You are on page 1of 6

SỞ GD & ĐT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐỀ THAM KHẢO KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10

TRƯỜNG THCS & THPT TRÍ ĐỨC LẦN 8-NĂM HỌC 2021- 2022
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
(ĐỀ THI CÓ 02 TRANG)

Chủ đề: XÓT – THƯƠNG


(Xót – thương để hiểu, biết, xót – thương để hành động, xót – thương để gắn kết)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)


Đọc văn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Trong tiếng Việt có chữ thương mà cũng có chữ xót. Cha mẹ thương con cho roi
cho vọt nhưng nếu cha mẹ biết xót con thì sẽ không đánh con quá đau.
Con thương mẹ, con biết chăm chỉ học hành, nhưng nếu con còn biết xót mẹ thì con
sẽ không ngồi yên học và co chân lên cho mẹ quét nhà.
Con thương mẹ, con sẽ học thật nhiều, nhưng nếu con còn biết xót mẹ thì con sẽ học
thật nhanh để còn giúp mẹ đánh vật với chậu quần áo sau một ngày tất tả chạy chợ.
Thương có thể mang đôi cánh và bay lên cao, đậu trên cành lí thuyết.
Xót là hạ cánh xuống từng thành phần cụ thể, kể cả từng thân phận con sâu, cái kiến
nhỏ nhoi dễ bị che khuất.
Thương làm người ta cao cả, xót còn khiến người ta thêm từ ái, bao dung và xa lạ
với điều ác trong từng cử chỉ cụ thể…
Hãy biết xót bằng hành động chứ đừng chỉ thương bằng lời nói, em nghe…”
(Trích “Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào?”, Đoàn Công Lê Huy)
a) Xác định phép liên kết về hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: “Trong
tiếng Việt có chữ thương mà cũng có chữ xót. Cha mẹ thương con cho roi cho vọt nhưng
nếu cha mẹ biết xót con thì sẽ không đánh con quá đau”.
b) Theo tác giả bài viết, “xót” khiến cho những người con có thay đổi gì trong hành
động?
c) Xác định thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện qua văn bản.
d) Theo em, tác hại của việc con cái không biết “thương” và “xót” cha mẹ là gì?
(trình bày trong khoảng 3 – 5 dòng).

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)


Câu 1. (3.0 điểm)
Hãy biết xót bằng hành động chứ đừng chỉ thương bằng lời nói.
Hãy viết bài văn (khoảng 1 trang giấy) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

1
Câu 2. (4.0 điểm)
Nỗi niềm xót – thương đã từng trở đi trở lại nhiều lần trong văn học:
Đó là nỗi niềm xót – thương của Thuý Kiều hướng về gia đình và Kim Trọng:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
(Trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Đó là nỗi niềm xót – thương góp phần làm nên tình đồng chí:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
(Trích “Đồng chí”, Chính Hữu)
Đó cũng là nỗi niềm xót – thương giúp cháu hiểu những khó nhọc để kính yêu bà hơn:
“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm bếp
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
(Trích “Bếp lửa”, Bằng Việt)

Học sinh được chọn một trong hai câu sau:


Đề 1: Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba nỗi niềm xót – thương
trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em lựa chọn.
Đề 2: Từ những gợi ý trên và trải nghiệm trong quá trình đọc văn, em hãy viết một
bài văn với nhan đề: Mỗi tác phẩm giá trị mang theo một bài học về xót – thương.
------------------------------------HẾT-----------------------------------------
2
GỢI Ý ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU:
a) Phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn sau: Phép lặp từ ngữ “thương”,
“xót”.
b) Theo tác giả bài viết “xót” khiến cho những người còn có thay đổi trong hành
động: Bên cạnh việc cố gắng học tập, con cái sẽ giúp đỡ cha mẹ những công việc gia đình
thường ngày (“quét nhà”, “giặt quần áo”)…
c) Thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện qua văn bản:
- Thông qua văn bản, tác giã đã ngợi ca giá trị của việc biết “thương” và
“xót” mà con người dành cho nhau trong cuộc sống.
- Đồng thời, người viết cũng khẳng định ý nghĩa, thái độ “xót”, mong muốn mỗi cá
nhân hãy biết “xót” lẫn nhau bằng những hành động cụ thể chứ không chỉ biết “thương”
bằng lời nói.
d) Việc con cái không biết “thương” và “xót” cha mẹ sẽ dẫn đến những tác hại sau:
- Họ sẽ trở thành những người con bất hiếu.
- Những người này dần vô tâm, lạnh lùng với chính người thân trong gia đình.
- Họ sẽ đối diện với nguy cơ sa vào lối sống vô cảm trong các mối quan hệ khác, trở
thành con người ích kỉ, thiếu sự chia sẻ.
II. LÀM VĂN:
Câu 1.
1) Giải thích:
- “Xót bằng hành động” được hiểu là cách biểu hiện sự chia sẻ, đồng cảm với người
khác bằng hành động cụ thể. “Thương bằng lời nói” có mức độ thấp hơn, đó là cách biểu
hiện tình cảm với người khác đơn giản chỉ bằng ngôn ngữ, thiếu đi những hành động thể
hiện rõ ràng, cần thiết.
- Đề bài đã đưa ra hai vấn đề “xót bằng hành động” và “thương bằng lời nói”. Với
ý kiến đã nêu, chúng ta có thể thấy người phát ngôn muốn nhấn mạnh đến việc “xót bằng
hành động”.
2) Bàn luận:
- Sự thương xót có biểu hiện rất phong phú, đó là sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu
cũng là sự cảm thương, quan tâm, giúp đỡ những người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn
trong cuộc sống. Xót thương góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người,
bồi đắp cho tâm hồn trong sáng, cao đẹp hơn.
- Chính những hành động nhỏ bé, thiết thực thường ngày sẽ như những viên gạch
xây lên tình cảm thực sự và chắc chắn, không có sự xót thương nào được vẽ bằng những lời
nói sáo rỗng. Vấn đề trên ai cũng cảm thấy, nhưng để biến lời nói thành hành động để thể
hiện nỗi niềm thương xót lẫn nhau thì không phải ai cũng thực hiện được. Mọi sự thương
xót chỉ bật lên thành lời dần trở thành sự giả dối vì thiếu đi hành động cụ thể để chứng minh,
để bộc lộ rõ ràng.
- Hiện trạng xã hội cho thấy thay vì những hành động thiết thực, chúng ta dùng những
dòng tin nhắn, cuộc điện thoại chớp nhoáng hoặc “tiện lợi” hơn là những chia sẻ, trao đổi
qua lại trên facebook. Ngày qua ngày, những hành động trên trở thành thói quen, sự thương
xót thực tâm bỗng chốc chỉ còn là những lời nói xả giao mờ nhạt, không phải xuất phát từ
quan tâm thực sự. Ta cần lên án mạnh mẽ hiện trạng này vì nó đang khiến con người ảo
tưởng, giả dối thêm.
3) Bài học nhận thức về hành động:

3
- Khi yêu thương nhau, xót xa cho nhau hãy biểu hiện bằng cả lời nói và hành động.
Tình cảm chân thành sẽ có những hành động chân thành chứ không chỉ là những lời nói sáo
rỗng.
- Nếu bản thân ta muốn thể hiện sự thương xót cho ai hãy chủ động thể hiện điều đó,
đừng chờ đợi để rồi sẽ đánh mất họ mãi mãi, sẽ chịu tiếng vô tâm, lạnh lùng.
Câu 2.
Đề 1
1) Nỗi niềm xót – thương của Thuý Kiều hướng về gia đình và Kim Trọng khi
ở lầu Ngưng Bích:
- Nỗi nhớ đầu tiên Kiều hướng về Kim Trọng. Nàng nhớ về người cùng mình vừa
thề nguyền hôm nao, nay vẫn đang sầu tư ngóng đợi mình. Cụm từ “dưới nguyệt chén đồng”
gợi nhớ đến kỉ niệm của đêm đính ước hôm nào. Đặt nỗi nhớ người yêu lên đầu, Kiều đã
không giấu nỗi nhớ thương da diết, mãnh liệt của mình với Kim Trọng. Hơn nữa, điều này
phù hợp với quy luật tâm lí và thể hiện sự tinh tế của ngòi bút nhân đạo Nguyễn Du. Kiều
đã bị Mã Giám Sinh làm nhục và đang bị ép tiếp khách làng chơi nên nỗi đau đớn nhất của
Kiều là “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Vì vậy, người mà nàng thương và nhớ đầu tiên
là Kim Trọng. Càng nhớ chàng lại càng cảm thấy có lỗi, làm sao phải “gột rửa” được để
lòng mình mãi vẫn là “tấm son” đối với chàng Kim.
- Xót xa nghĩ về cha mẹ, Kiều day dứt khôn nguôi về nỗi lo ai sẽ chăm sóc, phụng
dưỡng song thân trong những ngày nàng xa nhà: “Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”.
Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điển cố“Sân Lai”, “gốc tử” đều nói lên tấm lòng hiếu thảo
của Kiều. Nàng tưởng tượng ở nơi quê nhà tất cả đã đổi thay, “gốc tử đã vừa người ôm”,
cha mẹ ngày một già yếu. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa nói được sự xa cách kéo dài,
vừa gợi sự tàn phá của thời gian đối với cảnh vật và con người. Trong nỗi niềm ấy có cả
những dự cảm về sự chia lìa kéo dài, về những tàn phai theo năm tháng của bản thân khiến
nàng ân hận, day dứt vì mình đã phụ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
- Với nghệ thuật khắc hoạ nội tâm nhân vật, qua ngôn ngữ độc thoại tinh tế; bút pháp
tả cảnh ngụ tình tài hoa, đặc sắc; sử dụng đặc săc; sử dụng đắt giá ngôn ngữ và phát huy
triệt để giá trị của các biện pháp tu từ, Nguyễn Du đã thể hiện đầy xúc động tâm sự ngổn
ngang với bao thương nhớ, cô đơn, buồn tủi của Thuý Kiều.
2) Nỗi niềm xót – thương góp phần làm nên tình đồng chí trong bài thơ cùng
tên của Chính Hữu:
- Tình đồng chí được thể hiện trước hết là sự cảm thông sâu xa nỗi lòng của nhau, ở
đây cụ thể là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những người lính “Gian nhà không mặc kệ
gió lung lay” – từ “mặc kệ” hiểu theo nghĩa thông thường là bỏ lại tất cả, không quan tâm,
nhưng đặt trong hoàn cảnh của anh nông dân vốn gắn bó máu thịt với ruộng nương, với ngôi
nhà tranh nghèo, ít ra khỏi luỹ tre xanh, ra khỏi cổng làng, giờ đây dứt áo ra đi đến những
phương trời xa lạ, vào nơi khói lửa, súng đạn hiểm nguy, hẳn anh phải có một thái độ dứt
khoát, sự quyết tâm mãnh liệt nhưng vẫn đầy xao xuyến, bâng khuâng. Câu thơ giản đơn, ý
nhị mà vẫn đầy nặng thiết tha. Chủ thể của nỗi nhớ vừa cụ thể, vừa kín đáo khiến ý thơ
phong phú, thú vị và ấn tượng hơn.
- Tình đồng chí còn được thể hiện ở sự chia sẻ những khó khăn, gian lao trong cuộc
đời bộ đội, trong cuộc kháng chiến trường kì. Kỉ niệm gắn bó cùng nhau là những trận sốt
rét rừng – căn bệnh kinh niên và phổ biến của những người lính phải sống và chiến đấu
trong hoàn cảnh rừng thiêng nước độc. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thuốc men
thiếu thốn nên bệnh tật hoành hành; trong đó, bệnh sốt rét là một trong những căn bệnh
thường gặp làm cho chiến sĩ “sốt run người”, “vừng trán ướt mồ hôi”. Những ngày đầu
kháng chiến, chưa có đủ quân phục phát cho bộ đội, người lính mang theo áo quần ở nhà đi
chiến đấu, khi rách thì vá víu, có người còn không có kim để vá, lấy dây buộc túm chỗ rách
lại, người ta gọi đùa là “vệ túm”. Ở bài thơ này, những hình ảnh đối xứng nhau: “áo anh –

4
quần tôi”; “rách vai – vài mảnh vá” được xếp đầy dụng ý, nêu bật sự thông cảm, sẻ chia
cùng nhau. Hình ảnh “miệng cười buốt giá” – một nụ cười bừng lên, sáng lên trong gió rét,
trong sương muối, nụ cười của tình đồng chí, tình thương yêu vô bờ mà họ dành cho nhau
qua hơi ấm bàn tay: “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Tình cảm mộc mạc, không ồn ào
nhưng thấm thía.
- Với ngôn ngữ bình dị, hình ảnh thơ đẹp, mang ý nghĩa biểu tượng, giàu sức biểu
cảm, tác giả đã thể hiện sự trân trọng đối với tình đồng chí của những người lính. Đồng thời,
nhà thơ cũng khẳng định tình cảm tốt đẹp này dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí
tưởng chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khó, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh
và vẻ đẹp tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.
3) Nỗi niềm xót – thương giúp cháu hiểu những khó nhọc để yêu kính bà hơn
thể hiện qua bài “Bếp lửa” của Bằng Việt:
- Tín hiệu thời gian “tám năm ròng” ăm ắp bao kỉ niệm thân thương “cháu cùng bà
nhóm lửa”. Chim tu hú kêu những ngày hè, tiếng tu hú kêu trên những cánh đồng xa cứ
khắc khoải kêu mãi, kêu hoài, trong hiện thực đã tha thiết, trong nỗi nhớ lại càng trở nên da
diết hơn. Tám năm ấy “mẹ cùng cha công tác bận không về”, cháu ở cùng bà, cháu lớn lên
trong tình thương và sự chăm sóc nuôi dưỡng của bà. Ngôn từ thơ đã hội tụ tất cả tình
thương của bà dành cho cháu, gợi tả tình bà cháu quấn quýt yêu thương, một tình thương
ấp ủ, chở che. Hay nhất, hàm súc nhất là từ ngữ “cháu ở cùng bà”, “bà bảo”, “bà dạy”,
“bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la, sự chăm chút
của bà đối với cháu nhỏ. Nghĩ về ngọn lửa hồng của bếp lửa, nghĩ về tiếng chim tu hú gọi
bầy, đứa cháu gọi nhắn thiết tha chim tu hú “kêu chi hoài”. Câu thơ cảm thán và câu hỏi tu
từ diễn tả nỗi thương nhớ bà bồi hồi, tha thiết. “Nhóm bếp lửa” trở thành một hành trình từ
nhận thức đến tình cảm: cùng bà đi qua những ngày khó khăn (“tám năm ròng cháu cùng
bà nhóm lửa”), cháu dần cảm nhận được đầy đủ trách nhiệm, vai trò và tình yêu thương của
bà, hiểu thấu sự vất vả của bà (“thương bà khó nhọc”). Nên khi nhóm bếp lửa, tình yêu
thương bà theo đó cũng bùng lên, nỗi lo lắng xót xa cho tuổi già, lẻ loi của bà cũng dần da
diết hơn.
- Thể thơ tự do phù hợp với giọng điệu tha thiết, tình cảm xúc động bồi hồi, suy
tưởng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và nghị luận sáng tạo. Hình
ảnh bếp lửa vừa cụ thể, vừa gần gũi, vừa giàu cảm xúc, vừa mang ý nghĩa biểu tượng đã
làm sống mãi những kỉ niệm ấu thơ ấm áp tình bà cháu.
4) Liên hệ, so sánh:
Học sinh liên hệ tác phẩm/ đoạn trích khác, có thể chọn một trrong hai đoạn trích còn
lại để tiến hành so sánh với đoạn trích bản thân đã phân tích nhằm làm nổi bật nội dung lựa
chọn. Học sinh cần nói qua về nội dung tác phẩm/ đoạn trích được liên hệ, chỉ ra sự gặp gỡ
giữa các tác phẩm/ đoạn trích. Trên cơ sở đó, học sinh cần khẳng định ý nghĩa của nỗi niềm
xót – thương mà hai tác phẩm/ đoạn trích thể hiện.

Đề 2
1) Giải thích:
- Như đã lí giải ở câu nghị luận xã hội “xót thương” được hiểu là sự yêu thương,
chia sẻ, đồng cảm với người khác. Với văn học, đây chính là biểu hiện cho tấm lòng nhân
đạo của nhà văn trong tác phẩm.
- Nhận đạo là nội dung tiêu biểu, xuyên suốt trong văn học Việt Nam nói riêng cũng
như trong sáng tác văn học nói chung. Ý kiến trên đã đặt ra yêu cầu với sáng tác: mỗi tác
phẩm giá trị phải là sự thể hiện yêu thương, chân thành, những khắc khoải, day dứt không
ngừng của nhà văn cho số phận con người.
2) Bàn luận – chứng minh:

5
- Một nhà văn chân chính phải mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là
tình cảm xót thương con người. Có được tình cảm cao quý và thiêng liêng ấy, nhà văn mới
có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có
thể vượt qua được những khủng hoảng tinh thần và đứng vững trước cuộc sống.
- Từ đó, sáng tác của họ sẽ luôn là tiếng nói tố cáo, phê phán mạnh mẽ các thế lực
chà đạp lên quyền sống của con người; lên án đòi quyền sống cho con người, đấu tranh tự
do, hạnh phúc, nhân phẩm và đồng cảm với những khát vọng chính đáng của con người.
- Chứng minh bằng những trải nghiệm khi đọc tác phẩm: học sinh từ việc nghị luận
về những tác phẩm đáp ứng yêu cầu đề mà chỉ ra tính đúng đắn của vấn đề đang giải quyết.
Cảm nhận của học sinh cần chân thành, tinh tế, sâu sắc. Khuyến khích những bài viết cho
thấy tác giả ấy đã thực sự có tác động mạnh mẽ với người làm bài.
3) Đánh giá, mở rộng vấn đề bàn luận:
- Chỉ những nhà văn chân chính – “nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Chekhov) – mới
tạo nên những tác phẩm thực sự có giá trị; mới mở ra hình ảnh nhân sinh chân thực, sâu sắc;
mới đem đến cho con người những nhận thức đúng đắn về hiện thực, về chính mình và
hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mĩ trong cuộc sống.
- Nhân đạo là kim chỉ nam, là yêu cầu đặt ra trong sáng tác. Thế nhưng, nếu chỉ có
giá trị sâu sắc về nội dung, tư tưởng mà thiếu đi hình thức nghệ thuật độc đáo, tác phẩm văn
học khó có thể phát huy hết vai trò đối với người đọc. Vì vậy, bên cạnh giá trị nhân đạo cần
hướng đến, nhà văn cần định hình phong cách riêng, hướng đến đọc giả, chú ý cả hai mặt
nội dung và hình thức thể hiện trong tác phẩm.
--------------------HẾT-------------------

You might also like