You are on page 1of 77

BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC DUY TÂN

Khoa : Khoa học Xã hội và Nhân văn


Giảng viên: Văn Thị Huyền

TẬP BÀI GIẢNG

Môn học: Viết tiếng Việt Mã môn học: COM-142

Số tín chỉ : 01 Lý thuyết: 15 giờ Thực hành: 15 giờ


ĐẠI HỌC DUY TÂN
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
COM 142 Viết (tiếng Việt)
Học Kỳ – Năm Học:

Số Tín Chỉ Thông Tin Về Giảng Viên Thông Tin Về Lớp Học
Văn Thị Huyền
Văn phòng: Phòng 303, 254 Nguyễn Văn
Linh, Đà Nẵng, Việt Nam
LAB: 1 tín chỉ
Thứ Trong Ngày, Giờ: S - 7:00-10:00
Điện Thoại: +84-236-3827111 (Ext 213)
Di Động: +84-786 356 456
Email: vanthihuyen@dtu.edu.vn

Sách giáo Khoa:


1. Tạ, Hùng Q., & Võ, Oanh T.P. (2013), Bí quyết nâng cao kĩ năng viết. Hà Nội, Việt
Nam: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
Sách tham khảo:
1. Bùi. Toán M., Lê, A., & Đỗ, Hùng V. (2005), Tiếng Việt thực hành. Hà Nội, Việt
Nam: Nhà xuất bản Giáo dục.
Mô Tả Môn Học:
Viết (tiếng Việt) là học phần thuộc khối kiến thức bổ trợ nhằm cung cấp cho sinh viên kĩ năng
viết, hỗ trợ trong học tập và công tác sau này. Sinh viên có khả năng thể hiện ý tưởng của mình
một cách rõ ràng và súc tích bằng các loại văn bản khác nhau. Trong khóa học này, sinh viên sẽ
tìm hiểu về các dạng bài luận luận chính của đại học bao gồm bài luận nguyên nhân – kết quả,
bài tranh luận/ thuyết phục, bài luận phân loại và bài luận so sánh-đối chiếu. Họ cũng sẽ có cơ
hội tìm hiểu về các phong cách viết văn bản văn phòng và kinh doanh khác nhau như các bản ghi
nhớ, email, thư, các kiến nghị chính thức, v.v.

Tổ Bộ môn: Báo chí & Truyền thông


Điều kiện tiên quyết Điều kiện song hành Cơ sở đánh giá

Không có COM 141 - Nói và trình bày Không có


TV

NỘI DUNG ĐỀ MỤC & THỜI KHÓA


Thứ tự
Nội dung Thời lượng Chủ đề Nội dung đọc
Đề mục
[TEXT 1] pp. 22-27
[REF 1] pp. 99-133
6 giờ
[REF 1] pp. 52-54
CONT.1 (3h LT +3hTH) Đoạn văn và văn bản
[TEXT 1] pp. 23-29
[REXT 1] pp. 41-52
[REF 1] pp. 118-123
[TEXT 1] pp. 30-36
6 giờ [TEXT 1] pp. 83-91
CONT.2 Bài luận 5 đoạn văn
(3h LT +3hTH) [TEXT 1] pp. 54-62
[TEXT 1] pp. 30-36
6 giờ Bài luận phân tích, phê bình văn [TEXT 1] pp. 116-150
CONT.3
(3h LT +3hTH) học và phim ảnh [TEXT 1] pp. 151-231
6 giờ Kế hoạch & Chương trình làm
CONT.4 [TEXT 1] pp. 241-243
(3h LT +3hTH) việc
- Viết văn bản nhật dụng (bản
4 giờ
ghi nhớ, meno, email, cv xin việc
CONT.5 (1h LT +1hTH [TESXT 1] pp. 232-240
lịch biểu)
+2h KT)
- Kiểm tra cuối kỳ

CƠ CẤU ĐÁNH GIÁ


Hình thức đánh giá % Điểm
Chuyên cần (qua hỏi đáp tức thì) 15%
Kiển tra thường kỳ 30%
Đồ án nhóm 20%
Kiểm tra cuối kỳ 35%
Tổng 100%

CHUẨN ĐẦU RA MÔN HỌC (CLOs)


Khi hoàn thành khóa học này, sinh viên sẽ có thể:
CLO.1. Nhận biết được các loại văn bản cần viết trong những tình huống khác nhau; CLO.2.
Phân tích được đối tượng người đọc để viết được văn bản phù hợp với ngữ cảnh; CLO.3. Sử
dụng được các định dạng chung/ công thức để viết một văn bản phù hợp yêu cầu về tính chính
xác, tính thống nhất, tính mạch lạc và rõ ràng.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHUẨN ĐẦU RA MÔN HỌC (CLOs)


VỚI CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH (SOs)
MỐI LIÊN HỆ GIỮA CHUẨN ĐẦU RA MÔN HỌC (CLOs)
VỚI CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH (SOs)
Chuẩn
Chuẩn Chủ đề Mức
Hình thức Hình Thức Kiểm
Đầu ra trong Độ Bao
Giảng dạyy Đánh Giá định (nếu
Môn học Môn học quát
có)
-Giảng lý
thuyết
- Hỏi đáp tức
(LEC)
thì
CLO.1 CONT.1 -Thảo luận L
- Kiếm tra
(DIS)
thường kỳ
-Bài đọc
(REA)
-Giảng lý
thuyết - Hỏi đáp tức
(LEC) thị
CONT.2
-Thảo luận - Kiểm tra
CLO.2 to M
(DIS) thường kỳ
CONT.5
-Học nhóm - Đồ án nhóm
(GRP)

-Giảng lý
thuyết
(LEC) - Hỏi đáp tức
-Thảo luận thì
CONT.2
(DIS) - Đồ án nhóm
CLO.3 to M
-Bài đọc - Kiểm tra cuối
CONT.5
(REA) kỳ
-Học nhóm
(GRP)

Note: 15h giờ thực hành thể hiện ở kế hoạch hoạt động theo lớp

KHOA KHXH&NV TỔ BỘ MÔN BCTT GIẢNG VIÊN

TS. Hoàng Thị Hường ThS.Đặng Phúc Hậu ……………………………

HIỆU TRƯỞNG

TS. Lê Nguyên Bảo


Chương 1
ĐOẠN VĂN VÀ VĂN BẢN
I. Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này sinh viên sẽ
1. Về kiến thức:
- Nắm vững khái niệm về văn bản và các bước để tạo lập một văn bản hoàn
chỉnh.
- Nắm vững khái niệm về đoạn văn và một số loại đoạn văn khác nhau, biết
cách viết cách các loại đoạn văn khác nhau.
- Nắm vững quy tắc chính tả tiếng Việt, nhận biết lỗi sai trong dùng từ, đặt
câu, xây dựng đoạn.
2. Về kỹ năng:
- Có kỹ năng viết và sử dụng thành thạo tiếng Việt; Kỹ năng phát hiện lỗi
chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn.
- Có kỹ năng xây dựng đề cương.
- Có kỹ năng viết các loại đoạn văn và tạo lập một văn bản hoàn chỉnh.
- Mục tiêu khác:
- Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng
Việt. Có tình cảm yêu quý và thái độ trân trọng đối với Tiếng Việt.
- Sử dụng đúng các chuẩn mực và quy tắc của Tiếng Việt: về phát âm, chữ
viết, từ ngữ, ngữ pháp,…

* Nội dung chính:


ND1: Văn bản
ND2: Một số loại đoạn văn khác nhau
ND3: Một số lỗi cần tránh khi tạo lập văn bản
* Hình thức và phương pháp dạy - học
ND1: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp, thực hành.
ND2: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp, thực hành.
ND3: Trình chiếu Power Point, thực hành, thảo luận
* Tài liệu tham khảo
- Tạ Quang Hùng, Võ Thị Phương Oanh (2013), Bí quyết nâng cao kỹ năng
viết, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.(Trang 2 - 21)
- Nguyễn Quang Ninh (2013), Giáo trình tiếng Việt thực hành A, NXB Đại
học Huế, Huế. (Trang 4 - 12; 21 - 96; 159 - 192)
- Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng (1996), Tiếng Việt thực hành,NXB
Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. (Trang 22 - 26; 41 - 51; 99 - 133)
- Trịnh Thị Chín, Giáo trình tiếng Việt thực hành (Dùng trong các trường
Trung học Chuyên nghiệp - 2006), NXB Hà Nội, Hà Nội. (Trang 11 - 34; 74 - 78;
112 - 121)
* Nội dung bài giảng
1.1. Văn bản
1.1.1. Khái niệm Văn bản (VB)
Có rất nhiều khái niệm về VB, chẳng hạn như:
- Trong giáo trình Tiếng Việt thực hành của Bùi Minh Toán, Lê A và Đỗ Việt
Hùng (Trang 25): VB là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nó vừa
là sản phẩm, vừa là phương tiện của hoạt động giao tiếp.
- Theo Wikipedia: Văn bản là một loại hình phương tiện để ghi nhận, lưu giữ và
truyền đạt các thông tin từ chủ thể này sang chủ thể khác bằng ký hiệu gọi là chữ
viết. Nó gồm tập hợp các câu có tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình
thức, có tính liên kết chặt chẽ và hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định. Hay
nói khác đi, văn bản là một dạng sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
được thể hiện ở dạng viết trên một chất liệu nào đó (giấy, bia đá,...).
Tóm lại: Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở dạng viết,
thường là tập hợp của các câu, có tính trọn vẹn về nội dung, tính hoàn chỉnh về
hình thức, có tính liên kết chặt chẽ và hướng tới mục tiêu giao tiếp nhất định.
1.1.2. Các đặc trưng cơ bản của Văn bản
- Tính trọn vẹn về nội dung: VB dù ngắn hay dài đều có sự thống nhất về chủ đề,
đề tài. Trình bày được một nội dung trọn vẹn, khiến cho người khác hiểu được một
sự việc, một tư tưởng hay một cảm xúc nào đó.
-Tính hoàn chỉnh về hình thức: Bộc lộ ở kết cấu hay cấu trúc của VB, mỗi VB
thường có 4 phần là Đầu đề (Tiêu đề, tựa đề, nhan đề) - Mở đầu (đặt vấn đề) - Phần
thân (giải quyết vấn đề) - Phần kết (kết thúc vấn đề).
Ví dụ: Ở thông báo Về việc giảng dạy và học tập sau Kỳ nghỉ tết Tân Sửu
2021 chính là Tiêu đề của VB
Mở đầu: Đặt vấn đề thực hiện theo kế hoạch năm học thì từ ngày 22/2/2021 công
tác giảng dạy và học tập ở trường trở lại bình thường.
Phần thân: Giải quyết vấn đề sinh viên trở về trường học tập tập trung thì phải
như thế nào, sinh viên ở vùng dịch học online thì như thế nào, các đơn vị liên quan
phải chuẩn bị và thực hiện những gì, sinh viên và giảng viên khi đi học và giảng
dạy phải đeo khẩu trang,…
Phần kết: Đề nghị toàn thể CB, GV, NV, học viên và sinh viên phải thực hiện
nghiêm túc thông báo này.
- Tính liên kết: Giữa các câu, các đoạn, các phần và các bộ phận của VB phải có
mối quan hệ liên kết chặt hẽ, logic.
- VB phải hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định.
- VB phải có một phong cách nhất định.
1.1.3 Các bước tạo lập Văn bản
1.1.3.1. Định hướng xây dựng Văn bản
Bước này là bước đầu tiên và quyết định quá trình tạo lập VB. Việc định hướng
thường được tập trung vào việc trả lời sáng rõ cho một số câu hỏi sau đây:
- Viết nhằm đạt kết quả gì? (Mục đích giao tiếp)
- Viết về những vấn đề gì? (Nội dung giao tiếp)
- Viết cho đối tượng nào? (Nhân vật giao tiếp)
- Viết như thế nào? (Cách thức giao tiếp)
1.1.3.2. Định hướng mục đích giao tiếp
Mỗi một VB thường có một hoặc một vài mục đích giao tiếp, có thể là thông báo
một tin tức mới, trao đổi về những vấn đề đang được mọi người quan tâm, động
viên hay phê phán một sự việc nào đó,… Nói chung, mục đích giao tiếp rất đa
dạng và sẽ được xác định một cách cụ thể tùy thuộc vào từng cuộc giao tiếp.
Hiệu quả của việc giao tiếp sẽ được đánh dấu bằng những mục đích giao tiếp đã
đạt được đến chừng mực nào. Những VB đạt được các mục đích: tác động về nhận
thức, tác động về tình cảm và tác động về hành động là những VB đạt được hiệu
quả giao tiếp cao.
1.1.3.3. Định hướng nội dung giao tiếp
Ở bước này cần phải xác định được mảng hiện thực nào sẽ được đề cập tới trong
VB. Nội dung đó có thể là những sự vật, hiện tượng của tự nhiên, của xã hội được
người viết nhận thức được; hoặc là những tư tưởng, tình cảm,…
1.1.3.4. Định hướng nhân vật giao tiếp
Người viết – người đọc VB là những nhân vật tham gia vào quá trình giao tiếp nên
được gọi chung là nhân vật giao tiếp.
Trong giao tiếp, nếu người viết luôn luôn là một thì người đọc không phải lúc nào
cũng như vậy. Có khi người đọc là một nhưng cũng có khi người đọc là số đông,
hoặc có trường hợp người đọc là số đông nhưng thực chất chỉ có một số nhất định
trong số đó là đối tượng giao tiếp chính mà người viết muốn hướng tới.
 Nhân vật giao tiếp là một trong những nhân tố cần phải được định hướng rõ
ràng trước khi trình bày VB.
1.1.3.5. Định hướng cách thức giao tiếp
Việc lựa chọn cách thức giao tiếp phù hợp là một yếu tố quan trọng tạo nên hiệu
quả giao tiếp. Có khi với cách trình bày này lại đạt hiệu quả hơn cách trình bày
khác. Thậm chí, có khi chỉ cần thay một từ này bằng từ khác, một câu này bằng
một câu khác thì hiệu quả giao tiếp cũng đã thay đổi hẳn.
1.1.4. Lập đề cương Văn bản
1.1.4.1. Lập đề cương VB là gì?

Lập đề cương hay còn gọi là lập dàn ý, lập bố cục là viết ra giấy những nội dung
cơ bản dự định triển khai trong văn bản, là sự sắp xếp các ý theo sự thống nhất của
từng tiểu chủ đề, phản ánh cơ sở lôgic của hiện thực và thể hiện được cách trình
bày, cách lập luận riêng của người viết về nội dung sẽ được đề cập đến trong bài
viết.
1.1.4.2. Vai trò của lập đề cương

Lập đề cương là một khâu không thể thiếu đối với bất kỳ một quá trình tạo lập VB
nào. Lập đề cương trước khi chắp bút viết VB sẽ giúp cho người viết tránh được
những sai sót như:
- Lạc đề;
- Bỏ sót ý;
- Trùng lặp ý;
- Trình tự các ý chưa hợp lý;
- Thiếu sự cân đối giữa các ý.
 Từ đó, sẽ giúp người viết:

- Có cái nhìn bao quát cho toàn bộ những nội dung triển khai trong suốt văn bản.
- Có thể nhận ra đâu là ý chính cần nhấn mạnh, cần đi sâu; đâu là ý phụ có thể bỏ
qua hoặc lướt qua để làm nổi rõ đề tài cũng như chủ đề của văn bản.
- Chủ động trong việc tính toán dung lượng chung của văn bản cũng như dung
lượng riêng của từng phần, từng ý. Mặc khác đề cương còn giúp người viết phân
phối thời gian viết cho từng phần một cách hợp lý trong những trường hợp cần tính
toán tới thời gian hoàn thành văn bản.
1.1.4.3. Một số loại đề cương thường dùng
Có 2 loại đề cương thường dùng là:
- Đề cương sơ lược: là loại đề cương chỉ bao gồm các ý lớn, các luận điểm chính,
cơ bản của VB mà chưa được chi tiết hóa bằng những ý nhỏ hay các luận cứ, lý lẽ
cụ thể.
- Đề cương chi tiết: là loại đề cương trong đó các ý lớn, luận điểm lớn đã được chi
tiết hóa bằng các luận cứ, dẫn chứng cụ thể. Đề cương chi tiết thể hiện khá đầy đủ
nội dung của VB.
1.1.4.5. Yêu cầu của việc lập đề cương

Khi lập đề cương cần đảm bảo một số yêu cầu nhất định như sau :
- Đề cương phải thể hiện được đề tài cũng như chủ đề cần phải trển khai trong toàn
bộ VB ;
- Các ý lớn, nhở trong đề cương phải sắp xếp một cách hợp lý, một mặt vừa phải
phản ánh được logic tồn tại, vận động của bản thân đối tượng trình bày, mặt khác
cũng cần phản ánh được logic của bản thân việc trình bày đó ;
- Đề cương trình bày cần cô đọng, ngắn gọn, sáng sủa và phải có những ký hiệu
nhất định để ghi các đề mục, các ý hoặc các chi tiết.
1.1.5. Triển khai đề cương thành Văn bản
- Viết phần Mở bài
Đây là phần có nhiệm vụ giới thiệu đề tài, xác định chủ đề cho nội dung trình bày
và xác lập mối quan hệ giữa tác giả với đối tượng giao tiếp. Phần này chỉ ra hệ
thống vấn đề, nội dung vấn đề và phạm vi vấn đề sẽ được đề cập đến trong VB.
Có thể Mở bài bằng cách trực tiếp, nghĩa là nêu thẳng vấn đề sẽ được trình bày đến
trong phần Thân bài; hoặc viết theo cách gián tiếp, nghĩa là người viết không nêu
trực tiếp các vấn đề định trình bày mà thường thông qua một số sự việc, hiện tượng
hay một câu chuyện hấp dẫn để dẫn dắt và đưa người đọc vào vấn đề cần trình bày
trong VB.
- Viết phần Thân bài

Phần này được gọi là phần triển khai. Đây là phần quan trọng nhất trong toàn bộ
VB và có nhiệm vụ phát triển những tư tưởng chủ yếu được vạch ra ở phần Mở bài
sao cho đầy đủ trọn, trọn vẹn.
Nếu ở phần Mở bài chỉ mang những thông tin tổng quan thì phần Thân bài lại
mang những nội dung, thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng được sự chờ đợi của
người đọc. Ở phần này diễn ra mọi quá trình: thông báo, giải thích, bình luận, bác
bỏ, đồng ý,… để đáp ứng những thông tin một cách trọn vẹn.
- Viết phần Kết bài:

Phần này có nhiệm vụ tạo sự hoàn chỉnh, tính trọn vẹn cho VB đồng thời góp phần
giải tỏa tâm lý chờ đợi của người đọc.
Có thể kết thúc VB theo nhiều cách khác nhau nhưng về cơ bản có hai cách chính :
+ Kết thúc khép: Là cách kết thúc theo kiểu tóm tắt lại, hệ thống hóa lại những vấn
đề đã được trình bày trong phần Thân bài. Cách này thường được sử dụng cho
những VB có dung lượng lớn, người đọc khó nhớ hết các điểm đã trình bày.
+ Kết thúc mở: Là cách kết thúc theo kiểu dựa vào những nội dung đã được trình
bày ở phần Thân bài mà đưa ra những liên tưởng, những cảm nghĩ, những đề
nghị,…
1.1.6. Kiểm tra và hoàn thiện Văn bản

Sau khi hoàn thành việc triển khai VB, người viết cần rà soát lại VB đã được viết.
Mục đích của việc rà soát này là để kiểm tra lại xem bài viết có đạt được những
yêu cầu đặt ra trong bước định hướng hay không.
Khi kiểm tra, cần tập trung chú ý vào việc xem xét có bỏ sót ý nào trong đề cương
không, có luận điểm nào chưa được triển khai không, cách viết như vậy có phù hợp
với đối tượng không, câu chữ có điểm gì cần điều chỉnh không,…
1.2. Một số loại đoạn văn khác nhau
1.2.1. Đoạn văn là gì?
Đoạn văn là một bộ phận, một đơn vị tạo thành VB, là tập hợp của nhiều câu có
chủ đề thống nhất, có kết cấu hoàn chỉnh được đánh dấu từ chỗ viết hoa lùi đầu
dòng đến chỗ chấm xuống dòng.
Như vậy, một đoạn văn cần phải đảm bảo được:
- Tính hướng nội để duy trì mối quan hệ giữa các câu trong đoạn, để tách biệt được
nói với các đoạn văn khác.
- Tính hướng ngoại để duy trì mối quan hệ giữa các đoạn trong văn bản, để chứng
tỏ nó là một phần của văn bản
- Đoạn văn phải có sự thống nhất về chủ đề: nghĩa là các câu trong đoạn văn chỉ
nên xoay quanh và tập trung nói tới sự vật, sự việc, hiện tượng hoặc một vấn đề
duy nhất nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu đặt ra.
- Đoạn văn phải có quan hệ chặt sẽ với đoạn văn khác trong văn bản. Bởi, trong
văn bản, đoạn văn không đứng biệt lập và tách rời với các đoạn văn khác. Mỗi
đoạn văn phải được tác ra một cách hợp lý, đúng chỗ và phải có sự liên kết chặt
chẽ với các đoạn văn khác.
- Đoạn văn phải phù hợp với phong cách chung của văn bản.
1.2.2. Cách viết một số loại đoạn văn khác nhau
Có 9 loại đoạn văn nhưng ở đây chúng ta chỉ tập trung vào cách viết cho 4 loại
đoạn văn phổ biến, gồm:
1.2.2.1. Đoạn văn phân loại
a) Đoạn văn phân loại là loại ĐV yêu cầu người viết chọn một nhân tố
hoặc đối tượng mà họ biết rõ và chia thành ba loại.
b) Công thức của một đoạn văn phân loại:
- Viết một câu chủ đề có đề cập đến yếu tố bạn sẽ thảo luận và bao gồm ba
từ khóa hoặc cụm từ mấu chốt mà cho bạn biết cách chia yếu tố này như thế nào;
- Trong khoảng từ một đến hai câu giải thích từ khóa đầu tiên của bạn, cho
biết tại sao bạn chia yếu tố này thành ba loại;
- Cho một ví dụ hai câu để minh họa sự giải thích của bạn;
- Dùng một cụm từ chuyển tiếp viết từ một đến hai câu để giải thích loại thứ
hai của bạn;
- Cho một ví dụ hai câu khác để minh họa sự giải thích của bạn;
- Bắt đầu với một cụm từ chuyển tiếp khác, viết từ một đến hai câu để giải
thích loại thứ ba từ câu chủ đề của bạn;
- Cho một ví dụ cụ thể khác về loại thứ ba của bạn;
- Viết một câu kết luận.
Ví dụ: Phân loại rác thải sinh hoạt
(a) Rác thải sinh hoạt là chất thải bao gồm mọi thứ mà con người không sử
dụng tới và hiện được chia thành ba loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. (b)
Đầu tiên, rác tái chế là rác thải mà sau khi con người loại bỏ vẫn có thể tái sử dụng
lại. (c) Những loại rác này được thu gom và đưa vào các nhà máy tái chế để chế tạo
thành nguyên liệu hoặc các sản phẩm mới để bán ra thị trường nhằm phục vụ nhu
cầu riêng của người tiêu dùng. (d) Một số loại rác tái chế điển hình có thể kể đến là
sách, báo, các loại hộp giấy, bìa carton, các chai lọ thủy tinh và nhựa,… (e) Thứ
hai là rác hữu cơ - là những loại rác dễ dàng phân hủy. (f) Rác hữu cơ được tạo ra
từ nhiều hoạt động của con người như sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp,
sinh hoạt hàng ngày,…và thường được tận dụng làm phân xanh (phân hữu cơ)
hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi. (g) Có rất nhiều loại rác hữu cơ, chẳng hạn
như: rơm, bã trà hay bã cà phê, lá cây, thức ăn thừa,… (h) Cuối cùng là rác vô cơ -
là những rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế được. (i) Thế nên, những loại
rác thải này chỉ có cách mang đến những khu chôn lấp rác thải để chôn hoặc đốt.
(k) Một số loại rác vô cơ phổ biến đó là: nilon, sành sứ, gỗ đá, gạch vỡ,… (l)
Với những thông tin như vậy, hy vọng bạn sẽ biết cách phân loại các loại rác,
giúp thuận tiện hơn trong việc tìm cách xử lý cũng như bảo vệ môi trường sống
của chúng ta.
1.2.2.2. Đoạn văn định nghĩa
a) Đoạn văn định nghĩa là loại ĐV yêu cầu người viết chọn một yếu tố hoặc
đối tượng mà họ biết rõ và định nghĩa nó; yêu cầu sinh viên đưa ra ba từ khóa hoặc
cụm từ mà sẽ cho phép họ định nghĩa yếu tố/đối tượng đó
b. Công thức của một đoạn văn định nghĩa:
- Viết một câu chủ đề đề cập tới yếu tố hoặc đối tượng mà bạn sẽ định nghĩa.
Câu chủ đề nên bao gồm ba từ khóa hoặc cụm từ khóa để định nghĩa yếu tố/đối
tượng đó;
- Viết từ một đến hai câu giải thích từ cần định nghĩa đầu tiên từ câu chủ đề
của người viết;
- Đưa ra một ví dụ cụ thể gồm hai câu mà sẽ minh họa lời giải thích của
người viết;
- Sử dụng một cụm từ chuyển đoạn, viết từ một đến hai câu giải thích từ
định nghĩa thứ hai của người viết;
- Cho ví dụ gồm hai câu khác để chỉ ra sự giải thích của người viết;
- Giải thích từ định nghĩa cuối cùng trong khoảng một đến hai câu;
- Cho một ví dụ cụ thể để minh họa định nghĩa thứ ba;
- Viết một câu kết để kết thúc đoạn văn của người viết.
Ví dụ: Định nghĩa về bạn thân
(a) Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có ít nhất một người bạn thân và với
tôi, bạn thân là người hiểu rõ mình nhất, sẵn sàng lắng nghe và luôn bên cạnh khi
ta gặp khó khăn. (b) Trước hết, tôi nghĩ bạn thân phải là người hiểu rõ mình nhất
bởi qua thời gian chơi với nhau, bạn thân chắc chắn phải biết mình thích gì, ghét
gì, có những thói quen gì hay tính tình của mình ra sao. (c) Ví dụ, bạn thân của tôi
biết tôi không uống được cafe mà chỉ thích uống nước trái cây, biết tôi là người rất
dễ mềm lòng và hay buồn vu vơ. (d) Tiếp theo, đối với tôi, bạn thân là người luôn
sẵn sàng lắng nghe những tâm sự và khúc mắc trong lòng của mình. (e) Như bạn
thân của tôi sẵn sàng bỏ hết mọi cuộc hẹn để ngồi nghe tôi khóc khi thất tình hay
gọi điện thoại cả tiếng đồng hồ để nghe tôi than vãn về những áp lực chốn công sở.
(f) Cuối cùng, bạn thân là người mà mỗi khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn hay có
chuyện gì xảy ra cũng luôn ở bên cạnh dù cho “cả thế giới” có quay lưng lại với ta.
(g)Ví dụ như khi tôi mở công ty và phá sản, trong khi mọi người xung quanh đều
chỉ trích, đổ lỗi cho tôi thì bạn thân tôi vẫn luôn động viên, an ủi và cùng tôi nghĩ
cách khắc phục hậu quả. (h) Tìm được một người bạn thân không phải là điều dễ
dàng nên nếu bạn may mắn có được một người bạn thân hãy biết trân trọng và giữ
gìn tình bạn đó.
1.2.2.3. Đoạn văn so sánh và đối chiếu
a) Đoạn văn so sánh và đối chiếu là Loại ĐV này yêu cầu người viết chọn hai
yếu tố hoặc đối tượng trong cuộc sống và viết về sự tương đồng và dị biệt. Dạng
đoạn văn này đòi hỏi sinh viên viết về những tương đồng và dị biệt theo một cách
mượt mà và có kiểm soát trong đó họ bám sát chủ đề 100%.
b) Công thức của một đoạn văn so sánh đối chiếu:
- Viết một câu chủ đề nhằm cung cấp yếu tố/ đối tượng mà bạn sẽ so sánh và
đối chiếu. Bảo đảm bạn đề cập đến cách mà chúng giống và khác nhau như thế
nào;
- Trong khoảng một câu, đề cập điểm tương đồng đầu tiên, nhưng giải thích đầy
đủ sự dị biệt bên trong sự tương đồng đó;
- Đưa ra một ví dụ gồm hai câu về sự khác biệt đầu tiên;
- Với một cụm từ chuyển tiếp, hãy giải thích sự tương đồng thứ hai và sự dị biệt
bên trong sự tương đồng đó;
- Cho một ví dụ minh họa khác về sự khác biệt thứ hai trong khoảng hai câu;
- Giải thích sự tương đồng và dị biệt thứ ba trong khoảng một câu và bảo đảm
rằng trước đó đã dùng một cụm từ chuyển tiếp;
- Cho ví dụ sau cùng về sự dị biệt thứ ba trong vòng hai câu;
- Viết một câu kết để kết thúc đoạn văn.

Ví dụ: So sánh và đối chiếu ký túc xá sinh viên Đại học Sư phạm
(a) Ký túc xá sinh viên nơi tôi ở có hai tòa nhà với kiến trúc, số tầng số phòng
và diện tích mỗi phòng như nhau nhưng tòa dành cho sinh viên Việt Nam thì bình
dân hơn còn tòa dành cho sinh viên nước ngoài có vẻ cao cấp hơn. (b) Mặc dù kiến
trúc và màu sơn của hai tòa nhà hoàn toàn giống nhau nhưng tòa dành cho sinh
viên Việt trông cũ hơn và nhiều mảng tường đã xuất hiện vết mốc, bong tróc sơn.
(c) Ngược lại, tòa dành cho sinh viên nước ngoài thì tường được sơn mới trông
sáng và đẹp hơn rất nhiều. (d) Tiếp đến, mỗi phòng ở hai tòa nhà đều có diện tích
là 40m2 nhưng tòa của sinh viên Việt được bố trí 4 giường tầng dành cho 8 người
ở còn tòa dành cho sinh viên nước ngoài chỉ có 3 giường tầng dành cho 6 người ở.
(e) Đặc biệt, phòng dành cho sinh viên nước ngoài còn được lắp đặt tivi và máy
tắm nóng lạnh trong khi phòng của sinh viên Việt không có. (f) Cuối cùng là về sự
ưu tiên trong sinh hoạt hàng ngày khi cả hai tòa nhà đều chung một hệ thống điện
nhưng tòa của sinh viên nước ngoài được phép dùng bếp điện để nấu ăn còn tòa
của sinh viên Việt lại không được phép vì sợ quá tải cho nguồn điện. (g) Điều này
rất không công bằng bởi tòa của sinh viên nước ngoài vì dùng bếp điện nên thường
xuyên bị cháy cầu dao điện nhưng ban quản lý vẫn đồng ý cho sử dụng. (h) Trong
khi tòa của sinh viên Việt nếu phát hiện có nấu ăn sẽ bị tịch thu nồi và bếp. (i) Như
bạn thấy đấy, mặc dù hai tòa nhà nằm cạnh nhau, giống nhau về kiến trúc, số tầng,
số phòng, diện tích nhưng lại có những điểm khác biệt rõ ràng và sự phân biệt
trong chế độ ưu tiên.
1.2.2.4. Đoạn văn nguyên nhân - kết quả
a) Đoạn văn nguyên nhân - kết quả là Loại ĐV này yêu cầu người viết xem
xét một nhân tố và mô tả cách một nguyên nhân có thể có ba kết quả nào đó. Ví dụ
như một sinh viên có thể viết về ba ảnh hưởng tiêu cực phát sinh từ việc hút thuốc.
Có một sự lựa chọn khác mà sinh viên có thể viết về ba nguyên nhân của một sự
việc nào đó bắt nguồn từ một kết quả.
b) Công thức của một đoạn văn nguyên nhân kết quả:
- Viết một câu đề cập đến một nguyên nhân và kết quả của những nguyên
nhân đó;
- Viết từ một đến hai câu để giải thích kết quả đầu tiên;
- Trong khoảng hai câu cho một ví dụ về kết quả đó;
- Dùng một cụm từ chuyển đoạn, viết một câu giải thích kết quả thứ hai;
- Cho một ví dụ khác dài hai câu của kết quả thứ hai. Bảo đảm ví dụ phải cụ
thể;
- Dùng một cụm từ chuyển đoạn khác, giải thích kết quả thứ ba;
- Trong hai câu khác cho ví dụ cụ thể của kết quả thứ ba;
- Viết một câu kết để kết thúc.

Ví dụ: Nguyên nhân và lợi ích của phẫu thuật thẩm mỹ


(a) Hiện nay, có rất nhiều cô gái tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện
nhan sắc, điều đó cũng đem đến cho họ rất nhiều lợi ích như mang lại sự tự tin, tạo
thuận lợi hơn trong công việc và thay đổi tướng số. (b) Đầu tiên, phẫu thuật thẩm
mỹ giúp các cô gái khắc phục được những khuyết điểm trên cơ thể và tự tin hơn về
ngoại hình của mình cũng như khi giao tiếp với người khác. (c) Ví dụ như cô bạn
thân của tôi luôn cảm thấy tự ti vì đôi mắt một mí và chiếc mũi tẹt. (d) Sau khi
phẫu thuật cắt mí và nâng mũi, cô ấy luôn mỉm cười rạng rỡ khi sở hữu đôi mắt hai
mí long lanh, to tròn cùng sống mũi cao. (e) Thứ hai, nhiều người sau khi phẫu
thuật thẩm mỹ không chỉ trở nên đẹp hơn mà còn có thêm nhiều cơ hội cũng như
thuận lợi hơn trong công việc. (f) Điển hình có thể kể đến là Vũ Thanh Quỳnh - cô
gái được mệnh danh là “hot girl” phẫu thuật thẩm mỹ nhờ chương trình Change
life đã nhận được rất nhiều lời mời làm MC, người mẫu quảng cáo. (g) Cuối cùng,
phẫu thuật thẩm mỹ giúp nhiều người thay đổi được tướng số của cuộc đời. (h)
Chẳng hạn, nhiều cô gái quan niệm nốt ruồi dưới mắt khiến cho đường tình duyên
lận đận hay lông mày ngắn sẽ có cuộc sống buồn tẻ. (i) Phẫu thuật thẩm mỹ xóa
nốt ruồi hay xăm một đôi chân mày hợp phong thủy khiến cuộc sống của họ vui vẻ,
hạnh phúc hơn rất nhiều. (k) Bởi vậy, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ giúp các bạn
nữ trở nên xinh đẹp, tươi trẻ mà còn mang đến những lợi ích rất tích cực.
Luyện tập:
- Viết đoạn văn phân loại quần áo.
- Viết đoạn văn nguyên nhân và kết quả của xuất khẩu lao động.

1.3. Một số lỗi cần tránh khi tạo lập văn bản
1.3.1. Lỗi chính tả?
Hiểu theo nghĩa thông thường, chính tả là “phép viết đúng”: Đúng với truyền thống
sử dụng chữ viết được xã hội thừa nhận, đúng với bản thân hệ thống văn tự của
một ngôn ngữ.
Bản chất của chính tả là sự phiên tiếng thành chữ, là hệ thống các quy tắc xác lập
các phương thức để chuyển lời nói sang chữ viết. Mỗi ngôn ngữ có cách riêng
trong việc phiên âm thành chữ hay nói một cách khác, mỗi ngôn ngữ có một hệ
thống chính tả riêng của mình.
1.3.2. Một số lỗi chính tả thường gặp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mắc lỗi chính tả. Ngoài việc mắc lỗi do người
viết tùy tiện, cẩu thả,… các lỗi chính tả thường gặp có thể quy vào một số loại chủ
yếu như sau:
a) Mắc lỗi do không nắm vững chính tả
Lỗi chính tả ở đâylà do người viết không nắm vững cách viết được coi là chuẩn,
được xã hội thừa nhận mặc dù người viết có thể phát âm đúng.
Thường có một số lỗi như:
- Lỗi về phụ âm đầu: g/gh ; ngh/ng ; k/c/q ; d/gi ; tr/ch ; s/x …
Ví dụ: Ghê gớm => ghê ghớm
Rì rào => dì dào
Sai sót => sai xót
- Lỗi về phần vần: Khi gặp những vần phức tạp
Ví dụ: khuếch trương; ngoằn ngoèo; quằn quại.
- Lỗi do không nắm được quy tắc viết hoa
Ví dụ: Tổ quốc => Tổ Quốc
Quốc gia=> Quốc Gia
Bác Hồ => bác Hồ
b) Lỗi do phát âm sai
Do đặc điểm tiếng địa phương mỗi vùng phát âm sai dẫn đến viết sai:
- Sai phụ âm đầu, thường lẫn lộn tr/ch, l/n, r/d …(lo lắng => no nắng, cây tre =>
cây che, bánh chưng => bánh trưng,…)
- Sai vần: chủ yếu người miền Nam ươu/iêu, iêng/iên/in, uôn/uông (rượu chè =>
riệu chè, vốn liếng => vốn liến, buôn làng => buông làng,…)
- Sai thanh điệu: thanh hỏi/thanh ngã; thanh ngã/thanh nặng; thanh sắc/thanh
ngã… (tỉ mỉ => tỉ mĩ, chia sẻ => chia sẽ,…)
1.3.3. Quy tắc viết đúng chính tả
a. Đối với chữ viết thường
- Dựa vào quy tắc chính tả:
Để viết dúng chính tả cần học thuộc một số quy tắc sau:
+ Viết ngh khi đứng trước các nguyên âm i,ê, e
Ví dụ: Nghi ngờ, nghề nghiệp, nghiêng ngả,…
+ Viết ng khi đứng trước các nguyên âm khác
Ví dụ: ngơ ngác, ngỡ ngàng, ngước mắt,…
+ Viết gh khi đứng trước các nguyên âm i, ê, e
Ví dụ: ghi nhớ, bàn ghế, gói ghém,…
+ Viết g khi đứng trước các nguyên âm khác
Ví dụ: gầm gừ, gò hàn, gờn gợn,…
+ Viết k khi đứng trước các nguyên âm i, e, ê
Ví dụ: kế hoạch, kín đáo, kim chỉ,…
+ Viết c khi đứng trước các nguyên âm khác
Ví dụ: co giãn, cơ hội, cuống xẻng,…
+ Viết q khi đứng trước các âm đệm
Ví dụ: quân đội, quản lý, quá quắt,…
+ Viết o khi đứng trước các các nguyên âm a, ă, e
Ví dụ: hoạn nạn, hoan hô, hoán đổi, xoen xoét, xoăn tít,…
+ Viết u khi đứng trước các nguyên âm khác
Ví dụ: tuần lễ, lãng quên, quấn quýt,…
- Dựa vào một số mẹo chính tả
+ Mẹo viết dấu hỏi (?) và dấu ngã (~)

Đối với từ Hán Việt: dùng mẹo “Mình nên nhớ là viết dấu ngã” để viết
đúng dấu hỏi và dấu ngã. Nghĩa là: đối với các từ Hán Việt nếu bắt đầu bằng các
phụ âm m, n, nh, l, v,d, ng (ngh) thì viết dấu ngã.
Đối với các từ láy: dùng mẹo “Huyền ngã nặng, hỏi sao không sắc thuốc”
(hay “Chị Huyền mang nặng ngã đau, hỏi không sắc thuốc biết bao giờ lành”) để
viết đúng dấu hỏi hay dấu ngã cho từ láy. Theo mẹo này, trong từ láy nếu còn phân
vân chưa biết viết dấu hỏi hay ngã mà thấy tiếng kia đã là không dấu hoặc dấu sắc
thì tiếng còn lại sẽ là dấu hỏi.
- Ngoài ra còn một số mẹo viết đúng chính tả với các phụ âm đầu d/gi; ch/tr;
s/x,…
b) Đối với chữ viết hoa
- Những trường hợp cần viết hoa gồm:
+ Tên riêng của người, địa danh hoặc tên riêng của cơ quan, tổ chức, đoàn thể;
+ Viết hoa chữ cái đầu câu sau dấu chấm, sau dấu chấm than, chấm hỏi, sau dấu
gạch đầu dòng một lời thoại,…
1.3.4. Dùng từ
Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, là vật liệu chủ yếu để tạo câu, để xây dựng lời
nói.
Từ luôn bao gồm hai mặt: mặt hình thức (âm thanh, chữ viết) và mặt nội dung
(nghĩa, ý nghĩa).
- Những yêu cầu chung của việc dùng từ:
+ Dùng từ phải đúng âm thanh, đúng nghĩa theo quy định của xã hội. Muốn dùng
theo nghĩa này nhưng chúng ta lại dùng hình thức ngữ âm khác thì sẽ dẫn đến dùng
sai ý nghĩa của từ.
VD: Bản tuyên ngôn => bảng tuyên ngôn
Bảng cửu chương => bản cửu chương
Xán lạn => sán lạng/ sáng lạng
+ Dùng từ phải đúng quy tắc ngữ pháp: Mỗi từ loại lại có những đặc điểm ngữ
pháp riêng thể hiện nghĩa và khả năng kết hợp giữa từ đó với các từ khác. Bởi vậy,
khi dùng từ để tạo câu, cần chú ý đến khả năng kết hợp của từ đó với những từ
đứng trong câu để tránh mắc lỗi.
Ví dụ: Anh ấy chỉ còn có mỗi một cái quần áo mới trong tủ (Đúng ra phải là “Anh
ấy chỉ còn có một bộ quần áo mới trong tủ)
+ Dùng từ phải đúng phong cách ngôn ngữ: Có nhiều từ chỉ được dùng trong một
số trường hợp nhất định, nghĩa là dùng trong một phong cách nhất định nào đó.
Ví dụ: (giữa văn nói và văn viết)
Thường dùng khi viết Thường dùng khi nói
Tranh luận cãi cọ, tranh cãi
Phụ nữ đàn bà
Trẻ em con nít
- Tránh dùng từ sáo rỗng, công thức: nghĩa là những từ không có sự gợi tả, không
có tính truyền cảm.
Ví dụ: Lao động là vẻ vang, vinh quang, hạnh phúc (sử dụng những từ sáo rỗng,
công thức)
- Tránh dùng từ ngữ địa phương một cách tùy tiện
Ví dụ: thẹn thùng/ngại ngùng => dị lắm
Không có => nỏ có
Ở đâu => ở mô
- Tránh lạm dụng từ Hán Việt
Ví dụ: sân bay => phi trường, vợ => phu nhân, máy bay => phi cơ, nhà thơ => thi
nhân,…
1.3.5. Đặt câu
Khi đặt câu cần chú ý đến những yêu cầu sau:
- Đặt câu phải phù hợp với quy tắc ngữ pháp: đảm bảo người đọc có thể hiểu
được chính xác, rõ ràng và đầy đủ các ý.
Ví dụ: Bó hoa tươi này => Bó hoa tươi/ Bó hoa này tươi
- Đặt câu phải hợp logic – ngữ nghĩa
Câu có nghĩa là câu phải có nội dung, khi đọc hoặc khi nghe mọi người đều có thể
hiểu được câu đó muốn nói điều gì.
Câu phải phù hợp với logic tồn tại, vận động của đối tượng. Điều này đòi hỏi mỗi
câu viết ra phải phản ánh đúng quy kuaatj tồn tại hoặc vận động của bản thân đối
tượng được trình bày trong câu. Câu phản ánh không đúng bản chất, phản ánh sai
logic tồn tại, vận động của đối tượng là câu sai.
- Đặt câu phải phù hợp với phong cách ngôn ngữ văn bản, phù hợp với phong
cách nói/viết.
Với những phong cách ngôn ngữ khác nhau sẽ có cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn
khác nhau. Ví dụ ở dạng viết văn bản thường xuất hiện những câu hai thành phần
nòng cốt, câu văn dài, kết cấu chặt chẽ, nhiều tầng bậc…, còn trong dạng nói của
văn bản, câu văn thường ngắn, tỉnh lược các thành phần, có cấu trúc đơn giản, giàu
hình ảnh…
1.3.6. Viết đoạn văn
Khi viết đoạn văn trong văn bản, cần đảm bảo được những yêu cầu chung dưới
đây để tránh mắc lỗi :
- Đoạn văn phải có sự thống nhất về chủ đề
Trong suốt quá trình triển khai ĐV, người viết chỉ tập trung viết về cùng hiện thực
(hoặc một vài hiện thực có liên quan chặt chẽ với nhau) và cùng hướng theo một
chủ đích nhất định.
- Đoạn văn phải chặt chẽ về logic
Tính logic trong một ĐV được đảm bảo bởi sự phù hợp giữa mức độ cao
giữa tính logic trong việc thể hiện sự tồn tại, vận động của bản thân đối tượng hiện
thực đang được người viết đề cập tới với tính logic trong việc tác giả trình bày về
chính đối tượng đó.
Để đạt được tính chặt chẽ, logic trong việc trình bày cần chú ý: ý sau không
đối lập, không phủ nhận ý trước; ý sau tiếp nối và phát triển ý trước, nhất quán với
ý trước; các ý phải được trình bày theo đúng qui luật của nhận thức, của tư duy.
- Đoạn văn phải phù hợp với phong cách chung của VB
Trong một ĐV các câu phải thống nhất hướng đến trong cách chung.
Ví dụ có thể trình bày theo quan hệ nguyên nhân - kết quả; tăng tiến, nhượng bộ;
hoặc có thể trình bày theo tầm quan trọng tăng dần hay giảm dần đối với đề tài và
chủ đề, hoặc có thể trình bày theo trình tự không gian, trình tự thời gian.
Bài tập thực hành: (Đáp án là những từ đã gạch chân)
Bài tập 1:
Hãy chỉ ra các tiếng viết sai chính tả trong các từ sau rồi sửa lại cho đúng:
a) no nghĩ b. số lẻ c. lí do
con nai ẩn lấp làn gió
thuyền nan siêng năng no toan
hẻo lánh tính nết mắc lỗi
Bài tập 2:
Hãy tìm ra các từ viết sai chính tả rồi sửa lại cho đúng:
a) che chở b. chí hướng c. trong trẻo
trung kết che đậy trở về
chê trách phương châm câu truyện
tránh né trâm biếm trung bình
Bài tập 3:
Hãy tìm ra một từ viết sai chính tả trong từng dòng sau:
- Chạn bát, trạm xá, trách mắng, chông chờ.
- Nhà dông, rung động, chiếc giường, để dành.
- Già dặn, rôm rả, giằng co, dành giật.
- Cơm nắm, khô nẻ, lo ấm, trông nom.
- Chia sẻ, sếp hàng, sum sê, xum xuê.
- Bổ sung, xử lí, xơ đồ, san sẻ.
Bài tập 4:
Viết lại các từ và cụm từ sau cho đúng quy tắc viết hoa:
- trần hưng đạo, trường sơn, cửu long, trung quốc => Trần Hưng Đạo, Trường
Sơn, Cửu Long, Trung Quốc.
- đảng cộng sản việt nam, trường mầm non sao mai, tổ chức nhi đồng liên hợp
quốc => Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Mầm non Sao Mai, Tổ chức Nhi
đồng Liên Hợp Quốc.
Chương 2
BÀI LUẬN 5 ĐOẠN VĂN
I. Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này sinh viên sẽ
1. Về kiến thức:
- Nắm vững khái niệm, bố cục và công thức viết của bài luận 5 đoạn văn
theo hai dạng: bài luận phân loại và bài luận tranh luận.
- Viết được bài luận 5 đoạn văn theo các dạng tranh luận và phân loại theo
đúng công thức.
2. Về kỹ năng:
- Có kỹ năng trình bày văn bản mạch lạc, logic, thuyết phục.
- Có kỹ năng dùng từ, đặt câu và viết đoạn văn trôi chảy.
* Nội dung chính:
ND 1: Bài luận phân loại.
ND 2: Bài luận tranh luận.

* Hình thức và phương pháp dạy - học


ND1: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp.
ND2: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp, thảo luận.

* Tài liệu tham khảo


- Tạ Quang Hùng, Võ Thị Phương Oanh (2013), Bí quyết nâng cao kỹ năng
viết, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. (Trang 23 - 27; 30 - 36; 92 - 108)
* Nội dung bài giảng
2.1. Bài luận phân loại
2.1.1. Khái niệm
Bài luận phân loại là một dạng của bài luận 5 đoạn văn. Bài luận này yêu
cầu người viết chọn một vấn đề, sự vật, hiện tượng hay yếu tố và chia chúng thành
3 loại khác nhau dựa trên cùng một tiêu chí, sau đó mô tả đặc tính của từng loại.
Ví dụ:
- Chúng ta có thể phân loại thực phẩm theo nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng
hạn nếu phân loại theo giá trị dinh dưỡng có: thực phẩm cung cấp chất béo, thực
phẩm cung cấp chất đạm và thực phẩm cung cấp tinh bột. Hoặc, nếu phân loại theo
sự tiện ích có: thực phẩm chức năng, thực phẩm đóng hộp và thực phẩm ăn liền.
- Có thể phân loại các nền văn minh theo giai đoạn: nền văn minh cổ đại, nền
văn minh trung đại và nền văn minh hiện đại.
- Phân loại năng lượng theo khả năng tái sinh tức là năng lượng tái tạo có:
năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng nước.
- …
2.1.2. Bố cục
Bố cục của một bài luận phân loại gồm có 3 phần:
- Mở bài: 1 đoạn văn;
- Thân bài: 3 đoạn văn;
- Kết bài: 1 đoạn văn
Trước khi bắt tay vào viết bài luận phân loại, bạn cần xác định rõ đối tượng, sự vật,
hiện tượng hay yếu tố mình cần phân loại là gì. Sau khi đã xác định được đối tượng
phân loại, bạn cần xác định được các tiêu chí có thể dùng để phân loại đối tượng
đó. Tiếp theo, hãy chọn ra một tiêu chí mà bạn cảm thấy làm rõ nhất bản chất của
đối tượng và phân đối tượng đó thành 3 loại khác nhau. Từ đó, bạn hãy mô tả đặc
tính riêng của từng loại và tìm những ví dụ minh họa điển hình nhất, thuyết phục
nhất về từng loại đó. Sau khi đã hoàn thành những công đoạn đó, bạn bắt đầu viết
bài luận theo công thức mẫu và hoàn thiện bài luận của mình.
2.1.3. Công thức viết
Để viết được một bài luận phân loại 5 đoạn văn đúng chuẩn, có cấu trúc mạch lạc
và lâ ̣p luận chặt chẽ, bạn hãy viết theo công thức mẫu sau:
- Phần mở bài: Dùng 2 - 3 câu để giới thiệu về đối tượng, vấn đề mà bạn sẽ
phân loại. Tiếp đó, viết khoảng 1 -2 câu trình bày về các tiêu chí có thể dùng để
phân loại đối tượng mà bạn đã chọn để viết. Sau đó, bạn hãy viết 1 câu luận điểm
đề cập đến đối tượng bạn đang phân loại, đồng thời cũng nêu lên tiêu chí bạn chọn
để phân đối tượng đó thành 3 loại khác nhau (cũng chính là 3 cụm từ chìa khóa để
sử dụng viết ở phần tiếp theo.
- Phần thân bài: Bạn viết thành 3 đoạn văn, mỗi đoạn tương ứng với việc mô
tả đặc tính của từng loại của đối tượng mà bạn đã phân loại. Cụ thể, viết 1 câu luận
điểm gọi tên loại 1/2/3 (cụm từ chìa khóa 1/2/3) đã được phân ở phần mở bài. Viết
tiếp 2 - 3 câu nêu lên đặc điểm, đặc trưng của từng loại 1/2/3. Tiếp theo, bạn nên có
từ 3 - 4 câu nêu một ví dụ minh họa về từng loại 1/2/3 và cuối cùng, ở cuối mỗi
đoạn văn sẽ có một câu để kết lại đoạn.
- Phần kết bài: Đây là phần để kết thúc bài luận của bạn. Để viết phần này,
bạn hãy dùng 1 câu luận điểm để nhắc lại 3 loại của đối tượng mà bạn đã phân loại
ở phần mở bài. Tiếp đó, sẽ có 2 -3 câu nêu lại đặc điểm của từng loại 1/2/3 và 2 -3
câu tóm tắt lại 3 ví dụ đã được nêu ở phần thân bài. Cuối cùng, hãy dùng từ 1 -2 câu
để kết lại bài luận của mình.
Ví dụ: Hãy viết bài luận 5 đoạn văn về chủ đề phân loại thực phẩm.
Hỏi đáp: Em thường phân loại thực phẩm thường sử dụng như thế nào/theo tiêu chí
nào? Và tương ứng với tiêu chí đó em chia thực phẩm thành những loại nào?
Bài làm
Trong cuộc sống hàng ngày, thực phẩm là một phần thiết yếu giúp con người
chúng ta có thể duy trì được sự sống, vận động và phát triển toàn diện. Có rất nhiều
loại thực phẩm khác nhau và mỗi loại lại mang một đặc trưng riêng. Có rất nhiều
cách, nhiều tiêu chí để phân chia thực phẩm thanh những loại khác nhau. Có người
sẽ lựa chọn phân loại thực phẩm dựa theo nguồn gốc, có người lại phân loại thực
phẩm dựa trên mục đích sử dụng hay theo sự tiện ích của thực phẩm,… Riêng tôi,
tôi chọn cách phân loại dựa theo giá trị dinh dưỡng mà thực phẩm cung cấp và theo
cách này, tôi chia thực phẩm thanh ba loại: thực phẩm cung cấp tinh bột, thực
phẩm cung cấp chất đạm và thực phẩm cung cấp chất béo.
Loại thực phẩm đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến là những thực phẩm cung
cấp tinh bột. Những thực phẩm có chứa nhiều tinh bột chính là nguồn cung cấp
năng lượng quan trọng đối với cơ thể của chúng ta vì tinh bột khi đi vào cơ thể sẽ
được phân hủy thành glucose - năng lượng chính của não và cơ bắp. Thực phẩm
cung cấp tinh bột còn bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể
chúng ta như vitamin B, canxi, sắt, folate,... Ngoài ra, chúng còn cung cấp hàm
lượng chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn ngừa
đột quỵ và ung thư đại tràng, kiểm soát bệnh tiểu đường,... Thực phẩm cung cấp
tinh bột được tôi sử dụng chủ yếu và thường xuyên nhất đó chính là gạo. Đây là sự
lựa chọn tuyệt vời trong những loại thực phẩm giàu tinh bột bởi cung cấp nhiều
năng lượng, giàu chất xơ, vitamin B và ít chất béo. Tôi thường dùng gạo để nấu
cơm, nấu cháo hay xay thành bột để làm bánh. Vai trò của tinh bột đối với cơ thể
người là rất quan trọng, do đó chúng ta nên bổ sung những thực phẩm có chứa tinh
bột với liều lượng phù hợp vào thực đơn mỗi ngày.
Thực phẩm giàu chất đạm cũng là một trong những loại thực phẩm không
thể thiếu trong mỗi bữa ăn của tôi. Chất đạm (protein) là chất căn bản của sự sống
trong mọi tế bào, là thành phần của các mô cấu tạo và bảo vệ cơ thể cũng như tế
bào mềm ở các cơ quan. Không có chất đạm hấp thụ từ thực phẩm thì cơ thể con
người không thể tăng trưởng và mọi cơ quan nội tạng không thể hoạt động. Khi
nhắc đến những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm nhất, chúng ta thường nhắc
đến thịt bò nạc. Trong 100g thịt bò có chứa khoảng 36g chất đạm cùng nhiều loại
vitamin và khoáng chất quan trọng khác. Để giữ được tối đa chất đạm và các
dưỡng chất khác, thịt bò thường được chế biến theo nhiều cách như thịt bò tái, thịt
bò nướng hay làm salad. Cung cấp thành phần dưỡng chất quan trọng đối với cơ
thể con người nên những thực phẩm giàu chất đạm là những thực phẩm không thể
thiếu đối với mỗi chúng ta.
Tiếp theo, những thực phẩm cung cấp chất béo cũng là loại luôn được tôi
đưa vào danh sách sử dụng hàng ngày. Thực phẩm giàu chất béo là một trong
những nhóm cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể bởi chất béo hiện
diện trong tất cả các màng tế bào và cần thiết cho chức năng tế bào của cơ thể. Mỗi
gam chất béo có trong thực phẩm sẽ cung cấp cho cơ thể của chúng ta 9 calo, nhiều
hơn so với tinh bột và chất đạm. Một trong những loại thực phẩm chứa nhiều chất
béo tốt, lành mạnh và bổ dưỡng nhất mà ít ai ngờ tới đó chinh là quả bơ. Trên thực
tế, bơ có khoảng 77% chất béo tính theo calo, khiến chúng có chất béo thậm chí
cao hơn hầu hết các loại thực phẩm động vật. Axit béo chính trong bơ là một chất
béo không bão hòa đơn gọi là axit oleic, là loại axit béo tương tự như trong dầu ô
liu. Lựa chọn những thực phẩm cung cấp chất béo tốt sẽ mang đến nhiều lợi ích
cho sức khỏe, bởi vậy chúng ta không nên loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi bữa
ăn của mình.
Có rất nhiều cách khác nhau để phân loại thực phẩm nhưng tôi thường phân
loại những thực phẩm mình hay sử dụng thành ba loại gồm: thực phẩm cung cấp
tinh bột, thực phẩm cung cấp chất đạm và thực phẩm cung cấp chất béo. Nhóm
thực phẩm giàu tinh bột giúp tôi cung cấp được năng lượng chính cho cơ thể. Sử
dụng những thực phẩm cung cấp chất đạm trong bữa ăn hàng ngày giúp cho các tế
bào và cơ quan trong cơ thể bổ sung được dưỡng chất thiếu yếu. Sau cùng, thực
phẩm giàu chất béo cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng đa lượng quan
trọng. Loại thực phẩm cung cấp tinh bột luôn được tôi ưu tiên sử dụng nhất chính
là gạo và thịt bò là thực phẩm giàu chất đạm mà tôi yêu thích. Tôi cũng thường
xuyên dùng quả bơ để chiến biến nhiều món ăn bởi đây là loại quả có nhiều béo có
lợi cho sức khỏe. Việc phân loại thực phẩm thành các loại khác nhau theo giá trị
dinh dưỡng giúp tôi luôn bổ sung được những dưỡng chất thiết yếu để có được một
cơ thể khỏe mạnh và một sức khỏe tốt.
2.2. Bài luận tranh luận
2.2.1. Khái niệm
Bài luận tranh luận là một dạng của bài luận 5 đoạn văn nhằm bày tỏ quan điểm
hay ý kiến của bạn về một vấn đề và nêu các lý do bảo vệ quan điểm hay ý kiến
của bạn. Bạn sẽ cố gắng thuyết phục người đọc chấp nhận quan điểm của bạn.
Ví dụ:
- Có ý kiến cho rằng xuất khẩu lao động đem lại cho người lao động và xã hội
rất nhiều lợi ích. Bạn nghi sao về ý kiến này? Hãy viết bài luận bày tỏ quan điểm
của bạn về vấn đề này?
- Theo bạn, nên hay không nên gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Hãy viết
bài luận trình bày ý kiến của bạn.
- Có nên sống thử trước hôn nhân?
- Sinh viên chỉ nên tập trung học tập, không nên đi làm thêm?
- Có rất nhiều con đường để thanh công, không nhất thiết phải đi học đại học?
- …

2.2.2. Bố cục
Bố cục của một bài luận tranh luận gồm có 3 phần:
- Mở bài: 1 đoạn văn;
- Thân bài: 3 đoạn văn;
- Kết bài: 1 đoạn văn.
Trước khi bắt tay vào viết bài luận tranh luận, bạn cần xác định rõ vấn đề mà bạn
muốn đến nói là gì và quan điểm của bạn về vấn đề đó là như thế nào. Sau đó, bạn
phải đưa ra được 3 lý do bảo vệ quan điểm của bạn, thuyết phục người khác đồng ý
với quan điểm của bạn. Tiếp theo, bạn bắt đầu viết bài luận theo công thức mẫu và
hoàn thiện bài luận của mình.
2.2.3. Công thức viết
Để viết được một bài luận tranh luận 5 đoạn văn đúng chuẩn, có cấu trúc mạch lạc,
lâ ̣p luận chặt chẽ và thuyết phục được người đọc đồng tình với quan điểm mà bạn
đưa ra, bạn hãy viết theo công thức mẫu sau:
- Phần mở bài: Dùng 2 – 3 câu để giới thiệu về vấn đề mà bạn sẽ tranh luận.
Tiếp đó, viết khoảng 1 -2 câu trình bày về các quan điểm của người khác về vấn đề
bạn đang nhắc tới. Sau đó, bạn hãy viết 1 câu luận điểm nêu lên quan điểm của bạn
về vấn đề đó, đồng thời cũng đưa ra 3 lý do tại sao bạn lại có quan điểm, suy nghi
như vậy (cũng chính là 3 cụm từ chìa khóa để sử dụng viết ở phần tiếp theo).
- Phần thân bài: Bạn viết thành 3 đoạn văn, mỗi đoạn tương ứng với một lý do
mà bạn đã đưa ra ở phần mở bài. Cụ thể, viết 1 câu luận điểm nói về lý do 1/2/3
(cụm từ chìa khóa 1/2/3) mà bạn đã đưa ra. Viết tiếp 2 - 3 câu phân tích, giải thích
về lý do 1/2/3, bạn hãy dùng lập luận và những lý lẽ thuyết phục người đọc hiểu
cũng như đồng tinh với lý do bạn đã đưa ra là đúng. Sau đó, bạn nên có từ 3 - 4 câu
nêu một ví dụ minh họa cụ thể, chứng minh cho từng lý do 1/2/3 và cuối cùng, ở
cuối mỗi đoạn văn sẽ có một câu để kết lại đoạn.
- Phần kết bài: Đây là phần để kết thúc bài luận của bạn. Để viết phần này,
bạn hãy dùng 1 câu luận điểm để nhắc lại quan điểm của bạn về vấn đề mà bạn
đang bàn luận. Tiếp đó, sẽ có 2 -3 câu nêu lại các lý do 1/2/3 mà bạn đã đưa ra để
bạo vệ quan điểm của mình và 2 -3 câu tóm tắt lại 3 ví dụ đã được nêu ở phần thân
bài. Cuối cùng, hãy dùng từ 1 - 2 câu để kết lại bài luận của mình.
Ví dụ: Theo bạn, nên hay không nên gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Hãy viết
bài luận trình bày ý kiến của bạn.
Câu hỏi thảo luận nhóm: Các thành viên trong nhóm làm việc với nhau, thống
nhất quan điểm chung của cá nhóm về vấn đề đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Nêu
lên quan điểm của mình và đưa ra các lý do để bảo vệ quan điểm đó. Sau đó viết
phần mở bài ngay tại lớp.
Bài làm
Ngày nay, viện dưỡng lão không còn quá xa lạ ở các nước đang phát triển,
trong đó có Việt Nam. Đây là nơi được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho việc
chăm sóc đời sống tinh thần và sức khỏe của những người cao tuổi. Có nên đưa cha
mẹ già vào viện dưỡng lão không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện
nay. Có người cho rằng, con cái có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ khi già yếu và vì
thế, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão chính là bất hiếu. Có người lại nghĩ, cha mẹ già
nên ở cạnh con cháu thì mới là hạnh phúc và vui vẻ. Đối với tôi, khi cha mẹ già đi
thì nên đưa vào viện dưỡng lão bởi ở đây, cha mẹ chúng ta sẽ có điều kiện chăm sóc
sức khỏe tốt hơn, được chăm lovề đời sống tinh thần và có thêm nhiều bạn mới.
Đầu tiên phải kể đến là khi vào viện dưỡng lão, cha mẹ chúng ta sẽ được
chăm sóc sức khỏe tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Bởi lẽ, các viện dưỡng lão ngày
nay được đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất với những không gian sống rất tiện
nghi. Ở đây có những dịch vụ chăm sóc y tế rất chu đáo, hiện đại cùng đội ngũ nhân
viên có tay nghề, kiến thức chuyên môn và rất nhiệt tình. Khi sống ở viện dưỡng
lão, cha mẹ chúng ta sẽ được ăn uống đầy đủ dưỡng chất theo chế độ phù hợp với
người cao tuổi, ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện và chăm sóc sức khỏe khoa học, bài
bản hơn. Chẳng hạn như bác hàng xóm cạnh nhà tôi có bệnh về xương khớp và rất
hay mất ngủ. Từ ngày vào viện dưỡng lão ở, bác được điều chỉnh lại chế độ dinh
dưỡng, vật lý trị liệu và ở trong không gian yên tĩnh trong lành nên bác ngủ ngon
hơn và sức khỏe cũng tốt lên rất nhiều. Với điều kiện sống hiện đại và các dịch vụ
chăm sóc sức khỏe rất tốt, viện dưỡng lão thực sự là nơi rất lý tưởng để chúng ta
gửi gắm cha mẹ khi tuổi già.

Tiếp theo, tôi ủng hộ việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão bởi vì ở đây có rất
nhiều hoạt động chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần của người cao tuổi. Đa
số người cao tuổi đều có hứng thú với các hoạt động như chơi cờ, ngâm thơ, giao
lưu văn nghệ hay tham gia vào các buổi sinh hoạt chung với hội người cao tuổi.
Tuy nhiên, vì môi trường sống chưa phát triển, chưa có nhiều sân chơi cho người
cao tuổi hay vì con cháu quá bận rộn nên các bậc cha mẹ cũng chưa có điều kiện
để tham gia vào các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần đó nên cũng có phần
ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người già. Trong khi đó, ở viện dưỡng lão,
các cụ không chỉ được tham gia vào các câu lạc bộ mà mình yêu thích mà còn
được tổ chức mừng sinh nhật hay tham gia vào nhiều chương trình kỷ niệm những
ngày lễ lớn trong năm. Cô Liên là mẹ chồng của bạn thân tôi, cô rất thích làm thơ
và có giọng ngâm thơ rất hay. Nơi cô sống dân cư còn thưa thớt và rất ít khi tổ
chức những hoạt động giao lưu cho người cao tuổi nên hầu như suốt ngày cô chỉ
quanh quẩn trong nhà, tự làm thơ và tự ngâm cho mình nghe. Thời gian gần đây,
bạn tôi đã đưa cô vào một viện dưỡng lão ở trong thị trấn ở và nghe nói, cô đã
được bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ ca của viện, những bài thơ do cô sáng tác
được rất nhiều người trong viện dưỡng lão yêu thích. Người già cũng có rất nhiều
nhu cầu về đời sống tinh thần và viện dưỡng lão là nơi có rất nhiều hoạt động bổ
ích, phù hợp với lứa tuổi của cha mẹ chúng ta.
Cuối cùng, viện dưỡng lão là nơi mà cha mẹ chúng ta có có cơ hội gặp gỡ và
kết nối với nhiều người bạn mới cùng độ tuổi. Người già có những tâm tư, tình
cảm riêng mà chúng ta – những người trẻ tuổi chưa chắc đã hiểu hết được. Bởi
vậy, sống gần với những người tương đương tuổi chắc chắn sẽ khiến các cụ tìm
thấy sự thấu hiểu và đồng cảm. Điều này mang đến cho các cụ rất nhiều lợi ích,
giúp các cụ có người bầu bạn, tâm sự và từ đó không còn cảm giác buồn chán, cô
đơn hay trầm cảm của tuổi già. Bố tôi năm nay đã 70 tuổi và lúc nào tôi cũng thấy
ông trầm buồn, đôi khi ngồi thở dài một mình. Vì bận rộn với công việc và chăm
sóc con cái, nhà cửa nên tôi cũng không có nhiều thời gian để tâm sự cùng bố. Gần
một năm nay, nghe lời khuyên của bạn bè, tôi đã đưa bố đến ở viện dưỡng lão và
mỗi lần đến thăm tôi đều thấy bố rất vui vẻ, cười nói nhiều hơn và bố nói bố rất
thích ở đây vì bố giờ bố đã có rất nhiều bạn. Bởi vậy, đưa cha mẹ vào viện dưỡng
lão không chỉ giúp các cụ có cuộc sống vui vẻ hơn mà cũng giúp chúng ta tránh
được những bất hòa giữa hai thế hệ.

Với những lợi ích tuyệt vời mang lại cho người cao tuổi, tôi hoàn toàn yên
tâm khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Không chỉ được chăm sóc rất tốt về sức
khỏe bởi đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chu đáo và có chuyên môn mà ở viện dưỡng
lão, cha mẹ tôi còn có cơ hội được tham gia vào rất nhiều hoạt động nâng cao đời
sống văn hóa tinh thần. Bên cạnh đó, viện dưỡng lão cũng là nơi giúp cha mẹ tôi có
thêm nhiều người bạn mới cùng chung tư tưởng để tâm sự và chia sẻ những buồn
vui trong cuộc sống hàng ngày. Bệnh xương khớp và mất ngủ của bác hàng xóm
gần nhà tôi đã được cải thiện rất nhiều nhờ chế độ chăm sóc và sinh hoạt khoa học
ở viện dưỡng lão. Cô Liên – mẹ chồng của bạn thân tôi có nhiều cơ hội thể hiện
giọng ngâm thơ truyền cảm của minh ở câu lạc bộ thơ ca trong viện dưỡng lão. Bố
tôi cũng rất thích ở viện dưỡng lão vì có thêm nhiều người bạn già. Cuộc sống
ngày căng hiện đại và chất lượng ở các viện dưỡng lão cũng ngày căng được nâng
cao về mọi mặt. Thế nên, đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão thực sự là một lựa
chọn rất phù hợp và tốt cho cả cha mẹ cũng như cả chúng ta.
Luyện tập:
Bài tập 1: – Các nhóm chỉnh sửa lại phần mở bài tranh luận theo nhận xét trên lớp
của giảng viên, tiếp tục viết phần thân bài, kết bài và hoàn thành bài luận tranh
luận về vấn đề đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.
Bài tập 2: Viết bài luận phân loại các loại năng lượng. (Tùy sinh viên chọn tiêu chí
nào để phân thành các loại năng lượng gì)
Chương 3
BÀI LUẬN PHÂN TÍCH, PHÊ BÌNH VĂN HỌC VÀ PHIM ẢNH
I. Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này sinh viên sẽ
1. Về kiến thức:
- Nắm vững kiến thức phân tích, phê bình văn học và phim ảnh.
- Viết được bài luận phân tích, phê bình văn học và phim ảnh.
2. Về kỹ năng:
- Trình bày văn bản mạch lạc, logic, thuyết phục.
* Nội dung chính:
ND 1: Phê bình và phê bình văn học.
ND 2: Phê bình phim ảnh
* Hình thức và phương pháp dạy - học
ND1: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp.
ND2: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp, thảo luận.

* Tài liệu tham khảo


- Tạ Quang Hùng, Võ Thị Phương Oanh (2013), Bí quyết nâng cao kỹ năng
viết, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. (Trang 130 - 136; 139 - 140;
143 - 145; 153 - 167; 180 - 188)
-Website: https://www.wikihow.vn/Viet-Mot-Bai-Phe-Binh-Phim
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%AA_b%C3%ACnh_v%C4%83n_h%E
1%BB%8Dc
* Nội dung bài giảng
3.1. Phê bình và phê bình văn học
3.1.1. Phê bình là gì?
Phê bình là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích một vấn đề đồng thời
kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời
sống liên quan đến vấn đề được đề cập tới.
3.1.2. Phê bình văn học
3.1.2.1. Khái niệm
Phê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn
học đồng thời kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện
tượng đời sống mà tác phẩm nói tới.
3.1.2.2. Cách thức viết một bài phê bình văn học
Muốn viết được một bài phê bình văn học tốt, bạn cần thực hiện những bước sau:
- Đọc: hãy đọc tác phẩm một cách cẩn thận và tìm hiểu những vấn đề xung
quanh tác phẩm (tác giả, thể loại, hoàn cảnh sáng tác,...). Ghi lại và đánh dấu các
sự kiện, tình huống, đối thoại quan trọng.
- Hiểu tiêu đề: Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng có một tiêu đề cụ thể,
vì thế hãy hiểu đúng tiêu đề đó trước khi thử bất cứ điều gì khác. Hãy trả lời câu
hỏi: Vì sao tác giả đặt tên/tiêu đề như vậy cho tác phẩm? Tiêu đề đó có ý nghĩa gì?
- Chọn lọc chi tiết: Hãy liệt kê hết những chi tiết của tác phẩm khiến bạn ấn
tượng (nhân vật, cốt truyện, tình huống,…) và sau đó chọn ra chi tiết mà bạn cảm
thấy là đặc sắc nhất, có ý nghĩa nhất để phân tích và viết bài phê bình. Trong khi
viết bài, hãy đưa ra những dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm để minh chứng cho lập
luận về chi tiết bạn đã chọn.
3.2. Bài luận phê bình phim ảnh
3.2.1. Phê bình phim ảnh là gì?
Phê bình phim là quá trình phân tích, đánh giá chất lượng các sản phẩm điện ảnh.
Bài luận phê bình phim yêu cầu bạn chọn một yếu tố/khía cạnh trong phim và đưa
ra cách lập luận phân tích vai trò của yếu tố/khía cạnh đó.
Ví dụ:
- Ý nghĩa của tên phim Hope (Hy vọng).
- Bài hát Photograph của ca sĩ Ed Sheeran trong phim Me before you (Trước
ngày em đến)
- Biểu tượng chú chó Hachiko trong bộ phim cùng tên.
- …
3.2.2 Vai trò của phim ảnh
Trong cuộc sống ngày nay, phim ảnh đóng vai trò rất quan trọng rất quan trọng đối
với đời sống của con người. Phim ảnh không chỉ là một trong những hình thức giải
trí được nhiều người yêu thích mà còn mang lại nhiều giá trị như:
- Giúp người xem có thêm nhiều trải nhiệm và kiến thức bổ ích.
- Giúp giải tỏa được những vấn đề về tâm lý, cảm xúc. Cụ thể, thông qua phim
ảnh, con người có thể thoát được khỏi những muộn phiền của cuộc sống và có
được những khoảnh khắc thú vị.
- Phim ảnh giúp bồi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến những giá trị Chân-
Thiện-Mỹ của cuộc sống.
- Xem phim cũng giúp con người bồi dưỡng thêm vốn từ và làm giàu thêm vốn
sống của bản thân.
3.2.3. Các bước cần thực hiện trước khi viết bài luận
Để viết được một bài phê bình phim chuyên nghiệp, lập luận logic và thuyết phục
được người đọc, bạn cần tham khảo những điều sau:
- Hãy tập hợp những thông tin cơ bản về bộ phim. Bạn có thể làm điều này
trước hoặc sau khi xem phim nhưng bạn chắc chắn nên tìm thông tin trước khi viết
bài phê bình vì bạn sẽ cần dùng đến những thông tin này trong bài viết của mình.
Đây là những thông tin bạn cần biết:
+ Tiêu đề của bộ phim và năm phát hanh;
+ Tên đạo diễn;
+ Tên các diễn viên chính;
+ Thể loại.
- Ghi chú về bộ phim khi xem. Trước khi bạn ngồi xuống và bắt đầu xem
phim, hãy kiếm một tập giấy hay một chiếc laptop để ghi chú. Các phim đều rất dài
và bạn có thể dễ dàng quên mất các chi tiết hoặc những điểm chính trong cốt
truyện. Việc ghi chú giúp bạn ghi lại những chi tiết nhỏ nhặt để bạn có thể quay lại
dùng sau này.
+ Ghi chú mỗi lần có điểm nào đó nổi bật đối với bạn, dù điểm đó hay hay dở. Đó
có thể là trang phục, trang điểm, thiết kế cảnh quay, âm nhạc… Hãy nghĩ đến việc
chi tiết này liên quan thế nào đến phần còn lại của bộ phim và nó có ý nghĩa gì
trong bối cảnh bài phê bình phim của bạn.
+ Ghi chú những kiểu mẫu hành vi mà bạn bắt đầu chú ý đến khi bộ phim hé mở.
+ Thường xuyên dùng nút tạm dừng để đảm bảo bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì và
tua lại nếu cần thiết.
- Chọn yếu tố/ khía cạnh của bộ phim. Phân tích những yếu tố khác nhau kết
hợp lại trong bộ phim khi bạn xem. Trong hoặc sau khi xem phim, hãy tự hỏi bản
thân về ấn tượng mà bộ phim để lại cho bạn ở những lĩnh vực sau:
+ Nghệ thuật quay phim: Kĩ thuật nào đã được sử dụng để quay bộ phim? Những
yếu tố bối cảnh nào giúp tạo nên không khí nhất định cho phim?
+ Nội dung: Đánh giá kịch bản, bao gồm những đoạn hội thoại và cách khắc hoạ
nhân vật. Bạn có thấy cốt truyện sáng tạo và khó đoán hay nhàm chán và yếu kém?
Những lời nói của các nhân vật có chấp nhận được đối với bạn không?
+ Thiết kế trang phục: Sự lựa chọn trang phục có phù hợp với phong cách của bộ
phim hay không? Chúng có góp phần làm nổi bật không khí chung của phim hay
hoàn toàn lệch lạc?
+ Thiết kế bối cảnh: Hãy chú ý đến cách bối cảnh phim ảnh hưởng đến các yếu tố
khác. Nó có tăng thêm hay giảm bớt ấn tượng về bộ phim đối với bạn? Nếu bộ
phim được quay ở một địa điểm thực thì địa điểm này có đáng chọn không?
+ Âm thanh hoặc nhạc phim. Nó có hài hoà với các cảnh hay không? Nó có được
sử dụng quá nhiều hoặc quá ít hay không? Nó có tạo tính hồi hộp hay không? Có
buồn cười hay gây khó chịu không? Phần nhạc phim có thể là yếu tố quyết định
cho cả bộ phim, đặc biệt là nếu các ca khúc có thông điệp hoặc ý nghĩa cụ thể.
+…
- Hình thành lập luận: Sau khi đã nghiên cứu kĩ lưỡng bộ phim này, bạn có
thể mang tới quan điểm độc đáo nào cho người đọc? Hãy nghĩ ra một luận điểm,
một ý tưởng trung tâm để thảo luận và củng cố nó bằng những quan sát về các yếu
tố đa dạng trong phim. Luận điểm của bạn cần được bàn đến ngay ở đoạn đầu của
bài phê bình. Việc có một luận điểm sẽ giúp bạn vượt ra khỏi giai đoạn tóm tắt và
tiến đến lĩnh vực phê bình phim mà bản thân nó là một dạng nghệ thuật xứng đáng.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để tìm ra một luận điểm hấp dẫn cho bài
phê bình của mình:
+ Bộ phim có phản ánh một sự kiện gần đây hay một vấn đề nóng hổi không? Đây
có thể là cách để đạo diễn đề cập đến những vấn đề quan trọng hơn. Hãy tìm các
cách để kết nối nội dung phim với thế giới “thực”.
+ Bộ phim có thông điệp gì hay có cố gắng khơi gợi phản ứng hoặc cảm xúc cụ thể
nào từ khán giả? Bạn có thể nói về việc bộ phim có đạt được những mục đích của
nó hay không.
+ Bộ phim có mối liên hệ cá nhân nào với bạn hay không? Bạn có thể viết một bài
phê bình dựa trên những cảm xúc của riêng mình và thêm vào những câu chuyện
cá nhân để làm cho nó thật hấp dẫn với độc giả.
+…
3.2.4. Bố cục và cách viết
Cũng như những bài luận 5 đoạn văn khác, bài luận phê bình phim ảnh có bố cục
gồm 3 phần với 5 đoạn văn:
- Mở bài: 1 đoạn văn;
- Thân bài: 3 đoạn văn;
- Kết bài: 1 đoạn văn.
Để viết được một bài phê bình phim, bạn nên viết theo công thức sau:
- Phần mở bài: Dùng 2 – 4 câu tóm tắt ngắn gọn về toan bộ phim. Tiếp đó sẽ
có từ 1-2 câu thảo luận về yếu tố bạn đã chọn và viết trong bài phê bình của mình.
Sau cùng viết một 1-2 câu nêu rõ lập luận của bạn (3 CTCK) về yếu tố đã chọn.
Luận đề của bạn phải nói cho người đọc biết yếu tố đó làm gì cho cấu trúc của bộ
phim và/hoặc hiểu biết của bạn về cuộc sống.
- Phần thân bài: Trong khoảng 2-3 câu, tóm tắt một tình huống/cảnh phim
quan trọng đề cập đến vấn đề 1/2/3 mà bạn đã nói tới ở phần mở bài. Chọn một
trích dẫn hoặc khía cạnh có liên quan từ cảnh đó, củng cố cho lập luận 1/2/3 của
bạn. Tiếp theo, viết về 2-3 câu phân tích trích dẫn hoặc khía cạnh của cảnh đó.
Phân tích có thể là một sự giải thích cho vấn đề trích dẫn; phân tích yếu tố bạn
chọn hoặc một liên hệ thực tiễn liên quan. Cuối cùng kết thúc đoạn của bạn với
một câu đóng.
- Phần kết bài: Trong khoảng hai câu hãy nhắc lại một lần nữa những nhận
định chinh của bạn và nên dùng một cách diễn đạt khác để tranh lặp lại với phần
mở bài. Trong khoảng 3 - 4 câu, đề cập lại tất cả những điểm chính và những cảnh
từ các đoạn thân bài một, hai và ba của bạn. Viết một đến hai câu kết lại nhận định
của bạn và để lại cho người đọc một vài suy nghĩ liên quan về bộ phim hoặc yếu tố
mà bạn đã viết.

Ví dụ: Hãy viết bài luận phê bình phim Cha và con gái (Father and Daughter)
(Sinh viên xem phim và thảo luận theo nhóm. Mỗi nhóm sẽ trình bày những yếu tố
ấn tượng trong bộ phim, sau đó chọn một yếu tố đặc sắc nhất và đưa ra những lập
luận về yếu tố đã chọn và viết phần mở bài theo công thức mẫu)
Bài làm
Năm 2000, một phim hoạt hình ngắn do đạo diễn người Hà Lan Michaël
Dudok de Wit thực hiện với tựa đề “Cha và con gái” (Father and Daughter) đã
khiến cho hàng triệu khán giả trên thế giới phải rơi lệ vì tình cha con. Bộ phim là
câu chuyện không lời về tình cha con của một cô gái với người cha đi xa lâu ngày,
được gói gọn trong thời lượng 8 phút 30 giây. Bộ phim đã giành Giải Oscar cho
phim hoạt hình ngắn năm 2000 cùng rất nhiều giải thưởng khác. Bộ phim lắng
đọng lại trong lòng khán giả ở nhiều yếu tố nhưng có lẽ ấn tượng nhất đó chính là
hình ảnh về chiếc xe đạp xuyên suốt bộ phim. Chiếc xe đạp là biểu tượng về tình
cảm cha con và cũng là biểu tượng cho vòng quay của thời gian. Đặc biệt, hình ảnh
chiếc xe đạp đã khắc họa được rõ nét và chân thực nhất về sự chia ly, về sự chờ đợi
và niềm hy vọng đoàn tụ của cô con gái.
Chiếc xe đạp – tượng trưng cho sự chia ly. “Cha và con gái” bắt đầu bằng
hình ảnh người cha và con gái cùng đạp xe song song bên nhau trên con đường dài.
Hình ảnh người cha cao lớn với chiếc xe đạp to, con gái nhỏ nhắn với chiếc xe đạp
bé tí mang đến cho người xem cảm xúc vừa đang yêu vừa ấm áp. Thế nhưng, khi
chiếc xe đạp dừng lại ở bờ sông và người cha ôm tạm biệt con gái cũng là lúc cuộc
chia ly của họ bắt đầu. Người cha chèo thuyền ra xa, cô bé vẫn trông theo bóng
dáng cha mình mãi cho đến khi người và thuyền khuất hẳn sau làn sương đục mới
đạp xe về. Giây phút chia tay giữa người cha và con gái bịn rịn nhưng không quá
não nề vì cảnh quay vẫn liên tục và tiết tấu nhẹ nhàng hơn. Chia ly không phải là
chấm hết mà chia ly để biết được yêu thương đong đầy đến nhường nào và cũng là
để mở ra biết bao điều ở chặng đường phía trước.
Chiếc xe đạp – tượng trưng cho sự chờ đợi của người con gái. Không biết
người cha đã đi đâu nhưng ngày qua ngày, mặt trời lặn rồi lại mọc, mùa này sang
mùa kia, năm này qua tháng nọ, cô con gái vẫn đều đặn đạp xe quay lại chỗ hai cha
con lần cuối gặp nhau và chờ đợi một hình bóng quen thuộc. Xuôi dòng thời gian,
cô con gái bé nhỏ lớn lên, trở thành thiếu nữ rồi già đi với tóc bạc, lưng còm. Và,
đồng hành với cô trong suốt quãng thời gian đó là chiếc xe đạp cùng nỗi nhớ
mong, chờ đợi khắc khoải về người cha của mình. Cái cách cô con gái đợi chờ cha
mình làm người xem cảm động, cho dù trời mưa to, gió lớn, rét buốt hay oi nồng,
hửng sáng hay đêm đen, cô cứ ra bờ sông đứng đợi. Con đường ướt lầy, đọng nước
sau một cơn mưa tầm tã nào đó vẫn không thể cản chân cô gái ngày ngày đạp xe
tới đúng điểm cần dừng. Mặc dù sự chờ đợi của cô con gái chưa có kết quả nhưng
chưa bao giờ cô gái ngừng mong đợi và vẫn luôn ấp ủ niềm tin một ngày cha sẽ
quay về.
Chiếc xe đạp – tượng trưng cho niềm hy vọng đoàn tụ của người con gái.
Đièu đặc biệt khiến người xem chú ý chính là hướng xe đạp của cô gái và sự đối
lập giữa cô với mọi thứ xung quanh. Thuở còn bé tí, cô gái nhỏ cố hết sức chạy
lướt nhanh qua những người đi đường cùng chiều để đến bờ sông đón cha. Niềm
tin thuần khiết và hy vọng về ngày đoàn tụ đã giúp cô trưởng thành và mạnh mẽ
hơn. Năm tháng cứ qua đi, cô gái dần lớn lên, dù có lúc cô đi một mình, dù có lúc
trên đường còn có những người bạn hay lúc cô đã có gia đình và ngay cả lúc cô đã
trở thành một bà lão thì chiếc xe đạp vẫn dừng lại ở bờ sông và vẫn mang theo một
niềm hy vọng mãnh liệt về ngày đoàn tụ. Nhiều người sẽ nghĩ rằng cô gái thật dại
khờ khi dành cả đời để hy vọng vào một điều mà có lẽ bản thân cũng chưa biết sẽ
thế nào. Thế nhưng, thử hỏi có mấy ai trong cuộc sống này có đủ mạnh mẽ và kiên
định với niềm hy vọng đó như cô gái. Ngốc nghếch cũng được, dại khờ cũng được
nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và hy vọng thì tình yêu sẽ bền lâu theo năm
tháng.
“Cha và con gái” không phải là bộ phim có nội dung quá phức tạp và cách
thể hiện cũng rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng đã truyền tải được một thông điệp mạnh
mẽ về tình cha con. Hình ảnh chiếc xe đạp và những vòng quay của bánh xe trong
phim vẫn luôn đọng lại trong tâm trí người xem, đồng thời gợi lên nhiều suy nghĩ
trăn trở. Chiếc xe đạp đã mang đến sự chia ly nhưng cũng đồng thời chở biết bao
nỗi nhớ mong, sự chờ đợi và niềm hy vọng về một ngày nào đó người cha thân yêu
sẽ trở về. Tôi đã xem đi xem lại bộ phim rất nhiều lần và lần nào cảm xúc vẫn vẹn
nguyên như lần đầu mới xem. “Cha và con gái” đã giúp tôi hiểu rằng có cha, có
mẹ, có cả một gia đình thật là hạnh phúc biết bao và tâm hồn trong trẻo chân thành
của trẻ thơ đúng là một báu vật vô giá của con người.
Luyện tập:
- Các nhóm tiếp tục viết phần thân bài, kết bài và hoàn thiện bài phê bình
phim Cha và con gái.
- Xem phim “Mưu cầu hạnh phúc”: Nêu ý kiến về những yếu tố đặc sắc của
phim, chọn yếu tố và viết bài phê bình.
Chương 4
KẾ HOẠCH VÀ CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC

I. Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này sinh viên sẽ
1. Về kiến thức:
- Nắm được cách thức và viết được các bản kế hoạch làm việc, chương trình
làm việc.
2. Về kỹ năng:
- Có kỹ năng soạn thảo và xử lý các loại văn bản tùy theo công việc.

* Nội dung chính:


ND1: Thể thức văn bản.
ND 2: Cách viết kế hoạch làm việc.
ND 3: Cách viết chương trình làm việc.
* Hình thức và phương pháp dạy - học
ND1: Trình chiếu Power Point, thuyết trình.
ND2: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp,thực hành.
ND3: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp, thực hành.
* Tài liệu tham khảo
- Tạ Quang Hùng, Võ Thị Phương Oanh (2013), Bí quyết nâng cao kỹ năng
viết, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. (Trang 241 - 243)
-Website: https://luathoangphi.vn/the-thuc-van-ban/
https://luatminhkhue.vn/ky-nang-lap-ke-hoach-khai-niem--y-nghia--phuong-
phap-.aspx
https://timviec365.vn/blog/agenda-la-gi-new5813.html
* Nội dung bài giảng
4.1. Thể thức văn bản
4.1.1. Khái niệm thể thức văn bản
Thể thức văn bản là tập hợp các thành phần cầu thành văn bản, bao gồm
những thành phần chính áp dụng đối với tất cả các loại văn bản và các thành phần
bổ sung trong những trường hợp cụ thể hoặc đối với một số loại văn bản nhất
định.(Căn cứ theo Điều 8 Nghị định số 30/2020 về công tác văn thư ban hành ngày
05 tháng 03 năm 2020).
4.1.2. Các thành phần thể thức văn bản
Cũng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy
định thể thức văn bản hành chính bao gồm các thành phần chính như sau:
– Quốc hiệu và Tiêu ngữ.
– Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
– Số, ký hiệu của văn bản.
– Địa danh và thời gian ban hành văn bản.
– Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.
– Nội dung văn bản.
– Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.
– Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.
– Nơi nhận.
Ngoài ra, văn bản có thể bổ sung thêm các thành phần khác như:
– Phụ lục.
– Dấu chỉ độ mật, mức độ khẩn, các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành.
– Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành.
– Địa chỉ cơ quan, tổ chức; thư điện tử; trang thông tin điện tử; số điện thoại; số
Fax.
4.2. Cách viết kế hoạch làm việc
4.2.1. Khái niệm kế hoạch
Kế hoạch là một quá trình ấn định những mục tiêu và xác định biện pháp tốt
nhất để thực hiện những mục tiêu đó.
4.2.2. Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch
Việc lập kế hoạch rất cần thiết cho bạn để hoàn thành mục tiêu của mình
hơn thế nữa là quyết định được sự thành công của bạn cũng như của công việc, vì
thế hãy chú ý và có sự đầu tư cho bản kế hoạch làm việc thật chi tiết.
Cụ thể, tầm quan trọng của việc lập kế hoạch:
- Giúp bạn đưa ra được hướng đi cụ thể cho mình để đạt được mục tiêu.
- Đưa ra những phương án tối ưu nhất thực hiện các công việc đã được lên kế
hoạch, giúp bạn xác định tính khả thi.
- Đưa ra những phương án đối phó với các trường hợp rủi ro sẽ gặp phải.
- Giúp bạn có kế hoạch để tiếp tục vận hành công việc của mình nếu gặp phải
những trường hợp hợp bất trắc.
- Cho bạn cái nhìn tổng quát về tương lai, nhưng thay đổi sẽ gặp phải và những
tác động ảnh hưởng đến bạn.
- Hình thành những tiêu chuẩn, tạo điều kiện kiểm tra tiến độ và có động lực
hoàn thành công việc.
- Nâng cao trách nhiệm hơn trong công việc.
4.2.3. Một số loại kế hoạch và những nội dung cần có trong kế hoạch
Tùy theo mục đích và công việc, có thể phân loại kế hoạch thành:
- Kế hoạch làm việc theo ngày;
- Kế hoạch làm việc theo tuần;
- Kế hoạch làm việc theo tháng.
Dù lập kế hoạch theo loại nào đi chăng nữa, một bản kế hoạch chuyên nghiệp là
bản kế hoạch có đầy đủ những nội dung như:
- Tên đơn vị, công ty của bạn;
- Họ tên người lập ra kế hoạch;
- Tên của kế hoạch;
- Thời gian thực hiện kế hoạch dự kiến;
- Mục đích của kế hoạch là gì ?
- Mục tiêu kế hoạch cần đạt được;
- Các chi tiết công việc;
-…
4.2.4. Quy trình 5 bước lập kế hoạch
Để lập được một bản kế hoạch chỉn chu và chuyên nghiệp, bạn có thể thực hiện
theo quy trình 5 bước như sau:
4.2.4.1. Bước 1 – Thiết lập mục tiêu
Đây là bước đầu tiên quyết định thành bại của một bản kế hoạch. Khi bắt tay vào
bất cứ một công việc gì, hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Tại sao bạn phải làm công việc này?
- Công việc này có ý nghĩa gì đối bạn, bộ phận của bạn và công ty/tổ chức của
bạn?
- Nếu không thực hiện công việc này thì hậu quả sẽ như thế nào?

Việc xác định được mục tiêu, yêu cầu sẽ giúp bạn tập trung và dồn thời gian cũng
như tâm huyết cho công việc đó. Hãy bám sát với mong muốn và khả năng của
mình để đưa ra những mục tiêu rõ ràng, phù hợp và khả thi. Không nên đặt mục
tiêu quá cao bởi nếu không đạt được sẽ khiến bạn bị suy giảm ý chí, cũng như
đừng đặt mục tiêu quá thấp sẽ gây lãng phí thời gian, công sức mà hiệu quả đạt
được cũng không cao.
4.2.4.2. Bước 2 – Liệt kê công việc cần làm
Sau khi đã xác định rõ mục tiêu của công việc, tiếp theo hãy liệt kê tất cả những
công việc cần làm.
Ở mỗi đầu việc, hãy xác định nội dung công việc là gì và sử dụng những phương
án, biện pháp gì để có thể thực hiện được công việc đó một cách tốt nhất.
4.2.4.3. Bước 3 – Sắp xếp thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc Eisenhower
Để kế hoạch hoàn hảo, bạn cần phải xác định được các loại công việc sau đó lựa
chọn công việc nào cần làm trước, công việc nào cần làm sau. Ở bước này, bạn có
thể tham khảo phương pháp sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên theo nguyên tắc
Eisenhower – nguyên tắc do tổng thống Mỹ thứ 34 là Dwight D. Eisenhower nghĩ
ra và ông đã sử dụng nó một cách rất hiệu quả cho lịch làm việc bận rộn của minh.
Theo nguyên tắc Eisenhower, mức độ công việc được chia thành 4 loại khác nhau:
- Quan trọng vàkhẩn cấp: Công việc ở mức độ này đòi hỏi bạn phải ngay lập tức,
tự thực hiện và nhanh nhất có thể.
- Quan trọng nhưng không khẩn cấp: Những công việc ở mức độ này cho phép
bạn tự thực hiện khi không còn công việc khẩn cấp nào phát sinh.
- Không quan trọng nhưng khẩn cấp: Những công việc ở mức độ này tuy không
quan trọng nhưng đòi hỏi bạn phải ngay lập tức thực hiện hoặc giao việc cho ai đó,
hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người khác để thực hiện.
- Không quan trọng và không khẩn cấp: Với những công việc ở mức độ này, bạn
có thể hoãn lại thực hiện vào lúc khác hoặc có thể loại bỏ ra khỏi danh sách công
việc.
4.2.4.4. Bước 4 – Phân bổ nguồn lực thực hiện
Để kế hoạch được thực hiện một cách thuận lợi, hoàn thành được các công việc và
đạt được những mục tiêu đã đề ra, bạn cần liệt kê được những nguồn lực cần thiết
khi thực hiện kế hoạch cũng như phân bổ những nguồn lực đó một cách hợp lý.
Ở bước này, bạn cần trả lời được những câu hỏi sau:
- When: Công việc đó thực hiện khi nào, khi nào thì giao, khi nào kết thúc…
- Where: Công việc đó thực hiện ở đâu?
- Who: Ai làm việc đó, ai kiểm tra, ai hỗ trợ, ai chịu trách nhiệm,…
- What: Nội dung công việc đó là gì?
- How many: Cần bao nhiêu nhân lực và vật chất (các thiết bị máy móc, tài
liệu,…) để thực hiện công việc.
- How much: Dự trù cần bao nhiêu kinh phí để thực hiện công việc.
4.2.4.5. Bước 5 – Đánh giá và điều chỉnh
Sau khi đã hoàn thành 4 bước ở trên, bạn chưa thể đảm bảo công việc đã được thực
hiện một cách hoàn hảo, vẫn sẽ có những rủi ro và những vấn đề khác có khả năng
cao sẽ phát sinh. Bởi vậy, bạn cần đánh giá lại hiệu quả của những công việc đã
hoàn thành và có những điều chỉnh lại kế hoạch thực hiện một cách hợp lý. Ví dụ
như điều chỉnh lại các hạng mục công việc cần làm, thứ tự ưu tiên lẫn các nguồn
lực cần thiết.
4.3. Cách viết chương trình làm việc
4.3.1. Khái niệm và phân loại chương trình
Chương trình (Agenda) là toàn bộ những việc cần làm đối với một lĩnh vực công
tác hoặc tất cả các mặt công tác của một cơ quan, một ngành chủ quản hay của một
tổ chức, cá nhân,… theo một trình tự nhất định và trong thời gian nhất định.
Trong một số trường hợp, Agenda còn có nghĩa là Nhật ký công tác hay Nhật ký
hàng ngày của ai đó. Tuy nhiên, Agenda thường được đề cập đến khi nhắc tới một
sự kiện có nhiều người tham gia, như:
- Hội nghị (conference),
- Cuộc họp (meeting),
- Hội thảo (seminar),
- Các buổi lễ kỷ niệm (celebration).
4.3.2. Hình thức chuẩn của một chương trình
Một bản agenda chuẩn, đẹp mắt sẽ làm người đọc cảm nhận được tính chuyên
nghiệp trong khâu chuẩn bị. Hơn nữa, người đọc sẽ dễ dàng tiếp thu những thông
tin cần thiết để có những sự chuẩn bị tốt cho chương trình. Sau đây là những lưu ý
về hình thức và nội dung khi trình bày của một bản agenda chuẩn và đẹp.
- Tiêu đề chương trình:
Được đặt lên trên cùng của văn bản và sẽ thường ngắn gọn, súc tích. Một lời
khuyên nhỏ dành cho bạn đó là, màu font chữ, màu nền và logo của công ty nên
được phối hợp hài hoà. Không nên có quá 2-3 màu sắc trong bản agenda , điều đó
sẽ làm rối mắt và phân tâm người xem.
- Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự:
Được thể hiện ngay dưới tiêu đề của biên bản cuộc họp. Cần ghi rõ ngày, tháng,
năm mà cuộc họp diễn ra. Địa điểm cũng cần được ghi rõ chứ không nên viết
chung chung một tên công ty nào đó.
- Nội dung chương trình:
Được chia thành từng mục cụ thể, được sắp xếp lần lượt theo trình tự thời gian.
Bạn có thể thêm 1 cột người phụ trách để gia tăng trách nhiệm của mỗi người với
nội dung mình phụ trách. Một lưu ý khi viết chương trinh đó là là bạn nên ước tính
thời gian thực tế cho mỗi một chủ đề. Điều này sẽ giúp người chủ trì của chương
trình cũng như những người tham gia có thể phân bổ được thời gian hợp lý cho
từng chủ đề, giúp chương trình diễn ra vừa nhanh chóng mà vẫn đạt được hiệu quả
tối đa nhất.
4.3.3. Hướng dẫn viết chương trình
Để viết được một chương trình chuyên nghiệp và tránh được những sai sót thông
thường, khi viết chương trình bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đặt tiêu đề chương trình
Tiêu đề là yếu tố rất quan trọng bởi nó thể hiện được nội dung chính của chương
trình là gì. Bởi vậy, không cần phải đặt tiêu đề quá hoa mỹ hay phức tạp mà nên
đặt tiêu đề ngắn gọn, dễ hiểu. Bạn chỉ cần cho những người đọc thấy và hiểu được
hai vấn đề chính trong phần tiêu đề: Thứ nhất, đây là chương trình gì?; thứ hai, chủ
đề hay mục tiêu chính được diễn ra trong chương trình đó là gì?
- Giải đáp các câu hỏi
Sau khi đã hoàn thành việc đặt được tiêu đề cho chương trình, bạn nên cách ra một
dòng rồi viết tiếp những nội dung tiếp theo bằng việc trả lời các câu hỏi:
+ When: Xác định khung thời gian diễn ra chương trình, cụ thể là Ngày và giờ;
+ Where: Địa điểm chính xác diễn ra chương trình. Ví dụ: Ghi cụ thể Số phòng
– Tên công ty – Trụ sở văn phòng tại địa chỉ…
+ Who: Chương trình gồm có những ai tham dự.
- Viết lịch trình, chỉ rõ những điểm chính của chương trinh
Ở mục này, bạn có thể kẻ bảng và chia cột để người đọc, người tham dự chương
trình nắm rõ được lịch trình của từng nội dung chính của chương trình. Bạn có thể
chia thành các cột thời gian, nội dung và người phụ trách/thực hiện. Để làm tốt
được phần này, bạn cần phải xác định được thời gian dự tính của từng mục nội
dung để đảm bảo chương trình diễn ra thật hiệu quả.
- Dành giờ giấc cuối chương trình cho phần hỏi đáp
Đối với phần nội dung này trong bản Agenda, bạn hoàn toàn có thể dựa theo tình
hình hoặc để giờ giấc còn lại sau khi đã phân bố theo quỹ thời gian để nhằm ngăn
cản được việc “cháy” Agenda. Khi vẫn còn nhiều thời gian trống, bạn có thể để
mọi người đặt ra các câu hỏi liên quan đến chủ đề, thảo luận về vấn đề trong cuộc
họp để giải đáp được hết những vấn đề còn đang vướng mắc. Không dừng lại ở đó
bạn cũng có thể đưa ra những ý kiến bổ sung, đề xuất về chủ đề để buổi họp được
diễn ra thật thành công.
- Kiểm tra các lỗi trước khi phân phát chương trình
Không chỉ riêng viết chương trình mà khi soạn thảo bất kỳ văn bản nào, bạn cũng
phải cần dành thời gian để kiểm tra để rà soát lại toàn bộ nội dung đã được viết
xem còn mắc lỗi nào không. Như vậy sẽ khiến bản Agenda vừa chuyên nghiệp,
vừa thể hiện được sự tôn trọng đối với phía người đọc và đặc biệt là với những vấn
đề có liên quan đến cuộc họp đảm bảo không được diễn ra bất kể một sai sót nào.
Bài tập thực hành:
Bài tập 1: Lớp bạn muốn tổ chức Chương trình Offline mừng năm học mới. Hãy
lập kế hoạch cho sự kiện đó.
Bài tập 2: Lớp bạn chuẩn bị tổ chức chương trình Đại hội Chi đoàn. Bạn hãy lập
chương trình cho sự kiện này.
Chương 5
VĂN BẢN NHẬT DỤNG

I. Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này sinh viên sẽ
1. Về kiến thức:
- Nắm được đặc trưng của một số loại văn bản nhật dụng và viết được một
số loại văn bản nhật dụng như: email, CV xin việc, memo.
2. Về kỹ năng:
- Có kỹ năng sử dụng Internet, soạn thảo, xử lý và sử dụng các loại văn bản
tùy theo công việc cũng như đúng mục đích/hoàn cảnh.
* Nội dung chính:
ND1:Cách viết email
ND 2: Các viết CV xin việc.
ND 3: Cách viết memo.
* Hình thức và phương pháp dạy - học
ND1: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp
ND2: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp.
ND3: Trình chiếu Power Point, thuyết trình, vấn đáp.
* Tài liệu tham khảo
- Tạ Quang Hùng, Võ Thị Phương Oanh (2013), Bí quyết nâng cao kỹ năng
viết, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. (Trang 234 - 240)
-Website: https://www.hotcourses.vn/study-abroad-info/careers-
prospects/14-quy-tac-giup-ban-thanh-thao-ky-nang-viet-email/
https://news.timviec.com.vn/huong-dan-cach-viet-cv-xin-viec-an-tuong-cho-
moi-nganh-nghe-59088.html
https://vietbaixuyenviet.com/memo-la-gi/
* Nội dung bài giảng
5.1. Cách viết email
Email (Thư điện tử) là một phương thức trao đổi (gửi – nhận) thư từ thông qua
mạng internet. Email sẽ là bạn đồng hành của bạn trong quá trình học tập, tìm kiếm
việc làm và đặc biệt là phát triển sự nghiệp.

Một email gửi đi gồm có:


- Địa chỉ email người nhận;
- Chủ đề/tiêu đề của email;
- Nội dung email;
- Chữ ký cá nhân.
Để viết được một email với đầy đủ các nội dung, có hình thức chuyên nghiệp và
không mắc phải những sai sót thông thường, bạn cần nắm được những quy tắc sau:
5.1.2. Đặt tên email
Tên email thể hiện tính chuyên nghiệp của cá nhân. Bạn nên chọn cho mình một
địa chỉ email nghiêm túc, lịch sự. Có thể đặt email theo họ và tên đệm của bản
thân. Tuyệt đối tránh những email với những biệt danh quá “teen” như
cobemuadong@... hay boynghichngom@... Nếu bạn đang làm việc cho một cơ
quan nào đó thì nên sử dụng đuôi email của tổ chức đó để tạo cảm giác tin cậy và
chuyên nghiệp (ví dụ: @duytan.edu.vn).
5.1.3. Tiêu đề email
Tiêu đề có nhiệm vụ tóm tắt nội dung chính của email nên có vai trò quyết định
việc mọi người có mở ra đọc ngay hay không. Bởi vậy, khi viết email bạn không
nên để trống tiêu đề hoặc đặt tiêu đề không có ý nghĩa hay quá rườm rà. Hãy đặt
một tiêu đề ngắn gọn và rõ ràng. Một lá thư gửi đi cần tươm tất từ tiêu đề đến nội
dung. Đặc biệt, trong các trường hợp gửi email tham dự một cuộc thi nào đó hay
xin việc, ứng viên cần đọc kỹ thông tin của ban tổ chức cuộc thi/của nhà tuyển
dụng và chú ý yêu cầu ghi tiêu đề theo cú pháp cụ thể nếu có. Nếu không yêu cầu
thì bạn hãy trình bày tiêu đề đầy đủ 3 yếu tố: Họ tên _Vị trí ứng tuyển_Ngày tháng.
5.1.4. Nội dung email
Tùy vào mục đích, tính chất công việc và đối tươngh nhận emaik để khi viết nội
dung email, bạn lựa chọn lời chào, cách diễn đạt cũng như triển khai vấn đề phù
hợp. Không nên viết toàn bộ nội dung email bằng chữ in hoa vì sẽ khiến cho người
nhận cảm thấy khó chịu. Nội dung email nên có 3 phần: Mở, Thân và Kết.
Mở: Chào hỏi, giới thiệu hoặc trình bày vấn đề một cách rõ ràng, cụ thể.
Thân: Đề cập đến các phương án, phương pháp giải quyết vấn đề nêu ở trên hay
những nhận định của bản thân bạn.
Kết: Yêu cầu nhận được góp ý hay phản hồi cho những vấn đề nêu trên.
Khi viết nội dung email, từng đoạn nội dung nên ngắn và đi ngay vào ý chính. Trên
mỗi hàng chỉ nên có tối đa từ 65 đến 70 ký tự, vì thế nên chủ động xuống hàng sau
chừng đó ký tự. Trong khi viết, có thể sử dụng các ký hiệu biểu hiện tình cảm để
thể hiện phần nào giọng văn của bạn bởi qua email, người nhận không thể biết
được bạn đang vui, buồn hay đùa giỡn.
5.1.5. Chữ ký cá nhân
Trên thực tế, sự tin tưởng của người nhận sẽ tăng lên khi đọc một email kết thúc
bằng phần chữ ký rõ ràng cụ thể. Một nội dung chữ ký hoàn hảo sẽ cung cấp những
thông tin cơ bản như họ tên, thông tin liên hệ, tên cơ quan công tác… để giúp
người đọc dễ dàng “định vị” bạn là ai, từ đâu đến và có thể liên hệ được với bạn
khi cần thiết. Khi tạo chữ ký email chuyên nghiệp, bạn có thể phông chữ, màu sắc,
kích cỡ, hình ảnh đính kèm…

5.1.6. Một số lưu ý khác khi viết email


Để viết được một email chuyên nghiệp, ngoài việc nắm vững những quy tắc ở trên,
khi viết email bạn cũng cần chú ý tới những điều sau:
- Một nguyên tắc bất di bất dịch là khi viết email nên để font chữ mà người
nhận có thể đọc dễ dàng nhất. Thông thường, bạn nên chọn cỡ chữ 13 và chọn font
dễ đọc như Arial hay Times New Roman. Còn với màu sắc, màu đen luôn là lựa
chọn an toàn nhất.
- Nội dung email nên trình bày ngắn gọn và đủ ý.
- Hãy cẩn thận về nội dung email viết cho người khác bởi email được lưu trữ
vĩnh viễn trong mail sever và người khác có thể chuyển tiếp email đó cho nhiều
người khác nữa. Bởi vậy, hãy nên nhớ không có gì là bí mật và được giữ kín.
- Nếu email của bạn khi gửi đi cần đính kèm file thì hãy hỏi trước ý kiến của
người nhận khi muốn gửi kèm những file có dung lượng lớn.
- Khi gửi kèm địa chỉ web trong email, nhớ bắt đầu bằng cụm từ “http://….”
Hầu hết các chương trình email đều cho phép người dùng kết nối qua web sau khi
bấm vào link, nhưng nếu không có cụm “http://...” thì nhiều chương trình email sẽ
không nhận ra được đó là link hay chỉ là cụm chữ.
- Luôn luôn đọc lại toàn bộ nội dung email đã viết trước khi gửi để kiểm tra lại
xem có lỗi chính tả hay không, các vấn đề cần trình bày đã đủ hay còn thiếu,…
- Gõ tất cả các địa chỉ email người nhận cuối cùng để tránh trường hợp vô tình
gửi thư đi khi chưa hoàn thành nội dung. Bởi vậy, chỉ nhập địa chỉ người nhận khi
bạn đã chắc chắn với nội dung email đã được soạn thảo.
- Khi forward email đến người khác, cần viết chú thích trước phần forward.
5.2. Cách viết CV xin việc
5.2.1. CV là gì?
CV là từ viết tắt của thuật ngữ Curriculum Vitae trong tiếng Anh. Đây là một giấy
tờ không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin việc của bạn, giúp ứng viên và nhà tuyển
dụng có thể hiểu nhau một cách dễ dàng hơn.
CV xin việc là bản tóm lược tất cả các thông tin cá nhân cần thiết như:
- Thông tin cá nhân;
- Trình độ và bằng cấp;
- Các kỹ năng trong công việc;
- Kinh nghiệm làm việc;
- Mục tiêu nghề nghiệp;
- Sở thích, điểm mạnh trong công việc;
- …
Lưu ý: CV xin việc hoàn toàn khác với bản tường thuật Sơ yếu lý lịch mà
bạn vẫn thường mua ở các nhà sách.

5.2.2. Cách viết CV xin việc chuẩn


Thông thường, một CV xin việc sẽ gồm những phần sau:
- Thông tin cá nhân: Trình bày ngắn gọn Họ và tên, Số điện thoại và email
liên hệ. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm Ngày tháng năm sinh và địa chỉ liên
hệ.
Lời khuyên: Bạn nên sử dụng địa chỉ emai nghiêm túc và chèn ảnh phù hợp với
vị trí ứng tuyển. Ảnh nên nhìn thấy mặt trực diện, không nên là ảnh chỉ nhìn
thấy mặt hay quay lưng về trước.
- Mục tiêu nghề nghiệp: Giới thiệu về những định hướng, mong muốn trên
con đường phát triển sự nghiệp của bản thân.
Bạn nên đề cập đến vị trí mong muốn ứng tuyển hoặc công ty ứng tuyển.Có thể
chia ra thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Ví dụ: Mục tiêu hướng
đến lợi ích công ty như tăng doanh số, mở rộng tập khách hàng….
Không nên viết mục tiêu chung chung như làm việc trong môi trường năng
động, có thể học hỏi được nhiều,…Sao chép mục tiêu nghề nghiệp của người
khác thành mục tiêu của bản thân.
- Trình độ học vấn: Nêu rõ ngành học, trường Đại học hoặc các khóa học
ngắn hạn mà bạn đã trải qua.
Nên chọn những bằng cấp mới nhất và phù hợp nhất với vị trí mình ứng tuyển.
Có thể ghi những đề án, nghiên cứu khoa học nếu có…(có liên quan đến vị trí
ứng tuyển) hoặc một số khoá học nâng cao kỹ năng, đào tạo nghiệp vụ (nếu có).
Không nên đưa quá trình học tập từ cấp 1, cấp 2 vào CV.
- Kinh nghiệm làm việc: Giới thiệu bạn đã từng làm việc công ty nào, đảm
nhận vị trí nào,trách nhiệm chuyên môn là gì ? Hãy mô tả ngắn ngọn về công
việc chính, súc tích nhưng đầy đủ.
Bạn nên liệt kê theo thứ tự thời gian, công việc làm gần đây nhất nêu trước các
công việc trước đó.Đưa ra minh chứng cụ thể, hoặc số liệu xác thực và chọn lọc
các công việc ghi trong CV, nên có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.
Không nên nêu các công việc làm ngắn hạn (nhỏ hơn 6 tháng) ngoại trừ khoá
thực tập.Đưa quá chi tiết những công việc nhỏ nhặt như (in tờ rơi, pha trà,
....).Mô tả dài dòng, không phân chia ý.
- Kỹ năng liên quan: Có thể là kỹ năng mềm hoặc các kỹ năng kỹ thuật hỗ trợ
cho vị trí ứng tuyển. Ví dụ như: tin học văn phòng, giao tiếp, thuyết trình hoặc
các kỹ năng đặc thù của công việc như thiết kế, lập trình,…
Những phần thông tin không bắt buộc mà bạn có thể thêm vào CV nếu
liên quan đến vị trí ứng tuyển (hoặc nhà tuyển dụng đặc biệt yêu cầu):
- Chứng chỉ, giải thưởng: Không bắt buộc nhưng bạn vẫn có thể “khoe” một
chút thành tích của bản thân với nhà tuyển dụng.Nêu ra những chứng chỉ ngoại
ngữ (IELTS, TOEIC), tin học, giải thưởng của các cuộc thi chuyên môn/thành
tích trong công việc chuyên môn.
- Người tham khảo: Thông tin người tham khảo (References) để nhà tuyển
dụng kiểm tra xem bạn có đang nói dối điều gì trong CV xin việc.
- Hoạt động ngoại khóa: Bạn có thể liệt kê những câu lạc bộ từng tham gia,
có liên quan đến ngành hoặc vị trí ứng tuyển.Hoạt động ngoại khóa thể hiện sự
năng động và tiềm năng của bạn như thế nào. Nhà tuyển dụng thường đánh giá
cao những ứng viên năng nổ, nhiệt tình và giàu lòng nhân ái.
- Sở thích và điểm mạnh: Hãy trình bày thêm một số thông tin khác như sở
thích, điểm mạnh của bản thân để nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ hơn về
bạn.Nếu bạn thể hiện được tính cách, thái độ của mình thông qua các sở thích
phù hợp với vị trí ứng tuyển, đây sẽ là một điểm cộng đối với người thiếu kinh
nghiệm.
5.2.3. Một số lưu ý khi viết CV
Không có bất kì một tiêu chuẩn nào về mẫu CV hay, một bản CV ấn tượng để dựa
vào. Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có những cách đánh giá riêng của mình về tiêu chuẩn
với CV của ứng viên. Vậy nên, bạn không nên dùng tiêu chuẩn của những nhà
tuyển dụng công ty A mà áp đặt cho công ty B để rồi hoang mang không biết tại
sao mình thất bại.
Tuy nhiên, khi viết CV xin việc ứng tuyển vào bất kỳ công ty và vị trí nào, bạn cần
nhớ những lưu ý sau để có được một bản CV thật chuyên nghiệp và ghi điểm đối
với nhà tuyển dụng:
- Trình bày rõ ràng, đẹp nhưng không nên quá sặc sỡ gây rối mắt (CV đơn
sắc hay rực rỡ sắc màu?). Không nên sử dụng quá 3 màu và 3 font chữ khi thiết
kế CV.
- Chú ý đến những từ khóa trong yêu cầu công việc để đưa vào CV thông tin
phù hợp.
- CV nên ngắn gọn và súc tích, độ dài từ 1–2 trang là phù hợp nhất. Nhà
tuyển dụng thường không có nhiều thời gian và thường sẽ loại bỏ ngay những
CV quá dài vì đánh giá đây là ứng viên không biết chọn lọc thông tin.
- Chú ý định dạng CV: nếu bạn gửi CV online, hãy xuất ra file pdf để đảm
bảo hiển thị không bị lỗi. Tránh sử dụng file word hoặc các file thiết kế khác
khiên nhà tuyển dụng không mở được hoặc bị lỗi font chữ.
- Không nên viết tất cả những công việc bạn làm, kỹ năng bạn có vào CV,
vì chúng có thể không liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển và có thể trở thành
một điểm trừ trong CV.
- Tránh lỗi sai chính tả: Sai chính tả khiến CV của bạn kém chuyên nghiệp
và thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng.
- Không nên nói dối.
- …

Luyện tập: Bạn muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Bán hàng của Điện máy
xanh. Hãy viết CV xin việc vào công việc đó.
5.3. Cách viết memo
5.3.1. Memo là gì?
Memo có nghĩa là bản ghi nhớ hay sự nhắc nhở. Memo được sử dụng để liên lạc
trong nội bộ doanh nghiệp, các tổ chức. Công dụng chính của Memo là giúp mọi
người trao đổi công việc, việc kinh doanh hiệu quả. Nếu email có tùy chọn gửi tin
nhắn cho một hoặc nhiều người thì memo thực hiện gửi tin nhắn cho nhiều thành
viên, cho một nhóm lớn thành viên.
5.3.2. Cấu trúc memo
Thông thường, cấu trúc của một memo cơ bản gồm có:
- Date (Ngày tháng thông báo).
- To (Người nhận thông báo).
- From (Người gửi thông báo).
- Subject (Chủ đề chính).
- Text of the memo (Nội dung)
5.3.3. Một số quy tắc khi viết memo
Khi viết memo, cần nắm vững những quy tắc sau:
- Memo thường ngắn gọn và đi vào trọng tâm, thường sử dụng cách nói thẳng,
trực tiếp.
- Memo cũng không có lời chào mở đầu và câu chào kết thúc.
- Memo có định dạng khác với định dạng của thư tín trong thương mại.
5.3.4. Cách viết memo theo cấu trúc cơ bản
Để viết được một memo chuẩn, bạn cần thực hiện như sau:
- Viết phần tiêu đề
Khi muốn thông báo điều gì đó đến toàn bộ nhân viên, bạn cần gắn nhãn rõ ràng là
“Memorandum” có nghĩa là thông báo. Nhìn vào đó người đọc biết được chủ đề
chính của tin nhắn gửi đến là gì.
Trong các phần tiếp theo, bạn cần ghi rõ các thông tin:
 To (Người nhận thông báo).
 From (Người gửi thông báo).
 Date (Ngày tháng thông báo).
 Subject (Chủ đề chính).
- Viết phần nội dung
Bạn nên chia nội dung ít nhất thành 3 đoạn khi viết, tương ứng:
+ Đoạn 1
Trong đoạn đầu tiên, bạn phải nêu rõ mục đích của memo. Bạn có thể bắt đầu bằng
cụm từ “Tôi viết để thông báo cho các bạn” hoặc “Tôi viết để yêu cầu …”. Một
memo cần ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện đủ quan điểm. Ở đoạn đầu tiên này, bạn sẽ
cung cấp cho người nhận những thông tin quan trọng nhất của bạn trước để làm
tiền đề đi vào chi tiết ở những đoạn tiếp theo.
+ Đoạn 2
Thông thường ở đoạn này sẽ nêu ra những lý do, nội dung cụ thể của memo. Đó có
thể là bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến việc có thông báo này. Thông tin đưa ra này
cũng giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự việc.
+ Đoạn 3
Ở đoạn này người viết sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể. Ví dụ yêu cầu từng nhân
viên, từng bộ phận nên làm gì. Nếu là một bản thông báo, thì qua 2 đoạn trên người
viết đã nêu ra hết nội dung chính, ở phần cuối có thể chốt bằng một câu khích lệ,
động viên. Còn nếu là thư yêu cầu thì có thể thêm một câu kết “Mọi thắc mắc hãy
liên hệ với ABC để được giải đáp”.
5.3.5. Một số lưu ý
Memo được sử dụng phổ biến trong công việc nên ngôn từ, hình thức sẽ có phần
lịch sự, trang trọng. Có một số điều cần lưu ý khi viết memo là:
- Memo phải được trinh bày rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu.
- Nội dung memo được diễn đạt ngắn gọn và súc tích, câu trong phần nội
dung thường là những câu ngắn và không chứa đựng cảm xúc. Nếu có nhiều ý cần
truyền tải trong một memo, bạn có thể sử dụng các chữ số La Mã, các con số, chữ
cái, các biểu tượng,… để phân biệt các ý với nhau và làm cho người đọc tiếp nhận
thông tin một cách nhanh nhất.
- Không lạc đề: Sau khi đã nêu ra những thông tin chính và cần thiết nhất,
người viết có thể kết thúc bản memo. Không nên dài dòng và viết những ý không
liên quan đến vấn đề memo cần truyền tải.
- Bố cục đầy đủ: Đảm bảo nắm chắc bố cục/cấu trúc của memo và dựa vào đó
để soạn thảo các bản memo phù hợp. Với bất cứ bản memo nào, sau khi thông báo
nội dung chính cần có lý do hoặc bối cảnh kèm theo. Phần thông tin này sẽ giúp
người đọc hiểu hơn về vấn đề.
- Chính tả: Cũng giống như những văn bản khác, để người đọc nắm bắt được
ngay thông tin chính thì yêu cầu người viết memo không mắc lỗi chính tả. Đôi khi
chỉ vì sai lỗi chính tả nhỏ có thể ảnh hưởng đến nội dung truyền đạt.
Bài tập thực hành: (Thảo luận nhóm và làm ngay tại lớp)
Giả sử bạn là Trưởng phòng Kế toán của công ty, vì một lý do nào đó tháng này
công ty sẽ trả lương chậm cho nhân viên. Bạn hãy viết memo cho tất cả nhân viên
biết về việc này.

You might also like