You are on page 1of 19

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ


------------  ------------

TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC

PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN VÀ VẬN DỤNG


PHÂN TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

Sinh viên thực hiện: Phạm Hà Ngân


Mã SV: 2112650045
Số thứ tự: 61
Lớp: Anh 02, VLEX, Khóa 60
Giáo viên hướng dẫn: Th.S Nguyễn Thị Tùng Lâm

Hà Nội – 12/2020
MỤC LỤC
I. LỜI MỞ ĐẦU .............................................................................................. 3
II. NỘI DUNG .................................................................................................. 4

III. PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN ........................... 4

1. Khái quát về phép biện chứng............................................................... 4

a. Khái niệm ............................................................................................. 4

b. Phép biện chứng duy vật ...................................................................... 4

2. Nguyên lí về mối liên hệ phổ biến ......................................................... 4

a. Khái niệm mối liên hệ, mối liên hệ phổ biến ....................................... 4

b. Các tính chất của mối liên hệ ............................................................... 5

c. Ý nghĩa phương pháp luận ................................................................... 6

IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG SINH THÁI............................................................................... 8
1. Cơ sở triết học nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và
bảo vệ môi trường sinh thái ................................................................... 8
2. Tổng quan về mối liên hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và
bảo vệ môi trường sinh thái ................................................................. 10
a. Thế nào là tăng trưởng kinh tế ........................................................... 10

b. Thế nào là bảo vệ môi trường sinh thái ............................................. 11

c. Tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái ....................... 12

3. Mối liên hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi
trường sinh thái .................................................................................... 12
4. Ảnh hưởng của các chính sách tăng trưởng kinh tế đến môi trường
sinh thái ở Việt Nam ............................................................................. 15
5. Giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
................................................................................................................ 17
KẾT LUẬN .................................................................................................... 19
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 19
LỜI MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Ngày nay, thế giới đang tiến vào làn sóng văn minh mới, với nền sản xuất hiện đại, khoa
học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến mà nhờ đó, loài người đạt được sự tăng trưởng kinh tế
không ngừng. Song, thế giới cũng đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức nghiêm
trọng mang tính toàn cầu. Một trong số đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt
tài nguyên. Tình trạng này đang đặt loài người trước sự “trả thù của giới tự nhiên” như từ
lâu Ph.Ăngghen đã từng cảnh báo và đang đe dọa chính sự tồn tại của bản thân Trái đất.
Do vậy, loài người muốn tồn tại và phát triển một cách hài hòa với giới tự nhiên, cần phải
có những giải pháp kịp thời và hữu hiệu để giải quyết những vấn đề môi trường.
Điều này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo cũng như các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên
cứu về môi trường và phát triển quan tâm nhiều đến mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế
và bảo vệ môi trường. Vì xét đến cùng, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ
môi trường chính là mối quan hệ giữa xã hội và giới tự nhiên.
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Vấn đề môi trường, vấn đề quan hệ giữa con người và giới tự nhiên không đơn giản chỉ là
vấn đề thuần túy khoa học hay kinh tế - kỹ thuật, nó còn là vấn đề mang tính giai cấp, vấn
đề tư tưởng, vấn đề chính trị... Do vậy, khoa học xã hội, đặc biệt là triết học, có nhiệm vụ
làm cho mọi người nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần làm cho mọi người
thấy được rằng việc bảo vệ môi trường không chỉ liên quan đến thế hệ này mà còn liên
quan đến các thế hệ mai sau. Triết học có nhiệm vụ giải quyết vấn đề phương pháp luận
về sự tác động qua lại giữa các khoa học trong việc nghiên cứu vấn đề con người và môi
trường, góp phần xây dựng ý thức đúng đắn của con người trong quan hệ với giới tự
nhiên.
Tăng trưởng kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sống hiện đang là lựa chọn tối ưu
trong chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cơ sở lý
luận đúng đắn nhất của đường lối đó chỉ có thể là triết học Mác - Lênin. Theo đó, để giải
quyết các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường,
chúng ta cần: một là, có quan điểm hệ thống, toàn diện và phát triển khi nghiên cứu vấn
đề này; hai là, cần dựa vào bản chất của chế độ xã hội và sự phát triển của khoa học, công
nghệ hiện đại; ba là, điều khiển hoạt động có ý thức của con người với tư cách chủ thể
trong quá trình tác động vào tự nhiên.
NỘI DUNG
I. PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN
1. Khái quát về phép biện chứng
a. Khái niệm
Trong chủ nghĩa Mác – Lênin, khái niệm biện chứng dùng để chỉ những mối liên hệ, tương
tác, chuyển hóa và vận động, phát triển theo quy tắc của các sự vật hiện tượng, các quá
trình trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Biện chứng bao gồm biện chứng khách quan và biện
chứng chủ quan.

Phép biện chứng là học thuyết khoa học về các mối liên hệ phổ biến, các quy luật chung
nhất chi phối sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Phép biện chứng thuộc biện chứng chủ quan, tức là sự phản ánh biện chứng của thế giới
vật chất vào trong đời sống ý thức của con người. Khi xem xét sự vật, hiện tượng phép biện
chứng đặt nó vào trạng thái vận động, biến đổi, phát triển và trong mối quan hệ với sự vật,
hiện tượng khác.

b. Phép biện chứng duy vật


Phép biện chứng đã phát triển qua ba hình thức, ba trình độ cơ bản: phép biện chứng thời
kì cổ đại, phép biện chứng duy tâm Triết học Cổ điển Đức, phép biện chứng duy vật Triết
học Mác – Lênin.
Phép biện chứng duy vật được xem là giai đoạn phát triển cao nhất trong lịch sử triết học,
là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị, sâu sắc nhất và không phiến diện.
Trên cơ sở khái quát các mối liên hệ phổ biến và sự phát triển, những quy luật phổ biến
của các quá trình vận động phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã
hội và tư duy, phép biện chứng duy vật cung cấp những nguyên tắc, phương pháp
luận chung nhất cho quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Ph.Ăngghen đã định
nghĩa: “Phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến” để nhấn mạnh vai trò của
nguyên lý về mối liên hệ phổ biến.

2. Nguyên lí về mối liên hệ phổ biến


Khái niệm mối liên hệ, mối liên hệ phổ biến
Triết học duy vật biện chứng khẳng định rằng, liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự
tác động qua lại lẫn nhau, ràng buộc, quy định với nhau giữa các mặt trong một sự vật, hiện
tượng và giữa các sự vật, hiện tượng.
Thứ nhất, liên hệ là một phạm trù triết học. Như vậy chúng ta phải hiểu liên hệ một cách
khái quát nhất bao gồm tất cả các mối liên hệ trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy.
Thứ hai, liên hệ dùng để chỉ sự tác động qua lại lẫn nhau, ràng buộc, quy định với nhau
giữa các mặt trong cùng một sự vật hiện tượng. Một sự vật hiện tượng luôn bao gồm các
mặt, các bộ phận, chúng vừa khác nhau, độc lập với nhau, lại vừa thống nhất với nhau,
ràng buộc, quy định nhau để cùng tạo nên một chỉnh thể sự vật, hiện tượng. Ví dụ, xét một
chỉnh thể sự vật là một cơ thể con người. Cấu tạo cơ thể con người bao gồm 8 hệ cơ bản:
hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ bài tiết, hệ cơ, hệ xương và hệ sinh
dục. Mỗi hệ có một chức năng hoàn toàn khác nhau, như hệ tuần hoàn giúp lưu thông máu,
đưa máu đến các cơ quan thông qua đó thực hiện quá trình trao đổi chất và trao đổi khí qua
các mao mạch, hệ bài tiết giữ vai trò bài tiết trong cơ thể - đào thải các chất cặn bã đưa ra
ngoài cơ thể… Tuy nhiên, giữa chúng cũng có những mối liên hệ thống nhất với nhau nhằm
giúp cho cơ thể con người phát triển một cách khoẻ mạnh, hệ thần kinh trong đó có bộ não
điều hành chung sự hoạt động của tất cả các cơ quan còn lại, hệ tiêu hoá thực hiện trao đổi
chất trực tiếp từ ngoài vào cơ thể, đồng thời biến đổi các chất từ dạng phức tạp thành các
dạng đơn giản giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ, nhờ đó cung cấp các chất dinh dưỡng nuôi cơ
quan khác trong đó có hệ thần kinh. Như vậy, một cơ thể khoẻ mạnh là một cơ thể bao gồm
tất cả các hệ, các cơ quan đều phát triển một cách khoẻ mạnh, không thể thiếu đi một trong
các bộ phận đó được.
Thứ ba, liên hệ còn dùng để chỉ sự tác động qua lại lẫn nhau, ràng buộc, quy định với nhau
giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Thật vậy, một con người phát triển khoẻ mạnh là nhờ
sự tác động qua lại lẫn nhau của các hệ, các cơ quan trong cơ thể, nhưng một con người
không thể tồn tại một mình trên thế giới này mà không có những mối liên hệ nào với tự
nhiên, với những người khác. Ví dụ: xét một phần trong mối liên hệ giữa con người và tự
nhiên. Nhu cầu thiết yếu nhất của con người đó là thức ăn, mà thức ăn lại do tự nhiên cung
cấp, nhưng không phải tự nhiên sẽ cung cấp cho con người thức ăn mãi mãi, cũng như sẽ
phục vụ đúng như những nhu cầu ngày càng cao của con người. Mà muốn vậy, con người
cần phải tác động vào tự nhiên để tạo ra những sản phẩm phục vụ chính những mong muốn
của mình cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên khi con người tác động vào tự nhiên
cũng có cũng có những tác động tốt giúp cải tạo tự nhiên, có những tác động làm tổn hại
đến tự nhiên và khi đó chính con người lại chịu mọi thành quả cũng như những hậu quả do
mình làm ra.
Như vậy ta có thể hiểu được phần nào nội dung cơ bản của nguyên lý của mối liên hệ
phổ biến: giữa các mặt trong một sự vật hiện tượng và giữa các sự vật hiện tượng với
nhau luôn tồn tại mối liên hệ độc lập mà thống nhất – đó là mối liên hệ phổ biến.

Các tính chất của mối liên hệ


Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mối liên hệ phổ biến có ba tính chất
cơ bản: tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng phong phú.
Tính khách quan của mối liên hệ biểu hiện: các mối liên hệ là vốn có của mọi sự vật, hiện
tượng, nó không phụ thuộc vào ý thức của con người.
Tính phổ biến của mối liên hệ biểu hiện: bất kỳ một sự vật hiện tượng nào ở bất kỳ không
gian nào, thời gian nào cũng có mối liên hệ với những sự vật hiện tượng khác. Ngay trong
cùng một sự vật, hiện tượng thì bất kỳ một thành phần nào, một yếu tố nào cũng có mối
liên hệ với những thành phần, những yếu tố khác.
Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ biểu hiện: sự vật hiện tượng khác nhau, không
gian khác nhau, thời gian khác nhau thì các mối liên hệ biểu hiện khác nhau. Có thể chia
các mối liên hệ thành nhiều loại: mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bên ngoài, mối liên hệ
chủ yếu, mối liên hệ thứ yếu…
Các mối liên hệ này có vị trí vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và vận động của sự vật
hiện tượng. Sự phân chia từng cặp mối liên hệ chỉ mang tính chất tương đối, vì mỗi loại
mối liên hệ chỉ là một hình thức, một bộ phận, một mắt xích của mối liên hệ phổ biến.
Mỗi loại mối liên hệ trong từng cặp có thể chuyển hoá lẫn nhau tuỳ theo phạm vi bao
quát của mối liên hệ hoặc do kết quả vận động và phát triển của chính sự vật. Tuy sự
phân chia thành các loại mối liên hệ chỉ mang tính chất tương đối nhưng sự phân chia đó
lại rất cần thiết, bởi vì mỗi loại mối liên hệ có vị trí và vai trò xác định trong sự vận động
và phát triển của sự vật. Con người phải nắm bắt đúng mối liên hệ để có có cách tác động
phù hợp nhằm đưa loại hiệu quả cao nhất trong hoạt động của mình.

Ý nghĩa phương pháp luận


Nghiên cứu nguyên lý về mối liên hệ phổ biến có thể rút ra ý nghĩa về phương pháp luận
sau:
Quan điểm toàn diện: Vì các mối liên hệ là sự tác động qua lại, chuyển hoá, quy định lẫn
nhau giữa các sự vật, hiện tượng và các mối liên hệ mang tính khách quan, mang tính phổ
biến nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải tôn trọng quan
điểm toàn diện, phải tránh cách xem xét phiến diện. Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta
nhận thức về sự vật hiện tượng trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố,
giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với những sự vật
khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nhận
thức đúng sự vật. Đồng thời quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta phải biết phân biệt từng
mối liên hệ phải biết chú ý tới mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bản chất, mối liên hệ chủ
yếu, mối liên hệ tất nhiên và lưu ý đến sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các mối liên hệ để hiểu
rõ bản chất của sự vật và có phương pháp tác động phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao
nhất trong hoạt động của bản thân.
Trong hoạt động thực tế, theo quan điểm toàn diện, khi tác động vào sự vật, chúng ta
không những phải chú ý tới những mối liên hệ nội tại của nó mà còn phải chú ý tới những
mối liên hệ của sự vật ấy với sự vật khác. Đồng thời, chúng ta phải biết sử dụng đồng bộ
các biện pháp các phương tiện khác nhau để tác động nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Quan điểm lịch sử - cụ thể: Vì các mối liên hệ có tính đa dạng, phong phú. sự vật hiện
tượng khác nhau không gian thời gian khác nhau các mối liên hệ biểu hiện khác nhau nên
trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải tôn trọng quan điểm
lịch sử - cụ thể. Quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi chúng ta khi nhận thức về sự vật và tác
động vào sự vật phải chú ý điều kiện hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, môi trường cụ thể trong
đó sự vật sinh ra tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy rằng, một luận điểm nào đó là
luận điểm khoa học trong đó điều kiện này, nhưng sẽ không là luận điểm khoa học trong
điều kiện khác.
II. MỐI LIÊN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
1. Cơ sở triết học nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế
và bảo vệ môi trường sinh thái
Mối quan hệ giữa hoạt động của con người và bảo vệ môi trường đã từng được các nhà tư
tưởng và các nhà khoa học ở những giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội quan tâm
nghiên cứu. Tùy theo điều kiện lịch sử mà những nghiên cứu ấy được tiến hành từ các góc
độ khác nhau.
Nhìn chung, các tư tưởng triết học trước Mác, cả ở phương Đông và phương Tây, về mối
quan hệ giữa con người với giới tự nhiên có nhiều yếu tố tích cực, nhưng cơ bản còn mang
tính duy tâm và siêu hình. Kế thừa những tư tưởng tích cực, khắc phục những hạn chế,
ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi xem xét mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên, C.Mác
và Ph.Ăngghen đã đưa ra những tư tưởng đúng đắn dựa trên các căn cứ khoa học và lịch
sử vững chắc về mối quan hệ đó. Một trong những tư tưởng đó đã được lịch sử xã hội loài
người khẳng định là xã hội không thể tồn tại và phát triển, nếu không có quá trình thường
xuyên sản xuất và tái sản xuất xã hội. Theo các ông, hoạt động sản xuất là đặc trưng riêng
của con người và xã hội loài người.
Sản xuất vật chất chính là quá trình hoạt động có mục đích của con người, là quá trình con
người sử dụng công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên, cải biến các dạng vật chất của
giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất phục vụ cho đời sống của con người và cho xã hội.
Sản xuất vật chất được thực hiện trong quá trình lao động. Chính C.Mác là người đầu tiên
đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, nghĩa là tìm ra cái sự thật giản đơn rằng
“... con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị,
khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v..”.
Con người phải sản xuất vật chất, đó là yêu cầu khách quan của sự sinh tồn xã hội, là điều
kiện cơ bản của mọi xã hội, là một hành động lịch sử mà hiện nay cũng như hàng ngàn
năm trước đây người ta vẫn phải tiến hành từng ngày, từng giờ cốt để duy trì cuộc sống
của con người. Và, chính trong quá trình này mối quan hệ giữa giới tự nhiên, con người và
xã hội hình thành. Tuy xuất hiện vào những thời điểm khác nhau nhưng các yếu tố giới tự
nhiên, con người, xã hội bao giờ cũng tồn tại trong sự thống nhất biện chứng, bởi vì “chừng
nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên quy định lẫn nhau”.
Con người và xã hội tồn tại trong lòng giới tự nhiên. Và, lao động của con người là hạt
nhân của sự thống nhất biện chứng giữa xã hội và giới tự nhiên. Sự thống nhất đó được
biểu hiện trong bản chất của con người. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng
định: “... con người ta, do bản tính, nếu không phải là một động vật chính trị như Aristốt
nói, thì dầu sao cũng là một động vật xã hội”.
Như vậy, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, giữa xã hội và giới tự nhiên, giữa con người và môi
trường có mối quan hệ chặt chẽ. Trước hết, con người chỉ có thể tồn tại và phát triển ở
trong xã hội; mặt khác, con người là “một bộ phận của giới tự nhiên”, là sản phẩm cao nhất
của giới tự nhiên, sống dựa vào giới tự nhiên, nằm trong lòng của giới tự nhiên, gắn với
giới tự nhiên bằng trăm nghìn mối dây liên hệ. “Giới tự nhiên – cụ thể là cái giới tự nhiên
trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của
con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể
của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao
tiếp để tồn tại. Ở đây, hoạt động có ý thức của con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng
và vai trò đó ngày càng tăng lên, thậm chí quyết định sự tồn tại và chiều hướng phát triển
của chính mình cũng như của giới tự nhiên.
Quan trọng hơn nữa, C.Mác đã xét sự thống nhất giữa con người và giới tự nhiên như một
vấn đề xã hội, vì “bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì
chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với
con người”. Sự thống nhất đó không phải là sự thống nhất trong trạng thái tĩnh lặng mà
luôn sống động, là một quá trình lịch sử luôn biến đổi và phát triển không ngừng. Nó được
thực hiện thông qua lao động của con người trong quá trình sản xuất vật chất, thông qua
thực tiễn.
Lịch sử của giới tự nhiên và lịch sử của xã hội loài người là hai giai đoạn trong quá trình
phát triển của thế giới vật chất. Điều này đã được chứng minh bằng những thành tựu của
khoa học và công nghệ hiện đại. Vì vậy, mối quan hệ giữa "Tự nhiên - Con người - Xã hội
là một bộ phận không thể tách rời của thế giới vật chất, nhưng là một bộ phận lớn nhất, bao
trùm nhất đối với sự sống con người. Cơ sở thống nhất của hệ thống này được quy định
bởi cấu trúc chặt chẽ, liên hoàn của sinh quyển và bởi cơ chế hoạt động theo nguyên tắc tự
tổ chức, tự bảo vệ, tự điều chỉnh, tự làm sạch của chu trình sinh học hay chu trình trao đổi
vật chất, năng lượng và thông tin của sinh quyển". Do đó, điều chúng ta rút ra là phải có
quan điểm hệ thống, quan điểm toàn diện và phát triển trong việc nghiên cứu và giải quyết
các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ngày nay, trong nền văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp, điều gì sẽ xảy ra nếu như
bùng nổ một cuộc khủng hoảng sinh thái trên quy mô toàn cầu? Điều gì đã xảy ra trong
quá khứ thì rất có thể cũng sẽ xảy ra trong hiện tại và tương lai, nếu như con người không
chịu thay đổi chiến lược phát triển của mình. Có nghĩa là, giới tự nhiên sẽ trả thù con người
nếu như con người vẫn tiếp tục tác động một cách vô ý thức, gây ra những tổn thất cho nó.
Ph.Ăngghen đã nhắc nhở rằng, chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của mình
trước giới tự nhiên, bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả
thù lại chúng ta. Và, tương tự như vậy, C.Mác cũng đưa ra nhận định cho rằng, nếu con
người tiến hành việc canh tác một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý
thức thì cái để lại sau hành động đó sẽ chỉ là đất hoang. Bởi vậy, "sự tác động một cách có
ý thức lên tự nhiên hay sự điều khiển có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên
ngày nay, hơn lúc nào hết đang được đặt ra hết sức nghiêm túc và cấp bách.
Lịch sử xã hội đã chứng tỏ rằng, quá trình phát triển của xã hội là quá trình con người
không ngừng phát triển lực lượng sản xuất, phát triển và hoàn thiện dần công cụ sản xuất,
điều đó có nghĩa là con người đã không ngừng tấn công vào tự nhiên, đồng hóa các đối
tượng của tự nhiên, biến chúng thành sức mạnh của xã hội". Dùng khoa học, kỹ thuật và
công nghệ, con người đã khai thác và biến đổi giới tự nhiên, đồng thời cũng làm nảy sinh
những mâu thuẫn sâu sắc giữa xã hội và giới tự nhiên. Ngày nay, cũng chỉ bằng cách
dùng khoa học, kỹ thuật và công nghệ, con người mới có thể quay về với cội nguồn của
mình là giới tự nhiên, sống hài hòa thực sự với giới tự nhiên, trong một môi trường sống
mới - Trí tuệ quyển, trên cơ sở hiểu biết sâu sắc những quy luật của giới tự nhiên và điều
khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Và, cuối cùng
chúng ta rút ra là, bằng sự điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người và
giới tự nhiên, con người có thể giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ
giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

2. Tổng quan về mối liên hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và
bảo vệ môi trường sinh thái
a. Thế nào là tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản lượng
quốc gia (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong
một thời gian nhất định.
Tăng trưởng kinh tế thể hiện sự thay đổi về lượng của nền kinh tế. Tuy vậy ở một số quốc
gia, mức độ bất bình đẳng kinh tế tương đối cao nên mặc dù thu nhập bình quân đầu người
cao nhưng nhiều người dân vẫn sống trong tình trạng nghèo khổ. Tốc độ tăng trưởng kinh
tế được tính bằng cách lấy chênh lệch giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh
tế kỳ trước chia cho quy mô kinh tế kỳ trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được thể hiện
bằng đơn vị %.
Để đo lường tăng trưởng kinh tế có thể dùng mức tăng trưởng tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng
kinh tế hoặc tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong một giai đoạn. Quá trình nghiên
cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: động lực của tăng trưởng kinh tế phải là sự tổng
hợp của bốn nhân tố (nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, tư bản và công nghệ).

Tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay


WASHINGTON, ngày 5/6/2018—Mặc dù chùng xuống đôi chút song tăng trưởng kinh tế
toàn cầu vẫn đạt mức cao 3,1% năm 2018, nhưng sau đó sẽ giảm dần trong 2 năm tới do
tăng trưởng giảm tại các nền kinh tế phát triển, và tốc độ hồi phục tại các nền kinh tế mới
nổi và xuất khẩu nguyên vật liệu đi dần theo chiều ngang, một báo cáo mới của Ngân hàng
Thế giới cho biết.
Các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2,2% năm 2018, giảm xuống còn 2,0% năm
2019 do các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm dần kích cầu, báo cáo Viễn cảnh kinh tế
toàn cầu tháng 6/2018 cho biết. Mức tăng trưởng chung tại các nền kinh tế mới nổi, đang
phát triển dự kiến sẽ tăng và đạt mức 4,5% năm 2018, sau đó lên 4,7% năm 2019 do tốc
độ hồi phục tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và giá nguyên vật liệu sẽ cân bằng
dần sau đợt tăng giá năm 2018.

Tăng trưởng âm năm 2020


Trong báo cáo chính thức, tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng
trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24-6-2020 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể
phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào
những năm 1930 và có thể tăng trưởng âm 4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các
nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hàng năm.
Theo dự báo của IMF, cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và
Việt Nam tăng khoảng 2% GDP… Sang năm 2021, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với
mức tăng trưởng từ 0,5 đến 8,4% và cũng chưa chắc chắn. IMF khuyến cáo các chính phủ
cần tiếp tục tiến hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo tháng 6-2020 về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng
khẳng định, năm 2020 nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới -5,2% và đây sẽ là cuộc
suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam


Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45
triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2
USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở Việt Nam là dân
tộc thiểu số, chiếm 86%.
Năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy có nền tảng mạnh và khả năng chống
chịu cao, nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn ở mức cao. GDP
thực tăng ước khoảng 7% trong năm 2019, tương tự tỉ lệ tăng trưởng năm 2018, là một
trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

b. Thế nào là bảo vệ môi trường sinh thái


Môi trường sinh thái là toàn bộ các điều kiện vô cơ, hữu cơ của các hệ sinh thái ảnh hưởng
đến hoạt động sản xuất và mọi hoạt động khác của xã hội loài người. Nó là những điều
kiện tự nhiên, xã hội trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển trong quan hệ
với con người. Như đã trình bày ở trên, môi trường sinh thái – hay nguồn tài nguyên chính
là một động lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Nó là một trong những yếu tố sản xuất cổ
điển. Những tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, rừng và
nguồn nước. Tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế.

c. Tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái
Môi trường cung cấp cho ta không gian để sống, nguồn tài nguyên để sản xuất và cũng
chính là nơi chứa đựng rác thải. Vì vậy, bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của
chúng ta. Bảo vệ môi trường sinh thái là giữ cho môi trường luôn trong lành, sạch đẹp, đảm
bảo cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường, đồng thời ngăn chặn khắc phục hậu quả xấu
do con người và thiên nhiên tạo ra, khai thác và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên. Đây
chính là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của mỗi quốc gia, là sự nghiệp của toàn dân, là trách
nhiệm của bất kì tổ chức cá nhân nào. Có bảo vệ tốt thì cuộc sống chúng ta mới phát triển
tốt đẹp bền vững và lâu dài.

3. Mối liên hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi
trường sinh thái
Giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường luôn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn
nhau, đó chính là mối quan hệ biện chứng bao gồm hai mặt thống nhất và mâu thuẫn. Đây
cũng chính là một trong những tiền đề của phát triển bền vững - sự phát triển nhằm thỏa
mãn các yêu cầu hiện tại nhưng không tổn hại cho khả năng của các thế hệ tương lai để
đáp ứng yêu cầu của chính họ.
Tăng trưởng kinh tế được sinh ra, tồn tại và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào con người
nên nó là cái tồn tại chủ quan. Trong khi đó, môi trường sống sinh ra và tồn tại trong tự
nhiên, tồn tại một cách khách quan độc lập với ý thức của con người. Tuy nhiên, bảo vệ
môi trường sinh thái lại phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, con người có thể
trực tiếp hoặc gián tiếp tác động làm môi trường tốt lên hay xấu đi. Môi trường chịu tác
động của con người, tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc vào con người, do đó có thể nói
môi trường chịu tác động của tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Hai yếu tố này thống nhất
với nhau về mục đích trong quá trình phát triển một chỉnh thể là tự nhiên-xã hội. Điều đó
được thể hiện qua một số khía cạnh như sau:
• Về tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên: nước giàu và nghèo có một sự chênh
lệch về việc nhìn nhận mức độ tiêu dùng nguồn tài nguyên. Cụ thể, đối với nước
giàu thì sự phát triển kinh tế bền vững phải gắn với cắt giảm đáng kể mức độ tiêu
dùng lãng phí về năng lượng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi nước
nghèo chỉ chú tâm vào việc khai thác để xuất thô một cách cạn kiệt. Phát triển kinh
tế giúp nâng cao đời sống người dân đồng thời cũng nâng cao nhận thức con người,
ý thức bảo vệ môi trường tăng lên.
• Về bầu khí quyển: tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện cho con người tạo nên những
máy móc, công cụ sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Các khu công nghiệp
đang dần cố gắng giảm thiểu lượng khí thải bay vào bầu khí quyển. Nhiều nhà máy,
khu xử lí rác thải được xây dựng cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ
môi trường.
• Về môi trường nước: kinh tế càng phát triển, hệ thống xử lí nước sạch càng hiện đại,
máy móc xử lí rác thải giúp giảm lượng rác đổ ra biển, hồ, sông…Kinh tế phát triển
nguồn nước cũng được bảo vệ an toàn.
Như vậy, xét về một khía cạnh nào đó thì phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến bảo
vệ môi trường. Ngược lại, môi trường sinh thái trong lành, ổn định cũng là điều kiện, cơ
sở và động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế vì:
- Môi trường sinh thái trong lành giúp con người cảm thấy thoải mái, hung phấn trong
cuộc sống, đảm bảo sức khoẻ tốt cũng là cách để làm việc hiệu quả.
- Bảo vệ môi trường sinh thái tạo nên môi trường sống ổn định, phát triển bền vững
nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng chính là phát triển nền kinh tế lâu dài.
Từ đó, có thể thấy sự phát triển kinh tế xã hội một cách tiến bộ khi có sự kết hợp hài hoà
giữa hai mục tiêu là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Mặc dù vậy, thực
trạng đang dần chứng tỏ mặt mâu thuẫn trong mối liên hệ của hai vấn đề trên. Trên thế
giới, nền kinh tế đang phát triển chóng mặt, chính điều đó kéo theo nhiều hệ luỵ xấu và
mối hiểm hoạ đến môi trường. Tài nguyên không phải là vô hạn, nếu chỉ tăng trưởng kinh
tế mà không cải tạo môi trường thì sẽ đến lúc tăng trưởng phải dừng lại do sự suy thoái của
môi trường. Đó cũng là lúc con người phải gánh chịu hậu quả do chính họ gây ra. Ngược
lại nếu tăng trưởng kinh tế đồng hành với bảo vệ môi trường thì không những đời sống con
người ngày càng được cải thiện mà chính môi trường cũng được cải thiện do khi nền kinh
tế phát triển ngân sách cho những dự án bảo vệ sinh thái tăng lên, nguồn tài nguyên thiên
nhiên sẽ dần được thay thế bằng những nguồn tài nguyên mới do con người tự tạo nên.
Thực trạng môi trường hiện nay do các chính sách tăng trưởng kinh tế gây ra
Hiện nay, môi trường đang là vấn đề nóng của toàn nhân loại. Con người đã tác động quá
nhiều đến môi trường sinh thái. Yếu tố môi trường chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong
chiến lược tăng trưởng bền vững của nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề
này vẫn đang còn rất nhiều hạn chế. Những số liệu càng chứng minh tính thuận chiều của
tăng trường kinh tế và suy thoái môi trường:
Theo nhiều dự báo, nếu con người cứ khai thác như mức hiện nay, trong số các tài nguyên
khoáng vật (tài nguyên không tái tạo được) có thể duy trì: sắt được 173 năm, than được
150 năm, nhôm được 55 năm, đồng được 48 năm, vàng được 29 năm; các nguồn tài nguyên
sinh vật, rừng rậm trong 170 năm nữa sẽ bị đốn hết, trong đó, mưa rừng nhiệt đới có thể
hết nhẵn sau 40 năm nữa. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, hiện nay trên Trái Đất đã không
còn tìm thấy một vùng đất nào hoàn toàn không bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm nghiêm trọng môi
trường trái đất không chỉ tạo ra khủng hoảng sinh thái mà còn tạo ra khủng hoảng sinh tồn
của con người.
Đã có rất nhiều bài học cho các nước vì quá coi trọng tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo được
sự bứt phá lớn về kinh tế, mong vượt lên các nước khác về kinh tế, song đã phải trả giá đắt
về việc làm cạn kiệt và suy thoái môi trường.
• Khủng hoảng môi trường là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất ở Trung
Quốc, quốc gia công nghiệp hóa nhanh chóng. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh, trong đó
GDP tăng trung bình 10% mỗi năm trong hơn một thập kỷ, đã khiến Trung Quốc phải
trả giá bằng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
• Trung Quốc là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới. Chất lượng không khí tại nhiều
đô thị Bắc Kinh không đáp ứng được các đòi hỏi về an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thậm chí, chúng còn bị coi là nguy hại. Trung Quốc hiện có 16 trong 20 đô thị ô nhiễm
nhất trên thế giới; 4 đô thị tệ nhất nằm ở vùng Đông Bắc giàu than đá (70% nhu cầu
năng lượng của Trung quốc lấy từ than đá).
• Trung Quốc là quốc gia thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới. Quốc gia này vượt
Mỹ vào năm 2007. Tới năm 2014, nước này thải ra 27% lượng khí thải toàn cầu. Cùng
với đó, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc cũng đã tăng lên và tiêu thụ than tăng
mạnh. Tháng 1/2013, Bắc Kinh trải qua một đợt khói mù kéo dài, đến mức người dân
phải gọi nó là thảm họa. Nồng độ các hạt có hại trong không khí cao gấp 40 lần tiêu
chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
• Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà là hai nguồn cung cấp nước quan trọng nhất cho
Trung Quốc bị ô nhiễm nặng. Sông Dương Tử tiếp nhận 40% nước cống, hơn 80%
nước thải chưa qua xử lý. Sông Hoàng Hà cung cấp nước cho 150 triệu người và nước
tưới cho 15% đất nông nghiệp Trung Quốc, nhưng 2/3 nước sông này không an toàn
và 10% vào loại nước cống thải.
Một chính sách phát triển bền vững bao gồm nhiều nguyên tắc định hướng trên các lĩnh
vực xã hội, kinh tế, môi trường, chính trị. Trong đó một nguyên tắc quan trọng là phát triển
kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường – môi sinh.
Phát triển kinh tế mù quáng sẽ huỷ hoại môi trường. Chỉ khi phát triển nền kinh tế với
phương châm công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách có ý thức, sáng suốt, có sự kiểm soát
chặt chẽ của Nhà nước, của toàn thể xã hội thì việc bảo vệ môi trường mới được đảm bảo.
Điều rất dễ nhận thấy và không thể bác bỏ là: hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường sinh
thái không dung hoà nhau mà bộc lộ những mâu thuẫn mang tính sinh tồn ngày càng trở
nên rất rõ nét trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Một trong những nguyên nhân dẫn
đến tình trạng trên là để làm kinh tế và đạt bằng được các mục tiêu kinh tế, các mối liên
quan về môi trường sinh thái đã bị bỏ qua, thiếu sự tôn trọng khi ứng dụng khoa học tự
nhiên và khoa học kỹ thuật.
Đối với các nước đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò rất to lớn, đóng
góp đáng kể vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Song, nếu khai thác nguồn tài nguyên này một
cách quá mức, dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân đối nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường gia
tăng. Đó chính là hậu quả lớn nhất do tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm bảo vệ môi
trường. Dẫn đến: ngày càng nhìn thấy rõ giới hạn của sự tăng trưởng là việc chuyển đổi từ
trạng thái con người bị thiên nhiên đe doạ và phải chống lại nó trước đây, sang trạng thái
con người đang đe doạ thiên nhiên, xâm hại đến môi trường, trong khi môi trường là yếu
tố không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của chính con người .

4. Ảnh hưởng của các chính sách tăng trưởng kinh tế đến môi trường
sinh thái ở Việt Nam
Tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối
với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tổng mức tiêu thụ điện tăng gấp ba lần trong
vòng mười năm qua, nhanh hơn mức tăng sản lượng điện. Với sự phụ thuộc ngày càng tăng
vào nhiên liệu hóa thạch, ngành năng lượng phát thải gần hai phần ba tổng phát thải khí
nhà kính của cả nước. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng
sạch. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình
quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm.
Nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước vẫn còn ở mức thấp,
chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới. Tình trạng khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên
nhiên như cát, thủy sản và gỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài
hạn. Bên cạnh đó, đại đa số người dân và nền kinh tế Việt Nam đều dễ bị tổn thương trước
tác động của biến đổi khí hậu.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng phát triển thì nhu cầu khai thác các thành
phần môi trường để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất ngày càng tăng. Quá
trình này thể hiện mối liên hệ cơ bản giữa phát triển và môi trường đồng thời cũng là một
vấn đề nan giải. Việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
sự hao kiệt về tài nguyên, mất cân bằng sinh thái và suy giảm chất lượng môi trường.
• Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong hàng chục năm nay đã giúp xóa đói
giảm nghèo nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp lên mức thu nhập
trung bình thấp. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đó, chỉ số đo
bụi mịn PM 2.5 ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đang ngày càng
tăng cao.
Trong khoảng một vài tháng gần đây, có thời kỳ trời không mưa, thì trong một tuần có
đến 4-5 ngày mức độ bụi mịn ở Hà Nội đã được báo lên tới mức có hại cho sức khỏe,
phải hạn chế các hoạt động ở ngoài trời. Cũng theo trang dự báo chất lượng không khí
Air Visual, đã có những ngày Hà Nội được xếp vào trong nhóm những thành phố ô
nhiễm không khí bậc nhất trên thế giới.
• Đối với nông nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào
chủ yếu tài nguyên, nông sản và hàng sơ chế. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ
sản chiếm tới 63% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên đi đôi với sự gia tăng này
của các hoạt động sản xuất là khả năng gây ô nhiễm và huỷ hoại môi trường ngày càng
lớn. Sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng từ nguồn tài nguyên không tái tạo được và
việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhằm phục vụ xuất khẩu có
thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của nước ta trong tương lai.
• Mặt khác, các ngành nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi cũng có nhiều cơ hội để thâm
canh, gia tăng sản lượng dẫn đến việc phá huỷ tài nguyên thiên nhiên do khai thác,
trồng trọt và chăn nuôi không hợp lí. Để tăng sản lượng các loại rau, củ, quả… người
nông dân thường phun các loại chất kích thích, phân bón, thuốc trừ sâu… gây ô nhiễm
nghiêm trọng đất và nguồn nước ngầm.
• Đối với ngành du lịch, năm 2001 toàn ngành du lịch nước ta đón hơn 2,3 triệu lượt
khách quốc tế, tăng gần 9% so với năm 2000, vượt kế hoạch 6%. Du lịch phát triển tạo
nhiều công ăn việc làm cho người dân đồng thời tăng thu nhập quốc gia. Tuy nhiên, nó
cũng kéo theo sự tác động đến môi trường về nhiều mặt. Nhiều diện tích đất đai bị khai
phá để xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông khách sạn, các khu thể thao,
khu vui chơi giải trí. Điều đó gây phá hoại hoặc tổn thất tới cảnh quan thiên nhiên, các
hệ sinh thái. Sự phát triển du lịch còn tạo nên mối đe doạ như phá những khu rừng ngập
mặn để xây dựng khu du lịch, làm mất hoặc chia cắt nơi cư trú của các loài sinh vật,
khai thác bừa bãi các tài nguyên rừng, biển để sản xuất các sản phẩm phục vụ khách
du lịch như tiêu bản các loại thú rừng, hoa lan rừng, tắc kè, san hô… tại nhiều điểm du
lịch của nước ta.
• Ngoài ra việc khai thác hải sản biển cũng đang ở mức báo động. Đánh cá ven bờ giảm
một cách đáng kể và số thuyền đánh cá đó tăng lên một cách nhanh chóng do có sự
khuyến khích của chính phủ. Việc khai thác dầu không hợp lí cũng là một trong những
nguyên nhân gây ô nhiễm biển. Đỉnh điểm là cá chết hàng loạt ở Việt Nam 2016 hay
còn gọi là Sự cố Formosa do xả một nguồn chất thải lớn ra biển gây ô nhiễm nguồn
nước biển đồng thời khiến cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ ngày 6
tháng 4 năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và dân số tăng nhanh đang đặt ra những thách thức ngày
càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm. Lượng rác thải của Việt Nam dự báo tăng
gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Bên cạnh đó là vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Theo ước tính, 90% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ 10 con sông, trong đó
có sông Mê Kông. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng
nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí.
Hậu quả để lại đằng sau những con số trên quả thực không nhỏ, tạo hồi chuông cảnh tỉnh
ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng là bảo vệ cuộc sống của
chính mình. Trong nhiều thập kỉ qua, hiện tượng Trái Đất nóng lên đã mang lại nhiều tác
động tiêu cực: gây nên sự gia tăng mực nước biển, băng lùi về hai cực, những đợt bão, lụt,
hạn hán bất thường…Trận song thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 cướp đi sinh mạng 225000
người của 11 quốc gia, cơn bão Catrina đổ bộ vào Mỹ năm 2005 gây thiệt hại hàng ngàn
mạng người và ước tính 25 tỷ USD. Siêu bão đổ bộ vào Myanmar năm 2008 là một thảm
hoạ thiên nhiên tàn khốc với 220000 người thiệt mạng, thiệt hại khoảng 200 tỷ USD và
hàng triệu người rơi vào cảnh không nhà cửa. Một nghiên cứu cho thấy sẽ có hơn 3 tỷ
người thiếu lương thực năm 2100 do tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường làm sức khoẻ con người xuống cấp trầm trọng, phát sinh
nhiều bệnh dịch nghiêm trọng. Theo dự tính của WHO, mỗi năm có khoảng 865000 trường
hợp tử vong do ô nhiễm không khí.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại giới hạn của sự tăng trưởng để biết dừng đúng lúc, đúng
chỗ để giảm thiểu tối đa mối đe doạ đến chính cuộc sống của mình.

5. Giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
Đảm bảo một sự cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng kinh tế với đòi hỏi bảo vệ các nguồn
tài nguyên thiên nhiên và tái tạo môi trường, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thế
hệ hiện tại trong tăng trưởng và phát triển, vừa không làm phương hại gì đến nhu cầu và
khả năng ứng dụng các nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai là một yêu cầu bức thiết.
Thực hiện sự phát triển “bình đẳng và cân đối” về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
sẽ chấm dứt tình trạng đi kèm với lợi nhuận tăng cao là cái giá phải trả bằng tính mệnh của
người dân bị đe doạ do ô nhiễm môi trường từ tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, thay đổi nhận thức của các chủ thể kinh tế theo định hướng mới cần thiết về phát
triển kinh tế (cả cấp vĩ mô và vi mô) trong việc ngăn cản sự chuyển biến nhanh những nhận
thức về sinh thái trong hoạt động kinh tế, chấm dứt cách tư duy: một nền kinh tế hài hòa
với môi trường sẽ làm thiệt hại đến mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thật cao là vấn
đề trọng tâm cần làm trước còn việc bảo vệ môi trường thì sẽ thực hiện sau.
Thứ hai, việc đưa các vấn đề môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển quốc
gia nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng phải được coi là một trong những giải pháp
quan trọng để vượt qua thách thức về môi trường; cần sớm đưa bảo vệ môi trường thành
một ngành kinh tế, thành chính sách kinh tế điều tiết hoạt động phát triển. Đó vừa là mục
tiêu, vừa là điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thứ ba, giảm thiểu giới hạn mâu thuẫn giữa hệ thống kinh tế và hệ thống sinh thái thông
qua việc thích ứng mục tiêu kinh tế và cách thức tác động nó vào nhu cầu sinh thái. Khai
thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong hệ thống tự nhiên, hệ sinh thái sử dụng trên
nguyên tắc bảo vệ và phát triển bền vững. Phát hiện và khuyến khích mục tiêu hài hoà giữa
tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng công nghệ mới, thực hiện
chuyển giao công nghệ, thực hiện công nghệ “xanh và sạch”… trong hoạt động kinh tế. Cụ
thể, nhất là đối với những nước đang phát triển, chúng ta cần có nhiều biện pháp thắt chặt
quản lí và thực hiện nghiêm túc luật môi trường trong hoạt động kinh tế.
Bốn là, áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý môi trường: đánh thuế các sản phẩm có
thể và gây ô nhiễm môi trường, thu lệ phí với các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi
trường, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử
lý các vi phạm về môi trường của các tổ chức, cá nhân theo Luật Môi trường ban hành; ưu
đãi, đầu tư cho các hoạt động kinh tế thân thiện, cải thiện với môi trường tự nhiên. Đó là
các giải pháp trên lý thuyết, việc đưa chúng vào thực tiễn cần tới thời gian, tầm nhìn chiến
lược của những nhà lãnh đạo cũng như sự góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng
với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Các chiến lược và kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng
xanh và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên đã được áp dụng. Chính phủ cũng thực
hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với thời tiết khắc
nghiệt và thiên tai thông qua việc triển khai chương trình Đóng góp Quốc gia tự quyết định
(NDCs).
KẾT LUẬN
Từ những vấn đề đưa ra nghiên cứu ở trên, chúng ta đã nhận ra được tính cấp bách của
vấn đề cân bằng tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường, để từ đó có những nhận
thức và hành động đúng đắn điều chỉnh nền kinh tế đi đúng hướng nhằm phát triển bền
vững lâu dài. Và hướng đi đó xuất phát từ chính mối liên hệ thống nhất giữa tăng trưởng
kinh tế và bảo vệ môi trường. Chúng ta bảo vệ môi trường không nhằm mục đích hạn chế
sự tăng trưởng của nền kinh tế mà là tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, cho
những thế hệ mai sau. Hi vọng trong tương lai gần thế giới sẽ có sự quan tâm đúng mực
đến môi trường, cùng những chính sách tiến bộ và biện pháp đúng đắn. Chất lượng cuộc
sống con người chắc chắn sẽ được cải thiện tốt đẹp lên nếu biết kết hợp hài hoà hai yếu tố
môi trường và kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –
Lênin.
2. PGS.TS Đoàn Văn Khái, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giáo trình Lôgic học và
phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học.
3. Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Cơ sở triết học nghiên cứu mối
quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đăng 15/01/2018
http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/KHCN-MT/Co-so-triet-
hoc-nghien-cuu-moi-quan-he-giua-tang-truong-kinh-te-va-bao-ve-moi-truong-
171.html
4. The World Bank, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tổng quan về Việt Nam, đăng
08/10/2020
https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
5. The World Bank, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Kinh tế toàn cầu tăng trưởng
3,1% năm 2018, sau đó giảm tốc, đăng 05/06/2018
https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2018/06/05/global-economy-to-
expand-by-3-1-percent-in-2018-slower-growth-seen-ahead
6. Cafebiz, Đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc vẫn đang còng
lưng trả nợ vì cái giá quá đắt, đăng 08/10/2019
https://cafebiz.vn/danh-doi-moi-truong-lay-tang-truong-kinh-te-trung-quoc-van-
dang-cong-lung-tra-no-vi-cai-gia-qua-dat-20191008093234906.chn
7. Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt, Wikipedia
https://vi.wikipedia.org/
8. Bộ Tài nguyên và môi trường.
http://www.monre.gov.vn/wps/portal/Trangchu

You might also like