You are on page 1of 50

ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC “TRANH BIỆN VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN” 2013

1. Thông tin về Giảng viên

- Họ và tên: Vũ Thị Mỹ Hạnh

- Chức danh: Giảng viên chính, Sáng lập và Quản lý chương trình giáo dục
Vietnam Youth to Debate

- Thời gian và địa điểm làm việc: 8h00-17h00, thứ Hai – thứ Sáu hàng tuần

Phòng M4, khách sạn La Thành, 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

- Điện thoại: 0978.134.277

- Email: hanh.vumy@gmail.com

- Các hướng nghiên cứu chính:

+ Ứng dụng của tư duy phản biện trong tranh biện và xóa mù về khái niệm
bền vững

+ Tăng cường khả năng thích ứng với sự thay đổi

2. Thông tin chung về môn học

- Tên môn học: Tranh biện và Tư duy phản biện

- Môn học: Lựa chọn

- Các yêu cầu đối với môn học:

+ Sĩ số không quá 30 người học/lớp

1
+ Phòng học có bàn ghế có thể di chuyển được, không kê theo cách truyền
thống

+ Nếu có thể, phòng học có hệ thống âm thanh và màn hình

+ Lớp học không phân biệt ngôi thứ, tuổi tác, trình độ, hoàn cảnh: thể hiện ở
cách xưng hô, không gian học tập linh hoạt và phương pháp điều hành lớp
học

+ Tâm thế tham gia của người học là: sẵn sàng thích nghi với các thay đổi;
trao đổi thẳng thắn cởi mở; có quyền phát ngôn và phát ngôn có trách nhiệm;
hợp tác với giảng viên và bạn học để giải quyết vấn đề chứ không tấn công
cá nhân.

+ Mỗi người học sẽ chuẩn bị một cuốn nhật ký học tập để ghi chép về quá
trình thay đổi của bản thân từ đầu lớp học. Kết thúc lớp học, giảng viên sẽ
đánh giá trực tiếp cho từng người qua cuốn nhật ký này.

3. Mục tiêu của môn học

- Kiến thức:

+ Khái niệm về tranh biện. Ứng dụng của tranh biện trong học tập và cuộc
sống

+ Xây dựng lập luận chặt chẽ. Xây dựng hệ thống lập luận để thể hiện quan
điểm về một vấn đề

+ Ngụy biện

+ Phản biện lập luận và khai thác các mâu thuẫn

2
- Kỹ năng:

+ Nghe, Nói, Đọc, Viết để phục vụ cho việc tranh biện hiệu quả

+ Xác định vấn đề cần tranh biện và xác định cách tiếp cận để giải quyết vấn
đề đó

+ Xử lý thông tin thành lập luận chặt chẽ và xây dựng thành hệ thống

+ Tự phát hiện lỗi ngụy biện của mình và người khác

- Thái độ:

+ Tôn trọng và cởi mở với những quan điểm khác mình

+ Lắng nghe và hợp tác để cùng giải quyết mâu thuẫn trong bản thân vấn đề

+ Mạnh dạn đặt câu hỏi hoặc trình bày bất kỳ suy nghĩ gì của bản thân liên
quan đến nội dung bài học

+ Học tập suốt đời

4. Tóm tắt nội dung môn học

Tranh biện là một quá trình tư duy và truyền đạt tư duy từ khi thu thập, xử lý
thông tin đến khi hình thành và tổ chức sắp xếp hệ thống lập luận, với mục đích
cao nhất là nhằm đưa ra quyết định. Trong quá trình đó, người tư duy với lập
luận của mình mong muốn thuyết phục người khác để thấy rõ lựa chọn nào là
tốt hơn, trong những điều kiện cụ thể được thiết lập rõ ràng. Để thấy rõ được
điều này, người tư duy cần có cái nhìn đa chiều và xác định được các xung đột
trực tiếp trong lập luận để từ đó so sánh, đánh giá xem nên quyết định thế nào.

3
Thông qua các hoạt động tương tác ở trên lớp và chuẩn bị bài tập của người học
ở nhà, các kiến thức và kỹ năng liên quan đến mô tả trên sẽ được luyện tập,
đồng thời định hướng như một hình thức huấn luyện để người học tiếp tục rèn
luyện lâu dài, tạo điều kiện cho các cấp độ cao hơn để tranh biện ngày càng hiệu
quả hơn.

5. Lịch trình

Thời lượng (đơn vị:


Buổi Nội dung
tiết)
Tìm hiểu về tranh biện 1
1 Xác định vấn đề cần giải quyết và cách tiếp
2
cận để giải quyết
Xây dựng lập luận và thiết lập hệ thống 1,5
2
Phiên tranh biện của phe Ủng hộ 1,5
3 Ngụy biện và Thực hành 3
Phản biện 1,5
4
Khai thác xung đột 1,5
Giới thiệu hình thức tranh biện. Thi đấu và
2
5 nhận xét
Đặt câu hỏi 0,5
Thi đấu tiếp và nhận xét 2
6 Chuẩn bị để tranh biện hiệu quả 0,5
Ghi chép để tranh biện hiệu quả 0,5
TỔNG/ lớp 20

6. Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

 Phương pháp đánh giá chính:

- Quan sát và ghi chép về sự trình diễn của người học (thông qua 3 nội dung
được mô tả phía dưới) thông qua các hoạt động tương tác trên lớp và hoạt
động thi đấu tranh biện theo hình thức cho trước.

4
- Phản ánh: học tập qua trải nghiệm và quy hồi kinh nghiệm của người học
thông qua hoạt động thảo luận trong nhóm nhỏ để rút ra bài học

 Ba nội dung đánh giá chính:

- Cách thức: ngôn ngữ cơ thể (giao tiếp bằng mắt), giọng nói, ngôn ngữ

- Phương pháp: khả năng xác định đúng vấn đề cần giải quyết và xác định
cách tiếp cận hợp lý để giải quyết vấn đề

- Vấn đề: chất lượng lập luận và tính chặt chẽ của hệ thống lập luận, cách phản
biện lập luận của đối phương và khai thác xung đột trong vấn đề cần giải
quyết

 Kết quả của đánh giá:

Mỗi người học khi bắt đầu những buổi đầu tiên sẽ được hướng dẫn để tự xây
dựng và cập nhật một cuốn nhật ký học tập. Kết thúc lớp học, giảng viên sẽ
nhận xét vào nhật ký học tập của mỗi người học, về phần trình diễn của họ
dựa trên ba nội dung trên, và những thay đổi cần có để người học đó tiếp tục
luyện tập.

7. Nội dung chi tiết môn học

Viết tắt: F = facilitator (người dẫn dắt), L = learners (người học)

5
BUỔI 1: Tranh biện là gì? Xác định chiến trường & chiến trận.

Mục tiêu buổi học


- Người học hiểu và tham gia vào phương pháp của lớp học
- Người học hiểu thế nào là tranh biện và các giá trị cơ bản của tranh
biện trong việc thực hành tư duy phản biện và ứng dụng vào cuộc
sống
- Người học hiểu vai trò của việc xác định vấn đề cần giải quyết
trong một đề bài tranh biện và xác định được cách tiếp cận để giải
quyết vấn đề.

1.1. Nội dung 1: Tìm hiểu về tranh biện

A. Hoạt động trong lớp:

- Hoạt động 1: Trò chơi Có hay Không. F đưa ra 1-3 câu hỏi vui, theo cấp độ
khó dần để L đưa ra câu trả lời nhanh là Có hay Không. Những người Có
đứng sang một bên, và bên kia là những người nói Không. Hỏi nhanh 3 thành
viên bất kỳ của mỗi nhóm là Vì sao họ chọn câu trả lời đó.

- Hoạt động 2: Lớp (30 người) được chia thành 6 nhóm. Mỗi nhóm cử một đại
diện lên nhận chủ đề từ phía F (cứ hai đội sẽ có chủ đề giống nhau, như vậy
tổng cộng cả lớp chỉ có 3 chủ đề). Nhiệm vụ của mỗi nhóm là các thành viên
trong nhóm bàn bạc để đưa ra câu trả lời Có hay Không với chủ đề được lựa
chọn, và vì sao lại chọn như vậy. Sau đó mỗi nhóm trình bày phần chuẩn bị
của mình trong vòng 3 phút.

- Hoạt động 3: Trong 6 nhóm ở trên, F ngẫu nhiên chọn ra 3 nhóm và yêu cầu
nhóm còn lại có cùng chủ đề phải tìm cách phản đối lại ý kiến của nhóm bên
6
kia. Việc trình bày phản đối không cần có thứ tự và mỗi nhóm có tối đa 10
phút.

B. Tổng kết và lý thuyết:

 F đặt các câu hỏi:

- Việc trả lời Có/ Không có dễ dàng không?

- Hoạt động ở trò chơi gần nhất với hoạt động gì thường gặp trong cuộc sống?
Có gì giống nhau, có gì khác nhau?

- Nếu mỗi người được phép tự do nói như ở trò chơi thì điều gì sẽ xảy ra?

 Quay trở lại khái niệm ‘tranh biện’: F và L cùng tìm hiểu thông qua phương
pháp brainstorming

 Hiểu theo nghĩa hẹp, tranh biện nếu được hiểu như một hình thức thi đấu
mang những đặc điểm của một môn thể thao: có hai đội tham gia trình diễn
khả năng và sự chuẩn bị của mình về một chủ đề cho trước, có trọng tài và
khán giả là người phân định khả năng trình diễn đó, phần trình diễn của hai
đội được ràng buộc bởi một luật chơi được thống nhất chung.

Hiểu theo nghĩa rộng, tranh biện là một quá trình tư duy và truyền đạt tư duy
từ khi thu thập, xử lý thông tin đến khi hình thành và tổ chức sắp xếp hệ
thống lập luận, với mục đích cao nhất là nhằm đưa ra quyết định. Trong quá
trình đó, người tư duy với lập luận của mình mong muốn thuyết phục người
khác để thấy rõ lựa chọn nào là tốt hơn, trong những điều kiện cụ thể được
thiết lập rõ ràng. Để thấy rõ được điều này, người tư duy cần có cái nhìn đa
chiều và xác định được các xung đột trực tiếp trong lập luận để từ đó so
sánh, đánh giá xem nên quyết định thế nào.
7
Phụ lục 1: Hệ thống hóa về nhiệm vụ của người tranh biện

1.2. Nội dung 2: Xác định chiến trường, hay vấn đề cần giải quyết trong
một cuộc tranh biện

A. Hoạt động trong lớp:

- Hoạt động 1: F chuẩn bị sẵn các từ khóa vào các tờ giấy gấp lại. Cử 2-3 L
tình nguyện lên bốc, không được tiết lộ nội dung đó với ai, và chuẩn bị một
bài nói chuyện 3 phút trước cả lớp. Thời gian chuẩn bị là 3 phút. Sau đó, cả
lớp đoán xem nội dung chính mà người trình bày được giao là gì.

- Hoạt động 2: F viết một số chủ đề/kiến nghị lên bảng. Với mỗi chủ đề/kiến
nghị, F chuẩn bị trước một số nội dung chính có thể tranh biện được, mỗi nội
dung viết vào một tờ giấy gấp lại. Lớp được chia thành các nhóm 2-3 người,
mỗi nhóm có người lên chọn ngẫu nhiên một tờ giấy. Nhiệm vụ của nhóm là
thảo luận nhanh trong 5’ và trả lời xem nội dung nhặt được tương ứng với
chủ đề/kiến nghị nào viết trên bảng, và chúng có liên quan đến nhau thế nào?

- Hoạt động 3: F yêu cầu lớp xác định chiến trường và chiến thuật cho một số
kiến nghị được viết lên bảng. Trường hợp xảy ra là có nhiều hơn một đáp án
đối với mỗi kiến nghị. F điều phối các cuộc debate mini để xem đáp án nào
là phù hợp nhất.

 Một số kiến nghị làm ví dụ:

- Chính phủ nên kiểm soát truyền thông

- Nên cấm trang điểm khi đến trường

- Nên bãi bỏ việc mặc đồng phục tại trường học

8
- Facebook làm chúng ta bớt cô đơn hơn

- Truyền hình thực tế có nhiều cái hại hơn là lợi

B. Tổng kết và lý thuyết:

Việc đầu tiên trước khi bước vào bất kỳ ‘cuộc chiến’ tranh biện nào là cần xác
định chiến trường, có nghĩa là xác định vấn đề cần phải giải quyết. Câu hỏi đầu
tiên mà tất cả những người tham gia cuộc tranh biện, kể cả người thi đấu lẫn
người theo dõi, đều đặt ra là: Cuộc tranh biện này nói về cái gì?

Để hai phía đối lập có thể bắt đầu tranh biện, họ cần được chuẩn bị trên một đề
bài chung, hay còn gọi là một Kiến nghị (Motion/ Resolution). Kiến nghị này
thường được cung cấp bởi một bên thứ ba để tránh mâu thuẫn về mặt lợi ích. Có
một số trường hợp như sau xảy ra:

- Thứ nhất, kiến nghị nêu lên vấn đề một cách rõ ràng. Nguyên tắc đầu tiên là:
tập trung vào tranh biện ngay trên vấn đề cụ thể đó.

Ví dụ: Chính phủ nên cấm rượu.

- Thứ hai, nếu kiến nghị không nêu lên vấn đề một cách rõ ràng và có thể
tranh biện được ngay thì cần tìm ra vấn đề phù hợp nhất, có thể tranh biện
được nhất.

Ví dụ: Củ cà rốt thì tốt hơn cây gậy.

Nếu đặt trong bối cảnh doanh nghiệp thì ‘củ cà rốt’ được hiểu là các hình thức
khen thưởng, khích lệ tinh thần lao động sản xuất của người lao động; còn ‘cây
gậy’ được hiểu là các hình thức trừng phạt. Như vậy, vấn đề tranh biện lúc này
là liệu trong doanh nghiệp, việc khen thưởng khích lệ người lao động có tốt hơn

9
việc trừng phạt khi họ phạm lỗi hay không. Hãy tưởng tượng người theo dõi
cuộc tranh biện là các nhà quản lý doanh nghiệp, người lao động và những
người làm công tác xã hội; và nhiệm vụ của bạn là thuyết phục họ lựa chọn
phương án mà bạn đang cần bảo vệ: khen thưởng hoặc trừng phạt.

Ví dụ khác: Nên hợp pháp hóa cái chết nhân đạo.

Cái chết nhân đạo = chủ động (tăng liều thuốc) hay bị động (giật dây cắm)?

Lưu ý quan trọng: Chỉ chọn một vấn đề để tranh biện.

Nếu chỉ dừng lại ở bước này thì cuộc tranh biện chưa thể diễn ra. Người tranh
biện sau khi xác định Vấn đề còn cần phải giúp khán giả và trọng tài hiểu rằng
Vấn đề mà họ xác định ở trên có ý nghĩa thế nào cho mục đích của cuộc tranh
biện. Bước này gọi là bước định nghĩa về cuộc tranh biện.

Trong mọi trường hợp, đội Ủng hộ phải đưa ra định nghĩa của chủ đề, một
khẳng định rõ ràng về cách hiểu của đội này đối với chủ đề. Người đầu tiên của
đội Ủng hộ phải đưa ra định nghĩa này ở phần đầu của lượt mình nói “Chúng tôi
cho rằng đây là ý nghĩa của chủ đề cho mục đích của cuộc tranh biện này. Cả
hai đội nên tranh biện trên ý nghĩa này.”

Trong một số trường hợp, đội Phản đối có thể không đồng tình với định nghĩa
này, họ có thể nói “Không, chúng tôi không đồng tình với định nghĩa đó. Chúng
tôi cho rằng hai đội nên tranh biện trên nghĩa khác của chủ đề - định nghĩa theo
cách của chúng tôi.” Tuy nhiên, cần lưu ý gánh nặng đưa ra định nghĩa không
phải của đội Phản đối, vì thế nếu họ muốn bác bỏ định nghĩa của đội Ủng hộ, họ
cần giải thích được vì sao định nghĩa của đội Ủng hộ không phù hợp, hoặc
không công bằng. Trước mỗi trận tranh biện, cả hai đều phải chuẩn bị định
nghĩa chủ đề.
10
Làm thế nào để định nghĩa chủ đề?

- Định nghĩa các cụm hoặc thuật ngữ trong kiến nghị, không giải thích nghĩa
của từng từ ngữ.

- Không giải thích các thuật ngữ có ẩn ý theo nghĩa đen của chúng. (Ví dụ: củ
cà rốt thì tốt hơn cây gậy)

- Không làm cho định nghĩa quá phức tạp. Không đưa ra định nghĩa theo từ
điển. (có thể sử dụng từ điển, nhưng phải diễn đạt lại cho đúng với bối cảnh
và mục đích của trận tranh biện này)

- Nên chuẩn bị để đưa ra ví dụ cho định nghĩa của mình.

Định nghĩa cũng được coi như cách để thiết lập một sân khấu chung cho cả hai
đội, để từ đó họ trình diễn các lập luận của phe mình và làm nổi bật tính đối
kháng so với lập luận của đội đối phương. Do đó, việc định nghĩa cuộc tranh
biện có chức năng giới hạn phạm vi của cuộc tranh biện. Mục đích cao nhất là
làm nổi bật một vấn đề duy nhất thực sự quan trọng và có thể tranh biện được.

Ví dụ: Kiến nghị nêu “Nên lắp camera trong từng phòng học”. Ở đây, đội Ủng
hộ có thể đưa ra giới hạn là chính sách này nên được áp dụng trong từng phòng
học tại các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội khu vực I, xét theo mục đích
chính việc việc lắp camera là giám sát và tính chất của nhóm đối tượng có liên
quan nhất là học sinh và giáo viên tại các trường này. Chẳng hạn nếu so với đối
tượng tại các trường đại học cao đẳng thì nhóm học sinh phổ thông có tính ổn
định cao hơn, số lượng ít hơn, thành phần về địa bàn dân cư cũng dễ kiểm soát
hơn. Do đó chúng tôi lựa chọn nhóm đối tượng này với các giả định hợp lý như
trên nhằm tập trung vào các lập luận chính, với mục đích thuyết phục rằng
camera nên được lắp đặt trong từng phòng học.
11
Sau đó, đội Ủng hộ có thể định nghĩa cụ thể loại camera sẽ được lắp đặt (ghi
hình ghi tiếng hay chỉ ghi hình, đen trắng hay màu..), phòng học trung bình của
một trường phổ thông tại địa bàn đã định..

Yêu cầu: Giới hạn hay định nghĩa phải hợp lý: có nghĩa là phải tạo ra được đất
để đội Phản đối cũng có thể đưa ra các lập luận phản biện trực tiếp. Không nên
định nghĩa cuộc tranh biện quá hẹp hoặc quá rộng.

1.3. Nội dung 3: Xác định chiến thuật

Chiến thuật chính là bức tranh tổng thể mà mỗi đội đưa ra cho phe mình trong
cuộc tranh biện. Bức tranh này là một ý tưởng rõ ràng và thống nhất cần được
đưa ngay ra từ đầu, và cần được thường xuyên nhắc lại một cách khôn khéo để
giúp cả đối phương lẫn người theo dõi không bị đi xa khỏi vấn đề chính cần
phải tranh biện. Nói cách khác, chiến thuật chính là hướng tiếp cận của người
tranh biện đối với vấn đề và định nghĩa chung.

Một khi đã xác định được hướng tiếp cận, nhiệm vụ của mỗi đội là phải trả lời
được các câu hỏi sau:

- Tại sao đội bạn cho rằng hướng tiếp cận của mình là hợp lý hơn

- Hướng tiếp cận này được giải thích bằng cách nào

Cách trình bày

Hướng tiếp cận nên được nhắc đến ít nhất một lần trong mỗi lượt nói của đội
mình. Mỗi người nói cần phải kết nối được ý tưởng chính này với những gì
mình vừa trình bày, nhưng cũng không nhất thiết phải nhắc đi nhắc lại mà quên
mất việc tập trung làm rõ từng lập luận của mình.

12
Hướng tiếp cận do người nói đầu tiên của mỗi đội đưa ra trong phiên của mình.
Có nhiều cách:

- Hướng tiếp cận của chúng tôi đối với trận debate này là…

- Lập luận trọng tâm của chúng tôi sẽ nói về…

- Đội chúng tôi sẽ cho bạn thấy rằng…

- Lý do cốt lõi mà chúng tôi nhìn nhận để ủng hộ (hoặc phản đối) cho vấn đề
của ngày hôm nay là…

13
II. BUỔI 2: Xây dựng lập luận và Thiết lập thành Hệ thống

Mục tiêu buổi học


- Người học biết cách xây dựng một lập luận dựa trên mô hình tư duy C-R-E
- Người học hiểu vai trò của cấu trúc lập luận thành hệ thống trong tranh
biện và hiểu các bước để hệ thống hóa lập luận
- Người học biết cách xây dựng hệ thống lập luận để Ủng hộ một nhận định

2.1. Nội dung 1: Xây dựng lập luận


A. Hoạt động trong lớp:
- Hoạt động 1: Trò chơi chuyền bóng: F cung cấp một số kiến nghị đơn giản,
và ném một quả bóng đến một người bất kỳ trong vòng tròn. Người đó sẽ
đưa ra một suy nghĩ về kiến nghị đó, hoặc về vấn đề mà kiến nghị cần giải
quyết; sau đó chuyền quả bóng đến người tiếp theo bất kỳ trong vòng tròn.
Mỗi người nhận được bóng sẽ hoàn thành luận điểm ở bất kỳ phần nào.
Người nào có đáp án có thể xung phong nhận bóng.

B. Tổng kết và lý thuyết:

 Cấu trúc cơ bản của Lập luận/ Luận điểm

Nói rất ngắn gọn, một lập luận bao gồm ít nhất một tiền đề (premise) và một kết
luận (conclusion) [là C]. Tiền đề bao gồm phần diễn giải và ví dụ thực tế được
cung cấp để bổ trợ cho tuyên bố (claim) được đưa ra.

Cấu trúc này còn được gọi là mô hình CRE (Claim + Reasoning + Evidence).

14
Là một nhận định ngắn gọn và đơn giản để
TIÊU ĐỀ/ TUYÊN BỐ chỉ ra nội dung chính của Luận điểm. Nó

(CLAIM) trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn chứng minh
điều gì?”

Là sự giải thích về mặt lý thuyết rằng vì sao


GIẢI THÍCH Luận điểm của bạn lại đúng. Nó trả lời cho

(REASONING) câu hỏi “Vì sao?” và “Như thế nào?” Phần


giải thích thường dài một vài câu. Trong
trường hợp lý lẽ phức tạp hoặc có nhiều cấp
độ, bạn có thể cần nhiều câu hơn. Nhưng
người nghe không tư duy giống như cách
của bạn, do đó việc giải thích cặn kẽ là rất
quan trọng!

Để thuyết phục khán giả và trọng tài rằng


VÍ DỤ Lập luận của bạn hợp lý và đã được chứng

(EVIDENCE) minh trên thực tế. Tới đây, người nghe có


thể tiếp tục đặt câu hỏi “Đồng ý là Luận
điểm này hợp lý trên cả lý thuyết và thực
tế. Nhưng điều này có ý nghĩa gì cho cả hệ

15
thống lập luận của bạn?”

Đó là lý do vì sao bạn cần phần cuối cùng


DÂY NỐI này – để chỉ ra làm cách nào mà luận điểm

(LINK/ TIE-BACK) này hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống lập luận


của bạn. Đó có thể là tác động của lập luận
này đối với vấn đề chính của cuộc tranh
biện. Hãy nhớ rằng có thể với bạn, dây nối
này rất rõ ràng vì bạn đã nghiên cứu vấn đề
từ trước. Nhưng với người nghe, đây là lần
đầu tiên họ biết tới Luận điểm của bạn, vì
thế nhiệm vụ của bạn là giúp họ hiểu ra.
Dây nối trả lời câu hỏi “Thế thì sao?” cho
Luận điểm của bạn.

Ví dụ:
Tôi muốn được tăng lương,
Vì bây giờ tôi có nhiều trách nhiệm hơn,
Trước đây tôi chỉ quản lý một dự án, bây giờ tôi quản lý ba dự án.
Người lao động cần được trả mức lương tương ứng với lượng công việc người đó
làm.
Do đó, việc tôi nên được tăng lương là hợp lý.

 Các câu hỏi đơn giản để gợi ý khi bạn xây dựng luận điểm theo mô hình
CRE:
- Tuyên bố: bạn nghĩ gì về vấn đề chính cần giải quyết trong trận tranh biện
- Giải thích: vì sao bạn cho rằng điều bạn nghĩ (ở trên) lại đúng?
16
- Bằng chứng: có sự kiện nào xảy ra trên thực tế có thể chứng minh những gì
bạn nghĩ?
- Dây nối: do đâu bạn cho rằng tuyên bố trên của bạn lại quan trọng, đáng
quan tâm và liên quan chặt chẽ đến vấn đề chính cần giải quyết trong trận
tranh biện

 Đánh giá Luận điểm: Điều gì làm nên một luận điểm tốt cho trận tranh biện?

Trước hết, một luận điểm tốt phải có đầy đủ C, R, E.

Xét kiến nghị dạng chính sách sau đây:

Giáo viên cấp 1 nên được phép đánh học sinh để giữ kỉ luật trong lớp.

Giả sử ta là phe ủng hộ

Tuyên bố (Claim – C)

Trong số những câu sau đây, câu nào là tuyên bố trong luận điểm, câu nào
không phải và tại sao?

a) Các em học sinh sợ bị đau

b) Các em học sinh lớp 1 không đủ lớn để hiểu những lời nhắc nhở của cô giáo

c) Đánh học sinh là cách nhanh nhất để một lớp hỗn loạn trở lại trật tự

 Trong 3 câu trên, chỉ câu c mới là tuyên bố trong luận điểm, (a) và (b) là
phần giải thích của các tuyên bố khác.

Tại sao?

17
Tuyên bố trong luận điểm là ý kiến về một vấn đề và vấn đề đề cập ở đây là:
đánh là hình thức kỷ luật nên được dùng ở cấp 1. Từ “nên” ở đây rất quan trọng
– nó chỉ ra rằng, nhiệm vụ của phe ủng hộ là phải đưa ra những ý kiến để khán
giả hiểu được tại sao đánh là hình thức kỉ luật tốt nhất với học sinh cấp 1.

 Chỉ có câu (c) mới giải thích được tại sao ta nên cho phép giáo viên đánh học
sinh.

 (a) và (b) chỉ giải thích về đánh, chứ ko nêu ra 1 cách trực tiếp mối quan hệ
giữa đánh và giữ kỉ luật

Những tuyên bố khác phù hợp cho phe Ủng hộ của kiến nghị này:

d) Đánh học sinh sẽ giảm tối đa khả năng học sinh tái phát vi phạm trong lớp

e) Khả năng bị đánh sẽ khiến những em chưa vi phạm không dám vi phạm

Giải thích (Reasoning – R)

(Chú ý: các ví dụ về R và E ở đây chỉ mang tính tham khảo, cần xem kỹ lại)

Thế nào là một R tốt?

Đó là R giải thích một cách logic tại sao C đúng. Giải thích logic là như thế
nào? (Xem nội dung của buổi 3 để thêm chi tiết)

 Diễn dịch: 1 chân lí => hiện tượng đơn lẻ

 Quy nạp: ngược lại với quy nạp

 Loại suy: Lấy B để giải thích A (tức so sánh)

18
 Phản chứng: liệt kê mọi (n) phương án loại hết n-1 để chứng minh một
phương án là hiệu quả nhất

Hãy xem xét và đánh giá sự phù hợp của từng R dưới đây. Những R đó thuộc
dạng nào? Tốt hay không tốt? Tại sao?

Ví dụ R1 :

Con người bình thường, và đặc biệt là người ít tuổi (vd cấp 1) sợ bị đau do đây
là phản xạ tự vệ tự nhiên của bộ não. Do vậy, khi cô giáo đánh học sinh vi phạm
kỉ luật trong lớp, cả lớp sẽ ngay lập tực quay trở lại trật tự:

- Em bị đánh không muốn bị đánh lần hai

- Các em khác sợ sẽ bị đánh như em vi phạm

Ví dụ R2:

Ta có những cách sau để nhắc nhở học sinh kỉ luật:

- Nhắc nhở bằng miệng: học sinh cấp 1 không đủ lớn để thực sự hiểu những
lời nhắc nhở của cô giáo. Kể cả nếu các em hiểu, thì nhắc nhở không thể là
một giải pháp tốt vì hành động vi phạm chính là hậu quả của sự không nghe
lời. Với học sinh không nghe lời, lời nói không có tác dụng

- Viết bản kiểm điểm: hình thức này cho phép chia sẻ việc kỉ luật giữa nhà
trường và phụ huynh. Tức là giáo viên ở đây mong chờ phụ huynh sẽ giải
quyết được vấn đề. Vì vậy, ta không thể đảm bảo được là học sinh sẽ thực sự
không dám tái phát vì điều đó phụ thuộc vào liệu bố mẹ có giỏi trong việc
giáo dục con cái không. Vả lại, chính sự thiếu ý thức của học sinh có nhiều
khả năng là bắt nguồn từ việc bất cần của bố mẹ trong việc giáo dục con.

19
Cho nên chia sẻ trách nhiệm trừng phạt với phụ huynh có ít khả năng thành
công

- Trừ điểm thi đua: không trực tiếp phạt học sinh và điểm thi đua không ảnh
hưởng đến học sinh. Thực ra chính những em vi phạm đồng thời là những
em không quan tâm đến thi đua của lớp vì nếu đã quan tâm thì những em đó
sẽ không vi phạm

- Trừ hạnh kiểm: không đủ lớn để nhận thức tầm quan trọng của điểm hạnh
kiểm

- Đánh: nhắc nhở tức thì là vi phạm = mình bị trừng phạt. Hình thực trừng
phạt trực tiếp ăn sâu vào trí nhớ của học sinh vì học sinh cảm thấy đau. Từ
đó học sinh sẽ liên tưởng đến sự kiện bị đánh đau mỗi khi định vi phạm

- Đuổi học: nếu đuổi thì nói làm gì, mục tiêu là giáo dục kỉ luật trong nhà
trường chứ không phải thấy ai hư thì đuổi và để gia đình và xã hội lo

 Đánh là tốt nhất để đảm bảo học sinh không tái phát

Ví dụ R3

Ý thức và nhận thức của học sinh cấp một không khác mấy con voi, con khỉ hay
con ngựa. Tương tự những con vật này, đánh là hình thức tốt nhất để điều khiển
trẻ em và giáo dục chúng cái gì đúng, cái gì sai.

Ví dụ R4:

Có thống kê là cứ đánh 1 học sinh thì cả lớp trật tự

Có thống kê là cứ đánh 50% lớp thì cả lớp trật tự

20
Có thống kê là cứ đánh 100% lớp thì cả lớp trật tự

 Đánh thì cả lớp trật tự

Bằng chứng (Evidence – E)

Cái gì tạo nên một E tốt?

Hãy xem xét và tự đánh giá những ví dụ sau đây:

Ví dụ E1:

Thương cho roi cho vọt! Xưa các cụ Đồ đã có những kỷ luật rất nghiêm khắc
đối với học trò lười nhác, dốt nát, hỗn láo: Phạt quỳ ngoài sân nắng, đánh roi
mây .... Các Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa... có thành danh, nên người
cũng nhờ những hình phạt đó.

Ví dụ E2:

Gershoff (2002) đã xem xét 88 bài nghiên cứu về tác động của việc đánh để kỉ
luật lên khả năng nghe lời của trẻ em. Kết quả là đánh thường đi đôi với sự nghe
lời tức thì của đứa trẻ.

Larzelere (2000): đánh nhẹ có tác dụng giảm sự không nghe lời và cả đánh
nhau.

Ví dụ E3

Các bạn hãy quan sát lớp học của chúng ta. Nếu tự nhiên tôi đánh hai em ở bàn
đầu vì nói chuyện riêng cả lớp sẽ phản ứng ra sao?

Ví dụ E4

21
Bà tôi kể với tôi rằng hồi bé đi học thầy cô nghiêm lắm. Ai hư là ăn đòn ngay.
Vì vậy mà học sinh hồi đó ngoan lắm, chứ không như bây giờ.

Ví dụ E5

Hồi cấp 1 tôi có 1 cô giáo rất nghiêm, ai hư thì đánh. Nên cả lớp sợ và luôn
nghe lời cô giáo. Trong khi đó lớp B bên cạnh thì cô chủ nhiệm hiền lắm, suốt
ngày mất trật tự.

Ví dụ E6

Theo nghiên cứu A, với những học sinh cấp 1 hay mất trật tự, lời dặn của cô
giáo chỉ có tác dụng với 3% trường hợp

Ví dụ E7

Học sinh thời nay là chuyên gia mạo chữ ký cha mẹ. Tôi đã đọc bài về học sinh
mạo chữ ký trên VnExpress

Ví dụ E8

Bây giờ chẳng ai quan tâm đến điểm thi đua. Học sinh chỉ quan tâm đến ca sỹ
Hàn Quốc và trò chơi điện tử

Một số tiêu chí cho dẫn chứng tốt

- Phù hợp với chủ đề - cái cần chứng minh (ở đây là C-R và mối liên hệ giữa
chúng):

+ Tìm một bằng chứng nào đó càng gần với tác động của hình phạt bằng đòn
roi ở trường tiểu học càng tốt

22
+ Cân nhắc bối cảnh về không gian, thời gian mà trận tranh biện đang tập
trung. Do bối cảnh tranh biện ở Việt Nam nên là tốt nhất nếu dẫn chứng lấy
ở Việt Nam. Hoặc các ví dụ nếu đề cập đến thời gian hiện tại sẽ tốt hơn ví dụ
mang tính lịch sử, trừ phi bạn chứng minh thêm được rằng khoảng cách thời
gian không ảnh hưởng đến tác động của hình phạt bằng đòn roi

- Phù hợp với khán giả/ người theo dõi trận tranh biện: có thể lựa chọn những
quan sát hoặc trải nghiệm cá nhân của bạn, nhưng cần đảm bảo chúng cũng
tương đồng hoặc chấp nhận được đối với những gì khán giả trải nghiệm/
nghĩ/ biết.

- Cân nhắc về nguồn dẫn chứng:

+ Danh tiếng: nguồn này có khả năng bị chứng minh là sai như thế nào?

+ Có thể nghe thấy, nhận biết được: đặt nguồn dẫn chứng ở vị trí mà người
nghe có thể nhận biết được dễ dàng, ví dụ: các bà già nói rằng trẻ con bây
giờ nghịch hơn trẻ con ngày trước

+ Lợi ích: liệu nguồn có che giấu hoặc tiết lộ các chi tiết thông tin mà việc
đó có thể có lợi cho quyền lợi cá nhân của người đứng đằng sau hay không?

+ Tính chuyên môn: liệu nguồn này đã trải nghiệm đủ để có thể tạo ra kết
luận đúng đắn cho vấn đề cần giải quyết chưa?

+ Tính trung lập: liệu nguồn có cố gắng làm hài lòng một bên liên quan nào
không?

Ta có 2 loại dẫn chứng:

- Định lượng: thực tế (fact)

23
- Định tính: sự thật, chân lý (truth)

Hãy xét đến những criteria cho một E tốt nêu trên và tự rút ra:

- Khi nào ta nên dùng E định lượng, khi nào E định tính

- E định lượng có mạnh hơn E định tính không? Tại sao?

2.2. Nội dung 2: Thiết lập thành Hệ thống

 Bước 1: Tìm hiểu kiến nghị. Xác định vấn đề cần giải quyết và hướng tiếp
cận của phe mình.
 Bước 2: Viết ra giấy những lý do để bạn cần để Ủng hộ hoặc Phản đối kiến
nghị
 Bước 3: Từ những lý do đã có, hãy xác định các tiêu chí dựa trên vấn đề
chính cần giải quyết và hướng tiếp cận của phe mình để có thể biết được lý
do nào là mạnh nhất để khẳng định lập trường của phe mình. Đánh giá tương
tự với các lý do còn lại. Có thể xếp chúng thành các dạng: mạnh, trung bình,
yếu.
 Bước 4: Từ những lý do được đánh giá là ‘mạnh’, hãy xây dựng các luận
điểm tương ứng như cấu trúc đã gợi ý phía trên. Tiếp tục sử dụng các công
cụ đã hướng dẫn để chỉnh sửa luận điểm tốt hơn. Nếu thời gian chuẩn bị còn,
có thể tiếp tục làm tương tự với các lý do ở mức trung bình, để trong trường
hợp thời gian còn thừa, hoặc để ứng phó với những lập luận của đối phương
khi phản biện. Cách để ‘phân cấp’ luận điểm là: Xác định những thông tin,
yếu tố không thể chứng minh được trong danh sách và loại bỏ chúng. Những
thứ mà bạn không thể diễn giải một cách hợp lý, logic cũng cần phải loại bỏ
hoặc ngắn gọn, để đỡ mất thời gian quý báu cho việc bảo vệ những lập luận

24
tốt hơn của mình. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các luận điểm của mình để dành
thời gian tập trung vào những luận điểm mạnh nhất, quan trọng nhất.

Xây dựng phiên tranh biện của Phe Ủng hộ


 Bước 1: Xử lý kiến nghị: Xác định yếu tố gây tranh cãi
Viết lại ý tưởng của bạn để trả lời các câu hỏi sau:
- Tình trạng hiện tại là gì? Có sự kiện nào xảy ra gần đây liên quan đến vấn đề
này không?
- Vấn đề mà cả cuộc tranh biện này nói tới là gì?
Ghi chú: Bước này giúp bạn có cái nhìn tổng quan rằng cái gì là vấn đề chính
của cuộc tranh biện, và hai phe nên tập trung vào. Đội Ủng hộ có gánh nặng
thiết lập chiến trường và giúp khán giả hiểu cuộc tranh biện về cái gì và tại
sao họ cần lắng nghe (vì vấn đề có ý nghĩa/ quan trọng với họ - quan trọng
như thế nào cũng cần được nhấn mạnh thuyết phục)
 Bước 3: Đưa ra một nhận định hai chiều về cuộc tranh biện – chính là hướng
tiếp cận/ chiến trận đã giảng ở bài trước.
Nhận định này có tính chất là được trả lời bằng Có hoặc Không.
Ghi chú: Bước này giúp thiết lập sự phân chia rõ ràng giữa hai phe trong
cuộc tranh biện – cả sự đồng tình hoặc không đồng tình với nhận định đều có
một vị trí phù hợp – tạo điều kiện để trận tranh biện diễn ra, nơi chúng ta có
thể nhìn thấy xung đột rõ ràng. Cần kiểm tra lại nếu nhận định này lặp lại
kiến nghị. Nhận định này có thể là xương sống hoặc luận điểm chính trong
phiên tranh biện của phe Ủng hộ.
 Bước 4: Định nghĩa cuộc tranh biện
Đến bước này, phe Ủng hộ đã phải thể hiện được rõ ràng là chủ đề này có ý
nghĩa gì, bằng cách giải thích các thuật ngữ, từ ngữ khó hiểu hoặc có thể gây
tranh cãi liên quan. Do đó, bước này không có nghĩa là giải thích lại từng từ
25
ngữ trong kiến nghị, mà là xác định cuộc tranh biện thuộc một trong các loại
nào sau đây:
- Tranh biện về chính sách: trong rất nhiều cuộc tranh biện, định nghĩa cuộc
tranh biện có nghĩa là đưa ra giải pháp của nhóm bạn hoặc mô hình để giải
quyết vấn đề gây tranh cãi. Chi tiết của mô hình cần phải bao trùm cả phạm
vi của cuộc tranh biện. Bạn phải trình bày phiên của mình thật rõ ràng để
từng luận điểm có thể được phân tích và đánh giá.
- Tranh biện về Giá trị: Có những cuộc tranh biện không phải để đưa ra và
tranh luận về một giải pháp, mà để đánh giá một cái gì đó. Ví dụ: Định
nghĩa của bạn về chủ đề của cuộc tranh biện phải thiết lập một (hệ thống các)
tiêu chuẩn được dùng để đánh giá vấn đề. Bước định nghĩa là rất quan trọng
và cần tính tư duy cao vì nó cung cấp cho phe của bạn (và phe đối phương!)
những tiêu chuẩn rõ ràng để đưa ra và đánh giá luận điểm của nhóm mình.
Hãy nhớ rằng: đừng bao giờ nên cố gắng giành chiến thắng bằng định nghĩa
của mình (cho dù đó là mô hình giải pháp hay hệ thống tiêu chuẩn). Mục
đích của bạn là thông qua định nghĩa cuộc tranh biện để đưa ra một cấu trúc
mạnh mẽ, chặt chẽ - thông qua đó cả hai phe có thể làm việc trên luận điểm
của đội kia.
Một số câu hỏi gợi ý:
- Xác định cuộc tranh biện thuộc dạng gì? (chính sách hay giá trị)
- Những từ ngữ, thuật ngữ nào cần phải được làm rõ, giải thích?
- Nếu đó là tranh biện về chính sách, giải pháp của bạn là gì?
- Nếu đó là tranh biện về giá trị, hệ thống tiêu chuẩn được dùng để đánh giá là
gì? (Đó là tiêu chí bạn sử dụng để đánh giá một thứ gì đó.)
 Bước 5: Xây dựng luận điểm
Lập danh sách những gì mà bạn cần phải sử dụng để chứng minh cho phiên
tranh biện của nhóm mình – bất kỳ cái gì có ích cho phía tranh biện của bạn.
26
Nếu bạn bị tắc về ý tưởng, có thể nghĩ tới những nhóm người liên quan, mối
quan tâm của họ là gì và họ có thể bị ảnh hưởng thế nào bởi vấn đề đang
tranh cãi, hoặc bởi giải pháp của bạn.
Ví dụ: với kiến nghị “chính phủ nên cấm hút thuốc nơi công cộng” danh sách
của bạn nên bao gồm việc chứng minh rằng hút thuốc có ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sức khỏe của con người và vai trò của chính phủ là bảo đảm sức
khỏe cho người dân.
Sau đó chia nhỏ các ý tưởng và hình thành luận điểm, lập luận từ những ý
tưởng chính theo hướng dẫn ở trên.
Sắp xếp luận điểm thành hệ thống và xây dựng phiên tranh biện.

Phiên tranh biện lý tưởng của hai đội đối với kiến nghị dạng Chính sách

Phe Ủng hộ Phe Phản đối

1. Giới thiệu: đội mình, kiến nghị, Thông thường là chấp nhận
tổng quan vấn đề chính mà kiến
nghị đề cập

2. Định nghĩa cuộc tranh biện Chấp nhận hoặc Phản đối

Nếu phản đối định nghĩa cần phải làm


2 việc:

- Chứng minh định nghĩa của đối


phương bất công đối với đội
mình

27
- Đưa ra một định nghĩa khác
công bằng hơn cho hai đội và có
thể tranh biện được

3. Vấn đề/ Rắc rối cần giải quyết - Rắc rối đó không tồn tại

- Rắc rối tồn tại nhưng phản đối


nguyên nhân gây ra rắc rối

4. Kế hoạch/ Mô hình giải quyết - Không thực hiện được


rắc rối
- Không giải quyết được vấn đề,
- Thực hiện được thậm chí phát sinh vấn đề mới

- Giải quyết được vấn đề - Chi phí nhiều hơn lợi ích

- Lợi ích nhiều hơn chi phí - Có giải pháp tốt hơn

Ví dụ: Xây dựng phiên tranh biện cho hai phe đối với kiến nghị dạng chính sách
đơn giản: Chính phủ nên cấm hút thuốc lá nơi công cộng/ Nên giáo dục giới tính
cho học sinh từ lớp 4.

28
III. BUỔI 3: Ngụy biện và Thực hành

Mục tiêu buổi học:


- Người học hiểu thế nào là ngụy biện và nắm được các loại ngụy biện
thường gặp
- Người học ứng dụng kiến thức về ngụy biện để tự phát hiện lỗi lập luận
của mình

A. Hoạt động trong lớp:


- Hoạt động 1: F kể 2-3 truyện cười (có liên quan đến ngụy biện). Tại sao
những truyện này lại gây cười? Thảo luận tự do trong lớp.
- Hoạt động 2: Giới thiệu Nan đề Xe điện. Thông qua việc chọn giải pháp và
tại sao L chọn giải pháp đó, F nêu vấn đề: Tại sao các lập luận (câu trả lời)
này có thể bị phản bác?
Câu hỏi dẫn dắt:
+ Tại sao các lập luận luôn “có vấn đề”?
+ Tại sao có thể dễ dàng phản bác một số lập luận, và lại khó có thể phản bác
một vài lập luận khác, dù bạn có thể nhận thấy chúng “có vấn đề”?
- Hoạt động 3: Các nhóm tự kiểm tra chéo phần chuẩn bị CRE (bài về nhà
buổi 2) để tìm ngụy biện. F tổng hợp một số luận điểm phù hợp nhất để tìm
ngụy biện, viết lên bảng và cả lớp cùng thảo luận/ theo nhóm.
- Hoạt động 4: Lớp học (30 người) được chia thành 6 nhóm. F cung cấp cho
mỗi nhóm một bài báo, hoặc một đoạn quảng cáo (cứ hai nhóm thì có
chung một đề bài). Các nhóm đọc và thảo luận trong nhóm 20’ để tìm ra
những lỗi lập luận của bài báo/ đoạn quảng cáo. Sau đó các nhóm trình bày,
F tổng hợp và viết lên bảng.

29
- Hoạt động 5: Đóng vai (đóng kịch) để chỉ ra một số ngụy biện thường gặp
nhất. Các ngụy biện khác khó hơn sẽ được giảng ở dạng lý thuyết và lấy ví
dụ.

B. Tổng kết và lý thuyết


3.1. Nội dung 1: Giới thiệu giản lược Bốn quy luật cơ bản của tư duy
 Quy luật đồng nhất
Một sự vật sự việc phải được trình bày nhất quán, phải
A là A được dùng theo cùng một nghĩa, không được thay đổi
A≡A

Hệ quả 1: Luôn phải định nghĩa, xác định rõ điều mình muốn
trình bày
Hệ quả 2: Không đánh tráo khái niệm. Khi trình bày một khái niệm, phải
luôn nhất quán từ đầu đến cuối về khái niệm đó, không được mở đầu nói A
là A1, về sau lại nói A là A2
Hệ quả 3: Nhất quán trong tư duy. Khi suy nghĩ về một vấn đề, thì những suy
nghĩ sau phải nối tiếp suy nghĩ trước
 Quy luật cấm mâu thuẫn

A không thể vừa là A


vừa là không A
~(A ∧~A)

Một suy luận không thể vừa đúng vừa sai; hoặc hai suy luận trái ngược
nhau thì không thể cùng đúng
Hệ quả: Không tự mâu thuẫn trong tư duy, không thể đồng thời vừa phủ định
vừa khẳng định một điều gì đó.
30
 Quy luật bài trung

A hoặc không A

A ∨~A

Một suy luận chỉ có thể đúng hoặc sai, không thể có trường hợp thứ ba
Hệ quả: Lập luận triệt để: Muốn lập luận chặt chẽ thì không thể bỏ sót trường
hợp nào
 Quy luật túc lí
Một lập luận chỉ đúng khi nó có lí do đầy đủ làm căn cứ
Hệ quả 1: Luôn đặt câu hỏi “Tại sao lập luận này là đúng?” “Có thật là lí do
A làm cho lập luận đó đúng hay không?” “Lí do A có đúng hay không?”
Hệ quả 2: Trong cùng một hoàn cảnh, với các nguyên nhân khác giống nhau
thì sẽ cho cùng một kết quả
3.2. Nội dung 2: Giới thiệu giản lược Bốn kiểu suy luận cơ bản
 Diễn dịch là một phương pháp suy luận nhờ dựa vào các quy luật luận lý để
rút ra kết quả tất yếu từ một (hay nhiều) mệnh đề gọi là tiền đề.
Đơn giản là, diễn dịch là kiểu suy luận từ một quy luật lớn, rút ra được kết
luận về một vấn đề nhỏ hơn
VD: Tất cả kim loại dẫn điện
Sắt là kim loại
Vậy, sắt dẫn điện

 Quy nạp là quá trình lập luận mà trong đó tiên đề của lý lẽ được cho là
chứng minh cho kết luận nhưng không đảm bảo nó. Kiểu lập luận này được
dùng để gán tính chất hay quan hệ cho một phạm trù dựa trên các ví dụ của

31
phạm trù đó; hoặc để phát triển định luật dựa trên một số giới hạn các quan
sát của các hiện tượng lặp đi lặp lại
Đơn giản là, quy nạp là kiểu suy luận gộp từ rất nhiều hiện tượng nhỏ để rút
ra một kết luận mang tính quy luật, phổ quát
VD: Sắt dẫn điện
Đồng dẫn điện
Nhôm dẫn điện
….
Sắt, đồng, nhôm là kim loại
Vậy, kim loại dẫn điện
 Loại suy xuất phát từ sự giống nhau có thực của hai đối tượng đó, để đưa ra
kết luận.
VD: “Cá không ăn muối cá ươn / Con không nghe mẹ trăm đường con hư”
Chú ý: Lập luận loại suy rất yếu, vì sự tương tự nhất định giữa hai đối tượng
khó có thể chắc chắn rằng chúng có cùng tính chất (theo quy luật túc lí)
 Phản chứng là kiểu lập luận đưa ra hai lập luận ngược nhau, chỉ ra một lập
luận là sai, vì thế lập luận (theo hướng ngược lại) còn lại là đúng (theo quy
luật bài trung)
VD: thường thấy trong toán học, trong đó giả sử rằng định lí A là không
đúng, nếu tiếp tục phát triển định lí A (theo giả sử trên) thì sẽ dẫn đến một
điều hiển nhiên vô lí => định lí A phải đúng
Chú ý: Lập luận phản chứng yếu ở chỗ nó có thể không lường trước hết
được các trường hợp
Đây là các kiến thức nền tảng nhất để giúp L có thể hiểu tại sao một lập luận
lại có “vấn đề” do nó vi phạm vào các quy luật trên, từ đó là cơ sở để phân
loại các ngụy biện

32
3.3. Nội dung 3: Giới thiệu 10 loại ngụy biện thường gặp (xem chi tiết ở
phụ lục)

Ngụy biện “viện dẫn” Ngụy biện nhân quả Ngụy biện khác

Đám đông / Sự phổ Khái quát hóa vội vã Tấn công cá nhân
biến

Tính cảm Nguyên nhân đáng ngờ Lặp lại vấn đề

Uy tín / uy quyền Mẫu không điển hình Cá trích đỏ

Lịch sử / Truyền thống

Phụ lục 2: Trích dịch 10 lỗi ngụy biện trên từ cuốn “Fallacy” của Michael C.
Labossiere

33
IV. BUỔI 4: Phản biện và Khai thác xung đột

Mục tiêu buổi học


- Người học hiểu vai trò phản biện trong tranh biện và các bước phản biện
hiệu quả
- Người học thực hành phản biện bằng cách ứng dụng kiến thức đã học về
Xây dựng lập luận (buổi 2) và Ngụy biện (buổi 3)
- Người học hiểu vai trò của xung đột trong tranh biện

4.1. Nội dung 1: Phản biện


A. Hoạt động trong lớp:
- Hoạt động 1: Đồng ý, và…Đồng ý, nhưng…
- Hoạt động 2: Bốn bước phản biện

B. Tổng kết và lý thuyết:

Hai phiên tranh biện song song không tạo thành một cuộc tranh biện, cho dù
chúng rất quan trọng. Chúng ta cần cho chúng tương tác với nhau. Nếu nhóm
bạn chỉ trình bày và hỗ trợ cho luận điểm của chính mình thì không bao giờ là
đủ - bạn cần phải phản biện được luận điểm của nhóm đối phương.

Phản biện thật ra không khó. Khi bạn nghĩ kỹ về phản biện, bạn sẽ hiểu đó đơn
giản là chỉ ra sự khác biệt giữa luận điểm của bạn và luận điểm của đối phương.
Khi bạn tranh luận ở cả hai phía của cùng một vấn đề, những điểm khác biệt này
sẽ dễ dàng được tìm thấy và chỉ ra.

Cần lưu ý rằng, vai trò của bạn với tư cách là một người tranh biện là phản biện
luận điểm hoặc phiên tranh biện của đối phương, chứ không phải là người phán
xét hay trọng tài. Giả sử đối phương dùng quá thời gian cho phép để trình bày –
34
đó không phải việc của bạn để chỉ ra điều đó. Hoặc ví dụ, đối phương đưa ra
một luận điểm mà không cung cấp bằng chứng. Nếu bạn chỉ nói “Luận điểm
này không có bằng chứng” thì là chưa đủ, thay vào đó, người tranh biện phải chỉ
ra việc thiếu ví dụ sẽ làm luận điểm yếu ra sao vì không có bằng chứng: “Họ
đưa ra [X] là đúng, nhưng không đưa ra ví dụ để chứng minh điều đó. Trái lại,
chúng tôi cho rằng [Y] mới là đúng, và sẽ chứng minh nó bằng ví dụ sau
đây:…”

Phản biện hướng tiếp cận của đối phương

Cách phản biện thường gặp Cách phản biện tốt hơn

Rắc rối nằm trong phiên tranh biện Rắc rối chính trong phiên tranh biện
của họ nằm ở chủ đề mà họ lựa chọn, của họ nằm ở những giả định nằm
mà họ gọi là [X]. Điều này không bên dưới, mà họ gọi là [Y]. Không
đúng vì… có nghi ngờ rằng giả định này đóng
vai trò quan trọng trong cả phiên
tranh biện. Tuy nhiên, [Y] rõ ràng là
không đúng, vì…

Phản biện ví dụ và thống kê

Bản thân ví dụ và những con số thống kê không chứng minh điều gì cả. Vì thế,
nếu bạn phản biện ví dụ và thống kê của đối phương, bạn cần cân nhắc và tranh
luận về tính hợp lý cũng như bối cảnh của chúng trong trận debate. Nói một
cách đơn giản, sẽ rất hiệu quả để phản biện ví dụ hoặc thống kê mà đối phương
đưa ra, nếu bạn chỉ ra được phiên tranh biện của họ phụ thuộc vào dữ liệu đó ra
sao.
35
Phản biện phần phản biện của đối phương

Bạn phải đưa ra phản hồi cho những gì đối phương đã nói về luận điểm của bạn
– nghĩa là phản biện phần phản biện của họ. Nếu có một luận điểm nào bị đối
phương phản biện rồi mà bạn không tiếp tục phản hồi nữa thì điều đó có nghĩa
đối phương thắng bạn ở luận điểm đó. (Nguyên tắc của tranh biện: Im lặng là
đồng ý!)

Nhìn chung mặc dù việc ủng hộ cho phiên của nhóm mình là quan trọng, nhưng
luôn cần ghi nhớ rằng nhiệm vụ chính nhất vẫn là nhằm phản biện được phiên
của đối phương. Khi phản biện phần phản biện của đối phương, cần dựa vào chi
tiết của những luận điểm chính mà nhóm mình đã xây dựng và trình bày.

Phản biện kỹ lưỡng!

Người tranh biện cần tập trung vào vấn đề chính của cuộc tranh biện khi chuẩn
bị phần phản biện của mình – bạn cần chuẩn bị nhiều thời gian hơn cho những
phản biện liên quan trực tiếp đến vấn đề chính, và cần dựa vào hướng tiếp cận
chính của đội mình để mọi thứ bạn trình bày ra mang tính thống nhất.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trọng tài hay khán giả cũng hiểu về vấn đề
chính giống như cách bạn nghĩ. Vì thế, việc bạn phản biện một cách kỹ lưỡng là
rất quan trọng. Bạn phải làm việc trên từng luận điểm, ví dụ hoặc cách tiếp cận
chung của đối phương. Điều này không có nghĩa là sử dụng thời gian cho mọi
thứ như nhau nhưng rõ ràng là bạn cần phản biện lại tất cả những ý quan trọng
nhất. Ví dụ, nếu bạn muốn chỉ ra lập luận nào đó là thiếu logic, bạn cần nói rõ
“Tôi đã nói về luận điểm này của họ, và cũng đã chỉ ra ví dụ [X] và [Y] là một
phần của luận điểm đó, không liên quan gì đến cách tiếp cận và mô hình tranh
biện của nhóm họ.” Điều này cũng giúp tránh việc trọng tài có thể nghĩ “Anh ta

36
phản biện tốt ý tưởng chính đằng sau luận điểm, nhưng tôi vẫn thấy ví dụ thuyết
phục.”

Người trình bày cuối cùng của nhóm có gánh nặng là phải chỉ ra bất kỳ những gì
đã bị phản biện trong cuộc tranh biện – những xung đột. Người này phải ghi
chép lại tất cả những gì đã được nhắc đến và đưa ra câu trả lời cho những xung
đột nảy sinh qua suốt cuộc tranh biện – hoặc bằng cách phản biện trực tiếp, hoặc
bằng cách chỉ ra xung đột đó đã được giải quyết ở chỗ nào đó.

Chuẩn bị phản biện

Phản biện hiệu quả không có nghĩa là chuẩn bị trước là mình sẽ nói cái gì khi
phản biện – điều đó gần như là không thể, và không hợp lý, vì chúng ta phải
phản biện dựa trên những gì đối phương sẽ nói trong trận tranh biện.

Cách tốt nhất để chuẩn bị phản biện là tập hợp cả nhóm và nghĩ về những lập
luận hoặc dẫn chứng mà đối phương có khả năng sử dụng. Sau đó cả nhóm sẽ
lựa chọn cách tiếp cận chung để đối phó với những vấn đề này. Cách tiếp cận sẽ
đảm bảo sự linh hoạt khi phản biện trên thực tế.

4.1. Nội dung 2: Khai thác các xung đột chính


A. Hoạt động trong lớp:
- Hoạt động 1: Đóng vai 4 người ở hai vị trí đầu tiên của hai đội, và lần lượt
chỉ định người để đóng vai làm người cuối cùng làm nhiệm vụ tổng kết các
xung đột chính diễn ra trong trận tranh biện.
B. Tổng kết và lý thuyết:
Việc tranh biện đòi hỏi phải làm phát sinh các xung đột liên quan trực tiếp
đến chủ đề tranh biện. Các xung đột được tạo ra khi một người tranh biện
phản hồi trực tiếp bằng cách bác bỏ lập luận do một người tranh biện khác

37
đưa ra trước đó. Việc đảm bảo để những người tranh biện phản hồi trực tiếp
lập luận của nhau là rất quan trọng để giúp người quan sát cuộc tranh biện có
thể ra quyết định tốt hơn dựa trên việc giải quyết xung đột đó. Trong thi đấu
tranh biện, đội tranh biện nào càng có nhiều phản hồi trực tiếp bằng các lập
luận chặt chẽ hơn, và có khả năng giải quyết các mâu thuẫn trong lập luận tốt
hơn thì càng có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.
Cuộc tranh biện không thể được tạo ra bởi những tuyên bố không liên quan
đến nhau, cho dù trên thực tế chúng nghe có vẻ liên quan đến nhau. Ví dụ:
Người tranh biện 1: Công cụ tìm kiếm Google làm cho người sử dụng trở
thành bị động trong việc xử lý thông tin.
Người tranh biện 2: Việc tra cứu thông tin trên Google thực chất làm cho
người sử dụng thông minh hơn vì cần phải biết nhiều kỹ năng hơn.
Những lập luận kiểu này rất thường gặp trong tranh biện thi đấu và cả hội
thoại đời thường, bởi khi phân tích thì những tuyên bố mà chúng muốn
chứng minh không hề liên quan và được phát sinh từ lập luận đã có trước đó.
Do đó, gánh nặng thứ hai rất quan trọng của người tranh biện, ngoài việc
trình bày lập luận của mình một cách rõ ràng và thuyết phục, là phải phản
biện một cách trực tiếp vào lập luận của đối phương. Người phản biện cần
phải làm nổi bật được sự khác biệt trong lập luận của mình và lập luận của
đối phương, từ đó tạo điều kiện cho người quan sát cuộc tranh biện nhận ra
được các xung đột cơ bản và tìm cách giải quyết được các xung đột đó.
Bốn bước Phản biện
 Bước 1: “Họ cho rằng…”
Cần lưu ý rằng trong một cuộc tranh biện, mỗi bên sẽ trình bày rất nhiều lập
luận khác nhau. Trên thực tế, với những người tranh biện ít kinh nghiệm
hoặc chuẩn bị chưa tốt thì đôi khi việc trình bày các lập luận này rất phức tạp
và không có hệ thống – điều này khiến cho việc theo dõi của khán giả và
38
trọng tài trở nên khó khăn. Vì thế, trước khi đi thẳng vào ý phản biện, người
tranh biện cần nêu lại lập luận của đối phương mà mình muốn phản đối.
Muốn làm được việc này còn cần đến khả năng ghi chép và tư duy nhanh
nhạy để lưu ý lại và phản biện thành công những lập luận có chỗ hổng của
đối phương.
Một lưu ý nữa là tránh việc lặp lại y nguyên những gì mà đối phương đã
trình bày ở phần lập luận của họ. Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian trình
bày của chính mình. Người tranh biện cần tóm tắt lại ý chính và khéo léo
diễn đạt lại để người theo dõi cuộc tranh biện thấy rõ được tính ‘phản biện
trực tiếp’ khi người này trình bày phần phản biện của mình, nhờ đó mà xung
đột trong lập luận sẽ dễ nhận ra.
 Bước 2: “Nhưng chúng tôi không đồng tình…”
Ở bước này, người tranh biện cần nêu ra điểm cốt yếu trong lập luận phản
biện của mình. Đây có thể đơn giản là sự khác biệt cơ bản giữa điều mà bạn
và đối phương muốn chứng minh. Đây cũng có thể là sự phản công trực tiếp
vào phần giải thích hoặc bằng chứng của đối phương. Điều quan trọng nhất
cần phải làm là việc nêu ra một cách trực tiếp và rõ ràng phần mà bạn muốn
phản biện trong lập luận của người tranh biện phía bên kia.
 Bước 3: “Vì…”
Để làm rõ nội dung phản biện của mình, bạn cần bổ sung thêm lý do cho
tuyên bố đã đưa ra ở bước 2. Lý do này có thể là phần giải thích của tuyên bố
đó, cũng có thể là việc phân tích yếu tố không chặt chẽ trong lập luận của đối
phương.
 Bước 4: “Vì thế…”
Cuối cùng, hãy kết luận ngắn gọn để nêu bật một lần nữa sự khác biệt trong
lập luận của đối phương và phần phản biện của bạn. Kết luận này cần trả lời
được câu hỏi vì sau phần phản biện của bạn lại chặt chẽ hơn, hợp lý hơn và
39
vì thế xứng đáng giành phần thắng hơn. Có thể thông qua những cách sau để
trả lời câu hỏi đó:
- Cho thấy lập luận của bạn được giải thích tốt hơn
- Cho thấy lập luận của bạn có dẫn chứng thuyết phục hơn
- Cho thấy lập luận của bạn đem lại vấn đề đáng quan tâm hơn của họ, hoặc
lập luận của họ đề xuất một vấn đề không thực sự quan trọng
- Cho thấy lập luận của bạn phù hợp hơn với bối cảnh mà cuộc tranh biện
đang nói tới

40
V. BUỔI 5: Hình thức thi đấu và Thử sức

Mục tiêu buổi học


- Người học hiểu cách thức thi đấu tranh biện theo mô hình World
School và thực hành theo
- Người học nhận được nhận xét và hiểu các vấn đề liên quan đến tư
duy và trình bày tư duy theo các tiêu chí đánh giá được công khai
- Người học nắm được cách đặt câu hỏi trong tranh biện

5.1. Nội dung 1: Giới thiệu hình thức thi đấu


Phụ lục 3: Mô hình tranh biện 3x3 (World School)
5.2. Nội dung 2: Đặt câu hỏi
A. Hoạt động trong lớp:
- Hoạt động 1: F cung cấp một đoạn ngắn. Sau khi đọc, L có 2 phút để đặt
càng nhiều câu hỏi càng tốt, liên quan đến phần vừa đọc. Sau đó cả lớp thảo
luận để đánh giá xem câu hỏi nào tốt.
- Hoạt động 2: Lớp được chia thành các nhóm 2 người. Một người bắt đầu
trước với một nhận định đơn giản, ví dụ: Tôi không thích đến trường. Người
kia sẽ hỏi: Tại sao? Người đầu tiên phải đưa ra một lý do để trả lời câu hỏi
đó, ví dụ: Vì đến trường phải tuân theo các nguyên tắc. Việc hỏi đáp Vì sao
sẽ tiếp tục cho đến khi vấn đề tương đối cạn kiệt và làm hài lòng người hỏi.
Sau đó hoán đổi vị trí. F mời một số nhóm lên trình bày lượt hỏi đáp của
nhóm mình.
B. Tổng kết và lý thuyết:
Có hai mục đích của việc ‘đặt câu hỏi’ trong tranh biện:
- Xác định vấn đề cần giải quyết, hướng tiếp cận và chuẩn bị hiệu quả
- Chất vấn đối phương trong quá trình tranh biện

41
Đối với mục đích thứ nhất, các câu hỏi gợi ý là:
- Tại sao chúng ta cần phải tranh biện về kiến nghị này?
- Kiến nghị yêu cầu điều gì? Người thiết lập ra kiến nghị/ người nghe mong
đợi chúng ta tranh biện về cái gì?
- Có từ ngữ nào trong kiến nghị khó hiểu và mở ra nhiều cách hiểu khác nhau,
do đó, cần phải được xác định dứt khoát?
- Những vấn đề chính là gì? (liệt kê)
- Giải pháp có thể có là gì?
- Ai là những người thực hiện/ tham gia? (Chính, phụ)
- Có những nguyên tắc, khái niệm, ý tưởng nào liên quan?
Lưu ý: Có một cách khác để phân tích Kiến nghị, hãy tìm Ba thứ: Đối tượng,
Thái độ, Bối cảnh.
Để làm rõ mục đích thứ hai, hầu hết các hình thức tranh biện theo luật đều có
phần hỏi-đáp hay còn gọi là Chất vấn, trong đó các đội tham gia cuộc tranh
biện được phép đặt câu hỏi cho đội đang trình bày. Việc đặt câu hỏi có thể
nhằm làm rõ nội dung đã được trình bày, nhưng với những người tranh biện
có kinh nghiệm, đây là cơ hội tuyệt vời để khéo léo chỉ ra lỗ hổng trong lập
luận của họ.
Cách để đặt câu hỏi cho đối phương nhanh và tốt:
- Có ngụy biện nào trong luận điểm không?
- Có giả định nào không được chứng minh trong luận điểm không?
- Tác động có phù hợp không?
- Luận điểm có đủ thành phần chưa?

Những điều Nên làm khi Đặt câu hỏi

- Nhìn giám khảo và khán giả chứ không phải đối phương của bạn

42
(Hãy nhớ rằng, việc của bạn là thuyết phục giám khảo và khán giả. Việc của đối
phương dĩ nhiên là không đồng tình với những gì bạn đưa ra!)

- Lịch sự nhưng cứng rắn

- Chuẩn bị kỹ câu hỏi

- Đưa ra câu hỏi một cách chiến lược, bằng cách:

+ Dẫn dắt đối phương theo hướng có lợi cho mình

+ Làm nổi bật sự mâu thuẫn trong lập luận của đối phương

+ Đặt nền tảng cho luận điểm mới của mình

+ Nhắc khán giả hình dung về luận điểm lớn mà đối phương không tập trung
tới

+ Hài hước một chút, nếu phù hợp và bạn có khả năng

- Khi trả lời POI, hãy lưu ý:

+ Cân nhắc câu trả lời của mình tác động thế nào tới phần còn lại của cuộc
tranh biện

+ Đảm bảo rằng câu trả lời không trái ngược với những gì bạn hoặc đồng đội
của bạn đã nói trước đó

Những điều Không Nên khi đặt câu hỏi

- Hỏi những câu mang tính cá nhân hoặc thô lỗ

- Nhìn vào đối phương khi hỏi hoặc trả lời POIs

43
- Dùng câu hỏi dài một cách không cần thiết

- Đưa ra một nhận định dài và kết thúc bằng câu “Bạn nghĩ sao về điều đó?”

- Đứng dậy và đưa ra câu hỏi khi bạn chưa có sự chuẩn bị

- Quá nhiều hoặc quá ít câu hỏi

- Hãy nhớ, phải kiểm soát thời gian

- Nhưng nếu không đưa ra câu hỏi nào, khán giả sẽ nghĩ bạn không tự tin với
luận điểm của mình

- Thông thường, con số hợp lý nằm trong khoảng từ 2 đến 4

5.3. Nội dung 3: Thi đấu và Nhận xét


Phụ lục 4: Bảng chấm điểm thi đấu tranh biện 3x3 (World School)
Tiêu chí đánh giá phần trình diễn tranh biện của hai đội
 Nội dung (vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc tranh biện, cách giải
quyết): 40%
 Hành vi (ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt, giọng nói..): 40%
 Phương pháp (cách thức bố trí luận điểm..): 20%

44
VI. BUỔI 6: Chuẩn bị và Ghi chép trong Tranh biện.

Mục tiêu buổi học


- Người học tiếp tục được thi đấu và nhận xét về tư duy và truyền đạt tư
duy của mình trong tranh biện
- Người học rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị trước khi thi đấu
Tranh biện
- Người học nắm được phương pháp ghi chép trong thi đấu Tranh biện

6.1. Nội dung 1: Một số hướng dẫn trong ghi chép nói chung

- Xác định từ khóa: Từ khóa là các từ:

+ Các từ thể hiện chủ đề của bài nói

+ Các từ được lặp lại nhiều nhất

+ Các thuật ngữ chuyên môn (nếu có)

+ Các từ được nói đến bằng ngữ điệu đặc biệt

+ Các từ được diễn giả yêu cầu người nghe chú ý

+ Các từ được sử dụng một cách bất thường

+ Các số liệu quan trọng (cần được đóng khung)

Chú ý: Gạch chân hoặc đóng khung các từ được cho là cần thiết nhất
- Cấu trúc những gì nghe được dưới dạng thứ tự 1, 2, 3 hoặc gạch đầu dòng
+ Phân chia bài nói thành các phần nhỏ theo outline của người nói (nếu có)
hoặc tự người ghi phải đánh số theo sự phân chua của mình

45
+ Những phần tạm thời không thể phân chia được, đánh dấu (*)
+ Chú ý phân chia thành nhiều lớp khác nhau (ví dụ 1, 1.1, 1.2, 1.2.1,…)
+ Đánh dấu mũi tên nối các phần có quan hệ chặt chẽ với nhau
- Mô hình hóa các lập luận được đưa ra
+ Chú ý tránh ghi chép dưới dạng câu nói (trừ khi cần trích dẫn trực tiếp
trong “ “)
+ Chuyển các câu của người nói thành các mô hình phổ biến như A=> B, A
>< B,….)
- Đánh giá nhanh của người ghi chép
+ Lập tức ghi chép lại các cảm xúc, đánh giá thoáng quá của mình (khi đang
nghe) ra lề phải của giấy
+ Ghi chép các ý mới nảy ra trong đầu mình khi nghe xuống góc dưới giấy

6.2. Nội dung 2: Cách ghi chép để theo dõi diễn biến một trận thi đấu
tranh biện

46
Phụ lục 5: Ví dụ ghi chép một tranh biện

6.3. Nội dung 3: Nghiên cứu, chuẩn bị thông tin cho trận tranh biện

A. Hoạt động trong lớp:

- Hoạt động 1: L trình bày phần chuẩn bị của mình trước cuộc tranh biện. L tự
đánh giá ưu nhược điểm của việc chuẩn bị đó

- Hoạt động 2: F tổng kết lại những phần chưa được trong 2 cuộc tranh biện,
đưa các phương án khắc phục.

B. Tổng kết và lý thuyết:

Một vài chiến lược nghiên cứu để tranh biện hiệu quả

- Đọc tổng quan: Đọc /google bất kì tài liệu nào liên quan đến vấn đề, rồi bắt
đầu chọn các E cần thiết. lập các R tương ứng

- Đọc trọng điểm: Chỉ đọc các bài có uy tín (do nhà khoa học có uy tín viết,
bài trên web của chính phủ,…) để tìm các ý chính rồi tự phát triển thêm

- Đọc có chủ định: Dùng ý kiến chủ quan của mình để lập các R, tập trung tìm
tài liệu theo sườn các R đã có. Dần dần điều chỉnh các R (chủ quan) theo các
tài liệu tìm được

- Chọn mẫu điển hình: Tìm các E đã có về vấn đề (ví dụ: nước Mĩ đã cấm hút
thuốc nơi công cộng), so sánh các E đó với tình hình thực tế (vậy VN có gì
giống /khác Mĩ trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng)

- Phân tích chi phí – cơ hội (cho các kiến nghị dạng chính sách)

- Phân tích khái niệm (cho các kiến nghị dạng giá trị)
47
Một số thao tác cần có

- Thao tác phân tích: Chia nhỏ vấn đề thành các phần (xác định tiêu chí chia)

- Thao tác so sánh

- Đánh giá dẫn chứng E (quan trọng nhất)

- Tự đặt trường hợp giả định và tự phản biện

Phụ lục 6: Gợi ý trình tự các công việc cần chuẩn bị cho cả hai phe

Phụ lục 7: Một số hướng dẫn về kiến nghị cho trước của chương trình Vietnam
Youth to Debate

48
8. Học liệu

Học liệu bắt buộc: là nội dung chi tiết môn học ở phần 5.

Học liệu tham khảo:

8.1. Website

- International Debate Education Association, http://idebate.org/

- http://debatewise.org/

- http://en.wikipedia.org/wiki/Debate

- http://www.idebate.org/

- http://www.ipdadebate.org/

- http://www.criticalthinking.org.uk/

8.2. Sách

- Simon Quinn, Debating, 2005, được phép tải về tại địa chỉ
www.learndebating.com

- International Debate Education Association, Discovering the world through


debate, 2005, IDEA Press Books

- Austin J. Freeley, 2000, Argumentation and Debate, Critical Thinking for


Reasoned Decision Making 12th, Wadsworth Press.

- International Debate Education Association, The Debatabase Book: A Must-


Have Guide for Successful Debate

49
- Jang – Hee Yoo, 2005, An Introduction to English Language Debate in Aisa,
Ewha Womans University Press.

- Michael C. Labossiere, 42 Fallacies, được phép tải về từ internet

- Besnard P, Hunter A, 2008, Elements of Argumentation, MIT Press

- Bohm D, 2003, Thought as system (bản ebook)

- McInerny D, 2004, Being Logical , Random House

- Priest G, 2000, LOGIC, a very short introducton, Oxford Press

- S. Morris Engel, Với Lý Luận Giỏi - Giới Thiệu Những Ngụy Biện Thông
Thường (bản ebook)

- Nguyễn Hiến Lê, 1965, Luyện lí trí (bản ebook)

- Nguyễn Duy Cần, 1943, Thuật tư tưởng (bản ebook)

- Tô Duy Hợp (2008), Logic học đại cương, NXB Khoa học Xã hội

- Liliane Haegeman, 2005, Thinking Syntactically: A Guide to Argumentation


and Analysis, Wiley-Blackwell

- Diệp Quang Ban, 2009, Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản, NXB Giáo
dục

- Nguyễn Minh Thuyết, 2000, Thực hành văn bản tiếng Việt, NXB Giáo dục

- Brown G, Yule G, 2002, Phân tích diễn ngôn, NXB Giáo dục

50

You might also like