You are on page 1of 10

Hàn Mặc Tử:

Cái tôi tuyệt vọng, cô đơn


và đầy khát khao, yêu đời
trong “Đây thôn Vĩ Dạ”
CÁI TÔI TUYỆT VỌNG, CÔ ĐƠN CỦA HÀN MẶC TỬ
“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi
xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình.”
Chế Lan Viên
Nhận định trên quả thật đúng đắn khi nói về Hàn Mặc Tử. Trong làn sóng Thơ mới,
vườn thơ của Hàn Mặc Tử như thổi đến một cơn gió lạ đến thơ ca Việt Nam với cái tôi
đầy u uất, cô đơn, tuyệt vọng của một cuộc đời tuy tài hoa nhưng lại nhuốm màu bạc
mệnh mà bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là tinh hoa tiêu biểu nhất khắc họa cái đau
thương, tuyệt vọng trong Hàn Mặc Tử.
Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh căn bệnh phong quái ác tàn phá cả thể xác và tinh
thần của Hàn Mặc Tử, tình cảm của ông chớm nở với một người con gái ở thôn Vĩ.
Nhan đề ban đầu của bài thơ vốn là “Ở đây thôn Vĩ Dạ” sau được rút ngắn còn lại
“Đây thôn Vĩ Dạ”. Tác phẩm gợi ra hình ảnh thôn Vĩ xứ Huế xinh đẹp giao hòa cùng
với con người nhưng đằng sau đó còn ẩn hiện một cái tôi tuyệt vọng, cô đơn của Hàn
Mặc Tử trước thế giới tươi đẹp ngoài kia.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Mở đầu bài thơ chính là một câu hỏi tu từ


mang nhiều sắc thái, đó là lời trách yêu, mời
gọi về thôn Vĩ,chính là lời tự vấn chính bản
thân hay chính là ước ao thầm kín được trở
về lại thôn Vĩ? Những câu hỏi trong tâm
tưởng ấy, dù hiểu theo nghĩa nào thì cũng
đều thể hiện sự khao khát được trở về thôn
Vĩ - một sự cụ thể hóa cho thế giới ngoài kia,
một thế giới tươi đẹp, ngập tràn ánh sáng,
nơi mà tâm hồn Hàn Mặc Tử thuộc về chứ không phải là thế giới bên trong bốn bức
tường lạnh lẽo, chỉ có bệnh tật và đau thương. Động từ “về” lại càng nhấn mạnh thêm
điều đó, “về” chứ không phải bất cứ một động từ nào khác, “về” mang ý nghĩa rằng
quay trở lại nơi cũ, trước khi phải cách ly khỏi thế giới ngoài kia, khỏi những người
thân yêu. Khổ 1 vẽ ra một bức tranh thôn Vĩ đằm thắm, đầy sức sống kia với hình ảnh
khu vườn xanh mướt màu cây cỏ, đậm đà chất Huế ngập tràn những tia nắng ban mai,
tinh khiết nhất rọi lên những hàng cau. Nhưng nếu đặt tầm mắt gần lại thì ta mới cảm
nhận được sự tinh tế ẩn sau từng câu thơ và tài hoa trong cách sử dụng từ ngữ. Bức
tranh thôn Vĩ chỉ được cảm nhận bằng thị giác với động từ “nhìn”, là một bức họa tĩnh
lặng, động từ “nhìn” đem lại cảm giác gợi tả, như để khẳng định thêm một lần nữa sự
tuyệt vọng và cô đơn của Hàn Mặc Tử ở thế giới bên trong lạnh lẽo, ông chỉ có thể
mường tượng được hình ảnh của một thôn Vĩ xinh đẹp trong tâm trí của mình, bởi lẽ
việc được chiêm ngưỡng thôn Vĩ bằng xương bằng thịt thật
sự là một điều quá sức xa xỉ đối với bản thân mang đầy mặc cảm của nhà thơ. Khổ thơ
đầu tiên khắc họa sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên thôn Vĩ nhưng cũng chứa
đựng cả cái tôi tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử, đối với những con người ở thế giới bên
ngoài kia, hình ảnh thôn Vĩ có thể chỉ mang tính thẩm mỹ nhưng đối với Hàn Mặc Tử,
thôn Vĩ đã được tuyệt đối hóa trở thành “thiên đường trần thế”, hình ảnh thôn Vĩ trong
khổ thơ vừa mang nét hiện thực vừa có màu của sự hư ảo đan xen. Tưởng chừng như
rất thực nhưng thực chất lại vô cùng mờ ảo, dường như không thể chạm tới. Khổ thơ 1
chính là sự kết hợp giữa cái thực tại đau thương về sự chia ly và cái ảo của hình ảnh
“vườn địa đàng” thôn Vĩ xinh đẹp trong tâm tưởng của tác giả.
Tiếng kêu tuyệt vọng, đầy đớn đau lại càng u uất, não nề hơn. Mặc cảm chia phôi giờ
đây như được tăng tiến thêm, dưới góc nhìn của tác giả, gam màu buồn ảm đạm giờ
đây còn hiện diện trên những sự vật vô tri vô giác:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Bố cục câu thơ được chia theo nhịp 4/3 như


chia đôi khổ thơ thành hai nửa, “gió” được
đóng lại bằng “gió”, “mây” khép lại bằng
“mây”, hướng chuyển động ngược nhau, tựa
như chúng đang rời bỏ nhau tạo nên một
không gian trống vắng như nhấn mạnh thêm sự
chia lìa kia. Thế nhưng đó là một sự chia lìa
kia thật sự vô lý và hết sức hoang đường, vì
vốn dĩ “mây” và “gió” là hai sự vật luôn song
hành với nhau, chúng gắn bó và cùng nhau tồn
tại. Làm sao mà chúng có thể chia xa như thế? Điều đó như thế càng bộc lộ mặc cảm
chia phôi của con người buộc phải rời xa khỏi cuộc sống mới có thể nhìn ra những sự
chia biệt của những thứ vốn dĩ không thể cách xa. Dòng sông như nhuốm màu tâm
trạng của chính tác giả, buồn bã khi phải chứng kiến sự ly biệt của từng sự vật khỏi
nơi đây? Hoa bắp cũng lay nhẹ mang cái nỗi buồn hiu hắt, chắc hẳn cũng muốn rời bỏ
nơi đây nhưng do không thể nên chỉ có thể lay nhẹ theo làn gió. Hai câu thơ đầu khổ 2
như mở ra một bức tranh họa cảnh đẹp nhưng đượm buồn, lạnh lẽo như thể hiện một
thực tại xa cách của chính Hàn Mặc Tử với cuộc đời mình. Nếu như so với Xuân
Diệu, cảm thức chia phôi chính từ dòng chảy thời gian, sự chia lìa với mình trong thơ
chính là một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi thì ở hồn thơ Xuân Diệu đó chính là
sự nhạy cảm đối với thời gian và cuộc đời. Trái lại, với chất thơ của Hàn Mặc Tử, mặc
cảm chia phôi đã âm ỉ trong bản thân, nhìn ra
được sự chia cắt không thể xảy ra như là tiếng
than của một tâm hồn của kẻ bị cách ly khỏi
cuộc sống. Đỉnh điểm, nếu Xuân Diệu ý thức
được sự hữu hạn của thời gian và mong muốn
được sống một cách tối đa kể cả cường độ và
tốc độ, thì Hàn Mặc Tử chỉ là sự tuyệt vọng, tha
thiết được sống tối thiểu bởi ông hiểu rõ rằng
sợi dây sự sống mong manh, thời gian chẳng
còn kiên nhẫn với mình nữa. Câu thơ cuối như
là tiếng kêu vô vọng liệu có chở vầng trăng kia kịp tối nay? Một câu hỏi chứa sẵn
mầm tuyệt vọng. trước sự rời bỏ của mọi thứ, từ “kịp” thốt ra như sự khắc khoải, cô
đơn cùng cực, “kịp tối nay” chứ không phải một buổi tối nào khác bởi tác giả hiểu rõ
rằng thời gian đã dần cạn kiệt, không thể chờ đợi thêm nữa. Giọng thơ thật buồn và cô
đơn, chất chứa nhiều tâm sự trong lòng. Câu hỏi chẳng một lời hồi đáp mà bộc lộ sự
cô đơn và niềm đau đớn tột cùng của một con người đi trên sợi dây sinh tử.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”

Mở đầu đoạn thơ với giọng văn gấp gáp, khẩn


thiết, điệp ngữ “khách đường xa” tạo sự vang
vọng xa dần trong câu thơ. Giờ đây, sự thân
thương ở khổ thơ 1, “Sao anh không về chơi
thôn Vĩ” chỉ còn lại “Mơ khách đường xa,
khách đường xa”, sự thân thương ban đầu giờ
chỉ còn là sự xa lạ. Giờ đây chỉ còn là sự chua
xót, lời thầm tâm sự của nhà thơ với chính
mình: mình chỉ là một người khách xa lạ, khách trong mơ tưởng, là một “kẻ đứng
ngoài”, “kẻ đi ngang qua cuộc đời”, đứng bên ngoài thế giới này quá xa xôi. Hình ảnh
tà áo trắng của người con gái được cực tả đến một sắc trắng đến tuyệt đối, một màu
trắng biểu trưng cho sự trinh nguyên, tinh khiết trong đôi mắt Hàn Mặc Tử, thế nhưng
từ “quá” ở đây không chỉ tuyệt đối hóa vẻ đẹp của đối tượng khác với tiếng kêu trầm
trồ, ngỡ ngàng ở câu thơ đầu tiên mà ở đây nó đã trở thành một tiếng kêu hàm chứa
nỗi đau thương, màu trắng giờ đây đã vượt ra khỏi tầm nhìn, những đường nét giờ đã
hoàn toàn tan biến, chỉ để lại khoảng trắng trong chính tâm hồn người chạy đi tìm cái
hơi ấm thân thương của con người, cố gắng níu kéo bằng mọi sức lực, cố gắng nhưng
rồi chỉ nhận lại sự bất lực, thất vọng cùng cực trước cái ảo ảnh cuộc đời kia tựa như ảo
ảnh ốc đảo trên sa mạc mênh mang của kẻ du mục kiệt quệ. Rồi mọi mộng tưởng cũng
phải nhường chân cho thực tại phũ phàng, hình ảnh sương khói mờ ảo kia chính là xứ
Huế nắng tràn, mưa nhiều nên đầy sương khói che khuất tà áo trắng kia trở nên huyền
ảo, mộng mơ hay thực chất ở đây chính là thế giới lạnh lẽo, cô quạnh, nơi tâm tưởng
của chính mình, cái sương khói kia có phải chăng chính cái sự huyễn hoặc của cuộc
đời như trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều:
“Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”
Đó như là một lời thầm cho chính bản thân nhà thơ, Hàn Mặc Tử nhận thức rõ được
chính cái số phận của bản thân thật mờ ảo, kiếp nhân sinh thật mịt mù làm cho chính
cái tình người trở nên khó hiểu, xa vời khỏi tầm tay. Cái tôi ở đây chìm trong một mặc
cảm chua xót về chính thân phận của kẻ bị số phận ghẻ lạnh, mang đầy bệnh tật kia thì
làm sao có thể mưu cầu được cứu chuộc bởi tình người vượt ngoài tầm tay kia?
CÁI TÔI ĐẦY KHÁT KHAO, YÊU ĐỜI CỦA HÀN MẶC TỬ
Nếu cái tôi cô đơn và vô vọng là bức tường năng cách Hàn Mặc Tử với thế giới bên
ngoài thì có lẽ khát khao yêu, mãnh liệt sống là then chốt khóa cánh cửa vô hình của
bức tường ấy tiếp cho ông thêm sức mạnh để sống trọn vẹn những ngày tháng cuối
cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khát khao ấy được thể hiện rõ nét trong bức
tranh thiên nhiên xứ Huế, được Hàn Mặc Tử xây dựng bằng những hình ảnh vô cùng
trong trẻo, tinh khiết và thơ mộng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là một câu hỏi tu từ gợi sắc thái chào mời,
trách cứ rất nhẹ nhàng, dịu ngọt mà người con gái ở thôn Vĩ nói với Hàn Mặc Tử. Hay
đó cũng là lời tự trách mình, tự nhủ với lòng mình, tự hối thúc, giục giã lòng nhưng lại
thể hiện niềm tiếc nuối về một ước vọng không thành của thi nhân (sao anh không
về?). Sự tiếc nuối ấy như bộc lộ khát khao, niềm ao ước thầm kín của tác giả đó là
được sống như một người bình thường khỏe mạnh, có thể dễ dàng đi đây đó rong
chơi, mà tiêu biểu nhất chính là “về chơi thôn Vĩ” nơi có người con gái tên Kim Cúc,
nơi xinh đẹp, dịu hiền. Tuy nhiên, đối với Hàn Mặc Tử, một người đang sống trong
“lãnh cung” của cuộc đời, bị cách ly khỏi xã hội bởi vì mắc căn bệnh phong thì hai từ
“về chơi” lại trở nên thật khó khăn hơn bao giờ hết. Hằng ngày ở trong lãnh cung ấy,
Tử thèm khát thế giới ngoài kia:
“Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa?
Trời ở trong đây chẳng có mùa.”
Chủ động tuyệt giao với thế giới bên ngoài chỉ là biểu hiện trái ngược của lòng thiết
tha gắn bó. Và “thôn Vĩ” ở đây trong thơ Mặc Tử, không chỉ là một thôn Vĩ xứ Huế,
mà nó chính là hình ảnh cho sự tự do, cho cuộc đời tươi đẹp.
Bức tranh thôn Vĩ được hiện lên trong
buổi sáng bình minh với những gam
màu rất đẹp, rất thanh khiết. Từ xa xa,
hiện lên trong tầm mắt hoài niệm của
tác giả chính là hàng cau cao cao, một
hình ảnh đặc trưng của thôn Vĩ, cũng
như của xứ Huế hiền hòa. Đó là cảnh
thôn quê trước buổi bình minh với
những nét vẽ tươi tắn và đặc sắc, đó là vẻ đẹp của nắng với hai từ “nắng” lặp lại trong
một câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Có thể nói rằng ngòi bút của Hàn
Mặc Tử là một ngòi bút tài hoa trác tuyệt, người sẵn sàng phá vỡ các quy tắc lặp từ tối
kỵ của thi ca để tạo nên một bức tranh với cái nền vàng nhàn nhạt, ánh nắng như hòa
tràn ngập khắp không gian, khiến vần thơ cũng như được thổi bừng sức sống ấm áp và
tươi trẻ.
Hàn Mặc Tử không chú trọng việc tả hàng cau, tả ánh nắng mà tập trung vào nói lên
những ấn tượng của mình về xứ Huế với “nắng hàng cau nắng mới lên”, điều đó khiến
độc giả dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh những hàng cau xanh tốt, thẳng tắp, cao vượt
hẳn lên, vươn mình đón lấy những tia nắng đầu tiên, những tia nắng nhàn nhạt, ấm áp.
Sự kết hợp giữa màu xanh của hàng cau và màu vàng rực rỡ của nắng sớm đã tạo nên
một bức tranh thật hài hòa, êm dịu, vừa trong trẻo vừa thơ mộng, như làm bừng lên cả
một khung trời ký ức, và người nghệ sĩ từ đó cũng trở nên vui vẻ, lạc quan hơn: vì lúc
giờ đây, nắng nơi đây không chỉ là ánh ắng tự nhiên chan hòa trên nền trời xanh biếc,
mà còn là nắng trong lòng, những tia nắng của niềm tin và hi vọng, ước mơ về một
ngày mai tươi sáng thẳm sâu trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Bức tranh được vẽ nên bằng
bút pháp ấn tượng. Tác giả không tả cau cũng không tả nắng mà ghi lại khoảnh khắc
những hàng cau vươn mình đón nắng càng khắc họa rõ cảnh vật giao hòa, hữu tình,
chan hòa với nhau như thể ông cũng đang hòa mình đắm say trong thế giới tự do và
hạnh phúc ấy
Sự hồi tưởng của tác giả dĩ nhiên không chỉ nằm gọn ở những ấn tượng về hàng cau
xanh, mà còn là ký ức về những khu vườn xanh mướt, những vườn tre, vườn trúc như
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói khi viết về Huế. Có thể thấy rằng, trong hồi ức của
mình Hàn Mặc Tử đã nhớ về Huế bằng những nét phác họa từ xa tới trong cảnh “nắng
hàng cau”, và lại gần hơn, trực tiếp hơn trong cảnh “Vườn ai mướt quá xanh như
ngọc”. Cấu trúc vườn – nhà đặc trưng của xứ Huế đã tạo nên một nét thần thái rất
riêng cho thôn Vĩ, sự xinh xắn, thẩm mỹ vẹn toàn, cây cối bao bọc bốn bên, kết hợp
với ngôi nhà nhỏ xinh trông “giống như một bài thơ tứ tuyệt” – trích lời Xuân Diệu.
Chính điều đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Hàn Mặc Tử, về những khu vườn
được chủ nhân chăm chút, tỉa tót từng ngày, xinh đẹp và tràn ngập tình cảm: cũng
giống như lòng Hàn Mặc Tử vậy, lúc nào cũng tràn ngập một niềm khát khao yêu đời
tha thiết và da diết. Mà tác giả đã tinh tế dùng một chữ “mướt” để gợi ra cái vẻ xanh
tươi, mỡ màng, đầy sức sống, cái sự trong trẻo, thanh khiết, láng bóng hiện lên trên bề
mặt của từng chiếc lá, phản chiếu cả ánh mặt trời, khiến người ta không kiềm lòng
được chỉ muốn chạm vào. Không chỉ vậy ý thơ “vườn ai mướt quá”, còn bộc lộ tấm
lòng xúc động, cảm thán của Hàn Mặc Tử trước khung cảnh vườn tược nên thơ. Phải
yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống ở Vĩ Dạ và khao khát sống mãnh liệt đến thế nào thì
Hàn Mặc Tử mới có thể viết nên những vần thơ tinh tế và sâu sắc ấy . Phép so sánh
màu xanh của vườn cây “xanh như ngọc”, là một biện pháp có sức gợi lớn, vừa gợi ra
hình ảnh màu nắng bình minh chiếu trên từng chiếc lá, khiến chúng có một màu xanh
trong suốt, sạch sẽ cũng thể hiện sự mỡ màng, tươi trẻ tràn đầy sức sống. Không chỉ
vậy “ngọc” còn thể hiện niềm yêu, niềm trân quý của tác giả với bức tranh thôn Vĩ.
Tình yêu thiết tha, sâu đậm của Hàn Mặc Tử dành tặng cho thôn Vĩ có thể đã lớn tới
mức mà ông mới có thể lưu giữ ký ức, tái hiện được một khung cảnh thiên nhiên tươi
đẹp và xuất thần đến thế. Đến câu thơ cuối cùng “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
hình ảnh con người xuất hiện từ trong thiên nhiên một cách nhẹ nhàng, khuôn mặt ẩn
hiện sau “lá trúc”, thể hiện đúng với cá tính của người Huế lặng lẽ, dịu dàng và kín
đáo. Khuôn mặt chữ điền, không phải chỉ để nói đến khuôn mặt phúc hậu của riêng
một người, mà ở đây Hàn Mặc Tử muốn nói đến tất cả người con của Huế, họ đều có
chung một tính cách hiền hậu, ngay thẳng, cương trực. Như vậy sự xuất hiện của con
người trong câu thơ cuối càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của Huế, thiên nhiên thơ mộng,
trong trẻo, hiền hòa, con người phúc hậu, cả hai đã làm nên một bức tranh kín đáo, dịu
dàng đặc trưng, là ước mơ thầm kín của Hàn Mặc Tử về một cuộc sống nhẹ nhàng và
hạnh phúc, yên bình như ở thôn Vĩ.
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên buổi bình minh Hàn Mặc Tử
cũng có những ký ức sâu sắc về cảnh Huế những đêm trăng
thơ mộng, trữ tình bên dòng Hương giang nổi tiếng. Tuy
nhiên đến khổ thơ này người ta có thể dễ dàng nhận ra sự
chuyển đổi cảm xúc cùng với chuyển đổi cảnh vật từ sáng
sang tối, cũng như từ sự vui vẻ, hy vọng, tươi tắn sang sự
hoang mang, lo lắng và buồn rầu của thi sĩ. Nhanh chóng
vượt qua cái nỗi buồn lòng, sự cô đơn, Hàn Mặc Tử đã chú
ý đến ánh trăng, một thi liệu rất quen thuộc trong thơ ông, để
tìm lại tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế: “Có
chở trăng về kịp tối nay?”
Tình yêu là một trong những niềm khát khao của Hàn Mặc Tử. Với Xuân Diệu, trăng
là vú mộng, là tình duyên, nhưng Hàn Mặc Tử với trăng, trăng là nàng, trăng là gái
hồng nhan, nên trăng ở trong thi sĩ, trăng của một nỗi khát khao:
“Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan.”
Hàn Mặc Tử chỉ có trăng để được gặp nàng:
“Trăng bay lả tả ngã lên cành vàng
Tới đây là nơi tôi gặp được nàng.”
Phải chăng lúc này đây trong tầm mắt, trong ký ức của thi sĩ, sông Hương không chỉ
lạnh lẽo, cô đơn với mỗi hoa bắp, mà nó đã có sự xuất hiện của con người, của thuyền
neo đậu. Đặc biệt là điểm nhấn “sông trăng” đã cho chúng ta những liên tưởng về một
con sông phẳng lặng, ánh trăng dát vàng cả mặt sông, tạo nên khung cảnh lung linh,
thơ mộng, huyền ảo. Con thuyền thực tại đã trở thành một con thuyền kỳ diệu, có thể
chở được cả ánh trăng về cho Hàn Mặc Tử. Và ở câu kết đoạn “Có chở trăng về kịp
tối nay?”, đó chính là tâm trạng của tác giả, có lẽ rằng ông ý thức được sự ngắn ngủi
của cuộc đời thế nên đối với những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên như ánh trăng,
cũng là người bạn thân thiết của mình Hàn Mặc Tử luôn có một khao khát hội ngộ vội
vã với tri kỷ. Có lẽ để tâm sự những điều mà trăng có thể hiểu thấu chăng? Trăng là
cầu nối duy nhất giữa Hàn Mặc Tử và con người ở thôn Vĩ – là điểm tựa, niềm an ủi
duy nhất. Bến sông trăng, con thuyền chở trăng là thế giới của tình yêu, của hạnh
phúc, của cái đẹp, là thế giới mơ ước.

Tuy tuyệt vọng, u buồn như thế nhưng từ “có” đứng đầu câu như khẳng định những tia
hi vọng le lói cuối cùng của Hàn Mặc Tử rằng sẽ có một phép nhiệm màu nào đó có
thể giúp mình thoát khỏi không gian tù túng, chật hẹp và u buồn này, gợi lên tất cả
những hi vọng thầm kín và mơ hồ thẳm sâu trong lòng tác giả.

Từ “kịp” rất giản dị nhưng đã hé lộ cho người đọc thấy những trạng thái phong phú,
phúc tạp của hồn thơ thi sĩ họ Hàn. Đó là nỗi khắc khoải lo âu về sự muộn màng, lỡ
làng. Đó cũng là tâm trạng vừa hy vọng vừa khao khát mong chờ, vừa mặc định về
một hạn định thời gian đang đến dần, quỹ thời gian đang mất dần. Tâm hồn thi sĩ
không chỉ khắc khoải đau đớn vì khoảng cách không gian mà còn vì sự hữu hạn, ngắn
ngủi của thời gian.

Từ“tối nay”: “tối nay” là một mốc thời gian mà nhà


thơ lo âu, thấp thỏm. Xuân Diệu cũng luôn lo âu
trước dòng chảy trôi của thời gian. Nỗi lo âu ấy đi
liền với khát vọng níu giữ và tận hưởng xuân thì.
Còn với Hàn Mặc Tử nỗi lo ấy xuất phát từ nỗi ám
ảnh về thời gian hạn định, về cái chết. Khát khao
sống trọn vẹn một lần nữa lóe lên ngay cả khi nó sắp
bị bóng tối của cái chết nuốt chửng.

Câu thơ cuối là câu hỏi tu từ mang giọng điệu đa


thanh vừa tha thiết vừa khắc khoải vừa hy vọng vừa vô vọng. Câu hỏi không có lời
đáp nhưng vẫn ánh lên niềm hi vọng về một tương lai tươi đẹp hơn của tác giả. Nói
thơ của Hàn Mặc Tử là “sự lên tiếng của số phận” quả thực không sai.

Đến với câu hỏi thứ 3 trong bài thơ: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Mở đầu bài thơ là
một câu hỏi tu từ , kết thúc bài thơ cũng là một câu hỏi tu từ: câu hỏi như một sự băn
khoăn, ẩn chứa trong đó một sự trách móc, một niềm mong ước hi vọng đầy tha thiết,
sự hoài nghi lo âu vô vọng. Dụng ý đã tạo nên một kết thúc mở, bài thơ khép lại
nhưng trong lòng người đọc vẫn vang lên những câu hỏi đầy trăn trở, tạo một âm
hưởng dư vang; vừa thoáng vẻ cam chịu lại vừa nhói lên khát vọng sống, khát vọng
tình yêu đẹp nhòa trong kí ức: “Liệu tình người xứ Huế có đậm đà không hay cũng
mờ ảo chóng tan như sương khói kia?” và “Liệu người Huế có biết chăng tình cảm
của nhà thơ với cảnh vật, với con người nơi đây hết sức thắm thiết và đậm đà?” hay
cũng là câu hỏi tác giả tự hỏi chính mình “Liệu mình có thật sự yêu nơi đây?” như
một câu hồi đáp cho câu thơ mở đầu: Ai biết tình ai có đậm đà mà về chơi thôn Vĩ?
KẾT:
“Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một trong những tác phẩm mang dấu ấn sâu đậm nhất
trong sự nghiệp Hàn Mặc Tử. Bài thơ chính là sự kết tinh hoàn hảo của trường phái
lãng mạn và siêu thực, những hình ảnh tượng trưng, một hồn thơ đầy sự phức tạp, kỳ
bí, ma mị với nhiều lớp nghĩa đan xen, lồng ghép, đứt đoạn đến khó hiểu, phải cần đến
cái sự tinh tế trong đôi mắt người đọc. Một cái tôi vừa tuyệt vọng, cô đơn, trải nghiệm
cái sự đau thương bằng cả thể xác đến cái tôi yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người,
khát vọng sống mãnh liệt đến cùng cực đều được thể hiện dưới một bức tranh thiên
nhiên tươi đẹp kia. Hồn thơ Hàn Mặc Tử quả thật rất lạ lùng, rất kỳ dị đến khó hiểu
thế nhưng nó chính là một cái chất riêng của người nghệ sĩ tài hoa, ông đã đem đến
cho thơ ca Việt Nam một thứ ánh sáng khác thường, vượt ra mọi khuôn khổ được đặt
ra. Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi và đầy bi thương nhưng gia tài tác phẩm đồ
sộ của Hàn Mặc Tử vẫn còn sống mãi và cái hồn thơ đầy táo bạo, độc đáo ấy vẫn còn
sống mãi với độc giả như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói:
“Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực
thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn
Mặc Tử.”
Nguồn tham khảo:
https://theki.vn/phong-cach-nghe-thuat-tho-han-mac-tu/

You might also like