You are on page 1of 13

Sophie’s Garden - White Roses

“Chúng ta nói gì về cách Burberry thoát ra khỏi


khủng hoảng trong những năm 2000?”
1. Đôi lời của tác giả
Xin chào các bạn đang đọc những dòng này, mình là Nguyễn Nhi, gọi mình là
Sophie cũng được hehe. Hẳn là bạn vào đây với sự tò mò và đôi chút mong chờ
nhỉ? Nhưng dù lý do gì đi nữa thì mình cũng rất vui vì bạn đã đọc những lời này
của mình!

Được truyền cảm hứng từ cuốn sách “The new fashion rules” của tác giả
Victoria Magrath, mình có tìm hiểu một chút về sự kiện khủng hoảng thương
hiệu năm 2004 của Burberry. Tuy nhiên, mình thấy mình mới chỉ dừng lại ở
những hiểu biết cơ bản, nên mình mới viết ra chia sẻ nhỏ này để mọi người có
thể dành thời gian đọc và cùng thảo luận với mình. Dù không có nhiều kiến thức
về thời trang thì chúng ta cũng hãy cùng đọc và cảm nhận nhé!
Cảm ơn mọi người đã ghé vào đây với mình, hy vọng mọi người có một ngày
thật vui vẻ <3

-------------------------------------------
(*) Note: Tất cả tên những người đứng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến những
quyết định marketing của Burberry trong khủng hoảng này tác giả xin phép
không nhắc đến vì có nhiều nguồn thông tin trái chiều. Hơn hết, mình tin rằng
thành công của một chiến dịch không chỉ đến từ 1 người mà là sự nỗ lực của cả
hệ thống. Vì thế nếu muốn biết thêm về sự kiện này, mọi người có thể tìm đọc
thêm trên google. Đây chỉ là những quan điểm và góc nhìn của tác giả, vốn thì
mình cũng không học nhiều về thời trang nên không thể phân tích sâu được, vẫn
mong mọi người góp ý để mình cải thiện nhiều hơn. Mình rất mong được nhận
phản hồi từ mọi người ^^

Nhân tiện thì thi thoảng sẽ có thêm lời tác giả chèn vào trong dấu (.) nhé, mọi
người đừng nhầm so với lời trích dẫn nhé!
2. Trước khi vào vấn đề chính, cùng nhìn qua lịch sử chút nhé!
Nếu như bây giờ bạn lên Google tra từ “History of Burberry”, mình đảm bảo
bạn sẽ tìm được trên 10.000 kết quả khác nhau. Vì vậy để không dài dòng lan
man, mình xin phép tóm gọn một số ý chính cho sự ra đời của nhà mốt danh giá
từ Anh Quốc này:

Vào năm 1856, chàng trai trẻ Thomas Burberry (khi ấy mới 21 tuổi) đã mở
cửa hàng đầu tiên tại Basingstoke, Anh và sản phẩm ban đầu là… áo đi mưa (he
believed “the principle that clothing should be designed to protect people from
the British weather” - us.burberry.com)

Năm 1879, Thomas thiết kế ra loại vải dệt huyền thoại Gabardine - chất liệu
làm nên danh tiếng cho Burberry. Chất liệu siêu nhẹ, chống thấm này được sử
dụng trong chiếc áo choàng mà sau này, các binh sĩ trong thế chiến thứ I sử
dụng rất nhiều, được gọi là Tielocken coat. Đây cũng là tiền thân của
trend-coat mà các nàng theo đuổi phong cách Dark/Light Academy hẳn không
thấy xa lạ.
Phải lưu ý rằng sau khi chiến tranh thế giới I kết thúc với chiến thắng vẻ vang
của quân Đồng Minh, chiếc áo choàng Tielocken coat đã trở thành biểu tượng
mới trong giới thời trang. Đúng người không bằng đúng thời điểm, nhà mốt
Burberry ngay lập tức in thiết kế kẻ sọc đặc trưng của mình lên vải Gabardine
và biến chúng thành lớp lót trong trang phục trend-coat.

Giờ thì mình dám cá là mọi người ít nhiều từng nhìn thấy thiết kế này đâu đó rồi
đúng không? Đúng vậy, hoạ tiết kẻ sọc caro (hay còn gọi là hoạ tiết
Nova-check) chính là biểu tượng cho sự vinh quang và trường tồn của nhà mốt.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì bài viết hôm nay sẽ không còn gì
thú vị nữa nhỉ :>

3. Những bài báo gọi đó là cú ngã ngựa của nhà mốt, mình cho
rằng đây chỉ là một chuyến vi hành của bậc đế vương

Như đã nói ở trên, hoạ tiết Nova-check đã trở thành biểu tượng đại diện cho nhà
Burberry. Khi ấy, người ta dùng ánh mắt ngưỡng mộ để nhìn thứ phục trang
được diện trên người những vị quý tộc cổ điển, những vị tướng sĩ cấp cao,
những ngôi sao màn bạc,... Nói không sai, Burberry, với logo kỵ sĩ cưỡi ngựa
mang lá cờ Prorsum (Tiến lên) trở thành thương hiệu thời trang Hoàng gia (Đỉnh
cao vinh quang đến với Burberry khi thương hiệu được công nhận là “Royal
Warrant” bởi nữ hoàng Elizabeth vào năm 1953 và bởi thái tử Charles vào năm
1989 - theo Style Magazine)

Nhưng có lẽ, thời khắc người ta nhìn thấy những chiếc mũ bóng chày, vòng đeo
cổ cho thú cưng (nghe khó tin nhưng nó là sự thực) mang thương hiệu Burberry,
“cuộc vi hành” của nhà vua đã được dự đoán. Mặc dù lên đến đỉnh cao sự
nghiệp năm 1970, thời điểm sau đó có vẻ ngai vàng không còn sức hấp dẫn với
nhà mốt Hoàng gia này?
Hẳn là Burberry mang tham vọng rất lớn về sự thành công và mức độ tiếp cận
của nhà mốt tới thị trường, điều này dẫn đến bước đi sai trái thứ nhất - cấp
quyền sử dụng rộng rãi cho hoạ tiết kẻ sọc Nova-check.
Trước khi đi vào cận cảnh, cùng mình tìm hiểu thuật ngữ “chav culture” nhé!
Chavs, scallies, townies là cụm từ chỉ những người thất nghiệp, vô gia cư hoặc
sống trong các khu ổ chuột (theo The new fashion rules). “chav culture”, như
bạn có thể đoán, chính là xu hướng những người ở tầng lớp thấp đồng loạt sử
dụng một sản phẩm nào đó, khiến giá trị thương hiệu của chúng bị suy giảm.

Vấn đề hàng giả hàng nhái thì thời đại nào cũng có. Chẳng lạ lẫm gì khi chúng
ta thấy một chiếc túi xách in logo “Channel” ở chợ Đồng Xuân, hoặc chiếc áo
phông in tên thương hiệu Dior ngay chính giữa,... Và “xu cà na” thay, Burberry
chắc là nhà mốt đầu tiên dính khủng hoảng bởi những sản phẩm đạo nhái này.
Việc cấp phép rộng rãi những sản phẩm của thương hiệu chính là lời tuyên bố
mở cửa cho thị trường đen - hàng giả hàng nhái.

Quay trở lại năm 2004 tại Anh, khi tờ báo The Guardian trứ danh ví von thời
kì này của nhà Burberry giống như màn trình diễn của một con khỉ cố tạo ra
chất Cool Britannia (it was to act as something of a performing monkey to Cool
Britannia). Người ta đi trên đường phố, và thấy những “chavs”, “scallies”,
“townies”, những nhà giàu mới nổi, những ngôi sao hạng D,... mặc những bộ đồ
của Burberry. Từ khăn choàng, mũ lưỡi chai, đến quần áo, tất cả đều mang
“logo và hoạ tiết của Burberry” (mặc dù giá trị của những món đồ đó khác xa
hàng thật giá thật). Điều này dẫn tới việc thị trường có một cái nhìn không tốt
cho nhà mốt. Người ta cho rằng giờ đây, ai ai cũng có khả năng sở hữu một món
đồ hay thậm chí cả tủ đồ có logo và hoạ tiết Nova-check trứ danh.

Và đúng rồi đấy, Burberry đã thực sự gặp phải “chav culture”, cái văn hoá tiêu
cực đến nỗi mà người ta cho rằng sẽ chẳng thể nào ông vua một thời có thể quay
về ngai vàng của mình, thậm chí một cái nhìn giờ đây cũng là xa xỉ. “Mọi thứ
tồi tệ đến mức các cửa hàng bách hóa lớn như Harvey Nichols và Selfridges
thậm chí không còn trưng bày hàng của Burberry, và Harods thì chỉ bán những
chiếc áo mưa truyền thống” (theo The Guardian)
Khoan hẵng đưa ra cách giải quyết vội, là một marketer, giải bài toán gốc rễ của
thương hiệu mới là thách thức đáng mong chờ chứ nhỉ? Sai lầm thứ 2 và cũng là
sai lầm quan trọng nhất của nhà mốt Burberry vào giai đoạn này, theo mình, đó
là sự ngủ quên trên chiến thắng mà bỏ qua thế giới đang ngày càng tiến lên.

Hoạ tiết kẻ sọc và những chiếc trend-coat dường như là thứ duy nhất khiến nhà
mốt nổi bật giữa làng thời trang đầy biến động, và hẳn đó cũng là nguồn thu chủ
yếu trong danh mục sản phẩm của Burberry. Nhưng đến một ngày, khi đó không
còn là USP thuộc quyền sử dụng của mình, câu chuyện đã rẽ theo hướng bất lợi
cho nhà mốt Anh. Họ không tìm thấy đường lui, cũng dễ hiểu thôi khi trước đó,
Burberry đã tự tin quá mức với doanh thu tăng liên tục qua các năm, để rồi giờ
đây khi con át chủ bài bị đánh cắp, nhà mốt đã thực sự rơi vào khủng hoảng.
Nếu trên cương vị người đứng đầu của Burberry, có lẽ chúng ta sẽ vẽ được hai
hướng đi: hướng thứ nhất là từ bỏ vị thế trước đây, gia nhập vào thị trường hàng
bình dân; hướng đi thứ hai là tìm cách quay lại ngai vàng.

Thôi được rồi, nếu câu chuyện đơn giản thế thì chúng ta đã ngồi ở chiếc ghế
CEO của Burberry rồi cũng nên!
4. Cuộc vi hành dài đã khiến người ta quên mất từng có một vị
vua, nhưng ngai vàng chỉ thuộc về chủ nhân của nó.

Đứng trước thách thức về sự sụp đổ sớm muộn của nhà mốt, những người đứng
đầu của Burberry (mình xin phép không đề cập đến tên ở đây, nếu mọi người đề
nghị, mình rất vui lòng kể thêm vài câu chuyện ngoài lề) đã đưa ra một quyết
định táo bạo: Kể lại câu chuyện từ thời xưa cũ theo cách mới, và không chối bỏ
thực tại dù tàn khốc.
● Kể một câu chuyện cũ với tình tiết mới
Vẫn là chất liệu cũ, vẫn là hoạ tiết sọc Nova-check với 4 màu quen thuộc
(camel, đỏ, đen và trắng) dễ dàng được sao chép trên các mặt hàng đạo nhái,
nhưng giờ đây đã mở rộng một đường màu hồng và thêm vào một thiết kế
"trông giống như vết xước" với các biến thể sọc caro. Bên cạnh đó, dường như
đã học được sự khiêm tốn hơn với việc sử dụng logo của mình, đồng thời học
được cách đổi mới, nhà mốt quyết định đem hoạ tiết Nova-check đã được cải
tiến trở thành signature riêng (lúc này, thay vì làm lớp lót áo khoác, Nova-check
đã được lộ ra ngoài, trở thành hoạ tiết đường đường chính chính nằm trên mặt
tiền của những thiết kế sang trọng) Không còn quá chú trọng đến hình thức của
mấy tấm mác trên các bộ trang phục, Burberry dồn sự chú ý vào việc cải tiến
chất lượng sản phẩm để xứng đáng với thị trường mà họ hướng đến. Tất cả
những sản phẩm tung ra thị trường đều phải được đi qua kiểm duyệt từ văn
phòng của giám đốc sáng tạo.

Góp mặt chính trong campaign dài hơi nhằm lấy lại danh tiếng cho Burberry
chính là siêu mẫu Kate Moss (ôi trời, 1 trong 6 chị đại làng mốt). Mặc dù có
khá nhiều ý kiến trái chiều về việc Burberry chọn Kate Moss làm người đại diện
cho campaign lần này (khi đó Kate được cho là dễ tiếp cận đến phụ nữ bình dân
hơn là tầng lớp thượng lưu, nhưng dù nói gì đi nữa thì Kate vẫn là một ngôi sao
thời đó) nhưng không thể phủ nhận việc Burberry thực sự đón một làn gió mới.
Mục đích của sự kết hợp này chính là để cách tân những di sản và sự cổ điển cố
hữu trở nên trẻ trung hơn, hiện đại và thời trang hơn. “Đó là một ranh giới
mỏng giữa tính thương mại và thẩm mỹ, có thể đem đến doanh thu được nhưng
phải tinh tế. Bạn luôn đi giữa ranh giới của khả năng tiếp cận và nguồn cảm
hứng” - CEO of Burberry.

Và thực tế chứng minh, cách làm này đem đến hiệu quả. Burberry đã đúng khi
đưa Kate vào chiến dịch này
“Người ta không nhìn Kate Moss trong bộ bikini nữa, họ đến thẳng bộ phận
của Burberry”. Burberry đã thành công vạch ra ranh giới giữa “những người
thông minh và vợ của những cầu thủ bóng đá” (theo Alexandra Schulman -
biên tập viên Vogue Anh)

● Thực tại thì không được chối bỏ, khách hàng cũng vậy
Chúng ta nên biết Burberry có một bộ phận chống hàng giả tại trụ sở
Haymarket, nơi sẵn sàng kiện bất cứ nhà sản xuất nào vi phạm đến quyền sáng
chế của nhà mốt, nhưng một sự thật khá là bất ngờ ở đây (tác giả cũng bất ngờ)
là Burberry đã không bày tỏ sự phẫn nộ của mình khi bị những thương hiệu kém
hơn làm hỏng danh tiếng, thay vào đó, nhà mốt còn chào đón những khách hàng
của mình (dù họ liên tục bị chỉ trích vì sử dụng hàng giả, hàng nhái). Có lẽ,
Burberry thực sự muốn lan toả hình ảnh là một thương hiệu sang trọng nhưng
gần gũi. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thị trường Anh vốn chỉ nằm trong chuỗi
thị trường của Burberry, không thể để hình ảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi một
khu vực nhỏ. (mặc dù vậy thì năm 2013 nhà mốt cũng gặp rắc rối với Trung
Quốc nhưng đó là câu chuyện khác tác giả chưa muốn kể). Đúng vậy, Burberry
đã thành công duy trì sức mạnh toàn cầu của mình, ngai vàng không tạo nên
một ông vua.
5. Chưa bao giờ là muộn để đi đến một sự thay đổi
Từng bị chỉ trích vì ngủ quên trên chiến thắng mà quên đi sự đổi mới của thế
giới, Burberry đã thực sự chấp nhận sự thay đổi, và họ tin vào khả năng sáng tạo
của mình. Vị giám đốc sáng tạo mới của Burberry đã tự tay cải tiến logo cũng
như hoạ tiết kẻ sọc truyền thống (vì không quá rành về thời trang, mình xin
phép không bàn đến sự tinh vi trong thiết kế mới này).

Không chỉ vậy, Burberry cũng mạnh dạn tiến bước trên con đường công nghệ và
truyền thông, bỏ xa quá khứ chìm trong bóng tối. “Maureen Mullen, giám đốc
nghiên cứu và cố vấn của L2, một tổ chức tư vấn về đổi mới kỹ thuật số, cho
biết: “Burberry năm 2005 có nghĩa là người Anh và kẻ sọc. Và thương hiệu
đó bây giờ, trong tâm trí người tiêu dùng, có nghĩa là Anh, kẻ sọc - và sự đổi
mới.” - theo Echo Stories
Vẫn hướng đến thị trường thượng lưu, nhưng sự hào nhoáng và nét tinh vi lần
này có vẻ đã được giấu lấp ló dưới cổ áo trong những quảng cáo thời trang mà
nhân vật chính là những quý tộc ở nông thôn nước Anh. Bằng sức mạnh của
truyền thông đại chúng, Burberry đã dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ: “Theo
một báo cáo năm 2012, kết quả về truyền thông trên mạng xã hội của công ty
thật đáng nể: chỉ vài năm tham gia Facebook, Burberry đã tích lũy được 14
triệu người hâm mộ, với 1,3 triệu Twitter, 564 000 Instagram, 17.000 Pinterest
và 46.000 người theo dõi trên YouTube, chưa kể đến gần 11 triệu fan cuồng
nhiệt trên bốn mạng xã hội của Trung Quốc.” - theo Echo Stories.
6. Những gì Burberry muốn nói sau quá trình rebranding này
là gì?
Với những gì tác giả đọc được và nghiên cứu được, cùng vốn hiểu biết bé nhỏ
của mình, thì tác giả cho rằng có 3 thứ mà nhà mốt Hoàng gia Anh này muốn
chứng minh (nguy cơ biến thành thời cơ đây rồi)

❖ Thứ nhất: Nếu chúng ta để ý một chút, sẽ thấy được Burberry đã khéo
léo vạch ra ranh giới giữa những sản phẩm chính hãng và sản phẩm đạo
nhái. Nếu trước đây, logo trở thành một biểu tượng đáng tự hào và có
phần bị lạm dụng quá đáng vào trong các sản phẩm của Burberry (những
quý tộc hồi đó phát cuồng với chiếc séc có biểu tượng kỵ sĩ trên mỗi chiếc
trend-coat) thì sau khi thực hiện re-brand, nhà mốt đã “tém tém” lại khá
nhiều. Thay vì “cuồng” gắn logo lên sản phẩm, Burberry đã tập trung
nhiều hơn đến việc phát triển chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá danh
mục sản phẩm và tiếp cận khách hàng quốc tế (chứ không chỉ mải lo lắng
cho thị trường Anh)

❖ Thứ hai: Đây có lẽ là một cú đáp trả chí mạng cho giới báo chí, công
chúng và thậm chí là đối thủ của Burberry khi nhà mốt chủ động định vị
hình ảnh bản thân là một thương hiệu thời trang cao cấp, xa xỉ nhưng lại
có sự thân thiện, gần gũi với tất cả mọi người, tất cả khách hàng. Không
có ranh giới cho những người yêu mến thời trang, nhưng có ranh giới cho
người giàu, người nghèo (cuộc sống mà). Có lẽ vì hiểu được điều này,
như tác giả đã kể trên, Burberry không hề phẫn nộ hay kiện cáo những
thương hiệu bình dân đã hạ thấp giá trị thương hiệu của mình (các bạn có
thể kéo lên để đọc)

❖ Thứ ba: Quá trình rebranding đã khoác lên thương hiệu nhà mốt Hoàng
gia này một lớp áo tuyệt vời - sự cổ điển hiện đại (classics with a twist).
Việc thích ứng với một thị trường và những nhu cầu đổi mới liên tục từ
khách hàng là chìa khóa sống còn cho một thương hiệu, nhất lại ở trong
ngành công nghiệp thời trang đầy biến động này. Ngay lập tức thay đổi từ
hoạ tiết Nova-check đến chiếc trend-coat trứ danh, đặc biệt là sự đầu tư
vào công nghệ - chứng tỏ một tư duy mở với thời đại. Nhà mốt nào thì
cũng mong muốn 3 thứ: sản phẩm cốt lõi chất lượng, trải nghiệm khách
hàng tuyệt vời, và những người khách hàng có thể trải nghiệm những thứ
đó. “Nhưng chúng ta không thể chọn người sẽ mua sản phẩm của mình”,
lựa chọn thị trường là một chuyện, thích ứng và thay đổi để phù hợp với
thị trường đó là điều hoàn toàn khác. Sau chuyến vi hành gian nan của
mình, nhà vua cuối cùng cũng nhận ra những điều này.

7. Để xây dựng tình yêu là một quá trình, để xây dựng niềm tin
là một hành trình
Từ năm 2004 khi “chav culture” đẩy Burberry rơi vào khủng hoảng đỉnh điểm,
mãi đến hơn 4 năm sau nhà mốt mới có lại sự khởi sắc. Đây là một hành trình
không quá dài, nhưng cũng không ngắn đối với một nhà mốt có tiếng trong
ngành thời trang xa xỉ, nơi các thương hiệu có thể bị “nuốt chửng” bất kỳ lúc
nào. Từng có lúc người ta nghi ngờ vào những chiếc logo của Burberry, phân
vân về chất lượng không rõ ràng của các sản phẩm lưu hành trên thị trường,
nhưng với sự vững vàng của những hiệp sĩ đội mũ sắt, Burberry đã thành công
quay trở lại bảng xếp hạng những thương hiệu thời trang xa xỉ. Chúng ta thắc
mắc Burberry đã làm thế nào? Xin hãy lưu ý rằng tác giả đã và đang đề cập đến
một thứ rất quan trọng - niềm tin thương hiệu (Brand trust). Việc lấy lại niềm
tin đã mất hoàn toàn không dễ dàng, và đã từng có lúc Burberry quên đi điều đó
vì mải ngủ say trên chiến thắng và thờ ơ với sự tràn lan của những sản phẩm
đạo nhái.
(Bạn đừng hỏi tại sao không phải tình yêu thương hiệu (Brand love), vì trong
giới thời trang, tôi xin đảm bảo với bạn rằng tình yêu sẽ không trường tồn. Kể
cả thương hiệu ruột đôi khi còn khiến chúng ta thất vọng, nhiều khi còn sản
xuất sản phẩm lỗi mốt, thì tình yêu này cũng quá trắc trở rồi. Nhưng niềm tin
thì không thế, vì kể cả khi ghét bỏ ai đó, nhưng sự đáng tin cậy họ đem đến cũng
khiến chúng ta an tâm hơn khi chọn họ chứ nhỉ? Đó là tác giả còn chưa kể đến
ở trên, một số “fan ruột” của Burberry sau khi “chav culture” nổ ra đã không
còn sử dụng sản phẩm của thương hiệu nữa. Tình yêu này mong manh quá!)

Nhưng không dễ dàng không có nghĩa là không thể! Chúng ta nên nhớ lại rằng
nhà Bur đã âm thầm mà quyết liệt vạch ra ranh giới giữa những sản phẩm của
mình và hàng nhái, tạo nên sự ngăn cách với những niềm tin cũ đã bị biến chất.
Từ đó, những niềm tin mới ra đời, và lần này chúng được thêm phần kiên cố
nhờ vào sự phòng vệ nghiêm ngặt từ các hiệp sĩ. Giờ đây, cái mà người ta nhớ
đến nhà mốt hoàng gia Anh không đơn thuần chỉ là những đường kẻ sọc hay
logo kỵ sĩ với lá cờ Prorsum, đó còn là niềm tin vững vàng về những sản phẩm
được thiết kế tỉ mỉ, do chính tay giám đốc sáng tạo kiểm định chất lượng; là
niềm tin về sự thân thiện và gần gũi với tất cả khách hàng; là niềm tin về sự đổi
mới, khẳng định nhà mốt và những khách hàng của mình sẽ không bao giờ đi
sau thời đại; và cuối cùng là niềm tin về sự trường tồn của Burberry, rằng những
khó khăn chỉ là bệ phóng cho một cú “twist” bất ngờ vào phút chót của thương
hiệu hoàng gia Anh này.

8. Tác giả nên viết lời tổng kết rồi vì câu chuyện dài quá
Cho đến ngày nay, sàn runway vẫn chờ đón những màn trình diễn tuyệt vời đến
từ nhà mốt Anh này. Vẫn giữ những nét cổ điển nhưng lồng ghép sự hiện đại,
trẻ trung vào thiết kế của mình, Burberry trở lại với ngai vàng vốn có trong làng
thời trang xa xỉ. Sự trở lại này có phần trắc trở vì trong khoảng thời gian từ
2004 đến 2013, Burberry đã trải qua vài đời CEO cũng như giám đốc sáng tạo.
Nhưng chiến thắng thì vẫn thuộc về những người biết chấp nhận và thích nghi,
có thể sau này những khủng hoảng thương hiệu vẫn diễn ra (thời trang là một
thế giới đầy biến động) nhưng ta vẫn phải cảm thán một bài học từ quá khứ của
nhà mốt này. Bởi vậy mới nói “Bạn không thể kiểm soát được ai sẽ mua sản
phẩm của bạn”, việc lựa chọn thị trường là một chuyện, việc thích ứng với thị
trường đó là chuyện khác hoàn toàn.

Hy vọng qua câu chuyện khá là dài (rất dài) này, chúng ta có thể học được điều
gì đó, hoặc chỉ đơn thuần là biết thêm vài thuật ngữ thôi cũng tốt nhỉ :>

9. Tài liệu tham khảo


Tài liệu tham khảo mình để đây, có cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên sẽ có một số
câu mình dịch chưa sát lắm. Mọi người nên đọc để cảm nhận và hiểu theo ý
mình nha!!!

1. https://www.echostories.com/rebranding-burberry-case-study/
2. https://www.theguardian.com/media/2004/nov/01/marketingandpr
3. https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2004/apr/15/fashion.shopping
4. https://stylemagazine.vn/cau-chuyen-cua-burberry-cau-chuyen-cua-niem-
tu-hao-anh-quoc/
5. https://afamily.vn/burberry-va-cau-chuyen-len-voi-xuong-cho-hai-lan-cua
-nha-mot-dang-cap-bac-nhat-xu-so-suong-mu-20180808090541637.chn

You might also like