You are on page 1of 5

VIỆT BẮC

Mở Bài: Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình
chính trị sâu sắc, đậm đà tính dân tộc. “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là
đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ.” (Đặng Thai Mai) “Việt Bắc” được đánh
giá là đỉnh cao của đời thơ Tố Hữu cũng như thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời dựa
trên cảm hứng cuộc chia tay lịch sử giữa nhân dân Việt Bắc với cán bộ kháng chiến sau chiến thắng
Điện Biên Phủ khi toàn bộ Trung ương Đảng và chính phủ trở về Hà Nội. “Việt Bắc” là khúc hùng
ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người trong kháng chiến.
Trong đó,… yêu cầu đề (10 câu thơ miêu tả bức tranh tứ bình nơi Việt Bắc đã để lại nhiều ấn tượng
trong lòng người đọc)
(Trích thơ)
Thân Bài:
1. 8 câu đầu: Tâm trạng của người đi và kẻ ở trong buổi chia ly:
a. 4 câu đầu: Lời của người ở lại:
- Làm nên thành công của bài thơ, trước tiên phải kể đến thể thơ lục bát cùng lối xưng hô “ta
– mình” , “mình - ta” tha thiết, ngọt ngào, đậm đà màu sắc ca dao, dân ca.
- Điệp từ “nhớ” được láy đi luyến lại nhiều lần và trở thành cảm xúc chủ đạo bao trùm bài
thơ, không chỉ là tâm trạng của người ra đi mà còn là tâm trạng của người ở lại.
- Đoạn thơ là lời ướm hỏi của người ở lại với người ra đi trên hai phương diện:
+ Về thời gian: “mười lăm năm” là khoảng thời gian gắn bó nghĩa tình và gian lao, từ khi
kháng Nhật đến lúc hòa bình lập lại ở miền Bắc.
+ Về không gian: “cây – núi – sông – nguồn”. Đây là những hình ảnh đặc trưng của không
gian núi rừng Việt Bắc, ẩn chứa trong đó một hàm ý sâu xa là nhắc nhở khéo léo đạo lý,
truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Việt Bắc là cội nguồn cách mạng, là trung tâm đầu
não của kháng chiến, xin người về đừng quên.
- Phép điệp cấu trúc ở câu thứ nhất và câu thứ ba của đoạn thơ đã tạo nên một âm điệu bâng
khuâng, da diết, lưu luyến.
 Bốn câu đầu là lời ướm hỏi, khơi gợi kỷ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn
cội nghĩa tình, qua đó thể hiện tâm trạng lưu luyến của người ở lại.
b. 4 câu sau: Lời của người ra đi:
- Tiếng lòng của người về xuôi bâng khuâng, lưu luyến
+ Đại từ phiếm chỉ “ai”, “tiếng ai” chứa đựng tâm tình tha thiết, là tiếng nói thân thương của
người Việt Bắc, làm xao động cõi lòng, níu kéo bước chân người ra đi.
+ Các từ láy chỉ tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn diễn tả sự nôn nao, quyến luyến, bịn rịn,
ngập ngừng, không nỡ chia xa và diễn tả tâm trạng chưa xa đã nhớ
+ Ngoài cảm xúc lưu luyến trong buổi chia tay ấy còn có hình ảnh hoán dụ “áo chàm” đầy
cảm động chỉ người Việt Bắc mộc mạc chân chất mà giàu nghĩa tình. Chính màu áo ấy, con
người ấy đã góp phần cùng cán bộ, cùng kháng chiến làm nên chiến thắng vẻ vang trước
thực dân Pháp.
+ Bên cạnh đó là cách dùng từ trang trọng “buổi phân li”
+ Tất cả đều lắng đọng trong một cử chỉ phi ngôn: “cầm tay nhau” không biết nói gì, mọi
tình cảm trao gởi qua cái nắm tay thật chặt
+ Dấu chấm lửng “…” ở cuối câu thơ diễn tả sự xúc động, nghẹn ngào. Nó giống như một
nốt nhạc trầm trong một khuông nhạc bổng, chỉnh nốt nhạc trầm ấy là nhịp rơi của cảm xúc
sâu lắng dâng trào.
 Tình cảm lưu luyến của người ra đi cũng đã là một câu trả lời trước sự ướm hỏi, nhắc
nhở của người ở lại. Cũng có thể hiểu, tám câu thơ là lời độc thoại nội tâm của người ra đi,
tự dặn lòng mình chớ quên ân tình Việt Bắc
 Tố Hữu rất tinh tế trong việc mượn các yếu tố biểu đạt của ca dao dân ca để tái hiện
cảm xúc của người đi và kẻ ở trong buổi chia ly. Lối hỏi đáp đậm đà tính dân tộc đã mở
ra biết bao kỉ niệm và biết bao nỗi nhớ thương qua giọng điệu tự nhiên, ngọt ngào, tha
thiết như một khúc tình ca.
2. 10 câu thơ Bức tranh tứ bình:
- Nếu như ở những đoạn thơ trên, tác giả thể hiện niềm nhớ thương tha thiết về tình cảm sắt
son, đằm thắm của nhân dân Việt Bắc với cách mạng, với Đảng thì đến với 10 câu thơ tiếp
theo, thiên nhiên Việt Bắc bốn mùa tươi đẹp hiện ra như một bức tranh tứ bình đa màu sắc,
được hòa quyện hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
- Hai câu thơ đầu là lời hỏi của người cán bộ về xuôi:
+ Câu hỏi tu từ “Ta về mình có nhớ ta” có hình thức mở đầu giống ca dao: hỏi nhưng thực
chất là tạo một cái cớ để giãi bày lòng mình.
+ Câu thơ: “ Ta về ta nhớ những hoa cùng người” chính là trọng tâm của lời giãi bày
Liên hệ: Ở đây, ta có thể thấy sự tương đồng về hình thức gợi hứng quen thuộc với ca dao
“ Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
 Câu lục hỏi nhưng không phải hướng tới câu trả lời “thuyền có nhớ bến” mà là cái cớ để
bày tỏ nỗi nhớ và sự thủy chung của “bến”
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”
 Ba câu đầu là lối nói vòng vo để dẫn đến nội dung chính ở câu thứ 4
+ Cụm từ “ hoa cùng người” là cách nói khác cho nỗi nhớ thiên nhiên và con người Việt
Bắc. “Hoa” chỉ cái đẹp của thiên nhiên Việt Bắc, “người” chỉ vẻ đẹp của con người lao động
nơi đây.
- 8 câu sau: Sau hình ảnh “hoa” và “người” là bức tranh bốn mùa Việt Bắc được vẽ ra với vẻ
đẹp đa dạng, sống động, với những gam màu tươi tắn và âm thanh rộn ràng. Ở đây ta có thể
thấy có một sự hòa quyện giữa cảnh và người bởi cách sắp xếp độc đáo theo lối xen kẽ: câu
lục tả cảnh, câu bát tả người.
+ Mở đầu cho bức tranh tứ bình là mùa đông. Thông thường, người ta vẫn in trong trí nhớ
của mình rằng mùa đông bao giờ cũng gắn với sự tàn úa, cây cối khẳng khiu nhưng đến với
mùa đông Việt Bắc thì hoàn toàn ngược lại.
 Trên cái nền xanh bạt ngàn của núi rừng Việt Bắc, xuất hiện những hoa chuối "đỏ
tươi" như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh.
 Sự đối chọi hai màu “xanh” – “đỏ” làm trẻ lại màu xanh trầm tịch của rừng già và
xua tan đi cái lạnh lẽo của mùa đông vùng cao.
 Con người lao động hiện lên gián tiếp qua chi tiết “nắng ánh dao gài thắt lưng”:
tuy nhỏ bé nhưng hiên ngang, làm chủ núi rừng.
 Nhà thơ Tố Hữu khắc họa bức tranh mùa đông trước có lẽ là vì khi người cách mạng
đến đây cũng là lúc đất trời vào tiết đông và cũng chính thời điểm ấy sau mười lăm
năm, người cách mạng từ biệt Việt Bắc để về xuôi.
+ Đông qua rồi xuân lại đến. Sắc xanh thâm u được thay bằng màu trắng của 1 cánh rừng
hoa mơ
 Chữ "trắng": gợi lên một sắc trắng tinh khiết, mênh mang, một thế giới hoa mơ bao
phủ  sức xuân ngập tràn đất trời núi rừng Việt Bắc.
Liên hệ: màu trắng hoa mơ cũng đã từng được Tố Hữu thể hiện trong bài thơ “Theo
chân Bác”
“Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”
Hình ảnh người con gái thẩn thơ trong rừng mơ bình yên và trong trẻo cũng được
Nguyễn Bính cảm tác:
“Thơ thẩn đường chiều một khách thơ,
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ,
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo,
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ. “
 Cụm từ “người đan nón” và động từ “chuốt từng” chỉ công việc thầm lặng đòi hỏi sự
tỉ mỉ, cẩn trọng, khéo léo, tài hoa.
+ Mùa hạ đến với tiếng ve kêu râm ran vang khắp núi rừng cùng sắc vàng chủ đạo của hoa
phách, khiến bức tranh mùa hè tựa như một bức tranh sơn mài vừa có nhạc vừa có hoạ, vừa cổ điển
vừa hiện đại.
 Từ “đổ” chỉ bước đi vô hình của không gian, diễn tả sự chuyển mùa, chuyển màu
Người đọc có cảm giác dường như tiếng ve đã thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho
rừng phách “bừng thức” và mau chóng “đổ” vàng.
 Và trên cái nền vàng của hoa phách, không gian ngập tràn tiếng ve kêu là hình ảnh
con người: “ Cô em gái” – cách gọi thân thương, thân mật. Từ “một mình” gợi sự
thầm lặng của những con người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm ra đất
nước.
+ Khép lại bức tranh tứ bình đa sắc màu là mùa thu. Tác giả đặc tả đêm trăng mát rượi ở
Việt Bắc, gợi ước ao và khát vọng thanh bình.
 Nếu như ánh trăng Việt Bắc trong thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh là: “ Khuya về
bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Rằm tháng Giêng) hay “Trăng lồng cổ thụ bóng
lồng hoa” (Cảnh khuya) thì trăng VB trong thơ Tố Hữu lại là “trăng rọi hoà bình”
 Nhà thơ nhớ con người Việt Bắc, nhớ “tiếng hát ...thủy chung”, nhớ và biết ơn lối
sống ân tình thuỷ chung với cách mạng của họ. Cách kết thúc ngọt ngào như khúc
hát giã bạn trong dân ca “người ơi người ở đừng về...”
 Với kết cấu đan xen, đoạn thơ làm nổi bật vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người:
- Thiên nhiên Việt Bắc: tươi đẹp, con người Việt Bắc: bình dị, chịu thương chịu khó, đầy nghĩa
tình.
- Bằng những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mình, những con người Việt Bắc đã góp phần
tạo nên sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến.
- Đoạn thơ mang âm hưởng của khúc ca ngọt ngào của tình đồng chí, nghĩa đồng bào và tình yêu
thiên nhiên.
3. Bức tranh Việt Bắc ra trận kì vĩ, hoành tráng:
- Đoạn thơ là không khí ra trận và tin vui chiến thắng của quân và dân ta trong kháng chiến
chống thực dân Pháp.
- Câu thơ đầu vẽ lên một bức tranh mọi nẻo đường cách mạng. Hai tiếng “của ta” cất lên thể
hiện niềm vui tự chủ, tự hào.
- Sự phối hợp giữa phép tu từ so sánh, từ láy “rầm rập” và phép điệp âm “r” đã tái hiện hình
ảnh đoàn quân ra trận với khí thế mạnh mẽ, hào hùng như rung chuyển cả đất trời.
- Hai từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” gợi lên hình ảnh đoàn quân nối nhau vô tận tiến về tiền
tuyến.
 Gợi lên diện mạo mới của quân đội Việt Nam lúc bấy giờ: tinh nhuệ hơn, đông đảo hơn.
- Hình ảnh vừa hiện thực, vừa lãng mạn: “Ánh sao đầu súng” gợi nhiều liên tưởng. Đầu tiên,
chúng ta có thể hiểu đó là những cuộc hành quân trong những đêm đầy sao, hay một cách
hiểu khác là nó chỉ ngôi sao trên mũ nan. Hiểu rộng hơn, “Ánh sao đầu súng” còn là lý
tưởng ở trong tim. Hình ảnh “Ánh sao đầu súng” gợi liên tưởng đến hình ảnh “đầu súng
trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Chỉ bằng một hình ảnh thơ, tác giả đã
tạc bức tranh đoàn quân chủ lực bình dị mà cao cả.
- Đó là sự tổng hợp nhiều lực lượng: bộ đội, dân công, cơ giới. “đỏ đuốc” là một hình ảnh
đẹp, lung linh, lãng mạn hoá con đường ra trận, thể hiện nhiệt huyết của quân và dân.
- Nghệ thuật thậm xưng “bước chân nát đá”: mượn ý thành ngữ “chân cứng đá mềm” khắc
hoạ vẻ hào hùng, rực tràn ý chí.
- Lối nói tương phản kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ “nghìn đêm…- ngày mai…” thể hiện niềm
tin chắc chắn sẽ quét sạch bóng đêm nô lệ.
 Tố Hữu đã khắc hoạ các hoạt động tấp nập, hình ảnh hào hùng, âm thanh sôi động bằng bút
pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn, bằng ngôn ngữ giàu nhạc điệu, hình ảnh có tính ẩn dụ cao.
- Đoạn thơ : “ Tin vui… núi Hồng”: Khúc hùng ca về Việt Bắc ra trận được khép lại bằng
không khí chiến thắng đang dồn dập khắp cả nước.
+ Phép liệt kê các địa danh cùng với phép điệp từ “vui” đã khắc hoạ sự náo nức, phấn khởi
ngập tràn. Nếu như ở “Tây Tiến”, những địa danh của Quang Dũng xuất hiện với niềm
thương nỗi nhớ thì Tố Hữu lại gọi tên những địa danh lừng lẫy chiến công làm bừng tỉnh
lòng người. Có thể nói đây là điểm độc đáo trong thơ Tố Hữu.
+ Lý giải cội nguồn của sức mạnh về sự chiến thắng: là sức mạnh của lòng căm thù, của tình
nghĩa thủy chung, của khối đại đoàn kết, sự hòa quyện gắn bó giữa con người với thiên
nhiên.
 Núi rừng Việt Bắc, con người Việt Bắc là hình ảnh của “đất nước đứng lên”, là tình cảm,
niềm tin, hy vọng của nhân dân cả nước.
 Nhịp thơ dồn dập, gấp gáp, âm hưởng hào hùng, náo nức tạo thành khúc ca chiến thắng.
 Đoạn thơ mang âm hưởng của một bản anh hùng ca, mang dáng dấp của một pho sử thi hiện
đại.
Chốt Nghệ Thuật: Để làm nên thành công cho toàn đoạn thơ, bên cạnh các giá trị về mặt nội
dung, ta không thể không nhắc tới các đặc sắc về mặt nghệ thuật, cụ thể là các thủ pháp nghệ
thuật so sánh, điệp từ, điệp ngữ cùng với thể thơ lục bát truyền thống và ngôn ngữ đậm sắc thái
dân gian. Tất cả đã góp phần tạo nên giọng thơ ngọt ngào mà sôi nổi, hào hùng mà tha thiết,
khắc hoạ rõ nét phong cách trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu.

Kết Bài:
- Đối với đoạn 1: Có thể khẳng định rằng, đoạn thơ đã tô đậm, khắc sâu nỗi nhớ thương lưu
luyến, bịn rịn trong giờ phút chia tay, là ân tình ân nghĩa giữa kẻ ở và người đi, giữa cán bộ
kháng chiến và nhân dân Việt Bắc, giữa nhân dân với cách mạng.
- Đối với đoạn 2: Nói tóm lại, đoạn thơ bức tranh tứ bình trên đã khắc họa tài tình vẻ đẹp hài
hòa của cảnh và người Việt Bắc trong nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi bằng âm hưởng nhớ
nhung da diết, ngọt ngào, sâu lắng; nhịp thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, bâng khuâng.
- Đối với đoạn 3: Nói tóm lại, đoạn thơ đã tái hiện lại một cách chân thực khí thế ra trận hào
hùng của quân và dân ta với ý chí chiến đấu quyết tâm giành lại hòa bình cho dân tộc.
- Phần chung: Đặc biệt, Tố Hữu đã đóng góp vào nền thơ ca kháng chiến một tiếng thơ vô
cùng độc đáo, thể hiện truyền thống ân tình ân nghĩa của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể
hiện khát vọng sống tự do, hạnh phúc.

You might also like