm nghèo luôn là
vấn đề được quan tâm đặc biệt. Du lịch là một trong những công cụ xoá đói giảm
nghèo hiệu quả cho xã hội. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi của nước ta, du lịch
đã góp phần thay đổi bộ mặt làng quê. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng: mạng
lưới đường sá, hệ thống điện, nước được đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn cần có.
Khi khách du lịch đến, người dân có nhiều việc làm có thu nhập cao, đời sống vật
chất được cải thiện nhiều, nguy cơ nghèo đói sẽ bị đẩy lùi.
Du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình đến những
nơi có phong cảnh đẹp, có các di sản văn hoá có giá trị của đất nước. Tại các điểm
tham quan du lịch, khách được tận mắt nhìn thấy những thắng cảnh, những di tích
văn hoá lịch sử, những công trình kiến trúc…, được nghe giới thiệu về những giá
trị thiên nhiên, môi trường, lịch sử, văn hoá, khoa học kỹ thuật trên đất nước của
mình. Khách du lịch được hiểu hơn về những chiến tích của cha ông trước thiên
tai, địch hoạ. Sau chuyến tham quan Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Đền Trần, Bãi

147
Xem.“50.câu.trích.dẫn.về.du.lịch.truyền.cảm.hứng.nhất.mọi.thời.dại”.tại.https://www.ef.com.vn/blog/language/
50-cau-trich-dan-ve-du-lich-truyen-cam-hung-nhat-moi-thoi/
148
Xem.https://vi.wikipedia.org/wiki/
Benjamin_Disraeli.và.xem.“50.câu.trích.dẫn.về.du.lịch.truyền.cảm.hứng.nhất.mọi.thời.dại”.tại.https://
www.ef.com.vn/blog/language/50-cau-trich-dan-ve-du-lich-truyen-cam-hung-nhat-moi-thoi/
Aldous.Leonard.Huxley.
149

(1894.1963).xem.“50.câu.trích.dẫn.về.du.lịch.truyền.cảm.hứng.nhất.mọi.thời.dại”.tại.https://www.ef.com.vn/blog/
language/50-cau-trich-dan-ve-du-lich-truyen-cam-hung-nhat-moi-thoi/
Xem.“50.câu.trích.dẫn.về.du.lịch.truyền.cảm.hứng.nhất.mọi.thời.dại”.tại.https://www.ef.com.vn/blog/language/
150

50-cau-trich-dan-ve-du-lich-truyen-cam-hung-nhat-moi-thoi/

157
cọc Bạch Đằng, chiến trường Điện Biên Phủ …, khách du lịch Việt Nam sẽ cảm
thấy tự hào về ý chí của cha ông trước giặc ngoại xâm. Trong các bài hướng dẫn
cho khách du lịch tới tham quan du lịch Hà Lan, bất cứ hướng dẫn viên bản địa nào
cũng đều tự hào nhắc cho khách câu ngạn ngữ của họ là “Chúa tạo ra thế giới,
người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan” 151. Người Việt Nam cũng có thể tự hào khi
được đi dọc và ngắm nhìn những con đê do cha ông ta đắp nên từ hàng ngàn năm
nhằm ngăn ngừa lũ lụt và tạo ra đồng bằng châu thổ sông Hồng, vựa lúa lớn nhất
miền Bắc. Rõ ràng là những chuyến du lịch đó mang lại những trải nghiệm thực tế
cho khách du lịch, là những bài học rất hiệu quả về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Có thể nói, tác động tích cực nhất của du lịch đến xã hội là tạo ra công
ăn việc làm. Theo quy luật, xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng được
ứng dụng ngày càng nhiều vào các ngành kinh tế. Máy móc đã dần thay thế cho lao
động của con người. Trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, việc sản xuất hàng hoá được
tự động hoá, số lượng công nhân giảm đi đáng kể. Trong khi đó, là một ngành dịch
vụ đặc biệt nên càng phát triển, nhu cầu “lao động sống” của ngành Du lịch càng
cao. Lao động tạo ra các sản phẩm du lịch không chỉ là năng lực thể chất, năng lực
trí tuệ mà còn cả năng lực tinh thần. Khi tiêu thụ sản phẩm du lịch, khách không
chỉ tiêu thụ các giá trị vật chất đơn thuần mà còn quan tâm nhiều đến thái độ, hành
vi của người phục vụ. Do vậy, ngành Du lịch lúc nào cũng cần lao động sống, ngay
trong điều kiện khoa học kỹ thuật rất phát triển. Theo trang web của Quỹ Quốc tế
Bảo vệ Thiên nhiên WWF152 du lịch biển thế giới tạo ra 200 triệu việc làm mỗi
năm. Về tổng thể, trung bình cứ 11 việc làm trên thế giới thì có 1 việc làm liên
quan đến ngành Du lịch (UNWTO 2019) Đây là lý do mà năm 2015, UNWTO đã
đưa ra khẩu hiệu “Một triệu khách du lịch-một triệu cơ hội việc làm”. Theo số liệu
của Tổng cục Thống kê, năm 2019, số lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và
ăn uống ở nước ta là 2.750 nghìn người, chiếm 5,07% lực lượng lao động và
16.41% lực lượng lao động trong khối ngành dịch vụ.
Không chỉ tạo ra nhiều việc làm trong ngành, du lịch còn là động lực để tạo
ra nhiều ngành nghề mới. Ngoài hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhân viên
nhà hàng cung cấp các dịch vụ cho khách, nhân viên nhiều ngành nghề khác cũng
tham gia vào phục vụ khách du lịch một cách trực tiếp hay gián tiếp. Có những
ngành nghề mới xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Người nông
dân làng Trà Quế có nghề trồng rau truyền thống. Để thu hút khách du lịch, một
nghề hoàn toàn mới đối với những người nông dân ở đây đã hình thành: hướng dẫn
cho khách du lịch tham gia làm đất trồng rau, chăm sóc rau như tưới rau, làm cỏ
hoặc thu hoạch rau. Những chiếc gùi quen thuộc trên lưng đồng bào dân tộc bây
giờ đựng một số vật dụng cần thiết phục vụ khách du lịch trekking. Những cô gái
bận rộn chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ hàng đêm đã là hình ảnh quen thuộc
ở những bản làng xa xôi miền sơn cước. Những nghề mới này nhiều khi đem đến
151
“God schiep de aarde, maar de Nederlanders schiepen Nederland”
152
https://wwf.panda.org/our_work/oceans/solutions/reducing_tourism_impact/

158
cho họ nguồn thu nhập khá cao, mang lại cho họ một tương lai tốt đẹp hơn đúng
như định hướng phát triển du lịch mà UNWTO đề ra năm 2019: “du lịch và một
tương lai tốt hơn cho mọi người”
Ở những nước đang phát triển, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi
xa xôi, trẻ em và phụ nữ thường là những người lệ thuộc, hầu như họ không có vai
trò gì trong cuộc sống gia đình và xã hội. Người đàn ông đi làm ngoài xã hội,
người phụ nữ thường ở nhà lo việc gia đình nên kinh tế khá phụ thuộc vào người
chồng. Nhưng khi du lịch phát triển vai trò người phụ nữ đã dần thay đổi theo
hướng tích cực hơn. “Du lịch mở cửa cho phụ nữ”, nhất là tạo nhiều cơ hội việc
làm cho phụ nữ do tỷ lệ lao động nữ trong du lịch khá cao. Trong một công bố mới
đây của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, trong khu vực các nước G20, tỷ lệ
phụ nữ làm việc trong lĩnh vực du lịch là 46,4%, trong khi đó tỷ lệ nữ trong nền
kinh tế chung chỉ là 43,3%. Riêng ở Mehico, Hàn Quốc, Nam Phi tỷ lệ này lần lượt
là 50.8% và 36.4%, 53.0% và 42.0%; 53.6% và 43.7%.(WTTC, 2019:1). Cũng
theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành Du lịch toàn thế giới có số
lượng lao động nữ gần gấp đôi so với các ngành khác. Về mặt đãi ngộ, 42,0% phụ
nữ trong các doanh nghiệp du lịch nằm trong nhóm được trả lương cao nhất, cao
hơn so với 39,2% ở tất cả các ngành kinh tế khác (WTTC, 2019, trang 3).
Dịch vụ lưu trú và ăn uống,

Nông, lâm
nghiệp, thuỷ sản;
Dịch vụ khác; 30.87% 35.43%

Công nghiệp và xây dựng; 28.63%

Hình 3.1. Cơ cấu lao động của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống
trong khu vực kinh tế quốc dân Việt Nam năm 2019
Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê153
Không chỉ việc làm và thu nhập, du lịch cũng là lĩnh vực tạo nhiều cơ hội
cho phụ nữ thăng tiến. Nhiều vị trí quản lý bậc trung và cả bậc cao trong ngành Du
lịch đều có phụ nữ. Vị thế của phụ nữ trong gia đình do vậy cũng được nhìn nhận
đúng đắn và công bằng hơn.

153
https://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=714

159
3.2.2. Tác động tiêu cực của du lịch đến xã hội
Tác động tiêu cực nhất của du lịch đến xã hội chính là tạo ra môi trường tốt
cho các tệ nạn xã hội phát triển. Tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma tuý, mại dâm… là
sản phẩm của xã hội chứ không phải là của du lịch. Tuy nhiên khi du lịch xuất
hiện, các tệ nạn này có điều kiện nảy nở và phát triển nhanh chóng hơn. Tại nhiều
điểm tham quan du lịch, khách du lịch là đối tượng quan tâm của những kẻ lừa
đảo, trộm cắp hoặc môi giới mại dâm, ma tuý…. Do khách du lịch là những người
lạ, từ xa đến, nhiều khi không hiểu biết phong tục, tập quán, nếp sống địa phương,
không biết đường, thậm chí không biết tiếng… nên dễ dàng bị lừa đảo, “chặt
chém”. Những chuyện lừa đảo khá phổ biến ở hầu hết các điểm tham quan du lịch,
ngay cả ở châu Âu. Gần đây một khách du lịch Philippines đã đăng trên blog có
tên là “Những lữ khách đáng thương” một bài về 15 kiểu lừa đảo bạn cần biết
trước khi đi du lịch châu Âu154. Khách du lịch đến Việt Nam cũng có những bài
chia sẻ để tránh bị lừa đảo, ví dụ như:
Khách du lịch đến sẽ mang theo văn hoá ngoại lai, có thể khác lạ với văn
hoá địa phương. Một số người, đặc biệt là thanh thiếu niên địa phương có thể coi
những hành vi khác lạ của khách du lịch là một xu hướng thời thượng thú vị và do
vậy họ sẽ làm theo để thể hiện bản thân, thể hiện “đẳng cấp”. Thực tế, việc dung
nạp văn hoá bên ngoài là một quy luật tất nhiên, song dung nạp một cách thiếu
hiểu biết, không chọn lọc lại là điều nên tránh.
Tác động tiêu cực khác của du lịch đến xã hội là có thể làm nảy sinh một số
mâu thuẫn do sự khác biệt về lối sống, văn hoá, tôn giáo, kinh tế, ý thức hệ…, đặc
biệt là giữa người dân địa phương với khách du lịch, doanh nghiệp du lịch. Doxey
(1975) đã chỉ ra quy luật có tính khách quan giữa thái độ của cư dân địa phương và
lượng khách đến. Theo tác giả, khi mới bắt đầu có khách, người dân địa phương tỏ
ra phấn chấn, tuy nhiên sau một thời gian, khi khách du lịch đến quá nhiều, người
dân cảm thấy bực bội và phản ứng dữ dội. Trong một nghiên cứu của Cole, S.
2012, ở Bali, trong khi người dân phải đi 3km để lấy nước thì sân golf ở đây tiêu
thụ đến 3 triệu lít nước 1 ngày. So sánh tương phản này phần nào phản ánh nguyên
nhân dẫn đến những xung đột có thể xảy ra.
Một tác động tiêu cực nữa của du lịch đến xã hội đó là hoạt động du lịch
cũng có thể góp phần hình thành và làm gia tăng tệ nạn bóc lột trẻ em. Hiện tượng
này được gọi là lao động trẻ em (child labor). Theo Vũ Hương Lan (2021), lao
động trẻ em trong du lịch là "trẻ em thực hiện các công việc trong ngành du lịch
trái với quy định của pháp luật (về độ tuổi, thời gian lao động và loại công việc),
dù cưỡng bức hay tự nguyện, làm tổn hại tới sức khỏe, tinh thần hay sự phát triển
thể chất, tâm lý và làm ảnh hưởng tới việc học hành của trẻ" (trang 48).

154
https://www.thepoortraveler.net/2019/11/europe-scams/

160
Lao động trẻ em có thể được tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực của ngành Du
lịch, từ dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, vui chơi giải trí, sản xuất và bán đồ
lưu niệm... Các công việc trẻ em làm chủ yếu là bán hàng rong, bán hàng, hướng
dẫn viên, ăn xin, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ du
lịch khác. Việc trẻ em làm những việc không trái với quy định pháp luật và không
làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần hay việc học hành, vui
chơi của trẻ được gọi là việc làm trẻ em (child work). Hơn nữa, lao động trẻ em
còn góp phần tạo ra hình ảnh xấu về điểm đến du lịch, đi ngược lại với mục tiêu
phát triển du lịch bền vững được thế giới và Việt Nam đề cao trong thời gian gần
đây.
3.3. Tác động của du lịch đến kinh tế
3.3.1. Tác động tích cực của du lịch đến kinh tế
Nhìn một cách tổng thể trong nền kinh tế quốc dân, du lịch có tác động trực
tiếp, tác động gián tiếp và tác động lan toả.
Tác động trực tiếp là việc sản xuất sản phẩm du lịch gắn liền với nhu cầu
tiêu dùng của khách du lịch. Ví dụ, sự gia tăng số lượng khách du lịch ở lại qua
đêm trong các khách sạn sẽ trực tiếp làm tăng doanh số của khách sạn. Doanh thu
này kéo theo hoạt động thanh quyết toán của khách sạn (tiền lương, thuế, vật tư và
dịch vụ…). Du lịch liên quan chặt chẽ với giao thông vận tải. Khi du lịch phát
triển, nhu cầu đi lại gia tăng: khách du lịch đi từ vùng này đến vùng khác, từ nước
này đến nước khác, người làm du lịch đi để mở rộng thị trường, nghiên cứu xây
dựng các sản phẩm du lịch mới, đi tổ chức, chăm sóc khách du lịch…
Nhu cầu đi du lịch tăng kích thích ngành giao thông vận tải phát triển. Nhiều
loại hình, tuyến và phương tiện vận chuyển ra đời. Đường sá được nâng cấp,
phương tiện vận chuyển hiện đại ngày càng chiếm ưu thế với nhiều tính năng ngày
càng ưu việt hơn: tốc độ nhanh hơn, tiện nghi hơn, an toàn hơn, thân thiện với môi
trường hơn… Theo WTTC 2019:5, năm 2018 du lịch và lữ hành đóng góp trên
khoảng 6,5% vào tổng sản phẩm thế giới (GWD). Đặc biệt, du lịch đóng góp trên
50% vào GDP các quốc gia và vùng lãnh thổ như Macau (72,2%), Seychelles
(67,1%), Maldives (66,4%), St Kitts and Nevis (62,4%) Grenada (56,6%)155. Cũng
theo số liệu của WTTC, du lịch Việt Nam đóng góp 9,2% vào GDP.
Du lịch đang ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Điều đó cũng có nghĩa là đóng góp của du lịch vào ngân sách nhà nước ngày càng
nhiều thông qua các loại thuế theo luật định.

155
https://WTTC2019/world-travel-and-tourism-council-data?
country=1001250&measure=1000080&variable=1000100&utm_source=datafinder&utm_medium=excel&utm_campaign=sourc
elink&frequency=A&lastUpdated=1560437535880

161
Tăng trưởng du lịch Tăng trưởng GDP
toàn cầu % toàn cầu %

Hình 3.2. Tốc độ tăng trưởng của du lịch và nền kinh tế thế giới giai đoạn 2011-2019
Nguồn: WTTC (2019)
Việc tiêu dùng của khách ảnh hưởng dây chuyền đến doanh thu của nhiều
ngành liên quan, tức là du lịch có khả năng kích thích và lôi kéo các ngành kinh tế
khác phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi khách du lịch đến, bên cạnh việc
sử dụng dịch vụ của ngành du lịch, họ có thể trực tiếp tiêu thụ sản phẩm của các
ngành khác như giao thông vận tải, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin liên lạc,
chăm sóc sức khoẻ… Nói cách khác, khi đến tham quan du lịch tại một vùng, một
quốc gia, khách du lịch làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng của ngành nông
nghiệp, ngành chế biến lương thực thực phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ.
Du lịch đã mang một lượng nhu cầu lớn từ nơi khác đến đã góp phần phát
huy được năng lực cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành khác. Nhà hát, rạp chiếu
phim, khu vui chơi giải trí, công viên, bảo tàng, phương tiện giao thông công cộng
… tại điểm tham quan du lịch có hệ số quay vòng lớn chính nhờ sự có mặt của
khách du lịch.
Một điều rất quan trọng là du lịch có tác động gián tiếp đến các ngành kinh
tế khác như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ
khác. Nhiều sản phẩm của các ngành này không phục vụ trực tiếp cho khách du
lịch nhưng lại là đầu vào quan trọng của ngành du lịch khách sạn. Ngành xây dựng
tạo ra các cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch như các khách sạn, resort, các
công trình vui chơi giải trí. Ngành dệt may cung cấp vải để sản xuất ra các bộ đồng
phục của nhân viên, những tấm khăn trải bàn trong nhà hàng, ngành nuôi trồng
đánh bắt thủy hải sản, ngành chăn nuôi cung cấp nguyên liệu cho các bữa ăn phục
vụ khách du lịch. Như vậy, tuy không phục vụ trực tiếp cho khách du lịch, song
nhiều ngành kinh tế cũng có được cơ hội để nâng cao sản lượng do gián tiếp phục
vụ khách du lịch.
Bên cạnh gia tăng về mặt số lượng, chất lượng sản phẩm của các ngành cũng
được nâng cao. Nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm đã được sản xuất dựa trên các
tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy suất nguồn gốc rõ ràng. Nhiều trang trại
đã chuyển sang sản xuất thức ăn hữu cơ, tự giác thực hiện theo quy trình thực hành
162
nông nghiệp tốt toàn cầu hay Việt Nam (GlobalGAP, VietGAP). Nhiều cơ sở sản
xuất đã nhập dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu
chí mà ngành du lịch đòi hỏi để phục vụ khách du lịch, tức là thoả mãn các điều
kiện xuất khẩu.
Tóm lại, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh
tế khác. Ở nhiều nước, đóng góp trực tiếp của du lịch vào nền kinh tế đất nước
không thực sự lớn, thậm chí còn khá khiêm tốn, song đóng góp gián tiếp của nó
thông qua các ngành kinh tế khác rất lớn. Vai trò rất to lớn của du lịch là “kích
thích” các ngành kinh tế khác không được thể hiện trong các số liệu thống kê. Để
chỉ ra được giá trị của du lịch, theo Douglas C. Frechtling (2010), vào những năm
1980 một khái niệm mới đã ra đời, khái niệm tài khoản vệ tinh du lịch156. Đây là
“một hệ thống các chỉ tiêu thống kê du lịch nhằm đánh giá tác động của hoạt động
du lịch trong sự phát triển của nền kinh tế”. Đến năm 2001, tiếp cận tài khoản vệ
tinh du lịch đã được UNWTO đề xuất và khuyến nghị các nước thành viên áp dụng
nhằm đảm bảo tính so sánh quốc tế của thống kê du lịch thế giới. Đến năm 2010 đã
có khoảng 90 quốc gia trên thế giới áp dụng tiếp cận này.

12.00%
10.68% 10.78%
10.17% 10.16% 10.37% 10.41% 10.29%
9.72% 9.82% 9.85%
10.00% 9.16% 9.25%
8.51% 8.70%
8.00%

6.00%

4.00%

2.00%

0.00%
2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019

Hình 3.3. Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP các nước trên thế giới
Nguồn: WTTC( 2019)
Khi thu nhập của những nhà cung ứng trực tiếp và gián tiếp gia tăng, một
phần tiền thuế từ hoạt động kinh doanh phục vụ khách sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ
tầng như điện, đường, thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học và các lĩnh vực
khác. Những ngành này có điều kiện phát triển nhanh hơn. Đối với cá nhân, một
phần thu nhập của nhân viên ngành Du lịch và các ngành kinh tế gián tiếp khác sẽ
đi vào đầu tư cho trang thiết bị trong gia đình, cho tiện nghi cuộc sống và cho các
hoạt động vui chơi, giải trí của họ và người thân của họ. Những ngành kinh tế sản
xuất ra các mặt hàng đáp ứng nhu cầu trên cũng tăng doanh thu và lợi nhuận. Như
vậy, ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô, những tác động của dây chuyền của du lịch đến
các ngành kinh tế khác, chúng không phục vụ trực tiếp hay gián tiếp cho khách du
lịch. Những tác động này được gọi là tác động lan toả của du lịch lên nền kinh tế.
156
Tourism Satellite Acount TSA

163
Có thể coi tác động gián tiếp và tác động lan toả là tác động kinh tế thứ cấp
của du lịch.
Du lịch như một kênh trung gian để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá
của nhiều ngành như ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia
cầm, thuỷ hải sản và chế biến nông sản thực phẩm. Lượng khách đi du lịch mỗi
năm một tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình
khách du lịch quốc tế là trên 4%. Năm 2019, thế giới đã có khoảng 1,6 tỷ lượt
người đi du lịch ra nước ngoài. Ở nước ta, theo Tổng cục Du lịch, năm 2019 Việt
Nam đã đón tiếp 18.008.591 khách quốc tế 157 và phục vụ 85 triệu lượt khách du
lịch nội địa. Rõ ràng rằng, một lực lượng 1,6 tỷ người của thế giới hay hơn 100
triệu khách du lịch ở Việt Nam là một thị trường rất quan trọng và đầy hứa hẹn cho
các ngành sản xuất nông sản thực phẩm cũng như các ngành kinh tế khác của thế
giới cũng như nước ta.
Mặc dù bản chất là một ngành dịch vụ, song du lịch lại có chức năng xuất
khẩu hàng hoá. Thực chất du lịch thực hiện hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Theo
Nguyễn Văn Lưu (2013), đây là “quá trình bán hàng hoá vật chất và dịch vụ cho
khách du lịch quốc tế vào, thu ngoại tệ trực tiếp hay thu bằng đồng nội tệ được quy
đổi, trong phạm vi lãnh thổ của nước mà khách đến du lịch” (trang 26). Với cách
hiểu như thế, theo UNWTO, năm 2018 toàn thế giới có 1,4 tỷ người đi du lịch
nước ngoài và đã chi tiêu hết 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ (UNWTO 2019b), tức là hoạt
động du lịch quốc tế thế giới “xuất khẩu” mỗi ngày được trung bình 5 tỷ đô la Mỹ
và chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới. Ngành Du lịch có nhiều lợi thế
trong xuất khẩu so với nhiều ngành kinh tế khác. Trước hết là du lịch xuất khẩu
nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm một cách nhanh chóng, điều đó
hạn chế hao tổn và không làm giảm chất lượng của hàng hoá. Do thời gian từ lúc
“xuất kho” đến khi đến tay người tiêu dùng rất ngắn nên chi phí bảo quản gần như
bằng không. Nhiều mặt hàng khó xuất khẩu ra nước ngoài do dễ hỏng, mau hỏng
sẽ không gặp trở ngại khi được “xuất khẩu tại chỗ” thông qua du lịch. Không
những thế, du lịch còn “xuất khẩu” được nhiều sản phẩm không thể đưa ra khỏi
biên giới, tức là không thể xuất khẩu được theo nghĩa thông thường. Đó là lao
động tại chỗ của cư dân, là cảnh quan ngoạn mục, là giá trị văn hoá, lịch sử, khoa
học, môi trường, là bầu không khí thân thiện của cộng đồng tại điểm đến...Một lợi
thế nổi trội của việc xuất khẩu thông qua du lịch là chi phí trung gian thấp nên giá
bán có thể cao hơn khi xuất khẩu ra nước ngoài theo con đường ngoại thương. Mặt
khác, giá “xuất khẩu” thông qua du lịch khá ổn định, người sản xuất, đặc biệt là
nhà nông tránh được hiện tượng thường gặp là “được mùa rớt giá”.
Trên bình diện quốc tế, du lịch góp phần thay đổi cán cân thương mại giữa
các quốc gia. Du lịch phục vụ khách quốc tế tạo ra nguồn thu ngoại tệ cho nước

157
http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international?txtkey=&year=2019&period=t12

164
chủ nhà và ngược lại, du lịch ra nước ngoài tương đương hoạt động nhập khẩu
hàng hoá, khi đó ngoại tệ của nước chủ nhà sẽ chảy ra nước ngoài.
Thông thường điểm du lịch nằm ở các vùng nông thôn, ven biển hoặc miền
núi, nơi có điều kiện kinh tế thấp hơn các vùng đô thị. Các điểm này thu hút khách
du lịch từ các vùng có nền kinh tế phát triển cũng có nghĩa là thu hút nguồn vốn từ
nơi giàu về nơi khó khó khăn hơn. Trong phạm vi một quốc gia, tác động này của
du lịch đã góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Thực tế sự thay
đổi nhanh chóng của các điểm du lịch ở các vùng nông thôn, miền núi ở nước ta
trong thời gian qua chứng minh cho nhận định trên.
Một tác động tích cực khác của du lịch đến nền kinh tế là du lịch góp phần
đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông lâm ngư nghiệp sang dịch
vụ. Khi phát triển du lịch, nhiều dịch vụ mới ra đời. Lao động trong ngành nông
lâm ngư nghiệp có thu nhập chưa cao đã tìm thấy giá trị gia tăng thông qua việc tổ
chức cho khách du lịch trải nghiệm về quá trình canh tác truyền thống của mình.
Thay vì chỉ có được thu nhập từ việc bán sản phẩm thông thường, người nông dân,
diêm dân, ngư dân đã có thêm thu nhập đáng kể thông qua việc tổ chức các dịch vụ
hướng dẫn cho khách du lịch làm ruộng, làm vườn, phơi muối, nuổi trồng hay đánh
bắt thuỷ hải sản. Khi du lịch phát triển, nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch xuất
hiện và gia tăng. Doanh thu từ khối dịch vụ do đó mà tăng trưởng, tỷ trọng ngành
dịch vụ tăng thêm đáng kể.
3.3.2. Tác động tiêu cực của du lịch đến kinh tế
Tác động tiêu cực đầu tiên của du lịch lên nền kinh tế là du lịch gây nên sức
ép lên cơ sở hạ tầng như điện, nước và đặc biệt là giao thông vận tải. Khi xuất hiện
thêm một khách du lịch, mức tiêu thụ điện nước không chỉ tăng thêm 1 đơn vị.
Thông thường, khách du lịch tiêu thụ gấp nhiều lần người dân địa phương. Theo
IaCOVIDes 2011, ở Hy Lạp, khách du lịch tiêu thụ 465 lít/ngày, trong khi đó
người dân địa phương chỉ tiêu thụ 22,2 lít/ngày (dẫn theo Gössling và cs, 2015).
Theo nghiên cứu của Stephen J. Page và cộng sự (2014), trong khi 53,3% cư dân
được hỏi ước tính tiêu thụ ít hơn 20 lít mỗi người mỗi ngày, thì 49,1% khách du
lịch ước tính tiêu thụ từ 21 đến 100 lít mỗi người mỗi ngày. Đặc biệt hơn, kết quả
nghiên cứu của Stefan Gössling, Colin Michael Hall, Daniel Scott năm 2015 ở
Zanzibar, Tazania, còn cho thấy, lượng nước mà khách du lịch tiêu thụ hàng ngày
gấp 15 lần (685 lít/ngày) so với dân địa phương (48 lít/ngày).
Đi kèm với việc gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, du lịch còn là nguyên nhân
chính của tình trạng lạm phát cục bộ. Khi khách du lịch đến, nhu cầu tiêu thụ các
hàng hoá, đặc biệt là các nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng. Khi số lượng khách
đến quá nhiều, quan hệ cung cầu hàng hoá trở nên mất cân đối. Giá các mặt hàng
tăng theo cơ chế thị trường. Nhiều khi giá cả tăng vì khách du lịch sẵn sàng trả cao
hơn khi họ so sánh giá ở nơi đến du lịch với giá mà họ phải mua ở nhà. Với mức
giá mới đó, khả năng mua của người dân địa phương bị giảm sút, do nó đã trở nên
quá đắt so với thu nhập của họ. Tình trạng này thể hiện rất rõ trong biến động giá

165
cả bất động sản khi du lịch phát triển. Bất động sản lên giá nhanh chóng do nhu
cầu xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… phục vụ kinh doanh du
lịch tăng vọt, điều này làm cho chính người dân sở tại khó còn khả năng mua được
đất hay nhà để ở.
Tác động tiêu cực thứ ba của du lịch lên nền kinh tế có thể kể đến là sự mất
cân đối trong cơ cấu ngành nghề. Một số người đã bỏ những ngành nghề truyền
thống để gia nhập vào lực lượng lao động phục vụ khách du lịch. Những ngành
nghề truyền thống ở địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, thủ công không còn hấp
dẫn do không mang lại thu nhập cao như các hoạt động buôn bán hay phục vụ
khách du lịch.
Cuối cùng, sự phát triển du lịch quá nhanh, không bền vững tại một số địa
phương có thể dẫn tới sự lệ thuộc kinh tế của cộng đồng dân cư vào du lịch. Đặc
biệt ở những điểm du lịch, nơi dân cư chủ yếu sống phụ thuộc vào thu nhập từ các
hoạt động phục vụ khách đem lại. Khi du lịch bị ngưng trệ và không phát triển do
chịu tác động bởi các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, bất ổn chính trị,
nền kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
3.4. Tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên
3.4.1. Tác động tích cực của du lịch đến môi trường tự nhiên
Môi trường sống của con người là tất cả những gì bao quanh con người, có
tác động tương hộ với sự tồn tại của con người. Xét theo nguồn gốc có thể chia
thành môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ở đây, thuật ngữ môi trường được
hiểu theo nghĩa hẹp, tức là môi trường tự nhiên. Môi trường có các chức năng sau:
1- là nơi sinh sống của con người; 2- là lớp vỏ bọc bảo vệ loài người khỏi các bức
xạ có hại từ vũ trụ; 3-là nơi lưu trữ thông tin; 4- là nơi cung cấp tài nguyên cho con
người và 5- là nơi chứa đựng xả thải của con người. Để tồn tại và phát triển, con
người khai thác tài nguyên và kết quả của quá trình đó là con người xả thải vào
môi trường. Ngày nay, loài người đã ý thức được nguy cơ tiềm tàng của việc làm ô
nhiễm môi trường, song trong những trường hợp cụ thể, người ta vẫn đặt lợi ích
kinh tế lên trên môi trường. Rõ ràng rằng, lợi nhuận thu được cho mình là có thật,
song ô nhiễm môi trường thì không phải chỉ một mình họ chịu và tác động của ô
nhiễm thường không quá mạnh, con người không cảm nhận được nó một cách dễ
dàng. Ít người thấy được giá trị to lớn của môi trường nên việc đầu tư cho môi
trường không được họ quan tâm. Du lịch góp phần thay đổi tư duy của mọi người.
Muốn thu hút được khách du lịch, môi trường điểm đến phải thật sự xanh, sạch và
đẹp. Cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường có thể mang lại lợi ích kinh tế thông
qua hoạt động kinh doanh du lịch. Những khu đất cằn cỗi đã trở thành sân golf
xanh cây cỏ, những khu rừng đa tác dụng được trồng xung quanh các khu nghỉ
dưỡng sinh thái để tạo ra cảnh quan thiên nhiên bắt mắt.
Du lịch không chỉ góp phần cung cấp nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi
trường mà còn góp phần làm giàu đa dạng sinh học. Những vườn thú bán hoang dã
(safari) không chỉ còn là nơi “giam cầm” động vật hoang dã như vườn thú
166
(zoopark) mà là nơi các loài thú có thể tự do đi lại, sinh sống như ở trong thiên
nhiên hoang sơ. Theo Wikipedia, công viên safari đầu tiên trên thế giới được thành
lập năm 1953 ở Florida, Hoa Kỳ có tên là Châu Phi ở Hoa Kỳ. Năm 1963, Vườn
thú Tama ở Tokyo Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức đưa khách bằng xe dã chiến qua
khu vực có hổ sinh sống. Cho đến nay trên thế giới có đến hàng trăm safari 158.
Theo Vnexpress số ra ngày 31/3/2017, ở Việt Nam đã thành lập 3 safari để thu hút
khách du lịch, đó là safari Phú Quốc, safari Mường Thanh, Diễn Lâm, Nghệ An,
vườn thú FLC Zoo Safari Nhơn Lý, Quy Nhơn159. Tuy nhiên mặt trái của sasfari là
trong thực tế nhiều safari mở ra chỉ để mục đích kinh doanh du lịch, không gian tự
nhiên của các động vật hoang dã này không lớn, mặt khác nhiều loài động vật có
trong safari không phải là động vật bản địa, nên có không ít con không thích nghi
với điều kiện tự nhiên mới, bên cạnh đó việc nhập khẩu các động vật hoang dã có
thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nguy cơ cạnh tranh với động vật bản địa.
Hoạt động du lịch còn góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của môi
trường cho tất cả các bên liên quan. Cộng đồng, nhà cung ứng du lịch lượng hoá
được giá trị môi trường dựa vào thu nhập của họ từ khách du lịch đến tham quan
cảnh đẹp của địa phương. Nhận thức đó tạo nên động lực chung tay gìn giữ môi
trường xanh, sạch và đẹp. Không chỉ nhà cung ứng mà khách du lịch cũng được
nâng cao nhận thức về giá trị môi trường. Khi tham gia vào hoạt động du lịch, đặc
biệt là du lịch sinh thái, khách du lịch được nghe diễn giải về môi trường, tức là
được giải thích “ý nghĩa và các mối quan hệ thông qua sử dụng các đối tượng có
thật, sự tiếp xúc trực tiếp và các phương tiện minh hoạ hơn là chỉ đơn giản cung
cấp các thông tin” (Tilden Freeman, 1967).
Hệ quả của việc nâng cao nhận thức về giá trị môi trường và trách nhiệm đối
với môi trường thiên nhiên là du lịch góp phần hình thành và lan toả những hành vi
thân thiện với môi trường. Những khách du lịch có kinh nghiệm, trong đó phải kể
đến khách du lịch phương Tây thể hiện là những người rất có trách nhiệm với môi
trường. Tại các điểm du lịch ở Việt Nam, đặc biệt ở các điểm du lịch sinh thái, hầu
như không thấy khách du lịch vứt rác bừa bãi.
Tại nhiều nơi, du lịch đã góp phần xanh hoá môi trường. Du lịch thiên nhiên
nói chung, du lịch sinh thái nói riêng manglaij nguồn lợi rõ rệt cho chủ nhà. Do
vậy, nó là động lực quan trọng để cư dân và các nhà cung ứng du lịch đầu tư vào
môi trường. Khi môi trường dần trở nên tốt hơn, bản thân sự xanh sạch đẹp của
môi trường đã làm cho con người thấy dễ chịu hơn, khoẻ mạnh hơn. Điều này lại
làm cho họ tăng cường công tác xanh hoá môi trường, gìn giữ môi trường với mục
đích kép là để thu hút thêm khách du lịch và cho chính bản thân họ. Môi trường trở
nên sạch sẽ, gọn gàng và đẹp hơn.

158
https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_d%C3%A3_sinh
159
https://vnexpress.net/ba-vuon-thu-safari-ban-hoang-da-o-viet-nam-3562923.html

167
Du lịch còn có khả năng giúp phát hiện được giá trị kinh tế của nhiều cảnh
quan thiên nhiên có thể không có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp như các
đầm lầy, đồi cát. Các cồn cát Quang Phú (Quảng Bình), Mũi Dinh, Nam Cương
(Ninh Thuận), cồn cát đỏ và cồn cát trắng ở Mũi Né (Bình Thuận) trước kia là
những vùng đất bỏ hoang, không thể trồng trọt do nắng nóng và gió thì nay đã trở
thành những điểm vui chơi giải trí hấp dẫn với nhiều trò chơi được khách du lịch
thích thú như xe leo đồi cát, trượt cát, đi bộ trong sa mạc. Sự hấp dẫn của Cồn cát
Trắng và Cồn cát Đỏ ở Mũi Né đã được khách du lịch quốc tế đánh giá là 2 trong 5
cồn cát đẹp nhất Đông Nam Á.160
3.4.2. Tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường tự nhiên
Trong ngành Du lịch từng đã có câu nói: “du lịch là ngành công nghiệp
không khói”. Từ “không khói” ở đây có hàm ý là không gây ô nhiễm môi trường.
Ý tưởng này được đưa ra trên cơ sở so sánh với các ngành công nghiệp mà ô
nhiễm môi trường dường như là một đặc điểm. Tuy nhiên khi du lịch phát triển ồ
ạt, mức độ ô nhiễm môi trường của hoạt động du lịch không phải là nhỏ. Theo
thống kê của UNWTO, năm 2019, trên thế giới có 1,46 tỷ người đi du lịch ra nước
ngoài (UNWTO, 2020). Khi đi du lịch, khách du lịch sẽ sử dụng phương tiện vận
tải (chủ yếu là máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô). Những phương tiện này là một
trong những nguồn phát thải khí nhà kính như CO và CO 2. Bên cạnh đó các
phương tiên giao thông vận tải còn là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn.
Theo Tổ chức Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu 161, khói thải từ máy bay
chiếm 3,5% nguyên nhân làm cho Trái Đất nóng dần lên. Các báo cáo của tổ chức
này trong những năm gần đây cho thấy, con số trên có thể tăng vọt lên gấp 6
lần!162. Theo Nhung Nguyễn đăng trên trang web “Mạng lưới không khí sạch Việt
Nam-VCAP” ngày 20 tháng 4 năm 2020, “Một nghiên cứu mới của Viện Công
nghệ Massachusetts (MIT), công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi
trường, cho thấy máy bay bay ở độ cao hành trình (bay ở độ cao > 35.000 feet) sẽ
thải ra các chất ô nhiễm gây ra khoảng 8.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn
cầu”163.
Các chất khí do tàu thuỷ xả thải gồm CO2: 1 – 10%; HC : 0,9 – 5%; CO:
0,01 – 0,5%; HCHO: 0,1 – 0,9%; NOx: 0,02 – 5%; SO x: 0,2 – 3%; bồ hóng: 0,01 –
1g/m (Phạm Thị Dương 2015:18). Ngoài ra, tàu thuỷ du lịch là nguồn gây ô nhiễm

160
https://mytour.vn/location/11211-viet-nam-so-huu-2-trong-5-con-cat-dep-nhat-dong-nam-a.html
161
Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC
162
https://vnexpress.net/s-o-s-khoi-thai-may-bay-1981872.html
163
Nguồn: Nhung Nguyễn http://vietcleanair.vn/o-nhiem-khong-khi-nguon-khi-thai-tu-may-bay/

168
nước như làm tăng nhiệt, nước xả thải (nước đen, nước xám và nước la-canh).
Theo trang web của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF 164 tàu du lịch ở vùng
biển Caribe đổ ra biển mỗi năm trên 70 ngàn tấn nước thải. Theo một nghiên cứu
của Butt N. (2007) các tàu du lịch biển (cruise ships) phải chịu trách nhiệm cho
25% tổng lượng rác thải rắn của các tàu chạy trên biển.
Ngoài khí thải, tiếng ồn, nhiệt độ, ô tô còn là tác nhân tạo ra bụi, nhất là bụi
mịn và hiện tượng ách tắc giao thông. Vào các dịp nghỉ dài ngày, các dịp lễ hội,
hiện tượng ùn tắc giao thông gần các điểm du lịch hiện nay ở nước ta đã gần như là
không thể tránh khỏi.
Phát triển du lịch có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc phát triển
thiếu quy hoạch, khai thác không hợp lý các tài nguyên du lịch tự nhiên có thể làm
hỏng các bờ biển, phá vỡ hệ sinh thái của sông biển, nước, đảo, vùng núi, làm cho
nguồn tài nguyên tự nhiên bị nghèo đi hoặc bị thu hẹp.
Việc xây dựng các công trình hạ tầng du lịch, đặc biệt là các khách
sạn cao tầng tại các khu vực ven bờ biển, vùng núi, việc xuất hiện nhiều cơ sở,
dịch vụ với nhiều kiểu kiến trúc, các khối nhà bê tông, nhiều khi không hài hoà với
môi trường xung quanh, làm phá vỡ cảnh quan.
Phát triển du lịch là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi
trường, nguồn nước, không khí. Nước thải từ các khách sạn, nhà hàng từ các cơ sở
kinh doanh du lịch là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước ở các vùng chung quanh, đặc
biệt là các cơ sở được xây dựng gần sông hồ. Một số khách sạn nhà hàng được xây
dựng thiếu hệ thống xử lý nước thải, do vậy, nước thải sinh hoạt được đổ thẳng vào
hệ thống cống rãnh, chảy vào các sông suối, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước.
Sự phát triển du lịch cũng thường kéo theo sự gia tăng rác thải. Khách
du lịch thường thải ra môi trường lượng chất thải khá lớn. Trong khi đó việc thu
gom, phân loại và xử lý rác thải ở hầu hết các khu du lịch chưa được thực hiện tốt.
Ở nhiều nơi, rác thải làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải còn là
nơi chứa nhiều nguồn bệnh cho người, gia súc, là nơi cư trú và phát triển của
chuột, bọ, nhiều loại côn trùng khác. Hoạt động du lịch cũng làm ô nhiễm mồi
trường không khí. Các hoạt động du lịch thường có liên quan nhiều đến các
phương tiện giao thông cơ giới, các động cơ máy nổ, động cơ tàu thuyền v.v. Các
phương tiện máy móc này khi hoạt động, thường thải vào không gian một lượng
lớn khí thải. Đặc biệt nồng độ khí xả từ các động cơ máy móc làm ô nhiễm không
164
https://wwf.panda.org/our_work/oceans/solutions/reducing_tourism_impact/
169
khí, gây ra nhiều loại bệnh phổi và nhiều tác động xấu lên cơ thể qua đường hô hấp
đối với người dân địa phương và khách du lịch.
Phát triển du lịch gây sức ép lớn đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Các hoạt động của khách du lịch tại vườn quốc gia, khu bảo tồn có thể làm giảm đa
dạng sinh học. Các hoạt động du lịch được tổ chức tại các khu bảo tổn có thể làm
cho số lượng các cá thể động thực vật giảm sút, thậm chí đẩy một số loài sinh vật
vốn có trong hệ sinh thái đó bị tiêu diệt hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Sự ồn ào từ các
hoạt động du lịch cũng có thể xua đuổi một số loài động vật di cư sang các khu vực
khác, làm nghèo đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái của các khu bảo tồn.
Ngoài ra, việc sử dụng quỹ đất rừng để phát triển du lịch làm cho diện
tích rừng bị thu hẹp. Các hành vi của khách du lịch như bẻ cành cây, hái hoa, dẫm
đạp lên cây cối ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của thiên nhiên.
Việc phát triển các safari tại nhiều điểm du lịch cũng đối mặt với nhiều nguy
cơ. Sự xuất hiện của safari kéo theo một lượng lớn các loài động vật ngoại lai được
du nhập về. Nếu không có nghiên cứu kỹ, có thể một số loại này sẽ làm ảnh hưởng
đến đa dạng sinh học địa phương. Mặt khác, tuy gọi là safari, song hầu hết các loài
thú ở safari cũng chỉ được “thả” trong một không gian nhỏ hẹp, được nuôi bằng
thức ăn nên dần dần mất đi bản năng sinh tồn hoang dã của chúng.
3.5. Tác động của du lịch đến đào tạo và nghiên cứu
Không những ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, chính trị, văn hoá, du lịch
còn có tác động rất lớn đến lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Chỉ nhìn vào thực
trạng đào tạo du lịch ở nước ta trong thời gian gần đây cũng có thể thấy rõ điều đó.
Sau đây sẽ là những nhận định về tác động của du lịch đến hoạt động đào tạo và
nghiên cứu.
3.5.1. Tác động của du lịch đến giáo dục đào tạo

Khi du lịch phát triển, nguồn nhân lực du lịch cũng gia tăng. Có thể lúc ban
đầu, những lao động tham gia vào phục vụ khách du lịch chưa cần nhiều kiến thức,
kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên khi du lịch phát triển, nhiều vấn đề xuất hiện:
khách du lịch không hài lòng, người phục vụ thì mệt mỏi, chán nản, năng suất làm
việc không cao vì nhiều khi không đủ kiến thức, kĩ năng cần thiết. Điều này dẫn
đến nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực được đào tạo một cách chuyên nghiệp về du
lịch và khách sạn.

Ở nước ta, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, du lịch là một trong những
chuyên ngành được nhiều cơ sở đào tạo từ trung cấp, cao đẳng đến đại học và sau
đại học quan tâm và phát triển. Trước hết là sự ra đời của các trường nghiệp vụ du

170
lịch. Năm 1972, cả nước mới chỉ có một trường nghề đào tạo nhân lực cho ngành
Du lịch. Trước nhu cầu thực tế của ngành Du lịch Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo
các chuyên ngành truyền thống như địa lý, kinh tế,… đã xây dựng các chương
trình đào tạo theo hướng phục vụ du lịch, định hướng sang hoạt động đào tạo phục
vụ mục đích cung cấp nguồn nhân lực du lịch. Ngay từ năm 1992, khoa Địa lý
trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại
học Quốc gia Hà Nội) đã mở chuyên ngành đào tạo địa lý du lịch có định hướng
hướng dẫn du lịch (Trần Đức Thanh, 1993). Ngày nay, số cơ sở đào tạo nguồn
nhân lực cho ngành Du lịch trong cả nước đã lên đến gần 200 đơn vị. Theo thống
kê rất chưa đầy đủ trên Bách khoa Toàn thư của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và
Giáo dục về Du lịch của Pháp (Centre International de Recherches et d'Etudes
Touristique-CIRET), thế giới có trên 800 cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn
(trong danh sách này Việt Nam mới chỉ có tên của 4 cơ sở là Khoa Du lịch học
trường là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội,
khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch trường Đại học Hà Nội, khoa Du lịch trường
Đại học Văn Lang và khoa Thương Mại và Du lịch trường Đại học Kinh tế thành
phố Hồ Chí Minh165).

Nếu như năm cuối năm 2005, cả nước mới chỉ có 69 cơ sở đào tạo du lịch,
trong đó 14 trung tâm dạy nghề, 29 trường trung cấp, cao đẳng và 26 cơ sở đào tạo
du lịch hệ đại học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011). Sau 10 năm, cả nước
có 156 cở sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch gồm 48 trường đại học, 43
trường cao đẳng, 40 trường trung cấp, 23 trung tâm đào tạo nghề và 2 công ty đào
tạo (tài liệu đã dẫn)
Sau khi du lịch Việt Nam được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn (Đảng
Cộng sản Việt Nam 2017), hoạt động du lịch đã trở nên rất sôi động. Năm 2019,
Việt Nam đã đón được 18.008.591 khách du lịch quốc tế 166, phục vụ trên 85 triệu
khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch lên đến 755 nghìn tỷ đồng 167. Đây chính
là động lực quan trọng đã làm cho số cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam tăng lên
nhanh chóng. Theo Báo cáo về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay
của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 4
năm 2019, cả nước có cả nước có gần 200 cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề
nghiệp du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình
độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 67 trường đại
học có các khoa du lịch; 56 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào
tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71
trường trung cấp; và 4 trung tâm, lớp đào tạo nghề. 2 trường thuộc doanh nghiệp là
Trường Trung cấp Du lịch - Khách sạn Saigontourist và Trường Cao đẳng nghề

165
http://www.ciret-tourism.com/encyclopaedia/list_of_centers_a.html
166
https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international?txtkey=&year=2019&period=t12
167
http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/receipts

171
Khách sạn Quốc tế Imperial. Theo các loại hình sở hữu có khoảng 30 cơ sở đào tạo
du lịch công lập và khoảng 170 cơ sở ngoài công lập.
Trong số gần 100 trường đại học có ngành Du lịch, khách sạn phải kể đến
trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường
Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, trường Đại học
Thương mại, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trường Đại học Hà Nội, trường Đại
học Du lịch thuộc Đại học Huế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại
học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nha Trang, trường Đại học Ngoại
ngữ-Tin học thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Văn Lang, trường Đại học
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế Đại học Đà Nẵng, trường
Đại học Kinh tế- Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại trường Công
nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại trường Công nghiệp Hà Nội, Đại học
Cần Thơ, trường Đại học Tài chính – Marketing, trường Đại học Hoa Sen.
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch trình độ cao, nhiều cơ sở giáo dục
đào tạo du lịch đã mở các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ về du lịch. Trên
một trang web168 có giới thiệu 724 chương trình đào tạo thạc sỹ trên thế giới liên
quan đến lĩnh vực du lịch và khách sạn năm 2020, trong đó có 226 chương trình
thạc sỹ du lịch và khách sạn, 157 chương trình thạc sỹ du lịch, 75 chương trình
thạc sỹ quản trị du lịch, 38 chương trình thạc sỹ quản trị du lịch và khách sạn, 70
chuyên chương trình thạc sỹ ngành khách sạn, 32 chương trình thạc sỹ quản trị
khách sạn, 20 chương trình thạc sỹ quản trị khách sạn quốc tế, 4 chương trình thạc
sỹ du lịch bền vững và 2 chương trình thạc sỹ về quản trị công viên và giải trí. Ở
trình độ Tiến sỹ có 9 chương trình chuyên ngành Du lịch và Khách sạn, 3 chương
trình Quản trị Du lịch và Khách sạn, 3 chương trình về Quản trị Du lịch169.

Ở Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao cũng rất lớn. Điều này
dẫn đến ảnh hưởng quan trọng đến định hướng đào tạo sau đại học về du lịch của
một số trường. Với năng lực chuyên môn sẵn có, với vị thế của Đại học Quốc gia
Hà Nội đi đầu trong vấn đề này, ngay từ năm 2003, trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn đã mở chương trình đào tạo thạc sỹ Du lịch đầu tiên ở Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2018, trường cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam mở chương
trình đào tạo tiến sỹ Du lịch.
Khi du lịch phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tăng cao, nhiều cơ sở
giáo dục đào tạo cho dù chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết vẫn triển khai mở
các chương trình đào tạo về du lịch. Nếu như đào tạo chuyên ngành khách sạn đòi
hỏi cơ sở đào tạo phải đầu tư khá lớn vào cơ sở vật chất kĩ thuật như trang bị
buồng khách sạn, trang bị bếp, nhà hàng thì đầu tư cho đào tạo lữ hành, hướng dẫn
gần như không đáng kể. Chính vì vậy, nhiều cơ sở đào tạo đã mở đào tạo theo
hướng này để thu hút người học cho dù không chỉ cơ sở vật chất, trang thiết bị
nghèo nàn mà lực lượng giáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên
168
https://www.masterstudies.com/Masters-Degree/Tourism-and-Hospitality/
169
https://www.phdstudies.com/Tourism/

172
môn du lịch. Đây có thể được coi là một tác động tiêu cực của du lịch đến đào tạo.
Du lịch là một ngành có tính nghề rất cao, do vậy, để sinh viên ra trường có cơ hội
việc làm thuận lợi, nhiều cơ sở đào tạo đại học đã tăng tỷ trọng thời lượng đào tạo
nghề. Điều này tạo ra một sự bất hợp lý trong hệ thống đào tạo. Tâm lý người học
muốn ra trường với bằng cấp cao (bằng đại học) nên thay vì vào các trường trung
cấp, cao đẳng nghề, thí sinh tập trung thi vào các trường đại học. Các trường nghề
có đội ngũ giáo viên nghề chuyên nghiệp, được trang bị cơ vật chất kĩ thuật đầy đủ,
nhưng đang bị mất dần nguồn vào vì không cạnh tranh được vị thế các trường đại
học. Điều này gây nên tình trạng lãng phí xã hội rất lớn. Trong khi đó, các trường
đại học đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo nghề, các giáo viên có kiến thức hàn lâm,
lý thuyết song kiến thức, kĩ năng nghề chưa thật sự tốt bắt buộc trở thành những
giáo viên dạy nghề. Chất lượng đào tạo do vậy khó được đảm bảo và mất đi sự cân
bằng giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học mang tính hàn
lâm. Giải pháp cho tình trạng này là cần có sự phân biệt rõ ràng chức năng của các
chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học. Cần có sự
liên thông giữa hai cấp độ đào tạo. Chương trình đào tạo nghề tập trung rèn các kỹ
năng nghề, chương trình đào tạo đại học tập trung vào kiến thức kỹ năng quản lý
cho người học đã qua chương trình đào tạo nghề. Chương trình cao đẳng nghề sẽ
giảm tải các môn có tính lý luận, hàn lâm, và chương trình đại học sẽ tập trung vào
các môn có tính lý thuyết, lý luận. Thời gian hoàn thành chương trình cao đẳng
nghề và đại học sẽ giảm xuống gần một nửa so với hiện nay, tức là trung bình 50-
70 tín chỉ. Để giải quyết vấn đề này có vai trò quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào
tạo cũng như Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
3.5.2. Tác động của du lịch đến nghiên cứu
Nghiên cứu du lịch có phạm vi rất rộng, nó bao gồm tất cả vấn đề liên quan
đến du lịch như khách du lịch, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, cộng đồng dân
cư, chính quyền, môi trường thiên nhiên, khoa học công nghệ …
Ngày nay du lịch đã trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến, một ngành
kinh tế quan trọng và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều vấn đề đã xuất
hiện liên quan đến hiện tượng này. Để những bên liên quan có được quyết định
đúng đắn, phù hợp, rất cần có những nghiên cứu một cách khách quan và khoa học.
Như vậy, du lịch đã làm cho nhiều ngành khoa học có thêm một đối tượng nghiên
cứu mới, hay nói cách khác, những hướng chuyên ngành liên quan đến du lịch của
các ngành khoa học xuất hiện. Địa lý du lịch nghiên cứu sự phân bố không gian
của hệ thống du lịch, Quy hoạch du lịch nghiên cơ sở khoa học để xây dựng những
đề án quy hoạch phát triển du lịch. Bản đồ học du lịch xây dựng hệ thống bản đồ
phục vụ khách du lịch. Kinh tế du lịch nghiên cứu quan hệ cung cầu du lịch do các
nhà cung ứng du lịch và khách du lịch tạo nên. Văn hoá du lịch nghiên cứu các
khía cạnh khai thác các giá trị văn hoá phục vụ phát triển du lịch và xây dựng văn
hoá trong hoạt động du lịch cho cả doanh nghiệp và cá nhân khách du lịch. Tâm lý
học du lịch tìm thấy những khía cạnh phát triển tâm lý của người làm du lịch và
của khách du lịch. Xã hội học du lịch chỉ ra mối tương tác giữa cộng đồng và
173
khách du lịch. Ngay cả ngành công nghệ thông tin cũng tìm thấy hướng áp dụng
tin học vào nghiên cứu du lịch, vào kinh doanh du lịch…
Theo danh sách rất chưa đầy đủ trên Bách khoa Toàn thư của Trung tâm
Quốc tế Nghiên cứu và Giáo dục về Du lịch (CIRET) của Pháp, có thể đếm được
khoảng gần 10.000 nhà khoa học trên thế giới có các công trình nghiên cứu về du
lịch và khách sạn 170. Trung tâm này thu thập lưu trữ các thông tin liên quan đến
các hoạt động nghiên cứu và đào tạo du lịch, giải trí, và khách sạn từ khắp nơi trên
thế giới. Hiện tại, Trung tâm Tài liệu chứa gần 150 nghìn tài liệu từ gần 300 nhà
xuất bản lớn trên thế giới.
Du lịch còn là động lực để hình thành một lĩnh vực khoa học mới, đó là khoa
học du lịch. Vào những năm đầu của thế kỉ XXI, Jean Michel Hoerner (2002) đã
công bố một công trình chứng minh cho sự ra đời của một ngành khoa học mới với
tiêu đề “Tourismologie”. Rõ ràng rằng, du lịch xứng đáng được công nhận là một
ngành khoa học vì nó có đối tượng nghiên cứu, có hệ thống phạm trù, có phương
pháp nghiên cứu. Ngoài ra nó còn có tính lịch sử và tính ứng dụng thực tế.
Cho đến nay trên thế giới có hàng nghìn tạp chí chuyên công bố các công
trình nghiên cứu về khách sạn và du lịch. Không kể các bài đăng ở các tạp chí
chuyên ngành khác, đã có hàng trăm nghìn công trình nghiên cứu khoa học được
đăng trên các tạp chí chuyên ngành khách sạn và du lịch, giải trí. Các công trình
nghiên cứu du lịch có phạm vi bao quát rất rộng lớn. Từ các công trình có tầm vĩ
mô như phát triển du lịch bền vững, chiến lược phát triển du lịch, dự báo tương lai
du lịch, đến các công trình nghiên cứu những vấn đề rất cụ thể như cảm nhận, sự
hài lòng, hành vi tiêu dùng của khách du lịch.
3.6. Phát triển du lịch bền vững
Môi trường là nơi ở, nơi cung cấp đồ ăn thức uống và cũng là nơi chứa xả
thải của con người. Trong khi môi trường, không gian sống của con người là có
hạn, thì dân số ngày một gia tăng kéo theo việc khai thác tài nguyên và xả thải
ngày càng nhiều. Mâu thuẫn này đã bắt đầu được nhận biết một cách rõ nét từ nửa
cuối của thế kỉ trước. Khái niệm “Phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu tiên vào
năm 1972, trong một báo cáo mang tên “Các giới hạn tăng trưởng” (Meadows và
cộng sự, 1972) với hàm ý thúc đẩy phát triển mà không gây nguy hiểm cho môi
trường. Năm 1983, Liên Hợp Quốc thành lập một uỷ ban do Thủ tướng Na Uy Gro
Harlem Brundtland đứng đầu để nghiên cứu về vấn đề này. Bốn năm sau, uỷ ban
này đã công bố một báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” hay còn gọi là “Báo
cáo Brundtland”. Báo cáo Brundland cảnh báo về hậu quả tiêu cực đối với môi
trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa. Báo cáo cũng đã bước
đầu đề xuất một số giải pháp khả thi liên quan đến các vấn đề công nghiệp hóa và
gia tăng dân số. Báo cáo đã đưa ra quan điểm về phát triển bền vững: “Phát triển

170
http://www.ciret-tourism.com/encyclopaedia/list_of_researchers.html
174
bền vững là đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng
đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai” (WCED, 1987: 43) 171.
Khái niệm này tiếp tục được thảo luận bổ sung tại Chương trình Nghị sự 21
hay còn gọi là Agenda 21 để thống nhất kế hoạch hành động và các nguyên tắc cơ
bản vì sự phát triển bền vững với 8 nội dung chính được coi là các “mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ”172. Khái niệm phát triển bền vững tiếp tục được xác định là một
quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba phương diện
là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Đến năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Môi trường họp tại
Rio de Janeiro (Brasil), khái niệm “phát triển bền vững” được chính thức công
nhận và được coi như là một định hướng chiến lược của các nền kinh tế; sau đó
tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh tại hội nghị Johnannesburg năm 2002. Theo đó,
phát triển bền vững “được định nghĩa là phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà
không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai” 173. Như vậy,
phát triển bền vững là sự phát triển trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa giữa ba yếu tố:
kinh tế, xã hội và môi trường của hiện tại và tương lai.
Tại Việt Nam, dựa trên quan điểm này, Luật bảo vệ môi trường 2014 và dự
thảo sửa đổi năm 2020 đã quy định “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được
nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của
các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế,
bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.
3.6.1. Khái niệm phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một lĩnh vực có liên rất chặt chẽ với các yếu tố kinh tế, môi
trường và con người nên nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, trong
đó có giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách. Cùng với sự ra đời của
khái niệm “phát triển bền vững” thì khái niệm “du lịch bền vững” cũng là một vấn
đề thu hút sự chú ý của cộng đồng. Theo Hansruedi Müller & Bernard Lane
(2003), Giáo sư người Thuỵ Sỹ Jost Krippendorf là một trong số những nhà khoa
học đầu tiên cảnh báo về những tác động tiêu cực làm suy thoái môi trường do hoạt
động du lịch gây ra khi ông đưa ra hai thuật ngữ là “du lịch rắn” (hard tourism) và
“du lịch mềm” (soft tourism). Theo ông, du lịch rắn là loại hình du lịch ồ ạt (mass
tourism) còn du lịch mềm là loại hình du lịch thân thiện với môi trường hay đúng
hơn là một chiến lược tôn trọng môi trường trong phát triển du lịch. Do vậy, ông
được coi là một trong những cha đẻ của khái niệm phát triển du lịch bền vững.

171
https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf
172
https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/Agenda21.pdf
173
https://www.un.org/sustainabledevelopment/development-agenda/

175
Hình 3.4. Định nghĩa phát triển du lịch bền vững
Như vậy, du lịch bền vững được mô tả đối nghịch với quan điểm về du lịch
đại chúng. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó không tồn tại sự đối lập về mặt khái
niệm giữa du lịch bền vững và du lịch đại chúng. Trong tiến trình phát triển, khái
niệm “bền vững” đối lập với khái niệm “không bền vững”. Du lịch đại chúng
nhưng vẫn đảm bảo cân đối hài hòa giữa 3 yếu tố kể trên không thể bị gán là không
bền vững. Chính vì vậy, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển WCED cho
rằng “Hoạt động phát triển du lịch bền vững là hoạt động phát triển ở một khu vực
cụ thể sao cho nội dung, hình thức và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời
gian, không làm suy thoái môi trường, làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ”
(WCED, 1987:43) 174.
Tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tổ chức ở Rio
de Janeiro (Brasil) năm 1992, Tổ chức Du lịch Thế giới, nay là UNWTO đã xác
định “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các
nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm
đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển các hoạt động
du lịch trong tương lai”.

174
https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf

176
Năm 1996, Tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN, 1996)
đưa ra khái niệm về du lịch bền vững như là “việc di chuyển và tham quan đến các
vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá
cao tự nhiên (kèm theo tất cả những đặc điểm văn hoá trong quá khứ và hiện tại)
với những khuyến cáo khách du lịch về bảo tồn, giảm thiểu tác động đến môi
trường và mang lại những lợi ích kinh tế-xã hội cho cộng đồng địa phương khi họ
tham gia vào hoạt động du lịch”. Cùng năm đó, Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc
tế (WTTC, 1996) đưa ra một định nghĩa du lịch bền vững ngắn gọn hơn: “Du lịch
bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và vùng du lịch
mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch cho các thế hệ tương
lai”.
Năm 1998, UNWTO đã chính thức thông qua khái niệm du lịch bền vững và
được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và
hoạch định chính sách; được áp dụng rộng rãi và được sử dụng làm khuôn mẫu cho
các chương trình phát triển du lịch bền vững. “Du lịch bền vững là việc phát triển
các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và
người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài
nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch
quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế - xã hội, thẩm
mĩ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh
học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con
người” (UNWTO, 1998) 175.
Tại Việt Nam, Luật Du lịch năm 2017 quy định, phát triển du lịch bền vững
“là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi
trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không
làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.
3.6.2. Các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
Phát triển lịch bền vững là hướng đến việc quản lý, khai thác các nguồn tài
nguyên đảm bảo các điều kiện phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an
sinh xã hội. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, hoạt động du lịch cần phải tuân
theo những nguyên tắc sau (UNEP và UNWTO, 2005)176
- Một, phải khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên đồng thời phải duy trì
tốt các hệ sinh thái, hỗ trợ bảo tồn di sản thiên nhiên và sự đa dạng sinh học.
- Hai, tôn trọng tính nguyên bản (authentic) của văn hóa xã hội cộng đồng
cư dân địa phương, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa, bản sắc văn hóa truyền
thống, đóng góp tích cực vào sự hiểu biết lẫn nhau và đồng cảm liên văn hóa.

175
UNWTO (1998): Guide for Local Authorities on Developing Sustainable Tourism,
https://www.e-unwto.org/doi/epdf/10.18111/9789284402809
176
UNEP và UNWTO (2005): Making Tourism More Sustainable - A Guide for Policy Makers,
https://www.unwto.org/sustainable-development

177
- Ba, đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, ổn định, mang lại lợi ích kinh tế
- xã hội một cách tương xứng, công bằng cho tất cả các bên liên quan về cơ hội
việc làm, thu nhập, các dịch vụ xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia có trách nhiệm
của tất cả các bên liên quan, cũng như sự lãnh đạo kịp thời của các cấp chính
quyền địa phương để đảm bảo có sự đồng thuận và tham gia rộng rãi của cộng
đồng cư dân. Phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi
phải thường xuyên nắm bắt được các tác động, đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm
khắc phục nhanh chóng, kịp thời những tiêu cực, hạn chế, tổn hại gây ra. Du lịch
bền vững cũng phải mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm có ý nghĩa, sự
hài lòng, góp phần nâng cao nhận thức của họ về các vấn đề bền vững, cổ vũ họ
tham gia vào các hoạt động du lịch bền vững.
3.6.3. Các tiêu chí toàn cầu phát triển du lịch bền vững
3.6.3.1. Khái quát
Du lịch bền vững là xu thế toàn cầu, các mô hình du lịch bền vững xây
dựng và được áp dụng rộng rãi tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Song,
khái niệm “du lịch bền vững” ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia, thậm chí trong mỗi
doanh nghiệp, địa phương được hiểu và đánh giá không hoàn toàn giống nhau. Do
vậy chưa có những thước đo thống nhất để đánh giá, minh chứng về triển khai du
lịch bền vững nhằm xây dựng lòng tin ở khách hàng, thúc đẩy sự phát triển có
trách nhiệm và hạn chế các tác động tiêu cực do hoạt động du lịch gây ra.
Để góp phần giải quyết những vấn đề này, Hội đồng Du lịch Bền vững
Toàn cầu đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch Bền vững Toàn cầu 178.
177

Đây là công cụ hữu ích để các các cơ quan quản lý và các nhà cung ứng du lịch
trên thế giới đo lường, đánh giá hoạt động du lịch. Các tiêu chí được Hội đồng Du
lịch Bền vững Toàn cầu xây dựng dựa trên nhóm 4 nội dung là:
1. Nhóm tiêu chí về quản lý bền vững
2. Nhóm tiêu chí về tác động kinh tế xã hội
3. Nhóm tiêu chí về tác động văn hóa
4. Nhóm tiêu chí về tác động môi trường
Tiêu chí Bộ tiêu chí Du lịch Bền vững Toàn cầu đã được xây dựng dựa trên
kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trên khắp thế giới và có tính đến các chỉ hướng
dẫn, tiêu chuẩn cho phát triển du lịch bền vững ở nhiều quốc gia.
Các tiêu chí là tối thiểu, không phải là tối đa mà các chính phủ và các điểm
đến, các doanh nghiệp cần đạt được trong việc đảm bảo sự bền vững về xã hội, môi

177
GSTC - Global Sustainable Tourism Council
178
GSTC - Global Sustainable Tourism Criteria

178
trường, văn hóa và kinh tế. Các địa phương có thể cụ thể hoá các tiêu chí này cho
phù hợp với điều kiện văn hóa, môi trường của mình.
Hiện nay, đã có 3 bộ tiêu chí cho 3 đối tượng cụ thể là bộ tiêu chí cho điểm
đến du lịch, bộ tiêu chí cho lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và bộ tiêu chí cho nhà
điều hành tour.
Các bộ tiêu chí này thường xuyên được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện.
Dưới đây là những nội dung cơ bản trong ba bộ tiêu chí đó.
3.6.3.2. Các tiêu chí toàn cầu phát triển du lịch bền vững cho điểm đến du lịch
Quản lý bền vững
Tiêu chí này chỉ ra rằng, điểm đến nhất thiết phải có một bộ máy quản lý với
sự tham gia của khu vực tư nhân, khu vực công và xã hội dân sự. Tổ chức này chịu
trách nhiệm xây dựng chiến lược quản lý điểm du lịch, kế hoạch hành động, chỉ
đạo triển khai, giám sát và quản lý các hoạt động du lịch một cách công khai và
minh bạch.
Các bên tham gia vào hoạt động du lịch phải áp dụng các tiêu chuẩn du lịch
bền vững. Cộng đồng dân cư được quyền bày tỏ nguyện vọng và đóng góp cho
hoạt động du lịch. Khách du lịch luôn được đề nghị đánh giá chất lượng sản phẩm
du lịch, trình bày sự hài lòng của mình khi đến tham quan du lịch.
Các thông tin tuyền truyền, quảng cáo đảm bảo tính xác thực.
Lượng khách du lịch đến tham quan, lưu trú phải thường xuyên được cập
nhật để có biện pháp can thiệp hiệu quả và phù hợp khi có dấu hiệu quá tải.
Có hệ thống dự báo thời tiết để thông báo kịp thời cho các bên liên quan, từ
các nhà cung ứng dịch vụ du lịch đến khách du lịch. Có những cảnh báo và các
biện pháp phòng ngừa các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể
xuất hiện.
Có quy hoạch khai thác không gian và thường xuyên kiểm soát phát triển,
đặc biệt là trong công tác xây dựng, sử dụng đất.
Bền vững về kinh tế xã hội
Bền vững về kinh tế xã hội thể hiện ở việc đem lại lợi ích kinh tế địa
phương. Việc này phải được đo lường cụ thể và thể hiện trong các báo cáo công
khai về lượng khách, chi tiêu của khách, doanh thu, lợi nhuận, thuế, việc làm, chỉ
số đầu tư.
Các doanh nghiệp du lịch đảm bảo sự bình đẳng cho cư dân địa phương về
cơ hội việc làm, đào tạo, thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập.
Các doanh nghiệp địa phương được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung
ứng du lịch. Đảm bảo sử dụng tối đa các sản phẩm mang đậm nét văn hoá địa

179
phương như thực phẩm và đồ uống, hàng thủ công, nghệ thuật biểu diễn, nông
sản…
Để đảm bảo bền vững về mặt xã hội, điểm đến có một hệ thống cho phép và
khuyến khích các doanh nghiệp, khách du lịch và công chúng đóng góp cho các
sáng kiến cộng đồng và có trách nhiệm trong hoạt động du lịch ở địa phương.
Ban hành và thực thi bộ quy tắc ứng xử du lịch trên cơ sở đảm bảo quyền
con người, không phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào, tôn trọng quyền
riêng tư. Có những quy định ngăn chặn nạn buôn người, nô lệ và kinh doanh tình
dục hoặc bất kỳ hình thức quấy rối tình dục, đặc biệt là đối với trẻ em, thanh thiếu
niên, phụ nữ, cộng đồng LGBT (Lesbian- đồng tính nữ, Gay- đồng tính nam,
Bisexual-song tính và Transgender - chuyển giới) cũng như các nhóm xã hội dễ bị
tổn thương khác.
Có một hệ thống để giám sát, ngăn chặn, báo cáo công khai và ứng phó với
các mối nguy hiểm về tội phạm, nguy hiểm đối với sự an toàn và sức khỏe của cả
khách du lịch và cư dân.
Bền vững về văn hóa
Trước hết là phải có ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể để bảo vệ di sản
văn hóa. Tuân thủ các điều luật của quốc gia hay công ước quốc tế liên quan đến
việc mua bán, trao đổi, biếu, tặng các cổ vật và di chỉ khảo cổ. Cần diễn giải một
cách đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu về các di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các
truyền thống địa phương, nghệ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ, ẩm thực và các di sản
khác. Chỉ ra đặc tính khác biệt của di sản địa phương, cung cấp cho khách du lịch
trải nghiệm chân thực và trọn vẹn.
Bền vững môi trường
Điểm đến có hệ thống giám sát, đo lường và ứng phó với các tác động của
du lịch đến môi trường tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, môi trường sống của các loài
động thực vật, ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của các loài di thực, ngoại lai xâm
lấn.
Cần có một hệ thống quản lý khách đến tham quan du lịch để đảm bảo
không làm cho môi trường bị quá tải.
Cần có chính sách và hành động nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, nâng cao
hiệu quả sử dụng, cũng như gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Tổ chức và thực thi giảm thiểu xả thải, đặc biệt là tại các điểm tập trung
đông khách du lịch (nước thải, rác thải rắn, khí thải). Sử dụng các máy móc trang
thiết bị ít phát thải (khí thải, rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ)

180
3.6.3.3. Các tiêu chí toàn cầu phát triển du lịch bền vững đối với khách sạn
Quản lý hiệu quả và bền vững
Theo tiêu chí này, doanh nghiệp phải áp dụng một hệ thống quản trị bền
vững dài hạn và phù hợp với qui mô và khả năng của mình, chú trọng các vấn đề
về quản lý môi trường, xã hội, văn hóa, kinh tế, chất lượng, nhân quyền, sức khỏe,
an toàn, rủi ro và khủng hoảng, hướng tới liên tục cải tiến trên cơ sở tuân thủ pháp
luật.
Các doanh nghiệp phải thông tin về chính sách và họat động bền vững của
mình đến các bên liên quan, bao gồm cả nhân viên và khách hàng. Nhân viên được
tập huấn, khách du lịch được lấy ý kiến thường xuyên.
Các tài liệu quảng cáo và thông tin tiếp thị phải chính xác và trung thực với
thực tế của sản phẩm và dịch vụ du lịch, kể cả các cam kết về bền vững.
Tối đa hóa các lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương và tối thiểu
hóa các tác động có hại
Doanh nghiệp tích cực hỗ trợ các sáng kiến phát triển năng lực của địa
phương như tập huấn nghiệp vụ cũng như tập huấn và hỗ trợ các hoạt động giữ gìn
vệ sinh, bảo vệ môi trường cho cư dân, xây dựng các dự án giảm thiểu tác động
của biến đổi khí hậu.
Ưu tiên sử dụng hàng hoá địa phương, liên kết, hỗ trợ các nhà cung ứng địa
phương, tạo điều kiện cho họ phát triển bền vững.
Cạnh tranh lành mạnh, không chèn ép các doanh nghiệp địa phương, không
làm ảnh hưởng xấu đến việc cung ứng các dịch vụ cơ bản cho người dân như lương
thực, thực phẩm, điện, nước, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Tối đa hoá lợi ích cho di sản văn hóa và tối thiểu hoá tác động có hại
Tham gia tích cực vào việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, phục hồi
các di sản phi vật thể như thuần phong mỹ tục, đồng thời không cản trở sự tiếp cận
của người dân địa phương vào gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa đó. Nghiên
cứu, ưu tiên đưa các yếu tố văn hóa địa phương vào các họat động phục vụ khách
du lịch.
Tối đa hoá lợi ích cho môi trường và tối thiểu hoá tác động có hại
Góp phần bảo vệ môi trường bằng cách ưu tiên sử dụng các mặt hàng ít tác
hại đến môi trường nhất, bao gồm tư liệu sản xuất, thực phẩm, thức uống, vật liệu
xây dựng và tiêu dùng. Không lãng phí tài nguyên trong việc khai thác, chế biến và
vận hành cơ sở lưu trú (không lãng phí thực phẩm, gas, điện, nước…) và giảm
thiểu tối đa xả thải (các chất độc hại, chất thải rắn, nước, khí nhà kính, tiếng ồn),
Có trách nhiệm trong bảo vệ đa dạng sinh học, không đưa các loài sinh vật lạ
xâm nhập vào môi trường, không tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã.

181
3.6.3.4. Các tiêu chí toàn cầu phát triển du lịch bền vững cho các nhà điều hành
tour
Thể hiện quản lý hiệu quả
Nhà điều hành tour có hệ thống quản lý bền vững phù hợp và được cải tiến
liên tục để giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội, văn hóa, kinh tế, chất
lượng, nhân quyền, sức khỏe, an toàn, rủi ro và khủng hoảng trên cơ sở tuân thủ
pháp luật.
Các thông tin truyền thông và quảng cáo cho mọi đối tượng đều được đảm
bảo chính xác. Cung cấp thông tin về môi trường tự nhiên, cũng như môi trường
văn hóa xã hội của địa phương, hướng dẫn cho khách du lịch có các hành vi tôn
trọng môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa. Nhân viên được tập huấn để tham
gia thực thi phát triển bền vững. Ý kiến phản ánh của khách du lịch được thường
xuyên cập nhật và xem xét, giải quyết.
Không lãng phí tài nguyên trong việc khai thác, chế biến và vận hành khách
sạn (không lãng phí thực phẩm, gas, điện, nước…) và giảm thiểu tối đa xả thải (các
chất độc hại, chất thải rắn, nước, khí nhà kính, tiếng ồn).
Có trách nhiệm trong bảo vệ đa dạng sinh học, không đưa các loài sinh vật lạ
xâm nhập vào môi trường, ngăn chặn việc tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã.
Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu
tác động tiêu cực
Tích cực hỗ trợ các sáng kiến phát triển du lịch bền vững trong hoạt động
giáo dục, đào tạo, y tế và các hoạt động liên quan khác.
Tạo cơ hội việc làm và thăng tiến bình đẳng cho người dân địa phương
không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay bất kỳ điều kiện nào.
Ưu tiên sử dụng các hàng hoá địa phương, do người địa phương cung cấp,
đặc biệt là các sản phẩm mang dấu ấn của văn hoá địa phương.
Thực hiện chính sách chống thương mại hoá văn hoá, kinh doanh tình dục,
đặc biệt đối với các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu
số và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng xấu tới đời sống kinh tế, văn hoá,
xã hội, tôn giáo… của người dân địa phương
Tối đa hóa lợi ích cho di sản văn hóa và giảm thiểu tác động tiêu cực
Tổ chức chu đáo hoạt động tham quan cuộc sống của cộng đồng và các điểm
nhạy cảm về văn hóa hoặc lịch sử.
Bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản ở địa phương cũng như tạo điều kiện
để khách du lịch tiếp cận với người dân địa phương.

182
Không được mua bán, trao đổi hoặc môi giới mua bán cổ vật và các di sản bị
cấm buôn bán.
Tối đa hóa lợi ích cho môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực
Mua và khuyến khích khách du lịch mua ủng hộ các nhà cung cấp các sản
vật địa phương thân thiện với môi trường.
Thực hành và khuyến khích khách du lịch thực thi sử dụng tiết kiệm tài
nguyên (năng lượng, thực phẩm, nước sạch…), giảm thải tối đa ra môi trường (khí
thải hiệu ứng nhà kính, chất thải rắn, nước thải, tiếng ồn và nhiệt).
Bảo tồn đa dạng sinh học, tránh là tác nhân gây mất cân bằng sinh thái khu
vực như làm xuất hiện loại động thực vật ngoại lai xâm lấn.
Không buôn bán cũng như hỗ trợ buôn bán động vật hoang dã.
Căn cứ vào các bộ tiêu chí này, Việt Nam đã cụ thể hóa thành 6 bộ tiêu chí
phát triển du lịch bền vững cho hoạt động du lịch dựa vào đồng 179, cho các điểm
tham quan180, cho kinh doanh homestay181, cho kinh doanh ecolodge182, cho các cơ
sở lưu trú vừa và nhỏ183, cho doanh nghiệp lữ hành184.
3.6.4. Du lịch trong Chương trình nghị sự hướng đến năm 2030
Năm 2015 các chính phủ đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về Phát
triển Bền vững, cùng với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Chương trình
nghị sự đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững cho toàn thế giới và 169 tiêu chí
cụ thể cho đến năm 2030. Du lịch có vai trò rất quan trọng để thực hiện các mục
tiêu đặt ra. Trên cơ sở đó UNWTO đã phát đi thông điệp “Du lịch trong Chương
trình nghị sự hướng đến năm 2030”.

179
https://drive.google.com/file/d/1asrZl8z4ONSlrfhUorsQxm1WApAfgTVl/view
180
https://drive.google.com/file/d/11xNMJHjbNK_Sav9dEDITH2CxeH_gGnsV/view
181
https://drive.google.com/file/d/1K7gOQBWvezgmT2Q-Z6R_OuqUXO6IXqb7/view
182
https://drive.google.com/file/d/18oJAGBUFEisdXBLpoUMwt5uwaVPVHdJZ/view
183
https://drive.google.com/file/d/1_q5xhGFwbpbjoKLXJ3FNefU8AI0-2IKh/view
184
https://drive.google.com/file/d/1Id0TA0UR3odQGMFnU3kgwnKIx6ghNfzy/view

183
Hình 3.5. 17 mục tiêu của du lịch bền vững đến năm 2030
Nguồn https://vietnam.un.org/vi/sdgs
Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ nên cần rất nhiều lao động. Theo
UNWTO 2019, trên thế giới cứ 10 việc làm, có 1 việc làm thuộc ngành du lịch. Do
vậy du lịch phát triển sẽ tạo thu nhập, góp phần xóa nghèo như mục tiêu thứ nhất
của phát triển bền vững.
Du lịch kích thích nông nghiệp phát triển và phát triển theo hướng hữu cơ,
hướng bền vững. Thu nhập của người dân tăng lên, dinh dưỡng của người dân, đặc
biệt của người dân ở vùng nông thôn được đảm bảo. Việc này góp phần tích cực
vào xóa đói hoàn toàn, gọi là “zero tình trạng đói”.
Sức khỏe là tài sản quý nhất của con người, do vậy một trong những mục
tiêu của phát triển bền vững là khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần (thân, tâm
khỏe mạnh). Tham gia vào hoạt động du lịch, con người sẽ đạt được cả hai mục
tiêu trên. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, lao động trí óc đã và
đang chiếm ưu thế so với lao động chân tay. Do vậy rất nhiều người “làm việc”
hàng giờ trong phòng, ít vận động hậu quả là thường dẫn đến những bệnh béo phì,
huyết áp v.v.. Đi du lịch là cơ hội “bắt buộc” mọi người phải vận động. Điều đó
giúp cho mọi người nâng cao được sức khỏe thể chất. Bên cạnh đó, đi du lịch là bỏ
hầu hết mọi lo toan công việc hàng ngày, luôn vui vẻ với mọi người, có những giây
phút thư thái trong một bầu không khí trong lành làm tinh thần của mọi người trở
nên vui vẻ, phấn khởi.
Mục tiêu thứ tư của phát triển bền vững là giáo dục chất lượng được thể hiện
khá rõ trong ngành du lịch. Đã tham gia vào làm việc trong ngành du lịch, ai cũng
được đào tạo rất kỹ về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng này được coi là một trong những
chuẩn chung cho người làm du lịch. Bên cạnh đó nhiều kỹ năng nghề không bị
biên giới lãnh thổ hạn chế. Do vậy, việc đào tạo nhiều nội dung du lịch có tính phổ
quát, bắt buộc người đứng lớp phải luôn cập nhật kiến thức chung để nâng cao chất
lượng đào tạo.
184
Du lịch có khả năng tạo ra các cơ hội việc làm cho những người có hoàn
cảnh, năng lực và kỹ năng khác nhau. Ngành Du lịch là nguồn tạo công ăn việc
làm đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ. Ngày càng có nhiều phụ nữ có việc làm
trong ngành Du lịch trong các nghề truyền thống và không truyền thống do sự cuốn
hút của môi trường làm việc sạch sẽ và dễ chịu, điều kiện làm việc tương đối tốt và
giờ giấc làm việc linh hoạt. Đặc biệt, vì có các công việc liên quan gián tiếp đến du
lịch, ngành du lịch nói chung luôn sẵn có các cơ hội nghề nghiệp đáng kể cho phụ
nữ. Vào thời điểm nông nhàn, việc tạo ra các cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt
ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, là rất quan trọng. Khi tham gia lao động,
người phụ nữ không còn bị lệ thuộc kinh tế vào người chồng hay bố mẹ, do vậy nó
sẽ cải thieenjbinhf quyền cho người phụ nữ. Mặt khác, do là một ngành dịch vụ,
với bản tính nhẹ nhàng, người phụ nữ thuận lợi hơn nam giới khi đảm nhận các vị
trí quản lý nhiều bộ phận trong khách sạn, nhà hàng. Có thể nói du lịch là một
trong những lĩnh vực đóng góp cho sự bình quyền hiệu quả nhất như mục tiêu phát
triển bền vững thứ 5 đã đề ra.
Mục tiêu đảm bảo nước sạch và vệ sinh của phát triển bền vững cũng là yêu
cầu của ngành du lịch. Trong kinh doanh du lịch, nước là tài nguyên không thể
thiếu được. Nước phục vụ vệ sinh cá nhân, phục vụ làm sạch đồ dùng, phục vụ
tưới cây quanh khách sạn, dùng cho bể bơi, sân golf v.v.. Do nhu cầu dùng nước
rất cao nên ngành du lịch cũng là một trong những ngành đi đầu trong bảo vệ
nguồn nước, tiết kiệm nước.
Giống như như đối với tài nguyên nước, ngành du lịch khách sạn cũng đang
đi tiên phong trong việc sử dụng năng lượng sạch. Hiện nay nhiều khách sạn đã có
hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống điện áp mái, điện gió. Mục tiêu
tiếp cận năng lượng sạch ngày càng trở nên phổ biến trong kinh doanh du lịch nói
chung, kinh doanh lưu trú nói riêng.
Mục tiêu thứ 8 của phát triển bền vững là tạo ra nhiều công việc và phát
triển kinh tế được thể hiện khá rõ nét trong kinh doanh phục vụ khách. Khách du
lịch đến không chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành du lich mà còn tạo ra nhiều việc
làm và thu nhập cho các ngành khác. Tài khoản vệ tinh du lịch ở nhiều nước đã chỉ
ra rằng, cứ 1 đô la khách du lịch trả cho ngành du lịch sẽ có thêm từ 0,8 đến 1,3 đô
la họ trả cho các dịch vụ khác tại điểm đến. Điều này có nghĩa là hoạt động du lịch
là tác nhân quan trọng góp phần phát triển toàn bộ nền kinh tế khu vực.
Mục tiêu thứ 9 của du lịch là đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng. Du lịch là
ngành kinh tế có có tính xã hội cao. Những trào lưu du lịch luôn biến động kéo
theo sự thay đổi của các trào lưu du lịch. Sản phẩm du lịch dù hấp dẫn vẫn tuân
theo quy luật phát triển theo vòng đời của sản phẩm của nó như Butler đã chỉ ra
năm 1980, tức là sẽ đến giai đoạn bảo hòa và mất sức hấp dẫn. Chính vì vậy đổi
mới là yêu cầu bắt buộc trong kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó theo Dickman
(1997) để phát triển du lịch, một trong 5 chữ A quan trọng là tiếp cận dễ dàng
(Access), có nghĩa là nơi đó phải có hệ thống hạ tầng phát triển. Du lịch đòi hỏi và

185
góp phần phát triển hệ thống đường giao thông. Khi có mạch máu giao thông tốt,
không chỉ du lịch mà các ngành kinh tế khác cũng phát triển theo.
Giảm thiểu bất bình đẳng là mục tiêu thứ 10 của phát triển bền vững cũng có
vai trò tích cực của du lịch. Khi du lịch phát triển, những vùng thôn quê hẻo lánh
được tiếp cận với khách du lịch, làm quen với các hoạt động du lịch, giao lưu với
thế giới bên ngoài nhiều hơn, người dân đã nhận thức được những quyền mình
được hưởng, bằng các hành động của mình, họ góp phần giảm thiểu những bất
bình đẳng tồn tại từ xa xưa, hương đến một cuộc sống bình đẳng hơn.
Mục tiêu 11 là mục tiêu vì một thành phố và cộng đồng bền vững. Các thành
phố, khu dân cư được xanh hóa để thu hút khách du lịch, phân bố dân cư hợp lý
hơn do nhiều điểm du lịch ở xa thành phố, Bên cạnh việc xanh hóa đô thị, làm sạch
môi trường để thu hút khách, chính cuộc sống của cộng đồng cũng được cải thiện
rõ rệt, môi trường trong sạch hơn sẽ góp phần tăng cường sức khỏe người dân.
Mục tiêu 12 là sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm. Mục tiêu này được hiện
thực hóa và lan tỏa khá thuận lợi trong du lịch. Ngày nay đại đa số khách du lịch
rất có ý thức bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa. Cư dân bản địa không
thể bán được những mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ cho khách du lịch đã
thay đổi hành vi. Những công trình xây dựng thân thiện môi trường, giữ được nét
độc đáo nguyên bản (authentic) được khách du lịch ưu tiên lựa chọn,
Biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được loài người quan tâm hàng đầu. Du lịch
là một trong nhưngc ông cụ quan trọng để giáo dục mọi người có hành động vì môi
trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái trên cạn và
dưới nước có mục tiêu kép là thu hút khách và bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây
cũng là mục tiêu 14 và 15 trong phát triển bền vững.
Ngành du lịch hiện thực hóa mục tiêu 16, mục tiêu thúc đẩy “Hòa bình và
công lý” thông qua việc tạo điều kiện tìm hiểu văn hóa xã hội của cộng đồng điểm
đến. Những tư tưởng tiến bộ của loài người được lan tỏa. Mọi mâu thuẫn sẽ dễ
dàng được loại bỏ khi mọi người hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau.
Mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững là làm cho mọi người, mọi
ngành, mọi quốc gia, tổ chức trên toàn thế giới cùng chung tay vì mục tiêu phát
triển bền vững. Qua việc triển khai 16 mục tiêu trên, du lịch đã và đang đóng góp
tích cực vào mục tiêu chung là góp phần phát triển bền vững.

3.6.5. Các tiếp cận phát triển du lịch bền vững


3.6.5.1. Xây dựng chính sách và lập quy hoạch du lịch
Chính sách là văn bản sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt mục đích nhất
định, được đề ra dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế. James
Anderson (2003) cho rằng chính sách là chuỗi những hoạt động mà chính quyền
186
chọn làm hay không làm với tính toán và chủ đích rõ ràng, có tác động đến người
dân. Theo quan điểm của Vũ Cao Đàm (2011) chính sách là tập hợp các biện pháp
được thể chế hóa của một chủ thể quản lý tác động vào đối tượng quản lý nhằm
thúc đẩy đối tượng quản lý thực hiện mục tiêu mà chủ thể quản lý vạch ra trong
chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội (một quốc gia, một khu vực hành
chính, một doanh nghiệp, một nhà trường).
Như vậy, chính sách là một hệ thống nguyên tắc có chủ ý hướng đến các
quyết định để đạt được các kết quả mong muốn. Chính sách là một quá trình hành
động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định
trong việc giải quyết vấn đề.
Theo Goeldner Charles R. và Brent Ritchie J.R. (2012) chính sách du lịch có
thể được định nghĩa là “một tập hợp các quy định, quy tắc, hướng dẫn, chỉ thị và
các mục tiêu cũng như chiến lược phát triển hoặc thúc đẩy, cung cấp một khuôn
khổ trong đó các quyết định tập thể và cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển
du lịch cả thường nhật và dài hạn” (trang 326-327)
Những năm qua, nhà nước ta đã có nhiều chính sách và cơ chế để thúc đẩy
phát triển du lịch. Nhiều văn bản của Đảng và Chính phủ thể hiện chủ trương về
triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết BCH TW tại Đại hội 9, 11,
Nghị quyết số 92/NQ-CP năm 2014, Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017). Trong tất
cả các văn bản này đều nhấn mạnh đến phát triển du lịch văn hoá và sinh thái theo
hướng phát triển du lịch bền vững. Nhà nước có các chính sách phát triển nguồn
nhân lực du lịch, ưu tiên vốn và quỹ đất cho phát triển du lịch, chính sách miễn
giảm thị thực cho khách du lịch, chính sách xã hội hoá du lịch, chính sách thu hút
cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, chính sách nâng cao vai trò quản lý nhà
nước về du lịch, chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch….
Để thực thi chính sách, cần tiến hành quy hoạch. Theo Rosse (1984) quy
hoạch là “hoạt động đa chiều và tìm tòi tương tác. Nó bao gồm các yếu tố xã hội,
kinh tế, chính trị, tâm lý, nhân chủng học và kỹ thuật. Nó liên quan đến quá khứ,
hiện tại và tương lai” (dẫn theo Gunn Clare A. và Turgut Var, 2002). Quy hoạch là
quá trình điều chỉnh việc sử dụng đất nhằm nỗ lực thúc đẩy các kết quả xã hội và
môi trường mong muốn hơn cũng như sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Các
mục tiêu của quy hoạch bao gồm bảo vệ môi trường, hạn chế xây dựng bừa bãi,
ngăn ngừa xung đột sử dụng đất và giảm phát thải ô nhiễm. Nhìn chung, việc sử
dụng đất quyết định các hoạt động kinh tế xã hội đa dạng xảy ra trong một khu vực
cụ thể, quyết định hành vi của con người và tác động của chúng đối với môi
trường. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017 “Quy hoạch là việc sắp xếp,
phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với
phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ
xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát
triển bền vững cho thời kỳ xác định”. Theo Luật Quy hoạch hiện hành, ở cấp tỉnh
sẽ không thực hiện xây dựng quy hoạch du lịch. Thay vào đó, cấp tỉnh, huyện sẽ

187
xây dựng các đề án phát triển du lịch dựa vào “quy hoạch tỉnh” (tức là quy hoạch
kinh tế xã hội của tỉnh), quy hoạch ngành quốc gia, và các văn bản pháp quy khác.
Quy hoạch du lịch được Getz (1987) định nghĩa là “một quá trình dựa trên
việc nghiên cứu và đánh giá để tìm cách tối ưu hoá đóng góp tiềm năng của du lịch
cho phúc lợi của con người và chất lượng môi trường” (dẫn theo Dimitros
Diamantis 2004:50). Điều đó có nghĩa là quy hoạch chính là hoạt động cụ thể hoá
chiến lược phát triển du lịch bền vững, chiến lược khai thác không gian mang lại
lợi ích cho địa phương nhưng vẫn đảm bảo được trách nhiệm bảo vệ môi trưởng.
3.6.5.2. Quản lý sức chứa du lịch
Nội hàm cơ bản của khái niệm phát triển du lịch bền vững là hoạt động du
lịch không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên cũng như kinh tế xã hội. Trong khi
đó, sự có mặt của khách tại điểm tham quan du lịch không nhiều thì ít cũng gây
nên những biến động đến môi trường. Tuy nhiên, nếu số lượng khách không nhiều,
môi trường tự nhiên và xã hội hầu như không bị xáo trộn. Xuất hiện mâu thuẫn
giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Dưới góc độ kinh tế, phát triển du
lịch là thu hút nhiều khách du lịch, lưu giữ khách ở lại dài ngày, kích thichscho họ
chi tiêu càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, dưới góc độ môi trường tự nhiên cũng
như môi trường xã hội, lượng khách đông sẽ là mối đe doạ tiềm ẩn, do vậy để ngăn
chặn nguy cơ đối với môi trường, cần có biện pháp hạn chế sự quá tải của số lượng
khách. Khái niệm sức chứa ra đời nhằm tìm ra giải pháp cân bằng giữa nhu cầu
phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội.
Có nhiều định nghĩa về sức chứa trong du lịch. Bo Shelby, Thomas A.
Heberlein (1986) cho rằng, “sức chứa là mức độ sử dụng theo những tiêu
chuẩn định lượng mà vượt ra ngoài giới hạn đó, tác động sẽ vượt quá khả năng có
thể chấp nhận được” (trang 23). UNWTO (1981) định nghĩa sức chứa là “số lượng
người tối đa có thể đến một điểm du lịch cùng lúc mà không gây ra sự hủy hoại
môi trường văn hóa, kinh tế, văn hóa xã hội và làm giảm chất lượng sự hài lòng
của du khách” (trang 4). Một số học giả khác định nghĩa sức chứa là số lượng
người tối đa có thể sử dụng môi trường du lịch mà không có sự suy giảm không thể
chấp nhận được về chất lượng trải nghiệm du lịch (Mathieson và Wall, 1982:184).
Saveriades (2000) khẳng định quan hệ hữu cơ giữa sức chứa với sự phát triển du
lịch bền vững (trang 147).
Getz D. (1983) chia sức chứa thành sáu loại: sức chứa vật lý, sức chứa kinh
tế, sức chứa nhận thức, sức chứa xã hội, sức chứa sinh thái và sức chứa chính trị.
Sức chứa vật lý là việc khách du lịch sử dụng tối đa tài nguyên trước khi nó bắt
đầu xuống cấp đến mức độ không thể chấp nhận được. Sức chứa kinh tế là việc
khách du lịch sử dụng tối đa tài nguyên trước khi dẫn đến mức độ kinh tế không
thể chấp nhận được. Sức chứa nhận thức là nhận định của khách du lịch về số
lượng khách tối đa mà quá mức đó sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng chuyến đi
của họ. Sức chứa xã hội đề cập đến việc sử dụng tài nguyên ở mức tối đa mà không
gây ra phản ứng tiêu cực của người dân địa phương. Sức chứa sinh thái là mức độ

188
sử dụng tối đa mà không gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được đối với môi
trường tự nhiên của tài nguyên. Cuối cùng, sức chứa chính trị đề cập đến việc sử
dụng tối đa một nguồn tài nguyên mà không gây ra sự bất ổn chính trị, chẳng hạn
như xung đột về quyền đất đai hoặc kiểm soát thu nhập từ du lịch.
Có nhiều mô hình để xác định sức chứa tối ưu. Nổi bật trong số này là mô
hình giới hạn thay đổi chấp nhận được do McCool (1994) đề xuất trong công trình
“Lập kế hoạch phát triển du lịch phụ thuộc vào thiên nhiên bền vững: Giới hạn của
hệ thống thay đổi chấp nhận được” công bố trong tạp chí Tourism Recreation
Research.
3.6.6.3. Gia tăng lòng trung thành của khách du lịch
Lòng trung thành là tình cảm tin tưởng, gắn bó, bền chặt của một người đối
với một người khác, với một tổ chức, một triết lý, hoặc một thể chế. Oliver (1999)
định nghĩa lòng trung thành của khách du lịch “là một cam kết chắc chắn sẽ mua
lại hoặc ủng hộ một sản phẩm hoặc dịch vụ du lịch mà họ ưa thích” (dẫn theo
Shahida Kanwel và cộng sự 2019:73).
Hầu hết các nhà nghiên cứu như Chen và Gursoy (2001), Yoon và Uysal
(2005), Chi và Qu (2008), McKercher và Guillet (2012) đều cho rằng nếu khách du
lịch hứa sẽ quay trở lại lần sau hay giới thiệu về sản phẩm du lịch, về điểm du lịch
cho bạn bè, người thân của họ đều chứng tỏ họ là khách hàng trung thành.
Theo Chi và Qu (2008), một khách hàng hài lòng sẽ mua nhiều hơn. Alegra
và Garau (2010) tin rằng đánh giá của một người về các thuộc tính khác nhau của
điểm đến là rất quan trọng để xác định sự hài lòng tổng thể và ý định quay lại của
khách du lịch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ giữa sự hài lòng của
khách hàng và điểm đến là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh
(Yuksel, Yuksel và Bilim, 2010). Oom do Valle, Correia và Rebelo (2006) và
Faullant, Matzler và Fuller (2008) cũng định nghĩa rằng sự hài lòng của khách du
lịch là yếu tố chính góp phần vào sự trung thành của điểm đến. Người ta tin rằng
việc nâng cao 5% tỷ lệ giữ chân khách hàng có thể làm tăng lợi nhuận trong
khoảng 25 đến 85%, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh tế cụ thể (Reichheld và Sasser,
1990). Schiffman và Kanuk (2007) cũng cho rằng việc có được khách hàng mới sẽ
tốn kém hơn nhiều so với việc giữ được khách hàng hiện tại. Các nghiên cứu đã
chỉ ra rằng việc gia tăng lượng khách hàng trung thành có thể tạo ra sự gia tăng lợi
nhuận đáng kể. Có 4 lý do lý giải thích cho điều này.Thứ nhất, khách du lịch trung
thành ít chú ý đến các điểm đến của đối thủ cạnh tranh và ít nhạy cảm về giá hơn.
Thứ hai, khách du lịch trung thành thường thích lặp lại tour cũ với bạn mới. Thứ ba
là khách trung thành là kênh quảng cáo hữu hiệu mà không phải trả phí: quảng cáo
truyền miệng. Thứ tư, phục vụ khách hàng cũ sẽ tốn ít chi phí hơn.
3.6.5.4. Phát triển du lịch văn hoá
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà ở đó khách du lịch được trải nghiệm
các giá trị văn hóa tại nơi đến du lịch. Du lịch văn hoá được tổ chức với mục đích

189
nâng cao hiểu biết cho khách du về các giá trị văn hoá (lịch sử, kiến trúc, kinh tế,
chế độ xã hội, lối sống, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá…).
Ngày nay, văn hóa du lịch đã trở thành một thành tố mới trong phạm trù văn
hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vừa mang tính dân tộc vừa mang tính quốc tế. Theo
Nguyễn Văn Lưu (2018) du lịch văn hoá có vai trò rất quan trọng trong phát triển
du lịch bền vững, cụ thể như sau:
Thứ nhất, du lịch văn hoá tạo phong thái, bản sắc du lịch, giúp phân biệt sản
phẩm du lịch của các doanh nghiệp du lịch và các vùng, miền, quốc gia. Có thể
nói, du lịch là một ngành kinh tế hình ảnh. Mỗi vùng miền có những sắc thái văn
hoá khác nhau, từ giọng nói, đến phong tục tập quán, ẩm thực… Việc biến các bản
sắc văn hoá đó thành tài sản, sản phẩm phục vụ khách du lịch sẽ tạo cho họ những
trải nghiệm lý thú khác nhau, tránh được sự nhàm chán.
Thứ hai, du lịch văn hoá là nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành du lịch
phát triển bền vững. Có thể nói tiềm năng giá trị văn hoá của một vùng rất đa dạng
và rất phong phú. Do vậy các sản phẩm du lịch văn hoá luôn được bổ sung. Mặt
khác, du lịch văn hoá phát triển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp
phần gìn giữ các di sản văn hoá, nâng cao dân trí, tạo nhiều công ăn việc làm cho
cộng đồng.
Thứ ba, du lịch văn hoá là công cụ hữu hiệu để xây dựng khối gắn kết cộng
đồng dân cư địa phương, chủ nhân của các tài nguyên du lịch, góp phần tạo lập
hình ảnh riêng về con người của một vùng miền. Việc khai thác các giá trị văn hoá
phục vụ mục đích du lịch cần có sự chung tay của nhiều nhóm người, từ nhà điều
hành, thiết kế tour, hướng dẫn viên du lịch, chủ sở hữu di sản văn hoá, những
người trình diễn di sản, người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và về văn
hoá, công đồng địa phương… Trong quá trình liên kết làm việc với nhau, các thành
viên có điều kiện hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn.
Thứ tư, du lịch văn hóa khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và khả
năng cống hiến của nhân lực du lịch vào sự nghiệp phát triển ngành, góp phần ổn
định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.
Để tránh những sản phẩm du lịch thiếu bản sắc, kém hấp dẫn khách du lịch, người
làm du lịch luôn phải sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới để du lịch văn hóa
ngày càng phát triển.
Thứ năm, du lịch văn hóa tạo môi trường làm việc lành mạnh và chuyên
nghiệp, giúp những người làm du lịch tự tin, hiểu được giá trị của bản thân đối với
ngành.
Thứ sáu, du lịch văn hóa góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch ở
cấp độ quốc gia, vùng, doanh nghiệp và sản phẩm du lịch. Theo mô hình vòng đời
của điểm du lịch do Richard Butler đề xuất năm 1980 185, đến giai đoạn cuối của
vòng đời, để tránh kịch bản E, kịch bản phá sản, điểm du lịch phải trẻ hoá, tức là
185
Xem Trần Đức Thanh và Trần Thị Mai Hoa (2017). trang 185-189

190
phải tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Các sản phẩm du lịch văn hoá chính là
những cứu cánh cho điểm du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ bảy, du lịch văn hóa là thành tố quan trọng xây dựng uy tín và phát triển
thương hiệu du lịch. Do văn hoá thể hiện bản sắc vùng miền nên sản phẩm du lịch
văn hoá thường để lại dấu ấn riêng cho khách du lịch. Khi nói về Paris, khách du
lịch hình dung ngay ra tháp Effeil, khi nói về Hà Nội khách du lịch thường liên
tưởng đến phố cổ. Sydney có điểm tham quan nhà hát Con Sò, London có đồng hồ
trên tháp Big Ben…
Thứ tám, du lịch văn hóa định hướng cho hoạt động du lịch, thể hiện bản sắc
văn hóa của dân tộc, văn hóa bản địa, góp phần quan trọng vào xây dựng nền văn
hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Như vậy, du lịch văn hóa ngày càng được quan tâm của tất cả các cấp quản
lý từ trung ương đến địa phương, của tất cả các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động du lịch. Khi nói về phát triển du lịch bền vững, trong nhiều văn
bản của Đảng và Chính phủ đều chỉ rõ phải phát triển du lịch văn hoá. Số điểm du
lịch văn hoá ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới trong các tour du lịch
bao giờ cũng chiếm một tỷ lệ áp đảo. Trong những năm gần đây, các điểm du lịch
mới xuất hiện thu hút lượng khách rất đông trên khắp mọi miền đất nước đều là các
điểm tham quan du lịch văn hoá như Tràng An Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc
(Hà Nam), Cầu Vàng (Đà Nẵng), đồi hoa Lavender Garden (Lâm Đồng), phố
Đông y, phố Vàng Bạc (thành phố Hồ Chí Minh)…
3.6.5.5. Phát triển du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là du lịch về với thiên nhiên 186 hay du lịch tự nhiên một
cách có trách nhiệm với môi trường. Có thể nói hoạt động du lịch có tính sinh thái
khởi xướng bởi một nhóm người California. Họ thành lập Câu lạc bộ Sierra năm
1892 để tổ chức những chuyến đi về các vùng hoang dã ở vùng núi của Bờ biển
Thái Bình Dương nhằm góp phần bảo tồn thiên nhiên ở nơi đây 187. Các chương
trình du lịch của Câu lạc bộ Sierra ra mắt từ năm 1901, thu hút khách du lịch đi bộ
vào vùng hẻo lánh Sierra Nevada để chiêm ngưỡng những kỳ quan của tạo hóa,
qua đó làm cho họ trở thành những thành viên bảo vệ môi trường thiên nhiên tích
cực nhất. Hoạt động du lịch bảo vệ thiên nhiên được phát triển và trở thành một
phong trào thịnh hành vào những năm 1970. Theo Wood (2002) và Stronza (2007)
thuật ngữ du lịch sinh thái xuất hiện gần năm thập kỷ trước (tức là hơn 60 năm
nay) và nó đã liên tục được sửa đổi và cập nhật cho đến hiện tại. Một số nguồn cho
rằng thuật ngữ du lịch sinh thái ban đầu được đặt ra bởi nhà kiến trúc sư môi
trường người Mexico Héctor Ceballos-Lascuráin. Tác giả đã sử dụng thuật ngữ du
lịch sinh thái để mô tả việc đi du lịch đến các khu vực thiên nhiên hoang sơ nhưng
186
Xem chương Loại hình và sản phẩm du lịch, phần đầu của mục 4.2.2.1
187
Xem https://www.britannica.com/topic/Sierra-Club

191
không làm xáo trộn đến môi trường tự nhiên. Năm 1981, Ceballos-Lascuráin trở
thành chủ tịch sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Mexico, một tổ chức phi
chính phủ ở Mexico có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực bảo tồn. Năm 1984, ông
thành lập tổ chức du lịch sinh thái đầu tiên ở Mehico gọi là Ecotour.
Trần Đức Thanh (1999), Higham James (2007), Bjork Peter (2007) cho rằng du
lịch sinh thái trước hết phải là quan điểm, là cách tiếp cận chứ không phải chỉ là loại
hình. Chỉ có những chuyến du lịch về với thiên nhiên, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị
của thiên nhiên nhưng tuân thủ các yêu cầu tôn trọng và bảo vệ môi trường mới được
coi là du lịch sinh thái. Cần nhìn nhận du lịch sinh thái không như một loại hình du
lịch thông thường, mà trước hết là một định hướng trong hoạt động du lịch về với
thiên nhiên. Một tuyến, một điểm hoặc một chuyến du lịch có được coi là tuyến, điểm
hay tour du lịch sinh thái hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động thực tiễn của
con người. Một khách du lịch tham gia vào một “tour du lịch sinh thái” không có
nghĩa người đó đương nhiên là một khách du lịch sinh thái. Ngược lại, một đoàn đoàn
khách quá đông, cho dù đi tham quan một VQG hay một khu thiên nhiên nào đó,
cũng khó có thể nói đoàn này đang tham gia vào một chuyến du lịch sinh thái. Đã
từng có một số đoàn đi với số lượng hàng trăm người, đi đến các vùng núi hoang sơ,
các KBTTN, VQG, tổ chức đốt lửa trại để vui múa hát cũng tự coi là đoàn khách du
lịch sinh thái. Trong trường hợp này phải gọi đây là hoạt động “du lịch phản sinh
thái”.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch sinh thái. Một trong những
định nghĩa được nhiều người thừa nhận nhất là của Ceballos-Lascuráin (1996).
Theo tác giả, du lịch sinh thái được định nghĩa là “một chuyến du lịch và tham
quan có trách nhiệm với môi trường tại các khu vực tự nhiên không bị tàn phá để
thưởng thức thiên thiên nhiên (và các đặc điểm văn hoá đã tồn tại trong quá khứ
hoặc đang hiện hữu) qua đó khuyến khích các hoạt động bảo vệ, hạn chế những tác
động tiêu cực do khách tham quan gây ra và tạo ra lợi ích cho người dân địa
phương tham gia tích cực” (dẫn theo Kreg Lindberg, Megan Epler Wood David
Engeldrum, 2000:10)
Trên cơ sở định nghĩa này, UNWTO đã đưa ra định nghĩa du lịch sinh thái
theo một số tiêu chí như sau:
Đầu tiên, nó bao gồm ‘tất cả các hình thức du lịch dựa vào tự nhiên, trong đó
động lực chính của khách du lịch là sự quan sát và đánh giá cao thiên nhiên cũng
như các nền văn hóa truyền thống thịnh hành ở các khu vực tự nhiên.
Thứ hai, nó bao gồm các hoạt động giáo dục và diễn giải môi trường.
Thứ ba, nói chung (nhưng không phải là chỉ) được tổ chức bởi các công ty lữ
hành chuyên biệt cho các nhóm nhỏ với các dịch vụ hạn chế được các công ty địa
phương cung cấp tại điểm đến.

192
Thứ tư là du lịch sinh thái là hoạt động du lịch làm giảm thiểu tác động tiêu
cực đến môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội một cách thiết thực nhất.
Thức năm, du lịch sinh thái hỗ trợ duy trì các khu vực tự nhiên được sử dụng
làm điểm tham quan du lịch sinh thái bằng cách:
-tạo ra lợi ích kinh tế và phúc lợi cho cộng đồng chủ nhà, tổ chức và chính
quyền để quản lý khu vực thiên nhiên với mục đích bảo tồn;
- cung cấp cơ hội việc làm và thu nhập thay thế cho cộng đồng địa phương;
- nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn các tài sản tự nhiên và văn hóa cho
cả người dân địa phương và khách du lịch. (UNWTO, 2002:4-5)
Rõ ràng là mô tả của UNWTO về các đặc điểm du lịch sinh thái bao gồm
phần lớn các tính năng đã được mô tả trong định nghĩa của Ceballos Lascuráin
(1996). Nó tập trung vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các khu vực xung
quanh, nhấn mạnh vai trò của chúng là các điểm tham quan du lịch sinh thái và nhu
cầu bảo tồn của chúng. Quan điểm du lịch sinh thái của UNWTO bao gồm đầy đủ
các cộng đồng địa phương vì họ được coi là người sẽ được hưởng lợi từ việc quản
lý có trách nhiệm môi trường xung quanh họ. Trong định nghĩa này nhấn mạnh vào
các tính năng giáo dục. Dựa trên định nghĩa của UNWTO, du lịch sinh thái cần
thúc đẩy nhận thức, ý thức và văn hóa môi trường trong cộng đồng địa phương và
“khách du lịch sinh thái” có trách nhiệm thúc đẩy một cách đầy đủ lợi ích môi
trường và kinh tế xã hội.
Gần đây, Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế đã đưa ra định nghĩa về du lịch
sinh thái một cách ngắn gọn hơn như sau: "du lịch có trách nhiệm đến các khu vực
tự nhiên để bảo tồn môi trường, duy trì sự thịnh vượng của người dân địa phương
và kèm theo việc diễn giải và giáo dục (TIES, 2015 188). Có thể lập luận rằng nội
hàm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vẫn là phần cốt lõi của định nghĩa du lịch sinh
thái.
Như vậy khái niệm du lịch sinh thái vừa là quan điểm vừa là loại hình.
Trước hết, du lịch sinh thái là quan điểm cụ thể hóa của phát triển du lịch bền
vững. Một hoạt động du lịch về với thiên nhiên chỉ có thể được gọi là loại hình du
lịch sinh thái khi hoạt động đó không gây tổn thương cho môi trường. Một cách
ngắn gọn, du lịch sinh thái là du lịch về với thiên nhiên để tìm hiểu, nghiên cứu về
thiên nhiên một cách thân thiện với môi trường (Trần Đức Thanh, Trần Thị Mai
Hoa 2017). Trong nhiều trường hợp, khái niệm du lịch sinh thái có thể được gọi là
du lịch xanh cũng với nghĩa đó189. Khái niệm này có 3 nội hàm là: 1-về với thiên
nhiên; 2- để tìm hiểu hay nghiên cứu thiên nhiên và 3 theo một cách có trách
nhiệm với môi trường (tự nhiên và xã hội). Ba nội hàm này được giải thích như sau

188
Xem https://ecotourism.org/what-is-ecotourism/
189
Tuy nhiên ở Nhật Bản, du lịch xanh được hiểu là du lịch nông thôn, du lịch về với nông thôn.

193
Nội hàm thứ nhất là “về với thiên nhiên”. Đã là du lịch sinh thái trước tiên
hoạt động du lịch đó phải diễn ra ở môi trường thiên nhiên. Thiên nhiên này có thể
là tự nhiên còn hoang sơ như tại các KBTTN, các VQG… hay cũng có thể là
thiên nhiên con người tạo dựng nên. Đó là những thửa ruộng bậc thang ở Sapa,
Mù Căng Chải, những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay ở đồng bằng
Bắc Bộ, những kênh rạch chằng chịt dưới rặng dừa nước ở đồng bằng sông Cửu
Long, những cánh rừng muối, đước lấn biển ở Mũi Cà Mau, rừng tràm Trà Sư
An Giang, vườn cây ăn trái Lái Thiêu….
Nội hàm thứ hai là “để tìm hiểu hay nghiên cứu thiên nhiên”. Trong thực tế
không phải tất cả các hoạt động du lịch về với thiên nhiên (nội hàm 1) là du lịch
sinh thái. Điều căn bản nhất của hoạt động du lịch sinh thái chính là hoạt động
tìm hiểu, nghiên cứu thiên nhiên để thấy được giá trị của thiên nhiên, thấy được
những nguy cơ làm tổn thương môi trường... góp phần bảo vệ môi trường. Một
đoàn khách đi tắm biển, cho dù vùng biển đó còn hoang sơ (tức là về với thiên
nhiên) cũng không thể gọi là hoạt động du lịch sinh thái, kể cả khi họ rất tôn
trọng, có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Như vậy khái niệm du lịch sinh thái
nhất thiết phải có nội hàm là tìm hiểu, nghiên cứu tại chỗ các giá trị của thiên
nhiên, nghiên cứu các hệ sinh thái hay các cá thể của hệ sinh thái. Điều này
cũng được Lê Huy Bá (2009) nhấn mạnh “du lịch sinh thái nói theo một định
nghĩa nào chăng nữa thì nó phải hội đủ các yếu tố cần. Một trong các yếu tố đó
được tác giả nhấn mạnh là sự quan tâm tới thiên nhiên và môi trường. Việc tìm
hiểu, nghiên cứu về thiên nhiên trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn nhờ hoạt động
diễn giải môi trường (environmental interpretation). Sam H Ham (1992), giáo sư
trường Đại học Idaho Hoa Kỳ cho rằng“diễn giải môi trường liên quan đến việc
dịch từ ngôn ngữ kỹ thuật của khoa học tự nhiên hoặc lĩnh vực liên quan thành các
từ và ý tưởng sao cho những người không phải là nhà khoa học có thể dễ dàng
hiểu được. Nó liên quan đến việc tạo nên sự thú vị, thoải mái cho mọi người”. Môi
trường, địa lý, địa chất, địa mạo, khí tượng, thủy văn, hải dương, sinh học, lâm
nghiệp…là những khoa học liên quan đến nơi ở của loài người. Cũng giống như
các ngành khoa học khác, các ngành này có đối tượng nghiên cứu, có phương pháp
luận, có các luận thuyết của mình. Nhiều nội dung trên được diễn tả bằng các thuật
ngữ chuyên ngành. Để làm cho mọi người hiểu được một số nội dung quan trọng,
hiểu được cơ chế vận hành của tự nhiên… từ đó có trách nhiệm với môi trường,
cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, cần tìm cách giải thích các nội dung
khoa học một cách đơn giản, dễ hiểu và thú vị. Như vậy, chúng ta nên hiểu diễn
giải môi trường là việc thay những thuật ngữ, nội dung khoa học khô khan cần
truyền đạt bằng các ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, thân thiện, gần gũi và gây được
hứng thú của người nghe. Mục đích của diễn giải môi trường là góp phần nâng cao
nhận thức môi trường cho khách du lịch để thu hút được họ tham gia vào các hoạt
động gìn giữ và bảo vệ môi trường.

194
Nội hàm cuối cùng, cũng là nội hàm quan trọng nhất của khái niệm này phải
là một cách thân thiện với môi trường. Thân thiện với môi trường, có trách nhiệm
với môi trường thể hiện ở các hành vi tuân thủ nghiêm ngặt các qui định bảo vệ
môi trường, tôn trọng văn hoá bản địa. Một trong những khuyến cáo mà khách du
lịch thường thấy là khi tham quan tại các khu thiên nhiên là “không để lại bất cứ
thứ gì ngoài những nốt chân, không lấy bất cứ gì ngoài những bức ảnh đẹp” mà ta
thường thấy ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong và ngoài nước. Không gây tổn
thương đến môi trường thể hiện ở số người không quá đông (thường là dưới 10
người 1 đoàn), không gây ồn ào (không tổ chức lửa trại, múa hát, trò chơi…)
không phá vỡ không gian yên tĩnh của môi trường tự nhiên sẵn có. Để thực thi
những yêu cầu trên, cần có một cơ chế quản lý, gọi là quản lý một cách bền vững.
Điều đó có nghĩa là tùy theo sự nhạy cảm của môi trường, tùy theo thời điểm trong
năm, tùy theo điều kiện vật lý, kinh tế, sinh thái, xã hội…cần điều tiết lượng khách
cho phù hợp. Bo Shelby và Thomas A. Heberlein (1986) gọi điều kiện này là sức
chứa.
Những nội dung trên chứng tỏ, thực thi phát triển du lịch sinh thái chính là
góp phần hiện thực hoá quan điểm phát triển du lịch bền vững.

Du lịch thiên nhiên/du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái-văn hóa Du lịch văn hóa-sinh thái

Mục tiêu tìm hiểu về thiên


nhiên, kể cả thiên nhiên do
con người tạo ra
Du lịch văn hóa
Mục tiêu tìm hiểu về văn
hóa cộng đồng trong môi
trường thiên nhiên đó

Hình 3.6. Sơ đồ phân biệt hoạt động du lịch văn hóa và sinh thái tại các vùng thiên nhiên
nhân sinh

Một số học giả cho rằng “du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên
nhiên và văn hóa bản địa” (dẫn theo Phạm Trung Lương và cộng sự, 2002:11). Nếu
hoạt động du lịch diễn ra trong môi trường văn hóa (trong đó có văn hóa bản địa)
thì phải gọi đó là du lịch văn hóa. Một số khác cho rằng, du lịch đến các khu vực
có thiên nhiên được con người tạo ra (ruộng bậc thang, hồ nhân tạo…) phải là du
lịch văn hóa vì những đối tượng tham quan đó là “phi tự nhiên”. Chuyến đi của
khách về vùng thiên nhiên do con người tạo ra (ruộng lúa, rừng cao su, rừng sú
vẹt..), với mục đích thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm hiểu nghiên cứu tự
nhiên một cách thân thiện với môi trường phải được coi là du lịch sinh thái. Cũng
195
địa bàn đó (ruộng bậc thang, đầm phá ven biển), song khách du lịch đến tìm hiểu
các giá trị văn hóa, hoạt động của cư dân trong môi trường thiên nhiên đó sẽ được
coi là du lịch văn hóa. Nếu khách du lịch kết hợp cả hai mục đích đó thì chuyến đi
đó sẽ được gọi là du lịch sinh thái văn hóa hay du lịch văn hóa sinh thái tùy theo
mức độ ưu tiên mà khách muốn hướng tới. Sơ đồ tại hình 3.5 minh họa cho sự
phân biệt đó.
3.6.5.6. Phát triển du lịch cộng đồng
Cộng đồng hay cộng đồng địa phương là một khái niệm về tổ chức xã hội đã
được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới. Một cách chung nhất cộng đồng là tập họp
những cá thể có chung một đặc điểm nhất định (Trần Đức Thanh và cs 2014:41).
Thuật ngữ "cộng đồng" trong du lịch được hiểu là người có liên quan chặt chẽ với
các vấn đề phát triển du lịch ở địa bàn, là những người dân địa phương có liên
quan đến kinh doanh du lịch, là những cán bộ thôn xã, già làng trưởng bản có vai
trò quan trọng trong đời sống của cư dân. Cộng đồng có thể là đồng bào dân tộc
thiểu số ở miền núi Sapa, nông dân ở làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, nông
dân ở làng cổ Đường Lâm, cư dân ở Tràng An, Bái Đính ... Họ có thể phục vụ
khách du lịch như một người chèo thuyền, một hướng dẫn viên du lịch, nhân viên
trong các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, nhà nghỉ, khách sạn…Khái niệm "cộng
đồng" không chỉ là những người nông dân, ngư dân…, những người chịu ảnh hưởng
trực tiếp mà còn bao gồm các cán bộ xã, thôn, già làng trưởng bản, nhân tố quan trọng
trong cộng đồng. Nội hàm này của khái niệm cộng đồng là nét đặc trưng ở các nước
đang phát triển nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
Du lịch cộng đồng hay du lịch dựa vào cộng đồng (Community Based Tourism,
viết tắt CBT) xuất phát từ hoạt động tham quan du lịch tại các bản, làng được hình
thành từ những năm 1970. Khách du lịch từ các vùng khác đến tham quan các bản
làng, tìm hiểu các phong tục tập quán, cuộc sống hàng ngày, lễ hội hoặc tham gia hoạt
động du lịch sinh thái. Các hoạt động du lịch này thường được tổ chức ở những khu
vực núi rừng còn bảo tồn được tính tự nhiên, hoang dã, có phong tục tập quán độc
đáo, giàu bản sắc, có hệ sinh thái đa dạng…nhưng còn hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Khi
tham gia loại hình này, khách du lịchcó thể gặp nhiều khó khăn về vấn đề giao thông,
điều kiện sinh hoạt, thông tin hay các điều kiện khác hỗ trợ cho hoạt động du lịch. Do
vậy, họ rất cần sự hỗ trợ của người dân địa phương như: dẫn đường, cung cấp đồ ăn,
chỗ ngủ…Khách du lịch tham gia loại hình đó gọi là những chuyến du lịch có sự hỗ
trợ của người dân địa phương. Đây chính là tiền đề cho sự tham gia vào du lịch của
cộng đồng và sự phát triển của du lịch dựa vào cộng đồng.
Qua quá trình phát triển, chính phủ các nước, các tổ chức xã hội đã nhận ra rằng
các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong khu vực làng bản được cải thiện rất

196
nhiều nếu diễn ra các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng. Các dịch vụ do cộng đồng
địa phương cung cấp mang đậm nét bản sắc văn hóa cùng với cơ hội được hòa nhập với
cộng đồng cư dân đã là một yếu tố thu hút khách du lịch và cải thiện đời sống của cộng
đồng địa phương.
Nhờ có du lịch dựa vào cộng đồng, người dân có ý thức hơn trong việc bảo
tồn bản sắc văn hóa và môi trường sống của họ. Khi khách du lịch tham quan nhiều
hơn, ý thức của người dân được nâng lên do có tiếp xúc với những người khách có
nhận thức tốt về giá trị tài nguyên. Tài nguyên càng giá trị càng có sức thu hút
khách đồng nghĩa với công ăn việc làm và thu nhập của họ tăng lên. Từ đó có thể
cho thấy khuyến khích cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ, hoạt động phục vụ
khách du lịch có thể bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các tác động tiêu cực
của cộng đồng và nhóm khách du lịch.
Loại hình du lịch dựa vào cộng đồng dần dần hình thành, phổ biến không chỉ
tại một khu, vùng du lịch mà nó đã tạo ra sự phong phú đa dạng các loại sản phẩm
du lịch nói chung. Du lịch dựa vào cộng đồng bắt đầu phát triển tại các nước châu
Phi, châu Úc, châu Mỹ vào những năm 1980 và 1990 thông qua các tổ chức phi
chính phủ, hội Thiên nhiên Thế giới. Nhờ đó du lịch dựa vào cộng đồng bắt đầu
phát triển mạnh ở các nước châu Á trong đó có các nước khu vực ASEAN.
Thuật ngữ du lịch dựa vào cộng đồng đưa vào du lịch các nước ASEAN từ
những năm 1990. Hiện nay có rất nhiều tên gọi khác nhau có liên quan đến phát
triển du lịch và có sự tham gia ít nhiều của cộng đồng đến phát triển du lịch như:
 Du lịch dựa vào cộng đồng (Community - Based Tourism).
 Phát triển cộng đồng trong du lịch (Community - Development in tourism).
 Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng (Community - Participation in
Tourism).
 Phát triển du lịch núi dựa vào cộng đồng (Comnunity - Based Mountain
Tourism).
Một số tác giả cho rằng, du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch cộng đồng có ý
nghĩa như nhau, đó là hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt
động nói chung, các hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng.
Trong thực tế, hai thuật ngữ trên không hoàn toàn như nhau. Du lịch dựa vào
cộng đồng là khái niệm được nhìn nhận từ doanh nghiệp du lịch. Trong sự phát
triển của du lịch, để đáp ứng nhu cầu của các khách, các nhà cung ứng phải luôn
luôn tìm kiếm các sản phẩm mới. Họ đi đến các địa điểm xa xôi hơn trước, tìm
kiếm các giá trị du lịch cụ thể của từng địa phương như văn hóa bản địa độc đáo,
phong tục tập quán truyền thống, kiếm tìm những cảnh quan hoang sơ, có thể rất
bình dị, quen thuộc đối với cư dân địa phương, nhưng lại lạ lẫm đối với khách du

197
lịch. Để cung ứng các sản phẩm mới cho khách du lịch một cách tốt nhất, các
doanh nghiêp du lịch thuyết phục cộng đồng địa phương tham gia phục vụ khách
du lịchcùng với các cơ quan du lịch. Họ dạy cho người dân địa phương các nghiệp
vụ du lịch, hướng dẫn họ cách giao tiếp với khách, có trường hợp, họ có thể đầu tư
để giúp sản phẩm và dịch vụ của cộng đồng địa phương đạt được những yêu cầu
cần thiết... Trong trường hợp này, vai trò chính trong kinh doanh du lịch là các
doanh nghiệp du lịch từ bên ngoài, từ các vùng du lịch phát triển. Doanh nghiệp
trực tiếp trả tiền cho cộng đồng về các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch
của công ty. Giai đoạn này được hiểu là du lịch dựa vào cộng đồng.
Sau một thời gian, năng lực giao tiếp, kỹ năng, tay nghề, hiểu biết xã hội… của
cộng đồng đã tăng lên. Một số người đã có tiềm lực kinh tế, một số khác mạnh dạn
vay vốn để đầu tư cho kinh doanh du lịch. Hình thành những nhóm cùng chung tay
tổ chức hoạt động phục vụ du khách. Cộng đồng hoặc một số người dân địa
phương là những người kinh nghiệm, tự tin và có tiềm lực tài chính đã quyết định
mở doanh nghiệp du lịch của riêng mình như khách sạn, nhà hàng ăn, quán giải
khát…Một số nơi, được sự định hướng của chính quyền, với sự giúp đỡ của các
doanh nghiệp du lịch truyền thống, cộng đồng đã xây dựng thành tổ hợp để kinh
doanh du lịch. Họ có Ban điều hành, có các nhóm khác nhau theo hướng chuyên
môn hóa trong việc phục vụ khách du lịch. Từ bây giờ, các công ty du lịch ở bên
ngoài sẽ trở thành đối tác, họ đưa khách về địa phương và được trả công về khoản
này dưới dạng hợp đồng với cộng đồng. Cộng đồng được hưởng đại đa số lợi
nhuận thu được từ khách du lịch chi tiêu tại địa bàn. Lúc này, du lịch dựa vào cộng
đồng đã trở thành du lịch cộng đồng. Do đó, khi nghiên cứu phát triển du lịch cộng
đồng, điều quan trọng hàng đầu cần quan tâm phân tích là năng lực cộng đồng.
Năng lực cộng đồng có thể được đo bằng kỹ thuật KAP (kiến thức, thái độ và thực
hành).
Có thể nói, du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch cộng đồng là hai giai đoạn
của một quá trình. Mục đích của cả hai giai đoạn này đều là góp phần thu hút cộng
đồng vào tham gia hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sinh
kế du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng là một cách thức để phát triển du lịch bền vững.
Nguyên lý phát triển bền vững của du lịch cộng đồng chính là tạo ra sự hài hòa giữa
ba mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu chỉ đảm bảo được mục tiêu kinh tế
mà không đảm bảo được hai mục tiêu còn lại sẽ dẫn đến sự thoái trào phát triển do
các tệ nạn xã hội, hậu quả môi trường và tài nguyên bị bào mòn, suy thoái.
Klodiana Gorica và Franka Paloka (2019), đã khẳng định: Khái niệm về du lịch dựa
vào cộng đồng là một bước phát triển xa hơn trong cách tiếp cận du lịch bền vững

198
(trang 1). Từ lý thuyết và thực hành phát triển có sự tham gia của nó, đặc biệt tập
trung vào du lịch có thể có tác động vào cộng đồng địa phương với mục tiêu tối đa
hóa lợi ích về công ăn việc làm, sự giàu có và hỗ trợ cho văn hóa địa phương, bảo vệ
môi trường tự nhiên. Các thách thức này nhằm mục đích đưa cộng đồng địa phương
vào trung tâm của các quyền chủ động trong hoạt động du lịch, trong một nỗ lực để
tạo ra giải pháp hai bên cùng có lợi liên quan đến việc quản lý các điểm đến du lịch
Du lịch cộng đồng được quy hoạch với mục tiêu bảo toàn tài sản thiên nhiên
và văn hóa địa phương. Vì vậy, cả cư dân và khách du lịchcó thể hưởng lợi từ trải
nghiệm du lịch. Du lịch cộng đồng tập trung vào cuộc sống lâu dài của cộng đồng
và bao gồm những người bị ảnh hưởng bởi dự án như các đối tác trong quá trình
phát triển, thị trường thuận lợi để phát triển bền vững.
Du lịch cộng đồng là phương thức phát triển dựa vào du lịch có định hướng
bền vững trong đó cộng đồng địa phương là chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt
động du lịch. Cộng đồng địa phương vừa cung cấp dịch vụ du lịch để phát triển du
lịch vừa bảo tồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Động
lực để cộng đồng trở thành nhân tố quyết định đến việc bảo vệ môi trường là họ
được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ du lịch và thành quả bảo tồn đó.
Như vậy mục tiêu phát triển của du lịch cộng đồng bao gồm cả mục đích
kinh tế, mục đích môi trường, mục đích xã hội và mục đích phát triển bền vững.
Hiệu quả tổng hợp như vậy đã làm cho phát triển du lịch cộng đồng là lựa chọn,
định hướng nhiều quốc gia trên thế giới ngay từ khi mới ra đời và đến nay đã trở
thành một xu thế phổ biến toàn cầu.
3.6.6.7. Thực hành trách nhiệm xã hội của các nhà cung ứng du lịch
Theo Thomas International, một công ty dữ liệu, nền tảng và công nghệ190,
vào giữa những năm cuối thế kỳ XIX, trước những chỉ trích về điều kiện làm việc,
đặc biệt khi những điều kiện làm việc và chính sách trả lương không thỏa đáng cho
phụ nữ và trẻ em được đưa ra ánh sáng, các chủ doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm
đến phúc lợi và năng suất của người lao động trong các nhà máy của mình. Cũng
xuất hiện vào cuối những năm 1800 là sự gia tăng của hoạt động từ thiện. Nhà
công nghiệp Andrew Carnegie191, người đã dành phần lớn tài sản của mình để xây
dựng nhiều thư viện, trường phổ thông, trường đại học ở Hoa Kỳ, Anh Quốc,
Canada và những quốc gia khác và góp vào quỹ hưu trí cho cựu nhân viên về
hưu. John D. Rockefeller192, vua dầu mỏ, cũng đã dành 40 năm cuối đời và dùng
gần hết tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện, liên quan chủ yếu đến giáo
190
https://www.thomasnet.com/insights/history-of-corporate-social-responsibility/
191
Andrew Carnegie (1835-1919) là một doanh nhân người Mỹ được mệnh danh là Vua Thép. Ông là
người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới.
192
John Davison Rockefeller, cha. (1839-1937)

199
dục và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù các công ty có trách nhiệm đã tồn tại hơn một
thế kỷ trước đó, thuật ngữ Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (Corporate Social
Responsibility-CSR) mới chính thức được đặt ra vào năm 1953 bởi nhà kinh tế
người Mỹ Howard Bowen trong ấn phẩm Trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Do
đó, Bowen được gọi là cha đẻ của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (gọi tắt là
trách nhiệm xã hội). Tuy nhiên, đến tận những năm 70-80 của thế kỷ XX, trách
nhiệm xã hội mới thực sự bắt đầu triển khai ở Hoa Kỳ và đến những năm 1990,
trách nhiệm xã hội bắt đầu được chấp thuận rộng rãi. Đến đầu những năm 2000,
trách nhiệm xã hội đã trở thành một chiến lược thiết yếu cho nhiều tổ chức, với các
công ty trị giá hàng triệu đô la, như Wells Fargo, Coca-Cola, Walt Disney và
Pfizer. Các tập đoàn kinh tế này đã hiện thực hóa khái niệm này vào quy trình kinh
doanh của họ.
Theo Hội đồng Kinh doanh Thế giới, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát
triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia
đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung” WBCSD (1998).
Theo Halina (2004), Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng trách nhiệm xã hội
là một “cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững,
thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an
toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân
viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát
triển chung của xã hội”.
Thực hiện hành vi trách nhiệm xã hội chính là phương thức để đạt được phát
triển bền vững, do vậy khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần phải
bao hàm ba khía cạnh của phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội, và môi trường.
Trong thời đại ngày nay, nền kinh tế đầy những biến động không kiểm soát được
cùng với môi trường tự nhiên ngày càng bị ô nhiễm gây ra nhiều tác động tiêu cực
cho cộng đồng, do vậy các doanh nghiệp không chỉ phải có trách nhiệm với xã hội
nơi nó vận hành mà còn cần góp phần đảm bảo cho sự ổn định của kinh tế và giảm
thiểu những mối đe dọa tới môi trường. Quan điểm của Sexty (2011) về trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã chỉ ra được đúng và đầy đủ nội hàm của khái
niệm này. Theo tác giả, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cách thức doanh
nghiệp thể hiện được trách nhiệm của nó với kinh tế, xã hội, và môi trường để đảm
bảo đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông và các bên liên quan khác trong quá
trình vận hành kinh doanh” (Sexty, 2011:139).

200
Nói một cách khác, “trách nhiệm xã hội trong kinh doanh liên quan đến
nghĩa vụ của một tổ chức nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và gia tăng những
đóng góp tích cực đối với các bên liên quan” (Nguyễn Ngọc Dung 2018:48). Trong
lĩnh vực khách sạn, trách nhiệm xã hội “là những nghĩa vụ khách sạn phải thực
hiệnđối với cộng đồng, môi trường, khách hàng, người lao động và các bên liên
quan, nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm thiểu tác động
tiêu cực với môi trường và xã hội” (sách đã dẫn, trang 48-49).
Như vậy, có thể hiểu trong kinh doanh du lịch, trách nhiệm xã hội là việc
thực thi hoạt động kinh doanh du lịch đảm bảo quyền lợi của tất cả các thành phần
liên quan như khách du lịch, nhân viên, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà nước, môi
trường thiên nhiên và xã hội. Khách du lịch hài lòng khi nhận được sản phẩm
tương xứng với khoản tiền mà họ đã bỏ ra. Nhân viên có được thu nhập (lương,
thưởng, phúc lợi) xứng đáng, công bằng. Doanh nghiệp có tích lũy phù hợp để phát
triển, nhà nước không bị thất thu thuế, môi trường luôn được tôn trọng và gìn giữ,
bảo vệ. Doanh nghiệp tích cực góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã
hội thông qua các hoạt động thiện nguyện.
Doanh nghiệp có nhiều cách tiếp cận trách nhiệm xã hội khác nhau. Về cơ
bản có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch nói
riêng đều tiếp cận theo đối tượng mà mình phải có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm
đối với nhà nước, trách nhiệm đối với nhân viên, trách nhiệm với đối tác, trách
nhiệm đối với khách hàng, trách nhiệm đối với môi trường và trách nhiệm đối với
cộng đồng.
Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với nhà nước là tuân thủ luật pháp trong
hoạt động kinh doanh, nộp thuế đầy đủ. Trong thực tế, vấn đề này vẫn còn chưa
được quan tâm đúng mức. Hiện tượng “sitting guide”, niêm yết giá và bán các tour
không có VAT là những ví dụ điển hình.
Trách nhiệm xã hội đối với nhân viên trong quản lý nội bộ được thể hiện ở
các chính sách, nội quy, quy định rõ ràng, minh bạch. Doanh nghiệp thông báo cho
người lao động về các quyền lợi cơ bản của họ như thời gian làm việc, điều kiện
làm việc, chế độ bảo hiểm, chế độ đãi ngộ, quyền được đào tạo nâng cao kiến thức,
tay nghề, quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng…
Liên kết là yếu tố không thể thiếu được trong kinh doanh du lịch. Để tạo ra
một sản phẩm trọn vẹn phục vụ khách du lịch, cần có sự tham gia của các nhà cung
ứng vận chuyển, lưu trú, ăn uống, lữ hành, hướng dẫn…Điều đó có nghĩa là một
doanh nghiệp du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống…) có nhiều đối tác
khác nhau. Chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp này ảnh hưởng qua lại lẫn
201
nhau. Do vậy các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ đảm
bảo chất lượng phù hợp với giá cả, đảm bảo về thời gian như đã ký kết với đối tác.
Trách nhiệm đối với khách hàng (khách du lịch hay nhóm khách du lịch) thể
hiện ở việc đảm bảo chất lượng dịch vụ như cam kết, quảng cáo. Đảm bảo cho
khách hàng có chuyến du lịch vui vẻ, bổ ích, an toàn theo đúng lịch trình không chỉ
là trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành mà của tất cả các doanh nghiệp cung cấp
các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan…
Trong quá trình vận hành của mình, các doanh nghiệp du lịch đều có những
tác động xấu đến môi trường ở các mức độ khác nhau như làm gia tăng nhiệt độ, ô
nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, tiêu thụ và ô nhiễm tài nguyên nước, xả rác
thải các loại. Do vậy, doanh nghiệp phải có chủ trương, chính sách trong việc gìn
giữ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xanh hoá môi trường. Doanh nghiệp
du lịch không chỉ huy động toàn bộ nhân viên tham gia gìn giữ bảo vệ môi trường
mà còn có các biện pháp thu hút khách du lịch cùng chung tay trong công việc này.
Trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng thể hiện ở các hoạt động thiện
nguyện, tham gia các dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm người yếu thế, hỗ
trợ, giúp đỡ các cộng đồng phòng chống thiên tai. Các cộng đồng được hỗ trợ
không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn có thể là những cộng đồng bị
thảm hoạ ở ngoài nước. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội còn thể hiện ở việc đào tạo và
tuyển dụng nhân viên là người địa phương để góp phần ổn định đời sống của họ.
Trong nghiên cứu của mình, Tô Quang Long (2021) nhận thấy hầu hết các
khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào thực hiện trách nhiệm
xã hội đối với khách du lịch và đối tác mà chưa chú trọng nhiều đến việc thực hiện
trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Theo tác giả, kết quả nghiên cứu này khá
tương đồng với kết quả trong một số công trình ở nước ngoài như của
Cherapanukorn và Focken 2014, Farmaki, 2018 (tài liệu đã dẫn, trang 37).
3.6.5.8. Thực hiện du lịch có trách nhiệm
Hầu hết các định nghĩa về du lịch có trách nhiệm đều đề cập đến tính chất
hay mục đích của nó. Định nghĩa của Spenceley và cộng sự (2002) là một ví
dụ tiêu biểu. Theo các tác giả, du lịch có trách nhiệm là hoạt động du lịch “cung
cấp trải nghiệm du lịch thú vị cho khách du lịch và cơ hội kinh doanh tốt cho các
doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tận hưởng chất
lượng cuộc sống tốt hơn thông qua lợi ích kinh tế xã hội và cải thiện quản lý tài
nguyên thiên nhiên” (trang 8). Một cách ngắn gọn, có thể hiểu du lịch có trách
nhiệm là hoạt động du lịch mà tất cả các bên liên quan đều ràng buộc với nghĩa
vụ phải đảm bảo hài hoà và tối ưu lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội cho nhau.

202
Theo Colman Michael M. (1991), UNWTO (2019b), Charles R. Goeldner,
J.R. Brent Ritchie (2012) du lịch là các quá trình, hoạt động và kết quả phát sinh từ
các mối quan hệ và sự tương tác giữa “khách du lịch, nhà cung cấp du lịch, chính
quyền, cộng đồng địa phương”. Từ những định nghĩa này cho thấy, “các bên liên
quan” ở đây bao gồm 4 đối tượng kể trên. Nói một cách khác, du lịch có trách
nhiệm không phải chỉ là công việc của nhà cung ứng du lịch (lữ hành, hướng dẫn,
lưu trú, ăn uống) mà nó còn ràng buộc đến chính quyền, người dân địa phương và
khách du lịch.
UNWTO (2016) cho rằng phát triển du lịch trách nhiệm phải trở thành cam
kết và trách nhiệm của toàn cầu. Để du lịch đạt được mục tiêu phát triển bền vững
và mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội, việc cần thiết là phải hoạt động một cách
có trách nhiệm. Cụ thể hơn, đó là ngành du lịch sẽ “…mang lại điều kiện làm việc
tốt cho tất cả mọi người, thúc đẩy văn hóa và các sản phẩm địa phương, bảo vệ tài
nguyên thiên nhiên, và do vậy sẽ bảo tồn được tính hấp dẫn độc đáo của mỗi điểm
đến du lịch” (tr.5) 193.
Phạm Trương Hoàng và Bùi Nhật Quỳnh (2020) cho rằng “du lịch có trách
nhiệm đơn thuần là sự thay đổi, cải tổ trong quá trình thực hiện hoạt động du lịch
để nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do du lịch mang lại” (trang 83). Du lịch
có trách nhiệm đòi hỏi các bên liên quan phải thể hiện tính trách nhiệm trong việc
ra quyết định và thực thi các hành động của mình, đảm bảo mục tiêu gia tăng lợi
ích kinh tế cho các bên, bảo tồn văn hóa xã hội, và bảo vệ môi trường - tà i nguyên
thiên nhiên tại điểm đến du lịch, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, thực hiện trách nhiệm xã hội (xem lại
phần trên) chính là thể hiện thực thi du lịch có trách nhiệm.
Đối với chính quyền, cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ
trung ương đến địa phương, thực hiện du lịch có trách nhiệm bằng cách đưa ra
những chủ trương, chính sách, hướng dẫn về du lịch có trách nhiệm như:
• Phát triển, quản lý và tiếp thị du lịch theo những cách tạo ra lợi thế cạnh
tranh;
• Đánh giá và giám sát các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của sự
phát triển du lịch và công khai thông tin;
• Đảm bảo sự tham gia tích cực của các cộng đồng được hưởng lợi từ du
lịch, bao gồm cả việc họ tham gia lập kế hoạch và ra quyết định và thiết lập các
mối liên kết kinh tế có ý nghĩa;
• Duy trì và khuyến khích sự đa dạng tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa;
• Tránh lãng phí và tiêu thụ quá mức, và thúc đẩy sử dụng bền vững các
nguồn lực địa phương.

193
UNWTO (2016): The tourism sector and the sustainable tourism goals – Responsible tourism, a global
commitment. Spain: United Nations Global Compact Network.

203
Đối với cộng đồng địa phương, việc thực thi du lịch có trách nhiệm thể hiện
ở thái độ ứng xử thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham
quan, tìm hiểu các nguồn lực của địa phương; hiểu biết về nguồn tài nguyên cộng
đồng đang sở hữu để bảo vệ và giới thiệu đến du khách; tham gia các hoạt động du
lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, gây lộn xộn, và những biểu hiện
phi văn hóa khác.
Khách du lịch có trách nhiệm là những khách chủ động tìm hiểu và tuân thủ
các tập tục địa phương; lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt
động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; có ý thức tiết kiệm năng lượng;
sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội địa
phương; có ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa…
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Phân tích các tác động của du lịch lên môi trường tự nhiên, kinh tế văn hóa và
xã hội.
2. Hãy đề xuất các giải pháp nhằm vừa bảo vệ được môi trường (tự nhiên, văn
hóa, xã hội) vừa nâng cao đời sống cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế
của địa phương.
3. Hãy phân tích những mâu thuẩn có thể nảy sinh trong quá trình phát triển du
lịch
4. Hãy phân tích các hoạt động góp phần hiện thực hóa quan điểm phát triển du
lịch bền vững

204
Chương 4. LOẠI HÌNH VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH

Sau khi học xong chương này người học có thể


-Phân biệt được loại hình du lịch và sản phẩm du lịch
-Đề xuất loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp với các nguồn lực của địa phương và
xu thế của thị trường
Tài liệu đọc thêm:
Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Anh và cs, 2015 (các trang 33-44, 196-224)
Ngô Thị Diệu An, Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014 (các trang 12-16, 24-32)
Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa và cs, 2017 (các trang 44-50, 69-127)
Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, 2008 (các trang 27-29, 56-69, 193-229)
Trần Thị Mai và cs, 2008(các trang 148-164)
Phạm Xuân Hậu và cs 2019 (các trang 12-15)

4.1. Loại hình du lịch


4.1.1. Khái niệm
Trong các tài liệu nghiên cứu cũng như phổ biến kiến thức về du lịch, có thể
thấy rất nhiều loại hình du lịch khác nhau. Song hầu như không có tài liệu nào đưa
ra định nghĩa thế nào là loại hình du lịch. Đây là một vấn đề học thuật cần quan tâm.
Trong các tài liệu tiếng Việt mới chỉ thấy có định nghĩa loại hình du lịch của Trương
Sỹ Quý (2003) và của Lê Anh Tuấn và cộng sự (2015). Theo các tác giả này, loại
hình du lịch được hiểu là “một tập hợp các sản phẩm du lịch có những đặc điểm
giống nhau”, hoặc cùng “thỏa mãn những nhu cầu, động cơ du lịch tương tự, hoặc
được bán cho cùng một nhóm khách hàng, hoặc vì chúng có cùng một cách phân
phối, tổ chức như nhau” (dẫn theo Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa
2008:64, Lê Anh Tuấn cùng cs, 2015:33). Có thể định nghĩa này được tiếp cận dưới
góc độ kinh tế, góc độ marketing. Tuy nhiên loại hình du lịch không phải là một
thuật ngữ kinh tế mà nó là một loại hoạt động của con người, tức là nó mang tính xã
hội. Trong giáo trình này loại hình du lịch được hiểu là các hoạt động du lịch có
chung một đặc điểm nhất định. Phải khẳng định rằng, khái niệm loại hình du lịch
phải có trước khái niệm sản phẩm du lịch. Do vậy không thể nói loại hình du lịch là
tập hợp các sản phẩm du lịch, ngược lại sản phẩm du lịch ra đời trên cơ sở có loại
hình du lịch. Loại hình du lịch là một khái niệm thuộc lĩnh vực xã hội, không thuộc

205
lĩnh vực kinh tế như khái niệm sản phẩm du lịch194. VÍ DỤ: loại hình du lịch tham
quan là hoạt động du lịch trong đó khách du lịch có chung một mục đích là đi nghe,
nhìn để tìm hiểu về thế giới xung quanh; loại hình du lịch tắm biển là hoạt động của
khách du lịch cùng đến các vùng biển để tắm, bơi lội ngoài biển; khách của loại hình
du lịch thăm thân đều có chung đặc điểm là đến nơi ngoài chỗ ở thường xuyên của
mình để gặp gỡ, thăm hỏi người thân như bạn bè, cha mẹ, ông bà của mình; trong
loại hình du lịch ẩm thực, hoạt động trải nghiệm văn hóa ẩm thực của khách du lịch
là đặc điểm chung nhất; du lịch thanh niên là loại hình du lịch mà ở đó khách du lịch
đều có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi như quy định tại Điều 1 của Luật Thanh niên195…
4.1.2. Phân loại
Trong các tài liệu và trang mạng, kể cả các tài liệu kinh viện bằng tiếng Anh,
có rất nhiều loại hình du lịch khác nhau được đưa ra. Tuy nhiên, việc liệt kê đầy đủ
các loại hình du lịch là không khả thi. Xây dựng một hệ thống phân loại các loại
hình du lịch là một tiếp cận khoa học cần thiết. Để phân loại loại hình du lịch người
ta sử dụng các tiêu chí phân loại khác nhau. Một hoạt động du lịch, tùy theo tiêu chí,
có thể được gọi bằng nhiều tên loại hình du lịch khác nhau. VÍ DỤ: một đoàn sinh
viên đi du lịch vào một vườn quốc gia có thể nói đoàn đó tham gia loại hình du lịch
sinh viên, loại hình du lịch tham quan (vườn quốc gia), loại hình du lịch ngắn ngày,
loại hình du lịch học tập, loại hình du lịch sinh thái…. Mặc dù một hoạt động du lịch
có thể được gọi thành các loại hình du lịch khác nhau như ví dụ ở trên, song về
nguyên tắc, các loại hình đó phải thuộc các tiêu chí khác nhau. VÍ DỤ không thể gọi
loại hình du lịch của một đoàn vừa là loại hình du lịch thanh niên và vừa là loại hình
du lịch người cao tuổi (hay loại hình du lịch tuổi thứ ba như người Pháp thường nói),
vừa là loại hình du lịch ngắn ngày và vừa là loại hình du lịch dài ngày….
Việc phân loại này rất có ý nghĩa nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm du
lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Một số tiêu chí thường gặp trong phân loại các loại hình du lịch là phân loại
theo tiếp cận tài nguyên du lịch, phân loại theo tiếp cận nhu cầu du lịch (theo mục
đích chuyến đi), phân loại theo lãnh thổ hoạt động, phân loại theo phương tiện di
chuyển, phân loại theo hình thức lưu trú, phân loại theo độ dài chuyến đi, phân loại
theo lứa tuổi khách du lịch, phân loại theo hình thức tổ chức, phân loại theo
phương thức hợp đồng.

194
sẽ làm rõ khái niệm này trong phần đầu chương Nhà cung ứng du lịch
195
Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 ban hành ngày 29/11/2005.

206
4.2.2.1. Phân loại theo tiếp cận tài nguyên du lịch
Du lịch là một ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt (Pirojnik I.I, 1985),
tùy theo môi trường tài nguyên mà hoạt động du lịch được chia thành hai nhóm lớn
là du lịch thiên nhiên/du lịch dựa vào thiên nhiên và du lịch văn hóa.
Du lịch thiên nhiên (Nature/nature-based tourism)
Du lịch thiên nhiên là du lịch dựa trên các điểm tham quan tự nhiên của một
khu vực. Ví dụ như ngắm chim, ngắm cảnh, cắm trại, săn bắn, câu cá, tìm hiểu các
loài cây cối... Những khách du lịch này quan tâm đến sự đa dạng của tài nguyên
thiên nhiên. Họ muốn những gì có thật và họ muốn được đắm chìm trong một trải
nghiệm tự nhiên. Một trong những hoạt động du lịch về với thiên nhiên là cắm trại.
Lưu trú trong lều bạt giữa thiên nhiên có thể giúp họ được tận hưởng môi trường
thiên nhiên một cách đầy đủ nhất.
Trong số các loại hình du lịch về với thiên nhiên có thể kể ra loại hình du
lịch núi, du lịch rừng, du lịch sông suối, du lịch biển, du lịch hồ, du lịch vườn quốc
gia… Như vậy du lịch thiên nhiên, hay một số tài liệu còn gọi là du lịch dựa vào
thiên nhiên là loại hình du lịch mà khách du lịch được đưa về những nơi có điều
kiện, môi trường thiên nhiên trong lành, có cảnh quan ngoạn mục, hấp dẫn nhằm
thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của họ. Nhu cầu này ngày càng tăng trưởng khi quá
trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển. Xu thế đi về các nơi có thiên nhiên
hoang sơ gia tăng làm bùng nổi hiện tượng du lịch ồ ạt (mass tourism). Hậu quả là
thiên nhiên hoang sơ bị hủy hoại và ngày càng thu hẹp. Những cơ hạ tầng, cơ sở
vật chất kỹ thuật du lịch mọc lên lấn át màu xanh của thiên nhiên, hoạt động vui
chơi giải trí phục vụ khách du lịch phá đi sự tĩnh lặng của môi trường. Đấy là
những nguy cơ tiềm ẩn báo hiệu sự suy tàn của du lịch. “Chính sự phát triển không
cân nhắc của ngày hôm nay sẽ là nguy cơ suy thoái của ngày mai” (Trần Đức
Thanh, 1999). Nhận thức được điều này, người ta đã lồng ghép việc giáo dục môi
trường vào các chuyến đi về với thiên nhiên.
Du lịch văn hóa (Cultural tourism)
Tại kỳ họp thứ 22 của Đại hội đồng được tổ chức tại Thành Đô, Trung Quốc
(11–16 tháng 9 năm 2017) UNWTO đã thông qua định nghĩa du lịch văn hóa như
sau. ‘Du lịch văn hóa là một loại hình hoạt động du lịch trong đó động cơ cơ bản
của khách du lịch là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu thụ các sản phẩm/văn
hóa vật thể và phi vật thể tại một điểm đến du lịch. Các sản phẩm này liên quan
đến tập hợp các đặc điểm vật chất, trí tuệ, tinh thần và tình cảm đặc biệt của một xã
hội bao gồm nghệ thuật và kiến trúc, di sản lịch sử và văn hóa, di sản ẩm thực, văn

207
học, âm nhạc, các ngành công nghiệp sáng tạo và các nền văn hóa sống với lối
sống, giá trị hệ thống, niềm tin và truyền thống.196
Tại khoản 17 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 quy định “Du lịch văn hóa là
loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo
tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân
loại”. Quy định này cũng dựa trên quan điểm kinh tế, trong khi đó loại hình du lịch
là một khái niệm thuộc phạm trù xã hội.
Dưới góc độ xã hội, du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà ở đó khách du
lịch được trải nghiệm các giá trị văn hóa tại nơi đến du lịch. Có nhiều loại hình du
lịch văn hóa như du lịch đô thị, du lịch thôn quê, du lịch tham quan di tích lịch sử,
du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực…Mục đích của khách du lịch khi tham gia các loại
hình du lịch văn hóa là có được trải nghiệm về đời sống văn hóa tại điểm đến tham
quan du lịch. Khi tham gia vào loại hình này, khách du lịch được khuyến khích tìm
hiểu trước về phong tục tập quán của cộng đồng địa phương, tôn trọng những di
sản văn hóa của cộng đồng.
Có một số cho rằng, du lịch tham quan các khung cảnh thiên nhiên như rừng
ngập nước (Trà Sư, Xuân Thủy, Bàu Sấu, Vân Long…), miệt vườn (Chợ Lách, Lái
Thiêu…), ruộng bậc thang (Mù Căng Chải, Sa Pả, Y Tí, Hoàng Su Phì…) là du
lịch văn hóa vì những thiên nhiên đó do con người tạo ra. Trong thực tế, một
chuyến du lịch về với thiên nhiên không phải hoàn toàn là du lịch sinh thái, ngược
lại, hầu hết tài nguyên du lịch văn hóa, môi trường của loại hình du lịch văn hóa
không phải không có yếu tố tự nhiên. Nếu chuyến đi về với thiên nhiên có mục
đích tìm hiểu, nghiên cứu về thiên nhiên, kèm theo cách tiếp cận thân thiên với môi
trường thì phải gọi là du lịch sinh thái. Trong khi đó nếu chuyến đi về với những
vùng thiên nhiên đó song mục đích là nghiên cứu, tìm hiểu những truyền thống văn
hóa, giá trị văn hóa được hình thành trong quá trình thích ứng, chinh phục, cải tạo
thiên nhiên thì nó được coi là loại hình du lịch văn hóa. Việc phân chia loại hình
du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa chủ yếu chỉ mang tính học thuật, trong thực
tế, không có một hoạt động du lịch nào hoàn toàn là tự nhiên hay hoàn toàn là văn
hóa thuần túy (xem hình 3.5. Sơ đồ phân biệt hoạt động du lịch văn hóa và sinh
thái tại các vùng thiên nhiên nhân sinh)

196
https://www.unwto.org/tourism-and-culture

208
4.2.2.2. Phân loại theo cách tiếp cận nhu cầu du lịch
Đây là phân loại dựa trên mục đích chuyến đicủa khách du lịch. Tiêu chí này
thể hiện nhu cầu, sở thích đặc trưng của khách du lịch, nói cách khác tiêu chí này
thể hiện đặc điểm cơ bản của chuyến đi của khách. Mục đích của một số người là
muốn dứt bỏ cuộc sống thường nhật đến một nào đó để thư giãn, nghỉ ngơi hoặc
tham gia vào một hóa động ngoài trời nào đó. Có một số khác thực hiện chuyến đi
không phải vì mục đích du lịch như đi công tác, hội họp, thực hiện lễ nghi tôn
giáo…. Nhóm thứ nhất là mục đích thuần túy du lịch, nhóm thứ hai gọi là du lịch
kết hợp.
Chuyến đi của những người vì mục đích thuần túy du lịch tức là chuyến đi
của họ chỉ nhằm nghỉ ngơi, giải trí, nâng cao tại chỗ hiểu biết về thế giới xung
quanh. Đó là các loại hình du lịch tham quan, giải trí, khám phá, nghỉ dưỡng, thể
thao, lễ hội…
Du lịch tham quan (Visiting travel/excursion travel)
Du lịch tham quan là chuyến đi của khách du lịch, những người muốn đi để
tìm hiểu về thế giới xung quanh. Đối tượng của du lịch tham quan thường là một
thắng cảnh tự nhiên (như vườn quốc gia Cát Bà, vườn quốc gia Tràm Chim, vườn
quốc gia Kakadu, vườn quốc gia Bryce Canyon, hang Sơn Đoòng, hang Sửng Sốt,
hang Cavescrystal, hang Waitomo; thác bản Giốc, thác Preen, thác Victoria, thác
Niagara…); một di tích lịch sử văn hóa (nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Đức Bà, bức
tường thành Berlin…); một công trình đương đại (nhà máy thủy điện sông Đà Hòa
Bình, tòa nhà Landmak 72, Bitexco, cầu Bãi Cháy…); một viện bảo tàng
(Ermitage, Louvre, Bảo tàng Dân tộc học…). Người ta cũng có thể đi tham quan
một thành phố (Kyiv, Venizia, phố cổ Hội An, cố đô Kyoto…); một đất nước (Việt
Nam, Liên Bang Nga, Algérie, Nhật Bản…). Cho dù đối tượng tham quan của họ
là gì, song những người này có chung một đặc điểm là đi để tìm hiểu (xem, nhìn
kết hợp nghe thuyết minh về các giá trị của các đối tượng mà họ xem, ngắm, nhìn).
Có một tên gọi khác cho loại hình tham quan cảnh đẹp của thiên nhiên đó là du
lịch ngắm cảnh (signseeing travel).
Du lịch nghỉ dưỡng (recreation travel)
Bên cạnh du lịch tham quan, nhiều người muốn đi đến đâu đó để nghỉ ngơi,
phục hồi sức khỏe. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng là chuyến đi của khách du lịch
đến các điểm nghỉ dưỡng để nghỉ ngơi, xả stress, phục hồi sức khỏe. Loại hình du
lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên của những cư dân sống
trong các khu đô thị chật chội hay làm việc trong các lĩnh vực có sức ép công việc
lớn. Với mục đích này, khách du lịch muốn tìm một nơi yên tĩnh, có không gian
209
thoáng đãng, không khí trong lành, Những nhu cầu về những hoạt động khác như
tham quan, khám phá không phải là nhu cầu cơ bản trong chuyến đi đó.
Du lịch giải trí (Leisure travel)
Du lịch giải trí cũng là một loại hình khá hấp dẫn khách du lịch. Mục đích
của chuyến đi là xả stress, bứt ra khỏi công việc thường nhật để phục hồi sức khỏe
thể chất cũng như tinh thần. Vì đích này, nhiều khách du lịch không quan tâm
nhiều đến cảnh quan thiên nhiên hay các giá trị văn hóa mà thường chỉ quan tâm
đến các hoạt động vui chơi giải trí có tại điểm đến. Trong nhóm này có thể kể đến
loại hình du lịch đánh bạc (gaming) tại các casino. Lâu nay casino vẫn được nhắc
đến là ngành đem lại lợi nhuận rất lớn cho các quốc gia hay vùng lãnh thổ như
Macao, Hongkong, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay Singapore.... Một báo cáo năm 2015
của Hãng Nghiên cứu Thị trường Statista (Đức) cho rằng, doanh thu của ngành
công nghiệp casino đạt 115 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016 và có thể tăng lên 130 tỷ
USD vào năm 2019197. Giống như Macao và các thị trường trò chơi khác, hầu hết
các casino ở Las Vegas đều nằm trong khu du lịch, có các khu nghỉ dưỡng và giải
trí đa dạng. Trung tâm du lịch này đã thu hút được khoảng 39,01 triệu khách du
lịchtrong năm 2017 với đà tăng trưởng duy trì liên tục trong suốt nhiều năm qua
(tài liệu đã dẫn)
Du lịch công vụ (Business travel)
Du lịch công vụ là chuyến đi của những người được cơ quan tổ chức cử đi
nhằm thực hiện một nhiệm vụ nào đó tại nơi đến. Thông thường loại khách này sử
dụng dịch vụ cao cấp do mọi chi phí của họ do cơ quan, tổ chức chi trả, nhất là khi
họ được cử đến với tư cách là đại diện của cơ quan tổ chức để làm việc với các đối
tác. Tuy nhiên tranh thủ những lúc rảnh rỗi, họ trở thành khách du lịch thông qua
việc “tiêu thụ tại chỗ những giá trị vật chất và tỉnh thần” của địa phương. Có thể họ
sẽ nán lại nơi công tác vài ngày, tranh thủ thời gian này để nghỉ ngơi, giải trí, tham
gia các hoạt động tại điểm đến như tham quan, trekking, thưởng thức ẩm thực địa
phương, tham gia sự kiện nhằm tìm hiểu, khám phá điểm cùng bạn bè, người thân
hay một mình.
Du lịch làm việc tại nơi nghỉ (Bleisure travel)
Làm việc tại nơi nghỉ có nét giống với du lịch công vụ. Tuy nhiên điểm khác
biệt chính của loại hình này là khách du lịch thường là các doanh nhân. Họ tìm đến
những điểm du lịch có những điều kiện môi trường mà họ ưa thích như miền biển,
Xem “Casino, “át chủ bài” của các khu nghỉ dưỡng
197

hàng đầu thế giới” tại http://vneconomy.vn/casino-at-chu-


bai-cua-cac-khu-nghi-duong-hang-dau-the-gioi-
20181218130357025.htm
210
miền núi, hay vùng nông thôn xa vắng v.v…, nơi họ có thể tận hưởng một không
khí trong lành với những dịch vụ đẳng cấp. Họ có thể ngồi làm việc hay liên hệ với
đối tác thông qua chiếc máy tính của họ ngay trên bãi biển, bên thác nước, dưới
một gốc cây cổ thụ trong trang phục rất thoải mái của một khách du lịch.
Kỳ nghỉ tại chỗ (staycation)
Theo Từ điển Collins English Dictionary 198 “kỳ nghỉ tại chỗ là một kỳ nghỉ
mà bạn dành ở nhà riêng hoặc đất nước của mình, thư giãn và tận hưởng các hoạt
động giải trí ở đó”. Kỳ nghỉ tại chỗ staycation trong tiếng Anh là một từ ghép giữa
từ stay (ở lại) và một phần của từ vacation (kỳ nghỉ). Thuật ngữ này chỉ một
“chuyến đi” trong khu vực sinh sống, thậm chí trong khuôn viên xung quanh nhà ở
hàng ngày. Người ta có thể dựng lều trại trong một công viên hoặc ngay ngoài
vườn của họ để làm chỗ ngủ, làm nơi tổ chức ăn uống. Trong ngày họ có thể đi
khám phá các danh lam thắng cảnh địa phương, tham gia vào các hoạt động của
người dân như một khách du lịch. Từ điển Macmillan 199còn định nghĩa kỳ nghỉ tại
chỗ là “một kỳ nghỉ mà bạn ở nhà và đi thăm những nơi gần nơi bạn sống hoặc
một kỳ nghỉ ở đất nước của bạn”, tức là du lịch nội địa.
Một số người nghĩ rằng du lịch tại chỗ là hệ quả của việc phong tỏa địa bàn
do dịch COVID-19. Thực chất hoạt động du lịch tại chỗ đã từng là một hiện tượng
khá phổ biến ở Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2010200. Kỳ nghỉ
tại chỗ cũng trở thành một hiện tượng phổ biến ở Anh vào năm 2009 khi đồng
bảng Anh yếu khiến các kỳ nghỉ ở nước ngoài đắt hơn đáng kể201
Du lịch khám phá (Explore travel)
Du lịch khám phá là chuyến đi nhằm mục đích phát hiện ra những địa điểm
mới, hiện tượng mới, trải nghiệm mới mà hầu như chưa ai phát hiện trước đó. Đối
tượng của sự “khám phá” không chỉ dừng lại ở các miền đất lạ mà còn là bản thân
khách du lịch. Loại hình du lịch này có sức hấp dẫn rất lớn đối với lớp trẻ, đặc biệt
là những khách du lịch có tâm lý hướng ngoại (allocentric theo cách nói của Plog
S. 1974).
Du lịch bị bỏ lạc (Get lost travel)
Cũng có thể nói đây là một dạng của du lịch khám phá bản thân. Du lịch bị
bỏ lạc là loại hình du lịch mà khách bị bỏ lại một mình tại một nơi họ không quen
biết. Đây là ý tưởng của Công ty du lịch Black Tomato có trụ sở tại London. Nét
đặc biệt của loại hình này là khách du lịch được một trải nghiệm sinh tồn trong
hành trình của mình. Khách du lịch được đưa tới một nơi xa xôi, hẻo lánh, như sa
198
Staycation definition and meaning. Collins English Dictionary tại  www.collinsdictionary.com.
199
https://www.macmillandictionary.com/dictionary/british/staycation
200
"Get away on vacation — at home". 12 March 2008. Retrieved 2 August 2016
201
https://en.wikipedia.org/wiki/Staycation

211
mạc, rừng già, vùng vực và bị bỏ lại một mình. Tại đây, khách du lịch phải tự tìm
đường cho mình nhờ kĩ năng định hướng, định vị với sự hỗ trợ của điện thoại vệ
tinh, bản đồ ngoại tuyến, thiết bị định vị.
Du lịch mạo hiểm (Adventure travel)
Du lịch mạo hiểm cũng thu hút rất nhiều các tầng lớp trẻ, nhất là những
người có tâm lý hướng ngoại. Điểm đến hướng tới của khách du lịch thuộc loại
hình này rất phong phú và đa dạng như đối với khách du lịch khám phá. Sự khác
biệt của điểm du lịch mạo hiểm là điểm đến không nhất thiết phải hoàn toàn mới
lạ, song nó phải tạo ra những thách thức đối với người tham gia. Đó là sự hiểm trở
của những cung đường trèo lên những ngọn núi cao chót vót (Phansipan, Everest),
sự nguy hiểm khi băng qua những thác ghềnh nước chảy siết với đủ kiểu khác nhau
(thác đuôi ngựa: Tà Gụ, thác dốc lao: thác Bay, thác đổ: thác La Nhi, thác phân
bậc: thác Dray K’nao, thác đập tràn: thác Dray Sap…) , xuyên qua những cánh
rừng rậm rạp (Nam Cát Tiên, Cúc Phương, Amazon), những thách thức cao độ của
những cuộc hành trình trên những sa mạc không bóng người (Sahara, Gobi,
Kalahari), những vùng băng tuyết dày đặc quanh năm như Nam cực và Bắc cực…
Nước ta có ¾ diện tích là núi đồi, nhiều núi cao, vực sâu nên rất có tiềm năng phát
triển các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm này. Tuy nhiên, để phát triển loại
hình du lịch này có hiệu quả, an toàn, cần có nguồn vốn lớn để mua sắm các trang
thiết bị cần thiết, cần có đội ngũ hướng dẫn viên có sức khỏe tốt, có kỹ năng xử lý
các tình huống bất trắc xảy ra trong điều kiện không có người trợ giúp. Tham gia
vào loại hình du lịch mạo hiểm, khách du lịch tìm kiếm thách thức với tâm thế sẵn
sàng vượt qua nó và coi việc chinh phục các thách thức gặp phải trong chuyến đi
như là một phần thưởng vô giá đối với họ.
Du lịch cắt rừng leo núi vất vả (Trekking travel)
Hoạt động du lịch cắt rừng leo núi, nói tắt là du lịch leo núi vất vả hoặc
trekking. Theo Trịnh Lê Anh (2005) "Trekking tour khởi phát ở châu Âu từ những
thập kỷ đầu thế kỷ XX, chủ yếu từ sáng kiến của một số người có điều kiện kinh tế,
muốn tổ chức những chuyến đi mang tính vận động cao, thử thách với các địa hình
khác nhau, khám phá nét nguyên sơ của thiên nhiên, tìm cảm giác khác lạ"… Hoạt
động trekking khá tương đồng với loại hình du lịch đi bộ vất vả (hiking travel). Cả
hai loại hình có chung đặc điểm là "đi bộ vất vả" . Song du lịch trekking khác du
lịch đi bộ cơ bản ở thời gian, quãng đường và địa hình đi bộ. Nêu như du lịch đi
bộ, khách du lịch đi theo các con đường có sẵn như vỉa hè, đường ô tô, đường mòn
thì tham gia vào trekking tour, khách du lịch thường xuyên phải tự mở đường để
đi, vì thế có hàm nghĩa "cắt rừng". Du lịch trekking thường là một chuyến bộ đi dài

212
ngày, quãng đường khá xa và quan trọng nhất là phần lớn là đồi núi có địa hình gồ
ghề, lởm chởm, khó đi. Cung đường mà khách du lịch leo núi thường dài và đặc
biệt là rất ít đường bằng phẳng. Nếu du lịch đi bộ, cuối ngày khách có thể được trở
về địa điểm lưu trú để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe thì du lịch leo núi phải đi
nhiều ngày hơn. Họ thường phải nghỉ đêm ngay trong rừng, trên núi. Trong thực tế
ở nước ta hiện nay, khách đi bộ ở những vùng đồi núi dưới một ngày cũng vẫn
được gọi là đi “trekking”.
Du lịch thể thao (Sport travel)
Du lịch thể thao là chuyến đi của khách du lịch đến những nơi mà ở
đó họ có thể được trực tiếp tham gia vào các hoạt động thể thao như một sở thích,
để thỏa mãn nhu cầu thể thao của họ. Những loại hình thể thao mà khách du lịch
thường thích tham gia là du lịch câu cá, du lịch săn bắn, du lịch trượt tuyết, du lịch
trượt băng, du lịch cưỡi ngựa, du lịch golf, du lịch lượt ván, du lịch lướt sóng, du
lịch ma ra tông…Chuyến đi của các cổ động viên đến một cuộc thi đấu nào đó
cũng được coi là loại hình du lịch thể thao cho dù họ hầu như không thực hành một
hoạt động thể thao nào tại nơi họ đến. Cần phân biệt loại hình du lịch thể thao
thuần túy và thể thao kết hợp sẽ trình bày ở phần sau.
Các loại hình du lịch sức khoẻ (health tourism)
Những loại hình du lịch liên quan đến sức khoẻ ra đời trong những năm gần
đây phát triển khá nhanh chóng. Du lịch sức khỏe là chuyến đi đến các điểm có
các dịch vụ y tế, phụ hồi sức khỏe tốt để thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe,
dịch vụ y tế, dịch vụ làm đẹp hay hỗ trợ y tế. Du lịch sức khỏe bao gồm du lịch y tế
hay du lịch chữa bệnh (medical tourism), du lịch chữa lành (wellness tourism), du
lịch spa (spa tourism)202. Theo giải thích trên trang web Medicaltourism.com203 du
lịch y tế là hiện tượng toàn cầu hóa, nơi những người sống ở một quốc gia đi du
lịch đến một quốc gia khác để được chăm sóc y tế. Du lịch chăm sóc sức
khỏe là chuyến đi của những người có nhu cầu điều trị hoặc thăm khám, kiểm tra
sức khỏe tại một địa điểm y tế có uy tín. Trang web Medical tourism magazine chỉ
ra tốp 10 quốc gia có khách du lịch đến để chữa bệnh nhiều nhất là Ấn Độ, Brazil,
Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mehico, Costa Rica, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và
Singapore204. Hiện nay ở Việt Nam, cũng có làn sóng khách du lịch chữa bệnh
chọn các nước như Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Với tư cách là một điểm đến
du lịch sức khỏe, thành phố Hồ Chí Minh với nhiều sản phẩm du lịch y tế chất
202
https://pro.regiondo.com/
203
https://www.medicaltourism.com/frequently-asked,
204
https://www.medicalto urismmag.com/article/top-10-medical-tourism-destinations-world

213
lượng cao205 là địa phương đi đầu trong cả nước trong phát triển loại hình du lịch
này.
Du lịch lễ hội (Festival travel)
Du lịch lễ hội cũng đang là trào lưu của du lịch hiện nay. Lễ hội là một sinh
hoạt văn hóa cộng đồng nhằm kỷ niệm một sự kiện lịch sử, văn hóa, chính trị, tôn
giáo của cộng đồng. Thông thường lễ hội có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ
bao gồm các hoạt động có tính nghi thức, trang nghiêm. Phần hội bao gồm các
hoạt động vui chơi giải trí, các sinh hoạt văn hóa tập thể. Theo thống kê 2009, hiện
cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm
88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)206.
Khách du lịch thích được đắm mình trong các lễ hội hiện đại cũng như truyền
thống. Các lễ hội truyền thống thu hút không chỉ khách trong nước mà còn thu hút
rất nhiều khách du lịch nước ngoài vì các lễ hội này là bối cảnh phô diễn những nét
văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo “Thời báo Tài chính Việt Nam online” ngày
18/3/2019207 chỉ chưa đầy 1 tháng rưỡi đầu lễ hội chùa Hương (từ 7/2 đến
17/3/2019), số khách đến tham dự lễ hội chùa Hương đã lên đến trên 1 triệu người.
Trong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát
triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới
càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi
trẻ. Tại những điểm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
những lễ hội du nhập như Noel, lễ Tình yêu, lễ hội Halloween cũng đã được tổ
chức hàng năm phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, những lễ hội như liên hoan
(festival) du lịch, lễ hội bắn pháo hoa (fireworks festival), lễ hội hóa trang
(carnival festival) cũng thu hút rất nhiều khách du lịch. Theo các phương tiện
thông tin đại chúng, dịp lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2019, lượng khách
đặt tour đi Đà Nẵng đã tăng 25,54% so với cùng kỳ năm 2018 208. Khách tham gia
du lịch lễ hội muốn được hòa mình vào lễ hội, họ không quá quan tâm đến các dịch
vụ như đối với khách du lịch của loại hình khác.
Du lịch thiền (Zen travel)
Du lịch thiền là loại hình du lịch của những người đến những nơi có điều
kiện không gian tĩnh mịch để họ có thể thực hành thiền. Về bản chất, thiền là một
https://baotintuc.vn/du.lich/
205

tp.ho.chi.minh.phat.trien.5.loai.hinh.du.lich.y.te.chat.luong.cao.0190904164107392.htm
206
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_h%E1%BB%99i_Vi%E1%BB%87t_Nam
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2019-03-18/le-hoi-chua-huong-2019-da-thu-hut-hon-1-trieu-du-
207

khach-68950.aspx
208
https://danang-shopping.com/vi/le-hoi-phao-hoa-quoc-te-da-nang-2019-va-nhung-net-moi/

214
một phương pháp tu tập được sử dụng như một cách thức tư duy để chứng nghiệm
chân lý. Thiền không chỉ có trong đạo Phật mà còn có mặt trong nhiều tôn giáo
khác như Kitô giáo, Kỳ Na giáo (Jainism), đạo giáo... một lối tư duy, một triết lý
sống có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Hiện nay, giá trị của triết lý sống
thiền đã được các nhà tâm - sinh lý học hiện đại chứng minh là phương pháp giúp
con người rèn luyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn, có thể điều chỉnh
dòng ý thức, tập trung tư tưởng vào công việc đang làm và từ đó có thái độ tốt đẹp
hơn với với cuộc sống, với thiên nhiên và với con người. Khách du lịch thuộc loại
hình này thường tìm đến các thiền viện để trải nghiệm quá trình thiền.
Du lịch thảm họa (Dark tourism)
Du lịch thảm họa là loại hình du lịch về những địa điểm gắn với những
thảm kịch chết chóc đã từng xảy ra (John Lennon & Malcolm Foley, 2000). Những
địa điểm này có thể là di tích của thảm họa, có thể là bảo tàng trưng bày thảm họa.
Những thảm kịch có thể gây nên bởi thiên nhiên (sóng thần Nhật Bản 11.3.2011,
động đất ở Valdivia 1960, ở Đường Sơn 1976, ở Nhật Bản 11.3.2011; thảm họa
núi lửa ở Tobora 1815 …) nhưng cũng thể do con người (thảm họa diệt chủng
Holocaust, thảm họa bom nguyên tử Nhật Bản, thảm họa diệt chủng Pol Pot, thảm
họa diệt chủng Rwanda, thảm họa Chernobyl, thảm họa đánh bom tòa tháp đôi…) 
Theo thống kê từ The Common Wanderer, hơn 23 triệu người đã ghé thăm
Đài tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 (Mỹ) kể từ năm 2011. Trại tập trung Auschwitz
(Đức) đã đón 1,53 triệu lượt du khách. Khu tưởng niệm Choeung Ek tại
Campuchia có hơn 200.000 người đến tham quan và tưởng nhớ hàng năm. Những
điểm đến nổi tiếng khác trên thế giới phải kể đến là bộ lạc ăn thịt người Aghori (Ả
Rập), nhà tù Tuol Sleng (Campuchia) - nơi ghi dấu tội ác của Khmer Đỏ, bảo tàng
Jack the Ripper (Anh), nhà máy hạt nhân Chernobyl (Ukraine) đã bị đóng cửa vì
vụ thảm họa hạt nhân, thành phố Hiroshima (Nhật Bản)...
Do chiến tranh nên ở Việt Nam cũng có một số địa chỉ được coi là điểm
tham quan du lịch thảm họa. Tiêu biểu là Mỹ Lai, nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn
Đảo, các bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Một điều chú ý khi tham gia vào loại hình du lịch này là hành vi của khách
du lịch. Mục đích của loại hình du lịch này là nhắc nhở con người về những thảm
họa đau buồn và khốc liệt mà con người đã phải trải qua trong lịch sử. Do vậy cần
tránh những hành động quá vô tư, hồn nhiên cười đùa khi có mặt tại đây.
Tương tự loại hình du lịch này, trên thế giới có các loại hình du lịch đen
(Black tourism), du lịch ốm yếu (Morbid tourism), du lịch đau thương (Grief

215
tourism), du lịch nghĩa địa (Cementery travel), du lịch thảm họa (Disaster tourism),
du lịch diệt vong (Doom tourism), du lịch tàn sát (Holocaust tourism) …
Du lịch phong thủy (Geomancy/feng-shui tourism)
Du lịch phong thủy là loại hình du lịch về những địa điểm có những công
trình thiết kế theo một triết lý được cho là hài hòa với thiên nhiên để tránh những
rủi ro, mang lại những điều may mắn cho những người liên quan qua đó cung cấp
cho khách du lịch nhưng tri thức và chiêm nghiệm những triết lý đó.
Du lịch phong thủy đặc biệt phát triển ở các nước Đông Á và Đông Nam Á.
Những tòa nhà có kiến trúc đặc biệt như tòa nhà trên bờ vịnh Repulse, tòa nhà hội
sở HSBC (Hong Kong), Suntec city, Sands Sky Park (Singapore) là những điểm
đến của các chuyến du lịch phong thủy. Đến Singapore, khách du lịch phong thủy
còn được biết về mối liên quan giữa quá trình xây dựng đường tàu điện ngầm và sự
ra đời của đồng 1 đô la Singapore có hình bát giác. Ở Việt Nam, nhiều đền chùa,
lăng mộ và một số công trình đương đại cũng quan tâm đến yếu tố phong thủy khi
xây dựng nên cũng có khả năng trở thành các điểm tham quan cho loại hình du lịch
phong thủy. Hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn hay kiến trúc nhà vườn ở Huế
là một ví dụ.
Du lịch tình nguyện hay du lịch thiện nguyện (Volunteer travel)
Du lịch tình nguyện là chuyến đi của khách du lịch đến một nơi nào đó để tự
nguyện tham gia vào một công việc nào đó hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đa số
khách du lịch tình nguyện là thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên. Thời gian
chuyến đi thường từ 1 tuần trở lên. Công việc họ tham gia rất đa dạng, từ việc làm
vệ sinh khu dân cư, trồng cây, hỗ trợ sản xuất, thu hoạch đến dạy chữ, dạy các kĩ
năng sống, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng… Hầu hết chi phí cho chuyến đi, kể
cả quà tặng cho các đối tượng cần hỗ trợ của cộng đồng đều do khách du lịch chi
trả hoặc được cơ quan, tổ chức hay cá nhân tài trợ một phần.
Du lịch SAVE (SAVE travel)209
Một dạng của du lịch thiện nguyện là du lịch SAVE. Theo Kristin
Lamoureux, Donald Leadbetter (2012), du lịch SAVE là một chuyến đi của nhóm
“khách du lịch đến một điểm đến để tham gia vào nghiên cứu, học tập hoặc du lịch
tình nguyện” (trang 5). Thuật ngữ này mới xuất hiện trong các công trình khoa học
về du lịch trong thời gian gần đây. Cũng có thể cho rằng đây là loại hình du lịch
cho một thị trường ngách, đó là các nhà khoa học đến các vùng xa xôi, hẻo lánh,
nghèo nàn để triển khai những tri thức hàn lâm của họ vào thực tiễn với một tinh
thần thiện nguyện góp phần giáo dục cộng đồng. Đây là một trong những cách tiết

209
Scientists, Academic, Voluntary, Education

216
kiệm (save) nhất để phát triển gắn kết và cộng đồng. Theo Nguyễn Đức Thắng
(2019) “Khảo sát trực tuyến thông qua các cơ sở dữ liệu thành viên của Gap
Adventures, TIES và Planeterra với các liên kết trên Facebook, Twitter và các
trang web tiêu dùng, các trang web du lịch thì có 1.073 phản hồi từ hơn 70 quốc
gia, trong đó 60% là những người tình nguyện tham gia SAVE Tourism” (trang
31).
Du lịch trải nghiệm (Experimental tourism)
Trong thời gian gần đây, một số tác giả đã đưa ra khái niệm “du lịch tải
nghiệm”. Bản chất của hàng hóa mà khách du lịch bỏ tiền ra mua là trải nghiệm, do
vậy một loại hình du lịch trải nghiệm có vẻ là không cần thiết. Tuy nhiên trong
thực tế, khái niệm “du lịch trải nghiệm” trở nên phổ biến sau khi Pine B.J. and
Gilmore, J.H. (1998, 1999) đưa ra khái niệm về nền “kinh tế trải nghiệm”. Trong
các công trình này, các tác gia cho rằng, trước đây, nền kinh tế thế giới chủ yếu
dựa vào các sản phẩm và dịch vụ, nhưng hiện nay hiện tượng này đã thay đổi rất
nhiều. Giờ đây, trải nghiệm là nền tảng thiết yếu đối với người dùng.
Một trong những người đầu tiên bàn về khái niệm “du lịch trải nghiệm” là
William L. Smith (2006). Trong công trình của mình, William L. Smith (2006) đưa
ra định nghĩa du lịch trải nghiệm của Thống đốc bang Wisconsin năm 2004, Ted
Eubanks như là “tất cả những gì khách du lịch chạm vào, cảm nhận, nhìn thấy”.
Nguyễn Thị Tú Trinh và cộng sự (2018) định nghĩa du lịch trải nghiệm như một
“hình thức du lịch giúp du khách có cơ hội trải nghiệm thực tế cuộc sống trong
những môi trường mới” (trang110). William L. Smith (2006) cho biết du lịch tự
nhiên, du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch dựa vào tài nguyên, du lịch mạo hiểm,
du lịch sinh thái, du lịch di sản… đều có thể là du lịch trải nghiệm. Bharathi Rajan
(2015) cho rằng du lịch trải nghiệm sẽ là loại hình du lịch chiếm ưu thế trong
tương lai. Như vậy mặc dù bản chất của du lịch là cung cấp trải nghiệm cho khách,
song chúng ta hiểu du lịch trải nghiệm là loại hình du lịch nhấn mạnh vào việc
cung cấp trải nghiệm thực tế tích cực và chủ động về tự nhiên hay/và văn hóa tại
nơi đến cho khách du lịch. Du lịch trải nghiệm là bất kỳ loại hình du lịch nào mà
chúng ta biết đến, tuy nhiên, yếu tố trải nghiệm của khách du lịch được ưu tiên
hàng đầu. Khách du lịch phải hoạt động nhiều hơn, tương tác với thiên nhiên và
môi trường xung quanh nhiều hơn, tự mình thực hiện, tự mình rút kinh nghiệm cho
bản thân. Đó có thể là những hoạt động đặc biệt, mới lạ, hấp dẫn, liên quan đến
văn hóa, lối sống, khám phá thiên nhiên… ở vùng đất mới. Khách du lịch sẽ dùng
tất cả các giác quan để cảm nhận và tạo nên những câu chuyện riêng của bản thân.
Tóm lại, du lịch trải nghiệm cho thấy hơn là mô tả. Nó khuyến khích khách du lịch
tích cực tham gia trải nghiệm và thúc đẩy các hoạt động thu hút mọi người ra ngoài
trời, hòa nhập vào các nền văn hóa và cộng đồng. Theo nghĩa này, trải nghiệm có

217
được có tính rất cá nhân và riêng biệt. Du lịch tự nhiên, du lịch dựa vào tài nguyên,
du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch di sản và các lĩnh vực ngách khác phù
hợp với du lịch trải nghiệm. Về cơ bản, khách du lịch trải nghiệm tìm kiếm những
trải nghiệm đáng nhớ.
Bên cạnh mục đích thuần túy du lịch, nhiều người rời khỏi nơi cư trú của
mình nhằm mục đích không du lịch như đi công tác, đi tìm cơ hội làm ăn, đi tham
gia các cuộc thi đấu thể thao, đi học tập, nghiên cứu, đi thăm bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, trong những thời gian rảnh rỗi mà họ có được, những người này sẽ đi
tham quan, nghỉ ngơi như một khách du lịch thuần túy. Ngay cả trong trường hợp họ
không tham gia các hoạt động đó, họ vấn có thể được coi là khách du lịch vì trong
quá trình lưu lại tại nước họ đến, họ sử dụng dịch vụ của ngành Du lịch. Những
chuyến đi này của họ được xếp vào nhóm các loại hình du lịch kết hợp. Các loại
hình du lịch trong nhóm này có thể kể đến là du lịch thể thao, du lịch tôn giáo, du
lịch tâm linh, du lịch công vụ, du lịch học tập…
Du lịch thể thao kết hợp (Travel associated sport)
Du lịch thể thao kết hợp là chuyến đi của những vận động viên, huấn luyên
viên, người quản lý đến một nơi nào đó để luyện tập hoặc thi đấu. Tùy từng hoàn
cảnh và qui định nội bộ, những vận động viên, huấn luyện viên này có thể hoặc
không thể được ra ngoài để tham quan ngắm cảnh hoặc làm bất cứ một việc gì liên
quan đến du lịch.
Du lịch tôn giáo (Religious travel)
Du lịch tôn giáo trước đây được hiểu là chuyến đi của các tín đồ đến các
thánh địa mà họ muốn hay có trách nhiệm phải đến. Những chuyến đi này thường
được gọi là hành hương. Nếu thời Trung cổ, du lịch tôn giáo chủ yếu chỉ là chuyến
đi truyền đạo thì ngày nay, du lịch tôn giáo là chuyến đi của những tín đồ đến các
thánh địa nhằm mục đích thực hiện lễ nghi tôn giáo hay chuyến đi của những
người ngoại đạo để tìm hiểu và trải nghiệm về đức tin của một tôn giáo nào đó.
Những “khách du lịch” tôn giáo thường ít quan tâm đến các điều kiện khác ngoài
tôn giáo của họ. Họ rất quan tâm đến các sản phẩm du lịch tôn giáo như dịch vụ
hướng dẫn, hỗ trợ cúng lễ cũng như các hàng hóa liên quan như đồ cúng lễ, các
sách, tài liệu, ảnh, tượng và các vật phẩm khác v.v…
Du lịch tâm linh (Spiritual tourism)
Đã có một số học giả đưa ra khái niệm du lịch tâm linh. Mu và cộng sự
(2007) cho rằng du lịch tâm linh là “một loại hình du lịch đặc biệt được định
hướng bởi văn hoá tâm linh”. Rinschede (1992) cho rằng đó là “hoạt động của
khách du lịch bị lôi kéo bởi lý do tâm linh” (dẫn theo Nguyễn Trùng Khánh và
218
cộng sự 2013). Theo Olsen Daniel (2013), du lịch tâm linh, có thể được mô tả là
chuyến đi “để cải thiện tinh thần và tìm thấy bản thân của một người thông qua
việc đi theo một con đường riêng thay vì kết nối với một cộng đồng tôn giáo rộng
lớn” (trang 37). Tác giả cho rằng, du lịch tâm linh có thể được coi là cốt lõi của
“du lịch chăm sóc sức khỏe”, nơi phát triển tâm linh được coi là yếu tố then chốt
trong nỗ lực cân bằng tâm trí, cơ thể và tinh thần (tài liệu đã dẫn, trang 37-38). Một
số học giả coi du lịch tâm linh như du lịch tôn giáo. Tuy nhiên, về bản chất, hai
loại hình du lịch này không như nhau. Nếu du lịch tôn giáo có đối tượng thị trường
mục tiêu là tín đồ của tôn giáo đó, thì du lịch tâm linh có thị trường là những người
có lòng tin vào những hiện tượng kì bí. Điểm đến của du lịch tâm linh là những nơi
có mà khách du lịch tin rằng, cho rằng hoặc được nghe thấy nói rằng, ở đó người ta
có thể hiện thực hóa được những nguyện vọng, ước mong của con mình nhờ những
thế lực siêu nhiên, bí hiểm mà cho đến nay khoa học chưa giải đáp được thỏa đáng.
Trong giáo trình này, loại hình du lịch tâm linh được hiểu là chuyến đi đến một nơi
mà khách du lịch tin rằng ở đó có một thế lực siêu nhiên có khả năng hiện thực
hóa nhưng suy nghĩ, ước muốn của con người. Yếu tố cốt lõi của du lịch tâm linh
là tính thiêng của điểm tham quan du lịch. Nhiều người Việt Nam tin rằng Đền
Trần, đặc biệt là Đền Trần ở Nam Định rất linh thiêng. Họ đến đây nhằm mục đích
xin Đức Thánh Trần ban cho hào khí để dẹp loạn, ban cho công danh, chức tước.
Họ tin rằng, nếu may mắn xin được ấn đóng trên tấm lụa đỏ thì sẽ đắc lộc, đắc thọ.
Đầu năm khách du lịch, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán thường đến Đền
Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn. Đối với họ, khi “vay” được tiền của Bà, năm đó
sẽ làm ăn phát đạt. Những người không phải là dân kinh doanh cũng lên lễ Bà
Chúa Kho để “xin lộc rơi lộc vãi”, cầu bình an, sức khỏe. Rất nhiều người cho
rằng, người có đường tình duyên lận đận sau khi thành tâm cầu nguyện ở chùa Hà
(Hà Nội), chùa Bà Ấn Độ, chùa Ngọc Hoàng, chùa Bát Bửu Phật Đài, chùa Ông
(thành phố Hồ Chí Minh), chùa Duyên Ninh (Ninh Bình)… đều tìm được nửa bên
kia của mình. Nhiều khách du lịch miền Tây vẫn hay thăm viếng Miếu Cây Trân ở
Long An vì họ rất tin những câu chuyện xung quanh ngôi Miếu này. Mọi người
đều tin rằng, Chùa Bà Đanh (Hà Nam) nổi tiếng với câu “vắng như Chùa Bà
Đanh” vì Bà hay trách phạt những kẻ không thực tâm, giả dối, những kẻ đến Chùa
mà “miệng Nam Mô, bụng một bồ dao găm”. Nhà thờ Tắc Sậy (Bạc Liêu), nhà thờ
La Vang (Quảng Trị)… được coi là hai trong số những nhà thờ màu nhiệm của
Kito giáo ở Việt Nam. Có lời đồn rằng, đã có không ít người về Nhà thờ Tắc Sậy
xin ơn và đã được ban ơn. Nhiều tín đồ đến nhà thờ La Vang vì họ đã từng nghe
nói rằng, Đức Mẹ Maria đã hiện hình về đây. Không chỉ đền, chùa, nhà thờ… mà
có khá nhiều địa điểm khác cũng có thể là điểm du lịch tâm linh. Khi đến tham

219
quan du lịch Côn Đảo, ai cũng được nghe những câu chuyện về sự linh thiêng của
Bà Phi Yến, đặc biệt sự là linh thiêng của “Cô Sáu” (liệt sĩ Võ Thị Sáu) và truyền
thống sùng bái của người dân Côn Đảo với hai nhân vật này. Đối với đồng bào dân
tộc, nhiều con suối, tảng đá, cây rừng cũng có thể mang tính thiêng do được phủ
bởi những truyền thuyết, huyền thoại. Các chuyến đi đưa khách du lịch đến những
địa điểm này cũng được coi là du lịch tâm linh.
Trên thế giới cũng có rất nhiều điểm thu hút khách du lịch bởi yếu tố tâm
linh như núi Uluru210 (Australia), tháp Devil-Tháp Quỷ211 (Hoa Kỳ), con đường
hành hương linh thiên ở Santiago de Compostela 212 (Xứ Galacia, Tây Ban Nha),
Nhà thờ Mộ Thánh Chúa213 (Jerusalem), tảng đá linh thiêng chùa Kyaiktiyo
(Myanmar), chùa Wat Chedi Luang214 (Thái Lan), thành phố Varanasi215 (Ấn Độ)

Du lịch học tập (study tourism)
Du lịch học tập là một trong những loại hình bắt đầu xuất hiện từ trào lưu
cải cách giáo dục trong thời kỳ của nữ hoàng Elizabeth 216 (Brendom1991:10).
“Chuyến đi lớn” đã trở thành một phần không thể thiếu được trong các chương
trình học tập của con cái gia đình thượng lưu. Sau này, các địa điểm “du học” mở
rộng dần đến các trung tâm văn hóa lớn trên thế giới như Paris, London,
Amsterdam … Tuy nhiên, ngày nay loại hình du lịch học tập là các chuyến đi dưới
một năm của khách du lịch đến những nơi mà họ có thể học hỏi về những điều mà
họ muốn biết.
Du lịch sự kiện (Event tourism)
Du lịch sự kiện là một loại hình du lịch trong đó khách du lịch đến để tham
gia vào một sự kiện nào đó. Có rất nhiểu sự kiện khác nhau, từ sự kiện nhỏ của cá
nhân đến những sự kiện rất lớn mang tính quốc gia, quốc tế. Theo quy mô, nhiều
học giả trên thế giới như Lynn Van Der Wagen, 2007; Getz, D. (2005) chia thành
phân chia sự kiện thành siêu sự kiện (mega-events), sự kiện đánh dấu (hallmark

210
Người ta đồn rằng, nếu ai lấy đi một viên đá ở Uluru, họ sẽ gặp rất nhiều xui xẻo.
Một khối đá bazan khổng lồ cao khoảng 380m rất linh thiêng với người dân bản địa, có rất nhiều giai thoại về
211

khối núi này


212
Xem thêm tại https://vivecamino.com/en/the-spirituality-of-the-camino-de-santiago-no-620/
là nơi liên quan đến Đức Chúa Jesus (nơi chúa  bị đóng đinh vào thập giá trên đồi Golgotha và cũng được cho là
213

gồm cả nơi mà chúa Giêsu được mai táng và đã sống lại sau 3 ngày)
214
du khách có thể cầu xin Đức Phật ban phước bằng cách kéo một thùng nước lên đỉnh chùa bằng dây thừng
215
Người dân Varanasi coi việc tắm mình trong dòng sông Hằng linh thiêng vào buổi sáng là cách để rửa sạch tội
lỗi.
216
Nữ vương của Vương quốc Anh và Ireland từ 1559 đến 1603

220
event), sự kiện lớn (major event) và sự kiện nhỏ (minor event). Địa điểm tổ chức
loại hình du lịch sự kiện có thể ở trong nhà hoặc ngoài trời. Từ đây khái niệm Sự
kiện du lịch cũng hình thành. Sự kiện du lịch là thể loại sự kiện gắn liền với các
hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, được tổ chức tại một điểm đến
nhất định, và kéo dài trong nhiều ngày. Sự kiện du lịch được coi như một phần của
hoạt động tuyên truyền quảng bá cho một điểm đến, nhằm thu hút khách du lịch tới
điểm đến đó. Trịnh Lê Anh và Bùi Nhật Quỳnh (2016) cho rằng « Bản thân Sự
kiện du lịch cũng có thể trở thành một sản phẩm du lịch được cung ứng tại điểm
đến. Sự kiện du lịch tạo ra dòng lưu chuyển cung cầu về du lịch nhanh và rõ ràng
hơn trong thời gian trước, trong và ngay sau sự kiện du lịch » (trang 47). Trên thế
giới, các sự kiện du lịch được tổ chức với quy mô rất lớn, ví dụ như Lễ hội
Carnival Rio de Janeiro (Brazil), Lễ hội bia Oktoberfest (Đức), Lễ hội bóng bay
quốc tế (Mexico), Lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản), các Thế Vận hội Olympic…
Du lịch MICE (MICE tourism)
Du lịch MICE là chuyến đi của những người đến để gặp gỡ (Meeting), tuyên
thưởng (Incentive), tham dự hội nghị (Conference) hoặc tham gia triển lãm
(Exhibition)217. Du lịch MICE là một trong những loại hình du lịch sự kiện. Thông
thường du lịch MICE diễn ra ở những địa điểm có điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật tốt
như trong các khách sạn cao cấp (luxury hotels), khu du lịch nghỉ dưỡng (resort) sang
trọng.
Du lịch thăm thân (VFR)218
Du lịch thăm thân là chuyến đi đến một nước mà đó khách có người thân
như cha mẹ, con cái, họ hàng, bạn bè. Về cơ bản khách du lịch của loại hình này ít
sử dụng dịch vụ lưu trú và ăn uống của ngành Du lịch. Việt Nam hiện có khoảng 4
triệu Việt kiều, 60.000 du học sinh học cao đẳng, đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở
nước ngoài, khoảng 140.000 lao động xuất khẩu, nhiều cán bộ ngoại giao làm việc
trong đại sứ quán tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 tổ chức quốc tế… Đây là lý
do hàng năm có hàng trăm ngàn khách du lịch thăm thân đến Việt Nam và từ Việt
Nam ra các nước.
Du lịch mua sắm (Shopping tourism)
Du lịch mua sắm là loại hình du lịch trong đó mục tiêu chính của chuyến đi
là đáp ứng đam mê mua sắm của khách du lịch. Địa điểm mua sắm và mặt hàng
mua sắm của khách du lịch rất đa dạng. Có thể là món hàng thời trang, hàng hiệu
trong các cửa hàng, siêu thị lớn, có thể là một món đồ lưu niệm nho nhỏ, một chiếc
217
Một số tài liệu diễn giải E là event (sự kiện) là chưa phù hợp vì bản thân du lịch MICE là một dạng của du lịch sự
kiện.
218
Visit friends and Relatives travel

221
áo phông có in hình điểm du lịch mua tại một quán nhỏ ven đường. Các tín đồ mua
sắm muốn được đến các kinh đô thời trang, quê hương của những nhãn hàng danh
giá hay một loại đặc sản địa phương. Họ thích thú, tự hào khi đến các địa điểm này
để tận tay, tận mắt chiêm ngưỡng, trải nghiệm thú vui và niềm tự hào được mua
hàng hóa “gốc” (original), “xịn” (authentic) hay “đặc biệt” (special). Nhiều khách
du lịch mua sắm không hoàn toàn là người sành sỏi về hàng hóa mà họ mua sắm,
song trải nghiệm niềm vui mua sắm bất diệt làm nên tính cách của nhóm khách du
lịch này.
4.2.2.3. Phân loại theo cách tiếp cận quản lý theo lãnh thổ hoạt động
Theo lãnh thổ hoạt động, có thể phân hoạt động du lịch thành du lịch quốc
nội, du lịch của khách nước ngoài, du lịch ra nước ngoài, du lịch nội địa, du lịch
quốc gia và du lịch quốc tế. Các khái niệm này được giải thích trong tài liệu ‘Tài
khoản vệ tinh du lịch: Khung hướng dẫn phương pháp" do Tổ chức Liên hợp quốc
(UN), Cục Thống kê Cộng đồng châu Âu (Eurostat), Tổ chức Hợp tác và Phát triến
Kinh tế (OECD), tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ấn hành năm 2008. Cụ thể
như sau:
Du lịch nội địa (Domestic tourism)
Du lịch nội địa là các chuyến đi của công dân của một nước để tham quan du
lịch trong phạm vi quốc gia của họ. VÍ DỤ chuyến đi của người Hà Nội đi tham
quan du lịch Đà Lạt, Phú Quốc, Cà Mau... Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 có 80
triệu người Việt Nam đi du lịch219 trong phạm vi Việt Nam.
DU TIONA
NA
I
OU C NỘ

DU LỊCH
LỊC L T
M

H Q OU

NỘI ĐỊA
RIS
N A QU Ố

UỐ RISM

(DOMESTIC
LT
INT LỊCH

TOURISM)
CG
IA
ER
D U

RA H
DU ÁCH

219
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/28014
LỊC
KH ỚC
LỊC

NG ỚC
NƯ ÀI

DU

I
UN
(OU OA

222
NG OUN M)


(IN URIS

BO

)
TO

I SM
O D
B

T
TO D
UR

DU LỊCH QUỐC TẾ
INTERNATIONAL TOURISM
Hình 4.1. Các loại hình du lịch phân theo lãnh thổ hoạt động
Nguồn:UN, Eurostat, OECD, WTO (2008)
Du lịch của khách nước ngoài (Inbound travel)
Du lịch của khách nước ngoài là chuyến đi của khách du lịch từ nước ngoài
đến du lịch trong tương quan với quốc gia đón khách. VÍ DỤ: Chuyến đi của người
Nga sang Việt Nam du lịch dưới góc nhìn của ngành Du lịch Việt Nam. Tương tự
như vậy, đối với Hàn Quốc, chuyến đi tham quan du lịch Seoul người Việt Nam sẽ
là du lịch của khách nước ngoài (inbound tourism). Theo Tổng cục Du lịch, năm
2018 có gần 15,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Loại hình này Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa (2008:64) gọi là
loại hình du lịch quốc tế chủ động. Đây cũng có thể là cách nhìn nhận dưới góc độ
kinh tế. Tuy nhiên, loại hình du lịch nên nhìn nhận dưới góc độ như một hoạt động
xã hội. Loại hình này tiếng Anh là inbound tourism với nghĩa là chuyến đi từ bên
ngoài biên giới . Trong giáo trình này thuật ngữ đó được dịch là loại hình “du lịch
của khách nước ngoài” với hàm ý họ đã từ nước ngoài qua biên giới (inbound tức
là into boundary) vào nước sở tại để du lịch.
Du lịch ra nước ngoài (outbound travel)
Du lịch ra nước ngoài là chuyến đi của công dân một nước sang nước khác
tham quan du lịch trong tương quan với quốc gia mà chuyến hành trình bắt đầu. Du
lịch ra nước ngoài không chỉ là các chuyến đi của công dân nước sở tại mà cả công
dân của nước ngoài định cư ở nước đó đi du lịch ra khỏi nước sở tại.
VÍ DỤ, đối với Thái Lan, chuyến đi của công dân nước họ sang Việt Nam,
Lào, Campuchia… tham quan du lịch được gọi là du lịch ra nước ngoài. Tuy nhiên
đối với Việt Nam, Lào, Campuchia chuyến du lịch của người Thái Lan đến tham
quan du lịch đất nước họ sẽ được coi là du lịch của khách nước ngoài (inbound
tourism). Năm 2018 có trên 10 triệu công dân Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Trong một số tài liệu loại hình này được gọi đây là loại hình du lịch quốc tế bị
động (Phan Huy Xu và Võ Văn Thành 2018, Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hoà và
cs, 2017). Đây là phân loại theo tiếp cận của nhà cung ứng du lịch. Dưới góc nhìn

223
như một hiện tượng xã hội, đây là chuyến đi ra ngoài biên giới lãnh thổ (outbound
= out of boundary) của khách du lịch.
Du lịch quốc nội (Internal travel)
Trong các từ điển Anh -Việt, từ “domestic” và “internal” nhiều khi được
được dịch ra tiếng Việt đều là “ở trong nước” nay “nội địa”. Điều đó có nghĩa là
“domestic” và “internal” đồng nghĩa với nhau. Tuy nhiên UNWTO giải thích
“domestic” và “internal” khác nhau. Theo định nghĩa của UNWTO, loại hình du
lịch “domestic tourism” liên quan đến công dân của nước sở tại đi du lịch trong
phạm vi quốc gia đó, nhưng “internal tourism” chỉ hoạt động du lịch của mọi đối
tượng trong một quốc gia, tức là hoạt động của khách du lịch không chỉ là công
dân của chính thể trên đất nước đó, hay nói cách khác là hoạt động của mọi khách
du lịch trong quốc gia đó. Du lịch quốc nội gồm hoạt động du lịch của khách trong
nước và của khách nước ngoài trong một quốc gia. Nếu khái niệm du lịch nội địa ở
trên được hiểu là chuyến đi của những người có quốc tịch của một quốc gia, đi
tham quan du lịch trong quốc gia đó, thì khái niệm du lịch quốc nội được hiểu là
chuyến đi của tất cả mọi khách du lịch trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia bất kể
họ có quốc tịch nào. VÍ DỤ, đối với Việt Nam, chuyến đi của khách du lịch Việt
Nam và của khách du lịch nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ nước ta đều được gọi
là du lịch quốc nội. Chuyến đi của người Việt Nam đến tham quan du lịch Busan,
Daegu, Incheon, Gwangju, Daejeon, Ulsan hay Jeju được Hàn Quốc gọi là loại
hình du lịch của khách nước ngoài, chuyến đi của công dân Hàn Quốc và các nước
khác tham quan du lịch các điểm đến trên lãnh thổ hàn Quốc được ngành Du lịch
nước này coi là du lịch quốc nội.
Du lịch quốc gia (National tourism)
Du lịch quốc gia bao gồm các chuyến đi du lịch trong nước và du lịch ra
nước ngoài. Khái niệm này là căn cứ để đánh giá hoạt động du lịch của một quốc
gia, cụ thể như lượng khách, thu nhập từ du lịch, chi tiêu cho du lịch…
Du lịch quốc tế (International tourism)
Du lịch quốc tế gồm các chuyến đi du lịch của khách nước ngoài và các
chuyến du lịch ra nước ngoài từ quốc gia sở tại.
4.2.2.4. Phân loại theo đặc điểm địa lý của điểm du lịch
Điểm du lịch có thể nằm ở các vùng địa lý khác nhau. Hoạt động và trải
nghiệm của khách du lịch ở các vùng đó không như nhau. Theo tiêu chí này có thể
phân ra thành du lịch biển, du lịch hải đảo, du lịch núi, du lịch đô thị, du lịch nông
thôn.

224
Du lịch biển (Sea/Beach tourism)
Du lịch biển là loại hình khách du lịch về với các miền biển, các bãi biển để
tham gia vào các hoạt động liên quan đến biển như tắm biển, thể thao biển, tham
quan, trải nghiệm văn hóa cư dân vùng biển. Việt Nam có 125 huyện thuộc 28 tỉnh,
thành giáp biển. Trên dọc 3.260 km đường bờ có 124 bãi biển đẹp, hàng chục vịnh
nổi tiếng trong và ngoài nước. Hoạt động chủ yếu của khách du lịch khi về các
vùng biển là tắm biển hoặc nghỉ dưỡng biển. Chính vì vậy đi dọc từ Quảng Ninh
đến Kiên Giang, nơi đâu khách du lịch cũng có thể bắt gặp các khu nghỉ dưỡng
biển (resort).
Du lịch núi (Mountainous travel)
Du lịch núi là loại hình khách du lịch về với các miền rừng núi. Ba phần tư
diện tích nước ta là núi đồi, trong đó có nhiều núi cao trên 1000m. Theo các nhà
khí hậu học, gradient nhiệt là -0,60C/100m, điều đó giải thích tại sao trên núi Ba
Vì, Tam Đảo, tại sao ở Sapa, Đà Lạt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ ở Hà Nội, thành
phố Hồ Chí Minh từ 6-90C. Điều kiện vi khí hậu mát mẻ đã làm cho các địa danh
này trở thành các điểm du lịch nổi tiếng. Bên cạnh khí hậu mát mẻ, các vùng núi có
độ chia cắt sâu lớn, tạo nên sự tương phản rõ rệt của địa hình làm cho chúng trở
nên hấp dẫn khách du lịch. Nơi đây cũng là địa điểm ưa thích của khách du lịch
mạo hiểm, ưa khám phá.
Du lịch đô thị (Urban travel)
Du lịch đô thị là loại hình du lịch trong đó khách du lịch về các đô thị,
thường là các đô thị lớn, nổi tiếng. Khách du lịch bị hấp dẫn bởi những công trình
kiến trúc đẹp, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thậm chí bởi cuộc sống náo
nhiệt, sôi động của đô thị. Đô thị còn hấp dẫn khách du lịch bởi hàng loạt siêu thị,
nhãn hàng thời trang nổi tiếng mà ở đó họ có nhu cầu ngắm nhìn, mua sắm.
Du lịch nông thôn (Rural tourism)
Xã hội phát triển kéo theo quá trình đô thị hóa. Theo tính toán của Hannah
Ritchie220 và Max Roser221 (2018), hiện nay hơn 56,13% số dân sống ở đô thị (xem
hình 4.2). Cuộc sống ở đô thị căng thẳng, chật chội, ô nhiễm đã làm cho nông thôn
đã trở thành mảnh đất màu mỡ để thu hút khách du lịch. Du lịch nông thôn đang
trở thành một xu thế phổ biến.

220
Giám đốc sáng lập Tổ chức Thế giới của chúng ta qua những con số
221
Nghiên cứu viên cao cấp Tổ chức Thế giới của chúng ta qua những con số

225
4.5
4
3.5
3
2.5 4.35
2 3.35 3.57
1.35 2.27 2.85
1.5 1.74
1.02
1 3.34
2.01
0.5 2.69 3.01 3.26
0 3.33 3.35 3.4
1960
1970
1980
1990
2000
2007
2010
2020

Số dân sống ở nông thôn Số dân sống ở đô thị

Hình 4.2. Số dân sống ở khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 1960-2020 (tỷ người)
Theo Hannah Ritchie và Max Roser (2018)
Theo Trần Thị Yến Anh (2021) “Du lịch nông thôn là loại hình du lịch diễn
ra ở khu vực nông thôn; gắn với cộng đồng địa phương, trong đó du khách được
trải nghiệm các đặc trưng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, lối sống và các hoạt động
làng quê độc đáo nhất, từ đó tạo ra những lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và
môi trường cho điểm đến nông thôn” (trang 1220) Như vậy, du lịch nông thôn
được biểu hiện qua những loại hình khác nhau phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của
khu vực nhưng phải mang được những nét đặc trưng của nông thôn với ba trụ cột
là nông dân, nông nghiệp và môi trường sống. Nông thôn luôn được gắn liền với
chủ thể của nó là nông dân và phương thức sinh tồn của chủ thể đó, nền nông
nghiệp. Khách du lịch sẽ có những trải nghiệm cuộc sống của người nông dân. Các
loại hình du lịch gắn với ngành nghề như du lịch làng chài, du lịch làng nghề cung
cấp cho khách du lịch trải nghiệm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tác tạo ra các
sản phẩm thủ công truyền thống. Du lịch làng nghề cũng là một hình thành của du
lịch nông thôn.
Tương tự du lịch nông thôn có loại hình du lịch trang trại (farm tourism).
Du lịch trang trại là chuyến đi của khách du lịch đến các trang trại để tham quan,
trải nghiệm hoạt động tại đó. Một trong những ưu điểm của loại hình du lịch trang
trại là góp phần “xanh hóa” nông nghiệp (Đỗ Hải Yến, Nguyễn Thị Ngọc Linh,
2016:676), tức là giảm thiểu sử dụng các chất hóa học trong canh tác. Do có sức
hấp dẫn cao nên nhiều nơi đã hình thành các trang trại với mục đích phục vụ khách
du lịch là chính.
226
4.2.2.5. Phân loại theo tiếp cận dịch vụ du lịch
Trong chuyến du lịch, khách cần khá nhiều dịch vụ khác nhau, song chủ yếu
nhất là các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống.
Phân loại theo dịch vụ vận chuyển
Phân loại chuyến đi của khách du lịch theo phương tiện vận chuyển chủ
yếu có ý nghĩa đối với hoạt động phục vụ khách của các doanh nghiệp lữ hành.
Cần chú ý rằng, khách du lịch có thể tự đến điểm du lịch bằng các phương tiện vận
chuyển như máy bay, ô tô, tàu hỏa ... Trong trường hợp đó không cần quan tâm
đến các tiêu chí này. Trường hợp ngược lại xảy ra khi việc vận chuyển là một trong
các dịch vụ mà doanh nghiệp lữ hành phải cung cấp cho khách du lịch như vận
chuyển từ điểm xuất phát đến điểm tham quan du lịch hoặc khi phương tiện vận
chuyển là một trong nhưng hình thức phục vụ hoạt động tham quan. Theo tiêu chí
phương thức di chuyển của khách du lịch có thể này có thể phân thành 3 nhóm
chính là di chuyển nhờ sức động vật, nhờ sức người và di chuyển bằng phương tiện
cơ giới.
Di chuyển nhờ động vật
Di chuyển của khách du lịch được diễn ra trong không gian nhờ của các
động thông qua việc cưỡi hay ngồi xe để chúng kéo. Đại đa số trường hợp mục
đích chính không phải để dịch chuyển trong không gian mà được coi là một thú vui
trong chuyến đi.
Du lịch cưỡi thú (Animal riding travel)
Có nhiều loại thú được dùng để phục vụ khách du lịch thuộc loại hình này
như ngựa, lạc đà, voi, bò, trâu, hươu… thậm chí cả một số loài chim như đà điểu.
Ở những vùng các phương tiện vận chuyển khác gặp khó khăn, cưỡi thú sẽ là hình
thức di chuyển phù hợp nhất như cưỡi lạc đà ở hoang mạc, cưỡi dê, cưỡi ngựa ở
vùng núi cao… Loại hình du lịch cưỡi thú thường được coi như một thú vui mà
khách du lịch muốn trải nghiệm hơn là một phương tiện vận chuyển. Ở một số nơi,
các nhà cung ứng du lịch tổ chức cho khách cưỡi thú như một trò tiêu khiển. Việc
kinh doanh này có thể mang lại sự thích thú cho một số khách du lịch, mang lại lợi
nhuận cho các ông chủ, song việc lợi dụng, đặc biệt là lạm dụng chúng, ảnh hưởng
đến sức khỏe thể chất và “sức khỏe tinh thần” của chúng là việc làm cần lên án và
ngăn chặn. Do vậy, ngày nay loại thú vui này đang mất dần do ngày càng bị lên án
là một hành động bóc lột con vật.
Du lịch ngồi xe thú kéo (Travel on an animal-drawn vehicle)
Tương tự loại hình du lịch cưỡi thú, du lịch ngồi xe thú kéo thường là một
trải nghiệm hấp dẫn khi khách du lịch đến các miền nông thôn hay các vùng quê
hẻo lánh. Xe trâu, xe bò, xe ngựa là những sản phẩm du lịch dễ thấy ở các miền

227
quê Việt Nam. Tuy nhiên loại hình du lịch này thường chỉ còn được khách du lịch
chấp nhận ở những nơi mà ở đó đây là phương tiện di chuyển duy nhất như cưỡi
ngựa, cưỡi la vượt suối, cưỡi lạc đà băng qua sa mạc, ngồi xe tuần lộc, xe chó kéo
ở Bắc hay Nam cực…
Di chuyển bằng sức người
Cần phân biệt hai nhóm di chuyển bằng sức người đó là di chuyển bằng
chính sức lực của mình và bằng sức của người khác. Di chuyển bằng chính sức lực
của mình được coi là một hình thức trải nghiệm, một thú vui của khách du lịch.
Khách du lịch di chuyển bằng chính sức lực của mình thông qua hoạt động đi bộ,
leo núi vất vả hay tự đi bằng xe đạp, tự chèo thuyền.
Du lịch đi bộ (Hiking travel)
Du lịch đi bộ là không chỉ thịnh hành trong thời kỳ cổ đại mà ngày nay, xu
hướng du lịch đi bộ đang ngày càng phát triển. Năm 1979, Công ty Country
Walkers (tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ) bắt đầu với một ý tưởng đơn giản: khám
phá thế giới một cách tích cực, say mê và với cam kết gắn liền với các nền văn hóa
địa phương. Country Walkers đã nhanh chóng phát triển nhằm cung cấp cho khách
du lịch những trải nghiệm du lịch đi bộ với khẩu hiệu ''Khám phá thế giới từng
bước một''. Country Walkers được vinh danh là một trong những nhà cung cấp sản
phẩm du lịch đi bộ hàng đầu trên thế giớivới rất nhiều giải thưởng như tốp “50 tour
du lịch của cuộc đời” của Hội Địa lý Du lịch Quốc gia Hoa Kỳ và giải thưởng
“Hàng đầu về Du lịch và Giải trí”222.
Du lịch đi bộ là loại hình du lịch trong đó khách du lịch thường di chuyển
giữa các điểm tham quan bằng cách đi bộ. Loại hình du lịch này đòi hỏi khách
phải có một sức khỏe dẻo dai. Du lịch đi bộ rèn luyện cho khách du lịch sự bền bỉ.
Đường đi của du lịch đi bộ có thể là vỉa hè, lề đường, đường mòn… Những con
đường đi bộ bên bờ sông ở Brisbane, Blue Mountains, trong các thành phố Sydney,
Melbourne.. ở Australia là một ví dụ nổi bật về sự thuận lợi cho loại hình du lịch
này. Ngược lại, đi bộ ở Cairo, Ai Cập, hoặc Kuala Lumpur, Malaysia là một thách
thức (Charles R. Goeldner, J.R. Brent Ritchie, 2012:120). Chắc chắn khi tham gia
vào loại hình du lịch đi bộ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn khách du lịch sẽ
lưu lại được nhiều ấn tượng đáng nhớ.
Du lịch xe đạp (Bicycle travel)
Ở nhiều quốc gia có các tour du lịch xe đạp. Công viên quốc gia Hoge
Veluwe ở Hà Lan có nhiều lối đi dành cho ô tô, xe đạp và người đi bộ. Hiện có hơn
27 dặm đường dẫn được thiết kế đặc biệt dành cho xe đạp (Charles R. Goeldner,

222
https://www.countrywalkers.com/about/

228
J.R. Brent Ritchie 2012:120). Xe đạp làm giảm lưu lượng xe buýt và ô tô trong
nhiều điểm du lịch và cho phép khách du lịch tham quan được tất cả các điểm một
cách thuận lợi nhất. Thông thường khách du lịch có thể thuê được một chiếc xe đạp
để mình có thể tự do khám phá các điểm tham quan trong vùng.
Tại một số điểm du lịch, khách du lịch được di chuyển bằng sức của người
khác như xe đạp thồ, xe xích lô, đi thuyền.
Tại một số điểm du lịch vùng quê, khách du lịch có thể được người dân địa
phương chở đi bằng xe đạp. Ngồi sau xe đạp, khách du lịch có thể ngắm cận cảnh
phong cảnh hai bên đường và dừng lại bất cứ lúc nào họ muốn. Việc di chuyển sẽ
vất vả nếu đường không tốt và khách du lịch nặng hơn người chở họ. Nhẹ nhàng
hơn nhưng không kém phần lý thú là ngắm cảnh phố sá từ một phương tiện chuyên
chở rất thô sơ chỉ còn có ở một số quốc gia như Việt Nam. Đó là loại hình du lịch
xích lô. Khách sẽ được người đạp xích lô đưa qua các điểm tham quan nổi tiếng ở
trong vùng. Hầu hết người đạp xe đạp hay xích lô đều có khả năng giới thiệu các
điểm tham quan hấp dẫn không thua kém hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Đi du
lịch bằng xe đạp thồ hay xích lô tạo điều kiện cho khachstieeps cận gần hơn với
văn hóa địa phương, quan hệ chủ khách thường phát triển khá tốt đẹp, kể cả sau
chuyến đi.
Di chuyển bằng thuyền là loại hình di chuyển còn khá phổ biến tại các điểm
du lịch đường thủy (trên sông suối, hồ hay trên đầm, vịnh hay biển gần bờ). Nhiều
nơi khách du lịch rất thích thú với nghệ thuật chèo thuyền bằng chân của người
chở đò hay thích thú với loại thuyền tròn như một chiếc thúng.
Du lịch bằng các phương tiện cơ giới (Travel by motor vehicle)
Di chuyển bằng các phương tiện cơ giới gồm các phương tiện đường bộ,
đường sắt, đường thủy và đường không. Du lịch bằng xe cơ giới là chuyến tham
quan điểm du lịch bằng xe có động cơ như xe máy, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy
bay.
Du lịch bằng các phương tiện đường bộ
Có hai phương tiên đường bộ thông dụng nhất trong du lịch là xe máy và ô
tô.
Du lịch xe máy (Bycicle travel) là loại hình du lịch trong đó khách du lịch
thực hiện chuyến đi bằng xe gắn máy. Khách du lịch “phượt” ở Việt Nam thường
thực hiện chuyến đi của họ bằng xe máy. Do vậy, nếu xét theo phương tiện giao
thông, có thể xếp chuyến đi của họ là loại hình du lịch xe máy. Cũng giống như xe
đạp, khách du lịch có thể tự đi xe máy hay có người chở họ đi.

229
Năm 1885, Benz (Carl Friedrich Benz), một kĩ sư người Đức đã sáng chế ra
chiếc xe tự hành223 ba bánh đầu tiên. Chiếc xe này chính là tiền thân của ô tô ngày
nay. Do tính tiện ích của nó, ngay 5 năm sau, ngành công nghiệp ô tô đã ra đời
(Trần Đức Thanh 1999:29). Du lịch ô tô là loại hình du lịch mà khách du lịch được
vận chuyển trên xe ô tô. Ô tô có tính linh hoạt và cơ động rất cao, di chuyển khá
nhanh chóng và có yêu cầu không quá khắt khe về đường sá. Theo Jean-Paul
Rodrigue (2017), trong năm 2016 tỷ lệ khách du lịch đi bằng ô tô chiếm 77,26%!
Điều đó có nghĩa là ô tô chủ yếu vẫn là phương tiện vận chuyển khách. Di chuyển
bằng ô tô cũng phân thành 2 loại là tự lái và thụ động. Khách du lịch có thể chủ
động đi xe của mình đến điểm du lịch hoặc cũng có thể thuê xe tại điểm đến để chủ
động lái đến các điểm tham quan du lịch. Loại thứ hai là khách có thể thuê xe chở
họ đi hay đi theo xe được công ty bố trí đi theo tour. Ở các nước châu Âu và đặc
biệt là ở Hoa kỳ, khoảng 80% khách du lịch di chuyển bằng ô tô riêng. Nhiều gia
đình có loại ô tô chỉ dành cho đi du lịch. Ô tô được thiết kế như một buồng ngủ,
với hệ thống con trượt, nó lại biến thành một căn bếp tiện lợi. Những chiếc ô tô đó
gọi là ô tô du lịch (recreaction vehicle). Cũng có khi hệ thống này được thiết kế
độc lập gọi là toa rơ-mooc224 du lịch (fifth wheel trailers) và được kéo theo xe trong
quá trình đi du lịch. Nhiều đô thị, điểm du lịch có những bãi đỗ dành cho loại toa
rơ-mooc du lịch này. Tại đó có hệ thống cung cấp điện, nước để khách du lịch có
thể nghỉ đêm trong phòng nghỉ di động này.
Trong số phương tiện ô tô phục vụ khách du lịch có hai loại xe khá đặc
trưng là xe con thoi và xe ô tô tham quan thành phố.
Tại nhiều điểm du lịch, có một số loại xe ô tô chuyên phục vụ khách du lịch
gọi là xe con thoi (shuttle bus). Loại này thường chở khách từ các sân bay, nhà ga,
bến tàu về khách sạn hay về điểm du lịch. Trong các điểm tham quan du lịch rộng
lớn, cũng có các loại xe con thoi để đưa khách đi từ điểm này đến điểm khác.
Một loại xe khác cũng chuyên chuyên chở khách tham quan trong các đô thị.
Đó là xe mà khách có thể “nhảy lên nhảy xuống”. Đó là xe ô tô tham quan thành
phố (Hop on hop off bus). Thông thường loại xe này được thiết kế có 2 tầng, tầng
trên không có mái che. Khách du lịch được tự do ngắm cảnh, chụp ảnh 2 bên
đường và lên xuống tại bất kì điểm dừng nào.
Du lịch tàu hỏa, du lịch đường sắt (Locomotive, train, rail travel)
Du lịch tàu hỏa là loại hình khách du lịch được thưởng ngoạn cảnh đẹp hai
bên đường từ toa tàu hỏa. Thông thường là những đoàn tàu hỏa cũ như đầu máy
hơi nước (locomotive) hay tàu chạy trên một tuyến đường cũ có một ý nghĩa lịch
223
Auto-mobile
224
phiên âm từ tiếng Pháp remorque

230
sử văn hóa nhất định. Một ví dụ về loại hình này là hành trình của khách du lịch từ
ga Đà Lạt đến ga Trại Mát ở Lâm Đồng. Đối với doanh nghiệp du lịch, du lịch tàu
hỏa cũng có thể là loại hình mà khách du lịch được vận chuyển từ điểm du lịch này
đến điểm du lịch khác bằng tàu hỏa. Du lịch đường sắt có ưu điểm là ít gây say xe
hơn du lịch ô tô. Nhiều nước phát triển du lịch đường sắt trở thành một loại hình
du lịch cạnh tranh. Những đoàn tàu du lịch nổi tiếng thế giới được khách du lịch ưa
chuộng có thể kể đến là Palace on Wheels ở Ấn Độ; Blue Train ở Nam Phi; Glacier
Express ở Thụy Sỹ; Orient Express ở Pháp và Bỉ; Copper Canyon ở Mexico;
Rocky Mountaineer ở Canada; Ghan ở Úc; Royal Scotsman ở xứ Scotland; Trans
Siberian Railway chạy xuyên ba quốc gia Nga, Mông Cổ và Trung Quốc; West
Highland Railway ở Vương quốc Anh.
Du lịch tàu thủy (Boats/ cruise ships/ cruising travel)
Du lịch tàu thủy là loại hình du lịch cao cấp. Khách du lịch tham gia vào loại
hình này là những người giàu có và có nhiều thời gian. Ngày nay có những chiếc
tàu với thiết bị đầy đủ và sang trọng đưa khách du lịch đi đến các miền biển khác
nhau trong thời gian từ một ngày đến một vài tháng. “Khách sạn nổi năm sao” là
tên gọi của các loại tàu này. Trên những chiếc tàu này, khách có thể tắm biển, phơi
nắng hay thỏa thích vùng vẫy trong các bể bơi trên tàu. Hành trình của các khách
sạn nổi này thường được thiết kế đi qua các thành phố biển nổi tiếng trên thế giới.
Khi đến các địa điểm này, khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh và lên bờ để tham
quan, mua sắm. Cuối ngày họ lại được đưa lên “khách sạn nổi” của mình để qua
đêm.
Tại các vùng hồ, biển hay dọc theo các dòng sông, du lịch thuyền (boat
travel) cũng đem lại cho khách du lịch nhiều cảm giác thích thú. Nếu như tàu du
lịch (cruise) thường được thiết kế theo phong cách hiện đại, to lớn, dùng cho các
hành trình dài ngày thì thuyền du lịch (boat) thường có kích thước không lớn và
chủ yếu dùng cho các hành trình ngắn, đi gần. Khách có thể được trải nghiệm loại
hình du lịch đi thuyền này ở các vùng hồ, biển, sông có cảnh quan đẹp.
Du lịch máy bay (aircraft travel)
Du lịch máy bay là loại hình du lịch trên không, khách du lịch được ngắm
toàn cảnh một cảnh quan nào đó từ trên máy bay. Một trong những điểm du lịch có
loại hình này là vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Có thể coi dịch vụ đưa khách du
lịch đến các điểm du lịch bằng máy bay cũng là du lịch máy bay, tuy nhiên cách
hiểu như vậy chưa hoàn toàn hợp lý.

231
Du lịch khinh khí cầu (Balloons travel)
Du lịch khinh khí cầu sẽ là một loại hình du lịch thu hút khách, đặc biệt ở
các vùng có cảnh quan đẹp như thung lũng, đồng bằng, biển đảo. Điều kiện du lịch
khinh khí cầu chủ yếu là điều kiện thời tiết của khu vực.
Du lịch vũ trụ (Space travel)
Ngay trong nửa cuối TK XX, sau khi Liên Xô lần đầu tiên trên thế giới
phóng thành công con tàu có người lái vào vũ trụ, người ta đã hình dung ra loại
hình du lịch vào không gian vũ trụ, gọi tắt là “du lịch vũ trụ/du lịch không gian”.
Bước sang thế kỉ XXI, đã có một số tập đoàn chuẩn bị đưa khách du lịch vào
không gian vũ trụ, tiêu biểu trong số đó là tập đoàn Blue Origin, SpaceX, Virgin
Galactic…
Theo báo điện tử Dân tộc và Phát triển ra ngày 13/7/2021, tỷ phú Richard
Branson, người lập ra công ty Virgin Galactic, đã thực hiện thành công chuyến bay
vào vũ trụ vào ngày 11/7/2021. Sau đó không lâu, VnExpress đưa tin, ngày 20-7-
2021 tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Công ty thương mại điện tử khổng lồ
Amazon, vừa thực hiện chuyến bay vào không gian trên con tàu vũ trụ New
Shepard của Công ty Blue Origin do ông làm chủ. Điều đặc biệt là trong chuyến
này, ngoài hai anh em ông còn có một sinh viên 18 tuổi. Oliver Daemen và một bà
cụ 82 tuổi Wally Funk. Thành công của 2 chuyến nay này đang hướng đến một kỷ
nguyên mới của loại hình du lịch vũ trụ trong tương lai.
Do điều kiện khoa học kĩ thuật và trạng thái sức khỏe của con người còn hạn
chế nên du lịch tàu vũ trụ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Du lịch tàu vũ trụ là
loại hình tạo cho khách những trải nghiệm thực tế nhất về trạng thái không trọng
lượng, về những cảm xúc khi nhìn thấy hành tinh của chúng ta từ trên đô cao hàng
trăm kilometer.
Các loại hình du lịch khác
Xe điện, cáp treo, xe trượt tuyết là tất cả các phương thức vận chuyển rất
quan trọng đối với các điểm du lịch. Chúng đưa họ đến những nơi không thể tiếp
cận được bằng các phương tiện khác. Ngoài ra, nhiều khi chính những phương tiện
này tạo nên sự hấp dẫn của điểm du lịch.
Phân loại theo dịch vụ lưu trú
Việc phân chia chuyến đi theo hình thức lưu trú thường chỉ có ý nghĩa trong
kinh doanh. Khách du lịch có rất nhiều lựa chọn để qua đêm tại điểm du lịch. Dưới
đây giới thiệu một số hình thức lưu trú phổ biến nhất. Bạn đọc xem thêm về các

232
loại hình cơ sở lưu trú được nhắc ở đây trong chương 2, mục 2.4. Nhà cung ứng
dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Du lịch ở khách sạn (Hotel)
Loại hình du lịch khách sạn là chuyến đi của khách du lịch vì bất cứ mục
đích gì song nơi qua đêm trong chuyến đi đó phải là ở trong các khách sạn.
Du lịch ở nhà trọ ven xa lộ (Motel)
Du lịch nhà trọ ven xa lộ là chuyến đi của khách du lịch thường bằng xe
riêng có qua đêm tại các cơ sở lưu trú chuyên biệt ven đường.
Du lịch ở khu nghỉ dưỡng (Resort)
Du lịch khu nghỉ dưỡng thường là chuyến đi của khách du lịch nhu cầu nghỉ
ngơi tại điểm du lịch cho nên nơi qua đêm của họ là các resort.
Du lịch ở nhà luồng (Bungalow)
Loại hình du lịch bungalow là chuyến đi du lịch của khách trong đó nơi lưu
trú là các bungalow.
Du lịch cắm trại (Camping)
Du lịch cắm trại là loại hình du lịch trong đó khách du lịch qua đêm trong
các lều trại ngoài thiên nhiên.
Du lịch cắm trại sang chảnh (Glamping)
Du lịch cắm trại sang chảnh là loại hình du lịch trong đó khách du lịch qua
đêm trong các lều trại có điều kiện nội thất sang trọng. Đây là một xu thế mới phát
triển từ du lịch cắm trại.
Du lịch lướt ghế (Couchsurfing travel)
Du lịch lướt ghế dựa trên lòng hiếu khách của chủ nhà, theo đó khách du
lịch sẽ ngủ trên ghế dài, giường hoặc chỗ ngủ bất kỳ trong nhà của một gia đình tại
nơi tham quan du lịch mà không phải trả một khoản phí nào. Ngày nay đã có một
diễn đàn cung cấp cho các thành viên tham lướt ghế ở khắp mọi nơi trên thế giới225.
Du lịch lướt ghế không chỉ là một phương tiện để tìm chỗ ở; đó là một dịch vụ
mạng xã hội tạo điều kiện cho việc trao đổi văn hóa trên toàn thế giới Điều khác
biệt giữa dịch vụ ở nhà dân và du lịch lướt ghế là việc ở dựa trên sự thỏa thuận của
người cho ở nhờ và người xin ở nhờ về mọi thứ như nơi ở, thời gian ở hay bất cứ
một điều gì. Việc ở là hoàn toàn miễn phí, nhưng người xin ở nhờ (khách du lịch)
luôn có ý thức đóng góp hay hỗ trợ các chi phí khác như cho các bữa ăn. Khách du

225
http://www.couchsurfing.org/

233
lịch có thể làm để cảm tạ tấm lòng của chủ nhà là có thể tặng họ các món quà cảm
ơn, hay chỉ đơn giản là nấu một bữa ăn với những món mà mình biết hoặc dạy họ
một kĩ năng hay tài lẻ nào đó mà mình biết.
Phân loại theo phương thức hợp đồng
Phân loại theo tiêu chí này được doanh nghiệp du lịch rất quan tâm. Có hai
loại hình cơ bản là du lịch trọn gói và du lịch từng phần. Khách tham gia vào loại
hình du lịch trọn gói thường chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến đi cho doanh
nghiệp du lịch thông qua kí kết điều khoản trong hợp đồng. Khi tham gia chuyến
đi, khách được nhà cung ứng phục vụ đầy đủ các dịch vụ cơ bản như ăn, nghỉ,
tham quan hướng dẫn và các dịch vụ khác có trong hợp đồng. Tuy nhiên, tham gia
loại hình du lịch này, khách phải tuyệt đối tuân thủ lộ trình và lịch trình mà nhà
cung cấp và khách đã kí kết trong hợp đồng. Trong thực tế, có một số khách du
lịch chỉ chi trả cho một số dịch vụ cơ bản trong chuyến đi, trong trường hợp này
khách chỉ kí hợp đồng từng phần dịch vụ nhất định. Có thể đó là loại hình du lịch
mở, trong đó khách du lịch được khá tự do quyết định lịch trình theo một lộ trình
đã kí kết. Ở Việt Nam, Du lịch Sinhcafe Tourist là Công ty du lịch có truyền thống
chuyên tổ chức các chương trình du lịch mở.
Trong thời gian gần đây, một loại hình du lịch từng phần khác mới ra đời có
tên là loại hình du lịch dễ dàng và thoải mái (free and easy travel). Đây là loại hình
du lịch trong đó khách du lịch chỉ hợp đồng với doanh nghiệp đặt một số dịch vụ
cơ bản như đi lại (vé máy bay, vé tàu xe đi tại giữa các điểm du lịch), lưu trú (đặt
chỗ ở tại các điểm du lịch sẽ đến theo lịch trình họ đặt ra). Loại hình du lịch này
thường thu hút khách đã có kinh nghiệm du lịch, có khả năng giao tiếp bằng ngoại
ngữ được dùng tại điểm du lịch.
4.2.2.6. Phân loại theo tiếp cận xã hội
Phân loại theo mức độ tham gia của cộng đồng
Du lịch cộng đồng hay du lịch dựa vào cộng đồng xuất phát từ hoạt động
tham quan du lịch các làng bản được hình thành từ những năm 70 của thế kỉ XX
(Trần Đức Thanh và cs, 2014:43). Về cơ bản hai khái niệm này có những nét tương
đồng sau:
-Có sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phục vụ khách du lịch
-Đem lại cho khách du lịch những trải nghiệm thực tế về đời sống của cộng
đồng. Trong không ít công trình, hai khái niệm này được dùng thay thế cho nhau.
Tuy nhiên về bản chất hai khái niệm này có một số dị biệt.

234
Du lịch dựa vào cộng đồng (Community based tourism- CBT)
Du lịch dựa vào cộng đồng là khái niệm được nhìn nhận dưới góc độ doanh
nghiệp du lịch từ bên ngoài. Để đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng
các nhu cầu khác nhau của khách du lịch, nhà cung ứng du lịch đã khảo sát các
điểm du lịch ở những nơi xa xôi, tìm thấy những cảnh quan hoang sơ, những
phong tục tập quán, nền văn hóa khác lạ. Để cung ứng được cho khách du lịch
những trải nghiệm chân thật nhất, cac nhà cung ứng du lịch thuyết phục cộng đồng
tham gia phục vụ cho khách du lịch (bố trí chỗ ở, bố trí phục vụ ăn uống, hướng
dẫn…). Cộng đồng được doanh nghiệp du lịch đầu tư, hướng dẫn phục vụ khách
du lịch. Hình thành loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, thường được viết tắt trong
tiếng Anh là CBT.
Du lịch cộng đồng (Community tourism)
Sau một thời gian, cộng đồng đã nắm bắt được những kĩ năng phục vụ khách
du lịch, đã tích lũy được một nguồn vốn nhất định, đã có kiến cskinh doanh du
lịch, một số người trong cộng đồng đã thành lập doanh nghiệp du lịch để chủ động
trong việc tổ chức đón tiếp phục vụ khách. Họ chủ động liên hệ với khách du lịch
thông qua các kênh liên lạc khác nhau, chủ động liên hệ với công ty du lịch để hợp
tác đưa khách du lịch đến. Lúc này, cộng đồng địa phương là người chủ động khai
thác tài nguyên du lịch, tự chịu trách nhiêm về hiệu quả kinh doanh và các vấn đề
liên quan khác. Doanh nghiệp du lịch bên ngoài từ chỗ là cơ quan chủ động hợp
tác, thuê người dân vào một số công đoạn trong chuỗi sản phẩm du lịch nay đã trở
thành đối tác của cộng đồng, chỉ là một mắt xích tham gia vào chuỗi sản phẩm mà
khách du lịch được cung ứng.
Trong thực tế, độc giả có thể thể thấy ở nhiều tài liệu, các tác giả dùng cả hai
thuật ngữ này như các từ đồng nghĩa để chỉ một hoạt động du lịch có sự tham gia
của cộng đồng địa phương góp phần cung cấp những trải nghiệm văn hóa bản địa
cho khách du lịch
Du lịch ở nhà dân (Homestay tourism)
Du lịch homestay là loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ được qua đêm tại
nhà của cư dân tại điểm đến và được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của gia
đình chủ trọ. Nhiều khách du lịch có nhu cầu tiếp cận trực tiếp với cuộc sống của
cộng đồng tại điểm đến, họ muốn được trải nghiệm những sinh hoạt hàng ngày của
người dân. Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi, du lịch homestay chỉ là chuyến du lịch
mà khách du lịch qua đêm tại những căn nhà được thiết kế, bố trí theo phong cách
địa phương. Nhiều “nhà dân” chỉ hoàn toàn dành cho khách du lịch không khác gì
một cơ sở lưu trú thông thường.
235
Phân loại theo lứa tuổi khách du lịch
Theo độ tuổi của khách du lịch có thể phân thành du lịch thiếu niên, du lịch
thanh niên, du lịch trung niên và du lịch người cao tuổi.
Đặc điểm của các loại hình du lịch này phụ thuộc vào đặc điểm lứa tuổi.
Thanh thiếu niên thường hiếu động, họ cần những không gian rộng lớn. Thanh niên
thường thích các hoạt động cảm giác mạnh, thích sự ồn áo, náo nhiệt. Họ thường
thích các chương trình du lịch có các trò chơi như team building. Tầng lớp trung
niên thường là người đã có công việc ổn định, có thu nhập khá nên họ ưa thích các
dịch vụ cao cấp. Do thời gian rỗi không nhiều nên họ thường chọn các chương
trình du lịch ngắn ngày, du lịch tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, du lịch nghỉ
dưỡng. Người cao tuổi thường là những người đã nghỉ hưu, thu nhập của họ không
còn nhiều như khi đương chức, song họ có nhiều thời gian dành cho du lịch tuy sức
khỏe không phải lúc nào cũng tốt. Bên cạnh các chương trình du lịch tham quan
các danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là các loại hình du lịch
tôn giáo là ưu tiên lựa chọn của lớp người này.
Phân loại theo hình thức tổ chức chuyến đi
Theo tiêu chí này người ta thường chia các hoạt động du lịch thành du lịch
tập thể và du lịch một mình.
Tập thể là một chỉnh thể gồm các cá nhân có quan hệ với nhau trong từng
nhóm xã hội trên cơ sở những quan điểm chung về nhu cầu, về lợi ích. Tập thể có
thể là các thành viên của cùng một tổ chức, thành viên trong gia đình hay nhóm
bạn bè. Loại hình du lịch tập thể là chuyến đi của những khách du lịch trong cùng
nhóm xã hội nào đó. Loại hình này có ý nghĩa góp phần gắn kết các thành viên
trong nhóm xã hội (cơ quan, tổ chức, gia đình, họ hàng, bạn bè…). Đối với doanh
nghiệp du lịch, loại hình du lịch tập thể là loại hình du lịch dễ phục vụ nhất do tính
thống nhất tương đối của các thành viên trong nhóm cao và người đại diện nhóm
có vai trò quan trọng.
Phân loại theo độ dài chuyến đi
Theo tiêu chí độ dài chuyến đi có thể phân biệt du lịch ngắn ngày (short
time travel) và du lịch dài ngày (long time travel). Thông thường thời gian chuyến
đi dưới mười ngày gọi là du lịch ngắn ngày và từ mười ngày lên đến dưới một năm
gọi là du lịch dài ngày. Du lịch cuối tuần (weekend tourism) là một dạng của du
lịch ngắn ngày. Du lịch dài ngày thường đặc trưng cho các loại hình du lịch kết
hợp, trong khi đó du lịch ngắn ngày thường liên quan đến du lịch tham quan. Nhìn
chung du lịch ngắn ngày chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với du lịch dài ngày.

236
Bên cạnh tiêu chí thời gian, cũng có sự phân biệt theo tiêu chí quãng đường.
Theo tiêu chí này có thể phân thành du lịch đường gần (short-haul travel) và du
lịch đường xa (Long-haul travel). Du lịch đường dần là chuyến đi du lịch trong khu
vực, tức là đến các nước lân cận. Du lịch đường gần có thể sử dụng các phương
tiện vận chuyển có tốc độ thấp như ô tô, tàu hỏa. Du lịch đường xa thường là các
chuyến đi đến một khu vực khác, ở xa nơi cư trú thường xuyên của khách du lịch.
Theo Charles R. Goeldner và Brent Ritchie (2012), hiện nay, du lịch đường xa trên
toàn thế giới sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn, khoảng 5,4 phần trăm mỗi năm
trong giai đoạn 1995 đến 2020, trong khi đó du lịch nội vùng (interregional) chỉ ở
mức 3,8 phần trăm. Do đó, tỷ lệ giữa du lịch đường xa và du lịch trong khu vực sẽ
thay đổi từ khoảng 82:18 vào năm 1995 sang gần 76:24 vào năm 2020 (trang 302).
Về mặt thời gian, nhìn chung du lịch đường gần thường là du lịch ngắn
ngày, du lịch đường xa thường là du lịch dài ngày.
4.3. Sản phẩm du lịch
4.3.1. Khái niệm
Trong nền kinh tế, nhà sản xuất tạo ra sản phẩm. Sản phẩm được đưa ra thị
trường được gọi là hàng hóa. Quá trình sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra ở địa
điểm và thời điểm khác nhau. Trong khi đó nhiều sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản
phẩm ngành Du lịch, hai quá trình sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra cùng địa
điểm và thời điểm. Khi nhà cung ứng tạo ra sản phẩm, nó liền trở thành hàng hóa
trao cho khách hàng. Do đó, trong du lịch, thuật ngữ sản phẩm thường được hiều
với nghĩa là hàng hóa.
Đứng ở vị trí của khách du lịch, sản phẩm du lịch là tất cả những gì khách
được thụ hưởng trong chuyến du lịch. Đối với nhà cung ứng du lịch, sản phẩm du
lịch tập hợp những dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong
chuyến đi du lịch.
Nguyễn Văn Lưu (1999, 2013) cho rằng, cầu du lịch bao gồm hai nhóm là
cầu về dịch vụ du lịch và cầu hàng hoá. Theo tác giả, cầu dịch vụ du lịch bao gồm
cầu dịch vụ chính cầu dịch vụ đặc trưng và cầu dịch vụ bổ sung. Nhà cung ứng tạo
ra các sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu trên. Các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thường
ngày gồm dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cũng như dịch vụ vận chuyển được coi là các
dịch vụ cơ bản hay dịch vụ chính. Khách sạn, nhà hàng, nói đúng hơn là cơ sở lưu
trú ăn uống cung ứng dịch vụ ăn uống và ngủ nghỉ cho khách. Nhà cung ứng dịch
vụ vận chuyển du lịch phục vụ việc đi lại của khách. Các dịch vụ này được nhà
cung ứng phục vụ cho khách du lịch trong tất cả các tour du lịch trọn gói và hầu
hết các tour du lịch khác.
237
Dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc trưng chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên du
lịch. Tại sao khách du lịch quyết định đi Hạ Long chứ không phải Cửa Lò (và
ngược lại)? Lý do cơ bản khi họ quyết định đi Hạ Long là muốn chiêm ngưỡng,
thẩm nhận tại chỗ giá trị thẩm mỹ của cảnh quan karst nhiệt đới ngập nước điển
hình của thế giới chứ không phải là tắm biển như đi Cửa Lò. Lý do khách du lịch
quyết định chọn đi tham quan du lịch Huế khác hẳn lý do họ chọn đi Safari Phú
Quốc. Lý do chính dẫn đến quyết định đi du lịch châu Âu, Australia, Hoa Kỳ, Cu
Ba, Canada, Brasil, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc…đều rất khác nhau. Công ty lữ
hành ghép nối các sản phẩm của từng nhà cung ứng thành một chuỗi dịch vụ phục
vụ cho khách trong chuyến đi thông qua công việc của điều hành tour (điều hành,
theo dõi việc triển khai thực hiện chuỗi cung ứng) và hướng dẫn viên du lịch (thực
hiện việc liên kết sản phẩm của các nhà cung ứng để phục vụ khách du lịch phù
hợp với lịch trình, giúp khách du lịch tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh).
Bên cạnh hai loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu dịch vụ chính và dịch vụ đặc
trưng, có thể có một số nhu cầu xuất hiện trong quá trình thực hiện chuyến đi. Đó
là nhu cầu dịch vụ bổ sung.

Cung cấp các Tổ chức


Vận chuyển dịch vụ ăn các hoạt
Tư vấn, thiết kế khách đến/rời uống, lưu trú động
sản phẩm du lịch điểm tham và các dịch vụ trải
quan, du lịch khác nghiệm

Đại lý Nhà cung ứng dịch Nhà cung ứng Nhà cung ứng
du lịch vụ vận chuyển dịch vụ ăn dịch vụ tham
khách du lịch uống, lưu trú quan, hướng dẫn

Nhà cung ứng dịch vụ lữ hành

Hình 4.3. Chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch

Như vậy, theo tiếp cận từ phía nhà cung ứng du lịch, sản phẩm du lịch là
những hàng hoá và dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch. Thông thường,
doanh nghiệp lữ hành là nhà cung ứng sản phẩm du lịch trọn gói cho khách du lịch.
Sản phẩm này gồm nhiều sản phẩm thành phần do các nhà cung ứng từng loại dịch
vụ cung cấp, tạo thành chuỗi cung ứng du lịch.

238
Dưới góc độ một lãnh thổ, khái niệm sản phẩm du lịch thường có liên quan
chặt chẽ với loại hình du lịch. Chính vì vậy tên nhiều sản phẩm du lịch của một địa
bàn có thể trùng với tên loại hình du lịch 226. Tuy nhiên, cần phân biệt bản chất khái
niệm sản phẩm du lịch và loại hình du lịch. Thực ra loại hình du lịch là hoạt động
du lịch có chung một đặc điểm nào đó (xem lại mục Loại hình du lịch). Đây là một
hoạt động mang tính xã hội của con người. Dưới góc độ kinh tế, ngành Du lịch tìm
ra phương thức để hỗ trợ khách du lịch thực hiện các loại hình du lịch đó. Theo
tiếp cận này, đối với nhà cung ứng du lịch, sản phẩm du lịch là những dịch vụ và
hàng hóa phục vụ cho khách du lịch thực hiện loại hình du lịch đó. Ví dụ, để phục
vụ cho khách du lịch tham gia vào loại hình du lịch tắm biển, tức là để phục vụ cho
họ bơi lội, tắm ở biển, nhà cung ứng tổ chức các dịch vụ phục vụ cho khách tắm
biển như cho thuê phao bơi, bảo quản đồ, dịch vụ tắm tráng nước ngọt, dịch vụ cứu
hộ…. Tương tự như vậy, loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa là hoạt
động của khách du lịch đến để nhìn, quan sát, tìm hiểu di tích, còn sản phẩm du
lịch tham quan là các dịch vụ trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn, bán quà lưu
niệm… phục vụ cho khách để họ có thể tham quan được hiệu quả. Loại hình du
lịch MICE là hoạt động du lịch hội thảo, hội nghị, còn sản phẩm du lịch MICE là
các dịch vụ phục vụ khách du lịch tham dự hội nghị hội thảo đó… Có một số tài
liệu cho rằng sản phẩm du lịch gồm tài nguyên du lịch và dịch vụ (Trần Văn Thông
2006, Nguyễn Minh Tuệ và cộng sự 2010). Tuy nhiên, bản thân sản phẩm du lịch
đã chính là dịch vụ (khoản 5 điều 2 Luật Du lịch 2017). Tài nguyên du lịch là một
hợp phần tạo nên sản phẩm du lịch cũng giống các cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ
khách du lịch như cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển. Nếu coi dịch vụ của một
nhà cung ứng là một sản phẩm du lịch thành phần thì trong nhiều sản phẩm đó
không hề có mặt tài nguyên du lịch. Ví dụ trong khách sạn, dịch vụ massage, dịch
vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… cũng vẫn được coi là những sản phẩm du lịch
thành phần, sản phẩm du lịch bổ sung. Khách đến các phòng massage, chăm sóc
sức khỏe được cung cấp các dịch vụ như xông hơi, xoa bóp… mà không cần sự
hiện diện của bất cứ một loại tài nguyên du lịch nào. Rõ ràng rằng sản phẩm du
lịch không nhất thiết phải bao gồm tài nguyên du lịch.
4.3.2. Đặc điểm của sản phẩm du lịch
Do sản phẩm du lịch là tập hợp tất cả những gì mà khách được thụ hưởng
trong chuyến đi nên sản phẩm của chuyến đi sẽ bao gồm nhiều sản phẩm thành
phần, bắt đầu từ khâu chào đón khách và kết thúc ở khâu đưa tiễn khách. Một số
sản phẩm thành phần chính của ngành Du lịch là dịch vụ đón tiếp khách, dịch vụ
hướng dẫn du lịch, dịch vụ ăn, nghỉ…
226
Xem Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

239
Sản phẩm du lịch có những đặc tính của sản phẩm dịch vụ, đó là tính không
lưu kho, tính vô hình, tính duy nhất, tính trọn gói, tính khách hàng, tính đồng thời
giữa sản xuất và tiêu thụ, tính thời vụ, tính không chuyển quyền sở hữu, tính địa
lý…
4.3.2.1. Tính vô hình
Khác với nhiều sản phẩm của các ngành kinh tế khác, sản phẩm du lịch chủ
yếu là dịch vụ nên tính chất đầu tiên của nó là tính vô hình hay tính phi vật chất.
Đây có thể coi là đặc điểm cơ bản của sản phẩm du lịch, nó ảnh hưởng đến các đặc
điểm khác. Tính vô hình của sản phẩm làm cho việc đánh giá chất lượng trở nên
phức tạp, khó chính xác và khó khăn. Thông thường, chất lượng các sản phẩm hữu
hình được xác định bằng các chỉ tiêu kĩ thuật, căn cứ vào đó khách hàng sẽ quyết
định chọn muẩn phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình.
Trong khi đó sản phẩm du lịch có tính vô hình nên không thể cân đong, đo đếm
được các nó. Hầu hết khách du lịnh quyết định đặt mua sản phẩm dựa vào niềm tin.
Họ có thể tin tưởng ở chất lượng sản phẩm du lịch của công ty du lịch A hay B nhờ
uy tín của các công ty đo trên thương trường. Họ tin vào các nhận xét đánh giá của
bạn bè, người thân về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp du lịch. Họ có thể
tham khảo ý kiến đánh giá của những khách hàng đã sử dụng sản phẩm cùng loại
được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4.3.2.2. Tính đồng thời giữa sản xuất và tiêu dùng
Đặc điểm thứ hai của sản phẩm du lịch là tính đồng bộ giữa sản xuất và tiêu
dùng. Đây cũng là sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch với hầu hết các sản phẩm
khác. Nếu như việc sản phẩm khác sau khi sản xuất xong mới trở thành hàng hóa
để đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm du lịch được người cung ứng tạo ra và hầu
hết ngay lúc đó khách du lịch đang tiêu thụ nó. Ví dụ tiêu biểu nhất là quá trình tạo
ra sản phẩm của hướng dẫn viên du lịch (tức quá trình thuyết mình, hướng dẫn)
cũng chính là quá trình tiêu thụ của khách du lịch. Do quá trình sản xuất và tiêu
dùng hầu như diễn ra đồng thời nên nhà cung ứng cũng như khách du lịch không
thể kiểm tra, thử trước sản phẩm du lịch. Điều này yêu cầu nhà cung ứng phải tuân
thủ nghiêm ngặt quy trình tạo ra sản phẩm, còn khách du lịch cần nhanh chóng
phản hồi nếu cảm thấy dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu đã thỏa thuận trong hợp
đồng, cụ thể là trong chương trình du lịch.
4.3.2.3. Tính không lưu kho
Chính vì quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời nên sản phẩm du
lịch không thể lưu kho được. Một khách sạn có 100 buồng, như vậy có thể tính cả
năm có 36.500 buồng để cho khách thuê. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có
240
khách du lịch ở đầy 100 buồng. Thậm chí có ngày chỉ có 30-40 buồng có khách.
Số buồng không có khách không thể “lưu lại” để những ngày tiếp theo cho thuê
giống như các mặt hàng hữu hình khác. Nhân viên không thể tạo ra dịch vụ vào
những ngày không có khách rồi “đóng gói” những dịch vụ đó để dành sang những
ngày khác.
4.3.2.4. Tính trọn gói
Đặc điểm tiếp theo của sản phẩm du lịch là tính trọn gói. Sản phẩm du lịch
được tạo ra cho khách du lịch theo một dây chuyền. Nó bao gồm các dịch vụ chính
(ăn uống, ngủ nghỉ, vận chuyển) dịch vụ đặc trưng (thuyết minh, hướng dẫn…) và
có thể thêm dịch vụ bổ sung nếu khách có nhu cầu. Mặc dù dịch vụ cung cấp các
nhu cầu thiết yếu như dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ không phải là mục đích chính của
chuyến đi, song nó là dịch vụ thường nhật, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản phẩm
du lịch nên nó có ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch. Dịch
vụ vận chuyển cũng là dịch vụ không thể thiếu trong chuyến du lịch của khách.
Nếu dịch vụ vận chuyển kém chất lượng, khách du lịch sẽ trở nên mệt mỏi, họ sẽ
khó có thể cảm nhận được tốt chất lượng dịch vụ đặc trưng, mục đích chính quyết
định việc lựa chọn chuyến đi của khách du lịch. Như vậy, khi nói về sản phẩm du
lịch, người ta quan niệm nó như là một tập hợp các dịch vụ tạo nên chuỗi giá trị
của sản phẩm du lịch đó.
4.3.2.5. Tính không chuyển đổi quyền sở hữu
Tính không chuyển đổi quyền sở hữu là đặc điểm tiếp theo của sản phẩm du
lịch. Do sản phẩm du lịch là dịch vụ chứ không phải các yếu tố tạo nên dịch vụ như
cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, tài nguyên du lịch nên khi khách mua một chương
trình du lịch nào đó tức là họ chỉ bỏ tiền ra mua dịch vụ trong quá trình du lịch. Họ
lưu trú tại một buồng khách sạn không đồng nghĩa họ đã mua và có quyền sở hữu
căn buồng đó.
4.3.2.6. Tính duy nhất
Do sản phẩm du lịch, tức là dịch vụ du lịch được cung cấp cho khách du lịch
vào các thời điểm khác nhau với các điều kiện môi trường không như nhau hoặc
bởi các nhân viên khác nhau nên rõ ràng chất lượng sản phẩm du lịch không đồng
nhất. Thời điểm khác nhau sẽ có môi trường tự nhiên và xã hội không như nhau.
Ngày nắng nóng trong phòng phải bật điều hòa, ngày mưa ẩm sẽ làm khách du lịch
khó chịu hơn. Tiết trời thu miền Bắc thường mang lại cảm giác dễ chịu cho khách
du lịch. Rõ ràng khách đi du lịch tắm biển sẽ không thể thỏa mãn nếu gặp ngày xấu
trời như mưa bão. Sản phẩm du lịch được tạo bởi nhân viên trong điều kiện các
yếu tố sử dụng. Nhưng kỹ năng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm của nhân
241
viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, thâm niên, trình độ học vấn…
Chính vì vậy cùng một sản phẩm nhưng chất lượng của nó phụ thuộc vào người tạo
ra nó. Ngay cả khi nhân viên phục vụ không thay đổi nhưng sản phẩm được làm ra
cũng không giống nhau, không tương tự nhau. Nó phụ thuộc vào trạng thái sức
khỏe thể chất cũng như tinh thần của nhân viên. Mặt khác nó còn phụ thuộc vào
chính tập khách du lịch đang nhận dịch vụ mà nhân viên cung cấp. Như vậy một
sản phẩm du lịch được cung cấp cho khách du lịch tại một không gian cụ thể, một
thời điểm cụ thể, bởi những nhân viên cụ thể trong hoàn cảnh đó sẽ không được
lặp lại.
4.3.2.7. Tính địa lý
Do sản phẩm du lịch được tạo thành tại địa phương nào sẽ phản ánh sắc thái
của địa phương đó. Ngôn ngữ, phong tục tập quán, ẩm thực, văn học, nghệ thuật…
được hình thành bởi cộng đồng địa phương nên nó đều có dấu ấn địa phương, kể cả
những văn hóa không phải là bản địa. Những cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch như cơ
sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí ở mỗi nơi đều có dấu ấn riêng. Do tính địa lý
nên sản phẩm du lịch không thể được vận chuyển đem đến cho khách hàng mà
ngược lại, khách hàng sẽ được vận chuyển đến để tiêu dùng tại chỗ các sản phẩm
du lịch của địa phương.
4.3.2.8. Tính thương hiệu
Sản phẩm du lịch có tính duy nhất nhưng không phải là duy nhất hoàn toàn
tuyệt đối. Cùng một doanh doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là những doanh nghiệp
lớn hay doanh nghiệp đã tồn tại lâu sẽ có những chuẩn nhất định trong việc cung
cấp dịch vụ. Các chuẩn dịch vụ này là cơ sở để doanh nghiệp xác định tiêu chuẩn
nhân viên. Do vậy, mặc dù sản phẩm du lịch cụ thể là duy nhất, song tất cả các sản
phẩm của một doanh nghiệp đều phải đáp ứng những chuẩn mực nhất định. Những
chuẩn mực này cũng là cam kết với khách hàng về chất lượng của sản phẩm du
lịch của doanh nghiệp. Nó tạo ra được ấn tượng rằng sản phẩm của doanh nghiệp
có chất lượng hoặc đặc tính nhất định khiến sản phẩm đó trở nên độc đáo hoặc duy
nhất. Thương hiệu có thể thuyết phục được khách du lịch trả giá cao hơn chi phí
làm ra sản phẩm. Một sản phẩm du lịch của công ty du lịch có uy tín sẽ mang lại
niềm tin cho khách du lịch rằng sản thẩm đó xứng đáng với giá trị mà họ bỏ ra.
4.3.2.9. Tính hợp tác của khách hàng quá trình sản xuất
Khi ngành công nghiệp ra đời, hàng công nghiệp là kết quả của quá trình sản
xuất hàng loạt với số lượng rất lớn, sản xuất đại trà (Mass production). Điều này
đã góp phần nhanh chóng, kịp thời thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Chúng ta gọi
đây là các sản phẩm cứng (Hard product). Khi hàng hóa đã phong phú, cũng vẫn

242
quá trình sản xuất hàng loạt đó, song người ta đã hướng đến những thị trường mục
tiêu khác nhau để đáp ứng nhu cầu sở thích và khả năng chi trả của từng nhóm
khách hàng. Bên cạnh sản phẩm bình dân dành cho đại đa số khách hang, đã xuất
hiện các sản phẩm cao cấp, sản phẩm chuyên biệt. Tuy nhiên, nhu cầu của khách
hàng đã thay đổi từ “giống nhau” sang “khác biệt”, các nhà cung ứng xây dựng
một quy trình sản xuất mới, đó là sản xuất theo yêu cầu khách hàng (Taiylor-made
production). Có thể coi đây là các sản phẩm mềm (Soft product). Sản xuất theo yêu
cầu khách hàng sẽ tạo ra các sản phẩm đơn lẻ theo mong muốn của khách. Điều đó
được giải thích xu thế cá thể hóa sản phẩm. Với một thế giới phẳng, nhiều kiến
thức chuyên ngành khác nhau trở nên dễ tiếp cận và dễ phổ biến hơn. Những người
“ngoại đạo” cũng có thể tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Hiện tượng này
tạo ra những sản phẩm có tính sáng tạo cao. Hoạt động sản xuất này gọi là sản
xuất hợp tác (Org-production) hay đồng tạo (Co-creation) và sản phẩm này gọi là
sản phẩm hợp tác (Org-product).
Các sản phẩm du lịch cũng được “sản xuất” theo các phương thức trên. Đó
là các chương trình du lịch trọn gói từ các chương trình du lịch đại trà dành cho
hầu hết khách du lịch (đi gần, đến các điểm nổi tiếng, quen thuộc…) rồi đến
chương trình du lịch cao cấp dành cho khách VIP (dịch vụ “năm sao”, đi sang các
nước có nền kinh tế phát triển, các nước ở xa, chi phí tốn kém). Chương trình du
lịch taylor made là những chương trình du lịch trọn gói ban đầu được điều chỉnh
theo nhu cầu của khách vì các lý do khác nhau như khả năng tài chính, thời gian
rỗi, sở thích tham quan du lịch….

SỰ CHĂM SÓC
CÁC NHÀ CUNG ỨNG

KHÁCH DU LỊCH
CẢM NHẬN
THÁI ĐỘ

HÀNG HOÁ VẬT CHẤT

Tuy nhiên sản phẩm du lịchSỰđược


PHỤC hình
VỤ thành trong quá trình sản xuất của
nhà cung ứng và tiêu thụ của khách du lịch. Sự có mặt của người tiêu dùng ảnh
hưởng đến sản phẩm nên có thể coi khách du lịch cũng là người tham gia vào quá
trình sản xuất đó. Các sản phẩm ẩm thực địa phương có mùi vị đặc trưng đã được
gia giảm theo nhu cầu, sở thích của khách du lịch. Những câu hỏi, thắc mắc của
khách tham quan đã làm thay đổi nội dung hướng dẫn ban đầu của hướng dẫn viên.
Những chia sẻ của khách du lịch làm cho chuyến đi trở nên thú vị hơn. Thái độ của
khách du lịch cũng ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của người phục vụ. Cho dù
nhân viên phục vụ trong ngành Du lịch xác định phải luôn luôn cung cấp cho
243
khách du lịch dịch vụ hoàn hảo để họ hài lòng nhất trong bất cứ tình huống nào,
song nụ cười tươi tỉnh, nét mặt thân thiện của khách du lịch luôn là nguồn động
viên có giá trị để nhân viên phát huy hết khả năng của mình phục vụ khách du lịch.
Như vậy, chính thái độ thân thiện, vui vẻ, hài hước, ham hiểu biết… của khách du
lịch đối với nhân viên phục vụ đã góp phần làm cho họ nhận được những dịch vụ
tốt hơn trong chuyến đi, tức là góp phần làm cho họ nhận được sản phẩn du lịch
hoàn hảo hơn.
Một ví dụ điển hình của sự tham gia của khách du lịch vào hình thành sản
phẩm du lịch là du lịch sáng tạo (creative tourism). Sản phẩm du lịch sáng tạo là
các dịch vụ đưa khách du lịch đến học tập các kỹ năng địa phương để khách du
lịch tạo ra các sản phẩm có dấu ấn văn hóa của khách du lịch nhưng được chế tác
theo các kĩ năng họ học được ở điểm du lịch. Nếu như các sản phẩm du lịch trải
nghiệm như sản phẩm du lịch ẩm thực, sản phẩm du lịch tham quan làng nghề, sản
phẩm du lịch “một ngày làm nông dân”, “một ngày làm ngư dân”…cung cấp cho
khách hiểu biết, thậm chi thực hành một quy trình sản xuất có ở điểm du lịch, thì
sản phẩm du lịch sáng tạo cung cấp cho khách du lịch cơ hội tạo ra các sản phẩm
khác biệt, chưa bao giờ được chế tác tại địa phương.
4.2.3. Đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch
Chất lượng của sản phẩm hữu hình thường được xác định bằng các thông số
kĩ thuật. Một sản phẩm được coi là có chất lượng khi nó đáp ứng được các tiêu
chuẩn kĩ thuật đặt ra. Do vậy việc đánh giá chất lượng sản phẩm chủ yếu dựa vào
các tiêu chuẩn đó.
Do sản phẩm du lịch là dịch vụ nên các “tiêu chuẩn” để đo nó không phải là
chỉ số định lượng, nó mang tính chủ quan của người đánh giá. Đánh giá chất lượng
sản phẩm du lịch là chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm của
người tạo ra dịch vụ phục vụ khách du lịch. Về mặt tổng thể việc đánh giá này
được tiến hành từ nhiều phía, đó là tự đánh giá, đánh giá từ đồng nghiệp, đánh giá
từ người quản lý và đánh giá từ khách hàng. Do sản phẩm du lịch có đặc điểm là
tính duy nhất nên việc đánh giá từ khách hàng, tức là từ những khách du lịch trực
tiếp hưởng thụ các dịch mà nhà cung ứng, cụ thể là từ nhân viên phục vụ là quan
trọng nhất.
Về cơ bản, chất lượng sản phẩm du lịch được đo đạc thông qua sự hài lòng
của khách du lịch. Khách du lịch hài lòng với dịch vụ (sản phẩm) khi họ cảm thấy
thỏa mãn với những dịch vụ họ nhận được, tức là họ so sánh những trải nghiệm với
kỳ vọng của họ trước khi sử dụng nó. Theo Hà Nam Khánh Giao (2016), sự hài
lòng của khách hàng tùy thuộc vào việc vận hành cảm nhận một sản phẩm so sánh

244
với mong đợi của khách hàng. Trong các công trình nghiên cứu về sự hài lòng của
khách du lịch, nội dung này được công thức hóa dưới dạng sau:
S=P-E
trong đó:
S là sự hài lòng của khách du lịch,
P là cảm nhận của khách du lịch về sản phẩm du lịch
E là kỳ vọng của khách về sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, trong thực tế, cùng một hiện tượng nhưng cảm nhận của khách
du lịch không đồng nhất, thậm chí có khi trái ngược. Ví dụ, nước mắm là thứ
không thể thiếu được trên mâm cơm gia đình người dân Bắc Bộ song lại gây ra
cảm giác “không thú vị” đối với nhiều khách du lịch nước ngoài. Món phở được
coi là món ăn ưa thích của hầu hết người Việt Nam, song vị mì chính (bột ngọt)
trong phở lại làm cho nhiều người miền Tây Nam Bộ cảm thấy không hợp.
Thứ hai là kì vọng nhiều khi không có căn cứ. Như hầu hết mọi người,
khách du lịch tuy trả tiền cho dịch vụ bình dân, song họ vẫn có thể kì vọng ở chất
lượng cao cấp. Điều này dẫn đến việc đánh giá sự hài lòng của khách hàng theo
công thức trên không hoàn toàn phù hợp. Như vậy có thể viết lại công thức trên
thành:
S=P-E(c)
trong đó:
S là sự hài lòng của khách du lịch,
P là cảm nhận của khách du lịch về sản phẩm du lịch
E(c) là kỳ vọng của khách về sản phẩm du lịch phù hợp với chi phí họ bỏ ra.
Cũng có thể xác định sự hài lòng của khách du lịch về sản phẩm du lịch
thông qua chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng (CSAT) hoặc chỉ số đo
lường sự trung thành của khách hàng (NPS). CSAT là từ viết tắt tiếng Anh của
Customer Satisfaction Score được tính bằng tỷ lệ giữa khách hang hài lòng trên
tổng số khách hang tham gia đánh giá. NPS (Net Promoter Score) là một trong
những chỉ số đo lường mức độ trung thành và thiện cảm của khách hàng đối với
sản phẩm du lịch. Chỉ số này cho biết bao nhiêu người có khả năng giới thiệu cho
người thân, bạn bè sử dụng sản phẩm du lịch, bao nhiêu người sẽ phản hồi tiêu cực
về chất lượng sản phẩm du lịch cho người khác biết.

245
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN
1. Phân biệt loại hình và sản phẩm du lịch. Lấy ví dụ cụ thể
2. Sự khác biệt của sản phẩm du lịch với sản phẩm của các ngành kinh tế khác
3. Khách du lịch có vai trò như thế nào trong việc đồng tạo sản phâm du lịch?
4. Lập một đề án xây dựng một sản phẩm du lịch sáng tạo cụ thể

246
Chương 5. TƯƠNG LAI TRIỂN VỌNG CỦA DU
LỊCH

Sau khi học xong chương này người học sẽ:


-Tin tưởng ở tương lai ngành học mà mình đã chọn
-Dự báo được xu thế phát triển du lịch trong tương lai
Tài liệu đọc thêm
Phạm Xuân Hậu và cs 2019 (các trang 7-9)
Lê Anh Tuấn và cs, 2015 (các trang 250-274)
Brandt, T và cs (2017)
Kim Boes và cs (2016)
Jean Michel Hoerner (2002)
Stephen J.Page và Joanne Connell (2014)

5.1. Hiện tượng du lịch trong tương lai


5.1.1. Số lượng khách du lịch gia tăng
Du lịch là một hiện tượng rất nhạy cảm với sự biến đổi của môi trường như
dịch bệnh, thiên tai, tình hình an ninh chính trị v.v… Trong mục 1.3. đã phân tích,
du lịch là hàm số của điều kiện chung, điều kiện tự thân và nhu cầu của khách du
lịch. Du lịch chỉ có thể phát triển trong diều kiện an ninh chính trị và an toàn xã hội
được đảm bảo. Khi nền kinh tế phát triển, xã hội có điều kiện phát triển cơ sở hạ
tầng, tạo ra các tiện nghi tốt cho việc đi lại ăn nghỉ của khách du lịch. Khi kinh tế
phát triển, thu nhập khả dụng của mọi người tăng lên, họ có tiền dành cho du lịch.
Khi năng suất lao động tăng cao, thời gian rỗi gia tăng, con người có thời gian rỗi
nhiều hơn nên dành thời gian cho du lịch trở nên khả thi hơn. Điều này cũng có
nghĩa là khi nền kinh tế đi xuống, khi xảy ra chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, du
lịch cũng đảo chiều.
Trong thời gian gần đây, du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
của dịch bệnh COVID-19. Do tính chất lây lan của virus Corona và biến thể của nó
ngày càng nguy hiểm, hàng loạt quốc gia, hàng loạt điểm du lịch, hàng loạt địa
phương bị đóng cửa. Vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế bị tê
liệt nhiều tháng trời. Quy định yêu cầu hành khách cách ly từ 15 đến 20 này sau
khi nhập cảnh làm nản lòng khách du lịch do thời gian bị cách ly nhiều hơn thời
gian đi du lịch 3-4 lần. Kết quả là sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng trung bình
năm khoảng 5% (UNWTO World Tourism Barometer, Vol 17, 2019), năm 2020,
du lịch thế giới đã lao dốc do COVID 19. Nếu như năm 2019 lượng khách quốc tế

247
trên toàn thế giới đã lên đến 1,5 tỷ lượt thì năm 2020 chỉ còn 381 triệu lượt, tức là
giảm 74%227 (UNWTO 2021).
Sau khi vắc-xin
ngừa COVID ra đời, đã có Bảng 5.1. Khách du lịch trên thế giới giai đoạn 1950-2019
ý tưởng về một loại thị thực Năm Khách Tốc độ tăng trưởng
xuất nhập cảnh mới, đó là (triệu lượt) trung bình năm (%)
“hộ chiếu vắc-xin”. Theo 1950 25
các nhà chuyên môn, “hộ
chiếu vắc-xin” dùng để cấp 1960 69 10,69%
cho những người đã tiêm 1970 170 9,44%
đủ liều thuốc phòng chống
COVID-19. Với loại hộ 1980 290 5,49%
chiếu này, khách có thể khá
1990 435 4,14%
tự do đi lại ở các nước khác
mà không cần cách ly sau 2000 674 4,48%
khi nhập cảnh. Hoạt động
du lịch có cơ hội phục hồi 2010 953 3,52%
sớm. Mặc dù bị ảnh hưởng 2015 1189 4,52%
sâu sắc của COVID 19
trong hai năm nay, song 2017 1322 5,44%
nhìn chung, du lịch vẫn sẽ 2018 1401 5,98%
có xu hướng gia tăng. Gia
tăng mạnh mẽ về mặt số 2019 1460 4,21%
lượng là một trong những Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của WTO trước đây và từ
nét đặc trưng nhất của du
lịch trong giai đoạn hiện nay. Xu thế này có xuất phát điểm ngay từ sau đại chiến
thế giới thứ hai kết thúc. Số liệu lượng khách du lịch quốc tế của thế giới được
thống kê và công bố đầu tiên từ năm 1950 với 25 triệu lượt khách. Tính toàn giai
đoạn, từ năm 1950 đến 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình năm là
6,04%. Giai đoạn đầu (từ năm 1950 đến năm 2000), tốc đô tăng trường khách du
lịch trung bình năm cao hơn, đạt 6,81%, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019 chỉ
còn 4,15%.
Tuy nhiên xét về
CHÂU ÂU CHÂU Á
giá trị tuyệt đối, trừ 10 CHÂU MỸ 744+4% & TBD
năm đầu (1950-1960), số 219+2%
362+4%

lượt khách năm sau đều


cao hơn số lượt khách
năm của năm trước ở
mức 2 con số. Nếu giai

227
https://www.unwto.org/news/tourist-arrivals-down-87-in-january-2021-as-unwto-calls-for-stronger-coordination-
to-restart-tourism

248

CHÂU PHI TRUNG ĐÔNG


70+2% 95+8%
đoạn từ 1960 đến 1990, trung bình mỗi năm tăng khoảng 12 triệu khách thì giai
đoạn từ 1990 đến 2015, giá trị đó tăng lên 25 triệu lượt. Số lượt khách du lịch gia
tăng trung bình năm giai đoạn 2015-2019 tăng từ 47 triệu lượt lên 79 triệu lượt vào
năm 2018.
Phải khẳng định rằng gia tăng mạnh mẽ về mặt số lượng là một trong những
xu thế của du lịch không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn là xu thế trong tương
lai. Trong giai đoạn hiện nay, năng suất lao động ngày càng cao, mang lại cho
người lao động một nguồn thu nhập lớn hơn, chi tiêu cho các nhu cầu thưởng
ngoạn cuộc sống đã trở nên khả thi hơn.
Thời gian nghỉ dài ngày ngày càng nhiều đã tạo cho người ta có điều kiện
chi trả cho nhu cầu du lịch thường xuyên hơn. Ví dụ, ở nước ta, trong năm 2021,
ngoài nghỉ Tết âm lịch 9 ngày, người lao động còn được nghỉ 3 ngày Tết Dương
lịch, 4 ngày dịp 30/5-1/5, 1 ngày giỗ Tổ Hùng Vương, 3 ngày vào dịp Quốc khánh.
Do có nhiều dịp nghỉ dài ngày như vây, số người đi du lịch trên một lần trong năm
đã gia tăng đáng kể. Bên cạnh việc chọn các chương trình du lịch ngắn ngày,
không ít người đã chọn các chương trình du lịch dài ngày vào dịp nghỉ Tết Âm lịch
hay vào dịp nghỉ hè. Mặc dù các chương trình trọn gói vẫn còn đang có chỗ đứng
trên thị trường, song thị phần của nó ngày càng giảm bởi các chương trình du lịch
được lập theo nhu cầu của khách.

5.1.2. Xu hướng du lịch nội địa và kỳ nghỉ tại chỗ


Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch quốc tế sẽ mất từ 2,5
năm tới 4 năm để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Với việc thực hiện các chính
sách phòng, chống dịch bệnh và hạn chế đi lại, nhập cảnh được thực hiện ở các
quốc gia , là nguyên nhân làm cho du lịch nội địa, nội tỉnh, nội vùng trở thành xu
hướng phát triển trong những năm trước mắt.
Những chuyến tham quan du lịch gắn liền với nghỉ ngơi ngắn ngày ở trong
nước “về nhà” và tại “quê hương”, xung quanh khu vực du khách sinh sống. Thuật
ngữ kỳ nghỉ tại chỗ (Staycation) xuất hiện ngày càng nhiều trong các dự đoán về
xu hướng du lịch trong năm 2021 kể từ sau đại dịch COVID-19 . Ngành du lịch
này hướng đến các tour du lịch khám phá địa phương thiết kế cho chính người dân
địa phương. Những hoạt động này thường liên quan đến việc khám phá các di sản
văn hoá như di tích, phong tục hay các địa danh, danh nhân thường rất quen thuộc
mà người dân địa phương thường ít chú ý,, ít quan tâm. Những nội dung thật bất

249
ngờ về các di sản bình di, quen thuộcđã trở thành những khám phá mới lạ, hấp dẫn
đặc biệt cho những người trẻ và các gia đình theo nhóm nhỏ. Nếu như quê hương
nơi mình sinh ra, có gia đình và bạn bè, thì “quê hương” trong chuyến du lịch “về
nhà” sẽ là nơi khám phá những địa điểm du khách tưởng là quen nhưng còn chưa
đi, để du khách lui tới mỗi khi muốn trở về, gặp gỡ những người mà sau đó du
khách còn mong muốn gặp lại nhiều lần nữa. “Quê hương” luôn là “nơi lý tưởng”
để trở về. Xu hướng du lịch này do vậy có tính bền vững cao.
5.1.3. Xu hướng du lịch với chiếc điện thoại thông minh
Theo tính toán của S. O’Dea trên trang Statista, năm 2020 có trên 4 tỷ người
sử dụng điện thoại thông minh, chiếm 55,46% dân số. Theo các nhà dự báo, con số
này chắc chắn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới vì các nhà sản xuất luôn tăng năng
suất, hạ giá thành trong cuộc cạnh tranh trên thị trường. Chiếc máy tính, kể cả máy
tính xách tay đã trở nên cồng kềnh so với một chiếc điện thoại thông minh nhỏ
gọn, dễ dàng mang đi bất cứ đâu. Bên cạnh đó, với những cải tiến không ngừng
nghỉ, điện thoại thông minh ngày càng “thông minh” hơn. Nhiều ứng dụng mới ra
đời, tốc độ xử lý nhanh. Đây là lý do khiến chiếc điện thoại thông minh đã và sẽ
luôn là một vật thiết yếu của mỗi cá nhân trên các hành trình du lịch.
Trong một nghiên cứu gần đây của Google phối hợp với PhocusWright về
việc sử dụng điện thoại thông minh cho hành trình toàn cầu của du kháchđã cho
thấy, du khách sử dụng điện thoại thông minh để tìm đường, để mua sắm, tìm điểm
tham quan, tìm nhà hàng ăn, tìm khách sạn và các hoạt động ở điểm đến. Theo đó,
tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh cảm thấy thoải mái khi nghiên cứu đặt chỗ
và lập kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi của họ đến một điểm đến ngày càng cao.
Cao nhất là khách Ấn Độ (87%), rồi lần lượt là khách Bra-xin (67%), khách Nhật
Bản (59%), khách Hàn Quốc (53%), khách Mỹ (48%), khách Anh, khách Úc (đều
45%), khách Pháp (44%), và khách Đức (27%) 229.
Qua facebook và các mạng xã hội khác, khách sẽ tìm hiểu đánh giá chất
lượng về sản phẩm du lịch mà họ sẽ mua. Qua các phần mềm di chuyển Uber,
Grab, Be… khách tin tưởng đặt phương tiện vận chuyển. Với chiệc điện thoại
thông minh, khách yên tâm đặt chỗ nghỉ qua đêm, đặt dịch vụ du lịch cho mình ở
bất cứ đâu dựa vào các ứng dụng như Agoda, Trivago, Traveloka, Booking.com,
Hotel.com, Airbnb, Luxstay, Mytour.vn…. Một trong những nhu cầu của khách
khi đi du lịch là lưu lại những bức hình đẹp. Chiếc điện thoại thông minh không
chỉ hỗ trợ họ việc này mà còn giúp họ chia sẻ ngay những bức hình còn “nóng hổi”

250
đó với bạn bè. Chính vì có điện thoại thông minh, trào lưu check-in, du lịch insta 228
không chỉ dừng ở giới trẻ mà còn lan đến cả những người cao tuổi, đặc biệt là phụ
nữ.
Nếu như trước đây, tại mỗi điểm du lịch, mọi người chụp các bức ảnh đẹp
để làm kỷ niệm thì nay, họ chụp ảnh không chỉ như vậy, khách du lịch bật chức
năng check-in trên facebook để đưa ngay những bức ảnh lên đây. Bên cạnh đó, sử
dụng chức năng livestream, khách du lịch đưa cả các đoạn video mà họ quay được
cho bạn bè xem trực tiếp. Check in sẽ vẫn là loại hình du lịch yêu thích của nhiều
khách du lịch trong tương lai.
2023 4.3
2020 3.6
2019 3.4
2018 2.9
2017 2.7
2016 2.5
2014 1.86
2014 1.57
2013 1.31
2012 1.06
0 0.5 1 1.5 2 2.5 3 3.5 4 4.5 5

Hình 5.2. Số lượng người dùng điện thoại thông minh trên thế giới
Xây dựng theo Statista từ https://www.statista.com/statistics/330695/number-of-smartphone-
users-worldwide/#:~:text=The%20number%20of%20smartphone%20users,a%20combined
Ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ kết nối vạn vật 4.0 đã
trở thành xu thế tất yếu trong du lịch và lữ hành. Khách du lịch tự tìm trên điện
thoại thông minh của mình các nhà cung cấp các dịch vụ cần thiết cho họ trong
chuyến đi như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú. Họ có nhiều
lựa chọn khác nhau và các đánh giá của các khách hàng trước đó có vai trò quan
trọng để khách du lịch tiềm năng đưa ra quyết định. Không chỉ việc đặt các dịch vụ
được thực hiện qua công cụ thông minh, các dịch vụ cụ thể như làm thủ tục check-
in, check out ở sân bay, ở khách sạn. Các dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn tại các
điểm tham quan cũng đã được triển khai một cách “thông minh”. Công nghệ thực
tế ảo giúp khách du lịch tiềm năng được “nhìn thấy” trước sự tiện nghi của buồng
khách sạn sẽ đặt, “nhìn thấy” trước quang cảnh hấp dẫn của điểm đến dưới nhiều
vị trí khác nhau.

228
https://www.thinkwithgoogle.com/_qs/documents/5602/1171-How-Smartphones-Influence-the-Journey-
Download.pdf

251
Wang và Fesenmaier (2013), trong nghiên cứu của mình về chuyển đổi trải
nghiệm du lịch thông qua việc sử dụng điện thoại thông minh đã cho thấy, việc sử
dụng điện thoại thông minh đã dẫn đến những thay đổi trong việc lập kế hoạch
cũng như những hoạt động trước, trong, sau chuyến đi và những biểu hiện, cảm
xúc của họ thông qua sơ đồ sau:

252
Sử dụng điện thoại thông minh Ảnh hưởng tới du lịch

Thay đổi trong lập kế hoạch và


những hoạt động:
Giao tiếp Dễ dàng, thuận tiện lên kế hoạch
Linh hoạt hơn
Du lịch nhiều hơn
Thêm thông tin
Ít phải xử lý (sau chuyến đi)

Giải trí

Thay đổi trong biểu hiện, cảm


xúc
Tiện nghi Kết nối nhiều hơn
Thông tin nhiều hơn
Giá trị hơn
Giải trí nhiều hơn
Bớt căng thẳng
An toàn hơn
Tìm kiếm thông tin Tự tin hơn

Hình 5.3. Sử dụng điện thoại thông minh cho du lịch và những ảnh hưởng tới trải nghiệm
du lịch
5.1.4. Du lịch trải nghiệm, xu hướng du lịch khám phá được lan tỏa
Từ xa xưa đã có nhiều loại hình du lịch khám phá. Tuy nhiên trong tương
lai, loại hình này sẽ nảy sinh ra nhiều loại hình khác nhau theo 2 hướng là khám
phá bản thân và khám phá thế giới. Du lịch khám phá trong tương lai phát triển dựa
trên nền kinh tế trải nghiệm, do vậy có thể gọi đây là du lịch trải nghiệm.
Xu thế muốn được trải nghiệm rất phát triển trong lĩnh vực du lịch. Năm
2003 (Durand & Jouvet 2003)229 dự đoán rằng, du lịch trải nghiệm sẽ là một loại
hình du lịch có tính đặc trưng ở đầu thế kỷ 21. Thực chất, trải nghiệm là bản chất
của du lịch, tuy nhiên khi nói về du lịch trải nghiệm, người ta muốn nhấn mạnh
vào yếu tố này trong chuyến đi.
Trong số các loại hình du lịch khám phá bản thân có thể kể đến là các loại
hình du lịch bị bỏ lạc (get lost tour), du lịch mạo hiểm, du lịch một mình (solo
travel), du lịch leo núi, du lịch thiền, du lịch thảm họa, du lịch vũ trụ…
Du lịch khám phá thế giới ngày nay mang đậm tính chất trải nghiệm. Khách
du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch tôn giáo, du lịch tâm linh, du lịch sinh

229
Durand, H., & Jouvet, F. (2003). Le temps du tourisme triomphant. In J. Spindler & H. Durand (Eds.), Le
tourisme au XXIe siécle (pp29-57). Paris: L'Harmattan.

253
thái, du lịch địa học230 … không chỉ đến lướt qua và để nghe giới thiệu như trước
nữa mà họ muốn đắm mình trong không gian văn hóa tại điểm đến du lịch. Thời
gian chuyến đi do vậy dài hơn. Chính vì vậy thuật ngữ du lịch trải nghiệm sẽ được
gắn nhiều vào các loại hình du lịch truyền thống để nhấn mạnh xu thế này.
5.1.5. Xu hướng du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe
lên ngôi
Theo WHO, tuổi thọ trung bình của toàn thế giới năm1950 mới chỉ là 45,78
tuổi đã tăng lên 72,00 tuổi vào năm 2016231. Ngày nay, con người quan tâm nhiều
hơn đến sức khỏe của mình. Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp
lý, việc tham gia các hoạt động thể dục, thể thao đã trở thành một hoạt động
thường xuyên, trở thành một nhu cầu phổ biến hơn. Đây cũng chính là một trong
những nguyên nhân quan trọng khiến du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng lên ngôi.
Tại Hội nghị quốc tế về Du lịch Thể thao được tổ chức tại Đà Nẵng ngày
24.9.2016, nhiều chuyên gia đến từ các nước trên thế giới đã khẳng định rằng du
lịch thể thao đang là động lực lớn, một xu thế mới của ngành du lịch toàn cầu. Du
lịch thể thao được coi là một cơ hội quan trọng đối với các điểm đến đang nổi.
Theo Hiệp hội Du lịch Thể thao Thế giới (WST), hàng năm có khoảng 12 triệu đến
15 triệu khách đi du lịch vì mục đích thể thao, tăng trưởng khoảng 6% /năm. Với
doanh thu khoảng 800 tỷ đô la Mỹ, du lịch thể thao chiếm 10% doanh thu toàn
ngành du lịch thế giới. Các quốc gia có số lượng khách đi du lịch vì mục đích thể
thao nhiều nhất là Vương quốc Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển
và Phần Lan. Ở một số quốc gia, doanh thu do du lịch thể thao chiếm hơn 25%
tổng doanh thu du lịch, đặc biệt Úc, tỷ lệ này lên đến 55% vào năm 2013.
Các báo cáo của WST chỉ ra rằng, trong số hơn 20 triệu người Ý chơi ít nhất
một môn thể thao, có hơn 11 triệu người đi du lịch nước ngoài và một trong những
mục đích chính của họ là tham gia hoạt động thể thao. Từ năm 2007 đến 2013, du
lịch thể thao của Ý đã ghi nhận mức tăng trưởng lượt khách là 25%, sử dụng
khoảng 60 triệu đêm lưu trú. Chi tiêu của khách du lịch thể thao tăng 20%, tạo ra
doanh thu 9 tỷ euro cho ngành du lịch. Số lượng các môn thể thao du lịch tăng lên
hàng năm cũng là yếu tố gia tăng hoạt động du lịch thể thao. Chi tiêu cho các môn
thể thao dưới nước ở Ý như chèo thuyền, chèo thuyền, lặn, ... tạo ra một doanh thu
1,5 tỷ euro. Khoảng 1 trong số 4 người Italia chọn điểm đến cho kỳ nghỉ của họ
cũng nhờ ưu đãi thể thao.

230
Geo tourism
231
https://www.who.int/gho/mortality_burden_disease/life_tables/situation_trends/en/

254
Một trong những lý do du lịch thể thao đang trở thành một xu thế du lịch
tiêu biểu là các hoạt động du lịch thể thao không có biên giới, không bị hạn chế bởi
bất kỳ yếu tố nào như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội. Thị trường dành cho du lịch
thể thao cũng vậy, có thể dành cho mọi đối tượng trong xã hội. Các hoạt động và
sự kiện của du lịch thể thao ngày càng có xu hướng đại chúng, có thể thu hút được
mọi tầng lớp dân cư, ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, thuộc bất kỳ thế hệ nào, từ bất
kỳ nền văn hóa hay tộc người nào, người từ mọi nguồn gốc.
Những năm gần đây, khách du lịch, trong đó có cả khách du lịch Việt Nam
ngày càng chi mạnh tay hơn cho nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng mới. Thay vì thuê
khách sạn để ở, họ có xu hướng tìm mua biệt thự nghỉ dưỡng vừa để nghỉ ngơi,
vừa cho thuê vào mùa cao điểm du lịch. Thuật ngữ timeshare resort đã không còn
xa lạ ngay cả ở Việt Nam. Những “tín đồ xê dịch” trẻ thường coi trọng những trải
nghiệm trong cuộc sống. Với niềm đam mê khám phá thế giới, họ quan tâm nhiều
đến những trải nghiệm du lịch. Đó có thể là một đất nước mới với nền văn hóa độc
đáo hay một vùng đất xa với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Để đáp ứng nhu cầu này,
các công ty cho ra đời một sản phẩm gọi là “sở hữu kỳ nghỉ”. Một trải nghiệm cao
cấp thu hút tập khách có nhiều tiền là đầu tư sở hữu kỳ nghỉ. Đó không còn dừng
lại ở việc lưu trú thông thường mà còn là tận hưởng trọn vẹn những tiện ích 4-5 sao
đồng bộ tại khu nghỉ dưỡng, những chuyến tham quan tại địa phương hay thậm chí
là những tour du thuyền cao cấp. Sở hữu kỳ nghỉ cũng cho phép khách du lịch linh
hoạt lựa chọn điểm đến vì khi tham gia vào loại hình này, khách được là thành viên
của mạng lưới kỳ nghỉ toàn cầu, có thể trao đổi quyền sở hữu kỳ nghỉ tại nơi họ
đầu tư với bất cứ nhà đầu tư “sở hữu kỳ nghỉ” nào trong mạng lưới.
Các loại hình nghỉ dưỡng kết hợp thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu
bằng khoáng chất, spa-thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực-thức ăn dinh dưỡng, ...cho
phép du khách không chỉ phục hồi tái tạo sức lao động, mà còn giúp du khách
thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất. Đây cũng là xu
hướng của những người coi trọng giá trị sức khỏe và tôn chỉ “sống chậm”.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch gắn với sức khoẻ sẽ tăng
trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu COVID-19. Năm 2019, Việt Nam được coi là điểm
đến mới nổi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ ở khu vực chấu Á Thái Bình
Dương. Xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ sẽ phát triển trong những năm tới là
cơ hội để ngành du lịch Việt Nam khai thác thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ
giàu tiềm năng này232 5.1.6. Gần thiên nhiên hơn, tiện nghi hơn
232
Outbox Consulting (2021). Vietnam Travel Trends. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021 tại:
https://drive.google.com/file/d/1vlY9r7l21GAoRwg_nQiRyi1GVí dụAoVug1/view

255
Thế giới mất 200 nghìn năm lịch sử để dân số đạt tới mức 1 tỷ người. Trong
giai đoạn hiện nay, loài người chỉ mất 200 năm (1811-2011) để đạt được con số đó.
Theo Worldometer, dân số thế giới hiện nay (tháng 7 năm 2021) là khoảng 7,9 tỷ
người233. Không gian sống ngày càng thu hẹp, mật độ dân cư ở nhiều khu vực trên
thế giới lên đến trên 10.000 người/km2, tiêu biểu như Macao (21.190 người/km2);
Monaco (18.945 người/km2); Singapore (9.150 người/km2)234...Theo số liệu của
Liên Hợp quốc, năm 1500 mới chỉ có 4,1% dân cư sống trong các đô thị, năm 1950
con số đó lên đến 29,6%. Ngày nay quá trình đô thị hóa cũng phát triển nhanh
chóng, năm 2018 có đến 55,28% dân số sống trong các đô thị và dự báo năm 2050
con số này lên đến 68,36%235. Trong khi con người ngày càng đô thị hóa nơi ở của
mình, nhu cầu về với thiên nhiên lại càng gia tăng. Người đô thị rời khỏi thành phố
ôn ào, ô nhiễm về với các vùng nông thôn, hải đảo, các khu vực có thiên nhiên
hoang sơ để tranh thủ tận hưởng bầu không khí trong lành. Du lịch sinh thái đã trở
thành một loại hình du lịch hấp dẫn khách du lịch mặc dù để trở thành khách du
lịch sinh thái, mọi người phải tiết chế nhiều sự tự do, thoải mái vốn có của mình.
Nhóm khách thanh niên với chi tiêu tiết kiệm, chọn các tour du lịch sinh thái thân
thiện với môi trường, họ cắm trại và ngủ trong các lều bạt ở các vùng thiên nhiên
hoang sơ là hình ảnh thường thấy vào nửa cuối thế kỷ 20. Hình thức này có tên là
loại hình du lịch cắm trại (camping tourism). Tuy nhiên bước sang đầu thế kỷ 21,
những lều trại đơn sơ đã dần dần thay thế bằng các trại có trang thiết bị hiện đại
hơn, tiện nghi cao cấp hơn. Nhiều “lều trại” sang trọng hết sức quyến rũ khách du
lịch ra đời. Thuật ngữ camping đã được thay thế bằng glamping236, loại lều trại làm
mê hoặc khách du lịch khi họ được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trong một nột thất
sang trọng.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội và sau đó, những xu hướng đến những nơi
gần gũi với tự nhiên, biệt lập và ít được biết đến trở nên hấp dẫn hơn. Các tour du
lịch thường hướng tới phục hồi và bảo tồn các giá trị tư nhiên, môi trường, gắn với
các xu hướng đi du lịch tích cực hơn như du lịch xanh, du lịch chậm để cảm nhận,
tận hưởng cuộc sống sau những ngày dài giãn cách xã hội,cho phép du khách thoát
khỏi cuộc sống thực tại, được đắm mình vào thiên nhiên, tĩnh tại và cảm nhận dòng
chảy của thời gian. Những trải nghiệm “tắm rừng”, trải nghiệm thiên nhiên và cuộc
sống đời thường của cư dân bản địa mang đến những phút giây chậm rãi tuyệt vời.
5.1.7. Xu hướng du lịch một mình (solo travel) và du lịch không chạm
Ngày nay, số người có tính cách hướng ngoại (allocentric tourist-theo cách
nói của Plog, S. 1974) ngày càng gia tăng nên bên cạnh các tour du lịch đi theo
nhóm có tính tập thể và nhóm, xu hướng đi du lịch một mình cũng ngày càng
233
http://www.worldometers.info/world-population/, truy cập lúc 4:12:36 AM ngày 27/7/2021, thế giới có số dân là
7.881.837.389 người.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_m%E1%BA%ADt_
234

%C4%91%E1%BB%99_d%C3%A2n_s%E1%BB%91
235
https://ourworldindata.org/urbanization
236
Ghép bởi hai từ glamour và camping

256
nhiều, đặc biệt ở giới trẻ. Triết lý của xu hướng này là ý muốn tự khẳng định mình,
muốn tự do, không lệ thuộc. Nhóm này tập trung vào lứa tuổi thanh niên, trung
niên, thường là chưa hay không có gia đình (độc thân), không vướng bận vợ chống
con cái. Các điểm đến không chỉ là các đô thị nổi tiếng mà còn cả những vùng
nông thôn, miền núi xa xôi. Họ có thể mua gói free & easy và tự lập kế hoạch cho
chuyến đi của mình. Thậm chí tour bị bỏ lạc (get lost tour) cũng là sản phẩm mà
khách du lịch này hay chọn. Lý do của xu hướng du lịch một mình này là họ muốn
trải nghiệm khả năng sống sót của mình trong môi trường xa lạ. Một số khách du
lịch có kinh nghiệm nhiều thường tự thiết lập tour cho chuyến đi của mình. Họ đặt
các dịch vụ qua mạng như đặt chỗ ở qua airbnb, đặt dịch vụ vận chuyển qua Grab,
Uber, đặt các dịch vụ du lịch qua Trip Advisor Hotels Flights. Thay vì các tour
trọn gói truyền thống, đi với khung thời gian không dài, khách du lịch có thể đặt
một số dịch vụ cơ bản của công ty du lịch. Với các hình thức này, khách du lịch
tiệm cận gần với cộng đồng, với văn hóa bản địa hơn vì phần lớn chuyến đi họ tự
lo tổ chức đi lại, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi. Họ không còn ở trong chiếc “bong
bóng” như Cohen (1972) đã nhận xét về các khách du lịch đi theo đoàn
(institutional tourist).
Du lịch không chạm là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc
phòng chống dịch bệnh. Không chạm khi đi du lịch trong và sau COVID-19 không
chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người và các vật dụng, bề
mặt mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị công nghệ tự động hoá. Việc
thực hiện tự động hoá trong các thủ tục, giấy tờ trong kiểm soát an ninh, an toàn sẽ
là xu hướng tất yếu để giảm thiểu việc tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm tại các sân
bay, nhà ga, quầy lễ tân khách sạn, v.v.
5.1.8. Xu hướng tiêu dùng du lịch gói sản phẩm thiết kế sẵn (combo) và du
lịch trái mùa vụ
Thị trường du lịch thế giới và ở Việt Nam ngày càng nhộn nhịp với những
gói sản phẩm du lịch thiết kế sẵn (combo) với nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm bao
gồm vé máy bay, khách sạn, xe đón tiễn sân bay, phiếu (voucher) giảm giá các
dịch vụ trong nhà hàng, khách sạn,... Lợi ích của những combo này là giúp du
khách tiết kiệm được thời gian tìm hiểu và đặt nhiều dịch vụ khác nhau, chưa kể
với mức giá vô cùng hấp dẫn do chương trình kích cầu của ngành du lịch. Xét về
độ đa dạng, các gói combo được các doanh nghiệp thiết kế nhắm đến nhiều đối
tượng khác nhau như gia đình, cặp đôi, nhóm bạn trẻ, hay những nhóm người cùng
tham gia chung vào một hoạt động trải nghiệm nào đó như thiền, yoga,...Có thể
nói, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm du lịch gói thiết kế sẵn đang được du khách
chào đón bởi sự tiện dụng trong quá trình đặt mua, sự đa dạng và mới lạ của dịch
vụ, cũng như chi phí vô cùng hấp dẫn. Một số ví dụ có thể kể đến như hàng loạt
khách sạn 5 sao tại Phú Quốc đưa ra các combo 3 ngày 2 đêm hấp dẫn cho gia
đình, cặp đôi bao gồm giá phòng ở, bữa sáng miễn phí, xe đưa đón sân bay,
vouchers spa và ăn uống,... với mức giá chỉ 4-5 triệu 1 combo cho 2 người. Một số
doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sức khỏe và spa cũng kết hợp với các khách sạn
257
lớn để tạo ra những combo độc đáo bao gồm phòng ở, vouchers ăn uống tại nhà
hàng, các lớp thiền, yoga trong ngày, các hoạt động thể thao biển như kayaking,...
để thu hút những khách hàng muốn trốn khỏi cuộc sống bận rộn để dành thời gian
chăm sóc bản thân.
Du lịch trái mùa vụ cũng sẽ là một trong những lựa chọn du khách thế giới
cũng như Việt Nam hướng tới bởi xu thế muốn đi du lịch vào những khoảng thời
gian vắng vẻ để giảm khả năng lây nhiễm bệnh tật cũng như tránh sự quá tải của
thời điểm chính vụ. Từ góc độ cung ứng, các doanh nghiệp du lịch cũng mời chào
các sản phẩm và dịch vụ du lịch với giá cả và chi phí dịch vụ cũng vô cùng hấp dẫn
trong khoảng thời gian này.
5.1.9. Xu hướng đặt dịch vụ muộn
Thông thường, theo nguyên tắc của thị trường du lịch thì việc đặt dịch vụ
càng sớm thì du khách sẽ lựa chọn được dịch vụ với chất lượng và giá cả theo ý
muốn chủ quan của mình. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện đại dịch COVID=19 dẫn đến
việc những biện pháp của chính quyền hạn chế đi lại cũng như hạn chế hay cấm
các dịch vụ có nguy cơ phát tán, lây nhiễm cao, nhiều hợp đồng với nhà cung ứng
du lịch đã bị hủy, hoãn vô thời hạn. Sự không chắc chắn của chuyến đi trước
những tình thế bất khả kháng như vậy làm cho khách du lịch có xu hướng đặt dịch
vụ muộn.
Xu hướng đặt dịch vụ muộn chắc chắn sẽ đặt các đại lý du lịch cũng như các
doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch vào tình trạng bị động, khó đảm bảo giá cả
linh hoạt, cạnh tranh cũng như chất lượng dịch vụ gặp nhiều rủi rỏ. Điều này đòi
hỏi các đại lý du lịch và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch phải có sự kết
nối các dịch vụ tốt và có chính sách cung ứng dịch vụ thật linh hoạt để một mặt
vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách, mặt khác vẫn đảm bảo được hoạt động
kinh doanh.
5.1.10. Ý thức về du lịch có trách nhiệm đang trở thành hành động
Một số tác giả cho rằng, du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững là hai
khái niệm độc lập với nhau. Tuy nhiên, nên hiểu du lịch có trách nhiệm là những
hoạt động, hành vi cụ thể hóa quan điểm phát triển du lịch bền vững.
Ngay từ kỳ họp thứ 13 của Đại hội đồng UNWTO vào cuối năm 1999, để
góp phần nâng cao tính trách nhiệm của các bên tham gia du lịch, đã ra nghị quyết
về việc xây dựng Bộ luật về Đạo đức du lịch. Bộ luật này được thông qua cuối năm
2001 với tên đầy đủ là Bộ luật Toàn cầu về Đạo đức Du lịch.
Khái niệm “du lịch có trách nhiệm” (Responsible tourism) được đưa ra vào
năm 2002 trong Tuyên bố Cape Town về du lịch có trách nhiệm 237. Du lịch có
trách nhiệm đòi hỏi các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối

237
Responsible tourism in Captown

258
với hành động của họ. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến tính trách nhiệm trong du
lịch của tất cả mọi đối tượng liên quan, bao gồm: các tổ chức (chính quyền, tổ chức
phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp), các nhà cung ứng dịch vụ du lịch (nhà
điều hành hướng dẫn du lịch, nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển, nhà cung ứng dịch
vụ lưu trú, ăn uống và nhà cung ứng các dịch vụ khác cho khách du lịch), cộng
đồng địa phương và ngay cả khách du lịch. Hành vi tại các điểm du lịch của khách
du lịch ngày càng thể hiện sự tôn trọng văn hóa bản địa, tôn trọng môi trường thiên
nhiên. Những hành vi không đẹp thường bị hầu hết cư dân, đặc biệt là cư dân mạng
phê phán gay gắt.
Trình độ dân trí của khách du lịch ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Rất nhiều
khách du lịch đã hình thành được những thói quen tốt liên quan đến chuyến đi.
Không chỉ thụ động lệ thuộc vào nhà cung ứng du lịch, khách du lịch đã chủ động
tình hiểu về điểm đến trước khi đi như đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị đặc biệt
là phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân tại nơi đến tham quan, du
lịch. Qua mạng internet hay qua sách vở, một số khách du lịch tìm học những câu
hội thoại, chào hỏi thường dùng bằng tiếng bản ngữ.
Trong quá trình tham quan du lịch, khách du lịch ngày càng thể hiện sự tôn
trọng đa dạng văn hóa như tuân thủ các nội quy, quy định của điểm tham quan, đặc
biệt khi đó là các điểm tôn giáo, tin ngưỡng, lịch sử. Khi vào các không gian thiên
nhiên, khu bảo tồn, vườn quốc gia, khách du lịch thấy mình có phần trách nhiệm
lớn trong bảo vệ môi trường nên việc thực hiện 4 không (Không lấy bất cứ thứ gì
trừ những bức ảnh đẹp, không giết bất cứ thứ gì trừ thời gian của bạn, không để lại
bất cứ thứ gì trừ dấu chân của bạn, không giữ lại bất cứ thứ gì trừ những kỷ niệm
đẹp) sẽ trở thành thói quen tốt238của khách du lịch trong tương lai gần.

238
Take nothing but pictures, Kill nothing but time, Leave nothing but footprints, Keep nothing but memories.

259
5.2. Tương lai triển vọng ngành kinh tế du lịch
Trong các tài liệu giới thiệu những con số nổi bật của UNWTO những năm
gần đây (UNWTO 2015, UNWTO 2016, UNWTO 2017, UNWTO 2018, UNWTO
2019, UNWTO 2020, tổng thu

1600 1440 1481


1400 1340
1197 1220
1200
1000 919
800
600 495
400 264
200 104
2.1 6.9 17.9
0
1950 1960 1970 1980 1990 2000 2010 2015 2016 2017 2018 2019

Hình 5.4. Thu nhập từ khách du lịch toàn cầu giai đoạn 1950-2019
(Đ/v: tỷ đô la Mỹ)
Xây dựng trên số liệu từ Trần Đức Thanh (1999) UNWTO từ 2017-2020
du lịch (trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa) đã vươn lên chiếm 10% GDP toàn cầu trong
nhiều năm. Du lịch là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới sau nhiên liệu
và hóa chất, đứng trước các ngành ô tô và thực phẩm. thành một trong những
ngành kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tăng trưởng du lịch
được thúc đẩy bởi nền kinh tế toàn cầu tương đối mạnh, tầng lớp trung lưu ngày
càng tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi, giá dịch vụ
du lịch hợp lý, thị thực dễ dàng, cũng như những tiến bộ công nghệ và mô hình
kinh doanh mới. Du lịch chiếm vị trí quan trọng trong nhiều nền kinh tế trên thế
giới. Tỷ trọng này lớn nhất ở Macao (Trung Quốc), nơi du lịch chiếm 48% GDP. Ở
Jordan, Tây Ban Nha, Croatia và Mauritius, du lịch chiếm từ 10% trở lên trong
GDP. Tại Pháp, điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, du lịch chiếm 7% GDP. Du
lịch cũng tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, với tỷ lệ cao là phụ nữ và
thanh niên. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch (khoảng 80%) là doanh nghiệp siêu
nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sử dụng nhiều phụ nữ và thanh niên. Phụ nữ chiếm 54%
động du lịch (so với 39% trong toàn bộ nền kinh tế).
Du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn đến đời sống
kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của
thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển.
Theo dự báo của UNWTO, thời gian tới, du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng
mạnh. Mỹ và các nước châu Âu vẫn dẫn đầu trong thu nhập từ du lịch, tuy nhiên
Mỹ luôn bỏ xa những nước đứng sau đó khỏang 3 lần. Năm 2019, thu nhập từ du

260
lịch của nước này là 214 tỷ đô la Mỹ, vẫn lớn hơn tổng thu từ du lịch của ba nước
xếp ngay sau đó là Tây Ban Nha, Pháp, Thái Lan (hình 5.6).
Macao 40
Đức 42
Australia 46
Nhật Bản 46
Italia 50
Anh 53
Thái Lan 61
Pháp 64
Tây Ban Nha 80
Hoa Kỳ 214
0 50 100 150 200 250

Hình 5.5. Mười quốc gia có thu nhập từ du lịch cao nhất thế giới năm 2019
(Đv: tỷ đô la Mỹ)

Mặc dù ra đời từ năm 1960 nhưng phải đến năm 1990, ngành du lịch Việt
Nam mới thật sự có những bước chuyển mình với chương trình “năm Du lịch Việt
Nam 1990”. Thu nhập từ khách du lịch lần đầu tiên đã đạt 1.340 tỷ đồng. Đến năm
2019, tức là sau 29 năm, thu từ khách du lịch đã đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương
đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ
đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ
USD). Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm
2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019:
9,2%239. Hiện nay, du lịch Việt Nam đã được chính thức xác định là ngành kinh tế
mũi nhọn của đất nước nên xu hướng đầu tư phát triển du lịch sẽ ngày càng gia
tăng.
800.00 755.00
700.00 637.00
600.00 541.00
500.00
417.27
400.00 355.55
322.86
289.84
300.00
200.00 160.00
130.00
96.00
100.00 60.00 68.00
-
2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019

Hình 5.6. Tổng thu của ngành Du lịch Việt Nam giai đoạn 2008-2019
(Đv: nghìn tỷ đồng)

239
https://vietcharmtour.vn/du-lich-viet-nam-thoi-ky-doi-moi-chuyen-minh-dot-pha-vuon-tam-cao-moi

261
Xây dựng trên dữ liệu từ https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/receipts
5.2.1 Xu hướng thị trường
Nếu như ở các giai đoạn trước, du lịch hầu như là đặc quyền của tầng lớp trên
của xã hội thì nay xu thế quần chúng hóa thành phần khách du lịch xuất hiện ở hầu
khắp mọi nơi trên thế giới. Vào những năm giữa thế kỷ 20, du lịch ồ ạt (mass
tourism) đã hình thành và phát triển trở thành một trào lưu của xã hội. Các tầng lớp
xã hội có thu nhập thấp cũng đã cũng đã bắt đầu có thu nhập khả dụng cho du lịch.
Nhận thức về bình quyền240 giữa các cá nhân trong xã hội đã được nâng cao cho dù
việc thực thi sự bình quyền vẫn còn chưa triệt để trong thực tế. Du lịch không còn là
đặc quyền của một giai tầng xã hội nào nữa. Ở một số quốc gia, nhiều cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình du lịch xã hội (Social tourism ) như
một biện pháp tưởng thưởng cho nhân viên, những người được coi là có ít điều kiện
tài chính để đi du lịch Xu hướng thị trường du lịch còn phụ thuộc rất nhiều vào đặc
điểm tâm lý lứa tuổi. Hiện nay, có 5 thế hệ cũng tham gia vào hoạt động du lịch là
thế hệ quả bom dân số (Baby boomers), thế hệ X, thế hệ Thiên niên kỷ, thế hệ Z, thế
hệ Alpha. Thế hệ thứ năm là thế hệ Alpha cũng tham gia vào du lịch nhưng chưa có
ảnh hưởng rõ nét trong việc hình thành xu thế thị trường riêng biệt.
Theo Tổ chức Triển vọng Dân số Liên Hợp quốc 241, tuổi thọ của người dân
đang ngày càng cải thiện (xem bảng 5.7). Nếu như năm 2021, tuổi thọ trung bình
của con người trên toàn thế giới đã đạt 72,81 tuổi thì mười năm sau, hai mươi năm
sau con số đó sẽ tăng lên lần lượt là 74,47 tuổi và 75,89 tuổi. Nhiều người trong độ
tuổi này có đầy đủ các điều kiện để đi du lịch như sức khỏe, nguồn lực tài chính,
thời gian rỗi và nhu cầu du lịch, tức là biến nhu cầu thành cầu du lịch. Tuổi thọ
tăng cũng đồng nghĩa với sức khỏe của cư dân tốt hơn. Do nền kinh tế thế giới
ngày càng phát triển, đại đa số những người ở tuổi nghỉ hưu đã tích lũy được một
khoản tiền nhất định sau cả cuộc đời lao động của mình, một số còn có lương hưu.
Họ có tiền khả dụng cho du lịch. Khi đến tuổi nghỉ hưu, họ không bị gò bó về mặt
thời gian. Nếu như trước đây trong dân gian có tư duy “trẻ cậy cha, già cậy con”
thì ngày nay chính “người già”, không phải là ích kỷ, đã có lối tư duy chăm lo cho
bản thân mình nhiều hơn. Nhiều người trong số này đã nghĩ “đời cua cua máy, đời
cáy cáy đào”. Họ không còn ở nhà để trông cháu, coi nhà cho con cháu đi làm,
không còn làm “ô sin cao cấp” cho con cháu nữa. Họ quyết định đi du lịch đến
những nơi mình đã từng mơ ước. Với tư duy như vậy, cộng với sức khỏe, khả năng
tài chính, thời gian rỗi, những người này sẽ hình thành một tập khách tiềm năng

240
Một số người dùng chữ bình đẳng để chỉ sự bình quyền
241
https://www.macrotrends.net/countries/WLD/world/life-expectancy

262
cho ngành du lịch. Đại đa số những người trong tuổi nghỉ hưu hay sắp nghỉ hưu
thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ em”.
Vào năm 2030 hầu hết những người thuộc “thế hệ bùng nổ trẻ em” đã trở
thành những cụ già, có tuổi từ 65 tuổi trở lên. Đây vẫn là thị trường quan trọng của
ngành du lịch. Những người thuộc thế hệ này đã được sống hơn 30 năm trong thời
kỳ cách mạng 3.0. Họ chứng kiến những thay đổi sâu rộng của kinh tế xã hội do
công nghệ điện toán và truyền thông kỹ thuật số mang lại trong và sau nửa sau của
thế kỷ 20. Do cả cuộc đời lao động cống hiến, đây là lúc họ cho phép mình được
thưởng thức các chuyến du lịch. Tuy nhiên, do hầu hết người của thế hệ này không
quá giầu có nên họ thường lựa chọn các chuyến du lịch không đắt tiền. Một số
trong những người thuộc thế hệ này trải qua chiến tranh, điều kiện sống khó khăn
nên họ không có nhiều sức khỏe để tham gia các chuyến du lịch dài ngày. Bên
cạnh các tour du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh, các đô thị phồn hoa, các
di sản văn hóa và tự nhiên nổi tiếng, nhóm khách này cũng chọn các gói du lịch
nghỉ dưỡng nhẹ nhàng. Đến năm 2040, số lượng người thuộc nhóm này còn lại ít
và vai trò tạo thành xu hướng du lịch của nhóm khách này giảm đi rõ rệt.
Vào những năm 2030, “thế hệ Thiên niên kỷ” sẽ tạo thành một thị trường
chủ yếu của ngành du lịch thế giới. Sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, lớn lên trong
môi trường cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm người thuộc “thế hệ Thiên niên kỷ”
có kỹ năng tin học tốt, có kiến thức rộng, nhiều người trong số họ thành đạt trong
cuộc sống. Với chiếc điện thoại thông minh, thời gian đầu họ chọn các chuyến đi
tự tổ chức hay các gói free and easy. Chủ yếu là các chuyến đi cùng bạn bè, sau đó
là các chuyến nhóm nhỏ hơn cùng những người thân. Số người tự đi một mình đã
bắt đầu gia tăng. Vào thời kỳ này, nhiều người người thuộc “thế hệ Thiên niên kỷ”
có những chuyến du lịch công vụ khá thường xuyên. Bên cạnh yêu cầu những địa
bàn có tài nguyên du lịch còn tính “nguyên bản” về văn hóa cũng như về thiên
nhiên, họ yêu cầu điều kiện tiện nghi cao cấp, dịch vụ hoàn hảo. Đây sẽ là nhóm
khách du lịch đi đầu trong việc ý thức và thực hành “du lịch có trách nhiệm”. Các
tour du lịch thiện nguyện được nhóm khách này tích cực tham gia. Đây cũng là
thời kỳ có nhiều người “thế hệ Thiên niên kỷ” bước vào tầng lớp giới trung lưu,
nhất là ở các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ…, do vậy xu
hướng tiêu dùng dịch vụ du lịch cao cấp nhưng có trách nhiệm ngày càng lan tỏa.

263
Chart Title Thế hệ bùng
nổ dân số:
Thế hệ Alpha: 14.33%
17.10% Thế hệ đại chiến thế giới: 2.27%

Thế hệ X:
19.30%

Thế hệ Z: Thế hệ Y: 23.30%


23.70%

Hình 5.7. Cơ cấu các thế hệ dân số năm 2020


Xây dựng trên dữ liệu của Tổ chức Triển vọng Dân số Liên Hợp quốc tại
https://www.macrotrends.net/countries/WLD/world/life-expectancy
Mười năm sau, “thế hệ Thiên niên kỷ” vẫn là thị trường chiếm ưu thế cả về
số lượng và khả năng chi tiêu.
Vào những năm 30 của thế kỳ 21, thế hệ Z đang ở giai đoạn tự khẳng định
mình, công việc đã bắt đầu đi vào ổn định. Nhu cầu giao lưu, kết bạn, gặp mặt off-
line là xu hướng chung. Các tour du lịch tự tổ chức, các tour du lịch sự kiện, các
tour thiện nguyện, vì Trái đất xanh là hình thức phổ biến nhất đối với thế hệ Z vào
thời gian này. Vào những năm 2040, khách du lịch thế hệ Z đã chiếm tỷ trọng lớn
thứ hai sau “thế hệ Thiên niên kỷ”. Cũng như “thế hệ thiên niên kỷ”, nhóm khách
này rất quan tâm đến tính nguyên bản ở các vùng miền khác nhau. Họ còn đặc biệt
quan tâm đến loại hình du lịch sáng tạo, loại hình du lịch giúp khách du lịch thể
hiện khả năng sáng tạo của mình.
Sau những năm 30, đã bất đầu xuất hiện thị trường khách thế hệ Alpha.
Nhiều người thuộc thế hệ này sẽ dứt bỏ hay tạm ngừng công việc học hành để đi
du lịch dài ngày, đến những miền đất xa xôi. Đến những năm 40 của thế kỷ 21, tỷ
lệ khách du lịch đã bắt đầu gia tăng, song chủ yếu là khách du lịch MICE, bleisure.
5.2.2. Sản phẩm du lịch trải nghiệm sẽ ngày càng đa dạng và chiếm ưu thế
Người đầu tiên đưa ra khái niệm nền kinh tế trải nghiệm là Joseph Pine II
and James H. Gilmore vào năm 1998 trong công trình Chào mừng đến với nền
kinh tế trải nghiệm đăng trong tạp chí Kinh doanh Harvard. Trong công trình này
các tác giả đã đưa ra mô hình tiến trình giá trị kinh tế.
Theo mô hình này, hoạt động kinh tế và sự tiến triển của giá trị kinh tế bắt
đầu từ hàng hóa thô được chuyển hóa thành hàng tiêu dùng, sau đó được bao bọc
trong dịch vụ và cuối cùng chuyển thành trải nghiệm. Mỗi cấp độ làm tăng tổng giá

264
trị cho khách hàng và theo đó, tổng giá trị mà khách hàng sẽ trả. Nói chung, độ
nhạy cảm về giá giảm, tỷ suất lợi nhuận tăng và cạnh tranh giảm ngay cả khi tăng
giá hàng hóa.
Trước nhu cầu về du lịch trải nghiệm của khách du lịch, các nhà cung ứng
du lịch sẽ đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm.

KHÁC BIỆT
CHUYỂN ĐỔI

Hướng dẫn

TRẢI NGHIỆM

Tổ chức
VỊ TRÍ CẠNH TRANH
DỊCH VỤ

Cung cấp

HÀNG TIÊU DÙNG QUA CHẾ BIẾN

Chuyển giao
KHÔNG KHÁC BIỆT

HÀNG HÓA THÔ

Chiết xuất

Hình 5.8. Sơ đồ tiến trình giá trị kinh tế của Pine và Gilmorre 1998
Nguồn: B. Joseph Pine II and James H. Gilmore (1998)
Trước hết là các sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp (“một ngày làm
nông dân”, “một ngày làm ruộng”, “ngày thu hoạch”,…). Du lịch trang trại cũng
có những trải nghiệm giống như du lịch nông nghiệp, song được tổ chức một cách
quy củ hơn, tuy nhiên, sự “quy củ” đó cũng là một điểm yếu của loại sản phẩm
này. Các sản phẩm này tập trung thu hút giới trẻ như học sinh, sinh viên và khách
du lịch từ các nước có nền kinh tế phát triển. Sản phẩm du lịch thôn quê (cũng còn
gọi là du lịch nông thôn) cũng có thị trường tương tự, song bên cạnh trải nghiệm
làm nông, khách du lịch còn có thời gian trải nghiệm không khí làng quê.
Các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, đặc biệt là văn hóa của cộng
đồng sinh sống ở các vùng xa xôi, hẻo lánh sẽ được các doanh nghiệp nâng cấp lên
thành sản phẩm du lịch trải nghiệm. Loại sản phẩm này sẽ có vị trí tốt trên thị
trường du lịch trong những năm tới.
Trải nghiệm nghề sẽ tạo cho ngành du lịch một không gian rộng mở trong
việc tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Qua một chuyến du lịch trải nghiệm
đời người lính bộ đội, chiến sỹ công an, hay một chiến sỹ biên phòng, những khách
du lịch, chủ yếu là thanh niên, thiếu niên có dịp thấu hiểu những gian nan, vất vả
nhưng cũng đầy vinh dự trong việc gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc.

265
Các sản phẩm du lịch đưa khách về những địa điểm đánh dấu những kỷ
niệm trong đời cũng là những sản phẩm du lịch trải nghiệm trong tương lai. Những
chiến trường xưa không chỉ thu hút các cựu chiến binh mà cả những khách du lịch
trẻ tuổi. Bên cạnh các sản phẩm du lịch hoài niệm, những trải nghiệm trở về tuổi
thơ, tuổi học trò, tuổi sinh viên cũng sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch trải
nghiệm có sức tăng trưởng nhanh.
5.2.3. Chuyển đổi số và hướng đến du lịch thông minh
Tổ chức Du lịch Thế giới lần đầu tiên định nghĩa du lịch thông minh là loại
hình dịch vụ sạch, xanh, có đạo đức và chất lượng cao ở mọi cấp độ dịch vụ. Trong
cách tiếp cận thứ hai vào năm 2015, khái niệm này dường như được giải thích bằng
cách bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông và khái niệm điểm đến thông
minh ( Pınar Yalçınkaya và cộng sự,2018). Năm 2017, có ý kiến cho rằng khái
niệm được coi là điểm đến du lịch thông minh tạo nên tương lai của phát triển du
lịch. Điểm đến du lịch thông minh đã được định nghĩa là các điểm đến du lịch bền
vững và cạnh tranh bằng cách sử dụng các tài nguyên liên kết dữ liệu, chẳng hạn
như dữ liệu tham chiếu địa lý, dữ liệu lớn và kết nối vạn vật, nơi tất cả các bên liên
quan đều tham gia.
Việc chuyển đổi số trong du lịch đang ngày càng phát huy được vai trò của
nó trong hoạt động du lịch. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh đến
phương thức quản lý và kinh doanh du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới
như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Khác với tour truyền thống, du lịch thông
minh chú trọng đến lợi ích của khách du lịch nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp,
an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị
hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu. Thuyết minh tự động (Audio guide) bằng
nhiều thứ tiếng đã góp phần cá thể hóa việc tham quan. Việc ứng dụng chatbot, sử
dụng trợ lý ảo trong tư vấn, trao đổi với khách du lịch sẽ trở nên thường xuyên
hơn. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp nâng cao năng lực phục vụ khách của trợ lý ảo.
Xu hướng tiêu dùng du lịch cũng có thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang
thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Khách
đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương cũng đang là xu hướng
được ưa chuộng. Các dịch vụ đặt chỗ vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại
thông minh tăng mạnh. Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở
khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được booking
online và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho
du lịch. Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin và mạng
xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch.
.
Du lịch thông minh bao gồm các trải nghiệm du lịch thông minh cho phép
khách du lịch giao tiếp và tương tác chặt chẽ hơn với người dân địa phương, doanh
nghiệp địa phương, chính quyền địa phương và các điểm du lịch trong thành phố.
Tuy nhiên, du lịch thông minh đề cập đến một nền kinh tế du lịch thông minh mới
266
với các nguồn mới, người chơi mới và mô hình trao đổi mới (Gretzel, Zhong, &
Koo, 2016;. Wang (2014) đã đề cập đến khái niệm du lịch thông minh cùng với tất
cả các thành phần của ngành du lịch. Trong bối cảnh này, các chức năng du lịch
thông minh được mô tả trong chu trình của dịch vụ thông minh, hướng dẫn thông
minh, hướng dẫn mua sắm thông minh, cài đặt thanh toán, dòng dịch vụ và quản lý
điểm đến thông minh.
Yang Guo và cộng sự (2014), Wang, Li, Zhen, & Zhang (2016) đều thống
nhất rằng du lịch thông minh được định hình bởi kết nối vạn vật, truyền thông di
động, điện toán đám mây và các công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, chỉ riêng
công nghệ thông tin và truyền thông không đủ để mô tả khái niệm thông minh.
Trong bối cảnh này, du lịch thông minh được giải thích bởi tầm quan trọng của lợi
thế cạnh tranh bền vững tại các điểm đến du lịch, cũng như sự hài hòa giữa những
người hiểu biết và hệ thống công nghệ được kết nối và hợp tác (Kim Boes và cộng
sự, 2016).
Cùng với các cách tiếp cận đã đề cập, cũng có một số nghiên cứu giải thích
du lịch thông minh bằng cách giới hạn nó trong các ứng dụng internet, mạng xã hội
và điện thoại thông minh (Xia Wang và cộng sự 2016; Brandt T và cộng sự 2017;
Ji Hoon Park và cộng sự, 2016). Yunpeng Li và cộng sự (2017) giải thích du lịch
thông minh như một hệ thống hỗ trợ dịch vụ thông tin du lịch và một công nghệ
toàn diện. Sự phổ biến của kết nối vạn vật, ứng dụng di động, dịch vụ định vị, công
nghệ thực tế ảo, công nghệ thực tế tăng cường đã mang lại cơ hội to lớn cho các
bên liên quan (khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền, cộng đồng) để tạo dựng,
lưu trữ và truy xuất dữ liệu lớn phục vụ các mục đích du lịch khác nhau như khách
du lịch tự lập được tour du lịch với các điều kiện đặt ra, nhà cung ứng du lịch có
được các gợi ý kịp thời để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sau khi hệ thống
đã tích hợp những đánh giá, nhận xét về các dịch vụ mà họ đã trải nghiệm.
Du lịch thông minh trước hết phải có hệ sinh thái thông minh, đó là cơ sở hạ
tầng để đảm bảo việc lưu trữ, vận hành, truy xuất, phân tích dữ liệu nhanh chóng,
chính xác. Cơ sở hạ tầng chung của xã hội do các nhà mạng đảm bảo, cơ sở hạ tầng
của doanh nghiệp và các tổ chức gồm hệ thống máy tính nối mạng. Điện thoại
thông minh được coi là “cơ sở hạ tầng kỹ thuật” của khách du lịch. Tiếp theo cơ sở
hạ tầng là thông tin. Việc cập nhật thông tin được thực hiện từ nhiều phía, trước hết
là từ các doanh nghiệp du lịch, từ các cơ quan tổ chức khác nhau và từ khách du
lịch. Thành phần thứ ba của du lịch thông minh là trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo
sẽ có vai trò phân tích, đưa ra kết quả nhanh nhất, phù hợp nhất và chính xác theo
các đề bài mà các bên liên quan đặt ra.
Như vậy các nhà cung ứng du lịch đang hướng đến du lịch thông minh tức là
hướng đến khai thác và hỗ trợ khai thác xử lý dữ liệu lớn bằng tuệ nhân tạo trong
hệ sinh thái vạn vật kết nối, điện toán đám mây để mang mang lại kết quả nhanh
chóng, lợi ích tối ưu cho doanh nghiệp, điểm đến và khách du lịch. Với lợi ích to

267
lớn mà du lịch thông minh sẽ mang lại, tất cả các bên liên quan sẽ đẩy mạnh
chuyển đổi số trong thời gian tới.
Du lịch thông minh phù hợp với giới trẻ do khả năng tiếp cận công nghệ
nhanh và đặc tính thích khám phá, trải nghiệm dịch vụ đơn lẻ. Du lịch thông minh
cho phép du khách tiếp cận đặt dịch vụ du lịch với phương thức hiện đại, nhưng
không thể thay thế hoàn toàn các loại hình du lịch truyền thống giúp du khách có
được trải nghiệm với đầy đủ các giác quan của con người.
5.2.4. Hộ chiếu vắc-xin
Trước đây, khi qua lại biên giới, đã từng có quy định, bên cạnh hộ chiếu, công
dân còn phải có một sổ tiêm chủng quốc tế do cơ quan y tế sở tại cấp, xác nhận đã
tiêm vắc xin ngừa một số bệnh dịch. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, để ngăn
ngữa nguy cơ lây lan, nhiều quốc gia đã chọn cách đóng cửa biên giới, hạn chế,
thậm chí cấm các hoạt động đông người. Từ quan điểm zero COVID sang quan
điểm sống chung với COVID, những biện pháp này dần đần được nới lỏng nhất là
khi tỷ lệ người đã tiêm vắc xin gia tăng. Để vừa phòng ngừa chống dịch, vừa phục
hồi giao thương, bên cạnh cuốn hộ chiếu, nhiều quốc gia yêu cầu công dân qua lại
cửa khẩu còn phải xuất trình một minh chứng đã tiêm chủng vắc xin, gọi là hộ
chiếu vắc xin.
Hộ chiếu vắc-xin hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu tiêm
chủng hoặc thẻ sức khoẻ kỹ thuật số là một trong những tài liệu cung cấp bằng
chứng về tiêm chủng và xác nhận rằng chủ sở hữu đã được tiêm chủng đầy đủ
(Khan Sharun et al, 2021). Mục đích của hộ chiếu vắc-xin là sử dụng trong bối
cảnh đại dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho việc đi lại và buôn bán, thương mại
quốc tế, và du lịch. Do vậy mà các tổ chức quốc tế cho rằng hộ chiếu vắc-xin với
các tiêu chuẩn và giải pháp trọng tâm sẽ giúp khôi phục thị trường du lịch quốc tế
(Androula Pavil, Freacgp và Helena C. Maltezou, 2021).

268
Có thể nhìn nhận rằng, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin ở các quốc gia trên thế
giới đã mang lại những hiệu quả trong thúc đẩy kinh tế, phục hồi ngành du lịch.
Chính phủ các quốc gia đã sớm đưa ra chính sách về “hộ chiếu vắc xin” để tạo điều
kiện thuận lợi cho việc đi lại quốc tế. Tuy nhiên, việc yêu cầu bằng chứng về việc
tiêm chủng như một điều kiện lại là gáng nặng và không công bằng cho hầu hết các
quốc gia có thu thấp và trung bình, những quốc gia có thể không đủ lượng vắc xin

Bảng 5.2. Những thuận lợi và thách thức của hộ chiếu vắc-xin

Thuận lợi Thách thức

Đi lại toàn cầu Y tế (thời gian sản xuất vaccine, các


biến thể mới SARs-CoV-2, tiêm chủng,
…)

Sản xuất kinh doanh Đạo đức (vấn đề công bằng, hạn chế
tiếp cận vaccine, phần biệt đối xử,…)

Giáo dục Công nghệ (sử dụng các thiết bị số, các
thiết bị thông minh, cơ sở dữ liệu,…)

Các sự kiện thể thao và các hoạt Luật pháp (quyền tiêng tư, tích hợp dữ
động công cộng liệu, tình trạng giả mạo hộ chiếu
vaccine,…)
Nguồn: Androula Pavil, Freacgp và Helena C. Maltezou (2021)
cần thiết cho tiêm chủng. Khoảng 70 quốc gia thậm chí chưa bắt đầu chiến dịch
tiêm chủng, bao gồm hầu hết các quốc gia châu Phi (Lawrence O.G et al, 2021).
Ngoài ra, hộ chiếu vắc xin cũng đặt ra không ít thách thức trong quản lý, thực thi
chính sách này ở nhiều quốc gia (Bảng 5.2).

Việc triển khai và áp dụng hộ chiếu vắc-xin đã được thực hiện ở nhiều quốc
gia, khu vực trên thế giới. Ngày 1/7/2021, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành
quyết định về việc áp dựng hộ chiếu vắc-xin cho tất cả các công dân và cư dân EU,
cũng như cho tất cả các khách du lịch quốc tế đến Châu Âu. Để khôi phục và khởi
động lại ngành du lịch, một số quốc gia ở châu Âu đã áp dụng chính sách hộ chiếu
vắc-xin sớm hơn kế hoạch như Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và
Ba Lan. Hộ chiếu vắc-xin ở châu Âu là chứng nhận kỹ thuật số tích hợp về tiêm
phòng vắc-xin ngừa COVID-19, được áp dụng trong mở cửa biên giới trong khối
EU và các nước thành viên. Hộ chiếu có thể sử dụng khắp các quốc gia EU và
được quản lý qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để xác định thời gian du
khách được tiêm vắc-xin (EU, 2021).

269
Tại khu vực Châu Á nhiều nước đã triển khai áp dụng hộ chiếu vắc-xin nhằm
khôi phục lại ngành du lịch. Ngày 10/8/2021, Singapore đã bắt đầu cấp phép nhập
cảnh cho người lao động, khách du lịch được tiêm phòng đầy đủ. Những du khách
cần phải xuất trình bằng chứng về tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm âm
tính với COVID-19, và đồng thời buộc phải cách ly y tế trong vòng 14 ngày. Tại
Hàn Quốc, chính phủ nước này đã cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu
vắc-xin cho các công nhân, lao động, khách du lịch quốc tế từ ngày 1/7/2021.
Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu cấp giấy chứng nhận vắc-xin cho người
dân và du khách quốc tế đến Nhật Bản vào cuối tháng 7. Khách du lịch quốc tế đến
Nhật Bản cần có giấy chứng nhận vắc-xin và kết quả xét nghiệm PCR âm tính và
được yêu cầu cách ly trong 14 ngày khi đến Nhật Bản (Eri Sugiura, 2021).
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng
hộ chiếu vắc-xin, đã bắt đầu đón khách quốc tế từ ngày 1/7/2021 đến đảo Phuket
qua chương trình “Hộp cát Phuket”. Phuket trở thành điểm đến đầu tiên ở Đông
Nam Á mở cửa đón khách du lịch quốc tế với giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin
ngừa COVID-19 và được theo dõi y tế trong vòng 7 ngày khi đến Thái Lan. Chính
phủ nước này đã có kế hoạch mở rộng chương trình “Hộp cát Phuket” ra nhiều
điểm đến du lịch khác trên khắp cả nước bao gồm thủ đô Bangkok, Pattaya,
Chiang Mai, Hua Hin và Cha-am (Ngọc Quang, 2021).
Việt Nam cũng đã đưa ra kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vắc xin và
tiến hành việc áp dụng thí điểm ở một vài địa phương. Cùng với đó là xây
dựng và quản lý phần mềm trong việc khai báo y tế trên các thiết bị thông
minh. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát
triển kinh tế”, Chính phủ và ngành Du lịch Việt Nam đang xúc tiến để có thể
triển khai sớm hộ chiếu vắc xin để cho phép khách du lịch quốc tế vào Việt
Nam. Ngày 22/6/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ký văn bản số 4159/VPCP-
TKBT, về thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế và thí điểm
đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Văn Thanh, 2021).
Gần đây nhất vào ngày 6/10/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị
về “Mở cửa lại du lịch quốc tế”. Theo đó, từ tháng 11/2021, triển khai đón
khách quốc tế, giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc từ tháng 11/2021 – 3/2022 với
các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông,
Australia,…Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng
12/2021 – 6/2022 sẽ nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế bằng hộ
chiếu vắc xin tại một số điểm khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An
(Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng) (Anh Sơn, 2021).
Như vậy, có thể thấy rõ những lợi thế mà hộ chiếu vắc xin mang lại trong
bối cảnh đại dịch COVID-19 còn có tác dụng lâu dài. Hộ chiều vắc xin mang
tính chất toàn cầu giúp thúc đẩy kinh tế, nối lại hoạt động thương mại, sản
xuất, phục hồi và mở cửa thị trường, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên
trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để sáng kiến “Hộ chiếu vắc xin”

270
thực sự có tác dụng, cần xem xét, nghiên cứu tính hiệu quả và thực thi các giải
pháp kèm theo, đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo
phòng chống dịch bệnh
5.2.5. Trách nhiệm xã hội là danh tiếng
Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phải có
trách nhiệm đối với hành động của họ. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến tính trách
nhiệm trong du lịch của tất cả mọi đối tượng liên quan, bao gồm: các tổ chức
(chính quyền, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp), các nhà cung ứng
dịch vụ du lịch (nhà điều hành hướng dẫn du lịch, nhà cung ứng dịch vụ vận
chuyển, nhà cung ứng dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhà cung ứng các dịch vụ khác
cho khách du lịch), cộng đồng địa phương và ngay cả khách du lịch. Ngay nay, đại
bộ phận các bên tham gia du lịch đã ý thức được một cách rõ ràng hơn về trách
nhiệm của mình trong hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp coi trách nhiệm xã hội
là một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu của mình.
Nhận thức chung về trách nhiệm xã hội ngày càng cao sẽ tạo môi trường và
sức ép cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch nói chung phải nhìn
nhận lại vấn đề này. Trách nhiệm xã hội ngày càng trở thành xu thế chung cho mọi
doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, loại doanh nghiệp dịch vụ. Các
doanh nghiệp du lịch sẽ triển khai trách nhiệm xã hội một cách thực chất hơn, sáng
tạo hơn. Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch, của doanh
nghiệp du lịch sẽ được bổ sung nội dung trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp du
lịch sẽ coi việc thực thi trách nhiệm xã hội là bản sắc văn hóa của doanh nghiệp.
5.3. Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong tương lai
5.3.1. Đào tạo du lịch
Với tư cách là một hiện tượng xã hội, du lịch đã xuất hiện từ xa xưa. Có thể
coi ngành kinh tế du lịch chính thức ra đời từ năm 1842, sau khi Thomas Cook lập
ra hãng lữ hành đầu tiên trên thế giới. Do đây là một ngành kinh tế dịch vụ nên nhu
cầu nhân lực “sống” rất lớn. Theo UNWTO, trung bình cứ 10 việc làm có một vị
trí trong ngành du lịch. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành du lịch và khách
sạn, nhiều cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra đời. Theo nghiên cứu của
Walanchalee Wattanacharoensil (2014), những môn học về du lịch được giảng dạy
trong các trường kỹ thuật hay trường nghề từ trước những năm 90 thế kỷ 20.
Lashley 2004 cho rằng giáo dục về du lịch bắt đầu được triển khai ở Vương quốc
Anh khoảng những năm 60, cùng thời với Bắc Mỹ và châu Âu. Thực tế này đã làm
cho du lịch học đã nhận được sự quan tâm từ phía các học giả từ những năm 1970
(dẫn theo Walanchalee Wattanacharoensil, 2014).
Ở Việt Nam, cơ sở đầu tiên đào tạo nghiệp vụ du lịch là trường Công nhân
Khách sạn Du lịch, được thành lập năm 1972, tiền thân của trường Cao đẳng Du
lịch Hà Nội. Bước sang nửa cuối thế kỷ 20, nhiều cơ sở đào tạo đại học các ngành
truyền thống như địa lý. kinh tế đã bổ sung vào chương trình đào tạo của mình

271
chuyên ngành du lịch. Đi đầu là chương trình đào tạo địa lý du lịch tại khoa Địa lý
Địa chất, trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1992 (nay là trường Đại học Khoa
học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1993, trường Đại học Tổng
hợp Hà Nội chính thức chiêu sinh cho ngành Du lịch học. Chuyên ngành du lịch
cũng được mở tại các cơ sở đào tạo khác như trường Đại học Kinh tế Quốc dân,
trường Đại học Thương mại, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Viện Đại học Mở
Hà Nội cũng trong các mã ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Văn hóa.
5.3.1.1. Du lịch vẫn là ngành học được nhiều thí sinh lựa chọn
Trong một nghiên cứu nhằm xác định lý do tại sao sinh viên Úc chọn các
khóa học về khách sạn, du lịch, O'Mahony et al. (2001) tập trung vào ba yếu tố
động lực chính, bao gồm 1) kiến thức và sự quan tâm của sinh viên đối với ngành
khách sạn, 2) ảnh hưởng của cha mẹ, cố vấn nghề nghiệp và đồng nghiệp của họ;
và 3) kinh nghiệm của họ với tư cách là khách hàng trong ngành khách sạn.
Các công trình về động lực học tập của sinh viên Trung Quốc của Huyton
(1997) và Zhao (1991) cho thấy sinh viên Trung Quốc có xu hướng tin rằng ngành
khách sạn và du lịch sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn và đó là động lực quan
trọng nhất để theo học quản trị du lịch và khách sạn.
Myong Jae Lee và cộng sự, (2010) đã chứng minh rằng, trong số sáu lý do
chính khiến sinh viên Mỹ chọn Chương trình Du lịch và Khách sạn (Hoàn thiện
bản ngã, Cơ hội việc làm, Trải nghiệm thực tế, Có trải nghiệm ở nước ngoài), Cơ
hội Việc làm và Trải nghiệm thực tế là hai động lực hàng đầu.
Một trong những lý do quan trọng khác để lựa chọn chương trình học ngành
du lịch và khách sạn của nhiều thí sinh là vì tính chất của chương trình này. Thí
sinh có thể hình dung một cách khá rõ ràng khả năng vị trí việc làm của mình sau
khi ra trường. Ngoài ra, thuật ngữ “du lịch” hấp dẫn các bạn trẻ, đặc biệt là với các
ứng viên hướng ngoại như cách nói của nhà tâm lý học nổi tiếng về du lịch Stanley
Plog. Tuổi trẻ hướng ngoại cho rằng việc học du lịch sẽ được đi rất nhiều, khám
phá nhiều lĩnh vực mới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, việc chọn trường (có chương trình du lịch, khách sạn) sẽ phụ
thuộc vào yếu tố tạo nên sự khác biệt của cơ sở đào tạo đó với những cơ sở đào tạo
khác. Vì vậy, Jung Lee và Hyun Kyung Chatfield xem xét các yếu tố ảnh hưởng
đến việc lựa chọn trường đại học là "Đặc điểm của trường", "Người ảnh hưởng",
"Hỗ trợ tài chính", "Mức độ lợi ích "" Môi trường "," Cơ sở vật chất "," Hỗ trợ gia
đình "," Khát vọng "," Chi phí "," Chuẩn bị nghề nghiệp" và "Truyền thông” đã và
sẽ luôn nằm trong số những ngành đào tạo thu hút được nhiều người học nhất do
nhiều lý khách quan và chủ quan (dẫn theo Trần Đức Thanh và Nguyễn Thị Hải
2019) Trước hết nhu cầu du lịch của con người ngày càng tăng, do vậy nhu cầu
nguồn nhân lực du lịch cũng ngày càng lớn. Mặt khác, du lịch là một ngành học có
tính nghề cao nên người học hình dung ngay được tương lai của mình sau khi sẽ tốt
nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều nội dung của chương trình đào tạo ngành du lịch đã,
đang và vẫn sẽ luôn thu hút sự quan tâm của người học đó là văn hóa, tâm lý, kinh
272
doanh. Học du lịch, cho dù chuyên ngành nào thì người học vẫn được học những
kiến thức về văn hóa như phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, trang phục, ẩm
thực, văn học v.v… cũng như những kiến thức tâm lý học như tâm lý khách hàng,
hành vi tiêu dùng của khách hàng, nghệ thuật ứng xử trong mọi tình huống.
5.3.1.2. Phân hóa trong định hướng đào tạo
Song song với sự gia tăng các cơ sở đào tạo du lịch và khách sạn là sự phân
hóa trong định hướng đào tạo. Có thể thấy có 3 định hướng đào tạo chủ yếu trong
các chương trình về du lịch và khách sạn bao gồm:
Định hướng học thuật: Định hướng này thường là đặc trưng của các trường
có các ngành truyền thống như địa lý, kinh tế.. Sinh viên và học viên theo học
chương trình này được chú trọng cung cấp nền tảng lý thuyết và học thuật, thường
có thời gian học tập 4 năm với chương trình đào tạo đại học, 2 năm đối với chương
trình đào thạc sĩ và 3 năm với chương trình đào tạo tiến sĩ. Những trường này
thường được xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng như Bảng xếp hạng QS,
bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ở Việt Nam Khoa Du lịch
học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là
một trong những cơ sở đào tạo có định hướng này. Theo đó khoa xác định sứ mệnh
của mình là đào tạo ra những người có khả năng thích nghi tốt với sự biến đổi của
thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch.
Định hướng kết hợp đào tạo lý thuyết và nghề: Do du lịch là một ngành có
tính nghề cao nên để đáp ứng được nhu cầu của ngành, rất nhiều trường cung cấp

Bảng 5.1. Mười trường đai học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng
QS các trường đại học theo ngành năm 2021
Xêp
Tên trường Quốc gia
hạng 
1 Trường Khách sạn Lausanne  Thụy sỹ
2 University of Nevada - Las Vegas  Hoa Kỳ
3 Glion Institute of Higher Education  Thụy sỹ
4 Les Roches Global Hospitality Education  Thụy sỹ
5 Swiss Hotel Management School Thụy sỹ
6 Hotelschool The Hague Hà Lan
7 Hotel Institute Montreux - HIM Thụy sỹ
8 Cesar Ritz Colleges Thụy sỹ
9 Culinary Arts Academy Switzerland Thụy sỹ
10 The Hong Kong Polytechnic University Hong Kong 
Nguồn:https://www.topuniversities.com/university-rankings/university-subject-
rankings/2021/hospitality-leisure-management
chương trình đào tạo đại học về du lịch và khách sạn có khối lượng thời gian dành
cho các môn nghiệp vụ Định hướng này được một số cơ sở đào tạo đại học và cơ
sở đào cao đẳng thực hiện, thường có thời gian đào tạo từ 3-4 năm. Các chuyên

273
ngành đào tạo thường là hướng dẫn du lịch, văn hóa du lịch, quản trị du lịch, quản
trị khách sạn, quản trị nhà hàng – dịch vụ ăn uống, marketing du lịch...
Định hướng nghề nghiệp: Các trung tâm và một số trường trung cấp nghề,
cao đẳng nghề tập trung vào đào tạo nghề, qua đó giảm thiểu nội dung lý luận, tăng
hàm lượng thực hành nghề. Các chuyên ngành đào tạo định hướng dạy nghề chủ
yếu là kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ buồng, bàn, bar, lễ tân, hướng dẫn
viên...Thời gian đào tạo thường từ vài tháng đến 2-3 năm.
Các chương trình đào tạo và cấp văn bằng cho cả lĩnh vực du lịch và khách
sạn ở Việt Nam hiện nay như sau:
- Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề du lịch, lữ hành – hướng
dẫn, nghề khách sạn...
- Văn bằng (cao đẳng) về lữ hành, hướng dẫn, khách sạn...
- Bằng cử nhân về du lịch, quản trị du lịch, quản trị lữ hành, quản trị khách
sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Việt Nam học...
- Bằng thạc sĩ về du lịch, thạc sĩ về kinh tế du lịch, quản trị dịch vụ du lịch
và lữ hành, quản trị khách sạn...
- Bằng tiến sĩ về kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh (kinh tế du lịch)...
được cấp cho những người có mong muốn trở thành những nhà nghiên
cứu, hoặc làm công tác giảng dạy.
Bên cạnh việc đào tạo nhân lực của các viện, trường, trung tâm, thì các
doanh nghiệp du lịch và khách sạn (của cả Nhà nước và tư nhân) – đơn vị tuyển
dụng nhân lực cũng đã quan tâm tới việc đào tạo lại cũng như bổ sung kiến thức
thực tế, kiến thức mới về nghề nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ...cho đội ngũ nhân
viên của mình để đáp ứng được những yêu cầu nghề nghiệp theo chuẩn của từng
doanh nghiệp. Việc đào tạo này có thể được tiến hành bởi chính doanh nghiệp hoặc
doanh nghiệp liên kết với các trường, viện, trung tâm, hoặc doanh nghiệp gửi nhân
viên đi đào tạo ở nước ngoài. Có thể kể ra đây tên tuổi một số doanh nghiệp rất chú
trọng công tác nhân lực nói chung và công tác đào tạo nhân lực nói riêng của
doanh nghiệp mình như Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Du lịch Saigon Tourist,
Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, Tập đoàn Accor...
5.3.1.3. Đào tạo mở và đào tạo từ xa ngày càng được chú trọng
Đào tạo mở và đào tạo từ xa sẽ được chú trọng trong việc đào tạo đội ngũ
nhân lực du lịch và khách sạn vì nó có khả năng cung cấp các cơ hội học tập và
đào tạo đáp ứng được nhiều các đối tượng khác nhau dựa trên những ưu điểm chủ
yếu sau đây:
- Người học có thể linh hoạt trong việc việc lựa chọn tham gia khóa học,
thời gian học, địa điểm học tập, môn học và cách thức học.
- Chủ động hoàn thiện các mức độ học tập bằng cách tích lũy kiến thức và
kỹ năng đạt được.

274
- Có thể truy cập nguồn học liệu từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ đào tạo trong
cùng hệ thống.
Theo nghĩa tích cực, đào tạo mở và đào tạo từ xa có khả năng “trao quyền”
chủ động và tích cực nhiều hơn cho người học. Giúp người học theo đuổi con
đường “học tập tự thân” và con đường này là xu thế không thể đảo ngược. Đào tạo
mở và đào tạo từ xa còn giúp cho người học tránh được các quy trình ngặt nghèo
liên quan tới thi cử, kiểm tra, đánh giá và các thủ tục hành chính rườm rà trực tiếp
khác. Nó có thể làm thay đổi cách thức đào tạo truyền thống (Phạm Hồng Long,
2014).
5.3.1.4. Quốc tế hóa các chương trình đào tạo
Quốc tế hóa các chương trình đào tạo sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo
về du lịch và khách sạn ở trong nước sẽ theo đuổi. Theo hướng đi này, việc quốc tế
hóa chương trình đào tạo có thể theo 3 hướng:
- Liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín của nước ngoài để đào tạo các chương
trình cử nhân 2+2 (2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài) hoặc 3+1 (3 năm ở
Việt Nam, 1 năm ở nước ngoài), hoặc các chương trình đào tạo thạc sĩ (trước đây
Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có chương trình
thạc sĩ về Quản trị khách sạn liên kết với Đại học Toulouse, Pháp), hoặc tiến sĩ.
Mối liên kết này giúp người học được công nhận các tín chỉ, khối kiến thức học tập
ở nước ngoài
- Đào tạo theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Người học sẽ được học
tập các chương trình quốc tế và nhận bằng của các cơ sở đào tạo quốc tế. Nhưng
bản thân các cơ sở đào tạo trong nước vẫn có quyền được chủ động phần nào trong
việc đề xuất các học phần và giảng viên tham gia. Hình thức này còn giúp nâng cao
năng lực đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo trong nước.
- Nỗ lực quốc tế hóa các chương trình đào tạo bằng việc đưa vào chương
trình các học phần chuyên môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ. Đây cũng là xu
hướng sẽ được nhiều trường thực hiện để thu hút sinh viên nước ngoài theo học.
5.3.1.5. Lớp học đảo ngược là xu thế trong đào tạo ngành du lịch
Học liệu mở ngày càng phong phú và được sử dụng nhiều trong học tập sẽ
làm cho các lớp học đảo ngược nhanh chóng thay thế lớp học truyền thống trong
đào tạo ngành du lịch ở tất cả các cấp. Người học sẽ được cung cấp, gợi ý tìm kiếm
tài liệu để tự tìm hiểu hay trao đổi qua mang xã hội, phần mềm giảng dạy trước khi
gặp gỡ giảng viên. Tại các buổi gặp gỡ này, hoặc trực tiếp hay trực tuyến, người
học sẽ đề xuất các giải pháp để phân tích, tổng hợp, đánh giá, ứng dụng hay sáng
tạo một nhiệm vụ cụ thể. Lớp học đảo ngược sẽ được áp dụng cho cả các môn đầu
tiên như nhập môn du lịch, cũng như môn chuyên sâu như quản trị lễ tân, quản trị
sự kiện…; cho các môn có tính hàn lâm, khoa học như môn phương pháp nghiên
cứu trong du lịch đến các môn có tính thực hành cao như nghiệp vụ lữ hành,
nghiệp vụ buồng…

275
Đào tạo tích hợp theo tiếp cận STEAM sẽ là được triển khai nhiều hơn trong
các lớp học đảo ngược. Bản thân du lịch là ngành học có đối tượng nghiên cứu rất
rộng với nhiều học phần có thể khác nhau như địa lý, văn hóa, tâm lý, môi trường,
quản trị kinh doanh… Do vậy hướng tiếp cận tích hợp sẽ là một xu thế phát triển
tất yếu trong đào tạo du lịch.
5.3.1.6. Phòng học không còn là nơi học tập duy nhất
Do tính nghề cao nên nhiều học phần không chỉ được học trong phòng học
mà còn được tổ chức ở ngoài khuôn viên nhà trường. Số môn học thực hành cao ở
các trường trung cấp và cao đẳng, số thời gian dành cho thực tế, thực hành ở mỗi
học phần cũng gia tăng. Người học được dành nhiều thời gian đi thực tế, tham gia
các hoạt động kiến tập, thực tập ở các doanh nghiệp. Điểm nhiều môn học thực tế
sẽ phụ thuộc nhiều vào đánh giá chất lượng thực tập của doanh nghiệp, của khách
du lịch.
Bên cạnh đi thâm nhập vào thực tế, thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ trở
thành công cụ không thể thiếu được trong đào tạo du lịch. Thực tế ảo giúp người
học tiếp cận được với thực tế tốt hơn, thực tế tăng cường giúp người học đề xuất
được nhiều lựa chọn khác nhau. Ví dụ, khi học về hệ thống khách sạn, người học
có thể đến tham quan tất cả các bộ phận của một số khách sạn hạng sang trên thế
giới thông qua thực tế ảo.
5.3.1.7. Tập trung nhiều hơn vào đào tạo kỹ năng
Du lịch là một ngành dịch vụ, người làm trong ngành này trước hết phải có
khả năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý khách du lịch nhanh nhạy. Trong các chương
trình đào tạo du lịch trước đây những kỹ năng này đã được coi trọng, tuy nhiên
trong tương lai, những kỹ năng này sẽ được tiếp tục chú ý đào tạo để đáp ứng sự
đòi hỏi ngày càng cao của các doanh nghiệp. Bên cạnh kỹ năng giao tiếp, kỹ năng
làm việc nhóm được coi là kỹ năng không thể thiếu và song hành với nó.
Nhóm kỹ năng thứ hai sẽ được tập trung đào tạo cho người học chuyên
ngành du lịch là nhóm kỹ năng sử dụng công cụ làm việc, trong đó có kỹ năng sử
dụng, khai thác công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng chụp ảnh.
Nhóm kỹ năng thứ ba là nhóm các kỹ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản
biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định. Du lịch phát triển, nhiều
sản phẩm du lịch, mô hình kinh doanh ở nước ta trong thời gian quan có hiện
tượng sao chép nhau, không có tính đặc trưng. Xuất hiện hiện tượng cạnh tranh
bằng cách giảm giá. Điều này dẫn đến sản phẩm nghèo nàn, tính cạnh tranh kém.
Đây cũng là kết quả của sản phẩm đào tạo ít tính sáng tạo, khô cứng. Trong tương
lai, các cơ sở đào tạo sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào đào tạo kỹ năng này để định
vị uy tín của mình. Tuy nhiên, đào tạo nhóm kỹ năng này không chỉ là đặc trưng
trong đào tạo ở các cấp độ nghiên cứu, kinh doanh mà còn phát triển cả ở các
chương trình đào tạo nghề vì chính các chương trình này sẽ tạo ra nguồn nhân lực
trực tiếp tạo ra các sản phẩm du lịch cho tổ chức của mình.

276
Tất nhiên, như mọi chương trình đào tạo khác, chương trình đào tạo du lịch
sẽ tăng cường đào tạo kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức
công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội.
5.3.1.8. Liên kết chặt chẽ với ngành
Để tăng khả năng cạnh tranh và tiếp cận nghề nghiệp của đội ngũ sinh viên
tốt nghiệp, nhiều cơ sở đào tạo sẽ cố gắng liên kết với các doanh nghiệp và nhà
tuyển dụng. Theo đó, chương trình đào tạo liên kết hoàn toàn có thể thực hiện và
theo đúng chủ trường của công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ
chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch242. Một số đơn vị doanh nghiệp có thể
kết hợp với cơ sở đào tạo nhất định để hợp tác về đào tạo trực tiếp sinh viên tại
doanh nghiệp hoặc tại cơ sở đào tạo. Học tập theo cách này là cách học tập rất
“mở”, cho phép người học được học tập với thời gian, địa điểm và nhịp độ phù hợp
với bản thân họ.
Ngoài ra, hầu hết chương trình đào tạo về du lịch và khách sạn đều có mảng
thực tập, thực tế hoặc đào tạo theo hướng chuyên ngành. Thời gian, thời lượng và
cách thức thực hiện việc thực tập là đa dạng và khác nhau cho các cơ sở đào tạo
khác nhau. Một số cơ sở thực tập, thực tế 6 tháng trong khi một số cơ sở chỉ thực
tập, thực tế 1-2 tháng, một số cơ sở thì đòi hỏi sinh viên phải có số giờ thực tập
nghề nghiệp ngoài số giờ lý thuyết trên lớp.
Mặc dù cả cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đều nhận thức được sự liên kết
này. Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng
chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tổ chức đào tạo vì chưa rõ đối tác của
mình muốn gì, và chưa rõ mình có thể hỗ trợ gì cho đối tác.
5.3.1.9. Hợp tác trong đào tạo
Trong lĩnh vực đào tạo, du lịch là một trong những ngành có cơ hội hợp tác
cao nhất. Việc hợp tác liên kết được thể hiện ở liên kết dọc cũng như liên kết
ngang.

NGÀNH DU LỊCH

Chương
trình đào
HỌC SINH tạo nghề
PHỔ du lịch
THÔNG Chương Chương
trình đại trình sau
học đại học

Hình 5.9. Sơ đồ liên kết đào tạo du lịch

242
https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=5122

277
Liên kết dọc là hợp tác liên thông trong đào tạo. Các trường trung cấp, cao
đẳng sẽ tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề, giảm tải các môn lý thuyết. Nguồn
tuyển sinh của các trường này là học sinh phổ thông. Đầu ra của chương trình này
sẽ là nguồn nhân lực cho ngành và là đầu vào của các chương trình đào tạo cử
nhân. Đầu ra của chương trình cử nhân sẽ là nguồn nhân lực cho ngành du lịch và
đầu vào cho các chương trình sau đại học. Chương trình sau đại học sẽ cung cấp
nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành.
Liên kết ngang thể hiện ở xu thế tăng cường sử dụng nguồn chuyên gia từ
bên ngoài (outsourcing). Bên cạnh các chuyên gia từ các cơ sở đào tạo khác là các
chuyên gia có kinh nghiệm từ ngoài cơ sở đào tạo.
Theo Tô Quang Long và Trần Thị Yến Anh (2019), để việc đào tạo nguồn
nhân lực du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 cần có sự chung tay vào cuộc
của cơ quan quản lý nhà nước, nhà tuyển dụng và chính sinh viên. Nhà nước phải
có chính sách và đặt hàng những nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở
phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giảng viên, có mô hình
đào tạo phù hợp, nhà tuyển dụng phải đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của mình và
sinh viên phải nâng cao tính chủ động trong việc tích lũy kiến thức cũng như nâng
cao tay nghề.
5.3.2. Các xu hướng nghiên cứu du lịch
Với tính chất liên ngành của mình, kể từ khi xuất hiện vào thế kỷ 19, du lịch
được tiếp cận nghiên cứu chủ yếu như một lĩnh vực kinh tế. Cho đến những năm
1960, vị thế kinh tế của du lịch dần dần được thay thế bởi những nghiên cứu về xã
hội học du lịch. Kể từ đầu những năm 1980, bản chất của nghiên cứu du lịch cũng
đã chuyển đổi từ nghiên cứu định hướng khái niệm, lý thuyết sang nghiên cứu về
thực nghiệm (Antónia Correia & Metin Kozak, 2021), và mối quan tâm chủ yếu ở
lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững của du lịch.
Ngày nay, du lịch với tư cách là một lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu học
thuật đã phát triển ở quy mô toàn cầu. Ngày càng xuất hiện nhiều các cơ sở đào tạo
nghiên cứu du lịch, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực du lịch và các tạp
chí chuyên ngành du lịch. Các chủ đề nghiên cứu về du lịch ngày càng được mở
rộng và có sự hợp tác nghiên cứu giữa các học giả từ nhiều quốc gia khác nhau.
Mối quan tâm về nghiên cứu du lịch do vậy có sự chuyển dịch dần sang các vấn đề
đương đại về du lịch. Các vấn đề này được quan tâm không chỉ ở các quốc gia phát
triển mà còn ở các đang quốc gia phát triển.
5.3.2.1. Vấn đề toàn cầu hóa và khu vực về du lịch
Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong bài phát biểu tại Đại học quốc gia Hà Nội
năm 1994 đã nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa cũng giống như gió và nước. Chúng ta có
thể chế ngự gió để buồm được căng. Chúng ta có thể biến nước thành năng lượng.
Chúng ta có thể chống chọi bão tố và lụt lội để bảo vệ mạng sống và của cải.
Nhưng thật là vô nghĩa nếu chúng ta từ chối không công nhận có gió và nước, hay

278
gắng làm cho gió và nước biến mất.v.v.”243. Như vậy, có thể nói toàn cầu hóa và
khu vực hóa là một xu thế tất yếu.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, kinh tế du lịch có vai trò quan
trọng, góp phần vào tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại
của nhiều quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực du lịch gắn với toàn cầu hầu hóa và khu
vực hóa sẽ là chủ đề cho nhiều các nghiên cứu liên quan như:
- Vấn đề về an toàn và an ninh toàn cầu gắn với phát triển du lịch. Gần đây,
đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho việc nở rộ các nghiên cứu về mức độ
ảnh hưởng của Covid-19 với du lịch của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hay đại
dịch SARS năm 2003 và sự kiện khủng bố 9/11/2001 đều là những vấn đề làm nảy
sinh các nghiên cứu về vấn đề an ninh, an toàn trong lĩnh vực du lịch.
- Vấn đề về biến đổi khí hậu và việc thích ứng phát triển du lịch. Thực tế,
vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà nó
là vấn đề toàn cầu. Nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới du lịch ở
một số quốc gia, địa phương. Do vậy làm thế nào để phát triển du lịch thích ứng
với biến đổi khí hậu là chủ đề nghiên cứu rất được quan tâm.
- Vấn đề hòa bình, ổn định của các thể chế chính trị tại các quốc gia cũng sẽ
ảnh hưởng tới phát triển du lịch của nội tại các quốc gia và giữa các quốc gia, khu
vực. Và do vậy sẽ ảnh hưởng tới nghiên cứu thể chế chính trị trong mối tương quan
tới phát triển du lịch.
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực, một trong những vấn đề các quốc
gia phát triển và những quốc gia kém phát triển phải đương đầu, đó là vấn đề dịch
chuyển và di dân toàn cầu. Vấn đề này sẽ là chủ đề hấp dẫn cho những nghiên cứu
về du lịch thăm thân và du lịch công vụ.
- Bối cảnh thế giới ngày nay đầy những biến động về khủng hoảng (thiên
nhiên hoặc do tác động của chính con người) thì các nghiên cứu và tiếp cận quản
trị khủng hoảng cũng sẽ ngày càng được các quốc gia, tổ chức, cá nhân quan tâm.
5. 3.2.2. Môi trường và phát triển du lịch bền vững
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các quốc gia tập trung vào khôi phục, phát
triển kinh tế và nhiều quốc gia đã trở nên phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, những
quốc gia này lại phải đối mặt với sự xuống cấp và hủy hoại về môi trường, trong
đó có môi trường du lịch.
Vào những năm 1980 - 1990, vấn đề môi trường và phát triển du lịch bền
vững bắt đầu thu hút sự quan tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Chủ
đề này càng ngày càng được quan tâm trong bối cảnh “du lịch phát triển nóng như

243
https://laodong.vn/archived/bai-dien-van-tuyet-voi-cua-tong-thong-clinton-khi-tham-ha-noi-nam-2000-
679006.ldo

279
ngọn lửa, nó có thể giúp thổi một nồi cơm, nhưng lại làm cháy một ngôi nhà” 244 ở
nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, trong hai năm qua, với sự ảnh hưởng có tính chất lâu dài và bất ổn
định của đại dịch Covid-19 thì vấn đề phát triển du lịch bền vững lại càng thu hút
được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các chủ đề nghiên cứu về môi trường
và phát triển bền vững do vậy sẽ ảnh hưởng lâu dài tới các xu hướng và chủ đề
nghiên cứu du lịch:
- Sức tải – sức chứa trong du lịch bền vững;
- Marketing – tiếp thị du lịch bền vững;
- Phát triển nguồn nhân lực du lịch bền vững;
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp du lịch;
- Nhãn sinh thái xanh;
- Du lịch sinh thái với phát triển du lịch bền vững;
- Mô hình phát triển du lịch bền vững ;
- Đánh giá tác động môi trường của dự án du lịch;
- Một số loại hình gắn với phát triển du lịch bền vững;
- Cộng đồng địa phương và phát triển du lịch bền vững;
- Lập kế hoạch phát triển du lịch bền vững;
- Các phương pháp và công cụ đo lường kiểm soát phát triển du lịch bền
vững;
- Vai trò và nhiệm vụ của các bên tham gia trong phát triển du lịch bền
vững;
- Biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững;
- Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch;
- Chính sách giá cả trong phát triển du lịch bền vững;
- Vấn đề giới trong phát triển du lịch bền vững;
- Chính sách phát triển du lịch bền vững của một quốc gia...
5.2.3.3. Sự phát triển của khoa học công nghệ và du lịch
Klaus Schwab (2018) nhận định “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công
nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao
tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất
kỳ điều gì mà con người từng trải qua”. Cuộc cách mạng này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến
các lĩnh vực của cuộc sống khắp nơi trên thế giới, trong đó có lĩnh vực du lịch - lữ hành
và khách sạn.
Công nghệ sẽ thay đổi ngành du lịch, trước tiên là ở phương thức quảng
bá xúc tiến du lịch, tiếp đó là phương thức tiêu dùng du lịch, trải nghiệm dịch
vụ du lịch tại điểm đến và trong thời gian lưu trú tại điểm đến. Công nghệ,
chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch sẽ là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của các
bên liên quan trong lĩnh vực du lịch tại các diễn đàn học thuật và thực tiễn

244
https://cnr.ncsu.edu/news/2021/07/ask-an-expert-what-is-sustainable-tourism/

280
5.3.2.4. Các chủ đề nghiên cứu phổ biến khác
Bên cạnh các chủ đề nghiên cứu ở trên, các chủ để nghiên cứu như: bảo tồn,
phát huy di sản văn hóa với du lịch; đa dạng sinh học với phát triển du lịch; đổi
mới sáng tạo trong khai thác sản phẩm và loại hình du lịch; liên kết và cạnh tranh
trong phát triển du lịch... được nhận định sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của
các nhà nghiên cứu và học giả về du lịch.
Tác giả Đoàn Thị Mỹ Hạnh (2020) trong bài nghiên cứu tổng quan của mình
về Chủ đề của các nghiên cứu công bố trên Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới
(từ năm 2019 đến năm 2020) đã lựa chọn 2 Tạp chí nghiên cứu du lịch hàng đầu
thế giới là Journal of Travel Research (JTR) và Tourism Management (TM) để
phân tích các chủ đề nghiên cứu phổ biến của 2 Tạp này thì cả hai tạp chí đều có số
bài viết thuộc chuyên mục Quản trị du lịch, giải trí, tiếp đón chiếm tỷ trọng lớn
nhất (hơn 60%) và chuyên mục Địa lý, quy hoạch, phát triển có tỷ trọng lớn thứ
hai (TM là 25,8% và JTR là 31,9%). Chuyên mục Giao thông vận tải có khá ít
bài trên cả hai tạp chí, TM có 9 bài và JTR có 8 bài. TM có 29 bài thuộc
chuyên mục Chiến lược và quản lý trong khi JTR không có chuyên mục này.
Mỗi tạp chí đều có 2 bài được đưa vào nhóm “Khác” là những nghiên cứu cơ
bản, còn lại đều là nghiên cứu thực nghiệm.
Bảng 5.33. Cấu trúc dữ liệu theo chủ đề của JTR và TM

TM JTR
Chuyên mục Số bài Số
% %
bài

1. Quản trị du lịch, giải trí, tiếp 56,4


63,18
đón 218 92 4

37,4
2. Phát triển, quy hoạch, địa lý 25,22
87 61 2

3. Giao thông vận chuyển 9 2,61 8 4,91

4. Chiến lược và quản lý 29 8,41 0 0,00

5. Khác 2 0,58 2 1,23

16
Tổng 100,00 100,00
345 3

CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN


1. Tranh biện về dự báo của cá nhân/nhóm về xu thế phát triển du lịch như
một hiện tượng xã hội trong tương lai gần.
281
2. Tranh biện về dự báo của cá nhân/nhóm về xu thế phát triển du lịch như
một ngành kinh tế trong tương lai gần.
3. Tranh biện về dự báo của cá nhân/nhóm về xu thế phát triển du lịch như
một lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu trong tương lai gần.

282
i

You might also like