You are on page 1of 4

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

12 câu đầu:
I. Mở bài: Thân phận người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong các tác phẩm văn học
Việt Nam. Nếu “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là lời than về số phận bạc mệnh của nàng
Kiều thì “Chinh phụ ngâm” của Đặng trần Côn lại là nỗi sầu của người chinh phụ khi phải
xa chồng trong thời kì chiến tranh loạn lạc. Với bản diễn nôm rất thành công của Đoàn Thị
Điểm, “Chinh phụ ngâm” đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn
học trung đại Việt Nam. Đọc tác phẩm này, nhất là đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người
chinh phụ”, chắc chắn không ai có thể quên được 12 câu đầu của đoạn trích với nghệ thuật
tả cảnh ngụ tình vô cùng đặc sắc. Đoạn thơ đã diễn tả nỗi cô đơn buồn tủi trong cảnh khắc
khoải chờ chồng của người chinh phụ một cách sâu sắc:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
II. Thân bài
1. Tiền đề phân tích
“Chinh phụ ngâm khúc” có nghĩa là lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi
chinh chiến. Tác phẩm dài 476 câu thơ, được viết bằng thể loại ngâm khúc - một thể thơ
trữ tình có quy mô tương đối lớn, tác phẩm ngắn nhất cũng đến hàng trăm câu thơ, dài thì
vài trăm câu. Trong nguyên tác chữ Hán, Đặng Trần Côn sử dụng thể thơ trường đoản cú,
còn bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm lại sử dụng thể thơ của dân tộc: song thất lục bát.
Được coi là viên ngọc quý của văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ XVIII, “Chinh phụ ngâm
khúc” là tiếng nói oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đồng thời thể hiện khát vọng
hạnh phúc lứa đôi thiết tha của người chinh phụ. Nội dung nhân đạo ấy được thể hiện qua
những hình tượng mang đậm tính ước lệ, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc và không thể
không kể đến bản dịch xuất sắc của Đoàn Thị Điểm đã đưa ngôn ngữ dân tộc lên tầm cao
mới phong phú, uyển chuyển.
2. Phân tích
12 câu thơ miêu tả tâm trạng cô đơn lẻ loi và nỗi sầu muộn triền miên của người
chinh phụ. Sau khi tiễn chồng ra trận, nàng trở về trong nỗi chờ mong khắc khoải:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

1
Trong đêm thanh vắng quạnh hiu này, chỉ có tiếng bước chân của nàng, một mình đối diện
với chính mình. Bước chân ấy đi đi lại lại trên hiên nhưng có lẽ tâm trí nàng đang chìm
đắm trong miên man. Mỗi bước chân là một nỗi nhớ, mỗi bước chân là một nỗi lo, tất cả
đang làm cho tâm trạng nàng nặng trĩu lo âu và thương nhớ người chồng đang chinh chiến
ở ải xa. Người chinh phụ hết đi đi lại lại, rồi lại buông rèm, cuốn rèm không biết bao nhiêu
lần… Đây là những động tác, cử chỉ và hành động được lặp lại nhiều lần mà không hề có
mục đích của người chinh phụ. Phải chăng nó chỉ để biểu lộ tâm trạng cô đơn lẻ loi của
nàng mà không biết san sẻ cùng ai?
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương!
Nếu như ở câu trước người chinh phụ “ngồi rèm thưa” để ngóng đợi tin chồng, thì ở câu
thơ này người chinh phụ ngóng con chim thước - mong được báo tin lành nhưng chẳng
thấy. Nàng lại quay về với không gian chật hẹp của căn phòng, nơi mà nàng đối diện với
bóng mình, đối diện với ngọn đèn khuya hiu hắt. Điệp ngữ bắc cầu: “Đèn biết chăng - đèn
có biết” như lời than thở, nỗi khắc khoải đợi chờ và hi vọng trong day dứt không biết tâm
sự cùng ai. Điệp ngữ ấy kéo dài âm hưởng day dứt của câu trên tạo ra một nỗi buồn triền
miên, kéo dài lê thê không dứt trong không gian và thời gian. Nàng hỏi đèn: “Trong rèm,
dường đã có đèn biết chăng?” nhưng đèn cũng chỉ là vật vô tri, đành ngậm ngùi tự trả lời
“Đèn có biết dường bằng chẳng biết”. Tâm trạng của người chinh phụ đã chuyển giọng tự
nhiên từ lời kể bên ngoài thành lời tự độc thoại nội tâm, da diết, dằn vặt và ngậm ngùi.
“Nói chẳng nên lời” gợi tâm trạng ngổn ngang, bế tắc không thể giãi bày. Hai chữ “khá
thương” vang lên vừa như lời độc thoại, vừa như giọng kể đồng cảm của tác giả. Nỗi niềm
không được sẻ chia, con người giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, chỉ như kiếp “hoa
đèn” tàn lụi, mất hết sức sống. Hình ảnh ngọn đèn hoa đèn cùng với hình ảnh cái bóng trên
tường gợi cho người đọc nhớ đến những ngọn đèn không tắt trong nỗi nhớ của người thiếu
nữ trong bài ca dao quen thuộc:
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên.
Trong đêm vắng chỉ có ngọn đèn có ánh sáng, nó càng làm nổi bật đêm tối mênh mang và
nỗi cô đơn dường như nhân lên gấp bội trong lòng người thiếu phụ.

2
Dùng cảnh vật thiên nhiên, tự nhiên để diễn tả tâm trạng, dùng cái khách quan để tả
cái chủ quan vẫn là biện pháp quen thuộc của văn chương trữ tình trung đại:
Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Một đêm dài năm canh, người chinh phụ vì trông ngóng người chinh phu, thức trọn năm
canh, nghe tiếng gà gáy mà sợ hãi, buồn rầu. Cái âm thanh eo óc ấy thưa thớt, ghê rợn, tang
tóc, khó chịu, từng tiếng từng tiếng vang lên rõ mồn một, đối lập với sự tĩnh lặng, trầm
lắng trong tâm nàng. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đẩy tâm trạng người chinh phụ lên một
nấc thang mới, khiến nó đau đớn hơn, cô độc hơn, giày vò nàng hơn. Không chỉ có tiếng
gà gáy khiến nàng trằn trọc, bóng hòe phất phơ cũng khiến người chinh phụ suy tư, lo nghĩ.
Từ láy tượng hình phất phơ càng tăng thêm tính mơ hồ, hư ảo của cảnh vật, của tin tức về
người chồng ngoài biên ải, của những buổi đoàn tụ, sum họp gia đình trong mơ ước ấy,
nàng càng mong chờ, càng cảm thấy xa xôi.
Trong không gian vắng lặng, thời gian đã đi qua màn đêm, người chinh phụ ôm nỗi
nhung nhớ, thấm thía về bi kịch đời mình:
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Vắng chồng, cuộc sống của người chinh phụ thật tẻ nhạt, buồn chán và nặng nề với những
thương nhớ đong đầy từng khắc, cô đơn bủa vây từng giờ. Một ngày không còn được
đo bằng vài canh, mấy khắc, mà được tính đếm bằng cả năm dài “đằng đẵng”. Phép so
sánh “như niên”, “tựa miền biển xa” cho thấy thời gian đầy ắp tâm trạng đơn côi, nỗi sầu
được cụ thể hóa, dòng thời gian tâm lý chuyển hóa thành sự đợi chờ mòn mỏi. Từ láy
“đằng đẵng” diễn tả độ dài thời gian vô tận không biết đến bao giờ mới hết; từ láy “dằng
dặc” là tính từ chỉ độ dài thời gian được dùng để chỉ sự vô tận của không gian, diễn tả nỗi
sầu triền miên theo ngày tháng, và mênh mông, vời vợi như không gian “miền biển xa”.
Người chinh phụ giờ ở vào hoàn cảnh của Kim Trọng khi thương nhớ Thúy Kiều:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
3. Mở rộng: Nghệ thuật
Việc truyền tải nội dung và giá trị nhân đạo của Chinh phụ ngâm là tài năng nghệ
thuật và sáng tạo tài tình của tác giả và dịch giả. Xuyên suốt mười hai câu thơ là các biện
pháp nghệ thuật như điệp ngữ, câu hỏi tu từ, ẩn dụ… và các bút pháp ước lệ tượng trưng,
tả cảnh ngụ tình. Tác giả cũng có sự chọn lọc tinh tế các từ ngữ gợi hình, gợi cảm để miêu
tả chi tiết và chân thực, cảm động từng cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thêm vào
đó, thể thơ song thất lục bát với âm điệu réo rắt, thiết tha, giàu tính nhạc cũng góp phần
quan trọng thể hiện nội tâm người chinh phụ.

3
III. Kết bài: Gộp với giá trị nhân đạo
Đoạn trích là tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương người
chồng chinh chiến phương xa. Qua trạng thái cô đơn, vô vị của người thiếu phụ, “Tình
cảnh lẻ loi của người chinh phụ” hay “Chinh phụ ngâm” đã đề cao khát vọng về tình yêu
chân chính, cao đẹp của người; phê phán chế độ phong kiến trong xã hội cũ với những cuộc
chiến tranh phi nghĩa chia uyên rẽ thúy, hủy hoại hạnh phúc gia đình. Khúc ngâm đã đem
lại giá trị nhân văn cao cả, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương
thế kỉ XVIII trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc.

You might also like