You are on page 1of 137

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




ĐỖ THỊ THÙY DUNG

TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI


VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


ĐỖ THỊ THÙY DUNG

TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI


VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Chuyên ngành: Triết học


Mã số: 8.22.90.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

Người hướng dẫn khoa học:


PGS. TS. Cao Xuân Long

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023


LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đây là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện dưới sự
hướng dẫn của PGS.TS. Cao Xuân Long. Kết quả nghiên cứu trong luận văn
là trung thực và chưa được ai công bố. Các tài liệu sử dụng trong luận văn có
nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tp. HCM, ngày....tháng....năm 2023
Người cam đoan

ĐỖ THỊ THÙY DUNG


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU .............................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài ..................................................... 6
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................. 19
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 19
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu ................................................. 20
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn..................................................................... 20
7. Kết cấu nội dung ......................................................................................... 20
PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................ 21
Chương 1: ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................ 21
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ............................................. 21
1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ......................................... 21
1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình thành
tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ..................................... 25
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN .................................................................. 44
1.2.1. Tư tưởng Nho giáo đối với sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân ............................................................................ 44
1.2.2. Tư tưởng khai sáng phương Tây đối với sự hình thành tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân .......................................................... 51
1.3. NHÂN TỐ CHỦ QUAN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ............................................. 63
1.3.1. Năng lực học tập của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng
về vấn đề công dân .......................................................................................... 63
1.3.2. Tính cách của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng về vấn
đề công dân...................................................................................................... 66
Kết luận chương 1 ......................................................................................... 68
Chương 2: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG TƯ
TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN...........70
2.1. NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ
CÔNG DÂN...................................................................................................... 70
2.1.1. Khái niệm “công dân” .......................................................................... 70
2.1.2. Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về mối quan hệ giữa công dân với
nhà nước .......................................................................................................... 77
2.1.3. Vai trò và phát huy vai trò của công dân đối với sự phát triển đất nước91
2.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................................................ 107
2.2.1. Đặc điểm quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ..... 107
2.2.1. Ý nghĩa lịch sử quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân. 115
Kết luận chương 2 ....................................................................................... 118
PHẦN KẾT LUẬN ...................................................................................... 121
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 127
1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thế kỷ XIX là cột mốc rung chuyển của toàn châu Á với sự va chạm văn
minh phương Đông-phương Tây và mối đe dọa cấp bách cho vận mệnh dân
tộc. Ở giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản ở phương Tây chỉ vừa ra đời trong
vòng một thế kỷ nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Nhu cầu
to lớn về lao động và thị trường thúc đẩy giới tư bản mở rộng bước chân sang
các nước phương Đông, mang theo cả sức mạnh tài chính, kỹ thuật, quân sự
của họ đến vùng đất mới. Điều này khiến người châu Á bị choáng ngợp, kinh
ngạc và lo ngại. Trước những biến đổi chưa từng có trong lịch sử, các quốc
gia phong kiến phương Đông hầu hết trở nên lúng túng, chấp nhận thua thiệt
trước sức mạnh phương Tây để rồi đánh mất chủ quyền và rơi vào số phận
thuộc địa. Thế nhưng Nhật Bản không nằm trong số đó. Thế kỷ XIX lại là giai
đoạn chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ để Nhật Bản trở thành một quốc
gia hiện đại, giữ vững được chủ quyền và thậm chí sánh ngang với các cường
quốc phương Tây:
“Nhật Bản trước thời Minh Trị (Meiji) cũng là một nước phong kiến “bế
quan tỏa cảng” như Việt Nam. Nhưng trước sự đe dọa của đế quốc
phương Tây, Nhật Bản đã sớm có một lớp người thức thời, đại diện cho
giai cấp tư sản sớm hình thành, đứng ra làm một cuộc cải cách duy tân
đất nước. Nhật Bản dần dần đổi mới bộ mặt, đủ sức chống lại phương
Tây và tiến lên thành một nước tư bản chủ nghĩa cường thịnh, năm 1894
đã thắng ở cuộc “chiến tranh Giáp Ngọ”. Đặc biệt năm 1904 đã thắng
quân đội đế quốc Nga Hoàng, làm cho “bọn trắng da ngơ ngác giật
mình”.” (Chương Thâu, 2004, tr.528)
Thành công trong việc hiện đại hóa đất nước chính là bước đệm vững
chắc để Nhật Bản có được những giai đoạn “phát triển thần kỳ” sau đó. Trong
những lý do làm nên sự thần kỳ này, bên cạnh “thiên thời”, “địa lợi”, thì “con
2

người” được xem là yếu tố quan trọng nhất. Để hiểu được sự thành công của
Nhật Bản, không thể bỏ qua việc nghiên cứu về các nhân vật và tư tưởng đã
định hướng cho toàn bộ dân tộc trong giai đoạn lịch sử then chốt này.
Trong hàng loạt những tài năng làm nên thành công cho công cuộc duy
tân Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) nổi bật là nhà cải cách kiệt
xuất có đóng góp to lớn nhất trên phương diện tư tưởng. Ông được Nhật Bản
vinh danh trên tờ tiền mệnh giá cao nhất và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học
và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO gọi là “người thầy khai hóa của thời kỳ
Minh Trị” (UNESCO, 1968, tr.12). Bối cảnh thời đại của Fukuzawa chính là
giai đoạn xã hội Nhật Bản biến đổi toàn diện: trật tự phong kiến bị xóa bỏ,
pháp luật hiện đại hình thành, các thành phần nhân dân trở nên bình đẳng,
người dân được tự do lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, giới trí thức sôi
động trong một nền học thuật cởi mở với những tiếp thu tư tưởng phương
Tây... Do vậy, tư tưởng của ông tựu trung xoay quanh vấn đề của thời đại:
Đâu là lối đi giữa nhiều dòng chảy? Làm thế nào để đất nước giữ được tính tự
cường? Mỗi cá nhân là ai, phải làm gì trong một đất nước đổi mới như thế?
Trong bối cảnh đó, Fukuzawa đã phân tích nhiều nội dung then chốt của
quốc gia, chẳng hạn như tính bình đẳng, mối quan hệ giữa nhà nước và công
dân, vấn đề giáo dục, tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc… Vị trí và vai trò
của công dân trong sự phát triển của đất nước là một trong những vấn đề đã
được Fukuzawa Yukichi trình bày kỹ càng trong các trước tác của mình. Cụ
thể, ông phân tích và phản biện các tư tưởng vốn có tại Nhật Bản về người
dân trong một đất nước – người dân mang tính “thần dân”. Bằng những tiếp
thu tinh hoa tư tưởng phương Tây, ông nêu lên quan điểm của mình về bản
chất mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, đồng thời đề xuất phương
hướng phát huy nguồn lực nhân dân để từ đó phát triển đất nước một cách
hiệu quả nhất. Đáng chú ý rằng tư tưởng của Fukuzawa Yukichi không phải là
những lý luận sách vở đơn thuần mà chúng đã được áp dụng ngay vào thực
3

tiễn đương thời, vào những chính sách quốc gia của Nhật Bản. Do vậy, có thể
nói tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là hệ thống lý luận mang đậm tính thực
tiễn: xuất phát từ thực tiễn và có sự kiểm nghiệm trong thực tiễn từ ngay khi
ông còn đang sống. Đồng thời, giá trị khai sáng của ông còn tạo tác động to
lớn đến rất nhiều trí thức châu Á, điển hình như Phan Bội Châu của Việt Nam
(Chương Thâu, 2004, tr.535).
Trải qua hai thế kỷ với vô vàn biến đổi, thế giới thế kỷ XXI lại tiếp tục
chứng kiến nhiều làn sóng to lớn “gây ra các hệ quả về mặt cá nhân, tâm lý
cũng như xã hội” (Alvin Toffler, 2019, tr.10). Đời sống vật chất tiến bộ, công
nghệ xâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống, giao thông liên lạc phát triển,
máy móc dịch thuật ra đời, các nền tảng mạng xã hội đưa thông tin lan truyền
tức thời trên khắp thế giới..., tất cả những điều đó khiến cho thế giới trở nên
phẳng, biên giới như được xóa nhòa và con người ngày càng hiểu biết về nhau
hơn. Thành tựu khoa học công nghệ mang đến cơ hội hợp tác giữa các quốc gia
với nhau, từ đó xuất hiện những khái niệm mới như đa văn hóa, đa quốc gia,
xuyên biên giới, công dân toàn cầu... Bên cạnh rất nhiều lợi ích dễ nhận thấy,
sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, chủng tộc cũng tạo nên những vấn đề
đáng lo ngại, trong đó có mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc cũng như bản sắc
cá nhân. Song song xu hướng hòa nhập và thấu hiểu lẫn nhau, thời đại ngày
nay mặt khác còn chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt đối
xử, khủng hoảng về bản sắc, các phong trào dân tộc mới... Những làn sóng này
đặt ra yêu cầu xem xét lại các quan niệm giá trị vốn có về các vấn đề xã hội
nhân văn như con người, cộng đồng, công dân... Do vậy ở thời đại hiện nay,
vấn đề quản trị con người trở thành một bài toán hết sức tinh tế và phức tạp.
Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy thời đại đó. Trong bối cảnh đầy
thời cơ và thách thức như thế, Đảng ta nhận định rằng “dù đạt được những
thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước
nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021,
4

tr.31). Đó là biến động thời đại đòi hỏi phải có một nền kinh tế độc lập, bền
vững để có thể đảm bảo tính tự chủ. Sở hữu nguồn lao động trẻ dồi dào, cơ
cấu lao động đa dạng, tiềm lực ở nền kinh tế tư nhân còn lớn, thế nhưng nước
ta vẫn chưa khai thác được hết các nguồn lực sẵn có này. Do vậy, ở Đại hội
Đại biểu Toàn quốc Lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh vai trò của con người
trong công cuộc xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội nêu rõ:
“Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy
mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại
đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn
hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh
mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn
lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. (Đảng
Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.34)
Vấn đề công dân không phải là một chính sách nhất thời mà chính là nền
tảng xuyên suốt trong công cuộc quản lý và phát triển đất nước. Ngay từ thời
phong kiến, “lấy dân làm gốc” đã là kim chỉ nam cho các quyết sách chính trị.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, cùng với sự ra đời của nhà
nước Việt Nam hiện đại, vấn đề công dân đã được củng cố và luật pháp hóa
trong cách văn kiện, đường lối, tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn nhắc nhở cán bộ Đảng rằng độc lập dân tộc cốt để mang lại tự do, hạnh
phúc cho nhân dân, nếu đạt được độc lập dân tộc nhưng dân không có được
hạnh phúc thì sự độc lập ấy chỉ là vô nghĩa. Người còn đặc biệt nhấn mạnh
vai trò trung tâm của nhân dân: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ của
dân... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí
Minh, 1995, tr.152). Là hạt nhân nền tảng của một xã hội, một quốc gia, công
5

dân tự do vững mạnh không chỉ giúp nhà nước độc lập mà còn là tiền đề cho
sự phát triển của toàn bộ xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen từng tuyên bố rằng
“sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất
cả mọi người” (C. Mác & Ph. Ăngghen, 1995, tr.628). Điều đó có nghĩa là
muốn đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh,
tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đất nước ta đang theo đuổi, nhất định phải tạo ra
được sự phát triển tự do ở mỗi cá thể công dân.
Đồng thời, vai trò tác động của người dân đối với sự phát triển đất nước
cũng là một vấn đề quan trọng đã được Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh. Chủ
tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa
cán bộ và quần chúng nhân dân, cũng như phê phán mạnh mẽ thái độ coi khinh
quần chúng của một bộ phận cán bộ nhà nước. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh
nhà, Người viết: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc
Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên
lượng.” (Hồ Chí Minh, 1995, tr.21). Điều đó cho thấy không phải đến bối cảnh
toàn cầu hóa hiện nay thì vai trò điều phối của người dân mới quan trọng, mà
xuyên suốt ngay từ những buổi đầu, việc phát huy hết vai trò của công dân đã
luôn là một trong những vấn đề nền tảng. Bước sang giai đoạn đổi mới và toàn
cầu hóa hiện nay, biến đổi của vấn đề công dân nằm ở sự đa dạng hóa thành
phần và nguồn lực trong nhân dân. Nếu như trước đây cơ chế kinh tế cũ chỉ tập
trung vào kinh tế nhà nước mà không chú ý đến bộ phận kinh tế tư bản tư nhân,
thì ở giai đoạn hiện nay, các chính sách kinh tế đã chú ý đến đa dạng thành
phần như kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân,
kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Với định hướng
kinh tế thị trường, Đảng ta chủ trương khơi gợi, huy động, phát triển nguồn lực
của mọi tầng lớp nhân dân vào xây dựng kinh tế, tạo nên một nền kinh tế đa
dạng thành phần, chú ý đến những khó khăn của bộ phận kinh tế tư nhân và
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát huy tốt nhất những tiềm lực đang
6

có. Đây là một sự thay đổi to lớn, cho thấy nhận thức của Đảng ta trước sự biến
đổi của xã hội và vấn đề công dân trong thời đại mới.
Vấn đề công dân có ý nghĩa hết sức to lớn xuyên suốt trong lịch sử cũng
như trong thực tiễn hiện nay. Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn lại
chỉ ra rằng:
“Có một thực tế rất dễ nhận ra là không phải nhân dân ta ai cũng đều
hiểu, đều biết và đã có đầy đủ khả năng sử dụng các quyền dân chủ mà
mình được hưởng. Vì vậy, trước hết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu,
phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng
quyền dân chủ của mình”. Để làm được như vậy cần có sự hiểu biết, có
trình độ học vấn nhất định. Sự kém hiểu biết hoặc trình độ học vấn quá
thấp sẽ dẫn đến tình trạng tự cho mình vô tình làm mất các quyền mà
mình đáng được hưởng, trở thành mất tự do.” (Nguyễn Trọng Chuẩn,
2002, tr.647-648)
Do vậy, trước nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với lý luận về phát huy
nguồn lực công dân, cũng như dựa trên giá trị tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân, học viên nhận thấy “Tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” là một đề
tài cấp thiết và có nhiều giá trị. Việc tìm hiểu và phân tích những nội dung
xoay quanh tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi hy vọng sẽ mang lại
ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn đối với người thực hiện đề tài nói riêng,
và xa hơn nữa là đối với xã hội Việt Nam hiện nay nói chung.
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài
Là một nhà tư tưởng châu Á kiệt xuất, Fukuzawa Yukichi đã xuất hiện
khá nhiều trong các công trình nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu này
có thể chia thành hai hướng cơ bản:
Hướng thứ nhất: các công trình nghiên cứu, tìm hiểu sâu về cơ sở lịch sử
xã hội, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan cho sự hình thành tư tưởng của
7

Fukuzawa Yukichi về công dân, trong đó cũng có nhắc đến một số giá trị tư
tưởng của ông nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu sơ lược.
Nhật Bản cận đại của tác giả Vĩnh Sính do nhà xuất bản Lao động xuất
bản năm 2014 là công trình nghiên cứu những sự kiện và thành tựu phát triển
quan trọng trong lịch sử Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến khi kết thúc Chiến
tranh Thế giới thứ hai. Ở chương V: Minh Trị Duy Tân – giai đoạn I (1868 –
1885), học giả Vĩnh Sính có phân tích những cải cách chính yếu đầu thời
Minh Trị. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được khẳng định là nhân vật có công
lao lớn nhất đối với việc định hình nền giáo dục Nhật Bản hiện đại thông qua
những đóng góp như xây dựng trường học, đào tạo ra các chính trị gia tài
năng, viết sách, biên tập tạp chí...
Tác phẩm Duy tân thập kiệt của Nguyễn Tiến Lực xuất bản bởi nhà xuất
bản Khoa học xã hội năm 2018 giới thiệu và phân tích mười nhân vật kiệt
xuất có vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của Minh Trị duy tân.
Chương 9 của quyển sách này dành cho nhân vật Fukuzawa Yukichi. Tại đây,
Fukuzawa được giới thiệu về tiểu sử và các tư tưởng khai sáng nổi bật. Đó là
tư tưởng về văn minh, tinh thần độc lập tự tôn, chính trị dân quyền, thương
mại lập quốc, giáo dục “thực học”.
Quyển sách Fukuzawa and the making of the modern world của tác giả
Alan Màcarlane viết vào năm 2002 được Phạm Thúy Ngân chuyển ngữ, nhà
xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017 dưới tiêu đề
Fukuzawa Yukichi và công cuộc kiến thiết thế giới hiện đại đã phân tích khá chi
tiết về cuộc đời và những đóng góp quan trọng của Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng
nêu trong quyển sách trải trên các vấn đề như văn minh, Tây học, tự do, bình
đẳng, gia đình… Công trình này giúp mang lại một cái nhìn tổng quát về nhân
vật Fukuzawa Yukichi và đóng góp của ông đối với nước Nhật lúc bấy giờ.
Năm 2011, Masako N. Racel thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Georgia State
(Hoa Kỳ) đã thực hiện luận án triết học đề tài Finding their Place in the
8

World: Meiji Intellectuals and the Japanese Construction of an East-West


Binary, 1868-1912 (tạm dịch: Định vị bản thân trên thế giới: Trí thức Minh
Trị và công cuộc xây dựng nhị nguyên Đông-Tây Nhật Bản, 1868-1912).
Luận án này nghiên cứu về năm nhân vật nổi bật thời Minh Trị trong việc tiếp
thu văn minh và định vị chính mình trước hai làn sóng đông và tây ở giai
đoạn cải cách mở cửa của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Fukuzawa Yukichi là một trong năm nhà tư tưởng được nghiên cứu trong luận
án và được xem như người “dẫn nhập vào văn minh”. Trong luận án, tác giả
Masako N. Racel nhắc đến công lao của Fukuzawa khi ông đã chuyển các
thuật ngữ như “văn minh”, “dã man”, “lục địa”… sang tiếng Nhật, đưa ra
những khái niệm phân biệt phương Đông và phương Tây về mặt địa lý lẫn
mặt văn minh. Tác giả luận án chú ý đến cách phân biệt trình độ các dân tộc
thành dã man, bán khai và văn minh, cũng như cách Fukuzawa sắp xếp các
quốc gia xung quanh vào cấp bậc ấy. Song song đó, luận án còn chỉ ra thái độ
của Fukuzawa Yukichi đối với cách vận hành nhà nước, quản lý người dân,
đó là tinh thần đề cao tính tự do, tự chủ và đồng thời phê phán mạnh mẽ
những lý luận vốn có đang kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, UNESCO cũng có một số công trình tạp chí phân tích và giới
thiệu về cuộc đời, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Tạp chí Prospects: The
quarterly review of comparative education năm 1993, quyển XXIII, số 3/4 là
ấn phẩm phân tích các vấn đề, thách thức, tư tưởng giáo dục mang tính khai
phóng của nhân loại như bình đẳng nam nữ trong giáo dục, vấn đề giáo dục
công và giáo dục tư nhân, các vấn đề trong phát triển giáo dục đại học… Trong
đó, ở phần Khuynh hướng/Trường hợp cụ thể, số tạp chí này dành riêng một
mục cho bài viết của tác giả Nishikawa Shunsaku giới thiệu về cuộc đời và
đóng góp tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cụ thể, Nishikawa Shunsaku điểm
qua những dấu ấn nổi bật trong cuộc đời Fukuzawa như thời thơ ấu tại trường
học dành cho samurai, sự kiện sang nước ngoài và nhận thức trực tiếp về văn
9

minh phương Tây. Tiếp đó, tác giả bài viết cũng giới thiệu sơ lược hai tác
phẩm tiêu biểu của Fukuzawa là Khuyến học và Bàn về văn minh, nhắc đến giai
đoạn điều hành trường học khai phóng. Cuối cùng, bài viết nhận xét về những
đóng góp cũng như hạn chế bị chỉ trích của Fukuzawa. Thông qua hàng loạt
những phân tích, Nishikawa Shunsaku kết luận rằng Fukuzawa Yukichi không
chỉ là thầy của những cô cậu học trò trong trường học của mình, mà còn là
người thầy của tất cả người dân Nhật Bản, là một nhà giáo dục đáng được
nghiên cứu và tư tưởng vẫn còn những giá trị cho đến tận ngày nay.
Hướng thứ hai: nghiên cứu những nội dung, đặc điểm, giá trị và ý nghĩa
trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trên một số lĩnh vực nhất định.
Năm 1958, Carmen Blacker có bài báo tiêu đề Fukuzawa Yukichi on
Family Relationships (tạm dịch: Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về quan hệ
gia đình) đăng trên Tạp chí Monumenta Nipponica, quyển 14, số 1/2. Bài báo
này tập trung vào những quan niệm của Fukuzawa Yukichi trước các mối quan
hệ gia đình như cha mẹ-con cái, vợ-chồng. Bài báo đưa ra so sánh giữa quan hệ
gia đình truyền thống có trong xã hội Nho giáo Nhật Bản, sau đó nêu lên thái
độ của Fukuzawa Yukichi trước những tục lệ vốn có. Cụ thể, đối với mối quan
hệ cha mẹ-con cái, Fukuzawa Yukichi không đồng tình với cách nghĩ rằng cha
mẹ vì đã có công sinh thành mà có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với
con cái. Ông giới hạn lại quyền hạn của cha mẹ, cho rằng cha mẹ cần tôn trọng
con cái bởi cha mẹ và con cái cũng là một mối quan hệ xã hội dân sự nên phải
tuân theo các nguyên tắc của xã hội dân sự. Ở mối quan hệ vợ chồng,
Fukuzawa nêu lên tính bình đẳng. Ông phản đối mạnh mẽ sự áp đặt và những
quy tắc mà xã hội dành cho phụ nữ. Ông cho rằng người phụ nữ/người vợ cũng
phải có những quyền hạn ngang bằng với nam giới/người chồng. Giữa phụ nữ
và nam giới nên là mối quan hệ cởi mở thay vì là những tục lệ ngăn cấm sự
thân mật. Chỉ khi phá vỡ được những lối suy nghĩ lạc hậu trong mối quan hệ
gia đình, các cá nhân mới có thể phát triển tự do, xã hội mới có thể tiến bộ.
10

Năm 1982, tác giả Iida Kanae (飯田鼎) công bố trên Tạp chí Kinh tế
Keio (三田学会雑誌) quyển 75, số 3 (1982.6), trang 283(55)-297(69) bài
nghiên cứu 福沢諭吉における民権とナショナリズムの形成:『西洋事
情』と『学問のすすめ』を中心に (tạm dịch: Sự hình thành tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về dân quyền và chủ nghĩa dân tộc trong hai tác phẩm:
“Tây dương sự tình” và “Khuyến học”. Bài nghiên cứu nhằm phân tích sự
chuyển biến và phát triển của tư tưởng Fukuzawa Yukichi về dân quyền và
chủ nghĩa dân tộc, cũng như chỉ ra mối liên hệ giữa hai vấn đề này. Trong đó,
tác giả Iida chia tư tưởng của Fukuzawa Yukichi thành hai giai đoạn gắn với
từng trước tác: (1) giai đoạn đầu gắn với tác phẩm Tây dương sự tình: chính
phủ Minh Trị chưa được thành lập, chính trị rơi vào khủng hoảng, giới trí
thức còn mơ hồ về hình mẫu chính trị tương lai và (2) giai đoạn sau đó gắn
với tác phẩm Khuyến học: chính phủ Minh Trị mở ra một thời đại mới, xây
dựng một đất nước hiện đại. Ở giai đoạn đầu, Fukuzawa chủ yếu khảo sát lịch
sử xã hội, chính trị của các quốc gia phương Tây phát triển. Thông qua đó,
ông đã giới thiệu đến người dân Nhật Bản – lúc bấy giờ vẫn còn trong tình
trạng phong kiến lạc hậu – những khái niệm đầu tiên về tự do và quyền cá
nhân. Giữa sự mơ hồ mất định hướng, việc tiếp cận với tri thức kinh tế, chính
trị, pháp luật phương Tây đã mở ra cho ông ý tưởng về một nhà nước dân chủ
hiện đại, có sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân, vận hành bằng pháp luật và
hệ thống thuế quan. Đến giai đoạn sau, khi nhà nước Minh Trị ra đời và áp
dụng những lý thuyết chính trị phương Tây vào thực tiễn Nhật Bản,
Fukuzawa Yukichi tiếp tục làm rõ và củng cố tư tưởng về dân quyền. Trong
đó, ông nhấn mạnh vào quyền tự do cá nhân, sự độc lập của cá nhân trước
chính quyền cai trị, quyền và nghĩa vụ đấu tranh của mỗi công dân nhằm bảo
vệ tính tự do chính đáng của mình. Bằng sự khảo sát chuyển biến tư tưởng
trong hai tác phẩm đại diện cho hai giai đoạn tư tưởng như thế, bài nghiên
11

cứu của Iida đã cho thấy bối cảnh xã hội và đặc trưng của tư tưởng Fukuzawa
Yukichi về vấn đề quyền công dân và chủ nghĩa dân tộc, qua đó cũng thấy
được một số quan điểm nổi bật của Fukuzawa về công dân trong một nhà
nước hiện đại.
Cũng trên Tạp chí Kinh tế Keio, ở quyển 78, số 6 (1986.2), trang 668(20)-
684(36), Iida Kanae vào năm 1986 tiếp tục có bài nghiên cứu với tiêu đề 福沢
諭吉と国会開設運動 (tạm dịch: Fukuzawa Yukichi và cuộc vận động thành
lập Quốc hội). Trong bài viết này, tác giả phân tích ba nội dung chính: (1) quan
điểm về văn minh của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm Cải cách dân tình,
(2) chuyển biến chính trị và tác phẩm Luận về thời thế và (3) quan điểm của
Fukuzawa Yukichi xem chế độ quân chủ lập hiến của Anh như một hình mẫu
lý tưởng. Đây là một nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Fukuzawa Yukichi
đối với việc thành lập mô hình nhà nước mới sau khi chế độ phong kiến cũ vừa
bị lật đổ. Qua các phân tích trong bài báo, có thể thấy rằng Fukuzawa Yukichi
xem việc thành lập Quốc hội là điều cần thiết đối với nhà nước Minh Trị vừa ra
đời. Fukuzawa luôn cho rằng các mâu thuẫn, xung đột trong chính trị thường là
do mọi người không thể trao đổi ý kiến với nhau, vì thế Quốc hội sẽ là nơi lắng
nghe và điều hòa ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra
rằng người dân Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn chưa hình thành được ý thức chính trị
nên chưa thể phát huy hiệu quả quyền lợi, sức mạnh của mình trong một mô
hình nhà nước pháp quyền kiểu mới. Từ đó, Fukuzawa Yukichi tiến hành khảo
sát các mô hình nhà nước và Quốc hội trên thế giới. Ông kết luận mỗi mô hình
đều là kết quả từ những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, Nhật Bản không thể
rập khuôn một mô hình nào cả, mà thay vào đó là phải xây dựng cho riêng
mình mô hình nhà nước thích hợp. Tuy nhiên, ông đặc biệt quan tâm đến mô
hình quân chủ lập hiến của nước Anh – nơi vừa có Hoàng tộc thống trị, vừa có
Quốc hội đại diện cho ý kiến của số đông quần chúng. Bài nghiên cứu này của
học giả Iida Kanae đã giới thiệu một phần tư tưởng Fukuzawa Yukichi dưới
12

góc độ chính trị, đồng thời cho thấy sự thức thời, sâu sắc và thực tế trong cách
nghĩ của nhà tư tưởng Minh Trị lỗi lạc này.
Trên Tạp chí Triết học số 2 năm 1995, Nguyễn Tiến Lực đã có bài viết
Fukuzawa Yukichi và tư tưởng khai sáng của ông giới thiệu sơ lược cuộc đời
Fukuzawa Yukichi và những vấn đề về văn minh, khai sáng trong quan điểm
của nhân vật này. Cụ thể, đó là lý luận về bản chất và đặc điểm của văn minh,
coi văn minh hóa là phương tiện để bảo vệ độc lập đất nước, đề cao tinh thần
“độc lập tự tôn”, phê phán hư học và chủ trương thực học, bàn đến nhân
quyền và quyền bình đẳng. Trong quy mô một bài báo, các vấn đề này được
học giả Nguyễn Tiến Lực trình bày một cách sơ lược, nhưng qua đó cũng đã
thấy được giá trị và hạn chế của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Nhật
Bản lúc bấy giờ.
Nguyễn Tiến Lực còn nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi trên lĩnh vực
giáo dục qua cuốn sách Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ – Tư tưởng
cải cách giáo dục do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất
bản năm 2013. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi được đào sâu trên
những vấn đề như văn minh, tinh thần tự tôn, dân quyền, giáo dục, cải cách
giáo dục... Công trình này còn tiến hành phân tích so sánh Fukuzawa Yukichi
và Nguyễn Trường Tộ bởi đây đều là những nhân vật tâm huyết với vấn đề
cải cách giáo dục cũng như sống trong cùng thời đại. Tác giả Nguyễn Tiến
Lực đã chỉ ra được những điểm khác nhau trong tư tưởng cải cách của hai
nhân vật này, đồng thời giải thích sự khác nhau đó dựa trên bối cảnh lịch sử
xã hội của Việt Nam và Nhật Bản. Công trình giúp phần nào hiểu được
nguyên nhân thành công của Fukuzawa Yukichi ở cuộc cải cách Minh Trị tại
Nhật Bản, trong khi cùng giai đoạn đó, cuộc canh tân của Nguyễn Trường Tộ
dưới thời Nguyễn tại Việt Nam lại gặp thất bại.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính có công trình mang tên Việt Nam và Nhật
Bản trong thế giới Đông Á do Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh,
13

Khoa Sử học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành
năm 1993. Trong công trình này, tác giả đã dành ra một phần để trình bày
Quan niệm về độc lập quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản: Trường hợp Phan
Bội Châu và Fukuzawa Yukichi. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi đã
được phân tích qua những nội dung về độc lập dân tộc: động lực cho tư tưởng
độc lập dân tộc, bản chất của tính độc lập dân tộc và những cách thức để đạt
được sự độc lập cho dân tộc Nhật Bản. Ở công trình này, vấn đề công dân
cũng được đề cập sơ lược khi nói đến mối liên hệ giữa độc lập cá nhân của
công dân với độc lập cho toàn thể dân tộc.
Tác giả Bill Mihalopoulos thuộc Trung tâm Châu Á học, Đại học
Adelaide (Úc) vào năm 2012 có bài luận với tiêu đề An exercise in good
government: Fukuzawa Yukichi on emigration and nation-building (tạm
dịch: Thực tiễn về chính quyền tốt: Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn
đề di dân và xây dựng quốc gia). Thông qua khảo sát một số tác phẩm sách
vở và những bài phát biểu, tạp chí của Fukuzawa, tác giả Bill Mihalopoulos
đã chỉ ra tính cởi mở của Fukuzawa trước việc di cư sang nước ngoài người
dân trong nước – một điều đối lập với một số nhân vật lãnh đạo tư tưởng và
chính trị đương thời. Cách hiểu của Fukuzawa Yukichi về sức mạnh công
dân không giới hạn ở phạm vi địa lý. Bằng nghiên cứu so sánh với trường
hợp nước Anh, Fukuzawa cho rằng người dân Nhật Bản nếu có cơ hội nên
sang nước ngoài học tập hoặc tìm kiếm công việc, miễn sao chúng phát huy
tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, bởi người dân tại nước ngoài vẫn có thể
đóng góp của cải, trí óc cho sự hưng thịnh của quê hương. Bên cạnh đó, bài
luận này cũng nhắc đến sự không phân biệt tầng lớp, giới tính khi phát huy
sức mạnh công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Qua bài luận này,
có thể thấy được trong bối cảnh thời đại, Fukuzawa đã có những tư tưởng
cởi mở, khai phóng cho sự phát triển của nguồn lực công dân cũng như xây
dựng đất nước.
14

John Gavin Branstetter tại Đại học California (Hoa Kỳ) thực hiện Luận
án Tiến sĩ Khoa học Chính trị năm 2017 với đề tài Translational Moments:
Citizenship in Meiji Japan (tạm dịch: Các cột mốc dịch thuật: Quyền công
dân tại Nhật Bản thời kỳ Minh Trị). Nội dung luận án xoay quanh những sự
kiện dịch thuật quan trọng trong lịch sử mà từ đó các khái niệm triết học,
chính trị, luật học được đưa vào Nhật Bản. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được
nhắc đến ngay tại cột mốc đầu tiên. Theo tác giả John Gavin Branstetter,
Fukuzawa Yukichi chính là người có công chuyển ngữ các khái niệm liên
quan đến công dân, ý thức về phương Tây, thành thị, quyền và nghĩa vụ…
Tuy vấn đề mà luận án giải quyết là dịch thuật, nhưng thông qua khảo sát
cách dùng từ trong hàng loạt tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, luận án đã chỉ
ra rằng Fukuzawa hướng đến tính cá nhân hóa công dân, tính bình đẳng giữa
các giai cấp, vạch ra cho Nhật Bản những nền tảng căn bản để xây dựng nên
một quốc gia hiện đại với mối quan hệ tách bạch về quyền và nghĩa vụ. Trong
các tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, những từ ngữ như “thị dân”, “bình dân”,
“quốc dân” là sự biểu đạt khái niệm “citizen” của phương Tây, biểu thị những
cách thức sinh sống đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi nghề
nghiệp như cách gọi “sĩ”, “công”, “nông”, “thương” dưới thời Mạc phủ. Cách
dịch thuật và giới thiệu khái niệm như thế đã phá vỡ những quy tắc phong
kiến vốn có, tạo cho độc giả của ông thời bấy giờ nhận thức về sự bình đẳng,
cảm thấy mình là một cá nhân độc lập. Do vậy, Fukuzawa Yukichi có công
lớn trong việc thúc đẩy ý tưởng về thương mại, trau dồi cá nhân, xây dựng
sức mạnh và sự thịnh vượng cho quốc gia, tách biệt giữa vấn đề chính trị và
xã hội công dân.
Vào năm 2020, Hiệp hội nghiên cứu Yamamoto, Chuyên ngành Giáo
dục học, Khoa Văn học, Đại học Keio (Nhật Bản) đã hoàn thành công trình
福澤諭吉の教育思想研究 (tạm dịch: Nghiên cứu tư tưởng giáo dục của
Fukuzawa Yukichi) với dung lượng 130 trang. Công trình này chia tư tưởng
15

của Fukuzawa Yukichi thành ba giai đoạn: giai đoạn trước năm 1877 với tác
phẩm Khuyến học và Khái lược văn minh luận, giai đoạn từ năm 1877 đến
năm 1887 với tác phẩm Luận về giáo dục và Luận về đức dục, giai đoạn từ
1887 trở về sau với tác phẩm Luận về giáo dục phụ nữ và Luận về giáo dục
gia đình. Ở từng tác phẩm, nhóm tác giả nêu lên những vấn đề nổi bật mà tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi giải quyết như mục đích của giáo dục, tính độc
lập của giáo dục, bình đẳng nam nữ trong giáo dục, những thay đổi cần thiết
trong cách giáo dục truyền thống dành cho phụ nữ... Nổi bật xuyên suốt trong
tư tưởng giáo dục của ông luôn là tính độc lập, bình đẳng, tự do nhằm phát
huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, cũng như khai thác năng lực của mỗi
cá nhân ấy cho sự bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tại Việt Nam, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi cũng được tìm hiểu qua
một số công trình luận văn. Đinh Quang Trung đã thực hiện luận văn thạc sĩ
với đề tài Tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi tại Đại học Đà Nẵng năm
2015. Luận văn phân tích qua những nội dung tư tưởng của Fukuzawa như
mục đích của giáo dục, phê phán thói “hư học” vốn chịu ảnh hưởng từ truyền
thống Hán học, đề xuất thiết lập một nền giáo dục thực dụng, tiếp thu có chọn
lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia, phương pháp
của giáo dục. Đồng thời, tác giả Đinh Quang Trung cũng tìm hiểu về ảnh
hưởng của tư tưởng giáo dục Fukuzawa Yukichi đối với xã hội Nhật Bản,
cũng như ý nghĩa của việc nghiên cứu tư tưởng của nhân vật này đối với quá
trình đổi mới giáo dục hiện nay của nước ta.
Nguyễn Minh Nguyên thực hiện Luận án Tiến sĩ đề tài Tư tưởng cải
cách của Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và giá trị của nó tại Viện Hàn Lâm
Khoa học xã hội Việt Nam năm 2016. Đây là một công trình giá trị trong việc
tiếp cận nhân vật Fukuzawa Yukichi dưới góc độ tư tưởng cải cách. Những
nội dung cải cách mà luận án nghiên cứu trải trên các lĩnh vực giáo dục, nhà
nước, ngoại giao. Sau khi phân tích qua những vấn đề nổi bật trong các lĩnh
16

vực đó, tác giả Nguyễn Minh Nguyên còn chỉ ra giá trị của tư tưởng
Fukuzawa Yukichi đối với chính sách cải cách của chính quyền Minh Trị, đối
với phong trào canh tân của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, cũng như giá trị gợi
mở của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Việt Nam hiện nay.
Cũng về Fukuzawa Yukichi nhưng tác giả Phạm Thanh Mai tại Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 nghiên
cứu khía cạnh tư tưởng kinh doanh với đề tài luận văn Nghiên cứu về tư tưởng
kinh doanh của Fukuzawa Yukichi. Luận văn phân tích khá nhiều về bối cảnh
lịch sử, các hoạt động của Fukuzawa Yukichi, những điểm nổi bật trong tư
tưởng kinh doanh của Fukuzawa Yukichi và ý nghĩa của các tư tưởng ấy. Đặc
biệt, luận văn có phân tích việc áp dụng tư tưởng kinh doanh của Fukuzawa
vào thực tế như sáng lập và điều hành trường đại học Keio, sáng lập và kinh
doanh chuỗi cửa hàng nhà sách Maruzen. Điều đó cho thấy tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi không chỉ là lý thuyết sách vở đơn thuần mà đã được ông
vận dụng vào thực tế của bản thân, cũng như khuynh hướng bám sát thực tế
trong tính cách của Fukuzawa.
Bên cạnh đó còn có những nghiên cứu phân tích và so sánh tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi với những tư tưởng cùng thời đại hoặc nghiên cứu sự kế
thừa, phản biện đối với nhân vật này. Học giả Umetsu Junichi (梅津順一) có
bài viết tiêu đề 文明化と日本―福沢諭吉と徳富蘇峰 (tạm dịch: Văn minh
hóa và Nhật Bản: Fukuzawa Yukichi và Tokutomi Sohou) trong Kỷ yếu khoa
học Trường Đại học nữ sinh ngắn hạn Aoyama (青山学院女子短期大学紀
要) số 44 năm 1990. Trong đó, tác giả đã phân tích quan niệm về vấn đề văn
minh hóa đất nước Nhật Bản trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và
Tokutomi Sohou (1863-1957) – một nhà báo, nhà sử học có ảnh hưởng đến
chính trị Nhật Bản thuộc thế hệ tiếp nối Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng của
Fukuzawa được phân tích trong bài nghiên cứu này chủ yếu là các quan niệm
17

về quốc gia, dân tộc trong tác phẩm Bàn về văn minh. Các tư tưởng này được
đặt trong sự so sánh với tư tưởng của Tokutomi Sohou về “chủ nghĩa bình
dân”. Nếu như Fukuzawa đặt mục tiêu “văn minh hóa” lấy phương Tây làm
hình mẫu, đề cao tính bình đẳng và độc lập cá nhân trong sự phát triển đất
nước, thì Tokutomi Sohou đã tiếp nối và vạch ra một kịch bản rõ nét hơn cho
tương lai Nhật Bản. Đó là một quốc gia thay vì chỉ xoay quanh vấn đề quân
sự để tạo sức mạnh tự vệ trước thế lực ngoại bang thì nên chuyển sang phát
triển một nền kinh tế trong nước đa dạng, sôi động và hiệu quả, chọn hoạt
động sản xuất làm nhân tố phát triển sức mạnh đất nước. Bài nghiên cứu này
của học giả Umetsu Junichi đã cho thấy một hướng phát triển và biến đổi dựa
trên tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, một sự điều chỉnh xuất phát từ những
biến đổi nhất định của yêu cầu thời đại.
Với tiểu luận 社会契約から文明史へ-福沢諭吉の初期国民国家形
成構想 (tạm dịch: Từ khế ước xã hội đến lịch sử văn minh – Quan niệm sơ
khai về quốc gia dân tộc của Fukuzawa Yukichi) đăng trên Tạp chí Phê bình
Luật Đại học Hokkaido (北大法学論集) năm 1990 số 40(5-6)2, trang 739-
786, học giả Matsuzawa Hiroaki (松沢弘陽) đã phân tích quá trình hình
thành quan điểm về quốc gia dân tộc trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi
dựa trên sự kế thừa tư tưởng về khế ước xã hội của nhà tư tưởng người Mỹ
Francis Weyland (1796-1865). Nếu như nhà khai sáng người Pháp Jean-
Jacques Rousseau dùng lý thuyết khế ước xã hội để giải thích sự hình thành
nhà nước thì Francis Weyland đã tiếp tục phát triển học thuyết này theo một
góc độ cấp tiến hơn. Francis Weyland phân biệt xã hội thành xã hội đơn thuần
và xã hội chính trị. Học giả người Mỹ này chỉ ra rằng trong xã hội chính trị,
sự tham gia của các cá nhân không mang tính tự nguyện mà có tính bản năng,
đồng thời “khế ước” tham gia vào xã hội chính trị này không hoàn toàn thể
hiện ý muốn của các cá nhân ấy. Francis Weyland còn đi sâu phân tích sự
18

hình thành lòng yêu nước, cho rằng đó là tình cảm sâu sắc nhất của con người
và nảy sinh nhằm phù hợp với tính chất của xã hội chính trị. Do vậy, thông
qua lòng yêu nước, người dân có thể từ bỏ phần nào quyền lợi cá nhân để
hướng đến mục tiêu chung của nhà nước – hướng lập luận này được
Fukuzawa Yukichi tiếp thu mạnh mẽ. Từ lý thuyết khế ước xã hội của
Rousseau và Weyland, Fukuzawa Yukichi đã hình thành những lý luận về sự
hình thành và phát triển của nhà nước Nhật Bản. Ông cho rằng đích đến của
con đường phát triển đất nước chính là trình độ văn minh, và cách thực hiện
mục tiêu này chính là phát triển tinh thần độc lập của mỗi cá nhân trong đất
nước. Tiểu luận của Matsuzawa Hiroaki đã cho thấy nỗ lực của Fukuzawa
Yukichi trong việc tìm cách xây dựng những “công dân” độc lập, nỗ lực chỉ
ra những hệ tư tưởng lạc hậu đang cản bước phát triển của đất nước Nhật Bản,
từ đó cải cách tư tưởng, khai phóng tính độc lập trong mỗi cá nhân.
Bài viết A Comparative Analysis of the Civilizations of Fukuzawa
Yukichi and Sun Yat-sen (tạm dịch: Phân tích so sánh vấn đề văn minh trong
tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và Tôn Trung Sơn) của tác giả Matthew Jones
đăng trên Tạp chí Global Tides quyển 9, số 2 năm 2015 cũng là một nghiên
cứu về Fukuzawa Yukichi trong vấn đề văn minh. Tuy nhiên, dưới góc độ so
sánh giữa hai nhân vật tại hai bối cảnh lịch sử khác nhau, bài viết đã cho thấy
những đặc điểm riêng biệt trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và cũng là
yếu tố làm nên sự thành công của quá trình xây dựng Nhật Bản hiện đại. Ở
Tôn Trung Sơn, đó là bức tranh của một nhà chính trị, nhà hoạt động cách
mạng tại một đại đế chế Trung Hoa đang bị các nước phương Tây xâu xé. Tư
tưởng Tôn Trung Sơn mang đậm tính chính trị, đề xuất quản lý người dân
theo các đơn vị hành chính và phát huy sức mạnh người dân thông qua sự
thịnh vượng chung của địa phương. Tôn Trung Sơn đề cao lý thuyết chọn lọc
tự nhiên ở góc độ xã hội, cho rằng trong xã hội đã có sẵn những người vượt
trội hơn người khác, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, từ đó ông phân chia quản lý
19

dân chúng theo nhiều thứ bậc khác nhau. Mặt khác, Fukuzawa Yukichi với tư
cách một nhà giáo dục không tham gia chính trị, tại một quốc gia mở cửa cải
cách khi nhìn thấy mối đe dọa từ phương Tây, tư tưởng của Fukuzawa mang
tính chất ôn hòa và đề cao sức mạnh cá nhân. Ông không gắn công dân vào
đơn vị hành chính như Tôn Trung Sơn. Thay vào đó, với ông, mỗi một cá
nhân độc lập sẽ tạo nên được một quốc gia độc lập. Fukuzawa xem trọng tính
bình đẳng của cá nhân trong xã hội, cho rằng mọi người đều ngang bằng nhau,
sự phân chia chức vụ trong xã hội chẳng qua là do người dân và chính phủ đã
ngầm ký với nhau một “khế ước” để xã hội vận hành tốt hơn.
Có thể thấy, hướng nổi bật trong các nghiên cứu về tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi là vấn đề giáo dục và độc lập, tự tôn dân tộc. Tại Việt
Nam, mối liên hệ giữa công dân với sự giàu mạnh của dân tộc cũng được
nhắc đến nhưng chỉ dừng ở mức độ sơ lược. Do vậy, vấn đề công dân trong tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi vẫn còn cần được nghiên cứu nhiều hơn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu:
Luận văn nhằm làm rõ nội dung cơ bản trong tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân, từ đó rút ra đặc điểm và ỷ nghĩa lịch sử của nội
dung tư tưởng đối với xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được các mục đích nghiên cứu trên, luận văn thực hiện các nhiệm
vụ sau:
- Trình bày, phân tích điều kiện lịch sử-xã hội và tiền đề hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân.
- Trình bày, phân tích nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng
của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề công dân trong tư tưởng
của Fukuzawa Yukichi.
20

Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung nghiên cứu vấn đề công dân
trong tư tưởng Fukuzawa Yukichi trong các tác phẩm của ông như Khuyến
học, Bàn về văn minh, Phúc ông tự truyện, Thoát Á luận...
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Về cơ sở lý luận, luận văn trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và
phương pháp duy vật lịch sử. Về phương pháp luận, luận văn sử dụng các
phương pháp cụ thể như lịch sử-logic, diễn dịch-quy nạp, phân tích-tổng hợp.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ý nghĩa khoa học:
Nghiên cứu nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong quan điểm của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân sẽ góp phần làm rõ hệ thống lý luận
của nhà tư tưởng này, đồng thời giúp hiểu được phần nào những tư tưởng nền
tảng của Nhật Bản trong việc xây dựng một nhà nước châu Á hiện đại.
Ý nghĩa thực tiễn:
Những ý nghĩa mà nội dung luận văn rút ra có thể là bài học bổ ích cho
quá trình phát triển đất nước Việt Nam. Luận văn có thể làm tài liệu cho
những ai quan tâm về lịch sử tư tưởng Nhật Bản giai đoạn thế kỷ XIX.
7. Kết cấu nội dung
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung bài tiểu luận bao gồm 2
chương, 5 tiết:
Chương 1: Điều kiện tiền đề hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi
về vấn đề công dân
Chương 2: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
21

PHẦN NỘI DUNG


Chương 1
ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN

1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA


FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình
thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Vào đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển rực rỡ và chiếm địa
vị thống trị tại phương Tây. Chế độ quý tộc phong kiến nay phải nhường bước
cho sự lên ngôi của giai cấp tư sản mới nổi. Các cuộc cách mạng tư sản ở Hà
Lan, Anh, Mỹ… diễn ra vào thế kỷ trước đó đã làm thay đổi toàn bộ các mối
quan hệ xã hội phương Tây. Nước Anh vươn lên vị trí đứng đầu trong nền
kinh tế thế giới nhờ vào các phát minh khoa học kỹ thuật. Công nghiệp thay
thế nông nghiệp ở vai trò kinh tế mũi nhọn. Các ngành công nghiệp nặng như
luyện kim, cơ khí, đường sắt phát triển mạnh mẽ, tăng cường khả năng đi lại,
vận chuyển và quân sự của các quốc gia tư bản. Tiếp sau Anh, nước Pháp
cũng vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước Mỹ giai đoạn này
cũng đã hoàn thành công cuộc giành độc lập thoát khỏi sự cai trị của Anh, từ
đó có thêm điều kiện để phát triển kinh tế theo hình thái tư bản chủ nghĩa và
đạt những thành tựu nhất định trong ngành dệt, luyện kim, công nghiệp nặng
và đường sắt.
Cách mạng tư sản dù chỉ diễn ra ở một số nước châu Âu và châu Mỹ
nhưng lúc bấy giờ, trong mỗi nền kinh tế châu Âu đều đã xuất hiện những
nhân tố của chủ nghĩa tư bản. Nước Đức vẫn chịu sự thống trị của chính
quyền phong kiến, thế nhưng quan hệ tư bản chủ nghĩa cũng đã hình thành và
phát triển mạnh tại một số khu vực nhất định, phần nào giải phóng nhân dân
22

khỏi quan hệ phong kiến. Từ đầu thế kỷ XIX, Đức có những công trường thủ
công đầu tiên cùng với những tiến bộ vượt bậc trong ngành vận tải và giao
thông hàng hải, xuất hiện tàu hơi nước và đường sắt. Tuy nhiên, sự phát triển
của kinh tế tư bản Đức bị kìm hãm đáng kể bởi hình thái phong kiến. Tương
tự như Đức, Ý và Áo cũng vẫn còn tồn tại chế độ phong kiến khiến giai cấp tư
sản không thể đạt được nhiều thành tựu như ở Anh, Pháp, Mỹ. Dù vậy các
quốc gia này cũng manh nha hình thành những mô hình sản xuất công nghiệp
theo phương thức tư bản, làm biến đổi những mối quan hệ sản xuất và đời
sống dù có phần trễ hơn và chậm chạp hơn. Nhìn chung, chủ nghĩa tư bản tại
châu Âu đã tạo nên được nguồn của cải vật chất to lớn và đa dạng, sản sinh
những mối quan hệ mới, nhu cầu mới, cũng như những mâu thuẫn mới (Vũ
Dương Ninh & Nguyễn Văn Hồng, 2005).
Sự phát triển chóng mặt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mặt khác lại
tạo nên những bất ổn. Khi năng suất tăng vượt bậc và khối lượng hàng hóa
làm ra được nhiều đến mức bằng tổng số hàng hóa ở các thời kỳ cộng lại, các
nước tư bản nhanh chóng rơi vào khủng hoảng do chênh lệch cung - cầu cũng
như thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Năm 1825, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu
tiên diễn ra tại nước Anh và tiếp sau đó là nhiều cuộc khủng hoảng khác liên
tiếp xuất hiện theo chu kỳ mười năm. Các cuộc khủng hoảng này không chỉ
gây tác hại to lớn đến đời sống kinh tế nước Anh mà còn lan rộng ảnh hưởng
đến toàn bộ khu vực châu Âu.
Từ giữa thế kỷ thứ XIX, do hình thái tư bản đã lan rộng và phát triển lớn
mạnh tạo nên mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giới quý
tộc cầm quyền, hầu hết chế độ phong kiến tại các nước phương Tây đã bị lật
đổ và nền chính trị tư bản chủ nghĩa được xác lập. Đồng thời, do sức ép ngày
càng cao của nhu cầu sản xuất tư bản, các nước phương Tây lần lượt tiến
hành những cuộc chiến tranh thực dân nhằm xâm lược và khai thác thuộc địa.
Tại Pháp, chính quyền Napoleon III thi hành chính sách thuộc địa với mục
23

đích thu về nguyên liệu và của cải cho giới đại tư sản đang nắm thế lực trong
nước. Vì muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Biển Đen, Pháp đã liên
minh với Anh để chống lại Nga, nhờ đó Pháp củng cố thêm sức mạnh đối nội
và tăng cường ảnh hưởng đối với nước ngoài. Tiếp đó, Pháp còn can thiệp vũ
trang vào tình hình chính trị ở các nước lân cận như Ý, Đức, thực hiện chiến
tranh xâm lược Algeria, tấn công và buộc Trung Quốc phải ký những hiệp
ước bất bình đẳng, sau đó mở rộng cuộc thực dân xuống các nước Đông Nam
Á.
Nước Anh vốn là quốc gia đi đầu trong làn sóng phát triển công nghiệp
tư bản chủ nghĩa nên cũng không thể tránh khỏi sức ép gay gắt từ nhu cầu
nguyên liệu và thị trường. Nước Anh tìm thấy một thị trường rộng lớn giàu
tiềm năng tại Trung Quốc, vì thế đã nỗ lực buộc quốc gia châu Á này mở cửa
và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán của mình. Mâu thuẫn
không thể giải quyết, chiến tranh nha phiến nổ ra, Anh và Trung Quốc từ mối
quan hệ giao thương đã rơi vào trạng thái chiến tranh xâm lược.
Sự thất bại của Trung Quốc trước làn sóng thực dân phương Tây là một
tiếng chuông lay động toàn châu Á. Giai đoạn tiếp xúc với thế lực và văn
minh phương Tây, đại vương triều Trung Quốc đang trong tình trạng suy
thoái từ bên trong: giới vua chúa cầm quyền không chăm lo việc chính trị mà
sa đà vào hưởng thụ, giới quan lại thì hèn kém bất tài. Quân đội tổ chức lỏng
lẻo, quan hệ kinh tế lạc hậu, đời sống người dân suy kém, do vậy Trung Quốc
khi đứng trước sự đe dọa của phương Tây đã nhanh chóng biến thành miếng
bánh cho các cường quốc xâu xé (Đỗ Đức Minh & Võ Thị Hoa, 2019). Nền
văn minh vĩ đại của phương Đông nay trở thành một con “hổ giấy”, bị tàn phá
nặng nề bởi tệ nạn thuốc phiện mà người phương Tây mang đến, để rồi sau đó
phải chịu tình trạng bất bình đẳng trước sức mạnh quân sự phương Tây.
“Cuộc Chiến tranh nha phiến, đã đánh dấu sự suy tàn của phương thức
sản xuất nhỏ phong kiến đã một thời tạo ra nền văn minh phương Đông
24

rực rỡ. Vua quan phong kiến không thể không thừa nhận một sự thật tàn
khốc: đường đường là “thiên binh thiên tướng” của Thiên triều, mà
không chống chọi nổi với những súng dài pháo lớn của “phương Tây
mọi rợ”.” (Thi Hữu Tùng, 2009, tr.78)
Với vị thế cường quốc thống trị, là trung tâm của cả một vùng văn minh,
Trung Quốc sụp đổ kéo theo sự sụp đổ niềm tin vào các giá trị cố hữu vốn
định hình phương Đông, chẳng hạn như Nho giáo. Từ bao đời nay, các lời dạy
Nho giáo của Khổng Tử đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, đạo đức, hình thành
nếp nghĩ cho mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc, cũng như lan rộng ảnh
hưởng đến các quốc gia lân cận. Nho giáo vốn duy trì trật tự xã hội bằng chủ
trương đề cao tính huyết thống, mối quan hệ thân tộc, bạn bè, đề cao thứ bậc
trên dưới, gán chức phận và giá trị cho mỗi cá nhân, đồng thời dùng “mệnh
Trời” để giải thích các sự kiện, các mối quan hệ trong xã hội: “Chẳng có việc
gì xảy ra mà chẳng do mệnh trời. Mình nên tùy thuận mà nhận lấy cái mệnh
chính đáng ấy” (Đoàn Trung Còn, 1996, tr.217). Sự bất lực của Nho giáo
Trung Quốc dẫn đến thái độ hoài nghi về tính hiển nhiên của hệ thống thứ bậc
xã hội này. Trong làn sóng hoài nghi đó, Fukuzawa Yukichi đã bác bỏ tính bị
động mà thuyết “thiên mệnh” Nho giáo áp vào con người. Ông tuyên bố rằng
“nỗ lực có thể thay đổi được mệnh trời”, cho rằng con người không hề bị
động và không nên phó thác cuộc đời mình cho một niềm tin vô hình, bởi
“tình trạng giàu, nghèo, mạnh, yếu dứt khoát không phải là do mệnh Trời
hoặc là do ý Trời mà ta đành phải cam chịu. Mà đó là do con người có nỗ lực
hay không chịu nỗ lực mà thôi” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Do đó,
quyền lực và thứ bậc trong xã hội cũng không hề bất biến mà luôn luôn thay
đổi tùy theo nỗ lực của chính con người: “Nhờ nỗ lực như thế, không biết
chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai đã trở thành người tài
giỏi; mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn
kém” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Có thể nói, cuộc chiến tranh nha
25

phiến tại Trung Quốc đã giúp Nhật Bản sớm thức tỉnh và ráo riết chuẩn bị cho
mình tâm thế và lập trường thái độ trước làn sóng phương Tây.
Tóm lại, biến chuyển của thế giới thế kỷ XIX có sự tác động mạnh mẽ
đến nhận thức của người dân châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Sự
biến chuyển đã đặt ra câu hỏi về vấn đề công dân – vấn đề mang tính căn bản
để cấu thành nên một quốc gia dân tộc.
1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình
thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Điều kiện lịch sử:
Trên tuyến đường biển Thái Bình Dương nối liền giao thương giữa
phương Đông và phương Tây, khu vực Đông Bắc Á – trong đó có Nhật Bản –
chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đây đóng vai trò là cầu nối
cho sự giao thương giữa phương Đông và phương Tây, là cửa ngõ cho các
nước phương Tây tiếp cận được với các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á
và châu Đại Dương. Đồng thời, Đông Bắc Á còn nằm trên tuyến đường giao
thương Bắc Nam nối Nga với các quốc gia vùng biển phía Nam. Nằm trong
khu vực địa chính trị trọng yếu như thế, Nhật Bản hẳn nhiên trở thành mục
tiêu trong chính sách đối ngoại của nhiều nước phương Tây.
Một số nước tư bản như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh,
Pháp... đã đặt chân đến Nhật Bản thông qua các chuyến viễn du tìm tài
nguyên và thị trường từ thế kỷ XVI. Sự xuất hiện của giới thương nhân và
giáo sĩ đã khiến người Nhật mở rộng tầm mắt, thay đổi mọi mặt đời sống xã
hội, biến chuyển các hình thức quan hệ kinh tế, văn hóa trước đây của một
quốc gia phong kiến. Fukuzawa Yukichi mô tả bối cảnh ấy rằng: “Việc giao
thương với phương Tây ngày một mở rộng. Mọi mối bang giao quốc tế đều
ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực trong nước” (Fukuzawa Yukichi,
2015, tr.82). Sự xuất hiện của người phương Tây tại Nhật Bản ban đầu cho
chính quyền Edo nhìn thấy cơ hội phát triển ngoại thương, hiện đại hóa quân
26

bị, xây dựng nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế. Thế nhưng đến
cuối thế kỷ XVI, người phương Tây tại Nhật bắt đầu đe dọa tính cân bằng
thương mại trong nước cũng như dần bộc lộ âm mưu bành trướng chủ nghĩa
thực dân. Mạc phủ Tokugawa đương trị là chính quyền có công thống nhất
quốc gia sau hơn một thế kỷ nội chiến liên miên. Ổn định trật tự xã hội là mục
tiêu hàng đầu, do vậy Mạc phủ vô cùng lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn
từ người phương Tây và do đó đã thi hành chính sách “tỏa quốc” nghiêm
ngặt. Theo chính sách này, từ năm 1639, chính quyền Edo chỉ cho phép giao
thương với nước ngoài ở một vài hải cảng nhất định và với một số ít quốc gia
như Trung Quốc, Hà Lan, Triều Tiên, Ryukyu... Hà Lan là quốc gia tư sản
phương Tây duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản giai đoạn này do
có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mạc phủ từ trước, cũng như do thể
hiện ít mối đe dọa đối với chính quyền Mạc phủ. Chế độ đóng cửa suốt gần
hai thế kỷ đã giúp nước Nhật có được sự ổn định lâu dài, tạo nên nền văn hóa
dân tộc đậm nét và thuần nhất. Mặt khác, Nhật Bản đóng cửa nhưng không
hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài mà vẫn thực hiện giao thương với
Hà Lan. Thông qua Hà Lan, người Nhật vẫn được tiếp xúc với văn minh thế
giới và du nhập rất nhiều sách vở, vũ khí từ phương Tây. Bầu trời kiến thức
mới mẻ này được người Nhật hăng say đón nhận và học hỏi.
Làn sóng du nhập của văn minh phương Tây mở ra nhiều cơ hội học hỏi
cho giới trí thức Nhật Bản, đồng thời người Nhật cũng ý thức được mối đe
dọa từ sự chênh lệch văn minh ấy. Nhật Bản phải “ở trong tình thế tất cả mọi
thứ đều phải xử lý trên cơ sở tính toán hơn thiệt với phương Tây” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.82). Sự du nhập văn minh phương Tây này là điều không
thể tránh khỏi. Trong điều kiện lịch sử-xã hội đó, đúng như Fukuzawa
Yukichi nhận xét: “Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió
của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ
cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này” (Fukuzawa Yukichi, 1885).
27

Mạc phủ Tokugawa tuy không cởi mở với người nước ngoài nhưng cũng
không bài trừ tri thức phương Tây. Chính quyền ý thức được tầm quan trọng
của những tri thức mới và tích cực tìm hiểu, phổ biến chúng. Từ cuối thế kỷ
XVIII, các ngành khoa học hiện đại đã được Mạc phủ chủ trương đưa vào
giảng dạy, đồng thời còn muốn nắm quyền kiểm soát việc đào tạo các môn
học này tại trường. Trường học dưới thời của Tokugawa cũng rất đa dạng về
hình thức tổ chức, mục đích đào tạo và nội dung môn học, có cả trường công
do Mạc phủ hoặc lãnh địa thành lập và điều hành lẫn trường do tư nhân xây
dựng. Tuy Mạc phủ Tokugawa xác định Nho giáo là hệ tư tưởng chính thức
nhưng Nho giáo không phải là nội dung độc tôn trong hệ thống giáo dục.
Người học được quyền tự do lựa chọn theo học ở trường Quốc học
(Kokugaku), Khai quốc học (Kaikoku) hay Hà Lan học (Rangaku)… Hoạt
động tư tưởng học thuật khá sôi động vào thời kỳ này. Tinh thần học tập của
người dân Nhật Bản cũng được ghi nhận là một bầu không khí tích cực:
“Nhật Bản cuối thời kỳ Tokugaoa là một thế giới đầy những sách. Việc
xuất bản sách đã tạo được việc làm cho hàng nghìn người ở các nhà xuất
bản giáo dục chính thức và các nhà xuất bản tư nhân tự do bán các mặt
hàng này cho công chúng… Chúng được không chỉ các samurai, mà còn,
thậm chí chủ yếu gồm những thành viên của các giai cấp khác mua hoặc
thuê đọc rất nhiều từ những người bán sách rong.” (P. R. Dore, 1963)
Dù Nho giáo luôn được Mạc phủ đề cao và dùng như công cụ duy trì trật
tự xã hội nhưng giới học giả thời ấy không hoàn toàn bám vào các lý thuyết
của Nho giáo. Một bộ phận học giả tích cực tìm kiếm trong kho tàng dân tộc
những giá trị cho bài toán ổn định đất nước và giải thích các vấn đề của thời
đại. Tại đây, học thuyết “Kokutai” (Quốc thể) nói về nguồn gốc và tính chất
thần thánh của dân tộc Nhật Bản đã được phái Quốc học hệ thống và truyền
bá rộng khắp nước Nhật. Song song đó, phái Hà Lan học (Rangaku) cũng thu
hút nhiều võ sĩ trẻ tuổi theo học. Nội dung tại trường Hà Lan học là những
28

kiến thức y học, quân sự, kỹ thuật chế tạo… của phương Tây giảng dạy thông
qua sách vở Hà Lan. Hoạt động dịch thuật giai đoạn này cũng khá sôi động,
trong đó chủ yếu là các môn sinh tự sao chép và dịch sách để phục vụ cho nhu
cầu học tập. Lượng học viên theo học tại các trường này tuy không nhiều nếu
so với các học phái truyền thống, thế nhưng họ rất siêng năng, nhạy bén, có
khả năng tiếp thu tốt và giỏi ứng dụng vào đời sống. Hiểu biết mà ngành Hà
Lan học mang lại tạo nền tảng cho một bộ phận trí thức Nhật Bản nhìn thấy
và phản biện lại các bất cập, cổ hủ trong lối suy nghĩ truyền thống của người
Nhật. Nhà nghiên cứu Manson và Caiger nhận định rằng “Rangaku đã khuyến
khích người Nhật tiếp thu tư tưởng, khoa học kỹ thuật phương Tây để qua đó
tăng cường sức mạnh đất nước đồng thời đả phá những quan niệm tư duy thủ
cựu” (R. H. P. Manson & J. G. Caiger, 2003, tr.70). Sự phát triển đa dạng các
khuynh hướng tư tưởng tại thời phong kiến Edo “không chỉ làm phong phú
thêm kho tàng tri thức của Nhật Bản mà còn tạo thêm những điều kiện khách
quan cho việc đi sâu tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn ở mỗi học phái”
(Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515). Về bối cảnh học thuật sôi động này, học giả
Nguyễn Văn Kim khẳng định:
“Đây chính là điều kiện tiên quyết để khuynh hướng phát triển tư tưởng
độc tôn dân tộc có thể phá vỡ thế độc tôn của tư tưởng Nho giáo, sẵn
sàng tiếp nhận những quan điểm và mô thức chính trị mới, tự định thành
một con đường phát triển khác biệt so với truyền thống và khuôn mẫu
Trung Hoa.” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515)
Những kết quả trong việc đảm bảo trật tự đất nước của chính sách tỏa
quốc của Mạc phủ Tokugawa “đã tách Nhật Bản khỏi phần còn lại của thế
giới và đã giữ được “điều phi thường” chính trị này trong gần hai thế kỷ”
(Arnold Toynbee, 2002, tr.256). Tuy nhiên, dù tạo ra được một sự ổn định phi
thường như thế nhưng chính quyền này vẫn không thể thoát ra khỏi dòng chảy
của thời đại.
29

Giữa làn sóng lan rộng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nước Nga
nhiều lần tìm cách mở các tuyến buôn bán, xây dựng quan hệ thương mại với
Nhật Bản nhưng bị từ chối do lúc bấy giờ chính quyền Edo đang thực hiện
nghiêm ngặt chính sách “tỏa quốc”. Năm 1792, Nga hoàng ra lệnh cho
Laxman đưa tàu thâm nhập cảng Matsumae thuộc phía nam của Hokkaido.
Tuy nhiên, chiếc tàu này đã gặp phải kháng cự từ các lãnh chúa địa phương
và buộc phải rời lãnh hải Nhật Bản. Sau đó, Nga tiếp tục xây dựng các tuyến
đường buôn bán nhưng vẫn lại gặp nhiều trở ngại. Qua những nỗ lực thương
thuyết thất bại, phía Nga bắt đầu xem xét đến biện pháp bạo lực nhằm buộc
Nhật Bản phải mở cửa. Năm 1853, Nga hoàng lệnh cho Chuẩn Đô đốc
Evfimii Putiatin đến đề nghị thiết lập quan hệ thương mại và đồng thời thỏa
thuận về vấn đề biên giới với Nhật Bản. Những nỗ lực của Nga rốt cuộc vẫn
không thể thay đổi chính sách tỏa quốc lúc bấy giờ, nhưng sự xuất hiện của
tàu đánh cá và tàu chiến Nga đã dấy lên mối lo ngại cho chính quyền Edo.
Triều đình Mạc phủ đến thời điểm này đã phải ý thức về tính nhạy cảm trong
an ninh và chủ quyền tại vùng biên giới phía bắc.
Nhật Bản nằm trên tuyến đường biển kết nối phương Tây với phương
Đông, thế nên việc nước Nhật đóng cửa gây trở ngại rất lớn đến hoạt động
ngoại thương của giới tư bản phương Tây. Nước Anh giai đoạn này đã vươn
mạnh đến vùng biển phía Đông, trở thành lực lượng thương nhân chủ yếu tại
đây, vượt qua cả những quốc gia tư bản có truyền thống giao thương lâu đời
trong khu vực như Bồ Đào Nha và Hà Lan. Cùng với sức ép từ Nga, các tàu
buôn, tàu chiến của Anh xuất hiện tại vùng biển Nhật Bản ngày càng thường
xuyên. Đầu thế kỷ XIX, tàu thuyền Anh nhiều lần xin được vào tránh bão và
tiếp nhiên liệu tại các cảng của Nhật nhưng hầu hết đều bị từ chối. Lúc bấy
giờ nước Anh vừa giành phần thắng tại chiến chiến tranh nha phiến và buộc
Trung Quốc ký các điều khoản bất bình đẳng trong Điều ước Nam Kinh. Theo
đà này, Anh vạch ra kế hoạch đặt Nhật Bản làm mục tiêu tiếp theo, dùng sức
30

mạnh hải quân buộc Nhật phải ký các điều ước bất bình đẳng tương tự và trao
cho nước Anh các đặc quyền kinh tế chính trị. Tuy vậy Anh vẫn chưa ép buộc
được Nhật Bản mở cửa, trong khi đó Mạc phủ Tokugawa lại ngày càng đề
phòng và ra các chính sách củng cố quốc phòng ven biển.
Hà Lan vốn là quốc gia phương Tây duy nhất sở hữu đặc quyền buôn
bán tại Nhật Bản. Với truyền thống bang giao thân thiện giữa hai nước, Hà
Lan không thể làm ngơ trước chính sách đối ngoại đã không còn tương xứng
với chuyển biến chính trị xung quanh của Mạc phủ. Năm 1844, chính phủ Hà
Lan phái người trình thư lên Mạc phủ nhằm cảnh báo nước Nhật về nguy cơ
chiến tranh từ bài học của Trung Quốc, đề nghị Nhật Bản nên mở cửa để
tránh khỏi kết cục bi thảm tương tự. Trong bức thư có đoạn:
“Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh với Anh, họ đã huy động
tất cả các nguồn lực đất nước cho cuộc chiến tranh này, nhưng cuối cùng
đã phải gánh chịu thất bại trước ưu thế quân sự của châu Âu. Trung Quốc
buộc phải thay đổi nhiều nguyên tắc, chấp thuận mở cửa 5 cảng để cho
người Âu vào buôn bán.” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17)
Đồng thời, nội dung bức thư đó cũng chỉ ra rằng: “Nếu như chúng ta
xem xét khuynh hướng chung hiện nay thì sẽ thấy, quan hệ giữa các quốc gia
đang được mở rộng, việc phát minh ra tàu hơi nước khiến cho khoảng cách
giữa các nước rút ngắn lại”. Vì vậy, “trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến
hành mở rộng giao lưu quốc tế đó thì chỉ có thể tạo nên sự thù địch mà thôi và
nếu như cứ tiếp tục duy trì các định kiến lỗi thời chắc chắn sẽ đẩy đất nước
đến thảm họa” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17). Lời cảnh báo từ bức thư
khiến Mạc phủ phải cân nhắc, thế nhưng vẫn không thay đổi được chính sách
xuyên suốt của triều đình Edo. Chế độ tỏa quốc vẫn được tiếp tục nhằm đảm
bảo mục tiêu ổn định trật tự trong nước.
Mạc phủ Tokugawa chỉ đi đến quyết định mở cửa khi xuất hiện bàn tay
của nước Mỹ. Vào thế kỷ XIX, Mỹ thường xuyên có mặt tại vùng biển Nhật
31

Bản do nguồn lợi khổng lồ từ việc săn bắt cá voi tại đây. Cũng như Anh, hoạt
động khai thác kinh tế ngoài khơi cũng làm tàu thuyền Mỹ nảy sinh nhu cầu
cập cảng để lánh nạn, tiếp nhiên liệu, sửa chữa tàu… Trước đó Mỹ đã nhiều lần
cố gắng đưa tàu đến trình thư yêu cầu được thông thương với Nhật Bản nhưng
chưa đạt được kết quả. Từ giữa thế kỷ XIX, sức ép ngày một tăng của nhiều
nước phương Tây làm cho Mạc phủ dần nới lỏng các chính sách cấm người
nước ngoài. Năm 1842, chính quyền đã cho phép tàu thuyền nước ngoài được
cập bến tại Nhật Bản để tiếp thực phẩm, nước ngọt và nhiên liệu. Sự chống đối
của các lãnh chúa đối với người nước ngoài cũng không còn gay gắt như trước.
Cột mốc làm thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản chính là vào năm
1853, Đề đốc Matthew Calbraith Perry (1794-1858) đưa bốn chiến hạm hơi
nước khổng lồ đến trước vịnh Uraga và đặt kinh thành Edo vào tầm ngắm của
nòng pháo. Toàn thể nước Nhật đến lúc này đã ý thức rõ ràng về sự chênh lệch
sức mạnh và nguy cơ chiến tranh cận kề. Khi nội bộ chính quyền Edo vẫn tranh
luận sôi nổi về việc có nên chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện tại của đất nước
hay không, thì đến tháng 1 năm 1854, Đề đốc Perry lại tiếp tục đưa 9 tàu chiến
cùng với 1.800 quân lính trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đến trước cửa ngõ
Uraga của kinh thành Edo. Không còn cách nào khác, Nhật Bản đành phải ký
với Mỹ Hiệp ước hòa bình và hữu nghị hay còn gọi là Hiệp ước Kanagawa.
Theo đó, Nhật chấp nhận mở cửa đất nước để giao lưu thương mại, thiết lập
quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng ý hỗ trợ Mỹ trong việc cứu trợ và tiếp tế cho
các tàu thuyền Mỹ. Hiệp ước này chính thức chấm dứt 215 năm đóng cửa của
Nhật Bản và mở ra một chương mới cho lịch sử Nhật Bản. Đây là cột mốc
quan trọng dẫn đến hàng loạt những biến đổi cho xã hội Nhật Bản. Quyết định
nhân nhượng trước người nước ngoài của chính quyền Mạc phủ sau đó đã “đẩy
đời sống chính trị, xã hội ở Nhật Bản đến một thực trạng vô cùng phức tạp. Các
khuynh hướng chính trị phân hóa rõ rệt và vận động với tốc độ hết sức nhanh
chóng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mạc phủ” (Nguyễn Văn Kim, 2001).
32

Những điều ước bất bình đẳng mà chính quyền Edo phải chấp nhận với
phương Tây khiến giới võ sĩ cảm thấy Mạc phủ Tokugawa là một triều đình
nhu nhược và bảo thủ. Với mối quan tâm thời cuộc và tinh thần chiến đấu
trong truyền thống võ binh, các võ sĩ đã trở thành lực lượng phản đối mạnh
mẽ đường lối cai trị của chính quyền:
“Sự tồn vong của dân tộc trước hiểm họa phương Tây đã thôi thúc toàn
thể các đẳng cấp xã hội tham gia vào cuộc Cải cách Minh Trị nhằm lật
đổ chế độ Mạc phủ, thiết lập nên một nhà nước tư sản đầu tiên ở châu Á.
Và một bộ phận trong đẳng cấp võ sĩ, những con người sớm nhận ra quy
luật vận động của lịch sử, có học thức, giàu lý trí “với tinh thần hiệp sĩ
Nhật Bản” đã trở thành lực lượng đóng vai trò quyết định.” (Nguyễn
Văn Kim, 2003, tr.388)
Kết quả là phong trào Vương chính phục cổ với khẩu hiệu “tôn Vương
đảo Mạc” diễn ra. Sức ép từ nước ngoài cộng với làn sóng bất mãn trong
nước đã dồn chính quyền Tokugawa mắc kẹt vào hai sức ép đối địch. Kết
quả là người đứng đầu Mạc phủ lúc bấy giờ – Tokugawa Yoshinobu – đã
tuyên bố thoái vị, kết thúc triều đại của gia tộc mình và trao quyền lực lại
cho Thiên hoàng (Nguyễn Văn Hoàn & Lê Tùng Lâm, 2014, tr.61). Thiên
hoàng Minh Trị được giới võ sĩ cấp tiến suy tôn để lập nên một triều đại
mới, một triều đại mang sứ mệnh hiện đại hóa Nhật Bản, củng cố an ninh
quốc phòng nhằm bảo vệ độc lập dân tộc trước mối đe dọa phương Tây. Sự
thành lập chính quyền kiểu mới này là một trong những bước ngoặt then
chốt giúp Nhật Bản thoát khỏi số phận thuộc địa, khác với tại Việt Nam
“suốt từ 1859 đến 1882, hơn hai mươi năm, bao nhiêu kế sách “đổi mới” để
tự cường, cứu nước, đều bị triều đình bỏ xó hết” (Trần Văn Giàu, 2019,
tr.363). Chính quyền Minh Trị đã đưa toàn bộ đời sống xã hội của Nhật
Bản rẽ sang một chương mới, ở đó Fukuzawa Yukichi phải cảm thán rằng:
“Hôm nay được sống bình an những ngày dài của tuổi thọ chính là thứ
33

được rất lớn trong luật pháp của chính phủ Meiji 1 , mà tôi rất lấy làm
mừng” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.501).
Cách mạng Minh Trị của Nhật Bản đặc biệt ở chỗ tuy gọi là “Vương
chính phục cổ”, tức phục hồi suy tôn dòng dõi hoàng tộc đã bị mờ nhạt suốt
hàng trăm năm, nhưng dòng dõi hoàng tộc ấy không phải là mục đích chính
của cuộc cách mạng. Thay vào đó, phong trào này xuất phát từ nguyện vọng
của người dân, hay đúng hơn là của bộ phận võ sĩ cấp tiến trẻ tuổi thời bấy
giờ, với mong muốn lật đổ một triều đại bạc nhược trong đối ngoại để thay
thế bằng một chính quyền dám thực hiện những cải tổ toàn diện. Như
Fukuzawa Yukichi nhận xét:
“Vương Chính Phục Cổ hay Minh Trị Duy Tân, thảy đều không phải bắt
nguồn từ việc nhân dân oán thán Mạc phủ mà chuyển sang tôn trọng
ủng hộ hoàng gia. Không phải do quên cái mới và chỉ nghĩ đến cái cũ.
Cũng không phải vì bỗng nhiên nhớ lại đại nghĩa chính danh vốn đã bị
quên bẵng mấy trăm năm. Chẳng qua đây là kết quả do lòng dân trong
xã hội này muốn cải cách nền chính trị của Mạc phủ đương thời mà
thôi.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.382)
Do là cuộc cách mạng xuất phát từ nguyện vọng của quần chúng và lãnh
đạo bởi tầng lớp võ sĩ cấp thấp – những trí thức không có tiếng nói trong chế
độ phong kiến Mạc phủ – nên Duy tân Minh Trị nỗ lực thực hiện mục tiêu
xóa bỏ chế độ đẳng cấp, đặt người dân vào vị trí bình đẳng, tạo điều kiện cho
mỗi người được sống theo lựa chọn của mình. Theo đó, chính quyền mới đã
“tạo cơ sở bình đẳng về địa vị giữa các thành phần Võ sĩ (samurai), Nông,
Công, Thương trong xã hội. Chế độ đẳng cấp – địa vị của một người được
quy định trước cả khi người đó ra đời – đã hoàn toàn bị xóa bỏ” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.30). Gia tộc xuất thân không còn là cơ sở quy định cho công

1
Meiji: Minh Trị
34

danh sự nghiệp, thay vào đó, mỗi người đều có thể tiến thân bằng tài năng và
ý nguyện của mình:
“Mọi người có thể bày tỏ ý kiến với cấp trên, và người ta có thể đề bạt lên
vị trí nhờ vào tài năng; đó cũng là thời để người từng giữ chức Thượng
thư lương năm nghìn thạch gạo lúc trước có thể trở thành binh sĩ, hay một
lính quèn khi xưa nay có thể trở thành Tỉnh trưởng vậy. Thương nhân
giàu có sở hữu cửa hiệu buôn bán cha truyền con nối nhiều đời thì đến
đời này cũng tán gia bại sản, hay kẻ đánh bạc không xu dính túi lại có khi
trở thành doanh nhân phục vụ hoàng triều. Chùa thì thành đền thờ, sư sãi
thì thành Thần quan. Bây giờ là thời đại mà giàu sang, danh vọng hay
hạnh phúc, thảy đều tùy theo sự cố gắng thì tất thảy đều là thứ có thể thực
hiện được.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.376)
Xóa bỏ trật tự cũ và phân phối lại quyền lực là một mục tiêu quan trọng
dành cho cuộc Duy tân Minh Trị. Giới trí thức cấp tiến Nhật Bản đã nhận ra
nguồn gốc gây ra tình trạng bất mãn nằm ở sự thiếu năng lực của giới cầm
quyền và sự phân bố quyền lực không hợp lý. Có thể nói sự ra đời của chính
phủ kiểu mới theo hướng hiện đại là kết quả từ yêu cầu thời đại, là lời giải mà
giới trí thức Nhật Bản lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn sâu sắc lúc bấy giờ:
“Tất cả những sự kiện trong những năm đầy biến động này đã tạo ra
một tình huống mà quyền lực và chủ quyền truyền thống bị suy yếu và
phải được phân phối lại theo phương cách sao cho đáp ứng được những
kỳ vọng nảy sinh. Trong đó có con đường hiện đại hóa Nhật Bản nhằm
đối phó với các yêu cầu dai dẳng của phương Tây, đồng thời duy trì sự
ổn định đã là một biểu tượng của chế độ Tokugawa”. (J. E. Thomas,
1996, tr.45-46)
Bên cạnh đó, thành công của chính quyền Minh Trị còn là việc sắp xếp
lại trật tự xã hội, tránh được tình trạng bất mãn gay gắt khi đẳng cấp nắm
nhiều đặc quyền trở nên bình đẳng với các tầng lớp khác trong xã hội. Trong
35

xã hội mới, giới quý tộc và võ sĩ trở thành những công chức, sĩ quan quan
trong trong bộ máy chính quyền quan liêu. Đồng thời, các võ sĩ samurai cũng
hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực kinh tế, “khi đất nước chuyển sang mô
hình hiện đại, các samurai vẫn được giao những vị trí quan trọng liên quan
đến sự phát triển chung của đất nước” (Đỗ Lộc Diệp, 2002, tr.173). Peter
Duus đã nhận xét về ý nghĩa của sự ra đời của chính quyền mới đối với tầng
lớp võ sĩ rằng “mặc dù cuộc Duy tân cướp đi vị trí đặc biệt của họ trong xã
hội nhưng đồng thời cũng đã giải phóng họ” (Peter Duus, 1993, tr.98).
Là một trí thức tài năng nhạy bén, sở hữu hiểu biết hiếm có thời bấy giờ
về các nước phương Tây, thế nhưng Fukuzawa Yukichi luôn giữ lập trường
không làm việc cho chính phủ hay tham gia vào các công việc chính trị dù
nhiều lần chính phủ có lời mời. Đó là bởi vì khi chứng kiến sự bảo thủ của
triều đình Mạc phủ Tokugawa, ông cho rằng “họ 2 hoàn toàn là những người
theo cổ phong, không hề nghĩ đến việc mở mang đất nước hay chủ nghĩa tự
do” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.278). Tuy không thích Mạc phủ nhưng
Fukuzawa cũng không có thái độ ủng hộ phe làm cách mạng. Ông cho rằng:
“Nhìn ra bên ngoài bây giờ có thể gây bạo loạn lật đổ Mạc phủ là
Samurai thất nghiệp ở những lãnh địa chủ trương bài trừ nước ngoài
như Choshu hoặc Satsuma. Nhưng nếu những người này giải phóng cho
thiên hạ, chắc họ sẽ lại sơn bóng thêm cho chế độ bài trừ nước ngoài mà
thôi. Thà cứ để nguyên Mạc phủ bây giờ còn hơn.” (Fukuzawa Yukichi,
2019, tr.283)
Nhìn chung, Fukuzawa Yukichi không tin tưởng vào bộ phận làm chính
trị. Ông cho rằng dù là tầng lớp nào lên nắm chính quyền cũng đều vì một
mục đích mang tính nhóm nào đó. Thế nhưng sự tích cực đổi mới của chính
quyền Minh Trị mở ra cho Fukuzawa Yukichi một hướng suy nghĩ lạc quan.
Những đổi thay toàn diện mà chính phủ Minh Trị thực hiện khiến Fukuzawa

2
Ý nói Mạc phủ
36

nhận thấy tính chất của triều đại mới này hoàn toàn khác. Sự thay đổi này
khiến ông từ dửng dưng sang dần có thiện cảm với triều đại mới này. Từ đó,
dù vẫn kiên quyết không gia nhập chính trường nhưng ông cũng góp sức bằng
cách “bắt bệnh cho chính trị”. Với Fukuzawa, “chính sự tiến bộ nhanh chóng
của xã hội làm tôi vui mừng phấn khởi. Đó thực là điều kỳ diệu. Ước vọng
lớn lao của tôi cũng đã được thực hiện, nên tôi không còn ca thán về những
điều bất bình nữa” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.480). Có thể nói, chính quyền
Minh Trị được thành lập chính là sự kiện mở ra hướng tích cực và lạc quan
trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi.
Điều kiện xã hội:
Nhật Bản thời kỳ Tokugawa là một xã hội đẳng cấp sâu sắc đặc trưng
bởi chế độ tứ dân phân chia chặt chẽ các thành phần dân chúng. “Đất nước
được chia thành gần 300 lãnh địa, do các lãnh chúa cai trị. Các lãnh chúa này
có quyền lực tối cao trong phạm vi cai trị của mình nhưng phải chịu sự lãnh
đạo của chính quyền trung ương” (Nguyễn Ngọc Thanh, 2013, tr.129). Theo
đó, hoàng tộc và giới lãnh chúa thuộc giai cấp quý tộc thống trị, còn lại là
thành phần bình dân. Giới bình dân lại được phân loại thành bốn đẳng cấp
riêng biệt dựa trên nghề nghiệp là sĩ (võ sĩ hay còn gọi là samurai), nông
(nông dân), công (thợ thủ công) và thương (thương nhân). Các đẳng cấp này
được sắp xếp theo thứ bậc từ cao xuống thấp. Tầng lớp sĩ đứng đầu bởi vì đây
là lực lượng bảo vệ cho sự an toàn của giới thống trị, là người phục tùng tuyệt
đối mệnh lệnh của lãnh chúa và được nhận bổng lộc từ chính quyền. Xếp thứ
hai là tầng lớp nông, được coi trọng hơn hai tầng lớp phía dưới bởi đây là lực
lượng sản xuất ra lương thực để nuôi sống giai cấp quý tộc và các tầng lớp
còn lại. Kế đó là tầng lớp công của các thợ thủ công và ở thời đại này đa số là
tiểu thủ công nghiệp. Cuối cùng là tầng lớp thương bao gồm các thương nhân,
những người thực hiện hoạt động mua bán. “Sự phân chia này dựa vào một
thứ lí luận cho rằng, võ sĩ là đẳng cấp cao nhất vì họ là những người cầm
37

quyền, chịu đựng những gánh nặng quốc gia, họ đem lại những điều tốt đẹp
nhất cho đất nước” (Nguyễn Gia Phu, 2007, tr.329). Giới thương nhân trong
truyền thống Nho giáo vẫn thường bị xem là tầng lớp thấp kém bởi không
trực tiếp làm ra sản phẩm mà chỉ kiếm lời dựa trên việc mua rẻ bán đắt. Quan
điểm này tại Nhật Bản phong kiến cũng không ngoại lệ. Cách phân chia thành
phần dân chúng theo nghề nghiệp như thế này khá phổ biến ở các quốc gia
phong kiến, thế nhưng ở Nhật Bản, đây không chỉ là cách phân chia của quan
niệm xã hội mà còn được quy định chặt chẽ trong luật pháp. Người dân sinh
ra trong gia đình đẳng cấp nào thì sẽ tiếp tục thuộc đẳng cấp đó, phải làm
những công việc, tuân theo những lễ nghi của đẳng cấp đó. Cách quản lý của
nhà nước về mặt kinh tế và hành chính đối với mỗi đẳng cấp này cũng vô
cùng khác nhau. Kéo theo đó, thái độ và cách cư xử của người dân nói chung
đối với người thuộc từng đẳng cấp cũng có sự phân biệt. Ngoài ra, tiếng Nhật
còn có hệ thống đại từ và cách thức xưng hô riêng biệt đối với từng đẳng cấp.
Là đẳng cấp cao nhất trong hệ thống tứ dân, giới võ sĩ samurai cũng có
thể được xem như thành phần quý tộc trong xã hội Nhật Bản. Công việc của
họ là phục tùng mệnh lệnh của lãnh chúa, không cần tham gia các hoạt động
sản xuất và được nhận bổng lộc từ chính quyền. Vì đại diện cho giai cấp
thống trị, võ sĩ có nhiều đặc quyền hơn hẳn các thành phần còn lại. Họ có
trang phục riêng biệt, được phép đeo hai thanh gươm trên người để tự vệ và
thể hiện đẳng cấp, có quyền chém người trên đường phố mà không bị xét xử.
Nhưng mặt khác, giới võ sĩ phải tuân theo những hệ thống nguyên tắc và đạo
lý nghiêm ngặt. Hệ thống nguyên tắc này thường được biết đến với tên gọi võ
sĩ đạo, tức con đường của người võ sĩ, là điểm khác biệt quan trọng của tầng
lớp võ sĩ samurai Nhật Bản với các thành phần quân đội ở các quốc gia khác
(chẳng hạn hiệp sĩ của phương Tây). Sự tuân thủ đạo đức nghiêm ngặt đã đưa
giới võ sĩ trở thành tầng lớp tinh hoa của Nhật Bản thời phong kiến với sự kết
hợp hài hòa giữa văn và võ. Vì ý nghĩa đặc biệt như vậy, văn hóa samurai đã
38

ảnh hưởng to lớn đến phần còn lại của xã hội Nhật Bản. Sự coi trọng gia
phong và đức tính trung thành của võ sĩ đạo không chỉ giới hạn trong mối
quan hệ của võ sĩ đối với lãnh chúa mà còn ảnh hưởng đến lối sống của các
thành phần dân chúng khác, từ dân thành thị đến vùng nông thôn, từ đẳng cấp
cao cho đến tầng lớp thấp. Đó là quan hệ cha-con, thầy-trò, chủ-tớ với quan
niệm về sự ràng buộc và trung thành không khác gì mối quan hệ vua-tôi. Theo
Fukuzawa Yukichi,
“…tập tục này được gọi là “nghĩa quân-thần”, hay “truyền thống tổ
tiên”, hay “danh phận trên-dưới”, hoặc “phân biệt gốc-ngọn”, và dù là
tên gì đi nữa, thì từ khi nước Nhật hình thành cho đến ngày nay, thì nó
đã kiểm soát mọi mặt xã hội. Những thành tựu mà nền văn minh Nhật
Bản đạt được như bây giờ chính là nhờ dựa và sức mạnh của những tập
quán đạo lý này.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.374)
Tuy nhiên, dù là đẳng cấp cao nhất trong thứ bậc dân chúng nhưng
không phải võ sĩ nào cũng có đời sống sung túc và trang nhã như một quý tộc.
Trong nội bộ giới võ sĩ còn được phân thành nhiều tầng lớp với chế độ bổng
lộc và phép tắc vô cùng chênh lệch.
“Mặc dù được gọi chung là “võ sĩ”, nhưng sự phân tầng trong cộng
đồng võ sĩ rất sâu sắc cả về địa vị kinh tế, ảnh hưởng chính trị, cơ hội
học tập, thăng tiến và sự kính trọng của họ trong xã hội. Theo nguyên
tắc truyền thống được hình thành trong tiến trình lịch sử đặc biệt là từ
thế kỷ XIII khi Mạc phủ Kamakura được thiết lập, các võ sĩ lớp dưới
phải tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của võ sĩ cấp trên. Theo đó, trong
sinh hoạt xã hội, con cái họ cũng phải nói một thứ ngôn ngữ khiêm
nhường, thấp kém hơn con em các gia đình samurai có thế lực. Loại võ
sĩ đẳng cấp cao, tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng lại thâu tóm nhiều
quyền hành và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hoạch định,
thực thi các chính sách của lãnh chúa ở các công quốc. Họ sống trong
39

các ngôi nhà lớn, sang trọng, gần với dinh thự của daimyo.” (Nguyễn
Văn Kim, 2003, tr.379)
Ngược lại, tầng lớp võ sĩ cấp thấp tuy vẫn thuộc về đẳng cấp võ binh
thống trị nhưng thực tế chỉ là người phục tùng cho những võ sĩ cấp trên và
không tham gia nhiều vào công việc chính trị hay võ binh. Họ chủ yếu làm
những công việc vặt như thư ký, bưu tá…, do vậy bổng lộc họ nhận được
cũng rất thấp so với những võ sĩ cấp cao. Ngoài ra, chênh lệch bổng lộc
không chỉ xuất hiện giữa tầng lớp võ sĩ cấp cao và võ sĩ cấp thấp mà ngay
trong hàng ngũ võ sĩ cấp cao cũng có sự khác biệt lớn:
“Bộ phận thấp nhất trong giới võ sĩ cấp cao – koshokumi và bác sĩ –
cũng vậy, cũng có một số ít người nhận được bổng lộc bằng mười khẩu
phần 3 trở lên. Bổng lộc tính chung thì là một trăm, hai trăm hoặc hai
trăm rưỡi thạch một người, nhưng so với những người dư được hai mươi
hai, hai mươi ba thạch gạo thì phần đông là dư được năm mươi, sáu
mươi thạch. [...] Đối lập với điều này, ở giới võ sĩ cấp thấp có những
người nhận được hai mươi thạch rưỡi, mười sáu thạch rưỡi, thậm chí
còn có người có người chỉ nhận bổng lộc bằng tiền. Từ mức trung bình
trở lên, lượng bổng lộc dư ra không quá mười, tám hoặc mười thạch.
Đặc biệt với những người đã lập gia đình, nếu có từ ba đến năm người
con hoặc phải nuôi dưỡng cha mẹ già, thu nhập này không đủ để lo cơm
ăn áo mặc.” (Fukuzawa Yukichi, 1877)
Không chỉ về bổng lộc, giữa các tầng lớp võ sĩ còn có sự phân biệt trong
cách xưng hô, hành lễ. Chẳng hạn như “đối với võ sĩ cấp cao, thông thường
ashigara4 phải quỳ xuống. Nếu giữa trời mưa gặp phải một võ sĩ cấp cao trên
đường, ashigara bắt buộc phải tháo guốc và cúi lạy bên vệ đường” (Fukuzawa
Yukichi, 1877) hay “nếu một võ sĩ cấp thấp đến nhà một võ sĩ cấp cao, người

3
Chính phủ thời Edo quy định khẩu phần một ngày của nam giới là 5 hợp gạo, nữ giới là 4 hợp gạo. Trong
đó, 1 hợp (合) ≒ 150g. 1 khẩu phần ≒ 1,8 thạch/năm đối với năm và 1 thạch đối với nữ.
4
Một vị trí thuộc tầng lớp võ sĩ cấp thấp
40

võ sĩ cấp thấp bắt buộc phải chào hỏi từ gian phòng bên cạnh rồi sau đó mới
vào gian phòng có mặt người võ sĩ cấp cao” (Fukuzawa Yukichi, 1877). Sự
phân biệt đẳng cấp của giới võ sĩ không chỉ nằm ở những quy tắc hành xử hay
luật lệ, mà nó đã in sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân. Những võ sĩ thuộc tầng
lớp thấp dù ý thức được sự thiệt thòi trong cấp bậc của mình nhưng cũng phải
gạt phăng ý niệm về việc được bước vào đẳng cấp cao hơn. Đó là bởi vì
“Những người có xuất thân từ gia đình võ sĩ cấp thấp dù có công trạng
hay tài năng đến đâu đi nữa cũng không bao giờ được thăng lên cấp bậc
cao hơn. Tuy cũng có một số hiếm trường hợp bước vào tầng lớp
koshokumi bằng cách làm những công việc như thư ký, nhưng trong
khoảng thời gian hai trăm năm mươi năm chính quyền này cai trị, con số
này không vượt quá ba đến năm người.” (Fukuzawa Yukichi, 1877)
Trật tự xã hội như thế này được Fukuzawa Yukichi ví như “chiếc hộp bị
chèn cứng đồ, hàng trăm năm cũng cứ y nguyên như thế, không hề nhúc
nhích” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.32).
Bảy thế kỷ cai trị bằng luật lệ hà khắc và khép mình với thế giới bên
ngoài của Mạc phủ Tokugawa tuy khiến một bộ phận trí thức cảm thấy bất
mãn, nhưng mặt khác thời đại Tokugawa lại xây dựng được nền tảng quan
trọng cho một Nhật Bản hiện đại hóa rực rỡ tiếp sau đó. Chính quyền
Tokugawa và giới trí thức Nhật Bản đã phải chứng kiến bi kịch đánh mất chủ
quyền của Trung Quốc, thế nhưng những nền tảng mà thời kỳ Tokugawa xây
dựng suốt hàng trăm năm đã góp phần không nhỏ để Nhật Bản tạo cho mình
một số phận hoàn toàn khác. Conrad Schirokauer nhận xét rằng:
“Khác biệt của Nhật Bản so với Trung Quốc không chỉ nằm ở phản ứng
nhanh chóng của Nhật Bản với phương Tây mà còn ở những biến đổi
sâu sắc trong xã hội Nhật Bản; một thách thức ngoại bang nhẹ nhàng
hơn đã gây ra một phản ứng trong nước mạnh mẽ hơn. Điều này xảy ra
không phải chỉ vì Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc và cởi mở hơn về mặt
41

lịch sử với ảnh hưởng của nước ngoài, mà bởi vì động lực bên trong của
lịch sử Tokugawa đã tạo ra những thành phần thay đổi thiết yếu mặt dù
cần phải có mối đe dọa từ bên ngoài để vực dậy chúng.” (Conrad
Schirokauer, 1982, tr.106)
Nhật Bản thời phong kiến là một nhà nước cát cứ bao gồm nhiều lãnh địa
hợp thành. Mỗi lãnh địa do một lãnh chúa đứng đầu, có quyền chỉ huy, ban
hành luật lệ và toàn quyền quyết định đối với tài sản và người dân trong lãnh
địa của mình. Thiên hoàng là vị “vua” của toàn Nhật Bản. Theo lý thuyết,
Thiên hoàng là người cai trị toàn bộ đất nước, có quyền ra lệnh đối với các lãnh
chúa. Tuy nhiên, có những giai đoạn hoàng tộc của Thiên hoàng bị sụt giảm uy
thế trong khi một gia tộc lãnh chúa nào đó chiếm được sức mạnh áp đảo. Khi
đó, gia tộc lãnh chúa này sẽ nắm quyền nhiếp chính, trở thành “Mạc phủ” và là
nơi tập trung quyền lực thực sự, Thiên hoàng chỉ còn mang danh nghĩa chứ
không tham gia vào các công việc chính trị. Đây chính là hình thức chính trị
“Mạc phủ” đặc trưng trong lịch sử Nhật Bản. Thời kỳ Chiến quốc của Nhật
Bản đánh dấu giai đoạn mất cân bằng quyền lực giữa các lãnh địa. Một số lãnh
địa trở nên hùng mạnh hơn hẳn các lãnh địa khác, thậm chí sở hữu sức mạnh
vượt trên cả gia tộc Mạc phủ cầm quyền, từ đó dẫn đến việc các lãnh chúa
tranh bá để giành lấy ngôi vị Mạc phủ nhiếp chính, đưa cả đất nước chìm trong
chiến tranh liên miên và kiệt quệ về nhiều mặt. Chiến quốc Nhật Bản kết thúc
bằng sự thâu tóm quyền lực về tay gia tộc Tokugawa, mở ra thời đại của Mạc
phủ Tokugawa hay còn gọi là thời kỳ Edo – gọi theo tên kinh đô mới của thời
kỳ này. Với mong muốn ổn định đất nước sau một thời nội chiến triền miên,
gia tộc Tokugawa đã sáng tạo ra chính sách luân phiên trình diện (saikin kotai)
để kiểm soát sức mạnh của các lãnh chúa. Theo đó, hàng năm các lãnh chúa bắt
buộc đến trình diện tại Edo trong sáu tháng, sau đó phải để lại vợ con tại Edo
rồi quay trở về lãnh địa của mình. Những chuyến hành lễ đều đặn đến kinh
thành khiến các lãnh địa tiêu tốn khá nhiều thời gian, sức lực và của cải. Tuy
42

nhiên, chính sách này này lại vô tình biến đổi bộ mặt xã hội Nhật Bản sang một
hướng tích cực: tạo ra một nước Nhật thuần nhất và cho ra đời văn hóa thị dân.
Các cuộc luân phiên trình diện của giới lãnh chúa dẫn đến sự hình thành
nhiều trục đường nối liền các lãnh địa với kinh thành Edo. Dọc bên những
trục đường này là các cơ sở lưu trú, thư giãn, mua bán phục vụ cho nhu cầu
của đoàn tháp tùng lãnh chúa. Hoạt động mua bán tại đây vô cùng tấp nập,
bên cạnh đó còn có cả những hội nhóm thợ thủ công với các sản phẩm mới
mẻ tinh xảo. Những đoàn trình diện qua tuyến đường này đến từ nhiều vùng
gần xa trên khắp Nhật Bản. Sự phồn hoa nhộn nhịp tại đây khiến những người
đến từ phương xa được mở mang tầm mắt, đồng thời họ cũng mang đến vùng
đô hội này những dấu ấn của địa phương mình. Va chạm văn hóa đã chắt lọc
nên những tinh hoa và tạo ra một nền văn hóa thành thị Edo, để rồi sau đó
phong cách Edo này lại theo chân đoàn tháp tùng trình diện lan đến khắp các
địa phương của Nhật Bản. Bên cạnh đó, bức tranh phồn thịnh tại Edo còn
giúp giới thị dân tại đây trở nên giàu có và có nhiều điều kiện cho các hoạt
động như nghệ thuật, học tập… mà trước đây vốn chỉ dành cho giới quý tộc
cầm quyền. Đây là một tiền đề xã hội quan trọng bởi “sự hưng khởi của dòng
văn hóa thị dân và xu thế đại chúng hóa giáo dục ở Nhật Bản cũng góp phần
nâng cao trình độ dân trí và thúc đẩy quá trình thức tỉnh dân tộc” (Nguyễn
Văn Kim, 2003, tr.515). Đồng thời, “việc mở rộng phạm vi giáo dục ra tất cả
các đẳng cấp xã hội đã góp phần đào luyện nên một đội ngũ trí thức đông đảo
mang tư tưởng mới” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515).
Nền văn hóa thành thị mới này còn tạo ra những biến chuyển về chất đối
với các thành phần dân cư trong xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Đó là sự nổi
lên mạnh mẽ của tầng lớp thương nhân, suy thoái sức mạnh ở giới võ sĩ và
lãnh chúa, kèm theo đó là sự chuyển đổi mối quan hệ quyền lực giữa hai bộ
phận này. Trong hệ thống tứ dân thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, võ sĩ là đẳng
cấp đứng đầu và được ban rất nhiều đặc quyền so với các đẳng cấp bình dân
43

khác. Dù xuất thân là tầng lớp võ binh nhưng giới võ sĩ Nhật Bản còn là một
tầng lớp trí thức tinh hoa, và do ảnh hưởng từ truyền thống coi thường thương
nhân của Nho giáo, “thời xưa, một trí thức thuần khiết là người chỉ nhìn thấy
tiền bạc đã thấy đó là điều dơ bẩn” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.27). Thế
nhưng lối sống xa hoa tại thành thị trong những chuyến luân phiên trình diện
đã làm suy thoái tầng lớp quý tộc này. Họ chi tiêu vào các hoạt động giải trí
tại thành thị ngày một nhiều và dần dần số bổng lộc họ nhận được không còn
đủ thỏa mãn nhu cầu cuộc sống. Tốc độ đô thị hóa tại Nhật Bản thời Edo
khiến cho giới thương nhân ngày càng nắm giữ nhiều quyền lực kinh tế, trở
thành “chủ nợ” của giới lãnh chúa và võ sĩ. Nếu như tầng lớp thương nhân
vốn bị xem là thấp nhất trong hệ thống tứ dân phong kiến, thì đến cuối thời kỳ
Edo, thực chất, giới thương nhân mới là lực lượng nắm quyền lực và chi phối
các hoạt động xã hội. Sự tích lũy tài sản vào tay thương nhân và mức sống
ngày càng tăng nơi các đô thị khiến bổng lộc mà các võ sĩ nhận được trở nên
ít ỏi. Một bộ phận đáng kể thuộc tầng lớp võ sĩ đã phải làm thêm các công
việc tiểu thủ công, buôn bán để có thêm thu nhập. “Tuy số lượng các Võ sĩ –
thương nhân thành đạt chỉ chiếm thiểu số trong đội ngũ đông đảo khoảng 2
triệu người thuộc đẳng cấp sĩ lúc đó nhưng sự hiện diện của họ trong các hoạt
động kinh tế, kinh doanh là minh chứng cho những biến đổi lớn của xã hội”
(Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.273). Có thể thấy, đối với giới quý tộc phong kiến
ở giai đoạn này, thương mại không còn là điều dơ bẩn mà đã trở thành một
mối quan tâm lớn. Nhiều người thuộc đẳng cấp võ sĩ còn đạt được những
thành công nhất định trong hoạt động thương mại:
“Trong số những tập đoàn kinh tế lớn đầu tiên thời Tokugawa cũng có
một số người xuất thân từ đẳng cấp samurai. Họ được chính quyền trung
ương và địa phương giao cho quản lý, phụ trách các ngành sản xuất,
buôn bán, thuế quan. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và lợi nhuận,
những công chức hành chính này đã từng bước trở thành thương nhân
44

chuyên nghiệp có lợi ích gắn bó với chế độ Mạc phủ. Họ chính là chỗ
dựa tinh cậy cho chính quyền phong kiến khi cần nguồn tài chính. Ngược
lại, bộ phận thương nhân này luôn được chính quyền nâng đỡ, che chở
về chính trị, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. Sự bảo trợ đó của
nhà nước không chỉ hạn chế trong phạm vi kinh tế đối nội mà còn được
thực hiện cả trong quan hệ bang giao và buôn bán quốc tế.” (Nguyễn
Văn Kim, 2003, tr.273)
Sự biến chuyển giai cấp này khiến cho suy nghĩ của giới trí thức Nhật
Bản trở nên cởi mở hơn, linh hoạt hơn và thực tế hơn. Ngoài ra, biến đổi về
bản chất trong các đẳng cấp dân chúng thời bấy giờ còn cho bộ phận trí thức
cấp tiến – trong đó có Fukuzawa Yukichi – nhận ra rằng chế độ đẳng cấp
phong kiến đã không còn vừa vặn với biến chuyển của xã hội, mọi người dân
Nhật Bản cần phải nhận thức lại về việc phân chia đẳng cấp này, cần tạo ra lối
đi mới giải phóng sức mạnh cho các bộ phận dân chúng.
Tóm lại, thế kỷ XIX là giai đoạn thế giới có sự va chạm gây ra những
chuyển biến xã hội mạnh mẽ. Ở các nước phương Tây, đó là cuộc khủng hoảng
nguyên liệu và thị trường của giới tư bản khiến họ phải tìm đến vùng đất
phương Đông, cùng với đó là sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa
thực dân. Ở phương Đông, trước sự xuất hiện ngày càng ồ ạt của làn sóng
phương Tây, các quốc gia tại đây trở nên bối rối với những vấn đề chưa từng
có trong khi hệ tư tưởng cũ bắt đầu tỏ ra bất lực. Những mâu thuẫn này là tiền
đề để Fukuzawa Yukichi hình thành quan niệm của mình về vấn đề công dân.
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
1.2.1. Tư tưởng Nho giáo đối với sự hình thành tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân không chỉ xuất hiện
từ điều kiện lịch sử-xã hội thế giới và Nhật Bản thế kỷ XIX mà còn được hình
45

thành từ những tiền đề lý luận, trong đó trước hết phải kể đến Nho giáo. Nho
giáo phát huy rất tốt vai trò ổn định xã hội suốt hàng nghìn năm trong chế độ
phong kiến phương Đông và “Nho học thực sự đã là một động lực ổn định và
phát triển xã hội” (Nguyễn Tài Thư, 2005, tr.15). Cũng như nhiều quốc gia Á
Đông khác, Nho giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị và văn
hóa của người dân Nhật Bản. Fukuzawa Yukichi nhận định rằng “nếu không
có Nho giáo thì nước Nhật đã không đạt đến trình độ văn minh như ngày hôm
nay” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.333). Thế nhưng tính duy tâm về vấn đề
con người và chính trị của Nho giáo đã “cản trở sự năng động, sáng tạo trong
hoạt động của con người. Không khơi dậy sự phát triển của con người để cải
tạo và phát triển của xã hội” (Cao Xuân Long & Đinh Thị Kim Lan, 2019,
tr.218). Fukuzawa Yukichi nhận thấy rõ mặt hạn chế này, do vậy ông gay gắt
chống lại sự áp đặt của Nho giáo lên tinh thần tự do của con người. Trong tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi, Nho giáo vừa cung cấp những khái niệm cho
các lập luận, vừa là đối tượng phản biện để từ đó rút ra bản chất của các vấn
đề công dân.
Nho giáo du nhập Nhật Bản một cách chính thức và hệ thống vào
khoảng thế kỷ VI với công lao của Thái tử Shotoku (Thánh Đức Thái tử). Khi
tại vị, Thái tử Shotoku đã ban hành Thập thất điều hiến pháp nhằm xác định
chế độ hành chính cũng như phương pháp cai trị dân chúng cho triều đại
mình. Nho giáo có dấu ấn khá đậm nét trong bản hiến pháp này, trong đó trật
tự xã hội và đức tính trung hiếu được Thái tử Shotoku đặt làm gốc. Ông cho
rằng sự ngỗ nghịch bất kính của con đối với cha, của quan dân đối với vua,
kiện tụng bất hòa trong làng xóm là do không thấu đạt tình lý mà ra. Do vậy,
nếu mọi người biết dùng đạo lý, giữ được những mối quan hệ xã hội có nề
nếp trật tự, trên hòa dưới kính thì mọi việc trong xã hội sẽ đều tốt đẹp. Không
chỉ dừng lại trong bản hiến pháp thế kỷ thứ VI của Thái tử Shotoku, thuyết
tôn ty trật tự trong điều hòa xã hội còn tiếp tục được vận dụng xuyên suốt
46

trong các thời đại về sau của phong kiến Nhật Bản. Vào thời kỳ Chiến quốc
(từ khoảng năm 1467 đến năm 1576), tuy xã hội rơi vào loạn lạc nhưng học
thuyết Nho giáo vẫn thường xuyên được các bậc tướng lĩnh đề cao. Một số
nhà cai trị còn tuyên bố về chủ trương trị nước an dân theo Nho giáo, xem
đức tính trung thành với hoàng gia, hiếu kính với cha mẹ là điều cố kết nhất
trong các mối quan hệ xã hội. Đến triều đại của Mạc phủ Tokugawa, Nho
giáo bước lên vị trí học thuyết chính thức, trở thành vũ khí để bảo đảm cho sự
tập quyền của gia tộc Tokugawa (Thích Thiên Ân, 2018). Với truyền thống
Nho giáo lâu đời và sâu đậm như thế, các khái niệm Nho giáo chi phối khá
nhiều trong lối suy nghĩ của giới học giả Nhật Bản bất kể họ có phải là người
đề cao trường phái tư tưởng này hay không.
Thuyết Thiên mệnh mà Khổng Tử khởi xướng là một trong những tư
tưởng ảnh hưởng xuyên suốt lên xã hội Nhật Bản. Lịch sử Nhật Bản từ thời
cổ đại đã khẳng định quyền lực tuyệt đối và hiển nhiên của dòng dõi Thiên
hoàng – người đứng đầu trên danh nghĩa của quốc gia Nhật Bản. Thuyết
Thiên mệnh giúp củng cố và hợp lý hóa vai trò thống trị của Thiên hoàng.
Theo đó, trong truyền thống của dân tộc Nhật Bản, Thiên hoàng là người nắm
quyền thống trị hiển nhiên, tách biệt với dân chúng do có nguồn gốc thần
thánh. Thiên hoàng có quyền thay đổi luật pháp, phân chia quyền lực trong
nước. Tuy nhiên cũng có những thời kỳ quyền lực Thiên hoàng gần như chỉ
còn là danh nghĩa, còn trên thực tế, quyền lực nằm ở thế lực nhiếp chính gọi
là Mạc phủ với chức vị đứng đầu là Chinh di Đại tướng quân (Shogun). Thế
nhưng dù quyền lực có chuyển đổi thế nào thì các gia tộc Mạc phủ vẫn giữ
lòng tôn kính đối với hoàng tộc, danh nghĩa đứng đầu dân tộc của Thiên
hoàng là xuyên suốt không thay đổi kể từ thời lập quốc. Lòng tôn kính và
niềm tin vào nguồn gốc thần thánh này khiến giới quý tộc và giới bình dân trở
thành hai bộ phận tách biệt trong suy nghĩ của người Nhật Bản. Do vậy, khi
bàn đến thành phần dân chúng hay bản chất của trật tự xã hội, các học giả
47

phong kiến Nhật Bản hầu như chỉ nói về giới bình dân, tức những người lao
động tạo ra của cải. Sự cai trị của giới quý tộc, mối quan hệ giữa tầng lớp cai
trị với quần chúng nhân dân không khiến giới học giả bận tâm nhiều.
Thuyết chính danh, tu thân, tam cương ngũ thường là những tư tưởng
nền tảng cho chế độ phong kiến nói chung và hệ thống đẳng cấp đặc trưng của
Nhật Bản nói riêng. Những luận thuyết này kêu gọi người dân sống an phận,
kiềm chế những ham muốn và nhu cầu khác với quy định xã hội. Hệ thống lý
luận này được giới thống trị vận dụng triệt để và gây ra hệ quả tiêu cực đối
với người dân trong xã hội:
“Luận thuyết về lịch sử xã hội của Chu Hy đã trở thành căn cứ lý luận
để giai cấp thống trị lợi dụng nô dịch quần chúng nhân dân lao động,
trói chặt họ vào những giáo điều đạo đức luân lý phong kiến hết sức
khắt khe, nhằm bóp nghẹt những yêu cầu về đời sống vật chất cũng như
đời sống tinh thần của họ, hòng duy trì vĩnh viễn chế độ phong kiến
đương thời.” (Doãn Chính, 2012, tr.543)
Thời kỳ Tokugawa, dân chúng được chia thành các đẳng cấp riêng biệt
và có những quy định rõ ràng về phong cách sinh hoạt, giáo dục ở từng đẳng
cấp. Thuyết chính danh cho rằng mỗi cá nhân đều có một vai trò nhất định
trong xã hội và cần phải tuân theo đúng những quy tắc, đặc tính, bổn phận của
vai trò đó. Trong mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị, các học thuyết
Nho giáo này phân định rạch ròi ranh giới và đặt ra những nguyên tắc khiến
toàn thể dân chúng đều phải tuân theo. Fukuzawa Yukichi chỉ ra rằng:
““Xuất thân”, “gia phong” và “chủ nhân” chính là những chuẩn mực lớn
mà võ sĩ phải dựa vào, như những sợi dây thừng giúp họ duy trì phẩm hạnh
suốt cuộc đời. Nói theo ngôn ngữ phương Tây thì đó chính là các “moral
tie” (ràng buộc đạo đức). Đạo lý này không chỉ diễn ra trong quan hệ giữa
võ sĩ và các lãnh chúa của họ, mà còn thấm đẫm vào xã hội của dân chúng
trên cả nước. Nó hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống, trong giới thị dân
48

hay bách tính, hay cả tầng lớp hạ lưu. Ví dụ ở thị dân hay nông dân thì có
phân biệt Bản gia và Biệt gia, ở tầng lớp hạ lưu thì cũng có quan hệ
oyabun-kobun (nghĩa đen là mối quan hệ cha-con, nghĩa rộng hơn là sư
phụ-đệ tử, chủ-tớ), và cái đạo nghĩa ấy cũng vững chắc không khác gì mối
quan hệ vua-tôi. Tập tục này được gọi là “nghĩa quân-thần”, hay “truyền
thống tổ tiên”, hay “danh phận trên-dưới”, hoặc “phân biệt gốc-ngọn”, và
dù là tên gì đi nữa, thì từ khi nước Nhật hình thành cho đến ngày nay, thì
nó đã kiểm soát mọi mặt xã hội. Những thành tựu mà nền văn minh Nhật
Bản đạt được như bây giờ chính là nhờ dựa và sức mạnh của những tập
quán đạo lý này.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.374)
Nho giáo khi được tiếp thu tại Nhật Bản cũng có sự biến đổi nhất định
khiến Nhật Bản tồn tại những đặc trưng riêng. Nếu như thuyết tam cương ngũ
thường khiến người Trung Hoa đề cao chữ hiếu, xem mối quan hệ cha con là
quan trọng nhất, thì tại Nhật Bản, chữ hiếu được biến đổi thành chữ trung.
Người Nhật đã kết hợp lý thuyết trung hiếu của Khổng Tử với huyền thoại lập
quốc của dân tộc mình, xem nước Nhật như một gia đình với Thiên hoàng là
người cha và dân chúng là những người con. Kéo theo đó, lòng trung thành
của người dân Nhật Bản với Thiên hoàng mang tính chất thuần phát, hiển
nhiên bởi đó như tình cảm của người con đối với cha mình. Do vậy, mối quan
hệ giữa người dân – trong đó có cả các gia tộc Mạc phủ – đối với Thiên hoàng
thường không phải là sự đối địch gay gắt. Đồng thời, sự trung thành một lòng
hướng về Thiên hoàng này đến thời cận đại còn có tác dụng tạo nên một ý
thức dân tộc đoàn kết và mạnh mẽ. Lòng trung thành mang màu sắc Nhật Bản
là yếu tố quan trọng hình thành nếp tư duy của người Nhật thời kỳ phong
kiến. “Sự trung thành, với tư cách là giá trị đạo đức trung tâm đã quy định nên
lối sống, hành vi của mỗi cá nhân (nhóm) hướng vào cộng đồng theo thang
bậc của một phả hệ mở kiểu chủ nghĩa gia trưởng (Paternalism) rất điển hình
trong xã hội Nhật Bản” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.278).
49

Ngoài ra, dù được chọn là hệ tư tưởng chính thống nhưng vai trò chính
trị của Nho giáo tại Nhật Bản có phần mờ nhạt hơn so với tại Trung Quốc:
“Ở Nhật Bản không có hệ thống thi tuyển công chức dựa trên sách vở
Nho giáo tương tự như Trung Quốc vào đầu thời nhà Tống – chế độ tạo
ra giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Ở Nhật Bản, trở thành
Nho sĩ không đảm bảo sẽ có được địa vị cao. Ngược lại, hầu hết các nhà
tư tưởng Nhật Bản nổi bật đều đến từ tầng lớp samurai cấp thấp hoặc
tầng lớp bình dân và kiếm sống bằng nghề dạy học hoặc chữa bệnh.”
(Conrad Schirokauer, 1993, tr.164)
Vì thế, cách tiếp cận Nho giáo của các học giả Nhật Bản cũng có đôi
chút khác biệt so với Trung Quốc. Nho giáo tại Nhật Bản đã có những điều
chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng của đất nước. Nho giáo thời Edo cũng
tồn tại nhiều trường phái khác nhau, mỗi trường phái nhấn mạnh và phát triển
một số nội dung nhằm phục vụ cho những nhu cầu và hoàn cảnh nhất định.
Nổi bật nhất trong số đó là Tân Nho giáo của Chu Hy, trường phái Jinsai và
trường phái Sorai. Fukuzawa Yukichi là người phê phán Nho giáo và lên
tiếng chống lại sự kìm hãm của hệ tư tưởng truyền thống này, thế nhưng với
xuất thân từ một gia đình võ sĩ Nho giáo, các trường phái trên đã có ảnh
hưởng đáng kể lên phong cách suy nghĩ của ông.
Tân Nho giáo của Chu Hy đề cao việc tự điều chỉnh đức hạnh ở mỗi cá
nhân. Quan điểm này cũng thấy được trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi:
“Về mặt đạo đức, chúng tôi công nhận con người là chí tôn, chí linh của
vạn vật, nên phải trân trọng, không được coi thường hay khinh miệt và
cũng không được làm điều gì trái với nhân luân con người. Bất nhân, bất
nghĩa, bất trung, bất hiếu, những điều xấu xa đó, dù có ai nhờ hay thúc
bách đến đâu, cũng không được làm. Mỗi người đều phải hướng đến
những hành động cao thượng và phải có tinh thần tự lập cao. Trước hết,
phải có một cơ sở giữ cho tâm không được động loạn và chuyên chú vào
điều mình định hướng đến”. (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.343)
50

Ngoài ra, Fukuzawa cũng chủ trương xem đức hạnh làm nền tảng, tương
tự như cách nghĩ của Chu Hy. Trong tác phẩm Đại học, Chu Hy chủ trương
lấy đức hạnh của bậc quân vương làm gốc, kế đó có được đức hạnh của địa
phương, sau cùng có được đức hạnh của toàn thể quốc gia. Đến lượt
Fukuzawa Yukichi, đức hạnh mà ông lấy làm nền tảng chính là đức hạnh của
mỗi cá nhân. Ông cho rằng mỗi cá nhân độc lập chính là nền tảng cho gia
đình độc lập. Mỗi gia đình độc lập sẽ làm nên những địa phương độc lập. Từ
những địa phương độc lập mới có thể tạo thành một quốc gia độc lập. Cũng
giống như truyền thống Nho giáo, Fukuzawa xem giáo dục là con đường dẫn
đến sự ổn định và phồn vinh cho xã hội. Tuy nhiên ở Tân Nho giáo của Chu
Hy, việc giáo dục được tiến hành dựa trên những tiêu chuẩn thực hành đạo
đức. Các bậc hiền nhân bằng trí tuệ và chiêm nghiệm của mình sẽ vạch ra các
tiêu chuẩn, từ đó người u tối chỉ cần làm đúng theo lời dạy này. Fukuzawa
Yukichi đối lập với lối suy nghĩ trên bởi theo ông, không hề có những quy
chuẩn đạo đức bất biến và “đạo đức không phải là thứ có thể tạo ra bằng cách
giảng dạy mà đạo đức sinh ra do nỗ lực tự thân của người rèn học”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.216). Mặt khác, con đường khai sáng cần phải là
khai sáng về trí tuệ, mỗi người thu nhặt lấy kiến thức, vỡ ra những quan điểm
mới, từ đó tìm thấy được những đức hạnh cần có của riêng mình. Ông cho
rằng không ai có thể đủ tư cách để đứng trên người khác và chỉ cho họ con
đường họ cần phải đi. Thay vào đó, mỗi cá nhân cần nhận thức về đức hạnh
một cách độc lập, đây mới là con đường cho một xã hội tiến bộ.
Ở trường phái Nho giáo Jinsai, Fukuzawa Yukichi bị ảnh hưởng bởi
quan điểm về tính bình đẳng giữa các thành phần dân chúng. Giữa chế độ
đẳng cấp thứ bậc của xã hội phong kiến Nhật Bản, trường phái Jinsai đề
xướng rằng mỗi người dân đều có đóng góp cho xã hội thông qua công việc
hàng ngày của mình, bất kể họ thuộc tầng lớp nào, làm những công việc gì.
Do vậy, đối với trường phái Jinsai không tầng lớp nào là thấp hèn cả. Quan
51

điểm này mang tính đột phá trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ và được
Fukuzawa Yukichi tiếp nhận. Chẳng hạn, khi nghe chính quyền Minh Trị
định khen thưởng cho công lao của mình, ông đã từ chối với viện cớ rằng:
“Mỗi người có một công việc, có thiên chức riêng của mình [...]. Người
phu xe thì công việc của họ là kéo xe, người hàng đậu thì công việc là
làm đậu, trí thức có công việc là đọc sách. Đó là công việc đương nhiên
mỗi người phải làm. Nếu như chính phủ muốn khen, phải khen trước hết
từ người hàng đậu!” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.329)
Sorai Ogyu (1666-1728) của trường phái Sorai là một học giả Nho giáo
đề cao thực nghiệm. Ông cho rằng con người nên giữ vai trò chủ động khi là
một bộ phận của xã hội, từ đó sẵn sàng thay đổi xã hội khi thời thế biến đổi.
Tương tự như vậy, Fukuzawa Yukichi cũng luôn đề cao tính chủ động ở mỗi
công dân, đồng thời cho rằng công dân cần thích ứng sao cho phù hợp với
từng bối cảnh xã hội. Fukuzawa đã phê phán thái độ bảo thủ, rập khuôn
những lý thuyết có từ những thời đại trước vào một xã hội hoàn toàn mới.
Nếu như Sorai Ogyu thường phân biệt rõ thực tế với những lý thuyết đạo đức
xây dựng trên đó, từ đó phê phán việc áp dụng lý thuyết mà không hiểu rõ bản
chất, thì ở Fukuzawa Yukichi cách lập luận này cũng thấy được khá thường
xuyên. Có thể nói, tuy đã sớm chủ động thoát khỏi nền học thuật Nho giáo và
tích cực phê phán những bất cập của hệ tư tưởng này, nhưng không thể phủ
nhận rằng truyền thống Nho giáo của Nhật Bản đã tạo nên những nền tảng
ban đầu cho việc hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi.
1.2.2. Tư tưởng khai sáng phương Tây đối với sự hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Fukuzawa Yukichi có cơ hội tiếp cận khá sớm với tri thức phương Tây
thông qua những người nước ngoài tại Nhật Bản và đặc biệt là hai chuyến
công du nước ngoài. Đặc biệt, ông còn chủ động tìm kiếm sách vở nguyên
bản, đọc, dịch và giới thiệu đến với công chúng Nhật Bản. Do vậy, Fukuzawa
52

chịu ảnh hưởng rất lớn từ các khái niệm kinh tế, chính trị, luật học, triết học…
từ phương Tây. Có thể kể đến những nhân vật đã được ông tiếp thu mạnh mẽ
như Montesquieu (1689-1755), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Alexis
de Tocquevill (1805-1859), John Stuart Mill (1806-1873), Herbert Spencer
(1820-1903)… (Toshimitsu Anzai, 1980, tr.67). Về các tư tưởng khai sáng,
Đỗ Minh Hợp nhận xét rằng: “công lao của các nhà khai sáng chính là nêu ra
và phát triển lương tri như một năng lực đặc biệt của con người, nhờ đó mà tư
tưởng về cá nhân độc lập với tư cách là sản phẩm của nền văn minh phương
Tây đã ra đời” (Đỗ Minh Hợp, 2014). Do vậy, tư tưởng khai sáng từ phương
Tây đã mở ra cho Fukuzawa Yukichi những góc nhìn hoàn toàn mới về các
vấn đề xã hội, là nền tảng để ông phản biện và đả phá lối tư duy phong kiến.
Trong các tác phẩm của Fukuzawa, dễ dàng nhận ra những khái niệm đến từ
phương Tây như khế ước xã hội, bình đẳng, tự do ngôn luận, phân chia quyền
lực… Việc tiếp thu tri thức phương Tây này cũng chính là một điểm tạo nên
sự đột phá và tính hiện đại trong tư tưởng của ông.
Tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) về khế ước xã hội:
Ra đời vào thế kỷ XVIII, tư tưởng của Rousseau về tính khế ước trong
mối quan hệ giữa vua chúa và thần dân đã mở đường cho một thời kỳ mới,
tiền đề cho Cách mạng Pháp – cuộc cách mạng lật đổ chính quyền phong kiến
Pháp để lập nên nhà nước cộng hòa. Rousseau đã “đi tìm nguồn gốc của sự
bất bình đẳng trong xã hội, từ đó dự báo những hệ lụy có thể có từ nền văn
minh” (Nguyễn Trung Hiếu, 2021). Đặc biệt, Rousseau đặt ra câu hỏi về
nguồn gốc và bản chất của mối quan hệ thống trị-phục tùng. Trước khi học
thuyết của ông ra đời, người ta thường nghĩ mối quan hệ này mang tính tự
nhiên và bẩm sinh. Triết gia Hy Lạp lỗi lạc Aristoteles (384-322 TCN) nhận
định con người vốn không có bình đẳng. Thay vào đó, có người sinh ra để
mang phận nô lệ, có người lại sinh ra để trị vì. Theo Hugo Grotius (1583-
1645), quyền lực cai trị xuất hiện không phải vì lợi ích dành cho giới cai trị,
53

mà bởi nhu cầu cần được cai trị của con người. Grotius cho rằng loài người
cần phải có người khác dẫn dắt và cai trị. Cách nghĩ này cũng bắt gặp ở David
Hume (1711-1776) khi ông xem loài người như một bầy gia súc và nhà cai trị
như người chăn dắt bầy gia súc ấy. Người chăn dắt chăm sóc chúng, đảm bảo
cho chúng trật tự và sự an toàn, để cuối cùng ăn thịt chúng. Ngoài ra, người
chăn dắt có được quyền cai trị ấy nhờ vào trí tuệ và sức mạnh vượt trội hơn
hẳn bầy gia súc, cũng giống như vua chúa thường được ví như “Trời” còn dân
chúng chỉ có thể mang những suy nghĩ trần tục. Nhìn chung, mọi người cho
rằng tính cai trị của một bộ phận này đối với một bộ phận khác trong xã hội là
điều hiển nhiên và cần thiết. Những người sinh ra trong tầng lớp bị trị nên
chấp nhận phục tùng tầng lớp cai trị với tâm thế của một “kẻ dưới”.
Khác hẳn với những quan niệm truyền thống, Rousseau cho rằng “trật tự
xã hội không tự nhiên mà có, nó được xác lập trên cơ sở những công ước”
(Jean Jacques Rousseau, 2020, tr.57). Ông chia sự bình đẳng của con người
thành hai loại là bình đẳng về mặt tự nhiên và bình đẳng về mặt xã hội. Ở mặt
tự nhiên, đó là về năng lực của con người như sức mạnh, trí tuệ. Mỗi người
được sinh ra với sức mạnh và trí tuệ khác nhau, có người khỏe mạnh, có
người yếu ớt, có người thông minh nhưng cũng có những người ngu dốt, do
vậy con người không bình đẳng về mặt tự nhiên. Tuy nhiên, về mặt xã hội thì
con người lại bình đẳng với nhau dù người đó có thông minh hay ngu dốt,
khỏe mạnh hay yếu ớt. Ở xã hội nguyên thủy, mỗi người trong cộng đồng đều
có vị trí ngang nhau và sở hữu những quyền tự do giống nhau. Đây là trạng
thái tự nhiên của loài người. Tuy nhiên quá trình sinh sống làm phát sinh
những nhu cầu mới cùng những mối đe dọa. Con người dần cảm thấy rằng họ
cần liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề đó. Khi hợp thành một cộng
đồng, mỗi người phải tự hạn chế sự tự do của chính mình, tự cắt giảm một số
quyền lợi bản thân để không ảnh hưởng đến lợi ích của những người khác,
mục đích cuối cùng là đi đến sự gắn kết và lợi ích chung cho cả cộng đồng.
54

Cùng với chế độ tư hữu, hình thức cộng đồng như thế này phát triển đến một
mức độ nhất định sẽ trở thành xã hội công dân như hiện nay. Ở đó con người
phân chia thành các thứ bậc khác nhau, có giai cấp thống trị và giai cấp phục
tùng, có cả những quy tắc ràng buộc rõ ràng cùng các hình phạt nếu như ai đó
vi phạm chúng. Như vậy đối với Rousseau, tính thứ bậc trong xã hội chẳng
qua chỉ là một lựa chọn của con người và xuất phát từ nhu cầu trong tiến trình
phát triển.
Tiếp đó, Rousseau còn phân tích bản chất quyền lực của kẻ thống trị: nếu
quyền thống trị không phải quyền tự nhiên, vậy thì điều gì quyết định ai sẽ là
người thống trị, và vì sao một bộ phận lại chấp nhận chịu sự thống trị của một
bộ phận khác? Ông cho rằng “chỉ có những công ước (convention) là có thể
làm cơ sở cho mọi quyền uy chính đáng giữa người với người mà thôi” (Jean
Jacques Rousseau, 2020, tr.63). Công ước (hay khế ước) này hình thành thầm
lặng song song với sự ra đời của nhà nước và thể hiện ý chí chung của cộng
đồng. Bản chất của khế ước xã hội chính là “mỗi người chúng ta đặt mình và
quyền lực của mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và chúng ta
tiếp nhận mọi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể”
(Jean Jacques Rousseau, 2020, tr.73). Người nắm quyền tối cao trong xã hội
không hẳn là người mạnh nhất như nhiều người thường nghĩ, bởi sức mạnh
khiến người ta tuân phục vô điều kiện nhưng đến lúc nào đó người ta sẽ đứng
lên chống lại sự cưỡng ép này. Để giữ được quyền lực tối cao thực sự, người
đứng đầu phải là người điều hòa được nhu cầu và lợi ích của các cá nhân, là
đại diện cho ý chí chung của cộng đồng. Theo đó, mọi người trong cộng đồng
quy phục trước một thủ lĩnh không phải vì e sợ sức mạnh, mà là vì vị thủ lĩnh
ấy đủ khả năng bảo đảm cho những nguyện vọng của họ.
Tiếp thu khái niệm khế ước xã hội của Rousseau, Fukuzawa Yukichi
thường xuyên nhấn mạnh vào tính bình đẳng của mối quan hệ quân thần và
phủ nhận tính hiển nhiên của bộ phận thống trị. Ông nói rằng mối ràng buộc
55

thứ bậc quân chủ “chỉ là kết quả của một thực tế tình cờ vua chúa và thần dân
cùng lúc có ở trên đời, nên mối quan hệ này không thể được coi là có sẵn
trong bản chất con người” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.103) hay “nghĩa vua
tôi [...] là quan hệ sinh ra từ một quy ước có sau” (Fukuzawa Yukichi, 2019,
tr.104). Như vậy, nếu như truyền thống Nhật Bản xem quân thần tựa như mối
quan hệ cha con: người dưới phải tuân phục tuyệt đối, thành kính, không nghi
ngờ và không thể thay đổi, thì tư tưởng của Rousseau đã giúp Fukuzawa nhận
ra lỗ hổng trong chuẩn mực phong kiến. Điều này mở đường cho hàng loạt
suy nghĩ khai phóng của Fukuzawa để từ đó định hình lại đâu là vị trí của mỗi
cá nhân trong xã hội và nghĩa vụ của các cá nhân ấy trong cộng đồng là gì.
Đồng thời, Rousseau cũng khẳng định tính tích cực của khế ước xã hội
đối với đời sống con người. Khế ước xã hội ra đời đưa con người ra khỏi
trạng thái tự do tự nhiên để bước vào trạng thái dân sự với nhiều ràng buộc.
Tuy quyền của con người bị giới hạn đáng kể nhưng trao đổi của con người
trong khế ước “vô hình” đã cho ra đời sự bình đẳng về mặt dân sự, là bổ
khuyết cho sự bất bình đẳng về mặt tự nhiên. Mọi người được đứng ngang
nhau trong thỏa ước chung, bất kể họ chênh lệch về sức mạnh thể lực hay trí
tuệ như thế nào đi nữa. “Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do
thiên nhiên và cái quyền nhỏ nhoi được làm những điều muốn làm và chỉ
làm được với sức lực hạn chế của mình, nhưng mặt khác con người thu lại
quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái gì mà anh ta có” (Jean
Jacques Rousseau, 2020, tr.79). Và do bản chất của các mối quan hệ trong
xã hội chỉ là sự trao đổi, nên chức vụ và quyền lực khác nhau trong nhà
nước chẳng qua cũng chỉ là sự phân công. Những bộ phận như lập pháp,
hành pháp, tư pháp… không phải là biểu hiện của việc ai đứng trên ai, mà
đó chỉ như đầu não, chân tay của con người cùng phối hợp hoạt động. Tất cả
đều hướng đến mục đích chung là một cơ thể khỏe mạnh, tức một nhà nước
khỏe mạnh. Do vậy, quyền lực tối cao trong một nhà nước “không phải là một
56

bản công ước giữa cấp trên với cấp dưới, mà là công ước giữa cơ thể với tứ
chi… Chừng nào các công dân chỉ phục tùng những công ước như vậy thì họ
chẳng phải cúi đầu tuân lệnh người nào, mà chỉ tuân theo ý chí của mình thôi”
(Jean Jacques Rousseau, 2020, tr.97).
Tương tự vậy, Fukuzawa Yukichi cũng luôn cho rằng việc vua chúa cai
trị dân chúng chẳng qua là một sự thỏa thuận phân chia vai trò:
“Mỗi một cá nhân cần thực thi nhiệm vụ của mình nhằm theo đuổi
chính mục tiêu đó. Chính phủ thì chịu trách nhiệm duy trì trật tự xã hội
và giải quyết sự vụ thường nhật; trí thức thì cần đào sâu suy nghĩ để có
thể ra được các kế sách hành động cho tương lai; các doanh nghiệp
công thương thì quản trị cho tốt để làm giàu thêm cho đất nước. Mỗi
lĩnh vực đều có cống hiến riêng cho nền văn minh.” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.149)
Theo đó có thể thấy, đối với Fukuzawa Yukichi, mục đích chung của xã
hội thời bấy giờ là tiến đến nền văn minh của chính mình. Tâm thế ngang
bằng giữa các bộ phận dân chúng đối với giới lãnh đạo, cũng như sự đề cao
vai trò công việc của chính mình chính là động lực to lớn để cả xã hội có thể
vận hành một cách trơn tru để đạt được mục đích chung ấy.
Tư tưởng của Montesquieu (1689-1755) về pháp luật:
Montesquieu được xem là người mở đường cho tư tưởng pháp quyền.
Thông qua khảo sát hàng loạt bộ luật và hình thức nhà nước trong lịch sử,
Montesquieu đã phác thảo nên hình thái của một nhà nước vận hành bằng
pháp luật, ở đó cả dân chúng lẫn người cai trị đều phải tuân theo các điều luật
và đều bị trừng phạt nếu vi phạm các điều luật đó. Quan niệm đột phá này của
ông tấn công vào tính chuyên chế của nhà nước phong kiến, quyền lực chính
trị vốn toàn bộ thuộc về ý chí chủ quan của giai cấp cầm quyền nay được biến
đổi thành một bộ phận khách quan. Pháp luật là đại diện cho ý chí nguyện
vọng chung của toàn xã hội, do vậy nhà nước pháp quyền trao cho người dân
57

quyền bình đẳng, tự do, dân chủ mà người dân không thể có được trong nhà
nước chuyên chế.
Theo Montesquieu, luật pháp chính là công cụ mang lại sự bình đẳng
trong xã hội: “Trong trạng thái tự nhiên, mọi người sinh ra bình đẳng. Nhưng
khi họ hợp thành xã hội thì họ mất bình đẳng, và họ chỉ trở lại bình đẳng nhờ
có luật pháp” (Montesquieu, 1996, tr.87). Montesquieu lên án gay gắt việc xử
phạt tùy tiện trong các chế độ chuyên chế. Ông cho rằng một nhà nước cần
phải có hiến pháp cụ thể để làm căn cứ cho việc xét xử của các phán quan.
Đồng thời, luật pháp cũng phải đảm bảo được quyền lợi thực sự của dân
chúng. Montesquieu tin luật pháp có thể được xem là sự phản ánh cho nguyện
vọng của dân chúng bởi người dân đủ khả năng biết được ai có thể thực hiện
ý chí của mình để bầu chọn vào hội đồng nhà nước.
Tính bình đẳng mà Montesquieu hướng đến không phải là mọi người
đều có quyền hạn ngang nhau, mà đó là mọi người đều được bảo vệ và đối xử
như nhau khi đứng trước pháp luật. “Bình đẳng chân chính không phải là làm
cho mọi người đều chỉ huy hay không ai bị chỉ huy cả, mà là chỉ huy những
người bình đẳng với mình và phục tùng con người bình đẳng với mình”
(Montesquieu, 1996, tr.66). Theo đó, người cai trị và người bị trị được phân
chia rõ ràng, tuy nhiên sự phân chia này chỉ là về mặt chức năng, tức mỗi bên
đều có nhiệm vụ và vai trò riêng của mình và cả hai ngang bằng với nhau,
không bộ phận nào đứng trên bộ phận nào cả. Dân chủ là hình thức mang lại
sự bình đẳng. Trong nền dân chủ, công dân và nhà nước giao ước về các
quyền và nghĩa vụ dưới dạng thể chế, điều luật. Pháp luật sẽ mang lại cho
người dân sự tự do bởi khi đứng trong pháp luật, người dân có quyền tự do
làm những việc mà luật pháp không cấm. Tuy nhiên, Montesquieu cũng nhấn
vào nhận thức của mỗi người về dân chủ và tự do đúng mực, tránh việc người
dân rơi vào mơ hồ về chính trị hay lạm dụng quyền dân chủ. Ông cho rằng
mỗi cá nhân trong cộng đồng đều cần phải có ý thức, trách nhiệm của một
58

công dân, biết được đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng
đồng. Chính sự ý thức và tuân thủ đó sẽ mang cho mọi người cơ hội bình
đẳng và quyền lợi từ pháp luật. Do vậy, nhà nước dân chủ cần phải quan tâm
giáo dục tinh thần công dân, thúc đẩy ý thức làm chủ và trách nhiệm của
người dân đối với cộng đồng.
Fukuzawa Yukichi kế thừa tinh thần đề cao pháp luật của Montesquieu.
Ông đánh giá cao chính quyền Minh Trị trong việc điều hành nhà nước bằng
luật pháp. Theo ông, đây là một chính quyền “bảo hộ dân chúng và xã hội
theo luật pháp, tức là dựa trên luật pháp bảo vệ sinh mạng, danh dự và tài
sản của dân chúng, bảo vệ trật tự trị an xã hội. Nhân dân chấp hành chỉ thị
và không quay lưng lại mệnh lệnh của chính phủ” (Fukuzawa Yukichi,
2015, tr.202). Fukuzawa Yukichi cũng tiếp thu tư tưởng của Montesquieu về
cân bằng quyền lực trong hệ thống điều hành nhà nước. Montesquieu phê
phán mạnh mẽ chế độ độc tài – nơi mà toàn bộ quyền kiểm soát đều nằm
trong tay một nhân vật duy nhất. Chế độ này vốn hoàn toàn hủ bại, chỉ tồn
tại được nhờ vào công cụ bạo lực đàn áp. Tính độc tài khiến cho đạo đức và
danh dự bị mất đi để thay vào đó là giáo dục người dân biết vâng lời. Do
vậy, muốn tạo nên một xã hội tốt đẹp thì cần phải chống lại sự độc tài bằng
cách tránh tập trung hết quyền lực vào một cá nhân hoặc một nhóm người
duy nhất. Montesquieu đề xuất phân lập quyền lực thành các bộ phận riêng
biệt, không để người lập pháp được tham gia thi hành pháp luật, đồng thời
phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Các cơ quan quyền lực trong đề
xuất của Montesquieu là những bộ phận độc lập nhưng chúng phối hợp và
bổ sung, kiểm soát lẫn nhau nhằm ngăn chặn tình trạng bành trướng quyền
lực. Montesquieu chỉ ra rằng tập trung toàn bộ quyền lực vào tay một người
là nguyên nhân dẫn đến hình thành các tập đoàn, phe nhóm lợi ích. Sự độc tài
ấy biến của cải chung của quốc gia trở thành đặc quyền riêng của một nhóm
thiểu số. Việc lạm dụng quyền lực thái quá như thế lâu dần sẽ gây sụp đổ cho
59

một chính thể quốc gia. Tiếp thu thái độ thận trọng trước sự lạm quyền,
Fukuzawa Yukichi nêu lên rằng “trong bất kể lĩnh vực nào của xã hội, dù là
chính phủ hay nhân dân, học giả hay công chức, nếu ai đó đã có quyền lực,
cho dù là vũ lực hay trí lực, thì quyền lực đó cũng phải bị hạn chế”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.299). Ông cho rằng việc lạm dụng quyền lực có
thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng đối với những người tham gia vào công việc
công thì tác hại dễ nhìn thấy hơn và có thể gây ra “tai họa do mất cân bằng”.
Nếu như Montesquieu lo ngại sự mất cân bằng quyền lực vì điều này sẽ dẫn
đến sụp đổ cho một chế độ, thì ở Fukuzawa Yukichi, ông hướng đến hoàn
thiện bộ máy cai trị để xã hội có thể vận hành trơn tru, từ đó cả đất nước có
thể nhanh chóng bước đến con đường tiến bộ.
Tư tưởng của John Stuart Mill (1806-1873) về tự do:
John Stuart Mill là triết gia đề cao sự tự do và cá tính ở mỗi cá nhân.
Ông cho rằng tính độc đáo của cá nhân là cơ sở tạo nên các thiên tài, và tự do
chính là điều kiện cần thiết. Tự do mà Mill thảo luận là sự tự do về mặt tư
tưởng. Theo ông, xã hội không nên gò ép cá nhân vào những suy nghĩ, chuẩn
mực có sẵn cho dù đó có là lời của “thánh nhân” đi chăng nữa. Không có một
chân lý nào là tuyệt đối và không ai có thể khẳng định được quan điểm của
mình là đúng hoàn toàn, do đó xã hội không có cơ sở để ngăn cấm ý kiến
khác biệt của người khác. Hơn nữa, sự xuất hiện của những ý kiến đa chiều
luôn tạo ra giá trị tích cực. Nếu ý kiến là đúng, nhân loại sẽ tiếp thu được một
điều tốt đẹp. Nếu ý kiến là sai, các ý kiến đúng trước đây sẽ có thêm một ví
dụ sống động cho tính đúng đắn của mình. Do vậy, xã hội cần tôn trọng và
khuyến khích sự dị biệt. Ngược lại, kìm hãm sự dị biệt sẽ khiến tính cách xã
hội trở nên đồng nhất và vô cảm với tài năng, từ đó khiến xã hội bị trì trệ.
Thảo luận tự do là hoạt động cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân.
John Stuart Mill khẳng định rằng “con người phải được tự do hình thành ý
kiến và tự do bày tỏ ý kiến không chút giấu giếm” (John Stuart Mill, 2021,
60

tr.111). Thảo luận và trải nghiệm là phương tiện để con người sửa chữa được
sai lầm của mình. Trải nghiệm cung cấp nguyên liệu cho các suy luận, tiếp đó
thảo luận giúp mọi người biết được trải nghiệm cần suy đoán ra sao. Các sự
kiện tự thân không có ý nghĩa gì đối với con người, chỉ khi nào chúng được
đưa ra để thảo luận, suy xét, phân tích đúng sai thì đó mới trở thành sự kiện
giá trị. Ngược lại, sự suy xét cần phải có dẫn chứng, chất liệu từ thực tế thì
mới đủ độ tin cậy. Do vậy trải nghiệm và thảo luận là hai yếu tố có quan hệ
mật thiết với nhau. Sự thảo luận trong cộng đồng sẽ giúp mỗi người thu về
thêm trải nghiệm và đồng thời vỡ ra được nhiều suy đoán có giá trị. Tuy
nhiên, tự do mà Mill theo đuổi không phải là sự tự do tùy tiện muốn làm gì
cũng được, mà đó là tự do trên cơ sở không ảnh hưởng đến tự do của người
khác và không khiến người khác cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn, “tự do bày tỏ
ý kiến phải có điều kiện là cung cách bày tỏ có chừng mực, không vượt giới
hạn của thảo luận công bằng” (John Stuart Mill, 2021, tr.108). Hơn nữa, việc
thể hiện cái tôi quá mức không chỉ khiến người tiếp nhận cảm thấy khó chịu
mà còn khiến ý kiến của người bày tỏ khó bộc lộ được giá trị, bởi vì “khi bất
cứ người phản bác nào dồn ép họ mạnh mẽ khiến họ khó khăn đáp trả lại, và
nếu người phản bác ấy biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ với chủ đề thảo luận, thì họ
đều cảm thấy người phản bác đó thiếu chừng mực” (John Stuart Mill, 2021,
tr.108). Do vậy thảo luận trong cộng đồng cần dựa trên sự hòa nhã tôn trọng
lẫn nhau, từ đó hoạt động thảo luận mới phát huy được những giá trị cao nhất.
John Stuart Mill luôn phản đối sự giáo dục khiến mọi người trong xã hội
giống hệt nhau. Đồng bộ về tính cách là một điều đi ngược với bản tính tự
nhiên. Con người về bản chất là khác nhau, bởi lẽ họ có những thiên hướng
bẩm sinh khác nhau, sở thích khác nhau, môi trường sống khác nhau, do vậy
“tạo điều kiện công bằng cho bản tính của mỗi người, thì lẽ tự nhiên là những
con người khác nhau phải được phép sống khác nhau” (John Stuart Mill,
2021, tr.124). Mill mạnh mẽ phản đối sự chuyên chế vùi dập cá tính con
61

người, cho dù sự giáo dục đó nhân danh “thuận theo ý chí Thượng đế” hay
“tuân theo huấn thị của con người” đi chăng nữa. Đó là bởi vì với Mill, cá
tính độc đáo mới chính là cái làm cho con người được phát triển tốt, và tính
độc đáo ở cá nhân này sẽ là động lực đưa xã hội đến sự phát triển. “Sự lập dị
luôn nở rộ ra khi nào và ở nơi đâu mà sức mạnh của tính cách nở rộ, và nói
chung, lượng đo sự lập dị trong xã hội cũng tỷ lệ với lượng thiên tài, sức mạnh
tinh thần và sự dũng cảm đạo đức mà xã hội chứa đựng” (John Stuart Mill,
2021, tr.130). Trong một xã hội không có cá tính, những người trong xã hội đó
cũng không thể cảm nhận được tính cách khác biệt và từ đó họ thờ ơ với các
thiên tài. Đối với Mill đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. “Nếu không có
sự đa dạng trong các kiểu cách sống của con người, thì con người chẳng những
không chia sẻ được hạnh phúc với nhau mà còn không vươn lên được hết tầm
vóc trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ mà bản chất con người có khả năng đạt tới”
(John Stuart Mill, 2021, tr.131). Vậy nên thúc đẩy cá tính đa dạng ở mỗi người
là một điều cực kỳ quan trọng. Có thể không phải ai cũng có thể trở thành thiên
tài, nhưng thiên tài chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội đa dạng và tôn trọng
điều dị biệt. John Stuart Mill còn dùng cách lập luận này để giải thích cho sự
vượt trội của châu Âu so với châu Á. Ông dẫn chứng bằng việc phương Đông
thời cổ đại đã xuất hiện rất nhiều nhân vật lỗi lạc mà đến nay người phương
Tây vẫn phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, thái độ tôn thờ tiền nhân và nỗi e sợ phá
vỡ cái cũ đã khiến người phương Đông – điển hình là Trung Hoa – rơi vào trì
trệ kéo dài và cuối cùng là thua kém hơn hẳn người phương Tây. Để giải thích
cho điều này, Mill chỉ ra nguyên nhân nằm ở sự đa dạng của các dân tộc
phương Tây: “trong họ chẳng có gì là tính ưu tú siêu việc cả, cái gì ưu tú có
được thì là hệ quả chứ không phải nguyên nhân; trong họ chỉ có sự đa dạng
nổi bật của tính cách và văn hóa” (John Stuart Mill, 2021, tr.138).
Tán đồng với tư tưởng của John Stuart Mill, Fukuzawa Yukichi cũng
luôn chủ trương rằng “chính những cực đoan dị biệt mới làm xã hội tiến bộ”
62

(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.37). Kết luận này của Fukuzawa dựa trên quan
sát những thành tựu văn minh thế giới: mọi tiến bộ của nhân loại ban đầu
cũng đều bị xem là dị biệt ngông cuồng, thế nhưng sau tất cả, trải qua một
thời gian dài, những phát hiện dị biệt ấy đã được thực chứng và trở thành
chân lý phổ quát của nhân loại. Fukuzawa lên án chế độ độc tôn tư tưởng dưới
thời kỳ phong kiến Tokugawa vì nó triệt tiêu khí phách tự do ở mỗi cá nhân:
“Nếu anh chỉ bảo vệ cho mỗi một trường phái tư duy, thì cho dù nó có
trong sạch, tốt đẹp đến mấy đi nữa, chắc chắn nó cũng không thể sinh ra
khí phách của tự do. Khí phách tự do chỉ có thể tồn tại giữa những tranh
luận đa chiều của các ý tưởng và quan điểm khác biệt mà thôi.”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.61)
Cũng như Mill, Fukuzawa Yukichi đề cao tầm quan trọng của thảo luận
tự do. Trải nghiệm và thực tiễn sai lầm sẽ giúp con người tìm thấy được
những chất liệu tư tưởng và giá trị mới, và đặc biệt thảo luận là điều cần
thiết để giá trị tư tưởng ấy có thể phát huy hiệu quả. Mill khẳng định: “Sự
kiện và luận cứ trước hết phải được nêu ra mới có tác dụng lên trí tuệ được.
Có rất ít các sự kiện tự thân nói lên được thực chất của chúng mà không cần
có bình luận để đưa ra được ý nghĩa của chúng” (John Stuart Mill, 2021,
tr.56). Đến lượt Fukuzawa, ông cho rằng “Quan sát sự vật, suy luận, đọc
sách là cách để tích lũy tri thức. Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri
thức. Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức” (Fukuzawa Yukichi,
2015, tr.174). Ngoài ra, Fukuzawa còn đánh giá cao vai trò của lời nói trong
diễn thuyết. Thông qua lời nói, người nghe có thể cảm nhận ngay lập tức nội
dung và cảm xúc của người nói nên người nói có thể dễ dàng lay động đến
người nghe. Do vậy ông khuyến khích tổ chức các buổi diễn thuyết tranh
luận. Đồng thời ông cũng kêu gọi giới học giả không nên chỉ tập trung vào
nâng cao tri thức của bản thân mà còn phải tích cực truyền bá suy nghĩ của
mình đến với cộng đồng.
63

1.3. NHÂN TỐ CHỦ QUAN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA


FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
1.3.1. Năng lực học tập của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành
tư tưởng về vấn đề công dân
Fukuzawa Yukichi xuất thân trong một gia đình võ sĩ phong kiến, do vậy
Hán học Nho giáo là chương trình giáo dục không thể thiếu. Ngay từ những
năm đầu tiếp xúc với Hán học, ông đã thông hiểu, có thể giảng giải tường tận
sách vở và tiến bộ vượt bậc so với các bạn đồng học. Không dừng lại ở đó,
ông còn chủ động tìm học các kinh sách mà những học trò cùng lớp ít tiếp xúc
đến. Cụ thể, ông đã đọc thông thạo quyển Tả truyện và đọc đi đọc lại cả bộ
đến mười một lần, trong khi các học trò khác thường chỉ đọc khoảng ba, bốn
quyển trong số mười lăm quyển của bộ kinh điển này.
Không chỉ vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa, Fukuzawa Yukichi
còn nhìn ra được lỗ hổng kiến thức của một số người thầy truyền dạy Nho
giáo cho mình. Ông thấy rằng họ chỉ giảng thuộc lòng những nội dung viết
trong sách vở nhưng không thực sự giải thích cặn kẽ được những lời thánh
hiền ấy. Thế nên Fukuzawa từ sớm đã xác định thái độ chủ động trong học
tập, không quá dựa vào lời giảng của thầy mà luôn xây dựng cách học hỏi,
tiếp thu, lý giải kiến thức của riêng mình.
Khi chuyển sang con đường Hà Lan học, Fukuzawa Yukichi càng bộc lộ
năng lực học tập của mình. Ông cũng nhận xét rằng các học trò Hà Lan học
thời ấy rất giỏi và say mê tìm tòi nghiên cứu. Lúc ở trường, ông và các bạn
học từng thức suốt đêm để chép sách, từng bỏ tiền mua dụng cụ để điều chế
hóa chất nhằm kiểm chứng kiến thức trong sách vở phương Tây. Ông còn
nhiều lần chủ động và tìm mọi cách sao chép những tài liệu quý nhằm phục
vụ cho chuyện học tập của cá nhân lẫn của các môn sinh Hà Lan học. Đến khi
được tiếp xúc với tiếng Anh và chuyển hướng sang Dương học, ông trở thành
người tiên phong dịch thuật các sách vở tiếng Anh trong bối cảnh có rất ít
64

kênh tài liệu. Tuy nhận thức được trở ngại to lớn khi khai mở lĩnh vực học
thuật mới nhưng Fukuzawa vẫn không quản ngại. Ông tự nhủ rằng bản thân
cần phải vượt qua những khó khăn đó để mang về giá trị cho Nhật Bản, tương
tự như những người tiên phong trong ngành Hà Lan học cũng hẳn đã rất vất
vả mới có thể tạo dựng được một ngành học mà thế hệ của ông được kế thừa.
Ngoài năng lực học nhanh hiểu sâu, Fukuzawa Yukichi còn sở hữu năng
lực quan sát nhạy bén. Lúc còn khá nhỏ, khi lần đầu được lên kinh thành Edo,
ông đã vô cùng ấn tượng với đứa bé giũa răng cưa bên đường. Ông cảm thấy
phương pháp giũa răng cưa của cậu bé khá mới lạ so với ở quê nhà và nghĩ
rằng mọi người ở quê ông nên học hỏi phương pháp ấy để nâng cao năng suất
làm việc. Khi lớn lên và tiếp xúc với nhiều vấn đề hơn, ông luôn tiếp cận vấn
đề theo hướng truy tìm gốc rễ chứ không dừng lại ở hiện tượng bên ngoài.
Chẳng hạn, khi cha ông mong muốn ông trở thành một nhà sư, ông cho rằng
đó không phải do cha ông đề cao đời sống đức hạnh tôn giáo. Điều đó chẳng
qua với chế độ quan lộ theo phả hệ của thời kỳ Tokugawa, con đường tiến
thân duy nhất chỉ có con đường chức sắc tôn giáo. Trước phong trào tôn
Vương đảo Mạc, Fukuzawa nhìn ra được mục đích của mọi người không phải
là khôi phục địa vị Thiên hoàng hay đề cao giá trị cũ, mà thực chất mọi người
chỉ chán ghét chính quyền đương thời và muốn tìm một chính quyền khác
thay thế. Chứng kiến sự hống hách của giới quan chức, ông cho rằng đó
không phải là kết quả của chế độ chính trị. Theo ông, sự hống hách lộng
quyền là tính cách xấu luôn tồn tại trong mỗi con người, chức quyền chỉ đóng
vai trò làm môi trường cho tính cách xấu ấy bộc phát mạnh mẽ mà thôi. Do
vậy, chế độ nhà nước thay đổi không phải là điều kiện đủ để xóa bỏ thói lộng
quyền trong quan chức, mà điều quan trọng phải là chỉnh đốn được lối suy
nghĩ và hành động của bản thân các quan chức ấy, cũng như cả tâm thế của
người dân. Ông luôn đề cao bản chất và cũng nhận thấy sự thiếu đi sâu vào
bản chất ở hầu hết người dân Nhật Bản. Thực trạng này của dân chúng dẫn
65

đến những hành động sai lầm nhưng lại bị lầm tưởng là anh dũng và nghĩa
hiệp. Chẳng hạn, khi chứng kiến những người tự ý giết người nhân danh “thay
Trời trừng phạt”, Fukuzawa chỉ ra rằng:
“Những người thuộc loại này thường không có cái nhìn tổng thể, họ vừa
cứng ngắc lại vừa nóng vội trước tiền đồ của quốc gia. Họ không nắm
được nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng như hiện nay của đất nước,
nên cũng không biết phải dùng biện pháp nào để đưa đất nước ra khỏi
tình cảnh hiện tại.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.101-102)
Năng lực nhạy bén còn mang lại cho Fukuzawa Yukichi sự thức thời.
Trong bối cảnh của buổi đầu va chạm văn minh, khi phần đông trí thức vẫn
còn loay hoay định vị bản thân trước làn sóng phương Tây thì Fukuzawa
Yukichi đã nhìn thấy vấn đề nằm trong chí khí chung của dân tộc. Ông tuyên
bố rằng “người Nhật Bản ta thiếu một loại động lực vốn dân tộc bình thường
nào cũng phải có, và chúng ta đang chìm trong một vũng ao tù. Chính bởi
vậy, trong suốt 250 năm Mạc phủ Tokugawa trị vì, rất hiếm người dấn thân
làm nên điều gì lớn lao” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.350). Ông truy tìm
nguyên nhân gốc rễ và thấy được mấu chốt làm kìm kẹp suy nghĩ của người
dân chính là ở các nền tảng phong kiến lạc hậu: “Con người bị đóng khung
theo quy định về thân phận, về đẳng cấp trên dưới, sang hèn. Có rất nhiều
phong tục cũ lạc hậu, nề nếp xấu xoay quanh mối quan hệ giữa vợ chồng,
giữa cha mẹ và con cái. Nó ăn sâu trong xã hội dưới nhiều hình thức khác
nhau” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.131). Theo Fukuzawa Yukichi, trong nề
nếp thứ bậc ấy, mọi người chỉ thực hiện theo số đông và nhằm thỏa mãn sự
đánh giá của xã hội. Thực chất, những mối quan hệ trói buộc như tòng phu,
tòng tử không làm người trong cuộc – chẳng hạn như người vợ – cảm thấy
thoải mái hạnh phúc hay thu lại giá trị thực tiễn nào. Hơn thế nữa, Fukuzawa
còn chỉ ra tính tương đối và sự lỗi thời của các học thuyết “thánh hiền” vốn
định hình nếp nghĩ của người dân:
66

“[...] lời của bậc thánh nhân hay hiền giả cũng không phải trăm phần
trăm đáng tin cậy, giáo lý trong kinh điển cũng không phải là hoàn toàn
không có chỗ đáng ngờ, xã hội lý tưởng của những bậc minh quân trong
truyền thuyết như Nghiêu-Thuấn cũng chẳng đáng để ngưỡng vọng,
hành động của bậc trung thần nghĩa sĩ không phải lúc nào cũng đúng.
Cổ nhân sống trong thời xưa mà làm việc cũ của họ. Bản thân ta sống
trong hiện tại thì phải làm việc của ngày nay. Chúng ta cứ chăm chăm
áp dụng những điều xưa cũ rồi đem vào thực tế bây giờ để làm gì mới
được?” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.252-253)
Nhận thức về tình trạng đất nước và khuyết điểm mấu chốt dẫn đến tình
trạng đó là một tiền đề quan trọng để Fukuzawa Yukichi xây dựng hệ thống
quan điểm của riêng mình. Đồng thời, điểm đặc biệt giúp Fukuzawa trở thành
nhà tư tưởng lỗi lạc chính là ông không sao chép rập khuôn những giá trị sẵn
có mà luôn có lối suy nghĩ độc đáo. Trong khi giới đứng trước hai làn sóng
Nho học và Tây học, tuy Fukuzawa đả phá mạnh mẽ hệ tư tưởng Nho giáo
nhưng không vì vậy mà ông vội vàng sao chép hình mẫu của các nước
phương Tây hùng mạnh. Học giả Shunsaku Nishikawa nhận xét rằng “Mặc dù
rõ ràng Fukuzawa học hỏi nhiều từ các nhà tư tưởng phương Tây, thế nhưng
ông không mù quáng gắn chặt vào văn minh phương Tây” mà thay vào đó chỉ
“xem đây là mô hình sử dụng tạm thời” (Shunsaku Nishikawa, 1993, tr.287).
Tính thức thời đã giúp Fukuzawa tìm ra được lối đi riêng và tạo nên sự độc
đáo trong tư tưởng của mình. Đồng thời, khuynh hướng truy tìm bản chất của
vấn đề giúp cho tư tưởng của Fukuzawa sở hữu giá trị và sức mạnh to lớn.
1.3.2. Tính cách của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư
tưởng về vấn đề công dân
Fukuzawa Yukichi sở hữu tính cách khá mạnh, sẵn sàng bày tỏ thái độ
của mình dù cho có đi ngược với xung quanh, thậm chí sẵn sàng chống đối
những điều lệnh của chính quyền. Ông vô cùng bất mãn với Mạc phủ
67

Tokugawa và chế độ đẳng cấp của Nhật Bản phong kiến. Ông cho rằng những
người trong chính quyền Mạc phủ “hoàn toàn là những người theo cổ phong,
không hề nghĩ đến việc mở mang đất nước hay chủ nghĩa tự do” (Fukuzawa
Yukichi, 2005, tr.278). Tuy nhiên, thái độ thù hằn của ông không dành cho
một cá nhân nhất định mà là sự bất bình trước hiện trạng xã hội chung. Chẳng
hạn, dù xem chế độ đẳng cấp và thói bè phái như “kẻ thù” nhưng Fukuzawa
“không hận bản thân những người thuộc các bè phái mà hận chính thói chia
bè phái, đẳng cấp” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.29). Thậm chí, khi nhìn thấy
thói ngạo mạn của những võ sĩ thuộc đẳng cấp cao, Fukuzawa Yukichi nói
rằng “họ cũng chỉ là những kẻ ngu tối, hăng máu lộng hành mà thực ra chẳng
hiểu biết gì. Thậm chí, tôi cho đó là những kẻ đáng phải xấu hổ và đáng
thương. Trong thâm tâm, chính tôi lại thấy khinh miệt họ” (Fukuzawa
Yukichi, 2005, tr.29).
Cá tính mạnh mẽ của Fukuzawa Yukichi không dừng lại ở thái độ bất
bình trước thực trạng xã hội mà còn thể hiện qua sự cương trực, quyết đoán,
dám nghĩ dám làm. Trong một quốc gia truyền thống Nho giáo, ông sẵn sàng
phát biểu trước học trò của mình rằng: “Tôi phải nói thế này, chẳng cần phải
nể nang Khổng Tử hay Chu Tử gì sất. Họ đã rao giảng những lời sai trái”
(Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.128). Ông nhiều lần từ chối lời đề nghị làm quan
chức trong cả triều đình Mạc phủ Tokugawa lẫn chính quyền Minh Trị. Thậm
chí, ông còn đem bán chiếc áo có thêu gia huy mà lãnh chúa tặng cho, dù đó
là thứ dùng để biểu hiện đẳng cấp mà rất nhiều người ao ước. Ông khẳng định
rằng mình “không những không có chút tham vọng kinh bang tế thế, phong
quan tiến chức để đợi ngày mặc áo gấm về làm cho người Nakatsu phải lóa
mắt, mà ngược lại áo gấm làm tôi thấy xấu hổ, không thể mặc được”
(Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.293). Đây không phải là một lời tự nhận xét
suông, mà trên thực tế Fukuzawa Yukichi đã thể hiện đúng tinh thần này qua
thái độ và hành động trong suốt cuộc đời của ông.
68

Kết luận chương 1


Sự nảy sinh của tư tưởng Fukuzawa Yukichi nói chung và quan điểm về
vấn đề công dân nói riêng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của Nhật Bản trong
giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Đó là yêu cầu hiện đại hóa đất nước để tạo được
sức mạnh đứng vững trước làn sóng phương Tây, bảo vệ độc lập và vị thế của
quốc gia. Ở thời điểm đó, xã hội phong kiến Nhật Bản mang nhiều nét đặc thù
do đã trải qua chế độ cai trị hà khắc của triều đình Mạc phủ Tokugawa. Dân
chúng được sắp xếp vào hệ thống đẳng cấp tứ dân dựa trên xuất thân và nghề
nghiệp, quy định nghiêm ngặt về cách sinh hoạt, xưng hô, ứng xử giữa các
đẳng cấp với nhau. Fukuzawa Yukichi cảm thấy cách phân chia thành phần
dân chúng này là vô lý và bất công, đồng thời còn làm cho người dân mất đi
tinh thần độc lập, tự chủ, không dám có suy nghĩ của riêng mình và thờ ơ với
các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên về mặt tích cực, cách cai trị nghiêm ngặt của triều đình
Tokugawa đã mang lại một thời kỳ hòa bình ổn định hiếm có, giúp dân tộc
Nhật Bản có được tính cách thuần nhất. Đồng thời, thương nghiệp và thủ
công nghiệp phát triển vượt bậc khiến giới thương nhân và thợ thủ công
chiếm ưu thế về kinh tế, làm xáo trộn quan niệm thứ bậc trong hệ thống tứ
dân. Sự phân chia đẳng cấp trong nội bộ tầng lớp võ sĩ cộng với chế độ bổng
lộc chênh lệch khiến các võ sĩ cấp thấp phải tham gia vào hoạt động thủ công
và buôn bán, từ đó tác phong, thái độ và các suy nghĩ của tầng lớp này – trong
đó có Fukuzawa Yukichi – biến đổi đáng kể.
Tuy Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống của triều đình Tokugawa, thế
nhưng học thuật vào thời kỳ này lại rất cởi mở và sôi động. Nhờ đó,
Fukuzawa Yukichi vừa có nền tảng Nho học, vừa được lĩnh hội kiến thức
khoa học, kỹ thuật, y học từ ngành Hà Lan học, đồng thời còn tiên phong ở
ngành Tây học. Các học giả thời kỳ này cũng bắt đầu xem xét lại các vấn đề
về dân tộc, quốc gia, chủ quyền… nhưng chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng Nho
giáo và thần thoại Nhật Bản. Với cơ hội tiếp xúc với những kiến thức đến từ
69

phương Tây, Fukuzawa Yukichi đã có được nền tảng mới cho việc giải thích
các vấn đề thời đại này. Lập luận về vấn đề công dân của Fukuzawa Yukichi
là sự tiếp thu các giá trị tư tưởng khai sáng phương Tây như vấn đề tự do, tự
chủ, khế ước xã hội, pháp quyền… Đáng chú ý, sự tiếp thu của Fukuzawa
Yukichi không hề rập khuôn sao chép mà ông đã phân tích so sánh bối cảnh
giữa Nhật Bản và nước ngoài. Tuy chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ các giá trị
phương Tây, thế nhưng Fukuzawa luôn nhấn mạnh rằng mỗi giá trị tư tưởng
đều có những hạn chế, do đó cần phải nắm được cốt lõi giá trị của tư tưởng, từ
đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp với trường hợp của chính mình.
Xuất thân và năng lực cá nhân của Fukuzawa Yukichi cũng là một yếu tố
quan trọng không thể thiếu. Xuất thân võ sĩ giúp ông có cơ hội học tập tốt hơn
so với tầng lớp bình dân, từ nhỏ đã được học qua Hán học và hiểu hết các nội
dung kinh điển. Fukuzawa Yukichi sở hữu năng lực học tập hơn người và khả
năng quan sát nhạy bén, có xu hướng truy tìm bản chất của vấn đề. Mặt khác,
gia đình thuộc tầng lớp thấp cộng thêm việc cha mất sớm khiến Fukuzawa từ
nhỏ đã phải chịu sự phân biệt đối xử, từ đó nảy sinh tâm lý bất mãn và tức
giận. Tuy nhiên điều đặc biệt ở Fukuzawa chính là ông không dành sự căm
ghét cho một cá nhân nào mà đã sớm nhận ra vấn đề căn bản nằm ở chế độ
phong kiến đương thời. Đó chính là động lực để ông tích cực cải biến nếp
nghĩ của người dân Nhật Bản.
Có thể thấy tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là kết quả của yếu tố thời
đại cộng với yếu tố cá nhân, là sự kết hợp giữa tư tưởng truyền thống với các
va chạm văn minh phương Tây. Bối cảnh thời đại đã khiến Nhật Bản nảy sinh
nhiều trường phái tư tưởng và lối đi mới. Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là
một bộ phận trong hoạt động học thuật sôi nổi ấy. Không những thế,
Fukuzawa Yukichi còn trở thành học giả có ảnh hưởng hơn cả, điều đó chính
nhờ vào cá tính mạnh mẽ, năng lực vượt trội và cách tư duy truy tìm bản chất
của ông. Tất cả những tiền đề nêu trên đã cùng nhau làm nên tính độc đáo và
giá trị vượt thời đại cho tư tưởng Fukuzawa Yukichi.
70

Chương 2
NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG TƯ TƯỞNG
CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN

2.1. NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ


CÔNG DÂN
2.1.1. Khái niệm “công dân”
Thứ nhất, quan niệm “công dân” trong lịch sử triết học:
“Công dân” là vấn đề bàn luận khá xuyên suốt và được tiếp cận dưới
nhiều góc độ. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, các triết gia lỗi lạc như Socrates,
Platon, Aristoteles… đã đi tìm bản chất và phẩm hạnh cần có của một công
dân. Công dân ở thời kỳ này được hiểu là thành viên trong một thành bang –
tức tổ chức quốc gia – nào đó, là một cá nhân tự do và sở hữu các phẩm chất
mà chế độ chính trị của thành bang đó yêu cầu. Trong thể chế chính trị lý
tưởng của Aristoteles, các công dân “đều có các phẩm hạnh và phương tiện để
thực hiện chúng trong thực tiễn và nhờ đó đạt đến một cuộc sống hạnh phúc
hoàn toàn. Chính thể của nhà nước lý tưởng là một chính thể trong đó mọi
công dân đều đạt được hạnh phúc và thịnh vượng” (Nguyễn Tiến Hùng, 2012,
tr.141). Công dân có thể tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc không,
nhưng nhìn chung công dân cần đạt những phẩm chất về đạo đức, tư duy và
nghệ thuật để có thể tham gia trơn tru vào công việc thành bang hoặc trực tiếp
đóng góp cho hoạt động chính trị thông qua bầu cử, lập pháp…
Tuy một số triết gia tách biệt công dân ra khỏi bộ phận cai trị bởi cho
rằng hoạt động chính trị là lĩnh vực của riêng giới triết gia, thế nhưng có thể
nói công dân của thời kỳ Hy Lạp-La Mã mang tính cách chính trị khá cao. Họ
không phải lao động chân tay, không tham gia vào công việc sản xuất của cải
vật chất, có khả năng hiểu được nghệ thuật và chính trị, đồng thời có quyền –
hoặc nghĩa vụ – tham gia vào các quyết định chính trị của nhà nước. Khái
niệm “công dân” ở thời kỳ Hy Lạp-La Mã không bao hàm toàn bộ tầng lớp bị
71

trị. Giới thống trị và công dân là những cá nhân tự do chiếm thiểu số trong
cộng đồng thời bấy giờ, trong khi số đông còn lại chính là tầng lớp nô lệ. Nô
lệ là lực lượng sản xuất phục vụ cho nhu cầu của các tầng lớp trên, phải phụ
thuộc vào tầng lớp trên và hoàn toàn không có quyền quyết định cho cuộc
sống của chính bản thân mình.
Bước đến xã hội Trung cổ, thành thị phát triển lớn mạnh dẫn đến việc
khái niệm “công dân” bao hàm thêm giới thương gia và thợ thủ công. Bộ
phận này vốn chỉ được xem như một lực lượng sản xuất nhưng đến giai đoạn
Trung cổ đã trở nên lớn mạnh và tạo ra ảnh hưởng xã hội nhất định. Thành
phần trong tập hợp công dân mở rộng, thế nên hoạt động tinh thần ở thời kỳ
này của công dân cũng phong phú hơn, không còn gói gọn trong các công
việc chính trị nhà nước mà đã rộng sang các lĩnh vực có tính “cá nhân” hơn
như vấn đề con người, khoa học, thế giới lý tính…
Thế kỷ XVII bắt đầu nhấn mạnh vào vai trò của con người cá nhân, xem
nhà nước và chính trị chỉ là một sản phẩm của hoạt động con người, khác với
các quan niệm trước đó cho rằng con người phải hoàn toàn tuân theo thể chế
nhà nước. John Locke đã chỉ ra những “quyền tự nhiên” bất khả xâm phạm
của con người, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu. Đến thời kỳ
này, công dân trở thành “chủ thể sáng tạo” của nhà nước, sở hữu quyền phản
kháng trước nhà nước như một “quyền lực tự nhiên”. Theo Thomas Hobbes,
việc công dân phải đáp ứng một số phẩm chất nhất định mà nhà nước đòi hỏi
chính là một “phương tiện” để đảm bảo hòa bình cho nhà nước ấy. Quan điểm
này khác với truyền thống triết học Hy Lạp khi Aristoteles cho rằng các phẩm
chất đạo đức chính là mục đích rèn luyện của các công dân.
Những nhà Khai sáng như John Locke hay Jean-Jacques Rousseau mở ra
quan niệm về tính bình đẳng giữa công dân với nhà nước. Vấn đề bình đẳng
này nảy sinh trong bối cảnh “nhà nước trở thành công cụ đàn áp nhân dân.
Khế ước xã hội trở thành phương tiện hợp pháp hóa sở hữu tư nhân cũng như
72

mọi bất công trong xã hội” (Nguyễn Tiến Dũng, 2006, tr.354). Trước mâu
thuẫn sâu sắc như thế, các triết gia khai sáng cho rằng mối quan hệ thống trị-
bị trị giữa công dân và nhà nước chẳng qua là một thỏa thuận mà ở đó mỗi
bên tự nguyện từ bỏ một số quyền lợi vốn có để đổi lấy những quyền lợi
khác to lớn hơn mà người ta không thể có được khi đứng đơn độc. Về bản
tính tự nhiên, mỗi công dân trong nhà nước đều tự do và bình đẳng. Đồng
thời, tính tự do bình đẳng này cũng như quyền dân chủ của công dân cần
phải được bảo vệ thông qua xây dựng khuôn khổ pháp lý. Đây cũng là công
cụ để người dân kiểm soát được mức độ thực thi pháp luật – thực thi tính
công bằng – của nhà nước.
Qua các bàn luận trên, có thể hiểu rằng “công dân” là bộ phận chịu sự
quản lý của nhà nước, thỏa mãn một số yêu cầu về năng lực, phẩm chất, có
quyền và nghĩa vụ nhất định đối với công việc chung của cộng đồng nhà nước
đó. Có những giai đoạn công dân không bao gồm tất cả các thành phần bị cai
trị, gạt bỏ tầng lớp sản xuất như nô lệ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân…
Đặc điểm nổi bật của khái niệm “công dân” chính là tính cách chính trị, tức
khả năng hiểu và tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng nhà nước.
Theo sự phát triển của xã hội, thành phần công dân ngày càng được mở rộng
ra các lĩnh vực nghề nghiệp, xuất thân đa dạng. Tính bình đẳng giữa công dân
và bộ phận cai trị ngày càng được nhấn mạnh và phát triển, đồng thời công
dân cũng được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào các công việc chung của
đất nước thông qua các hoạt động như tìm hiểu, giám sát, thảo luận…
Ở chế độ phong kiến nói chung và phong kiến phương Đông nói riêng,
tầng lớp dân chúng trong một đất nước thường thường được hiểu với khái
niệm “thần dân”. Điểm khác biệt nổi bật của “thần dân” so với “công dân”
chính là sự thần phục dưới một cá nhân thống trị là vua chúa. Khổng Tử cho
rằng đất đai dưới gầm trời tất cả đều là sở hữu của nhà vua, vì vậy các cá nhân
sống trong lãnh thổ của nhà nước cũng là “con” vua và phải tuân theo mọi ý
73

chí của vua. Dân là tầng lớp bị trị, tham gia hoạt động sản xuất và bị xem là
có năng lực, đạo đức, địa vị thấp hơn tầng lớp thống trị. Cách xác định phạm
vi của thành phần dân chúng trong quan điểm Nho giáo có đôi chút không
thống nhất. Có khi dân là toàn bộ những cá nhân trong một đất nước trừ vua
chúa, khi đó dân bao gồm cả quan lại cai trị và các thành phần quý tộc. Có khi
dân chỉ gồm lực lượng lao động sản xuất như nông dân, thợ thủ công, thương
nhân… mà không bao gồm giới vua chúa và quan lại, quý tộc cai trị. Có khi
dân nói đến tất cả những ai không tham gia vào công việc cai trị, khi đó dân
chỉ loại trừ vua và quan chức đương nhiệm – ở cách hiểu này, vương thân và
những trí thức không ra làm quan hoặc đã từ quan cũng thuộc vào tầng lớp
dân. Tuy cách giới hạn thành phần dân chúng có những khác nhau như thế
nhưng chung quy lại, dân là bộ phận chịu sự cai trị của chế độ vua chúa và
phải thần phục tuyệt đối mệnh lệnh dựa trên ý chí cá nhân của vua chúa.
Nho giáo xem dân là bộ phận hiển nhiên chịu sự điều khiển, sai khiến
của tầng lớp thống trị bởi họ mang những đặc tính thấp kém và không thể
hiểu được các công việc trí tuệ. Mạnh Tử cho rằng:
“Trong xã hội bao giờ cũng có người làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm
việc bằng tay chân; người làm việc bằng tâm trí thì cai trị dân chúng; kẻ
làm việc bằng tay chân thì chịu quyền điều khiển, sai khiến; kẻ chịu
quyền điều khiển có phận sự cung cấp cho tầng lớp cai trị dân chúng
được dân chúng phụng dưỡng; đó là lẽ thông thường trong thiên hạ
vậy.” (Mạnh Tử, 1996, tr.167)
Về cách cai trị dân chúng, Khổng Tử nhận định “đối với dân thì không
nên giảng giải những điều cao siêu mà nên dạy những điều để dễ sai khiến
họ” (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2002, tr.360). Vai trò của người dân chỉ là
lực lượng lao động chân tay sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, bao gồm
cả nuôi sống tầng lớp thống trị. Lao động để phục vụ và nuôi dưỡng giới cai
trị là nghĩa vụ của người dân bởi giới cai trị là những người phải “lao tâm” để
74

quản lý được số đông còn lại. Khi nói về tính “ngu muội” của dân chúng, các
học giả Nho giáo thường muốn ám chỉ bộ phận lao động chân tay chứ không
bao gồm giới trí thức và quan lại. Xem thường tầng lớp lao động chân tay là
điểm nổi bật trong hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo. Do vậy, dù vẫn chịu sự
cai trị và thực hiện nghĩa vụ phục tùng bộ phận thống trị nhưng giới “thường
dân” bị thường bị gạt ra khỏi các công việc chung, đồng thời nhà nước cũng
không cố gắng giáo dục người dân để họ đạt được năng lực hiểu và tham gia
vào các công việc chung ấy.
Nhìn chung, đối với Nho giáo, người dân đóng vai trò là lực lượng lao
động sản xuất cho xã hội. Đồng thời, người dân là đối tượng cai trị, là bộ
phận không thể thiếu trong mối quan hệ cai trị-bị trị để hình thành nên một
quốc gia. Tư tưởng Nho giáo cũng xem “dân là gốc”, nhấn mạnh tầm quan
trọng của dân đối với sự tồn tại của đất nước, thế nhưng dân không phải là
mục tiêu cho sự phát triển xã hội. Nguyễn Thanh Bình nhận xét:
“Về thực chất, dân là gốc, là quý, nhưng trong quan niệm của các nhà
Nho chỉ là phương tiện để giai cấp thống trị đạt tới những mục đích
chính trị, chứ không thể là mục đích của nền chính trị. Cũng do vậy mà,
ở Nho giáo tuy có yếu tố dân chủ (dù hết sức hạn hẹp) nhưng không thể
có tư tưởng dân quyền, không thể phát triển thành chủ nghĩa nhân đạo,
thành tư tưởng dân chủ được.” (Nguyễn Thanh Bình, 2007, tr.75)
“Công dân” và “thần dân” đều là bộ phận chịu sự quản lý và cai trị của
bộ máy chính quyền, thường chiếm số lượng đa số trong nhà nước nhưng
điểm khác nhau cơ bản của hai hình thức dân chúng này chính là mức độ
tham gia vào các hoạt động chính trị và mức độ phục tùng tầng lớp thống trị.
Đối với thần dân của chế độ phong kiến, họ bị xem là không đủ năng lực và
phẩm chất để tiếp thu các vấn đề trong công việc quản lý đất nước, bị gán cho
địa vị thấp kém và xem như một bộ phận sản xuất của cải vật chất phục vụ
cho các tầng lớp trong xã hội. Mối quan hệ giữa thần dân và giai cấp thống trị
75

là mối quan hệ trên-dưới một chiều, thần dân có nghĩa vụ phục tùng mọi mệnh
lệnh của vua chúa. Mệnh lệnh đó thể hiện ý chí cá nhân của người cầm quyền
chứ không nhất thiết phải bao hàm lợi ích của dân chúng. Còn ở công dân, khái
niệm này hướng đến sự bình đẳng giữa giới thống trị và tầng lớp chịu sự cai trị.
Họ cần phải thỏa mãn những phẩm chất và năng lực nhất định để có thể hiểu và
tham gia vào các hoạt động chính trị. Tuy rằng cũng có một số triết gia phương
Tây đề xuất không để công dân trực tiếp điều hành công việc chính trị, nhưng
khác với ở chế độ Nho giáo cho rằng bản chất dân chúng là ngu muội không
thể cải biến, lý do của các triết gia phương Tây này chính là vì công việc chính
trị đòi hỏi rất cao về trí tuệ và đạo đức nên chỉ có giới triết gia mới đủ khả năng
đảm nhiệm chức năng này. Do vậy, ở phương Tây công dân vẫn luôn được
khuyến khích phát triển ý thức về chính trị. Năng lực, nghề nghiệp, xuất thân
của công dân có thể khác nhau nhưng vẫn có những cách thức đa dạng để đóng
góp vào công việc chung của cộng đồng, của đất nước.
Thứ hai, quan điểm của Fukuzawa Yukichi về khái niệm “công dân”:
Giữa tình trạng phong kiến hà khắc và khủng hoảng tư tưởng của Nhật
Bản cuối thời Tokugawa, ý niệm về công dân hiện đại của Fukuzawa Yukichi
bắt đầu khi ông được tiếp xúc với sách vở phương Tây, đặc biệt khi ông
nghiên cứu và tìm dịch về lịch sử, chính trị, kinh tế, pháp luật… của các nước
phương Tây. Học giả Iida Kanae chỉ ra rằng:
“Trong tác phẩm Tây dương sự tình, khi khảo sát về các hình thức chính
quyền tiêu biểu, Fukuzawa đã thể hiện lập trường xem trọng tính tự do
dân chủ khi đề cao nền chính trị của nước Anh. Đó là hệ thống chính trị
mà người dân được tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do tôn giáo, khuyến
khích nghệ thuật, phát triển giáo dục và nuôi dưỡng tài năng, vận hành
dựa trên các nguyên tắc pháp quyền.” (Iida Kanae, 1982, tr.57-58)
Tiếp thu các giá trị mới mẻ từ phương Tây, Fukuzawa Yukichi nỗ lực
phá bỏ trạng thái thần dân tồn tại trong chế độ phong kiến, là trạng thái mà
76

người dân chỉ biết “nhũn như chi chi”, bị lèn chặt trong các quy định của xã
hội và không dám có suy nghĩ của riêng mình. Ông mong muốn xây dựng nên
những công dân hiện đại, đó chính là những “quốc dân”, là những con người
có tinh thần độc lập, ý thức chính trị và tự tôn dân tộc.
Nếu như hệ tư tưởng phong kiến thường tập trung vào bổn phận của cá
nhân trong các mối quan hệ xã hội thì Fukuzawa Yukichi lại mong muốn vạch
ra những quyền lợi mang tính “cá nhân”, mang tính “con người” hơn. Ông chỉ
ra những quyền tự nhiên cơ bản và bất khả xâm phạm của mỗi người, đó là
quyền về sinh mạng, tài sản, danh dự. Những quyền này có ở bất kỳ ai, bất kể
trình độ hoặc xuất thân họ có khác nhau đi chăng nữa:
“Vậy thì thế nào là quyền lợi của con người? Đó chính là quyền coi
trọng sinh mạng, quyền bảo vệ tài sản, quyền tôn trọng nhân cách và
danh dự. […] Kể từ khi sinh ra con người ở thế giới này, Trời […] đã
quy định rõ ai cũng có quyền sống. Không kẻ nào được phép xâm phạm
quyền lợi đó. Sinh mạng của lãnh chúa cũng quý giá như sinh mạng của
người làm thuê. Ý thức bảo vệ đống gia tài khổng lồ của các nhà tư bản
kếch sù cũng không khác gì ý thức bảo vệ đồng vốn ít ỏi của người người
buôn lặt vặt.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.41)
Fukuzawa Yukichi vô cùng đề cao tự do cá nhân. Quan điểm về tự do
của Fukuzawa đả phá định kiến về đẳng cấp đè chặt người dân Nhật Bản từ
thời phong kiến. Trong hệ thống thứ bậc mà chế độ Tokugawa quy định,
quyền tự do của người dân vô cùng hạn chế và khác nhau tùy vào đẳng cấp,
xuất thân của mỗi người. Với Fukuzawa, đây là lối áp đặt vô cùng vô lý và đã
tước đoạt tinh thần tự tôn, tự chủ của người dân. Ông khẳng định rằng: “Ý
thức tự do tự chủ là do trời ban tặng, không bị ràng buộc bởi xuất thân và
không thể đem ra mua bán” (Fukuzawa Yukichi, 1958, tr.392). Kể cả khi là
công dân trong một quốc gia và chịu sự quản lý của pháp luật, quyền tự do cơ
bản này cũng không mất đi: “Trừ trường hợp can thiệp nhằm chấn chỉnh hành
77

vi của ai đó, ngoài ra kể cả luật pháp cũng không thể tước đoạt tự do của mỗi
cá nhân” (Fukuzawa Yukichi, 1958, tr.392). Ý thức được tính tự nhiên bất
khả xâm phạm này, mỗi người cần phải ra sức bảo vệ quyền tự do của chính
mình bất kể phải đối diện với sức mạnh, quyền thế áp đảo mình: “Những
kháng nghị hợp lòng dân, đúng đạo Trời, dù có phải đổi cả tính mạng chúng
ta cũng phải tranh đấu. Đây là bổn phận mà mỗi người dân chúng ta phải thực
hiện đối với đất nước” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.32).
Khi con người là một bộ phận trong một quốc gia dân tộc, quyền tự do
cá nhân sẽ gắn với quyền tự do cho dân tộc. Khi đó, công dân cần phải ra
sức bảo vệ tính tự tôn, tự chủ của dân tộc mình, thậm chí phải hy sinh lợi
ích của cá nhân mình: “Khi quốc gia chịu nỗi nhục mất nước thì mọi người
dân Nhật, không trừ một ai, đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ thanh danh của
Tổ quốc. Như vậy, đất nước mới tự do, quốc gia mới độc lập” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.29).
Có thể thấy, “công dân” trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là những
con người tự do, độc lập và gắn chặt bản thân vào lợi ích chung của quốc gia,
dân tộc. Đây là bước tiến bộ của Fukuzawa Yukichi trong bối cảnh phong
kiến đương thời, nơi chế độ đẳng cấp đang thống trị và người dân biết đến
“nghĩa vụ” nhiều hơn là “quyền”.
2.1.2. Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về mối quan hệ giữa công
dân với nhà nước
Tình trạng“thần dân” trong chế độ phong kiến Mạc phủ là tiền đề để
Fukuzawa Yukichi phân tích vấn đề công dân. Ông khẳng định trạng thái
“thần dân” này mang tính độc hại và cần phải xóa bỏ để có thể xây dựng
tinh thần “công dân” hiện đại. Bằng sự tiếp thu các giá trị phương Tây kết
hợp với quan sát tình trạng thực tế tại Nhật Bản, Fukuzawa đã rút ra những
nhận định của riêng mình về bản chất của mối quan hệ giữa công dân với
nhà nước.
78

Thứ nhất, mối quan hệ giữa công dân và nhà nước mang tính khế ước
và bình đẳng.
Các học thuyết tại phương Đông nói chung và Nhật Bản nói riêng cho
rằng tầng lớp cai trị sở dĩ có thể ở địa vị thống trị là bởi vì họ ưu việt hơn số
đông dân chúng bị trị kia. Tầng lớp thống trị chính là giới tinh hoa, lao động
trí óc vất vả hơn rất nhiều so với lao động chân tay và do đó, người lao động –
tức giới bình dân – phải biết ơn và có nghĩa vụ phục tùng cho những người
cai trị mình.
Fukuzawa Yukichi hoàn toàn phản đổi quan niệm truyền thống đó. Ông
cho rằng người dân và người thuộc bộ máy chính quyền dù đứng ở những vị trí
khác nhau nhưng chung quy lại cũng đều là người Nhật – là những cá nhân
mang đặc tính giống nhau và cùng tập hợp tạo thành một tập thể thống nhất. Để
một cộng đồng có thể vận hành trơn tru, những người trong cộng đồng đó cần
phân chia vai trò và lập ra hội đồng đại diện quản lý các công việc chung. “Nhân
dân và chính phủ thỏa thuận với nhau để chính phủ soạn thảo, ban hành các đạo
luật, nhân dân dựa trên các đạo luật đó để làm ăn sinh sống” (Fukuzawa Yukichi,
2015, tr.44). Vì thế, việc các cá nhân cùng sống trong một đất nước có sự phân
tách thành hai bộ phận là dân chúng và chính phủ chẳng qua chỉ là một thỏa
thuận ngầm thuận theo quy luật phát triển xã hội mà thôi. Trong mối quan hệ
được thỏa thuận ấy, mỗi bên đều thu về những quyền lợi cho mình và đồng thời
phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia. Nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân và
chính phủ là kết quả của sự bàn bạc, thỏa thuận từ cả hai bên. Khi chính phủ
soạn thảo luật pháp để áp dụng lên đời sống dân chúng, vì chính phủ là đại diện
cho ý nguyện của người dân nên luật pháp cũng chính là tập hợp các quy định
mà quần chúng nhân dân đặt ra. Luật pháp chính là sự cụ thể hóa những thỏa
ước giữa người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền.
Bản chất việc phân chia hai bộ phận dân chúng và chính quyền chính là
nhằm phân chia công việc trong xã hội: người dân lao động làm ra thóc gạo,
79

hàng hóa; chính phủ trấn áp bảo đảm an ninh bằng việc thiết lập và thi hành
luật pháp. Nghĩa vụ của chính phủ chính là đảm bảo đời sống người dân.
Ngược lại, người dân cần phải nộp thuế, thóc gạo cho ngân sách chính phủ.
Việc thu ngân sách này là cần thiết bởi vì công việc của chính phủ không tạo
ra sản phẩm, không tự tạo ra được nguồn lực vật chất để thực hiện công việc
quản lý của mình nên phải dựa vào nguồn lực từ dân chúng. Có thể thấy, mối
quan hệ giữa chính phủ và người dân là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, không
ai đứng trên ai, “chính phủ hay dân chúng thì cũng chỉ là danh nghĩa khác
nhau, và chức phận khác nhau, chứ về mặt địa vị thì không phân biệt đâu là
người trên, kẻ dưới” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.253). Sự đóng góp tài lực
của người dân vào chính phủ sau cùng cũng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của
chính người dân: nhu cầu được bảo vệ và đảm bảo đời sống an sinh.
Fukuzawa Yukichi khẳng định: “Quan hệ giữa chính phủ và nhân dân [...] chỉ
khác nhau ở tình trạng giàu nghèo mạnh yếu. Còn quyền lợi thì hoàn toàn
ngang nhau” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.44).
Fukuzawa Yukichi vô cùng phê phán tâm lý tôn chính quyền thành
“Đấng bề trên” tồn tại trong thời phong kiến Mạc phủ. Vị thế “bề trên” này
khiến cho giới quan chức chính quyền có thể tùy ý tiêu xài của cải của dân
chúng vì cho rằng người dân chịu ơn sự cai trị của chính quyền, do đó người
dân phải “đền ơn, báo đáp đất nước”. Fukuzawa lập luận phủ nhận thái độ này
như sau:
“Lập ra luật pháp, bảo vệ dân chúng giữ gìn an ninh… là công việc, là
nghĩa vụ đương nhiên của chính quyền; không thể coi đó là sự ban ơn,
không thể coi đó là lòng tốt để rồi bắt dân phải hàm ơn hay báo đáp lại
chính quyền. Nếu như chính quyền nghĩ như vậy thì ngược lại người dân
sẽ nói rằng: chính quyền phải hàm ơn dân và báo đáp cho dân mới phải,
vì chính quyền sống bằng tiền thuế, tiền thóc lúa do dân đóng, cớ sao lại
có chuyện ngược đời như thế được?” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.45)
80

Ngoài ra, Fukuzawa Yukichi còn thấy rằng tâm lý “ban ơn” trong mối
quan hệ cai trị của chính phủ với công dân vẫn tồn tại kể cả khi chính quyền
Minh Trị đã được xây dựng theo kiểu hiện đại. Ông chỉ ra nguyên nhân thực
trạng đó, cho rằng đó là do mọi người trong xã hội vẫn chưa thực sự hiểu bản
chất của bình đẳng là gì. Muốn khắc phục tình trạng này, cả người dân lẫn
chính phủ đều phải hiểu được bản chất bình đẳng của con người trong xã hội.
Đó là, bất kỳ ai khi sinh ra đều tự nhiên sở hữu tính bình đẳng về quyền lợi và
tư cách, vậy nên mỗi cá nhân dù thuộc bộ phận công dân hay chính quyền
cũng đều bình đẳng, có tư cách và quyền lợi giống như nhau.
Ý thức về tính bình đẳng trong mối quan hệ công dân-nhà nước này sẽ
tăng lên khi dân trí phát triển. Trong thời kỳ dân trí còn ngu muội, người dân
tuân phục nhà nước do bị áp chế bởi hai yếu tố chủ yếu: tính thần thánh hóa
chính quyền và sự áp chế bằng vũ lực. Chế độ chính trị thần quyền áp vào
người dân suy nghĩ rằng sự cai trị mà họ đang chịu là hiển nhiên, thuận theo
lẽ trời và không thể kháng cự. Vũ lực khiến người dân phục tùng mệnh lệnh
trong sợ hãi mà không dám nảy sinh suy nghĩ đi ngược với ý chí của kẻ cầm
quyền. Cả hai yếu tố đó đều triệt tiêu tinh thần tự do của người dân, khiến
người dân trở thành một “con rối” trong tay nhà cầm quyền, chỉ biết tuân
phục mệnh lệnh mà không biết suy nghĩ bản chất đằng sau những mệnh lệnh
ấy. Fukuzawa khẳng định rằng đường lối cai trị như thế này sẽ không thể duy
trì được lâu dài. Theo ông, bạo lực nào cũng sẽ phải suy tàn để thay bằng sự
áp đảo của trí lực. Khi trí lực phát triển trong quần chúng nhân dân, người dân
sẽ không tiếp nhận ý kiến và hành động của chính quyền một cách rập khuôn
như một lẽ hiển nhiên nữa. Thay vào đó, mọi người sẽ truy tìm nguyên nhân
sâu xa đằng sau những lời nói và hành động trước mắt:
“Cho dù một kẻ cai trị có tự mình tích đức, dùng “lễ nhạc – chinh
phạt” mà thực thi ân huệ, quyền uy đi nữa, thì nhân dân cũng sẽ trước
hết tìm hiểu quân chủ là người như thế nào, truy cho cặn kẽ cái ân cái
81

uy ấy, rồi dựa vào đó mà cân nhắc ơn mưa móc nào đáng để nhận,
cũng như bất khuất trước cái uy nào không đáng để sợ.” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.254)
Ngoài ra, khi trí lực của người dân phát triển, họ sẽ tự đánh giá được
đúng sai, thưởng phạt mà không cần dựa trên những nguyên tắc, đạo lý do
chính phủ đặt ra. Mọi người sẽ làm việc tốt, tránh việc xấu vì chính những
cảm giác hạnh phúc hay xấu hổ sinh ra trong bản thân mình thay vì chạy theo
lời đánh giá của người khác hoặc lời của cổ nhân như lúc còn ngu muội. Kéo
theo đó, mệnh lệnh của chính phủ sẽ không còn được xem như chân lý để mọi
người điều chỉnh bản thân. Đến lúc này người dân đã có thể tự chủ cho cuộc
sống riêng mình, do vậy chính phủ không còn nhiều vai trò trong việc kiểm
soát tôn giáo, giáo dục, uốn nắn đời sống thường nhật của dân chúng. Khi đạt
được mức độ tiến bộ như thế, chiến tranh và hình phạt không còn xuất hiện
nhiều trong đời sống nhân dân. Theo Fukuzawa Yukichi, “chính phủ khi ấy
không còn là một công cụ để trấn áp cái xấu, mà đơn giản chỉ tồn tại để sắp
xếp sự việc trong trật tự, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu lao động lãng phí”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.258).
Thứ hai, mối quan hệ công dân-nhà nước vận hành thông qua luật pháp.
Dù ở thời kỳ nào, nhà nước cũng gắn liền với các quy định, luật lệ. Theo
chiều hướng phát triển của văn minh, các điều luật ngày càng chặt chẽ hơn và
dần trở thành luật pháp. Luật lệ hay luật pháp luôn đóng vai trò là công cụ
quản lý xã hội của chính quyền. Người dân cần phải điều chỉnh hoạt động đời
sống của mình dựa trên các điều luật quy định ấy. Đồng thời, mức độ nghiêm
ngặt và chặt chẽ của luật cũng phản ánh tình trạng của xã hội tương ứng.
Fukuzawa Yukichi nhận thấy rằng ở thời kỳ nhà nước chưa đạt đến trình
độ “văn minh”, luật lệ do chính quyền ban hành khá lỏng lẻo và đơn giản.
Chính quyền không xem các điều luật là căn cứ cho việc điều hành, phán xử
mà chủ yếu dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tình cảm. Luật lệ trong
82

thời buổi ấy cũng chỉ là những nguyên tắc cơ bản và người thực thi pháp luật
dễ dàng diễn giải lại luật lệ theo từng trường hợp của bản thân sao cho chúng
thỏa mãn các nguyên tắc đạo đức:
“Xưa kia trong xã hội dã man và chưa văn minh, vua-dân là một khối,
thiên hạ là một nhà, pháp luật chỉ tựu trung vào đôi ba điều. Nhân quân
hiền tướng thì thành thật chăm lo cho dân, trung thần nghĩa sĩ thì hy
sinh tính mạng để phụng sự quân chủ, dân chúng thì được bề trên giáo
hóa, trên dưới trong xã hội thì được phân định rõ ràng. Cách tổ chức
này không dựa vào quy tắc mà chủ yếu dựa vào tình cảm, dùng đạo đức
để mở ra cõi thái bình.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.272)
Fukuzawa không phê phán hay chê bai tình trạng pháp luật lỏng lẻo này.
Theo ông, không phải người xưa không coi trọng nguyên tắc, mà sự lỏng lẻo
này do trình độ phát triển của xã hội quy định. Ở thời kỳ dã man và bán khai,
dân trí còn thấp, hoạt động lao động và đời sống của nhân dân khá đơn giản.
Ngành nghề ít, các mối quan hệ xã hội ít, do vậy những việc phát sinh cần
đến sự giải quyết của chính quyền cũng chỉ xoay quanh một số ít vấn đề.
Luật lệ bắt đầu trở nên chặt chẽ khi dân trí nâng cao và đời sống xã hội cũng
theo đó phức tạp hơn.
Tuy là phản ánh cho trình độ xã hội, nhưng sự lỏng lẻo của luật pháp đã
dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho đời sống cũng như nhận thức của người
dân. Các nguyên tắc tình cảm và đạo đức mang tính mềm dẻo, tùy thuộc vào
hoàn cảnh và có nhiều cách áp dụng. Mặt tiêu cực của công cụ cai trị này
chính là người cầm quyền có thể dễ dàng sử dụng luật pháp phục vụ cho ý chí
và lợi ích cá nhân. Fukuzawa Yukichi lấy điển hình là nhà nước phong kiến
của Mạc phủ Tokugawa. Ông cho rằng luật lệ mà chính quyền này đặt ra chỉ
là công cụ để khiến dân chúng khiếp sợ, từ đó dễ dàng cai trị và đảm bảo an
ninh trật tự, đảm bảo quyền lực cho gia tộc cầm quyền. Kết quả là “dưới thời
chính quyền phong kiến Mạc phủ, người dân chúng ta luôn phải khiếp sợ, né
83

tránh, cúi rạp trước các Tướng quân” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.31). Ông
luôn lên án gay gắt tình trạng cai trị hà khắc này bởi đây là yếu tố khiến người
dân mất đi ý chí tự do, đánh mất bản sắc và lòng tự tôn của chính mình. Việc
sử dụng luật lệ một cách tùy tiện và hà khắc nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân
của giai cấp thống trị chính là một sự chuyên quyền. Fukuzawa Yukichi thẳng
thắn vạch ra bản chất này của chính quyền Tokugawa:
“Những thứ “luật lệ”, “tập quán” đặt ra một cách vô cớ đó, không phải
là luật pháp hay quốc pháp để chúng ta tuân thủ. Chúng là những thứ đã
cướp đoạt mọi quyền tự do của chúng ta. Chúng là những thứ được đặt
ra để gieo rắc nỗi sợ hãi trong chúng ta trước uy quyền của chế độ
phong kiến Mạc phủ và nhằm che đậy bản chất lộng hành, không minh
bạch của chính chế độ đó.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.31)
Để khắc phục tình trạng này, Fukuzawa đề cao việc tôn trọng luật pháp,
đưa luật pháp về đúng giá trị là thể hiện ý chí chung của xã hội. Luật pháp cần
phải được sử dụng như một công cụ điều hành và quản lý nhà nước. Trong
một xã hội vận hành bằng luật pháp như thế, người dân và chính phủ chỉ cần
tuân thủ đúng theo luật pháp thay vì chỉ làm theo ý chí và mệnh lệnh của
người cầm quyền. Điều đó có nghĩa là, người dân không cần phải tôn sùng và
khiếp sợ trước người thi hành pháp luật bởi họ chẳng qua chỉ có nhiệm vụ
đảm bảo việc thực hiện những điều luật đã định sẵn. Khi bước ra khỏi chức
năng đó, tất cả mọi người dù là dân thường hay quan chức cũng đều bình
đẳng và có quyền hạn như nhau. Thái độ kính trọng của người dân dành cho
quan chức chính là dành cho tài năng, tư cách và nhiệm vụ của họ chứ không
phải là sự tôn sùng, kính sợ xuất thân của cá nhân họ.
“Quan chức chính quyền được bổ nhiệm theo tài năng và nhân cách và
là người thực thi luật pháp cho chúng ta. Chúng ta kính trọng họ theo
lẽ đó, chứ không phải chúng ta kính trọng chức vụ và thành phần xuất
thân của họ. Chúng ta không phải tuân theo con người họ. Chúng ta chỉ
84

tuân thủ Luật pháp (Quốc pháp) mà họ đang thừa hành.” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.31)
Khi người dân và chính quyền hiểu rõ vị trí của nhau trong nhà nước, cả
hai sẽ có thể thực hiện tốt phần trách nhiệm của mình. Cụ thể,
“Chính phủ bảo hộ dân chúng và xã hội theo luật pháp, tức là dựa trên
luật pháp bảo vệ sinh mạng, danh dự và tài sản của dân chúng, bảo vệ
trật tự trị an xã hội. Nhân dân chấp hành chỉ thị và không quay lưng lại
mệnh lệnh của chính phủ”. (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.202)
Theo Fukuzawa Yukichi, sự tuân thủ trách nhiệm của cả hai bên như thế
này chính là điều kiện để đảm bảo sức mạnh và lợi ích cho cả nhà nước lẫn
nhân dân. Đây phải là mối quan hệ tương hỗ và có sự đồng lòng từ cả hai phía.
Nếu bất kỳ bên nào chỉ tập trung vào quyền lợi của mình mà lơ là trách nhiệm,
mối quan hệ này sẽ bị mất cân bằng và từ đó dẫn đến nhiều hậu quả cho cả
tập thể. Fukuzawa chỉ ra rằng “trong xã hội thường xảy ra nhiều vấn đề cũng
bởi vì dân chúng và chính quyền bên nào cũng chỉ hiểu và làm theo vế có lợi
cho mình” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.202).
Làm cho người dân hiểu được bản chất quyền lợi và nghĩa vụ của mình
cũng là một điều hết sức quan trọng đối với trật tự và lợi ích của xã hội. Khi
nhà nước biến đổi sang hình thức tiến bộ hơn, không còn quy định đẳng cấp
hà khắc như trước, người dân được trao quyền nhiều hơn, hay đúng hơn là
được giải phóng khỏi các áp đặt vô lý và trở thành một công dân tự do. Tuy
nhiên, nếu người dân hiểu sai lệch về cái “tự do” ấy thì sẽ dễ dẫn đến những
hậu quả nguy hiểm. Về bản chất và nguyên tắc của “tự do”, quan điểm của
Fukuzawa Yukichi cho rằng:
“Dựa trên đạo lý mà Trời đã định, vị trí của mỗi người là ở chỗ: biết
trọng tình người, không làm phiền hay cản trở người khác, biết bảo vệ
quyền tự do bản thân. Tự do bản thân không có nghĩa là muốn làm gì thì
làm, không có nghĩa là làm phiền hoặc cản trở người khác.” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.28)
85

Có thể thấy, “tự do” không có nghĩa là “tùy tiện”. Mỗi người dân một
khi thuộc về cộng đồng nào đó cũng đồng thời gắn liền với quyền lợi và trách
nhiệm đối với cộng đồng ấy. Xây dựng một nhà nước vững mạnh cũng cần
phải gắn liền với yếu tố tự do ở mỗi công dân. Fukuzawa Yukichi nhận định:
“tự do và độc lập không chỉ liên quan tới từng cá nhân mà còn là vấn đề của
quốc gia nữa” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.28).
Đối với Fukuzawa, tính hà khắc của luật pháp phản ánh tình trạng dân trí
của một đất nước. Khi người dân đạt đến trình độ nhận thức cao, họ sẽ biết
được bản chất vận hành của nhà nước, có thể hiểu ý nghĩa đằng sau những
luật lệ mà chính phủ đặt ra, có khả năng kiểm soát và yêu cầu chính phủ điều
chỉnh lại luật lệ nếu chúng chưa thực sự phản ánh ý chí và lợi ích chung của
xã hội. Dân trí cao kéo theo hoạt động đời sống của nhân dân phát triển đa
dạng phong phú, các mối quan hệ xã hội cũng phức tạp hơn. Luật pháp theo
đó cũng phải chặt chẽ hơn, thế nhưng sự chặt chẽ này không đồng nghĩa với
tính hà khắc. Sự chặt chẽ của luật pháp nhằm mục đích giúp cho hoạt động
ứng xử giữa mọi người được rõ ràng, từ đó tránh được những bất đồng, tranh
cãi cũng như bất công về quyền lợi. Trái lại, hà khắc là sự can thiệp vào đời
sống nhân dân nhưng không hướng về lợi ích của nhân dân mà chỉ nhằm hạn
chế sự đe dọa của người dân đối với giai cấp cầm quyền. Khi người dân có
trình độ nhận thức cao, họ sẽ dễ dàng nhận ra tính vô lý trong các quy định
của chính quyền. Người dân ở mức độ nhận thức cao cũng đồng thời có được
tính độc lập và khí phách tự do cao, thế nên họ không dễ gì chấp nhận sự áp
đặt từ phía chính quyền. Họ sẵn sàng đấu tranh cho tính hợp lý của luật lệ, vì
vậy luật pháp không thể duy trì sự hà khắc ấy. Ở một góc độ khác, do người
dân có thể xác định lối sống thích hợp cho mình trong khi vẫn đảm bảo được
những nguyên tắc đạo đức và lợi ích cho cộng đồng nên chính phủ cũng
không cần quy định quá sâu vào đời sống của cá nhân. Vì thế, luật pháp mà
chính phủ ban hành lúc này cũng sẽ trở nên quảng đại và nhân đạo.
86

Ngược lại, nếu dân chúng vẫn còn trong trình độ ngu tối thì chính quyền
sẽ biến đổi theo hướng hà khắc. Người dân không nhận thức được giá trị của
tự do cá nhân, sẵn sàng đổi tự do cá nhân để nhận về sự ổn định an toàn, khi
đó chính phủ có thể thoải mái áp đặt những điều lệnh có lợi cho mình mà
không sợ sự chống trả từ phía nhân dân. Hoặc theo một hướng khác, sự ngu
tối của dân chúng khiến chính phủ khó giáo huấn để họ làm theo đường
hướng cai trị của mình, cho dù đường hướng ấy phục vụ lợi ích chung của dân
chúng lẫn chính phủ đi chăng nữa. Trong tình trạng này, chính phủ không còn
cách nào khác là phải quy định chi tiết cho hoạt động đời sống của người dân.
Sự giới hạn quyền lợi và gia tăng nghĩa vụ sẽ giúp người dân không xâm
phạm đến lợi ích của những cá nhân khác và có thể đóng góp vào lợi ích
chung của cộng đồng. Dựa trên những khuynh hướng này, Fukuzawa Yukichi
rút ra nhận xét rằng:
“Phẩm cách của dân rơi vào vòng ngu tối, vô học thì luật pháp của chính
phủ cũng trở nên hà khắc. Nhưng nếu quốc dân có chí học hành, tiếp thu
văn minh thì không có cách nào khác, chính phủ cũng phải quảng đại,
nhân đạo. Luật nước hà khắc hay quảng đại hoàn toàn tùy thuộc vào thái
độ, phẩm cách của quốc dân.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.34)
Fukuzawa không ủng hộ tính hà khắc trong việc quản lý. Ông luôn cho
rằng để nhà nước lớn mạnh thì cần phải xây dựng được tinh thần tự do và độc
lập ở mỗi người dân. Theo như ông phân tích, tính hà khắc trong cai trị của
chính quyền phản ánh trình độ dân trí, vậy thì khi cảm thấy bất mãn với sự áp
đặt của chính quyền, điều cần làm là phát triển dân trí để người dân hiểu được
các vấn đề hiện tại, từ đó buộc chính quyền phải thay đổi cách cai trị theo
hướng mềm dẻo hơn.
Pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội một cách đồng bộ và
thống nhất. Tuy nhiên Fukuzawa cũng thừa nhận những hạn chế của công cụ
quản lý này. Đó chính là sự thiếu bình đẳng về quyền lợi, bởi vì từng bộ phận
87

trong xã hội sẽ có những nhu cầu và thế mạnh khác nhau. Do đó, pháp luật
chắc chắn sẽ đối xử thiên lệch với các thành phần trong xã hội, sẽ có sự ưu ái
với một số thành phần nhất định và gây bất lợi với các thành phần khác:
“Trong xã hội có giàu nghèo sang hèn, trí ngu mạnh yếu, mỗi người đều
có lợi ích khác nhau. Nếu những người có lợi ích khác nhau này tập hợp
lại dưới sự cai trị của một chính phủ duy nhất, chịu sự điều khiển của
chung một chế độ pháp luật, khi đó nếu pháp luật tạo điều kiện thuận lợi
cho một bộ phận người dân thì sẽ gây bất lợi cho bộ phận người dân
khác, lợi ích cho thành phần dân tộc này lại trở thành thiệt hại cho
thành phần dân tộc khác, từ đó ít nhiều sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn ở cả
hai dân tộc.” (Fukuzawa Yukichi, 1879)
Dù vậy, nhìn chung pháp luật vẫn là một công cụ hữu hiệu cho việc điều
hành quốc gia. Để quốc gia có thể phát triển tốt, người dân nên nghiêm chỉnh
tuân thủ pháp luật dù cho có điều bất mãn hoặc phải hy sinh phần nào lợi ích
của riêng mình. Fukuzawa không ủng hộ việc người dân tự ý làm trái với
pháp luật và nhấn mạnh rằng tuân thủ pháp luật chính là nghĩa vụ của người
dân. Những điều không hài lòng đối với luật pháp nên được giải quyết một
cách kiên nhẫn và ôn hòa thay vì bằng những phản ứng bốc đồng, bạo lực:
“Hiện nay, người dân của thời Minh Trị đã ký thỏa ước với chính phủ
tuân theo các luật pháp hiện hành. Quốc pháp đặt ra có thể không làm
hài lòng tất cả mọi cá nhân, nhưng không vì thế mà chúng ta lại hành
động tùy tiện, mà hãy kiên nhẫn trong việc sửa đổi nó. Nghĩa vụ của
người dân là thực hiện thật đúng luật, tôn trọng và bảo vệ luật.”
(Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.47)
Fukuzawa Yukichi chỉ ra ba thái độ thường xuất hiện khi chính phủ rơi
vào chuyên chế bạo tàn. Thứ nhất, chịu khuất phục trước sự chuyên chế ấy.
Thứ hai, phản kháng lại tình trạng ấy bằng phương cách bạo lực. Thứ ba, gìn
giữ khí tiết, tin vào “đạo Trời”, đồng thời tranh đấu kháng nghị với chính phủ.
88

Đối với phương pháp bạo lực, Fukuzawa Yukichi cho rằng đó không phải
phương án hay cho những bất đồng quan điểm trong xã hội bởi “nếu chúng ta
dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc
đàn áp, bắt bớ” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.114). Thay vào đó, thái độ phản
kháng thứ ba mới chính là con đường hợp lý nhất và thuận theo lẽ tự nhiên.
Ông tin tưởng vào sức mạnh của lý lẽ khi đấu tranh với những điểm thái quá
hoặc bất cập trong luật lệ cũng như trong sự cai trị của giới cầm quyền:
“Nếu chúng ta chất vấn chính quyền bằng lý lẽ thì những luật pháp tốt
hoặc những chính sách tuyệt vời hiện hành trong quốc pháp không bị
ảnh hưởng. Thuyết phục bằng lý lẽ, điều đó sẽ thấm dần vào lòng người
theo lẽ tự nhiên. Năm nay, thuyết phục chưa được thì sang năm tiếp tục
thuyết phục cho tới khi chính quyền hiểu ra. Vì mục đích của nó là ngăn
chặn và cải thiện bất chính trong chính quyền. Một khi chấp thuận cải
thiện chính sách thì việc chất vấn chính phủ cũng sẽ chấm dứt.”
(Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.114)
Tuy nhiên, tôn trọng và bảo vệ luật pháp không đồng nghĩa với im lặng
chấp nhận mọi vấn đề được quy định trong luật lệ. Fukuzawa đồng thời cũng
lên án thói kêu ca nói xấu chính quyền trong khi không dám thực hiện những
hành động cụ thể nhằm khắc phục tình trạng chính quyền mà bản thân thấy
rằng chưa tốt. Ông cho rằng người dân cần tranh đấu trước những điểm bất hợp
lý, bằng một cách thức công khai, ôn hòa. Điều đó sẽ mang lại quyền lợi cho
người dân và cũng chính là nghĩa vụ cần phải thực hiện của một công dân:
“Nếu có gì bất mãn với chính quyền hiện tại, chúng ta phải kháng nghị,
tranh luận một cách đường đường chính chính. Tại sao chúng ta chỉ dám
nói xấu, kêu ca sau lưng mà không dám chỉ mặt vạch tên. Những kháng
nghị hợp lòng dân, đúng đạo Trời, dù có phải đổi cả tính mạng chúng ta
cũng phải tranh đấu. Đây là bổn phận mà mỗi người dân chúng ta phải
thực hiện đối với đất nước.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.32)
89

Thế nhưng vấn đề mà người dân tranh cãi cần phải hợp lý, chính đáng và
nằm trong tầm hiểu biết của mình. Những công việc to lớn và quan trọng như
đối ngoại là công việc thuộc phạm vi của chính phủ. Fukuzawa cho rằng người
dân không nên tranh luận nhiều vào những vấn đề đại sự này. Nguyên nhân là vì
phần lớn người dân không đủ năng lực và điều kiện để biết được đâu là quyết
định đúng đắn cho các vấn đề đại sự. Khi cảm thấy bất đồng với cách giải quyết
của chính phủ, người dân dễ sa vào những lợi ích nhỏ và bạo động, khiêu khích
chiến tranh với ngoại bang, từ đó đe dọa đến an ninh và độc lập quốc gia. Đây là
tình trạng mà Fukuzawa Yukichi quan sát được trong các cuộc chiến tranh giữa
các võ sĩ người Nhật với người nước ngoài ở thời kỳ Mạc phủ Tokugawa. Theo
ông, trong khế ước xã hội ngầm ký, người dân đã thỏa thuận trao quyền cho
chính phủ nên cần phải tôn trọng quyền quyết định của chính phủ. Để đối phó
khi bất đồng quan điểm với đường lối của chính phủ, ông đề nghị:
“Nếu mới chỉ cảm nhận luật pháp còn sai, bất cập thì không thể coi đó
là cái cớ để phá bỏ nó. Giả sử sự bất chính, bất cập có là sự thực đi
chăng nữa thì phải bình tĩnh kháng nghị, kiên trì kháng nghị đến khi
chính phủ phải sửa đổi mới thôi. Khi chính phủ cố tình làm ngơ thì hợp
sức lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.109)
Cơ sở cho chủ trương tuyệt đối tuân thủ pháp luật của Fukuzawa
Yukichi chính là quan niệm về thỏa ước chung giữa người dân và chính phủ.
Luật pháp tuy được ban hành và thực thi bởi chính quyền nhưng thực chất lại
là sản phẩm của ý chí người dân. Một khi đã là thành viên trong một cộng
đồng nhà nước, người dân đã ngầm ký thỏa thuận giao quyền quản lý cho
chính quyền, ủy thác cho chính quyền lập nên luật lệ chung cho cả cộng đồng.
Do vậy, có thể nói luật pháp cũng chính là sản phẩm của toàn thể nhân dân.
Fukuzawa Yukichi lập luận rằng:
“Quốc dân nghe theo chính phủ không có nghĩa là chúng ta tuân theo
pháp luật do chính phủ soạn thảo. Cái mà chúng ta tuân theo chính là
90

luật pháp do chính chúng ta lập ra. Chúng ta phá luật tức là chúng ta tự
xé bỏ những quy định do bản thân chúng ta đặt ra. Nếu vi phạm luật,
chịu sự trừng phạt thì đó không phải là do chính phủ mà là theo luật do
tự chúng ta quy định. [...] Theo lệ đó, một khi chúng ta đã giao phó
quyền lực chính trị cho chính phủ thì nhất thiết không được vi phạm thỏa
thuận, nhất quyết không được quay lưng lại luật pháp.” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.95)
Chế độ phong kiến Nhật Bản do có truyền thống võ gia nên rất thường
xuyên xảy ra những vụ giết người, ám sát nhằm trả thù hoặc giải quyết bất
đồng quan điểm. Fukuzawa Yukichi kịch liệt lên án các hành động này. Với
ông, đây là một sự tùy tiện, coi thường pháp luật bởi việc trừng trị tội ác là
công việc mà người dân đã giao phó cho chính phủ. Nếu một người ra tay giết
người nhân danh “công đạo”, người đó đã vô hình trung đặt bản thân đứng
trên chính phủ, xem bản thân có tài năng và tư cách vượt trên cả chính phủ.
Đây là một lối suy nghĩ và hành động sai lầm, phá vỡ trật tự xã hội, thế nhưng
trong truyền thống chúng lại được xem là gan dạ, nghĩa tiết, cao quý. Theo
quan điểm của Fukuzawa, nếu không hài lòng với luật pháp hoặc phán quyết
của chính phủ, điều cần làm chính là kiện chính phủ vì những điểm bất hợp lý
đó. Thói tùy tiện và coi thường luật pháp của người dân là một hiểm họa đối
với sự ổn định của xã hội. Vì lẽ đó, Fukuzawa nỗ lực xây dựng thái độ tôn
trọng của người dân đối với vai trò điều hành quản lý của chính quyền:
“Luật pháp do chính phủ lập ra, cho dù còn nhiều điểm rắc rối, xa rời
thực tế, thì cũng không có đạo lý nào cho phép chúng ta tùy tiện thích thì
theo, không thích thì vi phạm. Ngay cả việc đại sự như quyết định chiến
tranh, hay ký các hiệp ước ngoại giao cũng đều thuộc thẩm quyền của
chính phủ. Quyền hạn đó, vốn dĩ là thỏa thuận với quốc dân và chúng ta
đã trao cho chính phủ. Vì thế, nếu không can hệ tới đại sự thì không nên
tranh luận.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.109)
91

2.1.3. Vai trò và phát huy vai trò của công dân đối với sự phát triển
đất nước
Thứ nhất, về vai trò của công dân đối với sự phát triển đất nước:
Trong bối cảnh độc lập đất nước bị sức mạnh ngoại bang đe dọa, định
hướng phát triển đất nước trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi cũng tập
trung chủ yếu vào vấn đề độc lập tự cường. Mục tiêu cuối cùng mà ông hướng
đến là địa vị chính trị bình đẳng cho Nhật Bản khi đứng trước sự va chạm với
các quốc gia tiến bộ phương Tây. Để đạt được điều này, ông cho rằng tinh
thần dân tộc chính là yếu tố quyết định. Trong quan điểm của Fukuzawa, tinh
thần dân tộc có nghĩa là mỗi người dân đều phải mang ý thức về danh tính
dân tộc mình, có tinh thần quyết tâm bảo vệ hình ảnh dân tộc, độc lập và kiêu
hãnh khi đối diện trước sức mạnh ngoại bang.
Phân tích của Fukuzawa Yukichi về sức mạnh quốc gia gắn liền với khái
niệm “chính thể quốc gia”. Đó là sự thống nhất thành một khối của cả dân
tộc. Theo ông, dân tộc Nhật Bản là một thể thống nhất bởi mọi người có cùng
huyết thống, lịch sử, sinh sống trong cùng một phạm vi địa lý. Cho dù trải qua
nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, quyền lực quân sự bị chuyển đổi qua nhiều
gia tộc nhưng nhìn chung cả dân tộc đều có cùng những mối liên hệ xuyên
suốt, người Nhật cũng xây dựng được những đức tính đặc trưng cho riêng
mình và ưu việt hơn hẳn các dân tộc khác. Do vậy, người dân Nhật Bản phải
cố gắng bảo vệ bản sắc của mình. Thế nhưng Fukuzawa Yukichi cho rằng
Nhật Bản vẫn chưa tồn tại một tinh thần dân tộc thực sự, “ở Nhật Bản có
chính phủ, nhưng không có dân tộc” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr. 315). Đó là
bởi vì cho đến thời điểm ấy, Nhật Bản chẳng qua chỉ là một tập hợp những
con người cùng sống chung trên một mảnh đất, chịu sự cai trị của một chính
quyền chứ chưa đạt đến hình thái một “quốc gia” – nơi có những người dân ý
thức về danh tính đất nước. Mỗi cá nhân tại Nhật Bản đang thiếu vắng bản sắc
và tinh thần độc lập. Sự thiếu độc lập này mang tính cá nhân, thế nhưng nếu
92

xã hội là tập hợp của toàn những con người như thế, đây sẽ trở thành vấn đề ở
cấp độ quốc gia:
“Quốc dân không có tính cách độc lập thì lòng yêu nước cũng hàm hồ,
nông cạn, vô trách nhiệm. [...] Nếu như toàn thể quốc dân, ai nấy đều chỉ
tìm cách dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác, không có tính độc lập thì khi
ra xã hội cũng sẽ lại trở thành những kẻ chuyên ăn bám đục khoét tiền
của đất nước, của các tổ chức xã hội. Giữa cá nhân với cá nhân có lẽ
cũng chẳng còn ai sẵn lòng giúp đỡ ai.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.52)
Fukuzawa Yukichi tập trung nhấn mạnh vào vấn đề thiếu tinh thần dân
tộc của người dân Nhật Bản là bởi ông cho rằng đây là thực trạng vô cùng
nguy hiểm, “người dân thiếu tinh thần tự chủ, thiếu chí khí độc lập thì khó có
thể tranh đấu với thế giới để bình đẳng về quyền lợi với tư cách là một quốc
gia độc lập” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.52). Tính cách ngoan ngoãn an
phận mà thời kỳ phong kiến trước đây định hình ở người dân đã tạo nên một
sự ổn định hiếm có, thế nhưng đó không phải là một tình trạng tốt. Đến khi
đất nước đứng trước hiểm họa ngoại xâm, mục tiêu hàng đầu của chính quyền
không còn là đảm bảo tính cai trị trước các lực lượng địa phương nữa mà thay
vào đó là mục tiêu mang tính toàn dân tộc: bảo vệ độc lập của cả đất nước
trước các cường quốc áp đảo về nhiều mặt. Khi đó, để độc lập được đảm bảo
cần tập trung sức mạnh từ cả chính quyền trung ương lẫn quần chúng nhân
dân. Mối nguy hiểm từ sự thiếu vắng tinh thần độc lập sẽ bộc lộ:
“Kẻ sống trong nhà mà lãnh đạm thì ra ngoài cũng lãnh đạm, người ở
trong nhà mà ngu độn thì ra ngoài không thể nào hoạt bát, lanh lợi cho
được. Người dân ngu độn, lãnh đạm thì tiện cho nền chính trị chuyên chế
của chính phủ, nhưng bang giao với nước ngoài sẽ hầu như là vô vọng nếu
dựa vào những con người như vậy.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.177)
Mối đe dọa tồn vong dân tộc đã hiện rõ ngay trước mắt, thế nên việc
thay đổi thực trạng này trở thành một yêu cầu cấp bách. Ý thức được hiểm
93

họa nhưng Fukuzawa Yukichi không quá bi quan về vấn đề này. Ông cho
rằng tính cách lãnh đạm nguy hiểm của người dân có thể thay đổi được nếu
nhìn nhận và giải quyết đúng bản chất của vấn đề. Theo ông, nếp nghĩ của
người dân chỉ là kết quả của tập quán và chế độ cai trị, do đó đây cũng chính
là mấu chốt để giải quyết vấn đề:
“Sự thiếu quan tâm, không có dũng khí này cũng không phải là khuyết
điểm bẩm sinh, mà chỉ là những thái độ người ta bị mất đi do không có
tập quán nuôi dưỡng, khuyến khích, cho nên, muốn kích hoạt lại những
thái độ này cũng không có cách nào khác hơn là phải dựa vào sức mạnh
của tập quán. Thay đổi tập quán vì thế là một điều quan trọng vô cùng.”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.178)
Tập quán mà Fukuzawa Yukichi nói đến chính là tình trạng người dân
thiếu chủ kiến, thiếu suy tư, thờ ơ trước công việc chung và vấn đề vận
mệnh dân tộc. Đây là kết quả của lối cai trị phong kiến trước đây. Sự độc
đoán của triều đình Mạc phủ Tokugawa dẫn đến người dân sống trong lo sợ,
dần dà chỉ còn biết ngoan ngoãn phục tùng, không đủ can đảm và cũng
không còn quan tâm đến công việc chung của đất nước. Mặt khác, một số
triều đại phong kiến cai trị đất nước theo kiểu “mục dân” cũng dẫn đến
nhiều hậu quả xấu. “Mục dân” nghĩa là chăm bẵm dân chúng như một đàn
gia súc, cho rằng người dân hiền lành, yếu ớt, không thể tự bảo vệ mình và
đặc biệt là không thể hiểu được những việc lớn lao như chính trị. Đây cũng
thường được xem là sự “yêu thương” mà giai cấp cai trị dành cho dân
chúng, thậm chí còn thường xuyên được ca tụng. Tuy nhiên cách cai trị này
dẫn đến hiểm họa trước tiên chính là người dân thiếu năng lực chủ động,
sáng tạo, chỉ biết tin tưởng và dựa dẫm vào chính quyền. Kế đó, người dân
dần sẽ không còn quan tâm đến công việc của đất nước bởi cho rằng chính
quyền đã đảm nhận và thực hiện tốt phần công việc đó, không có vấn đề gì
để người dân phải bận tâm. Cứ như thế, tính cách và năng lực chính trị của
94

quần chúng sẽ bị mất đi và trở thành một tử huyệt nếu phải đối diện với
mối đe dọa từ ngoại bang:
“Cứ như thế, dần dần quan hệ giữa người cai trị và nhân dân sẽ trở thành
quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở
đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào chính phủ (chủ nhân).
Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng
tới vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi. Và giả
dụ, quốc gia này bị nước ngoài gây hấn, chiến tranh bùng nổ. Và cứ giả
thử là không có một người dân nào phản bội, bán mình cho nước ngoài.
Vậy thì sự thể sẽ ra sao?” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.54)
Công việc chính trị vốn luôn là nhiệm vụ của chính phủ. Thế nhưng như
vậy không có nghĩa người dân đứng ngoài các công việc đó. Fukuzawa khẳng
định chính trị cũng là nghĩa vụ của công dân, của mỗi cá nhân một khi đã là
thành viên trong một đất nước. Cùng nỗ lực hợp tác trong công việc chính trị
từ cả phía chính phủ lẫn công dân chính là điều kiện cần thiết cho một đất
nước bền vững:
“Nói tới chính trị là nói tới hoạt động của quốc gia. Để giữ vững nền
độc lập, để vận hành quốc gia trơn tru, cần phải có đủ và cân bằng cả
hai yếu tố “trong” và “ngoài”. “Trong” ở đây là khả năng điều hành
đất nước (làm chính trị) của chính phủ và “ngoài” ở đây tôi muốn nói
tới sức dân. Cứ tạm coi chính phủ là “sức sống vốn có” của quốc gia và
sức dân là “môi trường kích thích từ bên ngoài”. Không có sự kích thích
tức không có sức dân mà chỉ trông cậy vào chính phủ thì độc lập không
thể duy trì dù chỉ một ngày.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.65)
Công dân và chính phủ luôn là hai bộ phận không thể tách rời để tạo nên
một quốc gia. Nếu một trong hai suy yếu thì quốc gia không thể nào vững
mạnh được. Chính phủ tuy đảm nhận vai trò điều phối, quản lý các hoạt động
chung, nắm giữ sức mạnh nhân lực, tài chính và quân sự to lớn nhưng cũng
95

khó có thể nắm bắt hết mọi tình hình của đời sống nhân dân. Trong vấn đề
dân sinh, chính phủ đặc biệt cần đến sự hợp tác hỗ trợ từ người dân. Sự tham
gia của người dân là kênh thông tin chân thực và giá trị cho các quyết sách
của nhà nước. Hơn thế nữa, người dân cần tham gia trên tinh thần tích cực, tự
nguyện thì mới có thể phát huy thực sự giá trị. Cần đặt việc tham gia chính trị
trở thành nghĩa vụ của công dân, nhưng trên hết vẫn là tạo được ý thức nghĩa
vụ đối với mỗi công dân, làm cho dân hiểu vai trò và ý nghĩa của mình trong
sự nghiệp của đất nước. Fukuzawa mong muốn rằng mọi tầng lớp nhân dân
đều hăng hái với các vấn đề mà quốc gia đang phải đối mặt. Có sự đồng thuận
và đồng bộ từ mọi thành phần thì quốc gia mới có thể thực sự độc lập, bền
vững và giàu mạnh.
Tinh thần độc lập và ý thức chính trị của người dân cần được xây dựng
thông qua con đường giáo dục. Fukuzawa Yukichi đề cao vai trò của dân trí
trong việc hình thành nên sức mạnh của đất nước. Theo ông, “dân chúng ngu
muội thì sức mạnh chính trị sẽ dần suy yếu. Sức mạnh chính trị một khi suy yếu
thì quốc gia ấy không còn là chính mình nữa. Lúc đó thì đến chính thể quốc gia
cũng không bảo vệ được” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.84). Kết luận này được
Fukuzawa rút ra từ sự quan sát đặc điểm của các quốc gia khác nhau. Ông thấy
rằng ở những dân tộc đã đánh mất độc lập vào tay ngoại bang, trình độ nhận thức
của người dân thấp và đồng thời tầm nhìn của họ cũng khá hạn hẹp:
“Vì sao, nền văn hóa Ấn Độ, nền quân sự nước Thổ lại không thể đóng
góp cho sự phát triển văn minh trên chính đất nước mình? Cũng bởi vì
đầu óc người dân chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương, phạm vi một
nước mà thỏa mãn với tình trạng đó, không so sánh và không nhìn vào
những tiến bộ vượt bậc của nước khác. Đồng thời, dân chúng lại quá
quen với cảnh thanh bình, chỉ biết “mẹ hát con khen hay”. Thế là thua
thiệt trong cạnh tranh kinh tế với quốc tế, và cứ thế tiềm lực quốc gia
biến mất lúc nào cũng không hay”. (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.181)
96

Với sự phân tích đó, Fukuzawa Yukichi đặt việc phát triển dân trí làm
mục tiêu hàng đầu cho vận mệnh của đất nước. Trí tuệ không chỉ là công cụ
nâng cao đời sống của cá nhân đơn lẻ mà còn là phương tiện khơi gợi ý thức
dân tộc trong mỗi người dân. Một khi trí tuệ được phát triển ở mọi địa phương,
mọi tầng lớp xã hội, khi đó tinh thần quốc gia dân tộc cũng sẽ trở nên rõ ràng
và tạo nên sức mạnh to lớn cho toàn dân tộc:
“Nếu trí lực quốc gia ngày càng lớn mạnh, làm cho tinh thần yêu nước
thô ráp ngày một tinh tế, làm cho kẻ non nớt trưởng thành lên, giúp cho
chính thể quốc gia của Nhật Bản được giữ vững, thì có thể nói đó là
hạnh phúc không gì sánh nổi.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.164)
Thứ hai, về phát huy sức mạnh công dân đối với sự phát triển đất nước:
Trong những thảo luận liên quan đến vấn đề phát triển xã hội, Fukuzawa
Yukichi đề cao trí tuệ và đặc biệt phân tích về trí tuệ tập thể. Sự đề cao của
ông đặt trong so sánh vai trò giữa trí tuệ và đức hạnh. Theo ông, để lan truyền
giá trị, tạo tác động to lớn và toàn diện lên xã hội, trí tuệ có sức mạnh to lớn
hơn rất nhiều so với đức hạnh. Lập luận cho điều này, ông nêu ra bốn khái
niệm: đạo đức cá nhân, đạo đức tập thể, tri thức cá nhân và tri thức tập thể.
Trong đó, đạo đức cá nhân là “những đức tính bên trong tâm hồn con người
ta bao gồm thực thà, trong sạch, khiêm tốn, chung thủy…” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.279), đạo đức tập thể là “những đức tính xuất hiện trong
tiếp xúc với người khác cũng như xã hội bên ngoài như liêm sỉ, chính trực,
công bằng, dũng cảm…” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.180), tri thức cá nhân
là “trí lực nhận thức sự vật và hành xử đúng theo nhận thức ấy” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.180), tri thức tập thể là “trí lực phân biệt mức độ nặng nhẹ,
lớn nhỏ trong hành vi con người, từ đó định ra thứ tự hành xử sao cho phù
hợp với từng thời gian và địa điểm cụ thể” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.180).
Trong bốn yếu tố định hướng xã hội này, tri thức tập thể có sức mạnh to lớn
và quan trọng nhất. Fukuzawa cho rằng tri thức có tác động mạnh mẽ hơn đức
97

hạnh. Nói như vậy không có nghĩa ông xem đức hạnh là điều không cần thiết.
Chẳng qua Fukuzawa cảm thấy rằng người Nhật thời điểm bấy giờ (xa hơn
nữa là những quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo nói chung) đang cường điệu
quá mức vai trò của đức hạnh cá nhân. Theo quan điểm của Fukuzawa, đức
hạnh cá nhân chỉ là sự rèn luyện của cá nhân, là cái hướng vào bên trong của
mỗi người, mang tính bị động và chỉ tác động rõ ràng đối với bản thân người
đó mà không lan tỏa đáng kể ra bên ngoài. Đức hạnh đạt đến mức độ tập thể
là khi mọi người khi đứng trước một tình huống nào đó, họ sẽ tự nhận thức
được đâu là thái độ, hành vi đúng đắn. Sự cư xử đúng đắn sẽ được người khác
nhìn nhận, đánh giá và học hỏi, do vậy có sức lan tỏa trong cộng đồng. Muốn
đức hạnh đạt đến được mức độ cộng đồng như thế, quần chúng cần phải có trí
tuệ đủ lớn để đánh giá sự việc và rút ra kết luận cho riêng mình. Một xã hội
văn minh tiến bộ sẽ được thể hiện thông qua trình độ ứng xử của cộng động
trong xã hội ấy.
Tập trung chủ yếu vào tu dưỡng cá nhân, đức hạnh hầu như không có
nhiều thay đổi và phát triển trong suốt lịch sử nhân loại. Những lời răn dạy
đạo đức của các bậc thánh nhân như Đức Chúa Jesu, Đức Phật Thích Ca, Đức
Khổng Tử… vẫn là chuẩn mực dù đã trải qua hàng nghìn năm. Trí tuệ thì
không giống như thế. Những phát hiện, phát minh, định lý sau khi ra đời sẽ
được phản biện và cải biến liên tục, đôi khi cái sau phủ nhận hoàn toàn cái cũ,
đồng thời các biến đổi này đi theo chiều hướng tốt và hoàn thiện hơn. Đặc
biệt, mỗi khi có một phát hiện, định lý giá trị ra đời, bộ mặt của toàn bộ xã hội
sẽ thay đổi theo, thậm chí lịch sử của loài người được bước sang một chương
mới. Trí tuệ có sức lan truyền mạnh mẽ và rộng khắp, đưa đời sống của con
người đi lên. Fukuzawa đưa ra một kết luận có tính so sánh rằng: “tác động
của trí tuệ mạnh mẽ và rộng khắp, tác động của đạo đức nhẹ và hẹp”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.186). Do vậy theo ông, nếu muốn tạo ảnh hưởng
lên toàn xã hội, nhất định phải dựa vào trí tuệ bởi “việc dùng đức hạnh cá
98

nhân để khuyên bảo gia đình, bạn bè để cảm hóa họ không thể nào so sánh
được với tốc độ lan truyền và phạm vi ảnh hưởng của trí tuệ được”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.194). Ngoài ra, theo xu hướng phát triển của văn
minh, đức hạnh cá nhân dần sẽ biến mất để thay đổi trở thành đạo đức cộng
đồng. Trong quan điểm của Fukuzawa Yukichi, xu hướng tất yếu cho tiến bộ
xã hội chính là hướng đến phát triển những giá trị chung và trình độ nhận thức
chung thay vì chỉ chú trọng đến tu dưỡng đạo đức bên trong mỗi cá nhân.
Nếu muốn trí tuệ trong xã hội được nảy nở, va chạm để từ đó hình thành
và lan truyền các giá trị tiến bộ, trước hết công dân cần phải được tự do hình
thành và bày tỏ tư tưởng của riêng mình. Ở lối cai trị độc tài, người dân bị quản
lý chặt chẽ nhằm chống lại việc lập hội nhóm chống phá chính quyền. Các biện
pháp quản lý của chính quyền đã khiến người dân trở nên khiếp sợ và không
dám tụ họp, bàn bạc, bày tỏ ý kiến. Dần dần, người dân vô tình hình thành tập
quán né tránh tranh luận, tránh quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội,
tạo nên một bầu không khí lãnh đạm đối với các vấn đề quốc gia. Một quốc gia
có tinh thần như thế thì không thể nào đủ sức chống lại sức mạnh từ bên ngoài
bởi nếu thiếu trí lực và sự hợp tác của dân chúng, dù tầng lớp lãnh đạo có tài
giỏi cách mấy cũng không thể điều khiển được một đám đông to lớn như thế.
Khi đó, tầng lớp lãnh đạo sẽ trở nên cô lập trong khi người dân bàng quang, sẵn
sàng chấp nhận mọi kết cục xảy ra với vận mệnh đất nước.
Cách cai trị độc tài khiến cho người dân nhầm lẫn giữa lập hội và tập
hợp bàn luận. Bàn luận là phương tiện cần thiết để phát huy được suy nghĩ
của dân chúng. Khi thiếu vắng hoạt động bàn luận, xã hội sẽ trong tình trạng
“hỏi riêng từng người thì ai cũng sẽ có ý kiến, nhưng các ý kiến đều bị chia
nhỏ manh mún thành hàng chục triệu thứ khác nhau. Không có cách đúc kết,
tập trung lại thì rốt cuộc chúng chẳng có tác dụng gì cho toàn bộ đất nước”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.175). Fukuzawa cho rằng mỗi người cần phải
nêu lên ý kiến của riêng mình bởi dù ý kiến có đúng hay sai thì cũng đều
99

mang lại giá trị cho người khác lẫn cho chính bản thân người đó. Khi tích cực
thảo luận như thế, các vấn đề sẽ được đào sâu và truy tìm đến bản chất, từ đó
giải quyết được vấn đề, tạo ra được những giá trị có tác động sâu rộng và đưa
xã hội trở nên tiến bộ hơn. Tình trạng người dân thờ ơ với thảo luận công việc
chung như thế này diễn ra âm thầm và lâu dài đến mức trở thành một tập quán.
Tập quán đó, một mặt – như đã phân tích ở trên – khiến cho người dân mất đi
thói quen quan tâm đến công việc chung, tư duy trở nên thui chột, mặt khác
còn kìm hãm những tư duy đột phá của các cá nhân trong xã hội đó.
Nguyên nhân cho tình trạng lãnh đạm này của dân chúng, Fukuzawa
Yukichi truy tìm trong đường lối cai trị của chính quyền. Ông cho rằng “bạo
lực của chính phủ và trí lực của người dân có quan hệ tỷ lệ nghịch”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.159). Ở thời kỳ dã man, người cai trị chủ yếu sử
dụng “ân” và “uy” làm phương tiện để dẫn dắt dân chúng chứ không phải bằng
con đường giáo hóa. Đó là vì khi trình độ trí tuệ của dân chúng còn thấp, người
cai trị không thể cảm hóa hay giáo huấn dân chúng hiểu được ý nghĩa đằng sau
các chính sách cai trị của mình. Do vậy, người cai trị chỉ có thể kiểm soát tình
cảm của người dân thông qua cảm giác mang ơn hoặc cảm giác sợ hãi trước vũ
lực. Kết quả là sự cai trị hà khắc của chính quyền sẽ khiến dân chúng không
dám suy nghĩ nhiều về các công việc chính trị. Không chỉ ở phương pháp cai trị
bằng bạo lực, mà một nhà nước chăm lo quá chu đáo cho đời sống người dân
cũng có thể dẫn đến tình trạng tương tự. Khác biệt ở chỗ trong một chính
quyền tốt “quá mức”, người dân sẽ tin tưởng, phó thác hoàn toàn mọi việc cho
chính quyền và cho rằng mình không đủ trí tuệ để hiểu được các công việc lớn
đó. Dần dà người dân sẽ trở nên u tối. Cách quản lý chặt chẽ đời sống của từng
người dân có hiệu quả rất tốt trong việc đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, tuy
nhiên lại kéo trí lực và tinh thần độc lập của họ đi xuống. Fukuzawa Yukichi
khẳng định rằng “chính phủ chuyên chế càng tinh vi khéo léo bao nhiêu thì
những điều xấu ác khó tránh sẽ càng lớn lên bấy nhiêu, và cảnh thái bình càng
100

kéo dài bao nhiêu thì những căn bệnh của xã hội cũng ngày càng nghiêm
trọng lên bấy nhiêu” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.347).
Thực trạng của Nhật Bản sau hàng trăm năm phong kiến độc tài chính
là người dân không còn quan tâm đến công việc chính trị nữa. Fukuzawa
nhận xét:
“Người Nhật Bản bị trói buộc trong tập quán không tranh luận công
khai về các sự vụ, cam chịu một cách thụ động những thứ lẽ ra họ phải
phản đối, không chịu mở miệng ở chỗ đáng lẽ họ phải mở miệng, không
tranh luận về những vấn đề lẽ ra phải được tranh luận.” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.177)
Tuy thái độ người dân đã trở nên cố kết như thế nhưng Fukuzawa
Yukichi tin rằng đây là hiện tượng có thể thay đổi được. Ông chỉ ra giải pháp
ngay tại nguyên nhân. Theo ông, cần thay đổi tập quán né tránh tranh luận ở
người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Tập quán có khả năng vùi dập các quan
điểm cấp tiến thì ngược lại cũng có thể khơi gợi khả năng tiềm tàng của mỗi
cá nhân. Nếu cố gắng xóa bỏ tính e sợ và lãnh đạm của người dân, đồng thời
phát triển tinh thần tranh luận rộng khắp đến mức trở thành một tập quán mới,
khi đó mỗi công dân trong xã hội sẽ rời xa được tính cá nhân, có được cái
nhìn rộng lớn và sẵn sàng đóng góp cho xã hội.
Khuyến khích phát triển cá nhân cũng là điều phù hợp với chiều hướng
của văn minh. Fukuzawa Yukichi cho rằng “con người tự thân là một sinh vật
thích hợp với văn minh hiện đại” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.58). Đó là bởi
vì trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, con người không ngừng nảy sinh thêm
nhu cầu và đồng thời tìm kiếm ngày một nhiều những phương tiện để thỏa
mãn các nhu cầu đó. Cứ như thế, hoạt động tinh thần của con người cũng sẽ
phát triển kéo theo. Do vậy, nếu muốn đời sống tinh thần trở nên tốt đẹp và
phong phú, cần phải tránh cản trở, cưỡng bức bản tính của các cá nhân. Con
người được phát triển một cách tự nhiên sẽ tạo nên được một xã hội văn minh.
101

Tự do là điều kiện để mỗi cá nhân được phát triển và đồng thời dẫn đến sự
nảy nở trong đời sống tinh thần và vật chất của toàn xã hội.
Về việc bảo vệ và phát triển tính tự do cá nhân, Fukuzawa Yukichi luôn
đặt tự do ngôn luận lên hàng đầu. Ngôn ngữ là phương tiện để các cá nhân thể
hiện suy nghĩ của riêng mình, và tranh luận chính là cách để đưa suy nghĩ ấy
đến được với các cá nhân khác trong cộng đồng. Fukuzawa nhìn thấy hạn chế
trong đường lối độc tôn tư tưởng thường gặp tại các chế độ phong kiến. Ông
nhận định:
“Nếu anh chỉ bảo vệ cho mỗi một trường phái tư duy, thì cho dù nó có
trong sạch, tốt đẹp đến mấy đi nữa, chắc chắn nó cũng không thể sinh ra
khí phách của tự do. Khí phách tự do chỉ có thể tồn tại giữa những tranh
luận đa chiều của các ý tưởng và quan điểm khác biệt mà thôi.”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.61)
Tranh luận trong hoạt động tư tưởng không phải chỉ có mục đích duy
nhất là tìm ra giá trị đúng đắn. Chính tại quá trình tranh luận, dù rằng ý kiến
của mỗi người là đúng hay sai thì hoạt động tranh luận sẽ tạo một tinh thần
hoài nghi, nhiệt huyết và kích thích tư duy. Nếu chỉ bó hẹp trong một hệ tư
tưởng được áp đặt từ trước, người dân sẽ mang thái độ ngoan ngoãn làm
theo mà không có một chút hoài nghi nào với những nội dung trong tư tưởng
ấy. Thái độ tuân phục này dẫn người dân rơi vào việc chỉ hiểu được bề nổi
của những quy tắc ứng xử đạo đức mà không hiểu ý nghĩa, nguyên lý đằng
sau đó. Sự hiểu biết hời hợt lại tiếp tục khiến họ dễ áp dụng những lời răn
dạy này một cách rập khuôn và sai lầm. Những răn dạy kinh điển dù thực sự
có giá trị như thế nào đi nữa cũng đã ra đời từ rất lâu trước đó và nảy sinh từ
một số bối cảnh nhất định, nhằm mục đích giải quyết những vấn đề thời đại
nhất định. Do vậy, nhất thiết phải hiểu rõ bản chất của các lời dạy, quy tắc,
tri thức nhận được thì mới có thể áp dụng có hiệu quả vào trong cuộc sống
của chính bản thân mình.
102

Tự do ngôn luận còn là phương tiện để chính phủ nắm bắt chính xác tình
hình thực tế của đất nước. Trong tình trạng ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ,
người dân có xu hướng che giấu suy nghĩ thực sự của mình khi chính phủ tiến
hành thu thập ý kiến. Các thông tin thu thập không có giá trị ấy sẽ khiến chính
phủ khó nắm bắt được tình hình thực tế để đưa ra cách quản lý đất nước cho
phù hợp. Khi đứng trước những vấn đề lớn như chia rẽ nội bộ, đe dọa ngoại
xâm…, việc không nắm rõ lòng dân như thế này chính là nguy cơ to lớn cho
vận mệnh đất nước. Để tránh tình trạng đó, Fukuzawa Yukichi đề xuất vai trò
của xuất bản tự do. Ông cho rằng xuất bản tự do là kênh phương tiện để chính
phủ có thể lắng nghe được ý kiến thảo luận của giới trí thức. Trí thức chính là
nguồn lực giá trị của đất nước, là những con người nhạy bén, thức thời và ưu
tư với các vấn đề quốc gia. Khi giới trí thức được tự do thảo luận, chính phủ
có thể khai thác những ý kiến ấy cho việc xây dựng quốc gia. Đồng thời tinh
thần tự do trong các thảo luận công khai ấy cũng sẽ lan tỏa đến các tầng lớp
khác trong xã hội, tạo nên một khí phách tự do cần có để đưa đất nước tiến
đến sự văn minh.
Ngược lại, trói buộc tự do sẽ dẫn đến tính cách tham lam ở các cá nhân.
Khi mọi người có thể thoải mái bày tỏ quan điểm, giữa họ sẽ giảm bớt hiểu
lầm và cùng nhau giải quyết những vấn đề chung. Tự do xuất bản, bày tỏ
quan điểm sẽ là phương tiện để mọi người trong xã hội bộc lộ cảm xúc và suy
nghĩ của mình, tránh cảm giác bức bách và nghi kỵ lẫn nhau. Thông qua thảo
luận, khi các vấn đề được sáng tỏ, cảm giác ganh ghét, đố kỵ trong các cá
nhân sẽ dần biến mất. Đây là một điều vô cùng cần thiết nếu muốn đưa đất
nước đạt đến trình độ văn minh. Tuy tự do ngôn luận là một đòi hỏi chính
sách dành cho chính quyền, nhưng Fukuzawa cũng khẳng định mỗi công dân
trong đất nước cần phải nỗ lực cho mục tiêu tự do ấy. Chính quyền cần tránh
cản trở tự do ngôn luận, nhưng đồng thời người dân cũng cần tích cực phát
triển tinh thần tranh luận của mình, rèn luyện cách tranh luận đúng đắn: mang
103

mục đích truy tìm bản chất vấn đề và không đả kích cá nhân. Để tình trạng
“độc hại” của đất nước được đẩy lùi nhanh chóng, nhất định phải có sự nỗ lực
phối hợp từ cả hai phía công dân và nhà nước.
Tuy đề cao xuyên suốt tầm quan trọng của tranh luận nhưng Fukuzawa
Yukichi cũng cảnh báo người dân không nên sa đà vào công việc tranh luận.
Việc khuyến khích tranh luận của ông nhằm mục đích khơi gợi sự quan tâm và
nhạy bén của người dân đối với các vấn đề của đất nước chứ không phải muốn
mỗi công dân trở thành một nhà lý luận chính trị. Với Fukuzawa, trong xã hội
có rất nhiều chức phận, công việc khác nhau cần phải hoàn thành, do vậy mọi
người không nên đổ dồn quá nhiều vào một phạm vi công việc nào đó:
“Mỗi người đều có chức phận riêng biệt khác nhau, và bắt buộc phải
hoàn thành chức phận khác biệt ấy. Có những người ôm chí theo con
đường nghiên cứu cao xa, đến nỗi quên ăn mà đắm mình tập trung vào
lý luận thâm sâu, cố đẩy việc học đến đích xa hơn. Lại có những người
lao mình vào việc kinh doanh năng động, tiếc từng giây phút rảnh rỗi mà
bôn ba khắp chốn, đến độ quên cả gia đình. Họ không phải là đối tượng
để bị phê phán, mà trái lại, họ đáng được chúng ta tôn vinh như những
người có cống hiến lớn trong việc xây dựng văn minh.” (Fukuzawa
Yukichi, 2019, tr.421)
Vấn đề phân chia chức phận thường xuyên được Fukuzawa Yukichi
nhấn mạnh. Tuy xuất thân là một học giả và vô cùng đề cao tri thức, thế
nhưng Fukuzawa luôn đánh giá cao vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, từ giới
chính trị gia, học giả đến thợ thủ công hay những người lao động chân tay
nặng nhọc. Mỗi công dân bất kể đứng trong chức phận nào cũng đều là một
mắt xích quan trọng cho hoạt động của toàn xã hội. Đồng thời, dù làm công
việc nào thì mỗi người cũng có thể đóng góp giá trị cho xã hội bằng cách rèn
luyện đạo đức, chuyên tâm làm việc, tích cực suy nghĩ để tìm ra những cải
tiến cho chính công việc của mình và những người xung quanh. Ông khẳng
104

định rằng “mọi người đều bình đẳng, vì thế chúng ta hãy yên tâm phát huy
hết mọi khả năng sức lực và trí tuệ của mình. Mỗi người đều có mỗi bổn
phận, do đó phải tự vun đắp tài năng, rèn luyện nhân cách sao cho xứng
đáng với bổn phận đó” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.33). Sự vun đắp, rèn
luyện này không diễn ra một cách tự nhiên mà được thực hiện thông qua học
tập. Đó là học kiến thức, kỹ năng cần có trong công việc của mình, học cách
tư duy đúng đắn, linh hoạt, nhạy bén. Khi tài năng đạt đến được một mức độ
nào đó, công dân hoàn toàn có thể tham gia các chức vụ trong chính quyền
và đóng góp được vào các hoạt động của đất nước nếu có nguyện vọng.
Fukuzawa đã mở ra một góc nhìn mới cho xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.
Nếu như trong chế độ phong kiến trước đây, giá trị của người dân được
khẳng định thông qua con đường quan chức, mọi người tìm cách vào làm
việc trong chính quyền thì Fukuzawa lại chỉ ra giá trị cho tất cả mọi cá nhân
trong xã hội bất kể họ xuất thân từ tầng lớp nào, sinh sống bằng công việc gì.
Điều này một mặt giúp người dân không cố gắng chạy đua trên con đường
quan chức như trước kia, mặt khác khơi gợi được sức mạnh vốn có trong
mỗi cá nhân, một sức mạnh mà nếp nghĩ trước đây đã che lấp khiến chúng
chưa thể phát huy.
Fukuzawa Yukichi nỗ lực khơi gợi giá trị trong mỗi bộ phận công dân,
thế nhưng điều đó không có nghĩa ông cào bằng tất cả mọi công việc. Ông
nhận thấy con người luôn có quan niệm phân chia các hoạt động thành công
việc to tát, việc nhỏ nhặt, việc nặng, việc nhẹ. Theo xu hướng chung, mọi
người luôn muốn làm được những công việc được cho là to tát. Fukuzawa cho
rằng thái độ này thể hiện tinh thần cầu tiến và mong muốn vươn lên ở mỗi
người. Những ai giàu tâm huyết và ý chí sẽ muốn thử thách bản thân, cống
hiến cho xã hội, là những người cao thượng nên sẽ có nguyện vọng theo đuổi
những thứ lớn lao. Theo đuổi điều lớn lao là một khuynh hướng tốt cho sự
phát triển của xã hội, thế nhưng đạt được mục tiêu này phải cần đến trí lực.
105

Để đánh giá được đâu là điều to tát, đâu là điều nhỏ nhặt, thông thường người
ta sẽ dựa vào độ khó dễ của chúng. Tuy nhiên, không phải điều khó làm nào
cũng có thể mang lại giá trị cho xã hội, mà để một mục tiêu trở nên có ý nghĩa
thì tạo ra giá trị là một tiêu chí không thể thiếu. Fukuzawa nhận định nếu
không có đủ năng lực phán đoán, người ta khó xác định được đâu là công việc
có ích, đâu là công việc vô dụng. Nếu đổ công sức để thực hiện những công
việc khó khăn nhưng lại không mang lại lợi ích thì tất cả cũng chỉ là công cốc.
Do vậy, nếu muốn làm được việc lớn, bên cạnh tâm huyết, nỗ lực, kiên trì thì
trí lực cũng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu.
Ngoài trân trọng giá trị công việc của mọi tầng lớp, Fukuzawa còn đặc
biệt khuyến khích người dân cống hiến trong lĩnh vực tư nhân. Đây là một
điểm độc đáo trong tư tưởng của Fukuzawa bởi ông đã đi ngược với quan
niệm tiến thân bằng quan chức trong truyền thống Nho giáo. Ông cho rằng
giới trí thức, học giả không nhất thiết phải làm quan, trực tiếp quản lý đất
nước thì mới có thể ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. Họ cần có phạm vi
riêng của mình. Phạm vi đó tách biệt với hoạt động của chính phủ, và những
công dân đứng ngoài chính quyền sẽ thực hiện tốt hơn giới chính trị gia:
“Chính phủ thì chịu trách nhiệm duy trì trật tự xã hội và giải quyết sự vụ
thường nhật; trí thức thì cần đào sâu suy nghĩ để có thể ra được các kế
sách hành động cho tương lai; các doanh nghiệp công thương thì quản
trị cho tốt để làm giàu thêm cho đất nước. Mỗi lĩnh vực đều có cống hiến
riêng cho nền văn minh. Dĩ nhiên chính phủ cũng cần suy xét quá khứ
cùng tương lai; còn trí thức cũng phải xử lý những sự vụ trong hiện tại.”
(Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.149)
Đối với ông, trí thức – đặc biệt là giới học giả – là một bộ phận cực kỳ
quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Họ là những người nhạy bén, thức
thời, ưu tư trước thời cuộc. Fukuzawa cho rằng học giả là một bộ phận độc
lập, không nhất thiết phải là quan hay là dân thường mà chỉ cần là những con
106

người làm công việc học thuật để đóng góp cho đất nước. Khi học giả không
làm quan, không trực tiếp tham gia điều hành đất nước, họ là những người
“bắt bệnh cho chính trị”. Việc đứng ngoài chính trị giúp họ có được cái nhìn
độc lập, đúng đắn và dài hạn:
“Công việc của chính phủ tựa như công việc của bác sĩ phẫu thuật còn
nhiệm vụ của học giả thì tựa như phương pháp dưỡng sinh, giáo dục.
Công dụng nhanh chậm mỗi bên có khác nhưng đều cùng cần thiết để
duy trì một quốc gia khỏe mạnh, cường tráng. Điều quan trọng ở đây là
hai bên không cản trở nhau mà phải hỗ trợ qua lại, khích lệ lẫn nhau,
không để bất cứ trở ngại nào dù là nhỏ nhặt nhất làm cản bước tiến của
văn minh.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.149-150)
Fukuzawa cho rằng sự tiến bộ của xã hội trong suốt lịch sử không phải chỉ
nhờ vào một nhóm thiểu số người cai trị mà là nhờ vào trí tuệ của đám đông
quần chúng. Do vậy, muốn đất nước phát triển thì nhất thiết phải phát triển
được sức mạnh của khối nhân dân. Ông khuyến khích người dân phát triển khu
vực tư nhân trong mọi hoạt động, từ học thuật cho đến sản xuất, thương mại.
Chính phủ nên tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, bảo hộ và hỗ trợ các công ty
tư nhân thành lập và phát triển. Chính phủ là bộ phận chiếm rất nhỏ trong đất
nước. Với sức mạnh trong tay mình, chính phủ có thể điều hành đất nước trơn
tru, đảm bảo đời sống ổn định cho người dân, thế nhưng nếu muốn đất nước
phát triển tiến đến tầm văn minh thì cần phải huy động sức mạnh của toàn bộ
quốc gia. Nhân tài làm việc trong lĩnh vực tư nhân là một cách tốt để thực hiện
mục tiêu này. Fukuzawa Yukichi khẳng định mạnh mẽ:
“Trước áp lực của phương Tây, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, vị trí
của các trí thức Nhật Bản là ở chỗ nào? Ở trong chính phủ thì trở thành
quan chức, nỗ lực làm việc thì tốt hơn hay nằm ngoài chính phủ, làm
trong khu vực tư nhân thì tốt hơn. Tôi cũng đưa ra kết luận: ở ngoài
chính phủ thì tốt hơn.” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.75)
107

Ý kiến này của Fukuzawa dễ dàng vấp phải thái độ phản đối bởi một
chính phủ tập hợp được nhân tài luôn là yếu tố quan trọng để lèo lái đất nước
phát triển. Thế nhưng Fukuzawa đã phân tích vấn đề sử dụng nhân tài này dựa
trên tình hình chính phủ Minh Trị lúc bấy giờ. Ông cho rằng chính phủ Minh
Trị không hề bị thiếu nhân tài mà trái lại, số lượng người tài giỏi hiện tập trung
quá nhiều vào chính phủ khiến bộ máy quản lý không thể hoạt động trơn tru.
Khi khu vực tư nhân chiêu mộ được các nhân lực tài năng, đây cũng không phải
là một đối trọng nguy hiểm đối với chính quyền. Đó là vì trong tình trạng Nhật
Bản lúc bấy giờ, mục tiêu quốc gia hàng đầu là đưa đất nước tiến đến văn minh,
là mục tiêu chung cho toàn thể dân tộc. Người dân dù làm việc trong chính phủ
hay ngoài khối tư nhân thì cũng là một bộ phận của dân tộc Nhật Bản, do vậy họ
đều nỗ lực hướng đến mục tiêu chung này. Chính phủ và tư nhân không phải là
“đối trọng” hay “kẻ thù” của nhau mà là những bộ phận tạo nên toàn thể dân tộc
Nhật Bản, có mối liên hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu khu vực tư nhân trở nên
lớn mạnh và có những hành động đe dọa đến chính quyền, đến vận mệnh đất
nước, đó là họ đã vi phạm thỏa thuận ngầm về việc phân chia quyền lực. Khi
đó, chính phủ có quyền trừng phạt những cá nhân có hành động đe dọa này.
Với những phân tích như thế, có thể thấy nhân tài đổ ra khu vực tư nhân không
hề tạo ra nguy cơ bất ổn đối với chính phủ. Ngược lại, nếu chính phủ có thể
quản lý và phát huy được sức mạnh của nhân tài trong khu vực tư nhân, đó sẽ
là nguồn lực to lớn cho con đường tiến bộ của toàn đất nước.
2.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
2.2.1. Đặc điểm quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Thứ nhất, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi hướng đến
mục tiêu xây dựng một đất nước hiện đại, có tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi ra đời trong bối cảnh Nhật Bản bị đe
dọa trước sức mạnh ngoại bang. Đây là tình trạng chung của hàng loạt quốc
108

gia châu Á, thế nhưng Fukuzawa lại có hướng tiếp cận khá độc đáo và khác
biệt so với những người cùng thời đại tại đất nước ông lẫn các quốc gia lân
cận. Các học giả thuộc trường phái truyền thống đề cao tính thượng đẳng dân
tộc, theo tôn chỉ đánh đuổi ngoại bang bằng mọi giá để bảo vệ danh dự dân
tộc mình. Sự áp đảo sức mạnh về mọi mặt của nước ngoài khiến bộ phận học
giả này lúng túng trong việc giải thích và bảo vệ tính thượng đẳng của dân tộc.
Họ tìm kiếm phương hướng trong những giá trị truyền thống nhưng không đạt
kết quả bởi họ chưa nhận ra được vấn đề nội tại của đất nước, về tính lạc hậu
trong những mối quan hệ xã hội hiện có. Ngược lại, những người theo khuynh
hướng cấp tiến thường quá đề cao chuẩn mực của phương Tây, dẫn đến việc
chỉ làm theo biểu hiện bên ngoài mà không nắm được bản chất của văn minh.
Điều này khiến cho những giá trị được áp dụng đôi khi không thích hợp với
bối cảnh thực tế của đất nước, gây nên tình trạng bất ổn, thiếu bền vững cho
sự phát triển. Fukuzawa Yukichi nhìn ra được khuyết điểm của những khuynh
hướng giải quyết vấn đề này và vạch ra góc độ tiếp cận khác biệt. Ông cho
rằng mấu chốt đe dọa đến nền độc lập dân tộc nằm ở trình độ văn minh thua
kém. Trong nhìn nhận của ông, Nhật Bản lúc bấy giờ chưa có được tinh thần
dân tộc, người dân không có ý thức về vận mệnh đất nước, do vậy Nhật Bản
chưa phải là một quốc gia đúng nghĩa.
Fukuzawa Yukichi lập luận về trình độ văn minh của đất nước dựa trên
so sánh với các quốc gia phương Tây. Ông cho rằng phương Tây đã đạt đến
trạng thái văn minh, là những quốc gia hiện đại. Sự khác biệt giữa quốc gia
phương Tây và Nhật Bản nằm ở ý thức dân tộc và mối quan hệ giữa công dân
và nhà nước. Theo Fukuzawa, người dân phương Tây rất quan tâm đến các
vấn đề chính trị của quốc gia và tham gia vào các công việc này bằng nhiều
cách. Thế nhưng tại Nhật Bản, người dân chỉ mang tâm thế như những người
khách đứng ngoài cuộc, xem việc xoay chuyển quyền lực trong chính phủ là
chuyện không liên quan đến mình. Thái độ dửng dưng của người dân có thể
109

xuất phát từ sự khiếp sợ trước tính chuyên chế, hà khắc của chính quyền, cũng
có thể do người dân cho rằng họ thấp kém, không đủ khả năng để hiểu được
các công việc chính trị ấy. Nếp suy nghĩ này đã tạo thành một tập quán có hại
cho vận mệnh đất nước, khiến toàn thể đất nước mất đi tinh thần độc lập,
thiếu vắng sự đoàn kết và do đó không đủ sức mạnh để đối phó với đe dọa
của ngoại bang. Vì những lẽ đó, Fukuzawa mong muốn thay đổi thực trạng
này. Theo ông, Nhật Bản vì thiếu tinh thần độc lập, thiếu ý thức dân tộc nên
chưa thể gọi là một quốc gia đúng nghĩa như các nước phương Tây. Do vậy,
điều cần làm là phải cải cách đất nước, điều chỉnh lại các mối quan hệ xã hội
và định hình lại ý thức của quần chúng nhân dân.
Fukuzawa Yukichi cho rằng để quốc gia có thể độc lập, mục tiêu cấp bách
nhất chính là tạo dựng được ý thức dân tộc và tinh thần độc lập cho toàn thể
người dân. Do đó các vấn đề về công dân mà ông bàn luận đều xoay quanh
mục tiêu này. Mỗi cá nhân độc lập chính là tiền đề để tạo nên một quốc gia độc
lập. Fukuzawa bất bình trước thái độ khúm núp của chính quyền Mạc phủ
Tokugawa trong đàm phán với nước ngoài. Nhìn rộng ra, ông còn thấy rằng
thái độ này không chỉ có ở chính quyền cai trị mà phần lớn người dân cũng tỏ
ra như vậy khi đứng trước những người có sức mạnh, thế lực, tầng lớp lớn hơn
mình. Ông cho rằng nguyên nhân cốt lõi của tình trạng đó chính là ở mỗi cá
nhân đều đang thiếu tinh thần độc lập. Độc lập ở đây chính là sự ý thức rõ về
giá trị của bản thân, về tính bình đẳng giữa bản thân với những người khác cho
dù họ có vẻ có quyền thế hơn mình. Một khi đất nước xây dựng được những cá
nhân độc lập, tinh thần dân tộc sẽ được sản sinh, đó là nền tảng để quốc gia có
thể sánh ngang hàng với các cường quốc khác trên thế giới. Để thực hiện được
mục tiêu lớn lao này, khởi đầu cần phải làm chính là giải phóng được ý thức
từng cá nhân, phát huy được sức mạnh của mỗi công dân.
Thứ hai, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh
tính độc lập và tính cá nhân.
110

Khi đã nhận ra vấn đề cốt lõi cho vận mệnh đất nước chính là ý thức còn
nông cạn của quần chúng nhân dân, Fukuzawa Yukichi tập trung vào vấn đề
khai phóng ý thức cá nhân. Sự độc đáo của tư tưởng Fukuzawa là ở chỗ ông
xem xét người dân dưới góc độ từng cá nhân thay vì gán họ vào một tầng lớp
chung nào đó để quy định tiêu chuẩn đạo đức như cách mà các học giả Nho
giáo thường làm. Fukuzawa đặt mục tiêu sản sinh ra khí phách tự do cho mỗi
cá nhân. Sự tự do này nghĩa là mỗi người dân đủ khả năng hiểu được bản thân
có thế mạnh gì, muốn làm điều gì và có đủ điều kiện để đi theo con đường
phù hợp cho riêng mình.
Lập trường tư tưởng của Fukuzawa Yukichi chính là không phó thác quá
nhiều vận mệnh dân tộc vào sự cai trị của một chính phủ nào đó, thay vào đó,
một đất nước lớn mạnh phải là kết quả của những công dân có tinh thần độc
lập. Khi nghiên cứu lý luận về nhà nước của Fukuzawa, học giả Matsuzawa
Hiroaki nhận xét rằng “Fukuzawa đã xác định rõ vấn đề và lập trường của
mình trên tư cách một trí thức. Về vấn đề hình thành quốc gia dân tộc, ông
không tạo ra một cơ cấu thống trị quốc gia mà thay vào đó là đặt cho mình
câu hỏi làm sao tạo nên được những công dân của đất nước” (Matsuzawa
Hiroaki, 1990, tr.746). Đối với Fukuzawa Yukichi, công dân phải độc lập thì
mới có thể làm nên một đất nước độc lập. Tính độc lập thể hiện trong mối
quan hệ xã hội của mỗi cá nhân, từ gia đình, bạn bè, chính quyền cai trị đến
mối quan hệ với người nước ngoài. Để xây dựng tinh thần độc lập, người dân
cần nắm rõ giá trị của mình, biết được cách cống hiến cho xã hội trong mọi
hoàn cảnh, mọi công việc, mọi xuất thân. Đồng thời, người dân cũng cần rèn
luyện về trí tuệ và năng lực phản biện để nhận định đúng những sự việc diễn
ra xung quanh mình. Mỗi cá nhân phải có chính kiến, biết cách lập luận và đủ
khả năng trình bày suy nghĩ của mình trước người khác. Để làm được điều
này, cần xóa bỏ thái độ đi theo số đông, sợ khác biệt, sợ bị chỉ trích mà phần
đông người dân đang gặp phải. Nếu cả dân tộc chỉ biết đi theo một lối mòn tư
111

duy nhất định, xã hội không thể tạo ra giá trị mới, không thể buông bỏ những
quy chuẩn đã lỗi thời, từ đó không thể phát triển tiến đến văn minh. Do vậy,
Fukuzawa Yukichi luôn nhấn mạnh vào tinh thần độc lập, khí phách tự do ở
mỗi người dân. Một quốc gia dân tộc nếu muốn thay đổi về chất thì sự thay
đổi nhất định phải xuất hiện từ trong ý thức của mỗi cá nhân.
Thứ ba, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi xem trí lực là
con đường hiệu quả nhất để phát triển sức mạnh công dân và đất nước.
Với mục tiêu xây dựng ý thức công dân, Fukuzawa Yukichi chọn tập
trung vào phát triển trí lực. Ông cho rằng có hai phương tiện chủ yếu để có
thể định hướng và phát triển cả một dân tộc, đó chính là đạo đức và trí tuệ.
Phương Đông có truyền thống đề cao đạo đức. Những bậc quân vương, hiền
triết được ca tụng và có tầm ảnh hưởng lớn thường được nhớ đến như những
bậc đức hạnh mẫu mực. Có thể những bậc vĩ nhân ấy bên cạnh đạo đức còn
có trí tuệ và tài năng vượt bậc, tuy nhiên dân chúng thường quan niệm rằng trí
tuệ của vĩ nhân là điều cao siêu mà người thường không thể nắm bắt được, thế
nên người dân không bàn luận nhiều về trí tuệ mà chỉ chú ý đến tấm gương
đạo đức. Truyền thống tôn sùng tấm gương đạo đức mà bỏ qua trí tuệ khiến
cho trí lực của các dân tộc phương Đông không tiến bộ vượt bậc. Đối lập với
điều này, tại phương Tây lại có tinh thần truy tìm chân lý, luôn hoài nghi và
không ngừng phản biện để tạo ra những giá trị mới. Kết quả là phương Tây
trong quan niệm của Fukuzawa đã đạt đến được trình độ văn minh cao, bỏ xa
các dân tộc phương Đông, trong đó có Nhật Bản.
Đạo đức là một chuẩn mực gần như cố định không thay đổi dẫu qua
hàng nghìn năm. Trong khi đó, trí tuệ của nhân loại luôn không ngừng mở
rộng, cái sau ra đời phủ định cái trước. Nếu chỉ xem đạo đức là mục tiêu
hướng đến cho toàn xã hội, xã hội ấy khó có thể phát triển được tính linh
động, không nhận thấy sự biến đổi năng động và do vậy hành trình đến được
trạng thái văn minh là vô cùng chậm chạp. Ngoài ra, đạo đức mang tính chất
112

hướng nội, tức chỉ bản thân người rèn luyện đạo đức mới có thể cảm nhận
được các giá trị mà đạo đức mang lại. Do vậy, đạo đức không có sức lan tỏa,
khó có thể phổ biến nhanh chóng cho cả một cộng đồng dân tộc. Trái lại, trí
tuệ của một cá nhân lại dễ dàng và nhanh chóng tạo ra giá trị lan tỏa cho
toàn bộ cộng đồng. Khi một phát hiện, phát minh ra đời trong một lĩnh vực
nào đó, chỉ cần một số người am hiểu về lĩnh vực đó tích cực phân tích,
phản biện, họ sẽ tạo ra được những sản phẩm có sức mạnh thay đổi bộ mặt
cuộc sống của toàn bộ cộng đồng. Sản phẩm đó có thể là công cụ lao động,
phương thức sản xuất, nguyên lý vận hành… Các chuyên gia sẽ trực tiếp
nghiên cứu áp dụng những tri thức mới này cho công việc sáng tạo sản xuất
của mình, trong khi đó, những công dân bình thường không hề biết đến
những tri thức ấy cũng có thể hưởng được giá trị nhờ vào sự gia tăng năng
suất, đời sống cải thiện nhờ vào hệ quả của các phát hiện, phát minh như vậy.
Nhìn vào đó có thể thấy được rằng tri thức có sức mạnh cực kỳ to lớn đối
với đời sống xã hội. Nếu muốn đưa đất nước tiến bộ một cách nhanh chóng,
muốn biến đổi đời sống người dân một cách rộng khắp, nhất định phải ưu
tiên phát triển bằng tri thức.
Trí lực cũng là phương tiện để mỗi công dân có được ý thức cộng đồng,
khả năng phân tích, lập trường quan điểm khi đối diện với các vấn đề trong
đời sống xã hội. Năng lực nhận thức cao giúp cho công dân đánh giá được
hành vi nào là phù hợp cần được học hỏi và nhận rộng, hành vi nào là bất cập,
cản trở sự phát triển của xã hội cần phải được ngăn chặn, bài trừ. Trí lực phát
triển sẽ là tiền đề tạo nên khí phách tự do, ở đó mỗi công dân đều hăng hái và
đủ khả năng với sự nghiệp chính trị của dân tộc. Khi trí lực từ năng lực suy
nghĩ cá nhân phát triển được đến mức độ trí lực cộng đồng, trí lực mang tính
tập thể này sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để điều chỉnh nhận thức, hành vi của
mỗi cá nhân trong đó, là phương tiện để công dân có thể theo dõi và kiểm soát
các quyết định của chính quyền. Vì thế cho nên trí lực cần phải được khơi gợi
113

và phát huy một cách hiệu quả từ cấp độ cá nhân đến cấp độ chung trên toàn
dân tộc.
Sự đề cao trí lực của Fukuzawa Yukichi mở ra một chặng đường mới
cho hành trình văn minh của Nhật Bản cũng như các nước phương Đông nói
chung. Trong truyền thống Nho giáo mà phương Đông chịu ảnh hưởng mạnh
mẽ, giáo dục luôn tập trung vào vấn đề “tu thân”, tức rèn luyện đạo đức cá
nhân. Tiêu chuẩn để đánh giá một cá nhân tốt, đáng ca ngợi, có thể phục vụ
cho đất nước thường chỉ xoay quanh phẩm hạnh của người đó. Trí lực tại
phương Đông do đó bị xem nhẹ và đơn giản hóa. Điều này dẫn đến tốc độ
phát triển văn minh chậm chạp ở các quốc gia phương Đông và đến thời đại
va chạm Đông-Tây này thì tập quán trên rõ ràng đã trở nên lạc hậu. Nỗ lực
khuyến khích phát triển trí lực của Fukuzawa chính là hồi chuông lay động
toàn bộ Nhật Bản, giúp người Nhật nhận ra khuyết điểm nội tại và đồng thời
tìm thấy phương hướng để giải quyết vấn đề, phát triển đất nước, đảm bảo
tính tự lực tự cường.
Thứ tư, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi đề cao sức mạnh
ở khối tư nhân.
Quan điểm đề cao phát triển nhân lực ở khu vực ngoài chính phủ là một
điểm đặc biệt trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Đây là lập trường xuyên
suốt trong tư tưởng của ông. Trước tiên, Fukuzawa chủ trương xóa bỏ lối
phân biệt đẳng cấp, phân biệt sang hèn theo nghề nghiệp, chức vụ. Do vậy đối
với Fukuzawa, quan chức hay dân thường cũng đều đáng quý trọng như nhau,
đều đóng góp vào các công việc chung của xã hội như nhau. Mối quan hệ
giữa quan và dân không phải là sự ban ơn, thế nên mọi công dân cần hiểu rõ
giá trị của chính mình, về khả năng đóng góp của mình cho đất nước. Hơn thế
nữa, một khi hiểu được tính bình đẳng này, công dân sẽ hình thành được ý
thức chính trị, từ đó nhiệt tình quan tâm và trực tiếp tham gia đóng góp vào
các công việc chung của quốc gia, dân tộc. Việc khơi gợi ý thức chính trị
114

trong khu vực ngoài nhà nước bởi Fukuzawa nhận thấy rằng người dân Nhật
Bản đang vô cùng thờ ơ với các công việc chính trị và hầu như không có ý
niệm về vấn đề vận mệnh đất nước. Chính phủ dù cho là tập hợp những người
tài năng, nhiệt huyết, có thể chăm lo tận tình đời sống nhân dân đi chăng nữa,
nhưng nếu người dân không có tinh thần công dân hiện đại, không mang ý
thức chính trị và tinh thần độc lập thì quốc gia cũng không thể nào vững mạnh
được lâu dài. Cách suy nghĩ này cho thấy tính hiện đại trong tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi, là sự kế thừa của ông đối với các tư tưởng triết học chính
trị phương Tây. Fukuzawa đã tiếp cận vấn đề công dân dưới góc độ chức
năng, cho rằng mối quan hệ giữa công dân và chính phủ là một mối quan hệ
khế ước và phân chia vai trò để tạo thành một xã hội thống nhất.
Kế đó, Fukuzawa Yukichi còn kêu gọi nhân tài đóng góp sức mình trong
khu vực ngoài chính phủ. Đây là một quan điểm có thể nói là đi ngược với số
đông hiện thời. Cải cách Minh Trị năm 1868 đã mở ra một hướng đi mới và
tích cực cho giới trí thức Nhật Bản, khiến họ cảm thấy mong muốn được tham
gia vào chính trị, đóng góp sức lực cho đất nước. Sự thu hút nhân tài vào
chính phủ như thế này là một cơ hội to lớn để phát triển đất nước, thế nhưng
Fukuzawa lại kêu gọi nhân tài không nên đổ xô vào làm quan chức mà thay
vào đó khuyến khích họ cống hiến trong lĩnh vực tư nhân. Lý do của ông
chính là ông cảm thấy khu vực tư nhân cũng hoàn toàn có thể đóng góp vào
công việc chính trị, các hoạt động sản xuất, kinh tế mà người dân thực hiện
hàng ngày cũng đều tạo ra những giá trị lớn lao cho đất nước. Do vậy, khu
vực tư nhân cũng rất cần phải thu hút nhân tài, phát triển nhân lực để đất nước
có thể phát triển đồng bộ và trơn tru. Mặt khác, làm việc ở ngoài chính phủ
cũng là một môi trường tốt để nhân tài rèn luyện và phát triển tài năng của
mình chứ không nhất thiết phải tiến thân thông qua con đường quan chức.
Quan điểm đối lập với truyền thống quan bảng của Fukuzawa đã mở ra
một hướng đi rộng mở cho việc phát triển nguồn lực đất nước. Với nguồn nhân
115

lực chất lượng hoạt động trong khối tư nhân, quốc gia có thể xây dựng được
một nền kinh tế đa dạng, năng động trên nhiều lĩnh vực. Trong các triều đại
Nho giáo, giới trí thức chỉ chuyên tâm vào sách vở kinh điển, văn chương, lịch
sử để có thể tiến thân trong chính quyền. Họ bị bó hẹp về tri thức cũng như
nhận thức, do đó dễ trở nên lúng túng lẫn bất mãn một khi thời đại mới mở ra.
Với phương hướng mà Fukuzawa đề ra, vấn đề này được giải quyết. Một mặt,
giới trí thức không cảm thấy mình thừa thãi trong thời đại mới, bởi khoa bảng
không phải là mục đích tối thượng để khẳng định bản thân. Mặt khác, tiềm lực
nhân lực của đất nước được phát huy một cách đa dạng và mạnh mẽ, các cá
nhân được khai phóng và hồ hởi với công cuộc lao động xây dựng đất nước.
2.2.1. Ý nghĩa lịch sử quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề
công dân
Thứ nhất, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi vạch ra những
giá trị cơ bản để xây dựng một quốc gia hiện đại.
Xác định lại bản chất và vị trí của công dân trong mối quan hệ với nhà
nước là công việc cần thiết để tạo nền tảng xây dựng một quốc gia hiện đại.
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi đã có tác động rất lớn đối với việc khai
phóng nhận thức của người dân lúc bấy giờ. Ông đã chỉ rõ sự khác nhau giữa
một quốc gia văn minh hiện đại với một quốc gia “bán khai” như Nhật Bản,
cho rằng điều căn bản của những khác biệt ấy nằm ở trình độ nhận thức của
người dân. Tập quán sống, nếp nghĩ truyền thống mà chế độ xã hội hàng trăm,
hàng nghìn năm hình thành cho người dân đã không còn phù hợp với thời đại,
hơn nữa còn là yếu tố cản trở con đường văn minh hóa của quốc gia. Cách
thức nhìn nhận và phân tích vấn đề của Fukuzawa là sự đột phá cho xã hội lúc
bấy giờ khi ông truy tìm con đường thay đổi vận mệnh đất nước ở nhận thức
của từng cá nhân. Ông nhận thấy rằng cho dù quốc gia có thay đổi chính phủ,
thành lập bộ máy chính quyền theo hình thức tương tự với các quốc gia hiện
đại phương Tây đi chăng nữa, nhưng nếu người dân chưa mang tinh thần của
116

một công dân hiện đại thì quốc gia đó cũng không thể xem là hiện đại, không
đạt đến được văn minh.
Quốc gia hiện đại trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi xoay quanh các
vấn đề như: công dân, chính phủ, mối quan hệ bình đẳng, ý thức chính trị,
nghĩa vụ tham gia công việc chính trị, phát triển nhân lực trong các khu vực
kinh tế, chính trị, học thuật... Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với một
quốc gia phong kiến lâu đời. Học giả Matsuzawa Hiroaki nhận xét rằng lý
luận về sự hình quốc dân mà Fukuzawa Yukichi trình bày trong tác phẩm của
mình “mang lại tác động to lớn đến những người cùng thời đại và được tiếp
thu rộng rãi. Hơn hết, lý luận ấy còn phát huy một nguồn sức mạnh khổng lồ
phủi bay những quan niệm truyền thống về vị trí của cá nhân, chính phủ và xã
hội chính trị” (Matsuzawa Hiroaki, 1990, tr.760-761). Sự tiếp thu và vận dụng
giá trị tư tưởng phương Tây của Fukuzawa đã mở ra một bầu không khí mới,
sôi động và phong phú. Có thể nói, giá trị tư tưởng của ông là một nền tảng
quan trọng cho công cuộc hiện đại hóa của đất nước Nhật Bản.
Thứ hai, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi chỉ ra vai trò
quan trọng của nguồn lực công dân trong sự phát triển đất nước.
Sức mạnh cá nhân thường bị xem nhẹ trong truyền thống tư tưởng Nho
giáo. Ở xã hội phong kiến, mỗi người phải cố gắng bỏ qua “cái tôi” cá nhân
để hướng về “cái ta” chuẩn mực của toàn xã hội. Điều này khiến hầu hết
người dân bị mất đi tính độc lập, tinh thần tự do, không dám suy nghĩ và đưa
ra quan điểm của riêng mình. Fukuzawa Yukichi đả phá tập quán này và cố
gắng khiến xã hội hiểu được ý nghĩa quan trọng của tính độc lập ở công dân.
Ông cho rằng tinh thần và trí lực của công dân sẽ biểu hiện cho sức mạnh của
một quốc gia, do vậy nếu muốn quốc gia độc lập thì trước tiên mỗi công dân
trong quốc gia đó phải là những công dân có tinh thần độc lập.
Fukuzawa Yukichi đã nhấn mạnh vào một nguồn lực mà truyền thống
phong kiến ít quan tâm đến. Trong xã hội Nho giáo, chính trị là công việc của
117

riêng của vua chúa và quan chức. Người dân bị gạt hẳn ra ngoài công việc
chính trị bởi giới cai trị cho rằng dân chúng không đủ năng lực hiểu và tham
gia vào các vấn đề lớn lao này. Mục tiêu mà tầng lớp thống trị đặt ra trong
việc quản lý nhân dân chỉ là làm sao để người dân có cuộc sống yên ổn, từ đó
đảm bảo được trật tự xã hội trong nước và tránh cho quần chúng tập hợp lật
đổ chính quyền. Thế nhưng bằng sự tiếp thu các tư tưởng hiện đại phương
Tây, Fukuzawa cho rằng tính độc lập và khí phách tự do cho công dân là mục
tiêu mà sự quản lý của chính phủ cần phải tạo ra được. Chí khí của mỗi cá
nhân chính là nền tảng để xây dựng một quốc gia. “Fukuzawa Yukichi cho
rằng kể cả khi xây dựng một chính thể lập hiến, trước nhất cũng phải tạo nên
được tinh thần công dân tự do tự chủ, từ đó mới có thể đảm bảo sản sinh nên
bản chất thực thụ của một chính thể lập hiến” (OU Jianying, 2016, tr.67).
Điều tạo nên sức mạnh quốc gia không phải là sự ổn định trong nước
làm nên từ luật lệ hà khắc hay quy định chi tiết đến từng hoạt động đời sống
của người dân, mà là khí phách tự do và tinh thần hăng hái với chính trị ở mỗi
công dân. Công dân chính là lực lượng quyết định vận mệnh đất nước. Nếu
thiếu đi sự hỗ trợ từ sức mạnh của quần chúng nhân dân, chính phủ dù có sức
mạnh và tài ba đến thế nào cũng không thể duy trì được nền độc lập lâu dài.
Nhận thức được vai trò to lớn của việc phát huy sức mạnh công dân
chính là điều kiện để phát triển quốc gia một cách toàn diện và bền vững.
Thực tế lịch sử đã cho thấy rằng con người chính là yếu tố quan trọng nhất
làm nên giai đoạn phát triển “thần kỳ” của Nhật Bản. Con người tham gia
vào công cuộc phát triển này không phải chỉ là các quan chức chính phủ mà
đến từ mọi bộ phận trong xã hội. Có thể nói, nền kinh tế phát triển đồng bộ,
đa dạng mà Nhật Bản có được là thành quả từ tư tưởng cải cách của
Fukuzawa Yukichi.
Thứ ba, tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi mở ra cho các cá
nhân, đặc biệt là giới trí thức thấy được cách thức đóng góp cho đất nước.
118

Nếu như ở các giai đoạn biến đổi triều đại, bất mãn và lánh đời là thái độ
thường thấy ở các nhân sĩ trí thức thì Fukuzawa Yukichi đã có sự phân tích và
chỉ ra giải pháp cho vấn đề này. Ông phê phán lối suy nghĩ chê trách thời đại,
cho rằng thời đại khiến bản thân không thể phát huy tài năng của một bộ phận
trí thức. Theo Fukuzawa, tài năng có phát huy được giá trị thực tế hay không
phụ thuộc vào chính bản thân của cá nhân ấy. Cần phải tự điều chỉnh giá trị
bản thân sao cho phù hợp với thời đại mà mình đang sống, giải quyết được
những vấn đề cấp bách mà xã hội đang đối mặt, như thế ai ai cũng có thể
đóng góp vào lợi ích của cộng đồng bất kể chính quyền cai trị tốt xấu ra sao.
Fukuzawa Yukichi đã mở rộng quan niệm về cách thức tiến thân cho các
cá nhân trong xã hội. Theo đó, quan chức không phải là con đường duy nhất
hay tốt nhất để cống hiến cho đất nước. Một quốc gia giàu mạnh ngoài chính
trị còn rất cần đến các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, học thuật… Ở bất
kỳ lĩnh vực nào, sự lao động của người dân cũng vô cùng có giá trị đối với
vận mệnh quốc gia. Do vậy, công dân nên tích cực trong chính công việc
hàng ngày của mình, đồng thời ý thức được vai trò bản thân trong sự nghiệp
của toàn dân tộc.
Cách nhìn này của Fukuzawa Yukichi một mặt giải quyết những mâu
thuẫn, bất mãn trong buổi chuyển giao thời đại, mặt khác phát huy được triệt
để sức mạnh của các thành phần công dân. Ý thức dân tộc theo đó cũng nảy
sinh và tạo ra khí thế hăng hái ở quần chúng. Tự hào về công việc của bản
thân và tinh thần cống hiến cho quốc gia trong mọi lĩnh vực chính là một
trong những yếu tố quan trọng làm nên tính “thần kỳ” cho công cuộc hiện đại
hóa đất nước của quốc gia châu Á này.

Kết luận chương 2


Vấn đề công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi chủ yếu tập trung
vào tính độc lập cá nhân, ý thức chính trị của công dân, vai trò của công dân
đối với vận mệnh đất nước và cách thức phát huy vai trò đó. Hình mẫu mà
119

Fukuzawa Yukichi muốn xây dựng là những công dân mang tính hiện đại, bình
đẳng trong mối quan hệ với chính phủ cai trị, có khả năng tự nhận định và bày
tỏ quan điểm về các vấn đề của đất nước. Fukuzawa cho rằng xây dựng được
tầng lớp nhân dân mang tinh thần công dân hiện đại chính là điều kiện tiên
quyết để hiện đại hóa đất nước. Muốn đất nước độc lập tự cường thì trước hết
mỗi cá nhân trong đất nước đều phải có được tinh thần độc lập, tự cường.
Với bản chất bình đẳng và sự tham gia vào quốc gia mang tính khế ước,
công dân là một bộ phận ngang bằng với chính phủ thay vì chỉ đơn thuần là
một đối tượng cai trị. Chính phủ và công dân hòa hợp tạo thành quốc gia
thông qua một thỏa ước vô hình mà ở đó, công dân có nghĩa vụ lao động đóng
góp của cải vật chất, ngược lại chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ và cải thiện cuộc
sống của công dân. Mọi công dân đều có đóng góp và tác động to lớn đối với
vận mệnh đất nước bất kể xuất thân, nghề nghiệp và trình độ. Đồng thời,
Fukuzawa Yukichi còn muốn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa các bộ phận
công dân với nhau, xóa bỏ lối quan niệm đẳng cấp đã đè chặt xã hội Nhật Bản
trước đây. Ông nhận định rằng chính chế độ đẳng cấp phong kiến đó đã tạo
nên một tập quán hèn kém giết chết tính độc lập, tự tôn của mỗi cá nhân.
Quốc gia hiện đại trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi còn là một xã
hội thượng tôn pháp luật. Pháp luật chính là kết quả của sự thỏa thuận giữa
công dân và chính phủ. Pháp luật là đại diện cho ý chí chung của công dân, ở
đó công dân đồng ý giao phó công việc quản lý đất nước cho chính phủ và tự
nguyện tuân theo luật lệ mà chính phủ đặt ra. Theo Fukuzawa, để đảm bảo
trật tự xã hội, người dân nhất mực phải tuân thủ pháp luật. Nếu pháp luật hay
cách quản lý có gì chưa phù hợp, người dân cần kiên nhẫn góp ý với chính
phủ, khi đó chính phủ nhất định sẽ nhận ra và có sự điều chỉnh.
Trong công cuộc xây dựng sức mạnh công dân, nỗ lực phải bắt đầu từ mỗi
một cá nhân. Fukuzawa Yukichi cho rằng cần tạo được tập quán tranh luận
công khai để kích thích năng lực tư duy của công dân. Nếu công dân trong một
120

đất nước chỉ biết làm theo những chuẩn mực có sẵn mà không hề suy nghĩ về
bản chất, quốc gia đó sẽ trở thành tập hợp những con rối không có tinh thần
độc lập, không có năng lực sáng tạo. Hoạt động tranh luận không phải chỉ
nhằm tìm ra giá trị đúng đắn mà hơn hết là để khơi gợi tinh thần năng động,
kích thích thói quen phản biện, lập luận của người dân. Sức mạnh của công dân
theo Fukuzawa Yukichi chính là dựa trên tinh thần năng động như thế.
Để phát huy năng lực công dân, Fukuzawa Yukichi còn nhấn mạnh vào
tính tự do tư tưởng cho mỗi cá nhân. Với ông, chính phủ cần tránh áp đặt quan
điểm, tránh định hướng tư tưởng cho người dân của mình. Một môi trường tư
tưởng đa dạng chính là điều kiện để sản sinh ra những giá trị mới đưa toàn bộ
xã hội tiến bộ. Đồng thời, tự do tư tưởng, tự do xuất bản cũng là phương tiện để
chính phủ có thể nắm bắt được tình hình thực tế của dân chúng. Tại đó, công
dân cởi mở bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội, nhờ vậy chính phủ có thể
nắm bắt và điều chỉnh kịp thời trước khi các vấn đề ấy trở thành mâu thuẫn lớn.
Tạo điều kiện cho công dân phát triển tự do, đa dạng và khuyến khích tranh
luận công khai chính là một mục tiêu chính phủ cần đạt được nếu muốn tạo
được niềm tin và khuyến khích sự đóng góp từ lực lượng công dân.
Tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi là sự định hướng cho việc
xây dựng một quốc gia hiện đại. Ở đó, mỗi công dân đều có tinh thần độc lập, ý
thức quốc gia dân tộc, có vai trò đối với vận mệnh đất nước. Các tư tưởng của
ông là kết quả từ sự quan sát so sánh giữa văn minh phương Tây với xã hội
phong kiến Nhật Bản đương thời. Fukuzawa Yukichi đã mở ra những giá trị
mới mẻ và cần thiết cho giai đoạn giao thời của Nhật Bản: đả phá những tập
quán tư duy lạc hậu và độc hại, xác định lại các bản chất công dân và các mối
quan hệ của công dân trong xã hội, đồng thời đề ra phương hướng xây dựng đất
nước, phát huy tối đa các nguồn lực từ công dân, đồng thời đảm bảo trật tự xã
hội, điều hòa các mâu thuẫn có thể xảy ra trong buổi chuyển giao thời đại.
121

KẾT LUẬN CHUNG

Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân là những giá trị
xuất phát từ bối cảnh thời đại của giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn
thế giới nói chung và châu Á, Nhật Bản nói riêng phải đối diện với những
thách thức và đe dọa chưa từng có trong lịch sử. Các nước tư bản phương Tây
trải qua cuộc cách mạng công nghiệp với năng lực sản xuất gia tăng đáng kinh
ngạc, kéo theo nhu cầu cấp bách về nguyên liệu, nhân lực và thị trường. Do
vậy, các quốc gia này bằng sức mạnh kinh tế, hàng hải và quân sự của mình
đã tiến hành mở rộng phạm vi đến các quốc gia châu Á. Sự va chạm giữa nền
phong kiến truyền thống phương Đông với sức mạnh tư bản phương Tây đã
khiến hàng loạt các quốc gia châu Á – trong đó có Nhật Bản – rơi vào lúng
túng và thậm chí là đánh mất độc lập dân tộc.
Trăn trở của Fukuzawa Yukichi chính là làm sao giải quyết được tình
trạng bất bình đẳng giữa Nhật Bản với phương Tây, truy tìm nguồn gốc của
thái độ e sợ, khúm núm của người dân Nhật Bản khi phải đối diện với nước
ngoài. Ông vô cùng bất mãn với chính quyền Mạc phủ Tokugawa đương
nhiệm, cho rằng đây là một chính phủ độc tài, cai trị nhân dân bằng đường lối
hà khắc, giết chết tinh thần tự do độc lập của người dân, thế nhưng khi đối
diện ngoại bang lại tỏ ra vô cùng nhu nhược hèn nhát. Không chỉ riêng
Fukuzawa Yukichi, sự bất mãn này xuất hiện ở một bộ phận đáng kể trí thức
Nhật Bản, dẫn đến làn sóng “tôn Vương đảo Mạc” và “tôn Vương nhương
di” nhằm lật đổ chế độ Mạc phủ, đánh đuổi người nước ngoài ra khỏi đất
nước. Tuy nhiên, Fukuzawa Yukichi chọn đứng ngoài làn sóng này. Ông cho
rằng các chí sĩ mang tinh thần gay gắt kia thực ra không nhìn thấy được bản
chất của sự bất bình đẳng giữa Nhật Bản với các nước phương Tây. Nếu chỉ
lật đổ chính quyền để đưa một chính quyền khác lên nhưng chính quyền mới
ấy không có khác biệt đáng kể về chất thì đất nước cũng không thể xóa bỏ
những mâu thuẫn hiện có. Vấn đề thời đại của Nhật Bản không nằm ở chính
122

quyền cai trị mà nằm ở tinh thần dân tộc: Nhật Bản chưa phải là một quốc gia
thực sự, người dân Nhật Bản chưa có tinh thần độc lập, chưa phải là “công
dân” đúng nghĩa của một quốc gia.
Bối cảnh xã hội đặt vấn đề cho tư tưởng công dân của Fukuzawa
Yukichi mang những đặc trưng sâu sắc. Đó là một nhà nước phong kiến đã
trải qua hơn bảy thế kỷ thống nhất dưới sự cai trị của chính quyền Mạc phủ
Tokugawa. Để làm nên được sự yên ổn lâu dài hiếm có này, Mạc phủ
Tokugawa đã áp dụng chế độ cai trị hà khắc, quy định khắt khe trong từng
vấn đề của đời sống nhân dân, buộc các lãnh chúa địa phương phải định kỳ
trình diện và cống nạp tại kinh thành nhằm khống chế sức mạnh của các địa
phương, ngăn ngừa nguy cơ lật đổ chính quyền. Giới bình dân của xã hội Nhật
Bản bị phân tầng trong hệ thống tứ dân gồm bốn tầng lớp: võ sĩ, thợ thủ công,
nông dân và thương nhân. Quyền lợi và nghĩa vụ của các tầng lớp này chênh
lệch nhau, mối quan hệ đẳng cấp mang tính cha truyền con nối, cuộc sống của
mỗi cá nhân bị quyết định bởi xuất thân gia tộc. Tầng lớp võ sĩ có thể được
xem là bộ phận quý tộc bởi họ được nhận bổng lộc từ chính quyền và có nghĩa
vụ dùng vũ lực bảo vệ cho quyền lực của giới cai trị. Tuy nhiên, trong nội bộ
giới võ sĩ có sự phân hóa gay gắt. Các võ sĩ cấp cao được hưởng bổng lộc dư
dả, có điều kiện trau dồi kiến thức và phong thái trang nhã, được tiếp xúc trực
tiếp với lãnh chúa và các công việc chính trị. Ngược lại, bộ phận võ sĩ cấp thấp
mà Fukuzawa Yukichi đứng trong đó lại nhận bổng lộc eo hẹp, khiến gia đình
các võ sĩ này phải chật vật sinh nhai bằng những công việc không thuộc về tầng
lớp mình như buôn bán, làm tiểu thủ công, do vậy không còn khí chất trang nhã
phải có của truyền thống võ sĩ. Sự phân hóa giàu nghèo, sang hèn giữa các tầng
lớp dân chúng càng về cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa càng trở nên sâu sắc.
Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, thương mại trong
nước khiến các tầng lớp này có những thay đổi về chất. Vào cuối thời kỳ
Tokugawa, tầng lớp thị dân, thương gia trở nên giàu có, tạo nên một thị trường
123

tài chính năng động. Trái lại, tầng lớp võ sĩ và lãnh chúa địa phương lại dần
kiệt quệ cho chính sách trình diện và cống nạp của Mạc phủ tại trung ương, do
đó họ phải vay tiền từ giới thương gia và ngày càng phụ thuộc vào tầng lớp
“thấp” này. Đồng thời, thương mại phát triển kéo một lực lượng võ sĩ vào hoạt
động buôn bán, khiến cho tư duy của bộ phận này trở nên năng động và cởi mở
hơn trước những biến đổi và va chạm của thời đại. Những biến đổi xã hội này
tác động đáng kể đến quan niệm về công dân, làm nảy sinh những hoài nghi
cho hệ thống thứ bậc tồn tại lâu đời tại Nhật Bản.
Fukuzawa Yukichi xuất thân từ tầng lớp võ sĩ cấp thấp, được hưởng nền
giáo dục Nho giáo từ nhỏ theo truyền thống võ sĩ, thế nhưng ông sớm nhận ra
những vấn đề lỗi thời, bất cập trong hệ thống tư tưởng ấy và chủ động chuyển
sang trường phái Hà Lan học. Tư tưởng của ông là kết tinh của sự va chạm
Đông Tây. Ông vừa nắm được nội dung kinh điển trong các học thuyết truyền
thống phương Đông, vừa tiếp thu mạnh mẽ những giá trị tư tưởng phương Tây.
Xã hội và nhà nước trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi được phân tích qua
lăng kính của các học thuyết cách mạng phương Tây như khế ước xã hội, tam
quyền phân lập, tự do dân chủ, độc lập cá nhân… Điều này phá vỡ quan niệm
“thần dân” trong xã hội phong kiến, ở đó giới cai trị thường cho rằng dân
chúng chỉ là những kẻ u tối cần được giới quý tộc dẫn dắt và phải tuân phục,
biết ơn sự cai trị này. Có thể nói, Fukuzawa Yukichi đã xác định lại khái niệm
công dân theo hướng hiện đại, đưa xã hội Nhật Bản sang một trang mới.
Nội dung tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân xoay
quanh bản chất của công dân, mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, vai
trò của công dân trong vận mệnh đất nước và phương hướng để phát huy
được nguồn lực của công dân. Fukuzawa nhấn mạnh vào tính bình đẳng của
công dân, phản đối gay gắt chế độ đẳng cấp và sự phục tùng vô điều kiện mà
chế độ xã hội phong kiến đã hình thành cho tiềm thức người dân. Ông cho
rằng, không có xuất thân hay công việc nào là thấp kém, mỗi người dân đều
124

có vai trò và năng lực đóng góp của riêng mình cho quốc gia. Đồng thời, mối
quan hệ giữa công dân và nhà nước mang tính khế ước. Việc công dân lao
động sản xuất đóng góp cho chính phủ hay chính phủ ban bố luật lệnh, quản
lý trật tự xã hội chẳng qua chỉ là thỏa ước phân chia vai trò giữa hai bên. Mối
quan hệ này mang tính bình đẳng và tôn trọng nhau dựa trên ý nghĩa công
việc mà đối phương đang đảm nhận. Do vậy, người dân không nên mang tâm
thế chịu ơn sự cai trị của chính phủ, không nên e sợ uy quyền của giới quan
chức. Khi hiểu được tính bình đẳng này, người dân sẽ có được sự độc lập
trước sự quản lý của chính phủ, dám suy xét tính đúng sai trong cách quản lý
mà mình đang chịu, từ đó có thể đóng góp ý kiến để chính phủ hoàn thiện hơn.
Tính độc lập ở công dân là vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất
nước. Nếu người dân không có tinh thần độc lập, họ sẽ bàng quang với những
sự kiện chính trị diễn ra quanh mình, không quan tâm đến tình trạng bị đe dọa
của vận mệnh đất nước, không có ý thức dân tộc khi đối diện ngoại bang. Một
quốc gia có tinh thần công dân như thế sẽ không thể triệu tập đủ sức mạnh để
bảo vệ độc lập dân tộc cho dù chính phủ có năng lực đến thế nào đi nữa. Do
vậy, nếu muốn giữ vững được độc lập dân tộc, phát triển đất nước trước sức
ép từ văn minh phương Tây, điều cấp bách phải làm chính là thức tỉnh toàn
dân tộc, khiến cho người dân trở thành “quốc dân” thực sự, mang ý thức độc
lập và nhiệt huyết với các vấn đề chính trị.
Fukuzawa cho rằng trước hết, công dân cần phải được tự do về tư tưởng.
Nếu chính quyền áp đặt một học thuyết nào đó làm học thuyết thống trị và
triệt tiêu các tư tưởng trái chiều, người dân sẽ mất đi năng lực hoài nghi, sáng
tạo và đồng thời cũng mất đi khí phách tự do. Tranh luận là phương cách tốt
để bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân, do đó cần tạo môi trường thuận lợi và
cởi mở cho hoạt động tranh luận này. Mục đích của tranh luận không phải chỉ
nhằm tìm ra chân lý đúng đắn. Sâu xa hơn thế, quá trình tranh luận sẽ giúp
mỗi người nhận ra thế nào là sai lầm, thế nào là đúng đắn, thế nào là phù hợp
125

hay chưa phù hợp. Năng lực phán đoán giá trị mà mỗi người trau dồi được
sau những tranh luận mới là mục tiêu của hoạt động này. Fukuzawa hướng
đến việc nâng cao trí lực cho tập thể trong xã hội. Theo ông, trí tuệ có khả
năng lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp, tạo nên những giá trị cho toàn thể
cộng đồng. Khi trí tuệ cá nhân lan tỏa và phát triển lên thành trí tuệ tập thể,
mỗi cá nhân sẽ có được năng lực phán đoán đâu là điều phù hợp hay chưa phù
hợp đối với sự phát triển chung của xã hội, từ đó cộng đồng sẽ có được chính
kiến, quan điểm độc lập mà không cần phải nhờ đến một cá nhân hay hệ tư
tưởng nào đó dẫn đường. Đồng thời, dựa trên tranh luận và xuất bản tự do từ
giới trí thức, chính phủ còn có thể nắm bắt được tình hình thực tế của đất
nước để có được chính sách quản lý phù hợp.
Fukuzawa Yukichi khuyến khích phát triển nhân lực trong khu vực ngoài
nhà nước. Ông cho rằng người tài không nên đổ xô làm quan chức cho chính
phủ, đó không phải là con đường duy nhất để có thể đóng góp cho đất nước
hay để khẳng định năng lực bản thân. Người tài tụ hội trong bộ máy chính
quyền là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia, thế nhưng một
chính quyền dư thừa người tài sẽ trở nên cồng kềnh và lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, khu vực tư nhân cũng rất cần sự có mặt của những người tài
giỏi. Ở bất kỳ lĩnh vực, công việc nào, công dân cũng có thể đóng góp cho sự
phát triển chung của đất nước bằng kiến thức, kỹ năng, tài nghệ của mình chứ
không nhất thiết phải tiến thân bằng con đường quan chức. Fukuzawa Yukichi
cho rằng phân bổ nguồn nhân lực sang các khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy đất
nước phát triển đồng bộ và mạnh mẽ, huy động được sự cống hiến từ mọi
tầng lớp nhân dân.
Có thể thấy, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi có những điểm khác biệt và
đột phá trong bối cảnh đương thời. Ông chỉ ra vấn đề then chốt của đất nước
nằm ở tinh thần độc lập của mỗi cá nhân, do vậy hình mẫu công dân mà ông
muốn xây dựng chính là những cá nhân độc lập, có năng lực tư duy tốt, biết
126

suy tư trước các vấn đề chính trị. Ông xem tinh thần tự do là nền tảng cần có
để tạo ra được một tầng lớp nhân dân như thế. Đồng thời, ông cũng đề cao trí
lực, cho rằng trí lực là phương tiện thúc đẩy dân tộc tiến bộ một cách nhanh
chóng và rộng khắp. Đặc biệt, Fukuzawa luôn nhấn mạnh đến vai trò của
công dân bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Sự đề cao vai trò cá nhân và chú trọng
lĩnh vực tư nhân của Fukuzawa Yukichi khá mới mẻ, độc đáo, mở ra một
hướng đi mới cho con đường phát triển đất nước.
Tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi mang giá trị lịch sử sâu
sắc. Ông mở ra cho Nhật Bản một góc nhìn hiện đại, vạch rõ những vấn đề
kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tư tưởng công dân của ông xác định lại
bản chất và thái độ cần có của công dân trong một quốc gia hiện đại, khơi gợi
tính chủ động ở người dân để từ đó có thể phát huy nguồn lực, xác định được
hướng đi đúng đắn cho con đường hiện đại hóa, văn minh hóa đất nước.
Fukuzawa đã chỉ ra vai trò và tiềm lực mạnh mẽ của bộ phận công dân – một
bộ phận bị xem nhẹ trong lối suy nghĩ phong kiến trước đó. Đồng thời, giữa
bối cảnh chuyển giao thời đại và trật tự xã hội bị biến đổi to lớn, tư tưởng của
ông còn có ý nghĩa định hướng cho giới trí thức về phương cách đóng góp
cho đất nước. Nhờ đó Nhật Bản đã có được sự phát triển năng động, toàn diện
và ghi dấu sự hiện đại hóa “thần kỳ” của mình vào lịch sử nhân loại.
Ra đời ở Nhật Bản vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, thế nhưng tư tưởng về
công dân của Fukuzawa Yukichi cũng chứa đầy giá trị cho Việt Nam trong
thời đại hiện nay. Đó là bài học về phát huy tinh thần độc lập, nâng cao ý thức
chính trị cá nhân, khơi gợi tinh thần đóng góp cho đất nước và phát huy sức
mạnh của yếu tố con người trong từng lĩnh vực. Tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi không chỉ là gợi mở cho bộ phận lãnh đạo, quản lý đất nước mà còn
có thể định hướng cho sự rèn luyện của mỗi công dân. Do vậy, tiếp thu tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi sẽ góp phần đáng kể cho công cuộc phát triển
mà đất nước ta đang hướng tới.
127

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt


1. Alvin Toffler. (2019). Cú sốc tương lai. (Thanh Hoa dịch). Hà Nội: Thế giới.
2. Arnold Toynbee. (2002). Nghiên cứu về lịch sử – Một cách thức diễn giải. Hà
Nội: Thế Giới.
3. Chương Thâu. (2004). Nghiên cứu Phan Bội Châu. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
4. C. Mác & Ph. Ăngghen. (1995). Toàn tập (tập 4). Hà Nội: Chính trị quốc gia.
5. Cao Xuân Long & Đinh Thị Kim Lan. (2019). Đạo trị nước trong tư tưởng
Khổng-Mạnh. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia.
6. Conrad Schirokauer. (1982). Modern China and Japan – A brief history.
New York: Hascourt Brace Jovanovich.
7. Conrad Schirokauer. (1993). A brief history of Japanese civilization. Fort
Worth: Harcourt brace Jovanovich.
8. Doãn Chính chủ biên. (2012). Lịch sử triết học phương Đông. Hà Nội:
Chính trị Quốc gia.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII. Hà Nội : Chính trị Quốc gia - Sự thật.
10. Đỗ Đức Minh & Võ Thị Hoa. (2019). Minh Trị duy tân: Cuộc cách mạng
tư tưởng của người Nhật và tư duy phương Đông. Tạp chí Khoa học
Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, 35(2), 72-89.
11. Đỗ Lộc Diệp. (2002). Chủ nghĩa tư bản ngày nay: Những nét mới từ thực
tiễn Mỹ, Tây Âu, Nhật. Hà Nội: Khoa học xã hội.
12. Đỗ Minh Hợp. (2014). Lịch sử triết học phương Tây – Triết học phương
Tây cận hiện đại. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
13. Đoàn Trung Còn. (1996). Tứ thư (Trọn bộ 4 tập). Huế: Thuận Hóa.
14. Edwin O. Reischayuer. (1994). Nhật Bản quá khứ và hiện tại. (Nguyễn
Nghị dịch). Hà Nội: Khoa học xã hội.
128

15. Edwin O. Reichayuer. (1998). Nhật Bản – Câu chuyện về một quốc gia.
Hà Nội: Thống kê.
16. Fukuzawa Yukichi. (1885). Thoát Á luận. (Hải Âu & Kuriki Seiichi dịch).
17. Fukuzawa Yukichi. (2005). Phúc ông tự truyện: Hồi ký của Fukuzawa
Yukichi (1835-1901). (Phạm Thu Giang dịch). Hà Nội: Thế giới.
18. Fukuzawa Yukichi. (2015). Khuyến học: Cuốn sách tạo nên sự hùng
mạnh cho nước Nhật. (Phan Hữu Lợi dịch). Hà Nội: Thế giới.
19. Fukuzawa Yukichi. (2019). Bàn về văn minh. (Lê Huy Vũ Nam &
Nguyễn Anh Phong dịch). Hà Nội: Thế giới.
20. George Sansom. (1994). Lịch sử Nhật Bản, Tập 3. (Lê Năng An dịch). Hà
Nội: Khoa học Xã hội.
21. Hồ Chí Minh. (1995). Toàn tập, Tập 4. Hà Nội: Chính trị quốc gia.
22. Jean Jacques Rousseau. (2020). Bàn về khế ước xã hội. (Hoàng Thanh
Đạm dịch). Hà Nội: Thế giới.
23. J. E. Thomas. (1996). Modern Japan – A social history since 1868.
London: Longman.
24. John Stuart Mill. (2021). Bàn về tự do. (Nguyễn Văn Trọng dịch). Thành
phố Hồ Chí Minh: Tổng hợp.
25. Lưu Ngọc Trịnh. (1998). Kinh tế Nhật Bản – Những bước thăng trầm
trong lịch sử. Hà Nội: Thống kê.
26. Mạnh Tử. (1996). Thượng Mạnh Tử. (Đoàn Trung Côn dịch). Huế: Thuận Hóa.
27. Montesquieu. (1996). Tinh thần pháp luật. (Hoàng Thanh Đạm dịch). Hà
Nội: Giáo dục.
28. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Anh, Đỗ Đình Hằng & Trần Văn La.
(2007). Lịch sử thế giới trung đại. Hà Nội: Giáo dục.
29. Nguyễn Ngọc Thanh (chủ biên). (2013). Lịch sử kinh tế. Hà Nội: Đại học
Quốc gia Hà Nội.
129

30. Nguyễn Tài Thư. (2005). Nho học và Nho học ở Việt Nam – Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Khoa học xã hội.
31. Nguyễn Thanh Bình. (2007). Học thuyết chính trị-xã hội của Nho giáo và
ảnh hưởng của nó ở Việt Nam (từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX).
Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
32. Nguyễn Tiến Dũng. (2006). Lịch sử triết học phương Tây. Thành phố Hồ
Chí Minh: Tổng hợp.
33. Nguyễn Tiến Hùng. (2012). Lịch sử triết học phương Tây từ triết học Hy
Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
34. Nguyễn Trọng Chuẩn. (2002). Một số vấn đề về triết học-con người-xã
hội. Hà Nội: Khoa học xã hội.
35. Nguyễn Văn Hoàn & Lê Tùng Lâm. (2014). Lịch sử thế giới – Một cách
tiếp cận. Hà Nội: Khoa học xã hội.
36. Nguyễn Văn Kim. (2001). Nhật Bản mở cửa – Phân tích nội dung các bản
“Hiệp ước bất bình đẳng” do Mạc Phủ Edo ký với phương Tây. Tạp
chí Nghiên cứu Lịch sử, 316(2001-3), 71-78.
37. Nguyễn Văn Kim. (2003). Nhật Bản với Châu Á – Những mối liên hệ lịch
sử và chuyển biến kinh tế-xã hội. Hà Nội: Đại học Quốc gia. (Nguyễn
Văn Kim, 2003)
38. Nguyễn Tiến Lực (tuyển chọn). (2012). Nhật Bản và Việt Nam: Phong
trào văn minh hóa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Giáo dục.
39. Nguyễn Trung Hiếu. (2021). Vấn đề bình đẳng trong tác phẩm Luận về
nguồn gốc của sự bất bình đẳng của J.J.Rousseau và giá trị lịch sử.
Tạp chí Khoa học Chính trị, 10(2021), 20-25.
40. Peter Duus. (1993). Feudalism in Japan. New York: McGraw-Hill.
41. R. H. P. Manson & J. G. Caiger. (2003). Lịch sử Nhật Bản (A history of
Japan). Hà Nội: Lao động.
130

42. Shunsaku Nishikawa. (1993). Profiles of educators: Fukuzawa Yukichi


(1835-1901). Prospects: The quarterly review of comparative
education. XXIII(3/4), 287-296.
43. Thi Hữu Tùng. (2009). Ba vĩ nhân Trung Quốc của thế kỷ XX. (Luyện
Xuân Thu & Nguyễn Thanh Hà dịch). Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
44. Thích Thiên Ân. (2018). Lịch sử tư tưởng Nhật Bản. Hà Nội: Hồng Đức.
45. Trần Thị Tâm. (2018). Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa
(1600-1868) (Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học, Đại học
Huế, Huế).
46. Trần Văn Giàu. (2019). Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ
XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập 1. Thành phố Hồ Chí Minh:
Tổng hợp.
47. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (2002). Tứ thư, Tập 1. Hà Nội: Khoa học xã hội.
48. Vĩnh Sính. (2014). Nhật Bản cận đại. Hà Nội: Lao động.
49. Vũ Dương Ninh & Nguyễn Văn Hồng. (2005). Lịch sử thế giới cận đại,
Phần Lịch sử thế giới cận đại phương Đông. Hà Nội: Giáo dục.
Tài liệu tiếng Anh
50. UNESCO. (1968). Japan: A century of change. The UNESCO Courier: A
window open on the world, XXI, 9(10). Truy xuất từ
https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000078240.
51. Jean Jacques Rousseau. (1755). Discourse on the Origin of Inequality.
52. P. R. Dore. (1963). Tokugaoa Education. California: University of
California Press.
53. Roy Hidemichi Akagi. (1936). Japan's foreign relations 1542-1936: A
short history. Tokyo: Hokuseido.
54. Shunsaku Nishikawa. (1993). Profiles of educators: Fukuzawa Yukichi
(1835-1901). Prospects: The quarterly review of comparative
education. XXIII(3/4), 287-296.
131

Tài liệu tiếng Nhật


55. 福沢諭吉. (1877). 旧藩情 . [Fukuzawa Yukichi. (1877). Chế độ phiên
bang trước đây.]
56. 福沢諭吉. (1879). 民情一新. [Fukuzawa Yukichi. (1879). Cải cách dân
tình.]
57. 福 沢 諭 吉 全 . (1958). 福 沢 諭 吉 全 集 . 巻 之 一 . 東 京 : 岩 波 書 店 .
[Fukuzawa Yukichi. (1958). Fukuzawa Yukichi toàn tập, Tập 1.
Tokyo: Iwanami Shoten.]
58. 飯田鼎. (1982). 福沢諭吉における民権とナショナリズムの形成:
『西洋事情』と『学問のすすめ』を中心に. 三田学会雑誌. 75(3-
1982.6), 283(55)-297(69). [Iida Kanae. (1982). Sự hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về dân quyền và chủ nghĩa dân tộc trong
hai tác phẩm: “Tây dương sự tình” và “Khuyến học”. Tạp chí Kinh tế
Keio. 75(3-1982.6), 283(55)-297(69).]
59. 松沢弘陽. (1990). 社会契約から文明史へ-福沢諭吉の初期国民国家
形成構想. 北大法学論集 . 40(5-6), 739-786. [Matsuzawa Hiroaki.
(1990). Từ khế ước xã hội đến lịch sử văn minh – Quan niệm sơ khai
về quốc gia dân tộc của Fukuzawa Yukichi. Tạp chí Phê bình Luật
Đại học Hokkaido, 40(5-6), 739-786.]
60. 區建英. (2016).「独立自尊」と「他者感覚」の伝承―福沢諭吉と丸
山眞男の「思想共働」の予備考察. 新潟国際情報大学国際学部
紀要, 1. 63-74. [OU Jianying. (2016). Kế thừa khái niệm “độc lập tự
tôn” và “nhận thức tha nhân”: Khảo sát sơ bộ về “tương tác tư tưởng”
giữa Fukuzawa Yukichi và Maruyama Masao. Kỷ yếu Khoa Quốc tế
học, Đại học Quốc tế học và Thông tin học Niigata, 1. 63-74.]
61. 敏三安西. (1980). 福沢諭吉における西欧政治思想の摂取とその展開
とに関するー考察普遍的人権の原理を中心に. 法學研究:法
132

律・政治・社会 , 53(2-1980.2), 66-110. [Toshimitsu Anzai. (1980).


Sự tiếp thu và phát triển tư tưởng chính trị Âu Mỹ ở Fukuzawa
Yukichi: Khảo sát về các nguyên lý nhân quyền phổ quát. Tạp chí
Nghiên cứu Luật học: pháp luật, chính trị, xã hội, 53(2-1980.2), 66-110.

You might also like