You are on page 1of 6

Lý do chọn đề tài

Thế giới đã bước vào cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư cùng với sự phát triển một
cách mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Chính vì thế, kinh tế số là xu hướng phát triển ở
các nước đang phát triển hiện nay. Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế
giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá”
trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tiễn cho thấy, cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã và đang tác động ngày càng mạnh
mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Kinh tế số đang là một trong ba trụ cột
chính trong chuyển đổi số quốc gia và có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế
bởi vì kinh tế số góp phần hỗ trợ cho cuộc sống của người dân và người tiêu dùng, giúp
tăng năng suất người lao động và doanh nghiệp. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày
27/9/2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ
trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề
ra một số mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, kinh tế số cũng đặt ra không ít thách thức đối với
quốc gia, tổ chức và cá nhân bên cạnh những lợi ích, tiềm năng để phát triển kinh tế số tại
Việt Nam. Vì vậy, bài tiểu luận này em xin được phân tích “Thực trạng chuyển đổi kinh
tế số tại Việt Nam”

1. Tổng quan nền kinh tế số tại Việt Nam


Ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông (ICT) chính là nền tảng thúc đẩy phát triển
nền kinh tế số tại Việt Nam và cũng là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ
tăng tưởng đều đặn và nhanh nhất. Cụ thể, tổng doanh thu từ ngành năm 2013 là 34 tỷ
USD với tổng 440.000 lao động làm việc tại 13.800 công ty công nghệ. Trong đó, sản
xuất phần cứng, phầm mềm và dịch vụ Công nghệ Thông tin đóng góp 2,8 tỉ USD trong
tổng doanh thu. Theo đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam
(VINASA), chỉ số ngành tăng đều đặn gấp 5 lần trong 10 năm qua, đến năm 2023, tổng
doanh thu của ngành sẽ đạt 148 tỷ USD với số lực lượng lao động 1,3 triệu người. Cùng
với đó, lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt
74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022, và mạng 5G cũng đang được các
nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone triển khai thử nghiệm tại 40 tỉnh, thành phố, đưa
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai mạng 5G trên thế giới. Không chỉ
dừng lại ở đó, hiện nay kinh tế số tại Việt Nam đã được ứng dụng trong những lĩnh vực
ngoài ngành như sau:

Thương mại điện tử: Đây chính là lĩnh vực phát triển tăng trưởng nhanh nhất trong
nền kinh tế số tại Việt Nam, tăng 35% mỗi năm (Theo Cục Cục Thương mại điện tử và
Công nghệ thông tin). Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19, hoạt động mua
bán trực tuyến nổi bật nhất. Cụ thể là theo Bộ Công thương, số lượng người mua sắm
trực tuyến năm 2020 là 49,3 triệu, tăng gần 51% so với năm 2016. Năm 2021, con số này
tăng lên 54,6 triệu và năm 2022 lên khoảng 57-60 triệu. Những sàn thương mại điện tử
phổ biến hiện nay tại Việt Nam bao gồm Shopee, Lazada, Tiktokshop, Tiki,…Cùng với
sự bùng nổ của TMĐT, chính là sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng thanh toán
di động và các ví điện tử (Momo, Zalopay, Intenet Banking,…) nó cho phép người dùng
gửi tiền cho nhau và thanh toán hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua các giao dịch
ngang hàng (P2P) qua Internet.

Chính phủ điện tử: Năm 2014 -2017, Việt Nam tăng 10 bậc trên Chỉ số Phát triển
Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hợp quốc, đứng thứ 88/193 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Chính phủ điện tử vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng như các kế hoạch phát triển và hỗ trợ các
nền tảng và cơ sở hạ tầng cơ bản để phục vụ cho Internet vạn vật (IoT) và thành phố
thông minh, dữ liệu mở, truy cập cổng thông tin và liên lạc giữa các cơ quan chính phủ.
Điển hình hiện nay là thông tin của công dân được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chip điện
tử và ứng dụng VNeID, người dân sẽ chỉ sử dụng thẻ CCCD để lưu trữ nhiều giấy tờ khác
phục vụ cho việc thực hiện giao dịch với các cơ quan chức năng. Ngoài ra còn một số
dịch vụ công khác như: thu nộp tiền phạt các vi phạm hành chính trong giao thông đường
bộ qua camera giám sát; đăng kí sự thi tuyển THPT quốc gia và xét tuyển cao đẳng, đại
học; cấp hộ chiếu phổ thông;…

Y tế: Sức mạnh thật sự của AI trong lĩnh vực y tế đang được thể hiện rõ nhất qua
việc chẩn đoán bệnh chính xác để từ đó đưa ra phác đồ điều trị, nghiên cứu thuốc và
gen. Ở Việt Nam, hệ thống chẩn đoán ung thư ứng dụng trí tuệ AI IBM Waston for
Oncology (IBM WFO) đã được triểu khai thí nghiệm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú
Thọ, bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong 2 năm. Bên cạnh đó, các cơ
sở y tế cũng đã dần triển khai các bệnh án điện tử, cũng theo thống kê của Cục Công
nghệ thông tin Bộ Y tế, hiện nay 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống
thông tin quản lý bệnh viện liên kết hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt được
99,5%.

Du lịch: Các công nghệ được ứng dụng vào chuyển đổi số du lịch bao gồm công
nghệ di động, Điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT); thực tế ảo (VR); AI; Block
chain và Thương mại điện tử. Chính vì du lịch thông minh là xu hướng. Hiện nay, các
địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai và áp dụng kinh tế số để nhằm thích ứng
xu thế và nâng cao được hiệu quả ngành, cụ thể, tại TP.HCM, áp dụng phần mềm du lịch
thông minh trên cả nền tảng Android và iOS. Năm 2022, công nghệ 3D sẽ được sử dụng
trong thông tin, quảng bá du lịch nhằm tái hiện sống động không gian đô thị, tăng sự hấp
dẫn trong trải nghiệm cho du khách, đồng thời thành phố cũng đưa những sản phẩm du
lịch lên sàn Shopee, Traveloka để những du khách dễ tiếp cận hơn. Tại Hà Nội, hệ thống
dữ liệu của 300 địa điểm đã được liên kết và thống nhất với nhau do đó sẽ giúp cho du
khách có thể tiếp cận thông minh đa phương tiện, có thể xem, nghe và đọc khai thác trọn
vẹn những điểm đến. Vào cuối năm 2021, Đà Nẵng cũng đã triển khai ứng dụng thực tế
ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” cùng nhiều ứng dụng chuyển đổi số khác nhằm nâng
cao chất lượng phục vụ cho du khách. Đặc biệt hơn, các app xe công nghệ như Grab, Be,
Gojek, Xanh SM,… cũng đã và đang phổ biến để có thể phục vụ nhu cầu đi lại của mọi
người dân và cả khách du lịch giúp mọi người di chuyển dễ dàng và thuận tiện mọi lúc.

Giáo dục: Nhiều trường học hiện nay đã áp dụng phương pháp học trực tuyến, học
qua hệ thống Learning management system (LMS) để linh hoạt, phù hợp với nhiều môn
học. Hiện nay, có tới 63 cơ sở giáo dục đào tạo và khoảng 710 sở giáo dục đã tạo lập cơ
sở dữ liệu chung. Ngoài ra, có tới 82% trường thuộc khối phổ thông đã ứng dụng phần
mềm quản lý trường học. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đã phát triển các kỹ năng công
nghệ thông qua giáo dục STEM và đào tạo ngay từ bậc giáo dục nhỏ tuổi cho đến giáo
dục người lớn

2. Những thách thức trong phát triển kinh tế số


An ninh mạng: Theo nghiên cứu, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm
trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2018. Năm 2022 Cục
An toàn thông tin, cũng ghi nhận các hình thức lừa đảo phổ biến nhất là giả mạo thương
hiệu tăng nhanh, chiếm đến 72,6% tổng số lừa đảo trên mạng. Các hình thức lừa đảo khác
như là giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%); lừa đảo trúng thưởng, việc làm,
các ứng dụng cho vay,…(16%). Và theo thống kê của Công ty Công nghệ An ninh Quốc
gia Việt Nam NCS, trong 6 tháng đầu năm 2023, cũng đã có 5.100 vụ việc tấn công an
ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam. Qua đó cho thấy, Việt Nam đang có lỗ hỏng lớn
trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Cơ sở hạ tầng công nghệ: Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động ở Việt Nam đạt ở
mức trung bình khá; hệ thống dữ liệu ở Việt Nam còn phân tán, chưa chia sẻ và kết nối
liên thông nên phải đối mặt với việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.
Tài chính /thuế: Các vấn đề về quản lý và thu thuế chưa có cơ sở pháp lý đối với loại
hình kinh doanh thương mại điện tử, qua các nền tảng mạng xã hội. Bởi vì các hoạt động
này thường có quy mô nhỏ, phân tán, hoạt động xuyên biên giới, nhất là đối với các thu
nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube,… do đó gây khó
khăn trong việc phân loại đối tượng, ngành nghề, thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thuế;
khó xác định đúng loại giao dịch để đánh thuế,…
Những tác động tới môi trường: Kinh tế số sẽ cần một lượng điện năng lớn để có thể
vận hành hạ tầng công nghệ (mạng lưới viễn thông, dữ liệu,…) sẽ dẫn đến nhu cầu sử
dụng điện tăng cũng như phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, cũng tác động trực tiếp đến
tài nguyên và sự đa dạng sinh học thông qua việc khai thái tài nguyên thiên nhiên để sản
xuất phần cứng, các nguyên liệu thô để sản xuất các thành phần vi điện tử; việc thu gom,
tái chế và xử lý không phù hợp chất thải thiết bị điện và điện tử. Từ đó, gây nên những
vấn đề như trái đất nóng lên, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhiễm độc con người, đất, nước,
biển.
Công nghệ độc quyền: Các công ty, doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa được
thực sự phát triển và còn phụ thuộc nhiều các công ty công nghệ nước ngoài. Theo báo
cáo VietNam Digital Marketing Trends 2021, hơn 80% tổng doanh thu từ quảng cáo trực
tuyến thuộc về những “gã khổng lồ” trên thế giới. Như thế hàng năm, kinh tế Việt Nam
thất thoát hàng trăm triệu USD
3. Kiến nghị
Hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách cho phát triển kinh tế số: Tạo điều kiện
thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và
vừa chuyển đổi và phát triển trong nền kinh tế số để các doanh nghiệp tự chuyển đổi sang
doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ huy
động nguồn lực, những chính sách ưu đãi về thuế cho ngành phần mềm, các khu công
nghệ cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hoàn thiện để điều
chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số.
Xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên
phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao về thiết kế, sáng tạo
và sản xuất tại Việt Nam
Phát triển đồng bộ hạ tầng số: Khẩn trương triển khai hiệu quả các mạng lưới băng
thông rộng quốc gia tốc độ cao; có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông
thôn - thành thị một cách cân bằng và hài hòa, để rút ngắn khoảng cách và chênh lệch
phát triển giữa thành thị - nông thôn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số: Bao gồm việc xây
dựng chiến lược bồi dưỡng, thu hút nhân tài khoa học và công nghệ trong và ngoài nước,
phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhân tài công nghệ thông
tin, cả về số lượng và chất lượng, đổi mới, cập nhật, tiếp thu các dự án đào tạo, tài liệu
giảng dạy của nước ngoài để phù hợp với sự phát triển xu hướng của nền kinh tế số. Thúc
đẩy hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhân sự, công
chức trong kinh tế số có khả năng hỗ trợ và thúc đẩy lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam
trong lĩnh vực hội nhập quốc tế kinh tế số toàn cầu.
Chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng: Tập trung
bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở từng cơ
quan, đơn vị các cấp và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính - tiền tệ và các cơ
quan chính phủ được số hóa. Cùng với xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông
hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số, cần chú trọng việc giám sát và phòng,
chống các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao để tạo điều kiện cho người dân và
doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung
số. Nếu đảm bảo được về an ninh, có được sự tin cậy của các đối tác nước ngoài rằng Việt
Nam là môi trường kinh doanh an toàn thì sẽ thu hút vốn đầu tư, thu hút các startup và
cũng là một cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng. Ngoài ra, chúng
ta cần phải chủ động tìm hiểu và tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế
và khu vực ở các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế số, nhất là bảo đảm an ninh, an
toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội
phạm lợi dụng công nghệ.
Nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành, lĩnh vực về cơ hội và thách thức của Cách
mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo xã hội và các ngành ở Việt Nam sẵn sàng cho những
thay đổi sắp tới
- Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các mô hình
kinh doanh, nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động chuyển đổi số trong việc
tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Cần đổi mới tư duy phát triển kinh tế số, tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp tham gia và vận hành nền kinh tế số. Đặc biệt, nhận thức vai trò của người dân
đóng vai trò quan trọng nên phải đảm bảo công tác tuyền truyền từ đó nâng cao nhận thức
và ý thức của họ về trong việc sử dụng các dịch vụ điện tử.
4. Kết luận
Ngày nay, đối với Việt Nam, kinh tế số giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế:
nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, công ty; cách mạng
hóa mô hình thương mại; thu hút đầu tư vào vào các lĩnh vực công nghệ và truyền thông.
Qua đó, kinh tế số cũng làm thay đổi lối sống và sinh hoạt của con người hiện nay. Việt
Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh đó
cũng phải đối mặt không ít với những thách thức do nền kinh tế số mang lại. Vì thế, nếu
có thể làm phát huy tốt và có những giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại của nước ta
thì Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, kinh tế số
cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam
vào chuỗi công nghệ toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

You might also like