You are on page 1of 27

CHƯƠNG 1

Câu 1: Nguyên nhân tại sao tên gọi “Luật so sánh” được sử dụng phổ biến hơn
các tên gọi còn lại?

- So sánh luật: Phương pháp hoạt động tìm ra điểm giống nhau và khác nhau
giữa 2 quy phạm pháp luật trở lên.

- Luật so sánh: Có khả năng gây hiểu nhầm rằng có tồn tại trên thực tế một ngành
luật là ngành luật so sánh.

- Luật học so sánh: Về mặt nội hàm, thuật ngữ này có nội dung tổng hợp rộng lớn
hơn rất nhiều so với thuật ngữ “Luật so sánh” và không gây nhầm lẫn. “Luật học so
sánh” dùng để nói về khoa học luật so sánh, về việc nghiên cứu tổng thể và so sánh các
hệ thống pháp luật khác nhau.

- Nguyên nhân: Sớm được sử dụng phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học pháp
lý phát triển như Anh (Comparative law), Pháp (Droit compare), Đức
(Rechtsvergleichung). Các quốc gia khác khi tiếp cận ngành khoa học này thường có sự
học hỏi tiếp thu từ các quốc gia trên nên theo đó tên gọi này trở nên phổ biến.

Câu 2: Hãy trình bày về những quan điểm khác nhau về bản chất của luật so
sánh? Anh (Chị) ủng hộ quan điểm nào về bản chất của luật so sánh? Tại sao?

- Những quan điểm khác nhau về bản chất luật so sánh:

1. Luật so sánh chỉ là một phương pháp so sánh khoa học, phương pháp so sánh
pháp luật.
2. LSS là một môn học 

3. Luật so sánh là ngành khoa học pháp lý.

4. Luật so sánh vừa là ngành khoa học pháp lý, vừa là ngành khoa học.

- Em ủng hộ quan điểm “Luật so sánh vừa là ngành khoa học pháp lý, vừa là ngành
khoa học” bởi vì nó được sử dụng như là phương tiện để tập hợp thông tin về các hệ
thống pháp luật hoặc các hiện tượng pháp luật được so sánh và hoàn toàn hợp lí khi xem
luật so sánh là môn khoa học bởi vì nó tồn tại song song với lí luận chung về pháp luật
nhưng với hệ thống tri thức riêng.

Câu 3: Có bao nhiêu quan điểm phổ biến về đối tượng nghiên cứu của luật so
sánh? Điểm chung giữa các quan điểm này là gì?

- Đối tượng nghiên cứu của luật so sánh tồn tại rất nhiều quan điểm, chưa có sự
thống nhất. Một số quan điểm được biết đến là:

+ Hai học giả người Đức là Zweigert và Kotz trong tác phẩm “Giới thiệu về luật
so sánh” cho rằng: “Luật so sánh là hoạt động trí tuệ mà pháp luật là đối tượng và so
sánh là quá trình hoạt động”. Các học giả này cũng khẳng định: “Luật so sánh là so sánh
các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới” thông qua việc xác định các đối tượng so
sánh là các hệ thống pháp luật khác nhau.
+ Peter the Cruz - tác giả của “Luật so sánh trong thế giới thay đổi” cho tổng luật
so sánh là “Nghiên cứu có hệ tổng các truyền thống pháp luật và các quy phạm pháp luật
đó trên cơ sở so sánh”.

+ Các học giả XHCN xác định đối tượng nghiên cứu của Luật so sánh bằng
phương pháp liệt kê thay vì khái quát hoá khái niệm so sánh:

• Văn hóa pháp lý

• Kỹ thuật pháp lý

• Hệ tư tưởng pháp luật 

• Hệ thống pháp luật 

• Ngành luật

• Chế định phạm luật

• Quy phạm pháp luật 

+ Cũng sử dụng phương pháp liệt kê ở tầm khái quát hơn, học giả Michael
Bogdan xác định đối tượng của Luật so sánh bao gồm:

• So sánh các hệ thống pháp luật khác nhau nhằm tìm ra điểm tương đồng và
khác biệt.

• Sử dụng điểm tương đồng và khác biệt đã được xác định, giải thích nguồn gốc
của chúng, đánh giá những giải pháp được sử dụng trong các hệ thống pháp luật khác
nhau, phân nhóm các hệ thống pháp luật thành các dòng họ pháp luật khác hoặc nghiên
cứu những vấn đề cốt lõi của các hệ thống pháp luật.

• Xử lý các vấn để mang tính phương pháp nảy sinh có liên quan đến các nhiệm
vụ trên, bao gồm những vấn để mang tính phương pháp luận liên quan đến việc nghiên
cứu pháp luật nước ngoài.
=> Phạm vi đối tượng nghiên cứu của Michael Bogdan đã được mở rộng rất nhiều
dù chưa làm rõ được bản chất và chức năng của Luật so sánh.

- Mặt dù còn có sự không thống nhất về đối tượng nghiên cứu, nhưng quan điểm
của các học giả là không phủ nhận nhau mà chỉ khác nhau về phạm vi đối tượng nghiên
cứu hẹp hay rộng hơn mà thôi. Bên cạnh đó, các cách hiểu về Luật so sánh của các học
giả có chung một số điểm sau: 

+ Thứ nhất, luật so sánh không phải là một ngành luật hay pháp luật thực định...

+ Thứ hai, so sánh các hệ thống pháp luật khác nhau để tìm ra điểm tương đồng và
khác biệt giữa chúng là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Luật so sánh.

+ Thứ ba, luật so sánh không đồng nhất với nghiên cứu pháp luật nước ngoài.

+ Thứ tư, một trong những nhiệm vụ quan trọng và thú vị nhất của luật so sánh là
cố gắng giải thích những điểm tương đồng và khác biệt.

Câu 4: Hãy phân tích các đặc điểm của đối tượng nghiên cứu của luật so sánh?

Có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định đối tượng nghiên cứu:

• Đối tượng nghiên cứu của Luật so sánh vô cùng rộng

- Luật so sánh bao giờ cũng nghiên cứu so sánh các vấn đề pháp lý của từ hai hệ
thống pháp luật trở lên. Quan điểm của các quốc gia về hệ thống pháp luật không đồng
nhất và không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, so sánh pháp luật. Đối tượng nghiên cứu
của luật so sánh qua cách xác định của các học giả khác nhau.

Ví dụ: Tác giả Peter de Cruz: Luật So Sánh nghiên cứu có hệ thống, các truyền
thống Pháp luật và các Quy phạm Pháp luật đó dựa trên cơ sở so sánh. Ông cũng đã xác
định rất rõ đối tượng nghiên cứu luật So sánh ở đây là các quy phạm pháp luật cụ thể.
Quy phạm pháp luật này cũng được thể hiện thông qua dưới dạng hình thức Pháp luật cụ
thể trong các nước gọi tắt là các QPPL.
- Tác giả Zweigert và Kotz: Ông không đi vào trực diện trong việc nhận diện các
đối tượng nghiên cứu mà ông ta xác định là Luật So sánh là hoạt động trí tuệ mà Pháp
luật là đối tượng và so sánh là quá trình hoạt động.

=> Hai tác giả đi vào nghiên cứu đối tượng tác động đi vào trực diện đó là các
QPPL dựa trên nền tảng so sánh trong các hệ thống pháp luật nhưng nội hàm của QPPL
lại rất rộng thể hiện ở: bản thân nội dung, bản thân kỹ thuật để tạo ra nó, bản thân cách
thức thể hiện làm sao để giải thích, bản thân cách thức làm sao để áp dụng vào trong thực
tiễn.

- Các học giả XHCN: Đối tượng nghiên cứu được xác định bằng phương pháp
mang tính chất liệt kê. Các học giả xác định đối tượng nghiên cứu là các vấn đề liên quan
đến các nội dung văn hóa pháp lý, QPPL, chế định Luật, ngành Luật và bản thân hệ
thống pháp luật của các quốc gia sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu chứ không chỉ thuộc
về nội hàm của nó không. Và những vấn đề, khía cạnh pháp lý có liên quan đến pháp luật
thực định như: văn hóa pháp lý, kỹ thuật lập pháp,… cũng sẽ trở thành đối tượng nghiên
cứu của luật so sánh.

=> Toàn bộ các vấn đề không chỉ nội dung của hệ thống pháp luật thông qua các
nội hàm của QPPL mà còn là những khía cạnh liên quan đến các hệ thống pháp luật đó
nữa như kỹ thuật lập pháp, văn hóa pháp lý,… Và đây cũng là lý do vì sao luật so sánh
được xếp vào trong nhóm được gọi là ngành khoa học pháp lý nghiên cứu về những vấn
đề mang tính chất chung nhất đối với các vấn đề về Nhà nước và Pháp luật.

• Đối tượng của Luật So sánh có tính biến đổi không ngừng 

- Đối tượng nghiên cứu của Luật So sánh biến đổi tùy thuộc vào sự thay đổi, phát
triển của kinh tế, của xã hội. Sự phát triển của kinh tế xã hội ở mỗi giai đoạn khác nhau
sẽ đặt ra những nhu cầu tìm kiếm nghiên cứu các vấn đề khác nhau. Ở mỗi bối cảnh lịch
sự đối tượng nghiên cứu có thể thay đổi. Chính vì có sự thay đổi về yếu tố thời gian nên
từ đó có thể dẫn đến đôi khi không thể bao quát hết hay liệt kê hết về các đối tượng
nghiên cứu đặc biệt là những đối tượng nghiên cứu mới của Luật so sánh.
=> Trải qua từng giai đoạn khác nhau nên sẽ có nhiệm vụ phát triển luật khác nhau
và từ nhiệm vụ phát triển luật khác nhau sẽ dẫn đến nhiệm vụ của luật so sánh khác nhau
 đối tượng nghiên cứu của luật so sánh khác nhau.

• Đối tượng của Luật so sánh mang tính hướng ngoại

- Trong một nghiên cứu luật so sánh, bao giờ cũng phải có sự xuất hiện của pháp
luật nước ngoài. Do đó, đối tượng nghiên cứu của luật so sánh “mang tính hướng ngoại”.
Phải kể đến quan điểm mà được nhận được sự đồng thuận nhiều nhất trong giới nghiên
cứu ở Việt Nam của tác giả GS. Michael Bogdan dựa trên các hệ thống tri thức đó mà bắt
đầu ta đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và phát triển cho tới thời điểm ngày nay.

• Đối tượng nghiên cứu của luật so sánh không chỉ được nghiên cứu ở góc
độ lý luận mà còn được nghiên cứu ở góc độ thực tiễn

- Nếu chỉ dừng lại ở góc lý luận thì kết quả của công trình nghiên cứu đó sẽ không
đạt được tính đúng đắn, không phản ánh đúng bản chất của đối tượng được nghiên cứu
do đó sẽ không có năng lực thực thi trên thực tế. Pháp luật “trên giấy” nói chung có thể
là pháp luật thành văn, có thể là pháp luật được tạo ra trên án lệ cũng có thể là pháp luật
được thừa nhận thông qua các tập quán thì thường sẽ có xu hướng lạc hậu so với xã hội.
Bởi vì quan hệ xã hội là phát triển không ngừng nhưng pháp luật thường có đặc điểm là
đứng im trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, muốn thay đổi thì phải có
quy trình cần có thêm thời gian.

Câu 5: Trong các đặc điểm của đối tượng của luật so sánh, theo bạn đặc điểm
nào có ý nghĩa quan trọng nhất đối với hoạt động lập pháp?

- Theo em, đặc điểm đối tượng nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng nhất đối với hoạt
động lập pháp là phải nghiên cứu cả dưới góc độ lý luận lẫn thực tiễn pháp luật vì khi
tiến hành nghiên cứu pháp luật nếu chỉ nghiên cứu ở mặt lý luận thì không mang lại tính
đúng đắn, không phản ánh đúng bản chất của đối tượng nghiên cứu. Từ đó dẫn đến việc
không có khả năng thực hiện trên thực tế.
Câu 6: Hãy trình bày cách hiểu, vai trò, cách thức tiến hành, ưu và nhược
điểm của các phương pháp: Phương pháp so sánh lịch sử, phương pháp so sách
chức năng, phương pháp so sánh quy phạm?

 Phương pháp so sánh lịch sử

- Cách hiểu: là phương pháp so sánh các giai đoạn lịch sử khác nhau của các hệ
thống pháp luật khác nhau của các nước.

- Vai trò: 

+ Giúp ta tìm hiểu được nguyên nhân của điểm tương đồng và khác biệt xem có
mối liên hệ của các hệ thống pháp luật mà ta so sánh.

+ Giúp ta khắc phục được hạn chế và dự đoán được xu hướng phát triển để hoàn
thiện hệ thống pháp luật trong tương lai.

- Cách thức tiến hành: Muốn thực hiện phương pháp này ta cần phân tích khía cạnh
lịch sử của các hiện tượng pháp luật. Đánh giá so sánh thực trạng hiện tại. Hoàn thiện
pháp luật cho tương lai.

Ưu điểm; Có thể lý giải được nguyên nhân điểm tương đồng và khác biệt của các
hiện tượng PL giữa các nước ở thời điểm hiện tại cũng như quá khứ

Nhược điểm: Phụ thuộc vào tính khách quan của những người đưa ra quan điểm
lịch sử.

 Phương pháp so sánh chức năng

- Cách hiểu: Là phương pháp so sánh các giải pháp được sử dụng trong xã hội khác
nhau để giải quyết các vấn đề của xã hội.

- Vai trò: Giúp ta khắc phục được hạn chế và dự đoán được xu hướng phát triển để
hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tương lai.
- Cách thức tiến hành: Muốn thực hiện phương pháp này cần xác định loại hình
quan hệ xã hội cần được điều chỉnh ở mỗi nước. Xác định sự tác động của pháp luật với
các quan hệ xã hội đó. Đưa ra kết luận, đánh giá về hiệu quả điều chỉnh đối với các quan
hệ xã hội được so sánh. 

Ưu điểm: Giải quyết triệt để đặt ra từ đầu, có thể tiến hành so sánh trong mọi
trường hợp.

Nhược điểm: Rất khó xác định quan hệ quy phạm pháp luật, đòi hỏi sự hiểu biết
cao của người nghiên cứu, thời gian nghiên cứu dài, tốn kém nhiều chi phí.

 Phương pháp so sánh quy phạm

- Cách hiểu: Là phương pháp so sánh quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, văn
bản pháp luật này với quy phạm, chế định pháp luật khác trong hệ thống pháp luật mà ta
so sánh.

- Vai trò: Giúp ta khắc phục được hạn chế và dự đoán được xu hướng phát triển để
hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tương lai.

- Cách thức tiến hành: Muốn tiến hành phương pháp so sánh này ta cần lựa chọn
quy phạm văn bản, phân tích tác động, kết luận đánh giá về hiệu quả điều chỉnh.

Ưu điểm: Đơn giản dễ tiến hành.

Nhược điểm: Không phải lúc nào cũng tiến hành được, không tìm thấy được quy
phạm pháp luật hoặc chế định tương ứng.

Câu 7: Nêu và phân tích khái niệm luật so sánh theo quan điểm của Michael
Bogdan?

Michael Bogdan xác định “luật so sánh” bao gồm các nhiệm vụ: 

- So sánh các hệ thống pháp luật khác nhau để xác định những điểm tương đồng và
khác biệt giữa chúng.
- Phân tích điểm tương đồng và khác biệt, từ đó lý giải nguồn gốc của giống và
khác nhau, đánh giá cách giải quyết trong các hệ thống pháp luật, phân nhóm các hệ
thống pháp luật hoặc tìm ra các vấn đề cốt lõi, cơ bản của 1 hệ thống pháp luật => Đối
tượng nghiên cứu rộng hơn, không chỉ khía cạnh pháp lý mà còn các yếu tố tác động đến
khía cạnh pháp lý

- Xử lý vấn đề mang tính phương pháp nảy sinh trong quá trình so sánh => Bản
thân phương pháp so sánh cũng chính là đối tượng nghiên cứu của luật so sánh.

- Xây dựng cơ phương pháp luận để tiến hành nghiên cứu quy luật tiếp thu PLNN
=> Nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm nhất.

Ưu điểm: Quan điểm khá toàn diện và đầy đủ các nội dung của luật so sánh.

Nhược điểm: Dài, phức tạp, mặc dù liệt kê chi tiết nội dung nhưng không nêu rõ
được bản chất của luật so sánh.

Câu 8: Luật so sánh trợ giúp cho công tác lập pháp ở những khía cạnh nào?

- Giúp nghiên cứu, so sánh với pháp luật của các nước trên thế giới nhằm tiếp thu
những giải pháp pháp lý tiến bộ của nước ngoài.

- Thông qua các công trình nghiên cứu luật so sánh, các nhà lập pháp sẽ đưa ra các
ý tưởng, kiến nghị về ban hành, sửa đổi với các điều luật mới nhằm phát triển hệ thống
pháp luật Việt Nam.

- Nhờ luật so sánh, các nhà lập pháp có thể dễ dàng dự báo chính xác khả năng tác
động của một đạo luật hay giải pháp pháp lý cụ thể tới xã hội mà không cần tiến hành
những thử nghiệm mang tính rủi ro cho xã hội.

- Ngoài việc nghiên cứu, tiếp thu các giải pháp pháp lý trong hệ thống pháp luật
nước ngoài, các nhà lập pháp sẽ xem xét các giải pháp đó được họ sử dụng như thế nào,
có tác hại hay lợi ích gì sau đó dựa trên tình hình của đất nước để đưa ra những lựa chọn,
thay đổi hoàn thiện cho hệ thống pháp luật của nước nhà.
Câu 9: Cho ví dụ tại Việt Nam để chứng minh sự hỗ trợ của luật so sánh đối
với công tác lập pháp?

Sự hỗ trợ của luật so sánh đối với công tác lập pháp: Ứng dụng trong quá trình xây
dựng BLDS 2005.

 Chế định tài sản

- Hệ thống luật Latinh chia tài sản thành động sản và bất động sản; tài sản hữu hình
và tài sản vô hình; vật tiêu hao và vật không tiêu hao; vật cùng loại và vật đặc định; vốn
và lợi tức; vật được sở hữu và vật không được sở hữu; tài sản công và tài sản tư. 

- Theo luật Anh Mỹ, chia thành quyền sở hữu đối vật và quyền sở hữu đối nhân; đất
đai và các loại tài sản khác (bao gồm tiền, động sản hữu hình mà không phải tiền, động
sản vô hình…).

- BLDS 2005 hiện hành xây dựng khái niệm động sản và bất động sản (Ðiều 174),
hoa lợi và lợi tức (Ðiều 175); vật chính, vật phụ (Ðiều 176); vật chia được và vật không
chia dược (Ðiều 177); vật tiêu hao và vật không tiêu hao (Ðiều 178); vật cùng loại và vật
đặc định (Ðiều 179)… Ðiều này cho thấy Luật dân sự Việt Nam có xu hướng định hình
cách thức phân loại tương tự như hệ thống luật Latinh.

 Chế định hợp đồng

- Có những nước hoàn toàn không phân biệt giao dịch thương mại với giao dịch
dân sự nhưng các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh vẫn được giải quyết bằng
toà án riêng và theo thủ tục riêng (Liên bang Nga, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển).

- Ở Anh cũng có Toà án giải quyết những vấn đề về hạn chế quyền tự do kinh
doanh, ở Mỹ có Toà án thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, có những nước phân biệt giao
dịch thương mại với giao dịch dân sự nhưng những tranh chấp phát sinh từ những hành
vi này đều được giải quyết tại Toà án Dân sự thẩm quyền chung như ở Nhật Bản.

=> Như vậy, việc phân biệt hay không phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng
dân sự không ảnh hưởng đến việc trao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng kinh tế cho cơ quan tài phán riêng là Toà án kinh tế và Trọng tài kinh tế. Việc
đưa ra quy định của BLDS 2005 được áp dụng chung cho việc ký kết và thực hiện mọi
loại hợp đồng rõ ràng chịu ảnh hưởng của những biến đổi to lớn trong tư duy pháp lý về
hợp đồng kinh tế như ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập
trung sang cơ chế thị trường như Liên bang Nga và Trung Quốc. Khi Liên bang Nga ban
hành BLDS mới năm 1994 cũng đã ghi nhận là mọi hợp đồng dù ký kết để phục vụ cho
nhu cầu kinh doanh hay sinh hoạt, tiêu dùng đều được gọi chung là hợp đồng (dogovor)
và chịu sự điều chỉnh chung của BLDS. Luật Hợp đồng của nước Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa thông qua ngày 15/3/1999 có hiệu lực áp dụng cho mọi quan hệ hợp đồng, dù
phát sinh từ hoạt động kinh doanh hay sinh hoạt, tiêu dùng. (Nguồn bài viết)

Câu 10: Tại sao các quốc gia đang có xu hướng gia tăng hoạt động hài hoà hoá
và nhất thể hoá pháp luật? Luật so sánh hỗ trợ cho 2 hoạt động này như thế nào?

- Hài hoà hoá pháp luật và nhất thể hoá pháp luật là hai khái niệm khác nhau được
sử dụng khá phổ biến trong khoa học pháp lý:

+ Hài hoà hoá pháp luật: Là quá trình nhằm giảm đi những khác biệt trong lĩnh
vực pháp luật cụ thể giữa các hệ thống pháp luật.

+ Nhất thể hoá pháp luật: Là quá trình theo đó các quy phạm mâu thuẫn của các
hệ thống pháp luật khác nhau được thay thế bởi các quy phạm pháp luật chung nhất.

- Hiện nay, các quốc gia có xu hướng gia tăng hoạt động hài hoà hoá và nhất thể
hoá pháp luật vì thế giới ngày càng “phẳng” hơn, nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ,
dịch chuyển vốn, lao động giữa các quốc gia ngày một tăng và trở nên tự do hơn, đặt ra
nhu cầu về một khuôn khổ pháp luật tương đồng giữa các quốc gia. Hài hòa hóa pháp
luật, nhất thể hóa pháp luật là những con đường chủ đạo nhắm giảm thiểu và loại bỏ sự
khác biệt trong các lĩnh vực pháp luật này trong các quốc gia khác nhau.

- Luật so sánh hỗ trợ cho 2 hoạt động này ở chỗ:

+ Xác định được điểm chung của các hệ thống pháp luật.
+ Mặt khác, luật so sánh cung cấp cho các luật gia các kiến thức và kỹ năng quan
trọng để tham gia vào quá trình đàm phán.

CHƯƠNG 2

Câu 1: Hãy giải thích tại sao hoạt động so sánh pháp luật không thể tách rời
hoạt động nghiên cứu pháp luật nước ngoài?

- Luật so sánh và nghiên cứu pháp luật nước ngoài có mối liên hệ chặt chẽ và tác
động qua lại: (có mối liên hệ nội tại rất chặt chẽ)

+ Có chung 1 phần đối tượng nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu của luật so sánh
sẽ rộng hơn, ngay cả bản thân phương pháp so sánh cũng trở thành đối tượng nghiên
cứu. Còn nghiên cứu pháp luật nước ngoài hầu như sẽ nghiên cứu đến pháp luật thực
định của các nước) và có vai trò bổ trợ cho nhau.

+ Nghiên cứu pháp luật nước ngoài cung cấp nguồn thông tin không thể thiếu về
các hệ thống pháp luật khác nhau, là cơ sở không thể thiếu trong hoạt động nghiên cứu,
so sánh luật (NCPLNN cung cấp thông tin về PLNN cho LSS để thực hiện công trình
nghiên cứu so sánh).

+ Luật so sánh cung cấp những nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm đảm bảo cho
hoạt động nghiên cứu pháp luật nước ngoài được thực hiện một cách dễ dàng, khoa học
và khách quan; đặt ra hướng nghiên cứu cho nghiên cứu pháp luật nước ngoài.

Câu 2: Các loại nguồn thông tin được sử dụng trong hoạt động so sánh pháp
luật có mối liên hệ với nhau như thế nào?

 Nguồn thông tin chủ yếu 

- Là nguồn luật chính thống trong hệ thống pháp luật của các quốc gia được ban
hành và thừa nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

- Ví dụ: VBQPPL, án lệ, tập quán pháp, học thuyết pháp lý.
+ Ưu điểm: Là kênh chính thống thể hiện nội dung luật nước ngoài, phản ánh
đầy đủ chính xác, tính khách quan rất cao.

+ Nhược điểm: Khó thu nhập và tiếp cận về nội dung do phải hiểu bằng ngôn
ngữ của nước tiếp cận.

 Nguồn thông tin thứ yếu:

  Là nguồn thể hiện gián tiếp nội dung của pháp luật nước ngoài thông qua
công trình nghiên cứu trong lĩnh vực KHPL.

- Ví dụ: GT Luật, bình luận khoa học, bài viết tạp chí,…

+ Ưu điểm: dễ thu nhập và xử lý về nội dung khi được diễn giải bởi các chuyên
gia.

+ Nhược điểm: Không phải kênh chính thống, dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ
quan của tác giả.

=> Có mối tương quan, không có cái nào quan trọng hơn cái nào, tùy vào khả
năng, điều kiện, chủ đề của người nghiên cứu khi tiếp cận.

Câu 3: Việc tuân thủ nguyên tắc khách quan về tư duy có ý nghĩa như thế nào
đối với hoạt động nghiên cứu pháp luật nước ngoài?

- Đảm bảo pháp luật nước ngoài được giải thích đúng như cách thức giải thích của
chính quốc gia có hệ thống pháp luật đang nghiên cứu. 

Ví dụ: Nước Pháp hiểu về tội phạm thế nào thì mình phải hiểu về tội phạm như thế
chứ không thể lấy cái khái niệm về tội phạm của Việt Nam đó là hành vi nguy hiểm cho
xã hội được quy định trong BLHS với 4 mức độ phạm tội khác nhau đó là ít nghiêm
trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để mình hiểu về tội phạm
của Pháp và nếu hiểu như thế là sai vì tội phạm của Pháp là những tội, những hành vi
nguy hiểm cho xã hội mà ở từ mức độ nghiêm trọng trở lên thì mới gọi là tội phạm còn ở
mức độ ít nghiêm trọng thì gọi là thường tội tức là những tội phạm thông thường như là
tội ăn cắp vặt trong siêu thị.
- Việc khách quan về tư duy giúp người nghiên cứu không áp đặt các định kiến về
tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và pháp luật của quốc gia mình lên pháp luật nước
ngoài nhằm đảm bảo nội dung của pháp luật nước ngoài được phản ánh một cách đầy
đủ, chính xác để tránh những cái nhìn mang tính chất phiến diện về pháp luật của một
nước. 

Ví dụ: Người nước ngoài nghiên cứu về pháp luật Việt Nam để so sánh về vấn đề
trợ cấp xã hội. Như vậy, họ không thể chỉ nghiên cứu về vấn đề trợ cấp xã hội trực tiếp
không mà họ còn phải nghiên cứu về trợ cấp xã hội gián tiếp như miễn giảm thuế, miễn
giảm phí, miễn giảm lệ phí, miễn giảm án phí, miễn giảm học phí,… để phản ánh nội
dung đầy đủ, chính xác về pháp luật của Việt Nam và tránh cái nhìn phiến diện về pháp
luật Việt Nam để cho rằng pháp luật Việt Nam không có tính nhân văn, nhân đạo, yếu tố
con người không được đảm bảo bởi vì không có hình thức trợ cấp xã hội như của pháp
luật nước ngoài.

- Giúp chúng ta có đủ cơ sở để lý giải được nguồn gốc của sự tương đồng hay khác
biệt giữa các vấn đề pháp lý của nước ngoài với pháp luật của nước mình hoặc với pháp
luật của nước khác.

Ví dụ: Vấn đề về Hôn nhân đồng tính trong khi các nước như Bỉ, Hà Lan, các tiểu
bang của Mỹ và rất nhiều quốc gia khác thừa nhận nhưng Việt Nam lại không thừa nhận
bởi vì khi đặt trong bối cảnh xã hội cái quan điểm về gia đình của họ khác với quan điểm
về gia đình của Việt Nam. Một trong những chức năng quan trọng của gia đình Việt Nam
là chức năng duy trì nòi giống và trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam khi mà vấn đề về
sinh con bằng phương pháp kỹ thuật nó lại chưa phát triển cho nên quan điểm truyền
thống về chức năng của gia đình là duy trì nòi giống vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của
người Việt trong khi các nước y học phát triển, kinh tế phát triển, quan điểm về chức
năng gia đình truyền thống không còn cho nên họ chấp nhận Hôn nhân đồng tính.

Câu 4: Anh/Chị hãy trình bày những vấn đề cần phải tránh khi nghiên cứu, so
sánh pháp luật nước ngoài.

 Sai lầm trong nguồn thu thập thông tin


- Trong LSS có 2 loại nguồn: Nguồn thông tin chủ yếu và nguồn thông tin thứ yếu,
nên đôi khi ta chỉ quan tâm tìm hiểu 1 nguồn và bỏ quên nguồn còn lại. Điều này dẫn đến
tình trạng công trình so sánh luôn có sự gián đoạn giữa pháp luật “trên giấy” (trên văn
bản) và pháp luật “sống” (pháp luật được áp dụng trên thực tế) => Khiến cho việc so
sánh trở nên vô nghĩa và công trình so sánh không có giá trị.

 Sai lầm trong việc giả định về sự tương đồng hay khác biệt giữa các hiện
tượng pháp lý

- Nếu giả định và áp đặt bằng quan điểm chủ quan của mình về tính đúng đắn của
sự giả định đó mà không chứng minh bằng nội dung pháp luật thật sự của các nước thì dễ
dẫn đến rủi ro và sai lầm. Vì mỗi một quốc gia khác nhau có hệ thống pháp luật khác
nhau, việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý, nội dung các chế định pháp luật đôi khi cũng
mang tính khác biệt => Việc giả định sự tương đồng hay khác biệt đó là điều không tránh
khỏi tuy nhiên mọi sự giả định đều cần phải được chứng minh bằng nội dung cụ thể
trong pháp luật của các nước.

 Không khách quan về tư duy khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài

- Phải khách quan về mặt tư duy khi nghiên cứu PLNN, không được dùng tư duy
pháp lý của mình để áp đặt và nghiên cứu về nội dung của PLNN rất có thể dẫn đến việc
hiểu phiến diện hoặc thậm chí là không hiểu đúng về PLNN. Chính vì thế mới có quan
điểm cho rằng, đôi khi, người chưa từng học luật trong nước lại có thể nghiên cứu PLNN
tốt hơn so với người đã từng học luật trước đó.

Câu 5: Anh (chị) hãy trình bày các bước để thực hiện công trình so sánh sau:
Nghiên cứu so sánh các quy định điều chỉnh về điều kiện kết hôn trong pháp luật
Việt Nam và Pháp. 

Bước 1: Xác định vấn đề pháp luật cần so sánh và xây dựng giả thuyết: Nghiên
cứu so sánh các quy định điều chỉnh về điều kiện kết hôn trong pháp luật Việt Nam và
Pháp.

- Xác định vấn đề dự kiến so sánh: Sự tương đồng và khác biệt về điều kiện kết hôn
giữa pháp luật Việt Nam và Pháp.
- Xây dựng giả thuyết nghiên cứu so sánh: Phân tích và đánh giá các điều kiện của
pháp luật 2 nước từ đó đưa ra những điểm tương đồng và khác biệt. 

Bước 2: Lựa chọn hệ thống pháp luật để so sánh. Vấn đề là so sánh những quy
định và điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam với Pháp. Việc nghiên cứu dựa trên
nhiều mặt về điều kiện kinh tế, văn hóa truyền thống, chính trị, lịch sử,… Việc so sánh
tùy thuộc vào cấp độ ở đây là việc so sánh quy phạm pháp luật giữa 2 nước nhằm phục
vụ cho công việc thực tiễn nên lựa chọn hệ thống pháp luật để nghiên cứu: Các quy
phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về độ tuổi kết hôn của 2 nước, hệ thống pháp luật
civil law,…

Bước 3: Mô tả các hệ thống pháp luật được lựa chọn hoặc các giải pháp pháp
luật. Nghiên cứu dựa trên nguồn gốc lịch sử, kinh tế, văn hóa truyền thống về quy định
điều kiện kết hôn như: Độ tuổi, những trường hợp bị cấm kết hôn, điều kiện sự tự
nguyện nam nữ, điều kiện tình trạng hôn nhân,… của 2 nước và không được đưa ra bất
kỳ bình luận hay nhận xét cá nhân vào việc nghiên cứu.

Bước 4: Xác định những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hệ thống pháp
luật.

- Khác biệt về độ tuổi: 

+ Việt Nam quy định tương đối cao (nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi).

+ Pháp (nam chưa tròn 18 tuổi, nữ chưa tròn 15 tuổi không được kết hôn, Điều
144 BLDS Pháp).

- Tương đồng: Điều kiện tình trạng hôn nhân là một vợ, một chồng.

+ Việt Nam: Cấm hành vi kết hôn người đang có vợ, có chồng hoặc chung sống
như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014).

+ Pháp: Một người không thể xác lập hôn nhân thứ hai trước khi chấm dứt hôn
nhân thứ nhất (Điều 147 BLDS Pháp).

Bước 5: Giải thích nguồn gốc của những điểm tương đồng và khác biệt.
- Đây là sự khác biệt về trình độ văn hóa, nhận thức, trình độ phát triển mỗi quốc
gia khác nhau.

- Việc quy định điều kiện về tình trạng hôn nhân một vợ, một chồng vừa bảo vệ
quyền lợi ích của các bên đồng thời bảo vệ truyền thống đạo đức và trật tự xã hội.

Câu 6: Anh (chị) hãy trình bày các bước để thực hiện công trình so sánh sau:
Pháp luật điều chỉnh về điều kiện kết hôn trong pháp luật Pháp – kinh nghiệm
tham khảo cho Việt Nam.

Bước 1: Vấn đề pháp luật cần so sánh “Pháp luật điều chỉnh về điều kiện kết hôn
trong pháp luật Pháp”.

Bước 2: Các quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quy định về độ tuổi kết hôn,
những điều kiện để kết hôn, những trường hợp bị cấm kết hôn ở QPPL Pháp được chọn
để so sánh.

Bước 3: Phạm vi so sánh là ở các QPPL, văn bản dưới Luật hướng dẫn quy định về
Luật Hôn nhân và gia đình của Pháp.

Bước 4: Lập báo cáo về các điều kiện kết hôn trong pháp luật Pháp.

Bước 5: Xây dựng các tiêu chí cho việc phân tích và so sánh.

Bước 6: Đánh giá các giải pháp và so sánh các giải pháp.

- So sánh là phương tiện đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật, vì vậy
trong quá trình so sánh cần lưu ý những điều sau đây:

+ Không thể có 2 hệ thống pháp luật giống nhau 1 cách tuyệt đối.

+ Giữa các HTPL có xu hướng xích lại gần nhau.

+ Luôn có sự khác biệt giữa pháp luật trên giấy và trong thực tiễn.
+ Cần tránh những sai lầm như: Nghiên cứu pháp luật nước ngoài tách rời với
chính sách pháp luật quốc gia đó; sự giả định bản chất, thực trạng của pháp luật nước
ngoài dựa vào suy đoán từ kiến thức của người nghiên cứu,…

Câu 7: Anh (chị) hãy phân tích nội dung nguyên tắc khi nghiên cứu pháp luật
nước ngoài cần phải tôn trọng trật tự phân cấp các nguồn luật trong hệ thống pháp
luật của các quốc gia. Cho ví dụ cụ thể.

- Nội dung nguyên tắc: Khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài, người nghiên cứu
phải tôn trọng trật tự phân cấp của nguồn luật về cả lý luận thực tiễn của hệ thống pháp
luật ở quốc gia được tiến hành nghiên cứu.

Ví dụ: Pháp là quốc gia đi theo truyền thống luật thành văn, trong BLDS 1804 của
Pháp tại Điều 5 quy định nghiêm cấm các thẩm phán trong quá trình xét xử tạo ra các
nguyên tắc mang tính tiền lệ chung, tức là cấm các án lệ tồn tại. Nhưng trên thực tế án lệ
của Pháp vẫn tồn tại và án lệ này về nguyên tắc là sự giải thích linh hoạt từ pháp luật
thành văn dựa trên quan điểm của nhà lập pháp => Khi nghiên cứu luật của nước Pháp,
chúng ta phải tôn trọng trật tự phân cấp:  về mặt thực tiễn, án lệ có giá trị áp dụng cao
hơn luật thành văn vì nó có giá trị định hướng cho công tác xét xử của Tòa án, mặc dù về
mặt lý luận, luật thành văn là nguồn luật có giá trị pháp lý  cao hơn. 

Câu 8: Anh (chị) hãy phân tích nội dung nguyên tắc về giải thích pháp luật
nước ngoài khi thực hiện công trình so sánh. Cho ví dụ minh hoạ.

- Pháp luật nước ngoài phải được giải thích đúng như cách thức giải thích của chính
quốc gia có hệ thống pháp luật đang nghiên cứu. Giải thích pháp luật cần khách quan -
biện chứng. Khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài, người nghiên cứu không được áp đặt
các định kiến về tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và pháp luật của mình lên pháp luật
nước ngoài mà ngược lại, pháp luật nước ngoài phải được giải thích theo đúng bản chất
tại nơi nó được ra đời. Ngoài ra, người nghiên cứu còn phải giải thích một cách biện
chứng hai mặt, không tuyệt đối hóa theo hướng tiêu cực hay tích cực với pháp luật nước
ngoài

Ví dụ: Ở Madagascar có một tập tục tên là Famadihana hay còn gọi là “tục thay
xương”.Vào dịp này, hầm mộ của người thân đã mất trong gia đình sẽ được đào lên và
hài cốt của người chết được bọc trong một lớp vải mới. Người dân sau đó sẽ cùng ôm
những bọc vải này và cùng nhau nhảy múa trên nền nhạc sống. Theo quan niệm của
người Madagascar, con người không sinh ra từ cát bụi, mà từ tro cốt của cha ông. Do đó,
họ luôn đề cao những bậc tiền bối trong gia đình. Họ cũng tin rằng nếu tro cốt chưa phân
hủy hoàn toàn, người chết vẫn chưa biến mất vĩnh viễn mà còn có thể giao tiếp với người
sống. Vì thế mà cho đến lúc đó, họ vẫn sẽ tiếp tục bày tỏ tình yêu thương và tôn kính đối
với người thân vào ngày hội Famadihana. => Do vậy, khi thực hiện nghiên cứu Pháp luật
ở Madagascar, nhà nghiên cứu cần giải thích đúng các phong tục, văn hóa đó theo đúng
bản chất của tập tục nước này, không được bóp méo bản chất, áp đặt suy nghĩ của bản
thân hay có định kiến đối với các tập tục, hệ thống pháp luật riêng biệt khi thực hiện
công trình so sánh pháp luật nước ngoài.

Câu 9: Tại sao khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài, người nghiên cứu cần
phải đặt vấn đề pháp luật cần nghiên cứu trong tính tổng thể và tính toàn diện?

Nguyên tắc nghiên cứu pháp luật nước ngoài phải đặt trong tính tổng thể và tính
toàn diện.

● Tính tổng thể

- Pháp luật nước ngoài khi được nghiên cứu phải được đặt trong bối cảnh xã hội và
bối cảnh pháp luật của chính quốc gia có hệ thống pháp luật đang nghiên cứu.

+ Bối cảnh xã hội: Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.

Ví dụ: Khi nghiên cứu pháp luật Hồi giáo ta phải đặt trong bối cảnh Hồi giáo thì
mới hiểu được pháp luật Hồi giáo 

+ Bối cảnh pháp luật: Đặt trong mối quan hệ biện chứng với các quy định khác
trong pháp luật của nước đó để đánh giá khách quan.

Ví dụ vấn đề đa thê của Pháp luật hồi giáo,đa thê có điều kiện phải được sự đồng ý
bằng văn bản của người vợ cả.

Nếu bóc tách ra khỏi bối cảnh pháp luật của quốc gia thì dễ có cái nhìn phiến diện.
Vì thế chúng ta buộc phải đặt  trong bối cảnh xã hội và bối cảnh pháp luật để:

+ Phản ánh đầy đủ chính xác về luật nước ngoài.

+ Không có cái nhìn phiến diện đánh giá về nội dung của pháp luật nước ngoài.

+ Đầy đủ cơ sở lý giải về nguồn gốc của sự tương đồng hay khác biệt giữa các vấn
đề pháp lý của nước ngoài với pháp luật của nước mình hay nước khác.

● Tính toàn diện

Pháp luật nước ngoài phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, bao gồm:

- Quy định được ra đời dưới góc độ là pháp luật thực định đến các quy định được
hình thành từ trong thực tiễn.

- Quy định trên giấy và quy định áp dụng trong thực tiễn phải nghiên cứu đầy đủ
mới phản ánh đầy đủ của luật nước ngoài.

- Quy định điều chỉnh trực tiếp lẫn các quy định điều chỉnh gián tiếp.

Khi nghiên cứu PLNN người nghiên cứu không được bốc tách từng quy phạm PL
để đặt ra những nhận xét đánh giá mang tính chủ quan về PLNN,ngược lại PLNN phải
được nghiên cứu trong mlh  tương tác tác với các quy phạm pl khác cũng như trong tổng
thể toàn bộ hệ thống pháp luật,

Ví dụ: Người nước ngoài nghiên cứu về pháp luật Việt Nam để so sánh về vấn đề
trợ cấp xã hội. Như vậy, họ không thể chỉ nghiên cứu về vấn đề trợ cấp xã hội trực tiếp
không mà họ còn phải nghiên cứu về trợ cấp xã hội gián tiếp như miễn giảm thuế, miễn
giảm phí, miễn giảm lệ phí, miễn giảm án phí, miễn giảm học phí,… để phản ánh nội
dung đầy đủ, chính xác về pháp luật của Việt Nam và tránh cái nhìn phiến diện về pháp
luật Việt Nam để cho rằng pháp luật Việt Nam không có tính nhân văn, nhân đạo, yếu tố
con người không được đảm bảo bởi vì không có hình thức trợ cấp xã hội như của pháp
luật nước ngoài.
Câu 10: Anh (chị) hay bình luận nhận định sau: “Đôi khi người chưa từng học
luật trong nước lại có thể nghiên cứu pháp luật nước ngoài tốt hơn so với người đã
từng học luật”.

Theo em câu nhận định là một câu nhận định hay và khá hợp lý ở thời điểm hiện
nay. Vì:

- Giáo sư luật học ở trường Đại học Chicago, Max Rheinstein khi đón tiếp các luật
sư trẻ của Châu Âu đã nói: “Hãy cố quên bạn đã từng học luật. Đừng bao giờ tiếp cận
một vấn đề bạn đã học theo cách bạn đã làm ở trong nước. Nếu không bạn sẽ rất dễ bị lạc
đường”.

Qua câu nói của vị giáo sư luật học Max Rheinstein ta có thể thấy được 3 vấn đề
sau:

- Thứ nhất, để nghiên cứu pháp luật một cách tốt nhất thì chúng ta nên xác định
nguồn thông tin bổ trợ chúng ta theo một cách cụ thể nhất. Cụ thể ở đây có nghĩa là
chúng ta cần xác định rõ nguồn thông tin chứa đựng hầu hết các quy phạm pháp luật của
quốc gia đó. Từ đó chúng ta mới có được một loại nguồn chính xác về hệ thống pháp luật
nước ngoài. Chúng ta không nên áp dụng hay dựa vào nền tảng pháp luật mà chúng ta
vốn có ở trong nước để đem đi nghiên cứu pháp luật nước ngoài, điều này có thể sẽ khiến
cho chúng ta bị nhầm lẫn, lạc đường. Và trên thực tế thì các loại nguồn thông tin chính
và nguồn thông tin bổ trợ của mỗi quốc gia đều không giống nhau.

- Thứ hai, khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài, người đã từng học luật thường tiếp
cận vấn đề nghiên cứu theo cách mà họ đã học tại chính quốc gia của họ. Điều đó có
nghĩa là khi so sánh pháp luật nước ngoài, họ thường suy luận các khái niệm, các thiết
chế pháp luật và các phương pháp mà họ đã biết trong hệ thống pháp luật của nước nhà
để áp dụng vào việc nghiên cứu pháp luật. Điều này là không ổn khi họ nghiên cứu pháp
luật của một quốc gia khác. Vì từ việc họ áp dụng những hiểu biết và phương pháp
nghiên cứu có được từ hệ thống pháp luật của chính quốc gia họ vào trong việc nghiên
cứu pháp luật nước ngoài thì sẽ dẫn đến việc có những kết luận sai lầm về bản chất và
thực trạng của pháp luật nước ngoài.
- Thứ ba, để nghiên cứu pháp luật nước ngoài một cách hoàn thiện nhất, thì người
nghiên cứu cần am hiểu về ngôn ngữ, về nền pháp luật của quốc gia mà mình nghiên
cứu. Bên cạnh đó, yêu cầu người nghiên cứu pháp luật nước ngoài cần phải có sự hiểu
biết về tổng thể chứ không chỉ am hiểu về một khía cạnh mà có thể nghiên cứu pháp luật
nước ngoài được. 

=> Từ câu nói của vị giáo sư luật học Max Rheinstein cùng 3 luận điểm trên ta có
thể thấy rằng câu nhận định “Đôi khi người chưa từng học luật trong nước lại có thể
nghiên cứu pháp luật nước ngoài tốt hơn so với người đã từng học luật” là một câu nhận
định thật sự hợp lý. Vì suy cho cùng, khi bạn là người chưa từng học luật, bạn sẽ có góc
nhìn đa chiều và bao quát hơn, từ đó khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài sẽ không bị
nhầm lẫn. Còn đối với người đã từng học luật, đôi khi khi nghiên cứu pháp luật nước
ngoài họ sẽ có sự nhầm lẫn với những kiến thức pháp luật mà họ đã học trong quốc gia
của họ, từ đó dễ phát sinh ra nhiều kết luận sai lầm trong việc nghiên cứu pháp luật của
các quốc gia trên thế giới

PHẦN NHẬN ĐỊNH

Câu 1: Nhằm đảm bảo tính khách quan cho việc nghiên cứu pháp luật nước
ngoài, người nghiên cứu không được đặt các giả thuyết, giả định về tính tương đồng
hay khác biệt giữa các hiện tượng pháp lý của các nước.

- Nhận định: Sai.

- Vì để việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn thì
người nghiên cứu cần xác định những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hệ thống
pháp luật để tìm ra những tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các hệ thống
pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Nhằm đảm bảo tính khách quan cho việc nghiên
cứu pháp luật nước ngoài, người nghiên cứu không được đưa ra bất kỳ sự bình luận hay
nhận xét nào của cá nhân mình về hệ thống pháp luật mình nghiên cứu mà chỉ phản ánh
trung thực sự tồn tại của nó. 
Câu 2: Nghiên cứu pháp luật nước ngoài được xác định là mục đích nghiên
cứu chính của luật so sánh.

- Nhận định: Sai.

- Theo Michael Bogdan thì 3 mục đích nghiên cứu chính của luật so sánh là: 

+ Tìm ra sự tương đồng và khác biệt giữa các hệ thống pháp luật đó.

+ Sử dụng những điểm tương đồng và khác biệt đã tìm ra nhằm giải thích nguồn
gốc, đánh giá cách giải quyết trong các hệ thống pháp luật, phân nhóm các hệ thống pháp
luật hoặc tìm ra các vấn đề cốt lõi, cơ bản của 1 hệ thống pháp luật.

+ Xử lý những vấn đề mang tính chất phương pháp nảy sinh trong quá trình so
sánh luật, bao gồm cả những vấn đề khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài.

=> Như vậy nghiên cứu pháp luật nước ngoài chỉ là phương tiện chứ hoàn toàn
không phải là mục đích. Nếu chỉ trình bày những hiểu biết về hệ thống pháp luật của
nước ngoài mà không đặt nó trong sự so sánh với các hệ thống pháp luật khác, không xác
định những điểm tương đồng và khác biệt của nó với các hệ thống pháp luật khác thì đó
không phải là công trình so sánh luật.

Câu 3: Nguồn thông tin thứ yếu giữ vai trò không quan trọng trong hoạt động
so sánh pháp luật vì không phải là nguồn luật của một quốc gia.

- Nhận định: Sai.

- Việc phân loại nguồn thông tin chỉ mang tính tương đối không đồng nghĩa với
việc nguồn thông tin có vai trò quan trọng hơn. Về mặt thực tiễn việc sử dụng nguồn
thông tin chủ yếu hay thứ yếu phụ thuộc vào chủ đề nghiên cứu và năng lực của người
nghiên cứu để sử dụng nguồn thông tin cho phù hợp.

Ví dụ: Trường hợp nghiên cứu về giảng dạy pháp luật, lý luận nhà nước và pháp
luật,... thì không thể tìm thấy nguồn thông tin chủ yếu mà chỉ tìm thấy nguồn thông tin
thứ yếu.
Câu 4: Căn cứ để phân chia các loại nguồn thông tin thành nguồn thông tin
chủ yếu và nguồn thông tin thứ yếu là mức độ quan trọng, tính cần thiết của các
loại nguồn thông tin đối với công trình nghiên cứu luật so sánh.

- Nhận định: Sai. 

- Căn cứ để phân chia các loại nguồn thông tin thành nguồn thông tin chủ yếu và
nguồn thông tin thứ yếu dựa trên giá trị pháp lý của nó. 

- Việc phân loại nguồn thông tin chủ yếu hay thứ yếu chỉ mang tính tương đối mà
không đồng nghĩa với việc là nguồn thông tin nào đó có vai trò quan trọng hơn. 

VD: Trường hợp nghiên cứu về hoạt động giảng dạy pháp luât, lý luận pháp luật,
lịch sử nhà nước và pháp luật... Thì không thể sử dụng nguồn thông tin chủ yếu mà chỉ
có thể tìm thấy trong nguồn thông tin thứ yếu. Về mặt thực tiễn, việc sử dụng nguồn
thông tin chủ yếu hay thứ yếu phụ thuộc vào chủ đề nghiên cứu và năng lực nghiên cứu
của người người nghiên cứu để có thể sử dụng loại nguồn thông tin cho phù hợp.

Câu 5: Vì không phải là nguồn luật của hệ thống pháp luật quốc gia nên nguồn
thông tin thứ yếu không là nguồn thông tin bắt buộc trong hoạt động nghiên cứu, so
sánh pháp luật nước ngoài.

- Nhận định: Sai. 

- Vì nguồn của luật gồm nguồn thông tin thứ yếu và nguồn thông tin chủ yếu.
Không thể nói nguồn thông tin thứ yếu không là nguồn thông tin bắt buộc phải phụ thuộc
vào chủ đề nghiên cứu và năng lực của người nghiên cứu sử dụng nguồn thông tin nào.
Nguồn thông tin thứ yếu là việc nghiên cứu những công trình khoa học trong lĩnh vực
pháp lý là nguồn thông tin bắt buộc trong hoạt động nghiên cứu, nếu không có thì việc so
sánh sẽ diễn ra khó khăn và thiếu tính thực tiễn cũng như khả năng thuyết phục không
cao, hiệu quả của việc so sánh sẽ thấp.
- XM: Về nguyên tắc, nguồn tiếp cận trước tiên luôn phải là nguồn chủ yếu, chỉ khi
nào gặp vướng mắc mới nghiên cứu nguồn thứ yếu. Tuy nhiên có 1 ngoại lệ là nếu thực
tế không có nguồn chủ yếu để nghiên cứu thì việc sử dụng nguồn thứ yếu lại là lựa chọn
duy nhất.

Câu 6: Nghiên cứu luật nước ngoài chỉ thành công khi người nghiên cứu có
được nguồn thông tin chủ yếu về vấn đề pháp luật mình đang quan tâm.

- Nhận định: Sai.

- Để nghiên cứu luật nước ngoài người nghiên cứu không chỉ có được nguồn thông
tin chủ yếu về vấn đề mà mình quan tâm mà còn tùy thuộc đối với từng cấp độ nghiên
cứu, chủ đề nghiên cứu và năng lực của người nghiên cứu. Đối với việc nghiên cứu phục
vụ hoạt động nghiên cứu lập pháp thì phải có sự kết hợp giữa hai nguồn thông tin chủ
yếu và thứ yếu vì người nghiên cứu khi sử dụng nguồn thông tin chủ yếu đòi hỏi phải
hiểu bằng ngôn ngữ gốc nên cần phải có sự kết hợp của nguồn thông tin thứ yếu sẽ giúp
cho nhà nghiên cứu dễ tiếp cận hơn khi được diễn giải bởi các chuyên gia. Vì vậy, để
công trình nghiên cứu đạt hiệu quả nên kết hợp cả hai nguồn.

Câu 7: Khi nghiên cứu pháp luật nước Anh có thể dựa hoàn toàn vào án lệ và
ngược lại khi nghiên cứu pháp luật nước Pháp có thể dựa hoàn toàn vào văn bản
pháp luật.

- Nhận định: Sai.

- Anh là quốc gia mà ở đó lấy án lệ là hình thức pháp luật chủ yếu nhưng bên cạnh
ấy Anh vẫn sử dụng một hình thức pháp luật khác mà hiện nay ngày càng trở nên phổ
biến và chiếm một số lượng tương đối khá nhiều trong hệ thống pháp luật của Anh đó là
Luật thành văn. Bắt đầu từ khoảng thế kỷ 19 tới nay luật thành văn ra đời tương đối khá
nhiều trong hệ thống pháp luật nước Anh. Xét theo mối tương quan giữa án lệ và luật
thành văn thì ở Anh thì khả năng án lệ sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn so với luật thành
văn. Nhưng xét về độ lý luận lẫn thực tiễn thì án lệ nằm ở vị trí pháp lý thấp hơn luật
thành văn mặc dù án lệ là hình thức chủ yếu để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.
- Pháp là quốc gia đi theo truyền thống luật thành văn, trong BLDS 1804 của Pháp
tại Điều 5 quy định nghiêm cấm các thẩm phán trong quá trình xét xử tạo ra các nguyên
tắc mang tính tiền lệ chung, tức là cấm các án lệ tồn tại. Nhưng trên thực tế án lệ của
Pháp vẫn tồn tại và án lệ này về nguyên tắc là sự giải thích linh hoạt từ pháp luật thành
văn dựa trên quan điểm của nhà lập pháp Khi nghiên cứu luật của nước Pháp, về mặt
thực tiễn, chúng ta phải tôn trọng trật tự phân cấp: án lệ có giá trị áp dụng cao hơn luật
thành văn vì nó có giá trị định hướng cho công tác xét xử của Tòa án, mặc dù về mặt lý
luận, luật thành văn là nguồn luật cao hơn.

Câu 8: Việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất khi
chúng ta chỉ nên quan tâm đến khía cạnh pháp luật mà mình dự định nghiên cứu.

- Nhận định: Sai.

- Để việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài đem lại hiệu quả tốt nhất chúng ta cần
tìm hiểu kĩ về nguồn thông tin về pháp luật nước ngoài, am hiểu ngôn ngữ mà pháp luật
của quốc gia mình nghiên cứu, so sánh pháp luật phải đi liền với chính sách pháp luật
(pháp luật nhà nước phải được nghiên cứu trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn
hóa, lịch sử... của quốc gia đó). Việc chỉ nghiên cứu quan tâm đến khía cạnh pháp luật
mà mình dự định nghiên cứu sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Câu 9: Kiến thức pháp luật trong nước không có ý nghĩa tác động nào đối với
quá trình nghiên cứu pháp luật nước ngoài.

- Nhận định: Đúng.

- Chúng ta không nên sử dụng kiến thức pháp luật trong nước để nghiên cứu pháp
luật nước ngoài bởi quá trình hình thành, phát triển của mỗi nước là khác nhau, sự khác
biệt trong pháp luật quốc gia là quá lớn, kể cả dù có sự tương đồng nhưng cũng chỉ ở
khía cạnh nhất định, phải đảm bảo tính khách quan về mặt tư duy nghiên cứu pháp luật.

Câu 10: Nghiên cứu pháp luật nước ngoài trong tính toàn diện được hiểu là
phải đặt vấn đề pháp lý cụ thể trong luật nước ngoài vào bối cảnh kinh tế, xã hội và
pháp luật của quốc gia đó.
- Nhận định: Sai.

- Tính tổng thể: Pháp luật nước ngoài khi được nghiên cứu phải được đặt trong bối
cảnh xã hội (văn hoá, giáo dục,…) và bối cảnh pháp luật của chính quốc gia có hệ thống
pháp luật đang nghiên cứu.

- Tính toàn diện: Pháp luật nước ngoài phải được nghiên cứu đầy đủ, bao gồm:

+ Quy định được ra đời dưới góc độ là pháp luật thực định được hình thành từ
trong thực tiễn (quy định trên giấy và áp dụng trên thực tế).

+ Quy định điều chỉnh trực tiếp lẫn các quy định điều chỉnh gián tiếp.

You might also like