You are on page 1of 5

HALLYU TỪ GÓC NHÌN QUYỀN LỰC MỀM

GS.TS Mai Ngọc Chừ


Hội Nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam

1. Thuộc phạm vi quyền lực, ngày nay người ta hay nhắc đến hai khái niệm có quan
hệ khăng khít với nhau, đó là “quyền lực cứng” (hard power) và “quyền lực mềm” (soft
power). Quyền lực cứng được coi là quyền lực vật chất, bao gồm tiềm lực kinh tế, tài
chính, quân sự, khoa học công nghệ, dân số v.v. Quyền lực mềm là quyền lực phi vật chất,
quyền lực thể chế. Tuy nhiên sự phân biệt như trên cũng chỉ có tính chất tương đối, chẳng
hạn sức mạnh kinh tế cũng có thể là quyền lực mềm khi thu hút, hấp dẫn nước khác bằng
sự thịnh vượng của nước mình mà không dùng đến các biện pháp cấm vận hay trừng phạt
kinh tế. Quyền lực cứng thường được các chính phủ quốc gia sử dụng nhằm mục đích
cưỡng ép hoặc mua chuộc quốc gia khác, trong khi quyền lực mềm lại thiên về chức năng
thuyết phục để quốc gia khác làm theo ý mình một cách tự nguyện. Nói theo Joseph Nye,
quyền lực cứng được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa và mua chuộc (vốn được ví một
cách trực quan với “cây gậy” và “củ cà rốt”) còn quyền lực mềm là khả năng để đạt được
điều mình muốn, thông qua sự thu hút, hấp dẫn người khác mà không cần dùng đến vũ lực
hay đe dọa. Cũng theo Joseph Nye, quyền lực mềm bao gồm 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, hệ
giá trị quốc gia và chính sách quốc gia (1).
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quyền lực cứng đã được chính phủ các quốc gia sử
dụng như một biện pháp trọng yếu và, trong nhiều trường hợp, đã mang lại hiệu quả lớn.
Câu nói “Chân lí thuộc về kẻ mạnh” đã phần nào nói lên sức mạnh của quyền lực cứng.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là lịch sử quan hệ quốc tế chỉ có quyền lực cứng. Thực
tế cho thấy nhiều quốc gia đã sử dụng quyền lực mềm rất có hiệu quả, đặc biệt là trong
chính sách đối ngoại. Ngày nay tình hình chính trị xã hội thế giới đã thay đổi nhiều. Các
quốc gia đang hướng vào mục tiêu toàn cầu hóa, hòa bình, hợp tác, phát triển, xu hướng
“đối thoại” thay cho xu hướng “đối đầu”. Trong xã hội hiện đại, sự phụ thuộc lẫn nhau
giữa các quốc gia là một đặc điểm nổi bật. Trong một bối cảnh như vậy, quyền lực mềm
càng được chính phủ các nước tận dụng. Ngay cả những quốc gia vốn rất mạnh về quyền
lực cứng như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, …cũng đã có ý thức rất rõ về sức mạnh của
quyền lực mềm.
2. So với các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật, Nga, tuy đã là một con rồng của
châu Á nhưng tiềm lực kinh tế và quân sự của Hàn Quốc vẫn ở mức thấp hơn. Do vậy
trong đường lối đối ngoại của Hàn Quốc, chính phủ rất có ý thức tập trung vào quyền lực
mềm. Đây là điều vừa phù hợp với xu thế của thời đại vừa phù hợp với hoàn cảnh và
thực lực của Hàn Quốc. Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX và những năm đầu
của thế kỉ XXI, để thực thi quyền lực mềm, Hàn Quốc đã chú trọng đến văn hóa quốc gia,
sức mạnh kinh tế, chính sách đối ngoại và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế cũng
như các liên minh cân bằng trên thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp kêu
gọi các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các cơ quan đa phương, các phương tiện
truyền thông...cùng phối hợp hành động cho mục tiêu thực thi quyền lực mềm đạt hiệu
quả cao nhất.
Nội dung quyền lực mềm mà Hàn Quốc đã và đang hướng tới chủ yếu thuộc về
ba lĩnh vực đã nói đến ở trên, tức là chính sách quốc gia, hệ giá trị quốc gia và văn hóa
quốc gia. Thực hiện các nội dung này, chính phủ Hàn Quốc nhằm vào mục đích đưa hình
ảnh đất nước và con người Hàn Quốc ra với thế giới, mà trước hết là ra khu vực Đông
Bắc Á và Đông Nam Á. Ba nội dung trên được tiến hành đồng thời và theo nguyên tắc
cái nọ hỗ trợ, bổ sung cho cái kia. Có thể thấy rõ điều này qua những chính sách quốc gia
về văn hóađược đưa ra và thực thi rất kịp thời ngay từ những thập niên cuối thế kỉ XX.
Có thể nói trong khi nhiều nước chưa ý thức rõ rệt về sức mạnh và ý nghĩa to lớn của
quyền lực mềm nói chung, văn hóa mềm nói riêng thì Hàn Quốc đã có hẳn một chiến
lược tầm xa về vấn đề này. Đây là lí do giải thích vì sao cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI,
văn hóa Hàn Quốc, hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc đã nhanh chóng “tràn”
ra khu vực và thế giới (Hallyu), thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân ở nhiều
quốc gia.
Có thể dẫn ra hàng loạt kế hoạch và chính sách văn hóa của chính phủ Hàn Quốc
trong mấy chục năm gần đây nhằm phát huy quyền lực mềm. Ngay từ những năm 1980 –
2000, Hàn Quốc đã đưa ra “Kế hoạch mới về phát triển văn hóa”, “Kế hoạch 10 năm phát
triển văn hóa”, “Tầm nhìn văn hóa năm 2000”, “Kế hoạch thúc đẩy mạng lưới thông tin
siêu tốc” (1995), “Kế hoạch thúc đẩy thông tin hóa” (1996), “Tuyên ngôn văn hóa của
tổng thống” (1998), “Luật cơ bản khuyến khích công nghiệp văn hóa” (1999), v.v. Bước
vào thế kỉ XXI, với “Chiến lược Cool Korea”, Hàn Quốc đã thực sự đưa văn hóa trở
thành vấn đề trọng đại trong chiến lược phát triển quốc gia. Đi kèm theo các kế hoạch và
chính sách là việc cho phép thành lập nhiều cơ quan, tổ chức trực thuộc chính phủ hoặc
tổng thống như “Cơ quan văn hóa sáng tạo Hàn Quốc”, “Hội ủy viên nhãn hiệu quốc

10
gia”, v.v. Tất cả những việc làm nêu trên đều hướng vào mục tiêu phát triển và xuất khẩu
văn hóa. Có thể nói chiến lược xuất khẩu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa là một
chính sách “khôn ngoan”, mang đặc trưng Hàn Quốc. Và “qua mặt” nhiều quốc gia phát
triển, Hàn Quốc đã thành công “ngoạn mục” trong chính sách này. Đi vào chi tiết, có thể
nói thêm rằng, “mũi nhọn” của xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc chính là phát triển công
nghiệp giải trí. Trong lĩnh vực này, Hàn Quốc xứng đáng đứng vào vị trí số 1: Hàn Quốc
thực sự trở thành cường quốc về công nghiệp giải trí. Năm lĩnh vực công nghiệp giải trí
mà Hàn Quốc chiếm lĩnh được thị hiếu và thị trường thế giới là game, điện ảnh, hoạt
hình, truyện tranh, phát thanh và truyền hình. Như vậy xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc
mang 2 ý nghĩa to lớn: 1) Tạo ra giá trị kinh tế, 2) Quảng bá được hình ảnh đất nước và
con người Hàn Quốc ra nước ngoài. Đi xa hơn nữa hoàn toàn có thể nói rằng hàng hóa
của Hàn Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua quyền lực mềm. “Quyền lực
mềm đã giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế
giới, bởi lẽ nhiều lĩnh vực của quyền lực mềm Hàn Quốc đều có ưu thế khá rõ như âm
nhạc, thời trang, phim ảnh …” (2)
3. Những trình bày trên đây cho thấy, đối với Hàn Quốc, văn hóa đã trở thành
một ngành công nghiệp – công nghiệp văn hóa- và là một ngành công nghiệp “mũi
nhọn” trong phát triển kinh tế quốc gia. Công nghiệp văn hóa không chỉ “hướng nội” với
mục tiêu xây dựng một xã hội Hàn Quốc nhân văn, văn minh, đậm đặc bản sắc dân tộc
mà còn “hướng ngoại” vừa với mục tiêu kinh tế, thu hút ngoại tệ về mình, vừa nhằm mục
tiêu quảng bá văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc ra nước
ngoài. Với cách nhìn như vậy thì Hallyu có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của Hàn Quốc. Hallyu là nhân tố chủ đạo của quyền lực mềm trong chiến
lược phát triển đất nước của Hàn Quốc.
Thành công của Hallyu có thể xem xét từ hai khía cạnh đã nói ở trên, tức là cả
kinh tế lẫn văn hóa. Từ góc độ kinh tế, có thể nói, Hallyu đã tạo nên cơn sốt yêu thích và
tiêu thụ sản phẩm văn hóa Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu văn hóa Hàn Quốc của Việt
Nam là một ví dụ. Năm 2006 kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc của Việt Nam đạt 800
ngàn đô la, năm 2007 hơn 1 triệu đô la và đến 2010 lên đến 4,6 triệu đô la, tăng 450%
(3). Đối với ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, doanh thu năm 2003 đạt 630 triệu đô
la, năm 2007 đạt 1,55 tỉ đô la, năm 2008 là 2, 604 tỉ đô la và năm 2010 lên đến 3,074 tỉ
đô la (4). Quả thực, xét từ góc độ kinh tế, đó là những con số rất ấn tượng.
Những sản phẩm văn hóa Hàn Quốc gắn với Hallyu có thể phân thành 2 loại: 1)
Những sản phẩm mang nội dung (content-based products) như phim truyền hình, âm

11
nhạc, truyện tranh, gameonline, 2) Những sản phẩm/dịch vụ tiêu dùng (Hardware) như
mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực, điện thoại di động, đồ điện tử, … Dù sản phẩm thuộc loại
nào cũng được người dân thế giới hào hứng đón nhận, nhất là giới trẻ. Cũng từ góc nhìn
kinh tế còn có thể thấy một kết quả khác, đó là sự gia tăng khách du lịch đến Hàn Quốc.
Nhờ Hallyu, nhiều người trên thế giới đã mang lòng cảm mến đất nước và con người Hàn
Quốc, và thế là người ta đặt tour đến xứ sở của Kimchi, nhân sâm, của sông Hàn thơ
mộng - nơi hẹn hò của bao đôi trai tài gái sắc mà người ta mới thấy “trong phim”!
Từ góc nhìn văn hóa, nhờ Hallyu, thế giới “biết đến” Hàn Quốc một cách tường
tận. Nhờ Hallyu, người khắp nơi biết đến các món ăn, mỹ phẩm và các hàng hóa khác của
Hàn Quốc. Đặc biệt, thông qua phim ảnh, người ta hiểu rõ về cuộc sống sinh hoạt gia
đình, ứng xử xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, Nho giáo, nghi thức giao tiếp…của
người Hàn Quốc. Thông qua phim ảnh, người xem, nhất là giới học sinh, sinh viên, biết
đến và ngưỡng mộ các ngôi sao Hàn Quốc. Khi được hỏi: “Bạn nghĩ sao về đất nước và
con người Hàn Quốc?”, nhiều người Việt Nam trả lời: “Thiên đường châu Á”, “Thiên
đường tuyết trắng”, ta có thể hình dung ý niệm của họ về “Giấc mộng Hàn Quốc”
(Korean Dream) (5). Đúng là “không có phương tiện nào quảng bá hình ảnh đất nước,
con người hiệu quả bằng điện ảnh” (6) và “Phim truyền hình đã giữ vai trò tiên phong
trong việc tạo nên Hallyu” (7).
Hallyu đã tạo ra được sự ngưỡng mộ của người nước ngoài đối với văn hóa, đất
nước và con người Hàn Quốc. Hallyu, do vậy, thực sự là một nhân tố có ưu thế nhất, hiệu
quả nhất trong số các nhân tố tạo nên hệ thống quyền lực mềm của Hàn Quốc. Vậy
những nguyên do gì khiến cho Hallyu có được sức lôi cuốn cao như vậy? Trả lời cho câu
hỏi này, người ta có thể dẫn ra rất nhiều lí do khác nhau: sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc
của Hàn Quốc; xã hội thực sự dân chủ, tự do đã tạo điều kiện cho người dân thay đổi
nhận thức và nhu cầu đối với văn hóa giải trí; chiến lược marketing đến khách hàng được
thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, v.v. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân quan
trọng nhất, có tính chất quyết định, đó là sự lãnh đạo sáng suốt của chính phủ Hàn Quốc
trong việc đưa văn hóa trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu – điều mà ít chính
phủ dám nghĩ và dám làm với một quyết tâm rất cao và một chiến lược thực thi bài bản,
chuyên nghiệp như Hàn Quốc. Đó cũng là một bài học mà Việt Nam có thể tham khảo.

CHÚ THÍCH
(1) Dẫn theo Hoàng Minh Lợi (chủ biên), Đối sách của các quốc giavà vùng lãnh thổ ở Đông
Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm, NXB Khoa học Xã hội, 2013, trang 10.
(2) Hoàng Minh Lợi (chủ biên), sdd …, trang 52.
12
(3) Nguyễn Thị Thắm, Một số tác động của Hàn Lưu đối với Việt Nam – Nhìn trên góc độ văn
hóa xã hội, Tạp chí Hàn Quốc, số 3/2014, trang 94.
(4) Nguyễn Thị Miên Thảo, Sự phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc hiện nay, Tạp chí
Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6/2012, trang 14-15.
(5) Phan Thị Thu Hiền, Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong giới trẻ
Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên), Tạp chí Hàn Quốc, số 1/2012, trang 29.
(6) Hoàng Minh Lợi (chủ biên), sdd …, trang 22.
(7) Phan Thị Thu Hiền, bài đd, trang 18.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Kim-myeong Hye, Hàn lưu giữa ngã ba đường – Hiện trạng và những tồn tại của Hàn
Lưu, Tạp chí Hàn Quốc, số 2/2012.
Phan Thị Thu Hiền, Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong giới
trẻ Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên), Tạp chí Hàn Quốc, số
1/2012.
Hoàng Minh Lợi (chủ biên), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á
về sự gia tăng quyền lực mềm, NXB Khoa học Xã hội, 2013.
Trương Văn Minh, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và quá trình làn sóng Hàn
Quốc thâm nhập Việt Nam qua phim truyện truyền hình, Tạp chí Hàn Quốc số 1/2012.
Nguyễn Thị Miên Thảo, Sự phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc hiện nay, Tạp chí
Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6/2012.
Nguyễn Thị Thắm, Một số tác động của Hàn Lưu đối với Việt Nam – Nhìn trên góc độ
văn hóa xã hội, Tạp chí Hàn Quốc, số 3/2014.
Dương Minh Tuấn (chủ biên), Quan điểm và đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ
Đông Bắc Á về triển vọng hình thành mô hình cộng đồng Đông Á, NXB Khoa học Xã
hội, 2014.

13

You might also like