You are on page 1of 8

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG VÀ TRÌNH BÀY CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG,


MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG TIẾP XÚC CỬ TRI

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân (sau đây gọi là Luật Bầu cử), kể từ ngày công bố danh sách chính thức
những người ứng cử đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (từ ngày 28/4 –
22/5/2021) là thời gian để các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử (Điều 64).
Việc vận động được tiến hành bằng các hình thức: (1) gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại
hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử; (2) thông qua phương tiện
thông tin đại chúng.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử, chương trình Hội nghị tiếp xúc cử
tri diễn ra như sau:
a) Tuyên bố lý do;
b) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ
chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử
tóm tắt của người ứng cử;
c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của
mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng
cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề
cùng quan tâm;
đ) Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
Như vậy, trong Hội nghị tiếp xúc cử tri, ứng cử viên cần chuẩn bị 02 nội
dung cơ bản, đó là (1) báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình; và
(2) người ứng cử và cử tri trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.

I. XÂY DỰNG VÀ TRÌNH BÀY CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG


1. Chương trình hành động là gì?
Chương trình hành động của người ứng cử là những kế hoạch mà người
ứng cử sẽ thực hiện nếu được bầu làm đại biểu.
Tầm quan trọng của Chương trình hành động:
- Là tiêu chí để cử tri đánh giá trình độ, năng lực của ứng cử viên; có tác
động đến việc cử tri sẽ đánh giá ứng cử viên như thế nào và liệu họ có bỏ phiếu
cho ứng cử viên đó hay không.
- Chương trình hành động thể hiện cam kết của ứng cử viên về những việc
mà người đó sẽ làm nếu được bầu nhằm đáp ứng các yêu cầu và đề xuất của cử
tri; đây là một công cụ hiệu quả giúp cho ứng cử viên đạt được mục tiêu thuyết
phục cử tri bầu cho mình và trở thành một đại biểu dân cử.
Chương trình hành động phải đảm bảo thể hiện những nội dung sau đây:
- Ý thức của ứng cử viên đối với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người
đại biểu đối với cử tri;
- Thế mạnh & mối quan tâm của UCV;
- Cam kết của UCV;
- Khả năng thực hiện cam kết.
Tóm lại:
Chương trình hành động là một công cụ hữu hiệu để đạt được mục tiêu:
giúp cử tri nhận ra “bản sắc” của UCV; và thuyết phục cử tri ủng hộ, bỏ phiếu
cho UCV.
Chương trình hành động của UCV cũng là cơ sở để cử tri giám sát việc
thực hiện nhiệm vụ đại biểu (nếu được bầu).
2. Các bước xây dựng Chương trình hành động:
- Nghiên cứu, thu thập thông tin;
- Phân tích thông tin, xác định vấn đề quan trọng;
- Viết chương trình hành động;
- Thực hành chương trình hành động;
- Tiếp thu và hoàn thiện chương trình hành động.
2.1. Nghiên cứu, thu thập thông tin
a) Những thông tin cần thu thập
- Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương (tỉnh - huyện – xã): các thông
tin chung về tình hình phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, đất đai, quản lý hành
chính, lao động, đầu tư, môi trường, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội…
- Những thuận lợi, khó khăn, bức xúc, những vấn đề địa phương đang tập
trung giải quyết. Ví dụ như những vấn đề mà địa phương đang phải đối mặt liên
quan đến vị trí địa lý, việc làm, an ninh, y tế, giáo dục… của tất cả các cử tri
thuộc mọi thành phần khác nhau (nam, nữ, trẻ em, người già, người có việc làm,
người thất nghiệp…)
- Thông tin về những chính sách liên quan tới những vấn đề địa phương
đang tập trung giải quyết (phương hướng phát triển của địa phương, chương trình
xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công, vấn đề môi trường, vấn đề phát
triển nông thôn, các dự án quan trọng …).
- THÔNG TIN VỀ CỬ TRI:
+ Dân số, dân tộc, trình độ, giới tính, độ tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp… của
cử tri tại địa bàn ứng cử.
+ Thông tin về đánh giá của cử tri về tính hiệu quả của quản lý hành chính
tại địa phương.
+ Thông tin về những vấn đề nóng mà cử tri gặp phải ở địa phương.
+ Tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất mà cử tri đề đạt với chính
quyền.
b) Nguồn thông tin
- Thông tin trực tuyến: rất nhiều thông tin nêu trên có thể tiếp cận trực
tuyến; dành thời gian để thu thập các thông tin chính thống trên mạng, trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
- Các báo cáo dưới dạng văn bản: báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương
và báo cáo của các ngành liên quan; các tài liệu liên quan đến hoạt động của cơ
quan dân cử, đại biểu dân cử; tài liệu, sách báo có liên quan đến việc vận động
bầu cử của UCV...
- Gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương.
- Gặp gỡ cử tri nơi ứng cử để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề
xuất của cử tri.
2.2. Phân tích thông tin, xác định vấn đề quan trọng
Sau khi thu thập thông tin, UCV sẽ có được các nguồn thông tin đa dạng,
trong đó có cả thông tin quan trọng và các thông tin không cần thiết => do đó, cần
phải phân tích thông tin để xác định vấn đề nào là quan trọng cần phải giải quyết.
a) Nội dung phân tích thông tin:
- Phân tích các nhóm cử tri tại địa bàn ứng cử (ví dụ quân nhân, doanh
nhân, sinh viên, nông dân, công nhân, bộ đội, người về hưu, cựu chiến binh...) =>
từ đó, xác định nhóm cử tri quan trọng.
Nhóm cử tri quan trọng là nhóm:
+ Ảnh hưởng nhiều nhất đến việc trúng cử của UCV.
+ Nhóm cử tri chiếm số lượng đông so với các nhóm cử tri khác.
- Xác định các vấn đề đang được quan tâm, thứ tự ưu tiên, từ đó xác định
vấn đề quan trọng.
- Đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề quan trọng.
b) Xác định vấn đề quan trọng
Vấn đề quan trọng thực chất là những mối quan tâm, những bức xúc của
đa số cử tri, đó cũng chính là những vấn đề mà cử tri mong đợi UCV khi trúng cử
có thể đề xuất và góp phần giải quyết.
Cần phải xác định vấn đề quan trọng vì bản thân mỗi UCV chỉ hoạt động
ở một lĩnh vực, khả năng cũng như kinh nghiệm chỉ trong phạm vi hiểu biết nhất
định, do đó không thể và không có khả năng tham gia giải quyết tất cả những vấn
đề thu thập được từ cử tri.
Vấn đề quan trọng sẽ phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
(1) Là vấn đề được phần lớn cử tri tại địa bàn ứng cử quan tâm.
(2) Là vấn đề mà HĐND có trách nhiệm phải giải quyết.
(3) Là vấn đề mà bản thân UCV hiểu rõ nhất, thuộc lĩnh vực chuyên môn
của UCV và UCV có khả năng tham gia tác động, đề xuất ý kiến.
c) Xác định vấn đề quan trọng, ưu tiên và tìm giải pháp giải quyết vấn đề
ưu tiên
Sau khi xác định được các vấn đề quan trọng, cần tiếp tục phân tích sâu
các vấn đề đó để đưa một hoặc hai vấn đề quan trọng nhất vào chương trình hành
động => Nội dung đưa vào chương trình hành động phải là nội dung mà UCV
cho rằng có mức độ ưu tiên cao nhất trong địa bàn ứng cử.
Dựa vào phân tích về thực trạng vấn đề được đưa vào chương trình hành
động, UCV phải xác định giải pháp mà UCV cho rằng tốt nhất để giải quyết vấn
đề là gì?

Ví dụ cụ thể:
- Cách xác định vấn đề quan trọng, ưu tiên đưa vào chương trình hành
động (Bảng 1)

Vấn đề Nhóm đối Mức độ bị Khả năng Khả năng Thứ tự


tượng bị ảnh hưởng giải quyết giải quyết ưu tiên
ảnh hưởng của HĐND của UCV
1. Cơ hội việc Số đông: Vấn đề này HĐND có Phù hợp 1
làm cho thanh thanh niên; tác động rất thể ban với vị trí,
niên ít. Tỷ lệ người dân lớn, tác hành chính chức danh
thất nghiệp bị ảnh động đến sách, đề ra của UCV
trong thanh hưởng bởi nhiều người giải pháp
niên cao => tỷ tình hình trong xã giải quyết,
lệ tội phạm tội phạm. hội. xác định
tăng cao. nguồn lực
giải quyết
vấn đề này.
2. 3
3. 2
4. 4

- Xác định giải pháp giải quyết vấn đề quan trọng, ưu tiên (Bảng 2)

Vấn đề ?
Các giải pháp mà các tổ chức đã và ?
sẽ đưa ra
Giải pháp cho UCV đề xuất ?

2.3. Viết chương trình hành động


Để xây dựng chương trình hành động phù hợp, có sức thuyết phục cử tri,
UCV cần lưu ý:
- Viết ngắn gọn, bố cục rõ ràng.
- Từ ngữ phổ thông, dể hiểu.
- Những giải pháp đưa ra phải:
+ Phù hợp với chức năng nhiệm vụ và khả năng giải quyết của mình.
+ Phù hợp với chức năng nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
+ Đáp ứng với nguyện vọng và sự mong đợi của cử tri.

Sau đây là bố cục và nội dung bản chương trình hành động:
a) Bố cục:
Chương trình hành động gồm 3 phần: phần mở đầu; nội dung chính và
phần kết luận.

b) Nội dung Chương trình hành động:


(1) Phần mở đầu
- Giới thiệu ngắn gọn về bản thân và gia đình, vị trí, chức danh, chuyên
môn của bản thân, công việc tình nguyện và hoạt động cộng đồng …
- Thể hiện hiểu biết về trách nhiệm của người đại biểu dân cử và mong
muốn trở thành đại biểu QH, HĐND.
(2) Phần nội dung
- Một vài nét nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, về lĩnh
vực chuyên môn của mình.
-Thể hiện hiểu biết về những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, mong
muốn và đề xuất.
- Chia sẻ giải pháp giải quyết vấn đề nếu như trúng cử; thể hiện năng lực
giải quyết vấn đề của UCV.
=>Thể hiện được mối liên hệ chặt chẽ giữa UCV và mối quan tâm của cử
tri.
(3) Phần kết luận
- Khái quát lại những ý quan trọng;
- Nêu lên tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với cử tri; Cam kết về
việc sẽ nỗ lực thực hiện những định hướng hành động đã nêu; phản ánh trung
thực nguyện vọng của cử tri cũng như đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để giải
quyết.
- Bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ;
- Khẳng định việc giữ mối liên hệ với cử tri (thường xuyên tiếp xúc cử tri);
- Cảm ơn các cử tri đã lắng nghe, cảm ơn các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc đã
tổ chức cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri.
2.4. Thực hành, tiếp thu và hoàn thiện chương trình hành động
- Đọc kỹ bản chương trình hành động để nhớ dàn ý và các ý chính.
- Trình bày chương trình hành động một mình (nên đứng trước gương
thực hành).
- Thực hành trình bày trước nhóm người (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp
nơi công tác...)
- Tiếp thu, hoàn thiện chương trình hành động; rút kinh nghiệm phát huy
điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu khi trình bày chương trình hành động.

* Một số điểm cần lưu ý khi xây dựng và trình bày chương trình hành
động:
- Nắm đầy đủ thông tin, chọn lọc thông tin để đưa vào chương trình hành
động.
- Có những điểm nhấn phù hợp với mối quan tâm của cử tri và khả năng
thực hiện của UCV.
- Không nên có những lời nói sáo rỗng, tuyệt đối không hứa với cử tri điều
gì mình không làm được.
- Trình bày chương trình hành động là cơ hội duy nhất để UCV thể hiện
mình trước đông đảo cử tri. Khi bản CTHĐ đã xác định rõ nội dung thì việc trình
bày có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng trình bày của mỗi
UCV. Do đó, việc thực hành, rèn luyện kỹ năng trình bày là rất quan trọng và cần
thiết.
- Mỗi UCV sẽ tham gia tiếp xúc cử tri tại nhiều điểm, mỗi điểm có tình
hình khác nhau, do đó, tùy từng địa bàn tiếp xúc mà thay đổi, bổ sung nội dung
cho phù hợp với đối tượng, nhưng cần chú ý nội dung cơ bản phải thống nhất,
tránh thay đổi quá nhiều thiếu tính nhất quán.
- Tại mỗi điểm tiếp xúc cử tri sẽ có nhiều ứng cử viên, từng UCV sẽ lần
lượt trình bày chương trình hành động của mình, do đó, cần xây dựng và trình bày
chương trình hành động một cách ngắn gọn, súc tích (dung lượng khoảng 2 – 3
trang), chuyển tải đến cử tri những thông điệp cốt lõi nhất, thuyết phục nhất.
Cuối cùng, hãy xây dựng cho mình một bản Chương trình hành động độc
đáo và đáng nhớ, thể hiện rõ bản sắc của UCV, để được cử tri nhìn nhận là một
UCV sáng giá, được cử tri nhớ đến với ấn tượng sâu đậm khi cầm lá phiếu bầu
trên tay.
II. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG TIẾP XÚC CỬ TRI
1. Tìm hiểu về Hội nghị tiếp xúc cử tri
Cần tìm hiểu những thông tin sau đây trước khi tiếp xúc cử tri:
- Cử tri của buổi tiếp xúc này là đối tượng nào?
- Ước tính có bao nhiêu người tham dự?
- Chương trình, thời lượng Hội nghị?
- Có những UCV nào (và bao nhiêu người) sẽ cùng tham gia hội nghị?
- Thời gian dành cho bài trình bày? thứ tự các bài trình bày của UCV?
- Cách trình bày (ngồi? đứng? Có /không micro…)
- Thời gian dành cho việc đặt câu hỏi và trả lời?...
2. Tạo ấn tượng tốt
Hình ảnh đầu tiên của người ứng cử rất quan trọng đối với cử tri, do đó,
cần phải để lại ấn tượng tốt đẹp trong suốt quá trình vận động bầu cử, đặc biệt là
khi trình bày chương trình hành động.
Để tạo ấn tượng tốt, UCV cần:
- Đến trước giờ tiếp xúc cử tri để gặp gỡ người chủ trì, chính quyền địa
phương, chào hỏi cử tri cởi mở, gần gũi thân mật
- Trang phục giản dị, lịch sự, phù hợp. Đối với nữ giới cần lưu ý nhiều
hơn vì thường bị đánh giá khắt khe hơn về diện mạo bên ngoài so với nam giới;
có thể trang điểm nhẹ nhàng; lựa chọn trang phục và phụ kiện không gây phân tán
sự chú ý của cử tri...
- Tránh để tóc xõa xuống mặt hoặc làm kiểu tóc cầu kỳ khác thường.
- Hãy bớt căng thẳng và tỏ ra tự tin.
3. Những kỹ năng trong tiếp xúc cử tri
3.1. Kỹ năng trình bày:
- Không nên nhìn vào giấy để đọc để phát huy tối đa việc giao lưu bằng
mắt với cử tri trong quá trình trình bày chương trình hành động của mình.
- Ghi nhớ một vài câu mở đầu sẽ giúp UCV không cần nhìn vào giấy
trong những phút đầu tiên.
- Dùng từ ngữ thông dụng, dễ hiểu; chú ý cách xưng hô.
- Âm lượng lời nói vừa phải, không to quá hoặc nhỏ quá; giọng nói truyền
cảm, từ tốn, chậm rãi, rõ ràng; giữ giọng nói nhiệt tình, tự tin cho đến khi kết
thúc.
- Duy trì tiếp xúc bằng mắt với cử tọa.
- Nét mặt vui tươi.
- Tránh có những hành động gây phân tán sự chú ý như vuốt tóc, kéo áo,
che miệng, gãi đầu...
- Có thể sử dụng tay để nhấn mạnh ý nhưng lưu ý không thái quá, không
vung tay quá mạnh, không được chỉ tay về phía cử tri.
- Khi quên một nội dung nào đó, hãy giữ bình tĩnh và nhìn vào bản
chương trình hành động để tiếp tục.
- Lưu ý đến thời gian trình bày của mình, luôn đảm bảo thời lượng và tận
dụng được hết khoảng thời gian dành cho mình (không nên xin nói thêm khi đã
hết thời gian cho phép).
- Tắt điện thoại di động.
3.2. Kỹ năng lắng nghe:
- Thể hiện sự quan tâm đối với những điều đang được người khác nói ra
(lắng nghe cử tri phát biểu, đặt câu hỏi và lắng nghe cả phần trình bày của những
UCV khác).
- Khuyến khích người nói bằng những biểu cảm hiện ra trên nét mặt.
- Hỏi lại người nói những gì mà còn chưa rõ.
- Vừa lắng nghe vừa ghi chép lại.
- Khi ngồi lắng nghe nên tránh những hình ảnh không đẹp như dựa sâu
vào lưng ghế, chống cằm, ngáp, cúi đầu hoặc làm việc khác (đọc báo, xem ipad,
điện thoại, nói chuyện với UCV khác...)
3.3. Kỹ năng trả lời
- Mở đầu bằng việc cảm ơn người đã đặt câu hỏi.
- Trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm.
- Trả lời các câu hỏi theo nhóm vấn đề.
- Chọn những vấn đề nắm vững nhất để trả lời trước, trả lời các câu khó
sau.
- Không từ chối trả lời các câu hỏi. Những vấn đề không trả lời được xin
tiếp thu, sẽ xem xét vấn đề kỹ hơn và trả lời sau.
- Không còn thời gian trả lời phải xin lỗi cử tri.
- Không hứa hẹn bất cứ điều gì mà mình không thể làm được – cả trong
chương trình hành động cũng như trong quá trình hỏi và đáp.
3.4. Sau khi kết thúc Hội nghị tiếp xúc cử tri:
Sau khi kết thúc hội nghị, có thể nán lại để tiếp tục giao lưu với những
người tham dự hội nghị. Sẵn sàng trả lời phỏng vấn của phóng viên. Gặp gỡ
những người đã đặt câu hỏi và trực tiếp trao đổi với họ về các vấn đề quan trọng
đã được nêu.
Tóm lại, cùng với việc chuẩn bị, xây dựng chương trình hành động, việc
tiến hành vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri là những công
việc hết sức quan trọng trong quá trình bầu cử, là công cụ hiệu quả giúp UCV
thuyết phục được cử tri bầu cho mình. Điều đó đòi hỏi UCV phải dành thời gian
chuẩn bị kỹ lưỡng cho những công việc hoàn toàn mới mẻ này. Hãy chấp nhận
việc UCV có thể mắc một vài sai lầm lớn nhỏ, nhưng cũng chắc chắn rằng những
UCV khác cũng có thể mắc sai lầm. Điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng
bằng hết sức của mình cho việc xây dựng chương trình hành động cũng như thực
hành các kỹ năng và sự tự tin trong tiếp xúc cử tri để có được một kỳ ứng cử đại
biểu dân cử thật sự thành công.

You might also like