You are on page 1of 3

Đề 1:

Câu 1:

Bài văn NLXH của bạn có cách diễn đạt mượt mà, nhiều hình ảnh, liên tưởng, thể hiện được
“cái tôi” khá rõ rệt qua việc xưng “tôi” từ ngay đầu bài viết cùng những chiêm nghiệm của riêng
bản thân xuyên suốt toàn bài. Tuy nhiên các luận điểm, luận cứ của bạn không rõ ràng mà
giống như đang tản văn, bày tỏ cảm xúc nhiều hơn. Việc bạn chọn lựa dẫn chứng cũng không
toàn diện, không có tầng bậc, chỉ là điểm một số dẫn chứng quen thuộc chứ không phân tích, đi
vào chi tiết cụ thể nào đó để làm sáng tỏ cho nhận định và quan niệm mà bạn đặt ra (Chẳng
hạn bạn đặt ra câu hỏi “Tại sao là tận hưởng những điều hạnh phúc?” nhưng chưa có câu trả
lời thuyết phục). Có một số chỗ bạn bị trích sai như câu thơ của Phạm Tiến Duật hay tên bộ
phim, đúng ra phải là: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong
bay” (bạn đưa ra lý do dựa trên tứ thơ nhưng lại không giảng giải để người đọc có thể hiểu điều
bạn muốn biểu đạt qua ý thơ này) và tên phim phải là “Forrest Gump” chứ không phải “Run
Forrest” (bạn lấy hình tượng trong phim là dẫn chứng dài nhất thì em nghĩ là không thích hợp).

Em thấy bạn lấy vấn đề nghị luận là “đi tìm chính mình” nhưng khi đọc xong cả bài thì em thấy
bạn chưa đi vào những ý lớn như là tại sao phải đi tìm chính mình, tại sao tìm thấy chính mình
thì hạnh phúc, làm thế nào để tìm thấy chính mình và tận hưởng hạnh phúc… Và vì thiếu dẫn
chứng nên bài thiếu tính thực tế. “Dải ngân hà” chưa được bàn luận bằng những hình ảnh cụ
thể, bạn không nên đồng hóa “dải ngân hà” với những đặc điểm như “mái tóc, giọng nói”, và
“hạnh phúc” – từ khóa trong nhận định ở đề bài cũng chưa được làm rõ, cả bài là “cái tôi” của
bạn nhưng bạn chưa chỉ ra bạn đã tìm thấy chính mình và tận hưởng hạnh phúc của riêng bạn
như thế nào (bài học nhận thức và hành động).

Em học được từ bạn là cách diễn đạt mềm mại, có hình ảnh, và một số liên tưởng, so sánh thú
vị: phần mở bài đi từ “cơn gió” và “hoa bồ công anh trong gió” để đi đến con người và giá trị con
người; ở phần mở rộng có so sánh về từ “chạm”, “chạm” là từ khóa khi tìm kiếm trên Google và
“chạm” theo nghĩa là con người chạm đến phần sâu thẳm, chạm đến bản ngã của mình; “sự
sống là vô giá nhưng không sống bằng mọi giá”. Hơn nữa, nên đưa cái “tôi’ vào nghị luận xã hội
nhưng không thể quá nhiều, “cái tôi” phải đi cùng lý lẽ, thực tế nhiều hơn là đi sâu vào nội cảm,
cảm xúc của riêng trong phần bàn luận khi đang nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ.
 
Câu 2:

Bạn có cách mở bài khác biệt, đi từ 9 nàng thơ trong điện thần Athen, tuy nhiên bạn viết sai
tên, không phải “Polymhymia” mà là “Polyhymnia” và nàng thơ này đại diện cho mảng dân ca
và kịch câm nghĩa là sự truyền thống, nề nếp, quy chuẩn (em tìm hiểu thì thấy cách xây dựng vị
thần này không hề dựa trên nét trầm ngâm suy tư như bạn đã viết mà là xây dựng dựa trên mỹ
học về sự mềm mại và luôn đi cùng chiếc khăn voan). Nên là dù ý tưởng độc đáo nhưng khi
dẫn đến nhận định về thơ của hai nhà thơ hiện đại Lưu Quang Vũ và Lê Đạt thì trở nên không
logic, thiếu liên kết.

Phần giải thích em thấy bạn đi từ một số định nghĩa về thơ rồi mới suy ra định nghĩa của lý
luận. Bạn có thêm “thơ là hình thức sáng tác đầu tiên của loài người” thì chưa đúng lắm mà
phải là “thơ là hình thái văn học đầu tiên của loài người”. Và cả phần giải thích vẫn chưa được
trọn vẹn, đầy đủ. Trong phần bàn luận chứng minh thì bạn hơi nghiêng quá về ý kiến của Lưu
Quang Vũ mà chưa làm rõ được nhận định của Lê Đạt. Các khía cạnh trong “sinh sự với đời”
cũng không được phân tách rõ. Nhưng bạn có nguồn dẫn chứng, vốn thơ phong phú, thơ của
Lorca, thơ Trương Nam Hương…

Em thấy bạn vẫn có được cách diễn đạt mềm mại, có nhiều nhận đinh, trích dẫn phong phú:
“Lorca dưới đáy giếng: “Máu đã khô rồi thơ có còn khô?”; Trịnh Công Sơn: “Trên đời này chỉ có
thân phận và tình yêu. Chúng ta phải nuôi dưỡng tình yêu để nó cứu chuộc ta trên cây thập giá
đời”; Tagore: “Khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ.”
Hay một số cách dùng từ như “sự đời thương hải tang điền” (thay đổi lớn lao như ruộng dâu
biến thành biển xanh), sự thấu thị (khả năng ngoại cảm).
 
Đề 2:

Câu 1:

Bài NLXH của bạn chưa có được những luận điểm rõ rệt, cách viết và triển khai hơi lạ. Sau khi
giải thích, bạn đi giải thích “con người” với “con” và “người” để rồi suy ra những thực trạng rác
trong tâm hồn người ngày nay. Và bạn đưa ra lý do ở đoạn văn tiếp theo bằng cách đưa câu
nói của người khác rồi phản biện: “Còn tôi, tôi không cho là vậy”. Ở phần nêu thực trạng bạn
quy cho là nguyên nhân khách quan, do sự phát triển của công nghệ nhưng khi lấy và phân tích
dẫn chứng thì lại không đi theo lý do bạn đưa ra. Đoạn văn về lý do chủ quan, nghĩa là xuất
phát từ con người tương đối sâu sắc, bạn đặt điểm nhìn tương đối cụ thể từ chính bản thân và
người xung quanh để phát biểu.

Đoạn văn thứ ba về nguy hại của dọn rác tâm hồn về dẫn chứng những người đã dọn rác tâm
hồn thì còn nhạt nhòa, dẫn chứng điểm, không phân tích. Chưa có phần phản đề nhưng bài
học nhận thức bạn rút ra có chiều sâu và đặc biệt khi chọn được đoạn thơ của Nguyễn Nhật
Ánh về sự thức tỉnh.

Bạn đưa tương đối nhiều cái tôi và cảm xúc cá nhân vào bài: “Tôi đau đớn và lòng tự hỏi”, “Tôi
đã thực sự bất khóc”...

Câu 2:

Ở phần chứng minh, em thấy bạn chủ yếu đi vào hai luận điểm là con người không hoàn toàn
xấu xa và con người không phải thánh nhân, tuy nhiên chưa được phân tách rõ ràng, đặc biệt
là khi nói về vẻ đẹp lẩn khuất trong con người ở nhân vật Fantine ở luận điểm con người không
xấu xa. Khi chọn phân tích phần người trong con người ở nhân vật văn học Việt Nam, bạn chọn
Chí Phèo, Thị Nở, ông Bổng trong “Tướng về hưu” để chỉ ra bên trong con người xấu xa, con
người tha hóa, trong con quỷ dữ vẫn tồn tại phần nhân tính, phần tốt đẹp. Tuy nhiên bạn lại đi
so sánh cùng với Fantine của V. Hugo thì chưa làm rõ được sự giống của nhóm nhân vật này
bởi Fantine sẽ làm bật cái đẹp nổi hình, nổi sắc như đức hy sinh của người mẹ chứ không thiên
về con người vẫn lấp lánh phần nhân tính trong trong cái bản ác mà ta vẫn tưởng là duy nhất
ấy. Bạn chọn được nhân vật nước ngoài phù hợp là Emma Bovary trong “Madame Bovary” của
Flaubert ở khía cạnh người đàn bà ngoại tình trong xã hội tư sản có nhiều nỗi đau nội tâm, tuy
nhiên đây lại chỉ là dẫn chứng điểm, chưa phân tích qua các chi tiết để làm rõ. Hơn nữa, em
thấy ở dẫn chứng này, nhân vật Emma cũng không hẳn thiên về con người xấu xa, mà nhân
vật này sẽ làm bật lên bi kịch vỡ mộng của con người, giữa thực tế và mơ tưởng lãng mạn để
rồi dẫn đến cái chết đau thương, nhân vật này có sự cuồng nhiệt với những thứ tình yêu nóng
hổi, bất chấp tất cả để đắm mình vào đam mê tình yêu, thứ tình yêu hoàn hảo để rồi bỏ qua
thực tế với nợ nần và cuối cùng có kết cục bi thảm. Nên nhân vật này phù hợp hơn khi so sánh
với Vũ Như Tô của văn học Việt Nam, cũng là bi kịch vỡ mộng của con người để đi đến kết
luận con người luôn mất thăng bằng giữa lý tưởng và hiện thực.

Ở luận điểm con người không phải thánh nhân, em thấy bạn chọn được dẫn chứng hợp lý là
các vị thần trong “Thần thoại Hy Lạp”, nhưng bạn nên nói rõ các vị thần này là sáng tạo dựa
trên những suy nghĩ và tưởng tượng của con người để sau đó khi nói đến vấn đề con người
trong các vị thần thì sẽ liên kết hơn. Bạn nên đi vào một chi tiết cụ thể nào đó của tác phẩm này
để làm rõ hơn chứ không nên điểm. Trình tự của bạn cũng bị ngược khi từ thần thoại đến văn
học sau 75 rồi lại trở lại văn học 30-45 và văn học cách mạng. Ở phần luận điểm này, bạn hơi
thiếu về văn học nước ngoài khi nói về con người có nhiều điểm bất toàn.

Bạn vẫn có những hình ảnh biểu tượng thêm vào để làm giàu vốn cho bài viết: chẳng hạn sự
giống nhau về gương mặt của kẻ phản bội Judas và chúa Jesus trong bức tranh Bữa tiệc cuối
cùng để nói về sự ẩn khuất khó nhận ra của hai phần thiện-ác (thực chất là có khác nhau ở ánh
mắt); phần kết bài đưa hình ảnh bông hồng vàng của Samet tặng Xuyzan để nói về tình yêu
của văn chương…

Lối diễn đạt nhịp nhàng với nhiều trích dẫn, câu văn so sánh: “Văn chương đến với với ta thật
gần như một tấm giấy thông hành của tâm hồn cho ta thăng hoa cõi khác để ta thấy tỏ nhiều
hơn một cuộc đời”, “văn chương như phúc âm của tâm hồn”, “văn chương trao cho nhân gian
đức tin cứu rỗi”, “Anh vắt ra từ những xót xa những trăn trở thành những dòng ánh sáng để
minh chứng cho sự nỗ lực của con người”, Van Gogh: “Lòng người thật ra rất giống biển, ở đó
có gió, ở đó có bão và trong sâu thẳm đều chứa những viên ngọc trai lấp lánh”, “con người
giống như biển sâu muôn trượng khó đoán định”,...
 
 
 

You might also like