You are on page 1of 21

MỤC LỤC

Lời mở đầu và lời cám ơn


Phần I. Giới thiệu về công ty và thị trường
1. Sơ lược về công ty UNIQLO
2. Thị trường chung
3. So sánh đối thủ cạnh tranh
4. Ảnh hưởng dịch COVID
Phần II. Chuỗi cung ứng
1. Nguyên vật liệu đầu vào
2. Quy trình sản xuất
3. Thành phẩm lưu kho
4. Phân phối sản phẩm
5. Khiếu nại khách hàng
Phần III. Đánh giá chuỗi cung ứng
Tài liệu tham khảo

1
Lời mở đầu
Đầu tiên nhóm em cũng xin gửi lời cảm ơn đến nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng
em được tham gia học tập môn Quản trị chuỗi cung ứng 1 trong thời buổi dịch bệnh Covid-19
diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay. Đồng thời nhóm em cũng xin gửi lời cảm ơn chân
thành và sâu sắc nhất đến thầy Lê Hồng Trân - giảng viên môn Quản trị chuỗi cung ứng 1 của
lớp em đã tận tình giảng dạy cho chúng em trong suốt quá trình.
Sau cùng, em xin kính chúc các thầy cô có thật nhiều sức khỏe và tràn đầy nhiệt huyết trên con
đường giảng dạy của mình để có thể cùng đồng hành với chúng em và các thế hệ đàn em trên
con đường học tập này.
Khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng yêu cầu cao hơn vào cuộc sống thì các tiêu
chuẩn về vấn đề ăn, mặc cũng phải được nâng cao và để làm được điều này cần có sự hỗ trợ
hùng hậu của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cùng chuỗi cung ứng nhanh, hiện đại hóa và
toàn cầu hóa.
Hiện nay để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ vấn đề nguyên vật liệu, thiết kế, chất lượng
sản phẩm, dịch vụ hậu cần thì các quy trình trong chuỗi cung ứng như kiểm định nguyên vật liệu
đầu vào, quy trình sản xuất, quy trình lưu kho, quy trình phân phối sản phẩm, logistics...cũng
được các chuyên gia trong ngành và khách hàng ngày càng quan tâm. Việc một doanh nghiệp
hay một thương hiệu đầu tư vào chuỗi cung ứng của mình từ đầu vào đến đầu ra nhằm nâng cao
năng lực hợp tác giữa các bộ phận, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất cạnh
tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là đang đáp ứng với các yêu cầu từ khách hàng.
Một trong số các doanh nghiệp đã và đang xây dựng được chuỗi cung ứng có hiệu quả từ các
nguyên vật liệu thô đầu vào đến lúc đến tay khách hàng chính là công ty thời trang đình đám đến
từ xứ sở mặt trời mọc Uniqlo.
Chính vì những lý do trên mà nhóm em quyết định chọn công ty Uniqlo để trình bày về quy trình
chuỗi cung ứng nhằm tìm hiểu sâu hơn về cách thức xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng của
Uniqlo như thế nào mà sản phẩm của Uniqlo luôn được đánh giá cao.

2
Phần I. Giới thiệu về công ty và thị trường
may mặc Việt Nam
1. Sơ lược về công ty

Uniqlo là một thương hiệu thời trang “quốc dân”


với chất lượng tốt giá cả vừa phải đến từ đất nước
mặt trời mọc - Nhật Bản. Uniqlo được thành lập vào
năm 1984, sau khi ông Tadashi Yanai được thừa kế
22 chuỗi cửa hàng may mặc của gia đình năm 1972
ở Ube, tỉnh Yamaguchi. Tiền thân của công ty là
Unique Clothing Warehouse, sau này rút ngắn gọn
lại thành Uniqlo.

Sau thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu thị trường
Việt Nam, ngày 2/10/2018 tập đoàn thời trang Nhật
Bản Uniqlo đã đăng ký thành lập công ty Uniqlo
Việt Nam với trụ sở tại đặt Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước
ngoài. Trong đó Fast Retailing (sở hữu Uniqlo) tại Singapore chiếm 75% vốn và Công ty
Mitsubishi Corporation giữ 25% vốn.

Vị chủ tịch của tập đoàn này đánh giá Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng
là một trong những thị trường quan trọng của thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản này. Sau
hai năm lựa chọn mặt bằng thì vào cuối năm 2019 thương hiệu thời trang quốc dân Uniqlo đã
công bố kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vì nhận thấy được tiềm năng phát triển của
Việt Nam và điều này cũng nằm trong mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế của
thương hiệu.

Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Việt Nam được đặt tại vị trí vàng của Thành phố Hồ Chí Minh
- con đường Đồng Khởi. Đây là một trong những cửa hàng lớn nhất của thương hiệu này ở Đông
Nam Á. Cửa hàng Uniqlo tại Hồ Chí Minh cũng được xây dựng trở thành mô hình cửa hàng mẫu
với diện tích lên đến 3000m2 và được trưng bày với toàn bộ các sản phẩm cho các đối tượng
khách hàng nam nữ với những độ tuổi khác nhau nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho
người tiêu dùng tại đây.

Sau thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/9/2019 Công ty Uniqlo Việt Nam thành lập chi nhánh tại
Hà Nội - thủ đô của Việt Nam. Cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Hà Nội được ra mắt vào tháng
3/2020. Đến hiện tại thì Uniqlo đã mở tổng cộng 8 cửa hàng tại thị trường Việt Nam gồm năm
cửa hàng tại Hồ Chí Minh và ba cửa hàng tại Hà Nội.

Với mục tiêu mở rộng và thâu tóm thị trường thời trang thế giới, hãng vừa chi hàng chục triệu
USD để mua lại 35% cổ phần của công ty cổ phần Elise – đơn vị sở hữu hơn 100 cửa hàng thời
trang nữ trên toàn quốc.

2. Thị trường ngành công nghiệp may mặc Việt Nam


Ngành công nghiệp may mặc Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích

3
cực cả về sản xuất và hoạt động xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành
may mặc bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%. Năm
2020, ngành may mặc là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực và kéo dài của dịch
Covid-19.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt giảm 0,5%; ngành sản xuất trang phục giảm 4,9% do đại
dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ các sản phẩm
may mặc, nhu cầu sản phẩm may mặc giảm sút mạnh.
Trong 9 tháng năm 2021, ngành may mặc đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm
trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Chỉ số sản xuất ngành
dệt và sản xuất trang phục trong 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó,
chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8%; ngành sản xuất trang phục tăng 4,8%. Chỉ số sản xuất của
một số sản phẩm trong ngành trong 9 tháng năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như vải
dệt từ sợi tự nhiên ước tính đạt 501,5 triệu m2, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất vải
dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt 860,4 triệu m2, tăng 4,9%; quần áo mặc thường đạt
3.411,2 triệu cái, tăng 4,5%.
Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ
tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn
nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm; đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư
vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để
ngành may mặc chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng
nhanh…
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại
theo hình thức trực tuyến để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường
xuất khẩu; nhà nước hỗ trợ trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành may mặc…
Ngoài ra, theo kết quả đánh giá thống kê thương mại thế giới mới nhất của Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO) Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế
giới với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc
và vượt Bangladesh về bán hàng may mặc trên toàn cầu. Sản phẩm may mặc "made in Vietnam"
chiếm 6,4% thị phần thế giới so với năm 2010, thị phần chỉ là 2,9%.

4
3. So sánh đối thủ cạnh tranh
Cũng giống như Uniqlo, ZARA và H&M là hai thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thời
trang bán lẻ. Tuy nhiên, ở mỗi thương hiệu lại có cho mình những chiến lược, lối đi riêng
trên con đường phát triển doanh nghiệp. Xét về các chỉ tiêu như nguồn cung NVL, quy
mô nhà máy, hệ thống phân phối, định vị sản phẩm,... ta có thể thấy sự khác nhau giữa
các thương hiệu như bảng so sánh bên dưới.

5
Qua bảng phân tích trên có thể thấy được rằng so với Uniqlo thì ZARA và H&M có
nguồn cung nguyên vật liệu vững vàng hơn khi không phải phụ thuộc vào một nhà cung
ứng tại một khu vực cụ thể nào cả. ZARA và H&M ít khi gặp khó khăn trong vấn đề tìm
kiếm nguồn nguyên vật liệu cũng như gián đoạn nguồn cung. Ngược lại, Uniqlo chi chủ
yếu nhập nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, một số ít là từ các quốc gia khác, vì thế
khi nguồn cung tại Trung Quốc xảy ra vấn đề gì không những nguồn cung của Uniqlo bị
ảnh hưởng mà toàn bộ quá trình vận hành sản xuất của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh
hưởng theo.
Về quy mô nhà xưởng thì Uniqlo và H&M đều thuê ngoài, không có cho mình một hệ
thống nhà máy như của ZARA. Điều này có thể gây khó khăn cho Uniqlo trong quá trình
kiểm soát chất lượng sản phẩm, giám sát các hoạt động trong quá trình sản xuất. Bên
cạnh đó, khi thuê ngoài sản xuất thì khả năng bị đánh cắp những bí mật kinh doanh độc
quyền của thương hiệu cũng sẽ cao hơn. Để hạn chế điều này Uniqlo đã xây dựng cho
mình hệ thống “Takumi’. Theo đó, nhóm Takumi - gồm các chuyên gia có kỹ thuật
nhuộm và sản xuất nguyên vật liệu đặc biệt của ngành may mặc Nhật Bản. Nhóm Takumi
này sẽ giúp cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà máy đối tác của Uniqlo để giúp

6
doanh nghiệp có thể đảm bảo được quá trình kiểm soát chất lượng trong quá trình chuẩn
bị và sản xuất sản phẩm.
Về chiến lược sản phẩm Uniqlo theo xu hướng thời trang bền vững. Vì thế, so với hai đối
thủ thì sản phẩm của Uniqlo không đa dạng về mẫu mã, tuy nhiên lại có tính ứng dụng rất
cao, khi một chiếc áo bạn có thể mặc trong nhiều tình huống đi chơi, đi làm,... đều phù
hợp và sẽ không bị lỗi mốt. Hơn nữa sản phẩm của Uniqlo còn tập trung rất nhiều vào
chất lượng sản phẩm, nên có thể mặc chúng qua nhiều năm nhưng chất lượng vẫn còn rất
tốt. Với một môi trường đang dần bị con người tàn phá như hiện nay, việc ăn mặc tối
giản và giảm lượng rác thải từ quần áo là điều cấp thiết, vì thế quần áo của Uniqlo đang
được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn.
4. Ảnh hưởng dịch COVID
Đại dịch Covid 19 đến và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung
cũng như cho ngành may mặc nói riêng. Đại dịch Covid xảy đến khiến cho các nhà quản trị, các
nhà chiến lược nhận thức sâu sắc về sự phụ thuộc của ngành sản xuất đối với Trung Quốc - công
xưởng thế giới. Việc hạn chế đi lại trong nội địa Trung Quốc, cũng như giữa Trung Quốc với các
quốc gia khác đã làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng sản xuất nói chung và của ngành
may mặc nói riêng khi đa phần các công ty may mặc đều nhập phần lớn nguyên vật liệu sản xuất
cũng như thuê hoạt động gia công từ Trung Quốc.
Uniqlo cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Với phương châm ban đầu là mong muốn
người tiêu dùng có những trải nghiệm thực tế tại các cửa hàng của mình, nên khi đại dịch Covid
xảy đến, hoạt động mua bán trực tiếp bị hạn chế, Uniqlo lại chưa tập trung khai thác hoạt động
mua bán online nhiều nên doanh thu thiệt hại nhiều so với giai đoạn trước dịch, thậm chí, cửa
hàng Uniqlo tại Hồ Chí Minh cũng phải đóng cửa trong thời gian dài, trong khi Uniqlo vẫn phải
chi trả các khoản chi phí khác.
Doanh số bán hàng của doanh nghiệp đạt 843.9 tỷ Yên trong năm 2020, giảm 17.7% so với cùng
kỳ năm trước, lợi nhuận hoạt động đạt 50.2 tỷ Yên, giảm 63.8% so với năm 2019. Doanh số của
Uniqlo bị ảnh hưởng khá nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến và kéo dài
trong suốt năm 2020 trong khi Uniqlo vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch đối phó. Do hạn chế vì dịch
Covid mà nhiều cửa hàng thuộc hệ thống của Uniqlo ở Nhật Bản đã phải giảm giờ hoạt động
theo, trong khi đó thì các cửa hàng tại Hồ Chí Minh Việt Nam cũng đóng cửa trong thời gian dài
do dịch bệnh. Bên cạnh đó các đối tác của Uniqlo cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid phải đóng

7
cửa hoạt động nên buộc Uniqlo cũng phải lùi các kế hoạch cho ra sản phẩm mới của mình, đảo
lộn hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của Uniqlo.
Sau gần 2 năm chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19 thì đến tháng 8/2021 Uniqlo đã công bố
doanh số của hệ thống cửa hàng quốc tế trong đó có Việt Nam của năm 2021 đạt 930.1 tỷ Yên,
tăng 10.2% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận hoạt động đạt 111.2 tỷ Yên, tăng 121.4% so với
cùng kỳ năm 2020. Qua đó có thể thấy rằng Uniqlo đã dần thích nghi với đại dịch và đã có
những kế hoạch kinh doanh mới nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng như công bố các chiến
lược phát triển bền vững của hãng, thúc đẩy các chương trình tái chế bền vững,...nhằm kéo lại
doanh thu đã mất trong năm trước.

Doanh thu năm 2019 Doanh thu năm 2020 Doanh thu năm 2021

Trước tình hình trên thì vừa qua Uniqlo đã thông báo sẽ chính thức bán hàng trực tuyến
từ ngày 5/11/2021 trên trang web Uniqlo.com, trước đó ứng dụng Uniqlo trên điện thoại cũng đã
được đưa vào sử dụng và có được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

8
Phần II. Chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng của Uniqlo nói chung được bắt đầu bằng hoạt động lên kế hoạch với sự phụ
trách chính của bộ phận R&D. Bộ phận R&D Uniqlo chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển sản
phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu trong tương lai không ngừng thay đổi cũng chính là đặc trưng
của ngành may mặc. Bộ phận kinh doanh trên cơ sở liên kết chặt chẽ với bộ phận R&D và bộ
phận sản xuất để sáng tạo, nghiên cứu và quyết định mẫu mã, chất liệu, số lượng cho mỗi chiến
lược sản phẩm.

9
Uniqlo thường trực tiếp đàm phán với nhà cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm cốt lõi của
mình nhằm có được sự thỏa thuận tốt nhất về giá cả và chất lượng cũng như đảm bảo nguồn cung
cho hoạt động kinh doanh của mình. Mặc dù Uniqlo không có các nhà máy sản xuất cho riêng
mình nhưng Bộ phận sản xuất dưới sự phụ trách chính từ đội ngũ Takumi và các nhân viên kiểm
soát chất lượng chịu trách nhiệm nghiên cứu đưa ra các đề xuất lựa chọn nguyên liệu, chuyển lại
cho bộ phận kinh doanh để đặt hàng mẫu, sau đó mới quyết định sử dụng nguyên liệu nào cho
sản phẩm tương ứng. Bộ phận kinh doanh trên cơ sở các đề xuất sau khi đã được các bộ phận
liên quan thống nhất sẽ lên kế hoạch sản xuất với số lượng và mẫu mã phù hợp với chiến lược
của từng sản phẩm, từng thời kỳ. Để kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm thì đội ngũ
Takumi sẽ được cử đến các nhà cung cấp nguyên liệu chính, các nhà máy đối tác nhằm đảm bảo
vấn đề bản quyền, chỉ đạo, chuyển giao công nghệ và theo dõi hoạt động sản xuất tại các nhà
máy này.
Thành phẩm sau khi được sản xuất được đưa về kho, từ kho sẽ phân phối trực tiếp đến hệ
thống cửa hàng bán lẻ của Uniqlo hoặc qua các công ty thương mại để xuất khẩu sang các nước
khác.

10
1. Nguyên vật liệu đầu vào
Nguyên vật liệu của Uniqlo phần lớn được mua từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sợi
bông lớn của thế giới, tuy nhiên Uniqlo cũng không cố định việc thu mua nguyên vật liệu chỉ gói
gọn ở Trung Quốc mà còn mở rộng phạm vi trên toàn thế giới nhằm đảm bảo mua được nguyên
vật liệu chất lượng cao với giá cả phải chăng. Uniqlo sẽ thương lượng trực tiếp với các nhà cung
cấp nguyên vật liệu trên khắp thế giới và đặt hàng với số lượng lớn nhằm đạt được lợi thế về quy
mô.
Bên cạnh đó, với mục tiêu hướng tới phát triển thời trang bền vững nên các sản phẩm của
Uniqlo chỉ sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc bền vững và các đối tác may mặc của hãng

11
cũng được chứng nhận RDS (Tiêu chuẩn có trách nhiệm) vào cuối năm 2019. Đồng thời, Uniqlo
cũng sử dụng lông vũ tái chế, nhựa tái chế áp dụng vào sản xuất quần áo của mình. Ngoài ra,
hãng cũng phát động chương trình tái chế Re. Uniqlo đối với áo khoác có thể tái chế 100%. Đầu
năm 2022, chương trình đã mở rộng phạm vi thêm áo sơ mi, áo khoác hoặc áo vest HeatTech cũ
để khách hàng đổi lấy phiếu coupon điện tử.
Các sản phẩm còn trong tình trạng tốt sẽ được gửi đến các tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi
nhuận, trong khi những mẫu không sử dụng được sẽ được tái chế thành những mảnh vải mới.
Hơn thế nữa, nhằm thúc đẩy và phát triển chiến lược thời trang bền vững nên Uniqlo cũng rất
chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác chiến lược với các nhà sản xuất chất
lượng cao và sáng tạo của Nhật Bản. Cụ thể, hãng đã hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Kaihara để
cung cấp vải denim theo các tiêu chuẩn đã đặt ra hay với Toray Industries, nhà sản xuất sợi tổng
hợp hàng đầu thế giới, để tạo ra sợi và vật liệu mới như HeatTech.
Để kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào Uniqlo đã cho phép các tổ chức bên thứ ba
và các đơn vị khác kiểm tra trước tất cả các nguyên liệu ở giai đoạn tạo mẫu và một lần nữa
trước khi sản xuất hàng loạt để xác nhận chất lượng và độ an toàn. Các bài kiểm tra trước bao
gồm các bài kiểm tra độ bền màu và formalin.

Đầu tiên là về kiểm tra độ bền màu: các bài kiểm tra được thiết kế để đo độ bền của sản phẩm
nhuộm.
Thứ hai là những kiểm tra về formalin: một lượng cực nhỏ formalin (hoặc formaldehyde) đôi
khi được sử dụng như một chất chống co rút, chất chống nhăn và chất làm mềm trong quá
trình chế biến. Tuy nhiên, hóa chất này đã được biết là gây ra bệnh chàm, phát ban hoặc
dị ứng da ở một số cá nhân. Vì vậy, bên thứ ba và các bên liên quan sẽ kiểm tra xem
lượng formalin được bỏ vào có vượt quá nồng độ cho phép hay không.
2. Quy trình sản xuất
Nhằm hướng đến sự minh bạch hơn trong khâu sản xuất, cắt giảm các chi phí, hạn chế rủi ro
trong sản xuất thì Uniqlo đã hợp tác với các đối tác là các nhà máy sản xuất để thuê ngoài cho
toàn bộ hoạt động sản xuất của mình. Uniqlo từng công bố danh sách các xưởng may tại 20 quốc

12
gia với hơn 200 nhà máy may. Việt Nam xếp thứ hai về tầm quan trọng đối với chuỗi cung ứng
của Fast Retailing, với 46 nhà máy.
Việc thuê ngoài hoạt động sản xuất cũng sẽ khiến cho Uniqlo khó kiểm soát được chất lượng.
Để khắc phục nhược điểm này thì Uniqlo đã xây dựng cho mình hệ thống “Takumi”. Cụ thể là
Uniqlo sẽ gửi khoảng 400 nghệ nhân may mặc lành nghề đến các nhà máy đối tác để chia sẻ kỹ
thuật và giúp duy trì tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo an toàn lao động.

3. Thành phẩm lưu kho

13
Các sản phẩm của UNIQLO sau khi được sản xuất tại các nhà máy sản xuất ở trong và cả
ngoài nước như Trung Quốc, Việt Nam sẽ được đưa đến nhà kho. Sản phẩm được bốc dỡ bằng
máy nhập kho tự động và được đi qua máy kiểm tra tự động bằng RFID. Sau đó được xếp lên
pallet trong kho bảo quản hoặc dỡ hàng. Có hai loại chức năng kho: "kho lưu trữ tự động" lưu trữ
các sản phẩm tiêu chuẩn và "kho giao hàng tự động" lưu trữ các sản phẩm bán chạy nhất. Khi
nhận được đơn đặt hàng, các pallet được vận chuyển từ kho đến QPS (Trạm Nhận Hàng Nhanh),
được lấy bằng các hộp các tông vận chuyển riêng lẻ và được vận chuyển qua các máy đóng hộp
tự động và máy phân loại phân loại theo hướng.
4. Phân phối sản phẩm

Trước khi xuất kho Uniqlo sẽ thuê bên thứ ba và các bên liên quan tiến hành kiểm tra chất lượng
sản phẩm lần cuối, sản phẩm sẽ được kiểm tra tổng thể về chất lượng, độ bền màu,...bao gồm cả
việc kiểm tra kim khâu còn sót lại trong sản phẩm hoặc các vật dụng nguy hiểm khác.
Các sản phẩm của Uniqlo được xuất khẩu bằng hai phương thức chính đó là hình thức thương
mại trực tiếp và hình thức thương mại gián tiếp.
Đối với hàng hóa thương mại gián tiếp xuất sang thị trường Nhật thì Uniqlo thông qua các
công ty thương mại để hợp tác xuất khẩu.
Đối với hàng hóa thương mại trực tiếp được xuất sang các quốc gia khác thì sẽ do Uniqlo tự
quản lý phân phối.

14
Đối với hoạt động bán lẻ nội địa thì Uniqlo hoạt động theo mô hình S.P.A nên các sản phẩm
của Uniqlo đưa sản phẩm đến tay khách hàng trực tiếp thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ
độc quyền và các cửa hàng nhượng quyền của mình.
5. Khiếu nại đổi trả sản phẩm
5.1 Đổi trả tại cửa hàng
1. Sản phẩm có thể được đổi trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua hàng được in trên biên lai.
Sản phẩm đã mua chỉ có thể được đổi sang sản phẩm khác với giá bán bằng hoặc cao hơn sản
phẩm đã mua. Trong trường hợp sản phẩm đổi sang có giá cao hơn, khách hàng sẽ thanh toán
phần phí chênh lệch.
2. Có đầy đủ bản gốc biên lai mua hàng.
3. Sản phẩm phải còn mới và nguyên tình trạng ban đầu (không dơ, chưa mặc, chưa qua sử
dụng, không sờn rách, chưa qua chỉnh sửa, chưa giặt), với đầy đủ nhãn giá, nhãn sản phẩm và tất
cả các nhãn khác được đính kèm sản phẩm (nếu có).
4. Chưa qua bất kỳ chỉnh sửa nào.
5. Các sản phẩm đồ lót, tất vớ, legging, đồ bơi, khẩu trang, các sản phẩm dành cho trẻ được
đóng gói, hoặc các sản phẩm tuân theo chính sách vệ sinh đã được mở bao bì sẽ không được
chấp nhận đổi.
6. Chỉ chấp nhận đổi sang sản phẩm khác, không chấp nhận hoàn trả đối với các sản phẩm
thông thường không phát sinh lỗi do nhà sản xuất.
Làm thế nào để tiến hành đổi sản phẩm tại cửa hàng?
Khách hàng mang sản phẩm cùng với bản gốc biên lai mua hàng đến bất kỳ cửa hàng chính
thức nào của Uniqlo Việt Nam, và liên hệ nhân viên cửa hàng để được hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với các trường hợp bất thường hoặc lỗi do nhà sản xuất, khách hàng cần liên hệ
Trung Tâm Khách Hàng để được hỗ trợ thêm.
5. 2 Đơn hàng trực tuyến thanh toán qua thẻ tín dụng/ghi nợ

15
Bước 1 – Kiểm tra điều kiện trả hàng
Yêu cầu:
- Trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận hàng.
- Sản phẩm trong tình trạng mới, nguyên vẹn, với tag giá sản phẩm đính kèm còn nguyên.
- Chưa qua sử dụng, chỉnh sửa và chưa qua giặt giũ.
- Các mặt hàng không được đổi/trả: đồ lót, tất, quần tất, quần legging, đồ bơi, khẩu trang,
(các) sản phẩm đóng gói dành cho trẻ em hoặc các mặt hàng khác đã được mở cửa theo
chính sách vệ sinh nghiêm ngặt.
Bước 2 - Điền vào Phiếu Trả Hàng (Bắt buộc)
Điền vào Phiếu Trả Hàng và Danh Sách Đóng Gói được gửi kèm trong bưu kiện khi mua
hàng, đồng thời ghi rõ mặt hàng, lý do,...
Phiếu trả hàng bắt buộc phải có để Uniqlo tiến hành các bước tiếp theo.
Bước 3 - Đóng gói và gửi sản phẩm cần hoàn trả về kho
Khách hàng tự đóng gói các sản phẩm cần hoàn trả lại và gửi chuyển phát nhanh về kho của
Uniqlo bằng bất kỳ công ty chuyển phát nhanh nào.
Bước 4 - Xác nhận hoàn tiền.

16
Sau khi kho hàng của Uniqlo nhận được hàng đã trả lại cùng với Phiếu Trả Hàng khách hàng
sẽ nhận được email xác nhận hoàn tiền sau khi Uniqlo xử lý thành công khoản tiền hoàn lại.
Số tiền được hoàn lại sẽ được hoàn trả thông qua chính thẻ mà khách hàng đã sử dụng cho
đơn hàng đó. Sau khi Uniqlo tiến hành hoàn tiền thành công, thời gian khách hàng nhận được
tiền hoàn lại có thể lên đến 60 ngày tùy thuộc vào ngân hàng phát hành thẻ của khách hàng.
5.3. Đơn hàng trực tuyến được thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng tận nơi.

Đơn hàng trực tuyến được thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng tận nơi cũng tương tự như
Đơn hàng trực tuyến thanh toán qua thẻ tín dụng/ghi nợ, tuy nhiên sẽ có khác biệt một ít từ bước
3 trở đi.
Bước 1 – Kiểm tra điều kiện trả hàng
Bước 2 - Điền vào Phiếu Trả Hàng (Bắt buộc)
Bước 3 - Đóng gói và gửi sản phẩm cần hoàn trả về kho
Đóng gói các sản phẩm cần hoàn trả lại bằng cách sử dụng chính hộp chuyển phát đã nhận
hoặc bất kỳ bao bì nào phù hợp và vừa vặn với sản phẩm. Chuyển phát nhanh để vận chuyển các
mặt hàng trở lại kho.
Bước 4 - Thu thập tài khoản ngân hàng của khách hàng
Sau khi kho hàng công ty nhận được hàng đã trả lại cùng với Phiếu Trả Hàng Uniqlo sẽ liên
hệ với khách hàng để xác nhận số tài khoản hoàn tiền.
Bước 5- Xác nhận hoàn tiền
Sau khi thu thập tài khoản ngân hàng của khách hàng, số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản
của khách hàng trong vòng 7-14 ngày làm việc.
*Trường hợp sản phẩm có lỗi do sản xuất

17
1. Sản phẩm bị lỗi do nhà sản xuất có thể được đổi hoặc hoàn tiền trong vòng 30 ngày kể từ
ngày nhận hàng. Khách hàng liên hệ Trung tâm Khách hàng của Uniqlo trước khi gửi trả sản
phẩm đến kho để kiểm tra tình trạng sản phẩm và tư vấn các bước cần thiết.
2. Uniqlo Việt Nam chấp nhận hoàn tiền đối với các sản phẩm hoàn do lỗi sản xuất.
3. Khách hàng cần liên hệ với Trung Tâm Khách Hàng để được hướng dẫn thêm.
Phần III. Đánh giá chuỗi cung ứng
1. Tính hiệu quả của chuỗi cung ứng
Việc Uniqlo thuê ngoài hoạt động sản xuất và toàn bộ hoạt động logistics giúp công ty tiết
kiệm được một khoản chi phí đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại cho hoạt động sản xuất, đơn
vị vận tải và các loại chi phí lao động,... Tuy nhiên, điều này lại khiến cho các ý tưởng thiết kế,
công nghệ áp dụng vào trong sản phẩm có khả năng bị sao chép ý tưởng từ chính những nhà máy
đối tác.
Một doanh nghiệp quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm như Uniqlo, thì quy trình kiểm soát
và những quy định trong việc kiểm soát chất lượng đầu vào, hay cụ thể hơn là chất liệu vải để
sản xuất, và các khâu kiểm tra trong quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng thành phẩm luôn
được Uniqlo đặc biệt quan tâm và quản lý chặt chẽ, điều này là một ưu điểm vượt trội của Uniqlo
so với các đối thủ. Nhưng vấn đề khó khăn cho Uniqlo ở đây, chính là kiểm soát chất lượng tại
một đất nước khác Nhật Bản - khi ngôn ngữ và văn hóa là điều gây trở ngại lớn nhất cho Uniqlo.
Việc phần lớn lượng nguyên liệu Uniqlo mua từ thị trường Trung Quốc thể hiện sự phụ thuộc
quá nhiều vào nguồn nguyên liệu của đất nước hơn tỷ dân này.
Vì toàn bộ việc sản xuất Uniqlo đều cho gia công bên ngoài nên công ty cần mời các thợ
Takumi đến để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chẳng hạn như xử lý tiến độ giao hàng, quản lý
dây chuyền sản xuất của nhà máy, kiểm soát chất lượng, bảo mật công nghệ của doanh nghiệp,
điều này khiến cho doanh nghiệp phải chi một con số không hề nhỏ cho nhóm Takumi này tại
các quốc gia mà Uniqlo thuê ngoài.
Khó giải quyết ổn thỏa khi có bất đồng, bạo động ở nhà xưởng như khi công nhân đòi quyền
lợi, yêu cầu tăng lương,...do những khác biệt về văn hóa, chính trị, tư tưởng,...đối với các nhà
xưởng ở nước ngoài.

Để nhân công của nước sở tại có thể sản xuất ra được những sản phẩm đạt yêu cầu đòi hỏi
thương hiệu phải đào tạo kiến thức về mặt công nghệ cho những nhân công đó hoặc phải cử
những nhân viên, kỹ sư giỏi đến nước sở tại để trực tiếp điều hành và thực hiện những chu trình

18
sản xuất. Trong những hoạt động sản xuất như vậy khó tránh khỏi việc bị những người có dã tâm
muốn ăn cắp kiến thức công nghệ để áp dụng cho doanh nghiệp của nước họ.
2. Đề xuất
- Đề xuất cho hoạt động xây dựng kế hoạch và nguồn cung ứng nguyên vật liệu:
Uniqlo nên xây dựng các kế hoạch sản xuất, kế hoạch cho các nguồn cung ứng nguyên vật liệu,
đặt hàng, kế hoạch bán hàng một cách toàn diện và có sự tiên lượng chính xác nhằm giúp Uniqlo
có thể chủ động hơn cũng như có đủ thời gian ứng biến cho các tình huống khẩn cấp như bị động
về nguồn cung nguyên vật liệu, từ các vấn đề về hoạt động sản xuất của nhà máy đối tác, các vấn
đề kinh tế chính trị xã hội phát sinh ngoài dự đoán của Uniqlo. Cụ thể, Uniqlo nên tìm kiếm cho
mình nhiều nhà cung ứng có thể là gián tiếp hay trực tiếp từ nhiều quốc gia khác nhau hơn, tránh
sự lệ thuộc vào một quốc gia quá nhiều, giúp Uniqlo có thể trở nên chủ động hơn trong các tình
huống phát sinh ngoài dự kiến.
- Đề xuất cho hoạt động sản xuất
Mặc dù, quy trình sản xuất của Uniqlo khác chặt chẽ, có sự phối hợp giữa hoạt động quản
lý của Uniqlo cùng với hoạt động sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên không tránh khỏi việc
hàng hóa bị lỗi, hoặc chất lượng sản phẩm không đạt như yêu cầu, ngoài ra còn có vấn đề
về thời gian hoàn thành thành phẩm không đúng hạn. Uniqlo nên yêu cầu nhà máy đưa ra
các biện pháp nhằm khắc phục các lỗi thường gặp trong khâu sản xuất như sai màu, sót
chỉ,.. Bên cạnh đó, để tránh việc đơn hàng không giao đúng hẹn, hay vì đặt số lượng lớn
một lần Uniqlo có thể chia đơn hàng thành từng đơn hàng lẻ cho nhà máy sản xuất.
- Đề xuất cho hoạt động phân phối
Công ty thuê ngoài dịch vụ vận chuyển, vì thế tiến độ, thời gian giao hàng sẽ bị phụ thuộc
vào công ty vận chuyển đó làm cho thời gian giao hàng có thể chậm hơn dự kiến. Uniqlo
nên thống nhất và cam kết với bên vận chuyển về thời gian giao nhận hàng, hoặc có thể
chủ động tìm kiếm các đối tác vận chuyển khác cho công ty, ngoài ra có thể ứng dụng
công nghệ để tích hợp dữ liệu về vận chuyển, tiện lợi cho công việc giám sát đơn hàng
hơn.
- Đề xuất cho quy trình giải quyết khiếu nại/ đổi trả sản phẩm:

Tối giản hóa quy trình giải quyết khiếu nại/ đổi trả sản phẩm của Uniqlo bằng cách xây dựng hệ
thống lưu trữ thông tin khách hàng khi khách hàng mua hàng kể cả khách hàng mua trực tuyến
hay mua tại cửa hàng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra đơn hàng của Uniqlo và tiết
kiệm thời gian đổi trả hàng của khách hàng.

19
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Forbesjapan. 柳井正の名言 7 選 「10 回新しいことを始めれば 9 回は失敗する」.


Truy cập ngày 09/03/2022 tại:

<https://forbesjapan.com/articles/detail/32107>

2. Fastretailing. History. Truy cập ngày 08/03/2022 tại:

<https://www.fastretailing.com/jp/about/history/2005.html>

3. Namu.wiki. Uniqlo. Truy cập ngày 08/03/2022 tại:

<https://namu.wiki/w/%EC%9C%A0%EB%8B%88%ED%81%B4%EB%A1%9C>

4. Viet-jo. UNIQLO khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu năm 2019 -
cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 08/03/2022 tại:

<https://www.viet-jo.com/news/nikkei/180830181701.html>

5. Tạp chí tài chính. Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của "Made in
Bangladesh". Truy cập ngày 09/03/2022 tại:

<https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khong-phai-made-in-china-bay-gio-la-
ky-nguyen-cua-made-in-bangladesh-308326.html>

6. Bộ Công Thương Việt Nam. Nhiều thách thức cho ngành may mặc Việt Nam trong cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập ngày 13/03/2022 tại:

<https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/nhieu-thach-thuc-cho-nganh-det-
may-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4.0.html>

7. Vnexpress. Việt Nam thành nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ hai thế giới. Truy cập ngày
12/03/2022 tại:

<https://vnexpress.net/viet-nam-thanh-nha-xuat-khau-may-mac-lon-thu-hai-the-gioi-
4334912.html>

8. Vnexpress. Công ty mẹ Uniqlo lãi kỷ lục. Truy cập ngày 12/03/2022 tại:

<https://vnexpress.net/cong-ty-me-uniqlo-lai-ky-luc-4372937.html>

9. Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh. Hãng thời trang Uniqlo quyết định mở bán online hậu
đại dịch. Truy cập ngày 12/03/2022 tại:

<https://plo.vn/kinh-te/hang-thoi-trang-uniqlo-quyet-dinh-mo-ban-online-hau-dai-dich-
1025187.html>

20
10. Nguyễn Quang Vũ (2015). Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản trị chuỗi cung ứng
của Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam đến năm 2020. Truy cập ngày 13/03/2022 tại:

<http://123docz.net/document/4140859-mot-so-giai-phap-hoan-thien-nham-quan-tri-
chuoi-cung-ung-cua-cong-ty-trach-nhiem-huu-han-uniqlo-viet-nam-den-nam-2020.htm>

11. Uniqlo. Q. Làm thế nào để Đổi/Trả sản phẩm tại cửa hàng?. Truy cập ngày 13/03/2022
tại:

<https://faq-vn.uniqlo.com/articles/vi/FAQ/How-to-proceed-Exchange-Return-at-
store#:~:text=1.,to%C3%A1n%20ph%E1%BA%A7n%20ph%C3%AD%20ch
%C3%AAnh%20l%E1%BB%87ch.>

12. Uniqlo. Q. Làm thế nào để Đổi/Trả sản phẩm (Cho đơn hàng trực tuyến). Truy cập ngày
13/03/2022 tại:

<https://faq-vn.uniqlo.com/pkb_Home_UQ_VN?
id=kA32t000000TNXf&l=vi&fs=Search&pn=1>

—HẾT—

21

You might also like