You are on page 1of 3

Huế được xem như là quê hương thứ hai của Hàn Mặc Tử, ông yêu Huế

như cách những người con sinh


ra từ xứ sở thơ mộng này yêu nó. Với Hàn Mặc Tử, Huế là nhà, Vĩ Dạ là nhà. Hơn cả, ở chốn thôn quê
này, có hình bóng người ông yêu - người ông tâm niệm được tái ngộ, với ông, Vĩ Dạ hay Huế đều dường
như đã trở thành ẩn ức, trở thành một phần máu thịt mà ông mang nặng suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy
mà “Đây thôn Vĩ Dạ” đã trở thành tuyệt bút thi ca trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử, trở thành
nét chấm phá để hậu thế mãi không bao giờ quên có một người thi sĩ đã yêu chân thành và dang dở đến
thế, đã rút hồn cốt của mình để yêu Vĩ Dạ và yêu cả người thương nhiều đến thế.

Có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất cho bạn đọc sau khi gấp lại thi phẩm này là cái tôi mặc cảm nhưng
cũng đầy hoài nghi và khao khát thể hiện qua khổ thơ thứ hai và thứ ba của “Đây thôn Vĩ Dạ”.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”.

Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai đã nói tới một thực tại đầy phiêu tán. Nhịp thơ 4/3 đã miêu tả sự
chia lìa, tan tác. “Gió” và “mây” bỗng bị đẩy về hai đầu của câu thơ, gợi lên sự xa cách vời vợi, mà theo
chiều hướng, xu thế chuyển động thì càng lúc càng xa, khoảng cách giữa “gió” và “mây” dường như đã
không còn cân đong đo đếm được. Từ cặp hình ảnh sóng đôi, “gió” và “mây” đã trở thành hai hình ảnh
đơn lẻ, xa cách nhau. Mỗi vật một đường, mỗi người một ngả. Tưởng chừng ở gần nhau, ở cạnh nhau
nhưng thực ra là đã ly khai, vĩnh biệt, mãi mãi không về chung một mối. Sự chia xa ấy cũng từng xuất
hiện trong thơ của Thế Lữ:

“Em đường em tôi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.

hay trong thơ của Huy Cận:

“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”.

Mượn hình ảnh gió - mây, Hàn Mặc Tử dường như muốn biểu đạt tâm trạng đầy đau khổ của mình. Với
một kẻ đứng trước cửa tử như ông, sự xa cách đối với người yêu đã trở thành án tuyên lớn nhất, ông sợ
hãi việc phải chết đi, nhưng điều khiến ông đau đớn hơn đấy là việc chết đi trong cô độc. Vậy là ông và
người mình yêu đã vĩnh viễn ly biệt. Một ngày sống với ông vậy là lại thêm một ngày dằn vặt, một ngày
tự trách, một ngày u oải, cố gắng đi tìm những mảnh kí ức điêu tàn trong tâm thức của mình. Ở một
chốn đầy tử khí như trại phong Tuy Hòa, Hàn Mặc Tử lại càng chiêm nghiệm sâu sắc hơn sự cô đơn, tách
biệt với cuộc sống xung quanh. Giống như một kẻ tử tù đang chờ ngày tiến ra pháp trường, hay một kẻ
lang thang giữa hai miền sống chết, Hàn Mặc Tử dường như đã không còn hi vọng, nên ông nhìn đâu
cũng thấy sự chia lìa, thậm chí còn nhìn thấy sự chia lìa trong những thứ không thể chia lìa như “mây” và
“gió”. Ở câu thơ thứ hai của khổ hai, ông viết “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Nỗi đau buồn của Hàn
Mặc Tử dường như nhuốm cả không thời gian, dòng sông giờ cũng mang một gương mặt ủ ê, “buồn
thiu” không một gợn sóng. Tâm trạng của ông đã khiến dòng sông kia trở thành một dòng sông tâm
trạng với nhiều những xúc cảm khác nhau. Ở dòng sông xanh ấy, xuất hiện một hình ảnh “hoa bắp lay”
đầy ý vị. Chữ “lay” nếu bình thường thì chỉ là một động từ không buồn cũng chẳng vui, nhưng khi đặt
vào câu thơ Hàn viết, nó dường như mang một màu sắc hiu hắt và đầy cô liêu, khiến cho bức tranh thiên
nhiên thêm phần trống trải, cũng như càng khiến cho tâm trạng của chủ thể trữ trình phảng phất sự u
buồn, nét cô đơn của người mang án tử “treo” trên mình.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”.

Hình ảnh thuyền và sông đều là những thi liệu quen thuộc trong thơ ca Việt Nam nói chung và thơ Hàn
nói riêng. Biểu tượng này đã theo ông từ lúc bắt đầu làm thơ cho đến ngày cuối đời:

“Trăng đang nằm trên sóng cỏ

Có đùa trăng đến bên ao

Trăng lại đẫm mình xuống nước

Trăng nước đều lặng nhìn nhau.”

(Bắt chước)

Tưởng như câu thơ của Hàn Mặc Tử không có gì đặc biệt, tuy nhiên trong hai câu thơ này lại hội tụ nhiều
điểm sáng tạo độc đáo. Ông ghép “trăng” với “sông”, dùng “trăng” như một vật để “chở”. Sự liên tưởng
phong phú của ông đã tạo ra những hình ảnh xen giữa đôi bờ hư - thực. Không biết dòng nước đang hóa
mình thành dòng trăng hay ánh trăng đang vỡ tan rồi hòa vào nước, chỉ biết rằng dòng sông lúc ấy đã trở
thành một dòng ánh sáng tự bao giờ, bến sông nay đã trở thành “bến sông trăng” và con thuyền cũng
chở đầy trăng rực rỡ. Toàn bộ hy vọng của Hàn đã đặt cả vào con thuyền chở trăng, và con thuyền ấy
dường như không chỉ chuyên chở niềm tin và hy vọng của ông, mà còn là sự lo âu, bất lực trước thực tại.
Sức nặng của khổ hai đã rơi vào một chữ “kịp” thật giản dị và khiêm nhường. Nhãn tự của bài thơ xuất
hiện với một vị trí không bóng bẩy, không cầu kỳ nhưng vẫn giữ nguyên được hàm ý sâu sắc. Chữ “kịp”
ấy dường như đã chứa đựng hết tất cả những nỗi ám ảnh về thời gian mà Hàn phải gánh chịu, chứa
đựng cả nỗi đau và giọt nước mắt Hàn đánh rơi trên trang giấy. Dường như kẻ tử tù này đã chờ trăng từ
rất lâu, và hắn có thể thức nhận được rằng mình không còn nhiều thời gian để chờ được nữa. Bởi vì bất
kì lúc nào hắn cũng có thể sẽ phải rời đi, đứt lìa ra khỏi đời sống, ngay cả khi chưa kịp tận hưởng vẻ đẹp
của trăng, sự thơ mộng của cuộc đời. Qua đó Hàn Mặc Tử muốn cho bạn đọc thấy được tâm thế sống
của mình, đấy là phải sống chạy đua với thời gian, tranh thủ không đánh rơi một khắc quý giá nào trong
quỹ thời gian của mình xuống những điều vô ích, bởi vì thời gian đang vơi đi từng chút một, và điều đó
cũng có nghĩa là cái chết lại thêm gần kề.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”.

Tiếp nối mạch thơ, khổ cuối thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong cái mênh mông, bao la
của đất trời. Đó là sự chờ đợi, mong mỏi khôn nguôi và một niềm khắc khoải tràn đầy của người nghệ sĩ.
Câu thơ đầu của khổ cuối chính là bản lề khép lại cõi thực, để mở ra một cõi mộng xa xăm. Từ những vần
điệu có ý thức cho đến những hình ảnh vô thức, nỗi nhớ của Hàn Mặc Tử dường như theo ông xuyên
suốt từ cõi thực đến cõi ảo. Người ta nói rằng khi chúng ta chìm vào giấc ngủ và mơ thì những gì xảy ra
trong giấc mơ là những gì chân thực nhất, là những ẩn ức giấu kín trong bản thể của mỗi con người. Vậy
hình ảnh “khách đường xa” là ai? Đấy có thể là người Hàn Mặc Tử thầm thương trộm nhớ, khách đường
xa ấy vậy mà lại chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ, không thể trở thành hiện thực. Người khách đó cứ xa
dần, xa mãi rồi chói lòa trong tâm trí của tác giả. Rồi đến khi “Áo em trắng quá nhìn không ra”, thì Hàn
Mặc Tử đã lần nữa cực tả sắc trắng của áo em đến tột độ, đó là gam màu trắng đến mức không thực,
đến hư ảo, đến nao lòng và xa xôi vời vợi đến mức không thể nắm bắt hay với tới. Và hình như, giai nhân
áo trắng với thi nhân có khoảng cách nên khiến thi nhân không khỏi nghĩ ngợi, suy tư:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”.

“Ở đây” là cái cách biệt với bên ngoài, cách biệt với xã hội xung quanh. Đó chính là không gian ảo mộng
trong mơ, là không gian đầy đau thương và tuyệt vọng của Hàn. Không gian này khiến ta càng thấy rõ
hơn con người này đang ở giữa hai ranh giới sống và chết, và thế giới nào cũng lờ mờ đáng sợ. Câu thơ
diễn tả rất đắt nỗi đau của một con người đang phải đối đầu với “sinh, lão, bệnh, tử”. Trong làn sương
khói ấy, con người bị làm nhòa đi, có lẽ Hàn sợ rằng trong không gian ấy không chỉ con người đang bị làm
mờ nhạt, mà tình người cũng thế cho nên tác giả không dám khẳng định tình mình với người thương xứ
Huế mà chỉ dám dùng đại từ phiếm chỉ “ai”. Ta có thể thấy rằng, điệp từ “ai” đã xuyên suốt “Đây thôn Vĩ
Dạ”, ở khổ nào cũng có sự xuất hiện của nó. Nếu khổ một là “vườn ai”, khổ hai là “thuyền ai” thì khổ ba
là “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Ai” trong câu thơ cuối rốt cuộc là chỉ đối tượng nào? Nếu như xét từ
mạch của bài thơ, ta có thể thấy rằng “ai” thứ nhất là Hàn Mặc Tử, “ai” thứ hai chính là Hoàng Cúc, câu
thơ viết ra như muốn nói rằng “Em biết tình anh có đậm đà?”. Âm điệu của câu thơ ngân xa như một
tiếng than, nỗi đau của Hàn dường như đang trải ra đến mênh mông vô cùng. Dường như Hàn đang lâm
vào tình thế tuyệt vọng, nói đúng hơn là sự thất vọng. Bởi vì thi nhân dù có cố gắng đến mấy cũng không
thể “khuấy” tình thành một mối, dù có một trái tim tràn đầy khao khát yêu thương nhưng đến cuối vẫn
không có được tình yêu trọn vẹn.

Có ai đó đã nói rằng “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam
như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời để lại cái đuôi chói lòa, rực rỡ của mình.” Có gì đó ở một kẻ sống
dưới lưỡi hái của tử thần khiến ta phải ngưỡng vọng. Phải yêu thôn Vĩ, yêu người thương lắm thì những
nét bút viết ra mới có hồn như vậy, mới thành công tái hiện - dựng cảnh tuyệt vời đến như vậy. Cho đến
cuối cùng, thôn Vĩ và Hoàng Cúc vẫn sống trong tiềm thức của Hàn Mặc Tử cho đến ngày ông lìa xa nhân
thế. Tuy “Đây thôn Vĩ Dạ” có một màu thơ đượm buồn, nhưng qua đó bạn đọc không chỉ nhìn thấy sự
phiêu tán, chia lìa mà còn thấy được những khao khát và hoài nghi của một đời kẻ sĩ. Đấy là ước vọng
được sống mãnh liệt đến khôn cùng, đến chao đảo cả trời đất.

You might also like