You are on page 1of 13

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

---------------

TIỂU LUẬN KẾT THÚC HỌC PHẦN

TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN

Giảng viên : BÙI THANH THUY


Học viên : Đặng Nguyễn Hồng Phương
MSHV : 2210260049
Lớp : 22TXTL01

TP. HCM, tháng 03 năm 2023


MỤC LỤC

1. Anh/chị hãy trình bày các đặc điểm phát triển tâm lý của giai đoạn trẻ từ 3 đến
6 tuổi…………………………………………………………………………………...3
1.1. MỞ ĐẦU .................................................................................................................. 3
1.2. NỘI DUNG............................................................................................................... 4
1.2.1. Sự phát triển về thể chất và vận động.................................................................... 4
1.2.2. Sự phát triển về nhận thức và ngôn ngữ ................................................................ 5
1.2.3. Sự phát triển về nhân cách ..................................................................................... 8
1.2.4. Sự phát triển về xã hội ......................................................................................... 10
1.3. KẾT LUẬN ............................................................................................................ 10
2. Điều gì gây ấn tượng nhất với anh/chị trong giai đoạn phát triển mà anh/chị
lựa chọn. Vì sao?..........................................................................................................11

2
1. Anh/chị hãy trình bày các đặc điểm phát triển tâm lý của giai đoạn trẻ từ 3 đến
6 tuổi
1.1. MỞ ĐẦU
Tâm lý học phát triển là một trong những chuyên ngành cơ bản, quan trọng của
tâm lý học. Đối tượng nghiên cứu của nó là những động lực, điều kiện, những quy luật
phát triển, những sự biến đổi của các quá trình, các thuộc tính, các phẩm chất tâm lý
trong sự hình thành nhân cách con người với tư cách là một thành viên của xã hội, theo
sự trưởng thành của lứa tuổi (4, tr. 5).
Mục tiêu của tâm lý học phát triển là mô tả, giải thích và tối ưu hóa các quá trình
phát triển trong quá trình sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết. Để mô tả
sự phát triển đó là cần thiết cần tập trung trên các mẫu điển hình của sự thay đổi và các
biến thể cá nhân trong mô hình của sự thay đổi. Mặc dù có những con đường phát triển
điển hình mà hầu hết một đời người sẽ tuân theo thì vẫn không bao giờ có hai người
hoàn toàn giống nhau. Vì vậy việc giải thích những thay đổi giống và khác nhau ở mỗi
cá nhân để tối ưu hóa sự phát triển là những nhiệm vụ mà tâm lý học phát triển phải làm,
từ đó hình thành lý thuyết về tâm lý học phát triển (6).
Quá trình phát triển là một quá trình có chiều hướng tích cực, đi lên nhằm tạo ra
cái mới ở mức độ ngày càng cao hơn, phức tạp hơn, phong phú hơn và tinh tế hơn so
với cái cũ. Như thế, quá trình phát triển tâm lý của con người cũng là một quá trình phát
triển có chiều hướng đi lên theo các giai đoạn lứa tuổi tuy nhiên đó là quá trình vận
động, biến đổi của một thực thể, vì vậy nó còn bao hàm hàng loạt thay đổi có sự ràng
buộc bên trong với nhau, có lúc từ từ, tiệm tiến, có lúc nhảy vọt nhưng cũng có lúc dậm
chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi tạm thời. Cho nên sự phát triển tâm lý của một đời người
là một quá trình phức tạp cần đến sự giải quyết bằng nghiên cứu khoa học của tâm lý
học phát triển.
Như vậy, có thể thấy, sự phân chia các giai đoạn lứa tuổi là một trong những vấn
đề quan trọng của tâm lý học phát triển. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà tâm
lý học thế giới đã rất quan tâm đến vấn đề này mà nổi bật là John Bowlby, Harry Harlow
với dòng lý thuyết gắn bó; Erik Erikson với các giai đoạn phát triển tâm lý - xã hội;
Sigmund Freud với các giai đoạn phát triển tâm tính dục; Jean Piaget với lý thuyết về
phát triển nhận thức; Lev Vygotsky với lý thuyết về phát triển nhận thức và các vùng
phát triển gần…
Mặc dù có nhiều cách phân chia các giai đoạn lứa tuổi khác nhau nhưng tựu trung
lại vẫn căn cứ vào các tiêu chí chủ yếu như tình huống xã hội của sự phát triển, cấu tạo
tâm lý của mỗi lứa tuổi, hoạt động chủ đạo và cả khủng hoảng lứa tuổi. Dưới đây là các
giai đoạn lứa tuổi được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam:
- Giai đoạn phát triển trước khi sinh

3
- Giai đoạn trẻ sơ sinh và mới biết đi (0 - 2 tuổi)
- Giai đoạn thời thơ ấu hay còn gọi là giai đoạn mẫu giáo (3 - 5 tuổi)
- Giai đoạn thời thơ ấu giữa và cuối (6 - 11 tuổi)
- Giai đoạn tuổi vị thành niên (12 - 18 tuổi)
- Giai đoạn thanh niên sớm (18 - 25 tuổi)
- Giai đoạn trưởng thành (25 - 40 tuổi)
- Giai đoạn tuổi trung niên (40 - 60 tuổi)
- Giai đoạn tuổi già (sau 60 tuổi)
Trong các giai đoạn trên, giai đoạn trẻ từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn thú vị vì đây cũng
là giai đoạn trẻ được đi mẫu giáo. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu có khuynh hướng muốn
độc lập, thích khám phá và rất tò mò. Cũng vì được đi học (mẫu giáo) mà trẻ bắt đầu
được hòa mình vào môi trường tập thể, cho nên đây cũng là giai đoạn mà sự phát triển
tâm lý ở trẻ có nhiều thay đổi rõ rệt.
1.2. NỘI DUNG
1.2.1. Sự phát triển về thể chất và vận động
Đối với trẻ giai đoạn từ 3 - 6 tuổi, những thay đổi của cơ thể có thể nhìn thấy rõ
bằng mắt thường. Bên cạnh đó là sự phát triển của các cơ quan thần kinh cấp cao được
nhìn thấy thông qua các hoạt động của trẻ.
Bước vào tuổi mẫu giáo, ở trẻ có sự tăng mạnh về chiều cao. Dựa theo bảng chiều
cao cân nặng của trẻ em Việt Nam năm 2019 theo tiêu chuẩn của WHO, từ giai đoạn 2
tuổi chuyển sang 3 tuổi, chiều cao của trẻ tăng vọt trung bình từ 7 - 10 cm, sau đó trong
suốt những năm mẫu giáo, bình quân mỗi năm trẻ có thể cao thêm từ 5 - 7 cm. Sở dĩ
như vậy là vì giai đoạn này, xương của trẻ phát triển nhanh và cứng hơn (cốt hóa) nhờ
vào quá trình chuyển hóa từ các mô và các sụn mềm.
Bộ phận phát triển nhanh ở giai đoạn này là cánh tay và ống chân, trong khi bàn
tay và bàn chân lại phát triển chậm hơn. Các nhóm cơ lớn phát triển nhanh hơn các nhóm
cơ nhỏ. Vì các nhóm cơ lớn tập trung chủ yếu ở thân trên cơ thể, bàn chân lại phát triển
chậm nên nửa trên cơ thể trẻ nặng hơn nửa dưới, nhóm trẻ đầu độ tuổi này (3 - 4 tuổi)
có bước chạy xiên và chưa giữ được thăng bằng cơ thể khiến trẻ ngã khi chạy quá nhanh.
Để nhặt một vật gì đó, trẻ thường ngồi xuống vì nếu cúi xuống dễ bị ngã. Khi bước sang
độ tuổi 4 - 6, vận động đi chạy và cảm giác thăng bằng của trẻ sẽ được củng cố dần và
trở nên vững chắc hơn.
Vai trò điều chỉnh vận động của trẻ khi bước sang độ tuổi 3 - 6 tốt hơn nhờ các
phản xạ có điều kiện có thể hình thành nhanh chóng hơn và các quá trình ứng chế phản
xạ cũng phát triển hơn. Nếu 3 tuổi trẻ đi trên ghế băng còn thiếu tự tin vì chưa có cảm
4
giác thăng bằng thì sang tuổi 4 - 6, trẻ đã có thể phối hợp được tay chân để giữ thăng
bằng khi đi trên ghế dài. Tương tự với vận động nhảy, ở tuổi 3 - 4 trẻ chưa thể chụm
chân rời khỏi mặt đất cùng lúc, chưa biết cách phổi hợp tay chân để đưa cơ thể lên cao
và khi tiếp đất chưa giữ được thăng bằng thì bước sang các tuổi tiếp theo sự phối hợp
đã trở nên thành thục để vận động nhảy của trẻ trở nên dễ dàng, thậm chí khi tiếp đất trẻ
cũng đã biết co gối để giảm xóc. Các vận động ném, chuyền, bắt ban đầu trẻ còn chưa
xác định được hướng ném và khoảng cách ném (khi cầm bóng tay phải thì ném lệch
bóng về bên trái) do chưa biết sử dụng lực đẩy thân trên cũng như chưa biết phối hợp
cơ quan vận động với thị giác, nhưng càng về sau các vận động ném, chuyền, bắt càng
chính xác nhờ trẻ có thể điều chỉnh vận động, phối hợp tay, chân, lực đẩy thân trên với
thị giác tốt.
Độ tuổi này, trọng lượng tim của trẻ tăng, mạch đập nhanh hơn người lớn, huyết
áp tăng, lượng hồng cầu tăng, dung lượng làm việc của phổi cũng tăng (1, tr. 77). Giai đoạn
mẫu giáo cũng là giai đoạn não bộ của trẻ tiếp tục phát triển, trọng lượng não tăng từ 1100
gram lên 1300 gram. Các vùng trên vỏ não, đặc biệt là vùng trán trước tiếp tục được
myelin hóa (3, tr. 131) (quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh), các tế bào
vỏ não tiếp tục phân hóa. Hệ thần kinh phát triển mạnh là lý do mà trẻ ở độ tuổi này dễ
hình thành phản xạ có điều kiện và các quá trình ức chế phản xạ phát triển. Chức năng
điều khiển của vỏ bán cầu đại não tăng, các vùng chức năng của vỏ não tiếp tục được
chuyên môn hóa, nhờ đó trẻ mẫu giáo đã có khả năng hoạt động trí tuệ phức tạp và điều
khiển được nhiều hoạt động đòi hỏi sự tinh tế của cơ bắp như đã mô tả ở phần trên.
Như vậy, từ 3 6- tuổi, ở trẻ em xảy ra sự tăng trưởng nhanh chóng về hình thái, bộ
xương được cốt hóa, cơ to ra, cơ quan hô hấp và tuần hoàn phát triển, trọng lượng não
tăng, vỏ não với các chức năng điều khiển hoàn thiện dần. Sự phát triển nhanh của hệ thần
kinh và cơ thể không những giúp trẻ ở độ tuổi này hoàn thiệt tốt các vận động mà còn là
những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những chức năng tâm lý cao ở hơn ở trẻ.
1.2.2. Sự phát triển về nhận thức và ngôn ngữ
Khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo được nâng lên tầm cao
mới nhờ sự phát triển của hệ thống tín hiệu thứ hai nên ngôn ngữ của trẻ vì thế cũng trở
nên tinh tế và mạch lạc hơn.
Giai đoạn này, trẻ nhận ra được sự thăng trầm trong giọng nói của người khác để
nhận ra người đó đang vui hay đang bực mình với trẻ. Từ đó, khi chơi một mình, trẻ đã
có thể phân vai, độc thoại với nhiều ngữ giọng khách nhau (9, tr. 253).
Jean Piaget gọi giai đoạn này là tiền thao tác (kéo dài từ 2 – 7 tuổi). Theo ông,
giai đoạn này tư duy hình tượng của trẻ phát triển, suy luận tinh thần xuất hiện và việc
sử dụng các khái niệm của trẻ tăng lên. Ví dụ như, trẻ được mẹ chở đi siêu thị bằng xe
ô tô nhiều lần thì sau đó, mỗi khi thấy chìa khóa xe của mẹ, trẻ sẽ liên tưởng đến hình

5
tượng xe ô tô và phát ra câu hỏi là “đi siêu thị?”. Với sự liên tưởng này, trẻ có thể sử
dụng trí tuệ biểu tượng để xem ô tô đồ chơi cũng như một chiếc ô tô thật và nhờ tư duy
tượng trưng này, trẻ em không cần phải ngồi sau tay lái một chiếc xe thực tế để hiểu
mục đích và cách sử dụng cơ bản của xe ô tô.
Ở độ tuổi 3 - 6, tư duy của trẻ mang tính chất cụ thể, hình ảnh, cảm xúc. Trẻ mẫu
giáo không thể xem xét tất cả các thông tin có sẵn để quy về một tác nhân kích thích,
thay vào đó, chúng tập trung vào những yếu tố bề ngoài, hiển nhiên nằm trong tầm mắt,
cũng vì thế mà các yếu tố bên ngoài chi phối tư duy của trẻ mẫu giáo, dẫn đến sự thiếu
chính xác trong suy nghĩ. Chẳng hạn như, khi cho trẻ mẫu giáo xem hai hàng nút, một
hàng có 10 nút nhưng có khoảng cách giữa các nút gần nhau và hàng nút còn lại có 8
nút được trải ra với khoảng cách giữa các nút rộng hơn để tạo thành một hàng dài hơn
hàng 10 nút, sau đó hỏi trẻ hàng nào có nhiều nút hơn. Trẻ 4 - 5 tuổi thường chọn hàng
có vẻ dài hơn là hàng thực sự có nhiều nút hơn, mặc dù thực tế là trẻ em ở độ tuổi này
đã biết khá rõ rằng 10 nhiều hơn 8. Nguyên nhân trẻ mắc lỗi là do hình ảnh trực quan
của hàng nút dài đã chi phối suy nghĩ của trẻ. Thay vì tính đến sự hiểu biết của chúng
về số lượng, trẻ lại chú trọng đến ngoại hình. Đối với một đứa trẻ mẫu giáo, hình ảnh bề
ngoài là tất cả.
Tương ứng với mức độ nhận thức trên, khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển rất
nhanh. Từ việc chỉ nói được vài ba từ, tới lúc này trẻ đã có thể nói được nhiều câu phức
tạp. Ở tuổi này, ngoài việc nói chuyện, trẻ cũng bắt đầu biết lắng nghe để nói theo hoặc
trả lời lại. Việc sử dụng ngôn ngữ lúc này cho phép trẻ suy nghĩ xa hơn hiện tại để hướng
tới tương lai dưới dạng những tưởng tượng và mơ mộng đôi khi phức tạp.
Khả năng ngôn ngữ của trẻ cải thiện nhờ cải thiện tư duy hay cải thiện tư duy dẫn
đến cải thiện ngôn ngữ là một câu hỏi thú vị vẫn luôn gây tranh cãi cho các nhà tâm lý
học đối với trẻ em giai đoạn mẫu giáo này. Câu trả lời của Piaget là ngôn ngữ phát triển
từ những tiến bộ về nhận thức hơn là ở chiều ngược lại. Ông cho rằng sự phát triển trong
giai đoạn cảm giác - vận động trước đó (từ 0 - 2 tuổi) là cần thiết cho sự phát triển ngôn
ngữ, và sự tăng trưởng liên tục về khả năng nhận thức của trẻ trong giai đoạn tiền thao
tác này chính là nền tảng cho khả năng ngôn ngữ (9, tr. 241).
Ngược lại với Piaget, Vygotsky lại cho rằng sự hình thành tư duy chủ yếu thuộc
về sự lĩnh hội ngôn ngữ, tên gọi, chức năng các đồ vật, sự kiện, hiện tượng xung quanh
trẻ. Ngôn ngữ là ký hiệu tượng trưng về các sự vật, hiện tượng do vậy chúng mang tính
khái quát. Khi trẻ nắm được một số lượng từ ngữ nhất định, tư duy của trẻ sẽ phát triển
đi từ khái quát trên cơ sở những dấu hiệu bên ngoài của đồ vật đến khái quát những dấu
hiệu bản chất của đồ vật, hiện tượng cụ thể.
Những năm mẫu giáo cũng đánh dấu sự phát triển của lời nói xã hội (là lời nói
hướng tới một người khác và được người đó hiểu). Trước tuổi lên ba, trẻ em dường như
chỉ nói để giải trí, không quan tâm đến việc liệu có ai khác có thể hiểu được hay không
6
nhưng đến những năm mẫu giáo, trẻ bắt đầu hướng lời nói của mình đến người khác,
muốn người khác lắng nghe và trở nên thất vọng khi không thể làm cho người khác hiểu
mình. Kết quả là trẻ bắt đầu điều chỉnh lời nói cho phù hợp với người khác thông qua hỏi
han và lắng nghe. Trẻ cũng đã xuất hiện một số dạng phán đoán, logic đơn giản gắn liền
với các sự kiện, hiện tượng mà trẻ tri giác được gắn với hoàn cảnh cụ thể.
Như vậy, độ tuổi 3 - 6 đánh dấu một bước phát triển về chất ở trẻ nhờ sự phát
triển của tư duy trực quan hình tượng so với tư duy trực quan hành động. Điều này giúp
trẻ có khả năng thao tác với các hình ảnh trong đầu, thoát ly khỏi những hành động trực
tiếp trên sự vật, hiện tượng. Nó giúp trẻ nhìn nhận thế giới một cách vô cùng sinh động
và ngộ nghĩnh. Tư duy hình tượng giúp trẻ có nhiều sáng kiến trong cách giải quyết vấn
đề, trẻ nhìn ra cách làm dưới dạng hình ảnh, thao tác “trong đầu” rồi bắt tay vào hành
động. Cùng với đó, sự phát triển của ngôn ngữ ở lứa tuổi này giúp trẻ bắt đầu lĩnh hội
các khái niệm, tạo tiền đề cho khả năng tư duy ngôn ngữ logic của trẻ ở giai đoạn sau.
Bảng tham khảo Quá trình phát triển nhận thức và vui chơi ở trẻ em
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC VÀ VUI CHƠI Ở TRẺ EM (8, tr. 190)
Vận động cảm giác Trẻ 12 tháng tuổi sẽ dành phần lớn thời gian chơi để
khám phá và thao tác với các đồ vật. Chúng cho đồ
vật vào miệng, lắc hoặc di chuyển đồ vật trượt lên
trượt xuống trên sàn nhà.
Trò chơi chả vờ đơn giản Trẻ từ 15 - 21 tháng, bắt đầu biết lấy một món đồ
chơi giống như cái chén hoặc ly nước để chả vờ ăn
hoặc uống nước
Vận động mang tính xây dựng Đến 2 tuổi, trẻ bắt đầu biết sử dụng đồ vật để xây
dựng, kiểu như trồng cách hình khối lên cao như xây
tháp, vẽ tranh và đào cát cũng là một trong những
hoạt động điển hình ở giai đoạn này.
Trò chơi đóng kịch, phân vai Từ 2 - 3 tuổi, trẻ đã có thể sử dụng đồ vật để làm đại
diện cho một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt, như lấy
chổi làm ngựa hoặc lấy các hình khối để làm xe tải,
rô bốt. Trên 3 tuổi, trẻ bắt đầu chơi trò đóng kịch
trong các trò chơi gia đình mà các bạn tham gia sẽ
lần lượt phân vai bố, mẹ, anh, chị hoặc nhận làm bố,
mẹ khi chơi với búp bê.
Quản lý theo quy tắc Đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu thích các trò chơi có quy tắc
kiểu như “ai nhỏ hơn thì làm em bé” trong trò chơi
gia đình hoặc “chỉ được chạy trong vòng tròn này, ra
ngoài là thua”.
7
1.2.3. Sự phát triển về nhân cách
Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, quy
định hành vi xã hội và giá trị xã hội của cá nhân đó (5, tr, 327) . Theo nhà tâm lý học người
Nga, Konstantin Platonov, “nhân cách không phải là vô định”(5, tr.333). Nhân cách có một
cấu trúc tâm lý nhất định và tùy thuộc vào quan niệm của mỗi tác giả về bản chất của
nhân cách mà cấu trúc nhân cách được phân ra thành các phần khác nhau. Các tài liệu
tâm lý học Việt Nam thì đưa ra quan niệm cấu trúc nhân cách gồm hai phần là đức và
tài hay còn gọi là phẩm chất và năng lực. Một quan niệm khác về cấu trúc nhân cách
gồm hai tầng thì tầng nổi sáng tỏ sẽ gồm ý thức, tự ý thức, ý thức nhóm và tầng sâu tối
tăm sẽ gồm tiềm thức và vô thức - đây cũng là quan niệm được dùng khá phổ biến trong
tâm lý học hiện nay.
Sự chuyển tiếp từ giai đoạn lứa tuổi này sang lứa tuổi khác gắn liền với thay đổi
tình huống xã hội làm xuất hiện cấu tạo tâm lý mới, thay đổi hoạt động chủ đạo. Cấu tạo
tâm lý mới ở tuổi mẫu giáo là mong muốn hoạt động có ý nghĩa xã hội, được xã hội
đánh giá; sự phục tùng của các động cơ cấp bậc đạo đức, thẩm mỹ, quan điểm bên trong,
biểu tượng đầu tiên về thế giới (1, tr. 102).
Nếu ở tuổi ấu nhi, hoạt động của trẻ em gắn liền với hoạt động của người lớn thì
sang độ tuổi mẫu giáo, hoạt động của trẻ đã tách rời, người lớn trở thành hình mẫu để
trẻ noi theo, đứa trẻ có mong muốn và nhu cầu hành động như người lớn. Theo D. B.
Elconin, mối quan hệ mới này giữa trẻ em và người lớn là nguồn gốc và cơ sở để hình
thành nhân cách mới, để xuất hiện những biểu tượng về đạo đức. Ngoài ra, còn có một
cấu tạo nhân cách mới là tính xã hội (quan điểm bên trong của trẻ)(1, tr.103).
Như vậy, dấu hiệu đầu tiên về sự hình thành nhân cách ở trẻ mẫu giáo là sự phát
triển của ý thức bản thân và ý thức xã hội.
Bước vào tuổi lên ba, khi trẻ biết tách mình ra khỏi những người xung quanh để
nhận ra chính mình và nhận ra sức mạnh chủ quan của mình cũng là lúc trẻ nảy sinh ý
thức về bản thân (hay ý thức bản ngã - cái tôi). Tuy nhiên trẻ còn mơ hồ, chưa phân biệt
rõ đâu là ý muốn chủ quan của mình, đâu là tính chất khách quan của sự vật và những
quy định của xã hội. Đó là lý do, ở độ tuổi 3 - 4 trẻ có tính duy kỷ hay còn gọi là tự kỷ
trung tâm (là hiện tượng tâm lý trong đó trẻ hướng vào bản thân, lấy bản thân làm chuẩn
để nhận thức, đánh giá và phản ứng với các đối tượng - có nghĩa là nhìn thế giới từ duy
nhất điểm nhìn của mình, theo Jean Piaget). Ví dụ điển hình cho tính duy kỷ ở trẻ là việc
trẻ muốn mua gấu bông làm quà tặng cho cha mẹ hoặc ông bà vì đó là món đồ chơi mà
trẻ thích nên nghĩ người lớn cũng sẽ thích.
Trải qua quá trình phát triển thể chất, vận động, nhận thức cùng với những kinh
nghiệm trực tiếp, bước sang tuổi 4 - 5 trẻ đã có hành động khách quan thực tế, nhận ra
sự khác nhau giữa ý muốn của mình với sự vật khách quan, nhận ra các thuộc tính của

8
sự vật không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình, từ đó trẻ nhận biết được xung
quanh và nhận biết được bản thân mình. Sự tự ý thức thể hiện rõ qua việc trẻ tự đánh
giá hành vi của mình là tốt hay xấu qua những việc mà trẻ đã làm, tự đánh giá được khả
năng và sự thất vọng của mình đối với một sự việc nào đó, như trẻ muốn tự lấy trái bóng
bay lên trần nhà nhưng cao quá không trèo lên được. Tự ý thức của trẻ còn biểu hiện rõ
trong việc nhận biết giới tính của bản thân. Trẻ không những biết mình là con trai hay
con gái mà còn biết hành động như thế nào cho phù hợp với giới tính của mình, như là
bé trai thì bắt chước hành động của bố, thích đóng vai công an, bộ đội; bé gái thì bắt
chước dáng điệu của mẹ, thích đóng vai làm mẹ, cô bán hàng…
Ý thức bản ngã được xác định rõ ràng giúp trẻ điều khiển và điều chỉnh hành vi
của mình dần dần phù hợp với những chuẩn mực và quy tắc xã hội, làm cho hành vi của
trẻ mang tính xã hội cao - là hành vi mang tính nhân cách đậm nét. Ý thức bản ngã được
xác định rõ ràng còn giúp cho hoạt động tâm lý cùa trẻ có chủ tâm hơn, làm tăng tính
chủ định rõ rệt, như tri giác có chủ đinh, ghi nhớ có chủ định, chú ý có chủ định…
Ở trẻ mẫu giáo cũng bắt đầu có sự phân hóa động cơ, trẻ có thể chọn điều trẻ
thích trong số những mong muốn khác nhau của mình. Sự biến đổi này giúp trẻ có khả
năng lựa chọn tích cực, đặc biệt là trong khía cạnh cảm xúc.
Một vài nghiên cứu cho thấy, động cơ mạnh nhất của trẻ mẫu giáo là được khen
ngợi, được nhận quà. Khả năng kiểm soát hành vi của trẻ cũng phát triển, lúc đầu trẻ
hành động tự do và bột phát nhưng cùng với sự phát triển của trí nhớ và biểu tượng, trẻ
có thể tự giới hạn những mong muốn không hợp lý và lựa chọn hành động hợp lý hơn.
Vì đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống với nhiều dạng hoạt động, nhiều
hệ thống các mối quan hệ mới nên sự xuất hiện các động cơ mới gắn với tự đánh giá và
lòng tự trọng. Ví dụ như trẻ mong muốn thắng các trò chơi, muốn làm điều tốt để được
bố mẹ khen.
Cũng bởi vì giai đoạn 3 - 6 tuổi là giai đoạn trẻ đi mẫu giáo nên phạm vi giao tiếp
của trẻ cũng mở rộng ra, đời sống xã hội và tình cảm của trẻ cũng vì thế mà phát triển
nhờ mối quan hệ giao tiếp được hình thành. Sự biến đổi về động cơ (thích được khen
ngợi), sự xuất hiện của các biểu tượng, đã cho phép trẻ hình dung trước kết quả hành
động, phán đoán được kết quả đó sẽ gây cảm xúc và thái độ như thế nào với người khác
và với bản thân đã góp phần quan trọng vào việc kìm hãm hay khích lệ hành động ở trẻ.
Thông qua những hình ảnh cảm xúc đó mà trẻ biết điều khiển hành động và thể hiện
cảm xúc của mình một cách phù hợp nhất. Đó là lý do chúng ta thấy, trẻ hình thành mối
quan hệ khăng khít hơn với cha mẹ bằng những hành động ôm hôn, quấn quýt; có xu
hướng thích chơi với một số bạn nào đó hơn các bạn khác; tương tác với cô giáo vì thích
được cô yêu, cô khen… Ngoài ra trẻ còn biết lo lắng khi thấy cha mẹ cãi nhau, thương
các em bé nếu thấy các em khóc, thể hiện tình cảm với các con vật, cỏ cây hoa lá, yêu
ghét các nhân vật hoạt hình…
9
1.2.4. Sự phát triển về xã hội
Trong quá trình phát triển tâm lý của lứa tuổi 3 - 6, bên cạnh những tiến bộ về
thể chất, tư duy và nhân cách, sự hình thành khái niệm xã hội cũng là một điều quan
trọng. Bởi vì, đối với con người nói chung, trong tư cách là thành viên của xã hội, đều
phải tiếp thu và lĩnh hội các chuẩn mực xã hội. Thật hay vì sự lĩnh hội này diễn ra rất
sớm, bắt đầu từ trẻ em và có biểu hiện rõ nét khi trẻ lên ba.
Đầu tiên chỉ đơn giản là hành động bắt chước cách diễn đạt và hành động của
người lớn, chẳng hạn như trẻ 3 - 4 tuổi có (hoặc gặp) em bé 2 tuổi đang nghịch bút viết
trên tường thì trẻ sẽ nhắc “không được vẽ lên tường” dù rằng bản thân trẻ cũng muốn
được vẽ lên tường. Đó chính là bước đầu trẻ tiếp thu các khái niệm và các chuẩn mực
xã hội, cố gắng phân biệt hành vi này hay hành vi kia là tốt hay xấu để kiềm chế hành
vi mà mình đang muốn làm.
Nhiều khái niệm xã vẫn còn trừu tượng đối với trẻ như “công bằng”, “tôn trọng”
để trẻ có thể hiểu được nhưng trẻ vẫn có những hành vi biểu hiện sự công bằng, tôn
trọng. Chẳng hạn như hai bạn học cùng lớp đang khóc lóc giành giật đồ chơi thì trẻ đã
biết đi mách cô giáo, với bé 5 - 6 tuổi còn đánh giá được bạn nào đúng, bạn nào sai.
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là hoạt động thường thấy ở trẻ mẫu giáo. Đó là
biểu hiện của sự phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ ở lứa tuổi này. Khi tham
gia vào trò chơi, trẻ có các cuộc trao đổi tập thể để thỏa thuận với nhau về chủ đề trò
chơi, để cùng nhau giải quyết vấn đề nếu có bạn nào đó không tuân thủ quy tắc hoặc
làm trái chuẩn mực xã hội trong trò chơi mô phỏng này (2, tr. 151).
1.3. KẾT LUẬN
Có thể nói, quá trình phát triển tâm lý của giai đoạn từ 3 - 6 tuổi là một tiến trình
quan trọng và thú vị trong cuộc sống của trẻ em. Ở một khía cạnh nào đó, trường mầm
non đánh dấu cho một giai đoạn dành để dự đoán và sẵn sàng cho việc bắt đầu giáo dục
chính thức của một đứa trẻ. Vì vậy, hiểu sâu sắc về đặc điểm phát triển tâm lý của lứa
tuổi này là vô cùng cần thiết không chỉ cho các nhà tâm lý học mà còn cần thiết với các
nhà giáo dục học trong việc nghiên cứu cũng như xây dựng các chương trình giáo dục
tiến bộ tôn trọng sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ nhưng vẫn hài hòa với các chuẩn
mực xã hội. Đối với các bậc cha mẹ, việc hiểu sâu sắc đặc điểm phát triển tâm lý của
con mình trong giai đoạn mẫu giáo cũng là điều cần thiết giúp cha mẹ có cách chăm sóc,
nuôi dạy con với đầy đủ sự tôn trọng và yêu thương để con có cơ hội phát triển hoàn
thiện nhất trong lứa tuổi của mình.

10
2. Điều gì gây ấn tượng nhất với anh/chị trong giai đoạn phát triển mà anh/chị lựa
chọn. Vì sao?

Dưới đây là một ví dụ được lấy từ quyển “Các lý thuyết về trẻ em” của tác giả
Carol Mooney (Nguyễn Bảo Trung dịch, 2023 - tr. 145) về một cuộc đối thoại giữa cô
và trò trong một lớp học mầm non:
- Cô giáo: Cô đã đem tới lớp rất nhiều thứ đẹp dành cho ngày trưng bày xanh của
chúng ta. Chúng ta có màu xanh ở giá vẽ và cô sẽ cho đĩa nhạc “Rhapsody in Blue” vào
đầu đĩa CD vì hôm nay chúng ta có Ngày lễ Xanh
- Trẻ 1: Mẹ con có một chiếc ô tô màu xanh
- Trẻ 2: Ô tô của mẹ con bị hỏng rồi
- Trẻ 3: Tivi nhà con bị hỏng rồi
- Cô giáo hỏi trẻ 1: Ô tô của mẹ con màu xanh à?
- Trẻ 1: Con thấy một con sư tử trên tivi
Đây là minh họa điển hình cho giai đoạn phát triển của trẻ 3 - 6 tuổi và câu chuyện
giữa các bé chính là tính duy kỷ mà Piaget đã nhắc tới.
Chúng ta thấy trong câu chuyện này, trẻ chỉ nhìn thế giới từ duy nhất điểm nhìn
của bản thân, trẻ không kết nối với câu chuyện của người khác (là cô giáo) mà cố gắng
nói ra những gì trẻ nghĩ (cho rằng) có thể lôi cuốn các bạn khác chú ý vào câu chuyện
của mình.
Với tính duy kỷ, trẻ có xu hướng thu thập thông tin từ những gì trẻ thấy và trải
nghiệm nên chưa có sự hiểu biết chắc chắn về những phẩm chất của các đối tượng trong
thế giới. Trẻ hình thành khái niệm từ những kinh nghiệm trực tiếp của mình nên sẽ thật
khó để trẻ hiểu sự khác nhau của các đối tượng, như giữa từ “nặng” và từ “lớn”; hay như
trẻ cho rằng người càng cao thì càng lớn tuổi chẳng hạn, thật khó để trẻ phân biệt được
chiều cao với tuổi.
Cũng vì phải phụ thuộc vào kinh nghiệm của riêng mình nên trẻ có xu hướng
khái quát hóa sai lầm, chúng đặt niềm tin khải quát của mình dựa trẻn một kinh nghiệm
đơn thuần, từ đó dẫn đến một kết luận sai lầm.
Ví dụ, nếu trẻ trông thấy một con chim bay qua trong khi con chó đang sủa thì
trẻ rất dễ kết luận thành con chó sủa làm con chim bay. Dù quan điểm này không đúng
thì trẻ vẫn sẽ thấy rất thoải mái với cách suy luận riêng như vậy, lúc này, bất kể chúng
ta có giải thích khách đi thế nào, trẻ cũng sẽ không đồng ý. Chỉ khi nào trẻ đã tự mình
thu thập được nhiều kinh nghiệm hơn - thấy những con chim bay nhưng không có con
chó nào quanh đó - trẻ sẽ trải qua một tiến trình tinh thần thách thức lại thế giới quan

11
của mình, trẻ phải thay đổi và điều chính cách nhìn của mình với thông tin mới mà trẻ
thu được. Tới lúc đó trẻ mới chịu tin rằng, không phải tại chó sủa mà chim bay.
Hay ví dụ khác là trẻ không chịu cắt tóc, mỗi lần cắt tóc là một lần trẻ la hét, kêu
gào và nói rằng cắt tóc đau lắm. Điều này có thể lý giải từ góc nhin khái quát sai lầm
của trẻ, nếu trẻ có trải nghiệm về một vết thương nhỏ gây đau hoặc chảy máu ở tay hoặc
đầu gối, cùng với việc trẻ được mẹ dặn không được nghịch dao không sẽ bị dao cắt đứt
tay đau lắm, thì trẻ sẽ tin rằng cắt tóc cũng gây đau.
Như vậy, có thể hiểu vì sao độ tuổi mẫu giáo tính từ khi lên ba, trẻ bắt đầu có sự
bướng bỉnh, khó chịu. Tính duy kỷ là lời giải thích hợp lý và thú vị. Nếu người lớn hiểu
rõ về tính duy kỷ, biết rõ trẻ có xug hướng tin vào những gì được thấy và trải nghiệm,
hẳn sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng và lúng túng khi chứng kiến sự
thay đổi tâm sinh lý của con. Theo thời gian, con sẽ vượt qua được thách thức của độ
tuổi này nếu người lớn thấy được rằng, việc để trẻ trải nghiệm theo cách của trẻ những
gì mà chúng ta muốn cho trẻ học là rất quan trọng. Đó cũng là ý nghĩa của việc hiểu về
tính duy kỷ của trẻ giai đoạn 3 - 6 tuổi này.

12
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Thị Chiến, Tâm lý học phát triển 1, Đại học Công nghệ TPHCM lưu hành
nội bộ
2. Trương Thị Khánh Hà, Giáo trình Tâm lý học phát triển, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội, 2013, tr. 151
3. Dương Thị Diệu Hoa (Chủ biên), Tâm lý học phát triển, NXB Đại học Sư phạm,
2008
4. Vũ Thị Nho, Tâm lý học phát triển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008,
5. Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên), Giáo trình tâm lý học đại cương, NXB Đại học
Sư phạm, 2007, tr.
6. Baltes, P. B., Reese, H. W., & Lipsitt, L. P. (1980). Life-span developmental
psychology. Annual Review of Psychology, 31, 65 -110
https://doi.org/10.1146/annurev.ps.31.020180.000433
7. Carol Garhart Mooney, Các lý thuyết về trẻ em của Dewey, Montessori, Erikson,
Piaget & Vygotsky, NXB Lao động, 2023
8. Denise Boyd, Paul Johnson, Helen Bee - Lifespan Development, Pearson
Canada, 2014
9. Feldman, Robert S. - Development across the life span, Global Edition, 2017

13

You might also like