You are on page 1of 38

TÀI LIỆU HỖ TRỢ HỌC TẬP

CÁC LỚP CHẤT LƯỢNG CAO


KHÓA 48
MÔN ĐẠI CƯƠNG VĂN HÓA
VIỆT NAM

HỌC KỲ II, NĂM HỌC 2023 -2024


(Lưu hành nội bộ)
MỤC LỤC
Nội dung Trang
PHẦN I: ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT………………………………………… 1
1. Tên môn học……………………………………………………………..1
2. Số tín chỉ ………………………………………………………………...1
3. Mục tiêu môn học………………………………………………………..1
4. Phương pháp giảng dạy………………………………………………….1
5. Phương pháp kiểm tra đánh giá………………………………………….2
6. Nội dung chi tiết môn học……………………………………………….2
Chương 1: Khái niệm về văn hóa và khái quát về văn hóa Việt Nam.......2
Chương 2: Đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam…….. 9
Chương 3: Sự tác động của văn hóa truyền thống đến văn hóa
pháp luật Việt Nam xưa và nay……………………….............................25
Chương 4: Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa…..30
PHẦN II: CÂU HỎI LÝ THUYẾT VÀ BÀI TẬP THỰ HÀNH…………34
PHẦN III: TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………..35
TÀI LIỆU HỖ TRỢ HỌC TẬP MÔN ĐẠI CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM
DÀNH CHO CÁC LỚP CHẤT LƯỢNG CAO
NĂM HỌC 2023 – 2024
-------------------
PHẦN I: ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
1. Tên môn học: Đại cương văn hóa Việt Nam
2. Số tín chỉ: 02 tín chỉ (gồm 24 tiết lý thuyết và 12 tiết thảo luận)
3. Mục tiêu môn học:
3.1. Về kiến thức:
- Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cơ sở hình thành và các đặc trưng
cơ bản làm nên bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam.
- Nhận diện và phân tích được sự tác động hai mặt của văn hóa truyền thống đối với
công cuộc hiện đại hóa đất nước và giao lưu, hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.
- Có khả năng vận dụng các kiến thức đã học để phân tích, giải thích và đánh giá các
sự kiện, các vấn đề văn hóa đã và đang diễn ra trong thực tiễn đời sống.
- Nhận thức được mối quan hệ bản chất giữa văn hóa và văn hóa pháp luật; Lý giải
được thực trạng văn hóa ứng xử với pháp luật của người Việt hiện nay từ sự chi phối của
nền tảng văn hóa truyền thống.
3.2. Về kỹ năng:
- Rèn luyện các kỹ năng tư duy khoa học và các kỹ năng tự nghiên cứu và khả năng tư
duy độc lập để có thể tự học và nghiên cứu lâu dài.
- Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình trước đông người.
- Rèn luyện kỹ năng biết vận dụng các kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống.
3.3. Về thái độ:
- Giáo dục thái độ và hành vi ứng xử văn hóa tích cực dựa trên các tiêu chí Chân -
Thiện - Mỹ để trở thành những nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa, tạo nền tảng và
động lực cho sự phát triển bền vững của xã hội.
- Giúp hình thành ở người học thói quen quan tâm đối với các vấn đề văn hóa – xã hội
đã và đang diễn ra trong đời sống.
- Xây dựng thái độ và hành vi tích cực trong văn hóa ứng xử với pháp luật.
4. Phương pháp giảng dạy:
- Thuyết trình;
- Thảo luận nhóm.
5. Phương pháp đánh giá:

Hình thức Tỉ lệ

Thuyết trình: văn hóa Việt Nam - truyền thống và hiện đại (nhóm) 15%

1
Thuyết trình: văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay (nhóm) 15%

Bài tập cá nhân + chuyên cần + phát biểu 20%

Thi cuối kỳ (tự luận) 50%

Tổng điểm 100%

6. Nội dung chi tiết môn học:


Chương 1: Khái niệm về văn hóa và khái quát về văn hóa Việt Nam
1. Khái niệm về văn hóa
1.1. Về thuật ngữ văn hóa
- Văn hóa với nghĩa rộng là một phạm trù xã hội: đó là các thói quen, nếp sống, cách tư
duy, ứng xử của một cộng đồng với cả hai mặt tích cực và tiêu cực, được hình thành trong
quá trình tương tác với các điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể (ví dụ: văn hóa nông nghiệp,
văn hóa làng…).
- Văn hóa với nghĩa hẹp là một phạm trù giá trị: chỉ các hành vi ứng xử tích cực, phù hợp
với các tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ của cộng đồng (ví dụ: ứng xử có văn hóa/ không có văn
hóa).
1.2. Định nghĩa văn hóa
- Định nghĩa của nhà nhân chủng học nổi tiếng người Anh - Edward Burnett Tylor
(1832-1917): “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học nói chung gồm có
tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói
quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách là một thành viên của xã hội” (E.B.Tylor,
Văn hóa nguyên thủy, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2000, tr.13).
- Định nghĩa của cựu Tổng Giám đốc UNESCO - ông Federico Mayor: “Văn hóa là
tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt
động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị
hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc” (Thông tin UNESCO, số tháng
1-1988).
- Định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc
sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa
học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở và
các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (Hồ Chí
Minh toàn tập, in lần II, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995, tập III, tr. 431).
- Định nghĩa của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ
các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động
thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (Giáo trình
Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999, tr.10).
2
1.3. Văn hóa với các khái niệm có liên quan
1.3.1. Văn hóa với văn minh
Văn hóa và văn minh đều chỉ những thành tựu sáng tạo vật chất và tinh thần do con người
sáng tạo ra, do đó trong thực tế, có khi người ta vẫn dùng hai khái niệm này không có sự
phân biệt. Tuy nhiên, hai khái niệm này tuy có quan hệ gần gũi, thống nhất, nhưng không
đồng nhất mà có sự khác nhau.
a. Sự thống nhất giữa văn hóa và văn minh
- Văn hóa và văn minh đều là những thành quả sáng tạo vật chất và tinh thần do con
người sáng tạo ra; đều là những phạm trù xã hội, văn hoá và văn minh thẩm thấu vào nhau
nên khó có thể chỉ ra ranh giới giữa chúng một cách tách bạch, rạch ròi (văn hóa lúa nước/
văn minh lúa nước; văn hóa đồ đồng/ văn minh đồ đồng; văn hoá nghe nhìn/ văn minh
nghe nhìn…).
b. Sự không đồng nhất giữa văn hóa và văn minh
- Về thuật ngữ: culture (văn hóa) bắt nguồn từ chữ cultus (trồng trọt), còn civilisation
(văn minh) có từ gốc là civitas (thành phố), gắn với đô thị (phương Tây).
- Văn hóa và văn minh đều là tổng hòa những thành quả vật chất và tinh thần của con
người, nhưng văn hóa thiên về mặt định tính, biểu hiện giá trị tinh thần, còn văn minh thiên
về mặt định lượng, chỉ những thành tựu, tiện nghi vật chất gắn với trình độ phát triển của
xã hội qua từng giai đoạn.
- Văn hoá là thói quen, lối sống, phong tục tập quán nên bao gồm cả hai mặt tích cực
và tiêu cực, còn văn minh gắn liền với những phát minh/ sáng chế/ thành tựu để đem lại
cho con người những tiện ích trong cuộc sống nên nó gắn liền với tính giá trị - tính tích
cực.
- Văn hóa có tính quá trình, là sự kế tục, tiếp nối truyền thống, được tích luỹ, bồi đắp
qua bề dày lịch sử; còn văn minh có tính thời đoạn, là sự phát minh, phủ định, vượt qua
truyền thống, chỉ trình độ phát triển của nhân loại gắn liền với từng thời kỳ/ giai đoạn lịch
sử (văn minh đồ đá, văn minh đồ đồng, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn
minh hậu công nghiệp…).
- Văn hóa là phần chìm ở chiều sâu, là mặt tĩnh, tương đối ổn định và bền vững của
xã hội, còn văn minh biểu hiện ở bề nổi dễ nhận diện, có tính động, dễ thay đổi.
- Văn hoá là phạm trù gắn liền với tính dân tộc, thể hiện đặc thù riêng của từng dân
tộc, còn văn minh là phạm trù có tính quốc tế, dễ phổ biến, lây lan.
c. Sự tác động qua lại giữa văn hóa và văn minh
+ Văn minh tác động đến văn hóa:
Sự thay đổi từ nền văn minh này sang nền văn minh khác (những phát minh, các
thành tựu khoa học, công nghệ) là nhân tố quan trọng tác động làm thay đổi một nền văn
hóa (sự thay đổi đời sống vật chất tất yếu dẫn đến sự thay đổi đời sống tinh thần). Sự tác
động của văn minh đến văn hóa diễn ra theo hai chiều hướng:
3
* Tác động tích cực:
- Văn minh vật chất phát triển sẽ tạo điều kiện để con người được hưởng thụ nhiều
hơn những giá trị văn hóa nhờ vào các tiện nghi vật chất; đồng thời, những thành tựu khoa
học công nghệ sẽ tất yếu kéo theo sự tiến bộ về tổ chức xã hội, làm giải phóng sức lao
động, khiến con người có nhiều thời gian hơn để hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần.
- Văn minh thúc đẩy văn hóa phát triển, bởi nó góp phần làm thay đổi những yếu tố
văn hóa đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, tạo nên những giá trị văn hóa mới.
* Tác động tiêu cực:
- Một nền văn minh khi mới ra đời thường tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, do
đó không tránh khỏi việc gây xáo trộn tính ổn định của một nền văn hóa.
- Những phát minh khoa học và thành tựu công nghệ nếu bị sử dụng với mục đích
không tích cực (không nhân văn, nhân đạo) thì sẽ tác động xấu đến văn hóa, có thể làm
méo mó tâm hồn, nhân cách của con người, thậm chí có thể gây diệt vong cả một nền văn
hóa (chất phóng xạ, ma tuý, thuốc lắc, phim ảnh, văn hoá phẩm đồi truỵ…).
+ Văn hoá tác động đến văn minh:
- Văn hóa có vai trò định hướng sự tiến bộ của văn minh bằng cách tác động đến cách
thức và mục đích sử dụng những tiến bộ kỹ thuật. Nếu thiếu đi một nền tảng văn hóa mang
tính nhân văn (chân – thiện – mỹ) thì con người sẽ không làm chủ được văn minh, sẽ bị
phụ thuộc, nô dịch bởi văn minh vật chất. Một nền văn hóa chỉ có thể làm chủ được những
thành tựu của văn minh khi nó là một nền văn hoá sâu sắc, phong phú, tiến bộ và giàu tính
nhân văn.
1.3.2. Văn hóa với văn hiến và văn vật
- Văn hiến: là các giá trị văn hóa phi vật thể (các giá trị tinh thần, tư tưởng, học thuật,
danh nhân - hiền tài...).
- Văn vật: là các di sản văn hóa tồn tại dưới dạng vật thể hữu hình (nhà cửa, đền chùa,
các công trình kiến trúc, công cụ, vật dụng...).
Văn hiến và văn vật là các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần được cộng đồng sáng
tạo và lưu giữ qua trường kỳ lịch sử, là hai phương diện thể hiện giá trị văn hóa truyền thống,
góp phần làm nên bản sắc của một nền văn hóa.
1.4. Cấu trúc của hệ thống văn hóa
Văn hóa là cái “vô sở bất tại”, không đâu không có, ở đâu có đời sống xã hội của con
người thì ở đó văn hóa hình thành. Các thành tố của văn hóa hiện diện và thẩm thấu trong
mọi hoạt động sống của con người, liên quan và chi phối lẫn nhau, khó có thể phân chia tách
bạch, rạch ròi. Tuy nhiên, trong tư duy lý thuyết, một cách tương đối, có thể nhận diện cấu
trúc của hệ thống/ nền văn hóa qua các phương diện:
- Văn hóa vật chất: gồm các yếu tố văn hóa được biểu hiện qua các hoạt động/ cách
thức làm ra sản phẩm và cách thức, thói quen tiêu thụ các sản phẩm ấy để đáp ứng nhu cầu
vật chất của con người như: lao động sản xuất, ăn, mặc, ở, đi lại.
4
- Văn hóa tinh thần: gồm các yếu tố văn hóa biểu hiện qua các hoạt động tinh thần của
xã hội như: nhận thức, tư tưởng, ngôn ngữ, học thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội,
giao tiếp ứng xử, nghệ thuật...
- Văn hóa tổ chức xã hội: gồm các yếu tố văn hóa biểu hiện qua phương thức tổ chức
các đơn vị cộng đồng để hình thành nên xã hội như: gia đình, làng xã, đô thị, quốc gia.
1.5. Bản chất, đặc trưng và chức năng của văn hóa
1.5.1. Bản chất của văn hóa
- Văn hóa gắn liền với hoạt động sống của con người, là sản phẩm sáng tạo của con
người trong mối quan hệ tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội, do đó, bản chất của
văn hóa được thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội và với mỗi
cá nhân.
1.5.2. Đặc trưng của văn hóa
- Tính tổng hợp: văn hóa hiện diện trong mọi hoạt động sống của con người nên nó là
một phạm trù mang tính phổ quát, được biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa có mặt trong tất cả, nhưng tất cả lại không chỉ là văn
hóa. Vì vậy để nhận diện đặc trưng của một nền văn hóa, cần có một cái nhìn bao quát, tổng
hợp từ mọi phương diện của đời sống.
- Tính hệ thống: các thành tố trong cấu trúc của một nền văn hóa không tồn tại đơn lẻ,
độc lập mà liên quan, thẩm thấu, thống nhất và chi phối lẫn nhau làm nên tính hệ thống của
văn hóa.
- Tính truyền thống: văn hóa là sản phẩm của một quá trình, được tích lũy qua nhiều thế
hệ, được trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, tạo nên bề dày, chiều sâu của mỗi nền
văn hóa, đó là tính truyền thống của văn hóa. Vì vậy để nhận diện đặc trưng của một nền văn
hóa thì phải có cái nhìn xuyên suốt qua chiều dài lịch sử.
1.5.3. Chức năng của văn hóa
- Chức năng tổ chức xã hội: văn hóa tồn tại như một mô thức ứng xử của cộng đồng,
đồng thời cũng là một sợi dây vô hình gắn kết, ràng buộc con người trong những khuôn mẫu
ứng xử nhất định, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, làm tăng sự ổn định của xã hội.
- Chức năng giáo dục: nếu con người được thừa hưởng những yếu tố thể chất và hành
vi bản năng qua sự kế thừa sinh học thì văn hóa lại là kết quả của sự chuyển giao mang tính
xã hội, tức là thông qua con đường giáo dục. Thông qua các hành vi ứng xử văn hóa của
cộng đồng, một cách tự giác, con người sẽ được giáo dục theo chuẩn mực ứng xử của cộng
đồng ấy.
- Chức năng giao tiếp: văn hóa chứa đựng trong nó những thông tin tổng hợp về con
người, đó là “thông điệp của thời gian” mà thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau, cộng đồng
này lan truyền sang cộng đồng khác để kết nối thông tin theo cả hai chiều lịch đại và đồng
đại. Vì vậy văn hóa chính là một phương tiện giao tiếp quan trọng của con người.

5
- Chức năng kế tục lịch sử: văn hóa được hình thành trong một quá trình, được tích lũy
qua nhiều thế hệ, bởi vậy, nó đóng vai trò là sợi dây kết nối lịch sử để đảm bảo tính liên tục,
xuyên suốt thời gian, làm cho lịch sử trở thành một dòng chảy không bị đứt đoạn, có vai trò
kết nối giữa các thế hệ.
2. Khái quát về văn hóa Việt Nam
2.1. Điều kiện tự nhiên và xã hội chi phối sự hình thành văn hóa Việt Nam
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
+ Vị trí địa lý:
- Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, đầu mối giao lưu của khu vực -
nơi giao cắt giữa các nền văn hóa và văn minh lớn của khu vực và nhân loại (Trung Hoa, Ấn
Độ).
+ Điều kiện tự nhiên:
- Tính chất sông nước: Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, có bờ biển chạy dài
suốt chiều dài đất nước.
- Tính chất thực vật: Việt Nam thuộc xứ sở nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, đa dạng về
địa hình sinh thái nên rất thuận lợi cho các loài cây trồng phát triển.
Hai đặc điểm này của điều kiện tự nhiên đã chi phối và thẩm thấu vào chiều sâu của văn
hóa Việt trên các lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
2.1.2. Phương thức sản xuất
- Nghề nông trồng lúa nước đã hình thành từ lâu đời và được duy trì suốt chiều dài lịch
sử dân tộc, là nền tảng hình thành các đặc trưng văn hóa gốc của dân tộc. Xuyên suốt cả quá
trình lịch sử, xã hội Việt Nam được tổ chức dựa trên phương thức sản xuất nông nghiệp lúa
nước tiểu nông với các đơn vị nền tảng là gia đình và làng xã. Bởi vậy, có thể nói, đặc trưng
của cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống là các gia đình tiểu nông trong các làng xã tiểu
nông. Chính cơ cấu xã hội tiểu nông đã chi phối sâu sắc đến sự hình thành bản sắc văn hóa
Việt Nam, biểu hiện trên mọi lĩnh vực, từ hoạt động vật chất đến hoạt động tinh thần và cách
thức tổ chức xã hội.
2.1.3. Điều kiện lịch sử - xã hội
- Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm phương Bắc, phương Tây, đồng
thời đó cũng là quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác, qua đó đã du nhập
thêm các yếu tố văn hóa mới, làm giàu có và phong phú cho bản sắc văn hóa dân tộc.
2.2. Định vị văn hóa Việt Nam
2.2.1. Khái niệm về loại hình văn hóa
Do sự chi phối của điều kiện tự nhiên và xã hội khác nhau nên mỗi quốc gia/ dân tộc/
vùng miền trên thế giới đều có những đặc trưng văn hóa mang dấu ấn riêng. Tuy nhiên, nếu
truy nguyên về nguồn gốc xuất phát thì các nền văn hóa của các quốc gia/ dân tộc hiện nay
dù phong phú và đa dạng đến mấy cũng đều xuất phát từ một trong hai loại hình văn hóa gốc
của nhân loại – là hệ quả của hai phương thức sản xuất từ cổ xưa: văn hóa gốc chăn nuôi du
6
mục hoặc văn hóa gốc nông nghiệp trồng trọt. Mỗi loại hình văn hóa có những đặc điểm cơ
bản nổi trội khác nhau, có thể nhận diện qua một số đặc điểm cơ bản sau:
Văn hóa gốc chăn nuôi du mục Văn hóa gốc nông nghiệp trồng trọt
(Văn hóa phương Tây) (Văn hóa phương Đông)

- Sống du cư, thích di chuyển, trọng - Sống định cư, thích sự ổn định, trọng
động, hướng ngoại. tĩnh, hướng nội, tự trị.
- Đề cao tính cá nhân - Đề cao tính cộng đồng
- Coi thường tự nhiên, mong muốn - Sùng bái tự nhiên, mong muốn hòa hợp
chinh phục tự nhiên. với tự nhiên.
- Thiên về tư duy khoa học, coi trọng - Thiên về tư duy kinh nghiệm, nặng về
tính khách quan. chủ quan, cảm tính.
- Thiên về tư duy phân tích, coi trọng - Thiên về tư duy tổng hợp - biện chứng,
vai trò của từng yếu tố. coi trọng quan hệ.
- Ứng xử theo nguyên tắc. - Ứng xử mềm dẻo, linh hoạt.
- Trọng võ, trọng lý. - Trọng văn, trọng tình.

2.2.2. Loại hình văn hóa Việt Nam


Do vị trí địa lý nằm ở tận cùng phía đông - nam châu Á nên Việt Nam thuộc loại hình
văn hóa gốc nông nghiệp trồng trọt điển hình (văn hóa phương Đông). Tất cả những đặc
trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp trồng trọt đều được thể hiện rõ nét trong đặc
trưng văn hóa Việt Nam, biểu hiện trên mọi lĩnh vực, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh
thần và văn hóa tổ chức xã hội. Bằng chứng là:
- Người Việt từ xưa đến nay đều ưa thích một cuộc sống định cư ổn định (An cư lạc
nghiệp), vì vậy đã tạo nên tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương. Nhưng cũng từ đây
đã hình thành lối sống tự trị, khép kín, hướng nội, hạn chế sự giao lưu, mở rộng quan hệ
với bên ngoài. (Ăn cây nào rào cây ấy; Trâu ta ăn có đồng ta; Ta về ta tắm ao ta…).
- Cư dân nông nghiệp Việt Nam rất sùng bái tự nhiên, luôn mong muốn mưa thuận
gió hòa để có cuộc sống no đủ (câu cửa miệng của người Việt là “lạy Trời, “ơn Trời”,
“nhờ Trời”, …). Các tín ngưỡng và lễ hội sùng bái tự nhiên rất phổ biến ở các tộc người
trên khắp mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là các dân tộc thiểu số.
- Cuộc sống định cư tạo cho người Việt tính gắn kết cộng đồng cao (Bán anh em xa
mua láng giềng gần; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; Lụt thì lút cả làng; Nước nổi thì bèo
nổi…).
- Sự gắn bó cộng đồng tạo nên lối sống trọng tình nghĩa (Lá lành đùm lá rách; Chị
ngã em nâng; Bầu ơi thương lấy bí cùng…); các quan hệ ứng xử thường đặt tình cao hơn
lý (Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình; Nhất quen, nhì thân, tam thần, tứ thế…).

7
- Lối tư duy tổng hợp - biện chứng kết hợp với lối sống trọng tình đã tạo nên thói quen
tư duy, ứng xử tùy tiện, vô nguyên tắc (Yêu nên tốt, ghét nên xấu; Yêu nhau cau sáu bổ ba,
ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười; Thương nhau mọi việc chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch
cũng kê cho bằng…).
- Lối tư duy tổng hợp, biện chứng cũng là nguyên nhân dẫn đến lối ứng xử mềm dẻo,
linh hoạt, được thể hiện rõ qua quan niệm sống của người Việt (Tùy cơ ứng biến; Nhập gia
tùy tục; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy…).
- Kiểu tư duy nặng về kinh nghiệm chủ quan, cảm tính cũng thể hiện rõ trong văn hóa
nhận thức, ứng xử của người Việt: coi trọng kinh nghiệm chủ quan hơn là cơ sở khách quan
và tri thức khoa học (Nhìn mặt mà bắt hình dong; Trăm hay không bằng tay quen; Sống
lâu lên lão làng…).
Như vậy, hầu như tất cả những đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp trồng
trọt đều được thể hiện rõ nét trong lối sống, phương thức tư duy và thói quen ứng xử của
người Việt, được thể hiện qua kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ - đó là những giá trị văn
hoá phi vật thể được đúc kết qua nhiều thế hệ, được lưu truyền trong dân gian.
2.3. Tiến trình văn hóa Việt Nam
Văn hóa dân tộc là một dòng chảy liên tục, không đứt đoạn, là sự gối đầu, đan xen khi
cái mới hình thành trên nền cái cũ chưa mất đi, vì vậy trong thực tế không thể phân chia rạch
ròi các giai đoạn văn hóa. Tuy nhiên, trong tư duy nghiên cứu, một cách tương đối, căn cứ
trên những đặc điểm nổi trội của mỗi thời kỳ lịch sử, có thể phân chia tiến trình văn hóa Việt
Nam qua các giai đoạn chính như sau:
2.3.1. Giai đoạn định hình nền tảng văn hóa bản địa (văn hóa thời sơ sử)
- Thời gian: khoảng 2.000 năm tr.CN.
- Đặc điểm lịch sử - xã hội: sự hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên - nhà nước Văn Lang
– Âu Lạc.
- Đặc điểm văn hóa: đây là giai đoạn tạo lập những nền tảng đầu tiên để định hình những
đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước (phương thức sản xuất, ăn, mặc, ở, đi lại, phong tục,
tín ngưỡng, lễ hội, tổ chức cộng đồng…).
2.3.2. Giai đoạn du nhập văn hóa phương Đông (thời Bắc thuộc)
- Thời gian: 1.000 năm (từ TK I đến TK X).
- Đặc điểm lịch sử - xã hội: sự đô hộ của phong kiến Trung Hoa.
- Đặc điểm văn hóa: đây là giai đoạn du nhập các yếu tố văn hóa phương Đông, (Phật
giáo, Nho giáo và các yếu tố văn hóa Trung Hoa), là giai đoạn quá độ để hình thành bản sắc
văn hóa truyền thống Việt Nam với sự hòa nhập, hỗn dung giữa tầng văn hóa bản địa (nông
nghiệp lúa nước) với tầng văn hóa ngoại sinh (văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ).
2.3.3. Giai đoạn định hình bản sắc văn hóa truyền thống (văn hóa thời phong kiến Đại Việt)
- Thời gian: từ TK XI đến TK XIX.

8
- Đặc điểm lịch sử - xã hội: sự hình thành và phát triển của các triều đại phong kiến tự
chủ Đinh – Lý – Trần – Lê – Nguyễn.
- Đặc điểm văn hóa: đây là giai đoạn định hình những đặc trưng bản sắc văn hóa truyền
thống trên nền tảng của sự chi phối, hòa nhập, thẩm thấu của ba yếu tố văn hóa có vai trò hạt
nhân: văn hóa nông nghiệp lúa nước - Nho giáo - Phật giáo.
2.3.4. Giai đoạn quá độ từ văn hóa truyền thống sang hiện đại (văn hóa thời cận – hiện đại)
- Thời gian: từ giữa TK XIX (1858) đến nay.
- Đặc điểm lịch sử - xã hội: tiếp xúc, giao lưu văn hóa với phương Tây (Pháp, Mỹ, các
nước XHCN Đông Âu); Sự thay đổi nền tảng kinh tế - xã hội (từ xã hội phong kiến sang xã
hội dân chủ; Giao lưu, hội nhập toàn cầu hóa (từ 1990 đến nay).
- Đặc điểm văn hóa: đây là giai đoạn giao lưu, tiếp xúc, hỗn dung và tiếp biến văn hóa
giữa các đặc trưng văn hóa phương Đông với phương Tây, truyền thống với hiện đại - là giai
đoạn quá độ để xác lập những chuẩn mực giá trị văn hóa mới trong tiến trình chuyển đổi cấu
trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại.
Chương 2: Đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam
Đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam được thể hiện trên mọi phương
diện của đời sống xã hội, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức xã
hội.
1. Đặc trưng văn hóa vật chất
1.1. Văn hóa sản xuất vật chất
- Văn hóa bản địa Việt Nam hình thành trên nền tảng phương thức sản xuất nông nghiệp
lúa nước. Phương thức sản xuất tiểu nông tự túc tự cấp giữ vị trí chủ đạo, chiếm ưu thế tuyệt
đối, chi phối toàn bộ nền tảng kinh tế của xã hội Việt Nam truyền thống.
- Cùng với nghề nông là các làng nghề thủ công truyền thống sản xuất nông cụ và các
mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.
- Vì kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp gắn với cuộc sống định cư không giao lưu mở rộng
với bên ngoài nên không có tiền đề để phát triển thương mại và công nghiệp.
Phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước tiểu nông tự túc tự cấp là cơ sở hình thành
lối sống, thói quen, phong tục, tập quán, cách tư duy, ứng xử của cá nhân/ cộng đồng, là yếu
tố gốc chi phối sự hình thành bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.
1.2. Đặc trưng văn hóa ẩm thực
Các đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam là kết quả của sự tận dụng và thích nghi
với các điều kiện tự nhiên và xã hội, làm nên dấu ấn riêng, góp phần làm nên bản sắc văn
hóa Việt. Đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt Nam được biểu hiện ở các đặc điểm cơ bản sau:
- Cơ cấu bữa ăn truyền thống: cơm – rau – cá, đó là sự tận dụng sản vật của điều kiện tự
nhiên sông nước và thực vật.
- Tính tổng hợp: trong cách chế biến thức ăn, hầu hết các món ăn đều là sản phẩm của sự
tổng hợp từ nhiều nguyên liệu, tạo nên những món ăn nhiều màu sắc, đa hương vị.
9
- Tính linh hoạt: thể hiện ở việc kết hợp các nguyên liệu trong chế biến, trong việc lựa
chọn các món ăn để điều chỉnh, làm cân bằng các trạng thái của cơ thể (điều hòa âm - dương,
nóng - lạnh), giữa cơ thể với môi trường để đối phó với thời tiết. Ăn uống theo mùa, theo
vùng miền cũng là cách để con người vừa tận dụng vừa ứng phó với môi trường tự nhiên.
- Tính cộng đồng: bữa ăn của người Việt là ăn chung; trong bữa ăn, các thành viên liên
quan và phụ thuộc nhau (chung nồi cơm, chung thức ăn). Trong bữa ăn người Việt thích
trò chuyện và thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.
- Tính mực thước, lễ nghi: người Việt rất coi trọng nghi lễ và thái độ ứng xử ý tứ, mực
thước trong ăn uống như một tiêu chí đánh giá nhân cách và thể hiện sự tôn trọng nhau (Ăn
trông nồi, ngồi trông hướng; Ăn đưa xuống, uống đưa lên; Miếng ăn là miếng nhục…).
1.3. Đặc trưng văn hóa trang phục
Đặc điểm văn hóa trang phục Việt Nam truyền thống là sự tận dụng và thích nghi với
môi trường tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp trồng trọt, biểu hiện:
- Chất liệu may mặc: được khai thác, tận dụng từ tự nhiên (tơ tằm, bông, đay, gai…).
- Quan niệm thẩm mỹ trong trang phục: thích sự kín đáo, giản dị. Màu sắc trang phục chủ
đạo là gam màu tối (nâu, đen) để thích nghi với môi trường lao động nông nghiệp lúa nước.
1.4. Đặc trưng văn hóa ở và đi lại
Đặc điểm văn hóa ở và đi lại của người Việt cũng thể hiện rõ nét sự chi phối của điều
kiện tự nhiên (sông nước, thực vật) và lối sống định cư của phương thức sản xuất nông
nghiệp trồng trọt, cụ thể là:
1.4.1. Văn hóa ở
- Đối với cư dân nông nghiệp, có “an cư” mới “lạc nghiệp” cho nên trong quan niệm của
người Việt, ngôi nhà là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho cuộc sống định cư ổn định.
- Vật liệu làm nhà: khai thác các nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên (gỗ, tre, nứa, rơm
rạ, lá cọ, lá mía, lá dừa, gạch, ngói...).
- Kiến trúc nhà: dấu ấn sông nước (nhà sàn, nhà mái cong hình mũi thuyền, thích làm nhà
gần sông, suối, kênh rạch…);
- Không gian kiến trúc mở (thuận tiện cho sinh hoạt cộng đồng và sự giao hòa, thân thiện
với tự nhiên);
- Nhà kiêng làm chẵn gian, coi trọng việc chọn hướng và chọn đất làm nhà (ảnh hưởng
của thuật phong thủy theo thuyết Âm dương - Ngũ hành của Trung Hoa).
1.4.2. Giao thông đi lại
- Giao thông đường thủy chiếm ưu thế (văn hóa sông nước).
- Giao thông đường bộ kém phát triển (văn hóa nông nghiệp).
Hai đặc điểm này là kết quả của sự tận dụng và thích nghi với điều kiện tự nhiên sông
nước và phương thức sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, ở định cư, không phát triển giao
thương buôn bán nên nhu cầu đi lại không cao.
2. Đặc trưng văn hóa tinh thần
10
2.1. Sự ảnh hưởng, chi phối của thuyết Âm dương – Ngũ hành
- Thuyết Âm Dương – Ngũ hành là một hệ thống tư tưởng Triết học của người Trung Hoa
cổ đại đúc kết những quy luật nhận thức về bản chất và qui luật tồn tại của vạn vật trong vũ
trụ, bao gồm nhận thức về tự nhiên, về đời sống xã hội và về con người, từ đó chi phối sự
hình thành các triết lý sống và cách tư duy, ứng xử trong đời sống thực tiễn. Từ Trung Hoa,
thuyết Âm Dương – Ngũ hành đã du nhập và ảnh hưởng, chi phối sâu sắc đến văn hóa của
các quốc gia Đông Bắc Á, trở thành một nền tảng quan trọng của tư tưởng Triết học Phương
Đông.
- Cùng với Nho giáo, thuyết Âm Dương - Ngũ hành được truyền bá vào Việt Nam từ thời
Bắc thuộc.
+ Nội dung cơ bản của thuyết Âm dương – Ngũ hành: lý giải về nguồn gốc hình thành
vũ trụ, khái quát về tính chất và qui luật vận hành của vạn vật trong vũ trụ, từ đó qui chiếu
đến con người và đời sống xã hội của con người.
- Thuyết Âm – dương (giải thích mặt định tính của vũ trụ): vạn vật trong vũ trụ đều tồn
tại trong mối quan hệ tương tác giữa hai mặt đối lập âm – dương. Theo đó, âm – dương hợp
thành mọi sự vật; âm – dương tồn tại trong nhau; âm – dương đối lập nhưng thống nhất; âm
– dương bù trừ; âm – dương chuyển hóa.
- Thuyết Ngũ hành giải thích cấu trúc vật chất (mặt định lượng của vũ trụ): vũ trụ được
tạo thành bởi năm loại vật chất gốc (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ). Các vật chất này luôn tồn
tại trong sự vận động và tương tác nhau theo hai hướng: tương sinh - tương khắc, nhờ đó
giúp điều hòa, duy trì sự tồn tại, vận hành của vạn vật trong sự phát triển cân bằng.
- Thuyết Âm dương và Ngũ hành có mối quan hệ bản chất, được kết hợp với nhau để lý
giải về nguyên lý hình thành, về bản chất, cấu trúc và sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ.
Từ quy luật nhận thức về tự nhiên, thuyết Âm Dương – Ngũ hành cũng được qui chiếu đến
quy luật nhận thức về con người. Từ quan niệm con người là một tiểu vũ trụ, người xưa đã
áp dụng quy luật nhận thức vũ trụ vào việc nhận thức về con người. Đây cũng là tư tưởng
duy vật biện chứng trong triết học Trung Hoa cổ đại.
+ Lịch Âm – Dương:
- Trên cơ sở nhận thức về không gian vũ trụ, người Trung Hoa cổ đại còn dựa trên thuyết
Âm dương - Ngũ hành để nhận thức về thời gian vũ trụ, bằng việc xây dựng nên một loại
lịch để tính thời gian, gọi là lịch Âm – Dương. Đây là loại lịch xác định thời gian theo chu
kỳ của mặt trăng (âm) và mặt trời (dương). Người Việt gọi là lịch Âm (để phân biệt với lịch
Dương (lịch Tây), được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày để xác định thời tiết
trong sản xuất nông nghiệp, xem ngày giờ khi tiến hành các công việc quan trọng (cưới xin,
làm nhà, khai trương, tang ma…).
+ Hệ đếm Can – Chi:
Cùng với lịch Âm - Dương, để định vị thứ tự và gọi tên các đơn vị thời gian, người Trung
Hoa cổ còn sáng tạo ra hệ đếm Can – Chi, trong đó:
11
- Thiên Can gồm 10 yếu tố: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
- Địa Chi gồm 12 yếu tố: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Một Can và một Chi kết hợp với nhau theo nguyên tắc chẵn với chẵn, lẻ với lẻ, tạo thành
một số đếm. Hệ đếm Can - Chi gồm 60 đơn vị gọi là lục giáp, dùng để gọi tên/ định vị giờ,
ngày, tháng, năm trong lịch Âm - Dương.
+ Ảnh hưởng của thuyết Âm dương – Ngũ hành đối với đời sống văn hóa tinh thần của
người Việt xưa và nay:
Thuyết Âm dương – Ngũ hành, lịch Âm và hệ đếm Can – Chi đã có ảnh hưởng vô cùng
sâu sắc và phổ biến trong nền tảng văn hóa Việt, thể hiện trong đời sống văn hóa tinh thần
và văn hóa tâm linh của người Việt xưa và nay. Cụ thể:
- Chi phối sự hình thành các triết lý sống: triết lý về sự cân xứng, cặp đôi; triết lý sống
quân bình; triết lý sống lạc quan.
- Ứng dụng trong đời sống văn hóa tâm linh và chi phối các hành động thực tiễn: xem tử
vi số mệnh, phong thủy, xem việc hôn nhân, tang ma, làm nhà, làm ăn...
- Ứng dụng trong y học cổ truyền: Đông y chữa bệnh dựa trên nguyên lý tương tác Âm
– dương và Ngũ hành.
2.2. Tư tưởng và tôn giáo
Các hệ tư tưởng và tôn giáo đã ảnh hưởng, chi phối nền tảng văn hóa truyền thống Việt
Nam, đó là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Cả ba hệ tư tưởng và tôn giáo này đã được
người Việt tiếp nhận từ Trung Hoa, cùng tồn tại trong sự dung hòa, cộng sinh trong văn hóa
Việt, được gọi là hiện tượng “tam giáo đồng nguyên/ đồng qui” vì cùng hướng đến mục đích
đem lại cuộc sống bình yên, hòa mục và hạnh phúc cho con người, trong đó, “Nho trị thế”,
“Phật trị tâm”, “Đạo trị thân”. Tuy nhiên, khác với Phật giáo và Nho giáo, trong nền tảng
văn hóa truyền thống, Đạo giáo không tồn tại như một hệ tư tưởng chính thống nên vai trò
ảnh hưởng không sâu sắc và rộng rãi như Phật giáo và Nho giáo.
2.2.1. Phật giáo trong văn hóa truyền thống Việt Nam
+ Nguồn gốc và sự du nhập của Phật giáo:
- Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn nhất của thế giới (cùng với Thiên Chúa giáo
và Hồi giáo), do Hoàng tử Tất Đạt Đa (Thích Ca Mâu Ni) khai sinh ra tại Ấn Độ vào cuối
thế kỷ VI trước Công Nguyên.
- Phật giáo theo chân quân xâm lược Trung Hoa chính thức du nhập vào Việt Nam từ giai
đoạn đầu của thời Bắc thuộc (từ TK I-TKIII) và nhanh chóng cộng sinh trong nền tảng văn
hóa Việt để phát triển cực thịnh, trở thành quốc giáo vào thời Lý – Trần (TK XI-XIII). Đến
TK XV khi vua Lê tuyên bố coi Nho giáo là quốc giáo thì Phật giáo hết thời kỳ cực thịnh.
Phật giáo truyền vào nước ta gồm hai phái: Tiểu thừa và Đại thừa.
- Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo nguyên thủy), phát khởi từ miền Nam Ấn Độ (nên
gọi là phái Nam tông), rồi truyền qua Srilanca, sau đó lan sang Thái Lan, Mianma,
Cămpuchia, Lào và sau này du nhập vào miền Nam nước ta.
12
- Phật giáo Đại thừa phát khởi từ miền bắc Ấn Độ (nên gọi là phái Bắc tông), rồi
truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, từ đó du nhập sang Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản và
Việt Nam. Phật giáo Đại thừa lại gồm ba tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.
+ Tư tưởng, giáo lý của Phật giáo:
- Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo Thiền tông là việc lý giải nguyên nhân gây ra đau
khổ cho con người là từ tâm mà ra. Do con người có nhiều ham muốn “tham - sân - si”,
làm cho tâm luôn bất ổn, bức xúc, dẫn đến u mê, khiến cho lời nói, việc làm không đúng
đắn, lương thiện, đó là nguyên nhân gây nên “nghiệp”. Nếu không tu luyện tâm tính để gạt
bỏ tham – sân – si thì sẽ bị “luân hồi”, “nhân quả”, “nghiệp báo”. Vì vậy Phật giáo chỉ ra
con đường “diệt khổ” để đạt đến hạnh phúc là “tu tâm” để gạt bỏ tham – sân – si. Khi tâm
tĩnh thì con người sẽ được “giác ngộ”, “giải thoát”, “vô ngã”, trút bỏ được mọi nỗi phiền
muộn, bức xúc, tâm thanh thản, sống hướng thiện để không gây nên “nghiệp”, cũng tức là
thoát khỏi “nhân quả”, “nghiệp báo” – cũng tức là đạt tới cõi “Niết Bàn”.
- Phái Tịnh Độ tông chủ trương dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để cứu chúng sinh
thoát khổ, lấy việc niệm danh Phật để cầu cho khi chết sẽ được tái sinh ở cõi Tịnh Độ (nơi
yên tĩnh, trong sáng), đó là cõi “Niết Bàn” ở ngoài thế giới trần tục, được quan niệm đó là
một thế giới “Cực lạc” do Đức Phật A-di-đà cai quản. Tín đồ Phật giáo Tịnh Độ tông dùng
phương pháp niệm danh Phật để “định tâm bất loạn”, đi chùa dâng hương cầu kinh niệm
Phật. Sự phát triển của Tịnh Độ tông theo hướng dân gian hóa đã tạo nên một truyền thống
dân tộc của Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung.
- Phái Mật tông (bí mật), chủ trương dùng những phép tu huyền bí như linh phù, mật
chú, ấn quyết để mau chóng đạt đến giác ngộ và giải thoát. Vào Việt Nam, phái Mật tông
không tồn tại như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa vào dòng tín ngưỡng dân gian
với các hình thức cầu đồng, dùng pháp thuật, yểm bùa trị tà ma và chữa bệnh.
- Từ tư tưởng, giáo lý đó, triết lý nhân sinh của Phật giáo là khuyên con người tu tâm,
hướng thiện, gạt bỏ tham – sân – si, đề cao triết lý sống từ bi bác ái, “vô ngã vị tha”.
Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, những giáo lý cơ bản của đạo Phật đã sớm được cư
dân Việt chấp nhận rộng rãi và nhanh chóng có được chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh
thần của người Việt, vì tư tưởng bình đẳng, bác ái của đạo Phật phù hợp với tư tưởng hiếu
hòa, nhân ái, yêu thương con người vốn có từ truyền thống văn hóa bản địa của người Việt.
+ Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam:
- Tính nhập thế: Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với cuộc sống của chúng sinh bằng
những việc làm thiết thực như: nhà chùa mở trường dạy học, nhiều nhà sư là thầy thuốc chữa
bệnh cứu người; nhiều vị cao tăng được triều đình mời tham chính hoặc cố vấn trong những
việc hệ trọng (thời Lý – Trần). Giáo lý của Phật giáo còn được người Việt cụ thể hóa trong
các mối quan hệ đời thường (Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu; Thứ
nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa; Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng âm
phúc cứu cho một người…).
13
- Tính tổng hợp: thể hiện ở sự dung hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng và truyền
thống văn hóa bản địa (dung hợp với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên; dung hợp với tín ngưỡng
thờ Mẫu; dung hợp giữa việc thờ Phật với việc thờ các vị Thần, Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,
Thổ Địa, các anh hùng dân tộc…); dung hợp giữa các tông phái của Phật giáo (Thiền tông
với Mật tông; Thiền tông với Tịnh độ tông; Đại thừa với Tiểu thừa); dung hợp giữa Phật giáo
với các tôn giáo khác, từ đó hình thành các tôn giáo riêng có của người Việt như đạo Cao
Đài, đạo Hòa Hảo.
+ Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn hóa Việt:
Đến nay trong số các tôn giáo có mặt ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất, có ảnh
hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất trong đời sống văn hóa tinh thần và văn hóa tâm linh của
người Việt, thẩm thấu vào tầng sâu nhất của triết lý sống tu tâm, hướng thiện và thái độ ứng
xử nhân ái, vị tha, nhường nhịn.
2.2.2. Nho giáo trong văn hóa truyền thống Việt Nam
+ Nguồn gốc của Nho giáo: Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức, một hệ thống
quan niệm tư tưởng - giáo lý đạo đức nhằm tổ chức, duy trì sự ổn định của trật tự xã hội bằng
biện pháp nhân trị – đức trị. Khổng Tử (Khổng Khâu, 551- 479 trước Công Nguyên) được
coi là người có công đầu trong việc hệ thống hóa và hoàn chỉnh hệ thống tư tưởng Nho giáo
của Trung Hoa.
+ Quá trình du nhập vào Việt Nam: Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc,
nhưng do xu hướng cưỡng bức văn hóa nên suốt 1.000 năm, Nho giáo chưa có được chỗ
đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Sang thời Đại Việt, tư tưởng Nho giáo
ngày càng được phổ biến rộng rãi do tư tưởng Nho giáo là nội dung chủ yếu được giảng dạy
trong nhà trường. Từ chỗ chiếm được địa hạt giáo dục, Nho giáo đã từng bước chậm mà
chắc, chiếm lĩnh dần địa hạt chính trị và tư tưởng. Đến thế kỷ XV, Nho giáo đạt đến cực
thịnh khi nhà Lê tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo.
+ Tư tưởng – giáo lý của Nho giáo:
- Tam cương: là ba mối quan hệ rường cột để duy trì trật tự xã hội, gồm: Quân - thần (vua
- tôi); Phụ - tử (cha - con); Phu - phụ (chồng - vợ). Trong các mối quan hệ này đòi hỏi bề
trên (vua, cha, chồng) phải thương yêu, chăm sóc và bao dung kẻ dưới (bề tôi, con, vợ). Kẻ
dưới phải kính nhường, thương yêu, phục tùng và biết ơn bề trên (bề tôi phải tuyệt đối trung
với vua – đề cao chữ trung (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung); con phải tuyệt đối phục
tùng cha - đề cao chữ hiếu (Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu); vợ phải phục tùng chồng
(Phu xướng phụ tùy). Trong đó, mối quan hệ vua – tôi là trọng tâm, vì vậy chữ trung được
đặc biệt đề cao.
- Ngũ thường: (năm đức cơ bản, thường hằng của con người, làm nền tảng đạo đức cho
xã hội): Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong đó, chữ Nhân được coi là trung tâm, là nền tảng
chi phối mọi quan hệ ứng xử.

14
- Chính danh: mỗi người phải làm đúng danh phận của mình thì xã hội mới ổn định,
thái bình.
Nho giáo coi Tam cương, Ngũ thường là các nguyên lý đạo đức cơ bản làm chuẩn mực
cho việc xây dựng nhân cách con người và quan hệ ứng xử giữa người với người trong gia
đình và ngoài xã hội, coi đó là nền tảng để xây dựng xã hội thái bình, trật tự và ổn định (“vua
sáng - tôi hiền”).
+ Sự ứng xử của người Việt đối với Nho giáo: người Việt đã tiếp nhận và vận dụng các
tư tưởng, giáo lý Nho giáo một cách linh hoạt, mềm dẻo:
- Quan niệm trung quân gắn liền với ái quốc;
- Khái niệm nhân nghĩa được mở rộng, đó là vì dân, yên dân, đó cũng là chí nhân, đại
nghĩa. (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân).
- Tư tưởng trọng nam khinh nữ được giảm nhẹ, không quá nặng nề, cực đoan (Lệnh ông
không bằng cồng bà…).
+ Ảnh hưởng của Nho giáo đối với các lĩnh vực văn hóa tinh thần của người Việt:
- Trong xã hội phong kiến Việt Nam, Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, làm nền tảng
tư tưởng chính trị để nhà nước phong kiến tổ chức, duy trì sự ổn định của xã hội dựa trên
chuẩn mực đạo đức theo quan niệm Tam cương, Ngũ thường, Chính danh.
- Nho giáo là nền tảng đạo đức để củng cố các mối quan hệ gia đình - xã hội theo lễ giáo,
thứ bậc, kỷ cương, qua đó xác lập chuẩn mực đạo đức để xây dựng mô hình nhân cách con
người Việt Nam truyền thống. (Nam nhi: tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ; phụ nữ:
tam tòng – tứ đức).
- Nho giáo chi phối sâu sắc đến hệ thống giáo dục, thi cử cũng như cách tư duy, ứng xử
của người Việt xưa và nay.
2.3. Ngôn ngữ, giáo dục và khoa học
2.3.1. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một bộ phận cấu thành của văn hóa, hơn nữa, còn là phương tiện để ghi
lại và lưu giữ các thông điệp của một nền văn hóa qua việc phản ánh lối sống, thói quen,
phong tục tập quán, cách tư duy, ứng xử của một cộng đồng.
- Ngôn ngữ gồm hai bộ phận: tiếng nói và chữ viết. Thời sơ sử, dân tộc ta chỉ có tiếng
nói chứ chưa có chữ viết. Đến thời Bắc thuộc, chữ Hán được coi là văn tự chính thức. Đến
giai đoạn cuối thời Bắc thuộc, đầu thời Đại Việt, để đáp ứng nhu cầu cần có chữ viết để
truyền đạt trực tiếp tiếng mẹ đẻ, người Việt đã trên cơ sở tiếp thu hình thức của chữ Hán
nhưng đọc theo âm Việt để sáng tạo ra chữ Nôm (chữ của người Nam).
- Suốt thời phong kiến Đại Việt, dân tộc ta dùng cả hai loại chữ viết: chữ Hán và chữ
Nôm. Đến thời Pháp thuộc, chữ Nôm bị thay thế bởi chữ Quốc ngữ, nhưng cùng với chữ
Hán, qua các triều đại phong kiến, nó đã có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và chuyển
tải một phần quan trọng các di sản của văn hóa truyền thống Việt Nam.
2.3.2. Nền giáo dục thời phong kiến
15
+ Quá trình hình thành: Giai đoạn đầu của thời Đại Việt, để đào tạo nhân tài và tuyển
lựa quan lại cho bộ máy hành chính, triều đình nhà Lý bắt đầu chăm lo việc học hành và
thi cử.
- Năm 1070, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) cho xây dựng Văn Miếu (thờ Khổng
Tử – vị sư tổ của nền Nho học).
- Năm 1075 triều đình nhà Lý mở khoa thi đầu tiên để chọn lựa nhân tài. Lịch sử của
nền giáo dục và thi cử Nho giáo nước ta bắt đầu từ đây. Cũng từ đây, Nho giáo từng bước
khẳng định vị thế trong xã hội.
- Năm 1076 vua Lý Nhân Tông (1066 – 1127) cho xây Quốc Tử Giám, đây là trường
đại học quốc lập đầu tiên của nước Đại Việt để đào tạo con em hoàng thân quốc thích.
- Năm 1232 nhà Trần đặt ra học vị Thái học sinh (sau này là Tiến sĩ); năm 1247 đặt
danh hiệu Tam khôi (ba học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) dành cho ba người
thi đỗ xuất sắc trong kỳ thi đình.
- Đến thời Lê (thế kỷ XV), với chủ trương mở mang giáo dục, bên cạnh các trường
học do nhà nước quản lý còn có cả trường học tư. Đối tượng được đi học, đi thi mở rộng
cho cả con em bình dân. Người thi đỗ tiến sĩ được khắc tên vào bia đá dựng ở Văn Miếu
gọi là bia tiến sĩ. Bộ máy quan lại của nhà Lê chủ yếu đều được tuyển lựa qua con đường
thi cử.
+ Đặc điểm của nền giáo dục Nho giáo:
- Mục đích giáo dục: đào tạo ra những người để làm quan, do đó, giáo dục Nho giáo
rất đề cao vinh quang của người đỗ đạt (tục xướng danh, tục ban áo mão và đãi yến tiệc;
tục vinh qui bái tổ, khắc bia tiến sĩ ở Văn Miếu để lưu danh thiên cổ).
- Nội dung giáo dục: không truyền thụ tri thức khoa học mà coi trọng việc truyền thụ
tư tưởng, đạo đức, lễ giáo để đào tạo nên mẫu người quân tử hiểu biết về thi, thư, lễ nhạc,
có đủ những phẩm chất để làm quan cai trị thiên hạ. Các nội dung ấy được thể hiện trong
hai bộ sách giáo khoa kinh điển của Nho giáo là Tứ thư và Ngũ kinh.
- Phương pháp truyền thụ tri thức: thầy đọc – trò chép, coi trọng việc ghi nhớ máy
móc các nội dung trong Tứ thư và Ngũ kinh; các tư tưởng của Khổng tử, Mạnh tử được gọi
là lời dạy của Thánh hiền và người dạy phải truyền thụ một cách nguyên vẹn, máy móc
(Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Sai một ly đi một dặm; Cãi thầy núi đè…).
+ Ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo:
- Tạo nên truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam (Nhất tự vi
sư, bán tự vi sư; Không thầy đố mày làm nên; Một kho vàng không bằng một nang chữ;
Chẳng yêu ruộng cả ao liền, chỉ yêu cái bút cái nghiên anh đồ; Anh về lo học chữ Nho,
chín trăng em đợi mười trăng em chờ…).
- Tuy nhiên, mục đích giáo dục, nội dung và phương pháp truyền thụ tri thức của nền
Nho giáo đã để lại những “di chứng” rất nặng nề cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay: coi
trọng con đường lập thân bằng học vấn; học để làm thầy chứ không muốn làm thợ; nội
16
dung và phương pháp học nặng về lý thuyết, học vẹt, thầy đọc trò chép…, làm hạn chế,
thui chột khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của người học.
2.3.3. Khoa học
- Do nội dung của nền giáo dục Nho giáo không dạy về khoa học tự nhiên và kỹ thuật
nên trong di sản khoa học Việt Nam hầu như không có các thành tựu về các lĩnh vực khoa
học tự nhiên và kỹ thuật mà chỉ có một số công trình nghiên cứu về sử học (Đại Việt sử ký
(Lê Văn Hưu, 1272), Đại Việt sử lược (khuyết danh, TK XIV), Đại Việt sử ký toàn thư
(Ngô Sĩ Liên, 1479), về địa lý có cuốn Dư địa chí (Nguyễn Trãi) và Hồng Đức đồ bản
(cuốn bản đồ đầu tiên của nước Đại Việt). Về y học, thời Trần đã thành lập Viện Thái y.
Nhà sư - danh y Tuệ Tĩnh viết bộ sách Nam dược thần hiệu; thế kỷ XVIII, Hải Thượng
Lãn Ông Lê Hữu Trác đã soạn bộ sách Hải Thượng y tông tâm tĩnh gồm 28 tập, 66 quyển,
ghi chép những kinh nghiệm chữa bệnh đã được ông tích lũy, đúc kết. Đây là những đóng
góp rất quý báu cho nền y học cổ truyền nước nhà.
2.4. Nghệ thuật truyền thống Việt Nam
2.4.1. Các loại hình nghệ thuật truyền thống
a) Văn chương
+ Các thể loại văn học dân gian:
- Ca dao, thành ngữ, tục ngữ, câu đố;
- Truyện cổ dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười).
Kho tàng văn học dân gian Việt Nam rất phong phú, phản ánh mọi mặt đời sống văn
hóa tinh thần, trí tuệ và tâm hồn của nhân dân lao động.
+ Văn học viết:
- Nền văn học cổ điển Việt Nam gồm hai bộ phận: văn học viết bằng chữ Hán và chữ
Nôm.
- Các thể loại: thơ Lục bát, thơ Đường luật, hịch, cáo, phú (Hịch tướng sĩ, Đại cáo
bình Ngô, Phú sông Bạch Đằng, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…).
- Vào giai đoạn cuối Lê – đầu Nguyễn, nền văn học viết bằng chữ Nôm đã đạt được
nhiều thành tựu rực rỡ (Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương được tôn
vinh là bà chúa thơ Nôm).
+ Đặc điểm văn chương truyền thống Việt Nam: thiên về thơ ca, các thể loại văn xuôi
truyền thống gần với thơ ở tính chất giàu vần điệu, tiết tấu.
- Thơ ca Việt Nam truyền thống chủ yếu là các thể thơ lục bát, song thất lục bát, thơ
Đường, đều là các thể thơ có cấu trúc chặt chẽ, vần luật nghiêm ngặt, thể hiện sự cân xứng,
hài hòa về hình thức cũng như nội dung.
b) Hội họa
Hội họa truyền thống Việt Nam nổi tiếng là tranh dân gian Đông Hồ (làng Đông Mai,
huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) với các đề tài chủ yếu là cảnh sinh hoạt nông thôn vui vẻ,
sung túc, pha chất hài hước (tranh Gà lợn, Hứng dừa, Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột…).
17
Loại tranh này được in trên nền giấy dó, bán vào các phiên chợ Tết để trang trí nhà cửa
mỗi dịp Tết đến xuân về.
c) Nghệ thuật sân khấu truyền thống
+ Các loại hình nghệ thuật sân khấu:
- Chèo, múa rối nước: Bắc Bộ
- Tuồng: Trung Bộ
- Cải lương: Nam Bộ
Ngoài ra còn có hàng trăm làn điệu dân ca truyền thống đặc trưng của mỗi vùng miền.
2.4.2. Đặc điểm của nghệ thuật truyền thống Việt Nam
Có thể nhận thấy hai đặc điểm tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, phản
ánh dấu ấn của đặc trưng văn hóa nông nghiệp trồng trọt, đó là tính tổng hợp và tính biểu
cảm.
+ Tính tổng hợp:
- Trong nghệ thuật sân khấu truyền thống (chèo, tuồng, cải lương) không có sự tách
biệt giữa các loại hình ca – múa – nhạc, tất cả đều hợp nhất trong một vở diễn.
- Không có sự phân chia thành các thể loại chuyên biệt là bi hay hài, thường là sự đan
xen, tạo cảm xúc thẩm mỹ tổng hợp (buồn - vui, khóc - cười) ở người xem (chèo Quan Âm
Thị Kính…).
- Trong âm nhạc, đàn bầu chỉ có một dây (độc huyền cầm), nhưng lại có thể tấu lên
đủ mọi âm thanh, cung bậc với những giai điệu, cao độ, trường độ như ý muốn.
+ Tính biểu cảm:
Do sự chi phối của văn hóa trọng tình nên nghệ thuật Việt Nam truyền thống có tính
biểu cảm cao. Biểu hiện:
- Âm nhạc thường mang những giai điệu trữ tình, sâu lắng, tốc độ chậm, âm sắc trầm,
chú trọng luyến láy, nội dung thường là về đề tài quê hương, về tình yêu đôi lứa… Trong
khi đó, các thể loại âm nhạc của các nước Âu - Mỹ thường có âm sắc mạnh mẽ, dứt khoát,
tốc độ nhanh, tiết tấu mạnh.
- Vũ kịch Việt Nam thường sử dụng những động tác tay mềm dẻo, uyển chuyển,
không có những động tác chân mạnh như nhảy cao, nhảy dài, xoạc cẳng rộng như nghệ
thuật múa phương Tây.
- Trong nghệ thuật sân khấu (chèo, tuồng, cải lương), việc dùng ánh mắt, cử chỉ để
biểu lộ cảm xúc là thủ pháp phổ biến.
- Trong hội họa, đề tài chủ yếu là phản ánh cuộc sống êm đềm, vui vẻ, hạnh phúc ở
chốn làng quê (tranh Hứng dừa, Đám cưới chuột, Chăn trâu thổi sáo,…).
2.5. Tín ngưỡng, phong tục, lễ tết và lễ hội
2.5.1. Tín ngưỡng

18
+ Khái niệm tín ngưỡng: chỉ những trạng thái tâm lý đặc biệt của con người (cá nhân/
cộng đồng), bao gồm: niềm tin, sự tôn thờ, thành kính đối với những đối tượng được thần
thánh hóa.
+ Phân biệt tín ngưỡng và tôn giáo:
- Tôn giáo là một hiện tượng xã hội có tính tổ chức cao: có người sáng lập, có giáo
lý, có giới luật, có tín đồ, hướng đến đời sống tâm linh siêu việt (hướng về thế giới siêu
nhiên, thoát tục), còn tín ngưỡng chỉ thể hiện ở tâm thức của các cá nhân, gắn liền với đời
sống trần tục.
- Tôn giáo có phạm vi ảnh hưởng lớn (thường là ở cấp độ quốc tế), còn tín ngưỡng
mang tính địa phương (trong phạm vi một vùng văn hóa, một dân tộc, một tộc người).
Các loại tín ngưỡng chủ yếu của người Việt:
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
- Tín ngưỡng nông nghiệp
- Tín ngưỡng thờ Mẫu
- Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng
- Tín ngưỡng thờ Tứ bất tử
- Tín ngưỡng thờ Thổ Công/ thần Bếp
2.5.2. Phong tục
- Phong tục: là những nghi lễ trong sinh hoạt đã thành thói quen ăn sâu vào đời sống
cộng đồng từ lâu đời, được lưu truyền qua thời gian.
- Các phong tục phổ biến của người Việt: phong tục hôn nhân, phong tục tang ma,
phong tục vòng đời, phong tục lễ tết, phong tục lễ hội.
2.5.3. Lễ tết
Lễ tết đối với người Việt là những dịp để thể hiện tính cộng đồng, sum họp trong gia
đình, dòng họ. Lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào các khoảng trống
trong lịch thời vụ. Trong một năm người Việt có các lễ tết phổ biến sau:
- Tết Nguyên Đán (tết Cả/ tết Năm mới)
- Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng, tết Hướng thiên cầu phúc).
- Tết Hàn Thực (3-3)
- Tết Đoan Ngọ (5-5, Tết giết sâu bọ)
- Tết Trung Nguyên (rằm tháng 7, ngày Địa quan xá tội, trong Phật giáo đây là ngày
lễ Vu Lan báo hiếu).
- Tết Trung Thu (rằm tháng Tám).
- Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười - Tết cơm mới).
- Tết Ông Táo (23 tháng Chạp).
2.5.4. Lễ hội

19
Nếu lễ tết phân bố theo thời gian trong năm thì lễ hội không chỉ phân bố theo thời
gian mà còn phân bố theo không gian (theo vùng), tức mỗi vùng có lễ hội riêng. Do cư dân
nông nghiệp có nhiều tín ngưỡng và nhiều thời gian nhàn rỗi ngoài mùa vụ nên có rất nhiều
lễ hội.
+ Các loại lễ hội chính:
- Lễ hội tín ngưỡng nông nghiệp (hội Cầu mưa, hội Xuống đồng, hội Đâm trâu, hội
Cơm mới, hội đua thuyền, hội đua Ghe Ngo…).
- Lễ hội văn hóa lịch sử: Lễ hội Đền Hùng, Hội Gióng, Lễ hội đền An Dương Vương,
Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội đền Kiếp Bạc, Lễ hội Tây Sơn, Lễ hội Đống Đa…
- Lễ hội tôn giáo tâm linh: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội chùa Tây
Phương, Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội đền Dạ Trạch, Lễ hội Phủ Giày, Lễ hội chùa Bà Đen,
Lễ hội chùa Bà Chúa Xứ, Lễ hội chùa Bà…
- Lễ hội văn hóa nghệ thuật: hội Lim
2.5.5. Đặc điểm của lễ hội truyền thống Việt Nam
Mỗi lễ hội đều có hai phần: phần lễ và phần hội.
+ Nội dung của phần lễ:
- Các thủ tục nghi lễ để tạ ơn, tưởng nhớ và tôn vinh đối tượng thờ cúng.
- Cầu xin thần thánh bảo trợ cho sự bình yên và thịnh vượng của cộng đồng.
+ Nội dung của phần hội:
Phần hội là các trò chơi dân gian rất phong phú, mang tính truyền thống và bản sắc
địa phương, nhưng đều xuất phát từ những ước vọng của cư dân nông nghiệp:
- Xuất phát từ ước vọng cầu mưa, để nhắc trời làm mưa: các trò chơi mô phỏng tiếng
sấm như đốt pháo, đi thuyền đốt pháo, ném pháo…
- Xuất phát từ ước vọng phồn thực: các trò chơi cướp cầu thả lỗ, đánh đáo, ném còn,
nhấn đu,…
- Xuất phát từ ước vọng đạt được sự nhanh nhẹn, khéo léo: các trò chơi như thi thổi
cơm, vừa gánh vừa thổi cơm, vừa bơi thuyền vừa thổi cơm, thi dọn cỗ, thi bắt lợn, thi dệt
vải, thi leo cầu ùm, thi bịt mắt bắt dê, đua cà kheo…
- Xuất phát từ ước vọng có sức khỏe và khả năng chiến đấu: các trò chơi đấu vật, kéo
co, chọi gà, chọi trâu,…
2.5.6. Sự khác nhau giữa văn hóa lễ tết và lễ hội
- Nếu lễ tết thiên về hoạt động vật chất (ăn uống), thì lễ hội thiên về tinh thần (vui
chơi giải trí).
- Nếu lễ tết thể hiện tính cộng đồng trong phạm vi gia đình, gia tộc thì lễ hội thể hiện
tính cộng đồng ở cấp độ làng và vùng, thu hút nhiều người tham gia, có tính giáo dục cao
thông qua những truyền thống văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc để tạo sự gắn bó với
quê hương, với cội nguồn dân tộc, gia tăng tính gắn kết cộng đồng.

20
- Nếu lễ tết nhằm duy trì quan hệ tôn ti thứ bậc giữa các thành viên trong gia đình, gia
tộc, thì lễ hội lại góp phần duy trì quan hệ dân chủ bình đẳng giữa các thành viên trong
làng xã.
Như vậy, sự song song tồn tại cả lễ tết và lễ hội chính là phương thức để cân bằng,
hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, cá nhân với cộng đồng của người Việt.
2.6. Văn hóa giao tiếp và ứng xử
Văn hóa trong giao tiếp và ứng xử của người Việt là hệ quả chi phối của văn hóa nông
nghiệp kết hợp với tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, được biểu hiện ở các đặc điểm cơ bản:
- Hiếu khách, thích thăm viếng, chào hỏi (Lời chào cao hơn mâm cỗ).
- Ứng xử trọng tình, đặt tình cao hơn lý (Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình; Yêu
nhau chín bỏ làm mười…).
- Giữ ý, cả nể, thiếu tính quyết đoán (Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại
nửa mừng nửa lo; Uốn lưỡi ba lần trước khi nói…).
- Nhường nhịn, vị tha, bao dung (Dĩ hòa vi quí; Một sự nhịn chín sự lành).
- Coi trọng tôn ti, thứ bậc và các nghi lễ, phép tắc trong các quan hệ ứng xử (Bé bằng củ
khoai cứ bằng vai mà gọi…).
- Trọng danh dự hơn giá trị vật chất, sợ dư luận, tai tiếng (Một miếng giữa làng bằng một
sàng xó bếp; Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ…).
3. Đặc trưng văn hóa tổ chức xã hội
3.1. Văn hóa gia đình và gia tộc Việt Nam truyền thống
Cách thức tổ chức gia đình – gia tộc Việt Nam truyền thống thể hiện rõ dấu ấn chi phối của
lối sống nông nghiệp và tư tưởng Nho giáo.
- Sự chi phối của lối sống nông nghiệp: tính cộng đồng và gắn kết gia đình bền chặt (gia
đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường; coi trọng huyết thống, nương tựa, phụ thuộc
nhau (Một giọt máu đào hơn ao nước lã; Chị ngã em nâng; Tay đứt ruột xót; Sẩy cha có chú,
sẩy mẹ bú dì; Một người làm quan cả họ được nhờ…).
- Sự chi phối của tư tưởng Nho giáo: coi trọng tính tôn ti, thứ bậc, tính gia trưởng độc
đoán (Phu xướng phụ tùy; Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy); trọng nam khinh nữ (Nhất nam
viết hữu, thập nữ viết vô); coi trọng nền nếp, gia phong (Giấy rách phải giữ lấy lề; Đói cho
sạch, rách cho thơm…).
3.2. Văn hóa làng Việt truyền thống
Do phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, ở định cư cho nên làng là không gian
sống chủ đạo của người Việt và cũng là cái nôi hình thành nên những đặc trưng bản sắc của
văn hóa truyền thống Việt Nam, với hai đặc trưng cơ bản là tính cộng đồng và tính tự trị,
khép kín.
3.2.1. Tính cộng đồng trong văn hóa làng
+ Cơ sở hình thành tính cộng đồng trong văn hóa làng Việt:

21
- Do phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước ở định cư tạo nên hai mối quan hệ gắn
bó: huyết thống và láng giềng.
- Do tính chất thời vụ nông nghiệp cần sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản
xuất.
+ Biều hiện của tính cộng đồng:
- Về kinh tế: cư dân trong cùng một làng luôn tương trợ nhau trong lao động sản xuất,
chống thiên tai như hạn hán, lũ lụt (Lụt thì lút cả làng, đắp đê chống lụt thiếp chàng cùng
lo); giúp đỡ nhau khi đói kém, mất mùa (Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành
đùm lá rách…).
- Về tình cảm: cư dân trong làng gắn bó bền chặt bởi hai mối quan hệ huyết thống và láng
giềng (Một giọt máu đào hơn ao nước lã; Bán anh em xa mua láng giềng gần), luôn giúp đỡ
nhau khi khó khăn hoạn nạn, khi vui, khi buồn (Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; Tối lửa tắt
đèn có nhau…).
- Về phong tục, tín ngưỡng: cả làng có chung phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cùng thờ
chung Thành Hoàng làng; cùng tham gia các hội hè, đình đám…; hôn nhân đặt lợi ích cộng
đồng (gia đình, gia tộc, làng) lên trên quyền lợi cá nhân.
- Về luật pháp: mỗi thành viên trong cộng đồng không được pháp luật công nhận với tư
cách cá nhân mà bị hòa tan trong trách nhiệm chung của cộng đồng họ mạc, làng xã.
+ Tác động của tính cộng đồng đến lối sống, cách tư duy, ứng xử của người Việt xưa và
nay:
- Tác động tích cực: tạo nên nếp sống dân chủ bình đẳng và tính tập thể hòa đồng (Một
con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ…); tạo nên sự gắn bó, đoàn kết tương trợ, cưu mang đùm bọc
nhau, là cơ sở tạo nên lối sống trọng tình - một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.
- Tác động tiêu cực: tạo nên tư tưởng bè phái, “chủ nghĩa thân quen” (Rút dây động rừng;
Đóng cửa bảo nhau…); Thói dựa dẫm, ỉ lại (Một người làm quan cả họ được nhờ; Nước nổi
thì bèo nổi; Cha chung không ai khóc; Lắm sãi không ai đóng cửa chùa…); Thói cào bằng,
đố kị, triệt tiêu ý thức cá nhân (Xấu đều hơn tốt lỏi; Khôn độc không bằng ngốc đàn;…);
Trọng tình, cả nể là nguyên nhân tạo nên lối ứng xử đặt tình cao hơn lí, tùy tiện, chủ quan
(Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình; Yêu nhau chín bỏ làm mười; Yêu nhau củ ấu cũng
tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo…).
3.2.2. Tính tự trị, khép kín trong văn hóa làng
+ Cơ sở hình thành tính tự trị trong văn hóa làng Việt:
- Phương thức sản xuất nông nghiệp trồng trọt ở định cư và nền kinh tế tiểu nông tự túc
tự cấp là nguyên nhân tạo nên lối sống khép kín, tự trị, hướng nội của văn hóa làng.
+ Biều hiện của tính tự trị:
- Về không gian địa lí: cư dân của mỗi làng sống quần tụ trong một không gian khá biệt
lập, bao quanh làng là lũy tre và cổng làng, khiến cho mỗi làng tồn tại như một “vương quốc”
nhỏ khép kín, làng nào biết làng ấy.
22
- Về kinh tế: mỗi làng tồn tại như một đơn vị kinh tế độc lập, có khả năng tự túc tự cấp
nên ít có nhu cầu quan hệ giao thương với bên ngoài.
- Về tình cảm: các thành viên trong làng hầu hết đều có quan hệ họ hàng, thông gia nên
quan hệ giao lưu tình cảm cũng tự đầy đủ, khép kín trong phạm vi làng.
- Về tín ngưỡng, lễ hội: mỗi làng đều có Thành Hoàng là vị thần bảo trợ cho dân làng;
có hội hè, đình đám riêng của mỗi làng.
- Về mặt hành chính: mỗi làng có bộ máy hành chính tự quản độc lập, có vai trò và
chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp để giải quyết mọi việc trong làng. Mỗi làng có lệ
làng – hương ước là một loại luật tục dân gian bắt nguồn từ tập quán của từng làng, phản ánh
tâm lý, phong tục, tập quán, thói quen, nếp sống, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cư dân trong
làng, ràng buộc mỗi thành viên trong làng vào một nề nếp, qui củ, tạo thành nếp sống chung
ổn định trong không gian khép kín của mỗi làng. Bởi vậy, người dân trong làng có thể ít hiểu
về luật pháp của nhà nước, nhưng lại hiểu rất rõ lệ làng và tuân thủ lệ làng một cách nghiêm
ngặt; thậm chí, luật tục của làng còn có hiệu lực hơn luật pháp của nhà nước (Phép vua thua
lệ làng; Nhập gia tùy tục…). Đây chính là một nguyên nhân tạo nên thói quen không tuân
thủ luật pháp của người Việt từ xưa đến nay.
Sự độc lập về không gian địa lí, về kinh tế, về bộ máy hành chính, về tình cảm, phong
tục, tín ngưỡng đã khiến cho mỗi làng tồn tại như một “tiểu vương quốc” khép kín, khá biệt
lập với làng khác, đồng thời cũng thể hiện chức năng tự quản trong quan hệ với nhà nước.
+ Tác động của tính tự trị đến lối sống, cách tư duy, ứng xử của người Việt xưa và nay:
- Tác động tích cực: tính tự trị tạo nên ý thức độc lập, tự chủ, tinh thần tự lực, tự cường
và đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm.
- Tác động tiêu cực: tính tự trị làng xã là cơ sở hình thành tư tưởng tiểu nông tư hữu, ích
kỉ (Bè ai người ấy chống; Ruộng ai người ấy đắp bờ; Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu; Của
mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn…); Tư tưởng bè phái, địa phương cục bộ,
bảo thủ (Nhập gia tùy tục; Trâu ta ăn cỏ đồng ta; Ta về ta tắm ao ta…); Tính gia trưởng,
độc đoán (Sống lâu lên lão làng; Áo mặc không qua khỏi đầu…).
Tính cộng đồng và tính tự trị là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa làng. Hai đặc trưng này
có mối quan hệ hữu cơ, tác động biện chứng, vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nhau,
tạo nên tính chất “lưỡng phân” trong văn hóa làng Việt truyền thống. Từ hai đặc trưng này
đã sản sinh ra những ưu điểm và nhược điểm trong lối sống, thói quen, tư duy, ứng xử, tâm
lý, tính cách của người Việt truyền thống. Đó là nguyên nhân tạo nên tính chất “nước đôi”
trong nhân cách văn hóa nông dân Việt Nam: vừa đoàn kết, tương trợ lại vừa tư hữu, ích kỷ;
cộng đồng, gắn bó trong phạm vi làng xã nhưng ý thức hợp quần xã hội lại kém; hòa đồng,
cởi mở trong phạm vi làng – giữa những người thân thuộc, nhưng lại khép kín, rụt rè, thiếu
tự tin khi tiếp xúc với những người xa lạ…
3.3. Quốc gia – dân tộc trong tâm thức văn hóa Việt
3.3.1. Tổ chức nhà nước phong kiến Đại Việt
23
- Nhà nước phong kiến Đại Việt được tổ chức theo mô hình nhà nước phong kiến Trung
Hoa – kiểu nhà nước phong kiến trung ương tập quyền (vua là người có quyền lực tuyệt đối).
Cơ cấu bộ máy nhà nước gồm các tầng lớp: vua - quan - dân.
- Việc tuyển chọn người vào bộ máy quan lại cũng mang tính chất dân chủ nông nghiệp
(không theo kiểu cha truyền con nối mà chủ yếu tuyển chọn bằng con đường thi cử, vì vậy
có nhiều vị quan lại xuất thân từ tầng lớp bình dân).
- Sự phân chia các đẳng cấp trong xã hội: do truyền thống văn hóa nông nghiệp trọng văn
nên các thứ bậc trong xã hội được sắp xếp theo thứ tự: sĩ – nông – công – thương.
- Nhà nước phong kiến Đại Việt quản lý xã hội bằng pháp trị kết hợp với đức trị, trong
đó hệ thống giáo lý Nho giáo (tư tưởng tôn quân, quan niệm Tam cương, Ngũ thường) vừa
là đạo lý nhưng cũng là pháp lý.
+ Luật pháp trong thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam:
- Các bộ luật thời phong kiến chưa bao quát toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội
mà chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi luật hình sự: Luật hình thư (nhà Lý - 1042); Quốc
triều hình luật (nhà Trần – 1244); Luật Hồng Đức (Lê triều hình luật – 1483); Luật Gia Long
(nhà Nguyễn – 1815). Vì vậy, luật pháp chủ yếu chỉ có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và xử lý
tội phạm.
- Cùng với các bộ luật thành văn mang tính chính thống của nhà nước, mỗi làng xã còn
có hương ước/ luật tục/ lệ làng, nên suốt thời phong kiến, “lệ làng” cùng tồn tại song song
với “phép nước”. Hương ước/ luật tục/ lệ làng là môi trường văn hoá pháp lý đặc thù trong
xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý
cộng đồng ở cấp độ làng, thậm chí có hiệu lực hơn luật pháp nhà nước (Phép vua thua lệ
làng).
3.3.2. Ý thức về quốc gia – dân tộc của người Việt
Trong ý thức của người Việt, quốc gia - đất nước là tổ chức cộng đồng quan trọng thứ
hai sau làng, còn vai trò, vị trí của các đơn vị trung gian giữa làng và nước (huyện, tỉnh,
vùng) lại mờ nhạt (điều này rất khác với quan niệm của cư dân phương Tây vốn xuất phát từ
lối sống du mục).
Do phải chống chọi với điều kiện tự nhiên và xã hội đặc biệt (thiên tai, chiến tranh) nên
đã hun đúc trong tâm thức người Việt ý thức sâu sắc về quốc gia – dân tộc với hai đặc điểm
nổi bật, đó là:
- Lòng yêu nước và ý thức độc lập dân tộc
- Tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Hai đặc trưng này trong ý thức về quốc gia – dân tộc của người Việt cũng là sự mở rộng
trên cơ sở, nền tảng từ tính cộng đồng và tính tự trị là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa làng.
3.3.3. Mối quan hệ nhà – làng – nước trong tâm thức người Việt

24
- Trong tâm thức của người Việt, ba đơn vị cộng đồng nhà – làng – nước có mối quan hệ
thống nhất, gắn bó máu thịt không thể chia tách (Việc làng việc nước; Nước mất nhà tan;
Sống ở làng, sang ở nước).
- Trong mối quan hệ nhà – làng – nước, làng là đơn vị trung tâm: làng vừa như một đại
gia đình lại vừa như một tiểu vương quốc.
Chương 3: Sự tác động của văn hóa truyền thống đến văn hóa pháp luật Việt Nam xưa
và nay
1. Khái niệm về văn hóa pháp luật
1.1. Khái niệm
Văn hóa pháp luật (văn hóa ứng xử với pháp luật) là thói quen ứng xử của cá nhân/ cộng
đồng bao gồm nhận thức, tư tưởng, quan điểm, thái độ và hành vi được hình thành/ biểu
hiện trong môi trường điều chỉnh của pháp luật.
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa với văn hóa pháp luật
- Văn hóa pháp luật là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là sự hiện thực hóa năng lực và
ý thức của cá nhân/ cộng đồng trong các hoạt động qui phạm pháp luật.
- Nếu văn hóa là thói quen ứng xử của cá nhân/ cộng đồng thể hiện trong mọi lĩnh vực
hoạt động của đời sống, thì văn hóa pháp luật là một lĩnh vực biểu hiện cụ thể của văn hóa,
là thói quen ứng xử của con người trong môi trường điều chỉnh của pháp luật.
- Là một phương diện thể hiện, là một thành tố của văn hóa dân tộc, văn hóa ứng xử với
pháp luật không thể không chịu sự chi phối của các đặc trưng văn hóa dân tộc ở mỗi giai
đoạn của lịch sử với những bối cảnh văn hóa – xã hội cụ thể.
1.3. Biểu hiện của văn hóa pháp luật
- Ý thức pháp luật của cá nhân/ cộng đồng (quan niệm, nhận thức, thái độ đối với pháp
luật thể hiện ở việc hiểu biết/ không hiểu biết; tin/ không tin).
- Thói quen ứng xử đối với pháp luật được thể hiện trong các hành vi ứng xử của cá nhân/
cộng đồng (tuân thủ/ không tuân thủ pháp luật).
- Chất lượng và tính hiệu quả của các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp trong việc
quản lý xã hội (hiệu quả/ không hiệu quả).
1.4. Nhận diện văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay
1.4.1. Mặt tích cực
- Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu xây
dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
- Nhà nước đã và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật để phổ
biến pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.
- Trình độ dân trí và sự hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của người dân đã được cải
thiện đáng kể.
- Nguồn nhân lực của ngành Luật đang được đào tạo với số lượng và chất lượng ngày
càng cao hơn.
25
1.4.2. Những hạn chế, tiêu cực
- Nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử không thượng tôn pháp luật đang rất phổ biến
trong thói quen, lối sống của cộng đồng.
- Những hạn chế của năng lực thể chế trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp
đã tác động tiêu cực đến tinh thần thượng tôn pháp luật của cộng đồng.
2. Sự tác động của văn hóa truyền thống đến văn hóa pháp luật Việt Nam xưa và nay
2.1. Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước
2.1.1. Tác động của tính cộng đồng đến văn hóa ứng xử với với pháp luật
+ Tác động tích cực:
- Đoàn kết, đùm bọc nhau tạo nên sự ứng xử hiếu hòa, nhân ái, hạn chế mâu thuẫn, xung
đột, từ đó hạn chế việc kiện tụng, tranh chấp.
- Kiểm soát lẫn nhau giúp hạn chế những việc làm sai trái, vi phạm luật tục, luật pháp,
giúp xây dựng một cuộc sống bình yên, ổn định.
+ Tác động tiêu cực:
- Do lối sống đề cao tính cộng đồng, coi nhẹ vai trò cá nhân nên người dân trong xã hội
phong kiến không được pháp luật công nhận với tư cách cá nhân, mà bị hòa tan trong cái
chung của cộng đồng họ mạc, làng xã (chịu trách nhiệm hình sự liên đới: quan hệ huyết
thống (Con dại cái mang), hôn nhân, láng giềng: tru di tam tộc, cửu tộc).
- Hình thành thói quen ứng xử bao che lẫn nhau (Môi hở răng lạnh; Rút dây động rừng;
Không vạch áo cho người xem lưng;…).
- Lối sống đề cao tính cộng đồng của văn hóa nông nghiệp đã làm kìm hãm, hạn chế, thậm
chí triệt tiêu ý thức về vai trò cá nhân (Vơ đũa cả nắm; Xấu đều hơn tốt lỏi; Khôn độc không
bằng ngốc đàn;…), từ đó làm hạn chế ý thức phản kháng, đấu tranh khi quyền lợi cá nhân bị
xâm hại.
- Tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, không chịu trách nhiệm cá nhân (Một người làm quan cả họ được
nhờ; Cha chung không ai khóc; Lắm sãi không ai đóng cửa chùa; Lụt thì lút cả làng; Hòa
cả làng…) gây nên tình trạng “đá bóng trách nhiệm” khi xẩy ra các sai phạm, tiêu cực, khó
xử lý nghiêm minh.
2.1.2. Tác động của lối sống trọng tình đến văn hóa ứng xử với pháp luật
Là hệ quả của tính cộng đồng, thói quen ứng xử nặng tình nhẹ lý đã có nhiều tác động tiêu
cực đến văn hóa ứng xử với pháp luật, cụ thể là:
- Do tình cảm được đặt ở vị trí được ưu tiên trong việc giải quyết các mối quan hệ nên đã
hình thành thói quen ứng xử trọng tình nhẹ lý, dẫn đến cách hành xử chủ quan, tùy tiện, vô
nguyên tắc (Thương nhau chín bỏ làm mười; Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả
bồ hòn cũng méo; Thương nhau mọi việc chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng;
Thương nhau thương cả lối đi, ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng;…).
- Trong việc giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng thường dễ dàng tha thứ cho nhau, “chín
bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quí”, không đấu tranh đến cùng mà dễ dàng thỏa hiệp, ứng xử nửa
26
vời, cả nể, ngại va chạm (Một đời kiện chín đời thù), từ đó pháp luật không phải là một cách
giải quyết tranh chấp được ưa chuộng đối với người Việt.
- Ngày nay người Việt vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp
dân sự như một hành vi ứng xử phổ biến ở các nước có nền văn hóa pháp luật tích cực.
2.1.3. Lối sống trọng lệ hơn luật và thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng”
- Trong cách tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống, mỗi làng là một đơn vị hành chính độc
lập, quản lý xã hội chủ yếu bằng luật tục - hương ước - lệ làng. Vì luật tục – lệ làng rất cụ
thể và phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi làng, trong khi luật pháp của nhà nước thì chỉ
mang tính phổ quát cho nên người dân chỉ quen với việc tuân thủ lệ làng mà không quan tâm
đến luật pháp của nhà nước. Đó là lý do khiến cho luật pháp của nhà nước không có mấy
hiệu lực đối với cuộc sống của cư dân sau lũy tre làng. Đây cũng là một trong những nguyên
nhân dẫn đến ý thức không tôn trọng pháp luật (Phép vua thua lệ làng), cũng như thái độ né
tránh pháp luật (Vô phúc đáo tụng đình) mà hiện nay vẫn còn để lại ảnh hưởng khá nặng nề,
làm cản trở không ít đến công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền.
- Luật tục, lệ làng là môi trường văn hoá pháp lý đặc thù trong lối sống cộng đồng và tự
trị ở phạm vi làng xã, vì vậy từ đây đã sản sinh ra tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái, coi
trọng lợi ích cục bộ của họ hàng, làng xã (Phép vua thua lệ làng; Lệnh làng nào làng ấy
đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ…). Thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng” hiện vẫn
còn tồn tại khá phổ biến hiện nay.
- Do văn hóa nông nghiệp với lối sống đề cao tính cộng đồng và tính khép kín, tự trị,
hướng nội, chỉ bó hẹp trong các quan hệ xã hội của một cộng đồng nhỏ dựa trên các mối
quan hệ thân tộc, từ đó hình thành nguyên tắc ứng xử bè phái, bao che, “đóng cửa bảo nhau”,
“tốt khoe, xấu che”, kể cả việc dung túng cho các việc làm sai phạm.
2.1.4. Tư duy tiểu nông và thói quen hành xử tùy tiện, chủ quan, cảm tính
- Tư duy tiểu nông manh mún, nhỏ lẻ, tầm nhìn ngắn hạn, nặng về kinh nghiệm chủ quan,
cảm tính đã tác động tiêu cực đến tư duy của các nhà hoạch định các chính sách pháp luật
hiện nay. Biểu hiện cụ thể: trong việc hoạch định chính sách pháp luật cũng như việc soạn
thảo, ban hành và thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền còn những biểu hiện của sự
tùy tiện, chủ quan, cảm tính, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tính đồng bộ và nhất quán nên
tính hiệu lực của các văn bản pháp luật cũng như các thiết chế thực thi pháp luật còn nhiều
hạn chế.
- Nghề nông trồng lúa nước đòi hỏi phải biết ứng phó linh hoạt để thích nghi với điều
kiện tự nhiên thất thường, vì vậy đã hình thành ở người Việt thói quen ứng xử mềm dẻo linh
hoạt, tùy tiện, thiếu tính kỷ luật và nguyên tắc. Từ đây cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi
ứng xử tiêu cực đối với pháp luật: thói quen không tuân thủ pháp luật, lách luật hiện vẫn khá
phổ biến, cả từ phía người dân lẫn cơ quan công quyền.
2.2. Sự tác động của tư tưởng Nho giáo đến văn hóa pháp luật Việt Nam
2.2.1. Nho giáo với đường lối trị nước đề cao đức trị hơn pháp trị
27
+ Tác động tích cực:
- Đề cao các giá trị đạo đức làm nền tảng cho việc xây dựng các quan hệ ứng xử xã hội.
+ Tác động tiêu cực:
- Nho giáo đề cao đức trị hơn pháp trị nên pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong việc
điều tiết các quan hệ xã hội.
- Việc kết hợp giữa đức trị và pháp trị khiến cho ranh giới giữa đạo lý và pháp lý mập mờ,
đó là nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan, tùy tiện trong việc xử án, làm mất niềm tin của
người dân đối với pháp luật.
2.2.2. Nho giáo với truyền thống “vô tụng”
+ Tác động tích cực:
- Hạn chế việc tranh chấp, kiện tụng, góp phần tạo sự bình yên cho xã hội.
+ Tác động tiêu cực:
- Giáo lý “Tam cương” và thuyết “Chính danh” của Nho giáo đề cao bổn phận và sự phục
tùng trong các mối quan hệ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, vì vậy đã triệt tiêu quyền cá
nhân, triệt tiêu ý thức phản kháng của con người, từ đó đã hạn chế việc kiện tụng, đấu tranh
để bảo vệ quyền lợi cá nhân.
- Trên nền tảng của tư tưởng Nho giáo, nhà nước phong kiến coi pháp luật là công cụ của
giai cấp thống trị để cai trị dân, vì vậy, trong ý thức của người dân, công lý thuộc về kẻ mạnh,
thuộc về “bề trên”. Đó là lý do khiến người dân né tránh pháp luật, không coi pháp luật là
công cụ để bảo vệ quyền lợi cho mình, từ đó hình thành tâm lý thờ ơ, né tránh pháp luật,
thậm chí là ý thức chống đối pháp luật.
2.3. Sự tác động của tư tưởng Phật giáo đến văn hóa pháp luật Việt Nam
2.3.1. Phật giáo và triết lý sống nhẫn nhịn, vị tha
+ Tác động tích cực: tư tưởng từ bi bác ái và triết lý sống nhẫn nhịn, vị tha của Phật giáo
đã giúp hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp, kiện tụng và các hành vi bạo lực trong xã hội, qua
đó góp phần xây dựng xã hội bình yên, hòa mục.
+ Tác động tiêu cực: do đề cao việc tự tiết chế các hành vi bằng thái độ nhẫn nhịn, cam
chịu “một sự nhịn chín sự lành” nên trong ứng xử người Việt thường chọn giải pháp “dĩ hòa
vi quí”. Điều này đã làm hạn chế, thui chột ý chí và khả năng hành động và đấu tranh của
con người để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý.
2.3.2. Phật giáo và triết lý nhân quả - nghiệp báo
+ Tác động tích cực: giúp hạn chế làm điều xấu, điều ác, hạn chế các hành vi phạm tội.
+ Tác động tiêu cực:
- Thấm nhuần triết lý nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo nên khi quyền lợi cá nhân bị
xâm hại, người Việt thường không đấu tranh đến cùng mà thường trông chờ vào “quả báo”,
tin vào sự trừng phạt của luật Trời hơn là luật pháp nên không hình thành ý thức và thói quen
sử dụng pháp luật trong đời sống dân sự.
- Vì sợ nhân quả - nghiệp báo nên người Việt thường e ngại trong việc tố giác tội phạm.
28
Tóm lại, trong di sản văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và văn hóa ứng xử với
pháp luật nói riêng, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, những tinh hoa làm nên sức sống trường
tồn của dân tộc mà chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục phát huy trong cuộc sống
hiện đại thì cũng cần phải nhận diện những mặt hạn chế, lạc hậu, lỗi thời để dũng cảm vượt
lên chính mình, để hội nhập với thế giới trong hành trình xây dựng xã hội văn minh và hiện
đại.
Chương 4: Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa
1. Sự chuyển đổi cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại
- Nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã định hình và tồn tại ổn định trong cả ngàn
năm lịch sử, trên nền tảng của xã hội phong kiến và phương thức sản xuất nông nghiệp tiểu
nông. Những đặc trưng của văn hóa truyền thống đã thẩm thấu đến những tầng vỉa sâu nhất
của đời sống xã hội, kết đọng trong lối sống, cách tư duy và mô thức ứng xử của con người,
làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
- Tuy nhiên, là một phạm trù xã hội, văn hóa không thể ổn định, bất biến khi xã hội
có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Sự thay đổi có tính bước ngoặt của xã hội Việt
Nam sau mấy mươi thế kỷ tồn tại của xã hội phong kiến, trên nền tảng của văn minh nông
nghiệp lúa nước - đó là cuộc tiếp xúc, giao lưu với phương Tây, được khởi đầu chính thức
từ cuộc xâm lược của thực dân Pháp (1858). Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Hoài Thanh,
“Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi
thế kỷ”. Tác động của sự kiện này đã khiến cho “Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo,
lung lay” (Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, 1996, tr.15). Chính “cuộc biến thiên lớn
nhất” của lịch sử này đã tất yếu dẫn đến sự thay đổi có tính bước ngoặt của văn hóa Việt
Nam, khi nó vượt ra khỏi giới hạn của phạm trù văn hóa truyền thống phương Đông nông
nghiệp lúa nước, để bắt đầu cuộc hội nhập với nền văn hóa và văn minh công nghiệp
phương Tây.
1.1. Sự du nhập của văn hóa phương Tây
Sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây, khởi đầu từ văn hóa Pháp (1858 – 1945), sau
đó là tiếp xúc với văn hóa Mỹ ở miền Nam (1954 – 1975), với văn hóa Đông Âu ở miền
Bắc (1954 – 1990), và hiện nay là quá trình giao lưu toàn cầu hóa; cùng với sự thay đổi
nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, các
cuộc tiếp xúc và giao lưu văn hóa này là những tác nhân trực tiếp dẫn đến quá trình chuyển
đổi cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại.
1.1.1. Tiếp xúc văn hóa Pháp – bước khởi đầu hội nhập
- Sự chuyển đổi cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại thực ra đã
được manh nha từ thế kỉ XVI – XVII, bắt đầu từ cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây
thông qua vai trò của các nhà buôn (đến từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, buôn
bán ở Kẻ Chợ Thăng Long và các phố cảng như Hội An, Phố Hiến), và sau đó là các giáo
sĩ Cơ-đốc giáo đến để truyền đạo.
29
- Tuy nhiên, chỉ từ khi người Pháp đặt được sự thống trị lên toàn bộ lãnh thổ Việt
Nam thì ảnh hưởng của văn hóa và văn minh công nghiệp phương Tây mới thực sự tác
động một cách toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần của
người Việt.
Trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp Sau khi tiếp xúc với văn hóa Pháp
Nông thôn chiếm ưu thế, lối sống tự trị, Sự phát triển đô thị, lối sống cởi mở, năng
khép kín, thụ động, bảo thủ. động, dễ thay đổi.
Giao thông đường thủy chiếm ưu thế, Phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, du
đường bộ không phát triển. nhập ô tô, xe lửa, tàu thủy.
Nhà ở tận dụng nguyên liệu tự nhiên. Nhà bê tông cốt thép, nhà cao tầng.
Trang phục truyền thống (áo bà ba, áo tứ Trang phục Âu hóa (sơ mi, quần tây, complet,
thân). giày Tây, áo dài cách tân).
Thành phần xã hội: nông dân (dĩ nông vi Các giai tầng xã hội mới ra đời: tư sản, tiểu
bản). tư sản thành thị, công nhân, trí thức Tây học.
Hình thái xã hội phong kiến (quân chủ). Xã hội thực dân nửa phong kiến (phong kiến
+ tư bản).
Tư tưởng Nho giáo giữ vị trí độc tôn. Xuất hiện nhiều hệ tư tưởng khác nhau (Nho
giáo, dân chủ tư sản, tư tưởng Mác – Lênin).
Đề cao tính cộng đồng, coi trọng nghĩa Sự phát triển ý thức về vai trò cá nhân, đề cao
vụ, bổn phận. tự do cá nhân.
Đề cao giá trị tinh thần. Coi trọng văn minh vật chất.
Giáo dục Nho học chỉ truyền thụ các Giáo dục Tây học coi trọng giáo dục tri thức
luận thuyết chính trị, đạo đức, coi trọng khoa học, các cơ sở nghiên cứu ra đời.
giáo dục nhân cách.
Ngôn ngữ: chữ Hán và chữ Nôm. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ và báo chí giúp
mở mang thông tin, khai thông dân trí.
Văn học Trung đại với các thể loại thiên Du nhập các thể loại văn học hiện đại thiên về
về thơ, có niêm luật chặt chẽ (thơ Đường văn xuôi (Thơ Mới, tiểu thuyết, truyện
luật, thơ lục bát, hịch, cáo, phú…). ngắn…).
Nghệ thuật dân gian (dân ca, sân khấu, Du nhập nhiều loại hình nghệ thuật mới (điện
hội họa). ảnh, kịch nói, các thể loại âm nhạc phương
Tây…).

Nhận xét:
- Trong khoảng thời gian gần 100 năm (1858 – 1945), văn hóa Việt Nam đã trải qua
một “sự đứt gãy lịch sử” chưa từng có với sự thay đổi toàn diện bộ mặt văn hóa xã hội từ
thành thị đến nông thôn; từ văn minh lúa nước sang văn minh công nghiệp; từ ăn, mặc, ở

30
đến các phương tiện giao thông; từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ; từ thơ Đường
sang thơ Mới, từ văn vần sang văn xuôi, tiểu thuyết, từ tư tưởng Nho giáo sang tư tưởng
dân chủ tư sản… Tất cả đều hướng vào quĩ đạo hội nhập với thế giới phương Tây hiện đại.
- Khó có thể chỉ ra một cách đầy đủ những chuyển biến mạnh mẽ của nền văn hóa
Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, trải qua bước ngoặt lịch
sử này, bản sắc văn hóa dân tộc đã chứng tỏ tính linh hoạt, dung chấp trong việc thu nạp
những yếu tố văn hóa ngoại sinh để không ngừng làm giàu có thêm trong quá trình hội
nhập với văn hóa nhân loại.
1.1.2. Tiếp xúc với văn hóa Mỹ
Cuộc tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Mỹ và phương Tây diễn ra từ 1954 đến 1975
diễn ra ở miền Nam là hệ quả tất yếu của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; theo
đó, nền kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền Nam phát triển theo tư bản chủ nghĩa.
Xét về mặt văn hóa, cuộc tiếp xúc này đã dẫn đến kết quả:
- Ưu điểm: nền kinh tế hàng hóa phát triển, theo đó là lối sống năng động, cởi mở,
dễ hòa nhập, dễ tiếp nhận cái mới, phát huy khả năng sáng tạo của cá nhân.
- Hạn chế: coi trọng văn minh vật chất, nặng về lối sống thực dụng, đề cao chủ nghĩa
cá nhân và lối sống tự do, phóng túng.
1.2. Sự thay đổi nền tảng kinh tế - xã hội
Sự chuyển mình của nền kinh tế từ nông nghiệp tiểu nông sang công nghiệp hóa –
hiện đại hóa và công cuộc hội nhập giao lưu toàn cầu hóa đang là những nhân tố có tính
quyết định dẫn đến quá trình chuyển đổi cấu trúc văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang
hiện đại, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng giữa nông nghiệp và công nghiệp;
giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nền kinh tế công nghiệp hiện đại với sự hình thành các
khu công nghiệp lớn; phát triển thương mại và nền kinh tế thị trường; hội nhập kinh tế với
các nước trong khu vực và toàn cầu.
2. Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá
2.1. Khái niệm toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa được hiểu một cách khái quát là sự mở rộng các quan hệ kết nối, giao
lưu, trao đổi giữa các quốc gia trên thế giới do sự tác động mạnh mẽ của các thành tựu công
nghệ thông tin và mạng truyền thông internet, dẫn đến sự xâm nhập của các yếu tố mang tính
toàn cầu vào mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại, làm xóa mờ dần sự khác biệt giữa các
quốc gia trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ và văn hóa.
Biểu hiện của toàn cầu hóa:
- Mạng lưới thông tin toàn cầu
- Hệ thống đại siêu thị toàn cầu
- Thị trường lao động toàn cầu
- Mạng lưới tài chính toàn cầu
- “Chợ” văn hóa toàn cầu
31
2.2. Tác động của toàn cầu hóa đối với bản sắc văn hóa dân tộc
- Sự tan rã của phe XHCN (1990) đã phá bỏ “bức tường” cách biệt giữa hai thế giới
Đông Âu và Tây Âu, cùng với sự phát triển vượt bậc của những thành tựu khoa học hiện
đại (công nghệ thông tin) đã tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ và đa
phương hóa trong phạm vi toàn cầu.
- Quá trình hội nhập giữa Việt Nam với thế giới đã khẳng định thái độ ứng xử của
Việt Nam là chấp nhận toàn cầu hóa từng bước: tham gia hiệp hội các nước Đông Nam Á
(khối ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), gia nhập Tổ
chức Thương mại thế giới (WTO). Thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực, nước ta đã
chủ động tạo quan hệ để liên kết các giá trị khu vực, từng bước hội nhập với thế giới.
2.1.1. Tác động tích cực
+ Về văn hóa vật chất:
Toàn cầu hóa góp phần kích thích sự cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển khoa học kĩ
thuật, làm tăng tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của cư dân, rút ngắn thời gian
để theo kịp sự phát triển của thế giới nhờ “đi tắt đón đầu” trong việc áp dụng kinh nghiệm
và khoa học công nghệ hiện đại của thế giới.
+ Về văn hóa tinh thần:
- Trong giao lưu toàn cầu hóa, cư dân văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam được
tiếp xúc với các nền văn hóa phong phú, có điều kiện để hưởng thụ các sản phẩm văn hóa
đa dạng của nhân loại.
- Tạo ra môi trường để cọ xát giữa văn hóa truyền thống với những giá trị văn hóa
mới của nhân loại, đó là con đường để đào thải những đặc trưng văn hóa dân tộc đã trở nên
lỗi thời, không còn phù hợp với thời hiện đại.
- Qua giao lưu văn hóa với thế giới, nền văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ được bổ
sung, làm giàu thêm bởi những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại.
2.1.2. Tác động tiêu cực
- Toàn cầu hóa với nền kinh tế thị trường cạnh tranh lạnh lùng vì lợi nhuận đang
dẫn tới nguy cơ làm xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc (lối sống trọng tình,
sự bền vững của gia đình và tính ổn định của xã hội…).
- Toàn cầu hóa kinh tế sẽ mang lại sự hưởng thụ các giá trị vật chất, theo đó là văn
hóa tiêu dùng, văn hóa hưởng thụ, là khát vọng làm giàu, lối sống ăn chơi sa đọa, bạo lực,
thực dụng, tác động đến lối sống giản dị, cần kiệm của người Việt Nam truyền thống.
- Tính cộng đồng như một giá trị tốt đẹp của văn hóa làng xã đang chịu thử thách
mạnh mẽ trước làn sóng đô thị hóa. Các quan hệ gia đình lỏng lẻo dần, có sự phân hóa
trong tư duy, lối sống, cách ứng xử giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư, các thế hệ.
2.3. Tác động của toàn cầu hóa đối với văn hóa của giới trẻ Việt Nam hiện nay
2.3.1. Tác động tích cực
- Trong giao lưu hội nhập toàn cầu hóa, giới trẻ Việt Nam có nhiều điều kiện và cơ
32
hội để mở mang tri thức, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mở rộng các quan hệ xã
hội nên có sự tự tin, chủ động và năng động hơn trong giao tiếp, trong học tập và công việc.
2.3.2. Tác động tiêu cực
- Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường đang tác động
mạnh đến tâm lý xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng nhạy cảm với cái mới nên
một bộ phận giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi lối sống hưởng thụ, tôn thờ vật chất,
buông thả về đạo đức; tâm lý đua đòi, sùng ngoại đang ngày càng phổ biến.
- Hội chứng nghiện công nghệ (facebook, chat, game online) đang trở nên báo động,
kéo theo đó là lối sống vô cảm lạnh lùng, ích kỷ, đặc biệt là sự gia tăng tội phạm trong thanh
thiếu niên…
Tóm lại, trong giai đoạn quá độ về văn hóa hiện nay, văn hoá Việt Nam đang ở buổi
giao thời, khi các giá trị truyền thống đang bị khủng hoảng, nhiều chuẩn mực cũ đã trở nên
lỗi thời, không còn phù hợp, trong khi cái mới được du nhập ồ ạt mà chưa được thẩm định,
sàng lọc bởi thời gian nên chưa định hình những chuẩn mực mới. Vì vậy không tránh khỏi
những hiện tượng xô bồ, đan xen về văn hoá, trong đó tốt – xấu lẫn lộn, tích cực – tiêu cực
khó phân ranh giới, tệ nạn xã hội tràn lan, khó kiểm soát, thậm chí có lúc, có nơi, cái xấu
nổi trội, lấn át cái tốt. Đặc biệt là đối với giới trẻ luôn vồ vập với cái mới thì càng khó định
vị những giá trị chuẩn mực sống cho phù hợp nếu chúng ta không có những giải pháp giáo
dục và định hướng phù hợp, đó cũng là những nguyên nhân trực tiếp đẻ ra các loại tội phạm
trong thanh thiếu niên - một thực trạng đáng báo động hiện nay.
Tại thời điểm hiện nay, chưa thể nói là đã định hình một nền văn hoá mới Việt Nam,
bởi tất cả đang trong quá trình diễn tiến với những đặc điểm cơ bản sau:
- Văn hoá Việt Nam hiện nay là một cấu trúc đa văn hoá: gồm các lớp văn hoá truyền
thống và hiện đai, văn hoá bản địa và văn hoá ngoại sinh, phương Đông và phương Tây. Cấu
trúc văn hoá được biểu hiện trong sự đa dạng về lối sống của các khu vực dân cư, các tầng
lớp xã hội và các thế hệ, lứa tuổi khác nhau.
- Đây là một cấu trúc văn hoá mở trong sự giao lưu, tiếp biến với các nền văn hoá khu
vực và thế giới. Cấu trúc văn hoá mở này sẽ không ngừng được làm phong phú hơn bởi sự
tiếp nhận những giá trị mới, nhưng cũng đồng thời luôn có khả năng tự điều chỉnh cho phù
hợp giữa truyền thống và hiện đại, bản địa và ngoại sinh, phương Đông và Phương Tây.
2.4. Định hướng xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam trong giao lưu hội nhập
Để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện
đại, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có những chiến lược phát triển văn hóa lâu
dài ở tầm vĩ mô. Định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam cần dựa trên
các nguyên tắc chính sau đây:
- Cần tận dụng các lợi thế của toàn cầu hóa: tiếp thu các thành tựu kinh tế, tri thức,
khoa học và công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến để đưa đất nước hội nhập với thế
giới văn minh, hiện đại.
33
- Tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa truyền thống: các đặc
trưng văn hóa của các dân tộc dù là phương Đông hay phương Tây đều có giá trị của nó
trong từng giai đoạn và với mỗi quốc gia; văn hóa của mỗi dân tộc đều có cái hay, cái dở.
Vì vậy, chúng ta phải có thái độ tích cực, chủ động trong giao lưu, biết gạn đục khơi trong,
tiếp thu có chọn lọc những gì phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, lại
vừa đáp ứng được những yêu cầu của thời hiện đại để bổ sung, làm giàu cho vốn văn hóa
truyền thống của dân tộc.
- Có thái độ chủ động trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, để “hòa
nhập nhưng không hòa tan”, không “đánh mất mình”, không trở thành một “bản sao” của
người khác. Trong di sản văn hoá dân tộc, chúng ta có nhiều truyền thống quí báu cần được
gìn giữ như: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lối sống cần cù chịu khó, trọng tình nghĩa,
nhân ái, hòa hiếu, bao dung, tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo, ý thức xây dựng, gìn
giữ gia đình bền vững… đó là những giá trị nền tảng cho sự tiếp thu cái mới để phát triển.

PHẦN 2: CÂU HỎI LÝ THUYẾT VÀ BÀI TẬP


A. Câu hỏi ôn tập hệ thống kiến thức và bài tập thực hành
I. Câu hỏi
1. Hãy phân biệt sự khác nhau giữa hai loại hình văn hóa phương Đông/ phương Tây và
lý giải nguyên nhân của sự khác nhau đó.
2. Hãy chỉ ra những biểu hiện của loại hình văn hóa nông nghiệp trồng trọt trong văn hóa
Việt Nam và phân tích sự tác động của nó đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người
Việt xưa và nay.
3. Hãy trình bày những hiểu biết của anh/ chị về Phật giáo trong văn hóa Việt Nam và ảnh
hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt xưa và nay.
4. Hãy trình bày những hiểu biết của anh/ chị về Nho giáo trong văn hóa Việt Nam và ảnh
hưởng của Nho giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt xưa và nay.
5. Hãy chỉ ra cơ sở hình thành tính cộng đồng, biểu hiện của tính cộng đồng trong văn hóa
Việt và sự tác động của nó đến lối sống và ứng xử của người Việt xưa và nay.
6. Chỉ ra cơ sở hình thành, biểu hiện của tính tự trị trong văn hóa làng Việt truyền thống
và sự tác động của nó đến lối sống, cách tư duy, ứng xử của người Việt xưa và nay.
7. Hãy phân tích tính chất lưỡng phân trong văn hóa làng Việt truyền thống và tác động
của nó đến lối sống, tư duy và tính cách của người Việt xưa và nay.
8. Hãy phân tích sự tác động của văn hóa làng đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người
Việt xưa và nay.
9. Hãy phân tích sự tác động của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo đến văn hóa ứng xử với
pháp luật của người Việt xưa và nay.
10. Hãy phân tích sự tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa đến văn hóa của giới
trẻ Việt Nam hiện nay.
34
II. Bài tập thực hành
1. Sưu tầm những câu thành ngữ, tục ngữ nói về thái độ và hành vi ứng xử đối với pháp
luật của người Việt xưa và nay.
2. Sưu tầm những câu thành ngữ, tục ngữ nói về lối tư duy chủ quan, cảm tính và lối ứng
xử mềm dẻo, linh hoạt, tùy tiện của người Việt.
3. Thuyết trình về tác động của tính cộng đồng đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người
Việt xưa và nay (có ví dụ trong thực tế đời sống).
4. Thuyết trình về tác động của tính tự trị, khép kín đến văn hóa ứng xử với pháp luật của
người Việt xưa và nay (có ví dụ trong thực tế đời sống).
5. Thuyết trình về sự tác động của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo đến văn hóa ứng xử với
pháp luật của người Việt xưa và nay.
B. Câu hỏi và bài tập nâng cao
I. Câu hỏi
1. Hãy giải thích ý kiến cho rằng: “Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả,
là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả” (Edouard Herriot).
2. Từ bản chất, đặc trưng và chức năng của văn hóa, hãy lý giải vì sao văn hóa được coi
là nền tảng, là nội lực của sự phát triển?
3. Hãy nêu đặc điểm của nền giáo dục Nho giáo và phân tích ảnh hưởng của nó đối với
giáo dục Việt Nam hiện nay.
4. Sưu tầm, thống kê những văn bản pháp luật không đi vào đời sống trong 5 năm trở lại
nay đã gây nên những phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội và phân tích các
nguyên nhân từ sự chi phối của văn hóa nông nghiệp tiểu nông.
5. Nêu các giải pháp để nâng cao văn hóa pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
II. Bài tập nâng cao
1. Thuyết trình về văn hóa gia đình Việt Nam - truyền thống và hiện đại.
2. Thuyết trình về văn hóa trang phục của giới trẻ hiện nay.
3. Thuyết trình về văn hóa giao tiếp - ứng xử của giới trẻ hiện nay.
4. Thuyết trình về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.
5. Thuyết trình về vấn đề “Facebook – lợi hay hại?”

PHẦN 3: DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


I. Giáo trình
1. Lê Thị Hồng Vân, Tập bài giảng Đại cương văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Luật
TP. HCM, 2009 (tài liệu lưu hành nội bộ).
2. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2002.
3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1997.
II. Tài liệu tham khảo bắt buộc

35
1. Trần Ngọc Đường, Văn hóa pháp lý với sự nghiệp đổi mới ở nước ta, Tạp chí Luật học,
2003
2. Vũ Minh Giang, Xây dựng lối sống theo pháp luật nhìn từ góc độ lịch sử truyền thống,
Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3/1993
3. Phạm Duy Nghĩa, Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN,
Kinh tế - Luật, 24 (2008) 1-8
4. Hồ Đức Thọ, Lệ làng Việt Nam, Nxb. Hà Nội, 1999.
5. Lê Đức Tiết, Văn hóa pháp lý Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2005.
6. Bùi Ngọc Sơn, Xây dựng nhà nước pháp quyền trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, Nxb.
Tư pháp, 2004.
7. Lê Thị Hồng Vân, Văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn
hóa truyền thống, Đề tài khoa học, Trường Đại học Luật TP. HCM, 2010.
8. Viện Tư pháp, Văn hóa tư pháp, Thông tin khoa học pháp lý, số 7/2001.
III. Tài liệu đọc thêm
1. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên (đồng chủ biên), Giá trị truyền thống trước
những thách thức của toàn cầu hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002.
2. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã
hội, 1980.
3. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, 1998.
4. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1997

NGƯỜI BIÊN SOẠN


(Ghi rõ họ tên, học vị, chức danh khoa học)
GVC. TS. Lê Thị Hồng Vân

36

You might also like