You are on page 1of 19

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH CHUYÊN ĐỀ ÔN TẬP

TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1 KÌ THU TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2023


¯¯¯¯¯¯¯¯¯ Môn: Ngữ văn
¯¯¯¯¯¯¯¯
TÊN CHUYÊN ĐỀ:
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CỦA
PHẦN NHẬN XÉT TRONG CÂU NLVH
Người biên soạn:
1. Chu Phương Nhung
2. Nguyễn Thị Huyền
Đơn vị công tác: THPT Quế Võ số 1
I. LÍ THUYẾT
Từ năm 2015, câu nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn thường
thêm một câu hỏi phụ bên cạnh câu hỏi chính, thường sẽ là yêu cầu nhận xét về một vấn đề nào
đó được rút ra từ đoạn trích.
Chẳng hạn, năm 2021, câu hỏi phụ trong đề là: “Nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân
Quỳnh” (lần 1); “Nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ” (lần 2). Lệnh
phụ câu nghị luận văn học đề thi tham khảo 2022 yêu cầu “Nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà
văn Kim Lân qua đoạn trích”.
1. Câu hỏi phụ quan trọng như thế nào?
- Phần này theo Ba – rem điểm của Bộ chiếm 0,5 điểm. Đây là câu hỏi có tính chất đánh
giá khả năng nhận thức vấn đề của học sinh, phân hóa đối tượng HS khá, giỏi.
- Một số HS do không phân phối thời gian hợp lí nên thường thiếu thời gian làm làm câu
hỏi này. Một số khác lại làm sơ sài, làm lan man, không chủ đích, viết cho có do không nắm
được kĩ năng làm bài. Tất cả những điều này đều sẽ dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc.
2. Các dạng câu hỏi phụ thường gặp:
2.1. Những yêu cầu nhận xét về mặt nội dung:
Trong mỗi tác phẩm đều có những nội dung, ý nghĩa nổi bật. Chẳng hạn, trong Đất Nước
có sự cảm nhận mới mẻ về Đất Nước, trong Sóng có vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, hay trong
Ai đã đặt tên cho dòng sông? Có vẻ đẹp nữ tính của sông Hương,… Những nội dung này đều có
thể được yêu cầu nhận xét.
Ví dụ: Phân tích mười bốn câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó, nhận
xét về hình tượng người lính được tác giả xây dựng trong đoạn thơ.
2.2. Những yêu cầu nhận xét liên quan đến nghệ thuật:
Dạng câu hỏi này thường ít gặp hơn vì khá khó, nhưng học sinh cũng cần phải lưu ý. Đề
có thể yêu cầu nhận xét một yếu tố liên quan đến nghệ thuật tác phẩm như ngôn ngữ, chất nhạc,
chất họa, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật, …
Ví dụ: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của
Tô Hoài. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong đoạn trích.
2.3. Dạng yêu cầu nhận xét liên quan đến những vấn đề lí luận văn học cơ bản:
Đây cũng là một dạng không dễ với học sinh nhưng khá dễ vào vì các kiến thức lí luận
văn học này, học sinh đều đã được học trong quá trình tìm hiểu tác phẩm. Đề có thể yêu cầu
nhận xét về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tính dân tộc, tính sử thi, …
Ví dụ: Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.111)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong đoạn thơ trên. Từ đó,
nhận xét ngắn gọn tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
2.4. Những yêu cầu nhận xét liên quan đến phong cách tác giả:
Đây cũng là dạng thường hay được hỏi trong đề thi.
Ví dụ, khi phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, đề có thể yêu cầu nhận xét vẻ đẹp nữ
tính của tác giả. Hoặc phân tích các đoạn liên quan đến tùy bút Người lái đò Sông Đà, có thể yêu
cầu nhận xét về phong cách nghệ thuật hay cái tôi tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.
3. Cách làm phần nhận xét trong câu NLVH:
3.1. Những lưu ý khi làm câu hỏi phần nhận xét:
- Học sinh sẽ làm phần nhận xét sau khi đã thực hiện xong yêu cầu chính của đề (cảm
nhận /phân tích hình tượng/nhân vật). Chú ý giới thiệu yêu cầu này ở mở bài.
- Cần làm ngắn gọn. Độ dài cho phần này nên là 1/2 trang giấy thi và dài nhất là 2/3 trang
giấy.
- Khi trả lời phần nhận xét, quan trọng nhất là phát hiện được các biểu hiện của vấn đề,
hỏi gì – đáp nấy, viết cụ thể, rõ ràng, không lan man và không cần phân tích dẫn chứng.
- Để trả lời câu hỏi nhận xét cho trúng và hay học sinh cần nắm chắc:
+ Những nội dung chính, nổi bật của tác phẩm và của từng đoạn trong tác phẩm.
+ Những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm, đoạn trích, đặc trưng của từng thể loại văn
học.
+ Những vấn đề lí luận văn học cơ bản liên quan đến tác phẩm đó, đặc điểm phong cách
sáng tác của từng tác giả.
3.2. Cấu trúc trả lời cho yêu cầu của phần nhận xét:
- Dẫn dắt vào yêu cầu nhận xét trong đề bài: Yêu cầu nhận xét cần được giới thiệu cụ thể,
rõ ràng, chính xác. Để tạo ấn tượng cho đoạn nhận xét, HS có thể áp dụng lí luận văn học cho
phần dẫn này.
Chẳng hạn, với đề yêu cầu nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Sau khi đã
cảm nhận đoạn trích Sóng, HS có thể dẫn chuyển sang phần nhận xét như sau: Mỗi chữ trong thơ
đều là kết quả của quá trình chắt chiu “chịu đau”, “chịu xót” của nhà văn, bởi thế mỗi chữ ấy
luôn khảm in cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Đọc đoạn thơ trên, ta không khỏi suy tư về vẻ
đẹp nữ tính – dấu triện nghệ thuật độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh.
Hoặc với đề:
“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết (…) Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi
trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.”
(Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.6)
Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo
của nhà văn Tô Hoài.
Câu chuyển từ đối tượng nghị luận chính (nhân vật Mị trong đoạn trích) và đối tượng
nghị luận phụ (giá trị nhân đạo của tác phẩm), có thể vận dụng lí luận để kết nối từ nhân vật sang
nội dung tư tưởng: Hình tượng nghệ thuật trung tâm luôn là hạt nhân cơ bản hàm chứa thông
điệp thẩm mĩ cốt lõi của tác phẩm. Mà nghệ thuật, xét đến cùng để “nhân đạo hóa con người”.
Vậy nên, qua nhân vật Mị, ta thấy những gợi dẫn về tầng sâu giá trị nhân đạo độc đáo.
- Làm rõ yêu cầu nâng cao trong đề bài.
+ Xác định yêu cầu nhận xét thuộc dạng nào.
+ Huy động kiến thức hiểu biết về tác giả, tác phẩm, lí luận văn học để trả lời. Đối với
những vấn đề có khái niệm, HS dựa trên biểu hiện của khái niệm để rút ra nhận xét. Đối với
những vấn đề không rõ khái niệm, cần chú ý khái quát lại vấn đề từ những gì đã phân tích cụ thể
ở phần thân bài. HS cần đưa ra nhận xét cụ thể, căn cứ vào văn bản, lập luận chặt chẽ và hợp lí.
+ Để làm tốt phần này trong quá trình ôn luyện, HS cần xác định được những yêu cầu
nhận xét có thể hỏi trong từng đoạn trích cụ thể của tác phẩm, nắm được biểu hiện của các vấn
đề, để khi gặp trong đề thi sẽ không bị bỡ ngỡ và viết sẽ thấu đáo, sâu sắc hơn.
- Khẳng định lại, nâng cao vấn đề:
Ở bước này, HS khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề, có thể sử dụng thêm những câu trích
dẫn giá trị để chốt lại vấn đề, làm cho quá trình viết trở nên chặt chẽ hơn.
Ví dụ 1:
Trong đoạn trích Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những “cái ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.118)
Phân tích hình ảnh Đất nước gần gũi, thân thương qua đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét
quan điểm mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Ta có thể trả lời yêu cầu nhận xét như sau:
Nhà văn Sê – khốp từng khẳng định: Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó
không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực
thụ. Giọng nói riêng là nét độc đáo làm nên thành công của một tác phẩm, là tiếng nói riêng của
người cầm bút. Nó biểu hiện ở trong cách nhìn, cách cảm nhậ hay nói cách khác giọng nói riêng
chính là phong cách. Có được giọng nói riêng nhà văn sẽ tạo ra được những tác phẩm để lại dáu
ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Với đề tài dường như không còn gì mới mẻ, nhưng nhà thơ
Nguyễn Khoa Điềm đã bằng đôi mắt mới đầy sáng tạo của mình để nhìn nhận, để thể hiện tư
tưởng Đất Nước của Nhân dân thật mới mẻ và độc đáo. Khác với các nhà thơ cùng thời thường
chọn điểm nhìn đất nước bằng những hình ảnh lớn lao, kì vĩ thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cho
mình một lối đi riêng từ những hình ảnh quen thuộc, bình dị. Nhà thơ đã không tạo ra khoảng
cách sử thi để chiêm ngưỡng và ngợi ca đất nước hoặc dùng những hình ảnh mĩ lệ, mang tính
biểu tượng để cảm nhận và lí giải, mà dùng cách nói rất đỗi giản dị, tự nhiên với những gì gần
gũi, thân thiết, bình dị nhất. Đất nước trong quan niệm của nhà thơ được hình thành từ những
phong tục tập quán, những thói quen hàng ngày, những vẻ đẹp thuần phong mĩ tục, truyền thống
văn hóa của nhân dân. Đúng như ông từng chia sẻ: Đất Nước với các nhà thơ khác là của những
huyền thoại, của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân
và Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất.
Ví dụ 2:
“Ngày Tết, Mị cũng uống rượu … Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía
trong vách”.
(Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 7-8)
Phân tích sự trỗi dậy của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tấm lòng
nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
Hướng dẫn làm câu hỏi nhận xét:
Một nhà văn muốn vượt lên sự đào thải khắc nghiệt của thời gian thì ngoài sự hiểu biết
sâu rộng và tài năng còn cần một tấm lòng quảng đại, biết vui buồn và đồng cảm với nỗi khổ của
con người. Và viết Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã nói lên câu chuyên muôn đời của kiếp
nhân sinh để đây là những trang văn vượt lên mọi sự băng hoại của thời gian. Bởi Vợ chồng A
Phủ không chỉ là những trải nghiệm của chính Tô Hoài mà nó còn được kết tinh từ ngòi bút chứa
chan tấm lòng nhân đạo. Qua sự trỗi dậy của Mị trong đêm tình mùa xuân, nhà văn không chỉ
cảm thông sâu sắc với cuộc sống thống khổ của người phụ nữ nói riêng và người lao động nói
chung ở những rẻo núi cao Tây Bắc, mà còn khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp cũng như phẩm chất tốt
đẹp, sức sống tiềm tàng nơi tâm hồn họ. Sự trỗi dậy của Mị trong đêm tình mùa xuân chính là
đốm lửa âm ỉ để sau đó đốm lửa ấy sẽ bùng cháy lên trong đêm cởi trói cho A Phủ.
Ví dụ 3:
Cảm nhận hình tượng ông lái đò qua đoạn văn:
“Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới ……. Không một phút nghỉ tay nghỉ
mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật.”
(Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.188-189)
Từ đó, nhận xét cái nhìn mang tính phát hiện về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
Hướng dẫn trả lời câu hỏi nhận xét:
“Thế giới không chỉ được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo
xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập.” (Mác – xen Prút). Đọc Người lái đò Sông Đà,
đặc biệt là qua nhân vật ông lái đò, ta có thể thấy được những nét sáng tạo mới mẻ của Nguyễn
Tuân. Nhà văn đã có cách nhìn mang tính phát hiện về người lao động mới: Trước Cách mạng
tháng Tám, ông thường khắc họa những vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ trong nghệ thuật và thuộc về quá
khứ “vang bóng một thời” thì đến sông Đà, ông tìm thấy anh hùng và nghệ sĩ ngay trong con
người lao động thường ngày, trong công việc bình thường và trong nghề nghiệp cũng bình
thường. Nguyễn Tuân còn khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng đâu phải chỉ dành riêng
cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm mà còn thể hiện sâu sắc trong việc xây dựng đất nước và
chinh phục thiên nhiên. Đây cũng chính là “chất vàng mười đã qua thử lửa” của con người lao
động mà ông đã phát hiện và thể hiện bằng phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác với thể tuỳ
bút vừa giàu tính hiện thực, vừa tràn ngập cái tôi phóng túng đầy cảm hứng, say mê… Con người
dưới con mắt Nguyễn Tuân luôn luôn là hiện thân của cái đẹp của nghệ thuật, của sự bất tử.
Chính điều này người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân đã có điểm gặp gỡ với người nghệ sĩ Nga
M.Gorki “Con người! Tiếng ấy thật tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết
bao”.
II. BÀI TẬP
1. Đề 1
Trong đoạn trích Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những “cái ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.118)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng sáng tạo những chất
liệu văn hóa, văn học dân gian của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích đoạn thơ trong Đất Nước. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng sáng
tạo những chất liệu văn hóa, văn học dân gian của Nguyễn Khoa Điềm
trong đoạn trích. 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: 0,25
Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề,
Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5
- Cảm nhận đoạn thơ
- Nhận xét về cách sử dụng sáng tạo những chất liệu văn hóa, văn học dân gian
của tác giả trong đoạn trích
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng các thao tác lập
luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu được về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận. 0,5
* Cảm nhận đoạn thơ: 2,5
- Về nội dung:
+ Với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước có từ rất xa xưa trong những câu chuyện cổ
tích mẹ thường hay kể. Đất nước bắt đầu cùng với sự ra đời cùng với những
phong tục rất đẹp của nhân dân ta suốt mấy ngàn năm qua miếng trầu bây giờ bà
ăn. Đất nước lớn lên từ những ngày đầu trồng tre đánh giặc giữ nước...
+ Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm cội nguồn của đất nước không phải
là những trang sử hào hùng với những chiến tích vĩ đại mà là những huyền thoại,
truyền thuyết, những phong tục tập quán riêng biệt từ ngàn đời. Lịch sử của đất
nước không được cắt nghĩa bằng những mốc son lịch sử chói lọi mà bằng chiều
sâu văn hoá, văn học dân gian. Đó là điểm mới của trong cách tìm về cội nguồn
đất nước của nhà thơ.
=> Đất Nước được hình thành từ những gì nhỏ bé, gần gũi, riêng tư trong cuộc
sống mỗi người.
- Về nghệ thuật:
+ Thể thơ tự do.
+ Giọng điệu thơ biến đổi, linh hoạt.
+ Sử dụng chất liệu văn hoá, văn học dân gian: ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân
dã, giàu sức gợi.
+ Sức truyền cảm lớn từ sự hoà quyện của chất chính luận và trữ tình.
* Nhận xét về cách sử dụng sáng tạo những chất liệu văn hóa, văn học dân 0,5
gian của tác giả trong đoạn trích
- Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng tài tình và hiệu quả những chất liệu văn hoá,
văn học dân gian. Nhà thơ không chỉ ra một bài cụ thể nào mà chỉ ra những từ
ngữ và hình ảnh tiêu biểu nhưng cũng đủ để nhà thơ vừa đạt được mục đích của
mình là thể hiện một đất nước dung dị, gần gũi, đời thường vừa khơi dậy trong
tâm thức người đọc bề dày và chiều sâu văn hoá dân tộc.
- Cảm xúc dồn nén chỉ một đoạn thơ ngắn nhưng có một trường liên tưởng sâu
rộng. Nén trong từng câu, từng chữ là một vốn văn hoá dân gian và cảm nhận
phong phú của tác giả về đất nước.
- Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, thân mật, tự nhiên khác với giọng điệu ngợi ca
hào sảng trong các sáng tác thi ca cùng viết về đất nước.
d. Chính tả, ngữ pháp 0,25
Đảm bảo chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo 0,5
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân
tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để
làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

2. Đề 2
Trong bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng viết:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
( Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016, tr.89)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cái nhìn mới mẻ về người lính của
nhà thơ Quang Dũng.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích đoạn thơ trong Tây Tiến, từ đó nhận xét cái nhìn mới mẻ về
5.0
người lính của nhà thơ Quang Dũng.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát 0.25
được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài Tây Tiến của Quang 0.5
Dũng, từ đó nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác
lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, đoạn trích. 0.5
* Cảm nhận vẻ đẹp của người lính Tây Tiến 2,5
- Vẻ ngoại hình rắn rỏi: chân dung người lính hiện lên chân thực nhưng vẫn
mang nét hào hùng, mạnh mẽ: đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá…
- Tâm hồn lãng mạn, hào hoa: Khát vọng lập chiến công gửi mộng qua biên
giới và nỗi nhớ lãng mạn, bay bổng mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
- Lí tưởng chiến đấu cao đẹp: sẵn sàng cống hiến và hi sinh tuổi thanh xuân vì
Tổ quốc: chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
- Sự hi sinh anh dũng: Nhà thơ khắc họa hiện thực chiến trường và cái chết
nhưng với màu sắc bi tráng, từ đó khẳng định sự bất tử của người lính: mồ viễn
xứ, áo bào, về đất, khúc độc hành
- Nghệ thuật thể hiện:
+Thể thơ thất ngôn trường thiên mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ.
+ Kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn.
+ Ngôn ngữ giản dị, gợi hình, gợi cảm; hình ảnh chân thực, mang tính biểu
tượng +Giọng điệu thơ vừa sâu lắng vừa hào hùng.
+ Các biện pháp ẩn dụ, nói giảm nói tránh... được sử dụng hiệu quả.

- Nhận xét cái nhìn mới mẻ về người lính Tây Tiến của Quang Dũng
+ Người lính được khám phá toàn diện về ngoại hình, dáng vẻ và tâm hồn, lí
tưởng sống. Từ đó thể hiện tình yêu, niềm tự hào của tác giả đối với những
người lính. 0.5
+ Qua sự khám phá của tác giả, người lính hiện lên vừa hào hoa, lãng mạn, vừa
hào hùng, bi tráng. Nhà thơ đã đem đến một hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp
riêng, làm phong phú diện mạo của thơ ca chống Pháp.
d. Chính tả, ngữ pháp
0.25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình
phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời 0.5
sống để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

3. Đề 3
Trong Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân viết:
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời
Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên
mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn
búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ
tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình
vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu.
Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một
mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con
vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn
cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi
mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh
bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này
lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con
sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những
con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên
dòng trên.
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục 2014, tr.191-192)
Anh/Chị hãy phân tích vẻ đẹp hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu ngắn
gọn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích vẻ đẹp hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích. Phong cách nghệ 5,0
thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà”.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 0.25
Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát
được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình tượng con Sông Đà được khám phá với 0.25
nét tính cách: trữ tình, thơ mộng.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: HS có thể triển khai theo nhiều
cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn
chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà và 0,5
đoạn trích
- “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa” (Nguyễn Minh Châu).
Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một “huyền sử” -
huyền sử của một người ưu lối chơi “độc tấu”. Ông được mệnh danh là “Người suốt
đời đi tìm cái đẹp”.
- Người lái đò Sông Đà được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc
nhất trong tùy bút “Sông Đà”. Sông Đà được nhà văn xây dựng thành một “nhân vật”
có mặt suốt từ đầu đến cuối thiên tùy bút, tạo nên giá trị độc đáo của tác phẩm này.
Dưới ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân, Sông Đà không còn là một con
sông vô tri, vô giác, mà là một “nhân vật” có cá tính, có tâm trạng, có hoạt động thật
phong phú và phức tạp. Tác giả đã nhận xét khái quát: đây chính là con sông Tây Bắc
hung bạo và trữ tình. Nổi bật lên là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà qua
đoạn trích “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà… Và con sông như đang lắng nghe những
giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy
buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
* Phân tích vẻ đẹp hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích: 2,5
- Nội dung: đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của cảnh ven sông 2,0
+ Thác ghềnh lúc này chỉ còn là nỗi nhớ. Câu văn mở đầu toàn thanh bằng gợi cảm
giác lâng lâng, mơ màng, nhẹ nhàng, êm ái;
+ Cảnh ven sông được miêu tả bằng một câu văn đậm cảm xúc hoài niệm, kết hợp với
biện pháp điệp từ lặng tờ được nhắc lại 2 lần đã nhấn mạnh sự tĩnh lặng, êm đềm và
thanh bình của dòng sông
+ Bờ sông tiếp tục được miêu tả trong hình ảnh so sánh độc đáo: Bờ sông hoang dại
như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa gợi vẻ đẹp
hoang dại, nguyên sơ, trong trẻo và cổ kính. Con sông như thoát khỏi tất cả những bụi
bặm, xô bồ của cuộc sống hiện đại để trở về với thế giới cổ tích huyền thoại và hồng
hoang xa xôi
+ Thế giới cổ tích ấy còn được tô đậm hơn qua âm thanh, hình ảnh. Đó là những hình
ảnh non tơ nhất, tươi tắn và tinh khiết nhất như lá ngô non đầu mùa, búp cỏ gianh đồi
núi, vạt cỏ gianh với những nõn búp đẫm sương đêm, con hươu thơ ngộ, đàn cá dầm
xanh... Là âm thanh dịu nhẹ, khẽ khàng của đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông,
tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến
+ Đặc biệt nhất là hình ảnh có con hươu ngẩng đầu khỏi áng cỏ sương cất tiếng hỏi
nhà văn bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành. Chi tiết này làm tăng thêm ảo giác,
nhà văn như bước lạc vào một cõi trong trẻo, an lành, thuần hậu và không có thực của
thế giới cổ tích. Ảo giác mãnh liệt đến mức nhà văn bỗng thèm được giật mình vì một
tiếng còi tàu xúp lê
+ Với vẻ đẹp ấy, Sông Đà trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho thơ ca và trở thành
một người tình nhân chưa quen biết. Nguyễn Tuân đã trải lòng mình ra với dòng
sông, hoá thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như
nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông
như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi
những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình
dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh
vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ. Yêu sông Đà cũng chính là yêu
Tổ quốc và yêu con người Việt Nam.
- Nghệ thuật:
+ Giọng văn vừa trang trọng, trầm lắng, vừa da diết bâng khuâng vì thế tràn đầy xúc 0,5
cảm. Từng câu, từng chữ, từng nhịp đi của hơi văn đều làm lộ ra cái dạt dào đó của
cảm xúc.
+ Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế và giàu khả nàng gợi cảm: Những từ “lặng tờ” “hoang
dại”, “hồn nhiên”, “con hươu thơ ngộ”, “tiếng còi sương” được dùng rất đắt, có sức
lột tả tính chất của hình tượng.
+ Cách so sánh độc đáo: so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng để trừu tượng hoá, thi vị
hoá một hình ảnh cụ thể nhằm gây ấn tượng cảm giác hơn là gây ấn tượng thị giác
“Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích
tuổi xưa “. Phép điệp “thuyền tôi trôi... lặng tờ, thuyền tôi trôi...không bóng người,
thuyền tôi trôi....lững lờ” nhắc lại trùng điệp như một điểm nhấn của cảm xúc, cảm
giác làm cho đoạn văn như một dòng cảm giác, cảm xúc cứ tràn đi, lan toả, bâng
khuâng.
+ Sức tưởng tượng phong phú khiến Nguyễn Tuân hình dung và mô tả được nỗi niềm
của cả con sông và của cả những sinh vật sinh sống trên bờ sông ấy.
* Nhận xét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút Người lái đò Sông 0,5
Đà: độc đáo, tài hoa, uyên bác
+ Độc đáo: Thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn
Tuân. Văn phong Nguyễn Tuân phóng túng, phong phú, hình ảnh giàu liên tưởng, độc
đáo, bất ngờ. Người lái đò sông Đà thể hiện sở trường ở thể loại tuỳ bút của ngòi bút
Nguyễn Tuân.
+ Tài hoa: Nguyễn Tuân luôn tìm cảm hứng ở cái đẹp; nhìn nhận, khám phá sự vật
hiện tượng ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ và phát hiện con người ở góc độ tài hoa,
nghệ sĩ. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ và là một công trình nghệ thuật tuyệt vời
của tạo hoá, còn người lái đò như một nghệ sĩ trong việc vượt thác ghềnh.
+ Uyên bác: thể hiện ở cách nhìn và khám phá hiện thực theo chiều sâu, ở sự vận
dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú như
lịch sử, địa lí, quân sự… để viết về con Sông Đà vừa hung dữ vừa thơ mộng, trữ tình.
Hình ảnh dòng sông Đà được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều
góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu.
=> Đọc Sông Đà người đọc càng thêm quý trọng tài năng và tấm lòng của con người
suốt đời đi tìm cái đẹp, làm giàu có đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.
* Đánh giá: 0.25
- Đoạn văn đã góp phần quan trọng trong việc tái hiện vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà,
của thiên nhiên đất nước gấm vóc nên thơ
- Góp phần khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật viết tuỳ bút.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp 0.25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.5
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân
tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để làm
nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.
4. Đề 4
Trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết:
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh
năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc
của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi như sực nhơ lại một điều gì
chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối
ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa mười dặm
trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó,
khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở
đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ, kín đáo của
tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở
lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài,
còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, ấy
là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
(Ngữ văn 12,tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 201)
Anh/Chị hãy phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về
tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về 5,0
tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,25
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát
được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích hình tượng sông Hương trong 0,5
đoạn trích. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao
tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu:
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và đoạn trích 0,5
* Cảm nhận hình tượng sông Hương: 2,5
- Nội dung: Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương ở lộ trình
trước khi từ biệt Huế để về biển.
– Khung cảnh thơ mộng, êm đềm đậm chất Huế trên đường rời khỏi kinh
thành của sông Hương: đảo cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói;
màu xanh biếc của tre trúc, những hàng cau của vùng ngoại ô Vĩ Dạ -> đến tận
lúc chia tay xứ cố đô sông Hương vẫn cố ghi dấu trong mình những địa danh
nổi tiếng, những cảnh sắc đặc trưng của Huế.
– Phép nhân hóa đã thổi vào dòng sông một linh hồn với đầy tâm tư vương
vấn: ôm lấy đảo cồn Hến, lưu luyến ra đi qua vùng ngoại ô Vĩ Dạ, như sực
nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng
đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ.
– Tác giả đã liên tưởng tình cảm của sông Hương dành cho Huế với mối tình
Thúy Kiều – Kim Trọng trong danh tác của Nguyễn Du. Đây là sự liên tưởng
tinh tế và bao hàm nhiều ý nghĩa: song Hương luôn dành cho Huế nhiều vấn
vương, chút lẳng lơ kín đáo như nàng Kiều trong đêm trăng tình tự, hẹn thề;
lời thề Kim – Kiều ấy cũng chính là khúc hát thủy chung của sông Huong
dành cho xứ Huế “Còn non, còn nước…”
=> Sự lưu luyến khi chia tay Huế của dòng sông vừa dịu dàng, lắng đọng vừa
tha thiết, bồi hồi và một lần nữa nhà văn đã nhuộm lên dòng sông sắc tím thủy
chung nơi tà áo dài của người con gái xứ Huế.
- Nghệ thuật:
Hình tượng sông Hương được thể hiện bằng ngôn ngữ tinh tế khả năng quan
sát, miêu tả độc đáo, vận dụng tài tình nghệ thuật so sánh, nhân hóa tạo liên
tưởng bất ngờ thú vị.

- Nhận xét về tính trữ tình trong kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường 0,5
+ Tác giả sử dụng vốn kiến thức phong phú khi cảm nhận sông Hương, từ đó
khắm phá ra vẻ đẹp của dòng sông ở nhiều góc độ khác nhau.
+ Tinh tế, nhạy cảm trong khám phá vẻ đẹp: nhìn và khám phá ra những vẻ
đẹp mới lạ của sông Hương vốn rất quen thuộc
+ Sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú cùng sự uyên bác về các phương
diện: địa lí, lịch sử, văn hóa...
+ Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh bộc lộ cảm xúc, sử dụng nhiều biện
pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa...
+ Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan
+ Lối hành văn súc tích, hướng nội, mê đắm, tài hoa...
d.Chính tả, dùng từ, đặt câu đảm bảo theo quy tắc 0,25
e. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về 0,5
vấn đề cần nghị luận
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình
phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời
sống để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

5. Đề 5
Trong Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân viết:
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ
như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như
không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa
xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận
ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều
được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm
mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới
gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái
sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng
đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà
của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái
tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây
giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.
(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 30)
Anh/Chị hãy phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng
nhân đạo của Kim Lân.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích ( Trích Vợ nhặt - Kim Lân), từ đó
nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Kim Lân. 5,0
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,25
Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận
được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0,5
Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết
hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và đoạn trích
- Kim Lân viết không nhiều nhưng vẫn thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài 0,5
năng của văn học Việt Nam hiện đại.
- Truyện ngắn Vợ nhặt tiêu biểu cho đề tài về cuộc sống nông thôn và người nông
dân. Tác phẩm có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được Kim Lân viết ngay sau
cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa
bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để sáng tác truyện ngắn
này.
- Đoạn trích thể hiện tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng vào buổi sáng hôm
sau.
* Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau 2,5
- Tràng với cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi có vợ: Sau đêm tân hôn hạnh phúc,
chất men say của tình yêu khiến cho Tràng cảm thấy êm ái lửng lơ như người vừa ở
trong giấc mơ đi ra. Hạnh phúc đến quá đỗi bất ngờ nên việc có vợ đến hôm nay vẫn
chưa làm cho hắn hết ngạc nhiên, hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
- Tâm trạng ngạc nhiên ngỡ ngàng của Tràng trước sự đổi thay trong chính ngôi nhà
của mình. Dưới bàn tay săn sóc của mẹ và vợ Tràng, ngôi nhà rách nát đã trở nên sạch
sẽ gọn gàng, trở thành một mái ấm thực sự. Một người vô tâm như Tràng cũng cảm
nhận được sự đổi thay kì diệu đó: xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ,
khác lạ.
- Tràng có những chuyển biến tích cực trong nhận thức: Tràng đã trở thành người đàn
ông trưởng thành trong suy nghĩ, chín chắn trong hành động. Cuộc sống gia đình và
hạnh phúc vợ chồng đơn sơ, bình dị đã làm thay đối nhận thức, suy nghĩ của Tràng.
Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng … Bây giờ
hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau
này. Tràng đã thực sự trở thành người đàn ông của gia đình, biết lo toan, có trách
nhiệm. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu
sửa lại căn nhà.
-> Qua nhân vật Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ phản ánh số phận cùng khổ của
người nông dân nghèo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám mà còn phát hiện, ngợi
ca vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đó là vẻ đẹp của tình người, của khát vọng hạnh phúc.
Đoạn trích đã diễn tả thành công sự đổi thay trong tâm trạng của nhân vật Tràng: từ
bất ngờ, bỡ ngỡ đến hạnh phúc tột cùng; từ ngờ nghệch, vô tâm trở thành người đàn
ông trưởng thành, có trách nhiệm.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật vào một tình
huống độc đáo – tình huống nhặt vợ để qua đó thấy được sự thay đổi trong tính cách,
tâm trạng của Tràng từ khi có vợ. Đoạn trích đã thể hiện diễn biến tâm lí tinh tế của
Tràng ở buổi sáng hôm sau, kết hợp với ngôn ngữ kể, tả mộc mạc, giản dị và cách kể
chuyện tự nhiên, hấp dẫn.
* Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: 0,5
- Xây dựng hình tượng nhân vật Tràng, nhà văn đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân
trọng với khát vọng hạnh phúc của con người để từ đó khẳng định: dù trong tình
huống bi thảm tới đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh
sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra người.
Đây cũng chính là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của ngòi bút Kim Lân thể hiện trong
tác phẩm.
- Tư tưởng nhân đạo sâu sắc ấy góp phần làm nên giá trị và sức sống lâu bền trong
thần bút của nhà văn xứ Kinh Bắc.
d.Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt 0,25
e. Sáng tạo 0,5
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân
tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để làm
nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

6. Đề 6
Trong Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài viết:
Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt
ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai
Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này. Mị uống
rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao
nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ
một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ
bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị
ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi
phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn
còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với
Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị
sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra mà tiếng sáo
gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
(Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 7- 8)
Anh/Chị hãy phân tích nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về chất thơ trong
truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Nội dung Điểm
Phân tích nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về chất thơ trong 5.0
truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. 0.25
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được
vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. 0,5
Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích; nhận xét về chất thơ trong tác
phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập
luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đoạn trích
và nhân vật Mị. 0,5
- Về tác giả: giới thiệu khái quát về sự nghiệp sáng tác, đặc biệt là vị trí văn học sử
và đặc điểm phong cách tác giả Tô Hoài.
+ Nhà văn lớn, có sức sáng tạo dồi dào với lượng tác phẩm đồ sộ.
+ Sự am tường văn hóa phong tục các vùng miền, nhất là miền núi Tây Bắc; biệt
tài phân tích, diễn tả tâm lí nhân vật; ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình và giàu chất
thơ; nhà văn của sự thật đời thường…
- Về tác phẩm: giới thiệu xuất xứ (“Truyện Tây Bắc” – 1953), hoàn cảnh sáng tác
(sau tám tháng Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, năm 1952), khái quát
nội dung - chủ đề của tác phẩm.
- Về đoạn trích và nhân vật Mị: nêu vị trí và khái quát nội dung đoạn trích; giới
thiệu nhân vật Mị.
2. Cảm nhận đoạn văn.
a. Tình huống/Hoàn cảnh của nhân vật Mị: đêm tình mùa xuân với tiếng sáo thiết
tha bổi hổi, với men rượu nồng nàn, rạo rực. 2,5
b. Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn văn.
- Hành động: Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát, rồi say lịm mặt: hành động nổi
loạn, như nuốt vào lòng đắng cay, tủi cực đời người.
- Cảm xúc:
+ Lòng Mị sống về ngày trước: Mị không chỉ nhớ về quá khứ, tuổi thanh xuân
hạnh phúc tươi đẹp mà thực sự “sống về ngày trước”. Mị quên đi thực tại trước
mắt để trở về “sống” trong những đêm tình mùa xuân của thời con gái, của tuổi
thanh xuân tươi đẹp, hạnh phúc.
-> Ẩn sâu trong những hồi tưởng là nhớ tiếc, xót xa, đau đớn cho thực tại. Nhưng
Mị vẫn bước vào căn buồng u tối, như một quán tính, một thói quen của kẻ “nô lệ”
bao năm bị “cầm tù”.
+ Sau đó, Mị bỗng thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như
những đêm tết ngày trước. Những cảm xúc cho thấy tâm hồn Mị đang dần hồi
sinh, con tim bắt đầu biết vui trở lại.
- Nhận thức:
+ Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Câu văn ngắn, nhắc đi nhắc lại ý
thức trong Mị: Mị còn trẻ. Còn trẻ là còn cả cuộc đời đáng sống phía trước, là
tương lai còn dài. Ý thức về tuổi trẻ cho thấy sự biến chuyển sâu sắc ở Mị. Cùng
với đó là mong muốn hiển nhiên, chính đáng: Mị muốn đi chơi tết, muốn được
sống trong không khí của những đêm tình mùa xuân hiện tại, của đêm nay chứ
không chỉ là mơ về quá khứ.
+ Mị nhận thức được sự giam cầm vô lí, oan ức và tức tưởi đau khổ: Bao nhiêu
người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với
nhau mà vẫn phải ở với nhau.
- Suy nghĩ: Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ
không buồn nhớ lại nữa. Với Mị lúc này, muốn chết ngay lại chính là biểu hiện
mãnh mẽ của sức sống tiềm tàng: Mị muốn sống cho ra sống, có niềm vui, hạnh
phúc, tình yêu. Mị muốn chấm dứt ngay cuộc đời nô lệ đầy khổ đau, nước mắt.
c. Đánh giá khái quát về đoạn văn:
Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị chứng tỏ sức sống tiềm tàng ở
người phụ nữ bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, tưởng chừng đã cạn khô nhựa
sống. Qua việc miêu tả quá trình tâm lí của nhân vật Mị đầy phức tạp, có khi tưởng
như mâu thuẫn, nhà văn thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với nhân vật.
Đồng thời, Tô Hoài bộc lộ niềm tin mãnh liệt vào khát vọng sống mãnh liệt của
người dân miền núi cũng như khả năng hồi sinh tâm hồn của họ. Đó chính là giá trị
hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm.
3. Nhận xét về chất thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
- “Chất thơ” là phẩm chất đặc biệt của tác phẩm văn xuôi. Chất thơ thường được
thể hiện qua những cảm xúc chất chứa, những tâm trạng dạt dào bay bổng, những
tưởng tượng mạnh mẽ, được diễn tả bằng ngôn từ hàm súc, giàu hình ảnh, giàu
nhịp điệu. Chất thơ có thể được biểu hiện ở nhiều cấp độ từ nội dung, cảm hứng 0.5
cho đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm: từ ngữ, câu văn, bức tranh thiên nhiên,
bức tranh đời sống, hình tượng nhân vật...
- “Chất thơ” trong Vợ chồng A Phủ:
+ Chất thơ trong hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc: khung cảnh mùa xuân nơi
rẻo cao đẹp xinh, thơ mộng.
+ Chất thơ qua đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán: Không khí ngày tết ở Hồng
Ngài mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc khi trai gái hẹn hò, vui chơi, thổi sáo,
thổi đàn môi, uống rượu… Đặc biệt, tác giả trở đi trở lại miêu tả tiếng sáo, đưa vào
đoạn văn những lời ca “Anh ném pao, em không bắt/Em không yêu, quả pao rơi
rồi”, làm tăng chất trữ tình cho tác phẩm.
+ Chất thơ trong vẻ đẹp tâm hồn Mị: ẩn sâu trong trái tim tưởng đã hoàn toàn
nguội lạnh vẫn cháy bỏng khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống. Vẻ ngoài của Mị
toát lên vẻ lặng câm, cam chịu nhưng kỳ thực bên trong lại tiềm tàng sức sống vô
cùng mãnh liệt.
+ Chất thơ thể hiện qua hình thức nghệ thuật: Ngôn ngữ văn xuôi giàu giá trị tạo
hình, giàu chất họa, chất nhạc. Nhịp kể chậm rãi, trầm lắng, giọng kể nhẹ nhàng
theo mạch cảm xúc chảy trôi trong tâm trạng nhân vật. Câu văn dài ngắn đan xen,
có những câu văn giàu nhịp điệu, tiết tấu như những câu thơ.
=> Chất thơ đem đến cho tác phẩm sự mềm mại cùng sức lay động sâu xa. Đó là
sự kết tinh những phút giây cảm xúc thăng hoa của nhà văn (“…tôi cho rằng ngay
trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất
cao” – Tô Hoài). Chất thơ trong Vợ chồng A Phủ vừa làm nên sự độc đáo của tác
phẩm, vừa thể hiện sinh động phong cách nghệ thuật Tô Hoài.
d. Chính tả, ngữ pháp: 0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới 0.5
mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình
phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống
để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

You might also like