You are on page 1of 14

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

--------------

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ


MÔN: Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam

ĐỀ BÀI 02: Thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét
xử phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm
2015
HỌ VÀ TÊN : Hoàng Bảo Trâm

MSSV : 453510

LỚP : 4535 – N08.TL1

Hà Nội, 2022
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 3
NỘI DUNG ........................................................................................................... 3
I. Quy định của pháp luật về thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án
cấp phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 ............... 3
1. Căn cứ sửa bản án sơ thẩm .................................................................. 3
2. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm ..................................... 5
2.1. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi
cho bị cáo .................................................................................................. 5
2.1.1. Trường hợp sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo.... 5
2.1.2. Điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo ....... 6
2.1.2.1. Không phụ thuộc vào hướng kháng cáo, kháng nghị ................... 6
2.1.2.2. Không phụ thuộc vào phạm vi kháng cáo, kháng nghị ................ 7
2.2. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có
lợi cho bị cáo ................................................................................................ 7
2.2.1. Trường hợp sửa bán án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị
cáo 7
2.2.2. Điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị
cáo 8
II. Đánh giá và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền sửa bản
án sơ thẩm của hội đồng xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố
tụng hình sự 2015 ........................................................................................... 9
1. Trường hợp sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo .......................... 9
2. Trường hợp sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo ............. 10
KẾT LUẬN ......................................................................................................... 12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................... 12
MỞ ĐẦU
Trong chế định về xét xử phúc thẩm, quyền sửa bản án sơ thẩm là một quyền
rất quan trọng của hội đồng xét xử phúc thẩm. Nếu không có quyền này, thì khi
các bản án sơ thẩm có sai sót sẽ không được sửa chữa khắc phục kịp thời. Nếu bất
kì sai sót nào của bản án sơ thẩm cũng phải hủy để xử lại hoặc y án để xét lại theo
thủ tục giám đốc thẩm sẽ vừa gây tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí, vừa
không kịp thời bảo vệ được quyền con người và tạo niềm tin của nhân dân vào
pháp luật. 1Quyền sửa bản án sơ thẩm giúp khắc phục được những hạn chế trên
nên rất cần thiết phải nghiên cứu sâu về nội dung này. Trong bài tiểu luận kết thúc
học phần này, em xin phép chọn đề bài số 2, đi sâu vào phân tích “Thẩm quyền
sửa bản án sơ thẩm của hội đồng xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố
tụng hình sự 2015”.

NỘI DUNG
I. Quy định của pháp luật về thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa
án cấp phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015
1. Căn cứ sửa bản án sơ thẩm

Căn cứ sửa bản án sơ thẩm được quy định tại khoản 1 điều 357 Bộ Luật TTHS
2015: “Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất,
mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì
Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm…”. Đây là quy định mới
so với Bộ Luật TTHS 2003, theo đó tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ
thẩm khi có một trong hai căn cứ sau:

1
Nguyễn Thị Thủy Tiên, Quyền sửa bản án sơ thẩm của hội đồng xét xử phúc thẩm theo Luật Tố tụng hình sự
Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, 2020
Căn cứ thứ nhất, bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ,
hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo. Đây là khi trường hợp nhận định
ban đầu và quyết định của bản án sơ thẩm không phù hợp, nặng hơn hoặc nhẹ hơn
so với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo.

Căn cứ thứ hai, khi có tình tiết mới. Đây là tình tiết mà bản án ở cấp sơ thẩm
đã bỏ sót, chưa xem xét đến nên dẫn đến nhận định, quyết định đưa ra không đúng,
làm có lợi hoặc gây bất lợi cho bị cáo, bị hại hoặc đương sự.

Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp khi có một trong hai căn cứ trên
thì tòa án phúc thẩm đều sửa bản án sơ thẩm. Chỉ có thể coi đó là căn cứ sửa bản
án sơ thẩm với điều kiện sau:

Một là, không thuộc trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, xét xử lại
hoặc đình chỉ vụ án. Trường hợp bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính
chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới
cho thấy có căn cứ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ
án thì tòa án cấp phúc thẩm không được sửa bản án, mà phải hủy bản án sơ thẩm
để điều tra lại, xét xử lại hoặc đình chỉnh vụ án để bảo đảm nguyên ắc tố tụng,
quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự (theo quy định tại điều 358,
359 Bộ Luật TTHS 2015). Ví dụ: A bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vì
tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; có kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu
xét xử A tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nếu có căn cứ bản án sơ thẩm đã tuyên
không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo
hoặc có tình tiết mới cho thấy A đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tòa án
cấp phúc thẩm không được sửa bản án sơ thẩm mà phải hủy bản án sơ thẩm để
điều tra lại vì đã có căn cứ khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản
án sơ thẩm (điểm a khoản 1 điều 358 Bộ Luật TTHS 2015).
Hai là, không vi phạm giới hạn xét xử sơ thẩm. Giới hạn xét xử theo sự việc
và giới hạn xét xử theo chủ thể được quy định tại khoản 1 điều 298 Bộ Luật TTHS
2015: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà viện kiểm
sát truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”. Kháng cáo, kháng nghị phúc
thẩm chỉ được thực hiện trong giới hạn xét xử sơ thẩm. Đối với giới hạn xét xử
theo chủ thể, tòa án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử đối với những bị cáo mà viện
kiểm sát truy tố và tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đưa ra xét xử. Đối với giới
hạn xét xử theo sự việc, tòa án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử đối với những hành
vi mà viện kiểm sát truy tố và tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đưa ra xét xử. Nếu
tòa án cấp phúc thẩm dựa vào những tình tiết mới, sửa bản án sơ thẩm đối với chủ
thể và hành vi mà viện kiểm sát không truy tố và tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa ra
xét xử thì lại không bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử, khi đó cấp xét xử sơ thẩm
bị tước bỏ.

2. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm


2.1. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị
cáo
2.1.1. Trường hợp sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo

Theo khoản 1 điều 357 Bộ Luật TTHS 2015, khi có căn cứ xác định bản án sơ
thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội,
nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa
bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ như sau:

Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình
phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp (điểm a khoản 1 điều 357): Miễn
trách nhiệm hình sự nghĩa là hội đồng xét xử phúc thẩm không buộc bị cáo phải
chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình trước đó mà bản án sơ
thẩm đã tuyên. Miễn hình phạt, cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung, hoặc chỉ
miễn hình phạt bổ sung. Ngoài ra bị cáo có thể không bị áp dụng các biện pháp tư
pháp2.

Áp dụng điều, khoản Bộ Luật hình sự về tội nhẹ hơn (điểm b khoản 1 điều 357):
Đây là quyền áp dụng điều luật về một tội nhẹ hơn hoặc áp dụng khoản có khung
hình phạt nhẹ hơn trong cùng một điều luật. Nếu tòa án cấp phúc thẩm áp dụng
điều khoản của BLHS về tội nhẹ hơn mà vẫn giữ nguyên mức hình phạt thì cũng
coi là sửa bản án sơ thẩm theo hướng nhẹ hơn đối với bị cáo.

Giảm hình phạt cho bị cáo (điểm c khoản 1 điều 357): Đây là trường hợp tòa
án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm mức thời hạn của hình phạt
so với thời hạn của hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên (thời hạn phạt tù, thời hạn
cải tạo không giam giữ).

Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng (điểm d khoản
1 điều 357): Hai trường hợp sửa án có lợi độc lập cùng được quy định chung tại
một điều d khoản 1.

Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn (điểm đ khoản 1 điều 357): Ví
dụ chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân, từ tù chung thân sang phạt tù
có thời hạn…

Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho bị cáo hưởng án treo (điểm e
khoản 1 điều 357): Có hai trường hợp: giữ nguyên mức phạt tù nhưng cho hưởng
án treo; hoặc giảm mức phạt tù đồng thời cho hưởng án treo.

2.1.2. Điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo
2.1.2.1. Không phụ thuộc vào hướng kháng cáo, kháng nghị

Kháng cáo, kháng nghị có thể theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị
cáo. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 điều 357 Bộ Luật TTHS 2015, hội đồng

2
Biện pháp tư pháp: Điều 46 Bộ Luật hình sự 2015
xét xử cấp phúc thẩm vẫn có thể có thể giảm hình phạt; áp dụng điều, khoản BLHS
về tội nhẹ hơn; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức
hình phạt tù và cho hưởng án treo; giảm mức bồi thường thiệt hại dù kháng cáo,
kháng nghị theo hướng tăng nặng.

2.1.2.2. Không phụ thuộc vào phạm vi kháng cáo, kháng nghị

Phạm vi kháng cáo, kháng nghị là giới hạn yêu cầu của chủ thể kháng cáo,
kháng nghị đòi hỏi tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ hay một phần bản án,
quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, ngoài việc khắc phục các vi phạm của hội đồng
xét xử sơ thẩm được nêu trong kháng cáo, kháng nghị, hội đồng xét xử phúc thẩm
còn có nhiệm vụ tự mình phát hiện các sai sót ở các phần của bản án sơ thẩm
không bị kháng cáo, kháng nghị và kịp thời khắc phục chúng. Khoản 3 điều 357
Bộ Luật TTHS 2015 quy định: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm
có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo
không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.” Như vậy, hội đồng xét
xử phúc thẩm có thể miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; không áp
dụng hình phạt bổ sung không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều, khoản
BLHS về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt; giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết
định xử lý vật chứng; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên
hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo đối với những bị cáo không
kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị nếu tự xét thấy có những căn cứ
có thể giảm nhẹ.

2.2. Trường hợp và điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có
lợi cho bị cáo
2.2.1. Trường hợp sửa bán án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo

Theo quy định tại khoản 2 điều 357 Bộ Luật TTHS 2015, các hình thức sửa
bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo bao gồm:
Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn; áp dụng hình
phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp (điểm a khoản 2 điều 357): Đối với
trường hợp tăng hình phạt, hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng hình phạt trong
khung mà hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng, ví dụ: tăng từ 01 năm tù giam lên
03 năm tù giam. Đối với áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn, có thể
chuyển từ áp dụng điều luật về tội danh nhẹ hơn sang áp dụng điều luật về tội danh
nặng hơn trong giới hạn truy tố của Viện kiểm sát; hoặc chuyển từ áp dụng khoản
có hình phạt nhẹ hơn sang áp dụng khoản có hình phạt nặng hơn trong cùng một
điều luật. Đối với áp dụng hình phạt bổ sung, áp dụng biện pháp tư pháp, có thể
áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung, một hoặc nhiều biện pháp tư pháp chưa
được áp dụng trong bản án sơ thẩm.

Tăng mức bồi thường thiệt hại (điểm b khoản 2 điều 357): Đây là trường hợp
có thể gây bất lợi cho bị cáo và cả bị đơn dân sự khi có kháng cáo, kháng nghị.
Nếu bản án sơ thẩm giải quyết bồi thường chưa thỏa đáng thì hội đồng xét xử phúc
thẩm có quyền xử tăng mức bồi thường đối với bị cáo.

Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn (điểm c khoản 2 điều 357):
Ví dụ: sửa từ hình phạt tù có thời hạn sang hình phạt tù chung thân; hoặc từ hình
phạt tù chung thân sang hình phạt tử hình…

Không cho bị cáo hưởng án treo (điểm d khoản 2 điều 357): Hội đồng xét xử
phúc thẩm thay đổi cách chấp hành hình phạt tù, quyết định giữ nguyên mức hình
phạt tù nhưng không cho hưởng án treo.

2.2.2. Điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo

Vẫn theo quy định tại khoản 2 điều 357 Bộ Luật TTHS 2015, hội đồng xét xử
phúc thẩm chỉ được sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo nếu có kháng
cáo hoặc kháng nghị. Có thể thấy yêu cầu về có kháng cáo, kháng nghị là điều
kiện bắt buộc để tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét sửa theo hướng xấu đi tình
trạng của bị cáo. Vì vậy, nếu trong trường hợp xét thấy bản án sơ thẩm áp dụng
hình phạt cho bị cáo còn quá nhẹ do có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp
luật, thì hội đồng xét xử phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại (theo
điểm đ khoản 2 điều 358) chứ không thể giữ lại và sửa bản án sơ thẩm.

Khi sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo, tòa án cấp phúc
thẩm không được vượt quá yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị. Cấp phúc thẩm có
thể áp dụng khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên
trong cùng một điều luật, nhưng khung hình phạt đó vẫn phải thuộc thẩm quyền
xét xử của tòa án cấp sơ thẩm. Ví dụ, Tòa án cấp huyện kết án bị cáo tội "Trộm
cắp tài sản" theo khoản 3 Điều 173 BLHS, tại phiên tòa phúc thẩm thấy có đủ
căn cứ thì HĐXX cũng không thể sửa án sơ thẩm kết án bị cáo theo khoản 4
điều 173 BLHS được, vì khoản 4 điều 173 BLHS có khung hình phạt từ 12 năm
đến 20 năm tù không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Ngoài ra,
hội đồng xét xử phúc thẩm có thể kết án bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội đã
tuyên trong bản án sơ thẩm với điều kiện trước đó VKS đã truy tố về tội danh
nặng hơn và Tòa án cấp sơ thẩm cũng xét xử bị cáo về tội danh VKS truy tố
nhưng không chấp nhận tội danh theo truy tố mà kết án bị cáo về tội danh nhẹ
hơn3.

II. Đánh giá và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền sửa bản
án sơ thẩm của hội đồng xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ
Luật Tố tụng hình sự 2015
1. Trường hợp sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo

Khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 chưa quy định thẩm quyền của Toà án
cấp phúc thẩm trong việc sửa căn cứ mà bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội.

3
Th.S Bùi Mạnh Thuyết, HĐXX phúc thẩm áp dụng quy định của BLHS về tội nặng hơn như thế nào?
(https://lsvn.vn/hdxx-phuc-tham-ap-dung-dieu-khoan-cua-blhs-ve-toi-nang-hon-nhu-the-nao1638270110.html)
truy cập ngày 08/06/2022
Trong khi đó, khoản 6 Điều 331 BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo được Toà án
tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định
là họ không có tội. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì hành
vi của bị cáo không phải là tội phạm. Bị cáo có quyền kháng cáo đề nghị tòa án
cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần căn cứ tuyên vô tội theo hướng có lợi
cho họ như không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội (theo khoản 1 điều
157 Bộ Luật TTHS 2015). Như vậy để tạo ra cơ sở pháp lý thực hiện hóa đầy đủ
quyền kháng cáo của bị cáo, cần bổ sung thêm điểm g tại khoản 1 điều 357 Bộ
Luật TTHS 2015 theo hướng quy định thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm
trong việc sửa căn cứ mà bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội như sau: “g)
Sửa phần căn cứ cho rằng bị cáo không có tội trong bản án sơ thẩm”.

Tại điểm d khoản 1 điều 357 quy định về một trường hợp sửa án có lợi cho bị
cáo là giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng. Ở trường
hợp sửa quyết định xử lý vật chứng, cần nói rõ là sửa theo hướng có lợi cho người
được áp dụng, để phân biệt với sửa quyết định xử lý vật chứng theo hướng bất lợi
cho người được áp dụng. Ngoài ra thực tế còn gặp bất cập về sửa quyết định xử lý
vật chứng là tài sản đang bị thế chấp4. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nào
quy định chi tiết về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản thế chấp.
Kiến nghị hướng dẫn chi tiết hơn về sửa quyết định xử lý vật chứng như sau: trả
lại toàn bộ hoặc một phần vật chứng là tài sản của người có quyền lợi và nghĩa
vụ liên quan đến vụ án; trả lại tài sản bị xác định sai là vật chứng của vụ án cho
chủ sở hữu; đồng thời hướng dẫn hướng sửa quyết định xử lý vật chứng trong
trường hợp tài sản là vật chứng đang thế chấp theo tinh thần bảo đảm quyền lợi
của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

2. Trường hợp sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo

4
Nguyễn Phương Anh, Xử lý vật chứng vụ án hình sự là tài sản thế chấp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 01
(401), 2020
Khoản 2 điều 357 Bộ Luật TTHS 2015 quy định bị hại là chủ thể duy nhất có
quyền kháng cáo theo hướng không có lợi cho bị cáo. Như vậy, hội đồng xét xử
phúc thẩm không được sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo nếu kháng
cáo đến từ các chủ thể khác như: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án, người đại diện của bị hại… Trong khi đó điều 331 Bộ Luật TTHS 2015 lại quy
định những chủ thể này hoàn toàn có quyền kháng cáo. Như vậy có sự mâu thuẫn
ở đây khi Bộ Luật TTHS 2015 quy định những chủ thể có quyền kháng cáo nhưng
lại không quy định về việc chấp nhận kháng cáo của họ để sửa bản án sơ thẩm.
Trong thực tế xét xử, không phải lúc nào bị hại cũng có khả năng tự mình kháng
cáo (trừ trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, có nhược điểm về tâm thần, thể
chất, bị hại đã chết…), khi đó quyền kháng cáo của họ phải được thực hiện thông
qua người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy
định pháp luật5. Để hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần sửa đổi bổ sung khoản 2 điều
357 Bộ Luật TTHS 2015 cho phù hợp với người có quyền kháng cáo theo quy
định tài điều 331 Bộ Luật TTHS 2015. Cụ thể bỏ cụm từ “viện kiểm sát” và “bị
hại”. Nghĩa là chỉ cần quy định có kháng cáo, kháng nghị là cơ sở phát sinh quyền
của hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho
người được áp dụng, còn chủ thể nào có quyền kháng cáo thì đã được quy định tại
điều 331.

Thực tiễn xét xử phúc thẩm cho thấy trong một số trường hợp có kháng nghị
của viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại theo hướng xử phạt tội danh khác
nặng hơn tội danh viện kiểm sát truy tố và tòa án cấp sơ thẩm đã kết án, thì hội
đồng xét xử phúc thẩm đã áp dụng pháp luật khác nhau. Cùng với đó còn đang tồn
tại những tranh cãi khác nhau về quyền sửa bản án sơ thẩm về tội nặng hơn của
hội đồng xét xử phúc thẩm. Vì khoản 3 điều 298 Bộ Luật TTHS 2015 có quy định:

5
ThS.LS Nguyễn Hoài Bảo, Những bất hợp lý trong thực hành thẩm quyền sửa bản án hình sự sơ thẩm của Hội
đồng xét xử phúc thẩm (https://khoaluat.vanlanguni.edu.vn/nhung-bat-hop-ly-trong-thuc-hanh-tham-quyen-sua-
ban-an-hinh-su-so-tham-cua-hoi-dong-xet-xu-phuc-tham.html) truy cập ngày 08/06/2022
“Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố
thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người
đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì
Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Với quy định này, liệu
hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm về tội nặng hơn vượt khỏi
phạm vi truy tố ban đầu hay không?. Để tránh những vướng mắc, sai sót có thể
mắc phải, cần ban hành văn bản hướng dẫn về việc áp dụng quy định tại điểm a
khoản 2 điều 357 về quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm “áp dụng điều, khoản
của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” theo hướng hội đồng xét xử phúc thẩm khi
sửa bản án sơ thẩm về tội nặng hơn nhưng không được vượt phạm vi truy tố ban
đầu; trong trường hợp có căn cứ cho rằng cần áp dụng tội nặng hơn nhưng vượt
phạm vi truy tố ban đầu thì hướng dẫn trường hợp này áp dụng điểm đ khoản 2
điều 358 Bộ Luật TTHS 2015: “Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong
việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp hội đồng xét xử phúc thẩm
sửa bản án theo quy định tại điều 357 của Bộ luật này.”

KẾT LUẬN
Quyền sửa bản án sơ thẩm của hội đồng xét xử phúc thẩm là quyền mà pháp
luật dành cho tòa án cấp trên trực tiếp trong việc xem xét quyết định các vấn đề cụ
thể nhằm thay đổi một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm của tòa án cấp dưới chưa
có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Không chỉ thế, trong trường
hợp có căn cứ, hội đồng xét xử phúc thẩm cũng có thể sửa bản án sơ thẩm theo
hướng có lợi cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng
nghị. Việc quy định và thực hiện quyền này có ý nghĩa không chỉ về mặt pháp lý,
chính trị xã hội, mà còn góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng
chống tội phạm, bảo vệ kịp thời lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015
2. Bộ Luật Hình sự 2015
3. ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, NXB Công
an nhân dân, 2021
4. Th.S Bùi Mạnh Thuyết, Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng quy định của
BLHS về tội nặng hơn như thế nào?, 2021 (https://lsvn.vn/hdxx-phuc-tham-
ap-dung-dieu-khoan-cua-blhs-ve-toi-nang-hon-nhu-the-
nao1638270110.html) truy cập ngày 07/06/2022
5. Hoàng Đình Dũng, Quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo
của Hội đồng xét xử phúc thẩm, 2022
(https://tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/bai-viet/nghien-cuu/quyen-
sua-ban-an-so-tham-theo-huong-co-loi-cho-bi-cao-cua-hoi-dong-xet-xu-
phuc-tham6473.html) truy cập ngày 08/06/2022
6. Mai Thanh Hiếu, Quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án cấp phúc thẩm
trong tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 5, 2019
7. ThS.LS Nguyễn Hoài Bảo, Những bất hợp lý trong thực hành thẩm quyền
sửa bản án hình sự sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm, 2022
(https://khoaluat.vanlanguni.edu.vn/nhung-bat-hop-ly-trong-thuc-hanh-
tham-quyen-sua-ban-an-hinh-su-so-tham-cua-hoi-dong-xet-xu-phuc-
tham.html) truy cập ngày 08/06/2022

8. Nguyễn Thị Thủy Tiên, Quyền sửa bản án sơ thẩm của hội đồng xét xử
phúc thẩm theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường
ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, 2020
9. TS Vũ Gia Lâm, Quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho
bị cáo về phần hình sự của tòa án cấp phúc thẩm, Tạp chí Luật học, số 4,
2011

You might also like