You are on page 1of 6

Lai Tân

Bài thơ Lai Tân đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những ngày Bác bị giam cầm
trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch. Bức tranh hiện thực nhà tù và một phần xã hội Trung
Quốc đã được thu nhỏ trong bốn câu thơ bảy chữ kèm theo thái độ

Thành công của bài thơ Lai Tân là nghệ thuật châm biếm sắc sảo, độc đáo, với giọng điệu tự sự
xen lẫn trữ tình với một kết cấu chặt chẽ vững chắc.

Bài thơ Lai Tân có kết cấu gồm 2 phần, với hai cách cấu tứ khá bất ngờ. Như trên đã nói, ba câu
đầu chỉ thuần kể việc. Điểm nút chính là câu thứ tư. Nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài. Nó
làm bung vỡ tất cả cái hàm ý châm biếm mỉa mai hướng đến sự thối nát tận xương tủy của cái
xã hội Tưởng Giới Thạch.

Trong ba câu đầu miêu tả ngắn gọn, khách quan mà sâu sắc, có sức công phá không hề nhỏ vào
sự lộn xộn, bát nháo của xã hội Tưởng Giới Thạch.

Hồ Chí Minh vẽ lên ba bộ mặt thật vô cùng sinh động. Lão giám ngục (ban trưởng nhà lao)
đánh bạc ngày này qua ngày khác, viên cảnh sát trưởng thì lóc lẻm móc túi tiền của tù nhân và
quan huyện thì chong đèn hút thuốc phiện. Ở đâu đánh giặc thì cứ đánh giặc, còn cái trời đất Lai
Tân này thì muôn thuở vẫn thế. Ba nhân vật hoạt động ráo riết như trong một màn hài kịch câm
vậy. Cả ba đang đóng vai một cách nghiêm túc đến vô thức dưới gầm trời "thái bình" của Lai
Tân — cảnh tượng thu hẹp của cái giang sơn dưới bàn tay nhà họ Tưởng.

Câu thơ cuối là lời châm biếm, mỉa mai rất sắc sảo. Một chữ "thái bình" mà thâu tóm lại bao
nhiêu việc làm vốn là chuyện muôn thuở của cái xã hội Trung Quốc còn giai cấp bóc lột thống
trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự "thái bình" dối trá nhưng thực sự là đang "đại loạn" từ
bên trong của xã hội.

Ba câu đầu chỉ là những câu kể việc, nói về hình tượng cũng không có gì dặc biệt lắm nhưng
mỗi nhân vật đều có một việc làm khác nhau mà đặc biệt giống nhau về sự thối nát, nhất là lại ở
vào cái hoàn cảnh "quốc gia hữu sự". Người xưa đã nói "quốc gia hưng vong, thất phu hữu
trách". Giặc đang ở ngay trước mắt, thiên hạ đã dại loạn rồi, thế mà bọn quan lớn bé đều chỉ lo
làm sao vơ vét cho đầy túi. Bác không cần dùng chữ "đại loạn" Bác chỉ nói "thái bình", nói như
không "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình". Với câu nói đó (mà nghệ thuật thơ Đường gọi là "cảnh
cú"), một câu thơ kêu lên có thể làm rung chuyển những câu thơ khác. Bài thơ vốn phẳng lặng
bỗng vang ngân, bỗng giục giã, bỗng gây ra những cảm xúc đặc biệt.

Bài thơ cũng in đậm bút pháp chấm phá của thơ Đường. Lời thơ ngắn gọn, xúc tích, Không cầu
kì câu chữ, nhưng có thể nói: chỉ với bốn câu thơ ngắn, nhà thơ đã vẽ nên cái bản chất của cả
chế độ xã hội mục nát đến cùng. Sức chiến đấu, chất "thép" của bài thơ nhẹ nhàng mà quyết liệt
chính là ở đó. Câu kết có vẻ dửng dưng, vô cảm kia, té ra vẫn ẩn giấu bên trong một tiếng cười
khẩy, một tiếng cười mỉa mai có tác dụng lật tẩy bản chất của cả bộ máy nhà nước ở Lai Tân.

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu


Tú Xương là một nhà thơ với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một
trong những bài thơ trào phúng tiêu biểu của tác giả.

Mở đầu, tác giả đã giới thiệu đôi nét về khoa thi Đinh Dậu - có thật trong lịch sử:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,


Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Việc thi cử được tổ chức nhằm tuyển chọn nhân tài ra giúp vua. Nhưng trong hoàn cảnh thực dân
Pháp xâm lược, nắm giữ chính quyền thì việc thi cử đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn còn thi chữ
Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa” nhưng kì thi lại hết sức hỗn tạp: “Trường Nam thi lẫn với
trường Hà”. Ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và
“trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng thực dân Pháp đã đánh chiếm Hà Nội, cho bỏ trường
thi ở Hà Nội. Các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.

Tiếp đến, hai câu thực đã miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh hiện lên vô cùng khôi hài:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,


Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”

“Sĩ tử” vốn là những người thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, theo nghiệp bút
nghiên nên mang phong thái nho nhã. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” ở đây lại hiện lên thật lôi thôi,
nhếch nhác. Cách sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, đưa từ láy “lôi thôi” lên đầu câu thơ đã gây
ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ vậy, khung cảnh trường thi lúc này không còn là chốn
tôn nghiêm mà trở nên ồn ào, chẳng khác nào cảnh họp chợ nên quan trường mới “ậm oẹ” và
“thét loa” - những người coi thi cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có.
Qua chi tiết này, người đọc cười đấy mà cũng buồn đấy trước tình cảnh đất nước lúc bấy giờ.

“Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến;


Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”

Một kì thi mang tính trọng đại của đất nước. Nhưng hình ảnh xuất hiện ở đây - “cờ kéo rợp trời”
gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ” - lũ cướp nước đầy long trọng. Không chỉ vậy, từ xưa,
chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ không
được đến. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” càng làm tăng thêm
sự nực cười. Qua chi tiết này, chúng ta thấy được sự suy thoái của đất nước lúc bấy giờ.

Cuối cùng, tác giả đã bộc lộ tâm trạng trước tình cảnh của đất nước lúc bấy giờ:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?


Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”

Câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” nhưng không nhằm mục đích biết câu trả lời. Đó là
một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công
danh này có ý nghĩa gì.

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật
lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong
kiến.

Thu Điếu
Nguyễn Khuyến là nhà thơ nổi tiếng với phong cách thơ đặc trưng, riêng biệt. Một trong
những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông chính là bài Câu cá mùa thu.

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên gần gũi với làng quê:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo


Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

“Ao” là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người nông dân. Thời tiết chuyển sang mùa
thu, ngay cả cái ao cũng mang hơi hướng, âm hưởng mùa thu với làn nước mát lạnh
và trong veo. Trong khung cảnh mùa thu với ao nước trong xanh, làn nước mát lạnh ấy
là hình ảnh chiếc thuyền câu của người thi sĩ nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian rộng
lớn trở nên “bé tẻo teo”. Khung cảnh thiên nhiên, bức tranh mùa thu trở nên đẹp đẽ và
mang màu sắc riêng biệt không lẫn với bất cứ nơi nào.

Bức tranh mùa thu ở làng quê được miêu tả ở những cảnh vật thân thuộc khác:

“Sóng nước theo làn hơi gợn tí


Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Làn gió thổi lăn tăn sóng trên mặt nước “hơi gợn tí” làm cho bức tranh tuy động nhưng
vẫn tĩnh. Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợn gợn gợi cảm giác thanh bình. Hình ảnh chiếc
lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất được miêu tả sinh động “khẽ đưa vèo” vừa gợi
sự mỏng manh yếu đuối của chiếc lá bị gió cuốn bay vừa gợi âm thanh mùa thu - âm
thanh của những chiếc lá rơi.

Bầu trời mùa thu mang vẻ đẹp thanh bình:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt


Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Bầu trời mùa thu có những đám mây lơ lửng trên không trung tầng tầng lớp lớp nhưng
vẫn để lộ ra khoảng trời trong xanh tạo ra bầu không khí dịu mát. Thêm vào đó là
quang cảnh xung quanh thi sĩ với con ngõ chạy quanh co nhưng vắng lặng không một
bóng người làm cho không gian trở nên vô cùng yên tĩnh.

Trong bức tranh mùa thu thanh bình đó là hình ảnh người thi sĩ ung dung, tự do tự tại:

"Tựa gối buông cần lâu chẳng được


Cá đâu đớp động dưới chân bèo"

Trong bức tranh thiên nhiên mùa thu ấy là hình ảnh người thi sĩ thong dong buông
chiếc cần câu để câu cá mà không chút vướng bận nhưng đợi mãi không có con cá
nào cắn câu. Hình ảnh đàn cá “đớp động dưới chân bèo” tạo cảm giác thú vị. Người thi
sĩ có thể nhìn thấy con cá, nghe thấy tiếng động của nó nhưng không thể bắt được
chúng. Bức tranh mùa thu với những cảnh vật quen thuộc của làng quê Việt Nam tuy
giản dị nhưng vô cùng tươi đẹp. Trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người
ung dung, thong dong tận hưởng cuộc sống.

Vần “eo” thường được người ta cho rằng mang ý nghĩa không tốt và không may mắn
nhưng nhờ sự sáng tạo của mình, Nguyễn Khuyến đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn
mới mẻ, sự tươi vui khi gieo vần này và tạo ra một bài thơ hay, độc đáo. Nhiều năm
tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn
tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Thiên trường vãn vọng


Trần Nhân Tông nổi tiếng là một vị vua anh minh hiền đức khoan dung. Bên cạnh đó
ông còn là một nhà thơ, một nhà văn hóa tiêu biểu của nhà Trần. Ông đã để lại một số
lượng tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn. Trong số đó ta không thể không kể đến tác
phẩm "Thiên Trường vãn vọng". Tác phẩm được sáng tác trong thời điểm ông về thăm
quê nhà. Bài thơ tả cảnh buổi chiều ở Thiên Trường tuy vắng lặng nhưng lại có rất
nhiều cảnh vật khiến lòng người xốn xang.
Bài thơ được viết trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở phủ Thiên Trường. Bởi
vậy cả bài thơ đầy ắp nỗi nhớ, tình yêu quê hương. Lời thơ mở đầu tả cảnh chiều hôm:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Đó là cảnh chiều muộn cảnh
vật nhạt nhòa trong sương, thể hiện vẻ đẹp mơ màng, yên tĩnh nơi thôn dã. Cảnh đó
một phần là thực một phần do cảm nhận riêng của tác giả. Khung cảnh vừa như thực
lại vừa như cõi mộng “bán vô bán hữu” – nửa như có nửa như không. Thời gian buổi
chiều gợi nên nỗi buồn man mác, không gian làng quê im ắng, tĩnh mịch. Điều đó cho
thấy một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền
Nhà thơ lựa chọn hai hình ảnh thơ đó là cánh cò và hình ảnh lũ trẻ đang chăn trâu. Tác
giả chọn hai hình ảnh ấy làm hai hình ảnh kết bài thơ chính bởi đây là những hình ảnh
đặc trưng nhất tiêu biểu nhất của quê hương mỗi người. Đó là hình ảnh tiếng sáo đang
văng vẳng bên tai của những cậu bé chăn trâu khiến nhà thơ cảm thấy xốn xang lạ
thường. Dường như ta đang được về quê cùng tác giả để ngửi hơi khói bếp để nghe
tiếng sáo du dương để ngắm đàn trâu đang nhai những ngọn cỏ cuối cùng để về nhà.
Đó còn là hình ảnh những cánh cò trắng đang chao liệng.
Nói đến quê hương sao có thể không nhắc đến những đàn cò trắng đã đi vào trong tâm
hồn người dân thôn quê và cánh cò ấy cũng chao nghiêng trên bao bài thơ, câu thơ
thân thương của người dân. Đã là một người con của quê hương ta không thể quên
được những hình ảnh thân thương ấy. Có lẽ tác giả không thực nhìn thấy những hình
ảnh đó nhưng đối với một người con của quê hương mà nói những hình ảnh đó vốn là
những hình ảnh quen thuộc đến nỗi mỗi khi nhắc đến là họ không thể quên được. Qua
đó ta thấy tác giả cũng là một người sinh ra trên một mảnh đất quê hương và chịu cảnh
chân lấm tay bùn, có thế tác giả mới có thể hiểu cảm nhận và viết lên những ấu thơ về
quê hương da diết đến như thế.
Sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất biểu cảm và hội họa tác giả đã vẻ lên bức tranh làng
quê trầm lặng mà không quạnh vắng. Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống thật đẹp đẽ, hài
hòa, nên thơ. Qua bài thơ còn cho thấy tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.

Trình bày về sự tùy tiện của người dân khi tham gia giao thông
Trải qua nhiều năm phát triển, hệ thống giao thông của nước ta đang ngày
càng hoàn thiện và hiện đại hơn để phục vụ cuộc sống của người dân. Tuy
nhiên, lại có một bộ phận người dân thiếu ý thức, rất tùy tiện khi tham gia
giao thông. Đây là một vấn nạn gây nhức nhối suốt thời gian vừa qua, gây
bức xúc trong dư luận.

Sự tùy tiện khi tham gia giao thông đó, được thể hiện cụ thể qua việc họ
phớt lờ những quy định, điều luật chung khi tham gia giao thông. Chỉ chăm
chăm vào sự tiện lợi, thoải mái cho bản thân mình, gây nên sự bất tiện thậm
chí là nguy hiểm cho người khác. Trên đường bộ, ta bắt gặp các tài xế lái xe
khi đã uống rượu bia, rồi lạng lách đánh võng, chở các đồ vật lớn, cồng
kềnh. Đã vậy, họ còn vượt đèn đỏ, rẽ sang đường nhưng không bật đèn xi
nhan hoặc bật một đằng, rẽ một nẻo. Cùng với đó, là những kẻ thích phóng
nhanh vượt ẩu, hò hét, nẹt bô ầm ầm trong khu dân cư đông đúc. Còn ở các
phương tiện giao thông công cộng, thì không khó để bắt gặp những người có
hơi thở nồng nặc mùi rượu bia, khạc nhổ bừa bãi, nói chuyện và nô đùa ồn
ào…. gây ảnh hưởng nhiều đến người khác.

Những điều này tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng thực sự gây ảnh hưởng
nặng nề đến những người cùng tham gia giao thông khác. Ai cũng vô cùng
bức xúc và khó chịu khi gặp phải những người thiếu ý thức như vậy. Thậm
chí, những người đó còn là tác nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông, khi
cố tình vượt đèn đỏ, lạng lách hay uống rượu bia rồi tham gia lái xe. Không
chỉ vậy, những cá nhân ấy còn khiến bộ mặt giao thông của đất nước bị
đánh giá thấp theo.

Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp phù hợp để khắc phục và đẩy
lùi vấn nạn này. Trước hết, là có những hình phạt phù hợp để răn đe và xử lý
các tình huống thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Sau đó là đề ra các mức
xử phạt cụ thể về những hành vi tùy tiện khi tham gia giao thông của người
dân và phổ biến tới mọi người. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của
chính chúng ta. Do đó, cần đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền đến tất cả
mọi người về tác hại của sự tùy tiện trong giao thông. Đó mới là biện pháp
hữu ích nhất để đẩy lùi vấn nạn này.

Giao thông là hoạt động mà mọi người tham gia mỗi ngày. Vì vậy, cần phải
có ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật, quy tắc khi tham gia
thông. Không nên có thái độ tùy tiện khi điều khiển xe cộ hoặc di chuyển trên
các phương tiện công cộng. Bởi đó là một vấn nạn nhức nhối cần phải đẩy
lùi.

You might also like