You are on page 1of 18

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của

mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng
suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các
nguồn lực. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các nước
đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi
dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng:
thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị
trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và
nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động
và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp… Trong giai đoạn tới, phát triển
nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược
của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, bài viết
sẽ tập trung đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam
trong thời gian qua, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

Từ khóa: Nguồn nhân lực, lao động, năng suất lao động.

Human resources are always considered a factor creating the success of


any organization or country. This is the most important resource, deciding
productivity, quality, and efficiency in using other resources in the system
of resources. In the context of global economic competition, all countries
consider human resources as the most important tool to improve national
competitiveness., Vietnam has advantages with an abundant workforce
and a young labor structure. However, human resources are still weak in
quality: there is a shortage of skilled workers, not meeting the needs of the
labor market and integration; the gap between vocational education and
the needs of the labor market is getting bigger and bigger, labor is lacking
in dynamism and creativity, professional style, etc. In the new period,
human resource development is identified as one of the Vietnam's strategic
breakthrough in socio-economic development orientation. Therefore, the
article will focus on assessing the current situation of the quality of human
resources in Vietnam in the past time, thereby proposing recommendations
to improve the quality of Vietnam's human resources in the period of 2021 -
2030.

Keywords: Human resources, labor, labor productivity.

1. Một số vấn đề chung về chất lượng nguồn nhân lực


1.1. Chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực là trạng thái nhất định của nguồn nhân lực với
tư cách vừa là một khách thể vật chất đặc biệt, vừa là chủ thể của mọi hoạt
động kinh tế và các quan hệ xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực là tổng thể
những nét đặc trưng, phản ánh bản chất, tính đặc thù liên quan trực tiếp
tới hoạt động sản xuất và phát triển con người. Chất lượng nguồn nhân lực
cao có tác động làm tăng năng suất lao động (NSLĐ). Trong thời đại tiến
bộ kỹ thuật, một quốc gia cần và có thể đưa chất lượng nguồn nhân lực
vượt trước trình độ phát triển của cơ sở vật chất trong nước để sẵn sàng
đón nhân tiến bộ kỹ thuật công nghệ, hòa nhập với nhịp độ phát triển nhân
loại. Chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá thông qua các tiêu chí về
trạng thái thể lực, trí lực, đạo đức và phẩm chất.

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực

Trí lực - thể hiện ở giáo dục - đào tạo

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, giáo dục luôn đóng vai trò rất quan
trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Những lao động có trình
độ chuyên môn lành nghề cao sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm có thu
nhập cao hơn những lao động không có trình độ chuyên môn lành nghề.
Do đó, đầu tư cho giáo dục luôn được Đảng ta coi là “quốc sách hàng
đầu”, đây là sự đầu tư cho tái sản xuất con người một cách an toàn và
mang lại không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn cả hiệu ứng lan tỏa, hiệu quả
xã hội cao nhất.

Thông qua giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ thúc đẩy
nâng cao NSLĐ, hiệu quả công việc, giảm bớt sự giám sát, duy trì và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực. Để tăng cường kiến thức, kỹ năng và
năng lực thực hiện công việc, nguồn nhân lực phải được giáo dục, đào tạo
và nâng cao trình độ lành nghề. Kết quả của giáo dục - đào tạo được thể
hiện ở trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn
nhân lực. Do đó, tại phần thực trạng phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến
chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trên khía cạnh giáo dục và đào
tạo, bài viết sẽ thực hiện phân tích các số liệu thống kê liên quan đến trình
độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực.

Thể lực - thể hiện ở sức khỏe và y tế


Đầu tư vào sức khỏe cũng giống như đầu tư vào giáo dục, sẽ giúp cải
thiện lực lượng lao động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe là
trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không
phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế. Sức khỏe tốt là một nhân tố hết
sức quan trọng của chất lượng lao động, làm tăng khả năng làm việc vừa
ở khía cạnh thể chất lẫn tinh thần, qua đó góp phần tăng NSLĐ.

Dân số

Dân số là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng lao động của mỗi
quốc gia. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chịu ảnh hưởng của quy
mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Quốc gia nào có quy mô dân số lớn thì
có quy mô nguồn nhân lực lớn và ngược lại. Mặt khác, cơ cấu tuổi của dân
số có ảnh hưởng quyết định đến quy mô và cơ cấu nguồn lao động. Mặc
dù dân số là cơ sở hình thành các nguồn lao động, nhưng mối quan hệ
giữa dân số và các nguồn lao động không phụ thuộc trực tiếp lẫn nhau
trong cùng một thời gian, mà việc tăng hoặc giảm gia tăng dân số của thời
kỳ này sẽ làm tăng hoặc giảm nguồn lao động của thời kỳ sau đó từ 15 -
16 năm, bởi vì con người từ khi sinh ra đến khi bước vào tuổi lao động
phải mất từ 15 - 16 năm. Hơn nữa, tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng
nguồn nhân lực trong cùng thời kỳ có thể không giống nhau.

Mặt khác, quy mô nguồn nhân lực cũng có tác động ngược trở lại đối với
quy mô dân số. Một quốc gia có quy mô nguồn nhân lực lớn cũng có nghĩa
là quy mô của những người có khả năng sinh sản lớn, do đó kéo theo quy
mô dân số có thể tăng nhanh hay làm gia tăng dân số.

Do dân số và chăm sóc y tế - sức khỏe có mối quan hệ mật thiết với nhau
(điều kiện chăm sóc y tế có tốt thì sức khỏe của người dân mới tăng
cường, qua đó các chỉ số liên quan đến dân số như tốc độ tăng dân số -
phản ánh gián tiếp tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử; tuổi thọ trung bình của người dân…
sẽ được cải thiện hơn). Vì vậy, ở phần phân tích các nhân tố ảnh hưởng
đến chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, bài viết sẽ phân tích gộp hai
nhân tố dân số và y tế - sức khỏe.

Trình độ khoa học và công nghệ

Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ có ảnh hưởng lớn đến phát triển
nguồn nhân lực. Sự phát triển không ngừng và những tiến bộ khoa học kĩ
thuật đã cho ra đời những công nghệ hiện đại mà nó đòi hỏi nguồn nhân
lực có chất lượng cao mới đáp ứng được. Do vậy, phương thức giáo dục -
đào tạo cần được cải tiến để tạo điều kiện cho người lao động có thể nâng
cao trình độ trước những thay đổi nhanh chóng của khoa học và công
nghệ. Khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi quá trình tổ chức, trình độ chuyên môn
và là động lực thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, tự đào tạo,
tự trao dồi kiến thức. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng thu hút các nhân tài
nhằm tạo ra một đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa có năng lực giỏi
phục vụ sự nghiệp cách mạng công nghiệp của đất nước.

2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam và các nhân tố
ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực

2.1. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam

Nguồn nhân lực của Việt Nam đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng
của dân số. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), tính đến năm
2020, quy mô dân số cả nước ước đạt 97,58 triệu người, trong đó lực
lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 54,6 triệu người, chiếm gần 65%
so với quy mô dân số cả nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 nghìn
người gia nhập lực lượng lao động. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng
của dịch Covid-19, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước giảm 1,2 triệu
người so với năm 2019, chủ yếu là do sự sụt giảm ở khu vực nông thôn
(giảm hơn 1,1 triệu người). Trong số lực lượng lao động năm 2020, có
53,4 triệu người đang làm việc, trên 1 triệu người thất nghiệp; khoảng 17,3
triệu người (số liệu năm 2018 và 2019) không hoạt động kinh tế vì các lý
do khác nhau1.

Sơ đồ 1. Dân số là lực lượng lao động của Việt Nam, năm 2018 - 2020

Đơn vị: Triệu người


Nguồn: TCTK

Hình 1. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên và tổng dân số Việt
Nam, 2011 – 2020
Đơn vị: Nghìn người

Nguồn: TCTK

Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2020), chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt
Nam2 đã tăng từ 0,66 lên 0,69 trong 10 năm 2010 - 2020. Chỉ số vốn nhân
lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng
mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã
hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á - Thái
Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực (theo WB). Điều này
phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong
những năm qua. Do đó, trong giai đoạn 2000 - 2017, phát triển vốn nhân
lực đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP bình quân đầu người 3.

Ngoài ra, theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 4, chỉ số
phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704, xếp vị trí
117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của
Việt Nam đã tăng hơn 48%, từ 0,475 lên 0,704, thuộc các nước có tốc độ
tăng HDI cao nhất trên thế giới. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2019 là
0,704, cao hơn mức trung bình 0,689 của các quốc gia đang phát triển và
dưới mức trung bình 0,753 của nhóm Phát triển con người cao và mức
trung bình 0,747 cho các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Ngoài ra, UNDP cũng phân tích đến chất lượng phát triển con người 5, dựa
trên 14 chỉ số liên quan đến chất lượng y tế 6, giáo dục7 và tiêu chuẩn
sống8. Về chất lượng phát triển con người, năm 2019, Việt Nam thực hiện
tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam
nằm nhóm đầu trong 3 nhóm về nguy cơ mất sức khỏe 9 (11,7%) và số
giường bệnh (32 giường/10 nghìn dân); tất cả giáo viên tiểu học đều được
đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số. Hầu hết các chỉ số này
của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của các quốc gia đang phát
triển, cũng như mức trung bình của nhóm Phát triển con người cao. Nguy
cơ mất sức khỏe của Việt Nam ở vào diện thấp nhất so với các quốc gia
trong khu vực Đông Á - Thái bình dương; số giường bệnh/người đạt tỷ lệ
khá cao so với các nước Đông Nam Á nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với
Trung Quốc và Hàn Quốc…

Xét một cách tổng quan, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải
thiện rõ rệt. Tất cả những yếu tố này đã góp phần nâng cao NSLĐ của Việt
Nam trong thời gian qua. Năm 2020, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện
hành ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao
động); tính theo giá so sánh, tăng 5,4% so với năm 2019. Bình quân giai
đoạn 2016 - 2020, NSLĐ tăng 5,78%/năm, cao hơn so với mức tăng bình
quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tính chung giai đoạn 2011 -
2020, NSLĐ tăng bình quân 5,07%/năm.

Hình 2. Tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam, 2011 - 2020

Nguồn: TCTK và tính toán dựa trên số liệu của TCTK

Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở
mức tương đối thấp10 và chênh lệch tuyệt đối tiếp tục xu hướng gia
tăng11. NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia; gần tương đồng với
Myanmar và Lào; thấp hơn Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc,
Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore. Điều
này đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện chất
lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao NSLĐ để có thể bắt kịp với
mức NSLĐ của các quốc gia trong khu vực.

Hình 3. NSLĐ của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực

Đơn vị: % - USD

Nguồn: WB, ILO

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam

Trí lực - Giáo dục và đào tạo

Như đã đề cập đến ở phần trước, trên khía cạnh giáo dục và đào tạo, bài
viết sẽ thực hiện phân tích các số liệu thống kê liên quan đến trình độ học
vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực. Có thể thấy,
trình độ học vấn của nhân lực nước ta liên tục được cải thiện qua từng
năm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đã tăng hơn gấp đôi sau khoảng 20
năm, từ 10,3% (năm 2000) lên 22,8% (năm 2019).

Hình 4. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phân theo khu vực thành thị và
nông thôn, 2000 – 2019

Đơn vị: %
Ng
uồn: TCTK

Giai đoạn 2009 - 2019, trình độ học vấn của nguồn nhân lực Việt Nam đã
được nâng cao; phân bổ lực lượng lao động theo trình độ học vấn tăng
mạnh ở các nhóm trình độ cao và giảm mạnh ở các nhóm trình độ thấp.

Không chỉ trình độ học vấn được nâng cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật
của nguồn nhân lực Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ dân
số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên đáng kể so với năm 2007, tăng 6,3
điểm phần trăm, từ 17,7% (năm 2007) lên 24% (quý II/2020). Tỷ lệ dân số
có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 4,9% (năm 2007) lên 11,1%
(quý II/2020). Điều này cho thấy trong những năm qua, giáo dục đại học và
trên đại học của Việt Nam đã có những thay đổi lớn, góp phần nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cần chú
trọng và nỗ lực hơn nữa trong giáo dục, đào tạo nghề để có được nguồn
nhân lực có kỹ năng tốt phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất
nước.

Thể lực - Dân số, sức khỏe và y tế

Tính đến năm 2020, tổng số dân của Việt Nam khoảng 97,58 triệu người.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam là quốc
gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và
Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Như vậy giai đoạn 2011 - 2020,
quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm khoảng 9,434 triệu người, tốc độ
tăng dân số bình quân khoảng 1,15%/năm, tương đương với tốc độ tăng
bình quân của giai đoạn 2001 -2010. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số
đang có xu hướng giảm từ 1,27% (năm 2001) xuống còn 1,14% (năm
2020)12. Bên cạnh đó, với cuộc sống hiện nay, nhiều người muốn tập trung
vào làm kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và con cái
nên có xu hướng dừng lại từ 1 - 2 con13.

Về giới tính, năm 2020, dân số nam là 48,59 triệu người, chiếm 49,8%,
dân số nữ là 48,99 triệu người, chiếm 50,2%, tương đương với tỷ số giới
tính là 99,2 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5
nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ 14. Kể từ cuộc tổng
điều tra năm 1979 đến nay, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam liên tục
tăng nhưng luôn ở mức dưới 100. Tỷ lệ này mặc dù thấp hơn và chưa
nghiêm trọng bằng tình trạng tại Trung Quốc 15 nhưng vẫn cao hơn các
nước còn lại trong khu vực16. Tình trạng này dự báo sẽ gây ra những hậu
quả về lâu dài đối với cấu trúc dân số Việt Nam.

Để phản ánh bức tranh tổng quát về sự biến đổi dân số, tháp dân số được
sử dụng nhằm mô phỏng cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính. Năm
2019, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần
trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên
chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ
“cơ cấu dân số vàng”17 khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người
trong độ tuổi lao động, phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam giai đoạn
này rất dồi dào, tác động tích cực đến lực lượng lao động của Việt Nam
cũng như hiệu quả sản xuất, qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khi so sánh tháp dân số giữa năm 2009 và năm 2019 cho thấy,
những thanh trên đỉnh của tháp dân số 2019, từ nhóm 70 - 74 tuổi trở lên
cho có xu thế tăng, điều này khẳng định xu thế dân số già hóa tăng nhanh
ở Việt Nam. Tại Việt Nam, cơ cấu tuổi thay đổi theo xu hướng tỷ trọng trẻ
em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho
chỉ số già hóa có xu hướng tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Chỉ số già
hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và
tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa được dự báo có xu
hướng tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Hình 5. Tháp dân số Việt Nam, năm 2019 và dự báo năm 2049

Năm 2019 Dự báo năm 2049


Nguồn: TCTK và Quỹ dân số Liên hợp quốc

Bên cạnh cơ cấu dân số thay đổi thì tuổi thọ trung bình tăng cũng là nhân
tố tác động đến xu hướng già hóa của Việt Nam. Từ năm 1989 đến nay,
tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên
73,6 tuổi (năm 2019)18. Kết quả này phần nào cho thấy công tác chăm sóc
sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm tăng
tuổi thọ trung bình của người dân. Đây là điểm tích cực trong việc nâng
cao chất lượng dân số, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc hoạch
định chính sách dân số thích ứng với già hóa dân số và vấn đề đảm bảo
an sinh xã hội đối với người cao tuổi tại Việt Nam.

Khoa học và công nghệ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (2019) 19, trong giai đoạn 2011 -2019,
nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu
khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ đã được ban hành, triển khai
thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh
nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao và sản
phẩm công nghệ cao do nhà nước hỗ trợ đã tạo ra được các sản phẩm có
giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp, nâng
cao ý thức về vai trò của khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất
- kinh doanh. Nhờ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII
2020) của Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng cao, là năm thứ hai liên
tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam
đang dẫn đầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ
ba khu vực Đông Nam Á.
2.3. Một số vấn đề đặt ra

Từ những phân tích trên có thể thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam đang
ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Chất lượng nguồn nhân
lực Việt Nam đã có sự cải thiện, thể hiện ở trình độ học vấn cũng như trình
độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tăng qua từng năm, phần nào
đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực
lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học và công
nghệ, đảm nhận được phần lớn các vị trí công việc phức tạp trong sản
xuất - kinh doanh; sức khỏe của người lao động ngày càng được chăm sóc
tốt hơn…; qua đó góp phần nâng cao NSLĐ của Việt Nam trong thời gian
qua. Tuy nhiên, lực lượng lao động của Việt Nam cũng còn bộc lộ những
tồn tại, hạn chế, thể hiện ở các điểm sau đây:

Trí lực

Mức độ cải thiện và chênh lệch về trình độ học vấn là đáng kể giữa khu
vực thành thị và nông thôn. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phân cấp, mất cân
đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền và tất yếu sẽ kéo theo chênh lệch
mức sống dân cư, về phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực và có thể
xem là lỗ hổng lớn về chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay. Bên
cạnh đó, tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Theo
đánh giá của WB, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công
nhân kỹ thuật bậc cao. Trong xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam vẫn
có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao và lành nghề. Tuy
nhiên, những bất cập hiện nay không chỉ cản trở tiềm năng đóng góp của
lao động vào tăng năng suất lao động mà còn đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho
những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt
Nam.

Thể lực

Mặc dù, công tác y tế - chăm sóc sức khỏe của người dân được cải thiện
qua từng năm tháng, dân số không ngừng tăng, tuổi thọ trung bình được
nâng lên… nhưng tốc độ gia tăng dân số đang có xu hướng giảm, mất
câng bằng giới tính tăng, xu hướng già hóa dân số ngày càng hiện hữu
qua gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi lớn, đời sống vật chất của
người cao tuổi còn thấp… Chính vì vậy, đi đôi với tuổi thọ trung bình được
nâng lên thì vấn đề già hóa với tốc độ nhanh trong bối cảnh Việt Nam vẫn
là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp đang là một thách thức
không nhỏ. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời
sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng
hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người
cao tuổi...

Khoa học và công nghệ

Trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam mặc dù đã đạt được một số
thành tựu nhưng vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn
đầu khu vực châu Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học, công
nghệ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống xã hội,
sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam
còn non trẻ, manh mún; hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực
doanh nghiệp còn ít và thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện
nghiên cứu; lực lượng lao động có chất lượng cao còn hạn chế.

3. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

Có thể nói, giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt
phá của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
đang diễn ra với tốc độ nhanh, phát triển nền kinh tế số, hội nhập quốc tế
ngày càng sâu rộng hơn. Bối cảnh này cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới
và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, con người cần phát
triển đồng bộ về “tâm lực - trí lực - kỹ lực - thể lực - cuộc sống hạnh
phúc”, làm chủ một số công nghệ mới, tạo nền tảng để khoa học - công
nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, tạo bứt phá về NSLĐ, chuyển
đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo cho đất
nước phát triển nhanh - bền vững trong giai đoạn mới… Để có thể đạt
được những yêu cầu này, bài viết đưa ra một số khuyến nghị sau:

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao,
thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Các loại hình giáo dục sau phổ thông trung học cần được đa dạng hóa,
trong đó có các chương trình đại học không bằng cấp. Xây dựng mối liên
kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giúp các sinh viên có
cơ hội vừa học vừa làm, trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn
ngồi trên ghế nhà trường. Các chương trình đào tạo, phương pháp giảng
dạy cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; bên cạnh
các kiến thức trong sách vở, người học cần được thực hành nhiều hơn,
cũng như cần được trang bị thêm các kỹ năng mềm nhằm đáp ứng với yêu
cầu ngày càng cao của xã hội.

Định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo
và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần
kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà
không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo. Hệ thống
giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục
mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên
môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và khu vực nông
thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia cần được xây dựng cơ chế hỗ
trợ người dân vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa…
Đầu tư cho giáo dục đào tạo cần được tăng cường bằng nhiều nguồn khác
nhau, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng lên, đồng thời huy
động nhiều hơn, tốt hơn sức dân thông qua đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục,
xây dựng xã hội học tập.

Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để bứt phá
về chất lượng lao động, nâng cao NSLĐ, tăng cường hiệu quả và sức cạnh
tranh của nền kinh tế.

Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ cần được đổi mới, nhất là cơ chế
tài chính, nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa
nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Liên kết giữa
các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp cần được tăng
cường. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao cần được ưu tiên
trong hội nhập quốc tế. Việt Nam cần đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác
chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết
chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ với hợp tác kinh tế
quốc tế. Đồng thời, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam,
thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt
Nam ở nước ngoài. Có như vậy nền khoa học và công nghệ Việt Nam mới
không lạc lõng và tụt hậu so với thế giới.

Nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho người dân, đảm bảo gắn kết
hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.
Chính sách, pháp luật về dân số cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng
gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; bảo đảm hài hòa giữa quyền và
nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số. Dịch vụ y tế
công phải bảo đảm các dịch vụ cơ bản; sức khỏe người dân được chăm
sóc và bảo vệ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa
trị kịp thời cần được đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa
học y học cần được tăng cường, trong đó chú trọng phát triển các ngành
khoa học phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, Việt Nam cần bổ
sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và phát
huy vai trò của người cao tuổi như: các chính sách nhằm tạo điều kiện cho
người cao tuổi phát huy kinh nghiệm của mình trong quá trình phát triển
đất nước, những chính sách khuyến khích người cao tuổi, đặc biệt là
những người cao tuổi có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực ưu
tiên, tham gia/tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế - xã hội. Nhận thức của
xã hội cần được nâng cao, người dân cần chủ động hơn trong việc chuẩn
bị cho tuổi già. Việt Nam cần xây dựng các chính sách tiếp cận toàn diện
hơn về vấn đề già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác
động của già hóa dân số tới cả người cao tuổi và người trẻ tuổi, vừa phù
hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo số 6219/BC-BKHĐT, ngày 22/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu


tư, tr.7; Báo cáo Điều tra Lao động việc làm các năm.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo góp phần tăng NSLĐ, Báo cáo tại Hội nghị “Cải thiện năng
NSLĐ quốc gia”

3. Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (2019), Chất lượng nguồn nhân
lực Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

4. Hoàng Thị Minh Hà và Đinh Thị Hảo (2020), Cơ cấu lao động theo
trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đến năm 2025.

5. Ngô Thị Thu Hà (2014), Vai trò của giáo dục, đào tạo đối với phát triển
nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt
Nam, Số 3 (2014).
6. Nguyễn Quang Giải (2018), Đặc điểm lao động Việt Nam hiện nay, Tạp
chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số 9C (2018): 144 - 154.

7. Nguyễn Thị Quỳnh Trang (2017), Một số giải pháp phát triển nguồn
nhân lực Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế, Tạp chí Khoa học,
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Sư phạm thành phố
Hồ Chí Minh, Tập 14, Số 2 (2017): 171 - 178.

8. Nguyễn Thúy Hải (2019), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt
Nam thời kỳ hội nhập, Tạp chí Tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2021

*1 Gồm: 4,7 triệu người đang đi học; 3,7 triệu người làm nội trợ gia đình,
chăm sóc con cháu; 2,1 triệu người tạm nghỉ việc vì các lý do khác nhau
như: ốm đau, mùa vụ, ảnh hưởng môi trường, đang chuẩn bị khai trương
hoạt động sản xuất - kinh doanh...; trên 900 nghìn người không có nhu cầu
làm việc và 5,9 triệu người già yếu, khuyết tật không có khả năng lao động.
*2 Chỉ số vốn nhân lực năm 2020 (Human Capital Index 2020) của WB bao
gồm dữ liệu đến tháng 3/2020 về sức khỏe và giáo dục của 174 quốc gia,
chiếm 98% tổng dân số thế giới, cung cấp đường cơ sở tình hình sức khỏe
và giáo dục trẻ em.
*3 Ngân hàng Thế giới (2020), “Việt Nam Năng động tạo nền tảng cho một
nền kinh tế thu nhập cao”, Chương trình đối tác chiến lược Australia -
Nhóm WB: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động”.
*4 Với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỷ nguyên
con người tác động lên khí hậu và môi trường” do Chương trình Phát triển
Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
công bố ngày 16/12/2020 tại Hà Nội.
*5 Một quốc gia nằm trong nhóm thứ ba trên cùng ở tất cả các chỉ số có thể
được coi là một quốc gia có chất lượng phát triển con người cao nhất.
Thực tế cho thấy không phải tất cả các quốc gia trong nhóm “Phát triển con
người rất cao” đều có chất lượng phát triển con người cao nhất hay nhiều
quốc gia trong nhóm “Phát triển con người thấp” nằm ở vị trí thứ ba dưới
cùng trong tất cả các chỉ số chất lượng.
*6 Các chỉ số về chất lượng sức khỏe bao gồm nguy cơ mất sức khỏe, số
lượng bác sĩ, số giường bệnh.
*7 Các chỉ số về chất lượng giáo dục gồm tỷ lệ học sinh - giáo viên ở
trường tiểu học, số giáo viên tiểu học được đào tạo để giảng dạy, tỷ lệ
phần trăm các trường tiểu học (trung học) có truy cập internet, và điểm số
của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về toán học, đọc và
khoa học.
*8 Các chỉ số về chất lượng cuộc sống gồm tỷ lệ người có việc làm tham
gia vào các công việc không ổn định, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng
điện, tỷ lệ dân số sử dụng nguồn nước uống được cải tạo và tỷ lệ dân số
sử dụng các công trình vệ sinh được cải tạo.
*9 Đo bằng sự khác biệt tương đối giữa tuổi thọ và số năm sống khỏe,
được biểu thị bằng phần trăm tuổi thọ khi sinh.
*10 Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 đạt 11.970 USD,
chỉ bằng 7,9% NSLĐ của Singapore; 19,5% của Malaysia; 38,4% của Thái
Lan; 47,1% của Indonesia và 58,6% của Philippines.
*11 Chênh lệch NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Việt Nam so với Singapore
tăng từ 132.566 USD (năm 2011) lên 139.552 USD (năm 2019); tương tự
với Malaysia từ 42.397 USD lên 49.321 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên
19.234 USD; Indonesia từ 11.480 USD lên 13.442 USD, Philippines từ
6.171 USD lên 8.473 USD.
*12 Đây là kết quả của việc triển khai Chiến lược Quốc gia về dân số và
sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, nhằm giảm thiểu tình trạng mang
thai ngoài ý muốn dẫn đến hệ quả sinh nở không an toàn hoặc nạo phá
thai. Với mục tiêu 70% phụ nữ tiếp cận các biện pháp tránh thai năm 2020
sẽ tăng lên 100% vào năm 2030, bao gồm người nghèo, nhóm bên lề,
nhóm đối tượng khó tiếp cận và đồng bào dân tộc thiểu số.
*13 Cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 cho kết quả: Phụ nữ thuộc nhóm
“Giàu nhất” có mức sinh thấp nhất (2 con/phụ nữ). Phụ nữ thuộc 3 nhóm
(“Giàu”, “Trung bình” và “Nghèo”) có số con trung bình là 2 con. Phụ nữ
thuộc nhóm “Nghèo nhất” có mức sinh cao nhất, với 2,40 con/phụ nữ.
*14 Số liệu năm 2019.
*15 Những năm 2000, tỷ số giới tính của Trung Quốc là 120 nam/100 nữ.
*16 Như Thái Lan, Campuchia, và Lào với tỷ lệ khoảng 105 nam/100 nữ.
*17 Liên hợp quốc định nghĩa đó là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi
ở mức dưới 30% và tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên cũng ở mức dưới
15% trong tổng dân số.
*18 Trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi.
*19 Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), “Khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo góp phần tăng NSLĐ”, Báo cáo tại Hội nghị “Cải thiện NSLĐ quốc
gia”.

You might also like