You are on page 1of 17

KIRITSUBO

Dưới triều của một vị vua không rõ thời nào, trong số rất nhiều thứ phi và cung nữ,
có một người tuy không thuộc dòng dõi quý tộc có đẳng cấp cao nhưng lại được nhà vua
hết mực yêu chiều. Ngay từ đầu, nàng đã bị những người có địa vị cao và tự đắc về thân
thế của mình ganh ghét, cho là vô lễ. Những người ngang bằng hoặc thấp hơn nàng về địa
vị thậm chí còn khó chịu với nàng hơn. Ngày ngày, khi phụng sự nhà vua trong cung,
nàng đã làm cho những người khác bực mình vì ghen tỵ. Và có lẽ vì những hờn giận ấy
chồng chất quá nhiều nên sức khỏe của nàng cứ yếu dần. Nàng cảm thấy buồn phiền, cô
đơn và hay trở về quê. Nhà vua lại càng thấy tội nghiệp cho nàng, không để tâm đến
những lời đàm tiếu xung quanh. Tình cảm của nhà vua dành cho nàng trở thành một đề
tài đàm tiếu quen thuộc của người đời. Tình yêu ấy khiến cho cả các vị quan lớn trong
triều cũng cảm thấy bất ổn và cứ ngoảnh đi không muốn nhìn trực tiếp. Ở Trung Quốc
thời Đường cũng xảy ra một chuyện như thế đã làm cho tình hình xã hội xấu đi dẫn đến
loạn lạc. Dần dà, người đời cũng cho rằng đây là chuyện không hay và đem ví với chuyện
nàng Dương Quý Phi với vua nhà Đường. Nàng cung phi ấy rất đau khổ nhưng vẫn sống
nhờ vào tình cảm cao quý hiếm có mà nhà vua dành riêng cho nàng.

Bố nàng là quan Dainagon nhưng đã qua đời. Mẹ nàng – được gọi là phu nhân sống
ở cung phía Bắc – là một người nệ cổ và có hiểu biết. Nàng được bố mẹ dạy dỗ để có thể
đảm đương mọi chuyện lễ nghĩa trong cung đình không kém gì những người được xã hội
đương thời trọng vọng nhưng nếu có chuyện gì thì vẫn thiếu người hậu thuẫn, nên không
khỏi cảm thấy cô đơn vì thiếu nơi nương tựa mỗi khi có chuyện bất ngờ.

Có lẽ vì duyên nợ sâu nặng từ tiền kiếp, nàng cung phi Kiritsubo đã sinh hạ một
hoàng nam có vẻ đẹp rực rỡ lạ thường và trong sáng như một viên ngọc quý. Nhà vua rất
nóng lòng mong được gặp con nên khi vừa hết thời gian ở cữ là ngài vội vã mời cung phi
và hoàng tử về cung. Trông thấy hoàng tử lúc ấy mới là một đứa trẻ sơ sinh, nhà vua đã
nhận thấy con mình có khí sắc phi thường. Hoàng tử thứ nhất của nhà vua là con của
hoàng phi con gái quan Hữu đại thần, có thế lực hậu thuẫn rất tốt tại triều đình và theo sự
ngưỡng vọng của dân tình lúc đó thì “chuyện chàng được kế thừa ngôi vua không còn gì
có thể nghi ngờ nữa”. Nhưng hoàng tử mới ra đời lại có vẻ đẹp không ai sánh bằng. Vì
thế nhà vua vẫn hết lòng yêu quý hoàng tử thứ nhất như một người con bình thường, còn
với hoàng tử mới sinh thì ngài dành cho một tình yêu vô hạn và nâng niu như một báu vật
của riêng mình. Mẹ của chàng hoàng tử vốn không phải thuộc loại cung nữ tầm thường
chỉ chuyên làm công việc hầu hạ. Mọi người đều biết rằng nàng được nhà vua hết mực
yêu thương và cũng có địa vị khá cao trong cung đình. Nhà vua lúc nào cũng muốn giữ
nàng bên cạnh. Bất cứ cuộc vui tao nhã nào trong cung, nhà vua cũng cho gọi nàng trước
1
hết. Cũng có lúc nhà vua qua đêm với nàng, và hôm sau lại tiếp tục giữ nàng ở lại không
cho về, nên tất nhiên nàng bị những người khác coi thường, cho là loại người thiếu ý tứ
và hời hợt. Sau khi nàng sinh hạ hoàng nam thì tình yêu thương của nhà vua đối với nàng
càng sâu đậm hơn bao giờ hết. Vì vậy mẹ của hoàng tử thứ nhất cũng lo lắng nghĩ rằng
“biết đâu hoàng tử nhỏ này chiếm được vị trí đông cung”. Hoàng phi này vào cung sớm
nhất và cũng được nhà vua rất yêu thương, quý trọng. Nàng cũng đã sinh cho nhà vua
hoàng tử và các công chúa nhưng đôi khi những điều nàng hay phàn nàn không khỏi làm
cho nhà vua cảm thấy “phiền toái, buồn lòng”.

Mặc dù may mắn có được tình thương và sự che chở của nhà vua nhưng vì phải
sống giữa biết bao người có thái độ khinh miệt và xoi mói, lại thêm thể chất yếu đuối và
không có người hậu thuẫn nên càng được yêu thương nàng lại càng khổ tâm dằn vặt. Nơi
nàng ở là cung Kiritsubo.

Nhà vua luôn đi qua rất nhiều cung phòng khác để đến với nàng, và chuyện đó tất
nhiên làm cho nhiều cung phi khác phải bận tâm. Nàng cũng được gọi đến cung vua quá
thường xuyên và phải đi qua nhiều hành lang chuyển tiếp, nhiều cầu nối giữa các cung
phòng. Nhiều cung phi có ác ý với nàng nên gây ra những chuyện cực kỳ khó chịu như
làm cho gấu áo kimono của những thị nữ đưa đón nàng lắm khi bị vấy bẩn. Và cũng có
nhiều lúc những cung phi khác âm mưu với nhau khóa cửa ở vị trí mà nàng phải đi qua,
gây trở ngại và phiền toái cho nàng. Những phiền muộn cứ tích tụ lần này qua lần khác
làm cho nàng vô cùng đau khổ, và nhà vua vì thương cảm cho nàng đã chuyển một cung
phi vốn đang sống ở gần chỗ nhà vua đi nơi khác để nàng được chuyển lên ở đó. Chuyện
ấy lại càng làm tăng sự ghen ghét của các cung phi đối với nàng.

Khi hoàng tử của ái phi này lên ba tuổi, nhà vua đã cho tổ chức lễ mặc hakama vô
cùng long trọng, sử dụng hết những lễ vật quý giá trong quốc khố, không kém gì buổi lễ
dành cho hoàng tử thứ nhất đã được tổ chức trước đây. Cũng có không ít những lời ong
tiếng ve về chuyện đó, nhưng vì hoàng tử này càng lớn thì dung mạo lẫn tính cách lại
càng có vẻ phi phàm, nên không ai có thể cảm thấy ghét chàng được. Những người có
hiểu biết đều thẫn thờ ngơ ngác mà bật thốt: “trên đời sao lại có một vẻ đẹp quý hiếm đến
thế này!”

Mùa hè năm ấy, nàng cung phi phiền muộn vì tình trạng sức khỏe ngày càng xấu
dần đi và muốn xin về quê nghỉ dưỡng nhưng nhà vua không đồng ý. Vì nhà vua cũng đã
quen với chuyện đau ốm của nàng trong mấy năm gần đấy nên bảo rằng: “Thôi nàng cứ ở
lại đây theo dõi thêm ít lâu xem sao đã”. Nhưng bệnh tình của nàng ngày càng trầm
trọng, chỉ trong vòng năm, sáu ngày mà nàng đã yếu lả đi. Mẹ nàng vừa khóc vừa tấu
2
trình với nhà vua xin được sắp xếp để cho nàng rời cung. Ngay cả khi ấy, nàng cũng hết
sức thận trọng mà nghĩ rằng “không khéo lại gây ra những điều tai tiếng không đáng có”,
và định sẽ âm thầm rời cung mà không dẫn theo hoàng tử. Vì sự đời vốn hay thay đổi nên
nhà vua cũng chẳng giữ nàng được lâu hơn. Nỗi khổ tâm của ngài vì không được đưa tiễn
ái phi không bút nào tả xiết. Nàng vốn xinh đẹp và tươi tắn mà giờ đây trở nên tiều tụy.
Tuy “rất đỗi buồn lòng” nhưng không bày tỏ với quân vương, nàng chỉ còn là một sinh
mệnh mong manh như ngọn đèn trước gió. Thấy tình cảnh của nàng như vậy, nhà vua
lòng dạ rối bời không còn biết trước sau gì nữa. Ngài vừa khóc vừa hứa hẹn nhưng không
thấy nàng đáp lại. Nàng cứ nằm im với ánh mắt đờ đẫn vì mệt mỏi. Nhà vua thắc thỏm
“không biết rồi nàng sẽ ra sao”. Ngài cũng đã cho phép lấy kiệu đưa nàng về, nhưng rồi
lại vào phòng bệnh với nàng và vẫn chưa đành lòng để nàng đi.

“Nàng đã hứa không để ta một mình trên đường đời ngắn ngủi, nên nàng không
đành lòng bỏ ta mà đi chứ!” Nghe những lời như thế, nàng ngước nhìn quân vương và
đọc thơ rằng:

“Dẫu lòng còn mong muốn

Nhưng cuộc sống mong manh

Phút chia ly kề cận

Sầu ly biệt khôn nguôi

Âu cũng là định mệnh”

Và nói thêm: “Giá như thiếp biết mình là kẻ bạc mệnh thế này…”, rồi hơi thở của
nàng yếu dần đi, mặc dù nàng chừng như vẫn có điều muốn nói. Nhà vua đau đớn nghĩ
rằng “dù có thế nào thì ta vẫn muốn trông nom nàng ở đây”.

Nhưng rồi có thiếp từ mẹ nàng gửi đến giục nàng về quê: “Hôm nay là bắt đầu lễ
cúng. Các vị sư đã tề tựu đông đủ và tối nay buổi lễ sẽ bắt đầu”, nên nhà vua cũng không
có cách nào giữ nàng được nữa, đành phải để nàng rời cung. Với nỗi buồn đau tràn ngập
trong lòng, nhà vua thức suốt đêm không ngủ được.

Sứ giả lấy tin chưa kịp về thì nhà vua đã lại bồn chồn không yên vì lo lắng. Chứng
kiến cảnh khóc than rền rĩ và được biết “nàng đã mất lúc quá nửa đêm”, sứ giả buồn rầu
quay trở về. Được tin, nhà vua bàng hoàng và suy sụp, cứ ở suốt trong cung không còn
biết đến việc gì. Dù vậy nhà vua vẫn không muốn xa rời hoàng tử. Nhưng vì chưa từng có
ai ở lại cung trong thời gian chịu tang nên hoàng tử phải về quê mẹ. Hoàng tử vẫn chưa

3
biết chuyện gì đã xảy ra, nên khi thấy những người hầu cận khóc than rền rĩ và cả vua cha
cũng nước mắt ngắn dài, cậu chỉ cảm thấy “thật là kỳ lạ”. Nói chung thì chuyện chia ly
luôn là chuyện đau lòng, và nỗi buồn trong cuộc chia ly này lại càng khó tả hơn bao giờ
hết.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn, nên (dù có thương tiếc thế nào thì) cũng đến lúc phải
tổ chức lễ tang. Tiếc thương con gái, mẹ của nàng cung phi đau đớn khóc nàng: “Giá như
ta cũng được bay lên cùng con trong làn khói ấy!” Cùng với các cung nữ đến tiễn nàng
lần cuối, bà lên xe đi đến Otagi. Không biết bà sẽ còn đau lòng đến mức nào trong lễ hỏa
táng được tổ chức vô cùng trang nghiêm ấy.

Trước đám tro hài cốt mong manh, bà cụ bảo: “Dẫu biết là “con đã qua đời” nhưng
ta cứ nghĩ con còn sống, giờ nhìn thấy con chỉ còn là nắm tro mới thật tin “con đã mất
rồi”. Bà tỏ ra cứng cỏi khi nói thế nhưng rồi thấy bà lảo đảo tưởng chừng sắp ngã khỏi
xe, các cung nữ mới ái ngại bảo nhau: “Mình đã sợ là sẽ đến nỗi này!”

Có sứ giả từ triều đình đến đọc sắc chỉ của nhà vua cho biết nàng cung phi quá cố
được phong tặng danh hiệu “đệ tam phi”, nhưng điều đó lại khiến cho nỗi tiếc thương
càng thêm sâu đậm. Khi còn sống nàng chưa được chính thức gọi là “cung phi” nhưng vì
quá thương tiếc nàng nên nhà đã quyết định: “Sẽ phong tặng cho nàng lên một bậc”.
Cũng có nhiều người ganh ghét vì chuyện ấy. Những người có hiểu biết giờ đây mới nhớ
ra rằng nàng cung phi bạc mệnh vốn là người dung mạo xinh đẹp tuyệt vời mà tính tình
lại dịu dàng hòa nhã, nên khó mà có thể ghét bỏ nàng. Chỉ vì được nhà vua sủng ái quá
mức mà nàng bị những người xung quanh đối xử lạnh lùng và ghen ghét. Ngay cả những
nữ quan hầu hạ nhà vua cũng thương nhớ vẻ đáng yêu, giàu tình cảm ở nàng. Quả đúng
như lời thơ xưa: “người đã mất, mới hiểu lòng ta tiếc nhớ người!”

Ngày tháng trôi qua, nhà vua vẫn rất mực chu đáo, luôn cho người mang hương hoa
đến chia buồn cùng gia quyến trong những lễ cúng hàng tuần. Ngày càng sầu não vì
thương nhớ, đã khá lâu ngài chẳng màng đến chuyện qua đêm cùng các phi tần, ngày lại
qua ngày cứ mãi nhỏ lệ khóc thương nàng cung phi bạc mệnh. Những người xung quanh
cũng thấy buồn khi chứng kiến những giọt lệ đầm đìa tựa sương thu.

Những cung phi như nàng Kokiden thì rất khó chịu trước vẻ sầu não ấy: “Người
chết rồi mà cứ vẫn cứ nhớ nhung, đến mức làm cho người ta phải bực mình!”

Tuy đã có thái tử trong cung, nhà vua vẫn một lòng thương nhớ hoàng tử của ái phi
đã mất, nên ngài vẫn cho các nữ quan và nhũ mẫu thân tín đến nhà cung phi để hỏi thăm
về hoàng tử.
4
Một đêm trời đột ngột trở lạnh vì gió bão mùa thu, nhà vua càng thấy lòng nhớ
nhung hơn bao giờ hết, đã phái nữ quan Myobu có người nhà làm vệ binh đến thăm nhà
cung phi quá cố. Trong đêm trăng đẹp, ngài lại mơ màng nhớ những lúc bên nàng. Trước
đây vào những dịp như thế, ngài thường cho các cung tần chơi nhạc. Ngài nhớ rằng nàng
cung phi ấy luôn là người có ngón đàn tuyệt nhất, và những vần thơ ngẫu hứng của nàng
cũng không ai sánh kịp, đã khiến ngài say đắm vô cùng. Ngài nhớ như in dáng vóc nàng
khi ấy và cảm thấy như hình bóng mờ ảo của nàng đang kề cận. Nhưng đáng buồn là hình
ảnh ấy có gần gũi đến đâu thì cũng không thể là “đêm thực” của ngày xưa.

Nữ quan vừa cho xe vào cổng nhà nàng đã nhận thấy quang cảnh thật là ảm đạm.
Mẹ nàng, tuy sống đời góa phụ nhưng rõ ràng đã giữ gìn nhà cửa tươm tất khi nàng vào
cung, giờ đang âm thầm trong bóng tối. Đám cỏ rậm rạp tơi bời trong gió bão mùa thu
càng khiến cho khách viếng thăm thấy lòng se sắt, chỉ có vầng trăng “không bị cỏ cây che
khuất” vẫn rọi vào nhà.

Bà quả phụ rước nữ quan vào cửa chính của ngôi nhà quay mặt về phía Nam, nhưng
chẳng thể cất lời ngay lúc đó.

“Thân già này đã rất khổ tâm khi phải sống đến tận lúc này, giờ lại thêm hổ thẹn khi
đón tiếp sứ giả triều đình trong cảnh nhà lạnh vườn hoang như vậy…” Có lẽ vì không
chịu đựng thêm được nữa nên chỉ nói được đến đó thì bà lại khóc.

“Nữ quan Naishi no Suke kể rằng khi đến thăm gia quyến, cô ấy xót lòng đến ngẩn
ngơ. Bề tôi này chưa được tỏ tường mọi chuyện nhưng cũng thấy đau lòng khôn xiết!”
Nữ quan Myobu bày tỏ, rồi đợi cho cảm xúc lắng đi một chút mới chuyển lời thăm hỏi
của nhà vua: “Bây giờ, theo thời gian thì nỗi đau cũng dần nguôi ngoai bớt, nhưng vì mọi
chuyện không phải là một cơn mơ để mà thoát khỏi khi tỉnh dậy, nên ta khó mà chịu đựng
nỗi đau buồn. Ta cũng chẳng có ai để bày tỏ nỗi băn khoăn “chẳng biết phải làm gì bây
giờ”, nên rất mong được mời nhạc mẫu về cung bằng nghi thức đơn giản nhất. Ta rất lo
lắng cho hoàng tử nhỏ, và hết sức đau lòng khi để con thơ phải sống trong cảnh nhà tang
tóc đầm lệ tựa sương mai, nên muốn mời nhạc mẫu sớm đưa hoàng tử vào triều…”
Hoàng thượng khóc nghẹn ngào nên nói chưa cạn ý, và kẻ bề tôi này cũng khổ tâm trước
cảnh tượng não lòng như vậy, e rằng người ngoài nhìn thấy không khỏi nghĩ thầm “hoàng
thượng sao mà yếu đuối thế kia!”, nên vội đến đây dù chưa thấu tỏ mọi điều”.

Nữ quan Myobu nói thế rồi đưa cho quả phụ bức thư của nhà vua.

5
“Bây giờ mắt mũi ta chẳng trông thấy gì được nữa, nhưng với những lời tôn nghiêm
đến thế của đấng cửu trùng, hãy để ánh sáng rọi vào xem!” Quả phụ nói thế và mở thư ra
đọc.

Trong thư là những lời nồng hậu và tinh tế: “Dẫu sống qua ngày trong hy vọng
“Thời gian trôi qua, nỗi buồn cũng nguôi ngoai đôi chút”, nhưng nỗi đau trong lòng con
vẫn chẳng thể nào khuây khỏa. Con cũng lo lắng không yên, không biết hoàng tử nhỏ
đang sống thế nào khi mà giờ đây chẳng được bố mẹ cùng nuôi dạy. Mong sao ở chốn
này, hoàng tử nhỏ bây giờ có thể thay thế phần nào hình ảnh của người quá cố trong
lòng mẹ…”

Và trong thư có cả bài thơ:

Xứ Miyagino

Trong tiếng gió lùa

Kết sương thành giọt

Cành hagi non nớt

Nhớ về cố hương chăng?

Nhưng bà quả phụ không thể nào đọc hết bức thư nhà vua gửi.

“Vì ta biết rằng càng sống lâu thì cuộc đời càng nhiều đau khổ, nên biết là mình
vẫn kéo dài đời sống như “cội thông trầm mặc” nhưng cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Thân
già này nếu lai vãng chốn cung đình e rằng lại càng gây bao điều phiền toái. Cho nên dù
rất vinh hạnh được hoàng thượng chiếu cố nhưng ta không sao có thể nghĩ đến chuyện
nhận lời. Hoàng tử nhỏ thì xem ra rất nóng lòng mong được trở về cung. Chuyện đó cũng
là lẽ thường tình và ta cũng rất ái ngại cho hoàng tử. Dám mong nữ quan tìm cách kín
đáo tấu trình để hoàng thượng rõ những tâm sự ấy, và cũng dám mong ngài hiểu cho
rằng, một kẻ mất chồng mất con mà đến chốn cung đình biết đâu sẽ là vận rủi cho hoàng
tử” - Quả phụ bày tỏ nỗi lòng với nữ quan. Lúc ấy hoàng tử nhỏ đã ngủ rồi.

“Kẻ bề tôi này muốn được diện kiến để có thể tấu trình cặn kẽ về tình hình của
hoàng tử hiện nay, nhưng e rằng hoàng thượng đang nóng lòng chờ đợi trong đêm hôm
khuya khoắt…” Nữ quan nói thế và vội vã sửa soạn ra về.

“Được sự quan tâm chia sẻ của nữ quan, cõi lòng đang chìm trong tăm tối của ta
chừng như sáng lên được phần nào, nên dẫu không có việc công của triều đình cũng dám
6
mong nữ quan lại vui lòng mà ghé đến đây. Những năm trước ta cũng mấy lần được đón
nữ quan đến báo tin vui, nhưng lần này qua lần khác lại phải đón nữ quan với những lá
thư thế này, phải chăng cũng là vì định mệnh? Cung phi quá cố từ lúc mới sinh ra đã là
đứa con mà bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Dainagon quá cố cho đến phút lâm chung vẫn một
mực dặn dò: “Phu nhân nhất định phải thực hiện được ý nguyện đưa con gái vào cung
nhé! Dù ta có chết đi thì cũng đừng vì thế mà dẹp bỏ những mong muốn từ trước đến
giờ”. Ta vốn nghĩ “có nên chăng” cho con gái vào cung khi không có người hậu thuẫn
vững chắc ở triều đình, nhưng rồi vẫn phải thực hiện di ngôn của người quá cố mà để con
gái nương thân ở chốn cung đình. Thân phận nhỏ nhoi mà được hoàng thượng sủng ái
quá mức thì thật vinh hạnh nhưng cũng vì thế mà phải lấy làm xấu hổ với người xung
quanh, rồi trong quan hệ giao tiếp thì bị nhiều người ghen ghét nên chẳng thể nào sống
yên ổn được. Vì chịu đựng quá nhiều mà sinh bệnh, rồi đến lúc phải lìa bỏ cõi đời. Giá
mà không gặp hoàn cảnh ấy thì chắc không đến nỗi, nhưng đã trót được hoàng thượng
yêu chiều… Âu cũng là những lời vô lối xuất phát từ cõi lòng tối tăm đau khổ!”

Góa phụ lại khóc sụt sịt và không nói được hết lời. Đêm đã về khuya.

“Hoàng thượng cũng nghĩ như vậy đấy. Ngài cứ rơi nước mắt mà tâm sự rằng “Ta
yêu nàng ấy đến mức làm cho những người xung quanh lấy làm kinh ngạc, nhưng không
biết trước rằng ta chỉ có với nàng một mối duyên ngắn ngủi “nửa đường đứt gánh”, để
giờ đây thành chuyện đau lòng. Ta chỉ nghĩ rằng “tình cảm của mình có làm ai sứt mẻ gì
đâu!”, nên vì nàng mà rốt cuộc lại bắt nàng phải gánh chịu bao nhiêu oán hận của người
xung quanh, đến nỗi nàng bỏ ta lại một mình mà đi trước! Nỗi lòng ta chẳng làm sao
khuây khỏa được, giờ ta đã thành một kẻ lệch lạc dở người! Ta những “muốn biết duyên
tiền kiếp” của mình như thế nào mà ra nông nỗi!” Ngài nói thế và cứ khóc mãi không
thôi”.

Nàng Myobu cũng khóc sụt sùi và không kể hết được.

“Đã khuya lắm rồi. Kẻ bề tôi này không thể ở lại qua đêm mà phải về ngay để tấu
trình lên hoàng thượng”, nàng nói trong tư thế vội vàng.

Trăng sắp tàn trên bầu trời trong vắt. Gió thổi qua mát dịu và tiếng côn trùng rền rĩ
trong đám cỏ như than khóc, khiến nàng Myobu không nỡ rời chân.

Tiếng côn trùng

Kêu ra rả

Đêm thu dằng dặc


7
Dòng lệ

Đầy vơi

Nàng Myobu ngâm thơ, vẫn chưa cất bước lên xe được.

Tiếng côn trùng

Không thôi rền rĩ

Vườn hoang cỏ rậm

Níu bước chân mây

Mắt lệ đầy

Góa phụ cũng có mấy lời đáp lại, và cũng thông qua gia nhân chuyển lời đến nàng
Myobu: “chúng tôi thật lấy làm hổ thẹn với cảnh ngộ này!”

Đây không phải là dịp thích hợp để trao tặng những món quà phong lưu, nhưng góa
phụ cũng cho chuẩn bị lễ vật vốn là “kỷ vật của người quá cố” để lại “phòng khi có lúc
nào dùng đến”, gồm một bộ quần áo và một hộp đựng lược, trâm cài.

Dĩ nhiên là những người trẻ tuổi (như nàng Myobu) rất buồn cho cuộc đời ngắn
ngủi của cung phi quá cố, nhưng nghĩ đến hoàng tử nhỏ vốn đã quen với nếp sống trong
cung, giờ hẳn là rất buồn và rất nhớ vua cha, nên cố gắng động viên góa phụ sớm cho
hoàng tử về cung. Nhưng góa phụ nghĩ rằng “nếu thân ta bất hạnh mà đi cùng hoàng tử
thì không hay, lại càng được dịp cho thế gian đàm tiếu. Nhưng nếu không còn được nhìn
thấy hoàng tử thì lòng ta cũng buồn lo”, nên cứ đắn đo lưỡng lự mà vẫn chưa quyết định
xong việc đưa hoàng tử vào triều.

Myobu thấy nhà vua đến giờ này mà vẫn chưa đi ngủ thì rất lấy làm thương cảm.
Ngài lặng lẽ tập hợp chừng bốn, năm nữ quan thân cận, vờ như đang trò chuyện và
thưởng thức những hoa lá trong nội uyển đang kỳ rực rỡ tạo nên phong cảnh rất hữu tình.
Họ đang nói chuyện về bộ tranh Trường hận ca do thái thượng hoàng Uda ở Teijiin cho
vẽ mà dạo này hoàng thượng ngày nào cũng xem, về thơ quốc âm của Ise hay Tsurayuki
và cả thơ Đường ngâm vịnh về những chuyện tình kiểu ấy. Hoàng thượng hỏi han tỉ mỉ
về tình hình ở nhà cung phi Kiritsubo. Nữ quan nhẹ nhàng trình tấu về hoàn cảnh đáng
thương mà nàng được biết. Rồi hoàng thượng mở bức thư hồi âm của góa phụ:

8
“Vinh dự được nhận thư của hoàng thượng, kẻ hạ thần hèn mọn này thật xấu hổ
chẳng biết giấu mình vào đâu. Tuy hân hạnh được hoàng thượng chiếu cố nhưng kẻ hạ
thần này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tối tăm và bấn loạn.

Khô héo rồi

Tán cây che chở

Tơi bời gió lốc

Cành hagi non dại

Rồi sẽ ra sao”

Nhà vua đọc thư và lấy làm thông cảm cho góa phụ vẫn còn trong trạng thái bàng
hoàng, “tấc lòng chưa yên ổn”. “Quả là trong hoàn cảnh này bà cụ chẳng muốn chường
mặt ra trước mắt ai”, nhà vua nghĩ thế và những kỉ niệm chất chứa trong lòng về những
năm tháng mới được biết nàng cung phi Kiritsubo dồn dập hiện về. Ngài thầm nghĩ, ngày
trước chỉ vắng nàng phút chốc là ta đã bồn chồn không yên, thế mà đáng buồn làm sao
khi giờ đây ta chỉ còn biết nhìn tháng ngày trôi đi trong hoài niệm!

“Ta vô cùng biết ơn quả phụ đã cho con gái vào cung đúng theo di ngôn của
Dainagon quá cố. Ta những muốn đưa nàng lên một vị trí xứng đáng hơn, nhưng bây giờ
thì ta còn biết làm gì được nữa!” Nhà vua nói, cảm thấy mọi sự đều vô nghĩa và lại càng
buồn cho tình cảnh của góa phụ hiện nay.

“Nàng cung phi ấy đã qua đời, nhưng hoàng tử nhỏ khi trưởng thành cũng có thể
đạt được địa vị xứng đáng, nên hẳn là bà cụ cũng mong muốn “kéo dài tuổi thọ” (để
được biết đến ngày vinh quang của cháu mình)”, nhà vua bày tỏ những điều đang suy
nghĩ.

Rồi nữ quan Myobu trình với ngài những tặng vật nhận được từ quả phụ. “Giá mà
chiếc trâm này là vật ghi nhớ từ chuyến viếng thăm linh hồn nàng cung phi quá cố”, nhà
vua nghĩ đến cả những điều huyễn hoặc.

Những muốn cậy pháp sư

Để vượt qua bên kia thế giới

Dõi mắt trông

Hình bóng thân yêu ấy


9
Nay ở chốn nào

Dẫu có là họa sĩ bậc thầy thì cũng không thể nào tả hết vẻ đẹp của dung mạo nàng
Dương Quý Phi vào tranh vẽ, nên hình ảnh của nàng trong tranh không thể nào đẹp bằng
người thật. Nàng mỹ miều như hoa phù dung ở Thái Dịch, như liễu rũ ở cung Mị Ương,
và trang phục theo phong cách thời Đường cũng quả là tuyệt đep, nhưng nàng cung phi
yêu kiều trong tâm tưởng nhà vua thì ngay cả màu sắc tươi đẹp của hoa hay tiếng chim
hót thanh tao cũng không thể nào sánh nổi. Hai người đã thề nguyện cùng nhau “như
chim liền cánh, như cây liền cành”, vậy mà định mệnh đã bắt nàng cung phi bạc phận
phải sớm rời trần thế, thật sầu thảm vô cùng!

Nghe tiếng gió lùa, tiếng côn trùng rền rĩ, nhà vua bất giác thấy buồn. Dạo ấy đã lâu
thứ phi Kokiden không vào cung Tsubone, và trong đêm trăng đẹp hôm ấy lại tổ chức tấu
nhạc đến tận khuya. Nhà vua nghe tiếng tấu nhạc đã nghĩ rằng “Thật là chuyện khó coi,
chẳng hay ho gì cả!” Các phi tần hiểu tâm trạng nhà vua dạo gần đây nghe thấy cũng lấy
làm “khó chịu” với cách hành xử như vậy. Thứ phi này vốn là kiểu người tự cao và đáo
để, giờ đây đang làm ngơ trước chuyện đau lòng của hoàng thượng. Vầng trăng cũng đã
tàn.

Đây chốn hoàng cung

Đẫm lệ sầu

Hoen nhòe trăng thu

Biết làm sao

Gian nhà tranh nơi ấy

Nhà vua mãi nghĩ về gia cảnh nàng cung phi quá cố, nên cứ chong đèn mà thức đến
khuya. Có tiếng điểm binh của đội ukon vào phiên gác, nên hẳn là đã sang giờ sửu. Nhà
vua vào tẩm điện để tránh gây chú ý cho mọi người, nhưng mãi mà vẫn không ngủ được.
Buổi sáng thức dậy ngài lại nhớ những ngày hạnh phúc “trời sáng lúc nào chẳng hay”, và
cũng lười cả việc thiết triều buổi sáng. Ngài cảm thấy biếng ăn, chỉ ăn qua loa buổi sáng,
và cả bữa ăn chính thì cũng chỉ đụng đũa lấy lệ mà thôi. Những cung nữ phục vụ ngự
thiện rất khổ tâm khi nhìn thấy vẻ sầu não ở ngài. Những người hầu thân cận, cả nam lẫn
nữ, đều khổ sở than với nhau rằng “biết làm thế nào được nhỉ!”

Liên tưởng đến chuyện xảy ra nơi triều đình ở xứ người, thiên hạ len lén xì xào với
nhau rằng: “Chuyện này hẳn là một mối duyên tiền định. Trước đây hoàng thượng chẳng

10
buồn để tâm đến những lời ong tiếng ve của người đời, phớt lờ cả thái độ ghen ghét ở
chốn hậu cung, quên cả chuyện phải trái chỉ vì nàng cung phi ấy, để rồi giờ đây ngài
chẳng còn thiết tha với bất cứ chuyện gì trên đời nữa thì đáng lo ngại biết bao!”

Thời gian thấm thoắt, rồi hoàng tử nhỏ vào cung. Hoàng tử càng lớn lại càng có vẻ
cao quý phi phàm, nên nhà vua càng thêm lo lắng. Mùa xuân năm tới là thời điểm chính
thức lập đông cung thái tử. Nhà vua những muốn đưa hoàng tử nhỏ vượt qua địa vị của
hoàng tử nhất, nhưng ngài lo cho hoàng tử nhỏ thiếu thế lực hậu thuẫn trong triều và cũng
cảm thấy khó mà được người đời thừa nhận, nên e rằng việc ấy sẽ trở thành mối nguy cho
cuộc sống tương lai của hoàng tử nhỏ, tuy ngài không để lộ sự lo lắng ấy trước mặt mọi
người.

“Chắc hoàng thượng cũng nghĩ đến chuyện đó rồi, nhưng vì còn có nhiều hạn
chế…”. Nghe người đời nói vậy, thứ phi Kokiden mới cảm thấy an tâm.

Còn thân mẫu của cung phi quá cố thì vẫn không làm sao nguôi được nỗi buồn. Có
lẽ là điềm báo khi bà chỉ thầm mong “được gặp con nơi chín suối”, rồi bà cũng về nơi an
nghỉ. Nhà vua vô cùng thương tiếc mệnh phụ mới qua đời. Năm ấy hoàng tử nhỏ lên sáu
tuổi, nên đã biết thương khóc bà vừa mới mất. Trước khi mất, bà đã nhiều lần bày tỏ nỗi
khổ tâm khi phải bỏ lại hoàng tử nhỏ một mình. Giờ thì hoàng tử sống hẳn trong nội
cung. Năm lên bảy tuổi, hoàng tử trải qua nghi thức khai tâm để bắt đầu con đường học
vấn. Nhà vua thấy hoàng tử tỏ ra thông minh xuất chúng thì lại càng lo lắng nhiều hơn.

“Chẳng ai nỡ ghét hoàng tử nhỏ trong hoàn cảnh thế này. Hoàng tử đã sớm mất mẹ
nên chẳng biết trông cậy vào ai…”, nhà vua có lời gửi gắm như thế và thường dẫn theo
hoàng tử vào tận phòng riêng của các cung phi như Kokiden. Có lẽ ngay cả kẻ thù đáng
sợ hay những chiến binh hung hãn khi nhìn thấy hoàng tử cũng phải nở nụ cười, nên
Kokiden cũng không thể nào ghét bỏ hoàng tử nhỏ. Hai cô công chúa của cung phi cũng
không sánh được hoàng tử về dung mạo. Lúc này thì các cung tần cũng không cần phải
ngại ngùng tránh mặt mà còn tỏ ra thú vị khi được chơi đùa thân mật với một hoàng tử
khôi ngô tuấn tú. Hoàng tử xuất sắc về học vấn là chuyện tất nhiên, nhưng cả trong lĩnh
vực văn nghệ như chơi đàn, thổi sáo cũng khiến cho mọi người trong cung đều thán phục.
Nếu kể hết những điểm xuất sắc của hoàng tử thì e rằng có vẻ như ca ngợi quá lời, nhưng
hoàng tử đúng là một người như vậy.

Dạo ấy đang có đoàn sứ giả từ Cao Ly đến. Nhà vua nghe nói trong đoàn có người
rất giỏi về thuật xem tướng. Vì tiên đế Uda có lệnh không cho người ngoài vào cung nên
nhà vua bí mật cho tiếp sứ đoàn ở Korokukan, và cho quan Udaiben giả cách làm cha đỡ
đầu dẫn hoàng tử đến. Người xem tướng lấy làm kinh ngạc, cứ mãi nghiêng đầu suy nghĩ.
11
“Quý công tử có tướng mạo đế vương, có khả năng trở thành người đứng đầu trăm
họ. Nhưng nếu thế thì quốc gia có loạn, dân chúng phải ưu phiền. Còn nói về việc làm
rường cột cho triều đình để phụng sự quốc gia thì xem ra cũng không đúng với tướng
mạo của công tử vậy” - Người xem tướng nói.

Quan Udaiben cũng là người thông thái và hay chữ, nên đã cùng sứ giả luận đàm
nhiều điều thú vị. Sứ giả có làm thơ rất hay để bày tỏ cảm xúc rằng: “Chỉ ngày một ngày
hai là chúng tôi lại rời đi. Tôi rất lấy làm hân hạnh vì được gặp gỡ một bậc hiền tài như
ngài quả là dịp may hiếm có, và rất buồn khi phải sớm chia tay”. Khi đó hoàng tử cũng
cao hứng làm thơ đáp lại. Sứ giả hết lời khen ngợi và dâng tặng hoàng tử nhiều phẩm vật
quý giá. Về phía triều đình cũng có nhiều quà tặng dành cho sứ đoàn.

Sự việc cứ lan truyền một cách tự nhiên, tuy rằng nhà vua không muốn để cho nhiều
người biết chuyện. Ông ngoại của thái tử là quan Udaijin tỏ ra nghi ngờ: “Không biết rồi
sẽ thế nào đây?” Tự trong thâm tâm, nhà vua vẫn có ý nghĩ về chuyện xem tướng cho
hoàng tử nhỏ theo quan niệm truyền thống, nên cho đến lúc này vẫn chưa công bố địa vị
chính thức của hoàng tử. Ngài thầm nghĩ “Người xem tướng ấy đúng là tài thật! Ta không
muốn đặt hoàng tử vào địa vị bấp bênh trong hoàng tộc vì bên họ ngoại không có người
hậu thuẫn, vì cũng không biết mình còn trị vì được bao lâu. Thôi cứ để con ta ở bên
ngoài hoàng tộc, chỉ làm người phụ tá cho công việc của triều đình. Như vậy may ra có
thể yên tâm”. Nhà vua quyết định như vậy và cho hoàng tử trau dồi hơn nữa trong nhiều
lĩnh vực học vấn. Thông thái tột bậc như thế mà phải đứng ngoài hoàng tộc thì quả là
đáng tiếc, nhưng nếu được đặt vào địa vị có thể lên ngôi thiên hoàng trong tương lai thì
hoàng tử lại phải chịu đựng thái độ nghi hoặc của người đời. Nhà vua nghĩ thế và lại cậy
nhà chiêm tinh có tài xem vận mệnh cho hoàng tử, nhưng kết quả lần này cũng không
khác gì lần trước nên ngài quyết định ban cho hoàng tử danh tính là Genji, để hoàng tử
làm một người bình thường bên ngoài hoàng tộc.

Tháng ngày cứ trôi mà nhà vua vẫn không thể nào quên được nàng cung phi bạc
mệnh. Đã có nhiều mỹ nhân được tiến cung để “may ra có thể giúp nhà vua nguôi dịu nỗi
buồn”. Nhưng rốt cuộc, “quả là trong cuộc đời này khó mà tìm được một người nào khác
giống như nàng”, nhà vua cứ ưu tư nghĩ ngợi và càng thấy buồn hơn. Rồi lại nghe chuyện
về công chúa thứ tư, con gái của một cung phi hầu hạ vua đời trước, là người có nhan sắc
tuyệt vời. Naishi no Suke từng là người hầu hạ thân tín của mẹ nàng, có mối quan hệ gần
gũi với cung phi lúc tiên đế còn tại vị, được biết công chúa từ lúc nàng còn bé, và giờ đây
vẫn thường lui tới gặp gỡ nàng, đã tâu với nhà vua: “Hạ thần hầu hạ nơi hoàng cung qua
ba thế hệ trong hoàng tộc mà chưa từng thấy ai giống hoàng phi trước đây đến thế. Công

12
chúa càng trưởng thành thì dung mạo ấy càng đậm nét. Thật là một quý nhân hiếm có
trên đời!”

“Thật thế sao?” nhà vua thầm nghĩ và nhã nhặn đánh tiếng với cung phi để bàn
chuyện đưa nàng công chúa ấy vào cung.

Nàng cung phi mẹ của công chúa ấy đã e ngại trước chuyện ấy, và tâu rõ với nhà
vua suy nghĩ của mình rằng: “Thứ phi ở Đông cung tính tình hà khắc rất đáng sợ. Rõ
ràng trước đây đã từng có chuyện cung phi Kiritsubo bị hiếp đáp, nên thần thiếp e rằng
đó sẽ là điềm gở…”. Rồi bà qua đời mà vẫn còn giữ quan niệm ấy. Được biết công chúa
vừa mất mẹ phải sống cô đơn, nhà vua đánh tiếng rằng: “Ta sẽ trông nom nàng như các
con gái ta đang ở trong cung”, rồi cho đón nàng vào cung với thái độ hết sức ân cần.
“Thay vì sống một mình buồn bã, khi vào cung công chúa sẽ được an ủi phần nào”,
những người hầu hạ nàng, những người làm hậu thuẫn cho nàng và các anh nàng là hoàng
thân trong đội vệ binh đều nghĩ thế khi đưa nàng vào cung. Người ta gọi nàng là
Fujitsubo.

Quả thật là nàng giống cung phi Kiritsubo đến mức đáng ngạc nhiên. Mọi người
đều biết nàng có địa vị cao hơn hẳn so với cung phi Kiritsubo và không thể xem thường
nàng, nên nàng có thể danh chính ngôn thuận mà tại vị và không phải lo lắng điều gì. Còn
nàng cung phi quá cố thì được nhà vua sủng ái quá mức nhưng lại không được mọi người
nể trọng. Cũng không hẳn là tình cảm dành cho nàng cung phi quá cố đã phai nhạt, nhưng
rồi nhà vua dần gắn bó với cung phi Fujitsubo một cách tự nhiên và cảm thấy được khuây
khỏa hơn bao giờ hết, đó cũng là lẽ tự nhiên của tình cảm con người vậy.

Vì hoàng tử Genji chẳng lúc nào rời vua cha, nên quý phi ở cung Fujitsubo thường
xuyên được ngài đến ngự tuy cảm thấy ngượng ngùng nhưng không thể nào tránh mặt.
Các phi tần ai cũng cho rằng “ta chẳng kém ai” và đều là những người có nhan sắc,
nhưng hầu hết các nàng đều đã khá nhiều tuổi, chỉ có quý phi (Fujitsubo) là đặc biệt trẻ
đẹp hơn cả, và dù nàng có giấu mình đi trước hoàng tử nhỏ thì dung nhan vẫn tự nhiên hé
lộ. Hoàng tử không nhớ được hình ảnh mẹ nhưng theo lời của Naishi no Suke thì quý phi
(Fujitsubo) và cung phi quá cố “giống nhau như tạc”, nên hình ảnh của nàng đã đi vào
trái tim non trẻ của hoàng tử, khiến hoàng tử cảm thấy “nhớ nhung” và có cảm giác
“muốn được gặp quý phi mỗi ngày, muốn thân thiết với nàng hơn nữa”.

Nhà vua dành cho cả hai người tình cảm sâu sắc nhất. Ngài đã có lời với quý phi
rằng: “Xin nàng đừng lạnh nhạt với hoàng tử nhỏ. Thật tình ta thấy nàng và mẹ của
hoàng tử giống nhau đến mức đáng kinh ngạc. Nàng đừng cho rằng hoàng tử vô phép

13
tắc. Vì hai nàng giống nhau từ nét mặt đến ánh nhìn, nên có nghĩ nàng là mẹ của hoàng
tử cũng không phải là vô lý”.

Vì trong những dịp vui ngắn ngủi như lúc thưởng hoa đào hay khi ngắm lá thu,
hoàng tử còn ngây thơ lại có dịp gặp quý phi Fujitsubo và bày tỏ tình cảm quyến luyến
sâu nặng đối với nàng, nên thứ phi Kokiden vốn có hiềm khích đối với Fujitsubo lại càng
ghen ghét, và tỏ ra khó chịu với hoàng tử nhỏ.

Nhà vua cảm thấy vẻ đẹp của quý phi thật “hiếm thấy trên đời”. Dung nhan của
nàng được người đời truyền tụng và vẻ đẹp của hoàng tử nhỏ đều không có gì so sánh
được, nên khi người đời đặt cho hoàng tử tên gọi là “hoàng tử Rạng Ngời” thì nhà vua
cũng dành cho quý phi sự trìu mến không kém qua tên gọi “quý phi Lộng Lẫy”.

Trước dáng vẻ ngây thơ của hoàng tử nhỏ, nhà vua cảm thấy tiếc nếu phải đổi trang
phục, nhưng khi hoàng tử đến mười hai tuổi thì phải tổ chức lễ ban mũ miện theo truyền
thống. Nhà vua đã tất bật đứng ngồi để đích thân chỉ đạo việc tổ chức buổi lễ, thêm vào
nhiều nghi thức trang trọng. Nhà vua muốn buổi lễ này cũng long trọng và được tiếng tốt
không kém lễ ban mũ miện cho đông cung thái tử đã được tổ chức ở Naden vào năm
ngoái, với nhiều bàn tiệc bày ở các nơi và có các hoàng thân, đại thần tham dự. Ngài đã
ra sắc chỉ rằng: “Những người phụ trách kho tặng phẩm và kho thực phẩm phải phục vụ
yến tiệc chu đáo, không được sơ xuất trong dịp này”, nên mọi người đều dốc lòng phục
vụ cho một buổi lễ trọng đại.

Ở mái hiên phía đông của điện Seiryoden có đặt các ghế ngồi quay về hướng đông.
Đó là chỗ ngồi dành cho quan chủ lễ, quan phụ trách nghi thức vấn tóc, và nhà vua. Đến
giờ thân thì Genji xuất hiện. Kiểu tết tóc, dung mạo xinh đẹp và vẻ mặt rạng rỡ của hoàng
tử tạo cảm giác nuối tiếc khi phải cho hoàng tử thay đổi trang phục. Vị quan ở bộ
Okurakyo phụ trách nghi thức buổi lễ cảm thấy xót xa khi phải cắt bớt mái tóc đẹp tuyệt.
Nhà vua lại nhớ về người mẹ quá cố của Genji, thầm nghĩ “nếu nàng cung phi ấy trông
thấy cảnh này…”, và chợt thấy buồn khôn tả, tuy bên ngoài vẫn tỏ ra cứng rắn. Xong
nghi thức đội mũ, Genji ra phòng nghỉ để thay y phục rồi bước xuống khu vườn phía
đông để thực hiện nghi thức cảm ơn. Mọi người đều rơi nước mắt vì xúc động. Riêng nhà
vua thì lại càng không thể kìm nén những cảm xúc trong lòng. Những chuyện cũ đã phần
nào nguôi dịu trong thời gian gần đây giờ lại trở về khơi gợi nỗi đau thương. Nhà vua đã
e ngại nghĩ rằng “Hoàng tử còn non trẻ thế này mà thay đổi kiểu búi tóc thì chắc sẽ mất
đi phần nào vẻ đẹp”, nhưng thật kỳ lạ là sau khi thay đổi, vẻ đẹp lại càng tăng lên gấp bội
phần.

14
Quan (Sadaijin) phụ trách nghi thức vấn tóc có với người vợ là quận chúa một cô
con gái. Phía Đông cung thái tử đã đánh tiếng muốn đưa nàng vào cung nhưng ngài còn
do dự chưa trả lời, là vì ngài vốn có ý định gửi gắm nàng tiểu thư ấy cho hoàng tử Genji.
Ngài dò ý nhà vua thì được ủng hộ rằng: “Thế thì nhân dịp lễ này, ta cứ cho tiểu thư và
hoàng tử đến với nhau trong nghi thức đồng sàng vậy”, nên ngài cũng định sẽ làm theo ý
nhà vua.

Mọi người tập trung đến bữa tiệc mừng được tổ chức ở sảnh thư giãn sau giờ làm lễ.
Genji ngồi ở cuối hàng ghế dành cho các hoàng tử. Quan Sadaijin có đến gợi chuyện về
tiểu thư nhưng hoàng tử còn rất ngại ngùng nên không thể có câu trả lời dứt khoát. Khi
đó thì có Naishi đến chuyển lời rằng vua cho gọi ngài Sadaijin, nên ngài rời bước để đến
chỗ nhà vua. Vua bảo Myobu trao các quà tặng cho quan Sadaijin, gồm một bộ kimono
khổ lớn màu trắng và các phụ kiện kèm theo. Đó là tặng vật theo phong tục cổ truyền.

Trong tiệc rượu mừng, nhà vua ngụ ý với quan Sadaijin bằng lời thơ:

“Tuổi còn ngây thơ

Đường đời thăm thẳm

Lần đầu tiên

Kết tóc

Có bền chăng?”

Khi đó, quan Sadaijin từ trên chiếc cầu Nagahashi bước xuống vườn, làm nghi thức
bái yết và đọc thơ đáp lại:

“Tấc lòng sâu nặng

Gửi vào mối tóc

Nên màu chỉ buộc

Tím đậm đà

Sẽ mãi không phai”

Và ngài lại được nhận quà tặng là ngựa và chim ưng từ các khu nhà nuôi ngựa và
nuôi chim ưng của triều đình. Các hoàng tử xếp hàng dưới chân chiếc cầu, mỗi người đều
được nhận quà tặng tương ứng với vị trí của mình. Udaiben đã thừa lệnh nhà vua phụ

15
trách việc chuẩn bị những phẩm vật đựng trong hộp cứng và hộp mỏng, dùng cho lễ dâng
tặng phẩm trong ngày hôm ấy. Những phẩm vật như cơm nắm hình quả trứng hay quà
biếu dành cho các quan chủ trì buổi lễ xếp đầy chật khắp nơi, về số lượng có phần nào
trội hơn, nên buổi lễ càng có vẻ long trọng hơn so với lễ ban mũ miện của đông cung thái
tử.

Đêm hôm ấy Genji được đón rước bằng nghi thức hết sức trọng thể về tư dinh của
quan Sadaijin. Quan Sadaijin nhìn thấy ở hoàng tử vẫn còn nét trẻ thơ và vẻ đẹp của
chàng phảng phất một dự cảm bất ổn. So với hoàng tử thì tiểu thư có hơi lớn tuổi hơn một
chút, nên trông hoàng tử lại càng thơ trẻ và tiểu thư lấy hơi xấu hổ về sự chênh lệch này.
Quan Sadaijin là người có thế lực tại triều đình, và mẹ của tiểu thư là em ruột của nhà
vua, nên dù có nói gì đi nữa thì vẫn là dòng dõi quyền quý vào bậc nhất. Giờ đây có
chàng rể làm hoàng tử thì gia thế lại càng được tăng cường, đến mức tưởng như có thể áp
đảo cả thế lực phía bên ngoại đông cung thái tử là quan Udaijin đang có ưu thế đứng đầu
trăm họ.

Quan Sadaijin vốn nhiều thê thiếp, nên các con có nhiều trường hợp cùng cha khác
mẹ. Cùng một mẹ với tiểu thư có công tử đang giữ tước vị là Kuroudo no Shosho, cũng là
một trang thanh niên tuấn tú. Tuy quan Sadaijin và Udaijin vốn chẳng thân nhau là mấy
nhưng hai bên đều khó bỏ qua dịp này, bèn xe duyên cho chàng công tử ấy với quý nữ
thứ tư nhà quan Udaijin. Quan Udaijin cũng yêu quý chàng rể chẳng kém gì quan
Sadaijin, tạo nên mối quan hệ xui gia lý tưởng giữa hai gia đình.

Hoàng tử Genji thường ngày luôn ở bên vua cha nên cũng khó mà ở lại tư dinh
thong thả được. Từ trong cõi lòng, chàng luôn nghĩ về Fujitsubo như là hình ảnh “có một
không hai”, và chàng thầm nhủ: “Mình chỉ muốn có được người phụ nữ như nàng. Chẳng
tìm được một người nào như thế. Công nhận là tiểu thư nhà quan Sadaijin thì được nuôi
dạy chu đáo nhưng vẫn không thể tâm đầu ý hợp”. Từ thuở bé chàng đã dành tình cảm
cho người ấy, và tình cảm ấy sâu nặng đến mức làm cho chàng đau khổ.

Vì đã đến tuổi trưởng thành, Genji không còn được theo vua cha vào cung Fujitsubo
như trước nữa. Nhưng vào những dịp có cuộc vui ở cung đình thì hai người cùng chơi
đàn, thổi sáo để tiếng nhạc hòa quyện vào nhau. Những âm thanh vẳng đến trở thành
nguồn an ủi đối với chàng, và chàng chỉ muốn được ở mãi trong cung.

Cứ năm sáu ngày ở trong cung thì Genji lại về tư dinh hai ba ngày. Quan Sadaijin
cho rằng vì chàng hãy còn non trẻ nên chẳng có gì đáng tội, và vẫn hết lòng nâng niu
chăm sóc Genji. Ngài cho tuyển chọn những người ưu tú nhất phục vụ cho đôi vợ chồng
trẻ. Ông luôn tỏ ra hết lòng vì chàng rể và cho tổ chức chu đáo những cuộc vui tao nhã.
16
Còn nhà vua thì dành cho chàng một chốn riêng trong cung là Shigeisa, cho những cung
nữ từng phục vụ cung phi Kiritsubo đến chăm lo chu đáo cho chàng. Ngài lại cho các thợ
mộc, thợ xây của triều đình đến sửa lại gian nhà ở quê của cung phi Kiritsubo thành một
dinh thự lộng lẫy không nơi nào bì kịp. Vườn cây và núi giả cũng được sửa sang lại tạo
nên phong cảnh hữu tình. Ao trong vườn cũng được mở rộng và đẹp hẳn lên, khiến cho ai
ai cũng phải trầm trồ. Trước cảnh ấy, Genji chỉ biết than thầm: “Giá mà được đón người
mình yêu về chung sống nơi đây nhỉ!”

Tương truyền, tên gọi “Hoàng tử rạng ngời” là do người Triều Tiên vì hết lòng mến
mộ mà đặt cho hoàng tử.

17

You might also like