You are on page 1of 2

Có thể nói rằng cụ Tứ là nhân vật tiêu biểu, đại diện cho một thế hệ các bà các mẹ

trong giai đoạn đất nước nhiều đau thương. Hình ảnh cụ Tứ trong truyện cũng
xuất hiện với những nét vẽ rất đơn giản "húng hắng ho, một bà lão lọng khọng từ
rặng tre đi vào. Vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng", nhưng cũng đủ tái
hiện hình ảnh của một người đàn bà trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời. Bà
xuất thân trong một gia đình nông dân, sống cuộc đời nghèo khó, lấy chồng sinh
con, chồng mất sớm, một tay bà tần tảo làm lụng vất vả nuôi con, sau lại gặp nạn
đói hoành hành. Bà cụ Tứ sống dựa vào người con trai duy nhất là Tràng trong
căn nhà tồi tàn, rách nát, cuộc sống bấp bênh bữa đói bữa no. Không chỉ thế trong
lòng bà cụ còn luôn mang trong mình mặc cảm không cưới nổi cho con một cô vợ,
chỉ vì bà nghèo quá, cả cuộc đời vẫn trắng tay, điều đó làm bà càng thêm yêu
thương và tội nghiệp đứa con trai duy nhất của mình.

Đi sâu vào nội tâm nhân vật bà cụ Tứ, ta dần thấy những vẻ đẹp tâm hồn đáng
quý hiện ra, trước hết là vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng. Khi nghe anh Tràng
thông báo chuyện cưới vợ, bà lão vẫn chưa hiểu ra cớ sự, phần vì bất ngờ, phần vì
không thể tin được lại có một người đàn bà chịu về làm vợ con trai mình, chịu
sống trong căn nhà tồi tàn, rách nát của bà. Nhưng sau năm lần bảy lượt anh
Tràng giải thích và khẳng định, bà cụ cuối cùng cũng tin đó là sự thật, tuy nhiên
thay vì vui mừng, trong lòng bà lại dấy lên biết bao nhiêu tâm sự, một nỗi buồn
bắt đầu len lỏi trong tâm hồn già nua của người đàn bà khắc khổ "Bà lão cúi đầu
nín lặng. Bà lão hiểu rồi". Đời bà đã trải qua biết bao nhiêu những đắng cay, tủi
hờn, bà cũng hiểu rõ con người đến tuổi dựng vợ gả chồng, ai cũng mong muốn
được một hạnh phúc nho nhỏ, dẫu là giàu sang hay nghèo khó. Thế nhưng nhìn lại
phận mình, phận con trai bà, lòng bà cụ lại tràn đầy những chua xót không tên. Bà
tủi phận vì nghèo khó mà không lo cho con nổi một đám cưới, để nó phải tự lấy về
một người vợ, một người đàn bà chắc cũng đến bước đường cùng mới phải về
đây. Càng nghĩ bà lại càng thấy "ai oán xót thương cho số kiếp con trai mình", cái
sự xúc động, tủi thân ấy khiến "trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng
nước mắt". Tấm lòng thương con của bà còn thể hiện trong nỗi lo lắng "biết rằng
chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không". Bà không trách móc con
trai tự làm chủ chuyện hôn nhân đại sự, mà lòng người mẹ nhân từ chỉ xuyên suốt
một nỗi lo đau đáu rằng biết rồi mai đây vợ chồng chúng có vượt qua cơn đói
khát này để sống đời với nhau được hay không, hay lại làm khổ nhau. Cụ Tứ
thương con, lòng bồi hồi vì có dâu mới, cũng lại trăn trở một nỗi lo lắng cho cuộc
đời của người con trai duy nhất. Thế nhưng cụ không suy nghĩ, buồn rầu quá lâu,
người ta nhanh chóng nhìn thấy ở cụ sự thông suốt, thấu hiểu, tự vực dậy tinh
thần của mình "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mấy lấy đến
con mình. Mà con mình mới có vợ được. Thôi bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo
lắng được cho con...Chẳng may ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào
mà lo cho hết được?". Cụ đã chấp nhận cái đám cưới chớp nhoáng giữa nạn đói
kinh hoàng, đồng thời mở lời động viên các con, săn sóc đến người phụ nữ vừa
bước vào nhà làm dâu, vun vén cho vợ chồng Tràng bằng những lời của tổ tiên
"Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?". Bà kín đáo giấu đi những trăn
trở lo toan vào lòng, mở ra cho các con của mình một hy vọng tốt đẹp vào tương
lai.

Cụ Tứ có tấm lòng bao dung, cảm thông sâu sắc với số phận con người, điều đó
bộc lộ rõ nét nhất thông qua cái cách mà bà đối xử với thị - vợ Tràng. Hai người
đàn bà một già một trẻ gặp mặt nhau trong một tình huống kỳ lạ - một đám cưới
chớp nhoáng, họ đã trở thành mẹ chồng - nàng dâu ngay từ lần đầu tương ngộ.
Thế nhưng không vì sự đường đột xuất hiện của thị mà cụ Tứ tỏ ý xa cách, trái lại
bà rất thấu hiểu, bà thương cho thị gặp phải bước khó khăn mới chịu lấy đến con
trai bà, cho con trai bà một gia đình. Để cho thị đỡ lúng túng, xấu hổ bà mở lời
đồng ý chuyện hôn nhân "ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng
mừng lòng". Rồi khi thấy bộ dạng xấu hổ, tả tơi của thị "lòng đầy thương xót" vội
giục "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống cho đỡ mỏi chân", bà đã dang rộng vòng tay
thương cảm cho thị một con đường, xóa đi cái sự xa lạ trong lòng thị, để thị được
vững tin vào cái đám cưới kỳ lạ này, đồng thời xem thị chính thức là dâu con
trong nhà mà đối xử. Bà nghĩ đến sự thiệt thòi của một người phụ nữ không có cỗ
cưới trong ngày trọng đại nhất cuộc đời mà thầm thương xót thị, chính lẽ ấy nên
bà đã thân mật với cô con dâu mới những lời từ đáy lòng "cốt làm sao chúng mày
hòa thuận là u vui lắm rồi. Năm nay đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u
thương quá", nói đoạn không kìm nổi nỗi xúc động, xót xa bà lão "nghẹn lời
không nói được nữa, nước mắt chảy xuống ròng ròng". Lòng thương con của
người mẹ, sự xót xa cho cuộc đời mình, cùng tấm lòng đồng cảm với thị đã khiến
cụ Tứ không nén nổi nước mắt, cuộc đời này bà có lẽ đã khóc nhiều, nhưng khóc
lần này chắc là mang nhiều xúc cảm hỗn độn nhất.

Có thể nói rằng mỗi nhân vật trong tác phẩm Vợ nhặt đều là một điển hình cho
những người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945, ở họ hiện lên những vẻ
đẹp phẩm giá, nhân cách, nghị lực, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, mà ở cụ Tứ
là tình mẫu tử thiêng liêng, tấm lòng bao dung, cùng với hy vọng vào một tương
lai tốt đẹp hơn. Điều đó thể hiện tấm lòng nhân đạo của Kim Lân trong sáng tác
của mình, giữa đói khổ, chết chóc tăm tối, thế nhưng nhà văn không hướng người
đọc đến sự bi quan tiêu cực, thay vào đó lại thắp sáng đêm đen bằng những vẻ
đẹp tiềm ẩn trong từng số phận nghèo khổ.

You might also like