You are on page 1of 3

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

( Nguyễn Trãi)
Nguyễn Trãi danh nhân văn hóa thế giới, ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Bình Ngô đại
cáo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Trãi. Tác phẩm là bản tổng kết cuộc
kháng chiến chống quân Minh đầy gian lao mà cũng vô cùng hào hùng của dân tộc. Bài cáo sáng lên
trước hết bởi tư tưởng nhân nghĩa và lòng tự hào dân tộc. Tư tưởng này thể hiện ngay ở phần đầu của
bài cáo.
Việc nhân nghĩa cốt ở Yên dân
....

Bài cáo ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và
làm tan rã mười lăm vạn viện binh của giặc Minh, tướng giặc Vương Thông buộc phải giảng hoà,
chấp nhận rút quân về nước. Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,
chấm dứt hai mươi năm thảm khốc dưới ách đô hộ của giặc Minh, mở ra kỉ nguyên hoà bình lâu dài
cho dân tộc. Nguyễn Trãi thừa lệnh chủ soái Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô. Đây là một bản tổng kết
về cuộc kháng chiến vĩ đại để báo cáo rộng rãi cho toàn dân được biết. Tư tưởng nhân nghĩa và chân
lí về độc lập dân tộc là những nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng để triển khai
toàn bộ nội dung bài Cáo.
Có một chi tiết xưa nay ít ai để ý nhưng thật ra nó rất có ý nghĩa, đó là tại sao Nguyễn Trãi lại
gọi quân xâm lược nhà Minh là giặc Ngô và viết Đại cáo bình Ngô? Từ Ngô xuất hiện từ khi nhà
Ngô đời Tam Quốc xâm chiếm và cai trị nước ta hết sức tàn ác. Sau đó, từ Ngô nhập vào vốn ngôn
ngữ dân gian của Đại Việt và trải qua hàng nghìn năm, nó được dùng để chỉ quân giặc phương Bắc
nói chung với thái độ khinh bỉ. Như vậy là Nguyễn Trãi đã cố ý dùng cách gọi mà nhân dân quen gọi
để bày tỏ thái độ căm phẫn và coi thường của mình.
Nguyễn Trãi mở đầu bài cáo bằng đạo lí nhân nghĩa được xây dựng trên nền tảng là tư tưởng
thân dân mà ông rất coi trọng:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Phạm trù nhân nghĩa có nguồn gốc từ Nho giáo. Nhân nghĩa được hiểu là mối quan hệ giữa
con người với con người được xây dựng bằng tình thương yêu và đạo lí. Tuy nhiên, điều đáng nói là
Nguyễn Trãi đã chắt lọc cái hạt nhân cơ bản, tích cực của nhân nghĩa để đem đến một nội dung mới
xuất phát từ thực tiễn dân tộc để kết dệt thành một chân lí: Nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm
lược. Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn với tư tưởng thân dân -“ cốt ở yên dân”. Trong bài văn
này cũng như trong các tác phẩm khác của Nguyễn Trãi, không chỉ là dân đen, con đỏ chung chung
mà đã cụ thể ra là manh, lệ (kẻ đi cày, người đi ở), là dân mọn nơi xóm làng, là nhân dân lao động ở
khắp bốn phương đất nước. Giặc giày xéo đất nước đồng nghĩa với giày xéo nhân dân. Lo nước tức
lo dân, thương nước tức thương dân, cứu nước tức cứu dân, phải chăm lo cho dân chúng được no ấm,
bình yên.Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn liền với sự nghiệp chống xâm lược. Chính vì vậy
mà “ Quân điếu phạt phải lo trừ bạo”. Tư tưởng này cũng được Nguyễn Trãi thể hiện trong những
vần thơ bất hủ:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân có chí có anh hùng.
Như vậy là nhân nghĩa không còn hạn hẹp trong phạm vi đạo đức mà đã là một lí tưởng xã
hội, một đường lối chính trị lấy dân làm gốc (dân vi bản) làm chỗ dựa. Đó là cơ sở Nguyễn Trãi đã
bóc trần luận điệu nhân nghĩa xảo trá của địch và phân định rạch ròi ta là chính nghĩa, giặc là phi
nghĩa.
Dân tộc ta vùng lên chiến đấu chống xâm lược là phù hợp với đạo lí nhân nghĩa, cho nên sự
tồn tại có chủ quyền độc lập của quốc gia Đại Việt cũng là một chân lí khách quan, thể hiện lòng tự
hào, tự tôn về dân tộc:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
So hào hào kiệt đời nào cũng có
Đại Việt là một đất nước có cương vực, ranh giới rõ ràng, từ lâu đời đã song song tồn tại
cùng các quốc gia phương Bắc. Phong tục tập quán cũng khác hẳn phương Bắc. Các triều đại vua
Nam xưng đế, hùng cứ một phương, chứ không phải là chư hầu. Truyền thống văn hiến có tự ngàn
năm cùng với hào kiệt đời nào cũng có đã khẳng định Đại Việt là quốc gia có chủ quyền độc lập, tự
do.
So với bài Thơ Thần của Lí Thường Kiệt thì Đại cáo bình Ngô thực sự là một bước tiến dài
của Nguyễn Trãi trong việc hoàn chỉnh khái niệm về quốc gia và dân tộc. Lí Thường Kiệt với bài
Thơ Thần cũng nhấn mạnh chủ quyền dân tộc ở lãnh thổ riêng biệt, ở ý chí độc lập thể hiện trong
việc xưng đế, trong sức mạnh đánh bại quân xâm lược để bảo vệ nền độc lập ấy. Nhưng Nguyễn Trãi
đã nâng cao khái niệm đó lên rất nhiều, mang tính toàn diện và sâu sắc hơn. Toàn diện là bởi ngoài
yếu tố lãnh thổ và chủ quyền, Bình ngô đại cáo còn bổ sung thêm ba yếu tố nữa đó là văn hiến,
phong tục tập quán và lịch sử. Lại nữ, tác giả “ Nam quốc sơn hà dựa vào “thiên thư” còn Nguyễn
Trãi dựa vào lịch sử. Đặc biệt, quan điểm đó còn sâu sắc là bởi vì trong quan niệm về dân tộc,
Nguyễn Trãi đã ý thức được rằng văn hiến và truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, hạt nhân để
xác định dân tộc.Như vậy đây là một tư tưởng tích cực, toàn diện, sâu sắc, đến nay vẫn còn nguyên
giá trị. Chính vì lẽ đó người đời sau vẫn thường xem đoạn văn trên là tiêu biểu và kết tinh học thuyết
về quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi.
Nêu chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của dân tộc Đại Việt, để tăng sức
thuyết phục, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, Nguyễn Trãi đa dùng biện pháp so sánh: so sánh ta
với Trung Quốc, đặt ngang hàng ta với Trung Quốc. Xuyên suốt đoạn thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng
nhiều từ ngữ chỉ tính chất hiển nhiên vốn có khi nêu rõ sự tồn tại của Đại Việt: “từ trước”, “đã
lâu” ,“đã chia”, “cũng khác” đã làm tăng sức thuyết phục lên gấp bội. Nghệ thuật thành công
nhất của đoạn một – cũng như là bài cáo – chính là thể văn biền ngẫu được nhà thơ khai thác triệt
để.
Phần còn lại của đoạn đầu là chứng cớ để khẳng định nền độc lập cũng là một cách để
bày tỏ lòng tự hào sâu sắc của Ức Trai:

Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cứ còn ghi.
Nguyễn Trãi đã tổng kết những chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Cách liệt kê, chỉ ra dẫn chứng rõ ràng, cụ thể,
xác thực đã được công nhận bằng những lời lẽ chắc chắn, hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn
dân tộc. Người đọc thấy ở đây ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi đã vươn tới một tầm cao mới khi
nêu cụ thể, rõ ràng từng chiến công oanh liệt của quân và dân ta: “cửa Hàm Tử”, “sông Bạch
Đằng”,..thêm vào đó là sự xem thường, căm ghét đối với sự thất bại của những kẻ xâm lược
không biết tự lượng sức : “Lưu Cung..tham công”, “Triệu Tiết… thích lớn”, Toa Đô, Ô Mã, tất
cả chúng đều phải chết thảm. Đoạn thơ đã một lần nữa khẳng định rằng: Đại Việt là một quốc gia
có độc lập, tự chủ, có nhân tài, có tướng giỏi, chẳng thua kém gì bất cứ một quốc gia nào. Bất cứ
kẻ nào có ý muốn thôn tính, xâm lược ta đều phải chịu kết quả thảm bại. Cuộc chiến chống lại
quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc
chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù thế nào đi nữa, chính nghĩa nhất định thắng gian tà theo
quy luật của tạo hóa.
Đại cáo bình Ngô tràn ngập nguồn cảm hứng trữ tình và mang tính chất hào hùng hiếm
có. Trong đó, phần đầu tác phẩm, với nghệ thuật biền ngẫu, đã nêu được hai nội dung chính gần
như hết bài cáo là nhân nghĩa và nền độc lập của dân tộc Đại Việt. Chính vì vậy, đoạn trích có
giá trị rất sâu sắc đối với nước ta, khẳng định nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập
riêng của mình. Đoạn thơ giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử
đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào tự tôn
dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.

You might also like