You are on page 1of 4

KHÁI NIỆM CHUNG VỀ CHẤT NỔ

1. Lịch sử phát sinh và phát triển chất nổ

Chất nổ được phát hiện, sản xuất và sử dụng từ xa xưa, nhưng công nghiệp chất nổ
mới thực sự sinh ra từ nửa cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XX, trên
cơ sở sự phát triển vũ bão của nền công nghiệp hóa học cơ bản nói chung và của các
ngành trực tiếp liên quan nói riêng.

Các chất nổ hiện đại đầu tiên được tìm thấy và sản xuất là pirocxilin và
nitroglyxerin. Nitroglyxerin bắt đầu được sản xuất ở Nga từ năm 1854 bởi N.N Zinhin và
V.F. Petrusepxki để chế tạo thuốc nổ đinamit dùng cho nhồi nạp lựu đạn, sau đó được
sử dụng cho công nghiệp khai thác sa khoáng vàng ở Xibêri. Đến năm 1861 A. Noben xây
dựng nhà máy sản xuất nitroglyxerin đầu tiên ở Thụy Điển.

2. Khái niệm và phân loại chất nổ

2.1. Khái niệm chất nổ

Chất nổ là một hệ chất không bền về mặt nhiệt động. Dưới tác dụng của xung kích
thích bên ngoài nó có khả năng biến đổi nổ toả nhiệt lớn và tạo ra một lượng lớn sản
phẩm khí có khả năng sinh công phá huỷ hoặc dịch chuyển môi trường xung quanh.

2.2 Phân loại chất nổ

Dựa vào bản chất hóa học và công dụng của chất nổ, người ta chia chất nổ ra
thành các loại khác nhau là: thuốc nổ, thuốc phóng và nhiên liệu tên lửa, thuốc hỏa
thuật

2.2.1. Thuốc nổ

Theo đặc điểm biến đổi và công dụng, thuốc nổ được chia thành 2 loại là thuốc nổ
mồi và thuốc nổ phá.

Thuốc nổ mồi hay còn gọi là thuốc nổ sơ cấp vì thuốc nổ này thường dùng để kích
thích thuốc nổ phá (thuốc nổ thứ cấp) và kích cháy thuốc phóng. Dạng biến đổi nổ đặc
trưng cho các thuốc nổ mồi là nổ ổn định. Đây là nhóm thuốc nổ có độ nhạy rất cao đối
với các xung kích thích bên ngoài như: va đập, đâm chọc, ma sát, tia lửa...

Các thuốc nổ mồi quan trọng sử dụng trong thực tế là thủy ngân fuminat; chì azit;
chì stipnat và tetrazen. Ngoài các loại thuốc nổ mồi điển hình trên, trong thực tế sử
dụng có thể thêm các phụ gia đặc biệt làm thay đổi tính chất nổ cháy của chúng.

Thuốc nổ phá là nhóm thuốc nổ mà biến đổi nổ đặc trưng của nó là nổ ổn định,
trong những điều kiện nhất định thì chúng cũng có khả năng cháy. Thuốc nổ này có độ
nhạy tương đối thấp với các loại xung kích thích bên ngoài. Vì vậy, để kích nổ thuốc nổ
phá người ta phải dùng xung nổ của của thuốc nổ mồi.

Thuốc nổ phá được sử dụng để nhồi vào trong bom, mìn, đạn để thực hiện công nổ
phá và dùng vào trong công tác nổ khác.

Theo đặc điểm thành phần, thuốc nổ phá lại có thể chia ra thành 2 loại:

+ Thuốc nổ phá đơn là loại chỉ có một chất trong thành phần như TNT, tetryl,
pentrit, hexogen,...

+ Thuốc nổ phá hỗn hợp là loại có nhiều chất trong thành phần như TG, A-IX-1, A-
IX-2, comp A, comp B, comp C,…

2.2.2. Thuốc phóng và nhiên liệu tên lửa

Biến đổi đặc trưng của nhóm này là cháy ngay trong điều kiện áp suất cao như
trong nòng súng pháo và buồng đốt động cơ tên lửa với mục đích dùng để tạo động
năng chuyển động cho đạn và tên lửa.

Theo công dụng, nhóm 2 được chia ra thành 02 loại là thuốc phóng và nhiên liệu
tên lửa: Thuốc phóng là loại được dùng để làm liều phóng đạn súng pháo, còn nhiên liệu
tên lửa là loại được dùng làm liều phóng tên lửa.

Thuốc phóng được chia ra làm 2 loại sau:

- Thuốc phóng nitroxenlulo (NC), nền tảng của loại thuốc phóng này là nitroxenlulo
được hoá dẻo bởi các loại dung môi. Tuỳ thuộc vào độ bay hơi của dung môi mà TP NC
được chia làm 2 loại chính là TP trên cơ sở dung môi bay hơi và TP trên cơ sở dung môi
khó bay hơi hoặc không bay hơi.

- Thuốc phóng hỗn hợp cơ học là loại thuốc phóng có thành phần gồm chất oxi hóa,
chất cháy và chất kết dính.

Nhiên liệu tên lửa được chia ra thành 03 loại sau:

- Nhiên liệu tên lửa rắn NC là loại được chế tạo trên cơ sở NC và thêm một số phụ
gia thêm một số phụ gia như: phụ gia thay đổi tốc độ cháy, phụ gia ổn định cháy,…

- Nhiên liệu tên lửa rắn hỗn hợp là hỗn hợp cơ học của các chất oxi hoá, chất cháy
và chất kết dính đều ở trạng thái rắn.

- Nhiên liệu tên lửa lỏng là loại có thành phần gồm các chất oxi hóa và chất cháy
đều ở dạng lỏng.

2.2.3. Thuốc hỏa thuật

Thuốc hoả thuật là những chất hoặc các hỗn hợp khi hoạt động có kèm theo các
hiệu ứng như: đốt cháy, phát khói, âm thanh, ánh sáng hoặc phản lực,… Các hiệu ứng
này được gọi chung là các hiệu ứng hoả thuật.

Thuốc hoả thuật dùng để nhồi nạp vào các loại đạn hoặc các sản phẩm dùng
trong dân sự được gọi là phương tiện hoả thuật.

Thuốc hỏa thuật khi cháy (hoặc nổ) tạo ra hiệu ứng phát sáng, phát nhiệt, phát
khói, âm thanh hoặc phản lực được dùng trong kỹ thuật chiến đấu và trong các tên lửa
có chức năng khác nhau.

Trong lĩnh vực dân sự thuốc hoả thuật cũng được sử dụng trong công nghiệp,
nghiên cứu và đặc biệt dùng để chế tạo pháo hoa phục vụ các lễ hội.

3. Yêu cầu đối với chất nổ

Chất nổ có những yêu cầu rất cao và chặt chẽ. Các yêu cầu đó là:
1- Tính hiệu quả hoạt động cao. Đối với mỗi loại chất nổ tính hiệu quả thể hiện ở
công năng sử dụng nó, ví dụ đối với thuốc nổ phá tính hiệu quả thể hiện ở công phá huỷ
lớn, đảm bảo uy lực của đạn để tiêu diệt mục tiêu quân sự hoặc hiệu quả khai thác trong
công tác nổ công nghiệp.

2- Độ an toàn trong bảo quản và tin cậy trong hoạt động, độ nhạy xác định với tác
động ngoài. Độ nhạy của thuốc nổ đảm bảo tính hai mặt của một vấn đề: thứ nhất là
đảm bảo độ tin cậy hoạt động cao, mặt khác - đảm bảo độ an toàn khi khai thác sử
dụng. Nếu thuốc nổ không đủ nhạy thì việc kích nổ khó khăn, đòi hỏi xung lượng kích nổ
lớn, nhưng nếu thuốc nổ quá nhạy thì có thể dẫn đến nổ sớm, mất an toàn.

3- Độ bền lý, hoá, nhiệt học cao, độ trơ hoá học đối với vật liệu vỏ chứa. Điều này
đảm bảo bảo quản thuốc nổ được lâu dài và có thể nhồi nạp vào các loại đầu đạn với vật
liệu thép, gang thông thường.

4- Các yêu cầu kinh tế-sản xuất. Nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm, công nghệ sản xuất
đơn giản, phổ biến, giá thành hạ. Điều này đảm bảo tính khả thi cho việc sản xuất thuốc
nổ và tính kinh tế, đặc biệt là đối với thuốc nổ công nghiệp.

You might also like