You are on page 1of 4

NHẬN DIỆN ĐẠI TỪ TRONG BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ”

Hương Thủy*

Xem xét toàn bộ bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, người ta dễ nhận thấy sự thay đổi liên tục
các đại từ nhân xưng khác nhau: anh, em, ai. Nếu coi một bài thơ như một giọng điệu trữ tình
thể hiện nội tâm, thì hẳn là quy tắc giao tiếp thông thường chỉ có thể chấp nhận một kiểu đại
từ thống nhất cho toàn bài. Và nếu văn chương tồn tại được nhờ sự khác biệt, lạ hóa với cái
đời thường, chúng ta buộc phải trả lời câu hỏi: vì sao lại có thể có nhiều hình thức đại từ như
vậy? Chúng có điểm gì chung trong việc tạo nên mạch cảm xúc toàn bài ? Hẵng bắt đầu bằng
một đại từ phiếm chỉ, rất quen, xuyên suốt toàn bài trong những câu sau:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Ai biết tình ai có đậm đà.
Đó là ba câu thơ, theo nhận định quen thuộc, là những câu hỏi tu từ, hỏi chỉ để mà
hỏi, chỉ để nêu lên một thực tại khác: Một khu vườn xanh mướt, một con thuyền chở trăng mê
ly, một mối tình đậm đà. Tuy nhiên khi kết nối chúng lại, ta lại nhận thấy một điều khác. Đó
là sự nghi ngờ thực tại tăng dần lên theo mạch thơ. Nếu như câu hỏi đầu tiên rõ ràng mang
tính cảm thán rõ ràng về một thực tại đẹp như mơ, thì câu hỏi thứ hai đã hướng đến sự nghi
vấn một thực tại bởi giống như trong mơ, còn câu hỏi cuối cùng rõ ràng nhắc đến một thực tại
không thể nhận diện một cách đích xác vì dường như chỉ là ảo ảnh. Đại từ này bắt gặp rất
nhiều trong ca dao. Nó khiến người ta nhìn thấy sự gắn bó giữa giọng thơ Hàn Mặc Tử với
giọng điệu ca dao. Phải chăng vì thế mà nó mang đến cho bài thơ, đúng như nhận định của
sách giáo khoa, một cảm xúc trong sáng hiếm có trong tập Thơ điên?
Chúng ta hãy trở lại câu hỏi, ai là người phát ngôn của bài thơ với những chữ “ai” như
trên kia vừa nhắc đến? Hiển nhiên là nhân vật trữ tình, có thể ngầm hiểu là hóa thân cho Hàn,
tuy không phải là một. Người ta đều biết có sự khác biệt căn bản giữa nhân vật trữ tình với
tác giả, không thể nhập làm một. Đôi khi tác giả nam có thể hóa thân thành nhân vật nữ. Một
số bài thơ của Xuân Diệu, của Nguyễn Bính khá tiêu biểu cho trường hợp này. Vậy đó có
phải trường hợp cho câu mở đầu rất nổi tiếng của bài thơ này: Sao anh không về chơi thôn
Vỹ. Để diễn giảng câu thơ này, chúng ta vẫn viện đến tích rất quen, mà có vẻ như sẽ là mất
hay nếu ai đó không biết: Hoàng Cúc và tấm bưu thiếp từ ngoài kia gửi vào. Khi đó, chúng ta

*
Giáo viên THPT Chu Văn An – Hà Nội. Formatted: English (United States)
lại rơi vào cái bẫy rất thú vị: văn chương có giá trị không sống nhờ cái thường ngày, không
viện đến cái ngoài nó. Chính cái ngoài nó mới nổi tiếng nhờ văn chương. Bài thơ này được
mọi người yêu trước hết chắc chắn không nhờ nàng Hoàng Cúc xinh đẹp, nàng lại chẳng phải
người có danh tiếng hay tài năng gì. Thực ra, nàng nổi tiếng là vì bài thơ, như một đồn đoán
nào đó, hình như bắt đầu từ Quách Tấn. Bài thơ này được yêu trước hết vì chính những câu
chữ của nó. Vậy chúng ta lại phải quay lại từ đầu.
Câu thơ đầu tiên rõ ràng xác lập đại từ “anh” phải là ngôi thứ hai, và người phát ngôn
là một cô gái. Hoàng Cúc hay Mộng Cầm nào đó đều không quan trọng ở đây. Điều đó giả
thiết rằng nhân vật trữ tình là nữ. Thế mà, thoắt một cái ở khổ thứ ba, người đọc ngỡ ngàng:
“Áo em trắng quá nhìn không ra”. “Em” ở đây là ngôi thứ mấy? Nếu theo mạch ban đầu
chúng ta sẽ cho đó là ngôi thứ nhất? Bởi quy tắc đại tự nhân xưng tiếng Việt quy định thế.
Vậy là thật trái với cảm nhận của chúng ta khi đọc bài thơ, và nhất là không thuận với cú
pháp của câu miêu tả này. Nó buộc người đọc phải giả thiết rằng đó là lời của một nhân vật
trữ tình nam với người con gái. Một điều bất ngờ xảy đến: có một sự thay đổi với chủ thể
mạch cảm xúc bài thơ, từ nhân vật nữ (giả thiết) sang nhân vật nam. Thế mà sự đảo ngược đó
dường như không làm biến đổi mạch cảm xúc. Vẫn là một nỗi niềm đau đáu, một khát vọng
da diết khó diễn tả thành lời. Từ góc độ đại từ, thế là chúng ta lại bắt gặp sự đứt gẫy. Chỉ có
thể nêu một giả thiết khác, tìm một logic khác để kết nối văn bản. Không quan trọng ở đây,
trong bài thơ, đó là nhân vật trữ tình nam hay nữ. Chỉ có một nhân vật trữ tình lần lượt hóa
thân vào các vai khác nhau để giao tiếp lần lượt với anh, ai, em. Nhân vật đó tự phân thân
thân để đối thoại với chính mình. Bất cứ câu nào cũng hàm chứa một đại từ để nhân vật trữ
tình tham gia đối thoại. Từ đây, khi xem xét ngược lại toàn bộ các đại từ khác sử dụng trong
bài thơ sẽ thấy một sự xuất hiện mới. Chúng ta dừng ở “khách đường xa” trong câu đầu tiên
của khổ ba :
Mơ khách đường xa khách đường xa
Theo logic giả thiết trên, đó hoàn toàn không phải là một ngữ danh từ làm nhiệm vụ
bổ ngữ, còn chủ thể phát ngôn thì ẩn. Cần hiểu câu thơ này theo cách khác theo sự đảo lộn cú
pháp. “Khách đường xa” trở thành phần đề (hay chủ ngữ), còn “mơ” là phần thuyết (hay vị
ngữ). Và cách nói “khách đường xa” này chẳng hề xa lạ trong văn chương trung đại (khách
có kẻ giương buồm giong gió chơi vơi – Trương Hán Siêu), hay với ngay chính Hàn Mặc Tử:
“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/Lòng Trí bâng khuâng bỗng nhớ nhà”. Thí dụ này của Mùa
xuân chín khẳng định điều chúng ta vừa giả định: nhân vật trữ tình tự phân đôi lòng mình để
đối thoại. Vì cô đơn quá mà muốn tự đối thoại chăng? “Trí” chẳng phải ai xa lạ mà chính là
một phần của Hàn Mặc Tử. Và “khách xa” chẳng phải là một sự quy chiếu về một nửa nào đó
của Hàn Mặc Tử đó sao. Nhân vật trữ tình tự tách đôi, vừa trỏ vào chính mình, vừa tự nói với
mình. Khách là Hàn, mà Hàn cũng là khách. Tự nhận mình là “khách xa”, Hàn dường như tự
thấy vừa gần vừa xa với chính mình. Điều đó trở thành ám ảnh trong khắp thơ Hàn Mặc Tử.
Và trong bài thơ này, việc đảo ngữ để lạ hóa cảm nhận chính là nhằm đẩy xa khoảng cách đối
thoại giữa hai nửa phân thân. Cho nên có vẻ như việc đảo ngữ thoạt nhìn nhằm đáp ứng yêu
cầu thanh điệu. Nhưng đọc kỹ chúng, ta còn nhận thấy một cảm xúc tha thiết ẩn trong việc
lặp hai lần phần đề. Nó nỗ lực tiến lại gần “em” trong câu thơ sau, nhưng vô vọng. Vì thế,
người đọc như nghe trong câu thơ một âm vang mơ hồ của sự cách biệt muôn trùng.
Dường như giao tiếp trở thành một nhu cầu thường trực, ám ảnh, thúc ép trong con
người nhân vật trữ tình. Có nhiều kiểu đại từ nhân xưng có vẻ không tương thích với nhau:
anh/em của thời lãng mạn hiện đại, ai của dân gian, khách của thời trung đại được lãng mạn
hóa. Bản thân những sự hóa thân khác nhau này cho thấy những “đứt gãy” trong mạch cảm
xúc tuôn trào của nhân vật trữ tình khiến thoạt nhìn bài thơ có hình thức “đầu Ngô mình Sở”.
Thứ tự hệ thống đại từ do vậy nói với chúng ta cái khoảng cách mà nhân vật trữ tình phải đối
mặt, phải vượt qua với một khát vọng mãnh liệt. Đó trước hết là hiện tại lãng mạn đầy
ngưỡng vọng, như rất gần của anh. Nhưng nếu ở Xuân Diệu, đó là điều có thực, hiện hữu
trong hiện tại, thì với Hàn chỉ là một miền kí ức. Thế nên mới có cảm xúc da diết trong cái
nhìn ngưỡng vọng này với một câu hỏi. Đó là một chuyển động nội tâm hướng ra bên ngoài
của chủ thể trữ tình vì đã dồn nén một ước vọng nào đó từ rất lâu. Sự dồn nén đó được hóa
giải bằng khát vọng “trở về” với mảnh “vườn ai” của kí ức, của niềm mơ trong một khoảng
chớp sáng của tâm tưởng (cũng bởi là thế giới mơ nên xúc giác mới đến trước thị giác). Đây
rõ ràng là một thế giới trong Mơ, bởi vẻ đẹp mượt mà, bởi sự lấp lánh của ánh sáng, bởi ấn
tượng của những khoảnh khắc rực rỡ in đậm vào tâm trí. Khổ tiếp sau hoàn toàn khác khi
nhân vật trữ tình nhận ra rằng mình là kẻ ngoài lề sao có thể chạm tay vào cái vẻ đẹp trong
trẻo, tinh khiết kia. Đây là một vũng đau thương của cõi thực nghiệt ngã. Cái nhìn ngưỡng
vọng đam mê trở thành cái nhìn vô vọng khắc khoải. Từ “vườn ai” đầy gợi cảm, thanh tân đến
một “thuyền ai” phiêu dạt, từ kí ức dịu ngọt đến hiện thực phũ phàng làm lộ ra một thân phận
đầy bất hạnh. Bất hạnh của kẻ một đời bị đày vào hố sâu đau thương từng trót có một “vườn
xưa” hạnh phúc. Quyền năng của những người bất hạnh mà ham sống chính là biết ước mơ.
Họ lấy ước mơ để vá víu cho hiện tại. Với Hàn Mặc Tử cũng vậy, người cũng mơ trong thực
tại. Tất cả tạo nên một hồn thơ vừa tha thiết, cháy bỏng vừa đau khổ, nhức nhối tạo nên
những va đập ngôn ngữ đầy chất mộng mị. Do vậy, những câu thơ khổ hai này của Hàn Mặc
Tử về cấu trúc rất gần với thơ Thiền. Đó đều là ngôn ngữ của tiềm thức, thậm chí là vô thức
với một vẻ trong sáng cực độ. Cả hai đều là sự bù đắp cho sự khiếm khuyết của ngôn ngữ
thông thường. Với thơ Thiền, đó là những phát ngôn của sự thông tuệ, giác ngộ, của con
người siêu nghiệm tương thông với vũ trụ. Còn với Hàn Mặc Tử, đó là sự cách biệt của một
cá nhân với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên, xã hội và vũ trụ sau những chấn động của đau
đớn và khát khao, của thành thực và điên loạn. Câu thơ Thiền nâng con người hướng thượng,
phóng khoáng và cao viễn tới tầm vũ trụ phổ quát. Thơ Hàn Mặc Tử lặn sâu vào cái TÔI trần
thế đầy tội lỗi, đau thương. Cho nên với Hàn Mặc Tử, “trắng quá” tạo thành điểm tận cùng
của thế giới đam mê ở khổ cuối cùng. Câu thơ trở nên chơi vơi, bất định. Thế giới ấy vừa
nâng đỡ linh hồn đau khổ bởi sự thơm tho sáng láng, siêu thoát của một miền thượng thanh
khí, lại vừa lạnh lẽo, cô độc bởi sự cách biệt muôn trùng.
Cõi Mơ của Hàn Mặc Tử cũng nhiều cấp độ như chính ông đã nói: “từ sự thực đi tới
bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao”. Cõi Mơ càng
phong phú, khát vọng càng cháy bỏng; khát vọng càng cháy bỏng, sự hối thúc của hiện tại
càng nghiệt ngã. Vì thế, ở khổ đầu, ta thấy nhân vật trữ tình đắm mình vào cõi Mơ, khổ thứ
hai là chốn bào ảnh. Còn ở khổ cuối, người thúc giục mình đi tìm một giấc Mộng. Thế giới
của Hàn Mặc Tử không gắn với cảm thức không gian như Huy Cận, với ý thức thời gian ở
Xuân Diệu, hay với cảm xúc về cõi Bồng lai nơi Thế Lữ. Đó là ấn tượng kỳ lạ về chốn chiêm
bao. Cả bài thơ diễn giải một khát khao neo đậu, bấu víu của một hồn đau vào cõi Mộng. Hàn
Mặc Tử, để thành thực nói với đời một khát vọng tối thiểu ấy, đã vận dụng tối đa mọi phương
thức tìm kiếm : trở về quá khứ, đối mặt với thực tại, thậm chí siêu thoát đến cõi mộng ảo.
Hệ thống đại từ bài thơ thể hiện sự tự phân đôi của nhân vật trữ tình để đối thoại trong
chính mình về một thế giới “mơ hồ” nào đó. Thế giới đó vừa ở đây, vừa ở đâu đó, vừa hiện
hữu như là “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, lại vừa thấp thoáng như “lá trúc che ngang”
và hư vô “ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Thế giới đó dẫu có thể là mộng, song khát vọng
giao tiếp với đời của Hàn Mặc Tử là rất thành thực. Ai cũng có thể nghe thấy trong bài thơ
những câu hỏi rất tha thiết. Chính nỗi đau đã làm thức nhọn cảm giác sống của Hàn Mặc Tử,
và khi cảm giác sống ấy thăng hoa dâng trào, niềm đau đã thành niềm yêu: yêu mình, yêu
đời, yêu người. Từ tình yêu đặc biệt ấy, nỗi đau được mĩ hóa, trở thành cái đẹp, trở thành
niềm thơ. Sự khắc khoải trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử cho thấy một tình yêu đến đau đớn
hướng về cuộc đời trần thế. Để ta hiểu rằng cái cuộc đời trần thế này đáng sống biết bao./.

You might also like