You are on page 1of 7

TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

TRONG BỐI CẢNH COVID-19 TẠI VIỆT NAM

Thái Minh Châu1 22A4010309


Hứa Thảo Hương2 22A4010014
Bùi Thị Quỳnh Chi3 22A4010020
1
Lớp K22CLCB Khoa Tài chính Ngân Hàng
2
Lớp K22CLCB Khoa Tài chính Ngân Hàng
3
Lớp K22CLCB Khoa Tài chính Ngân Hàng
2
Email: huathaohuong4@gmail.com
2
Số điện thoại: 0342382068
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, việc phổ cập tài chính hay tài chính cá nhân
đã không còn xa lạ ở nhiều nước, nhưng tại Việt Nam, các khái niệm này còn khá mới lạ. Nhận
thức đúng đắn về tài chính cá nhân không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi
người nói riêng, mà còn giúp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính và sự phát
triển bền vững của xã hội nói chung. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra tổn thất
nặng nề về mặt kinh tế của người dân. Do vậy, việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân là
chưa đủ để giúp mọi người thích ứng và vượt qua đợt khó khăn này. Bên cạnh đó, điều quan
trọng hơn cả là phải có một phương pháp quản lý tài chính cá nhân thật hữu ích và áp dụng nó
vào trong chi tiêu thực tế của bản thân sao cho hiệu quả mới là giải pháp cần thiết. Bài viết này
sẽ đưa ra những nhận định dễ hiểu và đúng đắn về tài chính cá nhân, giúp người đọc có thể nắm
bắt được những kiến thức cơ bản về tài chính. Đồng thời, bài viết làm rõ tầm quan trọng của
quản lý tài chính cá nhân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, từ đó đề xuất những phương
pháp hiệu quả giúp cá nhân có thể giải quyết được những vấn đề về tài chính. Thông qua bài
viết, nhóm tác giả mong rằng việc phổ cập kiến thức về tài chính nói riêng và quản lý tài chính
cá nhân nói chung sẽ được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam để mỗi người sẽ làm chủ được tài
chính, làm chủ cuộc sống của chính mình. 
Từ khóa: kĩ năng quản lý tài chính cá nhân, Covid-19, tầm quan trọng, phương pháp quản lý tài
chính.

1. Khái niệm về quản lý tài chính


1.1. Quản lý tài chính cá nhân

Quản lý tài chính cá nhân là việc ứng dụng những nguyên tắc tài chính vào những quyết
định về tiền bạc của một cá nhân hay gia đình. Đồng thời, nó cũng đưa ra những phương thức để
cá nhân hoặc một gia đình hoạch định ra ngân sách, tiết kiệm, kiếm tiền và chi tiêu các nguồn
tiền mặt theo thời gian, có tính đến các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai. Mục đích
cuối cùng của việc này chính là giúp đồng tiền có thể tự sinh ra lợi nhuận. Trong đó, cá nhân là
chủ thể đóng vai trò người quản lý cấp cao nhất, có quyền điều hành và quyết định mọi công
việc. 
1.2. Quy trình quản lý tài chính cá nhân

Việc quản lý tài chính có thể được coi là một quá trình thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh
giá thường xuyên một kế hoạch tổng thể nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính trong cuộc
sống. Thông thường việc hoạch định tài chính phải trải qua năm bước:

Bước thứ nhất, đánh giá tình hình tài chính của mỗi cá nhân thông qua liệt kê chi tiết các
tài sản, khoản nợ phải trả, và báo cáo thu nhập để theo dõi khoản thu nhập và chi phí.

Bước thứ hai, xác định được mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. Việc chia các mục
tiêu theo mốc thời gian đó sẽ giúp mỗi cá nhân dự trù được các khoản phải chi, cũng như khoản
tiết kiệm cho từng mốc dự định khác nhau, không chi tiêu quá mức và hạn chế những khoản nợ
vượt mức.

Bước thứ ba, thiết lập những kế hoạch tài chính cụ thể, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu
không cần thiết, đồng thời tìm cách tăng tài sản cá nhân như đầu tư vào chứng khoán, bất động
sản hoặc tiến hành kinh doanh.

Bước thứ tư, thực hiện các kế hoạch tài chính với những quy tắc và kỷ luật nhất định. Để
làm được điều này thì mỗi cá nhân cần có sự hiểu biết nhất định về tài chính nói chung và dòng
tiền nói riêng giúp họ sử dụng dòng tiền vào đầu tư một cách hợp lý nhằm sinh ra lợi nhuận, gia
tăng khoản thu nhập; từ đó tạo ra khoản dư dả để nâng cao mức sống.

Bước cuối cùng, giám sát, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp những mục tiêu, kế hoạch
đã đề ra, đồng thời quản lý, theo dõi những khoản chi, khoản thu để quản lý dòng tiền cá nhân có
hiệu quả hơn.

2. Thực trạng quản lý tài chính cá nhân ở Việt Nam và ảnh hưởng của Covid 19 đến tài
chính cá nhân
2.1. Thực trạng tài chính cá nhân

Theo kết quả của "Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á – Thái
Bình Dương" thực hiện trong năm 2021, phần lớn người Việt Nam đang trong trạng thái “căng
thẳng” về tài chính. Trong số đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc ở Việt
Nam cao nhất trong những nước được khảo sát. Nguyên nhân nổi bật nhất chính là người dân
Việt Nam chưa có sự quan tâm nhiều đến những kiến thức về quản lý tài chính. Thêm vào đó,
những khóa học về tài chính cơ bản nhằm nâng cao hiểu biết cần thiết về tài chính và cách quản
trị tài chính cá nhân chưa phổ biến tại Việt Nam.
Ngoài ra, mức độ quan tâm về vấn đề an ninh tài chính cá nhân ở Việt Nam còn chưa cao.
Mặc dù nước ta đang trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và công nghệ tài chính phát triển
mạnh mẽ, nhưng các rủi ro trong quản lý tài chính cá nhân, hành vi lừa đảo, những vấn đề liên
quan đến xâm phạm bí mật thông tin riêng tư… ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, các văn bản
pháp quy liên quan tới các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chưa đầy đủ và rõ ràng. Cụ thể, việc
phát triển dịch vụ tài chính cá nhân sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan giữa các bên và cần có
các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách
hàng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chưa có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng và các điều
kiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân, đội ngũ tư vấn tài chính chưa được đào
tạo chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng để tư vấn cho khách hàng.

Có thể thấy rằng, không chỉ nằm ở việc kiến thức về tài chính cá nhân của người dân Việt
Nam còn hạn chế mà các doanh nghiệp, chính phủ còn chưa có những hướng đi phù hợp giúp đỡ
cá nhân trong việc quản lý tài chính. Điều này dẫn đến việc nhiều người dân vẫn chưa kiểm soát
được khoản tiền thu nhập và chi tiêu của bản thân và gia đình.
2.2. Ảnh hưởng của Covid đến tài chính cá nhân

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp với các biến
chủng nguy hiểm đã tác động tiêu cực đến Việt Nam, trong đó làm thay đổi phương thức quản
trị, cấu trúc kinh tế và đời sống xã hội cả nước. Nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm
nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình
quân của người lao động theo đó cũng bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu
việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế
giảm trong thời gian trước dịch. Chỉ tính riêng trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu
người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất
việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…Tỷ lệ thất nghiệp
của thanh niên (15-24 tuổi) luôn duy trì ở mức cao, và thanh niên không có việc làm, không
tham gia học tập hoặc đào tạo liên tục tăng.

Dịch bệnh kéo dài dẫn đến phát sinh thêm rất nhiều chi phí, trong đó bao gồm chi phí nhu
yếu phẩm, chi phi sinh hoạt, tiền thuê nhà đối với lao động đi thuê,...Đặc biệt, nguồn cung ứng
mặt hàng thiết yếu giảm đã tác động lên giá sản phẩm tiêu dùng tăng cao, thậm chí có một số
mặt hàng tăng lên gấp hai, ba lần so với giá gốc ban đầu. Trong khi đó, chi phí tiền điện, tiền
Internet, tiền kết nối 3G, 4G,...cũng tăng lên do các trường đã chuyển sang hình thức dạy và học
trực tuyến nhằm đảm bảo cung cấp kiến thức cho học sinh, sinh viên; các doanh nghiệp cũng
chuyển sang hình thức làm việc tại nhà trong các đợt giãn cách xã hội. Ngoài ra, không thể
không kể đến các khoản chi phát sinh bất ngờ như chi phí khám, chi phí xét nghiệm, chi phí cách
ly… Hơn thế nữa, Covid-19 cũng ảnh hưởng xấu đến các khoản vay cá nhân do thu nhập người
lao động giảm dẫn đến áp lực trong việc “xoay xở” cả gốc lẫn lãi để trả nợ.

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ người dân nhưng
những chi phí kể trên đã tạo áp lực không nhỏ đến các các cá nhân mất việc làm hoặc thu nhập
thấp, không đều đặn. Tóm lại, trước những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, việc quản lý tài
chính hiệu quả là việc rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người và mỗi hộ gia đình.

3. Tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh Covid-19

Với những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, đây có thể là cơ hội thúc đẩy mỗi người
xem lại và thay đổi cách quản lý chi tiêu của mình. Từ đó có thể thấy, vai trò của việc xây dựng
tài chính cá nhân trong tình hình dịch bệnh hiện nay đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích
về mọi mặt trong cuộc sống.

Đầu tiên, quản lý tài chính giúp cá nhân hiểu hơn về tình trạng tài chính của bản thân. Nắm
vững kiến thức về tài chính chính là chìa khóa để có thể đạt được những mục tiêu trong cuộc
sống. Khi bắt đầu quản lý tài chính, cá nhân sẽ có cái nhìn rõ hơn về đồng tiền cũng như cách sử
dụng chúng. Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp xác định được thứ tự quan trọng của
những khoản cần chi tiêu, nhất là trong việc mua sắm. Cụ thể, với phương pháp quản lý khoa
học, cá nhân sẽ chú trọng chi tiền cho những khoản thiết yếu như hóa đơn điện nước, nhu yếu
phẩm hàng ngày và cắt giảm tối đa những khoản chi không cần thiết. Thêm vào đó, mỗi người
nhận biết được mức độ đáp ứng nhu cầu của thu nhập hiện tại và tìm các biện pháp để cải thiện
nguồn tài chính với những cách đầu tư tốt nhất để gia tăng nguồn tiền hiện có. Nói cách khác,
thông qua việc quản lý tài chính cho bản thân, cá nhân sẽ hiểu được quy luật và cách hoạt động
của đồng tiền nhằm đảm bảo cân bằng tài chính, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm từ thu nhập.

Thứ hai, quản lý tài chính cá nhân giúp chủ động về tài chính trong bất cứ trường hợp nào,
đặc biệt là những sự kiện bất ngờ xảy ra như trong dịch Covid-19. Thực tế cho thấy khi đại dịch
xảy ra, rất nhiều người rơi vào tình trạng tê liệt về tài chính, không thể lo cho gia đình hay thậm
chí là cho bản thân mình. Lý do dẫn đến điều đáng buồn đó là bởi người lao động chưa xây dựng
được một kế hoạch tài chính cá nhân cụ thể trước khi đối mặt với sự thay đổi bất ngờ ở hiện tại.
Do vậy, việc lên kế hoạch và xây dựng một khoản tiền dự phòng là điều hết sức cần thiết dù
đang trong bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào. Khoản tiền này sẽ giúp cá nhân nắm thế chủ động
trong mọi trường hợp xảy ra bất ngờ, ví dụ như bệnh tật, tai nạn, sự cố nhà cửa,…Do đó, việc lập
kế hoạch quản lý tài chính là vô cùng quan trọng, đảm bảo sự an tâm cho chính bản thân và
người thân.

Thứ ba, bên cạnh đó, quản lý tài chính cá nhân giúp quản lý và hạn chế tối đa các khoản nợ
không cần thiết. Mặc dù việc có một vài khoản nợ không thực sự là vấn đề lớn nhưng khi có quá
nhiều khoản nợ xấu cần chi trả và thu nhập “không đủ sức” thì đó lại là mối đe dọa cho tình hình
tài chính cá nhân trong tương lai. Để hạn chế tình trạng đó, hiểu biết rõ về quản lý tài chính cá
nhân sẽ giúp cân nhắc và kiểm soát tình trạng nợ nằm ở mức an toàn, từ đó nhanh chóng hoàn tất
thanh toán nợ xấu để có cơ hội tiết kiệm, đầu tư cho sau này. Nguyên nhân chủ yếu mà nhiều
khoản nợ phát sinh là do việc chi tiêu luôn nhiều hơn thu nhập. Trong một số trường hợp, tỷ lệ
chi tiêu cao hơn tỷ lệ tăng thu nhập đã dẫn đến việc bội chi và không thể kiểm soát được thu
nhập của bản thân. Do vậy, quản lý tài chính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm
soát các khoản bội chi, lập kế hoạch chi trả cho các khoản nợ, nhất là trong hoàn cảnh dịch
Covid-19 hiện nay.

Thứ tư, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả giúp cải thiện và nâng cao mức sống. Am hiểu
về tài chính và lập các mục tiêu tương lai không chỉ giúp ổn định tài chính, chuẩn bị sẵn sàng các
khoản dự phòng giải quyết rủi ro có thể xảy ra trong tương lai mà còn gia tăng tài sản của bản
thân nhanh chóng, dẫn đến việc tự do trong chi tiêu cuộc sống. Thay vì suy nghĩ đắn đo về khoản
tiền cho các nhu cầu tối thiểu, việc tự do tài chính giúp cá nhân thoải mái hơn trong việc chi tiêu
và dành thời gian nâng cao chất lượng cuộc sống, tập trung vào bản thân nhiều hơn. Cụ thể, lập
kế hoạch tài chính rõ ràng cũng như đầu tư tiền một cách chính xác, sẽ mang lại cho bản thân
nhiều lợi nhuận hơn thay vì để tiền nằm yên trong tài khoản ngân hàng. Tích lũy và đầu tư là
phương pháp dễ dàng để “tiền đẻ ra tiền”. Ngoài phương pháp tiết kiệm tiền ở ngân hàng ở mức
lãi suất nhất định, mỗi cá nhân có thể tham gia kênh đầu tư và kiếm thêm nhiều khoản tiền khác
nhau mang lại mức lợi nhuận cao, thậm chí là gấp hai, ba lần số vốn ban đầu làm nâng cao mức
sống của bản thân, gia đình. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến thu nhập của
người dân nhưng đây cũng là một cơ hội để xem xét lại chi tiêu và đầu tư vào các cơ hội lớn hơn
nhằm mang lại cho cá nhân thêm nhiều nguồn tiền khác.

4. Phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả


4.1. Ghi chép lại chi tiêu

Mục đích cơ bản của việc quản lý là kiểm soát hành vi, đảm bảo chi tiêu nhỏ hơn thu nhập
và có cơ hội tiếp cận đến các khoản đầu tư. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất cần ghi nhớ để có
thể thực hiện thành công việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Do đó, luyện tập thói quen ghi
chép lại các chi phí hằng ngày là phương pháp đơn giản nhất nhằm kiểm soát được các hành vi
chi tiêu. Mặc dù thời gian đầu tập quản lý tài chính có thể sẽ rất khó khăn và khó duy trì, nhưng
luyện tập cho bản thân một thói quen tốt sẽ giúp cá nhân cân đối và quản lý chi tiêu thực hiện
những mong muốn.

Ngoài ra, trong ghi chép chi tiêu, mỗi cá nhân có thể phân bổ lại những khoản tiền cần
dùng như giảm chi tiêu cá nhân còn 50% thu nhập; sử dụng 20% thu nhập cho học tập, gia đình,
bạn bè; và 30% thu nhập còn lại để đầu tư. Vậy nên phương pháp ghi chép lại những khoản đã
thu và khoản phải chi là rất cần thiết hiện nay để mỗi cá nhân điều chỉnh lại nhu cầu chi tiêu của
mình, thích nghi với những khó khăn gặp phải.
4.2. Lựa chọn ưu tiên trong chi tiêu

Nhu cầu là những thứ mà con người phải có để tồn tại, trong khi mong muốn là những điều
mọi người thích nhưng không quá cần thiết. Vậy nên, phương pháp này sẽ giúp cá nhân chi tiêu
dựa trên nguyên tắc: hãy ưu tiên nhu cầu và cố gắng hạn chế các mong muốn không cần thiết.

Trong nhu cầu hằng ngày, cá nhân nên liệt kê ra những khoản phải chi trong một tháng và
cố gắng sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để chi trả từ trên xuống dưới. Cụ thể,  những chi phí
như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện nước và tiền đi lại được đặt lên đầu. Sau khi thanh toán
hết những nhu cầu bắt buộc của đời sống, cá nhân mới cân nhắc tới những mong muốn khác để
tránh trường hợp không thể thanh toán được những nhu cầu do chi tiêu không hợp lý, dễ dẫn đến
tình trạng nợ nần, chật vật trong cuộc sống sinh hoạt.

Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy sự phổ biến của hình thức thương mại điện tử trong
giai đoạn dịch Covid-19. Người dân có xu hướng mua hàng trực tuyến nhiều hơn và chính điều
này sẽ dẫn đến việc mua sắm vượt quá hạn mức chi tiêu của bản thân. Lý do xuất phát từ những
chương trình giảm giá, miễn phí giao hàng để kích cầu người tiêu dùng của các nhà bán hàng.
Do đó, mỗi cá nhân cần trở thành những nhà tiêu dùng thông thái khi mua sắm. Trước khi mua
đồ, nên chuẩn bị sẵn danh sách những mặt hàng thiết yếu, ước tính số tiền cần chi để điều chỉnh
sao cho hợp lý với ngân sách và ưu tiên vật dụng có chất lượng tốt nhằm đảm bảo thời gian sử
dụng lâu dài. Mặc dù giá thành của món đồ đó cao hơn nhưng xét về lâu dài, chúng sẽ tiết kiệm
được một tiền đáng kể cho cá nhân vì không cần sắm món đồ mới để thay thế.
4.3. Tạo nguồn thu nhập thụ động

Để đạt được tự do tài chính, cá nhân cần phải tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau nên
không thể không nhắc đến phương pháp tạo thu nhập thụ động. Thu nhập thụ động mang lại một
dòng chảy kinh tế ổn định và đều đặn. Đây không chỉ là một trong những cách thức kiếm tiền,
nâng cao nguồn thu nhập tốt nhất mà còn mang lại cho mỗi người quỹ thời gian nhàn rỗi quý
báu. Từ quỹ thời gian này, mỗi cá nhân có thể tiếp tục nghiên cứu và tìm cách đẩy mạnh thêm
nhiều nguồn thu nhập thụ động khác.

Đặc biệt trong thời buổi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn thu nhập bị ảnh
hưởng nặng nề do các công ty gặp khó khăn phải cắt giảm tiền lương, thậm chí giảm bớt nhân sự
gây ra tình trạng thất nghiệp kéo dài. Để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch, nhiều người đã
chuyển sang làm những công việc khác nhau nhằm tạo ra nguồn thu đa dạng như: bán hàng
online, đầu tư chứng khoán, tạo blog hay mở Youtube… Đó đều là những cách kiếm tiền thụ
động rất thích hợp với hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại trong khi họ không thể đến công ty làm việc.
Thậm chí khi dịch bệnh được kiểm soát thì người lao động vẫn có thể cùng lúc đi làm cũng như
tiếp tục với những công việc tạo ra nguồn thu nhập thụ động đó.

Thu nhập thụ động có thể không phải là câu trả lời cho tất cả các vấn đề trước mắt, nhưng
cũng là con đường dẫn đến thành công và là nền tảng cho hạnh phúc. Chỉ khi không bị căng
thẳng để kiếm đủ tiền chi trả cho các sinh hoạt, thì cuộc sống sẽ trở nên viên mãn hơn. Đó chẳng
phải là mục tiêu đặt ra khi trả lời cho câu hỏi: “Tại sao cần quản lý tài chính cá nhân có hiệu quả
trong thời buổi dịch bệnh” hay sao?
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quỳnh Chi (2020), “Quản trị tài chính cá nhân mùa dịch Covid-19”, Tạp chí Tài chính –
Tháng 4/2020

[2] Tổng cục thống kê (2021), “Tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng các khu vực kinh tế
quý III năm 2021”, Tổng cục thống kê Việt Nam – Tháng 10/2021

[3] Đặng Hiếu (2021), “Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người lao động”, Báo điện tử
Đảng cộng sản Việt Nam – Tháng 10/2021

[4] Chu Thanh Vân (2021), “Người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Mất việc và
gánh nặng chi phí”, Thông Tấn Xá Việt Nam – Tháng 9/2021

[5] Tấn Minh (2021), “Người tiêu dùng thận trọng hơn về hoạt động tài chính cá nhân hậu
Covid-19”, Thời báo tài chính Việt Nam – Tháng 11/2021

[6] L.Mỹ (2021), “67% người dùng tại Việt Nam cảm thấy "căng thẳng" về tình trạng tài chính”,
Diễn đàn doanh nghiệp – Tháng 9/2021

[7] Thanh Thư (2021), “Xây nguồn thu nhập thụ động càng sớm càng tốt”, Báo điện tử
VnExpress- Tháng 10/2021

[8] Nguyễn Hữu Tài (2009), “Giáo trình lý thuyết tài chính tiền tệ”, Nhà xuất bản Đại học kinh
tế quốc dân.

You might also like