You are on page 1of 25

Văn chương - đó không chỉ là cái đẹp, cái bóng bẩy của ngôn từ, không chỉ là

nghệ thuật thanh cao thuần khiết, không chỉ là thứ nước phép màu nhiệm thanh
lọc và tươi mát tâm hồn mà hơn thế nữa, văn chương còn là tình yêu, là cuộc
sống của bao người. Từ trước tới nay, đã có bao quan niệm văn chương đúng
đắn và sâu sắc: “Văn học là nhân học”; văn chương “trước hết là cuộc sống,
sau mới là nghệ thuật”. Thiên chức, trách nhiệm của nhà văn được Nam Cao
đúc kết trong một quan niệm sâu sắc về sự sáng tạo trong văn chương: “Văn
chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa
cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi
những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Đó là quan niệm văn
chương đúng đắn xuyên suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của Nam Cao. Cũng
với quan niệm ấy, Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí Phèo với nhiều nét sáng
tạo rất mới mẻ và độc đáo.

“Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu
đưa cho”. Một người thợ giỏi, biết làm thành thạo mọi thứ theo mẫu, theo công
thức, khuôn khổ nhất định. Những người thợ ấy sẽ rất cần thiết trong đời sống,
nhất là khi nhịp sống ngày càng hối hả như hiện nay. Nhưng nếu nhà văn viết
như một người thợ thì đâu còn là nhà văn nữa. Mỗi câu chữ, mỗi tư tưởng, mỗi
cảm xúc văn chương đều nhất nhất tuân theo một “mẫu”, một công thức, thì đó
đâu còn là văn chương. Cái thứ “văn chương công thức” ấy chỉ toàn những câu
chữ gò bó nhạt nhẽo, những tư tưởng cũ mòn, nhàm chán và những tình cảm,
sáo rỗng. Người đọc thực sự không chấp nhận thứ văn chương ấy! Văn chương
chỉ chấp nhận những cái mới! Ý thức được trách nhiệm văn chương của mình,
biết quý trọng độc giả, một nhà văn chân chính phải “biết đào sâu, tìm tòi, khơi
những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những, gì chưa ai có”. Đây quả thực là
một quan niệm văn chương sâu sắc và đúng đắn của Nam Cao.

Quan niệm về sáng tạo trong văn học ấy cũng là tâm niệm một đời sáng tác của
Nam Cao. Ông luôn tìm tòi trong thực tại, khai phá trong lòng mình những
điều mới mẻ để viết nên những trang văn lấp lánh sáng tạo, dựng lên những
con người rất thực, rất gần mà cũng rất lạ, rất mới. Chí Phèo là một nhân vật
như thế, Những sáng tạo độc đáo qua hình tượng Chí Phèo dường như là minh
chứng rõ ràng nhất cho quan điểm sáng tạo văn chương của Nam Cao.

Nét sáng tạo đầu tiên qua hình tượng Chí Phèo là việc xây dựng một nhân vật
điển hình. Hãy nhìn lại, trước Chí Phèo đã có Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước
đường cùng của Nguyễn Công Hoan với những nhân vật đầy ấn tượng, đó là
chị Dậu, anh Pha. Tưởng như đó đã là nhân vật điển hình cho những nỗi đau
khổ dai dẳng tột cùng của người nông dân. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng
bước ra từ trang sách Nam Cao, người đọc lặng đi, chua chát, xót xa, đau khổ
tột cùng. Đây mới thực, sự là nỗi khổ lớn nhất, bi kịch đớn đau nhất của nông
dân Việt Nam. Nam Cao, bằng một nhãn quan tinh tường hiếm có qua lăng
kính của một chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, sâu sắc, đã quan sát và khám phá ra
những điều, mới mẻ, để soi chiếu mọi nỗi khổ chung của người nông dân Việt
Nam kết tụ lại ở một nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo là nhân vật điển hình, không
chỉ cho hình tượng người nông dân bị áp bức đày đọa đến chỗ tha hóa, mà còn
có những nét cá tính riêng biệt, không hề bị trùng lặp với bất kì ai. Đó là cái
bóng hình ngất ngưỡng triền miên trong cơn say. Đó là những tiếng chửi gằn
giọng nửa như giận dữ, nửa như khóc lóc, van lơn. Đó là khuôn mặt quỷ dữ
vằn vện sẹo dọc ngang sau bao lần rạch mặt ăn vạ làng. Với những tìm tòi,
sáng tạo mới mẻ trong cái nhìn hiện thực và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, Nam
Cao đã gửi vào hình tượng Chí Phèo hình ảnh người nông dân Việt Nam bị bần
cùng hóa rất thân quen mà cũng rất mới lạ độc đáo.

Một biểu hiện khác về sáng tạo của Nam Cao, đó là những khám phá mới mẻ
về nỗi đau khổ của người nông dân. Khi Nam Cao viết Chí Phèo, văn học hiện
thực phê phán không ngừng phát triển. Một loạt tác phẩm với những tên tuổi
lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đã trình bày, thể hiện cuộc sống khốn
khó, gò bó, bế tắc cùng cực của người nông dân việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra
ở đây là vấn đề cái đói - cứu đói. Nỗi khổ của nông dân Việt Nam trong xã hội
cũng được phản ánh qua hình tượng chị Dậu, anh Pha là nỗi khổ về vật chất.
Chỉ đến khi Chí Phèo xuất hiện trên văn đàn, người ta mới thấy rõ nỗi đau khổ
lớn hơn mà bấy lâu nay người nông dân cùng khổ đáng thương vẫn phải gánh
chịu: đoạt quyền sống đúng nghĩa, tước đoạt quyền làm người. Vấn đề được
đặt ra lúc này là nhân phẩm - cứu nhân phẩm. Cái đói chỉ là nỗi khổ về thể
chất. Cái tha hóa mất hết cả nhân cách là nỗi đau đớn giằng xé tâm hồn tê tái
hơn rất nhiều. Bi kịch của Chí đã trở thành điển hình cho bi kịch người nông
dân Việt Nam bị tha hóa. Đó là bi kịch bị tước đoạt quyền làm người, tức là bị
giật cướp đi tất cả vật chất và tinh thần. Chí đã bị đẩy xuống những con dốc
nghiệt ngã bên bờ vực thẳm của con đường làm người. Lương thiện bị đẩy
xuống dốc lưu manh. Con người bị đẩy xuống hàng con vật. Còn gì đau đớn
hơn thế? Cả đời Chí như là một con số không khổng lồ: không gia đình, không
tài sản. Và đáng buồn, đáng thương hơn là mất đi cả nhân hình, nhân tính.
Những khám phá mới mẻ về nỗi đau của con người được phản ánh chân thực
và đầy xúc động qua trang viết của Nam Cao.
Nam Cao là một người nghệ sĩ chân chính luôn khắc khoải suy ngẫm để đổi
mới, để “khơi nguồn” mới trong văn chương. Không chỉ thể hiện sự sáng tạo
qua những khám phá về nỗi đau khổ, Nam Cao còn ghi dấu ấn đậm sâu trong
lòng bạn đọc bởi những phát hiện mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo: sự trân
trọng những nét đẹp của con người. Lẽ dĩ nhiên, nhà văn chân chính nào cũng
trân trọng con người, nhưng trân trọng đến như Nam Cao thì hắn thật hiếm.
Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan trân trọng những nét đẹp của chị Dậu, anh
Pha. Đó là điều đáng quý song không hẳn là mới lạ, vì dù sao chị Dậu, anh Pha
cũng vốn là những người nông dân lương thiện. Chị Dậu phải bán chó, bán
con, bán cả dòng sữa ngọt ngào nhưng dù sao chị vẫn được làm người. Nam
Cao phát hiện ra vẻ đẹp thầm kín khuất lấp tưởng đã chết rồi trong hình hài quỷ
dữ ghê rợn của Chí Phèo, đó mới là điều thật cảm động. Trong cái lốt quỷ dữ,
lương trí Chí Phèo ngời sáng nơi mù tối bản năng làm người đã soi rọi những
ước mơ, soi rọi quá khứ thiện lương tươi đẹp... Nam Cao viết những dòng ấy
không chỉ bằng thứ văn chương đậm chất thơ với bút pháp phân tích tâm lí sâu
sắc mà Còn bằng cả tấm lòng xót thương, nâng niu, gìn giữ, trân trọng.

Như vậy, bằng những khám phá, phát hiện mới mẻ và độc đáo trong việc xây
dựng nhân vật điển hình Chí Phèo với nỗi đau khổ cùng cực, bằng một tấm
lòng xót thương và trân trọng chân thành, Nam Cao không chỉ khắc họa nổi bật
và đậm sâu trong lòng bạn đọc hình tượng Chí Phèo mà còn đưa chủ nghĩa
nhân đạo và khả năng phản ánh hiện thực trong văn chương lên một tầm cao
mới. Những sáng tạo ấy cũng là những minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm
văn chương một đời của ông: phải “biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những
nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”.

Hơn nửa thế kỉ đã qua đi kể từ khi cuộc đời với những nỗ lực sáng tạo cao đẹp
của Nam Cao khép lại, nhưng những quan niệm đúng đắn của Nam Cao thì còn
sống mãi trong lòng bao người yêu văn học.

Đề bài: “Ở mỗi truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ
tuyệt. Trong đó, có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy” (Nguyễn
Đăng Mạnh )
Anh (chị) hãy phân tích tác phẩm “Chí Phèo” để làm rõ nhận định trên.
Bài làm
Đã có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Đúng như vậy! Chi tiết nghệ thuật
tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tác phẩm. Chi tiết có khả năng thể hiện,
giải thích, làm minh xác câu tứ nghệ thuật của nhà văn trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư
tưởng tác giả trong tác phẩm. Chính vì thế, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định: “Ở
mỗi truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt.
Trong đó, có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy”. Minh chứng rõ
ràng nhất cho nhận định trên là tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao.
Đầu tiên, ta thấy trong ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh có nhắc đến hai chữ “chi tiết”. Chi tiết
hay nói chính xác hơn là chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang
sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Tác phẩm nghệ thuật lôi cuốn người đọc là nhờ nhiều
yếu tố trong đó chi tiết đóng vai trò quan trọng. Thường thường, truyện ngắn cô đọng hàm
súc về dung lượng nên mọi chi tiết đều phải có sự lựa chọn kĩ lưỡng của nhà văn. Chi tiết này
dẫn đến chi tiết khác tạo nên sự hấp dẫn, mang theo chiều sâu ý nghĩa của tác giả gửi gắm
qua tác phẩm. Thậm chí, có những chi tiết trong tác phẩm có một vị trí đặc biệt quan trọng
như “nhãn tự” tức con mắt trong thơ tứ tuyệt. Chi tiết góp phần hình thành tính cách nhân vật,
chủ đề tác phẩm khẳng định sự tinh tế, độc đáo, tài hoa của nhà văn. Cách đánh giá của Giáo
sư Nguyễn Đăng Mạnh không chỉ đặt ra yêu cầu sáng tạo các chi tiết độc đáo. Truyện ngắn
“Chi Phèo” của Nam Cao được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo ra các chi tiết nghệ thuật
đặc sắc. Trong “Chí Phèo” ta có thể thấy rằng có rất nhiều các chi tiết đặc sắc tạo nên giá trị
của tác phẩm như chi tiết tiếng chửi của Chí ở đầu truyện, chi tiết cái bóng, chi tiết tỉnh rượu
sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở ở bờ sông, đặc biệt, nhãn tự của bài có thể được xem là chi tiết
bát cháo hành và hơi cháo hành, rồi chi tiết Chí ôm mặt khóc vì bị Thị từ chối, cuối cùng là
chi tiết giết Bá Kiến… Các chi tiết trên có một vị trí đặc biệt trong tác phẩm và thể hiện được
tài năng của nhà văn.
Trước tiên, ngay từ mở đầu tác phẩm, ta thấy xuất hiện một chi tiết khá độc đáo. Đó chính là
chi tiết Chí Phèo chửi. Chí Phèo xuất hiện lần đầu tiên trước mặt người đọc không phải bằng
xương bằng thịt mà là bằng tiếng chửi. Chí vừa đi vừa chửi “chửi trời, chửi đời, chửi cả làng
Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Đó
là tiếng chửi vật vã, đau đớn của một thân phận con người ít nhiều nhận thức được bi kịch
của chính mình. Chí đã bị đánh bật ra khỏi cái xã hội của loài người. Xã hội mà dù sống trong
nó Chí cũng không còn được xem là con người nữa. Nam Cao rất tinh tế trong việc đưa chi
tiết này lên đầu câu chuyện bởi đây vừa là cái nền cho sự tò mò của người đọc về thân phận
Chí vừa là chi tiết thể hiện được thái độ xót xa, thương cảm của chính nhà văn.
Với chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo, Nam Cao đã khéo léo đưa người đọc vào một tuổi thơ
đầy cay đắng, bất hạnh của kiếp người. Chí sinh ra gắn liền với con số không: không cha,
không mẹ, không họ hàng thân thích… Chí là một đứa con bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ,
được dân làng truyền tay nhau nuôi nấng. Lớn lên, Chí hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà
người khác, năm hai mươi tuổi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Chí là một anh nông dân
hiền lành, biết ghét những gì mà người ta cho là đáng khinh. Chí đã từng có một ước mơ giản
dị “Chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn làm vốn liếng, khá giả
thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Thế nhưng, chỉ với cái cơn ghen vu vơ của lão Bá Kiến, cái
ước mơ ấy đã bị bóp nghẹt và Chí bị đẩy vào nhà tù thực dân. Sau bảy tám năm ra tù, con
người Chí hoàn toàn khác. Cả nhân hình và nhân tính cũng bị thay đổi. Chí Phèo trở về mà
không ai nhận ra “cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng,
hai mắt gườm gườm trông ghớm chết…” Cả nhân tính cũng biến dạng. Từ một anh nông dân
hiền lành như đất giờ thì trở thành một thằng say, về hôm trước hôm sau đã uống rượu đến xế
chiều và say khướt. Rồi cũng từ đó, Chí trở thành tay sai đắc lực cho lão Bá Kiến sống bằng
máu và nước mắt của dân làng Vũ Đại. Trước kia, thì hiền lành, giàu lòng tự trọng giờ đây
Chí trở nên ghớm ghiếc, dữ tợn với bộ dạng của một teenn lưu manh, côn đồ, một thằng liều
mạng thậm chí là một con quỷ dữ.
Tưởng rằng Chí sẽ bị trượt dài trên con đường lưu manh nhưng Thị Nở xuất hiện ở với Chí
trong một đêm trăng sáng đã nâng đỡ con người kia dậy. Buổi sáng hôm sau khi thức dậy Chí
đã hoàn toàn tỉnh rượu. Chi tiết Chí Phèo tỉnh rượu sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở ở bờ sông đã
khẳng định một điều rằng phần người trong Chí Phèo vân đang còn tồn tại. Lần đầu tiên trong
cuộc đời Chí Phèo tỉnh dậy chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết
bao, nghe được tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo trên
sông, tiếng lao xao của người bán vải về… Những âm thanh ấy ngày nào mà chả có nhưng
hôm nay Chí mới nghe thấy. Một con quỷ dữ mà cũng cảm nhận được những điều tinh tế đó
sao? Từ khi ra tù về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo thấy tỉnh. Nhưng qua chi tiết này ta thấy
rằng Nam Cao không trách, không giận Chí Phèo mà ngòi bút của ông dành cho nhân vật này
vẫn nồng nàn yêu thương. Ông phát hiện trong chiều sâu của nhân vật vẫn là bản tính tốt đẹp,
chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mạnh mẽ, tha thiết. Và Chí Phèo
tỉnh dậy cũng là chi tiết nghệ thuật đặc sắc làm nên chất thơ cho tác phẩm. Chính cuộc sống
đã lay động tiềm thức xa xôi của Chí, nó như từng giọt nước thổi vào tâm hồn khô cằn, sỏi đá
của Chí và hơn hết, nó làm sống dậy một ước mơ thời trai trẻ: “có một gia đình nho nhỏ,
chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng, khá
giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
Tiếp ngay sau đó, một chi tiết có thể được xem là “nhãn tự” của truyện ngắn này đó chính là
chi tiết bát cháo hành và hơi cháo hành. Khi Chí Phèo đang suy nghĩ sau cơn tỉnh rượu thì với
bàn tay ân cần của mình, Thị Nở đã khơi dậy trong Chí phần người bằng một bát cháo hành.
Bát cháo hành chính là liều thuốc giải độc góp phần thức tỉnh phần người trong con quỷ dữ.
Kỳ diệu làm sao bát cháo hành Thị Nở, là một liều tiên dược vừa gải cảm vừa giải độc. Cháo
hành đã tẩy đi ố men rượu, gột rửa những tội lỗi của con người. Cháo hành có hương vị đặc
biệt quá, những kẻ vô nhân tính như cha con nhà Bá Kiến làm sao mà biết được. Đó là hương
vị của tình người, của tình thương và tình yêu- một thứ tình cảm mộc mạc và chân thành. Khi
cả làng Vũ Đại không chấp nhận Chí là con người thì Thị Nở đã dang rộng vòng tay để đón
lấy anh. Và bát cháo hành kia vô hình chung đã sưởi ấm cho trái tim nguội lạnh và mở đầu
cho một mối thiên duyên. Nhìn bát cháo hành bốc khói mà lòng Chí Phèo xao xuyến, bâng
khuâng. Hắn ăn cháo hành và lấy làm mãn nguyện vì vị ngon của nó. Chí Phèo quen sống với
một kiểu định nghĩa: muốn có cái ăn hắn phải kêu làng, phải rạch mặt ăn vạ, hắn phải thực sự
hóa thân thành con quỷ dữ… Mỗi miếng ăn hàng ngày của Chí phải có máu và nước mắt của
người dân làng Vũ Đại. Nhưng hôm nay dường như cái triết lí sống của Chí đã thay dổi,
những gì hắn có giờ đã phản bội lại hắn. Hơn thế từ xưa đến nay, Chí luôn phải đi phục tùng
cho người khác thế mà giờ đây lần đầu tiên, trong cuộc đời, Chí Phèo được hưởng sự chăm
sóc bởi bàn tay của một phụ nữ và hắn đã khóc. Cảm giác hạnh phúc được sống trong tình
thương đã đánh thức chất người trong Chí- cái bản chất lương thiện lâu nay đã tưởng chết hẳn
trong cái lốt của một con quỷ dữ. Chi hiểu ra rằng người ta sống với nhau không chỉ bằng tội
ác mà còn cả bằng tình thương yêu nữa. Chí đã thực sự hiểu ra chính mình, đã thực sự thay
đổi
Song song cùng với bát cháo hành là hơi cháo hành. Dường như cái hơi cháo hành đã làm
mắt của Chí ươn ướt, nó phảng phất phục sinh phần người trong Chí… Hắn có thể sống với
người ta bằng tình yêu, hắn nhen nhóm ước mơ về một cuộc sống bình dị… Hương cháo là
hương cuộc đời, hương tình yêu mà từ trước đến giờ chưa ai cho Chí cả… Hương cháo giản
dị, mộc mạc đến đơn sơ nhưng bao nhân tính ẩn chứa, nó giữ chân Chí Phèo đứng lại ở bờ
của phần người… Nhìn Thị hắn như muốn khóc, hắn cảm động và ngay trong chốc lát “Hắn
cảm thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với Thị như làm nũng với mẹ…” Đó là giây
phút mà hắn người nhất. Đã hai lần Thị Nở đã phải thốt lên “Ôi sao mà hắn hiền!” rồi
“Những lúc tỉnh táo hắn cười nghe thật hiền”. Cảm giác được yêu thương và chở che đã làm
Chí trỗi dậy một tình yêu cuộc sống. Phần quỷ tạm thời rũ bỏ. Đó là giây phút Chí thèm
lương thiện và khát khao làm hòa với mọi người. Rồi đến khát vọng hạnh phúc với Thị Nở
“Giá cứ như thế này mãi thì tốt nhỉ…” hay “mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”
Và rồi khi biết bà cô Thị Nở ngăn không cho Thị Nở lấy mình, Chí đau đớn và phẫn nộ. Chí
lại uống rượu nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng buồn. Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo
hành. Đó là hương vị được hạnh phúc, được yêu thương, được làm người, hắn đã một lần
nếm và không thể quên được nên không thể quay lại kiếp sống của một con vật. Chí đã muốn
hoàn lương nhưng cái định kiến xã hội đã đẩy Chí đi xa và không còn cho Chí được trở về
với cuộc sống của con người nữa. Càng nghĩ ta càng thấy thương hơn là căm hận Chí, thấy
đồng cảm hơn là thấy trách móc Chí. Tóm lại, hình ảnh bát cháo hành và hơi cháo hành góp
phần khắc sâu thêm chủ đề của truyện. Miêu tả tấn bi kịch bị tước đoạt quyền làm người của
người nông dân nghèo trong xã hội cũ, đồng thời cũng biểu hiện một tư tưởng của Nam Cao:
tội ác hủy diệt tính người nhưng tình thương sẽ cứu rỗi linh hồn con người.
Cũng là khi Thị Nở bỏ Chí Phèo, ta thấy có một chi tiết Chí ôm mặt ngồi khóc. Đây cũng
chính là chi tiết khá quan trọng. Chí Phèo muốn được hạnh phúc nhưng xã hội không cho
phép cái hạnh phúc của một kẻ không cha, không mẹ như Chí được tồn tại. Một kẻ lưu manh
cũng biết ngồi khóc ư? Không! Lúc này đây Chí không phải là một kẻ lưu manh nữa mà đã là
một con người có tình cảm, có nhận thức. Tội nghiệp cho Chí, một quyền bình đẳng như con
người, một quyền được mưu cầu hạnh phúc cũng không có mà Chí chỉ còn một con đường
duy nhất để sống đó chính là hóa thân vào kiếp thú vật, vào kiếp quỷ dữ.
Cuối cùng, xung đột giữa khát vọng và hoàn cảnh đã dẫn đến chi tiết cuối cùng của câu
chuyện là Chí Phèo kết liễu Bá Kiến. Nhận ra rằng kẻ làm cho mình ra nông nỗi này chính là
Bá Kiến, mặc dù Chí Phèo định xách dao đến tìm giết con “khọm già” và con “đĩ Nở” kia
nhưng những bước chân của Chí lại dẫn hắn đến nhà Bá Kiến. Chí đã thấm thía tội ác của kẻ
đã cướp đi tư cách làm người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình. Chí Phèo đến nhà Bá
Kiến với tư cách là một nô lệ thức tỉnh đòi quyển làm người.
Tao muốn làm người lương thiện
Ai cho tao lương thiện?
Đó là những câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp. Câu hỏi chất chứa nỗi đau
của một con người thấm thía được nỗi đau khôn cùng của bi kịch cá nhân. Câu hỏi đánh
thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương. Câu hỏi như cứa vào tâm can người đọc về một thân
phận con người đầy cay đắng trong xã hội cũ. Lương thiện có ngay trong mỗi con người là di
sản tinh thần của mỗi con người. Tại sao phải đi đòi lương thiện? Đó chính là vì cái xã hội vô
nhân tính ấy cướp đi mất. Thương thay cho Chí, ngay cả cái quyền làm người ấy cũng đã bị
cái xã hội ấy bóp nát. Và Chí Phèo cũng đã kết liễu cuộc đời mình sau khi kết liễu tên cáo già
Bá Kiến. Cái chất bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo đồng
thời là tiếng kêu cứu về quyền làm người trong xã hội ấy.
Có thể nói rằng các chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn rất đặc sắc, góp phần không nhỏ tạo
nên thành công cho tác phẩm và cho nhà văn, thể hiện khả năng khái quát hiện thực và sáng
tạo nghệ thuật của Nam Cao. Từ những chi tiết liền kề, gắn kết với nhau cho ta thấy được
cảnh nông thôn Việt Nam trước cách mạng tồn tại hai giai cấp đối lập là nông dân cần lao và
bọn thống trị, hơn nữa, còn cho ta thấy rằng quá trình tha hóa, biến chất của người nông dân
vì bị đói, bị rét, bị áp bức, bóc lột.
Mặt khác, quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn là qua trình lao động công phu, chắt lọc
từng chi tiết nhỏ trong đời sống để tạo nên những chi tiết nghệ thuật sáng giá. Trong truyện
ngắn Chí Phèo, ta có thể coi là trung tâm của toàn câu chuyện thể hiện cách nhìn và tấm lòng
nhân đạo của nhà văn điển hình là chi tiết bát báo hành và hương cháo hành. Nhà văn đã như
hóa thân và cảm thông với số phận của người nông dân trước cách mạng.
Đúng như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Ở mỗi truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có
vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó, có những chi tiết đóng vai trò
đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy”. Mỗi chi tiết trong tác phẩm góp phần như mắt xích vậy.
Càng đọc Chí Phèo của Nam Cao ta càng hiểu đúng về nhận định trên cũng như biết thế nào
là chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn.
Cr: Sưu tầm
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn 🌼
Trong “Đaghextan của tôi”, Raxum Gamzatốp
từng khuyên nhà văn trẻ :
“ Đừng nói: Trao cho tôi đề tài
Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”
Bằng trải nghiệm đọc văn của mình, anh (chị)
hãy bình luận về lời khuyên trên.
Bài làm
Văn chương gắn liền với cuộc sống, và hơi thở
cuộc sống tạo nên từ văn chương. Mỗi nhà văn
như những chú ong chăm chỉ, ngày ngày trong
vườn hoa cuộc đời, tìm kiếm những giọt mật
ngọt cho sự sáng tạo của chính mình. Tuy
nhiên, đời sống này luôn thay đổi, đòi hỏi
người nghệ sĩ với tài năng, phải sử dụng khôn
khéo “giọt mật” ấy để tránh tự ràng buộc chính
mình với bất cứ đề tài nào. Raxum Gamzatốp
cũng đã từng nói trong “Đaghextan của tôi”
rằng:
“Đừng nói : Trao cho tôi đề tài
Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”
“Đề tài” như sự ràng buộc nhà văn, kiềm hãm
sự sáng tạo của người nghệ sĩ bên trong họ.
Chỉ khi họ bước ra khỏi vùng an toàn đó bằng
“đôi mắt” của chính mình, tác phẩm và nhà
văn mới thật sự thăng hoa, rực rỡ.
“Đề tài” là những hiện tượng đời sông được
miêu tả trong tác phẩm văn học. Xuất hiện
dưới muôn vàn hình thức, cấu thành các chi
tiết trong văn chương. “ Đôi mắt” mà
Gamzatốp nhắc đến đó là sự quan sát, cảm
nhận của nhà văn về hiện tượng trong xã hội,
hay đó còn là cảm quan nhạy cảm của người
nghệ sĩ trước những bước đi của cuộc sống.
Những tác phẩm văn chương ra đời mang
trong mình cái nhìn chủ quan của tác giả, từ
đó tạo nên sự khác biệt, giúp người nghệ sĩ
khẳng định cái tôi trong nghệ thuật. Chính vì
thế, khi nói đến “đôi mắt”, ta như một lần nữa
đề cao cái tôi của mỗi nhà văn trong nghệ
thuật. Vì khi mỗi nhà văn có cái tôi riêng c ũng
là lúc anh có tiếng nói của chính mình. Tiếng
nói ấy sẽ là cách phân biệt xác đáng nh ất gi ữa
những người nghệ sĩ, chứ không phải là bất kì
đề tài nào. Gamzatốp đã không nhấn mạnh
vào việc chọn đề tài vì nếu mỗi nhà văn chỉ
dựa vào đề tài để sáng tác, anh cũng đã tự
chọn cách giới hạn sự sáng tạo của chính
mình. Qua cách diễn đạt tương phản “đừng
trao – hãy trao”, câu nói của Gamzatốp đã
khẳng định được tầm quan trọng của bản ngã
người nghệ sĩ, đặc biệt là cách quan sát, cảm
nhận trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Nhận định của Raxum Gamzatốp là hoàn toàn
đúng đắn. Chẳng phủ nhận rằng, bên cạnh
những tài năng vốn có, sự quan sát và cái
nhìn qua “đôi mắt” đóng một vao trò quan
trọng, giúp nhà văn có được những tác phẩm
hay, để đời. Khả năng quan sát sẽ giúp nhà
văn trước hết là nhìn thấy được ở cuộc sống
vốn đã rất phong phú, đa dạng này những hiện
tượng xã hội hay còn được biết đến là chất liệu
hiện thực. Vì một tác phẩm chỉ có thể chạm
đến độc giả khi nó được gắn liền với cuộc sống
con người. Nếu một tác phẩm chỉ đang cố vẽ
ra những tương lai xa mờ mà quên mất thực
tại, sản phẩm nghệ thuật ấy dù có đẹp đến
đauu cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải . Vì thế,
“đôi mắt” là yếu tố tất yếu trong quá trình
sáng tác. Nhưng vị thế của sự quan sát không
thế chỉ đơn thuần là “miêu tả cuộc sống chỉ đế
miêu tả” mà nó còn phải giúp tác phẩm trở
thành “tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân
hoan” hay thậm chí là “đặt ra những câu hỏi
hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Belinxky).
Chính sự kỹ lưỡng, tinh tế trong cảm nhận sẽ
giúp nhà văn phát hiện các ý nghĩa sâu xa,
tiềm ẩn trong một sự vật hay hiện tượng. Qua
đó, tác giả sẽ dễ dàng gửi gắm được vào đứa
con tinh thần của mình những bài học quý giá
và dễ dàng hơn trong việc mở khóa thế giới
nội tâm con người – cốt lõi của văn chương.
Nếu nhà văn là một thiên sứ thì chính “đôi
mắt” sẽ là bộ cánh đưa họ đến muôn nơi, thực
hiện sứ mệnh cao cả đó của mình. Không chỉ
là tầm quan trọng, cách nhìn còn có mối quan
hệ mật thiết với nhà văn, nhà thơ. Đôi mắt
cùng các giác quan khác sẽ bổ trợ cho nhau,
giúp người nghệ sĩ tích lũy vốn sống thêm đa
dạng, vì “sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình
vào cuộc sống của nhân dân” ( Nam Cao). Khi
vốn sống hòa mình vào trong người nghệ sĩ, đó
cũng là cơ sở quan trọng, bồi đắp trí tưởng
tượng thêm phong phú, thú vị - yếu tố thu hút
của một tác phẩm.
Với mỗi đôi mắt khác nhau, ta sẽ có một cái
nhìn khác nhau. Không chỉ là cảm nhận về thế
giới xung quanh, đôi mắt của những người
nghệ sĩ khác nhau, sẽ cho ta thêm nhiều góc
nhìn phong phú hơn, mới mẻ hơn ngay trong
cùng một đề tài. Đây chính là cách giúp nh ững
tác phẩm khác nhau dù cùng trong một đề Để
trở thành một nhà văn đại tài, cách quan sát
chuyển đổi thành suy nghĩ, cảm nhận cũng cần
có sự nổi trội, hay thậm chí là vượt xa thời đại
mà họ đang sống . M.Gorki từng nói “ Nghệ sĩ
là người biết khai thác những ấn tượng riêng
chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng
đó có giá trị khái quát và biết làm cho những
ấn tượng đó có hình thức riêng”. Tất cả những
yếu tố trên, một lần nữa khẳng định được “đôi
mắt” có vai trò quan trọng, là yếu tố đặc bi ệt
với văn chương, thậm chí là đối với người nghệ
sĩ.
Trong Hai đứa trẻ, đôi mắt của Thạch Lam thật
sự rất đặc biệt – nhẹ nhàng nhưng đầy xúc
cảm. Điều này được thể hiện rõ qua cảnh chờ
tàu – hoạt động cuối ngày khuấy động cảnh
sống tẻ nhạt nơi phố huyện. Con tàu đến, mang
vô vàn ý nghĩa đối với người dân nơi “ao đời
phẳng lặng”. “Các toa đèn sáng trưng, chiếu
ánh sáng xuống đường” hay “những toa hạng
trên sang trọng” với họ là hình ảnh tượng
trưng cho sức sống “ở một nơi khác hẳn” –
giàu sang và rực rỡ. Vốn đã quen với cuộc
sống quẩn quanh, mòn mỏi, con tàu đến mang
mang theo một niềm tin, tuy mỏng manh
nhưng vô cùng quý giá. Thạch Lam có phần
yêu thương rất lớn đối với những con người nơi
đây. Dưới con mắt của ông, nơi đây không ch ỉ
được thắp lên bằng ngọn đèn dầu le lói của chị
Tó mà còn được thắp sáng với niềm tin mãnh
liệt của Thạch Lam vào sức sống tiềm tàng,
vào vẻ đẹp của tình người và sự hy vọng vào
những con người nơi phố huyện. Vì khi con
người còn mục đích để sống, một ngày trôi
qua mới thật sự là ngày trọn vẹn. Con mắt của
người nghệ sĩ tài hoa ấy không chỉ rung lên
trong ánh mắt mà còn hòa vào nhịp đập của
trái tim nhân đạo của Thạch Lam. Không thể
quên hình ảnh Liên và An cố thức chờ tàu đến
– “tàu đến, chị đánh thức em dậy nhé”. Thạch
Lam không chỉ dùng đôi mắt để nhìn thấu và
giúp ta biết tin và thương hơn những cảnh
sống, kiếp đời tù đọng, quẩn quanh, đôi mắt ấy
còn nhìn An và Liên bằng sự thấu cảm và sẻ
chia đến từng dòng cảm xúc. Là cùng Liên
quay về những quá khứ tốt đẹp tại Hà Nội, g ửi
gắm qua chuyến tàu chứa đầy về kỷ niệm về
một thời được “đi chơi bờ hồ uống những cốc
nước lạnh xanh đỏ”. Với người bình thường, ta
sẽ chỉ xem việc hai đứa trẻ cố thức để chờ tàu
là cách thỏa mãn trò trẻ con, nhưng qua t ừng
câu, từng chữ Thạch Lam đưa ta đến một nơi
xa hơn- một tâm hồn mong manh, nhạy cảm
của thiếu nữ mới lớn, Liên. Chút bất mãn với
cuộc sống hiện tại, một ít niềm vui ha thậm chí
là khát khao mãnh liệt về một ngày mai tươi
sáng đều đã được đôi mắt của Thạch Lam nhìn
thấu. Qua chi tiết cảnh chờ tàu, đôi mắt của
Thạch Lam hiện ra - một đôi mắt sâu sắc và
mới mẻ. Cái sâu sắc ấy được tác giả thể hiện
qua việc nắm bắt bản chất của lát cắt hiện
thực nơi phố huyện. Hiện thực ấy dù có sự tù
đọng, quẩn quanh nhưng vẫn le lói ánh sáng
của niềm tin và hy vọng. “Hai đứa trẻ” không
chỉ sáng ngời nhờ sự phản ánh hiện thực mà
còn là cách Thạch Lam đi vào khám phá cái
tinh tế, mong manh trong tâm hồn của nhân
vật để rồi đồng cảm với những xúc cảm ấy.
Tính nhân đạo của văn chương trong tác phẩm
cũng rất mới mẻ, không chỉ là cách ông thấu
hiểu những cảm nhận của Liên mà còn là
những niềm tin ông gửi vào các thân phận yếu
thế nơi phố huyện. Đôi mắt của Thạch Lam
chính là một chất liệu quan trọng để tạo nên
thành công của Hai đứa trẻ.
Những đôi mắt khác nhau, sẽ nhìn nhận vấn đề
theo chiều hướng khác nhau, điều này quả
chẳng sai đối với Nam Cao. Trong thời cuộc đề
tài bần cùng hóa của người nông dân đã cũ,
Nam Cao xuất hiện dưới góc nhìn táo bạo hơn
của một khám phá mới mẻ - chủ đề sự tha hóa
của nông dân trước Cách mạng. Điều này được
thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Chí Phèo, đặc
biệt là hình ảnh bát cháo hành. Cái nhìn c ủa
Nam Cao rất khác lạ so với các nhà văn cùng
thời, khi tác giả đã tìm thấy tình người còn lại
nơi Chí phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nếu
bát cháo hành ấy giúp anh Chí tìm lại tình
người tưởng chừng đã bi đánh mất, thì đôi m ắt
của Nam Cao đã giúp người đọc hiểu nhiều
điều : tính nhân đạo, “một tình người bình
thường”, giản dị hay thậm chí là sự xót xa về
hiện thực tàn nhẫn. Nhưng quan trọng hơn hết,
đôi mắt Nam Cao như ngọn đuốc cháy bỏng,
giúp “khai sáng” đôi mắt người đọc, từ đó mở
rộng tâm hồn mình, cùng nhà văn tìm thấy
điều tốt đẹp ngay trong cái xót xa, thấp hèn.
Trong một chuỗi cảm xúc biến chuyển nhanh
chóng của Chí phèo khi thấy “một nồi cháo
hành còn nóng nguyên”, Nam Cao đã tinh tế,
nhẹ nhàng giúp Chí Phèo cởi bỏ dần lớp quỷ
làng Vũ Đại bằng nhân vật cụ thể - Thị Nở và
tình thương giản dị, mộc mạc. Đầu tiên, “hắn
ngạc nhiên lắm” – một cảm xúc rất đỗi mới lạ.
Sao không ngạc nhiên được khi đây là lần đầu
tiên Chí phèo chẳng cần cướp giật hay ăn vạ
để có được thứ hắn muốn, lần đầu tiên có
người tự nguyện cho hắn. Tuy nhỏ nhoi – một
bát cháo hành cũng đủ để hắn dần thức tỉnh
phần người trong mình. Vì sự đặc biệt ấy, Chí
phèo đã cảm động, “hắn thấy mắt mình hình
như ươn ướt”. Câu văn của Nam Cao khi đọc
vào, ta cảm nhận có phần lạnh lùng và cứng
rắn – thằng Chí này cũng biết khóc đấy à ?
Nhưng sâu thẳm bên trong trái tim đó, ta cảm
nhận được sự tinh tế trong dòng cảm xúc của
Nam Cao khi đã nhận ra những biến chuyển dù
là nhỏ nhất của nhân vật. Con người có thể dễ
dàng nhận ra người khác khóc nhưng hiếm ai
có đủ rung động để nhìn cảm nhận được sự
biến đổi những dòng cảm xúc mãnh liệt. Cái
biến chuyển Nam Cao nhận ra rất đắt giá, vì
khi khóc được cũng là lúc tâm hồn đang reo
lên những cảm xúc – biểu hiện đầu tiên của
tính người. Từng cảm súc sắc màu hiện ra – là
sự ân hận, rồi sửng sốt trước mùi vị bát cháo
hành. “Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm
người nhẹ nhõm”. Mùi cháo hành chốc chốc
hóa thành vị hạnh phúc mà sau bao nhiêu
năm, đến khi qua đến con dốc bên kia cuộc
đời, Chí phèo mới cảm nhận được. Tính người
nơi anh Chí như cái kén đang lột xác – đau
đớn nhưng đầy xứng đáng trong chuỗi cảm
xúc của chính mình, để đến cuối cùng, “hắn
thèm được lương thiện”. Qua hình tượng bát
cháo hành đã chín minh được cho câu nói c ủa
Gamzatốp . Đây không chỉ là cuộc tìm kiếm lại
tính người của Chí phèo mà còn là hành trình
đi tìm lại những điều tốt đẹp bị vùi lấp trong
hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến. Vì
như Thạch Lam đã từng nói: “Thiên chức của
nhà văn cũng như những chức vụ cao quý
khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong
đời có thêm nhiều công bằng, yêu thương
hơn.” Qua tác phẩm, đôi mắt nghệ sĩ của Nam
Cao đã bộc lộ được cái mới mẻ và sâu sắc của
nó. Cái nổi bật có thể nhìn thấy ngay trong tác
phẩm là cách tác giả nhận ra bản chất hiện
thực và phản ánh quy luật xã hội. Và chỉ có
đôi mắt sâu sắc mới có thể thực hiện trọn vẹn
được điều này. Bên cạnh đó, cái mới mẻ ở Chí
Phèo cũng rất đáng nói. Đó là cái nhìn độc
đáo, tiến bộ của tố chất của nghệ sĩ trong Nam
Cao. Khi ông đã có một niềm tin mãnh liệt vào
tính người vốn có, dù đó có là ai và dù đó có
là Chí phèo – con quỷ dữ. Cái nhìn của nhà v ăn
đối với anh Chí hoàn toàn khác biệt với cách
người làng Vũ Đại luôn nhìn về Chí, đầy lạnh
lùng và vô cảm. Đôi mắt Nam Cao nhìn Chí
phèo là đôi mắt của yêu thương, của tình
người. Chính đôi mắt ấy của Nam Cao đã cùng
tài năng của mình đã giúp tác phẩm Chí phèo
sống mãi với thời gian.
Nhận định của Gamzatốp luôn đúng đắn mặc
sự thay đổi của dòng thời gian. Sự quan sát là
điểm khởi đầu của mọi nguồn cảm hứng bất tận
và cũng là điểm tạo nên sự khác biệt giữu
những người nghệ sĩ. Để có được những cảm
nhận, suy nghĩ sau mỗi cái nhìn, đòi hỏi nhà
văn phải dấn thân để có được những gì chân
thật nhất, tự nhiên nhất. Hay đó còn là sự trau
dồi về nhiều mặt: trau dồi tình cảm để nhà văn
thêm phần nhạy cảm, tinh tế, trau dồi vốn sống
để có thể hiểu nhiểu, hiểu rộng hay thậm chí là
trình độ văn hóa để nhạy bén hơn trong việc
tiếp cận đời sống. Bên cạnh nội dung, hình
thức trong văn chương cũng đóng một vai trò
quan trọng. Mỗi tác phẩm văn học cần có hình
thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp để làm nên
hình hài, sắc vóc của văn chương. Vì nếu chỉ
có cái tâm là chưa đủ, một nhà văn lớn phải có
cả cái tài. Cái tài sẽ giúp cái tâm thêm ph ần
rực rõ qua ngôn từ, dễ hiểu hơn qua cấu trúc
câu,…Một tác phẩm dù tư tưởng có lớn đến
đâu nhưng chẳng đủ sức hút cũng có nguy cơ
bị đào thải. Chính cái tâm, cái tài khác nhau
được bồi đắp theo cách riêng của từng nhà
văn sẽ tạo nên phong cách riêng. Về phía bạn
đọc, không chỉ đơn thuần là đọc và cảm nhận,
mà còn cần phải hiện thực hóa thông điệp mà
nhà văn gửi gắm, để không chỉ giúp cuộc sống
nói chung mà kể cả đời sống riêng mình thêm
tốt đẹp. Một tác phẩm chỉ có thể trường tồn khi
có sự đồng hành của cả nhà văn và bạn đọc.
Người đọc được đôi mắt của nhà văn soi
đường, nhìn thấy những bài học, thông điệp
trong từng trang sách để từ đó vận dụng vào
cuộc sống, giúp hiện thực thêm tốt đẹp. Mỗi
người nghệ sĩ hãy tận dụng đôi mắt của chính
mình, chứ đừng dựa dẫm vào đề tài. Đôi mắt
giúp nhà văn khai phóng, vượt ra khỏi những
điều thông thường để ra đời các tác phẩm vĩ
đại. Để tài chỉ nên là cách phân loại giữa các
sản phẩm nghệ thuật chứ không nên trở thành
rào cản của sự sáng tạo. Vì thế, nhận định của
Gamzatốp là đúng đắn.
Để có một tác phẩm hay và trường tồn với thời
gian, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi có
lẽ là sự quan sát, nhìn nhận của người nghệ sĩ.
Đôi mắt là công cụ để xây dựng một nền móng
vững chắc cho tác phẩm có nội dung, từ đó sẽ
là cơ hội cho sự sáng tạo, tâm hồn của nhà
văn đươc bay cao, bay xa. Chính vì thế, nh ận
định của Raxum Gamzatốp trong “Đaghextan
của tôi” là phù hợp :
“Đừng nói: Trao cho tôi đề tài
Hãy nói : Trao cho tôi đôi mắt”

Trong mối quan hệ văn học (nhà văn - tác phẩm - bạn đọc), nhà văn - với tư cách một chủ thể
sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trước nhà phê bình văn học Hoài Thanh, quan niệm
về nhà văn rất mờ nhạt, thậm chí chưa được nhìn nhận thật chính xác. Hơn thế, các nhà
nghiên cứu xưa chưa thật đi sâu, phân tích một cách cụ thể quan niệm về cái tài, về cá tính
sáng tạo của nhà văn như thế nào, phẩm chất văn chương nghệ thuật của họ ra sao. Khái niệm
về nhà văn về cơ bản vẫn tập trung để chỉ những người "kiêm việc", tức là không có quan
niệm về nghệ sĩ thuần túy. Vì thế, vô hình chung vai trò và phẩm chất của nhà văn đối với sự
phát triển của văn học đích thực đã không được đánh giá thật xác đáng.
Hoài Thanh - với một cái nhìn mang tư duy lý luận hiện đại đã mạnh dạn đề xuất một cách
nhìn mới về nhà văn với những hệ thống quan điểm mới trên cơ sở tôn trọng tài năng nghệ
thuật và cá tính sáng tạo. Ông lấy hiệu quả nghệ thuật trong tác phẩm là trung tâm điểm xuất
phát trong quan niệm của mình. Đặc biệt, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh chính là sự
mong muốn được giải thoát cho cái tôi cá nhân đã luôn bị quan niệm văn học cũ kìm hãm để
tạo đà cho sức thể hiện mới của văn học nghệ thuật hiện đại.
Hoài Thanh trong "Văn chương và Hành động" quan niệm có hai loại nhà văn. Một loại là
"nhà văn hoàn toàn"(chữ dùng của Hoài Thanh) - tức là những người bẩm sinh chỉ biết làm
văn. Đó là những người mà "hơi gió thoảng, tiếng chim kêu, một người rách rưới lê gót dưới
vệ đường, bao nhiêu người đời không để ý" thì lại để lại trong tâm trí họ "những tiếng vang
không dứt, những vết thương không bao giờ lành (...) Tâm trí (…) luôn luôn đi về những
chốn người đời không ngờ tới". Khái niệm "nhà văn hoàn toàn" của Hoài Thanh là một khái
niệm độc đáo, mới mẻ, "thể hiện quan niệm rõ ràng về nhà văn như một "chủng người đặc
biệt". Đó là con người mà tài năng văn học là "thiên tính" chứ không phải do giáo dục hay
trải nghiệm mà thành.
Kiểu nhà văn thứ hai theo ông là kiểu nhà văn không chỉ biết làm văn mà còn có thể làm
những việc khác nữa: "Chúng tôi vội nói rằng chúng tôi không phải là những "nhà văn hoàn
toàn" nghĩa là những người bẩm sinh chỉ biết làm văn, không thể làm được việc gì khác". Ở
đây, có lẽ Hoài Thanh muốn đề cập đến kiểu người làm nghệ thuật như ông - những người
làm công tác phê bình văn học. Hoài Thanh vẫn quan niệm, phê bình cũng là một dạng sáng
tác văn học. Phê bình và nghệ thuật là cùng một mục đích, một tính cách, tức là chúng chỉ
khác nhau về hình thức, còn về bản chất thì thống nhất. Ông khẳng định: "Tìm cái đẹp trong
tự nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệt thuật là phê bình. Nói một cách khác, nghệ
thuật là phê bình tự nhiên mà phê bình là một lối nghệ thuật gián tiếp, một lối nghệ thuật lấy
nghệ thuật làm tài liệu".
Đưa ra hai kiểu nhà văn, Hoài Thanh còn nhằm phân biệt giữa nhà văn và nhà báo. Ông cho
rằng dù thế nào, dứt khoát nhà văn khác nhà báo: "Nhà báo chỉ mong thay đổi một thời, nhà
văn có hy vọng ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi; nhà văn muốn trao mĩ cảm cho người
xem, nhà báo nếu cũng có ước muốn ấy sẽ trở thành nhố nhăng rồ dại". Đương nhiên Hoài
Thanh không cho rằng nhà văn phải quay lưng lại với xã hội, với cuộc đời, để chỉ toàn nói
những chuyện trong cõi mơ, cõi mộng. Ông chỉ chủ trương quan tâm đến những yếu tố có giá
trị ảnh hưởng lâu dài của văn học.
Điều quan trọng trong quan niệm của Hoài Thanh về nhà văn là dù là loại nhà văn nào thì tố
chất không thể thiếu là phải có cá tính sáng tạo. Ông nói khá nhiều về vấn đề này và coi đó là
một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của văn chương. Đây cũng là một
trong những đóng góp quan trọng của Hoài Thanh. Với Hoài Thanh "trong văn chương cần
phải theo bẩm tính của nhà văn". "Bẩm tính" ở đây được quan niệm chính là cái tài hay chính
là khả năng sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi nhà văn.
Theo Hoài Thanh, thiên chức của nhà văn khi cầm bút là phải sáng tạo, sáng tạo ra một thế
giới khác ngoài thế giới thực. Để làm được điều ấy thì nhà văn phải có tài. Không có tài,
không có bản sắc riêng, nhà văn khó mà có thể tạo được dư ba trong lòng người đọc chứ chưa
nói đến việc có thể làm "ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi". Vì thế Hoài Thanh tỏ ý đặc biệt
trân trọng cái tài, coi nó là "một nguồn sống" và mong muốn cho nó có "một địa vị danh dự".
Khi đã công nhận cái tài của nhà văn là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, thì đi
liền với nó tất yếu là sự thừa nhận, khẳng định vai trò cá nhân và cá tính sáng tạo của nhà văn
trong việc tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị.
Ở đây, Hoài Thanh đưa ra một so sánh khá thú vị: "Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai
lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy, chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt
nhau. Hình dung còn thế huống nữa tinh thần". Theo Hoài Thanh, nếu mỗi nhà văn không có
một bản sắc riêng, "một hình sắc riêng" thì thật khó mà có thể góp phần tạo ra được một nền
văn chương phong phú, nhiều màu sắc đẹp được.
Tất nhiên, để có được cái hình sắc riêng, để có được một cá tính sáng tạo riêng, theo Hoài
Thanh, nhà văn cần phải được "tự do", nhà văn hòa mình vào tập thể nhưng không được lẫn
mình vào đó. Quan điểm của Hoài Thanh là đề cao vai trò của cá nhân trong xã hội, vai trò cá
tính sáng tạo của nhà văn giữa làng văn. Sáng tạo trong nghệ thuật đã là điều không hề dễ,
sáng tạo để người khác thấy hay và nể phục lại còn khó hơn: "Ta nên nhớ rằng, để cho nhà
nghệ sĩ được tự ý giữ gìn phẩm cách và trách nhiệm riêng của mình, làm thế chẳng những là
có ích cho nghệ thuật mà cũng là có ích cho quần chúng".
Có thể nói, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh mở ra một phạm vi hoạt động rộng hơn, tự
do hơn cho các nhà văn. Sự rộng rãi này cũng được Hoài Thanh nhận thức rõ ràng. Đó không
phải là một sự tự do vượt cách theo kiểu vô lối. Hoài Thanh nói: "Chúng tôi muốn dư luận
hết sức rộng rãi với nhà văn. Rộng rãi không phải là hoan nghênh một cách vô luận, sách gì,
những sách kiệt tác cũng như những sách viết không thành câu. Rộng rãi có nghĩa là không
bắt buộc nhà văn phải bó mình trong một đạo đức hay một tôn giáo một đảng phái".
"Tự do", theo Hoài Thanh nhất thiết phải gắn với "thành thực". Bởi thiếu "thành thực", các
nhà văn sẽ không thể "phô diễn tâm linh của mình" và sẽ "tự hãm mình trong vòng khách
sáo". Hơn thế, "tự do" và "thành thực" trong văn chương đòi hỏi cần thiết ở nhà văn phải có
một "cái tài": "Nghĩ thế nào, nói ra như vậy là thành thực. Nhưng thường thường nào ta có
biết ta nghĩ thế nào. Phải là người có tài mới có thể đi vào chỗ cùng sâu trong cõi lòng, vạch
những cái kín nhiệm uất ức rồi đưa phả vào những âm điệu hồn nhiên. Những âm điệu ấy đến
tai người đời, người đời sẽ giật mình không ngờ người ta lại có thể thành thực đến thế".
Quan niệm của Hoài Thanh cho thấy, nếu anh không phải là một nhà văn có tài thì không thể
đem được cái "thành thực" cùng sự "tự do" và cá tính sáng tạo vào văn chương. Mà đó lại là
những điều cốt yếu để tạo ra sức sống cho văn chương nghệ thuật. Có thể nhận thấy rằng, qua
quan niệm này, lần đầu tiên địa vị văn học của nhà văn được ý thức một cách sâu sắc và đề
cao đến vậy.
Có thể nói, quan niệm của Hoài Thanh là sự mở đường cho một cách nhìn, cách nghĩ, cách
đánh giá mới về nhà văn trong văn học. Đây là một quan niệm có nhiều yếu tố mới, hiện đại.
Những phẩm chất, vai trò, vị trí của nhà văn trong văn học được Hoài Thanh nhìn nhận, đánh
giá một cách khách quan và công bằng. Quan trọng hơn, theo chúng tôi, quan niệm về "cá
tính sáng tạo" nhà văn của Hoài Thanh có nhiều nhân tố hợp lý, khoa học để trở thành cơ sở
để xây dựng lý thuyết về phong cách sáng tác của nhà văn - một yếu tố quan trọng để phân
biệt cũng như đánh giá những đóng góp của các nhà văn với văn học nước nhà

Nói về nhân vật trong tác phẩm văn học, Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy
nhất tập trung kết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Đúng vậy, nhân vật
không chỉ là hình thức đề nhà văn khái quát hiện thực cuộc sống một các hình
tượng mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thông qua nhân
vật nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ về con người. Vì
vậy nhà phê bình văn học Nga đã có lí khi cho rằng: một nhân vật xây dựng thành
công là “một người lạ mà quen biết”. Điều đó được thể hiện rõ qua đoạn trích “Lão
Hạc” của nhà văn Nam Cao.

“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Văn học bao giờ cũng thể hiện cuộc sống của
con người. Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được nhà văn miêu tả
thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. “Người lạ mặt”: là nét riêng ,
nét cá biệt, nét độc đáo mà nhìn vào đó ta có thể phân biệt được với nhân vật khác.
Nói “Người lạ mặt” nhưng “quen biết” là do những nét chung, nét phổ quát của
điển hình nghệ thuật. Điểm chung đó giúp ta nhận ra một loại người, một tầng lớp,
một giai cấp, một dân tộc với những đặc điểm, phẩm chất đặc trưng. Câu nói của
Belinsky là một định nghĩa về nhân vật điển hình: là nhân vật có tính chung (phổ
biến, khái quát và thống nhất) mang ý nghĩa thẩm mỹ, quy định nhân vật thuộc
tầng lớp nào, giai cấp nào, lối sống nào, thậm chí tiêu biểu cho dân tộc nào trong
một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tính riêng là nét độc đáo, cá biệt chỉ nhân vật đó
có. Nó biểu hiện qua hình dáng, lời nói, tính cách, số phận, qua mối quan hệ với
nhân vật khác.

Điển hình nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan. Bước vào tác
phẩm, hiện thực ấy mang đậm dấu ấn sáng tạo, qua lăng kính chủ quan của người
nghệ sĩ. Như vậy, do yêu cầu của tính riêng về phong cách cá nhân, mỗi điển hình
nghệ thuật phải thể hiện được nét độc đáo, mới mẻ từ nội dung đến hình thức, để
phân biệt với hình tượng khác. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ vô cùng quan trọng,
song hình tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo không phải chỉ để cho riêng mình,
mà còn là để nói hộ người khác. Do đó, điển hình nghệ thuật bao giờ cũng phải
mang tính khái quát cao, nó phải phản ánh được đặc điểm, tâm lí, tính cách, tư
tưởng và nguyện vọng của một tầng lớp xã hội, một giai cấp hay một loại người
nào đó. Điển hình nghệ thuật là người “quen biết”, khi mỗi người đều có thể thấy
hình bóng mình trong đó. Điển hình nghệ thuật phải hài hoà giữa tính chung và
tính riêng, cụ thể và khái quát, cá biệt và phổ quát. Nếu chỉ chú ý tính chung thì
hình tượng mất đi tính sinh động, cụ thể, thủ tiêu cá tính sáng tạo của nhà văn, xoá
nhoà phong cách riêng độc đáo của nhà văn. Ngược lại, nếu chỉ chú ý tính riêng thì
hình tượng sẽ trở nên xa lạ, tính phổ quát sẽ mất, hình tượng sẽ thiếu sức truyền
cảm, không tạo được sự đồng điệu, đồng cảm với bạn đọc.

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của Việt Nam trước Cách mạng tháng
Tám. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, ông đã kịp để lại cho dân tộc ta
những sáng tác vô giá, những kiệt tác văn chương bất hủ mà truyện ngắn Lão Hạc
là một tác phẩm tiêu biểu. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam
Cao là hình ảnh tiêu biểu về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng
Tám chịu nhiều bất hạnh nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất.

Lão Hạc là điển hình cho người nông dân nghèo khổ của nước ta trong giai đoạn
Trước Cách mạng tháng 8. Mở đầu tác phẩm là cuộc đời cơ cực, nghèo khổ, bần
cùng của Lão Hạc. Cuộc đời lão là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh, một kiếp
đời chua chát và đắng cay! Góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con
trong cảnh đói nghèo, lam lũ, những mong con khôn lớn trưởng thành làm chỗ
nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã không đến
với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền
cao su. Cảnh chia ly của cha con. Lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão đã mất
vợ, nay lại mất con. Cảnh khổ vật chất hòa trong nỗi đau tinh thần thành dòng lệ
chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha.

Lão Hạc sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con
nồng nàn sâu sắc của lão là câu chuyện cảm động về tình cha con. Thương con
sớm mồ côi mẹ lão Hạc không nỡ tục huyền. Nhìn con đau khổ vì không có đủ tiền
cưới vợ, lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình có lỗi với con và điều này làm
cho lão day dứt mãi. Khi người con phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su, trái
tim người cha thật sự tan nát. Nỗi thương nhớ mong chờ con thường trực trong
lòng người cha biến thành sự khắc khoải ngóng trông: Thằng cháu nhà tôi dễ hơn
một năm nay không có giấy má gì đấy ông giáo ạ. Ta đọc được trong câu nói ấy cái
tình cảm ấm áp của người cha. Thương nhớ con, lão dồn tình cảm âu yếm vào cậu
Vàng, kỉ vật của người con để lại. Cái tên cậu Vàng (tên lão Hạc đặt cho con chó)
đă chứa đựng tất cả tình quý mến và thân thiết đối với một con vật. Hình ảnh lão
Hạc: Miệng méo xệch, khóc hu hu, khi nghĩ rằng mình đánh lừa một con chó, là
hiện thân của tấm lòng nhân ái cao cả.

ĐỌC THÊM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT LÃO HẠC TRONG TÁC PHẨM CÙNG TÊN
CỦA NAM CAO

Với Nam Cao, ông luôn nhìn đời bằng con mắt tình thương. Chính vì quan niệm ấy
mà những trang văn của Nam Cao luôn đặt nhân vật của mình trong tình thế cheo
leo giữa nhân tính và thú tính, giữa say và tỉnh, giữa sự sống và cái chết. Nhưng
đến cuối cùng Nam Cao vẫn cho thấy sự tin tưởng của mình vào phẩm chất lương
thiện của người nông dân. Với lão Hạc, một người cha giàu lòng yêu thương con,
có lòng tự trọng cao và đặc biệt là một người ân nghĩa, lão nghĩa tình với cả con
vật của mình. Khi đã tuổi già sức yếu, không làm gì để kiếm ăn được, lão chẳng
dám đụng vào số tiền bòn vườn của con, chỉ dám ăn sung luộc. Và chính trong
cảnh ngộ thê thảm, buồn bã ấy, cậu Vàng xuất hiện, con chó đã mang lại cho lão ý
nghĩ để tiếp tục sống, tiếp tục bám víu vào cuộc đời. Con vật trở thành người bạn
thân tình, bầu bạn, sớm hôm cùng lão, giúp lão khuây khỏa đi nỗi nhớ con trai, vơi
đi nỗi cô quạnh của tuổi già, xế bóng. Con Vàng còn chính là sợi dây kết nối của
lão với đứa con trai mà lão rất mực yêu thương Con chó là của cháu nó mua đấy
chứ vì thế lão rất yêu thương cậu Vàng. Lào gọi là cậu Vàng như đứa con cầu tự,
lão bắt rận, tắm, trò chuyện, cưng nựng, cho nó ăn trong cái bát như nhà giàu, ăn gì
cũng gắp cho nó, chửi yêu vỗ về nó… Trước khi bán lão đắn đo suy nghĩ rất nhiều.
Thế rồi sau khi bán lão sang nhà ông giáo với một thân xác hoàn toàn vụn vỡ, sự
vụn vỡ của một tâm hồn đôn hậu, rất mực thiện lương: Cậu Vàng đi đời rồi ông
giáo ạ….lão cố làm ra vui vẻ, cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt lão đột
nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra, lão mếu
như con nít và hu hu khóc… Quả là những phác thảo chân dung hết sức chân thực,
sinh động, sự miêu tả tinh tế đã bóc trần một tâm hồn quá đau đớn, day dứt, hối
hận, ăn năn, vì trót làm một điều gì đó thật ghê sợ, lão thấy có lỗi với con chó, lão
cay đắng tủi hờn cho số kiếp cùng quẫn, lão xót thương cho con Vàng, xót thương
cho chính lão, lão đã bán đi con vật mà lão yêu thương hơn chính mình, lão thấy
cuộc đời lão không còn ý nghĩ gì nữa rồi.
Lão Hạc là một nhân vật giàu tình yêu thương và lòng tự trong ở ngay trong xã hội
tàn ác. Đớn đau thay, xã hội tàn ác, vô nhân đạo đã đẩy lão vào bước đường cùng,
không cho lão được sống tiếp, lão chỉ có thể lựa chọn cho mình con đường duy
nhất là chết đi. Khi đọc truyện, nhất là đoạn viết về cái chết, không ai có thể quên
được cái chết bi thảm của lão Hạc: Lão đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi,
quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người
chốc chốc lại giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên
người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết. Quả là một cái chết dữ dội,
đầy thương tâm và ám ảnh của người ăn bả chó. Cái chết chứng tỏ lão vẫn còn
khỏe, chưa phải già yếu đến kiệt sức, vật vã đến hai giờ mới chết hẳn. Đấy là cái
chết được chuẩn bị chu đáo “đâu vào đấy”, một cái chết chạy trốn tương lai.
Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bã chó của Lão Hạc, ông giáo
mới vỡ oà ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một
nghĩa khác”. Đến đây truyện đi đến hồi mở nút, để cho tâm tư chất chứa của ông
giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về Lão Hạc và người
nông dân… “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu không cố tìm mà
hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dỡ, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa bỉ ổi… toàn những cớ
để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không
bao giờ ta thương”.

Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của Nam Cao. ở đời cần phải có
một trái tim biết rung động, chia xẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải
nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt
của tình thương.

Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm
với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng
quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào
cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ.

Tóm lại cuộc đời Lão Hạc đầy nước mắt, đau thương. Sống thì cô đơn, bất hạnh,
nghèo đói, chết thì quằn quại đau đớn. Lão Hạc cũng đại diện cho số phận của bao
người nông dân khác, là một điển hình văn học mà người yêu văn thơ khó có thể
quên. Trong khổ đau, gian truân, nổi bật lên một phẩm chất hiền lành, nhân hậu,
chất phác và giàu lòng tự trọng. Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối
với số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng tháng 8.

Có thể thấy rằng câu nói của Belinsky là nhận định đúng đắn bởi đã nêu lên những
nét đặc trưng, độc đáo của nhân vật điển hình. Đây cũng là một gợi ý cho bạn đọc
về cách đánh giá, nhận diện những nhân vật điển hình trong một tác phẩm. Từ đó
thấy được tài năng, tâm huyết, tấm lòng nhân đạo của nhà văn trong sáng tạo nghệ
thuật.

You might also like