You are on page 1of 2

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối thủ của nhân dân Việt Nam

là đế quốc Mỹ – đế quốc mạnh nhất hành tinh. Để đương đầu và đánh bại kẻ thù
xâm lược, nhất định dân tộc Việt Nam phải mạnh lên. Muốn vậy, ngoài đường lối
kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, cần phải có đường lối và biện pháp xây dựng, bảo
vệ hậu phương, nhằm tạo nên sức mạnh cần thiết ấy.

Về phía đế quốc Mỹ, miền Bắc XHCN luôn là một nhân tố chi phối mọi tính
toán chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhận biết rất
rõ vai trò, vị trí miền Bắc, giới lãnh đạo Mỹ vừa đẩy mạnh nỗ lực quân sự ở miền
Nam, vừa gia tăng các hoạt động chống phá miền Bắc. Đế quốc Mỹ đã hai lần tiến
hành chiến tranh phá hoại, bằng không quân và hải quân với quy mô và cường độ
ngày càng mở rộng, ngày càng khốc liệt đối với miền Bắc và đối với tuyến vận tải
chiến lược Trường Sơn. Mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ là bẻ gãy ý chí kháng
chiến của nhân dân Việt Nam, phá hoại tận gốc tiềm lực và sức mạnh của cuộc
kháng chiến, ngăn chặn sự chi viện từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào
miền Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam trên vùng trời, vùng
biển miền Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã đập tan những nỗ
lực quân sự to lớn của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến,
bảo vệ và mở rộng tuyến vận tải chiến lược Bắc – Nam…
Suốt 21 năm chiến tranh, đặc biệt từ sau Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành
Trung ương Đảng lần thứ 15 (1959), miền Bắc bắt đầu tổ chức chi viện sức người,
sức của cho miền Nam, cho cách mạng Lào và sau đó, cho cách mạng Campuchia.
Sự chi viện đó là to lớn, toàn diện, liên tục, với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng
đòi hỏi của chiến trường. Năm 1959, miền Bắc đưa vào miền Nam hơn 500 người.
Năm 1964, con số đó tăng lên hơn 17.000 người. Trong thời gian diễn ra những
cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972, 1975), nhân lực động viên ở miền Bắc
phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Không tính số quân
bảo vệ miền Bắc, làm lực lượng dự bị chiến lược, chiến đấu và công tác trên tuyến
vận tải 559, chỉ tính riêng số quân đưa vào miền Nam trong các năm kể trên như
sau: Năm 1968 là 141.000 người, năm 1972 xấp xỉ 153.000 người, năm 1975 là
117.000 người. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, các lực lượng vận tải, đảm
bảo giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác gần hàng chục vạn
người cũng được động viên từ miền Bắc.
Về vật chất, miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất, vũ khí,
phương tiện kỹ thuật do nước ngoài viện trợ; tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên,
cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài; tổ chức vận chuyển vượt hàng nghìn kilômét
dưới bom đạn đánh phá của địch tới các chiến trường, các vùng giải phóng. Trong
những năm từ 1965 đến 1968, miền Bắc đưa vào miền Nam khối lượng vật chất
gấp 10 lần so với những năm từ 1961 đến 1964. Con số đó trong những năm chống
chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” còn tăng gấp nhiều lần.
Bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường, miền Bắc còn
tiếp nhận hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, con em miền Nam tập kết; đón tiếp gần
310.000 thương bệnh binh và hơn 350.000 lượt người từ tiền tuyến ra hậu phương
chữa bệnh, học tập… Với chế độ xã hội mới ưu việt được xây dựng và tỏ rõ sức
sống mãnh liệt trong khói lửa chiến tranh, miền Bắc thực sự là chỗ dựa vững chắc
về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày
đêm chiến đấu ở miền Nam, đặc biệt trong những lúc cách mạng miền Nam bị tổn
thất, gặp nhiều thử thách, khó khăn… Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh,
trong 2 năm 1973 và 1974, 25 vạn thanh niên miền Bắc gia nhập lực lượng vũ
trang, 15 vạn quân từ biệt hậu phương vào Nam chiến đấu, hàng vạn cán bộ, nhân
viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền Bắc tới các vùng giải phóng ổn định
tình hình. Lực lượng công binh, bộ đội Đoàn 559, ngành vận tải miền Bắc cùng
hàng vạn dân công hỏa tuyến dồn sức sửa chữa, mở rộng đường Trường Sơn, đặt
thêm đường ống dẫn dầu. Trong hai năm này, 397.000 tấn vật chất từ miền Bắc
được chuyển tới mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho các chiến
trường trong suốt 16 năm trước đó. Trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung
ương quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực. Các quân chủng, binh chủng
cũng khẩn trương phát triển thêm nhiều đơn vị mới.
Được hậu phương miền Bắc chi viện mạnh mẽ, toàn diện, thế và lực cách
mạng miền Nam biến chuyển nhanh chóng, áp đảo quân địch. Trước tình hình đó,
tháng 1/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước
mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cả miền Bắc hướng ra tiền
tuyến, dốc sức chi viện cho miền Nam. Các đoàn cán bộ của đảng, của Bộ Quốc
phòng lên đường tới các mặt trận để đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị. Bộ Chính
trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương do Thủ tướng
Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Trên mọi nẻo đường ra mặt trận, những đoàn xe
vận tải nối đuôi đi suốt ngày đêm, chuyển nhanh các binh đoàn chủ lực, các đoàn
cán bộ dân, chính, Đảng và hàng vạn tấn vật chất vào Nam, tạo ra thế và lực áp đảo
trước khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh bắt đầu. Nhờ đó, cuộc Tổng tiến công và
nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Trên đây là hình ảnh những người thanh niên miền Bắc vói nụ cười rạng rỡ,
mang theo niềm tin tất thắng lên tàu vào Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm
lược. Các anh tham gia cách mạng tuổi đời còn rất trẻ, đa số các anh chỉ từ 18 đến
đôi mươi nhưng ý chí, sự quyết tâm, lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng luôn
sáng ngời trong tâm tưởng. Dường như nụ cười của các anh cũng lan tỏa, báo hiệu
cho toàn thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Và quả đúng như vậy, cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Hậu phương lớn miền Bắc đã hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đúng như sự khẳng định của Đại hội đại biểu
toàn quốc lấn thứ IV của Đảng: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc XHCN”.

You might also like