You are on page 1of 6

Phân tích hạn chế và nguyên nhân của hạn chế thời kỳ 10 năm xây dựng

CNXH trên phạm vi cả nước (1976 - 1985)

1. Về sản xuất công nghiệp

    Mặc dù có những tiến bộ, nhất là trong thời kỳ 1980-1985, nhưng nhìn chung,
công nghiệp Việt Nam hãy còn nhỏ bé. Năm 1985, ngành công nghiệp mới chiếm
10,7% tổng số lao động xã hội, và chủ yếu là lao động thủ công với năng suất thấp.
Tuy chiếm khoảng 40% giá trị tài sản cố định của cả nền kinh tế quốc dân, nhưng
công nghiệp chỉ tạo ra chưa tới 30% thu nhập quốc dân, hiệu quả trên đồng vốn
đầu tư còn rất thấp. Công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu trong nước về trang thiết bị
hiện đại hoá cho nền kinh tế và các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân. Tuy
đầu tư của Nhà nước cho công nghiệp rất lớn và không ngừng tăng lên qua các
năm, số lượng xí nghiệp công nghiệp cũng tăng nhanh, nhưng sản xuất công
nghiệp và giá trị sản lượng lại tăng chậm.

    Tình hình trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng nghiêm
túc mà nói, thì nguyên nhân chủ quan là có tính quyết định:

    Thứ nhất: Sau khi thống nhất đất nước và hoà bình lập lại, trong những năm
1976 –1980, do nhận định và đánh giá không sát tình hình, chỉ nhấn mạnh mặt
thuận lợi mà không thấy hết khó khăn như xuất phát điểm còn quá thấp, lại bị
chiến tranh và phong toả từ bên ngoài. Do đó, chúng ta đã duy ý chí đề ra các chỉ
tiêu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp quá cao. Kết quả là nhiều nhiệm vụ
và chỉ tiêu phát triển công nghiệp đã không hoàn thành. Điều này gây nên bị động
và lúng túng, đồng thời làm trầm trọng thêm những mất cân đối và căng thẳng
trong nền kinh tế.

    Thứ hai: Quan điểm xây dựng cơ cấu kinh tế lại thiên về phát triển công nghiệp
nặng, những công trình quy mô lớn, cần nhiều vốn và chậm thu hồi. Kết quả là các
nguồn vốn đầu tư của xã hội bị dàn trải, chôn trong các công trình dở dang, chậm
đưa vào sản xuất. Trong khi đó, lại không tập trung đúng mức cho phát triển lương
thực – thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Nên kết quả
đầu tư mang lại hiệu quả thấp, xã hội lại thiếu những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
    Thứ ba: Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp miền Nam, chưa
quán triệt chính sách kinh tế nhiều thành phần, có tư tưởng nóng vội muốn xoá bỏ
ngay kinh tế tư nhân, gắn liền với nó là nguồn vốn, vật tư và thị trường mà các xí
nghiệp này vốn có mối liên hệ quen thuộc, kể cả mối quan hệ với nước ngoài,
muốn nhanh chóng tập thể hoá những người kinh doanh nhỏ, tiểu công nghiệp và
thủ công nghiệp. Điều này càng đẩy chúng ta vào một tình thế khó khăn, khốn đốn.

    Thứ tư: Cơ sở vật chất kỹ thuật của công nghiệp còn hết sức yếu kém, thiếu
đồng bộ, cũ nát. Trình độ kỹ thuật lạc hậu, phổ biến là của những năm 60 về trước,
lại chỉ phát huy được 50% công suất là phổ biến. Công nghiệp nặng còn xa mới
đáp ứng nhu cầu tối thiểu trang bị cho nền kinh tế quốc dân, công nghiệp nhẹ bị lệ
thuộc từ 70-80% nguyên liệu nhập. Đại bộ phận lao động xã hội hãy còn là lao
động thủ công. Nền kinh tế vẫn ở tình trạng sản xuất nhỏ, phân công lao động xã
hội chưa phát triển, năng suất lao động xã hội thấp. Cơ cấu kinh tế chậm thay đổi,
nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Sản xuất phát triển chậm, không tương xứng
với chi phí và đầu tư. Sản xuất không đủ tiêu dùng, làm không đủ ăn và phải dựa
vào nguồn bên ngoài ngày càng lớn. Sản xuất chưa có tích luỹ từ nội bộ; quỹ tích
luỹ nhỏ bé, quỹ tiêu dùng phải dựa một phần vào nước ngoài. Sự yếu kém của
công nghiệp góp phần làm tăng khoản nợ nước ngoài tới 8,5 tỷ Rúp/USD trong
thời kỳ 1985; đời sống nhân dân và cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang
thêm khó khăn; mức lương thực tế bình quân năm 1980/1975 bằng 51,1%, năm
1984/1975 chỉ bằng 32,7%. Tiêu cực xã hội và khủng khoảng kinh tế - xã hội nẩy
sinh.

    Thứ năm: Chậm đổi mới quản lý kinh tế, duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung
quan liêu bao cấp của thời kỳ chiến tranh. Quản lý nhà nước chồng chéo và chưa
tách khỏi quản lý kinh doanh. Điều đó làm cho các đơn vị kinh tế cơ sở, nhất là các
xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, trở nên lệ thuộc và trông chờ ỷ lại, thiếu năng
động sáng tạo. Trong công nghiệp, chỉ sử dụng 50% công suất, chất lượng sản
phẩm kém, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu thiếu nghiêm trọng. Nhiều xí nghiệp nhà
nước làm ăn thua lỗ, ngân sách phải trợ cấp và bù lỗ. Các nguồn bao cấp của Nhà
nước cũng ngày càng hạn chế. Nhiều ngành công nghiệp, kể cả công nghiệp nặng
như điện, than, xi măng thời kỳ đầu có tăng trưởng nhờ còn vật tư, nguyên liệu dự
trữ, nhưng sau đó giảm sút dần; đặc biệt, công nghiệp nhẹ thiếu nguyên liệu trầm
trọng, công suất huy động chỉ đạt khoảng 30 - 50%. Tình hình ngày càng bộc lộ
khuyết tật của cơ chế cũ và có nhu cầu đòi hỏi phải cải cách. Ở nhiều cơ sở và địa
phương xuất hiện các nhân tố mới. Nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất
phát triển, đã có những tìm tòi, thử nghiệm sáng tạo cách làm ăn vượt ra khỏi cơ
chế cũ, khi đó gọi là hiện tượng “xé rào”.

2. Về quan hệ đối ngoại

Nhìn tổng quát, từ năm 1976 đến năm 1985, quan hệ quốc tế của Việt Nam gặp
những khó khăn, trở ngại lớn. Nước ta bị bao vây, cô lập, trong đó đặc biệt là từ
cuối thập niên 70 của thể kỷ XX, lấy cớ "Sự kiện Campuchia" các nước ASEAN
và một số nước khác thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam...

Nguyên nhân đẫn đến những khó khăn trên là do trong quan hệ đối ngoại trong
giai đoạn này, chúng ta chưa nắm bắt được xu thế chuyển từ đối đầu sang hòa hoãn
và chạy đua kinh tế trên thế giới. Do đó, đã không tranh thủ được các nhân tố thuận
lợi trong quan hệ quốc tế để phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế
sau chiến tranh; không kịp thời đổi mới quan hệ đối ngoại cho phù hợp với tình
hình.

Những hạn chế về đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1976-1985 suy cho cùng
đều xuất phát từ nguyên nhân cơ bản đã được Đại hội lần thứ VI của Đảng chỉ ra là
"bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo
nguyện vọng chủ quan".

3. Về tổ chức và tư tưởng

- Hạn chế về mặt tổ chức: Trong công tác tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì
trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ vào các cơ quan
lãnh đạo và quản lý các cấp còn theo một số quan niệm cũ kỹ và tiêu chuẩn không
đúng đắn, mang nặng tính hình thức, không xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ
chính trị và yêu cầu của công việc; cách làm lại thiếu quy hoạch, chưa chú ý lắng
nghe ý kiến của quần chúng. Công tác giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên thiếu
chặt chẽ. Hậu quả là đã để đã để cho bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng và các
đoàn thể phình ra quá lớn, chồng chéo và phân tán.

- Hạn chế về tư tưởng: Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận
thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc
bệnh duy ý chí, giản đơn hoá, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên. Chúng ta đã có
những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật
của sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan; do đó, không chú ý vận dụng
chúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế. Chưa chú ý đầy đủ
việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mình và nghiên cứu kinh nghiệm của các
nước anh em.

Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mang nặng chủ nghĩa quan liêu, lời nói
không đi đôi với việc làm, không tuân thủ quy trình làm việc và ra quyết định.
Việc chỉ đạo, điều hành thường không tập trung, thiếu kiên quyết và nhất quán.
Trong các đảng bộ và các cấp uỷ có sự vi phạm nguyên tắc Lêninnít trong sinh
hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ
trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng
Trung ương.

Nguyên nhân:

Khách quan:

Do những khó khăn chồng chất về mọi mặt của đất nước đã dẫn tới tình trạng
một bộ phận cán bộ, công chức đánh mất niềm tin vào chủ trương của Đảng và
Nhà nước. Điều đó đã dẫn tới nhân lúc tình thế đất nước gặp nhiều khó khăn, bọn
phản động ở bên ngoài lợi dụng cơ hội móc nối với bọn phản động trong nước tiến
hành các hoạt động phá hoại. Chúng tuyên truyền xuyên tạc, gieo rắc hoang mang,
kích động hàng loạt đồng bào ta bỏ ra nước ngoài, gây rối an ninh, trật tự xã hội,
và nhân đó, bôi nhọ chế độ ta, hạ uy tín quốc tế của ta.

Chủ quan: Từ chỗ tư tưởng phổ biến là chủ quan, hy vọng đời sống sớm được
cải thiện, đã xuất hiện tư tưởng bi quan, dao động. Công tác tư tưởng lúc này có sơ
hở, lúng túng, bị động, chưa làm cho mọi người nhận rõ âm mưu thâm độc của các
thế lực thù địch và hiểu đúng tình hình đất nước để chung sức phấn đấu khắc phục
khó khăn, mau chóng ổn định tình hình, làm thất bại âm mưu phá hoại của địch.
Công tác tuyên truyền chống các luận điệu phản động cũng yếu và không kịp thời,
một bộ phận cán bộ đảng viên dao động, thiếu tin tưởng vào khả năng lãnh đạo và
quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.
4. Về kinh tế - xã hội:

Tới năm 1979, do tiến hành cải tạo có tính cưỡng ép, không hợp quy luật, nên
chất lượng, hiệu quả mang lại thấp. Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền
Nam được đẩy mạnh nhưng làm ồ ạt, không trên cơ sở tự nguyện, nên nông dân ít
đồng tình ủng hộ. Một số đảng viên xin ra hợp tác xã. Còn ở miền Bắc, việc đưa
hợp tác xã lên quy mô lớn nhằm xây dựng huyện thành huyện công - nông nghiệp,
đòi hỏi phải quản lý tập trung cao, nhưng do trình độ về nhiều mặt còn yếu kém,
nên năng suất, sản lượng bình quân trên một hécta canh tác giảm.

Tới năm 1982 tại Đại hội V vẫn chưa thấy được cần thiết duy trì nền kinh tế
nhiều thành phần, chưa xác định những quan điểm kết hợp kế hoạch với thị trường,
về công tác quản lý lưu thông, phân phối; vẫn tiếp tục chủ trương hoàn thành về cơ
bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam trong vòng 5 năm; vẫn tiếp tục đầu tư cơ
sở vật chất, kỹ thuật cho việc phát triển công nghiệp nặng một cách tràn lan; không
dứt khoát dành thêm vốn và vật tư cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp hàng
tiêu dùng…

Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan: do xây dựng đất nước từ nền kinh tế nghèo nàn, lạc
hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, bị bao vây, cấm vận nhiều năm, nguồn viện trợ từ
nước ngoài giảm mạnh; hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh chưa kịp hàn gắn
thì chiến tranh ở hai đầu đất nước làm nảy sinh những khó khăn mới.

Trong thời gian này, nguồn viện trợ của các nước giảm dần. Bọn đế quốc lại
thực hiện bao vây, cấm vận, nên việc thực hiện kế hoạch 5 năm (1976-1980) gặp
rất nhiều trở ngại. Các xí nghiệp quốc doanh ở miền Bắc, các công ty hợp doanh ở
miền Nam, cùng với các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên toàn
quốc, một phần vì bị trói buộc bởi cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp; một
phần vì thiếu vốn, thiếu nguyên, nhiên liệu nên sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trong công nghiệp, các xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chỉ sản xuất
cầm chừng. Trình độ công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm kém. Hàng hoá thiết
yếu thiếu nghiêm trọng. Trong nông nghiệp, sản xuất lương thực không đủ ăn.
Hằng năm phải nhập khẩu lương thực. Giá cả tăng liên tục. Đời sống của các tầng
lớp nhân dân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã nông nghiệp bậc cao
dần dần tan vỡ. Việc bao cấp cho giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học... giảm dần.
Các lĩnh vực công tác văn hoá và khoa giáo bắt đầu gặp nhiều trở ngại.

- Nguyên nhân chủ quan:

Do những sai lầm của Đảng trong đánh giá tình hình, xác định mục tiêu bước đi,
sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế; sai lầm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh
vực phân phối lưu thông; duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp;
buông lỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và trong đấu
tranh chống âm mưu thủ đoạn của địch.

You might also like