You are on page 1of 27

ĐẠI HỌC UEH

TRƯỜNG KINH DOANH UEH


KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ - MARKETING

TIỂU LUẬN
Môn học: Luật kinh doanh
TÌM HIỂU VỀ TÍNH PHÁP LÝ CỦA BITCOIN
TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
MỤC LỤC

A. LỜI MỞ ĐẦU........................................................................................

B. NỘI DUNG.............................................................................................
I. Khái quát chung về tiền ảo Bitcoin...........................................................
1. Bitcoin là gì ?.......................................................................................
2. Sự xuất hiện và phát triển của Bitcoin.................................................
3. Cách thức hoạt động của Bitcoin.........................................................
4. Ưu- nhược điểm của Bitcoin................................................................
4.1. Về ưu điểm………………………………………………………..
4.2. Về nhược điểm……………………………………………………
II. Các quy định pháp lý hiện hành về Bitcoin............................................
1. Cập nhật khung pháp lý về Bitcoin của Việt Nam...............................
1.1. Dưới góc độ tài sản……………………………………………......
1.2. Dưới góc độ là phương tiện thanh toán……………………………
1.3. Dưới góc độ kinh doanh…………………………………………...
1.4. Dưới góc độ thuế…………………………………………………..
1.5. Quy định pháp lí về việc xử phạt các vi phạm có liên quan tới tiền
ảo Bitcoin………………………………………………………………
2. Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.................................................
2.1. Trong lĩnh vực pháp luật tiền tệ và ngân hàng…………………..
2.2. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự………………………………....
2.3. Trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, kinh doanh………………….....
III. Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về tiền ảo Bitcoin…...
C. LỜI KẾT.................................................................................................

D. TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................


A. LỜI MỞ ĐẦU

Bitcoin và các loại tiền ảo là những khái niệm hoàn toàn mới và cũng chưa
thật sự phổ biến ở Việt Nam. Khác hoàn toàn với các loại tiền truyền thống,
chúng được ra đời và hoạt động dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ.
Ngoài Bitcoin còn có các loại tiền tương tự như Ethereum, Ripple.. lần lượt
nối gót sự thành công của Bitcoin đã được cho ra đời. Trong những năm gần
đây, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của cụm từ “ tiền điện tử” hay
“tiền ảo” khi sự phát triển của doanh nghiệp ngày càng cao kéo theo nhu cầu
đầu tư, thanh toán và giao dịch ngày càng tăng đã tác động rất lớn đến các mô
hình tiền tệ, trong đó có Bitcoin. Kể từ khi ra đời vào năm 2009, cho đến nay
Bitcoin đã trở thành là đồng tiền ảo có giá trị nhất trên thị trường, đánh bại tất
cả các đồng tiền khác trong cùng một phân khúc. Trên thị trường những cường
quốc lớn như Mỹ, Úc, Canada,… Bitcoin đã được xem như một phương thức
thanh toán thông thường. Tại Việt Nam, đồng tiền này đã bắt đầu du nhập vào
nước ta và cộng đồng những người chơi Bitcoin cũng đã và đang hình thành
phát triển ngày càng lớn mạnh.
Như chúng ta có thể thấy rõ, tiền điện tử đã và đang là xu thế tất yếu trong quá
trình tiến hóa của tiền tệ cũng như khoa học công nghệ, và có một sự thật là
thực tiễn luôn đi trước luật lệ vì thế ở thực tại, các hoạt động giao dịch với các
tài sản ảo và tiền điện tử dù giá trị lớn hay nhỏ vẫn diễn ra một cách không
kiểm soát, dẫn đến câu chuyện về khoảng trống pháp lý cần phải lấp đầy.
Bitcoin và các loại tiền ảo là một vấn đề khá mới và chưa được phổ biến nhiều
ở Việt Nam, vì thế những quy định, chính sách về những đồng tiền kỹ thuật số
còn khá ít. Vì vậy nhóm chúng em đã chọn đề tài này với mong muốn tổng
hợp, làm sáng tỏ hơn về tính pháp lý của tiền ảo Bitcoin trên thị trường Việt
Nam hiện nay.
B. NỘI DUNG

I. Khái quát chung về tiền ảo Bitcoin


1. Bitcoin là gì?
Bitcoin, hay còn được gọi là tiền ảo/ tiền kỹ thuật số hay tiền điện tử là một
đồng tiền được mã hóa, được tạo ra một cách tự động bởi các thuật toán
trên máy tính, không tồn tại dưới hình dạng một vật chất nhất định. Vì tồn
tại không có sự quản lý, giao dịch sử dụng Bitcoin không cần thực hiện
thông qua một tổ chức trung gian nào mà chỉ hoạt động thông qua Internet.
Bitcoin có thể được khai thác theo nhiều hình thức, điển hình là dựa theo
lịch trình định sẵn của các thuật toán, Bitcoin sẽ được cung ứng đến các
máy “đào”, bên cạnh đó người ta cũng có thể mua nó bằng đồng tiền pháp
định hoặc dùng hàng hóa và dịch vụ để trao đổi. Giới hạn nguồn cung
Bitcoin là ở mức 21 triệu đồng, đồng nghĩa với việc chỉ có 21 triệu Bitcoin
tồn tại.
2. Sự hình thành và phát triển của Bitcoin.
Trên niềm tin thiết kế được một hệ thống giao dịch mà các thành viên
không cần tin tưởng nhau, chỉ với thời gian gần 2 năm ngắn ngủi, một
người có tên là Satoshi Nakamoto đã phát triển hoàn thiện một đồng tiền
mà cho đến ngày nay vẫn chưa có một kết luận hay bác bỏ thỏa đáng nào về
nó- đồng Bitcoin. Bitcoin bắt đầu được Satoshi lên ý tưởng thiết kế từ 2007,
sau đó chính thức vào ngày 18 tháng 8 năm 2008, tên miền bitcoin.org được
đăng ký. Tiếp sau đó không lâu, vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, Bitcoin
lần đầu được nhắc đến trong bản cáo hạch về giao thức thanh toán ngang
hàng của Satoshi Nakamoto. Cuối cùng, vào năm 2009, Bitcoin được đưa
vào sử dụng với sự ra đời của Bitcoin khởi thủy.
Giao dịch đầu tiên sử dụng Bitcoin là ngay sau khi phần mềm Bitcoin được
phát hành lần đầu, Satoshi Nakamoto đã gửi 10 bitcoin cho nhà mật mã học
Hal Finney. Những năm đầu tiên Bitcoin vẫn chưa có gì nổi trội cho đến
năm 2013, nhiều dịch vụ lớn như OKCupid, Foodler, Gyft, Baidu,… bắt
đầu sử dụng nó, khiến Bitcoin trở thành cụm từ hot phủ sóng dày đặc trên
các mặt báo. Càng về sau, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài bị thu
hút bởi Bitcoin mà cả những doanh nghiệp trong nước Việt Nam cũng bị
hấp dẫn, ví dụ rõ nhất là máy Bitcoin ATM đầu tiên tại Việt Nam tại cửa
hàng Italiani’s Pizza vào năm 2016, và cũng vào năm ấy, chiếc Bitcoin
ATM thứ 2 cũng được đưa vào sử dụng tại quán café Bitcoin tại 74 Bùi
Viện, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12. Song song với sự phát triển
vượt bậc trong nước, năm 2016 là năm ghi nhận một số lượng lớn Bitcoin
trị giá hàng chục ngàn dollars đã bị “ lấy trộm” từ sàn giao dịch lớn nhất thế
giới. Tuy nhiên, điều đó không thể cản phá sự càn quét của Bitcoin, đỉnh
điểm mọi thời đại diễn ra từ năm 2017 bằng các sự kiện: thị trường tiền
điện tử giai đoạn 2017-2018 bùng nổ, Bitcoin liên tục phá các kỷ lục giá và
chính thức đạt mức cao nhất mọi thời đại- 20.089 USD, theo
CoinMarketCap. Bitcoin đã không thể giữ lâu được sự thịnh vượng của nó,
chỉ sau một năm, Bitcoin đã bốc hơi hơn 84% giá trị của mình. Vào nửa đầu
năm 2019, hầu hết các tài sản điện tử đều bắt đầu tăng giá và Bitcoin cũng
không ngoại lệ, tuy chậm nhưng cũng tăng lên đáng kể nhưng tổng kết nửa
cuối năm, hầu hết các tài sản tiền điện tử không thể giữ được mức tăng so
với đầu năm. Gần nhất là vào năm 2020, đại dịch COVID bùng nổ dẫn đến
suy thoái nặng nề ngành kinh tế thế giới và thị trường tiền điện tử cũng
không ngoại lệ. Từ giảm nửa giá, nhà đầu tư bán tháo đến thuật toán được
điều chỉnh dẫn đến nguồn cung Bitcoin bị khan hiếm. Đến cuối năm, giá
Bitcoin sau khi trải qua những biến động sâu sắc, giữ giá ổn định ở mốc
18.000 USD và vốn hóa thị trường hồi phục lại bằng với thời kỳ đỉnh cao
vào 2018.
Hiện nay, trên thế giới chia làm 3 lập trường đối với Bitcoin: các quốc gia
cho phép giao dịch Bitcoin, các quốc gia cho phép giao dịch Bitcoin một
phần và cuối cùng là các quốc gia “thù địch” với Bitcoin, áp đặt lệnh cấm.
Cụ thể, các quốc gia ở châu Âu phần lớn đều cho phép sử dụng Bitcoin, bên
cạnh đó còn có các nước Châu Á và Châu Phi khác như: Nhật Bản, Hàn
Quốc, Malaysia, Singapore,Nam Phi, Nigeria,Namibia,… Tuy nhiên vẫn có
một số ràng buộc như ở Canada có quy định về việc kiểm soát việc giao
dịch và các công ty cung cấp giao dịch. Đối với các quốc gia cho phép giao
dịch một phần, Bitcoin vẫn có thể được giao dịch nhưng chính phủ có quan
điểm mâu thuẫn về việc sử dụng hoặc không hoàn toàn tự do giao dịch như:
Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan,.. và đặc biệt trong đó có Việt Nam. Cuối
cùng, mặc dù có quan điểm rất thiện chí với đồng tiền này nhưng với tiềm
lực tài chính và quy định pháp luật không đủ mạnh thêm vào đó là không
thể đồng nhất giữa các quy định khiến các quốc gia: Nepal, Pakistan,
Colombia, Ai Cập,.. bắt buộc phải đưa Bitcoin vào danh mục cấm.
3. Bitcoin hoạt động như thế nào?
- Từ góc độ người dùng, Bitcoin không hơn gì một ứng dụng hoặc chương
trình cung cấp ví Bitcoin cá nhân và cho phép người dùng gửi và nhận
Bitcoin với những người khác. Tuy nhiên, để hiểu được chính xác cách thức
hoạt động của Bitcoin, chúng ta cần hiểu rõ được 3 khái niệm mà chính
người tạo ra Bitcoin đã đưa ra: mạng phi tập trung, mật mã học và cung-
cầu.
+ Mạng phi tập trung: trái ngược với mạng tập trung- chỉ ở 1 nơi, 1 máy
chủ duy nhất thì đối với mạng phi tập trung, dữ liệu ở khắp mọi nơi. Có
nghĩa, cơ sở dữ liệu của bitcoin được phép chia sẻ.
+ Mật mã học: thay vì chuyển đổi các thông điệp vô tuyến như các loại tiền
khác thì bitcoin sử dụng mật mã để chuyển đổi các dữ liệu giao dịch bằng
công nghệ Blockchain
+ Cung và cầu: theo như ta đã biết về quy luật cung- cầu “khi thứ gì đó bị
giới hạn, nó sẽ có giá trị nhiều hơn; càng nhiều người muốn có được nó thì
giá trị nó sẽ càng tăng lên”. Và nguồn cung Bitcoin lại bị hạn chế với số
lượng max là 21 triệu đồng BTC.
- Vậy, cách thức hoạt động của bitcoin chính là từ 3 khái niệm trên tổng lại.
Đầu tiên, tất cả các giao dịch sẽ được đưa vào 1 cơ sở dữ liệu; tiếp theo, sử
dụng mạng phi tập trung phân tán, chia sẻ cơ sở dữ liệu đó đến những nơi
cần đến. Cơ sở dữ liệu được chia sẻ này được biết đến như một “sổ cái phân
tán” và nó được truy cập bằng cách sử dụng Blockchain. Sổ cái này chứa
mọi giao dịch từng được xử lý, cho phép máy tính của người dùng xác minh
tính hợp lệ của từng giao dịch. Tính hợp lệ của mỗi giao dịch được bảo vệ
bằng chữ ký điện tử của người gửi, cho phép tất cả người dùng có toàn
quyền kiểm soát việc gửi Bitcoin của mình. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể
xử lý giao dịch bằng cách viết các mật mã (được gọi là “miner”- thợ mỏ) và
kiếm phần thưởng bằng Bitcoin cho dịch vụ này. Đấy chính là cách mà các
Bitcoin mới được tạo ra và đưa vào lưu thông, sử dụng.
4. Ưu- nhược điểm của Bitcoin.
4.1. Về ưu điểm:
- Tự do kiểm soát, giao dịch: Có thể gửi và nhận bitcoin ở mọi nơi trên thế
giới vào bất kỳ lúc nào với số lượng không giới hạn. Người dùng được toàn
quyền kiểm soát tiền của họ mà không có sự tham gia của bên trung gian.
(VD: ngân hàng)
- Chi phí giao dịch thấp: Do không thông qua khâu trung gian nên chi phí
giao dịch Bitcoin gần như bằng không.
- Bitcoin không thể làm giả: Bitcoin không tồn tại dưới dạng vật chất như
những loại tiền khác, hơn nữa việc kiểm định Bitcoin cũng không tốn chi
phí nào (trong khi vàng là rất cao).
- Bảo mật cao và rất an toàn: Mọi thông tin giao dịch Bitcoin đều được hiển
thị trên internet nhưng danh tính người giao dịch không xuất hiện nên tính
bảo mật thông tin cao. Tính tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một lỗ hổng
bảo mật nào để làm mất Bitcoin của người dùng.
- Minh bạch và trung lập: Tất cả thông tin liên quan đến nguồn cung tiền
Bitcoin đều có sẵn trên cơ sở dữ liệu để bất kỳ ai cũng có thể xác minh và
sử dụng. Không cá nhân hoặc tổ chức nào có thể kiểm soát hoặc thao túng
các giao dịch Bitcoin vì nó được bảo mật bằng mật mã.
4.2. Về nhược điểm:
- Số lượng người sử dụng chưa nhiều: Bitcoin chủ yếu được sử dụng ở
những nước phát triển còn ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam
thì Bitcoin vẫn chưa được coi là 1 loại tiền có thể đem ra sử dụng như các
loại tiền thông thường. Phần lớn người dân chưa am hiểu về tiền ảo và nhận
định rằng, Bitcoin không đáng tin cậy, lo ngại khi sử dụng Bitcoin.
- Không dễ để sử dụng: Bitcoin đòi hỏi người dùng phải có sự am hiểu về
công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến Bitcoin. Ngoài ra, hiện tại
Bitcoin vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện.
- Giá Bitcoin thường biến động: hầu hết các biến động trên thế giới đều ảnh
hưởng đến tiền điện tử và làm cho giá Bitcoin biến động. Cũng giống như
USD, EURO, vàng hay thị trường chứng khoán, Bitcoin cũng biến động
theo thời gian thực, lúc tăng lúc giảm. Ví dụ như khi mới phát hành, 1
Bitcoin chỉ tương đương 0.00076 USD, nhưng bây giờ giá 1 Bitcoin đã tăng
lên rất cao: 1 BTC= 56.400,00 USD (02/12/2021)
- Là “mảnh đất màu mỡ” thu hút sự chú ý của hacker, tội phạm rửa tiền:
Chính bởi hình thức giao dịch không được kiểm soát, cho nên tiền ảo đã
được nhiều nhóm đối tượng tội phạm nhắm đến và sử dụng như một
phương thức giao dịch. Hacker cũng có thể tìm và tấn công sàn Bitcoin và
đánh cắp, chưa kể nạn rửa tiền có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
II. Các quy định pháp lý hiện hành về Bitcoin.
1. Khung pháp lý về Bitcoin của Việt Nam.
Nền kinh tế thế giới hiện nay đang có nhiều có nhiều quốc gia đang quân
tâm đến những tác động của sự ra đời tiền ảo cùng với sự hỗ trợ không nhỏ
của ứng dụng công nghệ Blockchain.Từng quốc gia khác nhau trên thế giới
mỗi nước đều có cách nhìn nhận riêng về tính hợp pháp của tiền ảo. Các cơ
quan liên bang ở Mỹ đã có cái nhìn rộng mở với Bitcoin và được phép sử
dụng Bitcoin mặc dù có những quy định khác về mức độ chấp nhận. Còn ở
Singapore và Pháp không thông báo về quy định Bitcoin là đồng tiền hợp
pháp nhưng có những cảnh cáo về rủi ro và thuế. Trung Quốc lại cấm sử
dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không coi Bitcoin là đồng tiền
pháp định. Như vậy có thể thấy quan điểm pháp lý của mỗi quốc gia đang
dần thay đổi qua từng thời điểm phát triển của loại tiền ảo này.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thì hiện nay không có
bất kỳ văn bản pháp luật nào điều chỉnh một cách cụ thể về vấn đề tiền ảo,
Bitcoin. Pháp luật chỉ mới đưa ra một vài quy định khá lẻ tẻ ở trong các bộ
luật, văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình có thể kể đến như: Bộ Luật
Dân sự 2015, Luật Phòng chống rửa tiền 2012, Luật Ngân hàng nhà nước
Việt Nam 2010, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Pháp lệnh ngoại hối
2005, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Đầu tư 2014, Luật quản lí Ngoại thương
2017 và Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật
quản lí Ngoại thương 2017, Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung
một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền
mặt, Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền
tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các
phương tiện thanh toán không hợp pháp, Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các
biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền
ảo của Ngân hàng Nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản pháp luật nêu trên, có thể phân chia ra
thành các phương diện pháp lí để dễ dàng tiếp cận và có cái nhìn tổng thể
về các quy định của pháp luật có liên quan tới tiền ảo.
1.1. Dưới góc độ tài sản.
Dưới phương diện nhìn nhận theo góc độ tài sản, có thể tham khảo các
khái niệm liên quan tới tài sản được quy định tại Bộ Luật Dân sự hiện hành.
- Bộ Luật Dân sự 2015:
Trong pháp luật dân sự qua các thời kỳ tại Việt Nam không có khái niệm
bao quát về tài sản mà chỉ xây dựng định nghĩa về tài sản dưới hình thức
liệt kê. Tuy nhiên đến năm 2015, nhận thấy trên thực tế còn tồn tại một loại
tài sản được hình thành trong tương lai. Từ đó nhận thấy khái niệm tài sản
không thể là một khái niệm bất biến trong pháp luật dân sự mà càng ngày
càng có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát triển của nhân loại nói
chung và mức độ nhìn nhận của quốc gia nói riêng và trong ngôn ngữ pháp
lý. Chung quy lại, đối với Bộ luật Dân sự hiện hành thì tiền ảo không được
xem là một loại tài sản được công nhận và bảo vệ.

1.2. Dưới góc độ là phương tiện thanh toán.


Dưới phương diện công cụ thanh toán, pháp luật đã có các quy định liên
quan được ghi nhận trong các văn bản điển hình như trong Luật Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam 2010, Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản có liên quan.
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010
Theo Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010:
“ Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện
thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam”.
+ Vào ngày 28/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định các
loại tiền ảo và Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại
Việt Nam Ngân hàng nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các
loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp
tại Việt Nam
+ Ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số
5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính
phủ trả lời về vấn đề tiền ảo:"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói
riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp
pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và
sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh
toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị
cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định
96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).
Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã
cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư."
+ Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các
giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo của Ngân hàng Nhà nước thì các
trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian
thanh toán nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát,
xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo, không được coi và sử dụng tiền ảo
như một phương tiện thanh toán nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng
hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán cho mục đích mua bán, trao đổi
tiền ảo hoặc sử dụng tiền ảo như phương tiện thanh toán.
- Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2013)
+ Theo Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định các loại thuộc vào
ngoại hối thì: “Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung Châu Âu và đồng
tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây
gọi là ngoại tệ)
b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối
phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác
c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái
phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác
d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của
người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang
vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam
đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường
hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng
trong thanh toán quốc tế”
+ Ngoài ra, Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 có quy
định về ngoại tệ: “Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu
Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu
vực”.
Vậy theo như các điều luật đã nêu trên, Bitcoin không được xem là đơn vị
tiền của nhà nước Việt Nam; không được xem là ngoại tệ và cũng không
phải là đối tượng của ngoại hối vì Bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ
một quốc gia nào trên thế giới hiện nay.
1.3. Dưới góc độ kinh doanh.
- Luật quản lí Ngoại thương 2017, Luật Đầu tư 2014.
+ Luật quản lí Ngoại thương 2017 và nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều của Luật quản lí Ngoại thương 2017 thì trong các danh
mục hàng hóa cấm nhập khẩu lại không có quy định cấm nhập máy đào tiền
ảo. Điều này vô hình chung đã dẫn đến một thực tế rằng, số lượng máy đào
tiền ảo được nhập tràn lan ở nước ta mà chưa có chính sách quản lí kịp thời.
- Luật Đầu tư 2014
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, các ngành nghề cấm đầu tư
kinh doanh được quy định tại Điều 6: “Cấm các hoạt động đầu tư kinh
doanh sau đây :
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của
Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định
tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật
hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy
cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3
của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ.”
- Tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, kinh doanh Bitcoin không được liệt kê
trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không chính thức cho phép kinh doanh
Bitcoin. Tuy nhiên, cũng không quy định rõ việc cấm kinh doanh Bitcoin.
Vì vậy, các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo không bị coi là
ngành nghề cấm kinh doanh và có thể tiến hành đầu tư mà không bị pháp
luật cấm. Có thể nói, Bitcoin chính là một “lỗ hổng” chưa được vá trong
pháp luật nước ta.
1.4. Dưới góc độ thuế.
Trên phương diện đánh giá về sự hợp lí trong việc đánh thuế các hoạt động
liên quan đến tiền ảo nói chung, có thể xem xét qua các quy định có trong
các văn bản như Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung năm
2012, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.
- Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2012)
Theo quy định của Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định
những loại thu nhập sẽ bị chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên trong danh
mục các hoạt động, các loại thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì
lại chưa có các hoạt động liên quan tới tiền ảo. Do đó, các giao dịch và hoạt
động liên quan đến tiền ảo như mua bán, đầu tư tiền ảo, huy động vốn bằng
tiền ảo,...tạo ra nguồn thu cho cá nhân không được đề cập để thu thuế thu
nhập cá nhân theo quy định của luật này. Điều này tạo ra lỗ hổngn lớn trong
vấn đề quản lí nguồn thuế thu cho Nhà nước đối với một loại hình tạo ra thu
nhập như tiền ảo. Bên cạnh đó, về quy định liên quan đến thuế thu nhập
doanh nghiệp - cụ thể tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, chưa có
quy định áp thuế đối với hoạt động mua bán máy đào tiền ảo hay đối với
hoạt động trao đổi mua bán tiền ảo. Đây chính là một lỗ hổng lớn trong việc
quản lí thuế hiện nay.
1.5. Quy định pháp lí về việc xử phạt các vi phạm có liên quan tới tiền ảo
Bitcoin.
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012
Hiện nay, tình trạng rửa tiền qua đầu tư, giao dịch tiền ảo cũng là kênh
được các đối tượng nhắm đến. Theo thống kê cho biết, trên một số sàn giao
dịch Bitcoin lớn nhất trên thế giới, lượng truy cập từ Việt Nam luôn nằm
trong top 5 và có lượng truy cập tăng nhanh theo thời gian. Tiền ảo sẽ là
phương thức rửa tiền mới, an toàn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khi chảy
máu ngoại tệ với số lượng lớn và rất khó để ngăn chặn đối với Việt Nam.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định rất rõ bản chất của hành vi
rửa tiền là việc hợp thức hóa nguồn gốc tài sản phạm tội mà có và tài sản thì
bao gồm các loại tài sản quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, được biểu hiện
dưới đầy đủ các hình thức vật chất hay phi vật chất, hữu hình hay vô hình.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn
đa cấp thông qua hình thức giao dịch là tiền ảo. Cơ quan quản lý cũng nhấn
mạnh việc những đồng tiền ảo như Bitcoin không phải là đồng tiền thanh
toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng nghĩa với đó là việc phát hành, cung
ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện
thanh toán là hành vi bị cấm và không được pháp luật bảo vệ khi có trục
trặc xảy ra. Và từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng,
sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và
các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo
quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa
đổi, bổ sung năm 2017).
- Tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định
về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan
đến hoạt động ngân hàng như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho
người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì
bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp;
làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ
thanh toán, phương tiện thanh toán giả”
- Đồng thời, về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và
ngân hàng, việc phát hành và sử dụng Bitcoin - một loại tiền ảo chưa được
thừa nhận được quy định tại điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định
88/2019/NĐ-CP như sau:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi vi phạm sau đây:
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp
pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
- Tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ
sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không
dùng tiền mặt quy định:
"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch
thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi,
ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện
thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 7. Phương tiện
thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy
định tại Khoản 6 Điều này."
Như vậy, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh
chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương
tiện thanh toán khác theo quy định của ngân hàng nhà nước. Theo quy định
này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện
thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không
hợp pháp. Đặc biệt, những hành vi vi phạm quay định của chính phủ về
thanh toán không sử dụng tiền mặt, quy định tiền ảo là phương tiện thanh
toán không hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, sử dụng tiền ảo như là
tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP
của Chính phủ ngày 17/10/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và ngân hàng. Theo Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về
xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các
hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không
hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử
phạt vi phạm hành chính mức từ 150- 200 triệu đồng:"Phạt tiền từ
150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi
phạm sau đây:
a) Làm giả phương tiện thanh toán, Lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng
phương tiện thanh toán giả
b) Làm giả chứng từ khi sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán
c) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp
pháp."
Như vậy, Nhà nước đã bày tỏ quan điểm không xem tiền ảo là một phương
thức thanh toán hợp pháp của quốc gia, không xem tiền ảo là tiền tệ, tuy
nhiên ngầm thừa nhận tiền ảo là tài sản. Nếu đã xác định tiền ảo là tài sản
thì cơ sở pháp lý đầu tiên tại Việt Nam phải được sử dụng nhằm mục đích
điều chỉnh là pháp luật dân sự mà cơ bản là Bộ luật Dân sự 2015 đang có
hiệu lực thi hành.
Việt Nam cũng như một vài quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận
tiền ảo là tiền tệ. Việc sử dụng tiền ảo - Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự
như Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và
bảo vệ.
Pháp luật cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và
các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin như một loại tiền tệ hoặc phương tiện
thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Có thể nói rằng, khái
niệm về tài sản ảo, tiền ảo chưa được nêu trong bất cứ văn bản quy phạm
pháp luật, không được bất cứ ngân hàng nhà nước nào phát hành và không
được lưu trữ bằng phương thức điện tử. Mọi vi phạm có liên quan đến tiền
ảo nói chung đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành. Qua
ra soát các quy định pháp luật Việt Nam, có thể thấy rằng luật pháp nước ta
vẫn chưa có quy định cụ thể khái niệm “tiền ảo”. Đặc biệt, theo quy định
Bộ luật Dân sự 2015 thì tiền ảo không nằm trong khái niệm tài sản theo
Điều 105. Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, tiền ảo không
phải là loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, và không
phải là đồng tiền hợp pháp.
Tiền ảo không phải là tài sản cũng không phải là hàng hóa. Do đó, các
văn bản pháp luật không hề đưa tiền ảo vào danh mục hàng hóa bị thu thuế
như Luật thuế nhu nhập cá nhân 2007 hay Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
2008.
Mặc dù các quy định pháp luật quy định tiền ảo không phải là phương tiện
thanh toán hợp pháp, việc cung ứng, phát hành sử dụng tiền ảo là bất hợp
pháp và Nhà nước đã có chế tài xử lý về xử phạt hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ ngân hàng liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động, giao dịch
tiền ảo diễn ra và không có quy định pháp lý, các vụ việc không có căn cứ
để xử lý vi phạm. Trong khi đó Luật Đầu tư 2014 không đưa tiền ảo vào
danh mục các ngành nghề bị cấm kinh doanh.
Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo cũng như Bitcoin là một phương
tiện thanh toán, nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một
phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có thể
thấy rằng, yêu cầu thực tiễn và khoảng trống pháp lý cho thấy Việt Nam rất
cần hoàn thiện quy định pháp luật về tiền ảo. Cơ chế ứng xử với tiền ảo, tài
sản ảo đang là một yêu cầu đặt ra trong quản lý, đặc biệt là vấn đề đảm bảo
an ninh trong thanh toán hay vấn đề liên quan đến tiền tệ. Việt Nam cần
phải nghiên cứu hoạt động này một cách thận trọng bởi tiền ảo và tài sản ảo
là lĩnh vực tạo nhiều cơ hội phát triển, thu hút vốn đầu tư, nhưng cũng tiền
ẩn nhiều rủi ro.
2. Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam chưa có các quy định đầy đủ đối với tiền ảo; do đó còn
nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa thể giải
quyết. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp
luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Sau đây là 3 lĩnh vực
pháp luật điển hình liên quan đến tiền ảo.
2.1. Trong lĩnh vực pháp luật tiền tệ và ngân hàng.
Tiền ảo không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là
hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP
ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không
dùng tiền mặt.
Xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với việc
phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp
quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày
14/11/2019 cua Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội
danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan
đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi,
bổ sung năm 2017 nếu vi phạm nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn có rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu cho
thanh toán bằng Bitcoin đối với dịch vụ của họ như: dịch vụ mua vé máy
bay, đặt khách sạn và thuê ô tô tại Expedia, mua hàng trực tuyến tại
Overstock, OpenBazaar hoặc tại các Dark Net Market, mua tên miền và
dịch vụ máy chủ tại NameCheap, mua thẻ quà tặng tại Gyft, mua VPN tại
BitVPN, mua dịch vụ thẻ nạp tại BitRefill, mua quần áo thời trang tại
ASOS và một loạt các dịch vụ khác tại Fiverr...
2.2. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự.
Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản như sau: Tài sản là
vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, do đó tiền ảo không được xem là
tài sản. Theo quy định này, tài sản chỉ tồn tại ở 4 dạng:
(i) Vật là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn,
lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai
thác, sử dụng như vàng bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa...
(ii) Tiền là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước
bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao
gồm nội tệ và ngoại tệ.
(iii) Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức
được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong
một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có
giá gồm các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ
phiếu, tín phiếu, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc…
(iv) Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản
đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài
sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…
Tiền ảo không thuộc 1 trong 4 loại nêu trên nên tiền ảo không được coi là
tài sản. Do đó đối với những người sở hữu, tham gia giao dịch tiền ảo sẽ đối
mặt nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có
những quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên các cơ quan có thẩm quyền
thường gặp khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo. Quyền
sở hữu tiền ảo, mua bán tiền ảo, vay mượn tiền ảo, thừa kế tiền ảo và bồi
thường thiệt hại trong giao dịch tiền ảo là các tranh chấp thường xảy ra liên
quan đến tiền ảo.
2.3. Trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, kinh doanh.
Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề
liên quan đến tiền ảo. Hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo không bị
liệt kê trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành,
nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư
năm 2020. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh
những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến pháp thì
các doanh nghiệp thực hiện hoạt động, mua bán, kinh doanh, huy động vốn,
chuyển nhượng tiền ảo thì không bị coi là cấm.
Nhiều cá nhân, tổ chức dựa vào kẽ hở này lập ra các sàn đầu tư, các sàn
giao dịch “ma”, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp để huy động
vốn từ những nhà “đầu tư”. Trong khi đó, tiền ồ ạt đổ vào vào các sàn này
khi các nhà "đầu tư" không tìm hiểu kỹ về các rủi ro trong giao dịch tiền ảo,
họ thấy cái lợi trước mắt là sinh lợi nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao, hưởng lợi
từ mô hình tháp đa cấp. Cho đến khi xảy ra “sự cố” như sập sàn đầu tư tiền
ảo thì họ mới sửng sốt nhận ra sai lầm và biết rằng không thể đòi tiền đầu tư
của mình.
III. Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về tiền ảo Bitcoin.
Trong quá trình tiến hóa của tiền tệ cũng như khoa học công nghệ thông tin
tiền điện tử đã và đang là xu thế thịnh hành. Thực tiễn luôn đi trước luật lệ.
Đứng trước các thực trạng hiện nay, Nhà Nước cần cân nhắc đưa tiền ảo nói
chung, cụ thể ở đây là Bitcoin vào phạm vi quản lý. Để góp phần hạn chế
những hệ lụy về tiền ảo, tác giả đề xuất một số biện pháp sau:
- Xây dựng chính sách quản lý tiền ảo, tiền điện tử: Nên xây dựng khung
pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều
chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua
bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ
chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ
chức khi giao dịch tiền ảo.
- Nhanh chóng đưa ra chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ
thông tin, năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và
bảo mật:
Có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo
nên các cơ quan chức năng cần nâng cao nghiệp vụ trong việc phòng chống
tội phạm trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
- Nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh:
cần có các điều kiện như các ngành kinh doanh khác và phải được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo
để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo
để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời,
cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên
quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Thu nhập có được từ hoạt động đầu tư tiền mã hóa sẽ được đánh thuế thu
nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, tùy chủ thể nào tham gia. Từ đó,
Nhà nước có thể kiểm soát tốt các giao dịch liên quan đến loại tài sản đặc
biệt này, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền tự do
kinh doanh của công dân. Bằng cách đó, Nhà nước cũng có thể kiểm soát,
ngăn ngừa và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mã hóa cho các hoạt động phi
pháp như tài trợ khủng bố, rửa tiền, lừa đảo...
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức của người dân
về bản chất của tiền ảo Bitcoin, cảnh báo người dân về những nguy cơ
hệ lụy phát sinh từ việc mua bán giao dịch đầu tư Bitcoin.
Ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 10/CT-TTg tăng cường
quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự
khác. Trong đó, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng,
tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các
giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật...
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 942/QĐ-TTg phê
duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số,
trong đó nhấn mạnh: Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa
trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).Nhiệm vụ này được giao cho Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023.
- Thay đổi tên gọi cho tiền ảo
Vì tiền ảo không được coi là một phương thức thanh toán hợp pháp và cũng
chưa được coi là một dạng tài sản theo Bộ luật dân sự 2015 và càng không
phải là tiền tệ hợp pháp của quốc gia như đã phân tích ở các phần trên. Do
đó cần thiết phải sử dụng một tên gọi pháp lý cụ thể hơn và hợp lý hơn để
nói lên đúng bản chất của tiền ảo. Tác giả kiến nghị xem xét việc điều chỉnh
tên gọi của tiền ảo sang các tên gọi cụ thể và chuẩn mực hơn, như tài sản
mã hóa”, bởi vì tiền ảo được biểu hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình. Một
mặt việc không sử dụng từ tiền” sẽ làm thay đổi quan niệm của người dùng
nói riêng và Nhân dân nói chung trong nhận thức tiền ảo không phải là tiền
tệ và không phải là phương tiện thanh toán quốc gia mà chỉ là một loại tài
sản theo quy định của pháp luật
- Xem xét bổ sung tiền ảo vào khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự
2015
Việc khẳng định tiền ảo là tài sản sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc và nền tảng
cho các quy định về bảo hộ và xác lập quyền đối với chủ sở hữu với tư cách
là một tài sản độc lập trong giao dịch dân sự cũng như hoạt động đầu tư,
kinh doanh. Bên cạnh đó việc đưa khái niệm tiền ảo vào khái niệm tài sản
trong Bộ luật Dân sự sẽ là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các
hành vi vi phạm pháp luật hình sự như trộm cắp hoặc lừa đảo liên quan đến
tiền ảo.
- Xây dựng quy định về các công cụ giám sát giao dịch Bitcoin nói riêng
và tiền ảo nói chung liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố
trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012
Theo dõi các hoạt động chuyển tiền đáng ngờ có thể là một giải pháp để
kiểm soát các giao dịch Bitcoin. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy
định rất rõ bản chất của hành vi rửa tiền là việc hợp thức hóa nguồn gốc tài
sản phạm tội mà có và tài sản thì bao gồm các loại tài sản quy định tại Bộ
luật Dân sự2015, được biểu hiện đầy đủ dưới các hình thức vật chất hay phi
vật chất, hữu hình hay vô hình. Nếu tiền ảo được xem xét là một loại tài sản
theo Bộ luật Dân sự 2015 thì những hành vi rửa tiền sẽ được điều chỉnh bởi
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Mặc dù giao dịch Bitcoin là ẩn danh
nhưng việc chuyển lợi nhuận về tài khoản hay chuyển tiền ra nước ngoài để
nạp vào ví điện tử là có thể truy xuất theo dõi các tài khoản hay giao dịch
đáng ngờ này được. Ngân hàng Nhà nước có thể cung cấp cho các Ngân
hàng danh sách các tài khoản chuyển tiền nghi ngờ này và yêu cầu các
Ngân hàng định kỳ báo cáo để qua đó Ngân hàng Nhà nước này có thể giám
sát được quy mô cũng như hoạt động giao dịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó
chúng ta có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ phía Trung Quốc trong việc
giám sát các công cụ mạng xã hội hay nhắn tin trực tuyến... Gần đây nhà
chức trách tại Trung Quốc cũng đã tăng cường giám sát đối với WeChat,
ứng dụng tin nhắn mà các nhà giao dịch tiền ảo thường sử dụng để liên lạc.
- Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007, những loại
thu nhập dưới đây sẽ bị chịu thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ
thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép
hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy
định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh,
phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở
nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu
vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi
con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần,
tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định
của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả,
trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
c) Tiền thù lao dưới các hình thức;
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban
kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc
không bằng tiền;
e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được
Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải
thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện,
khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
a) Tiền lãi cho vay;
b) Lợi tức cổ phần;
c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái
phiếu Chính phủ.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với
đất;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước;
d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
a) Trúng thưởng xổ số;
b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;
d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức
trúng thưởng khác.
7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của
quyền sở hữu trí tuệ;
b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức
kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu
hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ
chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký
sở hữu hoặc đăng ký sử dụng”

- Để tạo ra được Bitcoin chỉ có cách duy nhất là đào. Các thợ đào sẽ sử
dụng máy tính được tích hợp các phần mềm chuyên dụng để giải các thuật
toán được lập trình sẵn và việc giải được thuật toán sẽ được nhận một lượt
tiền ảo tương ứng. Hoạt động này có thể được gọi là tạo ra một khoản hàng
hóa(là Bitcoin) có giá trị. Khi các thợ đào Bitcoin được coi là tài sản theo
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 mà tác giả đã đề cập ở phần trên.
Các thợ đào Bitcoin có thể chuyển giao quyền sở hữu của mình cho những
người mua Bitcoin khác có nhu cầu. Người mua Bitcoin này có thể chuyển
giao quyền sở hữu của mình cho người mua Bitcoin khác. Hoạt động này có
thể xem như là kiếm lãi từ việc kinh doanh Bitcoin(cụ thể là mua bán
Bitcoin). Tác giả kiến nghị nên xem xét khoản lãi đó như một khoản thu
nhập và chịu thuế nhu nhập cá nhân nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sở
hữu Bitcoin

- Nên xem hoạt động kinh doanh tiền ảo là một ngành nghề kinh doanh
có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014
Như đã đề cập ở trên, tiền ảo muốn được xem như một loại tài sản đặc biệt
và các cá nhân tổ chức muốn xác lập quyền sở hữu thì cơ quan Nhà nước
cần xem xét xây dựng khung pháp lý điều chỉnh. Đồng thời, cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cũng cần cân nhắc việc quản lý các quyền của chủ sở
hữu, trong đó có các quyền tự do trao đổi hoặc kinh doanh, mua bán như
một loại hàng hóa. Tuy nhiên, cần xem xét việc xây dựng các quy định về
kinh doanh tiền ảo như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
- Xem xét quy định về việc cho phép cá nhân hay tổ chức được quyền
thực hiện kinh doanh tiền ảo.
- Quy định về đăng kí thông tin người dùng trong trường hợp có nhu cầu
kinh doanh tiền ảo.
- Xem xét ràng buộc về hình thức giao dịch có thông qua các sàn tiền ảo
như hiện nay hay có thể tự do lựa chọn hình thức kinh doanh. Trong trường
hợp cơ quan có thẩm quyền ràng buộc các hoạt động mua bán tiền ảo phải
được thực hiện thông qua sàn giao dịch thì cần có quy định về về hình thức
đăng ký kinh doanh của nhà cung cấp sàn giao dịch tiền ảo và khuyến cáo
người dùng nên tìm đến các sàn giao dịch đã được đăng ký thể được bảo vệ
quyền lợi một cách tốt nhất. Điều kiện đăng ký kinh doanh phải kèm theo
các bảo đảm về khả năng tài chính, công nghệ,...
C. LỜI KẾT

Sự ra đời của Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung đã mang lại nhiều cơ hội
cũng như thách thức đối với các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không
ngoại lệ. Mặc dù tiền ảo đã được Nhà nước ta ngầm thừa nhận là một loại tài
sản đặc biệt nhưng có một sự thật là Việt Nam vẫn cần phải học hỏi các nước
khác về kinh nghiệm để tạo ra một khái niệm pháp lý rõ ràng và bao quát nhất
cho tiền ảo. Không thể bác bỏ rằng tiền ảo thật sự là một phát minh đột phá
đem lại những cuộc “thay da đổi thịt” cho thị trường tiền tệ thế giới nhưng bên
cạnh đó tồn tại rất nhiều rủi ro, có thể trở thành con dao hai lưỡi đe dọa nền
kinh tế của một quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì thế, để Bitcoin/ tiền ảo
phát huy được hết những ưu điểm, cần phải lấp đầy những lổ hỗng pháp lý
trong quy định quản lý và đưa Bitcoin/tiền ảo vào khung quản lý chặt nhất đặt
dưới sự giám sát của Nhà nước.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015


2. Luật Phòng chống rửa tiền 2012 số 07/2012/QH13 ngày 18/06/2012
3.Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 số 46/2010/QH12 ngày
16/06/2010
4. Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007
5. Pháp lệnh ngoại hối 2005 số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005
6. Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 ngàyv27/11/2015
7. Luật Đầu tư 2014 số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014
8. Luật quản lí Ngoại thương 2017 số 05/2017/QH14 ngày 12/06/2017
9. Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật quản lí Ngoại thương 2017
10. Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về sửa đổi bổ
sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng
tiền mặt
11. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 cua Chính phủ quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
12. Nghị định 96/2014/NĐ- CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về quy định
xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
13. Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam về việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong
hoạt động thẻ ngân hàng.
14. Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2018 ngày 11/04/2018 về tăng cường quản lý
hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác do Thủ
tướng Chính phủ ban hành
15. Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
16. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ
về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
17. Thông tin về Bitcoin: https://bitcoin.org/en/
18. Tham khảo giá Bitcoin: https://coinmarketcap.com/vi/currencies/bitcoin
19. Laura M (cập nhật 2021), “Bitcoin là gì và Bitcoin hoạt động như thế
nào?”, https://vn.bitdegree.org/crypto/bitcoin-hoat-dong-nhu-the-nao (truy
cập 04/12/2021)
20. Nguyễn Thị Hồng Nhung & Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2019) , “Tổng quan
về vị trí pháp lý của tiền mã hóa (Bitcoin) tại một số quốc gia trên thế giới –
Định hướng xây dựng khung pháp lý về tiền mã hóa tại Việt Nam”, Tạp chí
Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế-Luật và Quản lý.
21. TS. Nguyễn Bảo Huyền (2018), Học viện Ngân Hàng, “Bitcoin và những
vấn đề đặt ra”

You might also like