You are on page 1of 3

5 giai đoạn mất mát, đau buồn

Việc xuất hiện những giai đoạn đau buồn và thương tiếc là có tính phổ quát và có thể được trải
nghiệm bởi bất cứ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào trong đời. Đau buồn xảy ra khi bản thân một người biết
mình mắc phải một căn bệnh ở giai đoạn cuối, khi bản thân bị mất đi một mối quan hệ thân thiết, khi
một người thân qua đời hoặc cái chết của một con vật cưng có ý nghĩa.

Năm giai đoạn của trạng thái đau buồn bình thường này lần đầu tiên được nêu ra bởi Elisabeth
Kubler-Ross năm 1969 trong tác phẩm nổi tiếng của bà – “On Death and Dying” (Cận kề cái chết và
sự hấp hối). Khi mất người thân, khoảng thời gian và mức độ biểu hiện của từng giai đoạn có nhiều
khác biệt tùy theo từng người. Năm giai đoạn ấy cũng không nhất thiết xảy ra theo một trình tự đặc
hiệu nào cả. Chúng ta cũng thường dịch chuyển qua lại giữa các giai đoạn trước khi có được trạng thái
chấp nhận một cách bình tâm hơn đối với cái chết. Nhiều người trong chúng ta đã không có nhiều thời
gian đủ để có thể đến được giai đoạn sau cùng này của sự đau khổ.

Năm giai đoạn này có thể viết tắt bằng “DABDA”: Denial – Anger – Bargaining – Depression
– Acceptance:

 Giai đoạn chối từ và né tránh thực tại:

Phản ứng đầu tiên khi biết tin về một căn bệnh giai đoạn cuối hoặc cái chết của một người
thân thương đó là sự chối bỏ thực tại của tình huống ấy. Đó là một phản ứng bình thường nhằm hợp lý
hóa những cảm xúc quá mức chịu đựng. Đó là một phản ứng tự vệ nhằm làm giảm thiểu cú sốc nhất
thời. Chúng ta thường sẽ ngăn chặn lại những lời nói và trốn tránh khỏi thực tế xung quanh. Đây là
một phản ứng có tính tạm thời nhằm giúp đưa chúng ta đi qua những làn sóng đau đớn đầu tiên.

 Giai đoạn tức giận:

Khi đang chối bỏ và tự tách mình ra khỏi hoàn cảnh, thì thực tế cùng những nỗi đau của nó
vẫn tái xuất hiện và chúng ta vẫn không sẵn sàng để tiếp nhận chúng. Những xúc cảm mạnh mẽ lại bị
chệch hướng rời khỏi tâm trạng dễ tổn thương của chúng ta, rồi chuyển hướng và bày tỏ ra bên ngoài
dưới hình thức tức giận. Sự tức giận này có thể nhắm vào những vật thể vô tri, những người hoàn toàn
xa lạ, hoặc cũng có thể nhắm vào bạn bè và gia đình mình. Sự tức giận cũng có thể nhắm vào chính
người thân đang hấp hối hoặc đã chết của chúng ta. Về mặt lý lẽ, chúng ta đều biết rằng người đó
không có lỗi lầm gì cả. Tuy nhiên, về mặt cảm xúc, chúng ta lại oán giận người ấy đã gây nên nỗi đau
của ta hoặc đang rời bỏ ta. Chúng ta cũng có thể cảm thấy có lỗi vì đã tức giận, và điều này càng làm
ta tức giận thêm. Chúng ta có thể nổi cơn thịnh nô và đố kỵ làm cho việc giao tiếp với họ là một thách
thức rất lớn. “Tại sao là tôi, không công bằng chút nào hết?”; “Sao mà nó có thể xảy ra cho tôi được?
“; “Ai gây ra chuyện này?”. Những cá nhân nào càng mạnh mẽ trong cuộc sống thì càng có khuynh
hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ.

Vị bác sĩ đã chẩn đoán căn bệnh hoặc đã không thể chữa khỏi căn bệnh cũng dễ dàng trở thành
mục tiêu cho sự tức giận này. Những chuyên viên y tế tuy hằng ngày vẫn phải đối diện với vấn đề sinh
tử, nhưng không vì thế mà họ trở nên dửng dưng với những khổ đau của bệnh nhân và thân nhân của
họ.
 Giai đoạn mặc cả / Thương lượng:

Giai đoạn này liên quan đến sự hy vọng mà người bệnh mong rằng có thể kéo dài hoặc trì
hoãn cái chết. Thông thường, họ tìm mọi cách thương lượng để kéo dài cuộc sống. “Chỉ cần cho tôi
sống đến ngày con tôi tốt nghiệp”; “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được để sống thêm vài năm
nữa”; “Tôi sẽ thưởng cho 2 cây vàng nếu ai cứu sống được chồng tôi”. “Tôi hiểu là tôi sẽ chết nhưng
chỉ mong có thêm thời gian hơn nữa...”. Đây chính là một lằn ranh mong manh giúp bảo vệ chúng ta
trước thực tại đau buồn này.

 Giai đoạn trầm cảm:

Có hai kiểu trầm cảm liên quan đến trạng thái đau buồn này. Kiểu thứ nhất là một phản ứng có
liên quan đến sự mất mát, nổi trội với biểu hiện buồn bã và tiếc nuối. Chúng ta lo lắng về các phí tổn
và chuyện tang chế, lo rằng mình dành ít thời gian hơn cho những người đang phụ thuộc vào ta. Giai
đoạn này có thể được làm vơi nhẹ đi bằng sự giải thích rõ ràng cùng những cam kết, và chúng ta có lẽ
chỉ cần một chút cộng tác và một chút lời nói ân cần tử tế. Loại trầm cảm thứ hai thì tinh tế hơn và, về
mặc ý nghĩa, nó có tính riêng tư hơn. Đó là sự chuẩn bị âm thầm của chúng ta cho việc ra đi và nói lời
từ biệt với người thân. Đôi khi tất cả những gì mà chúng ta thực sự cần là một cái ôm.

 Giai đoạn chấp nhận:

Đạt đến giai đoạn này trong tiến trình đau buồn chính là một quà tặng mà không phải tất cả
mọi người đều có thể nhận được. Cái chết có thể đến đột ngột và bất ngờ, hoặc chúng ta cũng có thể
chẳng bao giờ kịp thấy được gì khác hơn ngoài nỗi tức giận và sự chối từ của chính mình. Đó không
hẳn là chỉ dấu cho sự cam đảm kháng cự lại với chuyện khó tránh và phủ nhận cơ hội giúp bản thân
trở nên bình an. Biểu hiện rõ nét của giai đoạn này là muốn yên tĩnh một mình. Đây không phải là một
giai đoạn hạnh phúc đâu và nó cần phải phân biệt với giai đoạn trầm cảm.

Khi những người thân của bạn ở vào đoạn kết của một căn bệnh hoặc do già yếu, họ cũng sẽ
có vẻ cô lập bản thân khi bước vào giai đoạn cuối như thế. Đây không phải là một gợi ý về việc họ đã
nhận ra cái chết đang đến dần, hoặc chỉ là khi cơ thể suy yếu dần thì cũng đủ để người bệnh có một
phản ứng tương tự như vậy. Cách ứng xử của họ có nghĩa là tự nhiên cũng phải đến lúc phải hạn chế
lại những tương tác xã hội với người khác. Những phẩm chất và cốt cách của một người thân yêu đang
chết dần cũng có thể là món quà tặng sau cùng mà người ấy dành cho chúng ta.

You might also like