You are on page 1of 10

26 Xã hội học, số 1 - 2009

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI NÔNG THÔN


VIỆT NAM THỜI KỲ HIỆN ĐẠI HOÁ, CÔNG NGHIỆP HOÁ

BÙI QUANG DŨNG

Sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hơn hai thập kỷ qua gắn liền với sự
nghiệp Đổi mới, trong đó nội dung căn bản là công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Nông thôn là khu vực yếu nhất của nền kinh tế khi đất nước Đổi Mới, nhưng là điểm
khởi động quá trình này. Đổi Mới đã thực sự tạo ra tăng trưởng và phát triển xã hội
nông thôn thông qua việc cải cách hợp tác xã nông nghiệp, tự do hoá giá cả, giảm
dần vai trò của khu vực Nhà nước. Sự phát triển theo hướng thị trường đã tạo ra
những đột phá quan trọng: thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần (từ năm
1996 tới 2007), mức tích luỹ của hộ gia đình nông dân tăng gấp 2,1 lần (Trần Đình
Thiên, 2008); nền kinh tế nông thôn vượt bỏ cái ngưỡng “mưu sinh”, Việt Nam trở
thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Giao đất cho nông
dân làm chủ, công nhận kinh tế hộ gia đình đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho hàng
triệu hộ nông dân tăng đầu tư dài hạn và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã
hội, mô hình sản xuất gia đình “là một động lực làm phục hồi hệ thống tôn ty trật tự
vốn là chỗ dựa cho các gia đình Việt Nam” (Kerkvliet, 2000). Quá trình dân chủ hoá
đời sống xã hội nông thôn có những tiến triển đáng kể v.v...
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường và việc hội nhập ngày càng sâu vào
nền kinh tế quốc tế đã tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển
các chỉ số xã hội, và hiện nay đang xuất hiện các vấn đề mới. Bài viết này góp phần
thảo luận về một vài vấn đề phát sinh từ quá trình thay đổi kinh tế xã hội đang diễn
ra hiện nay tại nông thôn. Tài liệu tham khảo là những cuộc điều tra nông thôn, các
báo cáo nghiên cứu của các tổ chức Việt nam và quốc tế. Trong một chừng mực nhất
định, người viết cũng đặt cho mình nhiệm vụ tóm lược quan điểm của một số học
giả hữu quan về chủ đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Việt Nam
hiện nay.
Di dân nông nghiệp
Năm 2006 cả nước có 24,37 triệu lao động làm việc trong ngành nông nghiệp,
nhưng riêng khu vực nông thôn đã có 23,17 triệu người, chiếm 95,1%. Nếu so với tổng
lao động có việc làm của cả nước thì lao động nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng
52%. Về mặt cơ cấu lao động, giai đoạn 1996 - 2006 tỷ lệ lao động nông nghiệp nông
thôn đã có chuyển biến, giảm từ 82,3% trong tổng lao động nông thôn năm 1996 xuống
còn 69% năm 2006, bình quân mỗi năm giảm được trên 1%, mức giảm còn nhỏ so với
một số nước trong khu vực. Lao động nông thôn chiếm tới 3/4 lao động cả nước nhưng
lại tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp, nơi năng suất lao động thấp và cũng là nơi

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


Bùi Quang Dũng 27

quỹ đất canh tác ngày càng giảm. Tình trạng mất đất hoặc thiếu đất dẫn đến dư thừa lao
động và thiếu việc làm. Thu nhập của lao động nông nghiệp do đó trở nên thấp và thất
thường bởi tính thời vụ và rủi ro cao. Đây chính là lí do khiến tỷ lệ nghèo tập trung chủ
yếu ở khu vực nông thôn.
Trọng tâm của câu chuyện giảm nghèo là tạo thêm việc làm, giảm thất nghiệp,
hấp thụ số nhân lực mới tham gia lực lượng lao động, nhất là ở khu vực nông thôn.
Nhiều hộ gia đình nông thôn đã di cư đến các khu vực thành thị để kiếm việc làm.
Trước Đổi Mới, việc di cư đến các thành phố bị kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ
thống hộ khẩu. Hiện nay, những hạn chế về đi lại đã được dỡ bỏ, mặc dù những
người di cư vẫn cần phải có được giấy phép tạm trú. Giống như ở các nước đang
phát triển, di dân ở Việt Nam là một hiện tượng có tính quy luật, thể hiện rõ nét tính
chất của một nền kinh tế và xã hội quá độ.
Di chuyển lao động là một đòi hỏi tất yếu khách quan, biểu hiện rõ nét nhất sự
phát triển không đều giữa các vùng lãnh thổ. Những khác biệt về mức sống, thu
nhập, sức ép sinh kế, tiếp cận dịch vụ xã hội theo vùng là nguyên nhân cơ bản tạo
nên các dòng di cư hiện nay. Di dân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng
đối với một xã hội đang hiện đại hoá và một nền nông nghiệp đang chuyển đổi, di cư
chủ yếu là câu chuyện tìm kiếm công ăn việc làm. Tình trạng đất chật, người đông
và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (ở một số vùng miền Trung), lượng thời gian nông
nhàn và tình trạng thiếu việc làm tại chỗ đã đẩy một bộ phận dân cư di chuyển sang
các vùng khác để tìm kiếm thu nhập. Luồng di cư có thể là từ nông thôn đến nông
thôn hoặc từ nông thôn ra thành thị. Sự phân bố không đồng đều của các luồng vốn
đầu tư nước ngoài với sự tập trung cao ở khu vực miền Nam đã tạo nên một luồng di
cư rất mạnh mẽ từ các vùng khác nhau vào khu vực Đông Nam Bộ - nơi các doanh
nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động nhập cư. Di dân cũng đáp ứng nhu cầu
lao động ở thành thị, giúp điều chỉnh sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông
thôn bằng số tiền và hàng chuyển về nơi xuất cư. Theo kết quả của một số nghiên
cứu, tiền của người lao động nhập cư chiếm tới 60% thu nhập chuyển về khu vực
nông thôn. Có thể nói đó như một nguồn an sinh xã hội của người dân nông thôn.

Hà Nội là nơi mang lại thu nhập cao nhất cho người di cư
Thu nhập bình quân tháng của người di cư là 957.000 đồng/tháng thấp hơn
so với người không di cư (1.212.000 đồng/tháng). Các báo cáo chỉ ra rằng không
có sự khác biệt rõ ràng về thu nhập theo tuổi: trừ độ tuổi trẻ nhất (15 - 16) và già
nhất (55 - 59) kiếm được 714.000 - 762.000 đồng/tháng, các nhóm còn lại kiếm
được nhiều hơn từ 872.000 đồng/tháng - 1,3 triệu đồng/tháng.
Cũng theo báo cáo này thì việc tăng thu nhập do di cư có ở tất cả các nơi thu
hút dân đến nhưng Hà Nội là nơi mang lại thu nhập cao nhất, khoảng 21% người di
cư được hỏi cho biết họ có thu nhập cao hơn rất nhiều và 61% cho biết họ có thu

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


28 Một số vấn đề phát triển xã hội nông thôn Việt Nam...

nhập cao hơn. TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng là nơi tiếp theo có khoảng 80%
người di cư cho biết họ có thu nhập cao hơn nhưng chỉ có 8% người được hỏi cho
biết họ có thu nhập cao hơn rất nhiều. Gần 45% người di cư được hỏi nói rằng họ
gặp phải nhiều khó khăn như thiếu nước, điện, việc làm và không có nơi ở thích hợp
được coi là vấn đề chính. Phần lớn những người di cư gần đây không đăng ký hộ
khẩu. Chỉ có 12% người di cư đăng ký KT1 (thường trú), chủ yếu là người lớn tuổi và
người đã lập gia đình - nhỏ hơn nhiều so với toàn bộ người di cư không đăng ký hoặc
tạm trú ngắn hạn. Nhóm nghiên cứu kết luận "sự phổ biến của đăng ký tạm trú có
nghĩa là di dân tạm thời và di cư rồi lại quay trở lại nơi ở cũ". Nhưng có một lưu ý
khác là có đến 46% những người di cư cho rằng họ không đăng ký thường trú là vì bị
từ chối (không phải họ không mong muốn).
Văn Cương (Theo Thanh Niên)

Số liệu điều tra năm 2006 cho thấy trong tống số 486.500 người di cư giai đoạn
5 năm trước cuộc điều tra, số người đến khu vực thành thị chiếm 57%, tiếp đến là
luồng di cư nông thôn - nông thôn (30%), sau cùng là di cư thành thị - nông thôn
(13%). Ở khu vực nông thôn, nữ giới chiếm tỷ trong cao hơn nam giới ở cả hai
luồng di cư nông thôn - thành thị (21% so với 18%) và nông thôn-nông thôn (16%
so với 14%). Điều này chủ yếu do sự phát triển của thị trường lao động tại các đô thị
đã thu hút một lực lượng lớn dân nhập cư từ nông thôn. So với di cư nông thôn, di
cư thành thị đa dạng hơn về thể loại (Đặng Nguyên Anh, 2007).
Xã hội nông thôn vẫn chưa tạo ra được một khả năng tự vệ, một sức bật và tiềm
năng lâu dài cho một bộ phận nông dân. Trong bối cảnh đó, người nông dân ra các
thành thị, tham gia vào các hoạt động thương mại, hoặc làm công nhân cho các doanh
nghiệp nhỏ, thực hiện một số dịch vụ (giúp việc gia đình, trông trẻ v.v...) cho các gia
đình thành thị. Họ gia nhập vào đời sống đô thị một vài ngày, một vài tuần, hoặc vài
tháng, rồi lại trở về quê. Hoạt động này trên thực tế đã góp phần không nhỏ vào việc gia
tăng thu nhập của các hộ gia đình trong nông thôn. Lao động nhập cư trở thành nguồn
nhân lực bổ sung đáng kể cho thị trường lao động của các khu công nghiệp và đô thị.
Các khu công nghiệp lớn lân cận Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những minh hoạ
về vai trò này của lao động nhập cư. Sự chuyển dịch lao động thông qua di cư là một
tiềm năng quan trọng góp phần làm giảm sức ép lao động - việc làm ở nông thôn.
Giảm nghèo
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự phát triển mạnh của nông nghiệp trong suốt thập
niên 90 là nguyên nhân quan trọng lý giải cho sự tăng trưởng ở Việt Nam. Đó cũng
là nguyên nhân dẫn đến việc giảm nhanh mức “nghèo cơ bản” trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển lên, nông nghiệp sẽ không còn giữ vai trò quan

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


Bùi Quang Dũng 29

trọng trong giảm nghèo, vì tăng trưởng nông nghiệp sẽ đi kèm với tăng năng suất lao
động, do đó dẫn đến giảm nhu cầu đối với lao động nông nghiệp.
Khu vực phi nông nghiệp mới phát triển cũng góp phần giảm nghèo. Các hộ
gia đình ở nông thôn (nhóm dân cư nghèo nhất và đông nhất của nền kinh tế) cải
thiện được thu nhập của mình nhờ có nhiều việc làm hơn và sử dụng có hiệu quả
hơn các yếu tố sản suất. Tác động liên kết của tăng trưởng nông nghiệp là tăng thêm
nhiều việc làm phi nông nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn.
Số liệu điều tra hộ gia đình năm 2006 khẳng định xu hướng giảm nghèo đang
tiếp tục diễn ra ở Việt Nam, với tỷ lệ hộ gia đình sống dưới ngưỡng nghèo chỉ còn
16% so với 28,9% năm 2002, và 58,1% năm 1993. Hầu hết những người nghèo đều
sống ở nông thôn. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn đang tiếp tục giảm xuống, tuy với mức
giảm chậm hơn những năm trước đây. Từ năm 2004 đến năm 2006, tỷ lệ nghèo
nông thôn đã giảm đi 2,3 điểm phần trăm mỗi năm, so với 3,5 điểm từ năm 1993 đến
năm 2004 (UNDP, 2007). Trong khi đó, mức nghèo ở thành thị lại có vẻ như giữ
nguyên. Sự kết hợp của những xu hướng giảm nghèo khác nhau này ở nông thôn và
thành thị có lẽ là nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ nghèo ở các vùng miền và các tỉnh
đang xích lại gần với nhau hơn. Tuy nhiên, vùng núi phía Tây Bắc, vùng Tây
Nguyên và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ vẫn còn nghèo hơn nhiều so với các vùng
khác trên cả nước, mặc dù ở những vùng này, một số tỉnh và nhóm người vẫn cho
thấy tỷ lệ nghèo giảm rõ rệt.
Theo một tính toán quốc tế, ngưỡng nghèo thông dụng ở Việt Nam là chi phí
cho một rổ hàng hoá cung cấp 2.100 đơn vị calo cho một người trong một ngày. Dựa
vào thước đo này, có vẻ như mức nghèo đã giảm đáng kể từ năm 1993 đến năm
2006, cả ở khu vực nông thôn và thành thị, đối với cả người Kinh lẫn các đồng bào
dân tộc ít người. Theo những ước tính này, trong hơn 13 năm, Việt Nam đã giảm
nghèo cho 42% dân số, tương đương với 35 triệu người (UNDP, 2006). Các vùng
nông thôn vẫn là nơi có nhiều người nghèo sinh sống ở Việt Nam. Chính sự sụt
giảm trong tỷ lệ nghèo nông thôn đã khiến cho tỷ lệ nghèo của cả nước giảm đi rõ
rệt. Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có nhiều điều kiện
thuận lợi ban đầu cho việc giảm nghèo, bao gồm việc phân phối tài sản và thu nhập
tương đối đồng đều, sự hỗ trợ cao của Nhà nước đối với đầu tư xã hội. Chỉ số phát
triển con người (HDI) của Liên hợp quốc thể hiện nhất quán rằng Việt Nam đã đạt
kết quả tốt hơn so với các nước có cùng mức thu nhập đầu người.
Sự phân biệt giữa “nghèo cơ bản” và “nghèo do thị trường tạo ra”, do một số
học giả và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sử dụng, phản ảnh sự khác biệt giữa hai
giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Do đó nó một mặt có thể giúp
hiểu được ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế tới xoá đói giảm nghèo; mặt khác lại
cho thấy một phương diện khác của nghèo. Có thể nói khái niệm “nghèo” xuất hiện

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


30 Một số vấn đề phát triển xã hội nông thôn Việt Nam...

trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay ở Việt Nam, chứ không phải của
thời trước Đổi Mới, mặc dầu xét về mặt thu nhập đầu người hay về các chỉ số phát
triển kinh tế thuần tuý, thì “năng lực” của nông thôn nói riêng và toàn bộ nền kinh tế
đất nước hiện nay tăng lên nhiều lần so với trước Đổi Mới. Nhìn từ quan điểm phát
triển thì “nghèo” hiện nay diễn đạt một tình trạng cấu trúc nhất định. Thật thế, một
mặt, tăng trưởng kinh tế giúp giảm nghèo một cách cơ bản bằng cách tăng thu nhập
và tạo ra được công ăn việc làm; mặt khác, cùng với việc tạo ra những hoạt động
kinh tế mới là tình trạng thất nghiệp và không có đất, chưa kể vô số các hệ luỵ khác
xuất hiện gắn liền với sự phát triển các quan hệ thị trường. Chính trong bối cảnh
thay đổi thể chế này mà giảm nghèo, nhất là ở nông thôn, vẫn là một trong những
thách thức lớn đối với Việt Nam (năm 2006, 16% dân số vẫn sống dưới ngưỡng
nghèo).
Công bằng xã hội
Việc phân phối tài sản công bằng trong giai đoạn đầu của Đổi Mới giúp
giảm nghèo nhanh ở Việt Nam trong 15 năm qua. Đầu tư xã hội phát triển nguồn
nhân lực đồng đều diễn ra trước năm 1986, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục và y
tế cơ sở đã giúp vào sự nghiệp phát triển con người và thiết lập cơ sở cho
những thành công ban đầu của Đổi Mới. Sự tăng trưởng nhanh nhờ thay đổi cơ
chế đã tạo ra các hoạt động tạo thu nhập mới và cũng phân bổ lại thu nhập từ khu
vực nhà nước đến các hộ gia đình thông qua tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.
Phần lớn người dân Việt Nam có thu nhập tăng do các hoạt động kinh tế được tổ
chức lại một cách căn bản. Tỷ lệ nghèo cả nước đã giảm đáng kể, chủ yếu nhờ
tăng trưởng kinh tế nhanh.
Những phân tích về chính sách và vấn đề công bằng xã hội của khu vực nông
thôn Việt Nam phải đặt trong bối cảnh một nền kinh tế và xã hội đang chuyển đổi.
Trước kia, trong nền kinh tế kế hoạch hoá, mức độ bất bình đẳng thấp do giá cả và
thu nhập được quy định bằng các biện pháp hành chính. Các hộ gia đình được bao
cấp về nhiều mặt, đặc biệt là nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Hơn thế, việc
làm được đảm bảo cho tất cả mọi người, dầu rằng chưa tính tới hiệu quả của các
công việc đó. Xã hội theo cơ chế thị trường đặt ra môt logic ngược lại: đó là cơ chế
phân phối dựa trên các quan hệ trao đổi. Do vậy, trong giai đoạn chuyển đổi từ kế
hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường, tăng trưởng kinh tế đi kèm với bất bình
đẳng trong thu nhập. Logic này giúp hiểu được sự khác biệt rõ nét giữa hai khu vực
nông thôn và thành thị trong giai đoạn vừa qua. Một nghiên cứu về thu nhập cho
thấy các gia đình đô thị có thu nhập trung bình gần gấp đôi thu nhập trung bình ở
nông thôn: 9,6 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò
lớn trong cơ cấu thu nhập ở nông thôn, chiếm tới 42% tổng thu nhập, so với thành
thị là 6,2%. Trong khi đó, tỉ lệ thu nhập từ buôn bán ở nông thôn thấp hơn so với

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


Bùi Quang Dũng 31

thành thị (17% so với 30%).


Trong khi một số yếu tố như giáo dục, qui mô hộ gia đình, dân tộc và khu vực
địa lý góp phần giải thích sự chênh lệch về tỉ lệ hộ nghèo, thì sự khác biệt lớn nhất
xảy ra giữa khu vực thành thị và nông thôn. Theo báo cáo nghiên cứu mới đây của
Ngân hàng Thế giới, "với các điều kiện khác giống nhau, hộ gia đình ở thành thị chi
tiêu cao hơn 78% so với hộ nông thôn. Tác động này làm lu mờ tất cả các yếu tố
khác, kể cả về trình độ học vấn cao hơn" (Ngân hàng thế giới 2006). Theo một
tính toán khác, hệ số bất bình đẳng Gini tính theo chi tiêu dùng ở Việt Nam
tăng đến 0,37 trong 2002, trong khi đó năm 1998 là 0,35 và năm 1993 chỉ là
0,33(UNDP 2003). Chỉ số Gini tính theo thu nhập tăng đến 0,42, gần bằng chỉ số
Gini của Trung Quốc, trong khi Việt Nam có mức thu nhập đầu người thấp hơn
nhiều (thường thu nhập tăng thì bất bình đẳng cũng tăng lên). Xét về chi tiêu phi
thực phẩm, hệ số Gini tăng đến 0,49 phản ánh mức độ bất bình đẳng cao hơn. Một
điều khác cũng đáng lưu ý là có sự khác biệt lớn giữa các vùng đối với các chỉ
tiêu phúc lợi khác nhau như dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe bà mẹ và tiếp cận
nguồn nước sạch. Rõ ràng là Việt Nam đã đạt được những thành tựu tăng trưởng
kinh tế đáng khích lệ. Tuy nhiên nếu xét về góc độ đạt đến các mục tiêu phát triển,
trong đó bao gồm giảm nghèo, thì rõ ràng sự phát triển này còn có phần hạn chế.
Những thành tựu giảm nghèo không được phân bổ một cách đồng đều. Thật
vậy, thành tựu về tăng trưởng đầy ấn tượng, song Việt Nam mới chỉ đạt được 2/3
tiềm năng về giảm nghèo do bị ảnh hưởng tiêu cực của sự gia tăng bất bình đẳng.
Tình trạng đói nghèo về thực phẩm trong nhóm những người nghèo nhất, chủ yếu
là nông dân, dân tộc thiểu số, có vẻ trở nên trầm trọng hơn. Tình hình này đồng
nghĩa với việc còn tồn tại một khoảng cách đáng kể trong việc tham gia của mọi
tầng lớp nhân dân vào quá trình phát triển của đất nước.
Xét vấn đề ở cấp độ địa phương, khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng thấp gồm có
đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh thuộc đồng bằng phía Đông Bắc, một số huyện
thuộc duyên hải Bắc Trung bộ, một số huyện ở đồng bằng sông Cửu long và một vài
huyện duyên hải Nam Trung bộ. Mức độ bất bình đẳng về chi tiêu lớn nhất ở các khu
vực đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền núi bao
gồm cả Đông Bắc, Tây Bắc và Tây nguyên. Các khu vực đô thị lớn có tỷ lệ bất bình
đẳng cao, vì ở đó thường có các hộ giàu nhất nước và cả những hộ mới nhập cư với
thu nhập thấp, thậm chí thấp hơn thu nhập của hộ nông thôn. Tỷ lệ bất bình đẳng thấp
ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các vùng duyên hải là nhờ nền nông nghiệp thâm
canh và tỷ lệ dân số lớn sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Người dân làm nông nghiệp
trên các mảnh ruộng có hệ thống thủy lợi tương đối đồng nhất. Đất đai canh tác hợp
tác xã được phân bổ cho các gia đình. Đó là những yếu tố giúp duy trì sự bình đẳng
giữa các hộ.

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


32 Một số vấn đề phát triển xã hội nông thôn Việt Nam...

An sinh xã hội
An sinh xã hội cũng là một chủ đề quan trọng đối với việc phân tích sự phát
triển xã hội nông thôn. Trước khi tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1986, Nhà
nước có trách nhiệm chính trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các dạng
an sinh xã hội khác. Tuy nhiên, sau Đổi Mới, vai trò của Nhà nước đã thay đổi một
cách căn bản. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc người già và giáo dục,
phần lớn gánh nặng tài chính đã chuyển từ khu vực công sang các hộ gia đình. Nhờ
sự tăng trưởng thành công của nền kinh tế Việt Nam, khu vực tư nhân đã có thể
chịu được gánh nặng tài chính này, và nhiều chỉ số cho thấy Việt Nam rất thành
công trong các lĩnh vực xã hội. Các chỉ số phúc lợi phi thu nhập của các hộ gia đình
cũng đã được cải thiện một cách đáng kể. Mặc dù hộ gia đình còn gặp khó khăn
nhằm giải quyết các khoản chi tiêu về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều
nghiên cứu xác nhận rằng cải cách đã cải thiện nhiều tình hình trong lĩnh vực này.
Mặt khác, các quan sát ngày càng xác nhận rằng tại nông thôn Việt Nam đang
xuất hiện những khoảng cách đáng kể trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Đối với các nhóm dân cư kinh tế khá giả, cải cách đã mang lại cho họ nhiều cơ hội
hưởng lợi; đối với các nhóm nông dân khác, đặc biệt là người nghèo, chi phí của
các dịch vụ này thường cao và trong nhiều trường hợp đến mức người nông dân
nghèo không thể thanh toán. Xu hướng chuyển sang lao động được trả lương và tình
trạng mất đất canh tác tăng lên khiến nhóm các hộ gia đình dựa vào lao động nông
nghiệp truyền thống đang gặp khó khăn, trong khi bảo trợ xã hội từ cộng đồng còn
thiếu thốn. Tình hình này phản ảnh một quá trình xã hội đang diễn ra hiện nay tại
nông thôn nói riêng và ở Việt Nam nói chung: hộ gia đình và các cộng đồng địa
phương đang phải đảm nhiệm phần lớn kinh phí cho các dịch vụ xã hội.
Trong khi người lao động trong các lĩnh vực chính thức có thể sử dụng hệ
thống bảo hiểm xã hội thì nông dân lại không được bảo hiểm đầy đủ. Một phân tích
gần đây về hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam cho thấy rằng vị trí địa lý và hành
chính là một nhân tố quan trọng quyết định xác xuất nhận trợ cấp: các hộ ở thành thị
nhận trợ cấp cao hơn 6% so với hộ gia đình nông thôn; các gia đình thành thị giàu có
hơn, hưởng lợi nhiều hơn từ lương hưu (73%), trong khi con số này tại các hộ gia
đình nông thôn nghèo hơn là 57%. Phân tích so sánh vùng cũng xác nhận tình hình
tương tự về an sinh xã hội. Những người sống ở phía Nam có xác suất nhận trợ cấp
thấp, đặc biệt vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong khi miền núi
Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên và Đồng bằng sông Hồng có xác xuất nhận trợ
cấp cao hơn (Martin Evans: 2007).
Chi tiêu công được đánh giá là có lợi cho người nghèo, đặc biệt là nông
dân. Nhà nước phân bổ một phần ngân sách đáng kể cho các ngành kinh tế và
giáo dục. Với phần lớn người nghèo sống nhờ thu nhập trong nông nghiệp, cũng

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


Bùi Quang Dũng 33

như tầm quan trọng của y tế và giáo dục, cơ cấu phân bổ như vậy dường như lũy
tiến. Tuy nhiên, hiệu lực của chi tiêu công cũng như khả năng duy trì đang là vấn
đề chưa chắc chắn, trừ khi chi phí duy tu bảo dưỡng hiện nay còn quá thấp được
tăng lên tới mức phù hợp. Chi phí trợ cấp xã hội hiện nay đang có lợi cho người
nghèo ở mức các tỉnh nghèo hơn được nhận trợ cấp dưới dạng chuyển nhượng
ròng về cho tỉnh (UNDP 2003).
Chính là trong bối cảnh này mà xuất hiện ngay từ đầu thập kỷ 90, nhu cầu bổ
khuyết cho các giải pháp định hướng thị trường (trong lĩnh vực giáo dục và chăm
sóc sức khoẻ) bằng những chương trình tập trung vào các nhóm yếu thế. Một số
chương trình mục tiêu quốc gia được thiết lập nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với
giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho những hộ gia đình nghèo nhất, và các chương
trình đặc biệt cũng được áp dụng để hỗ trợ sự phát triển của những làng nghèo. Phần
lớn các chương trình này được lồng ghép vào “Chương trình xoá đói giảm nghèo”
phát triển từ giữa những năm 1990 (Ari Kokko: 2008).
Phát triển xã hội nông thôn
Hiện nay 60% dân số Việt Nam (khoảng 50 triệu) sống ở nông thôn. Trong
tương lai tỉ lệ cư dân nông thôn sẽ giảm xuống còn khoảng 30% - 40%. Nhưng nếu
căn cứ trên tỷ lệ tăng trưởng dân số hiện nay, thì tương lai sẽ vẫn còn 50 - 60 triệu
người Việt Nam sống ở nông thôn. Việt Nam trong một thời gian dài nữa sẽ vẫn là
một nước nông nghiệp, và nông dân vẫn là tầng lớp đứng trước khả năng gánh chịu
những “rủi ro phát triển” cao hơn cả. Trong tình hình còn thiếu các cơ chế bảo vệ và
giảm thiểu những rủi ro thị trường và thiên tai, một bộ phận nông dân có khả năng
rơi trở lại cảnh nghèo. Mặc dù các quyền của nông dân đối với ruộng đất đã được
luật pháp quy định, nhưng sự bảo vệ về mặt pháp lý này triển khai trên thực tế rất
chậm và gặp không ít khó khăn. Quyền sở hữu kinh tế thực tế của nông dân đối với
ruộng đất chưa được thực hiện một cách triệt để và chính điều đó tạo nên khó khăn
cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Trong bối cảnh đó, có thể nói rằng Việt Nam đang đứng trước một thách
thức lớn đối với sự phát triển xã hội nông thôn thập niên tới. Vấn đề là phải tìm
ra cho được một cơ chế phát triển thích hợp để không những tiếp tục đạt được
những mục tiêu kinh tế mà còn phải đạt tới những chỉ số phát triển xã hội cao và
bền vững. Nhận thức tầm quan trọng sống còn của vấn đề, Hội nghị Ban chấp
hành trung ương Đảng lần thứ 7 khoá X (tháng 8/2008) đã thông qua Nghị quyết
về “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, trong đó đặc biệt làm rõ rằng “Công
nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu của quá trình Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước. Trong mối quan
hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của
quá trình phát triển...”

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


34 Một số vấn đề phát triển xã hội nông thôn Việt Nam...

Bằng chứng tại các nước đang phát triển cho thấy cải cách tài chính công là
điểm then chốt trong chiến lược phát triển xã hội và nền kinh tế nông thôn. Một
chiến lược phát triển nông thôn dài hạn ở Việt Nam cần tăng cường phân bổ kinh
phí cho khu vực này. Các loại đầu tư có tác động lớn nhất đối với năng suất trong
nông nghiệp và giảm nghèo là đầu tư vào xây dựng đường xá, công trình thủy
lợi, điện nông thôn và cho nghiên cứu triển khai trong nông nghiệp cũng như các
hoạt động khuyến nông. Nhà nước đang dành một nguồn lực đáng kể cho phát
triển thông qua một loạt các chương trình có mục tiêu. Tuy nhiên, trong khuôn
khổ ngân sách dành cho mục đích này, vẫn cần tìm kiếm cách thức để có thể
tạo ra những tác động tốt nhất. Mục tiêu cần hướng tới là đảm bảo sự tham gia
tích cực hơn của những người được hưởng lợi trong toàn bộ chu trình thực hiện
các dự án phát triển, đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân, đảm bảo dân chủ
trong việc ra quyết định.
Cần đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn lực phát triển con người và phải đặc
biệt chú ý đến các dịch vụ xã hội căn bản. Di dân là một cơ chế quan trọng cho
phép người dân ở các tỉnh nghèo di chuyển đến vùng phù hợp hơn để tham gia vào
quá trình tăng trưởng và xu hướng đó cần phải được tính tới trong các kế hoạch phát
triển kinh tế xã hội. Những tỉnh có nguồn nhập cư đến nhiều cần phải được giữ
lại một phần thuế lớn hơn nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ nhà cửa và xã hội
căn bản. Các thủ tục hộ khẩu cần cải thiện hơn nữa theo hướng tạo điều kiện tốt
hơn cho việc đăng ký hộ khẩu của người nhập cư cũng như các nhu cầu xã hội
khác của gia đình họ (giáo dục và chăm sóc sức khoẻ).
Để giảm bớt xu hướng bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, cần đẩy
mạnh cải cách thể chế khu vực nông thôn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến
tiếp cận dịch vụ sản xuất. Tăng cường đầu tư phát triển nông thôn, tạo cơ hội việc
làm có thu nhập cho người nông dân nhằm thu hẹp sự khác biệt giữa nông thôn và
thành thị là một giải pháp lâu dài điều chỉnh các dòng di cư ra thành phố.
Phương thức cải thiện hệ thống an sinh xã hội nên được xem xét ở một số
khía cạnh sau: phát triển và đầu tư vào hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia thống
nhất (xác định một cách có hệ thống những nhóm dân số dễ bị tổn thương và xây
dựng năng lực hoạt động để phối hợp thực hiện chính sách); mở rộng các chương
trình bảo hiểm xã hội trong những năm tới. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với
phát triển nông thôn Việt Nam, là nơi cho tới nay bảo hiểm xã hội thường chỉ
dành cho những người làm trong khu vực nhà nước. Phải làm nhiều hơn nữa
trong lĩnh vực an sinh xã hội để cho sự phân cực đang xuất hiện trong xã hội
nông thôn (và xã hội Việt Nam nói chung) không đe dọa sự ổn định xã hội. Trong
quá trình hình thành hệ thống y tế và hưu trí cần tính tới xu hướng già hóa dân số
đang ngày càng trở thành rõ nét ở Việt Nam./.

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn


Bùi Quang Dũng 35

Tài liệu trích dẫn

1. Ari Kokko (chủ biên). Việt Nam 20 năm Đổi Mới, Viện Khoa học xã hội Việt
Nam. Hà Nội 2008.
2. Bùi Quang Dũng và đồng sự. Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam năm 2007, (Báo
cáo nghiên cứu, viện Xã hội học).
3. Đặng Nguyên Anh. Xã hội học dân số, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà
Nội 2007
4. Đỗ Tiến Sâm, 2008. Vấn đề tam nông ở Trung Quốc, thực trạng và giải
pháp. Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa. Hà Nội 2008.
5. F. Houtart và đồng nghiệp . Hải Vân - một xã ở Việt Nam: nghiên cứu xã
hội học về sự quá độ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội 1984.
6. Lê Bạch Dương và đồng nghiệp. Bảo trợ xã hội cho những nhóm thiệt thòi ở
Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới. Hà Nội 2005.
7. Martin Evans và đồng nghiệp. An sinh xã hội ở Việt Nam lũy tiến đến mức
nào. UNDP 2007.
8. Một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở các nước và Việt
Nam, Nhà xuất bản Thế giới. Hà Nội, 2000.
9. Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Một số vấn đề kinh tế xã hội sau 20 năm
Đổi Mới ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội 2007.
10. Ngân hàng Phát triển Châu Á, 2007. Để chuỗi giá trị hiệu quả hơn cho
người nghèo.
11. Ngân hàng thế giới. Đa dạng hoá nông nghiệp ở Việt Nam. 2006
12. Trần Đình Thiên, 2008. Đổi mới và phát triển nông nghiệp ở Việt Nam:
thành tựu, vấn đề và triển vọng (Tham luận Hội thảo Việt Nam - Cuba lần
thứ ba, 12/2008).
13. Trịnh Duy Luân, Xã hội học đô thị. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội 2004.
14. UNDP. Đẩy mạnh chiều sâu dân chủ và tăng cướng sự tham gia của người dân
ở Việt Nam, (Văn kiện đối thoại chính sách, 12/2006).
15. UNDP, 2005. Phát triển khu vực dịch vụ ở Việt Nam: chìa khoá cho sự phát
triển bển vững. 11/2005.
16. UNDP, 2003. Tổng quan và tóm lược viện trợ phát triển chính thức tại Việt
Nam. 12/2003.

Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn

You might also like