You are on page 1of 24

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM


MÔN LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Đề bài: Người đại diện của đương sự trong


tố tụng dân sự

NHÓM : 04
LỚP : N05 – TL1
KHOÁ : 44

Hà Nội, 2021
BIÊN BẢN XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THAM GIA VÀ KẾT QUẢ THAM GIA
LÀM BÀI TẬP NHÓM

Ngày: 15/10/2021 Địa điểm: Online


Nhóm: 04 Lớp: N05 – TL1
Tổng số sinh viên của nhóm: 11
Tên bài tập: Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
Môn học: Luật Tố tụng dân sự
Nội dung: Xác định mức độ tham gia của sinh viên trong việc thực hiện bài tập
nhóm
Mức độ
đánh giá
STT Mã SV Họ và tên Chữ ký
A B C

1 441933 Trần Thị Ngọc Quỳnh A


2 441934 Trần Thị Thu Thơ A
3 441935 Nguyễn Huyền Trang A
4 441936 Lê Thị Hồng Ngọc A
5 441937 Nguyễn Phương Hoa A
6 441938 Nguyễn Thị Hương A
7 441939 Đặng Thuỳ Linh A
8 441940 Trần Hà Anh A
9 441941 Lê Hồng Thoại A
10 441942 Vũ Minh Thuấn A
11 441943 Đỗ Nguyên Phương A

Nhóm trưởng

Trần Hà Anh
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................1
NỘI DUNG.....................................................................................................................1
I. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân
sự .....................................................................................................................................1
1. Khái niệm ....................................................................................................................1
2. Đặc điểm .....................................................................................................................1
3. Vai trò ..........................................................................................................................1
II. Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự
trong tố tụng dân sự ......................................................................................................2
1. Điều kiện trở thành người đại diện ..............................................................................2
1.1. Người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân ............................2
1.2. Về năng lực chủ thể ..................................................................................................2
1.3. Những người không được làm người đại diện .........................................................3
2. Người đại diện theo pháp luật .....................................................................................4
2.1. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện ...........................................................................4
2.2. Phạm vi tham gia tố tụng .........................................................................................5
2.3. Quyền và nghĩa vụ ....................................................................................................6
2.4. Chấm dứt quan hệ đại diện và hậu quả pháp lý .......................................................7
3. Người đại diện theo uỷ quyền .....................................................................................7
3.1. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện ...........................................................................7
3.2. Phạm vi tham gia tố tụng .........................................................................................8
3.3. Quyền và nghĩa vụ ....................................................................................................9
3.4. Chấm dứt quan hệ đại diện và hậu quả pháp lý .......................................................9
III. Đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương
sự trong tố tụng dân sự ...............................................................................................10
1. Những điểm tiến bộ trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự
2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 ...................................................................................10
2. Những điểm hạn chế trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 .........................................11
IV. Hướng hoàn thiện các quy đinh của pháp luật hiện hành về người đại diện của
đương sự trong tố tụng dân sự ...................................................................................12
KẾT LUẬN ..................................................................................................................13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................14
PHỤ LỤC .....................................................................................................................15
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
Bộ luật dân sự BLDS
Bộ luật Tố tụng dân sự BLTTDS
Hôn nhân và Gia đình HN&GĐ
Năng lực hành vi NLHV
Năng lực pháp luật NLPL
Tố tụng dân sự TTDS
1
MỞ ĐẦU
Trong TTDS, các bên đương sự thường tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đương sự vì
một lý do nào đó không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng thì chế định người đại diện
sẽ được sử dụng. Đây là một việc xảy ra phổ biến trong quan hệ tố tụng dân sự, vì vậy chế định
người đại diện trong tố tụng dân sự là một chế định vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo tốt nhất
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Các hoạt động của người đại diện trong những năm vừa qua đã chứng minh được vai trò của mình
trong tố tụng, chứng tỏ đây là một phần không thể thiếu trong TTDS. Chế định người đại diện của
đương sự đã được ghi nhận lần đầu trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 và
ngày một hoàn thiện hơn trong BLTTDS 2015.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề, nhóm xin phép chọn đề bài “Người đại diện của
đương sự trong tố tụng dân sự” làm đề bài tập nhóm.
NỘI DUNG
I. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
1. Khái niệm
“Đại diện” theo Từ điển Tiếng Việt là “sự thay mặt cho cá nhân, tập thể”1. Theo Từ điển
Luật học thì đại diện là “việc một người, một cơ quan, tổ chức xác lập, thực hiện hành vi pháp lý
trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Người đại diện là người nhân danh và vì các lợi ích của một
người khác xác lập, thực hiện các giao dịch trong phạm vi thẩm quyền đại diện”2.
Đương sự trong TTDS là những người tham gia TTDS để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp
của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do
có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự3.
Từ những khái niệm trên, có thể đưa ra khái niệm “Người đại diện của đương sự trong
TTDS là người thay mặt cho đương sự tham gia TTDS, thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng
để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trong TTDS”4.
2. Đặc điểm
Thứ nhất, người đại diện của đương sự tham gia tố tụng nhằm mục đích bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của đương sự, vì lợi ích của đương sự. Thứ hai, người đại diện của đương sự
tham gia quan hệ tố tụng trên cơ sở quan hệ đại diện và nhân danh đương sự thực hiện các quyền
và nghĩa vụ TTDS của đương sự. Thứ ba, quyền và nghĩa vụ TTDS của người đại diện của đương
sự phụ thuộc vào quyền và nghĩa vụ của đương sự và bản chất của quan hệ đại diện.
3. Vai trò
Thứ nhất, đối với đương sự, người đại diện chính là người thay mặt đương sự để thực hiện
những quyền và nghĩa vụ tố tụng mà đáng ra họ phải tự mình thực hiện, những quyền và nghĩa vụ
này sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thông qua người

1
Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004
2
Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển Luật học, NXB Giao thông vận tải, 2008
3
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2019, tr.115
4
Ngô Thị Lộc, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2016, tr.10
2
đại diện, đương sự vừa được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa được thực hiện hộ
những quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Thứ hai, đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người đại diện giúp họ kết nối được với đương
sự một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Trong quan hệ TTDS, vì một vài lí do mà không phải tất
cả các đương sự đều có thể tham gia quan hệ này một cách trực tiếp. Lúc này, vai trò của người
đại diện được phát huy, cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhanh chóng tiếp cận được với sự thật
khách quan, giải quyết vụ việc theo đúng chức năng của mình, trong đó có một chức năng quan
trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.
II. Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố
tụng dân sự
1. Điều kiện trở thành người đại diện
1.1. Người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân
Tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015 quy định:
“…Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của BLDS.”
Từ điều luật trên, có thể thấy, pháp luật không quy định cụ thể mà dẫn chiếu sang quy định
tại BLDS, cùng với đó người đại diện của đương sự trong TTDS có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
Tuy nhiên, tại khoản 2 điều này quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân…cũng là người đại diện
theo pháp luật trong TTDS của người được bảo vệ.”, có thể ví dụ một số tổ chức không phải cá
nhân hay pháp nhân nhưng cũng có thể đứng ra làm đại diện theo pháp luật như Hội Liên Hiệp
phụ nữ,…Đồng thời ngay tại khoản 3 “Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo
pháp luật cho tập thể người lao động…” trong đó tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo
khoản 4 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 bao gồm Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp
hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở. Hiện nay, với sự ra
đời của Bộ luật Lao động 2019, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo khoản 3 Điều 3 đã
được thay đổi thành “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Các tổ
chức đại diện tập thể lao động này đều không có tư cách pháp nhân.
Như vậy, cụm từ “có thể” tại khoản 1 Điều 85 cho thấy dự liệu cũng như sự chặt chẽ, thống
nhất với các quy định khác và phù hợp với thực tiễn của BLTTDS. Vốn dĩ, tổ chức không thể là
chủ thể trực tiếp thực hiện quyền năng tố tụng cho người được đại diện, họ vẫn nhất thiết phải
thông qua người đại diện cho tổ chức mình thực hiện chức năng đại diện nói trên. Như vậy, cuối
cùng thì cá nhân vẫn là chủ thể thực hiện chức năng đại diện, còn cơ quan, tổ chức thì vẫn có thể
được gắn cho tư cách đại diện trong một số trường hợp mà pháp luật quy định. BLTTDS năm
2015 quy định người đại diện của đương sự trong TTDS có thể là cá nhân hoặc tổ chức là hoàn
phù hợp với lý luận và thực tiễn về chế định đại diện.5
1.2. Về năng lực chủ thể
Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền
và nghĩa vụ tố tụng của đương sự hộ đương sự. Với trọng trách đó, tối thiểu người đại diện phải
có đủ điều kiện để tham gia quan hệ tố tụng như một đương sự một cách trực tiếp, tức là phải đảm

5
Trần Thị Quỳnh Châu, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, 2019, tr.67
3
bảo năng lực chủ thể của đương sự trong quan hệ pháp luật TTDS. Hay nói cách khác, mọi chủ
thể đều sẽ có hai năng lực là NLPL TTDS và NLHV TTDS. Khái niệm của hai loại năng lực này
được quy định tại khoản 1, 2 Điều 69 BLTTDS 2015 như sau:
“1. NLPL TTDS là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong TTDS do pháp luật quy định.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có NLPL TTDS như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của mình.
2. NLHV TTDS là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS hoặc ủy quyền cho
người đại diện tham gia TTDS.
Đối với người đại diện là cá nhân, NLPL TTDS sẽ có từ khi người đó sinh ra, tuy nhiên
NLHV TTDS sẽ được xác định dựa trên độ tuổi cũng như khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.
Tại khoản 3 Điều 69 BLTTDS 2015 thì có thể hiểu cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên mới có
đầy đủ NLHV TTDS, lúc này họ mới có thể đại diện người khác tham gia vào quan hệ TTDS. Tuy
nhiên nếu từ đủ mười tám tuổi trở lên nhưng mất NLHV dân sự hoặc nếu pháp luật có quy định
khác thì cũng được coi là không có NLHV TTDS. Đối với người bị hạn chế NLHV dân sự, người
có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì NLHV TTDS của họ được xác định theo quyết
định của Tòa án.
Đối với người đại diện là tổ chức, tổ chức đó cũng phải đảm bảo năng lực chủ thể quan hệ
pháp luật TTDS, bao gồm 2 yếu tố là NLPL TTDS và NLHV TTDS, hai loại năng lực này sẽ được
phát sinh từ thời điểm được thành lập6. Tuy nhiên, những chủ thể này không thể trực tiếp tham gia
vào quan hệ TTDS mà mình đại diện mà sẽ tham gia thông qua người đại diện hợp pháp của mình
để bảo vệ quyền và lợi ích cho chủ thể mà mình đại diện theo khoản 7 Điều 68 BLTTDS 2015.
1.3. Những người không được làm người đại diện
Đây là quy định nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình tìm ra sự thật, giải quyết
vụ việc dân sự, đem lại công lý cho nhân dân. Pháp luật loại trừ một số đối tượng mà khi họ tham
gia vào tố tụng với vị trí người đại diện cho đương sự sẽ làm mất đi tính khách quan, mất cân bằng
trong sự đối trọng giữa các bên đối lập về lợi ích. Quy định về những người không được làm người
đại diện cho đương sự sẽ được áp dụng với cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền.
Cụ thể hơn, những người không được làm đại diện cho đương sự được quy định tại khoản 1, 3
Điều 87 bao gồm:
Thứ nhất, nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà
quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện.
Do đối lập nhau về quyền lợi nên nếu người này đại diện cho đương sự, quyền và lợi ích hợp pháp
của đương sự sẽ không thể được bảo vệ, từ đó mất đi ý nghĩa của việc tham gia tố tụng của đương
sự và của hành vi đại diện.
Thứ hai, nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong TTDS cho một đương sự khác
mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người
được đại diện trong cùng một vụ việc. Khi một chủ thể đóng hai vai trò của hai phía đối lập trong
một mối quan hệ thì tính khách quan sẽ không được đảm bảo.

6
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2019, tr.111
4
Thứ ba, cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm
người đại diện trong TTDS, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho
cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật. Việc quy định như trên nhằm
loại trừ trường hợp nếu họ làm người đại diện theo uỷ quyền thì chưa chắc những chủ thể trên đã
đặt mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện lên đầu, hoặc có thể gây
ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự khách quan trong quá trình tìm ra sự thật vụ án. Tuy nhiên
nếu họ đại diện cho cơ quan của họ hoặc là người đại diện theo pháp luật thì vẫn đặt quyền và lợi
ích hợp pháp của những đối tượng này lên đầu, nên pháp luật vẫn cho phép họ được đại diện trong
hai trường hợp này.
Trước khi đi vào phân tích cụ thể từng loại đại diện trong TTDS, theo khoản 1 Điều 85
BLTTDS 2015 thì “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật
và người đại diện theo ủy quyền…”. Như vậy, việc phân tích đại diện trong TTDS sẽ được chia
thành hai phần là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền, cụ thể như sau:
2. Người đại diện theo pháp luật
2.1. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện
Khoản 2 Điều 85 quy định “Người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là
người đại diện theo pháp luật trong TTDS…”. Đồng thời Điều 135 BLDS 2015 cũng quy định
“Quyền đại diện được xác lập…theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều
lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp
luật)”. Như vậy theo những quy định này, người đại diện theo pháp luật của đương sự trong TTDS
sẽ được xác lập theo 3 căn cứ là theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều
lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, đối với đại diện theo pháp luật cho đương sự là cá nhân, theo quy định tại Điều
136 BLDS 2015 và Điều 85 BLTTDS 2015, có thể xác định những chủ thể sau có thể là người đại
diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân trong TTDS:
Một là, cha, mẹ đối với con chưa thành niên là đương sự trong vụ việc dân sự. Cha, mẹ làm
người đại diện cho đương sự là con chưa thành niên của mình tham gia tố tụng trên theo quy định
tại khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 và khoản 4, 5, 6 Điều 69 BLTTDS năm 20157. Hai là,
người giám hộ là người đại diện theo pháp luật đối với người được giám hộ, trong đó người được
giám hộ được quy định tại điểm a, b, c, khoản 1 Điều 47 BLDS 20158. Ba là, người giám hộ của
người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được
Tòa án chỉ định. Bốn là, người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế NLHV dân sự. Năm
là, người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha, mẹ đối
với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ. Chỉ định của Tòa án trong
các trường hợp nêu trên là căn cứ xác lập quan hệ đại diện và xác định tư cách tham gia tố tụng
của người đại diện của đương sự. Sáu là, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong TTDS của người được

7
Phụ lục 1
8
Phụ lục 2
5
bảo vệ. Bảy là, tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người
lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập
thể người lao động bị xâm phạm.
Ngoài ra, một trường hợp đặc biệt mà theo nhóm sẽ được xếp vào người đại diện theo pháp
luật là trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định
tại khoản 2 Điều 51 của Luật HN&GĐ9.
Như đã trình bày, một trong những căn cứ của việc xác lập đại diện theo pháp luật là theo
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, nhằm bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của đương sự trước Toà án cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có
quyền, lợi ích liên quan trong TTDS, trong một số trường hợp, toà án sẽ phải tiến hành chỉ định
người đại diện cho đương sự trong quá trình tiến hành TTDS. Người đại diện do toà án chỉ định
là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ
định của Toà án. Vấn đề chỉ định người đại diện trong TTDS được quy định tại Điều 88 BLTTDS
2015:
Một là, đối với các đương sự là người chưa thành niên, người mất NLHV dân sự, người bị
hạn chế NLHV dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, việc chỉ định sẽ diễn
ra khi những đương sự này không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ
thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện quy định tại khoản 1 Điều 87
BLTTDS 2015
Hai là, khi giải quyết vụ việc lao động, nếu đương sự là các đối tượng đã nêu tại trường
hợp trên hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Toà án
cũng không chỉ định được người đại diện theo khoản 1 Điều 88 BLTTDS 2015 thì tổ chức đại
diện tập thể lao động sẽ được chỉ định làm đại diện cho người lao động đó.
Thứ hai, đối với đại diện theo pháp luật của đương sự là pháp nhân, theo khoản 1 Điều
137 BLDS 2015 sẽ bao gồm người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền
đại diện theo quy định của pháp luật, người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Đồng thời, theo khoản 2 điều này thì pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và
mỗi người đại diện sẽ có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định về thời hạn đại diện tại Điều
140 cũng như phạm vi đại diện tại Điều 141 BLDS 2015.
2.2. Phạm vi tham gia tố tụng
Phạm vi tham gia TTDS của người đại diện theo pháp luật là phạm vi những lĩnh vực của
quan hệ pháp luật nội dung phát sinh quan hệ TTDS của đương sự mà người đại diện được tham
gia tố tụng nhân danh đương sự.
Đối với những đương sự là cá nhân, dựa trên đặc thù của những đối tượng này, do sự tham
gia tố tụng của người đại diện theo pháp luật của đương sự đóng vai trò thiết yếu, gần như thay
mặt đương sự một cách toàn diện chứ không phải với vai trò bổ sung, trợ giúp nên họ dường như

9
Khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi
một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình,
đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức
khỏe, tinh thần của họ.”
6
10
không bị giới hạn phạm vi tham gia tố tụng.
Đối với trường hợp đương sự là tổ chức, cơ quan, đây là những chỉnh thể mang tính chất
cộng đồng nên người đại diện cho những đối tượng này là những người đứng ra thể hiện ý chí của
cả cộng đồng mà họ đại diện. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức cũng
là những người thay mặt cho cơ quan, tổ chức tham gia các quan hệ pháp luật dân sự phát sinh
trong phạm vi trách nhiệm của mình. Từ đó nên họ cũng là người thay mặt cơ quan, tổ chức tham
gia các quan hệ tố tụng phát sinh từ các quan hệ dân sự mà họ đã đại diện tham gia. Do vậy nên
pháp luật tố tụng cũng không đặt ra sự giới hạn phạm vi tố tụng nào đối với người đại diện theo
pháp luật của cơ quan, tổ chức11.
2.3. Quyền và nghĩa vụ
Khoản 1 Điều 86 quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật:
“Người đại diện theo pháp luật trong TTDS thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương
sự trong phạm vi mà mình đại diện.”
Do tính thiết yếu của sự tham gia tố tụng của người đại diện theo pháp luật của đương sự
nên sự thay mặt của người đại diện theo pháp luật gần như tuyệt đối đối với đương sự. Điều đó có
nghĩa rằng, người đại diện theo pháp luật của đương sự tiếp nhận gần như toàn bộ các quyền và
nghĩa vụ tố tụng của đương sự, chỉ loại trừ một quyền tố tụng đặc biệt của đương sự đối với người
đại diện theo pháp luật, đó là quyền thay mặt đương sự thực hiện quyền hòa giải vụ án ly hôn tại
Toà án trong trường hợp đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực
hành vi dân sự, lúc này, vụ án ly hôn sẽ được cho là không thể hoà giải được theo khoản 3 theo
Điều 207 BLTTDS 2015. Ngoài ra, người đại diện của đương sự được trao lại toàn bộ những
quyền và nghĩa vụ tố tụng còn lại của đương sự mà pháp luật quy định. Do bản thân đương sự
không thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cho
nên người đại diện theo pháp luật và người đại diện do Toà án chỉ định được thực hiện tất cả các
quyền, nghĩa vụ TTDS mà họ đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Đó là
những quyền và nghĩa vụ chung được quy định tại Điều 70 BLTTDS12.
Tuỳ thuộc vào đương sự được đại diện là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan trong vụ án dân sự mà người đại diện theo pháp luật còn có thêm các quyền, nghĩa
vụ riêng của các chủ thể này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp đương sự là nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật của họ sẽ có
các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn theo Điều 71 BLTTDS 2015. Thứ hai, trường hợp đương
sự là bị đơn, người đại diện theo pháp luật của họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ của bị đơn theo
Điều 72 BLTTDS 2015. Thứ ba, trường hợp đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan,
người đại diện theo pháp luật của họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan theo Điều 73 BLTTDS 2015.13
Pháp luật TTDS hiện không có quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể đối với đương sự

10
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2019, tr.117
11
Ngô Thị Lộc, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2016, tr.40
12
Phụ lục 3
13
Phụ lục 4
7
trong việc dân sự, tuy nhiên có thể hiểu người yêu cầu trong việc dân sự tham gia tố tụng với vai
trò chủ động như nguyên đơn và họ cũng có lợi ích pháp lý độc lập, được đưa ra yêu cầu cho toà
án giải quyết như nguyên đơn; tương tự thì người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong việc dân
sự cũng tham gia tố tụng do họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự khác. Vì vậy, có thể áp
dụng tương tự quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ
án dân sự với hai đối tượng trong việc dân sự. Từ đó, người đại diện theo pháp luật của hai đối
tượng trên trong việc dân sự cũng sẽ có những quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Như vậy, khi tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của đương sự,
người đại diện theo pháp luật trước hết phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ chung đối với đương
sự và tùy vào vị trí tố tụng của đương sự mình làm đại diện để thực hiện những quyền, nghĩa vụ
tố tụng riêng biệt đối với vị trí đó của đương sự.
2.4. Chấm dứt quan hệ đại diện và hậu quả pháp lý
BLTTDS 2015 không quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt đại diện trong TTDS
mà theo Điều 89 thì “chấm dứt việc đại diện theo quy định của BLDS”. Theo khoản 4 Điều 140
BLDS thì đại diện theo pháp luật sẽ chấm dứt trong các trường hợp:
Thứ nhất, đương sự là cá nhân đã thành niên hoặc NLHV dân sự đã được khôi phục. Quan
hệ đại diện chấm dứt do đương sự đã tự mình nhận thức và thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng
khi tham gia tố tụng, không còn cần đến sự thay mặt của người đại diện.
Thứ hai, người được đại diện là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại. Đương sự
là chủ thể đặt ra đòi hỏi cần được đại diện, do vậy khi đối tượng này chấm dứt sự tồn tại của mình,
đòi hỏi đó sẽ biến mất, và người đại diện không còn cần phải tồn tại để thực hiện hoạt động đại
diện. Người đại diện mất tư cách đại diện của đương sự, không còn các quyền, nghĩa vụ tố tụng
của đương sự, không được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện của đương sự đã chết.
Thứ ba, căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Chẳng hạn
như hoàn thành nhiệm vụ đại diện đối với những trường hợp người đại diện trong những vụ việc
cụ thể như trường hợp người đại diện được chỉ định hay trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân
khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Những trường hợp này, người đại
diện chỉ đứng ra làm người đại diện trong một vụ việc cụ thể, khi vụ việc được giải quyết xong,
chấm dứt tố tụng thì tư cách đại diện cũng đồng thời chấm dứt.14
Hậu quả của việc chấm dứt đại diện theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 90
BLTTDS, theo đó đương sự sẽ tự mình tham gia TTDS hoặc ủy quyền cho người khác tham gia
TTDS theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
3. Người đại diện theo uỷ quyền
3.1. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện
Theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS thì người đại diện theo uỷ quyền theo quy định của BLDS
là người đại diện theo uỷ quyền trong TTDS. Khoản 1, 2 Điều 138 BLDS 2015 quy định như sau:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện
giao dịch dân sự.

14
Trần Thị Quỳnh Châu, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, 2019, tr.98
8
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể
thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân
sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có
tư cách pháp nhân.”
Căn cứ xác lập quan hệ đại diện này chính là giao dịch ủy quyền, hầu hết các nội dung đều
được thoả thuận giữa người đại diện và người được đại diện. Bởi bản chất của giao dịch uỷ quyền
là một hợp đồng dân sự, mà yếu tố cốt lõi của hợp đồng dân sự chính là sự thoả thuận của các bên
trong giao dịch về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Thông qua giao dịch uỷ quyền, đương sự uỷ quyền cho người đại diện thay mặt họ tham
gia tố tụng nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Quan hệ đại diện theo uỷ
quyền được hình thành trên cơ sở ý chí chủ quan của đương sự. Mặc dù hoàn toàn có đủ khả năng
để tham gia tố tụng, tuy nhiên do những hạn chế nhất định nên việc tham gia tố tụng của đương
sự sẽ khó khăn, kém hiệu quả. Lúc này đương sự đã nhờ người khác có điều kiện thuận lợi hơn,
khả năng chuyên môn cao hơn tham gia tố tụng thay họ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp
pháp của mình.
BLTTDS 2015 còn quy định cụ thể một trường hợp của người đại diện theo uỷ quyền là tổ
chức đại diện tập thể lao động tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS:
“…tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động,
tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong
cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập
thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.”
Hiện nay cả BLTTDS 2015 và BLDS 2015 đều chưa có quy định cụ thể về hình thức của
giao dịch uỷ quyền trong TTDS, tuy nhiên theo tinh thần của quy định tại khoản 2 Điều 86
BLTTDS “Người đại diện theo ủy quyền trong TTDS thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương
sự theo nội dung văn bản ủy quyền”, có thể cho rằng việc xác lập giao dịch uỷ quyền cần được
lập thành văn bản.
3.2. Phạm vi tham gia tố tụng
Trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS, pháp luật không giới
hạn phạm vi tố tụng về loại việc đối với đại diện theo uỷ quyền. Tuy nhiên có một ngoại lệ không
thể uỷ quyền thực hiện thay, đó là những quan hệ liên quan đến quyền nhân thân, cụ thể là việc ly
hôn quy định tại đoạn 2 khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015“Đối với việc ly hôn, đương sự không
được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng…”. Việc ly hôn liên quan trực tiếp
đến quyền nhân thân của đương sự, nếu họ ở trạng thái khoẻ mạnh, đầy đủ nhận thức thì sẽ phải
tự mình thể hiện ý chí về việc có tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của chính mình. Cũng như
theo nguyên tắc, quyền nhân thân về cơ bản là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không
thể chuyển giao cho người khác. Đồng thời, đây đều là những quyền mang tính chất chủ quan cao,
để giải quyết tranh chấp xảy ra xung quanh nó cần thiết việc đòi hỏi sự bộc lộ ý chí chủ quan của
chủ thể mang quyền, vì vậy nên việc ly hôn được quy định không thể uỷ quyền cho người khác
9
tham gia tố tụng thay mặt đương sự trường hợp đương sự còn khoẻ mạnh, nhận thức đầy đủ là một
quy định hợp lý.
3.3. Quyền và nghĩa vụ
Theo khoản 2 Điều 86 quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện thì:
“Người đại diện theo ủy quyền trong TTDS thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự
theo nội dung văn bản ủy quyền.”
Nguyên tắc nền móng và xuyên suốt quy định về người đại diện theo ủy quyền của đương
sự trong TTDS là nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Bất cứ khi nào đương sự
thấy cần trợ giúp bởi người khác, đương sự có thể ủy quyền cho bất kỳ người nào mà mình tin
tưởng, nhờ cậy người đó thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình hoặc chỉ ủy quyền
một phần. Do vậy, tùy vào giai đoạn tố tụng mà người đại diện theo ủy quyền được tham gia quá
trình tố tụng. Bên cạnh đó, phạm vi quyền và nghĩa vụ mà người đại diện theo ủy quyền được thực
hiện thay mặt đương sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không phải là tất cả
những hoạt động của đương sự trong tố tụng mà phải phụ thuộc vào phạm vi đại diện được ủy
quyền15. Nếu người đại diện vượt quá phạm vi đại diện thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý
phát sinh từ hành vi vượt quá phạm vi đại diện của mình theo Điều 143 BLDS 2015.
Trong trường hợp đương sự uỷ quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng cho người đại
diện, vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn sự tham gia tố tụng của đương sự. Trong trường hợp cần
thiết, Toà án vẫn có thể triệu tập đương sự cùng tham gia tố tụng với người đại diện, hoặc nếu
chính bản thân đương sự thấy cần thiết phải tham gia tố tụng để bổ sung cho hoạt động của người
đại diện thì họ vẫn có thể tham gia tố tụng.
3.4. Chấm dứt quan hệ đại diện và hậu quả pháp lý
Cũng giống như đại diện theo pháp luật, Điều 89 BLTTDS 2015 quy định việc chấm dứt
đại diện theo uỷ quyền trong TTDS sẽ theo quy định của BLDS. Khoản 3 Điều 140 BLDS 2015
quy định các trường hợp chấm dứt đại diện theo uỷ quyền:
Thứ nhất, chấm dứt theo thỏa thuận.
Thứ hai, chấm dứt do thời hạn ủy quyền đã hết.
Thứ ba, chấm dứt do công việc được ủy quyền đã hoàn thành.
Thứ tư, chấm dứt do người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực
hiện việc ủy quyền
Trong những trường hợp trên, vì bản chất của quan hệ đại diện theo uỷ quyền là phát sinh
theo vụ việc trên cơ sở quyền tự định đoạt của đương sự, khi vụ việc được giải quyết xong hoặc
vì những căn cứ chấm dứt đại diện do hai bên tạo ra mà quan hệ đại diện chấm dứt, đó có thể là
do thoả thuận, thời hạn uỷ quyền, một trong hai bên từ bỏ việc tiếp tục thực hiện giao dịch uỷ
quyền.
Thứ năm, chấm dứt khi người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được
đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.

15
Dương Đức Mạnh, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các Toà án nhân dân ở
tỉnh Lạng Sơn, luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, 2020, tr.36
10
Thứ sáu, chấm dứt do người đại diện không còn đủ điều kiện về năng lực chủ thể quy định
tại khoản 3 Điều 134 của BLDS 2015. Khi không còn đáp ứng đủ điều kiện về năng lực chủ thể
TTDS thì đương nhiên sẽ không đáp ứng được điều kiện để làm người đại diện nên quan hệ đại
diện sẽ chấm dứt ngay khi người đại diện mất đi điều kiện để làm người đại diện.
Thứ bảy, căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được. Trong giao dịch đại
diện theo uỷ quyền thì việc đại diện là đối tượng, khi không thể thực hiện được việc đại diện tức
là đối tượng của giao dịch không còn. Đó có thể là trường hợp vụ án bị đình chỉ.
Về hậu quả pháp lý, khoản 2 Điều 90 BLTTDS quy định khi chấm dứt đại diện theo uỷ
quyền, đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc sẽ uỷ quyền
cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do BLTTDS 2015 quy định.
III. Đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố
tụng dân sự
1. Những điểm tiến bộ trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự 2004,
sửa đổi bổ sung năm 2011
Thứ nhất, bổ sung quy định người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
Đây là một quy định mới hoàn toàn trong BLTTDS 2015. Trước đây, BLTTDS 2004, sửa đổi bổ
sung năm 2011 (sau đây xin phép được viết tắt là BLTTDS 2004) không hề có quy định này mà
việc pháp nhân có thể được làm người đại diện được nhận biết thông qua quy định tại khoản 2
Điều 73, lúc này, pháp nhân đứng ra khởi kiện cho người khác thì pháp nhân này chính là người
đại diện của người được khởi kiện thay, sau đó người đại diện của pháp nhân đó sẽ thay mặt pháp
nhân thực hiện chức năng đại diện đối với đương sự. Việc quy định không rõ ràng về trường hợp
những chủ thể nào có thể là người đại diện của đương sự đã dẫn đến nhiều hiểu lầm về vai trò đại
diện của pháp nhân và người đại diện cho pháp nhân. Để khắc phục hạn chế này, BLTTDS 2015
đã quy định rõ ràng tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015 rằng người đại diện “có thể là cá nhân
hoặc pháp nhân”. Quy đinh này đã làm rõ hơn khả năng làm đại diện của pháp nhân, từ đó các
chủ thể sẽ nhận thức rõ và chủ động hơn trong vai trò đại diện.
Thứ hai, bổ sung quy định về các trường hợp người đại diện đặc biệt trên cơ sở cập nhật
các bộ luật chuyên ngành nhằm thống nhất hệ thống pháp luật. Một là, bổ sung trường hợp tổ chức
đại diện tập thể lao động cũng có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của tập
thể người lao động khởi kiện vụ án lao động tại khoản 3 Điều 85. Đây là một quy định phù hợp
và nhằm thống nhất với các quy định chuyên ngành tại Bộ luật Lao động. Hai là, bổ sung trường
hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn tại khoản 4 Điều 85, đó là
trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014. Đây là một bổ sung hợp lý
nhằm thống nhất với quy định mới tại Luật HN&GĐ 2014, trao tư cách đại diện cho các chủ thể
là cha, mẹ, người thân thích theo khoản 2 Điều 51, từ đó quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi hơn.
Thứ ba, bổ sung một số quy định về chỉ định người đại diện trong TTDS. Trước đây, Điều
76 BLTTDS 2004 chỉ quy định việc Toà án chỉ định người đại diện đối với một trường hợp duy
nhất nếu đương sự là người bị hạn chế NLHV dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại
diện thuộc trường hợp không được làm người đại diện. Đây là một quy định thiếu sót khi chưa xét
đến các trường hợp đương sự không có NLHV dân sự đầy đủ hoặc không có NLHV dân sự, lúc
11
này quyền và lợi ích TTDS của những đương sự này sẽ không được đảm bảo. Khoản 1 Điều 88
BLTTDS 2015 đã bổ sung 3 trường hợp chỉ định người đại diện khi những đương sự này không
có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhưng thuộc trường hợp không được làm người đại diện,
bao gồm (1) Người chưa thành niên, (2) Người mất NLHV dân sự, (3) Người có khó khăn trong
nhận thức và làm chủ hành vi. Ngoài ra khoản 2 điều này cũng đã quy định cả trường hợp giải
quyết vụ việc lao động như đã phân tích tại phần trên. Có thể thấy quy định về chỉ định người đại
diện tại BLTTDS 2015 đã hoàn thiện và đầy đủ hơn rất nhiều so với BLTTDS 2004, hạn chế tối
đa việc bỏ sót trường hợp để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia TTDS cho
nhóm người không có NLHV dân sự đầy đủ hoặc không có NLHV dân sự.
2. Những điểm hạn chế trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Mặc dù đã có những sửa đổi, bổ sung hợp lý hơn so với BLTTDS 2004, tuy nhiên BLTTDS
2015 vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật:
Thứ nhất, hạn chế trong quy định về đại diện theo uỷ quyền trong TTDS tại khoản 4 Điều
85 BLTTDS 2015. Phần phân tích về NLHV TTDS đã chỉ rõ, vì người đại diện là người thay mặt
đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ nên tối thiểu họ phải có đủ NLHV TTDS của đương sự,
hay nói cách khác theo khoản 3 Điều 69 BLTTDS 2015 chỉ có người từ đủ 18 tuổi và không bị
mất NLHV dân sự mới được coi là có đầy đủ NLHV TTDS. Như đã phân tích, đại diện theo uỷ
quyền không được quy định trực tiếp trong BLTTDS mà được dẫn về BLDS. Tuy nhiên, khoản 3
Điều 138 BLDS 2015 về đại diện theo uỷ quyền quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ
mười tám tuổi cũng có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao
dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Như vậy, có thể thấy
việc dẫn chiếu quy định về BLDS tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 mà không loại trừ quy định
tại khoản 3 Điều 138 BLDS 2015 là chưa phù hợp với quy định về NLHV TTDS của người đại
diện.
Thứ hai, hiện nay luật vẫn chưa có quy định rõ ràng về hình thức của giao dịch uỷ quyền
trong TTDS, như đã trình bày thì chỉ có thể hiểu hình thức là văn bản uỷ quyền theo khoản 2 Điều
86. Tuy nhiên, liệu văn bản đó có cần công chứng, chứng thực hay không thì điều luật lại không
quy định. Trên thực tế, hầu hết các văn bản uỷ quyền trong TTDS hiện nay đều không có công
chứng, chứng thực và các toà án vẫn chấp nhận, tuy nhiên vẫn xảy ra trường hợp toà yêu cầu văn
bản uỷ quyền phải được công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý. Điều này gây lúng túng
cho các toà án khi đương sự uỷ quyền người khác tham gia tố tụng và gây khó khăn cho cả đương
sự, người đại diện theo uỷ quyền của họ và những người có quyền lợi liên quan16.
Thứ ba, hạn chế trong quy định về chỉ định người đại diện trong TTDS. Mặc dù đã có
những bổ sung toàn diện hơn so với BLTTDS 2004, tuy nhiên quy định về chỉ định người đại diện
trong TTDS vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót khi chưa quy định cụ thể hay có văn bản hướng dẫn về
thẩm quyền chỉ định người đại diện và các tiêu chí lựa chọn người đại diện ngoài những điều kiện
để được trở thành người đại diện. Vì vậy, việc thực hiện quy định này trong thực tế chưa được

16
Nguyễn Minh Hằng, Đại diện theo uỷ quyền – Từ pháp luật nội dung đến Tố tụng dân sự, Tạp chí nghiên cứu lập
pháp, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=209115, truy cập lần cuối ngày 24/10/2021.
12
thống nhất, các Toà án cũng thường ngần ngại khi áp dụng quy định này. Hơn thế nữa, trong nhiều
trường hợp, người đại diện được chỉ định có thể không được chính đương sự và người thân của
đương sự đồng ý vì những lý do khác nhau, từ đó dẫn đến sự bất hợp tác của họ trong quá trình
tham gia tố tụng, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Tòa án cũng như người đại diện
được Tòa án chỉ định17. Bên cạnh đó, đối với đương sự là người có khó khăn trong nhận thức và
làm chủ hành vi, họ vẫn chưa đến mức mất NLHV dân sự nên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung
quanh việc chỉ định người đại diện cho những đối tượng này.
Thứ tư, như đã trình bày, nhằm thống nhất với quy định tại Luật HN&GĐ 2014 mà khoản
4 Điều 85 BLTTDS 2015 đã quy định trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Toà án
giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ thì họ là người đại diện. Tuy
nhiên, điều luật này không hề quy định cụ thể đây là đại diện theo pháp luật hay theo uỷ quyền,
quy định này còn được gộp chung cùng các quy định về người đại diện theo uỷ quyền và việc
đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng đối với việc ly
hôn. Mặc dù từ quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ thì có thể hiểu đây là trường hợp đại
diện theo pháp luật, tuy nhiên việc quy định không rõ ràng như vậy khiến nhiều người dân không
hiểu biết về pháp luật còn nhầm lẫn, từ đó khó khăn trong việc xác định và thực hiện các quyền
và nghĩa vụ tố tụng.
Thứ năm, thiếu sót trong quy định về chấm dứt đại diện. Điều 89 BLTTDS năm 2015
không quy định cụ thể về chấm dứt tư cách người đại diện của đương sự mà dẫn chiếu sang quy
định của BLDS. Trong số các trường hợp chấm dứt tư cách người đại diện, người đại diện theo uỷ
quyền có thể đơn phương chấm dứt thực hiện việc uỷ quyền theo điểm d khoản 3 Điều 140 BLDS
2015. Có thể thấy, quy định này còn thiếu sót khi chưa đề cập đến trách nhiệm của người đại diện
cho đương sự theo uỷ quyền có nghĩa vụ thông báo việc chấm dứt đại diện cho Tòa án, cho người
ủy quyền và bên thứ ba. Thực tế có trường hợp, người đại diện không thông báo việc chấm dứt
đại diện cho Tòa án, dẫn đến Tòa án xác định sai tư cách đại diện trong bản án sơ thẩm, nên bị
hủy án sơ thẩm; hoặc có trường hợp mặc dù quan hệ đại diện đã chấm dứt tuy nhiên vì không biết
nên Toà án vẫn triệu tập người đại diện theo uỷ quyền đó, gây mất thời gian và công sức, cản trở
quá trình tố tụng.
Ngoài ra, một trong những hạn chế mặc dù không liên quan trực tiếp nhưng cũng ảnh hưởng
đến việc xác định quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật chính là việc vẫn chưa có
quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc dân sự.
IV. Hướng hoàn thiện các quy đinh của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự
trong tố tụng dân sự
Nhằm hoàn thiện thêm các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương
sự trong TTDS cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tiễn, tương ứng với những hạn chế
còn tồn tại, nhóm có đưa ra một số hướng hoàn thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, quy định lại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 về đại diện theo uỷ quyền, trong
đó việc dẫn chiếu về quy định tại BLDS phải loại trừ quy định tại khoản 3 Điều 138 BLDS 2015

17
Trần Thị Quỳnh Châu, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, 2019, tr.79
13
nhằm đảm bảo sự thống nhất với các quy định về NLHV TTDS của người đại diện.
Thứ hai, quy định rõ ràng hơn về hình thức của quan hệ đại diện theo uỷ quyền trong
TTDS. Nhóm đề xuất nên quy định rõ ràng giao dịch uỷ quyền đại diện trong TTDS cần phải được
lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Quy định như vậy nhằm đảm bảo sự rõ ràng,
minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện quan hệ đại diện theo uỷ quyền cũng như có căn cứ rõ
ràng khi truy cứu trách nhiệm phát sinh từ hành vi của người đại diện trong quan hệ uỷ quyền18.
Thứ ba, có văn bản hướng dẫn về vấn đề chỉ định người đại diện trong TTDS, trong đó
hướng dẫn rõ Tòa án nào có thẩm quyền chỉ định người đại diện và các tiêu chí lựa chọn người
đại diện ngoài những điều kiện để được trở thành người đại diện nói chung. Đồng thời, theo ý kiến
của nhóm, đối với đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, việc chỉ định
người đại diện sẽ được tiến hành trên cơ sở sự đồng ý của họ.
Thứ tư, sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 85 theo hướng “Trường hợp cha, mẹ, người
thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật
HN&GĐ thì họ là người đại diện theo pháp luật”. Việc sửa đổi này sẽ giúp xác định rõ loại đại
diện, từ đó dễ dàng xác định các quy định có liên quan như quyền và nghĩa vụ của người đại diện,
người đại diện trong trường hợp này cũng ý thức rõ hơn về vai trò của mình.
Thứ năm, quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đại diện theo uỷ quyền cho đương
sự khi đơn phương chấm dứt. Trách nhiệm này cần bao gồm việc phải thông báo cho Toà án, cho
đương sự và cho bên thứ ba. Việc quy định như vậy sẽ ràng buộc trách nhiệm thông báo đối với
người đại diện theo uỷ quyền, từ đó Toà án cũng như những người tham gia tố tụng khác được
thông báo kịp thời, quá trình tố tụng cũng sẽ diễn ra hiệu quả hơn.
Ngoài ra, như đã trình bày, cũng cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của
đương sự tham gia tố tụng giải quyết việc dân sự. Từ đó, việc xác định quyền và nghĩa vụ tố tụng
cho người đại diện theo pháp luật của đương sự trong việc dân sự cũng sẽ dễ dàng hơn.
KẾT LUẬN
Việc thực hiện các quy định về người đại diện cho đương sự hiện nay được thực hiện
nghiêm túc, cùng với đó là phối hợp của tòa án trong thực hiện, kiểm tra, giám sát thi hành các
quy định đó, giúp cho chất lượng các bản án, quyết định của toà án ngày càng được nâng cao. Tuy
nhiên qua thực tiễn áp dụng, những quy định về người đại diện còn nhiều bất cập, chưa cụ thể,
thiếu tính thống nhất, cùng với đó là khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào hoạt động TTDS.
Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người đại diện mà còn không đảm bảo
được đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Với hướng hoàn thiện pháp luật như trên,
nhóm mong có thể đóng góp, nâng cao được vai trò của người đại điện của đương sự, bảo vệ tốt
hơn quyền và lợi ích của đương sự trong TTDS.
Bài làm của nhóm tuy đã hoàn thành nhưng do hạn chế về mặt kiến thức nên vẫn còn nhiều
thiếu sót, nhóm mong thầy cô cũng như các bạn góp ý để bài làm được hoàn thiện hơn!

18
Ngô Thị Lộc, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2016, tr.78
14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự năm 2005
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
3. Bộ luật dân sự năm 2015
4. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
5. Bộ luật Lao động năm 2019
6. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
7. Dương Đức Mạnh, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực
hiện tại các Toà án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, 2020.
8. Ngô Thị Lộc, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, luận văn thạc sĩ luật học,
Hà Nội, 2016.
9. Nguyễn Minh Hằng, Đại diện theo uỷ quyền – Từ pháp luật nội dung đến Tố tụng dân sự,
Tạp chí nghiên cứu lập pháp.
10. Trần Thị Quỳnh Châu, Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ
luật học, Hà Nội, 2019.
11. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004
12. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam Việt Nam, NXB
Công an nhân dân, 2019.
13. Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển Luật học, NXB Giao thông vận tải, 2008
15
PHỤ LỤC
Phụ lục 1. Đại diện theo pháp luật là cha, mẹ đối với con chưa thành niên là đương sự
trong vụ việc dân sự
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.”
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
“Điều 69. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương
sự
4. Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có
năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự,
việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp
pháp của họ thực hiện.
5. Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa
vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này
tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm
chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
6. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động
theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham
gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong
trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng.
Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa
án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.”
Nhìn vào những quy định này, có thể thấy đối với đương sự là người chưa đủ 6 tuổi, từ
đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương
sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án đều do người đại
diện hợp pháp của họ thực hiện. Chỉ có một trường hợp đặc biệt là đương sự từ đủ mười lăm
tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao
dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì có thể tự mình tham gia tố tụng về những việc có
liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của
những đối tượng này thì Toà án vẫn có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham
gia tố tụng. Pháp luật quy định như vậy là để đảm bảo quyền tự định đoạt cho đối tượng đương
sự này, tuy nhiên do NLHV tố tụng của họ chưa thực sự hoàn thiện nên trong một số trường
hợp vẫn cần người đại diện hợp pháp của họ. Còn trong những việc khác thì việc thực hiện
quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự tại Toà án vẫn do người đại diện hợp pháp của họ thực
hiện.
16
Phụ lục 2. Quy định về người được giám hộ
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 47. Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha,
mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có
điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;”
17
Phụ lục 3. Quyền và nghĩa vụ chung của đương sự trong tố tụng dân sự
Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương
sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.
2. Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định
của pháp luật.
3. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải
quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương
sự khác và Tòa án.
4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.
5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu,
chứng cứ đó cho mình.
7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực
hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang
giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài
liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng
cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
8. Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa
án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
9. Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi
kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ
quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì
họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.
10. Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
11. Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.
12. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
13. Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
14. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ
luật này.
15. Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.
16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá
trình Tòa án giải quyết vụ việc.
17. Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.
18
19. Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án
những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.
20. Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
21. Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.
22. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.
23. Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
24. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
25. Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt
động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu
hậu quả do Bộ luật này quy định.
26. Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
19
Phụ lục 4. Quyền và nghĩa vụ cụ thể của đương sự trong tố tụng dân sự
Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn
1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn
1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
2. Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn
hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền,
nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
5. Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập
này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa
vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
6. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải
quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.
Điều 73. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:
a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 của Bộ luật này;
b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên
quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71
của Bộ luật này. Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong
cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ
có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có
nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của Bộ luật này.

You might also like