You are on page 1of 19

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO CHUYÊN ĐỀ ÔN TẬP

TẠO KỲ THI TỐT NGHIỆP


BẮC NINH THPT NĂM 2023
¯¯¯¯¯¯¯¯¯ Môn: Ngữ văn
¯¯¯¯¯¯¯¯
TÊN CHUYÊN ĐỀ: VẬN DỤNG LÍ LUẬN VÀO CÂU NLVH
Người biên soạn: Lương Thị Thìn
Đơn vị công tác:THPT Yên Phong số 1
I. LÍ THUYẾT
1.Sự cần thiết của việc đưa lí luận vào câu nghị luận văn học
Để hoạt động ôn tập cho học sinh khá giỏi có hiệu quả, đạt kết quả cao trong kì thi
TNTHPTQG đối với bộ môn Văn, ngoài việc trang bị kiến thức tác phẩm, rèn luyện kỹ năng
làm bài thì việc hiểu trúng, vận dụng linh hoạt kiến thức lý luận văn học là một trong những
năng lực cần được hình thành cho học sinh.

Trước hết, lý luận văn học giúp bài NLVH có chiều sâu. Bởi lẽ trong quá trình học
Văn, nhất là khi làm bài, trong nhận thức của học sinh còn hiện tượng hay hiểu sai hoặc
nhầm lẫn các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn. Quan trọng hơn, điều đó dẫn đến học sinh
chưa giải quyết được một cách chính xác, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu đề bài, hoặc viết
còn rất sơ sài, mơ hồ, chung chung…

Việc trang bị thêm kiến thức lý luận văn học giúp học sinh khắc phục được những nhược
điểm đó. Đối với đối tượng là học sinh khá giỏi, được trang bị kiến thức lý luận văn học
giúp học sinh có những bình giá, nhận xét chuẩn xác hơn về một hiện tượng văn học nào đó;
bài viết của các em trở nên sâu sắc hơn về ý tưởng, chặt chẽ hơn về lập luận, thuyết phục
hơn khi đưa ra luận cứ.

2. Những kiến thức lý luận văn học học sinh cần nắm
Để đưa kiến thức LLVH vào NLVH, học sinh cần được trang bị những kiến thức cốt lõi
như: Đặc trưng văn học, chức năng văn học, phong cách nghệ thuật, tiếp nhận văn học, thơ
và đặc trưng ngôn ngữ thơ, sức phản ánh của thơ … những thuật ngữ lý luận văn học. Mỗi
thể loại văn học đều mang những đặc trưng riêng. Chúng ta có thể vận dụng linh hoạt kiến
thức đặc trưng thể loại văn học: Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch….để nhấn mạnh giá trị
của tác phẩm. Những kiến thức này đã được học trong chương trình THPT ở các bài lí luận
văn học, giáo viên có thể ôn tập lại cho học sinh một cách cơ bản nhất.
Kiến thức lí luận văn học thể hiện ở ngay trong những thuật ngữ đề yêu cầu ta làm rõ. “Giá
trị nhân đạo” , “chất thơ”, “phong cách sáng tác” đều là những thuật ngữ lí luận văn học…
Để giải quyết được các đề ở trên, ta phải nắm được khái niệm của các thuật ngữ, các biểu
hiện của chúng và biết cách phân tích các biểu hiện ấy trong tác phẩm văn học.

3. Yêu cầu đề theo cấu trúc đề minh họa của bộ GD

Câu NLVH theo cấu trúc đề minh họa của bộ GD thường gặp hai yêu cầu:

Yêu cầu chính: Phân tích các yếu tố cơ bản trong một đoạn trích tác phẩm văn học
Ví dụ: Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt một đoạn trích
trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân.
Yêu cầu phụ: Qua việc phân tích các yếu tố trong tác phẩm văn học để làm rõ một đặc
điểm nào đó.
Ví dụ: Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt trong một đoạn
trích. Từ đó nhận xét về tấm lòng của nhà văn Kim Lân đối với người nông dân

Ở cả hai yêu cầu trên, ta đều có thể vận dụng kiến thức lí luận văn học. Nhưng dù là dạng
yêu cầu nào thì học sinh cũng nên ý thức rằng, việc vận dụng một tỉ lệ kiến thức lý luận nhất
định, phù hợp sẽ giúp cho bài viết sẽ được khơi sâu hơn, hiệu quả hơn.

II. Vận dụng


Để làm câu NLVH của học sinh sâu sắc, mới mẻ hơn, dựa vào nội dung yêu cầu đề có thể
đưa kiến thức lí luận vào các phần của bài làm
1. Áp dụng vào mở bài
1.1 Mở bài cảm nhận nhân vật trong văn xuôi:
Ví dụ: Cảm nhận hình tượng nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim
Lân chúng ta sẽ đi từ kiến thức lí luận về giá trị của văn học
Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó cất lên tiếng nói của con người, ca ngợi
và bảo vệ con người. Bởi thế Nam Cao từng nói: “ Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng
lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra
từ những kiếp sống lầm than” (Trăng Sáng). Văn chương là vậy, nó vẫn luôn đẹp một cách
đặc biệt nhất. Phải chăng chính vì thế mà các nhà thơ, nhà văn luôn tạo ra những nét riêng
cho mình bằng việc xây dựng lên những hình tượng nhân vật độc đáo chở nặng tâm tư của
tác giả. Điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà
văn Kim Lân. Sự tinh tế, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật của nhà
văn Kim Lân đã góp phần chắp cánh cho tác phẩm vút bay trên bầu trời văn đàn dân tộc
1.2 Mở bài cảm nhận nhân vật trữ tình trong thơ:
Ví dụ: "Nhà thơ xứ Daghestan - Raxun Gamzatov đã từng viết với lòng biết ơn "Thơ ca
nếu không có người tôi đã mồ côi". Thơ ca đã ra đời và song hành với nhân loại, như một
phương tiện đắc lực và đầy xúc cảm, giúp con người bày tỏ nỗi niềm và đi sâu khám phá thế
giới nội tâm sâu kín, bí hiểm. Tôi chợt nhớ thi sĩ Xuân Quỳnh và bồi hồi hình dung nhà thơ
ấy sẽ cô đơn biết bao nếu không thể trao gửi tâm tình vào nghệ thuật. Bài thơ "Sóng" là tất
cả nỗi niềm của nội tâm sâu kín ấy. Là sóng biển, sóng lòng mà người con gái miền La Khê
đã tha thiết gửi trao trong từng dòng, từng chữ...
Viết MB như trên thì tránh đi việc nêu ra thơ ca về tình yêu đơn thuần rồi mới đi vào tác
phẩm.
2. Áp dụng vào luận điểm phần thân bài
2.1. Sử dụng lí luận để nêu hoàn cảnh ra đời
Trước khi phân tích tác phẩm theo yêu cầu của đề bài có thể sử dụng lí luận để nêu hoàn
cảnh ra đời một cách uyển chuyển, logic.
Ví dụ : khi viết Tô Hoài lên Tây Bắc rồi có cảm hứng viết "Vợ chồng A Phủ" thì lí luận văn
học sẽ dẫn dắt một cách thật tự nhiên:
Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải thực sự là "tiếng sáo thổi lòng thời đại, thành giao
liên dẫn dắt đưa đường". Dường như ý thức rõ về điều này, nhà văn Tô Hoài trong những
ngày tháng sống ở Tây Bắc đã viết nên "Vợ chồng A Phủ". Áng văn là "tiếng sáo", là "giao
liên" dẫn ta tới hiện thực cuộc sống lặng im Tây Bắc và cho chúng ta thấy những khát khao
đẹp đẽ về tự do và hạnh phúc của con người.
2.2 Sử dụng lí luận để phân tích văn bản theo yêu cầu của đề bài:
Khi phân tích tác phẩm theo yêu cầu của đề bài cũng có thể sử dụng kiến thức lí luận. Trong
thân bài thì chú ý các đoạn phân tích câu thơ, câu văn đều dùng lí luận văn học để bài tự
nhiên hơn và đưa ra mở rộng hợp lí hơn.

Với tác phẩm văn xuôi: chú ý những yếu tố như: tình huống truyện; không gian, thời gian
nghệ thuật; kết cấu; chi tiết, vai trò của chi tiết trong truyện ngắn, giá trị nhân đạo, chất
thơ…để bài viết có chiều sâu và phong phú hơn.

Ví dụ : Nguyễn Tuân từng muốn mỗi ngày đều có "cái say của rượu tân hôn", kì vọng
mỗi trang đời là một trang nghệ thuật. Luôn luôn đổi mới cảm giác, nhận thức cũng như
phương châm cảm thụ cái đẹp, ông coi đời là những “trang hoa” luôn mở dưới ánh sáng
nghệ thuật mới. Và chuyến đi Tây Bắc của nhà văn sau Cách mạng là một "trang hoa" như
thế. Để từ đây vẻ đẹp thiên nhiên và con người được mở ra " dưới ánh sáng nghệ thuật" của
"Người lái đò Sông Đà"... (diễn tiếp để vào phân tích)
Với tác phẩm văn thơ: chú ý những yếu tố như : đặc trưng về ngôn ngữ, giọng điệu hình
ảnh tư tưởng tình cảm…
Ví dụ : Khi phân tích đoạn thơ của Việt Bắc "Những đường Việt Bắc của ta...". Khi
phân tích nhạc tính của nó xong thì viết thêm "Đọc những dòng thơ ấy tôi thấy bồi hồi xao
xuyến và nhớ lại sinh thời Huy Cận ngợi ca:
"Yêu thơ thơ kể lại hồn ông cha
Đời bao tâm sự thiết tha
Nằm trong tiếng nói lòng ta thuở nào"
Ví dụ : câu đầu bài thơ “Tây Tiến”, áp dụng lí luận chúng ta sẽ viết:
Nhà thơ Puskin từng nói rằng: “Thơ được tạo ra từ cơn động kinh của tâm hồn. Đó là cú
đại địa chấn được dồn ứ từ những biến cố, những kỉ niệm, có khi là nỗi nhớ quặn lòng.” Và
phải chăng khi “kỉ niệm” và “cảm xúc” đã đong đầy trong nỗi nhớ cũng là lúc mà hồn thơ
Quang Dũng bật lên những trang viết thiết tha: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
2.3 Áp dụng vào luận điểm phần đánh giá:
Ta có thể sử dụng lí luận khi nâng cao khẳng định bình luận vấn đề. Có thể viết về sinh
mệnh văn chương, sức sống trường tồn của nó hay tài năng của nhà văn nhà thơ...
Ví dụ: Nếu như tương lai của một nhà văn được đánh giá qua văn học anh ta để lại
như lời của Albert Camus thì tôi nghĩ Nguyễn Minh Châu có thể tự hào về những gì mà ông
đã để lại cho đời. Trang sách của Nguyễn Minh Châu đã làm đúng công việc của một kẻ sĩ
" nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ", làm đúng công việc của một kẻ sĩ luôn "
quan hoài thường trực cho số phận con người". Chiếc thuyền ngoài xa sẽ tồn tại trong dòng
văn học như một chân giá trị để cảnh tỉnh con người về cuộc đời đa sự, và giữ cho chúng ta
một cách tiếp cận đời sống sâu sắc...
Kiến thức lí luận văn học sử dụng chủ yếu ở phần tổng kết để so sánh, đối chiếu, nâng cao
vấn đề.
Ví dụ: Khi phân tích nhân vật Tràng (trong truyện ngắn Vợ Nhặt ), ta có thể so sánh
đối chiếu với hình tượng nhân vật người nông dân trong văn học hiện thực trước CMT8 để
thấy sự kế thừa và phát triển của nhà văn Kim Lân trong truyền thống về đề tài người nông
dân. Bằng các kiến thức lí luận văn học về trào lưu văn học, về quá trình phản ánh hiện
thực và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, ta có thể lí giải phần so sánh, đối chiếu, qua đó làm
cho bài viết sâu sắc hơn.
3. Áp dụng vào kết bài:
3.1 Áp dụng kiến thức lí luận vào kết bài về văn xuôi từ một ý kiến:
Ví dụ : M. Gor- ki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” Kim Lân quả xứng đáng là
một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, khi chỉ từ những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc ông
đã đặt cả một tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vào đó. Cùng với đó thành công của
truyện ngắn “ Vợ nhặt” còn phải kể đến việc Kim Lân đã gây ấn tượng mạnh với độc
giarbawngf lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị phù hợp với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế
cho đến nay, Vợ nhặt vẫn để lại dư âm khó phai mờ trong lòng người đọc của nhiều thế hệ.
3.2 Áp dụng kiến thức lí luận vào kết bài về thơ từ một ý kiến:
Ví dụ: Tố Hữu từng quan niệm: “ Một bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu
thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột”, điều đó được chứng
minh qua Việt Bắc. ở đó Tố Hữu không viết thơ mà dùng gan ruột của mình để kí thác một
chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Khép lại chặng đường dài gian khổ ấy là kỉ niệm,
là tình nghĩa là sự “ kết tinh hạt mầm cho đời sau hái trái”. Qua đây chúng ta thêm tự hào
về thế hệ cha anh, về tinh thần chiến đấu hào hùng, về những chiến công “ lừng lẫy năm
châu” chấn động địa cầu của dân tộc Việt Nam
3.3 Áp dụng kiến thức lí luận vào kết bài về văn xuôi từ phong cách tác giả
Trong bài điếu văn đọc tại lễ truy điệu của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đã nhận định:
“Nguyễn Tuân là người suốt đời đi tìm cái đẹp”. Vì thế mà qua “Người lái đò Sông Đà” có
thể nhìn thấy hình ảnh con người với vẻ đẹp trí tài, trí dũng, với tay lái ra hoa trên dòng Đà
giang “hung bạo, trữ tình”. Dường như, vẻ đẹp ấy kết tinh đậm nét phong cách tài hoa,
uyên bác, con mắt quan sát tinh tế, trái tim đầy nhiệt huyết với nghệ thuật và tài năng văn
học thiên phú của Nguyễn Tuân. Ông xứng đáng được tôn vinh là “người săn tìm và sáng
tạo cái đẹp”, góp phần làm cho nền văn học dân tộc thêm giàu đẹp!
4. Một số mẫu đưa kiến thức lí luận vào NLVH:
Ngôn ngữ thơ:
Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn
vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất.
Thế mới có ý kiến: “Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ”. Với ý niệm ấy chữ
…..(chữ muốn phân tích) xứng đáng là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ
này. Nhà thơ dùng chữ… để gợi ra …
Tính nhạc trong thơ:
Bàn về tính nhạc trong thơ tác giả Trần Thiện Thanh cho rằng: “Thi nhân phổ nhạc cho
thơ, tiếng thơ vang ngân trong không gian, tạo thành các “bước sóng” gõ cửa tâm hồn đọc
giả. Ở đoạn thơ trên nhà thơ… đã vô cùng khéo léo, linh hoạt trong cách ngắt nhịp thơ ……
đan xen khiến người cảm thấy mình đang đứng trước một khúc nhạc chứ không chỉ đứng
trước một bài thơ đơn thuần.
Tiếp nhận văn học:
Nếu như tương lai của một nhà văn được đánh giá qua văn học anh ta để lại như lời của
Albert Camus thì tôi nghĩ ……. có thể tự hào về những gì mà ông đã để lại cho đời. Trang
sách của … đã làm đúng công việc của một kẻ sĩ " nâng giấc cho những người cùng đường
tuyệt lộ", làm đúng công việc của một kẻ sĩ luôn " quan hoài thường trực cho số phận con
người". Tác phẩm… sẽ tồn tại trong dòng văn học như một chân giá trị để cảnh tỉnh con
người về cuộc đời đa sự, và giữ cho chúng ta một cách tiếp cận đời sống sâu sắc...
Giá trị văn học :
Bêlinxki quan niệm: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để
miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không
đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Mỗi tác phẩm như một nấc thang
nâng đỡ bước chân người đọc đi đến phần người, đi đến những giá trị chân – thiện – mĩ của
cuộc sống. ……….. như một làn gió mang tới cho tâm hồn con người thứ mát lành của triết
lí sống đáng quý. Gấp lại trang sách mà ngọn gió ấy vẫn không ngừng thổi muôn đời.
Tư chất người nghệ sĩ:
Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi đó là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là nơi kí thác những
nỗi niềm tâm sự, sự trăn trở, suy tư, những nỗi đau, bi kịch của nhân sinh, từ đó nhân danh
con người mà đấu tranh với những thế lực xấu xa, đen tối để bảo vệ quyền sống của con
người. Thử hỏi nếu không có sự gắn bó tình cảm đặc biệt đối với …, liệu … có thể viết nên
thiên truyện … lấp lánh tình người như vậy?
Mối quan hệ giữa văn học và đời sống:
Hiện thực đời sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ
sĩ. Bất kì một sáng tác nghệ thuật nào nếu không bén rễ vào cuộc đời, không hút nguồn
sống dạt dào chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ không thể tồn tại trong thế giới khắc
nghiệt của văn chương nghệ thuật. Là nhà văn chân chính, ngòi bút của … đã chấm vào
nghiên mực cuộc đời thì tác phẩm của … mới neo chặt trong tâm hồn của người thưởng
thức đến như vậy.%
III/ BÀI TẬP
Đề 1: “Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng. Một người đàn ông và
một người đàn bà rời chiếc thuyền ... tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất và chạy nhào tới”
Phân tích đoạn trích trên. Từ đó, nhân xét quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh
Châu
Bài làm đưa kiến thức llvh vào các phần: MB- TB
MB
Trong bài “Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình
Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ
Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe”
Những vần thơ là lời trăn trở, suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với đời sống.
Văn chương của người nghệ sĩ sẽ có gì nếu nó không mang dáng dấp cuộc đời? Có chăng chỉ là
những dòng chữ rời rạc bị bẻ vụn mà thôi? Cuộc sống không cần văn nghệ làm một tên hề đồng
lóc cóc chạy theo sau cố bắt chước cho thật đúng. Người đọc hay người xem đòi hỏi ở các tác
phẩm văn học nghệ thuật, không những là một bức tranh giống sự thực, không những là các tài
liệu ghi lại thực tế đời sống, mà còn những gì khác nữa, làm cho người ta say mê và xúc động,
làm cho người ta suy nghĩ và tự mình rút ra những nhận xét đánh giá về lối sống. Nghệ thuật
phải bám sát cuộc đời, gắn bó với đời sống của nhân dân lao động. Là một nhà văn dám và đặt
ngòi bút đi sâu vào đời sống con người, Nguyễn Minh Châu đã viết lên một câu chuyện đậm
chất hiện thực trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” từ đó nhà văn đã đặt ra nhưng vấn đề có
ý nghĩa triết lí và nhân sinh sâu sắc. Đoạn trích “Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước
chỗ tôi đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền ... tôi đã vứt chiếc máy
ảnh xuống đất và chạy nhào tới” đã diễn tả cảnh bạo lực gia đình - sự thật tàn nhẫn trong góc
khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ. Từ đó, ta thấy được quan điểm nghệ thuật của
nhà văn Nguyễn Minh Châu.
TB
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là “người mở đường tài năng và tinh anh” (Nguyên Ngọc) của
văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn có tình yêu thương tha thiết với con người, mang
một mối quan hoài thường trực về số phận và những nỗi đau khổ của con người xung quanh
mình. Nhà văn muốn dùng ngòi bút của mình tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu
tranh giữa cái thiện và cái ác, đồng thời luôn đặt niềm tin vào con người, ở khả năng thức tỉnh
và hướng thiện mỗi con người
Chiếc thuyền ngoài xa thuộc kiểu truyện tư tưởng được viết vào năm 1983, in trong tập truyện
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) sau đó in lại trong tập truyện cùng tên năm 1987.
Đây là tác phẩm đặc sắc cho những sáng tác sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu khi nhà văn
chuyển sang cảm hứng thế sự - đời tư thể hiện mối quan hoài thường trực của nhà văn “những
suy nghĩ da diết về chân lí nghệ thuật và đời sống”. Sự thật nghiệt ngã được mô tả trong Chiếc
thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu trở nên quen thuộc về một
ngư phủ dưới cánh buồm mờ ảo ban mai lên trên không gian xa rộng của biển cả. “Tác phẩm
chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa: nó khiến người ta giật mình nếu quen nghĩ rằng cuộc
đời đã hết đau thương, nó khơi ngợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì ẩn sau vẻ đẹp điền
viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người”. (Lã
Nguyên)
Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung –
nơi anh đã từng chiến đấu để chụp một tấm ảnh thuyền biển, bổ sung cho cuốn lịch năm mới.
Sau nhiều ngày “phục kích”, Phùng đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài
xa trên biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào gần bờ, anh kinh ngạc chứng kiến cảnh
bạo lực gia đình.
Nghịch lý cuộc đời bắt đầu từ đây, khi chiếc thuyền tiến gần vào bờ, hình ảnh một cặp vợ chồng
đang rời thuyền, “họ lội qua một quãng bờ phá, nước ngập tới tận đầu gối”. Trong giây lát tiếng
người đàn ông cất lên văng vẳng quát tháo những đứa con đang ở trên thuyền. Chính khuôn mặt
nét người của họ đã nói lên phần nào cái cuộc sống khổ cực mà họ phải chịu. Người vợ "trạc
ngoài 40", "mặt rỗ", "thân hình cao lớn thô kệch", "lưng áo bạc phếch", "gương mặt lộ rõ sự
mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới" … dường như bao nhiêu sương gió nắng mưa của đất
trời đã chiếu thẳng vào người đàn bà ấy vậy. Còn người đàn ông thì cũng chẳng hơn gì: "có tấm
lưng rộng", đi chân chữ bát khuôn mặt "độc, dữ". Hiện thân của sự lam lũ, nghèo đói, vất vả
trước cuộc sống mưa sinh. Bên cạnh sự thua thiệt về nhan sắc, cộng thêm gánh nặng trước cuộc
sống mưu sinh khiến cho người đàn bà càng trở nên xấu xí hơn. Tác giả Nguyễn Minh Châu đã
dùng từ ngữ cực tả như: thô kệch, tái ngắt, bạc phếch, ướt sũngđã diễn tả được trọn vẹn diện
mạo của người đàn bà. Đối với chị, được một giấc ngủ ngon lành cũng là điều quá xa xỉ, đây
chính là hiện thân tiêu biểu của những người dân chài nhọc nhằn trước gánh nặng áo
cơm. Người đàn ông tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi
chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn
dán vào tấm lưng áo bạc phếch. Chỉ bằng vài nét vẽ, người đàn ông được khắc họa như là hiện
thân của gánh nặng cuộc đời đã kéo còng tấm lưng. Cả hai người đều là hiện thân của sự nhọc
nhằn, nghèo khó của người dân hàng chài. Nếu ai đã từng đọc “Đời thừa” của Nam Cao thì sẽ
thấy, Hộ là người chồng tốt, là nhà văn chân chính, nhưng cũng vì gánh nặng gia đình, gánh
nặng “cơm, áo, gạo, tiền” mà đã trở thành thủ phạm của bạo lực gia đình trong những lúc say
sưa để giải quyết bế tắc trong sự nghiệp và cuộc đời. Hay như trong chính “Chiếc thuyền ngoài
xa”, nguyên nhân chủ yếu khiến người đàn bà hàng chài đó bị đánh là vì cứ mỗi khi khổ quá,
anh chồng lại lôi chị ra đánh. Cuộc đời lam lũ nghèo khổ, nheo nhóc, sự tối tăm ngu dốt... là một
trong những nguyên nhân gây ra nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong một số gia đình
Việt Nam lâu nay? Phải chăng Nguyễn Minh Châu đã kín đáo nói về một căn nguyên đầy nước
mắt mà thi hào Nguyễn Du đã viết trong "Văn chiêu hồn" hơn hai thế kỉ trước:
"Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?"
Rõ ràng, hoàn cảnh và điều kiện sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, đó là
còn chưa kể tới những hệ lụy của nó.
Một cảnh tượng diễn ra khiến cho nghệ sĩ Phùng không thể nào tin vào mắt mình và cái cảnh
đẹp kia bỗng chốc biến thành một hình ảnh vô cùng thậm tệ. Hai con người khổ sở ấy đi vào
phía bãi xe tăng hỏng: Hình ảnh chiếc xe tăng hỏng tượng trưng cho chiến tranh đã kết thúc, đã
đi qua con người cứ nghĩ sẽ được sống trong hạnh phúc, sung sướng. Nhưng không, chiến tranh
đã đi qua nhưng con người ta phải bước vào cuộc chiến đấu mới: chiến đấu chống lại đói nghèo,
chống lại bạo lực gđ, đây là cuộc chiến rất cam go, ác liệt, và thật bất ngờ trước cảnh tượng ấy:
“Lão đàn ông lập tức hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người chiếc lưng của lính ngụy ngày
xưa; chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật
tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm nghiến răng ken két, giọng
điệu rên rỉ, đau đớn: Mày chết hết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” Cách
đánh thật man rợ. Cường độ và tốc độ đánh đạt đến “đỉnh điểm” của sự giận dữ, căm thù và đau
đớn. Diễn tả điều này, “Nguyễn Minh Châu đã trút bỏ hết trang sức của ngôn từ” (Bùi Minh
Đức) để thay vào đó là những từ ngữ cực tả “như lửa cháy” “quật tới tấp” “thở hồng hộc”
“nghiên răng ken két” mới diễn tả được đày đủ, chính xác cảnh tượng kinh hoàng này. Chồng
đánh vợ bằng tất cả sự căm thù, tức giận, bằng tất cả sức mạnh của cơ bắp và tinh thần, đánh
thậm tệ, dã man như đánh kẻ thù số 1. Thật thậm tệ, dã man và đớn đau biết chừng nào! Chứng
kiến cảnh tượng này mấy ai đã cầm được lòng mình. Quả thực như Tô Hoài viết “viết văn là
quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không hề tầm thường chút nào”. Sự thật
mà nhà văn Nguyễn Minh Châu phản ánh thật chân thực, chính xác được viết ra từ “những điều
trông thấy mà đau đớn lòng” của một nhà văn có “mối quan hoài thường trực về số phận con
người” (Nguyễn Văn Long). Nỗi đau xót của người đàn bà hàng chài làm cho trái tim Phùng
rớm máu. Mỗi nhát quất vào lưng người đàn bà cũng làm tan nát trái tim độc giả. Sức mạnh của
ngôn từ đâu phải đến từ lời trần ngôn sáo ngữ mà nó nhiều khi được chiết suốt từ những trái tim
đang đau đáu trước những nỗi đau của cuộc đời. Với cảnh tượng bị bạo hành dã man ấy, người
đàn bà mang nỗi đau về thể xác. Mặc dù vậy người đàn bà không chống trả, không van xin,
không chạy trốn. Khi Thúy Kiều bị Tú Bà tra tấn đã phải thốt lên trong đau đớn:
“Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”
Người đàn bà cũng vậy, mụ đâu phải là mình đồng da sắt, là con người bình thường ai mà không
đau được chứ! Thế mà mụ lặng câm chấp nhận đòn roi của chồng như người đi biển chấp nhận
sóng gió vì con. Quả thực, những điều diễn ra là sự tận cùng bạo lực gia đình. Mối quan hệ gia
đình, vốn là một mối quan hệ rất thiêng liêng, cao đẹp nhưng giờ đây đã bị phá vỡ bởi những
hành động bạo lực chồng chất, dã man. Giờ đây thay thế vào cho mối quan hệ thiêng liêng kia là
ngon lửa của lòng hận thù. Thật đau đớn, chua xót biết chứng nào. Con người thật tội nghiệp,
nhỏ bé trước cuộc sống mưu sinh, trước cảnh sống nghèo đói. Cơm áo gạo tiền đã khiến những
người trí thức bị “ghì sát đất,” để sống đời thừa như những thanh sắt bị hoen ghỉ ra giữa cuộc
đời, để họ cứ chết dần, chết mòn, chết khi đang còn sống. Đó là thực trạng đau xót được nhà văn
Nam Cao phản ánh chân thực trong những trang viết của ông về đề tài người trí thức nghèo.
Cũng vì cái đói, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao phải ăn bả chó để bảo toàn
mảnh đất thiêng cho người con trai. Đó là những con người sống trong chế độ cũ, xã hội nửa
thực dân phong kiến phi nhân đạo. Đau đớn thay, nỗi đau về cơm áo gạo tiền còn kéo dài sang
tận chế độ mới, khi hòa bình đã lập lại, đất nước đã thống nhất nhưng cái đói vẫn là mối đe dọa
đến cuộc đời của nhiều người dân trong những năm 80 của thế kỷ XX. Cái nghèo đói đang
mang đến nguy cơ phá hủy những mối quan hệ vốn thiêng liêng và tưởng chừng rất bền chặt.
Đặt ra vấn đề này, Nguyễn Minh Châu đã làm thay đổi bao mắt nhìn, óc nghĩ của mọi người về
cuộc đời, về thân phận của con người bằng tất cả tấm lòng nhân đạo sâu sắc, thấm thía và cảm
động. Như vậy, chiếc thuyền vào gần bờ đã có kết quả hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp của sự
toàn bích, toàn thiện; giờ đây là sự hiện thân của cái xấu, cái ác, cái phi đạo đức. Hình ảnh chiếc
thuyền ở gần là hiện thân của cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn với đói nghèo và bạo lực.
Người nghệ sĩ Phùng như cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, bi kịch trong gia đình
thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu của cái máy ảnh
mà anh dày công sáng tạo nghệ thuật bổng hiện hình một sự thật cuộc sống sót xa. Phùng kinh
ngạc đứng há hốc mồm, vứt máy ảnh định nhảy vào can thiệp. Thiên chức của người nghệ sĩ
không chỉ khám phá, rung động trước cái đẹp mà phải đứng lên chống lại cái ác, cái xấu xa.
Khát vọng giải phóng người đàn bà khỏi đòn roi luôn tồn tại trong lòng Phùng
Chính việc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đã làm thay đổi quan điểm, cách nhìn cuộc đời của
Phùng về nghệ thuật và cuộc đời. Đây cũng là một tình huống mới để câu chuyện phát triển sang
một hướng khác.
Với hai phát hiện ấy Phùng chợt nhận ra rằng cuộc đời không đơn giản một chiều mà chứa nhiều
nghịch lý ngang trái, mâu thuẫn. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, đẹp và xấu thiện và
ác. Ở đây nhà văn khẳng định, cùng một chiếc thuyền nhưng ở hai thời điểm, hai khoảng cách
lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Cuộc đời luôn chứa đựng nghịch lí oái oăm. Cuộc
sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn giữa đẹp –xấu, ác – thiện. Đừng nhầm lẫn
giữa hiện tượng và bản chất, giữa hình thức và nội dung không phải bao giờ cũng trùng khít
nhau. Đừng vội đánh giá con người, sự vật qua hình thức bên ngoài. Nguyễn Minh Châu đã lên
tiếng dõng dạc cần phải bước vào cuộc chiến chống lại cái ác, bạo tàn, xấu xa.
Thành công đầu tiên của tác phẩm phải kể đến việc tác giả đã tạo ra một tình huống nhận thức
mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc sống. Sự chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ là
một sự kiện tạo ra bước ngoặt nhận thức và tình cảm, cảm xúc của nhân vật Phùng. Ngôn ngữ
kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn, tác giả đã chọn ngôi kể thứ nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng,
giúp cho điểm nhìn trần thuật sắc sảo, lời kể trở nên khách quan, chân thực và giàu tính thuyết
phục. Ngôn ngữ nhân vật rất phù hợp với đặc điểm tính cách của từng nhân vật. Xây dựng đối
thoại sinh động hấp dẫn. việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế, tác giả đã khắc
sâu chủ đề- tư tưởng cho tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, sắc sảo tạo
nên một tác phẩm rất đặc sắc giàu sức ám ảnh.
Quả thực, mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích
hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một
trung tâm của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi hình
thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân sinh. Văn học
chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con ngươi,
phẩm mới đạt tới tầm nhân bản. Muốn vậy “Nhà văn chân chính là phải nhân đạo từ trong cốt
tủy” (Sê – Khốp). Chính vì thế, văn học phải hướng tới cuộc sống, phải khơi gợi được những
tình cảm nhân văn cao đẹp, đánh thức được lòng trắc ẩn đang ngủ sâu trong trái tim mỗi người
đọc. Văn chương phải giúp ta người hơn. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định nhà văn
Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính khi tạo ra những trang
viết chan chứa giá trị nhân đạo.

KB
Nói tóm lại, đoạn văn đã thể hiện rất chân thành, sâu sắc những phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh
Phùng, từ đó, tác phẩm đặt ra bao vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ câu chuyện về một
bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời sau bức ảnh, Chiếc thuyền ngoài xa đã đặt ra bao vấn đề
có ý nghĩa triết lí và nhân sinh sâu sắc. Từ đây, ta nhận ra một điều: chuyện cách nhìn đời, nhìn
người như thế nào chưa bao giờ là đơn giản dễ dàng. Phải chăng chỉ có tấm lòng nhân ái, trái
tim mang mối quan hoài thường trực về số phận con người mới giúp con người có cái nhìn sâu
sắc, đúng đắn hơn? Cuộc đời cần lắm những ánh mắt, những điểm nhìn như vậy.
Đề 2: Trong Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung."
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2020, tr. 111)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện
trong đoạn trích.

Bài làm đưa kiến thức llvh vào các phần: MB- TB -KB

MB
"Ngọn gió thơ băng qua rừng, băng qua biển để tìm ra giọng nói cho riêng mình". Nghệ thuật là
lĩnh vực của cái độc đáo, nó không chấp nhận sự sao chép mô phỏng bởi "bình thường là cái
chết của nghệ thuật". Mỗi người nghệ sĩ phải tạo ra cho mình một lối đi riêng không lặp lại
người khác và không lặp lại chính mình. Có như vậy, tác phẩm mới đủ sức neo đậu trong trái
tim người đọc, và người nghệ sĩ mới đủ sức chạm khắc tên mình vào dòng chảy bất tận của thời
gian. Vì lẽ ấy, Tố Hữu luôn dành cho mình một vị trí rất riêng trên thi đàn với những khám phá
độc đáo trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Bài thơ "Việt Bắc" chính là minh chứng tiêu biểu,
chính nhờ những xúc cảm trong tâm hồn đã tạo ra những rung động mạnh mẽ, mãnh liệt trong
cảm xúc Tố Hữu để rồi "Việt Bắc" nở hoa trên trang giấy, hóa thành lòng mạch sâu trong tâm
khảm để nhớ để thương. Hẳn khi đọc "Việt Bắc", người đọc không thể nào thôi say đắm trước
bức tranh tứ bình, đoạn thơ được coi là tuyệt bút của tác phẩm, tập trung khắc họa bức tranh tứ
bình về cảnh và và người Việt Bắc. Một câu nói về thiên nhiên lại đến một câu nói về con
người, cứ thế hòa quyện gắn bó khăng khít. Có thể thấy thi sĩ tạo hình theo lối xây dựng bộ
tranh tứ bình - một hình thức rất phổ biến của nghệ thuật cổ điển. Mà qua đó, thi nhân cũng gửi
gắm lẽ sống ân nghĩa cao cả trong thi phẩm này:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung."
TB
Tố Hữu là nhà thơ lớn, là người tiên phong của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, thơ ông luôn
gắn bó với những chặng đường cách mạng của dân tộc, ông còn được mệnh danh là "ca sĩ" sớm
nhất và cũng là "ca sĩ" lớn nhất trong bản "hợp ca" cách mạng. Phong cách thơ mang tính trữ
tình chính trị vô cùng sâu sắc, hướng đến những cái tôi chung và lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm
vui lớn, cái tôi trong thơ của ông luôn nhân danh Đảng, cộng đồng dân tộc, những vần thơ ấy
vừa giàu nhạc điệu lại mang tính dân tộc đậm đà. Thơ Tố Hữu là những vần thơ thể hiện tiếng
nói của dân tộc, của tâm hồn những con người gắn bó sâu sắc với sự nghiệp Cách mạng, với
quê hương, đất nước. Trong những vần thơ ấy ta sẽ bắt gặp những tình cảm mến thương sâu sắc,
trữ tình, xuất phát từ một trái tim trung thành với dân tộc và nhân dân, và tiêu hơn cả là bài thơ
"Việt Bắc. "Sức hút lớn nhất của thơ Tố Hữu là chất men say của lý tưởng cách mạng, chất trữ
tình ngọt ngào thương mến qua những vần thơ đậm đà tính dân tộc. Bài thơ "Việt Bắc"
(10/1954) là khúc tình ca tha thiết mặn nồng của người cán bộ với quê hương cách mạng Việt
Bắc, là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp". Còn nhớ, ngày 13/3/1954, ta bắt đầu tấn
công Điện Biên Phủ, và
"Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn"
Trưa ngày 7/5/1954, ta đã giành thắng lợi vẻ vang:
"Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"
Những nụ cười, giọt nước mắt, biết bao người mẹ vừa hạnh phúc, vừa nghẹn ngào vì con trai
mình đã góp máu xương để non sông được độc lập, biết bao người vợ nhớ chồng, biết bao đứa
trẻ được tự hào vì cha ông.
"Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Tên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!"
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)
"Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại
một lần thế giới được tạo lập" (Marcell Proust) Quả thật vậy! Tố Hữu đã mang theo một luồng
gió mới đến cho nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Đó là một Tố Hữu với phong cách thơ trữ
tình - chính trị với giọng điệu ngọt ngào tha thiết chân thành. Từ một sự kiện chia tay mang tính
lịch sử trở thành cuộc chia tay của hai người yêu nhau đầy luyến lưu bịn rịn. Bao cảm xúc dồn
nén, bao nhiêu nỗi nhớ chất chồng để rồi những vần thơ đẹp nhất về thiên nhiên và con người
Việt Bắc ra đời. Mở đầu cho đoạn thơ là lời khẳng định về nỗi nhớ da diết và tình cảm thủy
chung của người ra đi dành cho quê hương Việt Bắc:
"Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người"
Sợi nhớ, sợi thương cứ thế mà hòa quyện, đan cài như tiếng gọi 'ta - mình" của đôi lứa yêu nhau,
làm cho giọng thơ trở nên tha thiết bồi hồi như tiếng hát giao duyên thuở nào. Đó là sắc điệu trữ
tình và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
Điệp ngữ "ta về" mở đầu cho hai câu thơ như đặt ra những nỗi niềm của người ra đi. Cái đẹp của
câu thơ là hình ảnh "hoa cùng người", phải chăng con người là một bông hoa trong vườn hoa
Việt Bắc, hay hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc, còn người là toàn thể nhân dân
nơi đây, tuy nghèo khó lam lũ nhưng đậm đà lòng son. Hoa và người khi thì quấn quýt, khi thì
tách rời để tôn vinh nét riêng biệt, độc đáo nơi đây. Đến đây, ta chợt nhớ về ba lần xuất hiện của
"hoa" trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng. Sự gắn kết giữa "hoa" và "người" luôn đọng lại
một cách đặc biệt trong lòng người nghệ sĩ.
Khung cảnh Việt Bắc mở ra trong nỗi nhớ của người ra đi là bức tranh thiên nhiên mùa đông với
sự hòa phối màu sắc tuyệt vời:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng"
Thiên nhiên Việt Bắc mở ra khiến cho người đọc ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp rất trữ tình của núi rừng
Tây Bắc. Mùa đông với màu xanh tha thiết, ngút ngàn của núi rừng trùng điệp hiện lên đầu tiên.
Điểm xuyết trên cái nền màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, là màu hoa chuối đỏ tươi đang
nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. bông hoa như những bó đuốc thắp sáng tạo nên một bức
tranh với đường nét, màu sắc đối lập, vừa hài hòa, vừa cổ điển lại hiện đại. Cái màu "đỏ tươi",
gam màu ấm nóng của hoa chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng làm cho thiên
nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh
giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Trong các gam màu, màu xanh và đỏ luôn là những gam màu có
sức ảnh hưởng lớn. luôn dẫn đầu để tạo ra sự nổi bật, tưởng như đối nghịch nhưng lại rất hài
hòa. Chúng đi cùng nhau, nâng đỡ nhau, thắm thiết với nhau như những người chiến sĩ và nhân
dân Việt Bắc luôn cần có nhau. Câu thơ làm ta liên tưởng đến màu đỏ của hoa lựu trong thơ
Nguyễn Trãi:
"Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"
Từ liên tưởng ấy, mùa đông trong thơ Tố Hữu cũng lan tỏa hơi ấm của mùa hè chứ không lạnh
lẽo hoang sơ, không u uất buồn bã, bởi màu đỏ của hoa chuối cũng như đang phun trào như bó
đuốc sáng trong đêm hay tia mặt trời buổi sớm. Sự rực rỡ ấy xua tan bao nhiêu giá lạnh, tạo nên
bao nhiêu ấm nồng.
Cùng hiện lên với sự lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm
nương, phát rẫy sản xuất lương thực phục vụ kháng chiến. Trước thiên nhiên bao la, con người
càng trở nên kì vĩ, hùng tráng hơn. Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt mà chớp lấy một
nét miêu tả sáng rực nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng ngang lưng. Ở đây câu
thơ vừa mang ngôn ngữ thơ vừa mang ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Con người ấy đã xuất
hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất "đèo cao". Con người khỏe khoắn, mạnh mẽ và chủ động
như đang chiếm lĩnh đỉnh cao, chiếm lĩnh núi rừng, tự do làm chủ đất nước. Tinh thần ấy từng
được bắt gặp trong thơ của Nguyễn Đình Thi:
"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta"
Đấy là tư thế làm chủ đầy kiêu hãnh và vững chãi giữa nắng vàng, giữa trời cao bao la và rừng
núi mênh mông. Con người ấy đã trở thành tâm điểm, trở thành linh hồn của bức tranh mùa
đông Việt Bắc.
Đây cũng là tư thế của người lính trong bài "Lên Tây Bắc" mà Tố Hữu đã ngợi ca:
"Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh núi cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với núi đèo."
Hơn thế nữa, hình ảnh "dao gài thắt lưng" còn thể hiện nét đẹp trong lao động của con người
Việt Bắc, có sự ấm áp của nắng, có sự hoạt động của con người, tất cả cùng cộng hưởng làm nên
vẻ đẹp thi vị, thơ mộng.
Bức tranh mùa đông dần lùi về phía sau, nhường chỗ cho mùa xuân đến với sức sống mới của cỏ
cây, hoa lá, của trăm loài đang cựa mình thức dậy sau mùa đông dài. Xuân tới, quy luật tất yếu
của thiên nhiên, nhưng chính quy luật ấy đã mở ra cho con người được chiêm ngưỡng cảnh sắc
thiên nhiên độc đáo. Không gian mùa xuân Việt Bắc bừng sáng trong sắc hoa mơ:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"
"Trắng rừng" được viết theo phép đảo ngữ và từ "trắng" được dùng như động từ có tác dụng
nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, làm bừng sáng
cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Động từ "nở" làm sức
sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống. Đây không phải là lần đầu tiên Tố Hữu viết về màu
trắng ấy, năm 1941 Việt Bắc cũng đón Bác Hồ về trong màu trắng hoa mơ:
"Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về lặng im con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ"
Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động
"chuốt từng sợi giang". Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Biết bao sản
phẩm thủ công tinh xảo đã ra đời từ đôi bàn tay của người vùng cao nơi đây. Sự khéo léo ấy đã
được nhà thơ Y Phương nhắc đến trong bài thơ "Nói với con":
"Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát."
Đằng sau mùa xuân tinh khiết, nhẹ nhàng, thơ mộng ấy, con người hiện lên thật tự nhiên trong
công việc hàng ngày. Từ "chuốt" và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay vô cùng khéo léo,
nhanh nhẹn, tỉ mẩn và chăm chút. Đó cũng chính là phẩm chất tần tảo, chịu thương chịu khó của
con người Việt Bắc.
Trong bức tranh tứ bình về Việt Bắc, nhiều người cho rằng mùa hè đẹp nhất bởi nó có sự kết
hợp cả hình ảnh và âm thanh, thỏa mãn thị giác và thính giác, đẹp bởi sự hòa quyện giữa vẻ đẹp
cổ điển và hiện đại, tạo ra một chuỗi vận động liên hoàn:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Âm thanh của tiếng ve làm không gian ngày hè trở nên rộn rã, náo nức, vui tươi. Tiếng ve kêu
gọi mùa hè rất tinh tế, không chỉ thể hiện được nhịp bước của thời gian từ xuân sang hè mà còn
diễn tả được sự chuyển đổi màu sắc. Trong thơ ca, cũng không hiếm những nhà thơ nói lên sự
vận động của thời gian qua sự thay đổi của màu sắc. Đó là Xuân Diệu trong bài "Đây mùa thu
tới":
"Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh"
Hay đó là Nguyễn Bính trong bài "Tương tư"
"Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"
Nếu từ "rũa" thể hiện quá trình xâm lấn dần, sắc đỏ đang bào mòn màu xanh, từ "nhuộm" diễn tả
quá trình ấy đã hoàn tất, thì từ "đổ" lại chứng tỏ một sự vận động nhanh chóng, đồng loạt từ
xanh sang vàng. Cả cánh rừng Việt Bắc trở nên lung linh, lộng lẫy bởi cái màu vàng trải dài,
kiêu sa đầy bắt mắt.
Hình ảnh cô gái "hái măng một mình" là linh hồn của bức tranh mùa hè. Cách gọi "cô em gái"
nghe thật thân thương, gần gũi như anh em ruột thịt trong gia đình. Cô gái ấy đang "một mình"
mirtj mài trong lao động "hái măng", âm thầm, lặng lẽ góp sức mình cho cuộc kháng chiến từ
những điều bình dị, nhỏ bé. Đó là những con người bình dị mà cao cả "Không ai nhớ mặt đặt
tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước". (Nguyễn Khoa Điềm)
Khép lại bức tranh tứ bình là khung cảnh mùa thu tươi đẹp:
"Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"
Không phải ngẫu nhiên mà bức tranh tứ bình trong thơ Tố Hữu lại phá lệ trật tự thông thường,
không đi theo trình tự thời gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà lại mở ra với mùa đông và khép
lại bằng mùa thu. Đây được xem như bản tổng kết bằng thơ trong chín năm kháng chiến, mùa
đông là hiện thân cho quá khứ, thời gian mở đầu cuộc kháng chiến với bao gian khó, thử thách
và mùa thu là thời điểm hiện tại, thời điểm chiến thắng của cuộc kháng chiến oanh liệt và vĩ đại.
Mùa thu được thể hiện với vầng trăng tròn vành vạnh, với ánh sáng dịu mát gợi lên vẻ thanh
bình, yên ả. Đó là ánh trăng của hòa bình, của niềm vui, của niềm hạnh phúc lan tỏa. Ánh trăng
cũng như hiểu lòng người, đang hòa mình vào niềm vui chiến thắng của con người.
Mùa thu ngọt ngào, trọn vẹn bởi "Tiếng hát ân tình thủy chung" trong cảm xúc "nhớ ai" của
người ra đi. "Tiếng ai" là lời đồng vọng của con người Việt Bắc, những con người khổ cực lam
lũ song không quên đi nghĩa tình gắn bó, sống anh dũng không sờn lòng nản chí. Tiếng hát cất
lên vang vọng giữa núi rừng dưới ánh trăng thanh bình thơ mộng như tô đậm cảm xúc vui tươi,
hồ hởi, niềm hạnh phúc hân hoan của con người trong ngày chiến thắng.
Đoạn thơ được đánh giá là tuyệt bút của bài thơ, tập trung khắc họa bức tranh tứ bình về cảnh và
người Việt Bắc. Một câu nói về thiên nhiên, lại đến một câu nói về con người cứ thế hòa quyện,
gắn bó khăng khít. Cảnh vật làm nền cho con người, thổi hồn vào cảnh vật tạo ra vẻ đẹp đặc
trưng riêng cho không gian nơi đây. Có thể thấy ngay thi sĩ tạo hình theo lối xây dựng bộ tranh
tứ bình - một hình thức rất phổ biến của nghệ thuật cổ điển. Hoa và người soi chiếu cho nhau,
tôn vinh lẫn nhau. Bức tranh dường như đã tái hiện trọn vẹn đầy đủ nhịp vận hành luân chuyển
của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Bên cạnh đó là vẻ đẹp của những con người nơi đây, tuy
nghèo khổ nhưng cần cù, chịu thương chịu khó, sống tình nghĩa, thủy chung, son sắt với Cách
mạng. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ là sức sống của thơ ca. Sáng tạo là kết quả của quá trình
dẫn thân, nhập cuộc, tích lũy, hun đúc, một tiến trình cọ xát dữ dội. Sáng tạo nghệ thuật cần có
yếu tố thẩm mỹ, tính chân thực cao, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người
đọc. Bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo, một sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ.
Và chính sự sáng tạo ấy đã giúp tác phẩm trở nên độc đáo, ghi đậm dấu ấn trong lòng người đọc.
Vì lẽ ấy, Tố Hữu với sự sáng tạo của mình đã giúp "Việt Bắc" có một chỗ đứng riêng trên thi
đàn thơ ca kháng chiến, đặc biệt là tính hiện đại được thể hiện trong bức tranh tứ bình. Để làm
được điều này, yêu cầu "nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc
đời của mình cũng có nhụy” (Phạm Văn Đồng), đoạn trích nói riêng và bài thơ nói chung đã rất
thành công khi sử dụng thể thơ lục bát, tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng, trầm bổng mà lắng sâu
trong lòng người đọc. Đây chính là một sự khéo léo tạo nên thành công của bài thơ chính trị mà
trữ tình, dạt dào cảm xúc này. Cùng với đó là biệt tài vận dụng lối hát giao duyên đối đáp nam
nữ của dân ca, vì vậy thường sử dụng lối xưng hô thân mật rất quen thuộc là mình - ta. "Ta"
thường dùng ở ngôi thứ nhất. "Mình" thường dùng ở ngôi thứ hai. Tùy theo văn cảnh, ta và
mình có thể là Việt Bắc hay người cán bộ về xuôi. Nhưng nhiều lúc lẫn lộn, tuy hai mà một vì
mình hay ta cũng đều là người cách mạng, cũng đều là ân tình sâu nặng với nhau "tuy hai mà
một". Dù là kết cấu đối đáp, nhưng ở "Việt Bắc" không chỉ là lời nói, lời đáp mà còn là sự hô
ứng, đồng vọng của cùng một tâm trạng. Lời đáp, ngoài việc trả lời cho những câu hỏi, còn là sự
mở rộng, làm phong phú thêm cho những ý tình đã được gợi ra trong lời hỏi. Cũng có khi cả lời
hỏi và lời đáp đã trở thành lời đồng vọng ngân vang lên những tình cảm chung. Lách sâu kết cấu
của bài thơ, người đọc còn thấy được đối thoại chỉ là lớp vỏ ngoài còn ở chiều sâu bên trong
chính là lời độc thoại. Hình thức độc thoại là khả năng phân thân của cái "tôi" trữ tình để hóa
thân vào đối tượng, khiến tâm trạng được thể hiện sâu sắc dễ lay động lòng người hơn.
Nỗi nhớ và tình cảm của cán bộ kháng chiến dành cho thiên nhiên và con người Việt Bắc là biểu
hiện của lẽ sống ân nghĩa trong dân tộc Việt Nam ta. Qua việc sử dụng câu từ hàm súc, ngôn
ngữ giản dị, hình ảnh cụ thể mà ý nghĩa thật vô cùng sâu sắc, thi phẩm đã gợi ra cho thế hệ đi
sau phải biết nhớ ơn những ai đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống. Suy rộng ra là
con cháu vua Hùng, thuộc dòng dõi Lạc Hồng, ta phải biết tự hào về truyền thống đấu tranh anh
dũng của dân tộc. Thừa hưởng cuộc sống tự do, thanh bình phải biết khắc ghi công ơn của các
anh hùng liệt sĩ, khi "bưng bát cơm đầy", ta phải cảm hiểu "muôn phần đắng cay" của những
người nông dân... Không chỉ biết ơn đối với những lớp người đi trước, ta còn phải ý thức quý
trọng giữ gìn những giá trị mà quá khứ đã tạo nên bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu, tiếp
tục phát triển các thành quả của quá khứ. Nói như Bác: "Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Trong tương lai, hãy đem tài năng của mình ra xây
dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh đó chính là cách "trả ơn" quý báu nhất. Để từ
đó khéo léo nhắc nhở, cảnh tinh những kẻ còn có lối sống bất nghĩa vô ơn. Mặc dù trái qua bao
thâm trầm của thời đại, giá trị bài học về lòng ân nghĩa, thủy chung của Tố Hữu gửi gắm trong
bài "Việt Bắc" vẫn sống mãi với thời gian...Đọc lại thi phẩm, ta không khỏi tự nhủ với lòng
mình. Không bao giờ trở thành kẻ sống thiếu trách nhiệm đối với xã hội, sống và làm việc xứng
đáng với đạo lí và truyền thống dân tộc, sống chân thành trọn nghĩa trọn tình, có trước có sau.
“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…”
(Trích Xuân ca 61 – Tố Hữu)
KB
Không giống như một tác phẩm văn học chỉ giúp chúng ta thấy được một góc nhỏ của cuộc sống
đời thường hoặc chỉ tập trung khắc họa một nhân vật cụ thể nào đó; bài thơ Việt Bắc của nhà thơ
Tố Hữu lại giúp người đọc “thấy” được, cảm nhận được những gì đẹp nhất, tự hào nhất của cả
dân tộc Việt Nam. Bài thơ có thể được ví như một bản nhạc da diết, tha thiết; cũng có thể được
ví như một khúc tình ca và trường ca tráng lệ về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp oanh
liệt và về cả những con người đã hy sinh, quên mình vì sự độc lập tự do của nước nhà. Qua bài
thơ Việt Bắc, Tố Hữu cũng đã bộc lộ những tình cảm chân thành nhất với người dân nơi chiến
khu, những cán bộ cách mạng đã dốc hết lòng thành cùng nhiệt huyết vì sự nghiệp giải phóng
dân tộc. Bài thơ cũng chứa đựng thông điệp rằng những thế hệ sau này không được quên ơn các
vị anh hùng đã ngã xuống hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, phải khắc ghi trong tâm khảm
những trang sử hào hùng đẫm máu và nước mắt của ông cha.
Đề 3: Phân tích sức sồng tiềm tàng của Mị trong đêm mùa đông, cắt dây cởi trối cho A
Phủ. Từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài.

Bài làm đưa kiến thức llvh vào các phần: MB- TB
MB
Nhà phê bình văn học Lê Ngọc Trà từng cho rằng: “Một tác phẩm văn học chân chính, phải là
tiếng nói của sự vĩ đại, là lời ca của sự thương yêu, là lời dặn dò về hạnh phúc và là lời nhắn gửi
tâm tư nội tại”. Mỗi trang văn và vầng thơ hữu hình nơi cuộc sống hiện thực, tựa như kết tinh
của muôn triệu “làn gió” quý, nó men theo mọi ngỏ ngách của cuộc sống và thổi vào tâm thức
của bạn đọc những bài học đầy sâu sắc về cuộc sống, về tình yêu và về lòng nhân ái. Mỗi trang
viết kết thúc là một cuộc đời bất hạnh được cứu sống, đó là quyền hạn cao thượng của văn
chương, là sức mạnh vĩ đại mà văn chương đem đến cuộc sống. Và nhà văn Tô Hoài đã làm
được điều đó với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Nổi bật là hình tượng nhân vật Mị trong đêm
mùa đông – cắt dây cởi trối cho A Phủ. Qua đó, Tô Hoài như muốn nhắn gửi đến bạn đọc tiếng
nói của lòng nhân đạo.
TB
Nhà văn Tô Hoài – ông bụt của những tâm hồn trẻ thơ bé bỏng, tên khai sinh là Nguyễn Sen, là
một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về những phong tục
tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Thành công nhất của ông là những tác
phẩm viết về hiện thực cuộc sống của vùng núi Tây Bắc. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được
in trong tập “truyện Tây Bắc” và là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài.
Những trang viết “Vợ chồng A Phủ” là những trang văn đầy bình dị, nhưng lại vô cùng sâu sắc
và lay động bao tâm hồn bạn đọc. Câu truyện xoay quanh cuộc sống của cô gái xinh đẹp và ưu
tú của vùng núi – Mị, chịu nhiều thống khổ khi phải trở về làm dâu gạt nợ và hành trình mà cô
gái tự vượt thoát giải cứu cuộc đời mình khỏi gia đình nhà Thống Lí. Tác phẩm đã cất tiếng nói
bình đẳng về quyền sống và quyền được hạnh phúc của những cô gải trẻ và những người dân
miền núi.
Hòa mình vào những trang văn của Tô Hoài, chắc hẳn bạn cũng như tôi, không thể nào quên
một hình ảnh cô Mị vô cùng xinh đẹp và vô cùng tài năng, với những phẩm chất đạo đức cao
đẹp. Nhưng vì xã hội, tiền quyền, thần quyền và cường quyền đã đẩy Mị rơi vào cuộc sống con
dâu gạt nợ đọa đày, Mị bị tê liệt về tinh thần. Nhưng không khí ngày xuân, tiếng sáo gợi tâm
tình và men rượu dẫn đường đã giúp Mị sống dậy về tình thần và về sức sống, nhưng khi A Sử
trở về đã dập tắc ngọn lửa khát vọng ấy bên trong Mị và trối đứng Mị trên cây cột đứng ở góc
nhà.
Ngay sau sự kiện đêm tình mùa xuân, thì Mị đã quay trở lại trạng thái bị tê liệt, tê dại về tinh
thần, nhưng lần này có lẽ còn nặng nề hơn trước nữa “suốt mấy ngày Mị càng không nói cũng
không nghĩ ngợi gì thêm nữa”. Cô Mị đã trở nên phớt lờ và lặng im trước những gì diễn ra trong
cuộc sống của mình và ghì chặt lòng mình trong bóng tối kín mít. Có lẽ, giờ đây tâm hồn của Mị
một lần nữa bị băng hoại bởi thực tại hiện hữu, thứ đã chi phối cả sức sống trong Mị.
Dẫu là như thế, dẫu cho tâm hồn Mị giờ bị tê liệt một cách nghiêm trọng cách mấy, tê dại cách
mấy, băng hoại đến thế nào đi chăng nữa. Nhưng với tấm lòng nhân đạo của một nhà văn vĩ đại,
như Sê – Khốp từng cho rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong
cốt tủy”, Tô Hoài đã không chấp nhận để Mị phải rơi vào cảnh khổ cùng tuyệt vọng đến thế, một
lần nữa trong trang viết của ông, Mị đã được tỉnh thức khát vọng sống, sức sống tiềm tàng. Vậy
nguyên nhân cho sự sống dậy kì diệu ấy là từ đâu? Trước hết đó là tình huống gặp gỡ của Mị và
A Phủ – người ở gạt nợ của nhà Thống Lí, vì mang tội đánh con quan nên anh bị bắt trở thành
người ở để gạt nợ, trong một lần vì mãi mê bẫy nhím, nên A Phủ đã bị hổ vồ mất một con bò vì
nhà Thông Lí bắt về trối đứng trên cây cột nhà, trối đên khi nào bắt được hổ về thì mới thả ra,
còn không thì chỉ trối đứng suốt ở đấy mà chờ ngày rủ xương.
Trong những đêm mùa đông rất dài và lạnh trên núi cao Mị đã ra lò sưởi để hơ tay và hơ lưng,
đối với Mị giờ đây chỉ còn là ngọn lửa và chỉ biết sống với ngọn lửa. Trong lúc hơ tay, hơ lưng
thì ngọn lửa bập bùng phản phất nên một hình bóng và Mị nhìn thấy A Phủ, nhưng Mị lại không
quan tâm và nếu “A Phủ có là cái xác chết đứng đấy thì cũng thế thôi”, Mị không ngó ngàng
cũng không để tâm đến sự sống chết của A Phủ. Phải chăng lúc này, khi mà sự tê liệt về tinh
thần nó đã ăn sâu đến mức băng hoại đi lòng thương người nơi tâm hồn Mị, nó kìm hãm và
giam cầm hơi ấm lòng người ở nơi Mị, cướp đi một cô gái từng biết sống vì người khác – vì cha,
khi ở lâu trong cái khổ, “quen khổ” đến mức hững hờ vô tâm trước một số phận bi kịch.
Tuy vậy, dù cho thế nào đi chăng nữa thì sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn một lần nữa trỗi dậy,
lần này là một nguyên nhân vô cùng đặc biệt, không còn là những tác động tích cực từ ngoại
cảnh, hay tiếng sáo bổi hổi bồi hồi gợi tâm tình hay là men rượu dẫn đường đưa lối nồng nàn và
say sưa, mà lần này là “hai dòng nước mắt lấp lánh leo xuống hai hỏm má xám đen lại của A
Phủ”, thần chết đã gọt giũa những nét vẽ đầu tiên, những nét tiều tụy mất hồn và mệt nhoài vì
khát, vì đói trên khuôn mặt của A Phủ. Chính vì nguyên nhân ấy, mà sức sống tiềm tàng trong
Mị đã một lần nữa sống dậy mạnh mẽ.
Sự sống lại về tinh thần ấy đã giúp Mị từ cõi quên sang cõi nhớ, nhìn dòng nước lấp lánh của A
Phủ, Mị nhớ về ký ức đau khổ của cuộc đời mình “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trối Mị,
Mị cũng phải trói đứng như thế kia, nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ,
không biết lau đi được”. Người kia giống hệt như mình, cũng phải trối đứng thế kia, nước mắt
cũng chảy ra thế kia, nhìn dòng nước mắt ấy mà Mị nhớ đến dòng nước mắt của chính mình,
nhớ lại cái cảm giác đau khổ của cuộc đời mình, Mị càng thấy xót xa cho chính mình, thương
cho mình và tội nghiệp cho chính mình. Từ chỗ thương cho mình sẽ rất dễ đồng cảm và thương
cho người đồng cảnh ngộ với mình. Lúc này, Mị đã không còn ở trong cái trạng thái bị tê liệt về
tinh thần nữa, giờ đây cô gái ấy đã thắp sáng và hồi sinh lại khu vườn rực rở trong tâm hồn
mình.
Và cũng từ ấy đã giúp Mị từ cõi vô thức sang cõi ý thức, Mị đã dần sống lại những ý thức,
những ý niệm về cuộc sống và về mọi việc đang diễn ra, Mị đã bắt đầu phán đoán khi nhìn thấy
hai hỏm má đã xám đen lại của A Phủ “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau,
chết đói , chết rét, phải chết” phán đoán chính là biểu hiện của sự sống dậy về ý thức, nghĩ đến
cái chết của A Phủ thì Mị thấy thương lắm, đã thương vì anh ta đồng cảnh với mình rồi, nghĩ
đến việc anh ta phải chết thì càng thương hơn.
Tình thương ấy, càng lúc càng lớn dần hơn nữa, lến đến mức còn hơn cả thương thân. Chính vì
thế mà Mị đã có sự so sánh “ta là thân đàn bà, nó đã cúng trình ma cho nhà nó rồi, thì chỉ biết
chờ ngày rủ xương ở đây thôi. Nhưng người kia việc gì phải chết...”, chỉ mới đây thôi Mị còn vô
cảm trước sự sống chết của A Phủ, nhưng giờ thì cho rằng A Phủ không đáng phải chết, hơn cả
là Mị tưởng tượng bản thân trong một tình huống giả tưởng “biết đâu A Phủ chẳng may đã trốn
thoát, rồi lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị đã cởi trối cho A Phủ, Mị liền phải trối thay vào đấy,
Mị phải chết trên cột đấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Và rõ
ràng, tình thương người trong Mị đã lấn át đi tình thương thân, nó đã dâng trào một cách vô
cùng mạnh mẽ, mạnh đến mức nghĩ đến việc phải chết thay cho A Phủ, Mị cũng không thấy sợ
thì quả thực là dũng cảm và đầy cao cả. Tình thương người nơi tâm hồn Mị làm ta nhớ đến tình
thương người ở nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Khi Tràng
gặp Thị ở chợ tỉnh, cũng với dáng hình tiều tụy, hốc hác, mất hồn Tràng đã động lòng thương
mà đãi thị bốn bát bánh đúc giữa cái nạn đói khủng khiếp, rồi cưu mang thị, cưới thị làm vợ. Từ
đấy ta mới thấy rằng quan điểm của nhà văn Andersen khi cho rằng: “Mỗi trang viết, mỗi một
câu chuyện phải là một sức sống được thức tỉnh trong lòng người đọc, anh phải cho người đọc
một tình thương rộng lớn giữa cuộc sống đầy tăm tối.” là vô cùng đúng đắn. Đó là trách nhiệm
đầy thiêng liêng và cao cả của người cầm bút, anh phải thức tỉnh lương tri nơi tâm hồn độc giả.
Quay trở lại với tình thương người của Mị, vì thương quá cho nên từ thương người, càng thương
người cho đến thương người hơn cả thương thân, nên Mị đã có hành động để thỏa mãn tình
thương ấy – một hành động vô cùng táo bạo, bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lí “trong bóng tối,
Mị rón rén bước lại...Mị rút con dao nhỏ cắt lúa cắt dây mây... thì thào một tiếng “đi ngay” ”.
Sau đó, khi A Phủ đã chạy thoát, thì chỉ còn lại Mị, Mị rơi vào trạng thái hốt hoảng và sợ hãi,
khi A Phủ đi – tình thương người cũng đã được thỏa mãn, thì chỉ còn lại là tình thương thân và
vì thương mình nên Mị cảm thấy sợ hãi, Mị đứng lặng im trong bóng tối, nỗi sợ càng lúc càng
lớn dần, và Mị đã có sự đấu tranh tư tưởng giữa đi – là hạnh phúc, là vui sướng bất tận, với ở lại
– là khổ đau, là đọa đày. Chính nỗi sợ của Mị đã thúc đẩy Mị có bản năng tự vệ tích cực, có đủ
sức mạnh để vượt thoát và Mị đã bỏ chạy theo A Phủ để giải cứu cuộc đời mình, chấm dứt một
chuỗi dài làm con dâu gạt nợ khổ cực ở nhà Thống Lí. Để giành lấy sự sống, buộc Mị phải tự
mình giành lấy, chứ không trông chờ vào một thế lực nào khác từ bên ngoài. Và Mị đã cùng A
Phủ dìu dắt nhau đi từ thung lũng đau thương để đến cánh đồng vui.
Giây phút Mị cắt dây cởi trối cho A Phủ cũng chính là khoảnh khắc mà Mị đã đủ dũng khí để tự
cắt sợi xiêng xích chính bản thân mình với nhà Thống Lí và chiến thắng thực tại hiện hữu bên
trong mình và vẫy vùng giữa bầu trời tự do mà bản thân vốn được tự tại bay lượn. Viết về hình
ảnh cô Mị như thế, với một tấm lòng nhân đạo vô cùng sâu sắc Tô Hoài đã thực lay động trái
tim người đọc. Thông qua trang viết của mình, Tô Hoài đã thể hiện tấm lòng thương xót, sự
đồng cảm sẻ chia với số phận đáng thương tội nghiệp – trở thành cô dâu gạt nợ, bị đọa đày tước
đi quyền sống và quyền hạnh phúc. Đồng thời, tác giả còn nâng niu, trân trọng, ca ngợi sức sống
tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật Mị luôn khát vọng và hướng tới một cuộc sống hạnh phúc.
Không những vậy Tô Hoài còn thể hiện thái độ lên án tố cáo xã hội mà tiền quyền, thần quyền
lên ngôi coi thường hạnh phúc của con người, phê phán bọn chủ nô phong kiến như nhà Thống
Lí. Chính vì vậy mà Tô Hoài đã chỉ ra lối thoát cho nhân vật đó là theo cách mạng để đứng lên
đấu tranh đòi lại quyền bình đẳng và công bằng cho những kiếp sống như Mị và A Phủ.
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, đã phản ánh lên hiện thực vùng núi với
chế độ phong kiến, chúa đất đã bốc lột người dân dưới hình thức cho vay nặng lãi, buộc con
người lao động nghèo khổ vào vòng nô lệ, tố cáo sự chà đạp lên tình yêu và hạnh phúc, phẩm
giá của con người, gắn con người vào vòng mê tín thần quyền, làm cho họ phải bất lực, cam
chịu.
Để làm được những điều đó, tất cả đều xuất phát từ tài năng của người nghệ sĩ Tô Hoài. Bằng
ngòi bút hiện thực, tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, lối trần thuật uyển chuyển, linh
hoạt, cách giới thiệu nhân vật bất ngờ, tự nhiên, ấn tượng. Lời kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tinh
tế, khéo léo, biệt tài miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân miền núi. Ngôn ngữ
sinh động, chọn lọc sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ.
Nếu được chọn loài hoa đẹp nhất, tôi sẽ chọn cánh hồng còn e ấp trong sương đêm, nếu được
chọn âm thanh cao nhất, tôi sẽ chọn tiếng hót cao vút của loài chim họa mi và nếu được chọn bài
ca tuyệt nhất, tôi sẽ chọn văn chương, những trang văn và vầng thơ ngân vang tim ta những giá
trị sâu sắc về cuộc sống. Cảm ơn nhà văn Tô Hoài đã gửi đến bạn đọc những trang viết đầy tuyệt
vời như “Vợ chồng A Phủ” đặc biệt là gửi đến bạn đọc một hình ảnh cô Mị với sức sống tiềm
tàng trỗi dậy trong đêm mùa đông.
(Bài của Nguyễn Phú Hào)
Nhà phê bình văn học Lê Ngọc Trà từng cho rằng: “Một tác phẩm văn học chân chính, phải là
tiếng nói của sự vĩ đại, là lời ca của sự thương yêu, là lời dặn dò về hạnh phúc và là lời nhắn gửi
tâm tư nội tại”. Mỗi trang văn và vầng thơ hữu hình nơi cuộc sống hiện thực, tựa như kết tinh
của muôn triệu “làn gió” quý, nó men theo mọi ngỏ ngách của cuộc sống và thổi vào tâm thức
của bạn đọc những bài học đầy sâu sắc về cuộc sống, về tình yêu và về lòng nhân ái. Mỗi trang
viết kết thúc là một cuộc đời bất hạnh được cứu sống, đó là quyền hạn cao thượng của văn
chương, là sức mạnh vĩ đại mà văn chương đem đến cuộc sống. Và nhà văn Tô Hoài đã làm
được điều đó với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Nổi bật là hình tượng nhân vật Mị trong đêm
mùa đông – cắt dây cởi trối cho A Phủ. Qua đó, Tô Hoài như muốn nhắn gửi đến bạn đọc tiếng
nói của lòng nhân đạo.
Nhà văn Tô Hoài – ông bụt của những tâm hồn trẻ thơ bé bỏng, tên khai sinh là Nguyễn Sen, là
một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về những phong tục
tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Thành công nhất của ông là những tác
phẩm viết về hiện thực cuộc sống của vùng núi Tây Bắc. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được
in trong tập “truyện Tây Bắc” và là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài.
Những trang viết “Vợ chồng A Phủ” là những trang văn đầy bình dị, nhưng lại vô cùng sâu sắc
và lay động bao tâm hồn bạn đọc. Câu truyện xoay quanh cuộc sống của cô gái xinh đẹp và ưu
tú của vùng núi – Mị, chịu nhiều thống khổ khi phải trở về làm dâu gạt nợ và hành trình mà cô
gái tự vượt thoát giải cứu cuộc đời mình khỏi gia đình nhà Thống Lí. Tác phẩm đã cất tiếng nói
bình đẳng về quyền sống và quyền được hạnh phúc của những cô gải trẻ và những người dân
miền núi.
Hòa mình vào những trang văn của Tô Hoài, chắc hẳn bạn cũng như tôi, không thể nào quên
một hình ảnh cô Mị vô cùng xinh đẹp và vô cùng tài năng, với những phẩm chất đạo đức cao
đẹp. Nhưng vì xã hội, tiền quyền, thần quyền và cường quyền đã đẩy Mị rơi vào cuộc sống con
dâu gạt nợ đọa đày, Mị bị tê liệt về tinh thần. Nhưng không khí ngày xuân, tiếng sáo gợi tâm
tình và men rượu dẫn đường đã giúp Mị sống dậy về tình thần và về sức sống, nhưng khi A Sử
trở về đã dập tắc ngọn lửa khát vọng ấy bên trong Mị và trối đứng Mị trên cây cột đứng ở góc
nhà.
Ngay sau sự kiện đêm tình mùa xuân, thì Mị đã quay trở lại trạng thái bị tê liệt, tê dại về tinh
thần, nhưng lần này có lẽ còn nặng nề hơn trước nữa “suốt mấy ngày Mị càng không nói cũng
không nghĩ ngợi gì thêm nữa”. Cô Mị đã trở nên phớt lờ và lặng im trước những gì diễn ra trong
cuộc sống của mình và ghì chặt lòng mình trong bóng tối kín mít. Có lẽ, giờ đây tâm hồn của Mị
một lần nữa bị băng hoại bởi thực tại hiện hữu, thứ đã chi phối cả sức sống trong Mị.
Dẫu là như thế, dẫu cho tâm hồn Mị giờ bị tê liệt một cách nghiêm trọng cách mấy, tê dại cách
mấy, băng hoại đến thế nào đi chăng nữa. Nhưng với tấm lòng nhân đạo của một nhà văn vĩ đại,
như Sê – Khốp từng cho rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong
cốt tủy”, Tô Hoài đã không chấp nhận để Mị phải rơi vào cảnh khổ cùng tuyệt vọng đến thế, một
lần nữa trong trang viết của ông, Mị đã được tỉnh thức khát vọng sống, sức sống tiềm tàng. Vậy
nguyên nhân cho sự sống dậy kì diệu ấy là từ đâu? Trước hết đó là tình huống gặp gỡ của Mị và
A Phủ – người ở gạt nợ của nhà Thống Lí, vì mang tội đánh con quan nên anh bị bắt trở thành
người ở để gạt nợ, trong một lần vì mãi mê bẫy nhím, nên A Phủ đã bị hổ vồ mất một con bò vì
nhà Thông Lí bắt về trối đứng trên cây cột nhà, trối đên khi nào bắt được hổ về thì mới thả ra,
còn không thì chỉ trối đứng suốt ở đấy mà chờ ngày rủ xương.
Trong những đêm mùa đông rất dài và lạnh trên núi cao Mị đã ra lò sưởi để hơ tay và hơ lưng,
đối với Mị giờ đây chỉ còn là ngọn lửa và chỉ biết sống với ngọn lửa. Trong lúc hơ tay, hơ lưng
thì ngọn lửa bập bùng phản phất nên một hình bóng và Mị nhìn thấy A Phủ, nhưng Mị lại không
quan tâm và nếu “A Phủ có là cái xác chết đứng đấy thì cũng thế thôi”, Mị không ngó ngàng
cũng không để tâm đến sự sống chết của A Phủ. Phải chăng lúc này, khi mà sự tê liệt về tinh
thần nó đã ăn sâu đến mức băng hoại đi lòng thương người nơi tâm hồn Mị, nó kìm hãm và
giam cầm hơi ấm lòng người ở nơi Mị, cướp đi một cô gái từng biết sống vì người khác – vì cha,
khi ở lâu trong cái khổ, “quen khổ” đến mức hững hờ vô tâm trước một số phận bi kịch.
Tuy vậy, dù cho thế nào đi chăng nữa thì sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn một lần nữa trỗi dậy,
lần này là một nguyên nhân vô cùng đặc biệt, không còn là những tác động tích cực từ ngoại
cảnh, hay tiếng sáo bổi hổi bồi hồi gợi tâm tình hay là men rượu dẫn đường đưa lối nồng nàn và
say sưa, mà lần này là “hai dòng nước mắt lấp lánh leo xuống hai hỏm má xám đen lại của A
Phủ”, thần chết đã gọt giũa những nét vẽ đầu tiên, những nét tiều tụy mất hồn và mệt nhoài vì
khát, vì đói trên khuôn mặt của A Phủ. Chính vì nguyên nhân ấy, mà sức sống tiềm tàng trong
Mị đã một lần nữa sống dậy mạnh mẽ.
Sự sống lại về tinh thần ấy đã giúp Mị từ cõi quên sang cõi nhớ, nhìn dòng nước lấp lánh của A
Phủ, Mị nhớ về ký ức đau khổ của cuộc đời mình “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trối Mị,
Mị cũng phải trói đứng như thế kia, nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ,
không biết lau đi được”. Người kia giống hệt như mình, cũng phải trối đứng thế kia, nước mắt
cũng chảy ra thế kia, nhìn dòng nước mắt ấy mà Mị nhớ đến dòng nước mắt của chính mình,
nhớ lại cái cảm giác đau khổ của cuộc đời mình, Mị càng thấy xót xa cho chính mình, thương
cho mình và tội nghiệp cho chính mình. Từ chỗ thương cho mình sẽ rất dễ đồng cảm và thương
cho người đồng cảnh ngộ với mình. Lúc này, Mị đã không còn ở trong cái trạng thái bị tê liệt về
tinh thần nữa, giờ đây cô gái ấy đã thắp sáng và hồi sinh lại khu vườn rực rở trong tâm hồn
mình.
Và cũng từ ấy đã giúp Mị từ cõi vô thức sang cõi ý thức, Mị đã dần sống lại những ý thức,
những ý niệm về cuộc sống và về mọi việc đang diễn ra, Mị đã bắt đầu phán đoán khi nhìn thấy
hai hỏm má đã xám đen lại của A Phủ “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau,
chết đói , chết rét, phải chết” phán đoán chính là biểu hiện của sự sống dậy về ý thức, nghĩ đến
cái chết của A Phủ thì Mị thấy thương lắm, đã thương vì anh ta đồng cảnh với mình rồi, nghĩ
đến việc anh ta phải chết thì càng thương hơn.
Tình thương ấy, càng lúc càng lớn dần hơn nữa, lến đến mức còn hơn cả thương thân. Chính vì
thế mà Mị đã có sự so sánh “ta là thân đàn bà, nó đã cúng trình ma cho nhà nó rồi, thì chỉ biết
chờ ngày rủ xương ở đây thôi. Nhưng người kia việc gì phải chết...”, chỉ mới đây thôi Mị còn vô
cảm trước sự sống chết của A Phủ, nhưng giờ thì cho rằng A Phủ không đáng phải chết, hơn cả
là Mị tưởng tượng bản thân trong một tình huống giả tưởng “biết đâu A Phủ chẳng may đã trốn
thoát, rồi lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị đã cởi trối cho A Phủ, Mị liền phải trối thay vào đấy,
Mị phải chết trên cột đấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Và rõ
ràng, tình thương người trong Mị đã lấn át đi tình thương thân, nó đã dâng trào một cách vô
cùng mạnh mẽ, mạnh đến mức nghĩ đến việc phải chết thay cho A Phủ, Mị cũng không thấy sợ
thì quả thực là dũng cảm và đầy cao cả. Tình thương người nơi tâm hồn Mị làm ta nhớ đến tình
thương người ở nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Khi Tràng
gặp Thị ở chợ tỉnh, cũng với dáng hình tiều tụy, hốc hác, mất hồn Tràng đã động lòng thương
mà đãi thị bốn bát bánh đúc giữa cái nạn đói khủng khiếp, rồi cưu mang thị, cưới thị làm vợ. Từ
đấy ta mới thấy rằng quan điểm của nhà văn Andersen khi cho rằng: “Mỗi trang viết, mỗi một
câu chuyện phải là một sức sống được thức tỉnh trong lòng người đọc, anh phải cho người đọc
một tình thương rộng lớn giữa cuộc sống đầy tăm tối.” là vô cùng đúng đắn. Đó là trách nhiệm
đầy thiêng liêng và cao cả của người cầm bút, anh phải thức tỉnh lương tri nơi tâm hồn độc giả.
Quay trở lại với tình thương người của Mị, vì thương quá cho nên từ thương người, càng thương
người cho đến thương người hơn cả thương thân, nên Mị đã có hành động để thỏa mãn tình
thương ấy – một hành động vô cùng táo bạo, bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lí “trong bóng tối,
Mị rón rén bước lại...Mị rút con dao nhỏ cắt lúa cắt dây mây... thì thào một tiếng “đi ngay” ”.
Sau đó, khi A Phủ đã chạy thoát, thì chỉ còn lại Mị, Mị rơi vào trạng thái hốt hoảng và sợ hãi,
khi A Phủ đi – tình thương người cũng đã được thỏa mãn, thì chỉ còn lại là tình thương thân và
vì thương mình nên Mị cảm thấy sợ hãi, Mị đứng lặng im trong bóng tối, nỗi sợ càng lúc càng
lớn dần, và Mị đã có sự đấu tranh tư tưởng giữa đi – là hạnh phúc, là vui sướng bất tận, với ở lại
– là khổ đau, là đọa đày. Chính nỗi sợ của Mị đã thúc đẩy Mị có bản năng tự vệ tích cực, có đủ
sức mạnh để vượt thoát và Mị đã bỏ chạy theo A Phủ để giải cứu cuộc đời mình, chấm dứt một
chuỗi dài làm con dâu gạt nợ khổ cực ở nhà Thống Lí. Để giành lấy sự sống, buộc Mị phải tự
mình giành lấy, chứ không trông chờ vào một thế lực nào khác từ bên ngoài. Và Mị đã cùng A
Phủ dìu dắt nhau đi từ thung lũng đau thương để đến cánh đồng vui.
Giây phút Mị cắt dây cởi trối cho A Phủ cũng chính là khoảnh khắc mà Mị đã đủ dũng khí để tự
cắt sợi xiêng xích chính bản thân mình với nhà Thống Lí và chiến thắng thực tại hiện hữu bên
trong mình và vẫy vùng giữa bầu trời tự do mà bản thân vốn được tự tại bay lượn. Viết về hình
ảnh cô Mị như thế, với một tấm lòng nhân đạo vô cùng sâu sắc Tô Hoài đã thực lay động trái
tim người đọc. Thông qua trang viết của mình, Tô Hoài đã thể hiện tấm lòng thương xót, sự
đồng cảm sẻ chia với số phận đáng thương tội nghiệp – trở thành cô dâu gạt nợ, bị đọa đày tước
đi quyền sống và quyền hạnh phúc. Đồng thời, tác giả còn nâng niu, trân trọng, ca ngợi sức sống
tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật Mị luôn khát vọng và hướng tới một cuộc sống hạnh phúc.
Không những vậy Tô Hoài còn thể hiện thái độ lên án tố cáo xã hội mà tiền quyền, thần quyền
lên ngôi coi thường hạnh phúc của con người, phê phán bọn chủ nô phong kiến như nhà Thống
Lí. Chính vì vậy mà Tô Hoài đã chỉ ra lối thoát cho nhân vật đó là theo cách mạng để đứng lên
đấu tranh đòi lại quyền bình đẳng và công bằng cho những kiếp sống như Mị và A Phủ.
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, đã phản ánh lên hiện thực vùng núi với
chế độ phong kiến, chúa đất đã bốc lột người dân dưới hình thức cho vay nặng lãi, buộc con
người lao động nghèo khổ vào vòng nô lệ, tố cáo sự chà đạp lên tình yêu và hạnh phúc, phẩm
giá của con người, gắn con người vào vòng mê tín thần quyền, làm cho họ phải bất lực, cam
chịu.
Để làm được những điều đó, tất cả đều xuất phát từ tài năng của người nghệ sĩ Tô Hoài. Bằng
ngòi bút hiện thực, tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, lối trần thuật uyển chuyển, linh
hoạt, cách giới thiệu nhân vật bất ngờ, tự nhiên, ấn tượng. Lời kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tinh
tế, khéo léo, biệt tài miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân miền núi. Ngôn ngữ
sinh động, chọn lọc sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ.
KB
Nếu được chọn loài hoa đẹp nhất, tôi sẽ chọn cánh hồng còn e ấp trong sương đêm, nếu được
chọn âm thanh cao nhất, tôi sẽ chọn tiếng hót cao vút của loài chim họa mi và nếu được chọn bài
ca tuyệt nhất, tôi sẽ chọn văn chương, những trang văn và vầng thơ ngân vang tim ta những giá
trị sâu sắc về cuộc sống. Cảm ơn nhà văn Tô Hoài đã gửi đến bạn đọc những trang viết đầy tuyệt
vời như “Vợ chồng A Phủ” đặc biệt là gửi đến bạn đọc một hình ảnh cô Mị với sức sống tiềm
tàng trỗi dậy trong đêm mùa đông.

You might also like