You are on page 1of 25

CRITICAL THINKING

Giới thiệu
Critical thinking - Tư duy phản biện là bộ kỹ năng top 1 trong tất cả những kỹ năng quan
trọng nhất mọi thời đại. Và tư duy phản biện cũng là kỹ năng quan trọng nhất để hội nhập
tương lai bất định.
Thế giới đang bước vào thời kỳ thay đổi cấp số nhân do Covid, do cách mạng 4.0 và toàn cầu
hoá. Mọi thay đổi đang diễn ra mang tính tái định nghĩa tất cả những gì nhân loại đã từng
biết, với tốc độ tức thì, có phần hỗn loạn và đặc biệt là vô cùng nghiệt ngã, sẵn sàng bỏ lại
phía sau tất cả những ai không chủ động và cố gắng hội nhập. Trong vòng xoáy bất định đó,
tư duy phản biện là bộ kỹ năng giúp con người tiếp nhận thông tin đúng, tư duy đúng, và đưa
ra những phán đoán, quyết định đúng cho bản thân, gia đình và tổ chức.

Bộ kỹ năng tư duy phản biện gồm những kỹ năng sau:


- Kỹ năng thu thập thông tin liên quan
- Khả năng nhận biết và quản trị thành kiến
- Khả năng lập luận logic
- Kỹ năng giải quyết vấn đề có hệ thống

Khoá học này dành cho:


- Tất cả những ai đang đi làm hoặc điều hành doanh nghiệp
- Sinh viên, học sinh cấp 3
- Phụ huynh quan tâm đến tương lai con em
Tư duy phản biện

Thế giới có rất nhiều định nghĩa về tư duy phản biện, từ hàn lâm, trừu tượng đến cụ thể, thu
hẹp trong một ngữ cảnh nào đó. Tôi là người thực tế, không thích học thuật, kiểu nghe xong
thấy thật hoành tráng hay ho mà chẳng hiểu hay không biết ứng dụng thế nào. Cho nên, tôi sẽ
chia sẻ định nghĩa một cách đơn giản và dựa trên những ứng dụng và hành động cụ thể.

Người có tư duy phản biện là người "tự" làm những việc sau:
- Tự định hướng
- Tự đặt ra và tuân thủ kỷ luật mà bản thân đưa ra
- Tự quan sát và theo dõi quá trình tư duy, suy nghĩ của bản thân
- Tự hiệu chỉnh những sai lầm nếu có trong cách bản thân tư duy, suy nghĩ

Bạn thấy chuyện gì sai sai ở đây không? Là chuyện gì cũng phải tự làm chứ không được đi
xin xỏ, vay mượn, dựa dẫm gì ai hết. Có chăng, thì chỉ đặt câu hỏi và lắng nghe quan điểm, ý
kiến của người khác một cách khách quan, như một kênh thông tin đầu vào để xử lý mà thôi.
"I think therefore I am - Tôi nghĩ nghĩa là tôi tồn tại" là câu nói bất hủ của triết học gia
Descartes. Có thể thấy việc tư duy suy nghĩ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự tồn
tại của nhân loại bao thế kỷ qua. Như vậy, nếu bạn không tự mình tư duy, suy nghĩ thì bạn
không tồn tại, hay nói khác đi là bạn đang không thật sự sống, mà chỉ đang là một thực thể
biết thở oxy.

Giờ bạn phản tư chút đi, nếu chỉ vin vào 4 chữ "tự" này thôi thì bạn nghĩ mình có tư duy phản
biện chưa?

Có hay chưa gì bạn tự trả lời và chịu trách nhiệm với bản thân mình. Giờ mình nói đến
chuyện kỹ năng đây.

Người có tư duy phản biện là người có khả năng:

- Tìm kiếm và thu thập thông tin "liên quan": Đây là khả năng xác định thông tin và dữ liệu
thật để có thể đưa ra kết luận.
Mà từ khoá ở đây là chữ "liên quan", nghĩa là đừng có tìm một đống thông tin không giúp gì
được cho ai. "Relevant - liên quan" là liên quan đến ngữ cảnh, hoàn cảnh, vấn đề, chủ đề mà
bạn đang nghiên cứu. Số lượng không có ý nghĩa gì hết. Chất lượng thông tin liên quan đến
chủ đề mới là điều cần quan tâm.

- Hiểu rõ và tránh được những thiên kiến, thành kiến trong quá trình thu thập thông tin
"liên quan": Đây là khả khả năng nhận thức được ảnh hưởng của những hệ niềm tin cá nhân
sẵn có và "không liên quan" đến quá trình tư duy, suy nghĩ của bản thân. Chính những thiên
kiến, thành kiến, hệ niềm tin cá nhân mà ta đã mang vác trên vai bao năm tháng, và đặc biệt
là khi nó "khác" với quan điểm ta tìm thấy, con người thường sẽ có khuynh hướng bỏ qua,
không sử dụng hay không quan tâm.

- Lập luận logic: Đây là khả năng đưa ra những kết luận logic dựa trên những dữ liệu thật,
phát ngôn, tuyên bố, lý luận đã thu thập và sàng lọc được, và trình bày dựa trên hiểu biết rất
rõ về cả điểm mạnh và điểm yếu của những lập luận đó. Như vậy, thì bạn thấy rõ là nó rất
khách quan và hợp lý.

- Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống: Đây là khả năng giải quyết những vấn đề khó,
phức tạp bằng cách đưa ra những giải pháp không có tiền lệ (ví dụ trong trường hợp của vấn
đề biến đổi khí hậu trước nay chưa có giải pháp) và bằng khả năng phân tích và tách vấn đề
lớn thành tập hợp của những vấn đề nhỏ, dễ giải quyết hơn.

Bạn có thấy điều gì mệt mệt ở đây nữa không? Lại là tự mình phải lăn ra làm hết chứ không
có hô biến từ đâu bay ra hay quăng trách nhiệm vô nhà ai hết. Có thể trong quá trình thu thập
thông tin dữ liệu thì ta tìm trợ giúp một phần. Nhưng sau tất cả vẫn cứ phải là ta chọn lọc,
phân tích, đấu tranh với bản thân rồi đưa ra giải pháp. Tư duy phản biện cần là bởi vì nó là
nền tảng để giúp bạn giải quyết vấn đề. Mà tất cả mọi việc ta làm trong cuộc đời và sự nghiệp
của mình là giải quyết vấn đề. Ngay cả chuyện tránh cho vấn đề đừng xảy ra cũng là một vấn
đề cần giải quyết.

Đến đây, với 4 khả năng gạch đầu hàng ra và tập hợp lại thành tư duy phản biện để giải quyết
vấn đề thì bạn nghĩ mình đã có tư duy phản biện chưa?

Ứng dụng của tư duy phản biện

Tới đây thì bạn hiểu rằng tư duy phản biện muốn có thì phải tự dựa dẫm vào bản thân, dựa
vào khả năng phân tích và lập luận của chính mình để đưa ra quyết định. Vậy cũng có nghĩa
là không ai học và rèn luyện được tư duy phản biện mà suốt ngày cứ chạy sang nhà hàng xóm
hỏi, lấy ý kiến của người ta rồi giả đò mang về làm ý kiến của mình hết. Mọi sự vay mượn
không trải qua quá trình chủ động xét đoán, suy nghĩ, phản tư, phân tích đều chỉ đóng góp
vào công cuộc xoá bỏ tư duy phản biện của bạn mà thôi.

Người có tư duy phản biện luôn thách thức, đặt câu hỏi với mọi sự tồn tại sẵn có, mọi ý kiến
và lập luận đang có, mọi giả định và ý tưởng đã có, không bao giờ chỉ nghe và chấp nhận
thông tin một chiều, từ ai đó khác, từ bất kỳ nguồn nào mà không qua hệ thống và quá trình
xử lý của bản thân.
Người có tư duy phản biện xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, có
cấu trúc chứ không chỉ vin vào linh cảm hay bản năng.

Ứng dụng tư duy phản biện sẽ giúp bạn:


- Hiểu được mối liên kết giữa các ý kiến, ý tưởng
- Xác định được tầm quan trọng và mức độ liên quan của các lập luận, ý tưởng do người khác
đưa ra
- Nhận thức, xây dựng và đánh giá được lập luận cá nhân
- Xác định được mâu thuẫn hoặc sai lầm trong trong cách lập luận của bất kỳ ai
- Tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống và xuyên suốt
- Phản tư và hiệu chỉnh những giả định, hệ niềm tin và giá trị cá nhân

Bạn thấy đó, toàn là ứng dụng siêu quan trọng đảm bảo cho bạn trở nên cực sharp - nhạy bén
khi tiếp cận bất kỳ ai hay bất kỳ việc gì. Khả năng này, ai không có thì khỏi đi làm. Nếu chỉ
ai nói sao nghe vậy, kêu sao làm vậy thì bạn là con robot chứ không phải con người. Nếu chỉ
chờ ai dẫn mình mới đi thì bạn sẽ cả đời là follower - người đi theo sau, khó thành công và
trở thành lãnh đạo. Lựa chọn là ở bạn. Và lựa chọn là ngay bây giờ. Bạn tự suy nghĩ và tự
chịu trách nhiệm về quyết định logic của mình, hay bạn cứ lang thang vật vờ trên sự vay
mượn quan điểm và ý tưởng của người ta?

Bộ kỹ năng tư duy phản biện

Không như nhiều người nghĩ, tư duy phản biện không phải là một kỹ năng, mà là một bộ kỹ
năng liên kết và tương hỗ cho nhau. Do đó, để rèn luyện được tư duy phản biện, bạn cần phải
rèn luyện tất cả 4 kỹ năng, khả năng sau đây và ứng dụng song song các kỹ năng này để giải
quyết vấn đề:

4 kỹ năng cấu thành tư duy phản biện bao gồm:

- Kỹ năng tìm kiếm và thu thập thông tin liên quan: Đây là khả năng xác định thông tin và
dữ liệu thật để có thể đưa ra kết luận.

- Khả năng nhận biết và quản trị thành kiến: Đây là khả năng nhận thức được ảnh hưởng
của những hệ niềm tin cá nhân sẵn có và "không liên quan" đến quá trình tư duy, suy nghĩ
của bản thân. Chính những thiên kiến, thành kiến, hệ niềm tin cá nhân mà ta đã mang vác trên
vai bao năm tháng, và đặc biệt là khi nó "khác" với quan điểm ta tìm thấy, con người thường
sẽ có khuynh hướng bỏ qua, không sử dụng, hay không quan tâm.

- Khả năng lập luận logic: Đây là khả năng đưa ra những kết luận logic dựa trên những dữ
liệu thật, phát ngôn, tuyên bố, lý luận đã thu thập và sàng lọc được, và trình bày dựa trên hiểu
biết rất rõ về cả điểm mạnh và điểm yếu của những lập luận đó. Như vậy, thì bạn thấy rõ là
nó rất khách quan và hợp lý.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề một cách có hệ thống: Đây là khả năng giải quyết những vấn
đề khó, phức tạp bằng cách đưa ra những giải pháp không có tiền lệ (ví dụ trong trường hợp
của vấn đề biến đổi khí hậu trước nay chưa có giải pháp) và bằng khả năng phân tích và tách
vấn đề lớn thành tập hợp của những vấn đề nhỏ, dễ giải quyết hơn.

Kỹ năng thu thập thông tin liên quan

Đây là một trong những kỹ năng số mà thật tình là ai cũng phải biết, dù bạn là học sinh, sinh
viên, đang đi làm, kinh doanh ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhiều khi mình nghĩ, search thông tin
thôi mà, có gì đâu mà khó. Nhưng tôi nhận rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là từ các bạn trẻ, hỏi
những thứ tôi nghĩ bản thân bạn có thể tự mình tìm kiếm, nghiên cứu là ra, không cần phải đi
hỏi người khác.

Khi mang câu hỏi quăng vào mặt người khác mà chưa một lần tự mình chủ động, dành thời
gian tự tìm hiểu, nghiên cứu, bạn biết bạn đang làm gì không? Là thông báo với người ta là
mình làm biếng, mình không có kỹ năng, mình không đủ quan tâm đến chủ đề, mình qua loa
cho xong, trả lời cũng được không trả lời cũng chẳng sao. Nó thể hiện thái độ thiếu nghiêm
túc, thiếu chủ động, thiếu tập trung, thiếu khả năng quản trị và chịu trách nhiệm với bản thân.
Mà bản thân mình còn không quản trị được thì nhờ ai? Kỹ năng tìm kiếm thông tin liên
quan là gì?
Đây là khả năng xác định thông tin và dữ liệu thật để có thể đưa ra kết luận.

Làm sao để có thể tìm được thông tin liên quan?


Muốn tìm kiếm thông tin liên quan, cho bất kỳ đề tài gì, trong cuộc sống hay học hành, công
việc, sự nghiệp, bạn chỉ cần làm 3 chuyện và tự mình làm đi. Đừng thấy thời buổi này quăng
câu hỏi vào nhà người ta dễ quá thì cứ quăng lung tung trúng ai trúng nha. Hại não người ta
và hại uy tín bản thân lắm đó. Hay bạn cũng không quan trọng chuyện người khác có tôn
trọng mình không? Ba bước đây:
1. Lên kế hoạch tìm thông tin: tại sao cần tìm, tìm gì, tìm ở đâu, khi nào cần?
2. Xác định nguồn thông tin
3. Thu thập và đánh giá thông tin

Lên kế hoạch tìm thông tin Vấn đề lớn nhất của người đi tìm thông tin là không dành đủ thời
gian để nghĩ thấu đáo về thứ mình đang tìm thật ra mặt mũi nó ra sao. Khi bạn nghĩ sơ sơ,
chung chung (lại là bệnh chung chung), lan man, qua loa về một vấn đề, không dành đủ thời
gian để tư duy về nó thì làm sao bạn biết vấn đề thực chất nó là gì? Muốn tìm gì, thì vẽ mind
map - bản đồ tư duy ra. Vẽ bản đồ những từ khoá liên quan đến chủ đề bạn đang tìm. Một
chủ đề, có thể search nhiều từ khoá khác nhau, và phải chịu khó suy nghĩ hết từ khoá quan
trọng ,chịu khó search hết các từ khoá mới có nhiều nguồn thông tin.

Xác định nguồn thông tin Sau đó, vẽ mind map nguồn thông tin ra, ngoài "bác Gồ" thì còn
có thể tìm thông tin liên quan ở đâu, ví dụ sách, podcast, tài liệu trường / công ty / tổ chức,
bài chia sẻ của ai đó đã từng nghe, v.v... Chuẩn bị từ khoá và nguồn tìm kiếm xong rồi thì
mới bắt đầu tìm. Làm việc khoa học vậy thì sẽ hiệu quả hơn.

Thu thập và đánh giá thông tin Chuyện tìm kiếm nó không có tuyến tính, không là đường
thẳng kiếm tới là ra mà nó là vòng lặp. Đọc một thông tin này dẫn đến một thông tin khác,
dẫn đến một từ khoá khác và có khi phải quay lại đặt lại vấn đề từ khoá cần tìm. Do đó, khi
đọc, bạn cần tập trung vào những thông tin liên quan, bỏ qua những thứ không liên quan, ghi
nhận, copy lại, highlight - tô đậm những thông tin quan trọng, lưu ý thành kiến của bản thân
với chủ đề và thông tin có thể làm mình bỏ qua những thông tin hay, liên quan, nhưng nằm
ngoài vùng hiểu biết hay niềm tin của bản thân. Nhìn các thông tin đa chiều, xem nguồn
thông tin có đáng tin cậy không, từ ai, tổ chức nào, nghiên cứu nào, v.v... Sau khi đã thu thập
và đánh giá thông tin thì bạn là người quyết định thông tin vậy đủ chưa hay cần tìm thêm.
Vậy nha. Bắt đầu tự mình chịu trách nhiệm tìm kiếm thông tin liên quan cho bản thân đi.
Đừng quăng câu hỏi ra vũ trụ khi bản thân chưa hiểu đủ về nó. Nền tảng thành công là ở đó,
là tự thân vận động most of the time - hầu như luôn luôn. Còn quyền trợ giúp nó quý lắm.
Đừng có sử dụng bừa bãi, thiếu suy nghĩ. Gởi một câu hỏi đi là đang trình diễn thái độ, tinh
thần, khả năng của mình đó bạn.

Khả năng nhận biết & quản trị thiên kiến nhận thức

Hàng ngày, khi tiếp nhận thông tin, tất cả chúng ta, và nhắc lại là tất cả chúng ta đều không
tiếp nhận đúng, đủ, chính xác và đúng hiện thực. Chúng ta thật sự chỉ tiếp nhận những gì
chúng ta muốn nghe, muốn thấy, muốn chấp nhận theo hệ thống niềm tin của cá nhân. Bộ lọc
mà chúng ta tự tạo ra từ quá trình được dạy dỗ, nhồi sọ, ảnh hưởng của tất cả mọi thứ xung
quanh, từ gia đình đến xã hội, tạo ra những bộ khung chuẩn mực trong cách chúng ta điều
hành bản thân mình.

Dần dần, dù không muốn chút nào, dù có khi rất chán nản, trầm cảm, nổi loạn muốn phá tan
những bộ khung đó, chúng ta vẫn ngoan ngoãn làm đúng qui định của bộ khung. Đơn giản
chỉ là vì, nếu phá vỡ bộ khung đó thì ta rất khác người. Mà khác người thì rất dễ bị ném đá,
dễ bị phê bình, chỉ trích, thậm chí là loại trừ ra khỏi đám đông. Và con người, sợ nhất là bị trở
thành outsider - kẻ bị loại, kẻ ngoại cuộc, kẻ bị đẩy ra bên lề chỉ vì không giống đám đông.
Bạn nghĩ lại đi, có phải bản thân mình cũng đang như thế? Có phải có rất nhiều thứ bạn muốn
làm ngược lại, làm khác đi, làm theo trái tim muốn ca hát của mình, nhưng...

Và chữ "nhưng" đó nó là ngục tù giam chúng ta lại trong một thành trì định kiến. Ở đó, ta
không được là mình. Ta chỉ vận hành dựa trên một bộ luật chuẩn theo qui định của gia đình
và xã hội. Chính vì vậy, ta chỉ tiếp nhận thông tin nào hợp với bộ luật mà thôi. Bất cứ điều gì
đi ngược lại, khác đi, thử thách bộ luật chuẩn ta đang vác trên người, ta sẽ lập tức quăng nó
đi, nhìn nó khinh bỉ, không thèm để ý, không hề quan tâm và vì vậy, thông tin ta tiếp nhận chỉ
là thông tin được sàng lọc kỹ bằng những thiên kiến nhận thức.

Bias - Thiên kiến, thành kiến, định kiến


Gọi là gì cũng được, nhưng nói chúng là những khuynh hướng, xu hướng, thành kiến đồng
thuận hay chống lại một ý tưởng, vật thể, cộng đồng, hay cá nhân. Thiên kiến tạo ra một cách
tự nhiên dựa trên những yếu tố nền tảng như tầng lớp xã hội, chủng tộc, văn hoá quốc gia,
vùng miền, nền tảng giáo dục, v.v...
Có những thiên kiến tích cực, ví dụ như khoẻ là phải ăn uống healthy - thực phẩm tốt cho sức
khoẻ. Ngược lại, có rất nhiều thiên kiến dựa trên stereotype - khuôn mẫu mà xã hội đặt ra để
ép người ta vào, có thể hoàn toàn không đúng với con người và hoàn cảnh tương ứng. Mà tại
sao cứ phải ép mọi người vào những cái khuôn nhỉ? Hình như là để dễ quản trị hơn cho
những người cầm quyền...

Us vs. Them - Cuộc chiến tranh ta và họ


Thiên kiến khiến cho loài người tự động tạo thành những nhóm "giống ta" hay "chúng ta", và
tự động kỳ thị những ai hay những nhóm không "giống ta" hay còn gọi là "họ". Bạn nghĩ đi,
chỉ trong khuôn khổ tập thể trường học, công sở, đội ngũ dự án của bạn hiện tại thôi, đã có
bao nhiêu "ta" và bao nhiêu "họ"? Đã là "ta" thì nói gì cũng đúng, cũng hợp lý, cũng hay. Lỡ
là "họ" thì nói gì cũng sai, cũng tào lao, cũng có hại. Không phải vậy sao? Mà vậy, thì ta đi
tìm sự thật ở nơi nào? Và hàng ngày, ta đã lọc bao nhiêu thông tin đầu vào dựa trên thiên
kiến?

Cognitive bias - thiên kiến nhận thức là gì?


Là một nhánh của bias - thiên kiến, gọi là thiên kiến nhận thức. Đây là hệ niềm tin được xây
dựng và củng cố từ cách suy nghĩ lặp đi lặp lại về một vấn đề. Khổ là cách suy nghĩ này tạo
ra những kết luận không chính xác hoặc vô lý. Nguyên nhân tạo ra những "lỗi hệ thống" này
đến từ nhiều nguồn, ví dụ như nhớ sai, chỉ chú ý thứ mình quan tâm, hay do giới hạn xử lý
thông tin của não, do ngòi nổ cảm xúc, áp lực đám đông, hay do niềm tin của thế hệ, v.v...
Tất cả những thứ đó đều có khả năng khiến bạn tiếp nhận sai, xử lý không đúng, tạo ra những
phán đoán hay quyết định hoàn toàn không chính xác.

Ai cũng nghĩ mình luôn luôn đúng, nhưng với bao nhiêu đó "lỗi hệ thống" cài đặt sẵn trong
hệ điều hành của bạn từ nhỏ tới lớn, do ảnh hưởng rất khác nhau của môi trường xung quanh,
của bộ luật hiện hữu từ thế giới bên ngoài, ai rồi cũng sai và ai rồi cũng đúng. Vậy thì ta sai
hay họ sai? Ta đúng hay họ đúng???

12 thiên kiến nhận thức thường gặp:

1. The Sunk ost Fallacy – Sự nguỵ biện về chi phí chìm: Đây là khi bạn đã đầu tư quá nhiều
thời gian, cảm xúc, sự cố gắng vào một việc gì đó, nên quá khó để bạn có thể từ bỏ nó, mặc
dù bạn biết là mình cần phải bỏ nó.
Cái này nhiều người mắc phải nha. Chỉ vì ta bỏ quá nhiều công sức nên ta đâm ra bảo thủ và
cố làm cho nó work mặc dù nó không thể work được theo tư duy logic. Từ bỏ, nhận mình fail
là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ theo tư duy thiết kế thì, chỉ là một cái pilot
thôi mà. Không phải fail mà là tìm giải pháp mới.

2. Confirmation Bias – Thiên kiến xác nhận: Bạn chỉ đi tìm và dung nạp những thông tin để
xác nhận những gì bạn muốn vin vào, đơn giản là vì tìm ra các chứng cứ hay dữ liệu ngược
lại chỉ làm cho bạn mất thêm năng lượng não mà thôi. Con người rất dễ tìm đường thoái lui
dễ dàng nhất mà.
Con người ai cũng muốn nhanh, dễ, theo ý mình chứ không muốn bày ra thêm làm cho mệt,
nên hay dễ rơi vào cái bẫy này để dễ bảo thủ, dễ khư khư giữ lấy ý kiến riêng, dễ thắng, v.v...
Ai cũng hay bị vụ này nha. Ai đầu óc đủ mở để tiếp thu thêm các ý kiến đa chiều?

3. The Hallo Effect – Hiệu ứng lan toả: Đó là khi ấn tượng chung của bạn về một điều gì đó
dẫn đến việc bạn đưa ra quyết định sai. Ví dụ, nếu bạn nghĩ ai đó đẹp, thì tự nhiên cũng cho
rằng họ giỏi & khéo léo chẳng hạn.
Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu hết nha. Không phải cứ giỏi một thứ là giỏi hết mọi
thứ. Cứ phải tỉnh táo đánh giá một cách khách quan để tránh tình trạng kiểu "thương thì củ ấu
cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo".

4. Groupthink – Tư duy nhóm: Người trong cùng một đội có chiều hướng tránh né mâu
thuẫn và dễ dàng "cuốn theo chiều gió". Mọi người trong nhóm dù nghĩ khác nhưng khi thấy
đa số đồng thuận sẽ từ bỏ ý định đưa ra ý kiến, mà thường im lặng và đồng thuận theo.
Khi bị rơi vào tình trạng này thì đội nhóm không sáng tạo được nữa mà dễ trở nên bảo thủ,
chỉ đồng thuận cho có và cho nhanh, cho dễ. Vì vậy, đội nhóm cũng sẽ dễ dàng đưa ra quyết
định sai, không thực tế, thiếu sáng tạo.

5. The Spotlight Effect – Hiệu ứng trung tâm: Bạn nghĩ là mọi người xung quanh tất cả đều
quá chú ý theo dõi bạn, trong khi thực sự là người ta hông có rảnh đâu để mà để ý.
Làm người là mình hay bị vậy, cứ nghĩ làm gì cũng bị hàng vạn cặp mắt chĩa vào. Do đó mà
dễ sợ, dễ nhát, dễ bị phản ứng quá đáng khi sự việc xảy ra. Thực tế là, ta đâu có nổi tiếng cỡ
ánh đèn sân khấu chĩa vào dữ vậy. Stay cool! Cho nên cứ phải từ từ bình tĩnh đã.

6. Optimism Bias - Xu hướng lạc quan: Khi mình thích rồi thì mình có thể trở nên lạc quan
quá mức, bỏ qua hết những rủi ro có thể xảy ra và đề cao khả năng thắng lợi, thành công.
Điều này dễ làm cho bạn đưa ra những phán đoán hay quyết định sai lầm, không sát thực tế,
không nhìn thấy hết sự gập ghềnh, quanh co của một hành trình.

7. Pessimism Bias - Xu hướng tiêu cực: Loại này xã hội đang nhiều lắm đây. Người có
khuynh hướng tiêu cực thì nhìn thứ gì trên đời này cũng thấy không OK, không được, không
phù hợp, nhiều rủi ro, lắm chông gai, v.v... Nói chung là đã rơi vô thế này thì không có thứ gì
nên làm hết, và vì vậy họ thường tránh né tất cả những gì mới mẻ, khác, lạ, lần đầu tiên thử,
không có tiền lệ, và vì vậy không an toàn.

8. Logical Fallacy - Nguỵ biện trong lập luận: Ôi, đây là thứ người đời xài nhuần nhuyễn
nhất. Đó là khi ta đã muốn giành lấp phần lợi, phần thắng, phần hơn về ta thì ta sẽ ra sức đưa
ra những lập luận chỉ để chứng minh là ta đúng. Đúng hay sai về chân lý ở đây không còn
quan trọng. Người ta chỉ tìm hết cách lập luận để đổi đen thành trắng, đổi sai thành đúng vì
lợi ích bản thân mà thôi. Con người vốn ích kỷ, nên đây trở thành chuyện bình thường. Ai
công bằng bị gọi là ngu. Ai biết cách nguỵ biện để giành phần thắng được tôn vinh là khôn.
Vì chữ "khôn" này mà hàng ngày có biết bao nhiêu người đổ xô ra nguỵ biện. Bạn có nhận ra
điều đó hay không? Bạn có đang nguỵ biện trong lập luận nào đó của mình?

9. Anchoring Bias - Hiệu ứng mỏ neo: Con người hay có khuynh hướng là nhảy xổ vào
miếng thông tin đầu tiên mình tiếp nhận và lấy đó làm cái mỏ neo để lập luận và đưa ra quyết
định. Ủa, thông tin đầu tiên thì cũng chỉ là thông tin đầu vào thôi mà, trước sau gì đâu có
quan trọng, vì cuối cùng nó cũng chỉ là một thông tin. Hiệu ứng nhảy xổ và đóng phim hành
động ngay khi nhận được mảnh thông tin đầu tiên là thứ khiến cho con người đưa ra phán
đoán, quyết định sai, thiếu kiểm tra đánh giá và phân tích. Nhanh nhẩu đoảng đó các bạn. Cứ
phải từ từ bình tĩnh tiếp nhận và xử lý chứ.

10. Attribution Bias - Chụp mũ: Ai người ta làm gì chưa hiểu đã nhảy xổ vào gắn nhãn lên
người, đội mũ lên đầu người ta. Mình có phải là người trong cuộc đâu mà hiểu? Một sự việc
xảy ra bạn chỉ thấy có 10% phần nổi của tảng băng. 90% phần chìm cùng những nguyên nhân
sâu xa đâu có ma nào biết. Vậy nhưng loài người luôn tự cho rằng mình thông minh và thế là
tự suy diễn một hồi, từ chuyện bình thường thành phim kinh dị hồi nào không hay. Thật là
sáng tạo tào lao!

11. Dunning-Kruger Effect - Ảo tưởng sức mạnh: Này là thiên kiến phi thường của loài
người trước nay, lúc nào cũng nghĩ mình là siêu nhân, nghĩ mình có khả năng và năng lực to
bự hơn sự thật phũ phàng về năng lực thực tế. Cho nên, ai cũng cần reality check - kiểm tra
sức khoẻ thực trạng định kỳ nha, nhờ người biết nói thật bảo cho mình nghe thật ra mình
đang ở level nào, cần phải rèn luyện và phát triển ra sao để đảm nhiệm những ước mơ hoành
tráng mà mình đang vẽ. Đừng để cho bản thân rơi vào ảo tưởng và phát biểu về những chân
trời lung linh khi chân còn chưa chạm đất.

12. Fundamental Attribution Error - Lỗi cơ bản: Ai làm gì coi không vừa mắt, ta bèn gắn
ngay cái nhãn là họ có vấn đề về tính cách. Đụng tới người khác lúc nào cũng phán xét, khắc
nghiệt, chỉ trích. Ngược lại, khi chuyện xảy ra với mình thì toàn biện hộ, đổ thừa tại yếu tố
bên ngoài, tại hoàn cảnh, tại kẻ nọ người kia chớ hoàn toàn không liên quan gì tới đạo đức
sáng ngời của bản thân. Ai chơi kỳ vậy? Nhưng mà đời này loài người toàn chơi kỳ vậy
không đó. Đừng nói mình không có lúc vậy nha. Ai cũng đã từng. Quan trọng là ta có nhận
ra, phản tư và hiệu chỉnh hành vi của mình hàng ngày hay không. Chứ còn hồn nhiên không
biết gì và vẫn cứ auto pilot - lái may bay tự động dựa trên thiên kiến thì người người nhà nhà
đang làm rất tốt.

Rồi từ từ gặm và phản tư mấy thứ ở trên nha. Sure luôn là ai cũng bị, vì vậy công cuộc tư duy
phản biện trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp của mình nó đương nhiên sẽ gặp khó
khăn.

Khả năng lập luận logic

Nhân loại lại đang đứng trước những ngã rẽ khác nhau của những kịch bản tương lai bất định.
Dù là kịch bản nào, cũng đòi hỏi con người phải biết tự tìm kiếm, tự phân tích, phán đoán và
đưa ra giải pháp. Cuộc sống cũng vậy. Công việc và sự nghiệp lại càng như vậy. Do đó, khả
năng lập luận ngày càng được coi trọng, dù nó đã là khả năng quan trọng của mọi thời đại.
Nhưng giờ đây, hơn lúc nào hết, nó lại là khả năng cứu tinh, khả năng phân biệt lãnh đạo và
người đi theo, người thành công nhờ biết đường lèo lái và kẻ thất bại vì loay hoay giữa những
xa lộ đầy thông tin nhưng không một hướng đi minh bạch.

Cấu trúc của một lập luận:


Lập luận logic là khi bạn đưa ra phát ngôn gồm 2 thành phần như sau:

1. Main conclusion - Kết luận chính: Là phát ngôn đưa ra để thuyết phục người khác,
dù phát ngôn đó là đúng hay sai.
2. Evidence - Bằng chứng: Là những chứng cứ đưa ra để chứng minh phát ngôn trên là
đúng, dù nó đúng hay sai. Bằng chứng trả lời cho câu hỏi tại sao người khác phải tin
vào phát ngôn này.

Người có lý luận chặt chẽ sẽ đưa ra đủ bằng chứng, bằng chứng từ nguồn đáng tin, với những
dữ liệu và con số tự nghiên cứu, trích từ nghiên cứu của bên thứ ba đáng tin cậy, v.v... Khi
bằng chứng đủ thuyết phục, người nghe có khuynh hướng tin vào phát ngôn của bạn, dù phát
ngôn đó đúng hay sai.

Bằng chứng có thể là gì?


Tuỳ tình huống và hoàn cảnh mà bạn có thể chọn những bằng chứng khác nhau để hỗ trợ cho
phát ngôn hay kết luận của mình. Sau đây là một vài cách tiếp cận có thể sử dụng để đưa ra
bằng chứng:

- Dữ liệu xuất ra từ các nền tảng số mà bạn, tổ chức, hay bên thứ 3 cung cấp dịch vụ đang
vận hành. Đối với người đi làm, đặc biệt là trong thời đại số hiện nay, nếu đưa ra ý tưởng,
phát kiến gì mà không dựa trên dữ liệu thì khó mà có khả năng thuyết phục được cấp trên,
đồng nghiệp hay đối tác. Văn hoá dữ liệu vì vậy cực kỳ quan trọng và kỹ năng số của người
đi làm ngày càng trở nên quan trọng. Bạn nên đăng ký khoá học miễn phí DT Mindset - Tư
duy chuyển đổi số để củng cố thêm khả năng hiểu và ứng dụng kỹ thuật số vào cách tư duy.

- Primary research - Kết quả nghiên cứu thị trường được thực hiện riêng cho chương
trình, dự án mà bạn đang triển khai. Thường thì, các tổ chức sẽ cần đến đối tác nghiên cứu
thị trường có chuyên môn để thực hiện việc này. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự xây dựng các
survey - bảng thăm dò ý kiến để lấy ý kiến trực tiếp từ đối tượng mà bạn đang nhắm đến.

- Secondary research - Nghiên cứu hỗ trợ là những kết quả nghiên cứu chung về ngành
nghề, về chủ đề, về thị trường, v.v... có thể sử dụng để chứng minh luận điểm của bạn.

- Case study - Ví dụ trường hợp tương tự của người khác, tổ chức khác liên quan có thể lấy
làm ví dụ mẫu cho vấn đề mà bạn đang giải quyết.

- Kết quả thử nghiệm là mẫu thử mà bạn đã pilot - thử nghiệm trên một diện nhỏ nhưng
vừa đủ để có thể lấy làm nền tảng cho kết luận và đề nghị triển khai trên diện rộng hơn. Đây
là cách được ưa chuộng nhất hiện nay, khi tất cả đều có thể bị gián đoạn và tất cả những ý
tưởng mới, sáng tạo đều có thể trở thành game changer - đòn bẩy thay đổi cuộc chơi. Hơn
nữa, lý thuyết dù rất cần cho phương pháp luận nhưng lại khó thuyết phục hơn là thử nghiệm
thành công.

- Tiền lệ là những kết quả đã đạt được trong quá khứ có liên quan trực tiếp hay giống với
trường hợp hiện tại. Đây là cách an toàn vì đã được chứng minh thành công. Tuy nhiên,
trong thời thế bất định này, tiền lệ có thể không thuyết phục mà thậm chí còn phản tác dụng
đối với những đối tượng có tính sáng tạo và thay đổi cao. Do đó, bạn cần cẩn thận khi sử
dụng tiền lệ hay ví dụ quá khứ làm bằng chứng.

Sai lầm từ bằng chứng có thể đến từ đâu?


Dù là rà soát lại kẽ hở hay sai lầm trong cách lập luận của bản thân hay xác định sai lầm
trong lập luận của người khác, bạn đều có thể lưu ý đến những sai lầm thường gặp như sau:

- Mẫu nghiên cứu không phù hợp hay hợp lý: Trường hợp này thường xảy ra với các
nghiên cứu, thăm dò ý kiến dựa trên mẫu thăm dò nhỏ, đối tượng không liên quan, hay cách
tiếp cận không phù hợp có thể dẫn đến việc đưa ra kết luận không chính xác, không hợp lý
cho một vấn đề lớn, diện rộng hơn, phức tạp hơn.

- Tạo ra cảm tưởng không đáng tin về thông tin bằng cách tấn công người cung cấp thông
tin: Đôi khi, thông tin là xác đáng và là sự thật, nhưng vì lý do giành giật phần thắng, người
ta có thể tạo ra ảnh hưởng không đáng tin về một ai đó bằng cách chỉ trích hành vi quá khứ,
hạ thấp phẩm giá, hay phê phán động lực của người cung cấp thông tin khiến người khác
không tin vào hay nghi ngờ điều họ nói. Đây là chiêu thức được sử dụng rất nhiều trong chiến
tranh chính trị của các tổ chức, cộng đồng, quốc gia. Nếu hiểu được sai lầm thông thường
này, bạn sẽ hiểu rất rõ động cơ đằng sau những chỉ trích lẽ ra không liên quan gì đến chủ đề
đang tranh luận.

- Case study - Ví dụ không tương thích: Tất cả mọi sự so sánh đều phải rất cẩn thận, vì điều
kiện và hoàn cảnh của mỗi ví dụ có thể rất khác nhau nên việc đánh đồng trái cà và trái bí là
cực kỳ nguy hiểm. Khi so sánh khập khiễng, lập luận hoàn toàn không xác đáng, nhất là trong
thời đại hiện nay khi mọi trật tự truyền thống đều bị mang ra thử thách và tái định nghĩa bằng
phát minh khoa học công nghệ mới.

- A suy ra B: Việc chủ quan dẫn dắt đương nhiên A là nguyên nhân hay kết quả của B có thể
bị phản bác, vì có thể có nhiều nguyên nhân hơn dẫn đến một kết quả nào đó chứ không nhất
thiết phải là nguyên nhân mà bạn chủ quan chọn cho lập luận của mình. Luôn đặt câu hỏi còn
CDEF nữa thì sao?

- Số lượng & Tỷ lệ: Lưu ý việc sử dụng những tỷ lệ % nghe có vẻ rất ấn tượng. Ví dụ, 75%
đồng ý triển khai, nhưng 75% là 3/4 người trong một tập thể cả trăm người thì tỷ lệ đó không
có ý nghĩa gì hết. Cho nên, lưu ý cách ai đó xử lý dữ liệu thô. Người ta hoàn toàn có thể xào
nấu dữ liệu thành "món" nào có lợi cho nồi cơm của họ.

- Kết luận dựa trên sự thiếu bằng chứng: Có rất nhiều thứ trên đời chưa tìm được, chưa
chứng minh được, chưa điều tra ra nhưng không có nghĩa là không có. Cho nên, lưu ý đừng
vội đưa ra kết luận dựa trên sự thiếu chứng cứ có sẵn, vì thật ra không ai biết là chứng cứ đó
khi nào sẽ hiện nguyên hình. Ví dụ, nếu đưa ra kết luận AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ
nhân tạo) không thể thay thế được con người, vì cho tới nay chưa ai chứng minh AI thay thế
được con người thì kết luận này hoàn toàn vô căn cứ. Với sự phát triển hiện tại của công
nghệ, không ai biết chuyện hoang đường gì có thể xảy ra. Chưa xác định không có nghĩa là
không có.

- Ép vào lựa chọn: Để đạt được mục đích của mình, đôi khi người lập luận có thể đưa ra
những dẫn dắt hay lựa chọn mang tính ép uổng người khác. Ví dụ, anh phải chọn A hay B.
Ủa, mà tại sao phải là A hay B. Không chọn thì sao? Chọn CDEF thì sao? Ai bắt ai phải chọn
theo ý của ai? Người hiểu về lập luận sẽ không để cho người khác dẫn dắt và ép mình vào
một tình huống theo ý người ta. Cần tỉnh táo khi lắng nghe để hiểu cách dẫn dắt có hợp tình
hợp lý. What if - Nếu vầy thì sao? Why not - Tại sao không? Đó là những câu hỏi nên hỏi để
đặt ra nhiều trường hợp hơn tránh rơi vào cái bẫy đã đặt sẵn.

- Possible vs. Certain - Có thể không có nghĩa là chắc chắn: Khi muốn ảnh hưởng theo kiểu
lùa gà vào chuồng, người ta có thể gieo một cái hạt gì đó vào đầu bạn, rồi từ từ chuyện có thể
bỗng trở thành đương nhiên và là sự thật không thể chối cãi. Lưu ý và tỉnh táo khi xác minh
bằng chứng đưa ra. Có thể là có thể. Chắc chắn là chắc chắn. Không bao giờ được giả định.

- Sử dụng ngôn từ mơ hồ, chung chung, kém minh bạch: Đây là cách tung hoả mù ngôn từ
bằng cách sử dụng từ ngữ đa nghĩa, khái quát, có thể diễn giải thành nhiều ý, bằng nhiều cách
trong nhiều trường hợp khác nhau. Đây là cách mà những người giỏi ngôn từ có thể sử dụng
để đánh tráo khái niệm, gây hoang mang, mất phương hướng cho người nghe để dễ dàng
hướng họ theo kết luận của mình.

Lập luận là việc bạn làm và chịu ảnh hưởng hàng ngày trong cuộc sống cũng như trong công
việc. Nhưng những lập luận ta đưa ra hay người khác đưa ra có logic hay không thì mỗi
người cần phải có khả năng phân tích và đánh giá. Không phải cái gì nghe cũng đúng. Không
phải cái gì thấy cũng là chân lý. Không phải ai cũng logic. Không phải kết luận nào cũng hợp
lý. Người có tư duy phản biện là người có hệ thống tư duy, suy xét, đánh giá vấn đề một cách
rất khoa học, dựa trên bằng chứng xác đáng và là người cực kỳ tỉnh táo.

Kỹ năng giải quyết vấn đề có hệ thống

Muốn giải quyết vấn đề một cách thoả đáng, hợp lý, hiệu quả đòi hỏi việc giải quyết vấn đề
phải có hệ thống, có cấu trúc chặt chẽ, logic. Vì vậy, khi bắt tay vào giải quyết vấn đề, các
bạn nên chọn cho mình một phương pháp để bám theo. Phương pháp sẽ hướng dẫn cách bạn
tư duy, suy nghĩ, sắp xếp và kết nối ý tưởng của bạn và người khác một cách có hệ thống để
việc giải quyết vấn đề trở nên khoa học, tối ưu và hiệu quả.

Có rất nhiều phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề khác nhau, ví dụ:
- The six thinking hats - 6 chiếc nón tư duy
- The 5 why's - 5 lần tại sao
- Fishbone Analysis - Biểu đồ xương cá
- The journalistic six - Sáu câu hỏi phóng viên
- What, So what, Now what?

Phương pháp nào thật ra cũng dựa trên một cách tư duy chung là tìm hiểu và xác định vấn đề,
phân tích và đưa ra các giải pháp, chọn giải pháp phù hợp và thử nghiệm. Vì vậy, bạn cũng
không cần phải học hết tất cả mọi phương pháp giải quyết vấn đề. Quan trọng là bạn biết ứng
dụng và giải quyết được vấn đề. Trong khuôn khổ bài học này, tôi sẽ giới thiệu phương pháp
cập nhật nhất, đang hot nhất và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay - design thinking - tư
duy thiết kế.
Tư duy thiết kế là phương pháp được ứng dụng nhiều từ khi làn sóng startup và đổi mới sáng
tạo trỗi dậy trên thế giới. Phương pháp này được đưa vào ứng dụng giải quyết vấn đề một
cách sáng tạo, với sự tham gia của nhiều thành viên có nền tảng chuyên môn khác nhau, để
giải quyết các vấn đề phức tạp cần góc nhìn đa diện. Đây cũng là phương pháp được ứng
dụng rộng rãi từ cá nhân đến tổ chức, từ tập đoàn đa quốc gia đến công ty startup, từ doanh
nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, biết cách sử dụng phương pháp này sẽ giúp
bạn không những giải quyết được vấn đề một cách có hệ thống mà còn giúp bạn không bị bỡ
ngỡ khi tham gia vào các dự án lớn, phức tạp hay quốc tế thường sử dụng design thinking
làm công cụ chính.

Design thinking - Tư duy thiết kế là gì?


Là phương pháp giải quyết vấn đề sáng tạo lấy con người làm trung tâm.
Tư duy thiết kế gồm bao nhiêu bước?
Tư duy thiết kế gồm 5 bước như sau:
1. Empathize: Thấu cảm
2. Define: Xác định vấn đề
3. Ideate - Tạo ý tưởng
4. Prototype: Làm mẫu thử
5. Test: Thử nghiệm

Bước 1: Empathy - Thấu cảm


Bất kỳ vấn đề nào cũng có đối tượng mà bạn cần giải quyết vấn đề cho, hay trong kinh doanh
hay gọi là đối tượng mục tiêu. Muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì cho đối tượng nào, việc đầu
tiên cần làm là tìm hiểu nghiên cứu về đối tượng. Bạn còn không hiểu người ta, không biết
người ta đang gặp vấn đề gì, đang cảm xúc ra sao, đang có nhu cầu thế nào và có pain point -
nỗi đau gì thì làm sao mà giải quyết vấn đề cho họ?

Cho nên, bước đầu tiên trong tư duy thiết kế là bước quan trọng và cơ bản nhất - thấu cảm
với đối tượng mục tiêu. Những câu hỏi cơ bản nhất bạn cần trả lời trong bước này:
- Họ là ai?
- Nỗi đau của họ là gì? Họ cần gì?
- Tại sao?

Đây là giai đoạn cần tiếp xúc đối tượng, làm nghiên cứu về đối tượng, quan sát đối tượng, đặt
câu hỏi và lắng nghe để thấu hiểu cả những điều họ nói và những điều không nói.

Bước 2: Define - Xác định vấn đề


Albert Einstein đã từng nói: "Nếu tôi có 1 tiếng đồng hồ để giải quyết vấn đề, tôi sẽ dành 55
phút để xác định vấn đề và chỉ cần 5 phút để tìm ra giải pháp." Điều này cho thấy việc xác
định vấn đề cực kỳ quan trọng, còn quan trọng hơn cả giải pháp. Why? Vì khi bạn xác định
sai vấn đề thì hiệu ứng domino sẽ là bạn hoang phí thời gian, nguồn lực để giải quyết một vấn
đề không đúng, không liên quan, hay không cần thiết.

Do đó, câu hỏi cơ bản nhất trong bước này luôn luôn là, vấn đề có phải là vấn đề? Cái mình
tự cho là vấn đề chưa chắc là vấn đề. Cái mình nghĩ là vấn đề chưa chắc là vấn đề thực tế mà
đối tượng mục tiêu gặp phải hay quan tâm. Vấn đề bề mặt họ nói ra chưa chắc đã là vấn đề,
mà khi dig deeper - đào/cày sâu hơn để tìm hiểu ta mới vỡ lẽ ra nguồn gốc sâu xa và vấn đề
thật sự là gì.

Ở bước 1, bạn đặt thật nhiều câu hỏi đa chiều để thấu cảm và từ đó xác định vấn đề của đối
tượng là gì. Đừng chủ quan và cho là mình biết. Cứ phải trực tiếp tìm hiểu đối tượng mới tìm
được câu trả lời từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Bước 3: Xây dựng ý tưởng


Đây là bước hào hứng nhất trong qui trình tư duy thiết kế, cho phép tất cả mọi người tham gia
cùng đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề. Ở bước này, để có nhiều ý tưởng nhất, bạn cần đưa
ra một số nguyên tắc cho tập thể như:
- Ai cũng có quyền và phải đưa ra ý tưởng
- Không ai có quyền đánh giá ý tưởng. Tất cả các ý tưởng dù nghe ngớ ngẩn hay điên khùng,
liên quan hay không liên quan gì đều là ý tưởng và đều cần được ghi nhận.
- Không ai có quyền đề xuất hay chọn ý tưởng, chỉ cần tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt tại
bước này
- Sau khi ghi nhận tất cả các ý tưởng thì nên nhóm các ý tưởng tương tự lại với nhau

Một số phương pháp xây dựng ý tưởng hiệu quả:


- Brainstorm - Cùng suy nghĩ và phát biểu ý kiến: Đây là cách tạo điều kiện, động lực,
hướng dẫn mọi người cùng tham gia đưa ra ý kiến trong một buổi thảo luận. Buổi này nên có
người dẫn dắt, ghi nhận ý kiến lên 1 màn hình, bảng ghi chép chung để tất cả mọi người cùng
theo dõi và nắm bắt được tất cả các ý tưởng đã đưa ra. Có thể sử dụng công cụ mind map -
bản đồ tư duy để kết nối các ý tưởng lại với nhau và đề các ý tưởng tập trung vào một chủ đề.

- Braindump - Vắt cạn ý tưởng: đây là cách hiệu quả để lấy hết ý tưởng của tất cả mọi người,
đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp có nhiều người ít phát biểu, hay im lặng nhưng lại có thể
có những ý tưởng rất tuyệt vời, bất ngờ. Bạn có thể yêu cầu mọi người viết hết ý tưởng của
mình ra trên giấy note, mỗi ý tưởng 1 tờ note. Sau đó, cả đội có thể cùng nhau dán các ý
tưởng tương tự thành nhóm để dễ phân tích.

- Brainwrite - Viết ra điều bạn đang suy nghĩ: Đây là cách khuyến khích mọi người viết ý
tưởng ra trên cùng một màn hình/bảng ngay khi có ý tưởng thay vì phải chờ tới phiên mới
được nói như trong brainstorm. Cách này cũng khá giống braindump nhưng cùng làm real
time - tức thì với nhau trong một đội khiến cho không khí sôi nổi hơn. Có rất nhiều công cụ
online có thể sử dụng để đội nhóm tham gia cùng brainwrite trên một nền tảng, ví dụ như
miro.

- Brainwalk - Phát triển ý tưởng: Đây là cách cho phép mọi người viết ra 1 ý tưởng trên 1 tờ
flipchart hay tấm bảng riêng biệt để ở những góc khác nhau. Sau đó, cả team sẽ xoay vòng đi
đến từng tấm bảng và improve - cải tiến hay enhance - nâng cao giá trị của ý tưởng hiện có.
Bằng cách này, các ý tưởng được nuôi dưỡng bằng sức mạnh trí tuệ của cả đội và có thể tạo
ra điều kỳ diệu ngay sau buổi thảo luận.

Bước 4: Prototype - Xây dựng mẫu thử


Đến đây, cả đội sẽ phải thảo luận để chọn ra 1 ý tưởng phù hợp nhất, xây thành mẫu thử. Ý
tưởng có thể rất hay nhưng khi triển khai thực tế có thể gặp vấn đề hoặc không phù hợp. Do
đó, bước hiện thực hoá ý tưởng này cực kỳ quan trọng để đánh giá mức độ thành công của ý
tưởng khi triển khai.

Các phương pháp thực hiện mẫu thử:


Để làm prototype, bạn có thể sử dụng các cách tiếp cận khác nhau tuỳ theo nhu cầu prototype
đó là cho lĩnh vực gì. Sau đây là một số cách thể hiện prototype mà bạn có thể sử dụng:
- Phác thảo, vẽ sơ đồ
- Vẽ minh hoạ giao diện trên giấy
- Vẽ bảng phân cảnh 1 câu chuyện hay hành trình
- Tạo mẫu lắp ráp bằng Lego
- Đóng kịch theo phân vai
- Làm mẫu thực với các tính năng chính
- Làm mẫu giả để minh hoạ
Những điều cần lưu ý khi làm prototype:

Bước 5: Test - Thử nghiệm


Đây là bước cho đối tượng thử prototype và phản hồi sau khi sử dụng, nhằm giúp hiểu rõ vấn
đề từ góc độ của người sử dụng. Thử nghiệm là bước cho thấy rõ nhất mức độ chấp nhận và
khả thi của ý tưởng, cũng như hỗ trợ hiệu chỉnh cho prototype tốt hơn và hoàn chỉnh hơn
trước khi đưa vào sử dụng.
Đừng sợ thất bại, vì không hề có thất bại, chỉ có thêm cách để học và cải tiến.

Lưu ý: Design-thinking không phải là qui trình tuyến tính, mà là sự chuyển động liên tục của
những vòng lặp. Tại bất kỳ bước nào, khi thấy cần quay lại các bước trước hay cần thay đổi,
hiệu chỉnh ý tưởng, bạn hoàn toàn nên làm như thế. Với cách triển khai rất linh hoạt và liên
tục này, ý tường tốt nhất sẽ hiện ra. Đôi khi, bạn có thể đi qua 5-10 vòng lặp hay nhiều hơn
để tìm ra ý tưởng phù hợp nhất.
Phản tư về "vấn đề"

Nhiều bạn inbox kể về problem - vấn đề của mình quá. Khi có thời gian, tôi cũng phản hồi và
đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, problem trên đời này sẽ chẳng bao giờ hết. Mỗi người sẽ có 1
problem. Mỗi người sẽ nhìn vấn đề một cách khác nhau. Và mỗi người sẽ đưa ra giải pháp
khác nhau tuỳ vào hoàn cảnh, tâm thế và điều kiện lúc xảy ra vấn đề. Hôm nay, chỉ muốn
mượn vài câu nói về problem để post lên đây, mong các bạn bình tâm suy nghĩ.

1. "We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them."
- Albert Einstein Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách suy nghĩ cũ kỹ như khi
chúng ta tạo ra vấn đề.

2. "Problems are not stop signs. They are guidelines." - Robert H Shuller Vấn đề không
phải là tấm bảng yêu cầu dừng lại. Vấn đề là cẩm nang hướng dẫn.

3. "Not everything that is faced can be changed. But nothing can be changed until it is
faced." - James Baldwin Không phải việc gì ta đối diện cũng có thể thay đổi được. Nhưng
chẳng có vấn đề nào sẽ thay đổi nếu ta không dám đối diện nó.

4. "Sometimes problems don't require a solution to solve them. Instead they require
maturity to outgrow them." - Steve Marabolli Có khi vấn đề không cần được giải quyết bằng
giải pháp. Có khi, người ta cần lớn lên để bản thân mình lớn hơn vấn đề mà ta tự đặt ra.

5. "If you can solve your problem, then what is the need of worrying? If you cannot solve
it, then what is the use of worrying?" - Shantideva Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề, thì cần
gì phải lo lắng? Nếu bạn không thể giải quyết được vấn đề, lo lắng có ích lợi gì đâu?

The biggest problem may be you!

Dĩ nhiên, xung quanh ta có quá nhiều vấn đề.

Dĩ nhiên, 80% vấn đề không thuộc phạm vi giải quyết của ta.

Dĩ nhiên, con người sinh ra vốn đã thích nói nhiều, kể giông dài về các thể loại vấn đề, đặc
biệt là 80% các vấn đề bản thân không ảnh hưởng hay giải quyết được.
Nếu ai cũng đâm đầu vào nói, chỉ trích, phàn nàn, rồi ai đi giải quyết vấn đề? Một tổ chức có
bao nhiêu đó con người, xúm vào phát biểu vấn đề, chẳng chút giải pháp nào, thì bạn nghĩ tổ
chức đó sống được bao lâu? Ủa, rồi bạn join vào tổ chức đó làm gì? Problem generator - làm
kẻ tạo ra vấn đề à? Hay làm người tạo ra giải pháp? Ủa, mà mấy người đưa bạn vào tổ chức,
người ta rảnh và dốt quá hay sao, mà tự rước thêm kẻ gây rối vào nhà, shooting their own
foot - tự cầm súng nã đạn vào chân mình như thế? Giờ bạn xác định đi, bạn đi làm để tạo ra
giá trị, hay đóng phim Terminator - kẻ hủy diệt, quyết tâm complain cho tổ chức này nó rã
thành bụi mới thôi?

Có người than, em cũng muốn đóng góp lắm, mà sếp em thiếu tâm, thiếu tầm, chèn ép nhân
viên, không lắng nghe, không thấu cảm. Vậy nghỉ liền đi. Gì thiếu dũng cảm dữ vậy? Ngồi đó
ca cẩm, nói xấu, phàn nàn mà vẫn cứ lãnh lương. Ai chơi kỳ vậy? Hay bạn cũng thiếu tâm,
thiếu tầm sợ tìm không ra job mới? Hay nghề complain full-time đang hơi khó tìm việc vì
quá sức cạnh tranh?

Tôi hay nhắc team mình, trong đội này không gian chung là no complaint zone - khu vực
miễn phàn nàn. Ai thấy có vấn đề, có thể công khai nêu ra, với một điều kiện duy nhất là bạn
phải hiểu về nó, nghiên cứu đủ về nó, và đã có ý tưởng về giải pháp. Vấn đề không phải là
giải pháp hoàn hảo hay mong manh. Vấn đề là bạn dành thời gian tư duy về giải pháp. Có lẽ,
khi tư duy đủ sâu về giải pháp, bạn mới nhận ra là không có vấn đề. Kiểu phơn phớt, chưa
hiểu đã la làng, chuyện nhỏ xé ra to, vì chính cái sự thiếu hiểu biết của mình, sẽ làm mất thời
gian bản thân, đội ngũ và tổ chức.

Cho nên, lần sau bạn mở miệng complain, trước hết hãy hỏi mình:
1. Vấn đề này bạn giải quyết được không? Nếu không, thì đừng la lối phàn nàn.
2. Nếu vấn đề bạn có thể giải quyết hoặc đóng góp vào giải quyết thì OK, các giải pháp bạn
đề nghị là gì? Đừng chỉ thao thao bất tuyệt và drama về vấn đề. Chỉ cần khách quan phát biểu
vấn đề và đưa ra giải pháp.

Không ai có thời gian, và chẳng ai thừa thời gian cả. What's your solution - giải pháp của bạn
là gì? Có thì ai cũng sẽ lắng nghe. Không, thì về nhà tự complain, tự nghe, tự trầm cảm đi
nha. Đừng đóng phim bộ drama, chiếu hoài hông ai coi vẫn chiếu.

Giờ nghĩ lại đi, 20% vấn đề bạn có thể ảnh hưởng hay giải quyết hôm nay là gì? What are the
solutions? Giải pháp có thể là gì? Are you a solution provider? Bạn có phải là người cung cấp
giải pháp? Or are you the problem - Hay chính bạn là vấn đề đang cần giải pháp?

Cho tôi 5 phút

Nhiều người có thói quen phản ứng quá nhanh. Người khác vừa nói gì, vừa đưa ra ý tưởng gì
là nhảy vào phản bác ngay "khó lắm, không được đâu!". Có những ý tưởng đã được người
nói suy nghĩ và nghiên cứu rất lâu rồi mới nói ra. Bạn vừa nghe xong, chưa kịp suy nghĩ đã
vội vàng phản bác.

Nếu bạn chưa hiểu tại sao mình không nên phản bác ngay, hãy nghe lời chia sẻ sau đây của
Jonathan Ive khi phát biểu về Steve Jobs: "Steve Jobs yêu quý các ý tưởng, và ông rất tôn
trọng quá trình phát triển ý tưởng. Có lẽ Steve là người hiểu rõ hơn ai hết rằng một ý tưởng
có thể có sức mạnh rất vô biên, nhưng khi mới ra đời, ý tưởng đó cũng mỏng manh, yếu ớt,
dễ bị tổn thương và dễ dàng bị người ta gạt bỏ."

Có 2 điều người ta hay làm vì dễ làm và chẳng cần học chút kỹ năng nào cũng làm được. Đó
là xài tiền của người khác và gạt bỏ ý tưởng của người khác. Gạt bỏ, làm ngơ, giết chết ý
tưởng của người khác thì dễ lắm. Cái khó là làm sao có thể bảo vệ, suy ngẫm, khám phá, phát
triển và thử nghiệm ý tưởng. Do đó, lần sau bạn nghe ai đó trình bày về một ý tưởng, hay đề
nghị một ý kiến, hãy cho người ta 5 phút trước khi phản bác. Đó là 5 phút dành cho bạn, để
bạn có thời gian suy nghĩ, hiểu rõ hơn, và đánh giá đúng ý tưởng vừa nghe. Ý kiến phản bác
của bạn có thể đúng chứ chẳng sai, nhưng ý tưởng mà bạn vừa nghe cũng có thể là một ý
tưởng có sức mạnh vô biên. Nó chỉ cần được chăm sóc, nuôi nấng, thương yêu và phát triển.
Bài tập thử nghiệm tư duy phản biện
Think of something that someone has recently told you. Then ask yourself the following
questions:
Who said it?
Someone you know? Someone in a position of authority or power? Does it matter who told
you this?
What did they say?
Did they give facts or opinions? Did they provide all the facts? Did they leave anything out?
Where did they say it?
Was it in public or in private? Did other people have a chance to respond an provide an
alternative account?
When did they say it?
Was it before, during or after an important event? Is timing important?
Why did they say it?
Did they explain the reasoning behind their opinion? Were they trying to make someone look
good or bad?
How did they say it?
Were they happy or sad, angry or indifferent? Did they write it or say it? Could you
understand what was said?

Read more at: https://www.skillsyouneed.com/learn/critical-thinking.html

6 chiếc nón tư duy

Khi nhìn nhận vấn đề, nhiều người khác nhau sẽ suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Tuy
nhiên, vấn đề nào cũng có nhiều mặt của nó. Nếu chỉ nhìn từ một phía, góc nhìn có thể trở
thành phiến diện. Nếu thế, sao ta không nhìn vấn đề từ nhiều phía? Với phương pháp tư duy
đơn giản này – 6 chiếc nón tư duy – bạn có thể học cách nhìn vấn đề đa diện, hiểu vấn đề
khách quan và sâu sắc hơn, giúp cho cá nhân hoặc nhóm làm việc hiệu quả hơn.

The 6 thinking hats - 6 chiếc nón tư duy – là phương pháp tư duy song song. Mỗi lần đội một
chiếc nón lên, ta nhìn vấn đề từ một góc độ khác. Các bạn tham khảo từng loại nón sau đây
và thử áp dụng khi giải quyết một vấn đề nào đó ngày hôm nay nhé.
1. The White Hat – Nón trắng: Đội nón này lên, ta chỉ bàn về thông tin đã biết hoặc cần biết
để giải quyết vấn đề. Chỉ tập trung vào thông tin mà thôi.

2. The Yellow Hat – Nón vàng: Nón vàng rực rỡ ám chỉ sự tươi sáng và lạc quan. Đội nón
vàng lên, ta chỉ nhìn vào những mặt tích cực của vấn đề, nhìn thấy lợi ích và giá trị.

3. The Black Hat – Nón đen: Đội nón đen, ta phán xét, nghĩ về những trở ngại có thể có,
nghĩ về những tiêu cực có thể xảy ra. Khi nhìn thấy khó khăn, rủi ro, ta đưa ra những phòng
bị hợp lý. Nón này khi sử dụng nên lưu ý đừng lạm dụng.

4. The Red Hat – Nón đỏ: Nón đỏ cho ta diễn tả cảm xúc, linh tính, cảm tính. Đội nón lên, ta
có thể nói về cảm xúc của mình, chia sẻ điều làm ta sợ hãi, thích, không thích, yêu, ghét…

5. The Green Hat – Nón xanh lá: Nón xanh là nón của sự sáng tạo, tiềm năng, khả năng, lựa
chọn khác nhau, ý tưởng mới…. Đây là lúc ta nói về cơ hội, khái niệm mới, nhận thức mới.

6. The Blue Hat – Nón xanh da trời: Đây là nón quản lý qui trình tư duy. Đội nón này lên,
ta kiểm tra và đánh giá xem vấn đề có được nhìn từ tất cả những chiếc nón khác nhau chưa để
đảm bảo vấn đề được phân tích và tư duy từ đủ mọi khía cạnh.

Phương pháp 6 chiếc nón tư duy của De Bono có thể ứng dụng để đạt được nhiều lợi ích khác
nhau:
- Tối ưu hoá hiệu quả hợp tác
- Xem xét vấn đề, quyết định, cơ hội một cách có hệ thống
- Sử dụng phương pháp tư duy song song để tạo ra nhiều giải pháp và ý tưởng khác nhau
- Giúp giảm thiểu thời gian họp và họp hiệu quả hơn
- Giảm mâu thuẫn nội bộ
- Xây dựng văn hoá họp tích cực, tập trung giải quyết vấn đề và mang lại kết quả
- Tìm ra nhiều cách giải quyết vấn đề
- Nhìn thấy cơ hội trong khi người khác có thể chỉ nhìn thấy rủi ro
- Suy nghĩ sáng suốt và khách quan
- Nhìn vấn đề từ góc nhìn mới mà người khác có thể không nhìn thấy
- Đánh giá vấn đề toàn diện

3 cách trình bày vấn đề hiệu quả

Dù bạn giỏi đến đâu, nếu không biết cách trình bày thông tin theo một kết cấu khoa học nào
đó, người nghe sẽ gặp khó khăn khi theo dõi. Nghiên cứu khoa học cho thấy người nghe sẽ
nhớ chính xác 40% thông tin nếu bài trình bày có kết cấu. Vì vậy, hôm nay sẽ chia sẻ với các
bạn cách sắp xếp thông tin giúp bạn dễ nhớ hơn khi trình bày và giúp cho người nghe dễ theo
dõi và tập trung.

Cách 1 – Kết cấu 3 I’s:


- Issue – Vấn đề: Nấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu
- Illustration – Minh hoạ: Não người rất thích nghe kể chuyện và nghe ví dụ minh hoạ. Khi
người trình bày sử dụng ví dụ minh hoạ hay kể chuyện hài hước, chuyện truyền cảm hứng,
v.v... người nghe nhớ lâu hơn.
- Invite – Mời tham gia: Đặt câu hỏi khiến người nghe phải tham gia trả lời. Đơn giản như
hỏi “Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?” Kết cấu 3 I’s nên sử dụng cho những buổi thảo luận,
đối thoại, tư vấn, cần người khác tham gia đóng góp quan điểm của mình.

Cách 2 – Kết cấu 3-Ws


Đây là kết cấu trình bày do trường đại học Stanford sử dụng.
- What – Vấn đề gì?: Định nghĩa chính xác ý tưởng chính hay vấn đề chính mà bạn muốn
trình bày. Tốt nhất là đơn giản hoá đến mức 1 hay 2 câu.
- So what – Rồi sao nữa? Câu hỏi này bắt buộc bạn phải nói rõ tại sao đề tài này lại quan
trọng đối với khán giả của mình. Giải thích chuyện gì sẽ xảy ra nếu người nghe không phản
ứng với vấn đề nêu ra. Sử dụng các dữ liệu nghiên cứu và bằng chứng để minh hoạ.
- Now what? – Rồi giờ giải quyết sao? Đây là lúc người trình bày cung cấp cho người nghe
giải pháp. Giải pháp được trình bày theo thứ tự lớp lang và có chỉ dẫn rõ ràng. Kết cấu 3-Ws
nên sử dụng khi đứng lớp huấn luyện, trong môi trường hướng dẫn, giảng dạy, khi cần trình
bày một cách thuyết phục.

Cách 3 – PSB
Đây là cách trình bày tập trung vào việc đưa ra giải pháp cho một vấn đề.
- Problem – Vấn đề: Bắt đầu bằng việc trình bày một vấn đề
- Solution – Giải pháp: Sau đó đưa ra giải pháp cụ thể và hệ thống cho vấn đề vừa nêu ra.
- Benefit – Lợi ích: Nhắc đến lợi ích một cách nhẹ nhàng, khiến khán giả tự rút ra được từ
giải pháp bạn vừa cung cấp. Kết cấu PSB tốt nhất là sử dụng khi trình bày trong môi trường
trang trọng, khi trình bày cơ hội, họp hành và trong môi trường học thuật.

The 5 why's - 5 lần tại sao


Bạn có bao giờ bắt tay vào giải quyết ngay khi vấn đề xảy ra nhưng rồi vấn đề dường như vẫn
cứ lằng nhằng, không dứt điểm được? Nếu chuyện này xảy ra cho bạn, có lẽ vấn đề mà bạn
đang giải quyết chưa được giải quyết tận gốc rễ. Thường thì khi vấn đề xảy ra, phản ứng ngay
lập tức của con người là suy đoán ngay nguyên nhân, rồi tập trung ngay vào giải pháp. Có
khi, giải quyết nhanh cũng giống như lấy băng keo bịt vào ống nước, trước sau gì cũng bị lực
nước đẩy bung ra. Trong lý thuyết quản trị của người Nhật (Kaizen), có một phương pháp
giúp ta tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề mà bạn nên thử áp dụng. Đó là cách hỏi 5 lần câu hỏi tại
sao. Ví dụ nhé: 1. Tại sao tôi không thể hoàn thành tất cả công việc tại cơ quan?

Vì tôi có quá nhiều việc để làm

2. Tại sao có quá nhiều việc để làm?


Vì tôi bị xếp gọi tham gia vào những công việc khác nên công việc đã lên kế hoạch ưu tiên
của tôi lại không thực hiện được.

3. Tại sao bạn lại bị kéo vào những công việc khác?
Vì chỉ có tôi mới biết những công việc đó thôi
4. Tại sao chỉ có bạn biết công việc đó thôi?
Vì chưa ai khác được huấn luyện để làm những công việc này cả

5. Tại sao chưa ai khác được huấn luyện những công việc này cả? Vì chúng ta chưa có
chương trình huấn luyện kỹ năng chéo cho các phòng ban Nhìn vào 5 câu hỏi tại sao ở trên,
nếu chúng ta dừng lại ở câu hỏi số 2, có lẽ cách giải quyết của bạn sẽ là khoá riêng thời gian
cho bản thân để làm công việc mình đã lên kế hoạch. Thế nhưng cách giải quyết đó của bạn
sẽ chẳng giải quyết dứt điểm gốc rễ của vấn đề, có khi lại còn làm nảy sinh ra thêm vấn đề
khác, ví dụ như công việc khác cần có bạn tham gia sẽ bị đình trệ chẳng hạn. Từ câu hỏi số 1
đến câu hỏi tại sao số 5, cách giải quyết của bạn rõ ràng là hoàn toàn khác nhau và chỉ khi
chúng ta đi đến gốc rễ của vấn đề, thì vấn đề đó mới được hoàn toàn giải quyết. Khi đã quen
sử dụng cách tiếp vận “5 lần tại sao” này, bạn có thể tìm ra vấn đề nhanh hơn sau 4 hay 3 lần
hỏi tại sao. Nếu bạn ứng dụng cách tiếp cận này vào đời sống hàng ngày, nó sẽ trở thành phản
xạ và giúp bạn luôn tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề.

4 câu hỏi rèn luyện tư duy phản biện

Trước giờ khi làm việc trong một team, hay khi nghe trình bày một đề nghị, đề xuất từ bất kỳ
nhân viên nào, tôi cũng đều đặt rất nhiều câu hỏi chứ ít khi đưa ra giải pháp. Đặt câu hỏi là
cách tốt nhất để cố vấn, huấn luyện đội ngũ, và đồng thời là bài tập hàng ngày để phát triển tư
duy phản biện cho team. 4 câu hỏi tôi thường đặt rất đơn giản như sau:

1. Vấn đề chúng ta đang muốn giaỉ quyết là gì? Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt tại
Việt Nam do nền tảng giáo dục thụ động, mọi người hay bị rơi vào tình trạng task-driven –
làm vì bản thân hay ai đó đặt ra yêu cầu như vậy. Còn chuyện tại sao phải làm thứ mình đang
làm, làm để giải quyết vấn đề cụ thể gì và vấn đề có phải là vấn đề không thì không phải ai
cũng hiểu. Ngoài ra, khi một đội nhào vào bàn bạc, các ý tưởng, đề xuất rất dễ bị văng tung
toé, trật ra khỏi vấn đề chính cần giải quyết, và vì vậy rất cần được tém lại gọn gàng bằng câu
hỏi, vấn đề chúng ta đang giải quyết là gì. Câu hỏi này hỏi hoài và ngồi nhìn người đối diện
thừ mặt ra hoài, nên nghĩ là vẫn còn tác dụng.

2. Why? Why? Why? Why? Why? 5 chữ Why – Tại sao là kỹ thuật rất tốt để tìm ra nguồn
gốc của vấn đề. Rất nhiều lần tôi bị quăng cho vấn đề không có giải pháp hoặc chính người
quăng cũng không hiểu tại sao lại có vấn đề. Trước giờ làm việc với team nào tôi cũng nói rõ,
đừng chỉ trình bày vấn đề, làm ơn luôn có giải pháp. Và giải pháp sau khi hỏi tại sao lần thứ
nhất, so với giải pháp khi trả lời tại sao lần thứ 5 cách xa nhau nửa vòng trái đất. Cho nên,
muốn giải quyết vấn đề thì cần phải hiểu nguồn gốc vấn đề. Muốn hiểu nguồn gốc vấn đề thì
ít nhất phải hỏi tới tới 5 lần chữ why để đào sâu vào nguyên nhân.

3. And then what – Rồi sao nữa? Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, chỉ thích nghĩ đến đoạn ý
tưởng thôi. Tới đó là nghĩ rằng mình đã chiến thắng mất rồi. Nhưng rồi sao nữa? Kết quả sẽ
ra sao? Hậu quả sẽ ra sao? Quỵết định này sẽ ảnh hưởng trong thời gian gần ra sao, trong thời
gian xa hơn thế nào, ảnh hưởng đến ai, ảnh hưởng thế nào? Nếu không biết rồi sao nữa và kết
cục sẽ ra sao, bạn vin vào điều gì để quyết định và chuẩn bị cho các tác dụng phụ có thể xảy
ra? Câu này tuỳ trường hợp tôi hỏi một hay nhiều lần để giúp người đối diện suy nghĩ tiếp
vào tương lai.
4. What’s the third option – Lựa chọn thứ 3 là gì? Khi trình bày các lựa chọn để quyết
định, người ta hay đưa ra 2 lựa chọn có tính chất đối lập, có vẻ như phù hợp nhất trong một
hoàn cảnh. Cách tư duy này là either/or hoặc là cái này hoặc là cái kia. Trong rất nhiều
trường hợp, ta không cần phải loại trừ. Khi bị đặt câu hỏi thêm một lựa chọn không nằm
trong những thứ vừa trình bày, bạn bắt người đối diện phải động não tìm thêm giải pháp bằng
cách suy nghĩ khác đi.

4 câu hỏi này bất kỳ ai đang dẫn dắt đội nhóm đều có thể sử dụng. Tuy nhiên, tôi đặc biệt
khuyên các bạn trẻ tự sử dụng 4 câu hỏi này để hỏi mình trước khi mang ý tưởng hay giải
pháp của mình đi trình bày cho người khác. Ít ra, tự hỏi và tự chuẩn bị câu trả lời sẽ đỡ hơn là
bị hỏi rồi ngồi im, đơ mặt.

4 bước rèn luyện tư duy phản biện cho người đi làm

Tư duy phản biện vẫn là kỹ năng thiếu nhất, và lại là kỹ năng cần thiết nhất cho người đi làm.
Nhưng tư duy phản biện cũng là thứ khó học và khó dạy nhất, đòi hỏi cá nhân phải luyện tập
qua từng giai đoạn khác nhau. Hôm nay chia sẻ một cái bản đồ luyện tập 4 giai đoạn để mọi
người thử nha.

Giai đoạn 1 - Execute - Triển khai


Đây là giai đoạn cần thiết cho người trước giờ ít vận não để suy nghĩ, hay người mới đi làm,
chưa nhận thức gì về tư duy phản biện. Ở giai đoạn này, chỉ cần theo dõi cách nhận yêu cầu
& triển khai. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng kỳ thực nó thể hiện việc có ứng dụng tư duy
phản biện qua cách người triển khai đưa ra lý lẽ, quyết định, và giải quyết vấn đề.
Để xem người ở giai đoạn 1 có sẵn sàng qua level 2 chưa thì có thể yêu cầu trả lời 3 câu hỏi
sau đây:
1. Họ có hoàn thành toàn bộ yêu cầu đưa ra?
2. Họ có hoàn thành đúng thời hạn?
3. Họ có hoàn thành công việc đúng tiêu chuẩn chất lượng được yêu cầu?

Hỏi 3 câu này mà đánh giá thấy chưa hoàn thành, chưa hoàn thành đủ hay làm chưa tới là biết
người này tư duy phản biện còn rất kém, cần phải rèn luyện thêm, vì nghe yêu cầu hiểu để
triển khai thôi mà còn chưa nghĩ được cho tới, nói chi là yêu cầu suy nghĩ gì cao hơn.

Giai đoạn 2: Synthesize – Tổng hợp


Đây là giai đoạn bạn bạn phải vật lộn với 1 mớ thông tin khác nhau và phải suy nghĩ để quyết
định thông tin nào là quan trọng. Ví dụ, sau khi họp thì ghi chú và biết những vấn đề cốt lõi
của buổi họp đó là gì. Tổng hợp là kỹ năng phát triển khi rèn luyện. Để giúp ai đó rèn luyện
tốt, thường thì yêu cầu họ phải tóm tắt và đưa ra key take-aways – những vấn đề chính rút ra
được sau 1 cuộc họp hay brainstorm chẳng hạn.

Những câu hỏi để check xem một người có khả năng tổng hợp thông tin hay đã đạt giai đoạn
2 chưa có thể là:
1. Họ có nhận thức được tất cả những điểm quan trọng?
2. Họ có bỏ đi những thứ râu ria hoàn toàn không liên quan?
3. Họ có phân định được đâu là quan trọng nhất, quan trọng hơn theo thứ tự ưu tiên? 4. Họ có
khả năng trình bày các vấn đề quan trọng một cách rõ ràng và mạch lạc?

Giai đoạn 3: Recommend – Đề xuất


Đây là giai đoạn mà người đi làm cần phải hiểu bản thân cần làm gì theo mức độ quan trọng,
và liên tục đưa ra đề xuất với sếp là mình cần phải làm gì, dù đề xuất đó có thể chưa hoàn
toàn đúng theo định hướng 100%. Nhưng đến level 3 thì bạn không nhận lệnh nữa mà biết
cần phải làm gì và bắt đầu chủ động đưa ra các đề xuất khác nhau. Đề xuất cũng có lý lẽ và
nền tảng đằng sau chứ không chỉ là một ý kiến vô cớ tình cờ nghĩ ra mà không dựa trên một
thông tin hay dữ liệu nào.

Những câu hỏi có thể hỏi để check xem một người tốt nghiệp level 3 xong có thể là:
1. Họ có luôn chủ động đề xuất giải pháp hay chỉ biết dựa dẫm vào người khác đưa ra ý kiến?
2. Họ có hiểu khi người khác phản biện về đề xuất của họ?
3. Họ có nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau đối với đề xuất của mình?
4. Đề xuất của họ có dựa trên lý lẽ thuyết phục?

Giai đoạn 4: Generate – Kiến tạo


Đây là giai đoạn mà ai đó đã bắt đầu có tư duy phản biện, và có thể tạo ra một cái gì đó mới
từ con số 0. Ví dụ, họ nhận thông tin là cần cải tiến chương trình huấn luyện cho nhân viên
mới và ngay lập tức họ có thể bắt tay vào xây dựng dự án mới ngay mà không cần phải bị
giao hay hoang mang không biết làm sao. Người có tư duy phản biện ở level này có khả năng
nắm bắt và hiện thực hoá một tầm nhìn của ai đó mà không cần quá nhiều thông tin.

Để biết ai đó có đạt level này chưa, có thể hỏi những câu hỏi như sau:
1. Họ có đưa ra các đề nghị kiến nghị một cách khoa học?
2. Họ có chuyển đổi được tầm nhìn của người khác thành kế hoạch để hiện thực hoá tầm nhìn
đó?
3. Họ có biết cách trả lời câu hỏi chưa có câu trả lời?

Rồi giờ bạn xem mình đang ở đâu và cần rèn luyện thế nào tiếp theo đi nhé. Nếu bạn vượt
qua 4 giai đoạn này thì bạn đã tốt nghiệp và có ứng dụng tư duy phản biện trong công việc.
Đây là kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21, nhưng lại là kỹ năng thiếu nhất tại Việt Nam.
Nếu không học và rèn luyện thì khó mà hội nhập.

7 cách rèn luyện tư duy phản biện

Khi bản thân ta không phân tích vấn đề, không suy nghĩ, phản tư, tìm hiểu để tìm cách giải
quyết vấn đề đó, mà chỉ khư khư tìm cách quăng câu hỏi cho người khác tìm lời giải đáp
giùm, như vậy là vô trách nhiệm với bản thân. Ai sẽ ở đó mà trả lời cho bạn cả đời? Ba má?
Người thân? Hay người xa lạ? Thực tế phũ phàng nè bạn, là không có ai cả. Trong cuộc đời
này, chẳng ai quyết định giùm ai. Chỉ có ta, mới chịu trách nhiệm về các quyết định của
chính bản thân mình. Nên thôi, đừng trốn tránh, đừng đùng đẩy, đừng quăng câu hỏi vào vũ
trụ nữa. Khi ta bắt đầu từ bản thân, ta rồi sẽ tốt lên, và vũ trụ sẽ gởi ta vài tin nhắn.

Giờ, chia sẻ với các bạn 7 cách đơn giản để rèn luyện tư duy phản biện nhé.
1. Ask basic questions - Đặt những câu hỏi cơ bản cho bản thân: thế giới có thể vô cùng
phức tạp. Nhưng không phải vấn đề phức tạp nào cũng cần giải pháp phức tạp. Có khi, vài
câu hỏi và cách tiếp cận đơn giản là giải quyết được vấn đề. Phức tạp hoá, chỉ làm cho bạn
mất phương hướng và tìm không ra đường trong mớ hỗn độn ấy mà thôi. Đặt vài câu hỏi đơn
giản khi gặp vấn đề, ví dụ: - Ta biết gì về vấn đề này? - Biết qua kênh nào? - Ta muốn chứng
minh, phủ nhận, hay giải thích điều gì? - Có điều gì liên quan mà ta chưa nghĩ đến hay
không?

2. Question basic assumptions - Đặt câu hỏi phản biện những giả định tưởng chừng như
đương nhiên: Rất rất nhiều người Việt bị ép vào khuôn khổ học thụ động, nghĩa là chỉ nghe
1 chiều rồi tiếp nhận thông tin chứ chẳng bao giờ chủ động suy nghĩ và đặt câu hỏi ngược lại,
liệu điều người ta vừa nói có đúng không, tại sao đúng, tại sao có vẻ như chưa đúng. Có khi,
điều người ta nói là thứ người ta giả định như vậy thì sao. Không lẽ điều người ta cho là, lại
trở thành chân lý đối với mình? Dễ vậy á? Sống nhờ vào tư tưởng và cách nghĩ, cách assume
– giả định của người khác thì sao gọi là tồn tại? "I think, therefore I am - Tôi nghĩ nghĩa là tôi
tồn tại" mà. Không nghĩ, thì gọi là ăn bám tư tưởng mới đúng. Nên, có nhiều khi ai nói gì, cứ
phải đặt câu hỏi ngược lại, xem điều đó có phù hợp, có đúng với hoàn cảnh, với giá trị, hay
có khả thi không.

3. Be aware of your mental processes – Nhận biết cách bạn tư duy: Con người thật ra bị
môi trường, xã hội ảnh hưởng rất lớn. Do đó, có cực nhiều những thành kiến, những giá trị
bản địa hay gia đình của riêng bạn tạo ra thành kiến. Khi đã thành kiến, thì không khách
quan. Khi không khách quan, thì không có tư duy phản biện. Bạn dễ dàng cho phép mình đưa
ra một kết luận hoàn toàn dựa trên những assumption – giả định cá nhân. Cho nên, đừng quá
nhanh quá nguy hiểm. Đôi khi, ta cần dừng lại, hỏi mình, liệu ta có đang thành kiến cá nhân
khi đưa ra quyết định này không?

4. Try reverse things – Đặt câu hỏi ngược: Đây là cách gây sốc cho các vấn đề chưa giải
quyết được. Vì anh ấy làm việc không tốt nên tôi không hiệu quả. Có khi nào là, vì tôi không
hiệu quả nên anh ấy làm việc không tốt?

5. Evaluating the existing evidence – tìm hiểu và đánh giá những chứng cứ đang có: Các
bạn ai cũng biết câu của Issac Newton: "Sở dĩ tôi có thể nhìn xa được là nhờ tôi đứng trên vai
những người khổng lồ". Tất cả những gì bạn đang tìm, câu hỏi bạn đặt ra, đâu đó đã có người
tìm hiểu, nghiên cứu, chia sẻ, giải quyết. Sao không tự mình tìm, đọc, nghiên cứu để có thêm
góc nhìn? Đây là điều dở nhất của bạn trẻ Việt Nam. Đụng vấn đề không biết tự mình chủ
động tìm hiểu, cứ làm việc kiểu lười biếng là tìm short cut – đường tắt. Tư duy gì kỳ vậy? Tư
duy đường tắt thì bao giờ lớn lên? Cứ tìm cách đi ngang về dọc cho dễ thì cả dân tộc này mấy
ngàn năm sau vẫn cứ đi làm thuê cho thế giới. Đặt câu hỏi chứ. Ai đã từng thu thập chứng cứ
về vấn đề này? Họ làm bằng phương pháp gì? Tại sao?

6. Remember to think for yourself – Tự suy nghĩ: Các bạn làm ơn đi, tự mình bỏ thời gian
ra mà suy nghĩ. Tất cả những gì các bạn đọc, tìm hiểu, nghiên cứu, hỏi, lắng nghe, cuối cùng
đều là ý kiến và luận cứ của người khác. Bạn là người khác hay là mình? Nếu bạn thích cả
đời làm người khác thì thôi miễn bàn. Còn nếu muốn được là mình, làm ơn ngồi xuống, xem
xét thông tin, dữ liệu và suy nghĩ về sự đúng sai của nó. Đừng quá tự mãn, nhưng "thinking
for yourself is essential to answering tough questions – tự suy nghĩ mới là chìa khoá giúp bạn
tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi khó trong đời."
7. Understand that no one thinks critically 100% of the time – Hiểu rằng không phải ai
cũng sử dụng tư duy phản biện 100% mọi lúc mọi nơi: đã là con người, ai cũng có khi bị
tình cảm và cảm xúc chi phối, và sẽ rơi vào trạng thái thiếu kỷ luật hay thiếu logic. And it's
OK. Không sao cả. Khi ta đối diện với những vấn đề quan trọng, ta cần critical thinking.
Không phải mọi quyết định lớn nhỏ trong đời đều phải sử dụng đến tư duy phản biện. Nên cứ
bình tĩnh bước tới, nhưng dừng lại phản tư và sử dụng tư duy phản biện khi đó là một quyết
định lớn trong đời.

You might also like