You are on page 1of 13

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH




MÔN HỌC : KHOA HỌC GỖ


TIỂU LUẬN MÔN KHOA HỌC GỖ

GVHD: TS. QUÁCH VĂN THIÊM


SVTH: LÊ MINH ANH
MSSV: 20138020
CHUYÊN ĐỀ

“Tìm hiểu mối quan hệ giữa cấu tạo và tính chất của gỗ”

PHẦN 1

ĐẶT VẤN ĐỀ

1.1 Tính cấp thiết của đề tài

Trong sự phát triển của quốc gia hiện nay, ngành Lâm nghiệp nói chung
và ngành sản xuất và chế biến sản phẩm làm từ gỗ là một trong những ngành có
vai trò quan trọng trong việc góp phần tăng trưởng GDP của đất nước hằng
năm. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt để
thích ứng với môi trường cạnh tranh mới luôn năng động, bình đẳng nhưng luôn
có những thách thức lớn. Đồng thời, những sản phẩm làm ra phải đáp ứng được
nhu cầu của thị trường, đảm bảo chất lượng để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sản phẩm là vật liệu. Đối
với ngành sản xuất và chế biến sản phẩm gỗ thì vật liệu chính ở đây là gỗ. Để sử
dụng một cách đúng đắn từng loại gỗ cho từng sản phẩm cũng như sử dụng thế
nào là hợp lý để bảo vệ và tái tạo tài nguyên rừng thì tìm hiểu mối quan hệ giữa
cấu tạo và tính chất của gỗ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong khoa
học gỗ nói riêng và trong tìm hiểu giá trị để đánh giá tài nguyên rừng nói chung.
Kết quả của việc tìm hiểu cấu tạo và tính chất gỗ là cơ sở để hiểu bản chất của
gỗ, là căn cứ cho việc chế biến và sử dụng gỗ hợp lý...

Nhận thấy đây là một trong những vấn đề quan trọng trong ngành và cũng
từ những lý thuyết và thực tiễn được học, em quyết định chọn đề tài “ Tìm hiểu
mối quan hệ giữa cấu tạo và tính chất của gỗ”.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu

Tìm hiểu cấu tạo và tính chất gỗ và từ những nghiên cứu ấy suy ra được
mối quan hệ giữa cấu tạo và tính chất.

1.3 Phạm vi nghiên cứu

Khi tìm hiểu cấu tạo và tính chất của gỗ có rất nhiều phần nhưng bài báo
cáo này chỉ tập trung chủ yếu vào cấu tạo thô, cấu tạo hiển vi, tính chất vật lý và
cơ học của gỗ.

1.4 Ý nghĩa đề tài

Làm tài liệu cho việc học cũng như tìm hiểu về cấu tạo gỗ, hiểu thêm về
tính chất vật lý và cơ học để áp dụng vào việc sử dụng dụng gỗ một cách hợp lý.

PHẦN 2
NỘI DUNG CỦA CHUYÊN ĐỀ

2.1 Một số khái niệm về gỗ

Gỗ là vật liệu thiên nhiên được sử dụng khá rộng rãi trong xây dựng và
trong sinh hoạt vì những ưu điểm cơ bản sau: Nhẹ, có cường độ khá cao; cách
âm, cách nhiệt và cách điện tốt; dễ gia công (cưa, xẻ, bào, khoan,..), vân gỗ có
giá trị mỹ thuật cao.

Gỗ là nguyên, vật liệu được con người sử dụng lâu đời và rộng rãi nhất, là
một trong những vật tư chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

Rừng Việt Nam có nhiều loại gỗ tốt và quý bậc nhất thế giới. Khu Tây
Bắc có nhiều rừng già và nhiều loại gỗ quý như: trai, đinh, lim, mun, pơmu,….
Rừng Việt Bắc có: lim, nghiến, vàng tâm…. Rừng Tây Nguyên có cẩm lai,
hương…

Gỗ chưa qua chế biến vẫn tồn tại một số nhược điểm lớn:

1. Sinh trưởng chậm, đường kính có hạn, nhiều khuyết tật tự nhiên

2. Dễ mục, dễ biến màu, dễ cháy

3. Dễ nứt nẻ, cong vênh, biến hình

4. Tính chất bị biến đổi theo điều kiện sinh trưởng, thường thay đổi theo
từng loại gỗ, có khi theo từng phần trên thân cây

5. Hút ẩm và thoát hơi nước mạnh nên dễ cong vênh, nứt nẻ hoặc thay đổi
các tính chất

2.2 Cấu tạo của gỗ

Gỗ nước ta chủ yếu thuộc loại cây lá rộng, gỗ cây lá kim (thông, pơmu,
sam…) rất ít. Gỗ lá rộng có cấu tạo phức tạp hơn gỗ lá kim. Tùy theo mức độ và
yêu cầu mà tiến hành khảo sát gỗ dưới mắt thường và kính lúp (x10) cấu tạo thô
đại. Dưới kính hiển vi thì được gọi là cấu tạo hiển vi.

Cấu tạo gỗ thường được khảo sát trên ba mặt cắt

2.2.1 Cấu tạo thô đại

Cấu tạo thô đại thường được quan sát qua ba mặt cắt.

Quan sát mặt cắt ngang thân cây ta có thể thấy: vỏ, libe, lớp hình thành,

lớp gỗ bia, lớp gỗ lõi và lõi cây.


Vỏ có tác dụng bảo vệ gỗ khỏi tác động cơ học.

Libe là lớp tế bào mỏng của vỏ, có chức năng là truyền và dự trữ chất
dinh dưỡng để nuôi cây.

Lớp hình thành gồm một lớp tế bào sống mỏng có khả năng sinh trưởng
ra phía ngoài để sinh ra vỏ và vào phía trong để sinh ra gỗ.

Lớp gỗ bìa (giác) màu nhạt, chứa nhiều nước, dễ mục nát, mềm và có
cường độ thấp.

Lớp gỗ lõi màu sẫm và cứng hớn, chứa ít nước và ít bị mục nát.

Lõi cây (tủy cây) nằm ở trung tâm, là phần mềm yếu nhất, dễ mục nát.

*Vòng tăng trưởng hằng năm (vòng năm)

Vòng năm là vòng gỗ do vòng phát sinh phân sinh ra trong một chu kỳ
sinh trưởng. Tùy theo chu kỳ sinh trưởng dài hay ngắn, điều kiện khí hậu, đất
đai, ánh sáng, độ ẩm, đặc tính di truyền của từng loại cây mà vòng năm rộng
hẹp khác nhau. Nói chung ở vùng nhiệt đới, chu kỳ sinh trưởng của thực vật dài
hơn vùng ôn đới, hàn đới nên cây thường có vòng năm rộng hơn. Điều kiện sinh
trưởng thuận lợi cây lớn nhanh, vòng năm rộng. Các loại cây: xoan ta, xà cừ,
bạch đàn,… thường có vòng năm rộng. Các loài cây sinh trưởng chậm: nghiến,
pơmu, lim xanh,… có vòng năm hẹp.

*Gỗ sớm, gỗ muộn

Gỗ sớm là phần gỗ phía trong thường được sinh ra vào đầu mùa sinh
trưởng. Do tế bào lớn, vách mỏng nên gỗ sớm có màu trắng nhạt, nhẹ, mềm
xốp, khả năng chịu lực kém. Gỗ muộn là phần gỗ phía ngoài thường được sinh
ra vào cuối mùa sinh trưởng, kích thước tế bào nhỏ, ruột nhỏ vách dày, màu
đậm hơn, chịu lực lớn.
*Gỗ lõi, gỗ giác

- Gỗ lõi hay còn gọi là ruột cây hay lõi cây, được hình thành theo thời gian sinh
trưởng của cây. Đây là một quá trình biến đổi phức tạp về mặt sinh học, hóa học
và vật lý. Trong quá trình sinh trưởng, các chất hữu cơ bắt đầu được hình thành
như: nhựa cây, chất màu, tanin, tinh dầu,… Theo thời gian, các hợp chất hữu cơ
sẽ tích tụ khá nhiều bên trong lõi gỗ, vì vậy các tế bào bên trong lõi gỗ sẽ không
đảm bảo chức năng dẫn nước và khoáng chất nữa mà dần dần sẽ trở thành nơi
dự trữ, nơi chứa chất dinh dưỡng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây.

- Cũng chính vì là nơi dự trữ nên các tế bào bên trong lõi gỗ thấm dần các chất
và làm chúng có màu sẫm đặc trưng, nặng, cứng, chắc và khó bị thấm nước và
hơn nữa, nhờ những tính chất ấy mà lõi gỗ có khả năng chống sâu đục, nấm
mốc, mối mót hơn bất kỳ thành phần nào của cây.

- Gỗ giác, ngược lại với gỗ lõi, công việc của phần giác bên ngoài đảm nhận
trọng trách chống đỡ cho toàn bộ cấu trúc cây như: hút nước, dẫn dinh dưỡng,
khoáng chất nên giác gỗ có cấu trúc xốp, mềm và thoáng hơn lõi gỗ. Cũng vì
nguyên nhân này mà giác gỗ là phần bị các sinh vật gây hại như: mối, mọt…

*Tủy cây

Tủy cây hình thành trước tiên khi cây bắt đầu sinh trưởng. Tủy cây do tế
bào mô mềm tạo thành nên xốp, nhẹ. Tủy cây có nhiệm vụ dự trữ chất dinh
dưỡng để nuôi cây ở năm đầu. Tủy cây thường có hình tròn đa giác hay hình
sao,… Tủy cây với gỗ sơ cấp gọi là tủy tâm. Kích thước và hình dáng của tủy
tâm có thể giúp ích phần nào cho việc nhận mặt gỗ.

Tủy là tổ chức của tế bào vách mỏng, do đó tủy làm giảm tính chất cơ lý
của gỗ và dễ gây nên hiện tượng nứt từ tâm.

2.2.2 Cấu tạo tế vi

*Gỗ lá kim
- Quản bào dọc: là loại tế bào vách dày, xếp theo chiều dọc thân cây, chiếm
khoảng 90% thế tích cây.

- Tế bào mô mềm: là loại tế bào vách mỏng, xếp theo chiều dọc thân cây, chiếm
tỉ lệ nhỏ khoảng 1%.

- Tia gỗ: là tổ chức tế bào mô mềm, xếp theo chiều ngang thân cây, chiếm
khoảng 5-6% .

- Ống dẫn nhựa: là tổ chức của tế bào mô mềm, có ống dẫn nhựa dọc và ngang.

*Gỗ lá rộng

- Mạch gỗ: là loại tế bào vách dày, kích thước tế bào lớn, xếp theo chiều dọc
thân cây, mạch gỗ chiếm khoảng 20-30%.

- Quản bào: tế bào vách dày, xếp theo chiều dọc thân cây, chiếm tỉ lệ ít, không
có vai trò quan trọng.

- Sợi gỗ: tế bào vách dày, xếp theo chiều dọc thân cây, thành phần chiếm
khoảng 50%.

- Tế bào mô mềm: tế bào vách mỏng, có màu trắng nhạt, làm nơi dự trữ chất
dinh dưỡng, chiếm từ 2-15%.

- Tia gỗ: là tổ chức tế bào mô mềm xếp theo chiều ngang thân cây, chiếm từ 10-
15%, có loại 20-30%.

2.3 Các tính chất cơ bản của gỗ

2.3.1 Tính chất vật lý

a. Độ ẩm và tính hút ẩm

Độ ẩm có ảnh hưởng lớn đến tính chất của gỗ. Nước nằm trong gỗ có 3
dạng: Nước mao quản (tự do), nước hấp phụ và nước liên kết hóa học. Nước tự
do nằm trong một tế bào, khoảng trống giữa các tế bào và bên trong các ống
dẫn. Nước hấp phụ nằm trong vỏ tế bào và khoảng trống giữa các tế bào. Nước
liên kết hóa học nằm trong thành phần hóa học của các chất tạo gỗ. Trong cây
gỗ đang phát triển chứa cả nước hấp phụ và nước tự do, hoặc chỉ có chứa nước
hấp phụ. Trạng thái của gỗ chứa nước hấp phụ cực đại và không có nước tự do
gọi là giới hạn bão hòa thớ (Wbht). Tùy từng loại gỗ giới hạn bão hòa thớ có thể
dao động từ 23 đến 35%. Khi sấy, nước từ từ tách ra khỏi mặt ngoài, nước từ
lớp gỗ bên trong chuyển dần ra thay thế. Còn khi gỗ khô thì nó lại hút nước từ
không khí.

Mức độ hút hơi nước phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm tương đối của
không khí. Vì độ ẩm của không khí không cố định nên độ ẩm của gỗ cũng luôn
luôn thay đổi. Độ ẩm mà gỗ nhận được khi người ta giữ nó lâu dài trong không
khí có độ ẩm tương đối và nhiệt độ không đổi gọi là độ ẩm cân bằng. Độ ẩm cân
bằng của gỗ khô trong phòng là 8 ÷ 12%, của gỗ khô trong không khí sau khi
sấy lâu dài ở ngoài không khí là 15 ÷ 18%. Vì các chỉ tiêu tính chất của gỗ (khối
lượng thể tích, cường độ) thay đổi theo độ ẩm (trong giới hạn của lượng nước
hấp phụ), cho nên để so sánh người ta thường chuyển về độ ẩm tiêu chuẩn
(18%).

b. Khối lượng riêng

Khối lượng riêng đối với mọi loại gỗ thường như nhau và giá trị trung
bình của nó là 1,54 g/cm3 .

c. Khối lượng thể tích

Khối lượng thể tích của gỗ phụ thuộc vào độ rỗng (độ rỗng của gỗ lá kim:
46 ÷81%, gỗ lá rộng: 32480%) và độ ẩm. Người ta chuyển khối lượng thể tích
của gỗ ở độ ẩm bất kỳ (W) về khối lượng thể tích ở độ ẩm tiêu chuẩn (18%)
Dựa vào khối lượng thể tích, gỗ được chia ra năm loại: Gỗ rất nhẹ (γ 0 =
900 kg/m3). Những loại gỗ rất nặng như gỗ nghiến (γ0 = 1100 kg/m3 ), gỗ sến
(γ0=1080kg/m3 ). Những loại gỗ rất nhẹ như: Gỗ sung, gỗ muồng trắng.

d. Độ co ngót

Độ co ngót của gỗ là độ giảm chiều dài và thể tích khi sấy khô. Nước
mao quản bay hơi không làm cho gỗ co. Co chỉ xảy ra khi gỗ mất nước hấp phụ.
Khi đó chiều dày vỏ tế bào giảm đi các mixen xích lại gần nhau làm cho kích
thước của gỗ giảm.

Sự thay đổi kích thước theo các phương không giống nhau sẽ sinh ra
những ứng suất khác nhau khiến cho gỗ bị cong vênh và xuất hiện những vết
nứt

e. Trương nở

Trương nở: là khả năng của gỗ tăng kích thước và thể tích khi hút nước
vào thành tế bào. Gỗ bị trương nở khi hút nước đến giới hạn bão hòa thớ.
Trương nở cũng giống như co ngót không giống nhau theo các phương khác
nhau (hình 8-3): Dọc thớ 0,1÷0.8%, pháp tuyến: 3÷5%, tiếp tuyến 6÷12%.

f. Màu sắc và vân gỗ

Màu sắc và vân gỗ: Mỗi loại gỗ có màu sắc khác nhau. Căn cứ vào màu
sắc có thể sơ bộ đánh giá phẩm chất và loại gỗ. Thí dụ: Gỗ gụ, gỗ mun có màu
sẫm và đen; gỗ sến, táu có màu hồng sẫm; gỗ thông, bồ đề có màu trắng. Màu
sắc của gỗ còn thay đổi theo tình trạng sâu nấm và mức độ ảnh hưởng của mưa
gió. Vân gỗ cũng rất phong phú và đa dạng. Vân gỗ cây lá kim đơn giản, cây lá
rộng phức tạp và đẹp (lát hoa có vân gợn mây, lát chun có vân như ánh vỏ trai).
Gỗ có vân đẹp được dùng làm đồ mỹ nghệ.

g. Tính dẫn nhiệt


Khả năng dẫn nhiệt của gỗ không lớn và phụ thuộc vào độ rỗng, độ ẩm và
phương của thớ, loại gỗ, cũng như nhiệt độ. Gỗ dẫn nhiệt theo phương dọc thớ
lớn hơn theo phương ngang 1,8 lần. Trung bình hệ số dẫn nhiệt của gỗ là
0,14÷0,26 kCal/m0C.h. Khi khối lượng thể tích và độ ẩm của gỗ tăng, tính dẫn
nhiệt cũng tăng.

h. Tính truyền âm

Gỗ là vật liệu truyền âm tốt. Gỗ truyền âm nhanh hơn không khí 2 -17
lần. Âm truyền dọc thớ nhanh nhất, theo phương tiếp tuyến chậm nhất.

2.3.2 Tính chất cơ học

Gỗ có cấu tạo không đẳng hướng nên tính chất cơ học của nó không đều
theo các phương khác nhau. Tính chất cơ học của gỗ phụ thuộc vào nhiều yếu tố
như: Độ ẩm, khối lượng thể tích, tỷ lệ phần trăm của lớp gỗ sớm và lớp gỗ
muộn, tình trạng khuyết tật, v v....

*Cường độ chịu nén

Cường độ chịu nén gồm có: Nén dọc thớ, nén ngang thớ pháp tuyến
(xuyên tâm) nén ngang thớ tiếp tuyến và nén xiên thớ. Trong thực tế rất hay gặp
trường hợp nén dọc thớ (cột nhà, cột cầu, dàn giáo, v.v...). Nén xiên thớ cũng là
những trường hợp hay gặp (đầu vì kèo).

*Cường độ chịu kéo

Mẫu làm việc chịu kéo được chia ra: Kéo dọc, kéo ngang thớ tiếp tuyến
và pháp tuyến. Cường độ chịu kéo dọc thớ lớn hơn nén dọc, vì khi kéo các thớ
đều làm việc đến khi đứt, còn khi nén dọc các thớ bị tách ra và gỗ bị phá hoại
chủ yếu do uốn dọc cục bộ từng thớ. Cường độ chịu kéo xuyên tâm rất thấp.
Còn khi kéo tiếp tuyến thì chỉ liên kết giữa các thớ làm việc, nên cường độ của
nó cũng nhở hơn so với kéo và nén dọc thớ.
*Cường đội chịu uốn

Cường độ chịu uốn của gỗ khá cao (nhỏ hơn cường độ kéo dọc và lớn
hơn cường độ nén dọc). Các kết cấu làm việc chịu uốn hay gặp là dầm, xà, vì
kèo...

PHẦN 3

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Chuyên đề đã giải quyết triệt để mục tiêu ban đầu đặt ra và rút ra một số kết
luận và kiến nghị sau:
Cấu tạo và tính chất có liên quan mật thiết với nhau. Cấu tạo có thể xem là
biểu hiện bên ngoài của tính chất. Những hiểu biết về cấu tạo sẽ giúp chúng ta
đưa ra các biện pháp khắc phục những nhược điểm của gỗ trong quá trình gia
công chế biến và sử dụng.

Gỗ là một loại vật liệu dị hướng, theo các phương chiều khác nhau thì cấu
tạo và tính chất của gỗ cũng khác nhau. Gỗ là một loại vật liệu vừa có tính đàn
hồi vừa có tính biến dạng vĩnh cửu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình môn Khoa học gỗ.

2. Nghiên cứu cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và thành phần hóa học của
một số loại gỗ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu tính chất cơ, vật lý và giải phẫu của
một số loài gỗ và tre thông dụng ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo
quản và sử dụng – Viện Khoa học và Lâm nghiệp Việt Nam.
4. Chương 8: Vật liệu gỗ - Trường Đại học Xây dựng Miền Trung.

You might also like