You are on page 1of 8

MỤC LỤC

I. Tư bản thương nghiệp...........................................................................................................................1


1. Định nghĩa tư bản thương nghiệp......................................................................................................1
2. Đặc điểm tư bản thương nghiệp........................................................................................................2
3. Vai trò của tư bản thương nghiệp......................................................................................................2
II. Thực tiễn tại Việt Nam.........................................................................................................................4
1. Hành trình của Việt Nam gia nhập WTO (World Trade Organization) - Tổ chức thương mại Thế
giới..........................................................................................................................................................4
2. Thành tựu đạt được...........................................................................................................................5
3. Hạn chế...............................................................................................................................................7
III. Tài liệu tham khảo..............................................................................................................................7

TƯ BẢN THƯƠNG NGHIỆP


I. Tư bản thương nghiệp
Trong quá trình tuần hoàn và chu chuyển của tư bản công nghiệp, thường xuyên có
một bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thái tư bản hàng hóa (H), chờ để được chuyển hóa
thành tư bản tiền tệ (T’). Do sự phát triển của phân công lao động xã hội, đến một trình
độ nhất định, giai đoạn này được tách riêng ra trở thành chức năng chuyên môn của
một loại hình tư bản kinh doanh riêng biệt, đó chính là tư bản thương nghiệp (tư bản
kinh doanh hàng hóa).
1. Định nghĩa tư bản thương nghiệp
Quá trình tuần hoàn của tư bản công nghiệp là sự vận động liên tục và gián đoạn
không ngừng của các hình thái tư bản, điều này bao hàm khả năng có sự tách rời và vận
động độc lập của một bộ phận tư bản nhất định. Việc tách rời này xuất phát từ những lý
do sau:
- Sản xuất phát triển, quy mô và phạm vi sản xuất ngày càng lớn, mỗi nhà đầu tư
sản xuất chỉ có khả năng hoạt động trong một số khâu nào đó. Điều này đòi hỏi
nhà sản xuất phải tính toán cần có người khác chuyên tiêu thụ hàng hóa cho
mình.
- Do tư bản thương nghiệp chuyên trách nhiệm vụ lưu thông hàng hóa, nên lượng
tư bản và các chi phí bỏ vào lưu thông giảm hơn so với nhà tư bản công nghiệp
thực hiện. Vì vậy, lượng tư bản của từng nhà tư bản công nghiệp cũng như toàn
xã hội bỏ vào sản xuất sẽ lớn lên.
- Nhờ vào hoạt động hiệu quả của tư bản thương nghiệp trong việc lưu thông hàng
hóa của mình, tư bản công nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất, dẫn đến tăng năng
suất lao động, rút ngắn thời gian chu chuyển,..
Như vậy, tư bản thương nghiệp là 1 bộ phận của tư bản công nghiệp được tách rời ra
và phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa của tư bản công nghiệp.
Công thức vận động của tư bản thương nghiệp là : T – H – T'
Với công thức này, hàng hóa được chuyển dịch hai lần: (1) Từ tay nhà tư bản công
nghiệp sang tay nhà tư bản thương nghiệp; (2) Từ tay nhà tư bản thương nghiệp sang
tay người tiêu dùng. Điều này cho thấy tư bản thương nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh
vực lưu thông hàng hóa và không mang hình thái là tư bản sản xuất.
Sự ra đời và phát triển của tư bản thương nghiệp đã làm cho lưu thông hàng hóa phát
triển, thị trường được mở rộng, hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, do vậy,
đẩy nhanh tốc độ chu chuyển của tư bản. Từ đó, nó cũng có tác động ngược trở lại là
thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

1
2. Đặc điểm tư bản thương nghiệp
Dựa trên lí thuyết và thực tế thì tư bản thương nghiệp có đặc trưng đó là nó vừa phụ
thuộc vào tư bản công nghiệp, tư bản thương nghiệp lại cũng có tính độc lập tương đối
và sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ tư bản thương nghiệp chỉ là một bộ phận của tư bản
công nghiệp tách rời ra.
Đối với tư bản thương nghệp cũng độc lập với các đặc trưng của nó là chuyển hóa cuối
cùng của hàng hóa thành tiền và theo đó nên nó trở thành chức năng riêng biệt tách
khỏi tư bản công nghiệp, nằm trong tay người khác.
Tư bản thương nghiệp xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Nó tồn tại trên cơ sở lưu thông
hàng hóa và lưu thông tiền tệ. Trước chủ nghĩa tư bản, lợi nhuận của tư bản thương
nghiệp chủ yếu là do mua rẻ, bán đắt.
Đặc điểm tiếp theo của nó là nhờ có thương nhân chuyên trách việc mua và bán hàng
hóa nên lượng tư bản ứng vào lưu thông và chi phí lưu thông nhỏ hơn khi những người
sản xuất trực tiếp đảm nhiệm chức năng này. Bên cạnh dó cũng có các thương nhân
chuyên trách việc mua và bán hàng hóa, người sản xuất có thể tập trung thời gian chăm
lo việc sản xuất, giảm dự trữ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thặng dư.
3. Vai trò của tư bản thương nghiệp
Sản xuất càng phát triển, quy mô sản xuất càng mở rộng, các xí nghiệp ngày càng lớn
lên, làm cho các chức năng quản lý kinh tế ngày càng phức tạp. Vì vậy, mỗi nhà tư bản
chỉ có khả năng hoạt động trong một số khâu nhất định. Điều đó đòi hỏi phải có một số
người chuyên sản xuất, còn một số người thì chuyên tiêu thụ hàng hóa.
Tư bản thương nghiệp chuyên trách nhiệm vụ lưu thông hàng hóa, phục vụ cùng một
lúc cho nhiều nhà tư bản công nghiệp, nên lượng tư bản và các chi phí bỏ vào lưu thông
sẽ giảm đi rất nhiều, do đó từng nhà tư bản công nghiệp cũng như của toàn xã hội bỏ
vào sản xuất sẽ tăng lên
Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì mâu thuẫn giữa sản xuất và tiêu dùng càng gay
gắt, do đó cần phải có các nhà tư bản biết tính toán, am hiểu được nhu cầu và thị hiếu
của thị trường,... chỉ có nhà tư bản thương nghiệp đáp ứng được điều đó. Về phía nhà
tư bản công nghiệp mà xét thì nhờ đó mà nhà tư bản công nghiệp có thời gian để tập
trung vào sản xuất, đầu tư tập trung để nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian
lưu thông và tăng nhanh tốc độ chu chuyển tư bản.
4. Nguồn gốc và bản chất của tư bản thương nghiệp

2
Việc tạo ra giá trị thặng dư và phân chia giá trị thặng dư là 2 vấn đề khác nhau. Lĩnh
vực lưu thông cũng như hoạt động của các nhà tư bản thương nghiệp đúng là không tạo
ra được giá trị thặng dư. Nhưng do vị trí, tầm quan trọng của lưu thông đối với sự phát
triển của sản xuất và tái sản xuất nên các nhà tư bản thương nghiệp vẫn được tham gia
vào việc phân chia giá trị thặng dư với nhà tư bản công nghiệp. Và phần giá trị thặng dư
mà các nhà tư bản thương nghiệp được chia chính là lợi nhuận của thương nghiệp.
Tư bản thương nghiệp, xét về chức năng là mua và bán, chỉ hoạt động trong lĩnh vực
lưu thông, tách rời khỏi chức năng sản xuất của tư bản công nghiệp. Vậy, đâu là nguồn
gốc và bản chất của lợi nhuận thương nghiệp?
Để làm rõ quá trình phân chia giá trị thặng dư giữa nhà tư bản công nghiệp và nhà tư
bản thương nghiệp, ta xét ví dụ sau đây (trong ví dụ này không xét đến chi phí lưu
thông):
Một nhà tư bản công nghiệp có một lượng tư bản ứng trước là 900, trong đó phân
chia thành 720 c + 180 v. Giả đinh m’ = 100% thì giá trị hàng hóa sẽ là:
720c + 180v + 180m = 1080
Tỷ suất lợi nhuận công nghiệp là: P’ = (180/900) x 100% = 20%
Nhưng khi nhà tư bản thương nghiệp tham gia vào quá trình kinh doanh thì công thức
trên đây sẽ thay đổi. Giả sử nhà tư bản thương nghiệp ứng ra 100 tư bản để kinh doanh.
Như vậy, tổng tư bản ứng ra của cả hai nhà tư bản công nghiệp và thương nghiệp là: 900
+ 100 = 1000, và tỷ suất lợi nhuận bình quân sẽ là:
P’ = (180/1000) x 100% = 18%
Theo tỷ suất lợi nhuận chung này, nhà tư bản công nghiệp chỉ thu được số lợi nhuận
là:
Pcn = 900 x 18% = 162
Tương tự, nhà tư bản thương nghiệp sẽ thu được lợi nhuận là:
Ptn = 100 x 18% = 18
Để thu được lợi nhuận, nhà tư bản thương nghiệp sẽ mua hàng hóa của nhà tư bản
công nghiệp với giá 900 + 162 = 1062 và bán cho người tiêu dùng theo giá bằng giá trị
hàng hóa, tức là 1080.
Sự chênh lệch giữa giá bán và giá mua của nhà tư bản thương nghiệp chính là lợi
nhuận thương nghiệp. Trong ví dụ này, lợi nhuận của thương nghiệp sẽ là:

3
1080 – 1062 = 18
Khoản lợi nhuận thương nghiệp là 18 này cũng tương ứng với tỷ suất lợi nhuận chung
là 18% sau khi có tư bản thương nghiệp tham gia.
Như vậy, lợi nhuận thương nghiệp là một phần của giá trị thặng dư được sáng tạo
ra trong lĩnh vực sản xuất và do nhà tư bản công nghiệp nhượng lại cho nhà tư bản
thương nghiệp dựa trên tỷ suất lợi nhuận bình quân, bằng cách bán hàng hóa thấp
hơp giá trị để từ đó nhà tư bản thương nghiệp chỉ cần bán đúng giá trị sẽ thu được
lợi nhuận bình quân.
Ngoài ra, trong thực tế, tư bản thương nghiệp còn thu được lợi nhuận cao hơn do bán
hàng hóa cao hơn giá trị hoặc đầu cơ nâng giá trị thực của hàng hóa. Nhưng không phải
vì giá bán cao hơn giá trị mà là giá trị mua thấp hơp giá trị hàng hóa. Nên lợi nhuận
thương nghiệp là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư. Nguồn gốc của nó cũng là
một bộ phận lao động không được trả công của công nhân.
Vì vậy, ta có thể khẳng định bản chất của lợi nhuận thương nghiệp phản ánh quan hệ
bóc lột giữa tư bản công nghiệp và tư bản thương nghiệp với công nhân làm thuê
trong lĩnh vực sản xuất. Tư bản công nghiệp trực tiếp bóc lột, tư bản thương nghiệp
gián tiếp bóc lột các công nhân này.

II. Thực tiễn tại Việt Nam


1. Hành trình của Việt Nam gia nhập WTO (World Trade Organization) - Tổ chức
thương mại Thế giới
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng khách quan và chủ đạo của thời đại chúng ta, đã,
đang và sẽ tiếp tục định hướng, chi phối sự phát triển kinh tế của toàn thế giới. Việt
Nam cũng đang trên con đường hội nhập đó, từ việc tham gia buôn bán ở cảng Hội An –
Sài Gòn xưa đến tham gia vào IMF, ADB 1993 là thành viên chính thức của ASEAN, AFTA,
APECH và WTO. Về mặt nhà nước, chúng ta đã ban hành những nghị quyết cũng như
luật định khuyến khích sự phát triển của các ngành kinh tế đặc biệt là ngành thương
mại, gia nhập WTO mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội mới như thị trường được mở
rộng, tiếp cận công nghệ hàng hóa tiên tiến,…
Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này
và một ngày sau, những quyền và nghĩa vụ của Việt Nam, với tư cách là thành viên mới
của WTO sẽ bắt đầu được thực thi. Từ đó Việt Nam được đối xử công bằng trên thị
trường quốc tế, cải thiện các điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế, nâng cao chất
lượng sống của nhân dân. Mặt khác, nếu chuẩn bị không tốt thì chúng ta cũng phải chịu
nhiều tổn thất nặng nề về kinh tế như nhập siêu, thị trường bị thu hẹp… Vì vậy, bên

4
cạnh những chính sách ưu đãi của chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng như
thương nhân Việt Nam phải có quyết tâm lớn, có đủ tri thức, kinh nghiệm cũng như
chuẩn bị nội lực để vượt qua chính mình.
2. Thành tựu đạt được
- Tăng trưởng kinh tế khả quan
Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá
thành tựu phát triển của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Nền kinh tế Việt
Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ
tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm - thành tựu hết sức quan trọng.
Theo đó, tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. GDP bình
quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt
2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ
trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh và
đảm bảo sản xuất ổn định. Năm 2015, sản lượng lúa đã đạt ở mức cao, khoảng 44,75
triệu tấn, năm 2016 đạt trên 44,5 triệu tấn. Sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt
50,1 triệu tấn, năm 2016 đạt 50 triệu tấn, tăng gần 10 triệu tấn so với năm 2007.
Khu vực sản xuất công nghiệp từ giai đoạn năm 2007-2011 chịu ảnh hưởng lớn của sự
tăng giá đầu vào, lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công… khiến tăng
trưởng chậm lại và hiệu quả thấp. Giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp từng bước
phục hồi; chỉ số phát triển công nghiệp 2015 tăng khoảng 10%; tỷ trọng công nghiệp chế
biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh. Cơ cấu trong nội bộ ngành công
nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp khai khoáng giảm từ
37,1% năm 2011 xuống khoảng 33,1% năm 2015; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ
50,1% năm 2011 lên 51,5% năm 2015.
- Đổi thay thể chế chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư
WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế,
thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Đó là điều mà
ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn
mạnh khi nhìn lại một thập kỷ Việt Nam gia nhập WTO.

5
Trong 2 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa
trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết của tổ chức WTO. Hàng trăm nghị định, thông
tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.
Trước đó, năm 2005, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp
dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nguyên tắc doanh nghiệp
có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm được thể hiện rõ nét. Hàng loạt rào
cản kinh doanh được gỡ bỏ. WTO đã tạo sức ép để Việt Nam chuyển dần từ phương
thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến
tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.
Kết quả là, năm 2007 là năm mở màn cho sự bùng nổ mới của khu vực doanh nghiệp
tư nhân Việt Nam, với kỷ lục gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm.
- Điểm sáng xuất nhập khẩu, hút vốn FDI
Sau 10 năm gia nhập WTO, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 144% năm 2007
lên 173% năm 2016. Từ năm 2012, nền kinh tế đã chấm dứt chuỗi thời gian dài nhập
siêu lớn, có xuất siêu từ năm 2012 đến 2014, sau đó nhập siêu trở lại năm 2015 (3,6 tỷ
USD). Tuy nhiên, hết năm 2016, nền kinh tế quay trở lại xuất siêu với 2,5 tỷ USD.
Năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên
tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008. Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn
22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, nhiều tập đoàn hàng đầu trên
thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Nike, Samsung, LG, Toyota,
Honda,…
- Tự tin vào “sân chơi” toàn cầu
Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các
chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam
bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các đối tác
lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam -
EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)... Trong đó có những FTA thế hệ mới có
phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái
Bình Dương (TPP). Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt
Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA, trong đó có RCEP- được dự đoán là một
FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.

6
3. Hạn chế
Tuy có nhiều thành tựu nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế.
Những nhà doanh nghiệp trẻ tuy năng động và có nhiều tư duy sáng tạo nhưng thiếu
hụt kinh nghiệm thương trường. Còn những nhà doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm lại
thường còn quá e dè trong việc đầu tư cũng như nhạy bén trong việc tìm hiểu thị
trường. Ngoài ra, một số hoạt động pháp lý còn rắc rối, rườm rà gây khó khăn cho
doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thì nhiều nhưng hầu hết đều là những doanh
nghiệp vừa và nhỏ, vốn thấp cũng như năng lực cạnh tranh yếu so với thế giới, họ không
tìm được cho mình những lối đi riêng, biết hiểu nhưng khó theo được yêu cầu của thị
trường.
Việt Nam là một nước nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là nông phẩm và hàng công
nghiệp nhẹ. Tuy nhiên giá cả nông phẩm lại thấp, nhiều khi hàng không xuất khẩu được
làm cho bà con nông dân lao đao vất vả điển hình như vụ mùa trái cây rớt giá ở đồng
bằng sông Cửu Long, cà phê rớt giá ở Tây Nguyên... Từ đó đặt ra cho những nhà doanh
nghiệp rất nhiều thách thức để giải quyết những vấn đề trên. Bên cạnh những biện pháp
tích cực của nhà nước, những nhà doanh nghiệp Việt Nam cần phải bắt tay với nhau để
đưa nền kinh tế đất nước phát triển đi lên trong những năm tới.

III. Tài liệu tham khảo


1. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin - NXB ĐHQG TP.HCM
2. Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
3. Báo Công Thương - Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

You might also like