You are on page 1of 17

Bí kíp

ứng tuyển thành công


vị trí content writer
dành cho người mới
Jeen Nguyễn | jeennguyen.com
Về Jeen Nguyễn
Xin chào, cảm ơn bạn đã quan tâm đến ebook của Jeen Nguyễn.

Jeen Nguyễn đang là freelance content creator và blogger tại


jeennguyen.com.

Ngoài công việc sáng tạo nội dung đã thực hiện từ 2 năm nay,
Jeen cũng là người có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực
tiếp thị nội dung, và đảm nhiệm nhiều vị trí liên quan đến quản
trị nội dung tại các agency.

Jeen Nguyễn
Bắt đầu ở đây!

Cuốn ebook này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh


hơn về việc ứng tuyển vào các công ty hay tổ chức
với vị trí chuyên viên hoặc người viết nội dung.

Điều bạn cần làm đầu tiên

Bạn cần xác định rằng đây không phải cuốn ebook sẽ giúp bạn thành
công khi ứng tuyển. Nó là một bản chia sẻ kinh nghiệm để chuẩn bị
từng bước cho công cuộc ứng tuyển và phỏng vấn sắp tới của bạn mà
thôi.

Hãy giữ cho mình một trái tim bình tĩnh, mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng
và tinh thần thoải mái để bắt đầu khám phá những bí kíp được Jeen
tích lũy trong hơn 5 năm nay.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


01. Sơ lược

Thông thường các cá nhân/tổ chức có nhu cầu tuyển content sẽ có 2-3
vòng tuyển dụng.

Vòng 1 - Xét duyệt hồ sơ: sàng lọc và tìm ra các CV hoặc Writing
Portfolio có tiềm năng hơn để lọc lại.

Vòng 2 - Testing: nhà tuyển dụng sẽ gửi một vài bài test để ứng
viên thử sức, thường vòng này sẽ còn tùy vào đơn vị, có nơi có có
nơi thì không.

Vòng 3 - Phỏng vấn: sau 2 vòng trên, nếu được chọn, bạn sẽ phỏng
vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng (có thể là nhiều người phỏng vấn
một lúc: trong đó có leader trực tiếp, HR và một vài bộ phận cấp
trên liên quan)

Lưu ý: Trên đây là hình thức tuyển dụng tham khảo dựa trên tình hình
chung. Thực tế sẽ tùy vào từng công ty. Có nơi sẽ phỏng vấn trước sau
đó mới gửi bài test rồi lại phỏng vấn thêm lần cuối (thường là phỏng
vấn để deal lương và nói về chế độ đãi ngộ hay là các vấn đề công ty
để tìm điểm chung phù hợp với ứng viên). Cũng có nơi không cần làm
bài test luôn vì thể nào vô làm cũng biết bạn làm ăn ra sao.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


02. Chuẩn bị

Đây là giai đoạn nền tảng để giúp bạn thu hút được nhà tuyển dụng chú
ý đến hồ sơ năng lực của bạn.

a, Muốn ứng tuyển gì, bạn phải tìm hiểu kỹ yêu cầu công việc đó trước

Một trong những sai lầm lớn của các bạn mới tìm việc hoặc chưa nhiều
kinh nghiệm ứng tuyển là không tìm hiểu kỹ công việc mình đang apply.

Mỗi công việc sẽ có những yêu cầu riêng. Trong đó thường bao gồm
chuyên môn ngành nghề, kỹ năng mềm và tiềm năng để thăng tiến lên
cấp cao hơn. 2 vấn đề đầu tiên ắt hẳn bạn đã được nghe nhiều. Tuy
nhiên, tiềm năng thăng tiến lên cấp cao hơn lại ít được quan tâm. Ví dụ:
để lên senior content writer thì trong quá trình làm việc ở cấp junior
thôi bạn cần học gì chẳng hạn.

Vậy nên hãy tìm hiểu cả 3 điều này xem mình có gì, thiếu gì sẽ cần học
gì để chuẩn bị CV và portfolio cho phù hợp.

Thông thường mô tả nghề nghiệp của content writer sẽ bao gồm các
gạch đầu dòng bên dưới:
Khả năng nghiên cứu các lĩnh vực liên quan, từ đó chuẩn bị tư liệu
sản xuất nội dung.
Viết thật tốt để quảng bá, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ.
Chuẩn bị các hạng mục, đảm bảo chất lượng nội dung.

Bạn có thể đọc thêm ở bài viết này, tôi thấy khá đầy đủ. Tất nhiên, tùy
doanh nghiệp/tổ chức sẽ có thêm hoặc bớt các yêu cầu.

Bạn nên tự kiểm tra trên list yêu cầu công việc và xem thử mình đáp
ứng được bao nhiêu phần trăm. Lưu ý phần kinh nghiệm sẽ có nơi nhận
người chưa có kinh nghiệm nên bạn cứ yên tâm. Nếu bạn đáp ứng
được/hoặc nghĩ mình học được ít nhất 60-70% thì tự tin lên, bạn làm
được.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


02. Chuẩn bị

b, Suy nghĩ kỹ về lộ trình (career path) của bạn trước khi chọn nơi
apply

Career path (lộ trình sự nghiệp) là một vấn đề quan trọng nên xác định
từ đầu trước khi apply. Không hẳn tất cả tin ứng tuyển đều cùng một
kiểu. Nơi này yêu cầu kiểu này, nơi kia yêu cầu kiểu khác nhưng cái title
công việc vẫn vậy. Quan trọng là bạn phải hiểu con đường mình muốn
đi. Ví dụ như tôi, tôi có thể chấp nhận làm tất cả những việc liên quan
đến chuyên môn viết content nhưng sẽ không chấp nhận triển khai thiết
kế hình ảnh. Đó là lựa chọn sự nghiệp và hướng đi của tôi.

Bạn cần hiểu điểm mấu chốt và khả năng chấp nhận của mình để khi
deal làm fulltime dễ dàng hơn. Cần hiểu rằng: một công việc sẽ không
bao giờ toàn nhiệm vụ bạn thích, được cái này mất cái kia. Quan trọng
là bạn có thể chấp nhận ở khoảng phần trăm nào sẽ tốt nhất cho lộ
trình của riêng bạn.

Nó càng đặc biệt quan trọng khi nhận được câu hỏi: “Nếu là một thành
viên công ty, 1-2 năm tới em muốn đảm nhiệm vị trí nào, hay mục tiêu
thăng tiến của em là gì?”.

Trả lời câu này tốt và rõ ràng, bạn sẽ có cơ hội thành công cao.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


02. Chuẩn bị

c, Sàng lọc các công ty để ứng tuyển phù hợp với lộ trình và khả năng

Tôi thường hay nói với học viên khi hướng dẫn tìm “bến đỗ” mới: giống
như thi đại học, ứng tuyển việc mới cũng cần chiến lược và chiến thuật.
Bạn sẽ cần nhiều hơn là chuyên môn nghề nghiệp. Bạn cần lọc được
nơi nào đáp ứng được mục tiêu nghề nghiệp đề ra bên trên đồng thời
vừa sức hiện tại của bạn.

Ví dụ: nếu bạn muốn vào một công ty global agency, ở thời điểm bạn
chưa từng làm ở global nào trước đó, phần trăm lớn vị trí bạn có thể
apply thành công cao là intern chứ không phải junior dù bạn đã có 2-3
năm kinh nghiệm nơi khác. Nguyên nhân vì vào global agency thường
sẽ có quy trình khác, họ cần training lại bạn nên họ thường nhận intern
hoặc nhân sự từ global khác.

Vậy làm sao để biết khả năng của mình apply vào nơi đó có khả năng
cao không? Cách của Jeen là sẽ nghe ngóng từ người quen xem thử
môi trường đó sẽ yêu cầu điều gì. Nếu bạn không có người quen trong
ngành, có thể lên các group về content và nghề content để hỏi thăm.

Bên cạnh đó, tôi cũng thường cho mình một vài cơ hội để thất bại. Tức
là nếu thích một bên nào quá nhưng tự biết mình không đủ khả năng,
tôi vẫn apply thử. Tại sao ư? Vì tôi không thích cảm giác hối hận.

Bạn hoàn toàn có thể cho phép mình có vài lần apply một cách vô tư
như vậy. Bởi vì dù sao bạn cũng sẽ không hối hận những điều bạn đã
cố gắng hết sức mình. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ nhận về những bài
học.

Trong những lần tôi apply thất bại ấy, tôi đã gặp được rất nhiều anh/chị
lớn trong ngành - những người cho tôi lời khuyên và hướng đi phù hợp
với mình.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


02. Chuẩn bị

d, Thể hiện khả năng và tư duy content marketing trong CV/Portfolio

Tôi đã đọc nhiều CV và phát hiện ra một điều: đa phần các bạn viết CV
khá dàn trải, chung chung và không thực sự ấn tượng với công việc
đang apply.

Bạn cần hiểu rằng: CV hay Portfolio là “điểm chạm” đầu tiên giữa bạn
và nhà tuyển dụng.

Nếu bạn không biết cách quảng bá bản thân hiệu quả trên đó, liệu bạn
có thể giúp công ty quảng bá sản phẩm của họ không. Content Writer
hay Specialist đều làm Marketing mà.

Từ bây giờ bạn nên ứng dụng tư duy content marketing của mình vào
việc ứng tuyển vì bạn là content writer/specialist đó. Theo đó:
Sản phẩm cần bán: Chính bạn và khả năng content của mình.
Loại hình thể hiện: Ngôn từ hình ảnh trên CV/Portfolio.
Công chúng mục tiêu: Nhà tuyển dụng - người cần tuyển content
writer/specialist (ở đây là HR, Content Leader hay thậm chí là CEO)

Từ đây bạn áp dụng phân tích chính bạn và công chúng mục tiêu cho
Jeen như bạn đang làm quảng bá cho nhãn hàng.

Tôi gợi ý một vài câu hỏi để bạn có thể suy nghĩ ngay từ bây giờ luôn:
Unique Selling Point (USP - Lợi thế cạnh tranh độc đáo) của bạn là
gì?

Gợi ý: Hãy chọn 2-3 USP, chính USP này khi kết hợp với công chúng mục
tiêu sẽ giúp bạn tìm được đâu mới là nơi bạn nên apply để có khả năng
thành công cao nhất.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


02. Chuẩn bị

Để bán được chất xám và khả năng lao động của bản thân, phân
tích xem SWOT (Điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức) trong
việc này của bạn là gì?

Gợi ý: Đây là phân tích của tôi khi apply agency đầu tiên. Điểm mạnh
(viết tốt và khả năng tư duy - tự học mạnh mẽ) - Điểm yếu (thiếu kinh
nghiệm đa kênh và chưa làm ở nhiều nơi nên hồ sơ năng lực không đa
dạng, chỉ về Facebook) - Cơ hội (tôi luyện được khả năng ở nhiều lĩnh
vực và kênh truyền thông) - Thách thức (có thể sẽ bị từ chối vì chưa đủ
kinh nghiệm như yêu cầu, vị trí cạnh tranh cao).

Dựa trên SWOT trên, tôi bắt đầu phân tích khả năng thành công
của bản thân và tìm hướng để giải quyết điểm yếu cũng như giải
pháp cho thách thức.

Gợi ý: Tôi tập trung thể hiện khả năng viết của mình nhiều hơn và chọn
một điều gì đó nổi bật (lúc đó chính là khả năng tự học và đọc sách).

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


03. Chuẩn bị

e, Về Viết CV và Content Portfolio

Đối với CV, đọc nhiều mới thấy các bạn không có trọng tâm nghề
nghiệp để ghi chú trong CV. Ngoài ra cũng hay tham lam kể thật nhiều
kinh nghiệm mà không quan tâm xem việc đó có thực sự làm người
đọc thấy mình có kinh nghiệm nghề đó thật sự hay không. Bạn nên cẩn
trọng chọn lọc kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến content writer hoặc
ít nhất phải biết nó hỗ trợ gì cho công việc đó, tuyệt đối không lan man
ra nhiều việc nhưng không liên quan đến việc đang ứng tuyển.

Ví dụ nếu bạn đưa phần trực fanpage hay sale vào portfolio thì bạn nên
nêu ra được việc đó hỗ trợ gì cho việc làm content của bạn chứ không
chỉ nên list ra các đầu việc bạn đã làm. Cái quan trọng của những kinh
nghiệm không phải bạn đã làm được những đầu việc gì mà qua kinh
nghiệm làm việc đó, bạn học được gì đấy. Bạn nào đang có ý định
chuyển ngành lưu ý điều này để làm CV cho dễ nghe.

Có một lưu ý về trình bày content tôi luôn tuân thủ, đó là cái gì muốn
người ta nhớ phải đặt lên chỗ có vị trí đẹp và dễ nhìn nhất. Cái nào mà
bạn thấy quan trọng và đáng ghi nhớ nhất của bạn thì nên thiết kế nó ở
chỗ dễ thấy nhất nha.

Riêng về việc tạo Content Portfolio cá nhân, bạn tham khảo ở 2 bài viết
tôi đã hướng dẫn rất kỹ Từ a đến Z về Content Portfolio và Kể chuyện
trong làm Portfolio.

f, Cuối cùng gửi email ứng tuyển

Bạn là một người làm content writer, trách nhiệm chính là viết. Vậy nên,
cách viết email cũng thể hiện điều đó nè. Bạn hãy chú trọng nhiều hơn
để cách viết. Đọc thêm bài viết kinh nghiệm viết và gửi email và bài
viết cách viết mail xin việc ấn tượng để chinh phục mọi nhà tuyển dụng
này để tham khảo thông tin chi tiết.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


03. Ứng tuyển: Test và phỏng vấn

a, Bài Test

Nếu được yêu cầu làm test, bạn nên kiểm tra kỹ phần bài test với các
ghi chú sau:

Đọc kỹ test. Nếu có vấn đề không hiểu hãy note ra và hỏi lại qua
mail.

Khi nhận được email test đừng quên gửi mail bao gồm các thông
tin sau: cảm ơn vì cơ hội, xác nhận lại sẽ thực hiện + deadline
(hoặc deal deadline khác) và thắc mắc (nếu có).

Bài test không nên quá 3 bài. Bên nào yêu cầu làm quá nhiều test
thì không nên chấp nhận nếu bạn không khát khao muốn vào. Với vị
trí content writer hoặc specialist, khả năng tư duy viết và triển khai
viết là quan trọng nhất. Đó là 2 trọng điểm của test bạn có thể
chấp nhận được. Còn các yêu cầu phụ thêm đó là mong muốn của
nhà tuyển dụng (ví dụ như làm hình ảnh, video, v.v…), quyết định
làm hay không là tùy bạn.

Bài test không được sử dụng cho mục đích khác ngoài việc ứng
tuyển. Bên tuyển dụng không được sử dụng sau khi ứng tuyển
không thành công nếu không trả phí hoặc có sự đồng ý của bạn.

Bài test có thể được yêu cầu làm gấp (như sáng mail test, chiều
gửi lại) nhưng không có nghĩa là bạn phải đồng ý deadline đó.
Nhiều bên (nhất là agency) dùng deadline gấp để xem khả năng
làm việc dưới áp lực của bạn. Nếu bạn cân nhắc làm được thì hãy
hẹn thời gian họ đưa ra, còn không bạn có thể deal phù hợp vì bạn
nên gửi sản phẩm chất lượng để thể hiện bản thân tốt nhất chứ
không phải chạy theo deadline và gửi lại bài test tạm bợ. Nước đi
này làm giảm sức cạnh tranh của bạn với những ứng viên khác đấy.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


03. Ứng tuyển: Test và phỏng vấn

a, Bài Test

Sau khi hoàn thành test, đừng quên check định dạng phù hợp không (ví
dụ file trình bày ý tưởng nên là file PDF, file viết bài nên là file word
hoặc Google tài liệu), tiêu đề + tên lưu file có phù hợp chưa (như bao
gồm họ và tên bạn chưa) cũng như cách trình bày file test đã phù hợp
và chỉn chu chưa.

Người duyệt bài test của bạn thường là cấp trên trực tiếp, đa phần là
content leader hoặc manager và họ phần lớn xuất thân là content (aka
cảnh sát chính tả, bà hoàng chỉn chu,... đó hihi). Hiểu rồi hén!

Khi mail lại hãy bao gồm phần cảm ơn vì đã quan tâm đến bạn cũng
như bài test, hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác... Nếu bạn cần thông tin
ngày có kết quả, bạn cũng có thể hỏi luôn nhé.

À, đừng quên check xem có đính kèm file test vào email chưa trước khi
bấm gửi nha :)))). Nói chung, cẩn trọng chưa bao giờ là thừa.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


04. Nhận kết quả và chốt deal

Jeen sẽ chia kết quả ra làm 2 loại: thành công và thất bại. Tôi chia sẻ
luôn kinh nghiệm của 2 loại này:

Thành công:
Chúc mừng bạn, vậy là bạn đã apply thành công. Điều bạn cần làm
ngay bây giờ là đọc kỹ mail offer và phản hồi. Cân nhắc và làm rõ offer
của mình, nhất là các đầu việc (tỷ lệ % các công việc là bao nhiêu) và
chế độ lương thưởng đãi ngộ.

Sau đó, hãy email xác nhận hoặc từ chối offer. Đến bước này là tùy cân
nhắc và quyết định riêng của bạn sau khi thương lượng với nhà tuyển
dụng và tổ chức đó.

Thất bại:
Tiếc là hiện tại bạn còn thiếu một chút xíu để thành công. Vậy nếu lỡ
apply thất bại nên làm gì? Câu trả lời của Jeen là hãy bình tĩnh, suy
nghĩ kỹ về quá trình apply xem bạn đã còn chưa ổn chỗ nào và lưu ý lại
làm bài học.

Cuối cùng hãy viết một chiếc email cảm ơn vì cơ hội cũng như bày tỏ
chúc nhà tuyển dụng sớm tìm được người phù hợp, hẹn cơ hội sau. Nếu
có thể, bạn gợi ý nhà tuyển dụng cho bạn xin lý do bạn không thành
công (với trường hợp bạn cảm thấy người ta sẽ welcome trả lời, điều
này tùy vào đợt phỏng vấn và cách họ support bạn nha).

Nếu sau 2-3 tuần phỏng vấn…, bạn vẫn chưa nhận được email trả lời,
phần trăm cao bạn đã trượt. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ cần email lại để xác
nhận nhé.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


05. Ghi chú

a, Đôi khi thất bại không có nghĩa là bạn tệ mà là vì không phù hợp
Đa phần các bạn chưa nhiều kinh nghiệm ứng tuyển tưởng mình trượt
là vì mình dở tệ. Nhưng thật ra cũng còn tùy.

Có một sự thật là ứng tuyển content writer/specialist nói riêng và bất


kỳ vị trí nào nói chung: đôi khi người ta không tuyển người giỏi nhất
mà là tuyển người phù hợp với tổ chức nhất. Bạn có thể là người giỏi
giang nhưng nếu nhà tuyển dụng xét thấy không phù hợp họ vẫn gạch
và từ chối như thường. Không phù hợp ở đây có thể là tầm nhìn tương
lai, cá tính, văn hóa…

Vậy nên thất bại trong ứng tuyển một công ty không có nghĩa là bạn dở
tệ hay không có sức cạnh tranh mà có thể chưa phù hợp với nhu cầu
đó. Việc của bạn là ngồi lại suy xét, rút kinh nghiệm và thay đổi cho cơ
hội sau, chứ không phải buồn bã và chán nản.

b, Đối với công việc content writer, bằng cấp không nhất định phải có
Tại sao tôi khẳng định vậy? Vì tôi có bằng cấp gì đâu.

Quan trọng là khi làm, bạn được việc. Hành động trả lời cho mọi lời nói.
Tất nhiên, việc có bằng cấp thể hiện bạn có nền tảng kiến thức nhất
định nên cũng đừng bỏ lỡ cơ hội được học tập nào.

Ở đây, tôi muốn bạn hiểu: nếu bạn đang từ trái ngành nhảy sang và
không có bằng cấp liên quan, đừng lo vì không thực sự phải có. Bằng
chứng là tôi đây. Vì thế cứ xét trên các bước trên, apply và làm hết sức
không sao cả.

Thái độ quan trọng hơn trình độ:

Câu này chắc là siêu dễ hiểu, đúng không? Thái độ của bạn chiếm đến
60% quyết định bạn có được chọn không. Nhiều nhà tuyển dụng vừa
tuyển vừa phỏng vấn lại vừa quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Vì như
đã đề cập ở trên, trong lúc lơ đãng, con người luôn là chính mình. Một
số ghi chú nho nhỏ sau:

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


05. Ghi chú

Nhận ly nước được mời thì nên cảm ơn.


Đứng dậy ra về thì kéo ghế về chỗ cũ.
Hạn chế khoanh tay lại khi đang nhận phỏng vấn, bạn có thể đặt
tay lên bàn thoải mái ở nơi tất cả người phỏng vấn thấy được.
Trong tâm lý học, việc đang nói chuyện mà khoanh tay lại nghĩa là
bạn không quá thích và có tâm thái bảo hộ bản thân.
Lắng nghe người ta nói chăm chú hay lơ đãng, thậm chí chống
cằm. Lưu ý khi phỏng vấn không nên chống cằm nha, vì đó là biểu
hiện của việc chán nản.
Đi ra khỏi phòng nên khép cửa lại.
v.v…

Với kinh nghiệm đi phỏng vấn nhiều lần và ở trọ chung mấy năm với
một chị HR, tôi xin khẳng định rằng HR tinh tế lắm và là những người
nghiên cứu tâm lý học cũng như nhân tướng học đấy! Vì thế, bạn nên
cẩn trọng nhiều vào.

4, Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao tiềm năng hơn là khả năng
Đôi khi so sánh giữa một người có tiềm năng và có khả năng, nhà tuyển
dụng lại ưu ái người tiềm năng hơn. Lý do cho việc này là vì người tiềm
năng thường chi phí thấp hơn, lại có thể ở lại với doanh nghiệp lâu hơn
vì họ cần học.

Đây chính là cơ hội nếu bạn biết vận dụng những điểm yếu/thiếu sót
của mình và tạo ra tiềm năng cho bản thân, chứng minh cho nhà tuyển
dụng thấy “Bạn tiềm năng, bạn sẽ làm được. Hãy thuê bạn đi!”

5, Cơ hội chỉ đến với người luôn sẵn sàng:


Một trong những điều quý giá nhất tôi học được khi làm Thiết kế công
nghiệp là phải luôn xây dựng hồ sơ năng lực từ từ.

Thói quen của người làm thiết kế là vậy. Họ sẽ không đợi đến lúc cần
đổi việc hay tìm cơ hội mới làm hồ sơ mà thường lưu lại tất cả thông
tin đã làm vào một nơi nào đó và cứ xây lên từ từ.

Jeen Nguyễn | jeennguyen.com


Lời kết
Hy vọng qua ebook nhỏ này bạn đã có được cái nhìn tổng quan
và chi tiết từng bước ứng tuyển vị trí content writer/specialist.

Dù mỗi công ty/tổ chức có yêu cầu khác nhau nhưng đa phần họ
đều sẽ đi theo các bước như trên. Mong là sẽ có nhiều offer
thành công đến mail của bạn!

Lưu ý: Vui lòng tôn trọng chất xám và sáng tạo của người sản
xuất nội dung, artist, designer bằng việc KHÔNG SAO
CHÉP/COPY/REUP. Tất cả nội dung trên thuộc sở hữu của Jeen
Nguyễn. Về thông tin bổ sung, bạn xem thêm tại trang Bản
quyền-hợp tác!

Cảm ơn bạn.

Jeen Nguyễn
Tham khảo khóa học content
Hy vọng qua ebook trên, bạn có thể nhận được những giá trị mình cần
về việc ứng tuyển vị trí content writer/specialist. Nếu bạn cần thêm
những thông tin khác, hãy tham khảo ngay khóa học content cơ bản từ
số 0 được tạo nên và hướng dẫn trực tiếp bởi Jeen Nguyễn.
Contact: jeennguyen95@gmail.com
Ebook Viết của Jeen: https://jeennguyen.com/ebook-nhap-mon-viet/

NHẤN VÀO ĐÂY ĐỂ TÌM HIỂU KHÓA HỌC NGAY!

You might also like