You are on page 1of 12

MỞ ĐẦU

1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI:


Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương,
biện pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và tội
phạm nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ma tuý vẫn diễn biến vô cùng phức
tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây nhức nhối cho xã hội. Hiện nay vẫn
có một bộ phận không nhỏ người trong xã hội vẫn có cái nhìn chủ quan và chưa có
nhận thức đúng đắn về những hiểm hoạ mà ma tuý có thể gây ra. Bên cạnh đó, ma
tuý là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội
phạm hình sự. Thực tế cho thấy ma tuý là bạn đồng hành của tội phạm, mối quan hệ
giữa ma tuý và tội phạm là mối quan hệ nhân quả. Do tác hại lâu dài và nhiều mặt
của các hành vi vi phạm các quy định về chế độ quản lý chất ma tuý như vậy nên
mọi hành vi vi phạm, ở bất kì khâu nào của quản lí chất ma tuý đều bị quy định là
tội phạm.
Bên cạnh Bộ luật Hình sự 2015, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính
sách pháp luật nhằm đảm bảo tăng cường phòng, chống ma tuý. Cụ thể như:
+ Luật phòng, chống ma tuý 2021 do Quốc hội ban hành.
+ Nghị định số 73/2018/NĐ-CP về quy định các danh mục chất ma tuý và tiền
chất.
+ Nghị định số 105/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của luật phòng, chống ma tuý.
+ Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công
tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.
Để góp phần hiểu biết thêm tội phạm và hình phạt về ma tuý nhằm ngăn chặn,
đẩy lùi các tệ nạn về ma tuý tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tội phạm về ma tuý.”
2. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
2.1. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:
Giúp mọi người hiểu được thêm về cấu thành của tội phạm về ma tuý. Phân tích
được 13 tội danh thuộc các tội phạm về ma tuý theo Bộ luật Hình sự 2015. Sưu tầm
các bản án cụ thể trong thực tiễn xét xử để phân tích, đánh giá, minh hoạ.
2.2. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
Để thực hiện được mục tiêu trên, ta cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Thứ nhất, phân tích cấu thành 13 tội danh thuộc các tội phạm về ma tuý.
+ Thứ hai, đưa các bản án cụ thể trong thực tiễn xét xử.

NỘI DUNG
I. NHẬN THỨC CHUNG VỀ MA TUÝ:
Ma tuý là những chất có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc được tổng hợp khi đưa vào
cơ thể có thể khiến cho trạng thái tinh thần của người dùng có sự thay đổi. Ma tuý là
một dạng chất kích thích hệ thần kinh có thể tạo nên những cảm giác hưng phấn, vui
hoặc buồn đối với người sử dụng. Khi sử dụng quá nhiều người, người dùng sẽ bị
phụ thuộc vào chất gây nghiện này. Khi không có ma tuý, cơ thể sẽ cảm thấy vô
cùng khó chịu có những ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ.
Theo khoản 1 điều 2 Luật phòng, chống ma tuý 2012 quy định chất ma tuý là
chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma tuý do
Chính phủ ban hành.
Theo khoản 10 điều 2 Luật phòng, chống ma tuý 2021 quy định người sử dụng
trái phép chất ma tuý là người có hành vi sử dụng chất ma tuý mà không được sự
cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xé nghiệm chất ma
tuý trong cơ thể có kết quả dương tính.
Các tội phạm về ma tuý là hành vi cố ý xâm phạm chế độ quản lý các chất ma
tuý của Nhà nước.
II. DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TUÝ:
1. Khách thể của tội phạm:
Khách thể của các tội phạm về ma tuý là chế độ quản lí các chất ma tuý của Nhà
nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Các tội phạm này có đối tượng là các
chất ma tuý và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý.
Các chất ma tuý có thể được chia thành 2 nhóm:
- Thứ nhất là các chất ma tuý (chất gây nghiện, chất hướng thần) và các đối
tượng có chứa chất ma tuý (thuốc chữa bệnh và cây có chứa chất ma tuý)
- Thứ hai là các tiền chất (các hoá chất dùng để điều chế, sản xuất chất ma tuý)
Các dạng chất ma tuý thường gặp và là đối tượng phổ biến của các tội phạm về
ma tuý là:
- Heroine
- MDMA
- Cần sa và các chế phẩm từ cần sa
- Lá khát (lá cây Catha edulis)
- Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện
- Cao coca
- Lá cây coca (lá của cây coca - lá chưa từng được dùng để chiết xuất)
- Cocaine
- Methamphetamine, Amphetamine.
Các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng chất ma tuý: là các công cụ, phương
tiện dùng vào việc sản xuất và sử dụng chất ma tuý.
2. Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của các tội phạm về ma tuý là những hành vi vi phạm quy
định của Nhà nước về chế độ quản lí các chất ma tuý. Đó có thể là những hành vi
thực hiện những điều mà Nhà nước cấm làm hoặc có thể là những hành vi của
những người có trách nhiệm trong quản lí các chất ma tuý đã không thực hiện, thực
hiện không đầy đủ hoặc làm những việc ngoài phạm vi những quy định về quản lí
các chất ma tuý.
Về hậu quả, hậu quả mà các tội phạm về ma tuý có thể gây ra là rất nghiêm trọng
về nhiều mặt. Tuy nhiên, các tội phạm về ma tuý đều được quy định là tội phạm có
cấu thành tội phạm hình thức.
3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Đối với đa số tội phạm về ma tuý, lỗi của người thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp. Lỗi
của người phạm các tội quy định tại Điều 256 và Điều 259 có thể là lỗi cố ý trực
tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
4. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của hầu hết tội phạm về ma tuý là chủ thể bình thường; riêng tội được
quy định tại Điều 259 BLHS đòi hỏi chủ thể đặc biệt.
III. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ:
1. Tội trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc cái loại cây khác có
chứa chất ma tuý (Điều 247 BLHS).
Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của tội phạm được
quy định là hành vi trồng và đối tượng được trồng là cây thuốc phiện, cây coca, cây
cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý. Trong đó, hành vi trồng được
hiểu là hành vi gieo trồng, chăm bón cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các
loại cây khác có chứa chất ma tuý hoặc thu hoạch các bộ phận của cây như lá, hoa,
quả, thân cây.
Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm:
- Hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma tuý bị coi là
tội phạm trong các trường hợp sau:
+ Chủ thể đã được giáo dục hai lần và đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc
sống.
+ Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
+ Chủ thể đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xoá án ích mà còn vi phạm.
+ Chủ thể đã trồng được số lượng từ 500 cây trở lên.
Dấu hiệu lỗi của chủ thể: lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm
tội biết tính chất của cây mà mình trồng cũng như biết dấu hiệu xác định hành vi
trồng cây có chứa chất ma tuý là tội phạm.
2. Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 248 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm: là hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý
dưới bất kỳ hình thức nào.
“Sản xuất trái phép chất ma tuý” là làm ra chất ma tuý (chế biến, điều chế…) bằng
thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma tuý, từ các
tiền chất và các hoá chất hoặc làm ra chất ma tuý này từ chất ma tuý khác mà không
được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ
quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lời cho việc sử dụng chất ma tuý đã có sẵn
như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền heroin từ bánh
thành bột để hít…thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 là trường hợp
người phạm tội có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý từ năm lần trở lên không phân
biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự hoặc chưa được xoá án tích.
- Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý làm nghề sinh sống
và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý làm nguồn sống
chính.
Mặt chủ quan của tội phạm: lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực
tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi mình được thực hiện là hành vi làm ea chất ma
tuý và là không được phép.
3. Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý (Điều 249 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định hành vi tàng trữ trái phép chất
ma tuý. Hành vi tàng trữ chất ma tuý là hành vi cất giữ, cất giấu chất ma tuý.
- Hành vi cất giữ, cất giấu chất ma tuý bị coi là trái phép khi các hành vi đó được
thực hiện mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi cất giữ, cất giấu trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm trong các
trường hợp sau:
- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này.
- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chủ thể đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 252 và
252 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chất ma tuý được tàng trữ trái phép có khối lượng tối thiểu 01 gam (nhựa thuốc
phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca); 0,1 gam (heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine, MDMA hoặc XLR-11); 01 kilôgam (lá cây côca, lá khát (là cây
Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có
chứa chất ma tuý); 05 kilôgam (quả thuốc phiện khô), 01 kilôgam (quả thuốc phiện
tươi); 01 gam (các chất ma tuý khác ở thể rắn); 10 mililít (các chất ma tuý khác ở
thể lỏng).
Mặt chủ quan:
- Dấu hiệu lỗi của chủ thể: lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực
tiếp.
- Dấu hiệu mục đích phạm tội: Điều luật quy định: Người phạm tội “không nhằm
mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý”. Theo đó, hành vi
cất giữ, cất giấu trái phép chất ma tuý nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc
sản xuất trái phép chất ma tuý không cấu thành tội phạm này.
4. Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi vận chuyển trái phép
chất ma tuý.
- Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch chất ma tuý từ
nơi này đến nơi khác mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đối tượng của tội phạm này là các chất ma tuý như: nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa, cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-
11, lá cây côca, lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần
sa, bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý, quả thuốc phiện khô, tươi và các chất
ma tuý khác ở thể rắn hoặc thể lỏng.
Hành vi chuyển dịch trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm trong những
trường hợp sau:
- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này.
- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chủ thể đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và
252 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chất ma tuý được vận chuyển trái phép có khối lượng tối thiểu 01 gam (nhựa
thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca); 0,1 gam (Heroine, Cocaine,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11); 01 kilôgam (lá cây côca,
lá khát (lá cây Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc bộ phận của
cây khác có chứa chất ma tuý); 05 kilôgam (quả thuốc phiện khô); 01 kilôgam (quả
thuốc phiện tươi); 01 gam (các chất ma tuý khác ở thể rắn); 10 mililit (các chất ma
tuý khác ở thể lỏng).
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Dấu hiệu lỗi của chủ thể: Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực
tiếp.
- Dấu hiệu mục đích phạm tội: Điều luật quy định: Người phạm tội “không nhằm
mục đích sản xuất, mua bản, tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Theo đó, hành vi vận
chuyển trái phép chất ma tuý nhằm mục đích sản xuất, mua bản, tàng trữ trái phép
chất ma tuý không cấu thành tội phạm này.
5. Tội mua bán trái phép chất ma tuý (Điều 251 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi mua bán trái phép
chất ma tuý.
- Hành vi mua bán trái phép chất ma tuý được hiểu là hành vị trao đổi trái phép
chất ma tuý dưới bất kì hình thức nào.
- Hành vi mua bán chất ma tuý bị coi là trái phép khi được thực hiện không có
giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của người phạm tội được xác định là lỗi cố ý trực tiếp.
- Khi xác định lỗi của người phạm tội này cần chú ý:
+ Người thực hiện hành vi mua bán các chất được giám định không phải là chất
ma tuý nhưng họ ý thức rằng đó là chất ma tuy thì vẫn phải chịu TNHS về tội phạm
này (theo khoản 1 Điều 251 BLHS);
+ Trong trường hợp bên bán biết là chất ma tuý giả còn bên mua đã nhầm tưởng
là chất ma tuý, hành vi của người bán không cấu thành tội mua bán trái phép chất
ma tuý mà cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 174 BLHS); còn
hành vi mua nhầm vẫn cấu thành tội mua bán trái phép chất ma tuý (chưa đạt vô
hiệu).
6. Tội chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 252 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi chiếm đoạt chất ma
tuý.
- Hành vi chiếm đoạt chất ma tuý được hiểu là hành vi chuyển chất ma tuý của
người khác thành của mình bằng bất kì thủ đoạn nào.
Hành vi chiếm đoạt chất ma tuỷ bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau:
- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này.
- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chủ thể đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và
251 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Chất ma tuý bị chiếm đoạt có khối lượng tối thiểu 0,1 gam (nhựa thuốc phiện,
nhựa cần sa hoặc cao coca); 0,1 gam (Heroine, Cocaine, Methamphetamine,
Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11); 01 kilôgam (lá cây côca, lá khát (lá cây
Catha edulis), lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có
chứa chất ma tuý); 05 kilôgam (quả thuốc phiện khô); 01 kilôgam (quả thuốc phiện
tươi); 01 gam (các chất ma tuý khác ở thể rắn); 10 mililít (các chất ma tuý khác ở
thể lỏng).
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết
đối tượng mà mình chiếm đoạt là chất ma tuỷ.
- Khi xác định lỗi của người phạm tội này cần chú ý:
+ Người có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà không biết trong đó
có chất ma tuý thì hành vi của họ không cấu thành tôi chiếm đoạt chất ma tuý mà
cấu thành tội danh tương ứng với hành vi chiếm đoạt tài sản đã được thực hiện.
+ Người thực hiện hành vi chiếm đoạt các chất được giám định không phải là
chất ma tuý nhưng họ ý thức rằng đó là chất ma tuy thi hành vi vẫn cấu thành tội
phạm này (phạm tội chưa đạt vô hiệu) theo khoản 1 của Điều 252 BLHS.
7. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc
sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 253 BLHS).
Về hình thức, đây là 1 tội danh nhưng cũng có thể xem Điều 253 quy định 4 tội
phạm cụ thể là:
- Tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Tội vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
"Tiền chất là các loại hoá chất không thể thiếu được trong quá tình điều chế, sản
xuất chất ma tuý được quy định trong danh mục do chính phủ ban hành” (khoản 4
Điều 2 Luật phòng, chống ma tuý năm 2000, được sửa đổi bổ sung năm 2008).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có chung đối tượng tác động là
tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Hành vi tàng trữ trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Hành vi vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma
tuý.
- Hành vi mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma
tuý.
- Hành vi chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc
sản xuất trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau:
- Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này.
- Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Tiền chất được tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt có khối lượng tối
thiểu 50 gam (ở thể rắn); 75 mililit (ở thể lỏng).
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.
- Theo đó, Điều luật đòi hỏi chủ thể thực hiện hành vi:
+ Nhận thức được tính chất của đối tượng của hành vi mà mình thực hiện. Đó
là tiền chất có thể sử dụng để làm ra chất ma tuý trái phép.
+ Nhận thức được mục đích sẽ được sử dụng của đối tượng của hành vi mà
mình đã thực hiện. Đó là sẽ dùng để làm ra chất ma tuý trái phép.
8. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng
vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 254 BLHS).
Về hình thức, đây là 1 tội danh nhưng cũng có thể xem Điều 254 quy định 4 tội
phạm cụ thể là:
Điều luật quy định 4 tội phạm cụ thể là:
- Tội sản xuất các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái
phép chất ma tuý.
- Tội tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái
phép chất ma tuý.
- Tội vận chuyển các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng
trái phép chất ma tuý.
- Tội mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái
phép chất ma tuý.
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là một trong bốn hành vi
khác nhau. Các hành vi này có chung đối tượng tác động là phương tiện, dụng cụ
dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý.
- Các hành vi này cụ thể là:
+ Hành vi sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng
trái phép chất ma tuý.
+ Hành vi vận chuyển phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử
dụng trái phép chất ma tuý.
+ Hành vi mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng
trái phép chất ma tuý.
- Hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng
vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm này
trong các trường hợp sau:
+ Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này.
+ Chủ thể đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
+ Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma
tuý được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán có số lượng tối thiểu là 06
đơn vị.
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.
- Theo đó, đòi hỏi chủ thể khi thực hiện hành vi:
+ Nhận thức được tính chất của đối tượng của hành vi mà mình thực hiện. Đó là
phương tiện, dụng cụ có thể sử dụng để làm ra hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
+ Nhận thức được mục đích sẽ được sử dụng của đối tượng của hành vi mà
mình đã thực hiện. Đó là sẽ dùng để làm ra hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
9. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 255 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi tổ chức sử dụng trái
phép chất ma tuý. Đó có thể là hành vi chỉ huy, phân công, điều hành hoạt động đưa
trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác hoặc hành vi chỉ huy, phân công, điều
hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma tuý, địa điểm, phương tiện, dụng cụ vào việc
sử dụng trái phép chất ma tuý, tìm người sử dụng chất ma tuý.
- Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có thể được thực hiện dưới bất kì
hình thức nào. Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có thể được thực hiện
ở bất cứ nơi nào.
- Hành vi khách quan của tội phạm này chỉ có thể là hành động.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực
tiếp.
10. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 256 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi chứa chấp việc sử
dụng trái phép chất ma tuý.
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp
hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi mà mình thực hiện là tạo điều kiện
về địa điểm cho việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
11. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 257 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi buộc người khác sử
dụng trái phép chất ma tuý bằng một trong các thủ đoạn sau:
+ Dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác, như đánh,
chém, trói, nhốt... (để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma tuý trái với ý muốn
của họ).
+ Đe doạ dùng vũ lực: Là đe doạ sẽ gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ
cho người khác (để buộc họ phải sử dụng trái pháp chất ma tuý trái với ý muốn của
họ).
+ Uy hiếp tinh thần của người khác: Là đe doạ gây thiệt hại về tài sản, danh dự,
uy tín... cho người khác bằng bất kì cách thức nào (để buộc họ phải sử dụng trái
phép chất ma tuý trái với ý muốn của họ).
- Kết quả của hành vi khách quan nêu trên là việc người khác đã sử dụng trái phép
chất ma tuý trái với ý muốn của họ.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực
tiếp.
12. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 258 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là:
+ Hành vi rủ rễ người khác sử dụng trái phép chất ma tuý Là hành vi tác động
đến người khác để người này tự nguyện sử dụng trái phép chất ma tuý.
+ Hành vi dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma tuý: Là hành vi hứa hẹn
về quyền lợi làm cho người khác nghe theo mà sử dụng trái phép chất ma tuý.
+ Hành vi xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma tuý: Là hành vi kích
động, thúc đẩy người khác sử dụng trải phép chất ma tuý
+ Hành vi khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý: Là hành
vi có khả năng lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mà không phải là
hành vi rủ rê, dụ dỗ và xúi giục như mồi chài, lừa phỉnh... có tác động khêu gợi sự
ham muốn sử dụng chất ma tuý của người khác.
- Như vậy, có thể khái quát hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi làm
cho người khác tự nguyện sử dụng trái phép chất ma tuý.
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.
13. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần (Điều 259 BLHS).
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi vi phạm các quy
định của Nhà nước về quản lí chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc
hướng thần.
- Hành vi khách quan của tội phạm được Điều luật xác định cụ thể là:
+ Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các
chất có chứa chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.
+ Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma tuý,
tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.
+ Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây
nghiện hoặc thuốc hướng thần.
+ Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma tuý, tiền chất,
thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.
+ Vi phạm quy định về quản lí, kiểm soát, lưu giữ chất ma tuý, tiền chất, thuốc
gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên
biển.
+ Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma tuý, tiền chất, thuốc
gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.
- Hành vi vi phạm có thể là không hành động (không thực hiện) hoặc hành động
(thực hiện không đúng hoặc làm những việc ngoài phạm vi quy định về quản lí chất
ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần).
Chủ thể của tội phạm:
- Đây là tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm được quy định
phải là người có trách nhiệm trong quản lí chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần ở tất cả các khâu của quá trình quản lí các đối tượng này, từ xuất
khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; nghiên cứu, giám
định, sản xuất; bảo quản; giao nhận, vận chuyển đến phân phối, mua bán, trao đổi;
quản lí, kiểm soát, lưu giữ tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển và cấp
phát, cho phép sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.
- Trách nhiệm trong quản lí của chủ thể có thể do được giao nhiệm vụ trực tiếp
hoặc do có chức vụ quản lí.
Các hành vi vi phạm nêu trên chỉ bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử lí kỉ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều
này.
- Đã bị kết án về một trong các tội phạm quy định tại Chương XX của Bộ luật
này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.
IV. CÁC BẢN ÁN CỤ THỂ VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ:
“Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 25/9/2021, tổ công tác của Công an thị xã Phổ
Yên phối hợp với Công an xã T phát hiện tại chỗ ở của Vũ Văn T, thuộc xóm N, xã
T, thị xã Phổ Yên có một số đối tượng đang tụ tập có biểu hiện mua bán trái phép
chất ma tuý. Tổ công tác triển khai lực lượng đến địa điểm trên thì phát hiện có 04
đối tượng đang ngồi tại bàn uống nước trước cửa nhà của Vũ Văn T. Khi thấy lực
lượng Công an, T đã bỏ chạy thoát. Tiến hành kiểm tra, 03 người nam giới lần lượt
khai nhận họ tên là Bùi Đức H (sinh năm 198x; trú tại tổ dân phố 2B, phường PC,
thành phố S, tỉnh T), Dương Đức P (sinh năm 199x; trú tại xóm T A 2, xã P T, thị
xã P Y) và Hoàng Bình T (sinh năm 199x; trú tại xóm N, xã T C, thị xã PY). Quá
trình kiểm tra, H tự nguyện lấy ra từ trong túi quần phía trước bên phải đang mặc 01
gói giấy bạc, bên trong có chứa chất rắn màu trắng đục giao nộp cho tổ công tác. P
cũng tự nguyện giao nộp cho tổ công tác 01 gói giấy bạc, bên trong có chứa chất rắn
màu trắng đục. H và P đều khai nhận, số chất rắn màu trắng đục chứa trong 02 gói
giấy bạc trên là ma tuý loại Heroine, H và P vừa mua được của T với giá 100.000
đồng/01 gói và đang chuẩn bị ra về thì bị lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện bắt
giữ. Đến 19 giờ cùng ngày, Vũ Văn T đã ra đầu thú tại Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an thị xã Phổ Yên và khai nhận hành vi vi bán trái phép chất ma tuý cho Bùi
Đức H và Dương Đức P với số tiền là 200.000đ.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh
Thái Nguyên, tiến hành cân khối lượng số chất rắn màu trắng đục thu giữ của Bùi
Đức H được 0,040 gam niêm phong trong phong bì kí hiệu N, của Dương Đức P
được 0,055 gam niêm phong trong phong bì kí hiệu O gửi giám định. Tại bản kết
luận giám định số 1450 ngày 04/10/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh
Thái Nguyên kết luận: Chất rắn màu trắng đục trong P bì kí hiệu N gửi giám định là
chất ma tuý, loại Heroine, có khối lượng 0,040 gam; Chất rắn màu trắng đục trong
phong bì kí hiệu O gửi giám định là chất ma tuý, loại Heroine, có khối lượng 0,055
gam.
Quá trình điều tra, H và P đều khai nhận: Khoảng 11 giờ ngày 25/9/2021, H và P rủ
nhau đến nhà của T để mua ma tuý sử dụng. Đến nơi, thấy T đang ngồi uống nước
tại bàn uống nước ở sân cùng với Hoàng Bình T, P đưa cho H 100.000đ, H có
100.000đ rồi H đưa cho T 200.000đ và nói “Để cho em 200.000đ” (ý nói để cho em
200.000đ tiền ma tuý), T đồng ý cầm tiền rồi đi vào trong nhà ngang lấy ma tuý ra
và đưa 02 gói ma tuý cho Phong. Sau đó, P đưa lại cho H 01 gói, H có hỏi T là cho
H và P sử dụng tại nhà của T nhưng T không đồng ý. Khi H và P đang chuẩn bị ra
về thì lực lượng Công an thị xã Phổ Yên ập đến bắt giữ. Ngoài ra, Dương Đức P và
Bùi Đức H còn khai nhận đã mua ma tuý của Vũ Văn T 01 lần trước đó. Cụ thể,
khoảng 11 giờ 30 phút ngày 23/9/2021, H và P cùng nhau góp tiền mỗi người
100.000 đồng và đến nhà của Vũ Văn T để hỏi mua ma tuý. T đã bán cho H và P 02
gói ma tuý loại Heroine với giá 200.000 đồng. Sau khi mua được ma tuý, H và P ra
về và sử dụng hết.”
Tại bản cáo trạng số 33/CT-VKSPY ngày 25/01/2022 Viện kiểm sát nhân
dân thị xã P Y, tỉnh T N đã truy tố bị cáo Vũ Văn T về tội “Mua bán trái phép chất
ma tuý” theo các điểm b, c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự.
Dấu hiệu pháp lí:
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Về hành vi: Do bản thân là người nghiện ma tuý nên Vũ Văn T đã mua ma tuý
về nhà của mình tại xóm N, xã T C, thị xã P Y, tỉnh T N chia ra thành các gói nhỏ
nhằm bán lại cho những người nghiện khác đến mua để kiếm lời, cụ thể: Khoảng 11
giờ 30 phút ngày 23/9/2021, tại nhà của mình, T đã bán cho Bùi Đức H và Dương
Đức P 02 gói ma tuý thu lời số tiền 200.000đ, số ma tuý này H và P đã sử dụng hết;
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 25/9/2021, T tiếp tục bán cho H và P 02 gói ma tuý
loại Heroine, có tổng khối lượng 0,095 gam thu lợi bất chính 200.000đ, thì bị lực
lượng Công an thị xã P Y, tỉnh T N ập đến bắt giữ được H và P, còn T lợi dụng sơ
hở bỏ chạy thoát, đến 19 giờ cùng ngày 25/9/2021, T ra đầu thú tại Cơ quan điều tra
và khai nhận hành vi của mình.
+ Về mục đích: Ông Vũ Văn T đã mua bán trái phép chất ma túy với mục đích
kiếm lời.
- Khách thể của tội phạm: là chế độ quản lý của Nhà nước về việc cất giữ, vận
chuyển, trao đổi chất ma túy.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. Ở đây ông Vũ Văn T
đã nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật nhưng
vẫn thực hiện hành vi đó.
- Chủ thể của tội phạm: đã đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Xét các yếu tố về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
đối với bị cáo thấy rằng:
+ Về nhân thân: Năm 2011, bị cáo bị Toà án nhân dân huyện Phổ Yên xử phạt
09 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, đến ngày 31/8/2015 bị cáo được đặc xá. Đến
thời điểm thực hiện hành vi phạm tội lần này bị cáo đã chấp hành xong bản án và
đương nhiên được xoá án tích, tuy nhiên Hội đồng xét xử nhận định bị cáo là người
có nhân thân xấu.
+ Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra cũng như tại
phiên toà bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của
mình nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại
điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Ngoài ra, sau khi bị phát hiện bị cáo đã
bỏ chạy nhưng sau đó đã tự đến cơ quan điều tra xin đầu thú nên được hưởng thêm
01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình
sự.
+ Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết
tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
- Việc xử lý đối tượng liên quan đến vụ án:
+ Trong vụ án này còn có Bùi Đức H và Dương Đức P có hành vi mua ma tuý
của T vào ngày 23/9/2021 và ngày 25/9/2021 để sử dụng. Sau khi mua ma tuý vào
ngày 23/9/2021, H và P đã sử dụng hết, số ma tuý mua của T ngày 25/9/2021 có
khối lượng dưới 0,1 gam không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra đã
tiến hành cảm hoá giáo dục đối với H và P là phù hợp.
+ Chị Hoàng Thị P là vợ của Vũ Văn T, cùng sinh sống với T tại xóm N, xã T
C, thị xã Phổ Yên. Tuy nhiên, chị Phương không biết việc T mua bán trái phép chất
ma tuý tại nơi ở của mình nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý là phù hợp.
+ Về nguồn gốc số ma tuý Heroine, T khai mua tại một ngôi nhà thuộc xóm Kim
Tỉnh, xã T, thị xã Phổ Yên vào ngày 20/9/2021. Tuy nhiên, T không nhớ vị trí ngôi
nhà và không biết người bán ma tuý cho mình là ai nên Cơ quan điều tra tiếp tục
điều tra xác minh xử lý sau.
KẾT LUẬN
Ma tuý luôn là những vấn đề nhức nhối đối với xã hội. Mỗi người dân chúng ta để
làm tốt công tác tuyên truyền Luật phòng, chống ma tuý góp phần làm giảm số
lượng người nghiên ma tuý ở địa phương cần nâng cao nhận thức về tác hại của các
loại ma tuý, đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma tuý. Bên
cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn về
việc giải quyết các vụ án ma tuý nhằm đảm bảo được việc thực hiện công tác xét
xử, phòng, chống tội phạm đảm bảo được tính nghiệm minh. Cần đưa ra thêm các
văn bản hướng dẫn việc xử lý các tội phạm về ma tuý để phù hợp với tình hình hiện
nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (quyển 2), Trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015.
3. Luật Phòng, chống ma tuý 2021.
4. https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-toi-mua-ban-trai-phep-chat-
ma-tuy-so-202022hsst-248752

You might also like