You are on page 1of 3

BÀI KIỂM TRA KẾT THÚC MÔN HỌC

Môn: Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

GVGD: PGS-TS. Nguyễn Thị Hoài Phương


Học viên: Nguyễn Thanh Truyền; MSHV: 196022246
Câu hỏi:
Từ Điều 35 đến Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và xác định: Những
tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp huyện,
những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp
tỉnh.
Bài làm:
Trong hoạt động kinh doanh thương mại, tranh chấp xảy ra là ngoài sự mong
muốn của các chủ thể khi tham gia các giao dịch, hợp đồng. Song, cần nhận thức rõ
rằng tranh chấp trong kinh doanh, thương mại là vấn đề tự nhiên và tất yếu của bất kỳ
nền kinh tế quốc dân nào trên thế giới. Khi xảy ra tranh chấp, và khi các bên không
đạt được phương thức thương lượng, hòa giải thì buộc phải thông qua con đường
tranh tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết các tranh chấp.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án là một trong những nội dung quan trọng
trong pháp luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào thẩm quyền, “Tòa án xác định phạm vi
quyền hạn của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết những vụ việc dân sự do các chủ
thể có quyền yêu cầu. Mặt khác, thẩm quyền của Tòa án là căn cứ pháp lý để cá
nhân, cơ quan, tổ chức được quyền đòi hỏi Tòa án bảo vệ quyền khi bị xâm phạm”(1).
Việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo cấp chính là việc xác định
xem đối với một vụ án dân sự cụ thể mà Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân
dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo
cấp được quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, được dựa trên
tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ
chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.
Theo đó, thẩm quyền của Tòa án cấp huyện hiện nay được quy định về giải
quyết Tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng
Dân sự năm 2015.
Còn theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thì Tòa án nhân dân cấp
tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm
quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải
quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Có thể nhận thấy thẩm quyền của Tòa án cấp
huyện và cấp tỉnh được phân định rõ ràng, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm.
Ngoài ra, còn có thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của
các bên đương sự.
Về nguyên tắc, việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ phải được
tiến hành dựa trên cơ sở bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được
nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của các đương sự nhưng vẫn đảm bảo Tòa án có thẩm quyền giải quyết là
Tòa án thuận lợi nhất cho việc tham gia tố tụng của đương sự, là Tòa án có điều kiện
thuận lợi nhất để giải quyết vụ án. Về căn bản các quy định về thẩm quyền theo lãnh
thổ tại Điều 39 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 
1. Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền sơ thẩm
của Tòa án cấp huyện.
- Thẩm quyền Tòa án cấp huyện: Chủ yếu giải quyết các tranh chấp thương
mại quy định tại khoản 1 Điều 30 theo thủ tục sơ thẩm.
- Thẩm quyền của các tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện: Theo Luật
Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thể có một số
Tòa chuyên trách (Điều 45 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014) cho nên Bộ luật
Tố tụng Dân sự năm 2015 đã quy định thẩm quyền đối với tòa chuyên trách của Tòa
án nhân cấp huyện đối với việc giải quyết vụ việc tranh chấp kinh doanh, thương mại
như sau:
Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục
sơ thẩm những vụ việc về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân
dân cấp huyện quy định tại Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Đối với
Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có Tòa chuyên trách thì Chánh án Tòa án có trách
nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc
thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Như vậy, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh,
thương mại theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, gồm:
- Giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa
cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Yêu cầu về kinh doanh, thương mại cụ thể:
+ Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội
đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
+ Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại.
2. Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền sơ thẩm
của Tòa án cấp tỉnh.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thì:
“Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ
việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại
Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết
khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện”.
Như vậy, Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh,
thương mại theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau:
- Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh,
thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

2
- Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh
doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị
kháng cáo, kháng nghị.
- Hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Tóm lại, việc gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết là
một yếu tố rất quan trọng để xem xét việc thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền
giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, nếu gửi đơn
khởi kiện đến sai Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp hay theo lãnh thổ thì sẽ phải
chuyển đơn khởi kiện sang đúng Tòa án có thẩm quyền. Do đó, để tránh mất thời
gian, công sức người khởi kiện phải hết sức chú ý đến vấn đề này để đảm bảo đơn
khởi kiện của mình có thể được thụ lý nhanh chóng.

(1) Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam,
NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 108.

You might also like