You are on page 1of 11

ĐỀ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)


Đọc văn bản:
Ngày hôm nay bạn sống với lòng yêu thương, chắc chắn rằng bạn sẽ nhận lại được yêu thương
vào ngày mai. Sự khởi đầu hôm nay của mỗi người không phải bắt đầu từ những điều xa rời thực tế,
mà hãy bắt đầu bằng những gì chân thực nhất của tình yêu thương và lòng bao dung cao cả.
Tình yêu thương vô cùng đơn giản và rất gần gũi với tất cả mọi người. Nó xây dựng nên mối
quan hệ thân thiện giữa người với người, làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Người có nhân cách đẹp là người luôn biết yêu thương mọi người và luôn hướng đến chân - thiện -
mỹ. Món quà của sự yêu thương không nhất thiết phải là vật chất, mà chỉ đơn giản là lời động viên,
là cái nhìn đầy thiện cảm, một lời cảm ơn chân thành… Bao nhiêu đó cũng đủ làm ấm lòng người
nhận, thể hiện được sự đồng cảm, sẻ chia, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau. Tình yêu thương làm cho
mỗi người hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, đạo đức, cũng nhờ đó mà xoa dịu được những nỗi đau
trong tâm hồn. Cho dù bạn là ai, ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ việc gì, khi nhắc đến tình yêu thương
bạn cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Tình thương chính là sợi dây gắn kết tình cảm của các thành viên
trong gia đình, mọi người trong cộng đồng, tạo nên một xã hội nhân văn, đầy ắp tình người. Không
chỉ như vậy, nhờ có lòng yêu thương mà mọi người có thể cùng nhau đoàn kết lại, tạo nên sức mạnh
cùng vượt qua khó khăn, thử thách, xóa bỏ mọi khoảng cách. Nếu biết sống vì người khác, lòng yêu
thương sẽ là động lực giúp chúng ta hoàn thành tốt công việc với hiệu quả cao hơn. Yêu thương tiếp
thêm cho chúng ta sức mạnh để cuộc sống càng thêm ý nghĩa, định hướng cho chúng ta có một đời
sống tinh thần lành mạnh. Tâm hồn mỗi người nhờ thế được bồi đắp trở nên trong sáng hơn, niềm tin
vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố thêm.
Yêu thương và được yêu thương, đó là điều mà mọi người luôn luôn mong muốn. Chính yêu
thương đã giúp chúng ta có được niềm tin, nhận ra được lẽ sống, nhìn ra cái đẹp, thấy được những
điều tích cực xung quanh mình. Vì vậy hãy luôn cố gắng trở thành một con người hướng thiện, một
người luôn biết yêu thương và trân quý cuộc sống này. Hãy để cho thế giới này luôn được tỏa sáng
bằng tình yêu thương và hãy nuôi dưỡng nó bằng cách làm nhiều việc tốt, yêu thương mọi người, sẵn
lòng giúp đỡ người khác bằng khả năng có thể.
(Hãy đối xử với nhau bằng sự yêu thương, Minh Uyên, baoninhthuan.com.vn, 14/02/2020)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta nên bắt đầu ngày hôm nay như thế nào?
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến “Chính yêu thương đã giúp chúng ta có được niềm tin,
nhận ra được lẽ sống, nhìn ra cái đẹp, thấy được những điều tích cực xung quanh mình”?
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau khi đọc văn bản là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của bản
thân về sức mạnh của việc lan tỏa yêu thương trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
– Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.110)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ
Tố Hữu.

----------------Hết------------------
ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
“dân tin cậy các anh
như núi như sông như rừng như nước
như tình yêu như gỗ hóa trầm
như hạt lúa như ngọn rau ngọn cỏ
như bí bầu khoai sắn bốn ngàn năm
sát cánh chung vai
dắt dìu nhau
dẫu gập ghềnh
dẫu lênh đênh
dẫu chông chênh
đi qua vận nước
còn dân là còn nước
dân tin cậy các anh
sắc áo xanh rợp bóng vòm xanh
phận người mong manh
thêm bàn tay ấm
cái kiến con ong
non sông nước Việt
dân với quân như cội với cành
chỉ một tấm lòng”.
[21-8-2021]
(Chỉ một tấm lòng , Lê Minh Quốc, bài đăng trong chuyên mục Văn hóa trên báo Tuổi trẻ online
ngày 2/9/2021)

Thực hiện các yêu cầu sau:


Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong 5 câu thơ đầu.
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý nghĩa hai câu thơ “dân với quân như cội với cành/ chỉ một tấm
lòng”.
Câu 4. Anh/ chị rút ra thông điệp gì từ văn bản?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ
của anh/ chị về vẻ đẹp của những chiến sĩ quân đội giúp dân trong công tác phòng chống dịch Covid-
19.
Câu 2. (5,0 điểm)
“Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng
vách thành,  mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà
như một cái yết hầu.  Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ
đã có lần vọt từ bờ này sang  bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy
lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè  một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng
nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. 
Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió , cuồn
cuộn luồng  gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm
lược qua đấy. Quãng  này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ đòi lật ngửa bụng thuyền ra.
Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới  Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống
như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm  móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống
cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ  lừ những cánh quạ đàn . Không thuyền nào
dám men gần cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh  để lướt quãng sông, y như ô tô sang số
ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ  vực.” 
(Trích Người lái đò đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam,
2019, tr186-187)  
Anh/ chị hãy phân tích hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về phong cách
của Nguyễn Tuân thể hiện qua tác phẩm.

----------------Hết------------------
ĐỀ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm) 


Đọc đoạn trích sau:
Thanh xuân là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời, cũng là những năm tháng
then chốt có thể quyết định tương lai của một người. Nếu bạn lựa chọn an nhàn trong
10 năm, tương lai sẽ buộc bạn phải vất vả trong 50 năm để bù đắp lại. Nếu bạn bươn
chải vất vả trong 10 năm, thứ mà bạn chắc chắn có được là 50 năm hạnh phúc. Điều
quý giá nhất không phải là tiền bạc. Thế nên, bạn à, đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ.
Tháng 11 năm 2015, Jack Ma - tỉ phú thích đi giày vải đã nói rằng: "Tôi nguyện
dùng toàn bộ tài sản của mình để đổi lấy thanh xuân."
Điều quý giá nhất không phải là tiền bạc mà là thời gian. Đừng lựa chọn an nhàn
trong những năm tháng cần sự phấn đấu. Nhân khi còn ở độ tuổi thanh xuân, với sự
nhiệt huyết, năng động và những bài học thất bại, hãy bước đều về phía trước, dựng xây
một cuộc đời khác biệt.
Trên hành trình đi đến trưởng thành, mỗi người trẻ đều phải trải qua những
tháng ngày trầm luân, vất vả. Những tháng ngày đó có thể là một năm, cũng có thể là
ba năm, năm năm. Xét cho cùng, muốn một đời không khổ nhọc, chúng ta phải chịu khổ
nhọc một thời.
(Theo Đừng chọn an nhàn khi còn trẻ, Cảnh Thiên, NXB Thế giới, 2021, tr. 11, 12,13)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, nếu bạn bươn trải vất vả trong 10 năm, thứ mà bạn chắc chắn có
được là gì ?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói: "Muốn một đời không khổ nhọc, chúng ta
phải chịu khổ nhọc một thời" ?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: "Điều đáng nói nhất không phải là tiền bạc mà
là thời gian" không ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200
chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.
Câu 2. (5,0 điểm)
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăn ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm nhìn đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm,
Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.120)
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét điểm mới trong tư
tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ gửi gắm trong đoạn trích.

----------------HẾT------------------
ĐỀ 4

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)


Đọc đoạn trích:
Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị bạo
hành, xâm hại bởi chính người thân là rất cao, gần đây có xu hướng gia tăng. Rõ ràng, mối
quan hệ thân thiết khiến trẻ ít đề phòng và mặc định hành vi bạo lực của người thân là điều
chúng hiển nhiên phải chịu đựng.
Nguy cơ bạo lực trong các mối quan hệ xung quanh trẻ tùy thuộc đặc điểm của đối
tượng người thân, khả năng tiếp cận, mức độ gần gũi với trẻ, đặc biệt là lịch sử, phạm vi kinh
nghiệm của những người này. Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế cung cấp thông tin đánh giá
chất lượng các mối quan hệ xung quanh trẻ để có các chính sách giúp lành mạnh hóa và giảm
rủi ro bạo lực.
Để bảo đảm an toàn trong các mối quan hệ, những người nhận nhiệm vụ nuôi dạy trẻ,
dù dưới tư cách nào, cũng cần tham gia các khóa đào tạo để có thể nắm bắt được tâm sinh lý
trẻ, điều tiết suy nghĩ và hành vi của chính mình, có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho vai trò
người đồng hành với trẻ. Những người này cũng cần hiểu rõ hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức, hiệp hội đóng vai trò
cung cấp hoặc khuyến khích cung cấp thông tin có liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em cùng
việc tổ chức những kênh tiếp nhận và xử lý các thông tin này hiệu quả.
(Dẫn theo báo Người lao động, Khi bạo lực gia đình trở thành tội ác: xây dựng
hệ sinh thái bảo vệ trẻ em, ngày 24/01/2022)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo văn bản nguy cơ bạo lực trong các mối quan hệ xung quanh trẻ tùy thuộc vào
những điều gì?
Câu 3. Nạn bạo lực có phải chỉ xuất phát khi có dấu hiệu bạo hành, xâm phạm hay không?
Câu 4. Nếu anh/chị chứng kiến hoặc phát hiện trường hợp bạo lực gia đình, anh/chị sẽ làm
gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu
suy nghĩ của anh/ chị về những biện pháp bảo vệ trẻ em một cách toàn diện trước vấn nạn
bạo lực gia đình.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc qua đoạn thơ
sau:
Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh, dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
(Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.111)
Từ đó nhận xét về nét độc đáo trong bút pháp miêu tả của nhà thơ Tố Hữu.

----------------Hết------------------
ĐỀ 5

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)


Đọc đoạn trích:
Đi đi, cứ đi để rồi một khoảnh khắc nào đó ta nhận ra phía sau xe tốt hơn nên là một
khoảng không hoặc người tri kỷ, đi để kiếm tìm tự do vậy hà cớ gì cứ ràng buộc mình trong
những điều gò bó? Đường dài lắm và đời ta thì ngắn, sự nuối tiếc muôn đời  đến chậm. Người ta
thường không tiếc vì đã không đi, người ta tiếc vì đi không phải cách.
Thế rồi… ta lại đi, đi theo cái cách của riêng mình!
Khi đôi bàn tay và khuôn mặt hao gầy bắt đầu thèm cảm giác rát cháy trên những nẻo xa,
khi đôi chân lại muốn lang thang trên một miền quê thanh bình nào đó, có thể cùng tri kỷ, có thể
một mình nhưng chớ có ồn ào. Hãy để tim bình lặng theo từng bước chân đi mệt mỏi…
Đi thôi, đi để rồi biết nơi đâu là chốn yên bình thật sự. Đi để nuốt những món đầu đường
rồi biết thèm một bát canh chua, đi cho đến khi bỗng muốn được dừng và đặt lưng trên chiếc
giường quen thuộc, cho đến khi những cái vẫy chào xa lạ chẳng hề gì với một ánh mắt của cha…
[...]
Ai nghe không? Đâu đó bên kia gió hát thì thầm, xa tít chân mây là tiếng thở dài vẫn còn
cao ngạo. Một bát thịt đầy, một vo rượu lớn, ta nhâm nhi quên mất tình trăng, người nhớ hay
chăng? Người vẫn là hoa, ta muôn thuở vai chùng thân cội!
Ai thấy không? Nàng Hạ chiều nay như mỏi mệt với cái nắng của chính mình mà nằm mỏi
chơ vơ giữa triền thung lũng, như những con người mỏi mệt với những tư tình do mình tạo ra mà
lang thang hoài mỏi gối chùn chân. Tựa lưng vào gốc cây thở dài, uống vài ngụm nước, ta nở nụ
cười với cánh hồng héo rũ bên đường, sắp chết…
Chắc chẳng ai đâu! Họ còn đang bận với nhiều điều lạ lắm!
(Tâm sự: Tâm tình với những chuyến đi!, Huỳnh Minh Nhật, Dẫn theo
https://ocuaso.com/tam-su-cuoc-song/viet-ve-cuoc-song/tam-su-tam-tinh-voi-nhung-chuyen-
di.html)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo đoạn trích, người ta thường không tiếc và tiếc gì về những chuyến đi?
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Chắc chẳng ai đâu! Họ còn đang bận với nhiều
điều lạ lắm!
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa nhất anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy
nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của những chuyến đi trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích hai khổ cuối bài thơ Sóng. Từ đó, nhận xét cái tôi trữ tình của nhà thơ Xuân
Quỳnh.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Biển Diêm Điền, 29-12-1967
(Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.156)

----------------Hết------------------

You might also like