You are on page 1of 12

Bài 2: SỰ HÌNH THÀNH CÁC NỤ MẶT

MỤC TIÊU:
1. Trình bày được sự hình thành hàm ếch tiên phát và môi trên
2. Trình bày được sự hình thành hàm ếch thứ phát

Nhìn phía mặt cực đầu của phôi ngày thứ 25 có một nụ lớn gọi là nụ mũi
–trán; dưới nụ đó có một khe lớn, đó là cửa miệng nguyên thủy. Vòm miệng
nguyên thủy được tạo bởi phần dưới của nụ mũi- trán; sàn miệng nguyên thủy
hình thành bởi phần trên của cung mang thứ nhất hay cung hàm, cung này gồm
có ở phía dưới hai nụ hàm dưới (nụ này sẽ hình thành vùng hàm dưới) và hai
bên hai nụ hàm trên. Nụ mũi trán sau này sẽ hình thành ba nụ: nụ ở giữa là nụ
mũi trong, nụ ở hai bên là nụ mũi ngoài. Nụ mũi trong cũng có lúc phân chia
làm đôi do sự xuất hiện tạm thời của một rãnh ở giữa. Sự phân chia nụ mũi trán
thành các nụ mũi là do sự có mặt của mảng khứu giác . Đó là một khối ngoại bì
dày lên xuất hiện ở vị trí nối liền giữa mặt trước và mặt dưới của nụ mũi trán.

Ở giai đoạn này người ta cũng đã thấy các cung mang. Đó là những gờ
nằm song song, cái nọ trên cái kia và cách nhau bởi những khe tương đối sâu
gọi là khe mang. Số lượng cung mang và khe mang thì tùy tác giả. Từ trên
xuống dưới, ta thấy có cung mang thứ nhất hay cung hàm, cung mang thứ hai,
giữa cung mang thứ nhất và thứ hai ta thấy có khe mang thứ nhất. Sự phát triển
của các cung mang sẽ dần dần làm cho đầu phôi thai thẳng lại.
Miệng nguyên thủy được hình thành đầu tiên là một hốc chung mũi và
miệng. Các hốc chung đó sẽ được ngăn thành hốc mũi và miệng bằng hai giai
đoạn từ trước ra sau:
Giai đoạn I: miệng nguyên thủy được ngăn thành hốc miệng ở dưới và
hốc mũi tiên phát ở trên bởi sự hình thành hàm ếch tiên phát. Đồng thời hốc
mũi lại được ngăn dọc thành hai lổ mũi tiên phát bởi một vách xuất phát từ phần
sau của nụ mũi trong. Hai quá trình ngăn cách đó xảy ra đồng thời về mặt không
gian và thời gian
Giai đoạn II: Sau giai đoạn I, người ta thấy đằng sau các vách ngăn tiên
phát còn tồn tại một thời gian cái hốc (hốc sau của miệng nguyên thủy). Cái hốc
sau đó cũng đến lượt được ngăn cách ngang và dọc bởi các vách thứ phát (hàm
ếch thứ phát và vách ngăn mũi thứ phát). Sự ngăn cách thứ phát này được tiến
hành tiếp tục ở phía sau sự ngăn cách tiên phát ở giai đoạn I và kết thúc sự hình
thành hốc miệng và mũi.
1. Sự hình thành hàm ếch tiên phát và môi trên
Những quá trình bào thai học sau tham gia vào sự hình thành hàm ếch tiên
phát :
- Hiện tượng ăn lõm vào của vùng ngoại bì dày lên: sự phát triển lõm vào của
mảng khứu giác.
- Hiện tượng phát triển lồi ra thành nụ của lớp trung bì ở phía dưới liên quan
đến sự biệt hóa tích cực của lớp trung bì (đặc biệt là sự biệt hóa thành các mạch
máu)
- Hiện tượng dính các thành biểu bì của các nụ và sự hàn gắn các nụ với nhau ở
quá trình trung bì hóa

Hinh 2.1. Đầu phôi người từ tuần thứ 4 (A) đến tuần thứ 5 (B) và mô hình đầu
phôi, nhìn thẳng và nhìn nghiêng, với các nụ trán mũi, nụ hàm trên, nụ hàm
dưới và biểu mô răng (Nguồn: Tencate's Oral histology: Development,
Structure, and Function, 8" Edition, 2012).

Quá trình hình thành hốc mũi và hàm ếch tiên phát tiến triển như sau:
trước hết là sự xuất hiện mảng khứu giác, đó là vùng ngoại bì dày lên ở dưới nụ
mũi- trán phân chia nụ này thành ba nụ: nụ mũi ngoài phải và trái, nụ mũi trong.
Nụ mũi trong cũng tạm thời bị phân chia thành hai nụ do sự xuất hiện của rãnh
giữa. Rãnh này bị mất vào tháng thứ hai của phôi và sau đó chỉ còn lại nụ mũi
trong. Sau đó do sự phát triển ăn lõm lên trên và ra sau của mảng khứu giác
đồng thời với sự phát triển lồi ra của nụ mũi trong và mũi ngoài, đi đến hình
thành một cái rãnh mở xuống dưới và đáy rãnh ở phía trên, ở đáy rãnh có mảng
khứu giác và ngoại bì lân cận. Nụ hàm trên phát triển từ ngoài vào trong để đi
đến dính vào phần dưới của nụ mũi trong. Sự dính hai lớp ngoại bì của hai nụ
trên tạo nên một lá biểu bì thẳng đứng đi từ sau ra trước. Veau gọi lá này là bức
tường biểu bì. Sự dính đó được tiến hành suốt dọc theo chiều dài của rãnh và ở
cả phía sau, biến rãnh khứu giác thành những ống hay đúng hơn thành những túi
cùng mở ra phía trước bởi hai lổ mũi tiên phát.
Sự đóng khép các rãnh khứu giác xuất hiện rất sớm (giai đoạn phôi 8mm theo
Cordier hoặc phôi ngày thứ 35 theo Salembier). Theo Cordier và Roux sự dính
các nụ mũi trong và hàm trên được tiến hành từ sau ra trước; bức tường biểu bì,
được hình thành do sự dính sẽ bị trung bì hóa. Cordier và Roux nhận thấy rằng
tổ chức trung bì xâm nhập vào lá biểu bì (bức tường biểu bì) ngay từ gia đoạn
phôi 12mm, trừ ở phía sau nơi lá biểu bì sẽ mất đi khi phôi vào khoảng 14-
15mm. Sự xâm nhập của tổ chức trung bì vào lá biểu bì cũng tiến hành dần từ
sau ra trước.
Hàm ếch tiên phát hình thành từ hiện tượng ăn lõm vào của vùng ngoại bì dày
lên, chính là sự phát triển lõm vào của mảng khứu giác; từ hiện tượng phát triển
lồi ra thành nụ của lớp trung bì ở phía dưới và từ hiện tượng dính các thành biểu
bì của các nụ và sự hàn gắn các nụ với nhau ở quá trình trung bì hóa. Sau lỗ mũi
sau tiên phát, xuất phát từ vùng giữa của trần hốc miệng nguyên thủy và từ
thành sau vách ngăn mũi tiên phát có một nụ. Nụ này sẽ phát triển ra sau để
hình thành vách ngăn mũi thứ phát. Mặt khác, từ mặt trong của các nụ hàm trên
cũng xuất hiện những nụ phát triển vào trong, đó là hai nụ hàm ếch.
Hốc mũi tiên phát ở giai đoạn này đã được hoàn thành và vách mũi giữa của nó
được tạo nên bởi nụ mũi trong. Màng khứu giác ở đỉnh các hốc mũi tiên phát
khi đó đã sản sinh ra các tế bào thần kinh cảm giác; các trục hướng tâm của các
tế bào này sẽ đi qua lớp đáy của biểu bì, qua lớp trung bì để đi đến nối với các
tế bào thần kinh ở hành khứu. Trong khi đó, các cực ly tâm hay cực thụ cảm của
nó vẫn liên quan với lớp biểu bì ở mảng khứu giác. Trong quá trình hình thành
hàm ếch tiên phát, ngoài sự dính các nụ hàm trên và nụ mũi trong, còn thấy có
sự dính giữa phần trên ngoài của nụ hàm trên và nụ mũi ngoài. Diện dính của
hai nụ trên là một đường chạy từ ngoài vào trong và từ trên xuống dưới. Đường
dính này khép một khe ăn thông giữa nụ mắt và miệng nguyên thủy (hình 16).
Sau khi dính nó cũng hình thành một lá biểu bì; lá này sẽ tồn tại và sau này sẽ là
nguồn gốc của ống lệ chạy từ góc mắt trong đến ngách mũi dưới, thiếu loại dính
đó sẽ gây ra một loại dị dạng bẩm sinh ở mặt gọi là coloboma (hay khe hở chéo
mặt).
Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhãn cầu cũng được hình thành ở đầu trên ngoài
của rãnh mũi – lệ. Sự hình thành mắt là kết quả của sự phát triển hai mầm thị
giác sâu hay còn gọi túi thị giác (là phần được phân ra sớm nhất của não trước)
và mầm tinh thể hay còn gọi là màng tinh thể.
Khi hàm ếch tiên phát được hình thành, thì hốc miệng nguyên thủy được thay
thế bởi hai hốc mũi tiên phát ở trên một hốc miệng ở dưới. Hai hốc này được
giới hạn phía trước bởi hai lỗ mũi tiên phát và ở phía sau bởi màng Hoschletter,
màng này sẽ mất đi để lại hai lỗ mũi gọi là hai lỗ mũi sau tiên phát. Hốc mũi
ngăn cách với hốc miệng dưới bởi hàm ếch tiên phát. Cần nhớ rằng hốc mũi rất
ngắn cho nên lỗ mũi trước và lỗ mũi sau tiên phát rất gần nhau và hàm ếch tiên
phát chỉ chiếm phần trước của hốc miệng nguyên thủy.
Nụ mũi trong, nhìn phía trước, không hoàn toàn đồng nhất. Đầu trước dưới của
nụ mới đầu thấy có hai thùy sau thành ba thùy, hai thùy ben trên phát triển
mạnh chếch xuống dưới và ra ngoài, gọi là thùy hình cầu (processus
globulaires). Giữa hai thùy trên là một lồi củ nhỏ gọi là lồi củ giữa (hình 1).
Thùy hình cầu trong quá trình phát triển sẽ dính với nụ hàm trên. Song nụ hàm
trên phát triển mạnh hơn nên trước khi dính với thùy cầu nó chèn ép đẩy thùy
này, làm cho thùy hình cầu gồ lên phía trước chỗ nối giữa hai thùy hình cầu. Ở
đó, hai thùy hình cầu hai bên sẽ dính vào nhau ở trước chỗ nối đó, nhưng vẫn
còn để nhìn thấy ở phía dưới một cái gờ lồi của củ giữa, lồi này sẽ hình thành
cái lồi của làn môi đỏ trên (Hình 1). Ngoài ra, nụ hàm trên cũng phát triển về
phía nụ mũi ngoài và trước khi dính với nụ mũi ngoài nó cũng chèn đẩy nụ này
để hình thành một cái gờ gọi là gờ lỗ mũi (Hình 1).
Nụ mũi trong nhìn phía dưới thấy nụ này hẹp dần từ trước ra sau; ở phía sau hai
nụ hàm trên gần như tiếp xúc với nhau, ở đó ta thấy một cái lỗ - đó là hố răng
cửa. Hố này hình thành là do sự gặp nhau của ba nụ: nụ mũi trong và hai nụ
hàm trên (Hình 1). Mặt khác, diện tích giữa nụ hàm trên và nụ mũi trong không
theo một mặt phẳng đứng mà theo một mặt phẳng hơi chếch xuống dưới và vào
trong, độ chếch của mặt phẳng đó tăng lên từ trước ra sau.
Theo công trình của E. Cadenat thì chi tiết về sự dính của các nụ mặt như sau
(Hình 1)
Hình 1 : Chi tiết sự hình thành của hàm ếch thứ phát
B.N.I : Nụ mũi trong P.G : Mỏm hình
cầu
B.N.E : Nụ mũi ngoài T.M : Lồi củ giữa
B.M.S : Nụ hàm trên F.I : Hố răng cửa
N : Lỗ mũi
Tóm lại, trong quá trình hình thành hốc mũi và hàm ếch thứ phát, chúng ta thấy
răng nụ mũi ngoài chỉ tham gia sự hình thành ngoài của hốc mũi, còn nụ mũi
trong tạo thành tất cả thành trong của hốc mũi. Chính nụ mũi trong và nụ hàm
trên tham gia vào sự hình thành hàm ếch tiên phát, hai nụ này dính với nhau để
hình thành bức tường biểu bì Veau và bức tường này sẽ mất đi do quá trình
trung bì hóa. Theo Giroud và Lelièvre, hàm ếch tiên phát được hình thành ở
phôi 12 đến 16 mm, nghĩa là phôi ngày thứ 43 đến 45.
2. Sự hình thành hàm ếch thứ phát
Sau lỗ mũi sau tiên phát, xuất phát từ vùng giữa của trần hốc miệng
nguyên thủy và từ thành sau vách ngăn mũi tiên phát có một cái nụ. Nụ này sẽ
phát triển ra sau để hình thành vách ngăn mũi thứ phát. Mặt khác, từ mặt trong
của các nụ hàm trên cũng xuất hiện những nụ phát triển vào trong, đó là hai nụ
hàm ếch. Những nụ này lúc đầu thấp hơn lưỡi, sau đó phát triển đi qua phía trên
lưỡi để gặp vách ngăn thứ phát đang hình thành ở giữa. Những nụ hàm ếch sẽ
dính với nhau ở đường giữa theo thứ tự từ trước ra sau và sau đó quá trình trung
bì hóa cũng sẽ tiến hành từ trước ra sau làm mất đi lá biểu bì đã hình thành do
sự dính của các nụ trên. Đồng thời, vách ngăn mũi thứ phát cũng sẽ đến dính
vào mặt trên chỗ hai nụ hàm ếch dính với nhau. Sự dính này cũng thành lá biểu
bì và lá cũng bị mất đi do quá trình trung bì hóa. Thường các lá biểu bì sau khi
bị tổ chức trung bì xâm nhập còn để sót lại những đám biểu bì hoặc những
mảnh vụn biểu bì mà Leboucq gọi là những hạt biểu bì (perles espithéliales).
Hình 2: Sự hình thành cơ quan Jacobson và hàm ếch thứ phát.
Hình 3: sơ đồ nhìn phía dưới của hàm ếch nguyên phát và trần miệng nguyên
thủy còn sót lại.
B.N.I: nụ mũi trong

Hình 4: sự hình thành hàm ếch thứ phát và kết hợp với hàm ếch tiên phát.
Tóm lại, hàm ếch thứ phát được hình thành ngay sau hàm ếch tiên phát. Nó rộng
hơn rất nhiều so với hàm ếch tiên phát. Thường hàm ếch thứ phát được hình
thành ngay vào tháng thứ hai của phôi và lỗ mũi sau được chuyển về phía sau,
hay cách khác, lỗ mũi sau tiên phát sẽ được thay thế và chuyển về phía sau bởi
lỗ mũi sau thứ phát rộng hơn nhiều so với trước. Còn mảng khứu giác sẽ trở
thành cơ quan khứu giác nằm lại ở trần hốc mũi thuộc về hốc mũi thứ phát.
Trong giai đoạn này, những sự thoái hóa hoặc những sự rồi loạn trong sự hàn
gắn giữa các nụ hàm ếch, như thiếu hiện tượng trung bì hóa, sẽ gây ra dị tật bẩm
sinh: khe hở hàm ếch. Tùy theo yếu tố gây rối loạn tác động vào giai đoạn sớm
hay sau của quá trình hình thành hàm ếch thứ phát mà sinh ra loại khe hở hàm
ếch toàn bộ hoặc không toàn bộ. Trong trường hợp đứa trẻ có khe hở hàm ếch
kết hợp với sức môi toàn bộ thì tác nhân gây rối loạn đã tác động trong 1 thời
gian dài.
Những ống mũi vòm miệng.
Như chúng ta đã biết, khi các nụ hàm ếch gặp nhau ở giữa thì hàm ếch
tiên phát đã hình thành rồi. Như vậy, có sự dính giữa bờ trước của nụ hàm ếch
với bờ sau của hàm ếch tiên phát. Nhưng phần giữa bờ sau của hàm ếch tiên
phát tức là phần dính trước đây của nụ hàm trên với vách ngăn mũi tiên phát,
thường có một cái lồi, nó sẽ hình thành gai răng cửa. Mặt khác, vùng này sẽ là
chỗ dính của nhiều nụ (giữa các nụ hàm ếch và vách mũi thứ phát, giữa hàm ếch
tiên phát và hàm ếch thứ phát), đồng thời thường không có sự trung bì hóa tiếp
theo như những vùng lân cận. Do đó, đưa đến hình thành ở đó một cái ống
thông giữa mũi và vòm miệng gọi là ống mũi – vòm miệng Stesnon. Theo
Leboucq thì các nụ dính với nhau ở vùng này trước tiên hình thành cái dây biểu
bì (cordon epithelia), sau đó dây biểu bì này bị rỗng ở giữa mà hình thành ống.
Ống mũi – vòm miệng về phía mũi thường có hai lỗ, còn về phái vòm
miệng thường thì có một lỗ nếu như ống này hình chữ Y hoặc đôi khi ó cũng có
hai lỗ nếu như ống này là ống kép. Theo công trình của các tác giả Bidaul và
Keith, người ta có thể nghĩ rằng ống mũi – vòm miệng của phôi người có lẽ là
sự tồn tại của một cái ống có vai trò khứu giác thấy ở các loài vật có phần hàm
trước (premexillaire) và khứu giác rất phát triển.
Ở người, thông thường, ông mũi – vòm miệng mất đi sau khi đẻ. Thường
chỉ còn thấy những mảnh vụn biểu bì còn sót lại ở vị trí ống đó. Lỗ đó dẫn vào
một cái ống nhỏ chột chạy gần như song song với niêm mạc hàm ếch
(Salembier). Những mảnh vụn biểu bì còn sót lại ở vùng này có thể là nguồn
gốc của sự hình thành nang.

Tài liệu tham khảo


1. Giáo trình “Phôi thai học răng mặt” của khoa Răng Hàm Mặt, trường Đại
học Y Dược Huế
2. Trần Ngọc Quảng Phi (2019), “Mô phôi miệng-Hàm mặt ứng dụng”,
NXB Y Học

You might also like