You are on page 1of 15

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHOA RĂNG HÀM MẶT


BỘ MÔN BỆNH HỌC MIỆNG
-----oOo-----

CHUYÊN ĐỀ
HỘI CHỨNG SJOGREN VÀ ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

TRIỆU PHÚC QUÂN


LỚP CKI 2021-2023
MỞ ĐẦU

Hội chứng Sjogren (SS) là một bệnh của hệ miễn dịch. Đặc điểm nổi bật của hội
chứng này là hai triệu chứng khô mắt và khô miệng. Hội chứng Sjogren cũng hay đi kèm
với các bệnh lý miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp hay bệnh lupus ban đỏ hệ
thống. Ngoài ra, bệnh nhân bị SS còn gặp tình trạng khác ở vùng miệng như: rối loạn vị
giác, khó nuốt, dễ bị sâu răng và mất răng sớm. Chuyên đề về hội chứng Sjogren và điều
trị nha khoa được thực hiện với các mục tiêu:
- Trình bày đặc điểm lâm sàng và dấu hiệu nhận biết để chẩn đoán được bệnh nhân
mắc hội chứng Sjogren.
- Trình bày những điều trị nha khoa cho bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren.

1
ĐẠI CƯƠNG
Hội chứng Sjögren được mô tả vào khoảng những năm 1900 khi bác sĩ người Thụy
Điển Henrik Sjögren mô tả về nhóm các phụ nữ bị viêm khớp mạn tính kèm theo triệu
chứng khô mắt và khô miệng. Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu về hội chứng này,
song vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ về cơ chế sinh bệnh, điều trị.
Hội chứng Sjögren là một rối loạn tự miễn dịch gây ra bởi sự xâm nhập tế bào lympho
của các tuyến ngoại tiết dẫn đến rối loạn chức năng tuyến, đặc biệt là tuyến nước bọt và
tuyến lệ.
Người ta chia hội chứng Sjögren thành hai loại: hội chứng Sjögren nguyên phát và hội
chứng Sjögren thứ phát. Hội chứng Sjögren nguyên phát xảy ra khi không có các bệnh
tự miễn khác và được đặc trưng bởi triệu chứng khô mắt (keratoconjunctiva sicca) và
khô miệng (xerostomia), được gọi chung là hội chứng sicca. Ngược lại, hội chứng
Sjögren thứ phát lại được biểu hiện cùng các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng
thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì…
1. Triệu chứng lâm sàng
Hội chứng SS xuất hiện khoảng 0,5 đến 1% dân số. Tỷ lệ hiện mắc hội chứng
Sjögren ước tính khoảng 3% ở những người ≥ 50 tuổi, với tỷ lệ nữ : nam là 9:1. Các biểu
hiện lâm sàng của hội chứng Sjögren thường mơ hồ, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh
lý khác. Do đó, chẩn đoán hội chứng Sjögren không chính xác rất phổ biến và khoảng
một nửa số bệnh nhân Sjögren chưa được chẩn đoán.
Triệu chứng tuyến ngoại tiết
Triệu chứng tại miệng (90%). Người bệnh có cảm giác khô miệng gây ra tình trạng
khó nhai, khó nuốt thức ăn. Bên cạnh đó, có thể nhiễm trùng răng miệng kèm theo, nhiễm
nấm miệng.
Phì đại tuyến mang tai (50%). Thường phì đại cả hai bên, cứng chắc, không đau. Đây
là yếu tố dự đoán bất lợi, có thể có nguy cơ ung thư hạch.
Triệu chứng tại mắt (95%). Người bệnh có biểu hiện khô mắt, cộm, ngứa mắt. Có thể
tổn thương kết mạc, giác mạc kèm theo.
Da khô, ngứa. Gặp ở 10% người bệnh mắc hội chứng Sjögren.
Khô niêm mạc mũi họng, ho khan, khó thở (20%).
Đau khi giao hợp do giảm tiết các tuyến tại âm đạo (40%).
Người bệnh có cảm giác khô miệng gây ra tình trạng khó nhai, khó nuốt thức ăn. Bên
cạnh đó, có thể nhiễm trùng răng miệng kèm theo, nhiễm nấm miệng
Triệu chứng ngoài tuyến ngoại tiết
Cơ xương khớp. 70% người bệnh mắc hội chứng Sjögren có triệu chứng cơ xương
khớp. Đau khớp bàn ngón tay, biểu hiện bàn tay Jaccoud. Tuy nhiên, không có tổn
thương bào mòn khớp. Đôi khi có thể thấy vôi hóa dưới da.
Hiện tượng Raynaud (30%). Trong hội chứng Sjögren, hiện tượng Raynaud thường
nhẹ hơn, không có biến chứng như loét, sẹo, hoại tử đầu chi.
Gan mật (30%). Có thể thâm nhiễm các tế bào viêm quanh đường mật dẫn đến viêm
ống mật có thể tiến triển thành xơ gan mật tiên phát.

2
Thận (5%). Có tình trạng thâm nhiễm các tế bào viêm quanh ống, kẽ thận gây tình
trạng toan hóa ống thận, suy thận mạn tính (mức độ nhẹ), viêm cầu thận gây hội chứng
thận hư.
Các tuyến nội tiết. Thâm nhiễm tế bào lympho ở tuyến giáp, thượng thận, buồng
trứng dẫn đến suy giáp, viêm tuyến giáp tự miễn, suy tuyến thượng thận, bệnh buồng
trứng tự miễn.
Các bệnh liên quan đến miễn dịch: Viêm mạch hệ thống (biểu hiện là ban xuất
huyết), bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thần kinh trung ương.
U lympho. Thường gặp ở tuyến nước bọt, dạ dày, phổi. Các yếu tố dự báo nguy cơ u
lympho bao gồm: bệnh lý thần kinh ngoại vi, viêm cầu thận, tổn thương mạch máu hoặc
ban xuất huyết, giảm C4, bệnh cryoglobulin.
Triệu chứng cận lâm sàng
Xét nghiệm
Tự kháng thể
Kháng thể kháng nhân (ANA): 83% người bệnh mắc hội chứng Sjögren có kháng thể
kháng nhân trong huyết thanh. Tuy nhiên, kháng thể này không đặc hiệu trong chẩn đoán.
Kháng thể kháng Ro/SSA: Dương tính ở 70-100% bệnh nhân Sjögren. Đây là một
kháng thể có tính đặc hiệu trong hội chứng Sjögren, song cũng có rất nhiều bệnh tự miễn
khác có lưu hành kháng thể này. Do vậy, không thể hoàn toàn dựa vào xét nghiệm tự
kháng thể để chẩn đoán bệnh.
Kháng thể kháng La/SSB: Dương tính ở 35-70% bệnh nhaanh Sjögren. Kháng thể
kháng La/SSB không đặc hiệu bằng kháng Ro/SSA. Tuy nhiên đây vẫn là tự kháng thể có
giá trị trong chẩn đoán bệnh
Các xét nghiệm khác như RF, anti CCP, anti dsDNA, anti Jo-1, anti-scl70… có thể
dương tính ở các bệnh nhân có hội chứng chồng lấp (overlap) giữa hội chứng Sjögren và
các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống…
Mô bệnh học
Mô bệnh học sinh thiết tuyến nước bọt là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh. Hình ảnh
mô bệnh học cho thấy xâm nhập các tế bào viêm đơn nhân, chủ yếu là tế bào lympho T
với >50 tế bào lympho T trên một tiểu thùy trong ít nhất 4 tiểu thùy. Tuy nhiên, không
phải trường hợp nào cũng có thể sinh thiết bệnh, đặc biệt các tiêu chuẩn hiện nay có
nhiều phương án để tiếp cận chẩn đoán hội chứng Sjögren.
Xét nghiệm khác
Xét nghiệm máu: Tế bào máu ngoại vi, chỉ số viêm CRP- máu lắng, men gan, chức
năng thận, bổ thể C3-C4, hormone tuyến giáp, anti TPO, anti TG hormone tuyến thượng
thận.
Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá tổn thương thận kèm theo.
Sinh thiết thận, sinh thiết gan: Với những tổn thương thận, tổn thương gan nghi ngờ.
Chẩn đoán hình ảnh

3
Xquang, siêu âm khớp: Đánh giá tổn thương khớp. Đau khớp trong hội chứng
Sjögren nguyên phát không có tổn thương bào mòn, phá hủy khớp. Tuy nhiên, nếu ở hội
chứng Sjögren thứ phát, đặc biệt kết hợp với viêm khớp dạng thấp hoàn toàn có thể gặp
những tổn thương này.
Siêu âm ổ bụng: Đánh giá hình ảnh gan, thận, hạch ổ bụng…
Siêu âm tuyến mang tai. Nếu có phì đại tuyến mang tai kèm theo.
Nhuộm fluorescein, nhuộm hồng Bengal và xét nghiệm green lissamine, schirmer
test...

Triệu chứng khô mắt ở bệnh nhân có hội chứng Sjogren

Niêm mạc bệnh nhân bị khô, đỏ, teo và bị nhăn, dễ dính vào ngón tay hoặc gương khi thăm
khám

4
Hội chứng Sjogren: gia tăng tỉ lệ sâu răng và lưỡi có màu đỏ, teo gai lưỡi, lưng lưỡi có hình ảnh
đá cuội

Sưng tuyến mang tai ở bệnh nhân có hội chứng Sjogren nguyên phát

2. Nguyên nhân
Hội chứng Sjogren là một bệnh lý tự miễn. Khi đó, hệ thống miễn dịch tấn công
nhầm các mô của cơ thể thay vì chống lại các tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng
Sjogren. Có các nghiên cứu tìm thấy một số đoạn gen có liên quan đến khả năng mắc
bệnh. Ngoài ra, cũng có những nghiên cứu gợi ý rằng một cơ chế kích gợi cần thiết để
khởi phát phát bệnh. Cơ chế kích gợi này có thể là một đợt nhiễm trùng với một chủng
virus hoặc vi khuẩn đặc hiệu.
Có 3 yếu tố chính góp phần thúc đẩy hội chứng Sjögren đó là yếu tố di truyền, môi
trường và gen:
Yếu tố di truyền.
Khuynh hướng di truyền đối với hội chứng Sjögren liên quan đến các gen lớp II của
phức hợp hòa hợp mô chủ yếu (MHC), đặc biệt là gen HLA-DR và HLA-DQ. Các gen
này thay đổi theo các chủng tộc. Người da trắng mắc hội chứng Sjögren hay gặp các gen
HLA-DRB1.0301, HLA-DRB3.0101, HLA-DQA1.0501, HLA-DQB1.0201…. Trong khi
đó, phụ nữ da vàng mắc hội chứng Sjögren lại hay gặp gen HLA-DRB1.0405, HLA-
DRB4.0101, HLA-DQA1.0301, HLA-DQB1.0401…
Yếu tố môi trường.
5
Yếu tố môi trường bao gồm các tác nhân lây nhiễm, đặc biệt virus đã được nghiên
cứu có mối liên quan đến cơ chế sinh bệnh của hội chứng Sjögren. Giả thiết cho rằng
virus khi xâm nhập vào cơ thể đã thúc đẩy sản xuất tự kháng thể do có khả năng bắt
chước các gen của cơ thể dẫn đến phá hủy mô. Các virus đã được nghiên cứu bao gồm:
HCV (virus viêm gan C), EBV, virus gây bệnh bạch cầu lympho T ở người (HTLV-1).
Yếu tố nội tiết
Vai trò của sự thiếu hụt estrogen có thể giải thích tại sao hội chứng Sjögren thường
gặp ở nữ giới, đặc biệt nữ giới 45-55 tuổi. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy mối
tương quan giữa giảm nồng độ estrogen và các triệu chứng giống hội chứng Sjögren.
Những con chuột bị bất hoạt gen aromatase dẫn đến không có khả năng tổng hợp
estrogen, đã phát triển các dấu hiệu tự miễn dịch giống như hội chứng Sjögren.
Cơ chế bệnh sinh
Tổn thương đặc trưng của hội chứng Sjögren là viêm các tuyến do khu trú tế bào
lympho T.
Dưới tác động của các yếu tố môi trường trên những người nhạy cảm di truyền, đặc
biệt phụ nữ tuổi mãn kinh gây tình trạng viêm do kích hoạt các tế bào lympho T và tiết
cytokine viêm. Các tế bào đơn nhân, chủ yếu là lympho T sau khi được kích hoạt sẽ xâm
nhập vào các tuyến/ống ngoại tiết qua đường mạch máu, cùng với đó các kháng thể và
cytokine viêm cũng đến gây các phản ứng viêm, phản ứng miễn dịch tại chỗ làm rối loạn
chức năng tuyến ngoại tiết, dẫn đến giảm sản xuất nước mắt ở tuyến lệ và giảm giản xuất
nước bọt của tuyến nước bọt. Ngoài ra các tuyến ngoại tiết ở nơi khác như da, khí quản,
âm đạo cũng rối loạn. Các phức hợp miễn dịch trên có thể lắng đọng ở da, khớp, cơ quan
khác gây viêm mạch hệ thống
Trong hội chứng Sjogren, hệ miễn dịch có xu hướng tấn công các tuyến sản xuất
nước mắt và nước bọt. Tuy nhiên, các cơ quan khác của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng,
ví dụ như:
Các khớp.
Tuyến giáp.
Thận.
Gan.
Phổi.
Da.
Các dây thần kinh.
3. Chẩn đoán
Hội chứng Sjogren được chẩn đoán dựa trên sự phối hợp giữa:
- Khai thác tiền sử bản thân và gia đình, cũng như các yếu tố nguy cơ
- Thăm khám lâm sàng: Phát hiện triệu chứng điển hình là khô mắt khô miệng, hoặc
triệu chứng của các bệnh lý kèm theo khác.
Có nhiều tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng Sjögren.
Tiêu chuẩn phân loại Mỹ- Châu Âu 2002

6
1. Các triệu chứng về mắt (ít nhất một)
Khô mắt dai dẳng, khó chịu hàng ngày trong ít nhất ba tháng
Cảm giác cộm hoặc sạn tái diễn trong mắt
Sử dụng nước mắt nhân tạo hơn ba lần mỗi ngày

2. Các triệu chứng về miệng (ít nhất một)


Cảm giác khô miệng mỗi ngày trong ít nhất ba tháng
Phì đại tuyến nước bọt
Cần uống chất lỏng để hỗ trợ khi nuốt thức ăn khô

3. Bằng chứng khách quan của chứng khô mắt (ít nhất một)
Test Schirmer ≤ 5 mm / 5 phút
Điểm Van Bijsterveld ≥ 4 (sau khi test lissamine)

4. Bằng chứng khách quan về tổn thương của tuyến nước bọt (ít nhất một)
Xạ hình tuyến nước bọt
Chụp cắt lớp vi tính mang tai
Lưu lượng nước bọt khi không được kích thích (≤ 1,5 mL / 15 phút, ≤ 0,1 mL / phút)
Chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán bệnh

5. Đặc điểm mô học


Sinh thiết tuyến nước bọt: cụm ≥ 50 tế bào lympho trên mỗi tiểu thùy trong ít nhất bốn
tiểu thùy được đánh giá.

6. Tự kháng thể
Sự hiện diện của các kháng thể kháng SSA (Ro / SSA) hoặc kháng SSB (La / SSB)

Chẩn đoán
Hội chứng Sjögren nguyên phát khi có bốn trong sáu tiêu chí (bao gồm một mẫu sinh
thiết dương tính của tuyến nước bọt hoặc các kháng thể chống lại SSA, SSB) hoặc ba
trong số bốn tiêu chí khách quan.
Hội chứng Sjögren thứ phát khi có một bệnh mô liên kết đã được chẩn đoán và một
triệu chứng lâm sàng cộng với bất kỳ ba trong bốn tiêu chí khách quan.
Loại trừ: Xạ trị trước đó vùng đầu cổ, ung thư hạch bạch huyết, bệnh sarcoidosis,
nhiễm HCV hoặc HIV, hoặc sử dụng thuốc kháng cholinergic
Tiêu chuẩn ACR 2012
Bao gồm 3 tiêu chí chính. Khi có 2/3 tiêu chí được chẩn đoán là hội chứng Sjögren.
7
1. Các kháng thể chống lại SSA (Ro / SSA) hoặc SSB (La / SSB), hoặc yếu tố dạng
thấp dương tính và mức kháng thể kháng nhân từ 1: 320 trở lên.

2. Sinh thiết tuyến nước bọt trong phòng thí nghiệm cho thấy viêm tuyến nước bọt tế
bào lympho khu trú với điểm tiêu điểm ≥ 1 tiêu điểm /4mm²

3. Viêm kết mạc mắt sicca với điểm nhuộm mắt ≥ 3 (giả định rằng bệnh nhân hiện
không sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày để điều trị bệnh tăng nhãn áp và chưa
phẫu thuật giác mạc hoặc phẫu thuật mí mắt thẩm mỹ trong năm năm qua)
Cần loại loại trừ các bệnh sau trước khi chẩn đoán: tiền sử điều trị bức xạ vùng đầu cổ,
nhiễm HCV, HIV, bệnh sarcoidosis, bệnh amyloidosis, bệnh liên quan đến IgG4, sau
ghép tạng.

Xét nghiệm cận lâm sàng gợi ý chẩn đoán:


- Công thức máu:
+ Thiếu máu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan.
+ Chức năng gan, thận có vấn đề.
+ Dấu hiệu của viêm nhiễm
- Chụp Sialography tuyến nước bọt cho hình ảnh bão tuyết (snowstorm)

Hình 8: Chụp Sialography cho hình ảnh bão tuyết ở tuyến nước bọt bị sưng do hội chứng Sjogren.

- X Quang thận hoặc siêu âm: Có thể thấy hình ảnh sỏi thận 2 bên nếu hội chứng có
liên quan đến bệnh ái toan thận thời gian dài dẫn tới biến chứng sỏi thận.

8
Hình ảnh lắng đọng canxi ở thận ở bệnh nhân Sjogren

4. Điều trị
Điều trị hội chứng Sjogren hiện tại chỉ có vai trò cải thiện các triệu chứng cho bệnh
nhân chứ không thể giải quyết nguyên nhân của bệnh. Vì vậy hội chứng Sjogren vẫn là
một chứng bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Điều trị triệu chứng các tuyến


Điều trị khô niêm mạc liên quan đến hội chứng Sjögren chủ yếu nhằm giảm bớt các
triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng như sâu răng, khó nuốt và nhiễm nấm Candida
miệng.
Điều trị không dùng thuốc: Tránh uống rượu, hút thuốc. Không dùng thuốc lợi tiểu,
thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm (ngoại trừ thuốc ức chế tái hấp thu
serotonin có chọn lọc, đặc biệt escitalopram và fluoxetine). Vệ sinh miệng, khám răng
miệng định kỳ, kích thích tiết nước bọt (nhai kẹo cao su không đường hoặc nước cam
quýt) và sử dụng các chất thay thế nước bọt thường được khuyến cáo để kiểm soát tình
trạng khô miệng. Các chất thay thế nước bọt đã được chứng minh là có thể cải thiện các
triệu chứng chủ quan của khô miệng (ví dụ, nóng rát miệng, khó nhai và nuốt) mà không
ảnh hưởng đến tốc độ tiết nước bọt.
Điều trị dùng thuốc:
Khô mắt. Ban đầu, nên sử dụng thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản hoặc dung
dịch nhỏ mắt chứa natri hyaluronate hoặc hydroxypropyl methylcellulose, giúp cải thiện
cả các triệu chứng chủ quan và dấu hiệu khách quan của chứng khô mắt. Trong các
trường hợp triệu chứng khô mắt từ trung bình đến nặng, thuốc nhỏ cyclosporine (0,05%)
trong sáu tháng cho thấy cải thiện đáng kể các triệu chứng. Corticoid tại chỗ có hiệu quả
ngắn hạn song nhiều nguy cơ trên mắt nên sử dụng thận trọng.
Khô miệng. Sử dụng pilocarpine, Cevimeline cho thấy sự cải thiện có ý nghĩa thống kê
về tình trạng khô (miệng, mắt, mũi, âm đạo, da) và tốc độ chảy nước bọt.
Khô âm đạo. Sử dụng thuốc đặt có chứa estrogen, chất bôi trơn.
Điều trị toàn thân

9
Phì đại tuyến mang tai. Chườm mát, sử dụng NSAIDs hoặc corticoid toàn thân ngắn
ngày (<1 tháng). Cân nhắc sử dụng kháng sinh.
Viêm khớp. Điều trị triệu chứng gồm NSAID, corticoid toàn thân hoặc tại chỗ. Điều trị
thay đổi bệnh gồm: HCQ hoặc methotrexate. Khi sử dụng HCQ cần chú ý kiểm tra mắt
định kỳ
Biểu hiện Raynaud: Tránh lạnh, lo lắng, sử dụng thuốc chẹn kênh Calci.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Thuốc chống trầm cảm, gabapentin. Lưu ý có thể làm
nặng thêm triệu chứng khô mắt và khô miệng. Ngoài ra có thể sử dụng corticoid toàn
thân (uống hoặc truyền tĩnh mạch) hoặc globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch những
trường hợp diễn biến nặng.
Viêm mạch máu do cryoglobulin gây tổn thương tạng: lựa chọn corticoid liều cao, trao
đổi huyết tương, globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch, Rituximab.
Bệnh phổi kẽ: Cyclophosphamide, azathioprine.
Toan hóa ống thận: Bổ sung kali, natribicarbonat.
Viêm cầu thận: Corticoid, cyclophosphamide tĩnh mạch.
Tổn thương đường mật. Sử dụng thuốc lợi mật Axit ursodeoxycholic.
U lympho. Điều trị theo phác đồ điều trị u lympho.
Điều trị hội chứng kèm theo (trong hội chứng Sjögren thứ phát): Điều trị viêm khớp
dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì theo phác đồ.
5. Bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren và điều trị nha khoa
Trong hội chứng Sjogren thì tổn thương tuyến nước bọt là không thể phục hồi. Do đó,
trong điều trị Nha khoa, bác sĩ cần trấn an tâm lý bệnh nhân SS và giúp họ giảm tác hại
của tình trạng khô miệng.
Kiểm tra bất kì loại thuốc nào bệnh nhân đang sử dụng có khả năng gây khô miệng.
Hướng dẫn bệnh nhân SS giảm khô miệng bằng cách:
- Thường xuyên uống từng lượng nước nhỏ
- Kê đơn các chất thay thế nước bọt
Mặc dù bệnh nhân SS đi khám nha sĩ thường xuyên và vệ sinh răng miệng tốt, tuy nhiên
tỷ lệ Sâu - Mất - Trám ở những bệnh nhân này rất cao. Chúng biểu hiện với các tổn
thương sâu răng sớm hoặc sâu răng tái phát. Do đó, bác sĩ Răng Hàm Mặt cần phải khám
một cách kỹ lưỡng, chẩn đoán và can thiệp sớm bằng những phục hồi trực tiếp hoặc gián
tiếp
Kiểm soát sâu răng ở bệnh nhân răng giả:
- Tránh đồ ngọt
- Đề xuất kẹo cao su không đường
- Kiểm soát chế độ ăn uống
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt
- Fluoride tại chỗ (Prevident 5000ppm, Biotent toothpaste 1.0%...)
- Súc miệng Chlorexidine 0.2 %
Theo dõi tình trạng nhiễm nấm niêm mạc
10
Cho hỗn hợp chống nấm (không phải thuốc viên) khi cần thiết
Đề xuất bệnh nhân làm implant hoặc phục hồi cố định vùng răng mất thay cho phục
hình tháo lắp vì bệnh nhân SS mang hàm giả tháo lắp thường gặp nhiều khó khăn như
đau rát niêm mạc miệng những vị trí tiếp xúc hàm giả.
Thường xuyên quan sát kiểm tra để đánh giá khả năng phát triển của viêm tuyến mang
tai hoặc tiến triển thành Lymphoma.

6. Ca Lâm Sàng:
Nguồn: (doi: 10.2209/tdcpublication. 2017-0036)
Bệnh nhân nữ, 50 tuổi, điều trị tại bệnh viện Tokyo Suidobashi tháng 4/2013.
Lý do đến khám: đau và rối loạn chức năng khi ăn nhai.
Tiền sử:
- Năm 2006, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Sjogren và được kê đơn nước
bọt nhân tạo (Salivekt acrosol 50g) trong 3 tháng.
- Dị ứng kháng sinh Quinolone
- Sưng tuyến mang tai bên phải
- Không hút thuốc, không sử dụng thuốc steroids hoặc thuốc thần kinh
- Tháng 2/2012, bệnh nhân được nhổ răng 37 do gãy chân răng. Tất cả các răng đã được
điều trị nội nha. Bệnh nhân đang mang hàm giả tháo lắp R36, 37, 46, 47.
- Khô miệng

Phim toàn cảnh bệnh nhân trong lần khám đầu tiên

11
Niêm mạc miệng khô, đàn hồi kém và khô đỏ

Lưỡi đỏ, khô, nứt nẻ.

Kết quả xét nghiệm máu/nước tiểu: kháng thể anti SSA>1200 U/ml (bình thường <10
U/ml), MCH 32,9pg (bình thường 27-32pg).
Lưu lượng nước bọt tiết ra khi nhai kẹo cao su: 0 ml/10 phút.
Điều trị:
Tháng 6/2013:
1. Hướng dẫn vệ sinh răng miệng
2. Cạo vôi, xử lý mặt gốc răng R15, 25)
3. Nhổ răng 16, 17, 26, 27
Tháng 1/2014:
1. Phẫu thuật đặt Implant R36, 37, 46, 47
2. Phẫu thuật ghép Implant R 16, 17, 26, 27
3. Toa thuốc: Amoxicillin 250mg, uống, 3 lần/ngày trong 5 ngày
Loxoprofen 60mg

12
Nước súc miệng Xanh Meo sltelin 0,2%, 4-5 lần/ngày.
- Cắt chỉ sau 10 ngày, lành thương tốt.
- Sau khi gắn phục hình cố định trên Implant, bệnh nhân được điều trị Fluor nồng độ
cao 9000 ppm.

Tái khám sau 3 năm. Không có viêm quanh implant và không tiêu xương quanh implant

13
KẾT LUẬN
Hội chứng Sjogren tuy hiếm gặp nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng cho bệnh nhân cả ở
toàn thân và răng miệng. Sức khỏe toàn thân và tinh thần của của bệnh nhân có thể bị ảnh
hưởng nặng nề. Bác sĩ Răng Hàm Mặt cần có hiểu biết chính xác và cách tiếp cận hợp lý
đối với bệnh nhân mang hội chứng này để có thể cải thiện sức khỏe răng miệng cũng như
toàn thân và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ môn bệnh học miệng, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí
Minh (2012), “Giáo trình bệnh học miệng”.
2. M. Ghafoor (2011), “Sjo¨gren’s Before Sjo¨gren: Did Henrik Sjo¨gren (1899–
1986) Really Discover Sjo¨gren’s Disease?”, J.Maxillofac. Oral Surg. (July-Sept
2012)
3. “Clinical practice guidelines for oral management of Sjögren disease Dental caries
prevention”, American Dental Association(2016
4. Floor Maarse, Derk H. Jan Jager, Tim Forouzanfar, Jan Wolff, Henk S. Brand,
“Tooth loss in Sjögren’s syndrome patients
5. compared to age and gender matched controls”, Med Oral Patol Oral Cir Bucal
(2018)
6. Oral Management: Caries Prevention in Sjögren’s Patients, Sjögren's Foundation
7. A. J. Carr, W.-F. Ng, F. Figueiredo, R. I. Macleod, M. Greenwood and K. Staines,
“Sjögren’s syndrome – an updatefor dental practitioners”, British dental journal
volume 213 no. 7 (2012)
8. Gentaro Mori, Takafumi Kobayashi, Taichi Ito and Yasutomo Yajima (2017),
“Implant-supported Prostheses in patient with Sjogren’s Syndrome: Clinical report
with 3 year Follow-up, Bull Tokyo Dent Coll (2018) 59(3): 201-206

14

You might also like