You are on page 1of 7

2A

EU muốn thành lập quân đội riêng, độc lập với NATO
Ngoại trưởng 28 nước EU ngày 6/3 đã đặt nền móng cho việc thành lập một Trung tâm chỉ huy
các chiến dịch quân sự chung của khối.
Dù các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều lần bác bỏ, song bước đi này càng làm gia tăng hơn nữa
những đồn đoán cho rằng, liên minh kinh tế và chính trị này sẽ từng bước tiến tới thành lập lực lượng
quân đội riêng và không còn dựa vào Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để bảo
vệ nền quốc phòng của mình nữa.
Theo văn kiện được thông qua, Hội đồng đối ngoại Liên minh châu Âu đã thống nhất thành lập
Trung tâm chỉ huy các sứ mệnh quân sự chung đầu tiên của mình, chịu trách nhiệm lên kế hoạch và
chỉ huy tác chiến đối với các sứ mệnh quân sự ở cấp độ chiến lược, song không tham gia chiến đấu
trực tiếp.
Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica
Mogherini, đây là một bước đi “đáng tự hào”, chứng tỏ Liên minh châu Âu đang tiến bộ không ngừng
trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Bởi thực tế là từ những năm 1950, Liên minh châu Âu đã không
thể thúc đẩy lĩnh vực quốc phòng của mình do sự chia rẽ giữa các nước thành viên.
“Các nước thành viên đã đưa ra được những quyết định rất quan trọng và rất đáng tự hào. Bởi
cách đây chưa đầy 6 tháng, đây vẫn là một vấn đề không tưởng. Điều này cho thấy, các nhà hoạch
định Liên minh châu Âu ý thức được rằng, an ninh là một ưu tiên đối với công dân châu Âu.
Chắc chắn, bối cảnh toàn cầu buộc chúng ta phải trách nhiệm hơn. Và cách để chúng ta thể hiện trách
nhiệm hơn trong quốc phòng và an ninh, đó là thông qua Liên minh châu Âu”, bà Mogherini nói.
Được đặt dưới sự kiểm soát về mặt chính trị và tuân theo những đường hướng chiến lược của Ủy ban
chính trị và an ninh (PSC) bao gồm đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu, Trung tâm chỉ huy
các chiến dịch quân sự chung dự kiến đi vào hoạt động ngay từ mùa Xuân này và sẽ đảm nhận trách
nhiệm chỉ huy một số sứ mệnh quân sự của khối được triển khai bên ngoài châu Âu.
Cụ thể, họ sẽ đảm nhiệm 3 chương trình đào tạo của Liên minh châu Âu dành cho lực lượng
khoảng 600 quân đang được triển khai tại Mali, Somali và Cộng hòa Trung Phi. Theo các Bộ trưởng,
động thái này sẽ tăng cường vai trò chiến lược toàn cầu và khả năng hành động độc lập của Liên minh
châu Âu tại những thời điểm và địa điểm cần thiết.
Theo các nhà phân tích, việc 28 nước thành viên nhất trí thành lập một trung tâm chỉ huy các
chiến dịch chung đã phần nào cho thấy những lo ngại của khối đối với nền quốc phòng chung, trong
bối cảnh thế giới và châu Âu đang chứng kiến nhiều thay đổi.
Châu Âu sẽ phải quyết định tiếp tục dựa vào Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO),
tiếp tục ủng hộ sự lãnh đạo của nước Mỹ để tăng cường an ninh khu vực hoặc là triển khai các hoạt
động quân sự riêng của châu Âu.
Chính phủ Anh trước đây, từng không dưới hai lần gạt đi những đề nghị mở rộng hợp tác quân
sự Liên minh châu Âu, thay vào đó, tỏ ra nghiêng về sự lựa chọn dựa vào NATO. Tuy nhiên, sự kiện
Brexit chứng kiến “lời chia tay” giữa Anh và Liên minh châu Âu, cùng chiến thắng của tỷ phú Donald
Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã buộc Liên minh châu Âu phải có những thay đổi.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump liên tục tỏ ra nghi ngờ vai trò của NATO và
cảnh báo, những hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho châu Âu sẽ kèm theo điều kiện.
Nếu những tuyên bố này thành sự thật, các quốc gia châu Âu sẽ khó có sự lựa chọn khác ngoài
việc cùng “xắn tay áo” gây dựng khả năng phòng thủ quân sự chung, cũng như tăng cường chi tiêu cho
quốc phòng của chính mình.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmermans, việc thay đổi các
hiệp ước cơ bản của Liên minh châu Âu không phải là một ưu tiên lúc này.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu
Federica Mogherini khẳng định, đây không phải là một lực lượng quân đội Liên minh châu Âu, mà chỉ
là một cách hiệu quả hơn để thúc đẩy nền quốc phòng châu Âu./.
2A
Tham vọng “phá băng” quan hệ EU - Nga
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 tại Đức vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron lên tiếng kêu gọi EU cần thúc đẩy đối thoại và bình thường hóa quan hệ với Nga. Theo ông
chủ Điện Élysée, chính sách đối đầu và gia tăng trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga từ sau
cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 cho đến nay không đem lại kết quả mà còn phản tác dụng. Do
đó, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các nước châu Âu hãy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga, trong đó có
việc cải thiện quan hệ bất chấp còn khác biệt về nhiều vấn đề. Ông Emmanuel Macron cho rằng EU
cần phải có một cách tiếp cận mềm dẻo hơn với Nga và lựa chọn duy nhất là đối thoại chiến lược
nhằm định hình một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu.

Tuyên bố của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với EU, vốn bị
“đóng băng” sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea hồi đầu năm 2014 vẫn đang lạnh giá. EU đã áp đặt các
lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow kể từ tháng 7-2014, và cho tới nay vẫn tiếp tục mở rộng và gia
hạn những lệnh trừng phạt này.

Là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây tích cực ủng hộ cải thiện quan hệ EU-Nga, Tổng thống
Emmanuel Macron đang tìm cách "hồi sinh" lòng tin giữa hai bên. Ông từng cảnh báo việc đẩy Nga ra
khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược. "Châu Âu sẽ không bao giờ ổn định. Chúng ta sẽ không bao
giờ an toàn nếu không tạo dựng một mối quan hệ hòa bình hơn, thân thiện hơn với nước Nga", ông
Emmanuel Macron nhấn mạnh. Nỗ lực xích lại gần Nga của Tổng thống Pháp cho thấy Paris đã thay
đổi ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Bất đồng xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ trong nhiều
vấn đề khiến Paris nhận ra rằng khó mà dựa vào Washington để bảo đảm an ninh cho lục địa già.
Trong bối cảnh mối quan hệ EU-Mỹ bị rạn nứt, Pháp xem xứ sở bạch dương là lựa chọn hàng đầu; bởi
vì Nga có vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc
giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn.

Với mong muốn hàn gắn quan hệ EU-Nga, Paris đang tích cực duy trì đối thoại với Moscow. Theo
giới phân tích, thời gian gần đây quan hệ Pháp-Nga trở nên nồng ấm khi các cuộc tiếp xúc giữa Paris
và Moscow, đặc biệt là ở cấp cao ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron đã nhiều lần gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cũng như thường xuyên điện
đàm để trao đổi về các sự kiện nóng trên toàn cầu. Mối quan hệ tốt lên giữa Paris và Moscow có thể
giúp hai bên thu hẹp khoảng cách, hướng tới giải quyết bất đồng và tạo ra xung lực giúp tái khởi động
quan hệ EU-Nga. Việc tăng cường hợp tác với Nga giúp Pháp nói riêng, châu Âu nói chung đối phó
hiệu quả với các mối đe dọa và thách thức an ninh sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt
nhân tầm trung (INF) và nguy cơ Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3)
không được gia hạn. Về phần Nga, những bước tiến trong quan hệ với Pháp giúp mở rộng thêm cánh
cửa để Moscow cải thiện quan hệ với EU.

Khi Anh không còn ở dưới “mái nhà chung” EU, vai trò của Pháp như một “đầu tàu” của EU ngày
càng nổi bật. Các sáng kiến của Paris đặc biệt quan trọng cho tương lai của châu Âu sau khi Anh rời
khỏi EU. Bất chấp những mâu thuẫn trong nội bộ EU về chính sách đối ngoại với Nga, Paris vẫn kiên
trì thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Moscow nhằm tránh những tổn thất nặng nề từ cuộc chiến
trừng phạt lẫn nhau. Với những bước đi chủ động, tích cực, Tổng thống Emmanuel Macron đã mở ra
thời kỳ mới cho quan hệ tốt đẹp hơn giữa đất nước hình lục lăng và xứ sở bạch dương, từ đó có thể
“phá băng” quan hệ EU-Nga.
2A
Châu Âu ở đâu giữa căng thẳng Mỹ - Trung?
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc lần lượt tới châu Âu
Mặt trận ngoại giao tại khu vực châu Âu sôi động liên tục chỉ trong nửa cuối tháng 8. Ngoại
trưởng Mỹ rồi ngay tiếp theo đó là ngoại trưởng Trung Quốc lần lượt có những chuyến công du dài
ngày tới hàng loạt quốc gia khu vực này. Không một điểm đến nào của Ngoại trưởng Vương Nghị
trùng với nơi mà người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo từng đặt chân tới trước đó. Nhìn những diễn biến
dồn dập vừa rồi, người ta không thể không liên hệ ngay đến tam giác quan hệ chiến lược Mỹ - Trung
Quốc - Liên minh châu Âu và đặt một câu hỏi, thời điểm này vai trò của châu Âu đang ở đâu trong
căng thẳng chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc? Cạnh tranh Mỹ - Trung đang là yếu
tố chi phối chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian này và chuyến đi của ông Vương Nghị
cũng không ngoại lệ. Trong khi Mỹ ra sức thuyết phục đồng minh ở châu Âu tẩy chay Trung Quốc,
giới quan sát lúc này đang dùng cụm từ "kiểm soát thiệt hại" để nói về trọng tâm trong cách ứng phó
của Bắc Kinh.
Tranh cãi về mạng 5G của Trung Quốc tại châu Âu
Tiềm năng và kỳ vọng to lớn đặt vào 5G, đang là nguồn cơn đồng thời là đích ngắm của cuộc
xung đột Mỹ - Trung hiện nay. Mỹ không hề giấu ý định thiết lập một liên minh xuyên Đại Tây
Dương, để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc mà mục tiêu cụ thể nhất lúc này là vận động châu Âu
từ bỏ công nghệ 5G của Huawei. Trung Quốc thì không hề muốn để mất thế trận 5G đã xây dựng
được, do đó, châu Âu ngày càng đóng vai trò chiến lược quan trọng với Bắc Kinh trong bối cảnh quan
hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng.
Với Trung Quốc và Huawei, châu Âu là một thị trường tiềm năng. Đầu năm nay, Huawei đã ký
91 hợp đồng thương mại 5G thì hơn nửa là ở châu Âu. Ai cũng hiểu mạng 5G là hệ thống thần kinh
của nền kinh tế tương lai. Khi mà những công ty cung cấp thiết bị viễn thông châu Âu như Nokia và
Ericsson còn chưa chiếm lĩnh được thị trường, cơ hội cho Huawei là rất lớn. Không chỉ là về lợi
nhuận, đó còn là sự hiện diện về công nghệ của Trung Quốc.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi nhanh chóng. Một loạt các quốc gia châu Âu đã nhìn mạng
5G của Huawei với con mắt thận trọng. Pháp chỉ cho phép các hợp đồng mua thiết bị Huawei cho tới
năm 2028. Anh thì muốn cấm hoàn toàn Huawei từ ngay năm sau. Ủy ban châu Âu tuyên bố thẳng
thừng là muốn hạn chế thiết bị Huawei trên lãnh thổ châu Âu vì lý do an ninh, muốn các hãng viễn
thông châu Âu cung cấp mạng 5G. Hà Lan, Bỉ và Italy đang thiên về cấm Huawei giống như nước
Anh làm. Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác thì chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhìn
chung, các quốc gia đều muốn tìm một lập trường rõ ràng, cấm hay không cấm Huawei không phải
chuyện chính trị mà là quyết định thương mại.
Tương lai quan hệ Trung Quốc - EU
Trên thực tế, EU vẫn rất cần nguồn đầu tư hùng hậu từ Trung Quốc, nhất là khi các công ty
châu Âu khao khát tiếp cận thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thế nhưng, người châu Âu
trong vài năm qua đã trở nên ít lý tưởng hơn về Trung Quốc. Châu Âu đã cảnh báo về bẫy đầu tư của
Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu Âu.
Hơn nữa, động lực chính trị duy nhất của Brussels đang dần lung lay, khi Thủ tướng Đức
Angela Merkel - "người mai mối" cho EU và Trung Quốc, sắp rời nhiệm sở vào năm sau. Quan hệ ổn
định giữa EU và Trung Quốc cũng được cho là đang dần đi tới hồi kết, đặc biệt việc đảm bảo thỏa
thuận đầu tư song phương từ lâu được duy trì đàm phán nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Đức.
Hiện nay, các quốc gia thành viên EU cơ bản có cùng quan điểm rằng sự kết nối với Trung
Quốc là cần thiết nhưng nên được thực hiện với sự thận trọng hơn, trên cơ sở rằng Trung Quốc là đối
thủ mang tính hệ thống. Trong khi đó, dù quan hệ hai bờ Đại Tây Dương có đi xuống thời gian qua
nhưng Mỹ vẫn là một đồng minh truyền thống, đã được xác lập và duy trì qua lịch sử. Còn Trung
Quốc cũng có mang lại những lợi ích nhất định cho phát triển kinh tế khu vực.
2A
Châu Âu chia rẽ trong cuộc khủng hoảng Belarus
Khủng hoảng chính trị tại Belarus khởi phát từ chiến dịch biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu
cử Tổng thống Belarus ngày 9/8 với chiến thắng áp đảo thuộc về đương kim Tổng thống Alexander
Lukashenko.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Tổng thống Nga Vladimia Putin đã gửi điện chúc
mừng Tổng thống Alexander Lukashenko, đồng thời tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đồng
minh bền chặt Nga-Belarus. Trong cùng lúc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây lại
lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình của phe đối lập nhằm phản đối kết quả bầu cử, đồng thời đe dọa áp
đặt trừng phạt mạnh tay chống chính quyền Minsk. Thế nhưng, trong chính nội bộ EU cũng đang có
sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Phản ứng của giới chức EU
Ngay trong ngày 9/8, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố với chiến thắng tuyệt đối
thuộc về Tổng thống Lukashenko, nhiều nhà ngoại giao EU và Mỹ đã tuyên bố coi cuộc bầu cử Tổng
thống Belarus là không công bằng và không đảm bảo tự do. Viết trên Twiiter, Chủ tịch Ủy ban châu
Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt cần thiết nhằm vào các
quan chức Belarus vì đã “vi phạm giá trị dân chủ và lạm dụng nhân quyền”. Tiếp đến, Chủ tịch Hội
đồng châu Âu (EUC) Charles Michel tuyên bố, EU không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử
Tổng thống Belarus và “EU sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt với một số đối tượng chịu trách nhiệm
về các hành vi bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử”. Và chỉ đúng 10 ngày sau cuộc bầu cử tại Belarus,
ngày 19/8, các nhà lãnh đạo EU đã khai mạc hội nghị trực tuyến khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng
hoảng tại Belarus.
Tuy nhiên, các nước thành viên EU lại đang có những quan điểm khá khác biệt nhau về cách
tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Belarus, nhất là trong vấn đề áp đặt biện pháp trừng phạt. Hệ quả là
cho đến thời điểm này, EU vẫn chưa thể thống nhất được lập trường về các biện pháp trừng phạt
Belarus, cho thấy sự chia rẽ rõ ràng trong nội bộ châu Âu về một trong những vấn đề nóng hiện nay.
Sự chia rẽ quan điểm giữa các nước thành viên EU
Theo các nguồn tin châu Âu, EU đang lên danh sách các cá nhân ở Belarus bị phong tỏa tài sản
hoặc cấm đi lại do có liên quan đến những bất ổn xảy ra tại nước này. Trong đó, một số quan chức cho
rằng danh sách này có thể bao gồm khoảng 20 nhân vật, nhưng một số khác lại yêu cầu con số lớn hơn
nhiều. Kết quả là đến ngày 31/8, mới chỉ có 3 thành viên EU là Estonia, Latvia và Litva ra lệnh cấm
nhập cảnh đối với ông Lukashenko cùng 29 quan chức cấp cao khác của Belarus, trong khi 24 quốc
gia thành viên còn lại của EU vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào.
Đáng chú ý, nhiều nước lớn trong EU như Đức và Pháp, lại muốn ưu tiên thúc đẩy các giải
pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Trong một tuyên bố ngày 20/8, Tổng thống Pháp E.Macron đã
đề xuất EU làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus, đồng thời cho rằng đối
thoại là điều hết sức cần thiết. Cũng trên quan điểm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 28/8 đã
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga về cuộc khủng hoảng tại Belarus, khẳng
định rằng Moscow là nhân tố quan trọng mang tính chiến lược trên thế giới.
2A
Kinh tế Eurozone đối mặt khó khăn chồng chất
Kinh tế châu Âu đã chính thức bước vào suy thoái khi số liệu thống kê quý II-2020 cho thấy
tốc độ tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) giảm tới 12,1%, so với cùng kỳ năm
2019. Ðại dịch Covid-19 và việc đồng ơ-rô tăng giá đang là hai vật cản khiến nền kinh tế châu Âu khó
thoát khỏi cảnh khó khăn hiện nay.
Cơ quan Thống kê châu Âu vừa cho biết, trong quý II-2020, kinh tế Eurozone đã bị tác động
mạnh bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,1%, mức giảm
mạnh nhất kể từ năm 1995. Ðáng lo ngại là tất cả các nền kinh tế đầu tàu của khu vực, kể cả những
nền kinh tế từng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Ðức và Pháp, cũng
chứng kiến sự suy giảm mạnh. Viện Thống kê quốc gia Pháp cho biết, nền kinh tế Pháp đã giảm
13,8% trong quý II do tác động của các biện pháp phong tỏa chống dịch. Như vậy, nền kinh tế Pháp đã
tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp. Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Lơ Me vừa khẳng định “nước Pháp
không bất lực trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại”. Tuy nhiên, vực dậy nền kinh tế đã lao dốc
của Pháp trong bối cảnh hiện nay xem ra là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Trong khi đó, số liệu thống kê tại các nền kinh tế lớn khác của châu Âu cũng đã tô đậm thêm
bức tranh kinh tế đen tối của lục địa già. Ðức thông báo GDP sụt 10,1%, GDP của I-ta-li-a giảm
12,4%, GDP của Bồ Ðào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha ghi nhận GDP giảm tới 18,5%. Tân Hoa
xã dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế Ðức cho rằng, các số liệu nêu trên cho thấy tình hình suy
giảm kinh tế của các thành viên trong đại gia đình Liên hiệp châu Âu (EU) thậm chí còn tồi tệ hơn so
với dự đoán trước đây. Mặc dù các thống kê mới là ước tính sơ bộ và có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trong
vài tuần tới, song cho thấy thực tế là các nền kinh tế Eurozone đã bị tác động tiêu cực nghiêm trọng
trong những tháng gần đây.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên là do các biện
pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở châu Âu từ đầu tháng 3 vừa qua để ngăn chặn dịch lây lan, khiến hầu
hết hoạt động sản xuất công nghiệp không thiết yếu bị tạm ngừng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của
người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như làm chậm quá trình thương mại toàn cầu. Hiện tại, đại
dịch Covid-19 và việc đồng ơ-rô tăng giá cũng đang là những trở ngại lớn đối với khả năng phục hồi
tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên EU. Mặc dù châu Âu hiện không còn là tâm bão về dịch
bệnh của toàn cầu, nhưng nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn đang cản trở lớn tới các nỗ
lực nhằm phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực này.
Trong khi đó, đồng ơ-rô gần đây tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ cũng gây khó
khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp châu Âu. Kể từ giữa tháng 5 đến nay, đồng ơ-rô
đã tăng hơn 10% so với USD. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố chính khiến đồng ơ-rô tăng
giá là bởi triển vọng phục hồi kinh tế của châu Âu tốt hơn so với Mỹ, nơi dịch Covid-19 vẫn đang diễn
biến nghiêm trọng. Với các nhà xuất khẩu của EU thì việc ơ-rô tăng giá lại “lợi bất cập hại” bởi giá
hàng hóa của châu Âu sẽ đắt đỏ hơn và làm giảm lợi thế xuất khẩu. Một thách thức không nhỏ nữa với
kinh tế châu Âu là nợ công đang tăng mạnh khắp Eurozone và thậm chí đang vọt lên các mức cao đầy
nguy hiểm ở một số nước Nam Âu, nhất là I-ta-li-a.
Trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào cảnh bĩ cực, hy vọng và cũng là điểm tựa lớn nhất để các
nước thoát khỏi khủng hoảng lúc này là Quỹ phục hồi kinh tế châu Âu vừa được các nhà lãnh đạo
thông qua gần đây. Sau nhiều cuộc đàm phán đầy gay cấn, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã đi đến
một thỏa thuận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021 - 2027
của khối trị giá 1.074 tỷ ơ-rô. Quỹ phục hồi này được kỳ vọng không chỉ tạo ra đòn bẩy tài chính cho
các nền kinh tế khu vực, mà còn được xem là “một cử chỉ đoàn kết” nhằm chia sẻ khó khăn của cả
khối với một số nước thành viên bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Hy vọng rằng, khi các thành
viên dẹp bỏ mâu thuẫn và đồng tâm hiệp lực chống dịch bệnh, vực dậy đà tăng trưởng, nền kinh tế khu
vực sẽ sớm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
2A
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”
Ngày 18-9, tại một hội nghị ở thủ đô Berlin của Đức, các thủ hiến 6 bang Đông Đức gồm
Berlin, Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thüringen đã nhất trí
tiếp tục ủng hộ việc hoàn tất dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Theo Reuters, các thủ hiến 6 bang trên
nhận định, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với an ninh năng lượng của Đức và các nước châu
Âu khác. Bởi vậy, họ cho rằng việc hoàn thành dự án là hợp lý và đúng đắn.
Tuyên bố của giới chức Đức được đưa ra giữa lúc việc triển khai dự án “Dòng chảy phương
Bắc 2” đang gặp khó do vụ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny bị đầu độc. EU và Mỹ đã cáo buộc
Nga có liên quan đến vụ việc này. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng cáo buộc trên là vô căn cứ và
kiên quyết bác bỏ, đồng thời khẳng định việc đầu độc ông Navalny không mang lại ý nghĩa gì.
Trước đó, ngày 17-9, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết liên quan đến vụ ông Alexei Navalny
bị đầu độc. Theo RIA Novosti, EP yêu cầu tiến hành một “cuộc điều tra quốc tế độc lập” để tăng
cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ngoài ra, EP cũng kêu gọi tất cả các nước thành viên
EU từ bỏ việc hoàn thành xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bình luận về động thái trên của
EP, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Moscow sẽ có phản ứng nếu các
biện pháp trừng phạt được áp đặt lên nước này.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu là
Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall Dea đã cùng nhau hợp tác triển khai dự án “Dòng chảy
phương Bắc 2” để đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới châu Âu. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này
ước tính khoảng 11 tỷ USD, trong đó 50% kinh phí do Gazprom cung cấp, số tiền còn lại chia đều cho
các công ty châu Âu. Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã đạt 97%.
Từ lâu, việc thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại “lục
địa già”. Ngoài những nước trực tiếp liên quan đến dự án, một số quốc gia châu Âu khác, trong đó có
Ba Lan, lo ngại dự án này sẽ khiến EU bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Trong khi đó,
Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng
cho châu Âu.
Những diễn biến căng thẳng xung quanh vụ ông Navalny bị đầu độc tạo sức ép cho Đức, nước
giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm và cũng quốc gia châu Âu đóng vai trò then chốt
trong dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bà Manuela Schwesig, Thủ hiến bang Mecklenburg-
Vorpommern của Đức cho rằng không nên sử dụng dự án này để trừng phạt Nga. Bà nêu rõ: "Đây
không phải là một dự án của riêng Nga và cũng không chỉ phục vụ lợi ích của Nga. Đường ống này
đáp ứng lợi ích của Đức và Tây Âu khi chúng tôi muốn đạt được sự chuyển đổi năng lượng”. Ngoài
Đức, Áo cũng phản đối việc gắn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với vụ đầu độc ông Navalny. Tổng
thống Áo Alexander Van der Bellen cho rằng không cần thiết phải xem xét lại dự án này vì những hoài
nghi liên quan vụ việc trên. Nhà lãnh đạo Áo khẳng định ông "không thấy có mối liên kết nào” giữa vụ
việc này với dự án đường ống dẫn khí đốt, đồng thời cho rằng nên coi đây chỉ là một dự án kinh tế đơn
thuần. Đồng tình với nhận định trên, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định: “Đây là một dự án tích
cực. Chúng tôi cho rằng việc có thể đa dạng hóa và sử dụng những tuyến đường khác nhau để vận
chuyển năng lượng tới châu Âu là điều tốt đẹp”.
Quyết định của EP không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Điều đó đồng nghĩa với việc có
từ bỏ “Dòng chảy phương Bắc 2” hay không vẫn là quyết định của mỗi quốc gia thành viên EU. Do
đó, các nước EU cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động bởi việc rút khỏi dự án khi tiến độ
thực hiện đạt tới 97% sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài chính cho các công ty của châu Âu, cũng như ảnh
hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng tại “lục địa già”.
2A
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và an ninh của châu Âu
Hiệp ước Bầu trời mở (OST) được 34 quốc gia ký năm 1992, cho phép các thành viên gồm
Mỹ, Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu triển khai trinh sát cơ, bay theo lộ trình được thống nhất trên
lãnh thổ của nhau. Các chuyến bay nhằm mục đích giám sát hoạt động quân sự và xác minh việc tuân
thủ các hiệp ước khác.
Việc Washington rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở được cho là do Nga vi phạm các cam kết
trong việc hạn chế trinh sát cơ của Mỹ bay qua lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad ở khu vực Baltic. Tổng
thống Donald Trump hy vọng việc Washington rút khỏi OST sẽ buộc Mátxcơva phải quay trở lại bàn
đàm phán. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko phủ nhận Nga vi phạm OST và
tuyên bố việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên, trong đó có đồng minh
của Mỹ và các thành viên NATO. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ về
OST dựa trên nguyên tắc bình đẳng để cứu vãn hiệp ước này.
Bất chấp tranh cãi giữa Nga và Mỹ, các đồng minh của Washington, đặc biệt là các nước thuộc
Liên minh châu Âu (EU) và thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn luôn ủng
hộ mạnh mẽ OST. Tuy không đồng tình với việc Nga đưa ra những giới hạn liên quan tới OST, nhưng
họ cũng lo ngại về quyết định của Mỹ. Trong tuyên bố chung, Italia cùng các nước EU trong khối
NATO bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi OST của Mỹ và khẳng định hiệp ước vẫn có hiệu lực.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Mỹ cân nhắc lại quyết định, nhấn mạnh hiệp ước này đóng góp
cho an ninh và hòa bình tại hầu hết các nước ở Bắc bán cầu.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephan Dujaric cho rằng, việc Mỹ rút khỏi
OST còn có nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong tương lai với “những hậu quả khó
kiểm soát”. Nhận định này được đưa ra dựa trên những phân tích cho thấy nếu OST không còn tính
ràng buộc sẽ tạo thêm “lỗ hổng” trong cơ chế giám sát quân sự giữa Mỹ và Nga. Đặc biệt nguy hiểm
hơn khi cả hai nước vừa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chưa có quan
điểm dứt khoát về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START), vốn sắp hết hiệu
lực vào năm 2021.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ rút hẳn khỏi OST được xem là “con dao hai lưỡi”, bởi động
thái này sẽ đặt Washington trước nguy cơ suy giảm sức ảnh hưởng trên thế giới, khi để lại “khoảng
mù” trên bầu trời châu Âu. Các Nghị sĩ đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ từng viết thư cho
Tổng thống Donald Trump cảnh báo việc rút khỏi OST sẽ làm suy yếu liên minh với các đồng minh
châu Âu, vốn dựa vào hiệp ước để buộc Nga chịu trách nhiệm cho hoạt động quân sự trong khu vực.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel nhấn mạnh, những chuyến bay
giám sát được tiến hành theo hiệp ước trên là cần thiết để tăng cường Hiệp ước START mới và các
biện pháp kiểm soát vũ trang khác. Một số nhà ngoại giao nhận định, Mỹ sẽ không ngần ngại nếu phải
rút khỏi OST, nhưng cũng sẽ cứu vãn hiệp ước nếu có được sự nhượng bộ của Nga.
Việc Mỹ rút khỏi OST không chỉ khiến mối quan hệ Nga - Mỹ bị đẩy lên một cao trào mới mà
còn gây ra những xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Điều này cũng đặt
ra những thách thức về an ninh khu vực một khi hiệp ước bị phá vỡ.

You might also like